văn hữu vườn tao ngộ

Nơi lưu trữ tác phẩm của PBTD và thân hữu. Liên lạc: phanbathuyduong@gmail.com

Thursday, March 7, 2013

phạm tín an ninh* nghỉ hè ở Mallorca


Mallorca, một hòn đảo du lịch nổi tiếng của Tây Ban Nha, nằm trong quần đảo Balearic. Trước khi đến đây, vì nghĩ là đảo, nên tưởng chỉ có rừng núi và biển cùng một vài làng mạc hay khu phố nhỏ, nhưng tôi rất ngạc nhiên khi phi cơ đáp xuống phi trường Palma rộng lớn, kiến trúc tân kỳ, sang trọng còn hơn nhiều phi trường quốc tế khác mà tôi đã từng đi qua. Palma là thủ phủ tráng lệ của Mallorca, nằm trên một dãy đồi cao nhìn xuống biển xanh. Đặc biệt khu nhà thờ Cathedral nằm bên cạnh giáo đường Mussulman, gồm những kiến trúc độc đáo, nổi tiếng theo kiểu Mediterranean Gothic từ thế kỷ thứ 13.

Phương Triều * Góc Phố

 Lạnh không em, mưa lại về góc phố
Lão ách khùng binh xập xám ăn gian
Có phải tự nhiên ta cùng lẩn quẩn
Hao hụt hoài, ruột thịt cứ ly tan !

Đỗ Hồng Ngọc * Thăm người thầy thuốc 103 tuổi

                                              Chúng ta có thể Sống thong thả



Ông mặc chiếc áo thun, ngồi trên giường đặt giữa phòng, hai chân đong đưa không chạm sàn. Cạnh đó là một tủ sách đồ sộ và một nửa bộ salon màu nhạt. Ánh sáng tràn ngập từ cửa sổ và cửa chính vào có vẻ như ông đang ngồi sưởi nắng. Thấy tôi đến, ông nheo mắt nhìn rồi nở nụ cười. “Chú nhớ ai không?” Tôi hỏi. Ông nhìn rồi mừng rỡ “Ngọc, Ngọc phải không? Ngồi xuống đây đi”. Đã lâu không đến thăm ông! Hôm sinh nhật cũng là dịp ra mắt tập thơ Thi Tâm của ông thì tôi đang ở Phan Thiết không đến được, sau đó ông đã gởi tập thơ đến tận nhà.

Nguyễn Đức Nhơn * Nhớ Y Uyên


























Rừng chồi im phăng phắc
Ta một bóng xiêu xiêu
Vai trần chân bám đất
Nặng một gánh đìu hiu

Kẽo kịt trên đường mòn
Ngõ về xa hun hút
Bóng của buổi chiều tà
Đuổi theo ta bén gót

Ngang qua đồi Nora
Ngậm ngùi bao ký ức
Một sáng nào năm xưa
Anh giã từ chiến cuộc

Một dặm đường anh qua
Bỏ sau lưng một kiếp
Chiều nay ngồi trên đồi
Ta nghe buồn da diết

Tựa lưng gốc cây già
Ngủ vùi trong mộng mị
Chợt bóng anh hiện về
Cùng ta ngồi uống rượu

Ta cựa mình ngơ ngác
Nhìn quang gánh hững hờ
Con dốc dài trở giấc
Thở khói chiều lưa thưa

Ta lặng lẽ lên đường
Mấy mùa phơi râu tóc
Nhuộm trắng cả mái đầu
Trong nỗi buồn se sắt

Ta ngó về phương xa
Từ một nơi vô định
Con chim trời bay qua
Ta rùng mình ớn lạnh.

Nguyễn Đức Nhơn


hồchíbửu * tự khúc






1.
Gã đàn ông
ngồi một mình
trên ghế đá công viên
chờ người đàn bà
không bao giờ đến

ta rong chơi ta bà
hữu thiên hữu địa
có thuỷ có chung
lầm lủi - dấn thân

2.
đã uống qua tuần rượu
ta làm xong bài thơ
viết lách giờ chỉ đủ
vỉa hè lơ tơ mơ

em đừng cười chúm chím
đừng khinh khỉnh ánh nhìn
thơ/ phương trình vô nghiệm
ngửi không nổi/ làm thinh

hồchíbửu.



Hà Thúc Sinh * Xử Nữ


Người xinh, tính khép, tuy dáng đi hơi vẹo như có thương tật nơi chân, Nhi trọ nhà trên đường Chapel, sáng sáng đáp chuyến buýt sáu giờ lên trường, đã bốn năm. Ngoài bến đợi nàng hay kín đáo mở sách ôn bài, bữa nào chia trí lắm mới lọt tai chuyện của đám đồng hành chung quanh.

Wednesday, March 6, 2013

THƠ LAN ĐÀM



UỐNG ĐI, EM

Người ơi buồn lắm mà không khóc
Mà vẫn cười qua chén rượu đầy
Nguyễn Bính, Hành Phương Nam )

Uống đi em, này ly rượu đỏ
Men rồi say, tựa sẵn vai anh
Ừ đất khách xuân hoa cũng nở
Đàn bướm quen vội vã đầu cành

Uống đi em, thêm hồng chút má
Buồn mà chi, quê cũ mù khơi
Đã xanh ngọc thủy tiên xứ lạ
Và ngoài kia sương xuống trắng trời

Uống đi em, vơi sầu lưu lạc
Chiều lênh đênh đầy những âm xưa
Nghe đồng vọng kinh cầu man mác
Khói trầm vương, nhớ mấy cho vừa

Uống đi em, ấm bờ môi lạnh
Tháng giao mùa đêm sớm sang canh
Trăng huyền hoặc ôm vườn hiu quạnh
Sao ngại ngùng, cứ dựa lòng anh


LỤC BÁT MÙA XUÂN 16

EM

Ừ em tóc cũng sương pha,
Sợi lênh đênh, lọn nuột nà dấu xưa.
Đồi cao biếc cỏ, vàng hoa,
Trăm con én liệng, chiều qua ngại ngùng.

TA

Và ta ký ức ngập ngừng,
Đầy tay hương cũ, chập chùng thân quen.
Đêm ôm cánh ngọc thuỷ tiên,
Môi thơm, hôn ngọt vị tiền kiếp xa.

HỘI HỮU

Rồi con phố biển chợt mưa,
Men say hội hữu đủ vừa nhớ nhau.
Cội mai trắng lạnh vườn sau,
Nghiêng ly rượu cạn đong sầu ly hương.

CALIFORNIA

Ba mươi năm vẫn lạc đường,
Ngược xuôi đất trích hồn vương quê nhà.
Đại dương xanh ấm giao mùa,
Nhà ai đào nở, dậu thưa bướm về.

BẠT

Gọi xuân cho động cơn mê,
Sáu mươi, chưa vẹn câu thề, tình ơi.


LỤC BÁT MÙA XUÂN 14

QUẦN ẨM

Một ly rượu đỏ đã say,
Dăm câu thơ cổ đủ ngày dài thêm.
Cội mai nở trắng bên thềm,
Ừ, quên mời bạn cỏ mềm tương tư.

LỨA ĐÔI

Này em, còn nửa đời hư,
Xin vòng tay ấm cho vừa tình nhân.
Gọi tên đêm vọng trăm lần,
Cây đào xưa đã ân cần đơm hoa.

BREA

Ở đây gió núi sương sa,
Hình như có chút quê nhà mù tăm.
Cũng xôn xao buổi đầu năm,
Thủy tiên quyện khói hương trầm lênh đênh.

BẠT

Và em, thương nhớ mông mênh,
Và ta, xuân nhật, nhẹ tênh môi cười.


LỤC BÁT MÙA XUÂN 10

BẰNG HỮU

Giấc trưa, quán nắng giữa trời,
Ly cà phê đắng, quên đời phù vân.
Trà thơm, phố núi ân cần,
Chia tay, mai đã đầy sân hoa vàng.

PHU THÊ

Gọi tên cho ấm mùa sang,
Bốn mươi năm vẫn rộn ràng yến anh.
Tóc đan, chiều tím mây thành,
Giò lan gầy cũ vừa xanh nụ hồng.

KHÚC ĐƯỜNG THI

Đông tàn, mơ một giòng sông,
Khuya nghe chuông đổ, chiều trông quê nhà.
Cầu sương, cát lạnh bờ xa,
Thuyền neo bến lạ, trăng tà lênh đênh.

VỌNG CỐ NHÂN

Cuối đường, dậu cúc buồn tênh,
Rượu men trừ tịch còn mênh mông sầu.
Dốc cao, đào sớm khoe mầu,
Thoáng hương xưa, biết tìm đâu bóng người.

BẠT

Long đong lạc nửa cuộc đời,
Chút tình phiêu bạt, xuân mời mọc nhau.

LAN ĐÀM

Sơn Nam * Ðảng "cánh buồm đen"

Từ thuở nhỏ, Sáu Bộ theo một người bạn lên núi Cô Tô để học đạo nhưng không có đạo nào quyến rũ anh được lâu dài. Hết đạo Ớt qua tới đạo Ðất ; từ giã ông đạo Ðất, anh đến thọ giới tại cốc của ông đạo Nằm. Chán ông đạo Nằm, anh đi lang thang qua núi Dài với ý định cuốc đất làm rẫy. buổi chiều đó, anh ngồi trên phiến đá, mắt đăm đăm nhìn cảnh núi rừng, chợt thấy một ông lão râu tóc bạc phơ, tay chống gậy trầm hương từ từ đi lại. Ðoán chừng đó là một trong số trăm ngàn đạo sĩ ở vùng Thất Sơn này, anh không để ý cho lắm. Nhưng ông lão nọ bỗng dừng bước trước mặt anh, nhịp gậy xuống đất ba lần, cười lên ba tiếng lớn mà rằng :
Chim bay về núi tối rồi.
Sao không lo liệu còn ngồi chi đây ?
Anh đứng dậy, chắp tay chào. Ðạo sĩ ung dung nói : - Chưa nghe lời ta ư ? Thời kỳ này là thời kỳ mạt pháp... Chim đã bay về núi, trời đã tối.
Anh đáp :
- Con chưa hiểu rõ. Bạch đạo sĩ, mạt pháp nghĩa là thế nào ? Phải chăng mạt pháp là người Pháp tàn mạt ?
Ðạo sĩ gật đầu :
- Khá khen cho con. Hiềm vì con có chí mà thiếu tài. Nghe con nói, bần đạo vui vẻ biết mấy như giữa trưa nắng mà uống được nước Cam lồ. Mạt pháp có nghĩa là thời kỳ giáo pháp suy đồi, đạo đức của tiền nhân không còn được thịnh. Tại vì nhân tâm rối loạn ư ? Cũng phải. Tại vì bọn Phú Lang Sa ư ? Thậm phải... Con hiểu sai nhưng mà nói đúng.
- Bạch đạo sĩ, đó là chuyện quốc sự của kẻ còn nặng lòng trần tục.
- Nhưng ở đây chúng ta chưa phải là tiên. Đạo sĩ nói.
Ðuối lý, anh cố suy nghĩ để trả lời. Ðạo sĩ nói tiếp :
- Thời buổi mạt pháp nầy chưa có ai thành tiên hoặc gặp tiên được. Ai nói ngược lại tức là dối mình, dối người, dối với non cao, dối với bể rộng... Muốn thành tiên thì phải dày công tu luyện để ngày kia giữ được chức vị cao.
- Bạch đạo sĩ, công tu luyện ấy như thế nào... Chức vị ấy gọi là chi ?
Ðạo sĩ nói lớn :
- Gọi là chức vị "chặt đầu Tây". Con nghe chưa ? Con nghe chưa ? Xưa kia đức Nguyễn Trung Trực phá Kiên giang. Lúc sa cơ, Người không mảy may úy tử. Trước pháp trường, giặc khuyến dụ trăm điều, hứa ban cho... ôi thôi bao nhiêu là bạc vàng, chức vị ! Người cả cười, chỉ xin thọ lãnh một chức vị : chức nào mà Người có quyền chặt đầu tất cả bọn Tây.
Giọng đạo sĩ như nghẹn ngào :
- Hỡi ôi ! Dũng tướng đã rơi đầu mà lời vàng ngọc nọ mãi rền vang trong lòng người, khắp non cao biển rộng... Chặt đầu Tây! chặt đầu Tây !
Dứt lời, đạo sĩ quay mình. Gió thổi mạnh. Lá rừng cát núi bốc lên xoay tròn mờ mịt như khỏa dấu chân, che dáng hình của đạo sĩ. Anh Sáu Bộ tất tả chạy theo, đôi mắt chóa lòa như vừa sống trong một giấc chiêm bao mầu nhiệm.
- Sư phụ ! Cúi xin sư phụ thương con !
Giữa muôn trùng cỏ cây, anh chỉ nghe đá núi vọng lại :
- Chặt đầu Tây ! Lời ấy không phải của ta nói. Con nghe không ? Lời ấy của trời đất nói.
Thế là năm năm sau, chàng trai trẻ ấy xuống núi. Tên Sáu Bộ được sửa lại là Tư Hiền, Tư Hiền chỉ mang theo cây roi dài một thước tám, bằng cây trắc. Với cây roi ấy và đường quờn Lưu Thủy, anh nghiễm nhiên trở thành chúa đảng Cánh Buồm Ðen, hùng cứ từ mũi Cà Mau đến hải phận Hà Tiên.
Sáng tinh sương. Như thường lệ, Tư Hiền định cho ghe chạy dài theo mé biển. Vừa tách khỏi hòn Tre, gió nam thổi xuôi đưa anh về phía hòn Sơn Rái.
Kìa, một chiếc ghe trôi bềnh bồng theo sóng, lá buồm sụ xuống, cột buồm đứt hết dây chằng. Lập tức anh cập lại đoán có người vừa bị nạn. Trong ghe nọ chỉ thấy một ông lão nằm mê man bất tỉnh. Sau khi được cạy miệng uống hớp nước lạnh, ông tỉnh lại nhìn dáo dác :
- Ông đây là ai ?
Tư Hiền đáp :
- Tôi là người đi mò ngọc điệp ở hòn Nhạn.
Ông lão khóc nức nở :
- Ăn cướp đánh tôi. Cha con tôi đi Rạch Giá bán tôm khô, về ngang đây bị nó chận lại giựt hết tiền, bắt luôn con gái ; hẹn ba ngày sau đem trả lại.
Tư Hiền nói :
- Nó đi hướng nào ? Lâu mau rồi ? Tôi bắt tụi bất lương này đem về lập tức cho ông coi.
Tức thời buồm mũi và buồm lái xổ ra. Tay anh siết dây lèo thượng. Ghe phóng nhanh tới. Không mấy chút, đã thấy một đốm đen trước mặt.
Anh thét to :
- Tụi bây coi tao !
Chiếc ghe trước vẫn giương hai cánh buồm màu đen chạy ngạo nghễ, khinh thường. Anh cho ghe sát lại, nhảy qua quơ roi đánh mạnh khiến sợi dây chằng ghe nọ phải đứt. Buồm sụ xuống. Ghe chạy đảo nghiêng gần chìm. Nghe vù một tiếng, Tư Hiền vội né mình. Biết rằng gặp tay đối thủ lợi hại, anh bình tĩnh chống đỡ. Chợt liếc phía sau, thấy ngọn lao phóng tời, anh lách qua. Ngọn lao đâm trúng bẹ ghe, ghìm sâu vào, tên nọ lỡ trớn té xuống biển.
- Biết ta là ai chưa ?
Chưa dứt lời, Tư Hiền đã gài ngọn roi của tên còn lại xuống sạp. Hắn cố sức gỡ lên nhưng không xuể, rốt cuộc đành quì xuống :
- Nói thiệt với ông, tôi là ăn cướp biển. Lâu nay tôi từng gặp nhiều người tài giỏi nhưng chưa ai bằng ông. Tên thiệt tôi là Năm Bùn.
Tư Hiền đáp :
- Tại sao đánh một người già cả, nghèo hơn mình ? Con gái của người ta mày giấu ở đâu ? Mau trả lại. Ðồ du côn !
Năm Bùn năn nỉ :
- Trăm sự chỉ vì tôi chưa hiểu. Cô đó tôi giấu dưới khoang hầm.
Tư Hiền rất đỗi ngạc nhiên khi thấy nhan sắc khá lộng lẫy của cô nọ. Cô quì xuống lạy tạ ơn. Lập tức, anh bèn đưa cô sang ghe mình. Sau khi nhận lời hứa tái ngộ với Năm Bùn tại hòn Ðá Bạc, anh cho thuyền trở về gặp ông lão nọ.
Ðêm ấy anh ăn cơm ở Rạch Cóc, tại nhà ông lão. Nhơn bữa ăn, anh nhận thấy ông lão có ý tạ ơn mình bằng cách gả con gái cho, nếu anh muốn. Anh viện nhiều lẽ để từ chối. Trước lòng chân thành của gia đình, anh hứa sẽ trở về cưới, sau một thời gian hai năm.
- Kim Thoa ! Ðừng buồn nghe em. Anh thề chết sống gì cũng trở lại cưới em làm vợ. Bây giờ anh phải ra đi. Anh đi sao thì về vậy...
Từ giã xong. Tư Hiền cho ghe tách bến, nhắm hướng hòn Ðá Bạc đúng theo lời hứa với Năm Bùn.
Thấy ghe của Tư Hiền đến đúng hẹn, Năm Bùn vô cùng mừng rỡ, khâm phục và ra lịnh cho bộ hạ phải nghiêm chỉnh đón chào.
Ðể tỏ lòng thành thật của mình, Tư Hiền đi hai tay không, để cây roi dưới ghe. Chào hỏi xong xuôi anh nhờ Năm Bùn cho bộ hạ lấy roi lên giùm mình. Lúc ăn uống, Tư Hiền ao ước được thưởng thức võ nghệ của đảng Cánh Buồm Ðen. Ðể đáp tạ, anh biễn diễn cho ai nấy xem một đường roi Lưu Thủy đã học được trên núi. Lúc biểu diễn, người ở ngoài tự do ném đá hoặc phóng dao vào thử. Ngọn roi xoay chung quanh mình anh như nước chảy không dứt, không rời, chớp nhoáng như gió...
Kết quả là Năm Bùn sẵn sàng giao đảng Cánh Buồm Ðen cho Tư Hiền làm đảng trưởng. Nhờ vậy đảng được chỉnh đốn lại.
Hằng ngày, các bộ hạ phải luyện tập võ nghệ cho tinh thông, cấm tuyệt không xâm phạm tài sản của người chài lưới ở ven biển. Hai kẻ thù chánh cần đánh đổ không nương tay là đoàn tàu "đoan" của Tây và ghe buôn lậu Hải Nam.
Từ đó về sau, nhiều tin tức mới lạ được làm đầu đề bàn tán cho dân chúng miền duyên hải Rạch Giá, Cà Mau :
- Trời ơi ! Hai thằng con trai của ông X. bị ghe Hải Nam bắt, tưởng biệt tích... Ai dè mấy ông Buồm Ðen giựt lại được.
- Sáng hôm qua, có cái chưn vịt tàu của tụi "tàu cáo" để sẵn trên sân chợ. Tây hoảng hồn nhìn ra đó là chưn vịt của chiếc ca nô tuần biển đi mấy bữa rày chưa thấy về.
- Mấy ông Buồm Ðen đốt ghe Hải Nam ở hòn Nhạn. Bên này chết ba, bên kia chết trọn tàu...
Ba năm sau, có tin đảng Cánh Buồm Ðen đã rã.
Người đồn rằng : Chúa đảng vì quá giàu có nên trốn qua Xiêm. Không tán thành ý đó, kẻ khác quả quyết rằng chính mắt mình đã thấy xác chúa đảng trôi tấp vào bãi. Từ sáu tháng nay, đảng Cánh Buồm Ðen là đảng giả mạo.
Gia Ðình của cô Kim Thoa khổ tâm hơn hết. Một đêm lạnh lẽo nọ, có tiếng gõ cửa. Tư Hiền bước vào, ôm ghì lấy người hôn thê :
- Anh phải về, không bao giờ anh làm nghề này nữa.
- Tây tập nã anh, phãi không ?
- Số là anh vừa giết oan một người. Tụi ghe Hải Nam lên hòn để mua heo, chừng kéo neo chúng không chịu trả tiền ; anh đánh chết năm đứa. Nhưng rủi thay gặp một đứa biết võ nghệ khá cao. Anh đánh roi xuống. Nó đứng trên bãi, đưa roi lên đỡ trúng. Ngặt anh xuống tay mạnh quá, nó lún xuống bùn, ngã lăn trào máu miệng. Lúc hấp hối, nó ngoắc anh lại mà nói : "Tôi không phải chủ ghe. Tôi ở mướn mãn đời, giết tôi mà chi !". Cảm động quá, anh cúi xuống xin lỗi nó, nó khoát tay anh ra, nói tiếp : "Tôi tha lỗi thì được. Còn vợ con tôi ở Hải Nam cũng đương làm mướn, Làm sao anh xin lỗi được..."
Kim Thoa ! Em nghe anh nói lại chưa ? Ðây là lần đầu tiên trong đời mà anh đau đớn nhứt. Anh giết oan người ta. Ngọn roi này, anh xuống tay mạnh quá, bị ô uế rồi. Tội nghiệp, chết không nhắm mắt mà ngón tay hắn còn chỉ về phía biển khơi, nơi quê vợ con. Thấy phận người mà nhớ tới phận mình, anh vội về đây.
***
Tháng hai năm 1946. Có tin : Tây trở lại chiếm gần tới Rạch Giá, chúng đã nhảy dù xuống biên giới Việt Miên gần núi Sam, Châu Ðốc. Dân chúng sục sôi căm hờn tập trung lại ngọn Cái Bắc để bày mưu kế. Có đến trên ba mươi thanh niên tình nguyện đi bắt sống bọn Tây nhảy dù ở xa cách quê nhà hằng hai trăm cây số. Họ thiết lập một bàn thờ Tổ quốc giữa rừng, lấy củi tràm đốt thế cho trầm hương và mượn mặt đất để làm đỉnh đồng. Y phục của họ khác nhau, nhưng giống nhau ở chất vải màu luốc luốc, chứa chấp bao nhiêu rận. Giữa quang cảnh mộc mạc, thiêng liêng đó, người ta thấy một ông lão râu tóc bạc phơ chống cây gậy cao khỏi đầu bước ra.
Ai nấy thầm thì :
- Ông Năm Lập thợ câu của xóm mình !
Ông lão nọ bỗng rưng rưng nước mắt :
- Không ! tôi không phải Năm Lập. Tên thiệt của tôi là Sáu Bộ. Có mấy năm đó, tôi lấy danh hiệu Tư Hiền, cầm đầu đảng Cánh Buồm Ðen.
- Trời ! Chúa Ðảng là đây sao ?
- Nói thiệt với bà con, tôi mai danh ẩn tích. Hôm nay tôi phải ra mặt. Nếu ngồi ì ở nhà, không ai làm gì tôi, nhưng tôi cảm thấy nhục nhã như thiếu món nọ gì đối với trời đất, núi non. Nếu xét tôi có tội, anh em cứ giết tôi để tế cờ. Bằng không thì cho phép tôi truyền lại bí quyết nhiệm mầu của đường Lưu Thủy mà thầy tôi dạy hồi năm mươi năm trước. Ðường quờn này ít ai biết lắm, lúc tôi diễn, bà con cứ ném cây, phóng dao vô mà không bao giờ trúng tôi.
Ông đứng thẳng người, hai tay chắp cây roi lên bái tổ rất kính cẩn. Rồi thì vút một tiếng, ngọn roi xoay tròn che lấp thân ông như dải lụa, như nước từ trên thác tuôn xuống chấp chóa. Ðến kẻ ngỗ nghịch nhứt cũng không dám ném cây vào để thí nghiệm như ông cho phép.
Lại một cuộc bàn tán náo nhiệt, vô trật tự :
- Học được đường quờn của ổng, chắc Tây về nước rồi. Thời giờ cấp bách lắm !
- Ði bắt "Tây nhảy dù" chỉ cần thanh niên lanh lẹn. Ông đi không được đâu. Ðể tụi tôi đốn tầm vông vạt nhọn, lẹ hơn...
Giọng ông lão nói ngậm ngùi :
- Không lẽ tôi tự vận. Bà con thương tôi. Nó là cây roi có chức vị "chặt đầu Tây" của tổ sư tôi truyền lại ở núi Dài, năm đó.
- Thôi, lộn xộn quá. Ông cho tôi cây roi này để làm cán mác thì hợp thời hơn, chặt vắn lại vài tấc, đầu kia tra lưỡi mác thông. Có chất sắt thêm vô, ngọn roi của ông mới xài được. Tôi biết là hư cây roi, uổng lắm nhưng ông chịu phiền.
- Ừ. Làm gì thì làm, miễn dùng nó được thì thôi. Thiếu củi nấu cơm, chặt khúc nó mà chụm, lão đây cũng không tiếc. Mấy cháu biết không ? Ðây là thời kỳ mạt pháp.
Ðoàn quân ra đi gấp. Làm sao họ có thời giờ để hỏi han ông về một đôi danh từ xa lạ đó ? Họ tản ra bốn hướng trời, ít người được trở về xóm cũ. Sau đó vài tháng, giặc vào đốt xém. Ông lão nọ chết vì không chịu tản cư, lưu lại một tình cảm lạ lùng, khó dứt khoát đối với những ai chưa hiểu rõ hoàn cảnh đặc biệt của phần đất Cà Mau tận cùng này.

Vũ Hoàng Chương * Trường ca sát Thát

VHC qua Tạ Tỵ


Ðoàn người ấy mọc lên trong sa mạc,
Cả một rừng gươm trên lưng ngựa trưởng thành.
Ðoàn quân ấy từ phương Ðông xuất phát,
Lũ con nuông bất trị của Trời Xanh!
Chỉ nhắp có hơi men “xung sát”,
Chỉ say sưa bằng những miếng “giao tranh”.
Nhằm hướng Phi châu,
Ngựa vọt tới đâu là đời sống tan tành,
Biển ngập máu còn mang tên “Hồng hải”.
Cờ phất Âu châu,
Ngựa dẵm tới đâu là xương phơi thịt giãi,
Biển đeo tang còn “Hắc hải” ghi danh.
Như ngọn cuồng lưu, như cơn bão cát,
Từ Mông cổ, Tân cương, đến Ba tư, Bách đạt,
Trở về Hoa hạ, Yên kinh;
Lũ “Thiên kiêu” từng bắc chiến tây chinh
Lẽ nào để một phương không xéo nát:
Trời Nam riêng cõi thanh bình!
Lẽ nào để chiếc ngai vàng Thát Ðát
Ba chân trời đại lục đứng chênh vênh!
Hay đâu:
Bắc phương vừa quẫy đuôi kình,
Rồng thiêng đã sớm cựa mình Nam phương…
Trần triều hai Thánh đế
Hưng Ðạo một đại vương;
Hội mở Diên hồng
đất nước vang rền khí thế,
Hịch truyền Vạn kiếp
trời mây sáng rực văn chương
Ý gửi từ muôn dân, lệnh trao từ chín bệ,
Thì: nắm đầu giặc như chơi
cướp giáo giặc cũng dễ.
Ðây: cửa sông Hàm tử
bến đò Chương dương;
Nuốt sao Ngưu chẳng phải việc hoang đường.
Nam phương cường? Bắc phương cường?
Máu đào loang sóng Phú lương mấy lần!
Sét nổ trăm hai ngọn ải Tần,
Giang Hoài bốn tỉnh lại ra quân…
Năm mươi vạn tinh binh ruổi ngựa
Tràn xuống Thăng long
như cả một khu rừng bốc lửa
Những “cây sắt”, con nòi Thiết Mộc Chân.
Giống Hồng Lạc giữa hai đường sinh, tử,
Trông lên: sợi tóc buộc ngàn cân.
Chợt đâu đó, xé rèm mây quá khứ,
Xa thăm thẳm mấy ngàn năm Việt sử
Rọi về tia mắt tiền nhân,
Thiêu tàn khoảnh khắc bao do dự,
Cả đến thép vô danh cũng rực ánh gươm thần.
Sát cánh vua cùng dân,
Chung lòng tướng với quân,
Phá cường địch… Cờ ai sáu chữ,
Báo hoàng ân là báo quốc ân.
Trăm họ chẳng ai còn lưỡng lự,
Sông núi nào riêng một họ Trần!
Bình Than lại nổi phong vân,
Một gươm Tiết chế hai lần trao tay…
Lời Đại vương truyền nín cỏ cây;
Ba quân hào khí ngất từng mây.
Vụt nghe tướng lệnh, vươn mình thét:
“Sông Bạch Ðằng tôi có mặt đây!
Hán, Hồ… cũng đến chôn thây,
Trước sau một khúc sông này mà thôi.”
Triều non bạc lên ngôi… giờ lịch sử!
Và xuống ngôi… theo lệnh đại vương truyền.
Nước rút đi, như ngàn vạn mũi tên
Lấy Ðông hải làm bia nhằm bắn tới.
Một ám hiệu! Kình nghê vừa mắc lưới!
Thuyền vương sư liền quật khởi tranh phong
Tay chèo nổi ngược cơn giông
Tiếng hô “Sát Thát” vang sông ngập bờ.
Duyên giang một giải
Lau cũng phất cờ;
Mùa xuân gần cuối
Vẫn sóng bay hoa;
Ngang trời động sấm tháng Ba
Dọc sông chớp giật sáng lòa gươm dao.
Cũng nơi đây Bạch Ðằng giang một khúc
Ngô vương từng chém Hoằng Thao!
Gió mây thôi thúc
Quằn quại ba đào…
Chợt tưởng niệm, máu càng sôi sục,
Tinh thần quyết thắng bốc lên cao.
Thế phản công làm giặc dữ nôn nao
Chúng hoảng hốt vội thu quân về thượng lưu sông Bạch.
Nhưng số phận Hung Nô, người phương Nam đã vạch,
Hỡi ơi, bằng giáo sắt cắm ngang sông!
Ðáy trường giang là cả một bàn chông,
Nằm đợi sẵn, khi thủy triều xuống thấp,
Ðoàn thuyền giặc lùi qua bị xô nghiêng lật sấp,
Bị xé ra từng mảnh, vỡ tan thây…
Giữa lúc rồng thiêng mở vuốt tung mây:
Quân tiếp ứng của vương sư ào xuất trận.
Và:
Hưng Ðạo Ðại vương Trần Quốc Tuấn
Hiện ra như một vị thần linh;
Chớp mắt trên sông bặt sóng kình!
Thế là đã nơi này bỏ xác
Lũ con nuông của Trời Sa mạc
Khắp Á Âu từng vạn lý trường chinh.
Bọn chúng ngờ đâu một sớm cõi Ly minh,
Thân bách chiến bỗng quay về hạt cát;
Trôi theo sóng cả tiếng tăm nòi Thát Ðát,
Cả giấc mơ xâm lược chúa Hồ Nguyên…
Chàm thích tay ai nét ảo huyền,
Ngọn trào pha máu sắc tươi duyên.
Chàm xanh, máu đỏ, nền sông trắng,
Bức vẽ Ðông A vạn cổ truyền…
Ấy ai qua chốn giang biên,
Khói đầy khoang, giấc sầu miên lạnh lùng!
Tiếng kình vang đợt sóng rung,
Có nghe chăng?
Có thẹn cùng người xưa?
Riêng ai: nước cũ mây mờ,
“Thái bình diên yến” câu thơ lệ nhòa.
Tháng Giêng kỷ niệm Ðống đa
Sông Ðằng kỷ niệm tháng Ba… mấy lần?
Ðầu mùa xuân, cuối mùa xuân,
Cánh tay Ðế Nguyễn Vương Trần nào ai?

VŨ HOÀNG CHƯƠNG


phan bá thụy dương * bài túy ca viết trên cố hương

tặng: Đỗ Hồng Ngọc, Huỳnh Tấn Thời, Trần Thiện Hiệp.


1-

ghé quán bên đường cạn một ly
cơ hồ tiền kiếp gợi sân si
rót thêm chai nữa – thêm chai nữa
thì chuyện tới lui có xá gì

ngửa mặt cười khan cùng nắng quái
men nồng như phảng phất đâu đây
người xưa tích cũ trong thi sử
ai kẻ luận đàm việc tỉnh say
thôi tôi, cời chút than sưởi gió
vói tay bắt bóng trả cho mây

2-
tôi chỉ là người khách ly hương
dừng chân nghỉ lại quán ven đường
tìm nỗi hoài tình hương thắm cũ
cùng bạn xưa nhắp chén hồ trường
rồi mai rồi mốt về bên ấy
còn một chút gì để vấn vương


rằng thêm ly nữa - thêm ly nữa
hồ trường – hồ trường !
tôi tỉnh hay mê ?
quê nhà tôi, tôi nhớ tôi về
ngờ đâu giờ đã bốn bề tịch liêu
hoàng hôn thắp cánh sương chiều
mà sao cảnh vật tiêu điều lá hoa ?
thôi - tôi cạn chén quan hà

3-

tôi chỉ là người khách tha phương
những đóa ô môi rơi rớt bên đường
sao hiu hắt ngậm ngùi như cỏ úa.
khúc hoài ca lạc điệu giữa cố hương

uống thêm chai nữa –
thêm chai nữa
cứ dâng rượu tiếp để môi mềm
ghế thấp ghế cao -
quẩn quanh quanh quẩn
đêm –
đêm đã về chưa ? trăng đã lên ?