Chúng ta có thể Sống thong thả
Ông mặc chiếc áo
thun, ngồi trên giường đặt giữa phòng, hai chân đong
đưa không chạm sàn. Cạnh đó là một tủ sách đồ sộ
và một nửa bộ salon màu nhạt. Ánh sáng tràn ngập từ
cửa sổ và cửa chính vào có vẻ như ông đang ngồi sưởi
nắng. Thấy tôi đến, ông nheo mắt nhìn rồi nở nụ
cười. “Chú nhớ ai không?” Tôi hỏi. Ông nhìn rồi
mừng rỡ “Ngọc, Ngọc phải không? Ngồi xuống đây
đi”. Đã lâu không đến thăm ông! Hôm sinh nhật cũng là
dịp ra mắt tập thơ Thi Tâm của ông thì tôi đang ở
Phan Thiết không đến được, sau đó ông đã gởi tập
thơ đến tận nhà.
Ông chính là bác
sĩ- họa sĩ Dương Cẩm Chương. Quý Tỵ này vừa tròn
103 tuổi. Ông nói đó là tính tuổi ta chứ tuổi tây thì
mới 102 thôi!
Chú khỏe không?
Khỏe. Khỏe chứ! Tôi ngồi phía salon, cách giường ông
khá xa. Ngồi đây xa quá, nói chú nghe có rõ không? Được,
được. Nói to tí là được. Nhưng rồi tôi thấy tốt
hơn nên dịch đến chỗ ghế kê sát giường ông, đỡ
phải nói to. Trên ghế nào đồng hồ, nào điện thoại
di động, chuông điện gọi người nhà các thứ…
Tôi “hành nghề”:
Tai chú còn thính quá hả? Ừ, còn tốt lắm. Ông trả
lời. Còn mắt thì sao? Chú đã phải mổ cườm chưa? Mổ
một bên rồi! Mổ hồi 75 tuổi ở Maroc. Hơi trễ. Sao lại
mổ ở Maroc? Vì khám ở Pháp họ nói còn tốt không chịu
mổ. Các con tôi là bác sĩ đều khuyên phải mổ. Nhân đi
Maroc, ở đó có một bác sĩ mắt giỏi nên mổ luôn.
Nhưng phải làm anesthésie générale (gây mê toàn thân) đó!
Tốt đến bây giờ. Mắt trái hỏng, chỉ còn thấy
lumière (ánh sáng). Bác sĩ Pháp cũng không chịu mổ, nói
già quá rồi, gây mê toàn thân ngại! Thôi một mắt sáng
đủ rồi!
Ông tiếp: Năm rồi
có hai cái mất lớn Phạm Duy và Trương Thìn. Tôi vừa
gặp Trần Văn Khê ở buổi Họp đồng hương Huế, Khê
trẻ và vui lắm. (GS Trần Văn Khê nay đã 93 tuổi, với
ông là một người quá trẻ!).
Chú ngủ tốt không?
Tốt. Ngủ mấy tiếng? 9 tiếng! Thấy tôi có vẻ ngạc
nhiên ông nói rõ hơn: mỗi đêm ngủ từ 9 giờ tối đến
6 giờ sáng. Ngủ vậy mới khỏe. Trước khi ngủ thì coi
như xong hết mọi việc trong ngày. Sáng dậy là một ngày
hoàn toàn mới! Chú có bị prostate (tiền liệt tuyến)
không? Không. Đêm dậy chỉ 2 lần. Sáng nào tôi cũng theo
dõi cân nặng, huyết áp và glycémie (đường huyết). Chú
bị Tiểu đường hả? Không. Xưa có bị nhẹ. Nay đề
phòng thôi. Còn đi lại thì sao? Người cháu nói: Ông vẫn
đi lại gần gần từ đây đến đó, có cháu nương theo
vì sợ ông té ngã.
Tôi nhìn ông, không
thể biết là trên trăm tuổi. Tươi tắn, hóm hỉnh, hơi
móm mém một chút. Biết đang bị… quan sát, ông kêu cháu
đem bộ răng giả ra, gắn vào rồi cười: có nó dễ nói
chuyện hơn! Da nhăn, dúm dó như giấy nhưng cơ bắp còn
rắn lắm. Ông siết chặt tay tôi để cho tôi ướm biết
lực cơ của ông ra sao. Rõ ràng là ông rất sáng suốt.
Chú tập luyện thế
nào? Ngày hai lần. Mỗi lần 30 phút, sáng lúc 10 giờ,
chiều lúc 3 giờ. Tập gì? Đi vòng vòng với cái marchette
đó (xe đi) và tập tay, chân, lưng…trên giường.
Tôi tiếp tục: Chú
ăn uống ra sao? Ngon. Ngày 3 bữa. Sáng sữa và pâté. Trưa
chiều cơm với cá thịt và nhiều rau. Phải có azote (chất
đạm, protêin) chứ! Tính calo thì chừng bao nhiêu? Không
tính. Ăn ít thôi! Chú bón không? Chút chút thôi.
Ông kêu người cháu
mang máy hình đến chụp vài tấm kỷ niệm. Người cháu
choàng thêm ông cái áo sơ mi. Tôi nói, đừng gài nút,
trông chú nghệ sĩ hơn!
Chú có hút thuốc
lá không? Có. Rượu nữa. Xưa hút nhiều lắm. Ngày 4 gói!
Nhưng đã bỏ rồi. Ông kể, sau thế chiến thứ hai
(1945), ông là bác sĩ phẫu thuật ở bệnh viện Chợ Rẫy.
Người Pháp rút về hết nên chọn 5 bác sĩ thay thế họ
qua một kỳ thi. Ông giáo sư Pháp xét tay ông nói ông hút
thuốc nhiều quá, muốn dự thi thì phải bỏ thuốc lá.
Từ đó ông bỏ luôn. Kỳ thì có 60 người dự, ông đứng
đầu trong 5 người!
Tôi đổi đề tài:
Chú còn vẽ không? Không, đã ngừng vẽ mấy năm nay vì
vai phải đau không giơ lên được. Thì chú vẽ tay trái.
Không được. Thấy chú vẽ mấy bức tranh khỏa thân rất
đẹp. Người mẫu nào, ở đâu vậy? Ở trong trường!
Tôi mê hội họa từ nhỏ, từng học dự thính ở Trường
cao đẳng mỹ thuật Hà Nội, sau này học thêm hội họa
ở Mỹ và Pháp, lúc còn sống bên đó.
Không vẽ nữa thì
bây giờ chú làm gì? Viết. Và mỗi ngày tôi vẫn làm cái
gọi là “Cập nhật” . Là sao? Là coi lại các ghi
chép xưa nay, nhờ vậy mà trí nhớ tốt. Tốt thiệt. Chỉ
thỉnh thoảng thấy ông lặp đi lặp lại cùng một chuyện
như chuyện mổ mắt ở Maroc, ông có vẻ chê mấy bác sĩ
Pháp không dám mổ cho ông vì ngại điều gì đó...
Ông bảo nguyên tắc
sống của ông bây giờ là “Cái thân ngoài vật là tiên
trên đời” (cái “thân” ở ngoài cái “vật”, nghĩa
là không còn dính mắc gì cả thì sướng như tiên!). Rồi
ông tự cười mình: nhưng thực tế vẫn còn phải… ăn!
Ông nói năm ngoái
(2012), có viết một bài tựa là “Tuổi già đi lên hay
đi xuống?”, ý chính tuổi già có đáng sống hay không?
Ngọc đã có bài này rồi chứ? Dạ, chưa! Chắc chắn là
có rồi. Tôi đã gởi cho hết các bạn bè mà! ( Ông gởi
tôi nhiều thứ lắm, kể cả thư riêng nhưng nhớ hình
như chưa có bài này; hay tôi đã… lẩm cẩm, quên
chăng?).
Rồi ông giải
thích: Tuổi già… đáng sống! Già có nhiều atout
lắm (atout: có con chủ bài, có lợi thế, có điều kiện
hơn). Già có nhiều exotisme (ngoại lai) lắm: Một là
không phải làm việc; hai là có nhiều thì giờ nhàn rỗi
và ba là sống duy tâm hơn duy vật!
Không phải làm việc
nên chỉ làm… cái gì mình thích. Như ông hồi nhỏ thich
vẽ mà sau học y khoa, tới tuổi hưu thì trở về với
hội họa. Ông tự hào làm nghệ thuật đồng thời với
nghề y suốt đời mà “cái đời nghệ thuật bốn chục
năm dài hơn con đường y nghiệp”.
Từ ngày về hưu,
công việc của ông chỉ có đi và vẽ. Thú vị. Thú vị
lắm! Ông lặp đi lặp lại. Thì giờ nhàn rỗi là một
thứ tuyệt vời. Nhàn rỗi tạo ra hạnh phúc. Danh tiếng,
tiền của cũng không có được! Còn tuổi già sống duy
tâm hơn duy vật nên tìm được con đường dung hòa giữa
nhiều thế hệ, tìm được con đường sám hối khi nhìn
về quá khứ…
Chuyện tình yêu thì
sao chú? Tôi định hỏi về những chuyện… tình của ông
trong quá khứ nhưng ông đã khéo léo… lái qua hướng
khác: Tình yêu rất quan trọng. Có ba thứ quyết định
trong đời: Một là tình yêu, hai là việc làm và ba là
sức khỏe. Ba cái đó cái nào quan trọng nhất? Ba cái như
nhau. Không có sức khỏe thì không làm được gì hết còn
tình yêu là làm cái gì mình thích…
“Tôi nghĩ chúng ta
có thể Sống thong thả với thuyết Bình Tâm Tri Đạo của
Thiền”.
Người cháu ra dấu
đến giờ cho ông ăn chiều. Tôi vội cáo từ và hẹn
ngày khác sẽ tiếp tục câu chuyện đầy thú vị với
ông… về một nghệ thuật “Sống thong thả”…
Đỗ Hồng Ngọc.
(Saigon 2.2013)