văn hữu vườn tao ngộ

Nơi lưu trữ tác phẩm của PBTD và thân hữu. Liên lạc: phanbathuyduong@gmail.com

Saturday, September 21, 2013

PHAN * Hoài Hương

Đã có những lần tôi đứng rất lâu ở một nơi thôn dã, một vùng biên giới xa lạ, bơ vơ một mình trên ngọn núi cheo leo, hoang vắng và đìu hiu; hay đứng bên một dòng sông mà trước đó tôi chỉ biết tên dòng sông qua sách báo… tôi nhớ mãi lần đứng bên dòng sông Mỹ chánh; chỉ là một dòng sông như những dòng sông, nhưng bùi ngùi khi nhớ đến lời nhạc “dòng Mỹ Chánh nước xông mùi hôi tanh; hỡi Cổ Thành một thuở vang danh…” làm cảm xúc dâng tràn trong lồng ngực nỗi cảm thương những người đã khuất bởi chiến tranh. 

Tôi nghĩ về tuổi nhỏ, khi học bài học lịch sử về trận Bạch Đằng Giang xa xưa, đứa bé tôi chỉ thấy tự hào về dân tộc mình; không có cảm giác thương tiếc, đau xót những người ngã gục trong trận chiến lịch sử đó bằng những người ngã gục xuống dòng Mỹ Chánh - để nhiều năm sau, thằng con nít sống lâu năm chợt nghiệm ra vì mình có mặt trong cuộc chiến quốc-cộng; chứng kiến những hình ảnh in đậm tuổi thơ nên đồng cảm hơn với những người xưa đã thuộc về lịch sử. Tôi nhớ những chiều khi nắng phai tàn, từ ngoài bãi sông nhìn về xóm nhỏ, có cái bóng đen của một chiếc xe nhà binh chậm chạp lăn trên đường làng… là xe đưa xác một người anh trong xóm tử trận ở miền trung về. Lũ trẻ chúng tôi bỏ ngay bến sông để trở về xóm làng huyên náo, đông vui với thức đêm, người lớn uống rượu và con nít cũng được thức ké đến khuya mà vui chơi; cái đau hay nỗi buồn của sự mất mát không thuộc về những người còn mặc xà lỏn chạy rong trong xóm. Nhưng rong chơi thành tật nên có những lúc đứng chơi vơi ở một nơi không hẹn nào đó, khi không thể, không thích một điều gì đó, và cả những khi không, chợt thấy lòng trống huơ, tôi hay lái xe vô định thay vì đến điểm hẹn bạn bè; một cuộc vui đang đợi hay một góc quán quen… tôi lái xe như đi tìm lại một chút gì để nhớ khi quỹ thời gian đã hao mòn, khi nỗi nhớ ngập lòng những bến bờ xưa cũ…

Chiều buông nắng tàn xuống vạt bluebonnet tháng tư, bên kia là hồ Ray Hubbard mênh mông như biển; dòng đời như dòng xe chen chúc trên xa lộ 30E. Sao tôi lại đứng đây một mình, ngổn ngang tâm trí những bế tắc. Đâu rồi ngọn gió u linh bên dòng Mỹ Chánh, khi tôi đến đó thì dòng Mỹ Chánh đã thôi không xông mùi hôi tanh nữa. Chiến tranh đã qua rồi, nhưng oan hồn nhiều lắm trong những lọn sóng lăn tăn, những lọn gió sang mùa, không trong vắt trong veo như nước hồ Ray Hubbard, vạt nắng hun hút về phía chân trời để hồn tôi hun hút cô đơn, cảnh sắc thơ mộng với nắng và gió, mới đó đã đìu hiu cô quạnh vào đêm; kỳ ảo đến ngẩn ngơ thương nhớ một quê nhà. Có thật không là người ta đau đáu trong lòng những hình bóng cũ; những kỷ niệm xưa, lúc hoàng hôn chiều tàn. Không gian bao la làm nao lòng lang bạt, bỗng thèm một nơi để về, dù chẳng để làm gì hơn sau khi nhìn lại rồi lặng lẽ ra đi… nơi đó là quê nhà thống khổ như lòng hoài hương của những người không về; tình yêu và nỗi nhớ như que diêm không sáng nổi đêm sâu nhưng làm cho lòng người có lửa; một chút lửa nhân quần trong giả tưởng cũng ấm lắm, bởi trong sâu của bóng chiều có niềm nhớ mông lung về cố thổ mù khơi, nơi có hình ảnh những bà mẹ già lui cui bên bếp lửa canh tàn; có trẻ thơ ngơ ngác hỏi những câu vô nghĩa; có chiếc xe nhà binh chở xác lính tử trận về với gia đình; có kết cuộc không may của chiến tranh nên hoà bình mới có những chiếc xuồng rời bến tử sanh không bao giờ trở lại, đưa những linh hồn bái biệt quê hương ra đi âm thầm để từ đó quê nhà chỉ còn là nỗi nhớ bất chợt, không đầu không đuôi như hành tung bất định của nắng và gió, mây, sóng và mộng đời phiêu lãng giang hồ đến hôm gục chết bên giòng sông Da-nube; bên bờ hồ Ray Hubbard mà cứ tưởng là dòng Mỹ Chánh đã giang tay đón đứa con hoang về nhà.

Khi những vì sao đã ngự trị trên nền trời đêm mênh mông, những câu hỏi của muôn đời lại ngổn ngang: Tôi từ đâu đến, sẽ đi về đâu? Cuộc lữ này bao giờ kết thúc để chấm hết những phiền phức từ đầu. Sao tôi không phải là ngọn sóng bạc đầu kiêu hãnh trong phút giây rồi tan vào mênh mông; hay cánh hải âu vừa lượn một đường bay lả lướt để không gian ngẩn ngơ chiều. Cánh chim và ngọn sóng không có quê nhà nên mới làm được điều kỳ diệu, còn người ta chỉ riêng nỗi nhớ đã chiếm hết linh hồn, lòng hoài hương chợt tắt hôm hồn lìa khỏi xác là xong đời phiêu lãng.
Nỗi nhớ nhà nhấp nhô như những lọn sóng tan vào mênh mông, lòng hoài hương tan vào hư không để đời thường lôi kéo người ta lại với những bế tắc và phiền muộn cố hữu của nó. Dù sao, còn một tấm lòng với dĩ vãng cũng là nghị lực để tồn tại; lòng hoài hương không làm cho người ta bi lụy đời thường thì bỏ ra một buổi chiều thơ thẩn bên hồ 30 cũng có sao đâu. Nốc cạn ánh trăng ngà trong ly cognac bên hồ Ray Hubbard thì mọi chuyện sẽ qua, lòng cũng nguôi ngoa…

PHAN