văn hữu vườn tao ngộ

Nơi lưu trữ tác phẩm của PBTD và thân hữu. Liên lạc: phanbathuyduong@gmail.com

Monday, January 28, 2013

Lan Đàm * thơ mùa đông





Ở VƯỜN SAU CHIỀU TÀN ĐÔNG
Ngày chợt lạnh, đủ tàn đông,
Vườn tôi chim vắng, lầu không đợi chờ.
Hôn người ở cuối cơn mơ,
Chiều tôi đã thấy hững hờ chiêm bao.
Nửa ly, say tự thuở nào,
Tình tôi tưởng cũng hư hao tháng ngày.
Hoàng hôn tím, chút mưa bay,
Nhịp tim tôi đếm vừa đầy cô đơn.




MÙA ĐÔNG Ở VƯỜN SAU


Vườn tôi mưa lạnh cây buồn,
Bầy chim rũ cánh, suối tuôn ngậm ngùi.
Mùa đông tôi, giấc ngủ vùi,
Ngổn ngang mộng mị, ngát mùi thân quen.
Chiều hoang, tôi dưới mái hiên,
Nhìn mây thấy bóng ưu phiền hôm nay.
Hồn tôi, kệ sách xếp đầy,
Chử in đã nhạt, dấu tay cũng mờ.
Trong tôi, biết tự bao giờ,
Lời em còn vọng bên bờ lãng quên.

LAN ĐÀM

Kinh Dương Vương * Hoạt Cảnh


1. BỮA ĂN

Trên gương mặt xanh nhợt màu lá chuối non của người đàn ông, hai chiếc má hóp lại khiến cho đôi gò má càng nhô cao lên. Một bên mắt không còn đồng tử trở thành một cái hố nhỏ đọng lại chút bóng tối của chiều tà. Ông mặc một chiếc áo bà ba đen bạc màu, vá chồng chất. Mặc dù vậy, bề dày của nhiều lớp vá vẫn không che kín những mảng da lộ ra đây đó trên tấm thân thể gầy gò. Cái quần lỡ ngắn lỡ dài khoảng dưới đầu gối, mép vá rách te tua tố cáo hình dạng đích thật của nó trước đây là một chiếc quần dài, bị xé bằng tay mất khoảng dưới. Hai ống chân lòi ra, xương ống chân cộm lên bao bọc làn da khô láng, tái nhợt với những sợi gân máu nổi chằng chịt.

Ông ta ngồi xổm trên đất, dưới gốc một cây bồ đề non. Trước mặt ông, một cậu bé khoảng dưới mười tuổi, tóc hớt ngắn, nhưng đã mọc dài ra tua tủa, da rám nắng, đôi mắt buồn, yên lặng, chăm chú nhìn thẳng vào mặt người đàn ông, chờ đợi. Họ ngồi đối diện cách nhau một vài gang tay. Giữa họ, trên đất, một cái chén nhựa màu đỏ đã phai màu, méo mó, cáu bẩn, đựng một thứ nước màu đen. Chất nước sền sệt đọng lại dưới đáy chén như một lớp váng mỏng. Họ đang chuẩn bị bữa ăn tối.

Người đàn ông moi trong túi vải ra một chiếc bánh tráng, xé làm tư, giữ một phần, còn ba phần cất vào túi. Ông cuốn mẩu bánh một phần tư như vấn một điếu thuốc. Ông cầm cuốn bánh bằng cả năm đầu ngón tay chụm lại, cẩn thận quẹt phớt nhẹ lên mặt chất lỏng đen trong cái bát nhựa, gạt đầu cuốn bánh-điếu-thuốc vào thành chén. Đoạn ông ngửa cổ ra, miệng há to như chim con chờ đút mồi. Đó là tư thế thích đáng để hứng lấy những giọt nước chấm mà ông sợ chẳng may có thể rơi xuống. Và tuy miệng ông mở ra rất to, nhưng lúc ngậm lại rất từ tốn. Những chiếc răng cửa cáu bẩn dường như không dám chạm đến đầu cuốn bánh. Và cuối cùng đầu cuốn bánh chỉ bị chạm nhẹ lên hàm răng mà không hề hấn gì. Như vậy là ông đã ăn một lần. Xong, ông định đưa cuốn bánh cho cậu bé nhưng rồi ông đổi ý. Ông muốn tự tay đút cho cậu bé ăn. Cuốn bánh tráng lại được đưa phớt qua trên mặt chất nước màu đen. Và trong khi cậu bé đã há hết chiếc miệng ra chờ, bàn tay cầm cuốn bánh của người đàn ông thoáng chút rụt rè. Hai lần cậu bé ngậm miệng lại, vì tưởng thức ăn đã được để vào, nhưng cậu chỉ ngậm lại miệng không.

Một dòng nước miếng tràn ra khoé môi, chảy xuống chiếc cổ ngẩng. Đến lần thứ ba, cậu bé sửa đổi thế ngồi thật vững vàng trong tư thế chực sẵn, người hơi rướn tới trước. Trong tư thế sẵn sàng đó, trông cậu giống như một con thú nhỏ rình chờ đớp mồi. Cậu đã thu ngắn lại khoảng cách giữa cuốn bánh tráng và miệng cậu. Nhưng rồi dự tính của cậu chỉ thành công một nửa. Khi người đàn ông đưa cuốn bánh vào miệng cậu lần thứ ba, đầu cuốn bánh chỉ vừa chạm vào môi cậu. Chất nước chấm ít ỏi thấm qua làn da môi và chiếc lưỡi của cậu bé lẹ làng như lưỡi rắn, lè ra quét sạch. Tức thì, sự kích thích mạnh mẽ của vị giác làm cho nét mặt cậu sáng lên và đôi mắt trở nên lanh lợi. Bất ngờ, như một hành động tự hiến vượt ngoài ý thức, một cử chỉ hăng hái có phần mù quáng lẫn ân hận, bàn tay người đàn ông đưa tới. Nhẹ nhàng không hay biết, hai bàn chân cậu bé nhích tới hai bước. Hình như kết quả hoàn toàn do bất ngờ, cuốn bánh tráng lọt sâu vào miệng cậu bé. Nhanh nhẹn, miệng cậu ngậm chặt lại. Nhưng rồi hai hàm răng như hai gọng kềm sắp sửa cắn đứt lìa – ít ra là phân nửa cuốn bánh tráng dài hơn một lóng tay – vội mở ra khi cậu bắt gặp vẻ hoảng hốt và bối rối trên con mắt còn lại của người đàn ông. Và lợi dụng ngay tình thế đó, ông ta lập tức rút cuốn bánh ra khỏi miệng cậu bé thoáng vẻ mừng rỡ lẫn ân hận. Song cũng nhanh nhẹn không kém, cậu đã hối hả cắn nhẹ một chút đầu cuốn bánh tráng, cậu nhai nhóp nhép như đang nhai một miếng gì to.

Hai người nhìn nhau, cười bẽn lẽn.
Tới phiên người đàn ông ăn. Ông ta cũng lập lại lối ăn - như - sợ - làm - cho - cuốn - bánh - tráng - đau - đớn lần đầu.
Nhưng sự ăn mòn dầu là nhỏ nhoi và chậm chạp cũng đến lúc làm cho vật bị ăn tiêu tán. Họ ăn hết cuốn bánh tráng thứ nhất. Người đàn ông, rất thong thả, mở bị xách lấy ra phần thứ hai, cẩn thận cuốn tròn lại... Rồi phần thứ ba và thứ tư. Vừa đúng khi tiếng kẻng báo giờ tập họp điểm danh tối trong trại tù vang lên, người đàn ông giật nẩy mình như tỉnh ra từ một cơn mộng, hối hả đứng dậy.

Trong vòng vài phút còn đứng lại dưới gốc cây bồ đề non, người đàn ông nhiều lần vét như lau vào lòng chén rồi đưa ngón tay vào miệng mút. Chiếc chén hầu như được rửa sạch. Ông ta mở túi xách cất chén vào, bước hối hả về phía khu giam tù chánh trị. Đứa nhỏ cũng rảo bước về khu giam trẻ vị thành niên. Trong ánh nắng quái vàng rực của chiều hôm, bóng hai người ngã dài ra hai phía.

Tại chỗ bữa ăn diễn ra, một chú ruồi xanh đánh hơi muộn mới bay đến. Nhưng chú ta, như một chiếc máy bay trinh sát vừa phát hiện “có dấu hiệu địch”, nhưng khi đến nơi địch đã hoàn toàn biến mất, thậm chí không để lại một dấu vết cỏn con. Chú đảo một vòng vô vị trên mục tiêu đường kính không quá hai gang tay, hoàn toàn an ninh, rồi xẹt một lằn, chú ruồi xanh biến mất trên ngọn cây bồ đề non, những chiếc lá nhuộm vàng ánh nắng quái.

2. GÓC PHỐ

Chiều cuối tuần. Ngay trên lề phố, những quán hàng bày bán đủ các món ăn nhậu. Cháo lòng heo, gà, vịt... Khách hàng ngồi ăn đông đúc. Họ đưa cả gia đình ra phố, áo quần tươm tất. Họ ăn uống tận tình. Nhai ngồm ngoàm, húp xì xụp, nuốt ừng ực.

Phương tây đùn lên những cụm mây đen. Khí hậu trở nên oi bức. Ánh sáng mặt trời  chiều lọt qua kẻ mây bắn những chùm tia vàng xuống thành phố. Thỉnh thoảng một cơn gió mang  theo hơi nước bất ngờ thổi tới làm dậy lớp bụi đỏ trong các đường phố hẹp.

Tôi cũng là  một thực khách. Tôi đã ăn một đĩa xôi gà, một tô cháo tim cật và uống một chai bia lớn. Tâm hồn sảng khoái.

Trên đường về, tôi gặp gia đình đó chỗ góc phố. Bọn họ gồm người cha và ba đứa trẻ. Tôi đứng lại nghe ông kể chuyện. Vợ ông vừa chết trong chiến cuộc. Ông ta đang bồng tựa vai đứa trẻ gái yếu quặt khoảng năm, sáu tháng tuổi. Dưới chân ông, ngay trên vỉa hè, hai đứa con khác của ông, một trai một gái. Đứa lên hai, đứa lên một, trần truồng nằm tênh hênh trên một tờ giấy báo cũ. Chúng đang gải những mụn ghẻ lở mọc lấm tấm trên làn da bọc xương xanh nhợt. Chúng khóc nho nhỏ, như tiếng kêu rên ư ử. Từng chập, nín lặng mở to mắt nhìn lên những khách đi đường. Trông chúng như hai con vật nhỏ được bày bán lâu ngày, trở nên cũ kỹ, mệt mỏi. Người đàn ông mặc một bộ đồ lính mới toanh, nhưng chiếc mũ nhựa ông đội sùm sụp trên đầu thì màu trắng đang biến dần ra màu xám, bị thủng vài lỗ nhỏ bằng đầu ngón tay. Đứa trẻ gầy gò mà ông cố giữ lại, đang nẩy người, khóc thét lên. Chắc nó đang khát sữa. Vỗ vỗ bàn tay thô kệch vào mông trần đứa bé, người đàn ông hát ru nho nhỏ, ngập ngừng, như ông mắc cở sợ những người qua lại nghe được. Khách qua đường dừng lại xem. Thỉnh thoảng có  những người bỏ đồng tiền kẽm vào chiếc thau nhựa màu xanh đóng bợn. Tôi bắt gặp những ánh mắt động lòng trắc ẩn, chịu để tâm hồn mình chia xẻ. Cũng có những ánh mắt ái ngại nhưng trong đó tôi đọc thấy ý nghĩ: “Đâu có  phải một mình gia đình ông khổ. Đất nước chiến tranh loạn lạc hàng chục năm rồi. Gia đình ai cũng kẻ mất người còn. Chúng tôi đây cũng có sung sướng gì. Làm quần quật  từ sáng đến tối mới có cái cho vào miệng”. Họ bỏ vào chiếc thau những đồng tiền lẻ, vẻ ngượng  ngập. Tôi cũng bắt gặp những ánh mắt hoàn toàn dững dưng trên những gương mặt lạnh lùng. Họ chỉ nhìn thoáng qua rồi đi thẳng như họ không hề trông thấy cảnh đó.

Tôi cũng là một khán giả của hoạt cảnh. Trong những tiếng động hỗn tạp của thành phố, tôi nghe tiếng khóc của đứa bé vượt trội hẳn lên. Và mỗi lần nó nẩy người khóc thét lên, tiếng khóc của nó như một mũi tên bắn vào tim tôi. Tôi không rõ bạn có cùng một cảm giác với tôi như vậy không khi bạn được mục kích cảnh đó (một đứa bé không phải là con bạn, đang khát sữa). Nhưng nếu bạn có một đứa con, khi nó đói mà bạn không có tiền để mua sữa cho nó bú, tiếng khóc của nó sẽ xé nát lòng bạn.

Rồi, không hẳn vì bị tiếng khóc của đứa trẻ lôi cuốn, cũng không phải hoàn toàn là phản ứng tự nhiên, tôi móc túi lấy ra hết số tiền định bỏ vào trong chiếc thau nhựa – trong đó đã có một ít tiền. Nhưng bỗng nhiên tôi lại khựng lại. Cầm chặt tiền trong tay, tâm hồn tôi tràn ngập một sự xấu hỗ và ăn năn. Với mớ bạc lộn xộn của tôi nắm gọn trong bàn tay thì có thay đổi gì được cuộc đời họ và tương lai những đứa trẻ? Trong một tâm trạng bàng hoàng, tôi định bỏ đi. “Nhưng trong một xã hội mà những con người như thế bị bỏ rơi, nếu không có những tấm lòng từ thiện thì họ lấy gì để sống?” Ý nghĩ đó níu chân tôi trở lại. Tôi đứng bên cạnh hai đứa bé, dưới chân tôi là chiếc thau nhựa. Tôi chỉ cần hơi cúi người xuống bỏ tiền vào đó, thế là một hành vi từ thiện đã được làm xong. Và với số tiền ít ỏi đó cùng với tiền của những người khác đứa bé sẽ có sữa bú. Cha con họ có thể sống qua ngày. Nhưng tôi đã không làm nổi. Có một sức mạnh tăm tối giữ chặt tay tôi lại.

Tôi quay quắt bỏ đi, tâm hồn tan nát vì cơn phẩn nộ. Cơn đau dạ dày nổi lên. Bụng tôi cồn cào, miệng chảy nước dãi. Tôi muốn nôn. Nhiều lần tôi cố nôn ra nhưng không có gì ngoài một ít chất nhờn. Cuối cùng tôi chỉ có thể đi tiểu được. Tôi tiểu ngay giữa đường và nước tiểu chảy ngoằn ngoèo xuôi xuống một con dốc, mất hút, như đường trườn của một con rắn quái gỡ. Còn đĩa xôi gà và tô cháo tim cật bộ phận tiêu hóa đã làm xong nhiệm vụ, bắt đầu biến thành máu nuôi thân thể tôi.

Tôi rùng mình gài lại quần. Trời nổi gió. Cơn mưa ập đến như xối nước. Roi mưa quất vào mặt tôi túi bụi. Tôi dầm mình đi trong mưa. Một tiếng sét nổ, tôi bị vất vào bụi rậm. Không khí khét lẹt. Tôi lồm cồm bò. Cơn mưa mù mịt còn tiếp tục úp chụp lên thành phố.

3. NUỐT LỐN

Họ là hai người đàn ông đi làm thuê. Họ từ miền quê lên và đã nhiều ngày không tìm ra việc làm ở thành phố. Màu da trên mặt họ và tay chân họ bóng lên màu đồng hun. Màu nắng nung cháy suốt bao ngày trong đời họ. Họ mặc áo ngắn tay, không rõ màu gì, phong phanh hở cả da thịt, quần đùi đen sát đến tận háng. Mồ hôi thấm đẫm dán làn vải mỏng vào da. Người họ toát ra một mùi cháy khét. Họ là những người sống bằng nghề nông, nhưng họ phải từ bỏ ruộng vườn vì hạn hán và vì chiến tranh tàn phá mùa màng, đe dọa mạng sống, họ phải tha phương kiếm sống. Hai người đội hai chiếc nón lá thô sơ mà hình thể ban đầu đã biến dạng. Chiếc nón rách đã bị cắt nhiều lần bây giờ chỉ còn vừa đủ che mái đầu của họ với cái chóp nhọn như món đồ chơi trẻ con.

Khi ghé vào nhà tôi, họ đã mệt lã. Cái nắng tháng năm và gió Lào miền Trung vắt kiệt sinh lực họ. Họ ngồi bệt ngay xuống mái hiên xin nước uống. Nhà tôi có một ít gỗ vụn. Họ khẩn khoản xin mẹ tôi để họ chẻ ra thành củi và “chỉ xin bà vài bát cơm nguội thôi”. Họ thú nhận hai ngày qua họ chưa có bát cơm nào vào bụng, chỉ ăn rau nhặt ngoài chợ và uống nước phông tên. Thoạt tiên, mẹ tôi từ chối, nhưng sau khi biết tình cảnh họ mẹ tôi bằng lòng. Họ xin mẹ tôi cho họ được ăn trước cho có sức khỏe vì họ đang rất đói. Lúc ấy vào khoảng xế chiều, nhà chưa nấu cơm. Mẹ tôi đem ra cho họ khoai lang luộc. Họ ăn hối hả. Mỗi củ khoai, họ chỉ cắn ba bốn miếng là hết. Họ không nhai, chỉ lấy lưỡi đánh qua lại vài lần cho trơn là nuốt. Miếng khoai trôi qua cổ họ vồng lên như rắn nuốt nhái. Thấy tôi trố mắt nhìn, một người giải thích đó là “nuốt lốn”. Ông ta nói: “Nuốt lốn có cái lợi là thức ăn lâu tiêu và lâu đói lại”. Tôi đem bài học về tiêu hóa ra nói với họ, khi ăn cần nhai kỹ để giúp cho sự tiêu hóa được dễ dàng, giúp vệ sinh cho bộ phận tiêu hóa như bao tử, ruột... Một người trả lời:  trong hoàn cảnh của họ càng lâu tiêu càng tốt, tiêu hết không có gì để vào bụng lại.

Loáng một cái, đĩa khoai hết nhẵn. Họ kể chuyện – làng chúng tôi đã có nhiều người chết đói. Có người ăn cây xương rồng và chết vì ngộ độc./.

Kinh Dương Vương

Saturday, January 26, 2013

Tô Thùy Yên * Gặp gỡ giữa đường
























tranh Tạ Tỵ

 
 1.
 Ghé vào chung chỗ nhân tình,
 Thương nhau cùng nỗi lộ trình vô minh.
 Rủi may thôi cứ dấn mình,
 Một ngày vượt sức bình sinh một ngày.
 Cũng thì dâu biển xưa nay,
 Nẻo nhà đâu mất lạc loài hỏi han.
 Lát đây, mảng gió tách đàn,
 Bứt đi coi cuộc hoang đàng tới đâu.
 

 2.
 Vào đây, có lửa, có người,
 Có cây rộng lượng che trời hộ ta,
 Có câu thăm hỏi quê nhà,
 Đường qua thế ấy, đường xa thế nào?
 Giờ lâu, liệu lửa tiêu hao,
 Quơ thêm tâm sự cho vào chuyện chung,
 Giữ ta sáng ấm mặt lòng,
 Rõ đêm nhân thế vốn cùng loại đêm.
 

 3.
 Đêm thân, trồng giữa mênh mông,
 Ngóng người đi tới động lòng dừng qua.
 Rằng tôi vốn ở nơi xa,
 Lỡ đường từ độ theo ra chính mình.
 Nắm tay trấn tỉnh ngoại hình,
 Lựa chiều ổn định nội tình hoang mang.
 Biết ai ngẫu nhĩ sẵn sàng,
 Chung vai chia nỗi bất an dưới trời.
 

 4.
 Đêm qua trời trải mưa phùn.
 Sáng nay hiển hiện một vùng dậy xuân.
 Đất bồng cỏ trổi lâng lâng…
 Nhớ ra, ta cũng có lần trẻ trung.
 Đi như đi tới tương phùng,
 Coi đâu là chỗ tuyệt cùng của tâm.
 Gặp hoa như nguyệt đang rằm,
 Sao lòng đã sớm khuyết thầm hộ hoa?
 

 5.
 Sân ngoài xao rộn tiếng chờ,
 Dùng dằng không níu được giờ rời nhau.
 Đứng lên, thu tóm nghẹn ngào,
 Rượu còn, xin khất trời nào một mai.
 Buông tay rồi lại cầm tay,
 Nhắc lời bảo trọng, dặn ngày đào bông.
 Buông tay, thôi chẳng cầm lòng,
 Người chưa khuất, đã đào bông trăm mùa.

 
Tô Thùy Yên
 

Friday, January 25, 2013

thơ LONG ÂN




HẸN XUỐNG PHỐ
ĂN TRƯA VỚI LAN ĐÀM

Phố xa cao ốc chập chùng
Mình ta trễ hẹn chạy cùng thế gian
Cơn đằng đông, cơn đằng nam
Kéo trên từng lớp từng hàng mưa bay
Lon bia lăn dưới gót giầy
Cõi tâm còn động còn say mù trời
Vào xa lộ, hay là thôi?
Vụng tu ta lạc giữa đời loanh quanh.

LONG ÂN


BUỔI SÁNG XUỐNG PHỐ
VỚI ĐỖ XUÂN HÒA

Buổi sáng đứng nhìn trời
Thấy con chim ngái ngủ
Buổi sáng nhìn cuộc đời
Thấy trái tim thú dữ

Người ngậm ngải lên non
Kẻ vẽ mình xuống biển
Cái Totem tróc sơn
Người đập đầu khấn nguyện

Buổi sáng đi giữa đường
Lòng cài then khóa cửa
Có kẻ đứng trần truồng
Rao giảng lời nguyền rủa

Con chim chợt bay đi
Thành phố vừa tỉnh giấc
Hỏi ta phải làm gì
Cho xong ngày Chủ Nhật?

Buổi sáng đứng nhìn trời
Rừng phong vừa đỏ lá
Buổi sáng nhìn cuộc đời
Thấy toàn người xa lạ

LONG ÂN


Buổi Sáng: thơ Long Ân, nhạc Phạm Gia Cổn. 




Minh Nguyễn * Tháng Ba Tây Bắc Hoa Ban Nở



Không biết từ lúc nào tôi bỗng quan tâm tới các loài hoa. Điều này kể ra e có người sẽ mỉm cười cho rằng: đàn ông ai lại quan tâm tới mấy chuyện hoa hòe hoa sói; trừ trường hợp sinh nhật cha mẹ, bạn bè hay người yêu.

Tưởng chuyện đơn giản, vậy mà tôi đã phải chưng hửng trước câu hỏi đầy sự đánh đố  nơi cô bạn vì, biết tôi đã nhiều lần đi lên vùng Tây Bắc : ngoài mùa hoa đào hoa mận ra, nghe nói trên vùng Tây Bắc còn có mùa hoa gì đặc biệt lắm, anh có biết không ?

Tôi chợt nhớ lần ghé lên Lào Cai,đi cùng Mây vượt chặng đường dài qua hàng ngàn bâc đá, đặt chân lên vườn hoa thiên nhiên Sapa trên đỉnh núi Hàm Rồng. Ở đó ngoài việc ngắm thỏa thuê hàng trăm loài hoa lan đẹp lộng lẫy quí hiếm, trước khi ghé sang vườn Châu Âu kỳ thú nhìn thấy cơ man hoa hồng, hoa thươc dược, tuy-líp, lay-ơn để, cuối cùng dừng chân lại bên rừng hoa đào hoa mận bạt ngàn; tuyệt nhiên không nghe nhắc tới loài hoa nào khác. Đem thắc mắc hỏi Mây, cô cười thật xinh bên hai chiếc răng vàng bắt nắng sáng lấp lánh, khiến tôi mỗi lần nhìn thấy phải phát ghen lên với mấy tay thợ Trung Quốc, cô cho biết : tuy cùng ở vùng Tây Bắc tổ quốc nhưng người H’ Mông ở Lào Cai hay Hà Giang chỉ trồng hoa đào hoa mận. Còn muốn khám phá mùa hoa Ban, phải chờ cho đến tháng ba đi qua Sơn La - Điện Biện, ở đó tha hồ ngắm mùa hoa trắng ngần nở khắp trên đỉnh núi, ở lưng chừng đồi hay bên những vách đá dựng đứng.

Hoa ban. Có thật, có một mùa hoa ban trên vùng Tây Bắc, tôi chưa hề biết đến? Nhất định, tôi tự nhủ mình sẽ lên đó một lần, nhìn tận mắt mùa hoa ban này mới được. Tiếc thay, thời gian chưa đến tháng ba, nếu trở về Sàigòn lúc này e chẳng bỏ công sau chuyến đi dài ngày, trong khi tôi đang có mặt ở Hà Nội. Nghĩ vậy, tôi a-lô về Nam Định rủ mấy anh chị bên gia đình bác Tiển, lấy xe ô-tô đi thăm đền phủ Dầy- Vân Cát, thưởng thức ba mươi sáu giá đồng cùng với các nghệ sĩ hát văn, sau đó xuôi về bến Đục, đi thuyền trên suối Yến, lên động Hương Tích đọc bài thơ chữ nôm do Chu Mạnh Trinh đề trên vách đá.
Đi chơi hết một vòng quê hương, đến khi quay về Hà Nội, tôi vẫn còn thừa thời gian để ghé lên Tây Bắc xem mùa hoa ban nở. Trong lúc đang do dự chưa biết đi bằng phương tiện gì, may sao có người mang xe máy kèm theo bản đồ đến cho tôi thuê xe. Không phải chần chờ gì nữa, tôi xuôi đường Thăng Long ra Xuân Mai, qua Lương Sơn, lên Hòa Bình thả hồn trong khung cảnh thiên nhiên mướt xanh từ hai bên đường dẩn lên miền sơn cước. Con đường đi qua khiến tôi không khỏi bồi hồi nhớ tới những câu thơ “  Sông Mã xa rồi tây tiến ơi!/ Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi/ Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi/ Mường Lát hoa về trong đêm hơi/ Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm/ Heo hút cồn mây súng ngửi trời/ Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống “(*)

Vượt qua chặng đường heo hút cồn mây với rừng núi chơi vơi, với dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm, với ngàn thước lên cao ngàn thước xuống; chẳng mấy chốc tôi đã chạy xe lên tới Hòa Bình. Thay vì chạy vòng tới hồ thủy điện ngắm cảnh hùng vĩ sông Đà, tôi lái xe thẳng tuột tới dốc Cun. Mới đầu, nhìn con dốc tôi tưởng bình thường như bao con dốc tôi từng đi qua, nhưng khi đặt chân lên con đường uốn lượn ngoằn ngoèo, tôi có cảm giác như đang trôi bồng bềnh trong mây hoặc chìm sâu dưới nhiều đoạn cua gấp khúc. Ở đó, một bên vách đá cheo leo, một bên vực sâu trắng xóa một mùa hoa lạ lẫm đang nở trắng trời trắng đất. Xứ sở hoa ban đây rồi? Loài hoa đẹp tựa những bông tuyết bám trên đỉnh Phăn-Xi-Păng vào những hôm nhiệt độ xuống dưới không độ. Hoa trắng trước mặt, hoa trắng sau lưng, hoa trắng trên đầu, hoa trắng dưới chân, hoa trắng đuổi theo tôi chạy miết tới con đường mới  bạt núi, nhằm làm giảm độ cao nguy hiểm. Bất ngờ, từ một bên vách núi còn lởm chởm đá,  mấy chị em phụ nữ đầu chít khăn len (**), mặc áo “xửa cóm” bỏ trong váy ống đen, ngồi bên những chiếc bàn làm từ vỏ cây rừng, buôn bán hàng quà đặc trưng: cơm lam, mía lùi, ngô luộc, rau rừng ngay trên đỉnh đèo Thung khe. Đứng trước hình ảnh khá ấn tượng giữa môt bên là các phụ nữ người Thái trắng, một bên là cảnh vật thiên nhiên trắng xóa màu hoa ban, buột tôi không thể nhắm mắt làm ngơ, dừng xe chụp vội mấy bức hình về hoa ban, đồng thời thưởng thức những món ăn đặc sản “ năm thì mười thuở “ mới gặp, để lấy sức đi tiếp lên đèo Thung Nhuối. Ngọn đèo cuối cùng trong số những ngọn đèo nguy hiểm nằm trên cung đường dài mười hai cây số. Và, khi đã đứng trên đỉnh đèo cuối cùng này, nhìn xuống thung lũng bạt ngàn màu hoa trắng muốt nở đầy bên dưới ruộng đồng, bên mươi nếp nhà sàn mái đỏ xinh xinh ẩn hiện bên các bản làng người Mường người Thái, toát lên vẻ đẹp thanh bình mà tôi chưa biết nơi đây là đâu? Kịp khi quay nhìn, tôi nhận ra đám người gồm đàn ông mặc áo cánh màu chàm có hai túi dưới, cổ tròn xẻ trước ngực cài những chiếc nút làm bằng vải hoặc làm từ xương, tay dắt ngựa hoặc cặp nách gia súc mới mua, đi lẫn vào đám phụ nữ mặc áo cổ xẻ chữ V, đính hàng nút bạc hình những con vật có cánh chạy dài từ cổ xuống tới cạp váy màu mạ non trông thật gợi cảm. Họ đi lẫn vào nhau nói cười vui vẻ, sau buổi tan chợ trở về thôn bản. Hỏi thăm, mới hay thung lũng đang nở tràn một mùa hoa ban bên dưới là “ Mai Châu mùa em thêm nếp xôi”. (***). Nơi hàng năm có tục lệ mở hội xên Bản, xên Mường vào dịp hoa ban nở nên có tên gọi “ hội hoa ban “. Hội hoa ban tổ chức với qui mô lớn nhỏ tùy thuộc vào điều kiện thời tiết có liên quan tới sự được mùa hay mất mùa trong năm. Là cơ hội dành cho thanh niên nam nữ thi tài, vui chơi, tìm hiểu tâm tình của nhau. Từ sáng sớm tinh mơ của ngày hội, tiếng trống, tiếng chiêng âm vang khắp núi rừng. Các bếp lửa trong các ngôi nhà sàn bập bùng lửa đỏ đồ xôi, luộc gà, thái măng, mổ lợn bày cổ. Rượu cần từng vò lớn được mang ra đãi khách. Riêng đám thanh niên nam nữ áo váy chỉnh tề, gọi nhau đi đến những cánh rừng có nhiều hoa ban nở nhất. Ở đó họ chọn ra những cánh hoa đẹp nhất tặng người yêu để tượng trưng cho sự chung thủy và một ít mang về nhà biếu bố mẹ để chứng tỏ lòng hiếu thảo cùng sự biết ơn.

Do háo hức muốn khám phá ngay một mùa hoa ban, tôi hỏi thăm đường rẻ xuống thung lũng Mai Châu. Con đường dẩn vào huyện lị thơ mộng chẳng kém bao con đường phố núi tôi từng đặt chân đến. Con đường chạy suốt chiều dài huyện lỵ với một bên núi đá chấp chùng, một bên là những cánh đồng xanh mởn lúa non. Để chiêm ngưỡng tận mắt màu hoa ban giữa núi rừng Tây Bắc, tôi nhờ cô gái người Thái con chủ nhà trọ bản Lát, hướng dẩn đi chơi núi. Trên đường đi, cô vui vẻ cho biết hoa ban có nhiều loại : hoa ban đỏ, hoa ban tím; đặc biệt vào tháng ba trên đường từ Hòa Bình đi Lai Châu, Sơn La, đặt chân đến bất cứ nơi nào trên miền sơn cước này, người ta cũng đều bắt gặp màu trắng hoa ban báo hiệu mùa nương rẫy,hội hè, đình đám. Và, lần đầu tiên trong cơn gió nhẹ thoảng đưa đến bên cánh mũi, tôi biết thế nào là thứ hương thơm khó phân biệt được với mùi cỏ cây, hoa lá mọc ven đường. Tôi giữ chặt những chiếc hoa ban do cô gái trao cho. Hoa ban. Từ khi mới còn là nụ, cho đến lúc mọc dài thành búp mãn khai, hoa trông chẳng khác gì ngón tay búp măng nơi cô gái trẻ. Đến khi trưởng thành, hoa mọc ra năm cánh hoặc đôi khi chỉ còn bốn, riêng một cánh để ý thấy nổi lên chùm tia màu hồng đỏ ở về phía cuối cuốn; thoạt trông cứ  tưởng đó là những mạch máu nhỏ li ti. Chỉ cần một cơn gió nhẹ thoảng qua cũng đủ làm cho những chiếc tua mang đầy nhụy hoa, khẻ lay động theo điệu luân vũ của gió, làm nổi bật hai chiếc lá xanh tượng hình nửa trái tim của nàng Ban và chàng Khun ghép thành đôi qua câu hát: “ Nàng Ban xinh đẹp/ Yêu chàng trai Khun/ Tình duyên không thành/ Chết hóa thành Ban “ .

Theo truyền thuyết của dân tộc Thái: “ ngày xửa ngày xưa có chàng trai Khun, giỏi nghề nương rẩy lại có tài săn bắn đã, đem lòng yêu cô gái tên Ban xinh đẹp hát hay dệt  giỏi. Thế nhưng, vì ham giàu cha Ban đem gả cô cho con trai nhà tạo Mường, vốn là một thanh niên lười biếng lại có tật gù lưng. Mặc cho cô van xin hết lời nhưng cha cô quyết không từ bỏ ý định. Ông bàn với nhà tạo Mường sữa sọan lễ cưới sớm cho hai người.Trong bước đường cùng, nàng Ban đã chạy sang bản núi tìm tới nhà chàng Khun để cầu cứu. Đến nơi, nàng nghe tin chàng đã đi mua trâu ở những bản làng thật xa. Để làm tin nàng lấy chiếc khăn Piêu đội đầu, buộc vào tay cầu thang nhà rồi bươn bả ra đi tìm chàng. Nàng đi hết ngọn núi này đến ngọn núi khác, ngày này qua ngày khác, cuối cùng vì quá đau khổ, mệt mỏi nàng đã gục chết trước một cửa hang nơi lưng chừng núi. Thương tình, dân làng xúm nhau đắp đất lo cho nàng có được nấm mộ giữa rừng. Trong khi đó Khun cũng vừa đi mua bán về đến nhà. Chàng bất ngờ nhìn thấy chiếc khăn của Ban vắt trên cầu thang,chàng biết ngay đã xảy ra chuyện chẳng lành cho nàng nên vội đi tìm. Dò hỏi khắp nơi, Khun biết nàng đã bỏ nhà ra đi tìm chàng ở tận trong rừng sâu núi thẳm. Chàng vội băng rừng, vượt suối, trèo hết núi này sang núi kia vẫn tìm không thấy nàng. Cuối cùng do kiệt sức, chàng ngã xuống trên một mô đất ở trước cửa hang. Ngay lúc đó, mặt đất bỗng dưng lay động phủ kín lấy người chàng. Sau này, từ trên ngôi mộ thấy mọc lên một cái cây có những chiếc lá xanh thẩm mang hình hai nữa trái tim ghép lại. Và, đến mùa đông lạnh giá cây trút hết lá, dệt thành tấm thảm che kín lấy ngôi mộ, đợi đến tháng ba trổ lộc non và cho ra những chiếc hoa trắng như làn da nàng Ban. Người dân vùng Tây Bắc cảm thương cho mối tình chung thủy của hai người, bèn lấy tên nàng Ban đặt cho loài hoa này.Từ đó,ngoài vẻ đẹp thuần khiết ra hoa ban còn có vai trò quan trọng trong đời sống vật chất, tinh thần người Thái. Cho nên mỗi khi đi rừng thấy hoa ban là biết sắp đến bản làng của họ với những nếp nhà sàn xinh xinh quyện lấy làn khói bếp, bốc lên hương vị thơm lừng của món hoa ban đồ chõ xôi.

Sau buổi đi ngắm hoa ban trở về, tôi được chủ nhà hiếu khách mời ăn bữa cơm tối. Ngồi trên sàn nhà lót bằng tre nứa, trải chiếu hoa, bên cạnh bếp lửa ấm cúng; uống rượu cần được ủ những lúa nếp, lá hính ho,gừng cùng với ngực mèo ngon tuyệt vời. Đặc biệt các món ăn được thể hiện đầy bản sắc văn hóa ẩm thực của người Thái qua việc sử dụng lá non hay hoa ban nấu các món ăn như: Hoa ban xào thịt lợn rừng. Hoa ban nộm củ riềng. Hoa ban hầm thịt chân giò. Hoa ban đồ chõ xôi. Hoặc lá hoa ban non đồ chấm chéo cá. . . ăn nhớ đời.

Sáng ra, tôi chào tạm biệt những ngôi nhà sàn, những hàng cây cọ, những thửa ruộng lúa non đẹp như bức tranh đặc tả về Mai Châu xuôi đường quốc lộ sáu đi lên Sơn La bên cái nắng hanh vàng vắt hờ hững bên sườn đồi, bên lưng chừng vách núi cùng với màu trắng hoa ban đang nở trắng trời trắng đất, chạy đuổi theo ngay sau lưng.

Tự dưng, tôi cảm thấy mất đi sự hào hứng ban đầu, cho dù cảnh quan thiên nhiên ở Sơn La nghe nói xinh đẹp, thơ mộng không thua gì Đà Lạt phương Nam với hai cao nguyên Mộc Châu, Nà Sản nổi tiếng cùng cây trà cây cà phê và chăn nuôi bò sữa.

Vì sao ư. Có lẽ do tôi đã khám phá đầy đủ về một mùa hoa ban nở trắng ngần trên vùng trời Tây Bắc ?

(*)(***) Tây Tiến ( trong tập thơ Mây Đầu ô của Quang Dũng
(**) Để phân biệt với phụ nữ Thái đen đầu đội khăn Piêu

Wednesday, January 23, 2013

Phương Triều * Vết Mây


   

Lòng vẫn bâng khuâng hương lửa nhớ
Người đi áo bạc dặm trường xa
Con đò ly khách mênh mông sóng
Đã mỏi mòn chưa, những mộng hoa ?

Trời xanh dùn vết mây đen lạnh
Như vệt hằn trên ngọc trắng pha
Nè anh, duyên được mùa trăm tuổi
Sao một mình em gặt xót xa ?

Cổ tích thương tiên hiền mắc đọa
Trời dành cay nghiệt để Xuân qua !
Ông già hiệp sĩ quay về núi
Nhìn thấy mây giăng lạnh nếp nhà !

Vỗ kiếm ngâm nga bài mãi võ
Này đây thuốc trị bệnh Xuân già !
Người co quắp giữa mùa Đông giá
Ta giả khùng cho điên loạn qua !

Lòng ngất ngư sầu không biết sợ
Sợ vườn hoang dại cỏ đơm hoa
Giường hương lửa nguội thành băng tuyết
Ân ái còn nguyên sao phôi pha ?
Phương Triều

TRÚC THANH TÂM * TỨ TUYỆT ĐƯỜNG XA 2




XA NHA TRANG

Mai ta trở lại đồng bằng
Nhớ cầu Xóm Bóng, Ba Làng, chiều nghiêng
Cà phê từng giọt không tên
Mười lăm ngày đủ nhớ quên, một đời !
 
HỒ THAN THỞ
Hồ Than Thở với mây rơi
Tiếng thông thỏ thẻ như lời ru nhau
Nhìn em tóc rối, lòng đau
Mai xa Đà Lạt biết sao cho vừa !

VỀ BÌNH HÒA

Đường về, trải nắng lưa thưa
Mặc Cần Dưng, những cơn mưa đâu rồi
Châu Thành, thương nhớ đầy vơi
Lòng ta còn đọng chút bồi hồi xưa !

GIÓ CHUYỂN MÙA

Đêm Bà Rịa, gió chuyển mùa
Thời gian đếm lại còn thừa xót xa
Phước Tuy, tình dẫu phôi pha
Mắt em cứ níu hồn ta đến giờ !

TRÚC THANH TÂM
( Châu Đốc )

Văn Quang * Đúng là “cha thiên hạ”


Người ta thường nói: “thằng đó đúng là cha thiên hạ” để chỉ những anh được đời chiều chuộng đủ thứ, được ăn trên ngồi trước, được ưu tiên mọi mặt, được “kính nể” ít nhất là cái bề ngoài, còn bề trong có bị chửi cũng là chửi thầm thôi bởi anh ta có quyền, có thế. Ngoài những quan chức cỡ bự, những đại gia tiền tỉ - bây giờ người ta nói tỉ đô la chứ không phải là tỉ Việt Nam nữa - còn một lô những họ hàng hang hốc, bạn bè chí cốt, đàn em lau nhau bám theo sau. Vì thế ở đâu cũng gặp những VIP xếp hàng trước người dân. Từ bệnh viện tới trường học, từ cửa quan tới nhà giữ xe, từ nhà nhiều tầng đến nghĩa địa… chỗ nào VIP cũng ưu tiên. Chỗ nào kiếm lời nhiều là có VIP hiện diện, anh dân láu cá lắm cũng chỉ được miếng xương còn dính tí thịt.
Khi gió đổi chiều
Nhưng cuộc đời không hoàn toàn là con đường thẳng. Đỉnh cao nào cũng có con dốc phía bên kia. Một minh chứng hùng hồn nhất là chuyện nhà đất. Khi giá cả lên cao ngất ngưỡng và cung nhiều hơn cầu, tất nó phải đi xuống.
Có một thời, ai cũng biết, mấy ông kinh doanh nhà đất sờ đâu cũng ra tiền, nhà chưa làm xong, đô thị mới chỉ có trên giấy, khu chung cư cao cấp vừa được phê duyệt đã có ngay các VIP đến đặt hàng. Chủ đầu tư hay nói cho rõ là những ông tổng giám đốc công ty lớn nhỏ của nhà nước hay tư nhân trúng thầu vớ được món bở, kiếm ăn vài trăm tỉ như chơi. Có khi chưa cần bỏ đồng xu vốn nào đã có ngay những người “góp vốn” bằng cách này hay cách khác. Chỉ ngồi đó gật lắc cũng có tiền. Tuy nhiên, ai cũng biết, trước khi trúng thầu ông ta đã phải “chạy dự án” sứt đầu bể trán, phải chung chi tơi tả mới được cái giấy phép chứ có phải chuyện đùa đâu.
Thêm một “vấn nạn” nữa sau khi có phép là phải biết chia miếng ăn cho các VIP. Tùy theo vai trò của vị VIP đó “quan trọng” như thế nào. Ông ta quen với Bộ hay người nhà, đàn anh hay đàn em của Bộ, của “một bộ phận cán bộ” đang có chức có quyền. VIP được coi là thượng khách, khác với người quen cấp thành phố, cấp tỉnh hay lau nhau cấp huyện, cấp xã. Tất nhiên quen càng lớn thì được miếng càng to. Vậy đừng mất công hỏi tại sao bây giờ ở Việt Nam có nhiều người giàu đến thế. Họ giàu bằng nhiều cách, việc chạy chỗ nọ chỗ kia, chia chác miếng to miếng to miếng nhỏ là chuyện thường xuyên và… liên tục. Chỗ này vài trăm “cây”, chỗ kia vài chục tỉ, “một cây làm chẳng nên non, nhiều cây góp lại nên hòn núi cao”. Gia tài của họ phát triển theo nhiều “đường lối” khác nhau. Việc kiếm mấy ngôi nhà, vài miếng đất rẻ tiền chỉ là một trong số những “mánh” làm giàu của họ. Và họ cũng biết “phân tán mỏng”, mượn tên người khác làm chủ tài sản để đề phòng khi bị kê khai tài sản. Hoặc có những cung cách kinh doanh… không giống ai. Chỉ lấy một thí dụ nhỏ, bạn có thấy một nhà hàng nào làm ăn thua lỗ mà vẫn hăng hái khai lời để hàng tháng đóng thuế cho nhà nước không? Ấy thế mà vẫn có đấy. Không ai nghĩ ông chủ nhà hàng yêu nước đến cái cỡ đó. Thật ra ông ta khai nhà hàng có lời là để chứng minh tài sản của ông do kinh doanh lương thiện lời to mà có. Hoặc một mánh xưa quá rồi nhưng vẫn có người dùng là đi mua lại những tờ vé số độc đắc. Về chuyện này xin để bàn sau trong một vấn đề riêng về việc kê khai tài sản.

Giàu cỡ nào? Nhà cửa đất đai nhiều như… rác!
Người dân khó mà biết các đại gia giàu tới cỡ nào, nếu không có những chuyện “bất đắc dĩ” phải trưng ra khối tài sản của mình như bị công an điều tra và chuyện thường thấy là hai vợ chồng đại gia ra tòa ly dị nhưng không thoả thuận được việc chia tài sản, phải kê khai tuốt luốt. Xin tạm kể ba “chuyện nhỏ” để chứng minh sự giàu có rất “khủng” này.
1. Vụ ly hôn 2.000 tỷ của vợ chồng đại gia
Vụ ly hôn giữ ông Trần Văn Mười - Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Tập đoàn quốc tế Năm Sao và bà Phạm Thị Hương Giang - Phó giám đốc Công ty cổ phần giám định Đại Tây Dương là một vụ ly hôn kỷ lục bởi khối tài sản trị giá hàng ngàn tỉ đồng, kéo dài gần 4 năm.
Ông Giang và bà Mười kết hôn năm 1999, có hai con và đến năm 2004 thì lục đục rồi kéo nhau ra tòa.
Về phần tài sản, tổng cộng ông Mười và bà Giang sở hữu 2000 tỷ đồng bao gồm: 1 xe hơi Camry, biệt thự ở Sài Gòn, Vũng Tàu, Hải Phòng và nhiều nhà đất khác, vốn đầu tư trong các công ty: CP Tập đoàn quốc tế Năm Sao (85 tỉ đồng), Công ty CP quốc tế Hòn Đảo Việt (8,5 tỉ đồng), Công ty CP đầu tư đô thị Sam My (30 tỉ đồng), Công ty CP vật tư nông nghiệp Vàm Cỏ Đông (16 tỉ đồng).
Số tài sản trên bà Giang đề nghị được chia đôi còn ông Mười cho rằng số tài sản này chính yếu là vay mượn để mua bán kiếm lời. Ông Mười cho biết ông còn nợ khoảng 6.804 lượng vàng và 109 tỷ đồng, ông đề nghị số tài sản hiện có dành để ưu tiên trả nợ sau đó phần còn lại sẽ chia theo thoả thuận. Tuy nhiên bà Giang cho rằng số nợ này bà không biết nên trách nhiệm trả nợ là của một mình ông Mười.
Sau nhiều lần thương lượng hai bên không tìm được tiếng nói chung, ông Mười đưa ra cách giải quyết là đưa cho bà Giang 60 tỷ đồng và phần còn lại ông sẽ chi trả nợ nần và toàn quyền quyết định. Tuy nhiên bà Giang không chấp nhận giải pháp này. Cuối cùng tòa án đã hoãn xử để định giá lại khối tài sản trên.

2. Ly hôn đòi chia tài sản 10 ngàn tỷ đồng
Ngày 21-4-2011, Tòa án quận Hoàn Kiếm - Hà Nội đã xét xử sơ thẩm và quyết định bà Nguyễn Thanh Thủy được ly hôn với ông Bùi Đức Minh Phó chủ tịch Tập đoàn Bảo Sơn.
Vụ ly hôn này được dư luận vô cùng chú ý không chỉ bởi người vợ là đại gia của một tập đoàn có tiếng mà còn bởi khối tài sản tranh chấp lên tới 500 triệu Mỹ kim (khoảng 10 ngàn tỷ đồng).
Ngoài cổ phần tăng thêm trong Công ty cổ phần Tập đoàn Bảo Sơn và nhiều tài sản khác thì lớn nhất là toàn bộ quyền sử dụng đất tại dự án Khu du lịch sinh thái cao cấp An Khánh - Hoài Đức, đứng tên Nguyễn Thanh Thủy - Tổng giám đốc công ty TNHH giải trí Thiên đường Bảo Sơn làm chủ đầu tư rộng 34ha. Khối tài sản này theo ước tính của ông Minh và một số chuyên gia bất động sản theo giá thị trường không dưới 500 triệu USD, tức là khoảng 10.000 tỷ đồng.
Ngoài ra còn những tài sản khác không thể “đo đếm” như những đồ trang sức hàng tỉ đồng, những món hàng hiệu, vật dụng trang trí trong nhà chưa biết là bao nhiêu.

3. Siêu mẫu Ngọc Thúy và đại gia tranh giành 288 tỷ đồng
Xưa nay chuyện siêu mẫu, “siêu sĩ” cặp kè với đại gia là chuyện gần như “tất yếu”, và những cuộc tình và tiền đó bị khui ra tùm lum. Nhưng ít có trường hợp nào phải lôi nhau ra trước “ba tòa quan lớn” như trường hợp này. Siêu mẫu Ngọc Thúy và đại gia Nguyễn Đức An quyết định đi tới hôn nhân sau 7 ngày quen biết. Họ đến với nhau chớp nhoáng và chia tay nhau nhanh chóng, cuộc hôn nhân ấy lại kết thúc chóng vánh sau vỏn vẹn 13 tháng.
Dư âm còn lại của cuộc hôn nhân này là cuộc tranh giành tài sản lên tới 288 tỷ đồng sau khi chia tay. Một tài sản khá lớn khiến nhiều “siêu sĩ” mơ ước. Năm 2011, 4 năm sau khi ra tòa, vì không thỏa thuận được về tài sản và tiền trợ cấp nuôi con nên họ phải nhờ đến pháp luật trong cuộc tranh chấp tài sản tiền tỷ này.
Chuyện là ông Đức An (người Việt ở nước ngoài) đã cho Ngọc Thúy đứng tên tất cả số tài sản ông đầu tư ở Việt Nam trong hai năm 2007, 2008 và số tiền này, được ước tính tới 288 tỷ đồng. Tài sản tranh chấp trị giá 288 tỷ đồng bao gồm 5 căn nhà nằm trong Avalon Building tại quận 1; 4 căn nhà thuộc Sailing Tower cũng tại quận 1 - Sài Gòn; 13 lô đất và biệt thự thuộc Sea Links Golf & County Club, Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận; hai thửa đất và một lô đất ở Vũng Tầu; 1 biệt thự 160m2 ở quận Bình Thạnh, Sài Gòn; 31% cổ phần trong Công ty Sao Mai, Vũng Tàu; khoản tiền quyền mua cổ phiếu của dự án Bank New Venture; trương mục tiết kiệm tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam; 4 xe hơi Mercedes Benz; 1 xe Porsche Cayenne; 2 xe Volkwagen; 1 xe Vespa, các khoản vay 700.040 Mỹ kim và 3.000.040 Mỹ kim. Chưa biết sau cuộc tình náy siêu mẫu được chia bao nhiêu trong số những tài sản kếch sù đó.
Đây mới chỉ là vài tảng băng nổi lờ đờ trong những tảng băng chìm vĩ đại đằng sau các đại gia ở Việt Nam.

Câu chuyện bi hài về “suất ngoại giao”
Trở lại chuyện “suất ngoại giao” nhà đất, các VIP ăn nhiều rồi. Đến khi nhà đất đóng băng, gió đổi chiều, giá xuống ầm ầm như động đất, các VIP lại tìm cách xoay xở nhả ra.
Đến văn phòng một quan chức vào một ngày cuối năm, khách tới đủ loại bàn chuyện công tư. Ông ta ngán ngẩm nhìn một đống thư riêng, e-mail thỉnh thoảng một cú điện thoại khiến ông ngắc ngứ. Ông than thở: “Trước thì năn nỉ cậy nhờ, nay không bán được lại xin rút, câu chuyện bi hài ở chỗ đó”. Chưa hỏi vì sao, ông nói tiếp: “Đó là một số người quen xin trả lại suất ngoại giao”.
Ông là quan chức thuộc ngành xây dựng nên ai cũng hiểu ngay “suất ngoại giao” là suất mua rẻ thời địa ốc sôi động, mua được 1 miếng bán lời gấp năm gấp mười, nhưng đến bây giờ bán như cho cũng chẳng ai đoái hoài tới. Trong bối cảnh thị trường ảm đạm này đang là câu chuyện dở khóc dở cười của hàng loạt chủ đầu tư cũng như khách hàng. Chính vì điều này nên người ta mới biết đến bí mật của “suất ngoại giao”.
- Chuyện ở Hà Nội
Chị Kỳ Phương, một khách VIP cỡ lớn từng được mua lô liền kề suất ngoại giao hàng chục tỷ đồng tại dự án ở Hà Đông với mức chiết khấu lên tới 20% đang đau đầu tìm cách đối phó với suất ưu đãi tỷ lệ cực cao này. Ôm suốt hai năm, muốn chờ thời địa ốc lên cao để "bắt sóng", bỏ qua mọi lời khuyên bán lúa non, giờ chị lãnh đủ. Không bán được, chị xin trả lại suất ngoại giao cho chủ đầu tư song nhân viên kinh doanh vẫn dùng dằng chưa giải quyết vì không thể hoàn tiền đến 60% cho khách hàng.
Anh Nguyễn Cảnh cũng cạy cục được mua một suất ngoại giao với giá 30 triệu đồng mỗi mét vuông, ưu đãi giảm 15%. Như vậy, mỗi căn nhà rộng khoảng 104 m2, anh chỉ phải chi hơn 3 tỷ đồng. Tuy nhiên, nộp 30% giá trị nhà thì thị trường đi xuống, rao bán mãi không ai mua, anh đã huy động tất cả các quan hệ để xin... trả lại.
Đọc trên các trang báo mạng, không thiếu thông tin rao bán “suất ngoại giao” với giá rẻ bằng 2 phần 3 thị trường. Một lô biệt thự riêng rẽ rộng 325m2 thuộc một dự án ở Hoài Đức (Hà Nội) được chính chủ rao bán bằng 70% giá thị trường. Quảng cáo nêu rõ là một trong những “suất ngoại giao”, “hướng Đông Nam, sang trọng nhất khu đô thị, không gian rộng rãi với giá 25 triệu đồng mỗi m2". Trong khi thị trường đang bán loại căn nhà này giá trên 35 triệu đồng mỗi mét vuông.
- Ăn quen nhịn không quen
Đại diện một doanh nghiệp thừa nhận, bản thân bà cũng nhận được nhiều lời đề nghị xin trả lại suất ngoại giao sau khi khách hàng năn nỉ mua bằng được. Vì mối quan hệ và tùy độ VIP, chủ đầu tư sẽ ưu tiên giải quyết. Nguồn tin này tiết lộ: “Khách VIP nhỏ phải chạy qua nhiều phòng ban, còn thượng khách thì có thể a-lô trực tiếp cho những lãnh đạo cao nhất để xin trả lại”.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, việc khách VIP xin trả lại suất ngoại giao cũng giống như câu chuyện bi hài về cổ phần hóa năm nào. Suất ngoại giao địa ốc cũng như cổ phiếu ưu đãi trong thời điểm thị trường hưng thịnh bỗng trở thành “ngược đãi” khi thị trường lao dốc. Cả người cho và người nhận suất ưu đãi đều không ngờ có ngày thị trường bất động sản èo uột thậm chí đóng băng như hiện nay.
Bà Phạm Chi Lan nói: “Chuyện người được ưu đãi từ chối nhận phần ưu đãi nghe có vẻ nghịch lý nhưng lại là một tình huống rất thực tế. Thị trường địa ốc phát triển quá nóng với cơn sốt đất Ba Vì năm xưa và bị siết tín dụng từ những tháng đầu năm 2011 nên nay cả khách VIP và doanh nghiệp lãnh đủ”.
Các VIP cỡ lớn “ăn quen, nhịn không quen” nên tìm mọi cách lấy lại số tiền mình đã lỡ bỏ ra đầu tư kiểu 1 ăn 10. Bằng mọi cách các VIP cỡ bự không chịu mất.Với những “thượng khách” thì chủ đầu tư ngậm bồ hòn làm ngọt, phải giải quyết để còn “đường nhờ cậy” sau này. Đúng là “cha thiên hạ”!

Tồn kho bất động sản lên tới 1 triệu tỷ đồng
Đó là sơ lược tình trạng thê thảm của địa ốc tại Việt Nam gây ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế hiện nay. Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết, tính đến 31-8, dư nợ tín dụng của bất động sản khoảng 203.000 tỷ đồng, trong đó tỷ lệ nợ xấu là 6,6%. Nếu tính dư nợ tín dụng liên quan đến bất động sản, gồm cho vay kinh doanh nhà đất, vay đầu tư sản xuất và kinh doanh, thế chấp bằng bất động sản thì con số này khoảng 57% tổng dư nợ, tương đương hơn1 triệu tỷ đồng. Hàng tồn kho cả nước lên tới 16.469 căn nhà, hơn 4.000 nhà thấp tầng và khoảng 25.800 m2 văn phòng cho thuê.
Bộ Xây dựng đánh giá, tồn kho bất động sản có ảnh hưởng trực tiếp đến những ngành có liên quan như vật liệu xây dựng. Từ tháng 4-2011 đến nay, thị trường bất động sản rơi vào tình trạng ế ẩm. Hàng loạt bất động sản cao cấp nhưchung cư,biệt thự,đất nềngiảm giá đến 30%, thậm chí 60% so với thời hoàng kim nhưng vẫn không bán được.
Chính vì thế nhiều vụ kiện cáo đã xảy ra, năm 2012 Sài Gòn và Hà Nội chứng kiến nhiều vụ tranh chấp, kiện cáo nhà đất của người mua nhà.
Khủng hoảng ăn sâu vào mọi ngóc ngách của nền kinh tế khiến chủ đầu tư hầu như mất khả năng chi trả, nhiều mối tranh chấp nhà đất đều không được giải quyết đến nơi đến chốn khiến tâm trạng người dân luôn luôn bất an.
Có hàng ngàn chuyện để bàn đến vấn đề “xây dựng” ở Việt Nam nhưng có một chuyện không thể không nói đến là trong tình trạng khủng hoảng như vậy mà các quan tham từ xã đến tỉnh vẫn không tha cho dân. Các quan thanh tra nhà đất tham nhũng trắng trợn, bóp cổ từ anh dân đen đến anh nhà giàu, không chừa bất cứ ai. Một bằng chứng cụ thể vừa xảy ra tại Sài Gòn. Và xin bạn nhớ cho đây chỉ là một trong hàng ngàn hàng vạn sự việc tương tự đã và đang xảy ra tại Việt Nam mà thôi.
- Sửa chữa nhà có giấy phép vẫn bị hành tới bến
Sửa chữa nhà có phép cũng phải đưathanh tra xây dựngđi nhậu. Nhậu xong, các “quan” còn đòi thêm tiền.
Anh Lê Phước T., ngụ ấp 3, xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh, Sài Gòn vừa tố cáo với báo chí, 3 thanh tra xây dựng (TTXD) xã ép anh phải đưa 6 triệu đồng nếu không sẽ dỡ nhà, mặc dù nhà anh sửa chữa có giấy phép.
Theo đơn tố cáo của anh T., giữa tháng 11 năm 2012 vừa qua, nhà anh liên tục bị ngập nước, hư hỏng nhiều vật dụng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống. Chạy đôn chạy đáo, anh mới mượn được vài chục triệu đồng chỉ đủ để nâng nền, làm lại vách tôn. Anh T. làm đơn xin sửa chữa nhà và được UBND xã Tân Kiên đồng ý. Sau đó, anh nâng nền nhà, dựng tôn theo nền cũ. Tuy nhiên, mới làm được 2 ngày thì có 3 TTXD xã Tân Kiên, gồm: Nguyễn Tiến Sơn (tổ trưởng), Lê Thành Nhân và một người tên Thơ, đến nhà kêu anh dẫn đi nhậu. Vì không muốn phiền hà, anh dẫn 3 người tới quán Bình Minh (Q.6) và phải bấm bụng trả hết 1,85 triệu đồng. Tưởng yên thân, những ngày tiếp theo, một người tới nhà kêu anh đưa cho TTXD 6 triệu đồng! Anh T. không đưa thì ngày nào Nhân cũng tới yêu cầu anh phải đưa 6 triệu đồng và dọa: “Nếu không sẽ báo TTXD huyện tới dỡ nhà”. Sợ hãi, anh T. vay mượn khắp nơi, nhưng không đủ tiền. Không còn cách nào khác, anh điện thoại cho Nhân xin giảm xuống còn 4 triệu vì “hôm trước đã dẫn 3 anh đi nhậu hết triệu tám rồi”, thì được Nhân cho số điện thoại của Sơn và cảnh báo: “Gì đâu mà bớt biếc tùm lum, có gì anh gọi điện cho anh Sơn đi”. Anh T. gọi cho Sơn năn nỉ và được người này trả lời: “Bớt gì, ông xem nhắm được bao nhiêu thì đưa cho nó, có phải hàng tôm, hàng cá đâu mà bớt…”.
Sáng 15-12-2012, Nhân lại tới nhà anh T. yêu cầu đưa tiền. Phẫn nộ trước sự nhũng nhiễu trắng trợn, vợ anh T. đã to tiếng với anh này. Thấy vậy, Nhân bỏ đi, sau đó gọi điện thoại cho anh T. nói: “Vợ anh dữ quá!”. Anh T. cho biết thêm, đầu tháng 12-2012, một hàng xóm của anh làm căn nhà thấp lè tè, nhưng vẫn phải chi cho TTXD 13 triệu đồng. Biết chuyện, anh T. làm đơn tố cáo, thì sau đó người hàng xóm đã được nhận lại đủ số tiền trên.
Ông Nguyễn Văn Phó, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Tân Kiên, cho báo chí biết: “Ngay sau khi nhận được thông tin, tôi yêu cầu các TTXD làm kiểm điểm. Những người này thừa nhận có đi nhậu cùng anh T., riêng việc đòi tiền chưa hoàn thành nên chưa có cơ sở để xử lý. Chúng tôi sẽ báo cáo huyện để chuyển những TTXD này đi nơi khác”. Còn ông Đoàn Nhật, Phó chủ tịch UBND H.Bình Chánh thì cương quyết: “Những TTXD đó phải cho thôi việc chứ không thể chuyển đi nơi khác được”.
Đúng ra là phải đưa ra tòa, bỏ tù mọt gông những con sâu mọt này hiện nay lúc nhúc trong đời sống nhân dân trong khắp mọi ngõ ngách từ thành thị tới thôn quê. Loại sâu mọt này cũng đáng sợ như những loại bự khác. Bao nhiêu mồ hôi nước mắt của người dân đổ ra làm giàu cho những tên vô lại?
Đúng là quan xã cũng “làm cha thiên hạ”. - (VQ)