(Từ Lời Gởi Cây Bông Vải đến
Đại Việt Thần Đạo)
Địa linh sinh nhân kiệt, những vùng đất mà tôi có dịp đi qua, dù thổ cư phì nhiêu trù phú hay tọa lạc nơi hiểm hóc thâm sơn cùng cốc, hình như cũng quy tụ khí thiêng sông núi. Có lẽ chính vậy, mà ung đúc được nhiều tài hoa phù hợp với phong thủy cứ địa. Mỗi lần tôi về quê nhà, khi lướt ngang qua phà Mỹ Thuận mà ngọn gió sông Hậu còn loáng thoáng vướng trên tóc tai, làm tỉnh thức được phần nào sự nôn nả đường về. Trước mặt, Sa Đéc là vùng đất mật ngọt hiền hòa nằm ven thủy lộ chở đầy phù sa bồi đắp cho vùng cây trái sung mãn quanh năm tháng. Không hiểu tại sao trên bờ sông Mỹ Thuận, những lúc vội vã quay về tôi thường mê mẩn cố tình để bắt gặp và lắng nghe âm sắc chiêu hồn của tiếng đàn độc huyền của một nhạc sĩ già mù chìm đắm ánh mắt bạc tròng trong từng âm thanh diệu vợi, chập chờn bay lượn loáng thoáng trên sông nước phù bình, lững thững trôi lặng lẽ giữa cuộc đời. Sự hóa hiện của khúc nhạc giang hồ phiêu bạt trong cõi nhân gian này, là niềm hy vọng phả hồn vào cảm ngộ của tri âm? Tôi mãi mê không bao giờ quên được, nhiều lúc trôi nổi trên con phà, tiếng độc huyền chợt quay về với nỗi nhớ xa xưa. Tiếng đàn độc huyền phà Mỹ Thuận cũng vậy, làm chợt nhớ tới tiếng sáo của sư huynh Trần Tuấn Kiệt và quê hương Sa Đéc đầy rẫy tài hoa, còn thấp thoáng trong nẻo đường đời. (Trần Tuấn Kiệt đa năng đa diện, từng theo học tại trường Quốc Gia Âm Nhạc, như là một cách bổ sung cho thi ca thêm âm hưởng tuyệt diệu). Nhà thơ thực ra đã ly hương từ khoảng năm 1960, về phố thị Sài Gòn lập thân lập nghiệp như nhiều bằng hữu văn nghệ tỉnh lẻ khắp nơi. Cái phiêu du của anh, còn nặng nhiều chất kiêu bạt và giang hồ. Oằn vai đeo cả túi thơ, chất chồng theo định mệnh lập dựng một khuynh hướng thi ca mới, vì thế khoảng thời gian này, Trần Tuấn Kiệt đang hòa mình trong tao đàn Bạch Nga, chủ soái là nhà văn Nguyễn Vỹ, gồm nhiều kiện tướng như Minh Đức Hoài Trinh, Tuệ Mai, Bạch Yến…