văn hữu vườn tao ngộ

Nơi lưu trữ tác phẩm của PBTD và thân hữu. Liên lạc: phanbathuyduong@gmail.com

Friday, October 4, 2013

TRÚC THANH TÂM * trăng quê nhà

Phố nhỏ mình ta căn gác vắng
Khói thuốc mông lung nhớ mái tóc dài
Nhớ chiều tan học quen tiếng guốc
Đâu ngờ dâu bể lạc tình ai !

Đời quanh quẩn rày đây, mai đó
Gạo chợ nước sông, một kiếp người
Nhìn khói đốt đồng thương quê mẹ
Mà nghe nước mắt cứ chực rơi !

Mấy chục năm rồi, ta bạc tóc
Nhớ mẹ ru kẽo kẹt võng đưa
Nhớ tiếng quốc kêu lòng thổn thức
Vẫn chưa quên được tiếng gà trưa !

Đêm nay ta thấy trăng gác núi
Treo nỗi buồn ta một phía trời
Một vầng trăng nhưng mỗi nơi mỗi khác
Một cuộc đời nhiều ngã rẽ, em ơi !

tháng 10. 2013
TRÚC THANH TÂM

PHAN TẤN HẢI * một thời để mãi võ

Một trong những lời tôi được học và đã nhập tâm ngay từ lần đầu nghe tới là Thâm Tín Nhân Quả, nghĩa là Phải Tin Sâu Vào Nhân Quả. Hình như luôn luôn có cái gì đáng sợ trong cuộc đời mà tôi lúc nào cũng cảm nhận được. Không phải là những điều cụ thể như sợ thất bại trong đời, mà là một nỗi lo mơ hồ không rời, đúng ra phải nói là khó rời. Nó như cái định mệnh chụp lên đời người, không cách chi chạy được. Và với tôi nhiều thập niên sau trong đời, tin sâu vào nhân quả là một trong những cách dứt bỏ nỗi sợ trên.

NGUYỄN AN BÌNH * đôi mắt ĐÀ LẠT

@ Hồ Thành Đức

Lòng anh…ai bảo không vương vấn
Đôi mắt Đà Lạt thật dễ thương
Bởi có em cùng làn mây trắng
Mãi nhìn theo nên mới lạc đường.

Chùm mimosa vàng phơn phớt nắng
Lên đồi xuống phố hẹn hò mưa
Một cốc cà phê chưa đủ ấm
Đâu bằng đôi mắt ướt đong đưa.

Trời tháng tám sao sương lãng đãng
Hình như má em hồng quanh năm
Anh ngơ ngẩn mãi mùi hương thoảng
Có bốn mùa hoa nốt nhạc trầm.

Chợt nhớ tay thon người em gái
Mai về phố chợ tận đâu đâu
Dáng em còn mãi trong sương núi
Thương đôi mắt ướt thuở ban đầu.

Tháng 10/2013

ĐỖ HỒNG NGỌC. * Thư gởi bạn xa xôi…


Sinh hoạt văn nghệ”

Kể chuyện sinh hoạt văn nghệ gần đây hả? Ừ được. Trong tháng 9 này cũng khá sôi nổi. Mình kể bạn vài “vụ” mình có tham dự thôi nhé.

* Đầu tiên là Thứ bảy 7.9, mình nói chuyện ở chùa Xá Lợi về “Vận dụng tư tưởng Kim Cang Bát Nhã trong cuộc sống”. Ủa, cái chuyện vận dụng này không phải “văn nghệ” hả? Mình lại thấy nó văn nghệ. Nếu không, sao lúc này thấy thơ bạn nhiều bài về thầy và chùa? Nào có người tự dưng mang con giao cho thầy, rồi tự dưng đến đòi lại, nào chuyện thầy quét lá trước cổng chùa gặp… tiền kiếp của mình v.v... Vậy mà không văn nghệ là gì? Chỉ cần “vận dụng” câu ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm hay “tức phi / thị danh” cũng đủ quá văn nghệ rồi? Vì nó làm cho cuộc sống đẹp hơn, bạn không thấy sao?

Monday, September 23, 2013

TRẦN VẤN LỆ * đời này đời sau


Mỗi buổi sáng, ông thắp nhang cho vợ, rồi lăn bánh xe lăn ra bệ cửa, ông ngồi.  Nhớ cháu, thương con góc biển chân trời, đốt điếu thuốc nhìn khói bay lãng đãng…

Mỗi buổi sáng, mỗi ngày một buổi sáng, mỗi buổi trưa và…mỗi một buổi chiều.  Cuối đời ông, ông buột miệng:  Buồn Hiu.  Con chim sẻ trên nhành cây vỗ cánh…

May mà ông có chỗ ngồi trốn lạnh, biết bao người đang lang thang kia.  Sau chiến tranh nhiều người đi không về.  Sau chiến tranh, mở ra đời…tứ tán!

Ông gạt tàn thuốc, ông nhìn khói tản.  Cây nhang trên bàn thờ cháy cạn đến chân nhang.  Một ngày mới ngổn ngang:  Ngoài đường xe chiếc xuôi chiếc ngược!

Ông mong lắm một tiếng chân ai bước / lên thềm nhà…Đã lâu lắm, rất là lâu.  Chỉ có mây bay qua trên những mái ngói lầu / và…khói xám trên những túp lều tranh ảm đạm.

Ông nhìn ra sông, có mấy giề bèo trôi, bám, / dưới chân cầu, ông nghĩ tới đời ông.  Ông nhớ cháu, thương con; ông thương nhớ vô cùng.  Lăn bánh xe lăn, ông trở vào giường nằm, ngó lên bàn thờ, ảnh vợ…

Mỗi buổi sáng có cô em giặt lụa, hiện hình về trong những giấc chiêm bao.  Ông tưởng tượng đời sau, ông thấy lại cô em giặt lụa…

Trần Vấn Lệ.

Saturday, September 21, 2013

PHAN * Hoài Hương

Đã có những lần tôi đứng rất lâu ở một nơi thôn dã, một vùng biên giới xa lạ, bơ vơ một mình trên ngọn núi cheo leo, hoang vắng và đìu hiu; hay đứng bên một dòng sông mà trước đó tôi chỉ biết tên dòng sông qua sách báo… tôi nhớ mãi lần đứng bên dòng sông Mỹ chánh; chỉ là một dòng sông như những dòng sông, nhưng bùi ngùi khi nhớ đến lời nhạc “dòng Mỹ Chánh nước xông mùi hôi tanh; hỡi Cổ Thành một thuở vang danh…” làm cảm xúc dâng tràn trong lồng ngực nỗi cảm thương những người đã khuất bởi chiến tranh. 

TRẦN VẤN LỆ * buổi sáng mùa Thu

Sáng ở đằng Đông mây đen che. Gió hiu hiu thổi, sắp mưa về? Mưa còn về nhỉ, người đi mãi!  Nhìn hướng nào ta mới thấy quê?
Khoác thêm chiếc áo, người thêm nặng, nghe năng lòng thêm nỗi Nước Non!  Bè bạn hỏi thăm còn với mất…Đường trần ai vẫn bóng cô đơn?
Mây ở đằng Đông, mưa sắp mưa.  Không mưa buổi sáng thì mưa trưa.  Mùa Thu thường có mưa ray rứt, ai hứng mưa nhìn mưa ngẩn ngơ?
Ai hứng mưa nhìn ra nước mắt, Mẹ chờ Cha đợi, đã Thiên Thu!  Mùa Thu, hai chữ Thiên Thu hiện, thấy rất xa xa những nấm mồ…
Giàn bống giấy ở bên hàng xóm, nở đó rồi tàn, chuyện dĩ nhiên…Có một thời ta, người lãng mạn, mơ màng cón nhớ nụ cười duyên…
Có một thời ta người lãng mạn ra bờ sông nhìn sông bao la.  Bên ni bờ biết không là bến.  Bên tê bờ không phải của ta!
Mây ở đằng Đông, mưa sắp tới, giọt nào xuyên tới trái tim em,  để em một phút giây nào đó em để tay đè lên trái tim…

TRÚC THANH TÂM * HOÀNG CÚC

























Tôi về trú dưới hiên mưa
Nhà bên hoàng cúc cũng vừa trổ bông
Sao em lại mặc áo hồng
Sao không áo của ngày hong tóc chiều !

Tôi về buổi đó buồn hiu
Nhà em cửa đóng, gió reo cổng ngoài
Mình tôi và lá thu rơi
Ơi, màu mắt đợi tím trời nhớ nhung !

Tôi về nghe giọt mưa lòng
Bên nầy sông, bên kia sông mịt mờ
Bây giờ cũng dưới hiên mưa
Đâu còn màu áo ngày xưa, tôi chờ !

Tôi về làm kẻ trễ đò
Nhà bên Hoàng Cúc cũng vừa sang sông
Ngoài trời mưa, mưa trong lòng
Mùa thu đẫm ướt một dòng thơ đau !

TRÚC THANH TÂM 
   

Thursday, September 19, 2013

PHẠM TÍN AN NINH * nỗi buồn mùa thu

Có lẽ những chiếc lá mùa thu đã nhuộm vàng phần lớn thi ca nhân lọai.
Và dường như nếu không có mùa thu thì những cuộc tình sẽ không còn
lãng mạn, thế gian này sẽ không có mặt của thi nhân.

Ông Văn Cao đã khởi đầu sự nghiệp của mình bằng " Buồn Tàn Thu" để rồi cuộc đời của người nghệ sĩ tài hoa này cũng tàn theo Giai Phẩm Mùa Thu (trong Nhân Văn Giai Phẩm). Ông mất đi trong cảnh khốn cùng để lại cho đời một kho
tàng âm nhạc quí giá , cùng sự thương tiếc ngậm ngùi và bao điều suy
ngẫm.

VÕ THỊ ĐIỀM ĐẠM * những nụ cười trong ca dao

Hài tính của mỗi dân tộc mang một chất khí khác nhau. Khác nhau qua thể thức biểu lộ, qua thời gian, qua nếp sống vật chất cũng như tinh thần đặc trưng của mỗi xã hội. Như nhà triết học Pháp Bergson trong quyển sách luận về hài tính đã nói: “Muối hiểu biết cái cười, ta cần đặt nó lại trong hoàn cảnh tự nhiên tức là đời sống xã hội, nhất là phải xác nhận tác dụng hữu ích của nó, tức là một tác dụng xã hội.”
Hài tính con người Việt Nam được biểu hiện khi kín đáo, lúc trắng trợn, khi thư thả, lúc hậm hực, khi châm biếm, lúc mỉa mai…ẩn chìm, lảng vảng qua những dòng ca dao ngọt dịu, những dòng ca dao kêu gào, những dòng ca dao thiết tha, những dòng ca dao nức nở…; phong phú, vô dạng, sống hoài!