1. BỮA ĂN
Trên
gương mặt xanh nhợt màu lá chuối non của người đàn ông, hai chiếc má
hóp lại khiến cho đôi gò má càng nhô cao lên. Một bên mắt không còn đồng
tử trở thành một cái hố nhỏ đọng lại chút bóng tối của chiều tà. Ông
mặc một chiếc áo bà ba đen bạc màu, vá chồng chất. Mặc dù vậy, bề dày
của nhiều lớp vá vẫn không che kín những mảng da lộ ra đây đó trên tấm
thân thể gầy gò. Cái quần lỡ ngắn lỡ dài khoảng dưới đầu gối, mép vá
rách te tua tố cáo hình dạng đích thật của nó trước đây là một chiếc
quần dài, bị xé bằng tay mất khoảng dưới. Hai ống chân lòi ra, xương ống
chân cộm lên bao bọc làn da khô láng, tái nhợt với những sợi gân máu
nổi chằng chịt.
Ông
ta ngồi xổm trên đất, dưới gốc một cây bồ đề non. Trước mặt ông, một
cậu bé khoảng dưới mười tuổi, tóc hớt ngắn, nhưng đã mọc dài ra tua tủa,
da rám nắng, đôi mắt buồn, yên lặng, chăm chú nhìn thẳng vào mặt người
đàn ông, chờ đợi. Họ ngồi đối diện cách nhau một vài gang tay. Giữa họ,
trên đất, một cái chén nhựa màu đỏ đã phai màu, méo mó, cáu bẩn, đựng
một thứ nước màu đen. Chất nước sền sệt đọng lại dưới đáy chén như một
lớp váng mỏng. Họ đang chuẩn bị bữa ăn tối.
Người
đàn ông moi trong túi vải ra một chiếc bánh tráng, xé làm tư, giữ một
phần, còn ba phần cất vào túi. Ông cuốn mẩu bánh một phần tư như vấn một
điếu thuốc. Ông cầm cuốn bánh bằng cả năm đầu ngón tay chụm lại, cẩn
thận quẹt phớt nhẹ lên mặt chất lỏng đen trong cái bát nhựa, gạt đầu
cuốn bánh-điếu-thuốc vào thành chén. Đoạn ông ngửa cổ ra, miệng há to
như chim con chờ đút mồi. Đó là tư thế thích đáng để hứng lấy những giọt
nước chấm mà ông sợ chẳng may có thể rơi xuống. Và tuy miệng ông mở ra
rất to, nhưng lúc ngậm lại rất từ tốn. Những chiếc răng cửa cáu bẩn
dường như không dám chạm đến đầu cuốn bánh. Và cuối cùng đầu cuốn bánh
chỉ bị chạm nhẹ lên hàm răng mà không hề hấn gì. Như vậy là ông đã ăn
một lần. Xong, ông định đưa cuốn bánh cho cậu bé nhưng rồi ông đổi ý.
Ông muốn tự tay đút cho cậu bé ăn. Cuốn bánh tráng lại được đưa phớt qua
trên mặt chất nước màu đen. Và trong khi cậu bé đã há hết chiếc miệng
ra chờ, bàn tay cầm cuốn bánh của người đàn ông thoáng chút rụt rè. Hai
lần cậu bé ngậm miệng lại, vì tưởng thức ăn đã được để vào, nhưng cậu
chỉ ngậm lại miệng không.
Một
dòng nước miếng tràn ra khoé môi, chảy xuống chiếc cổ ngẩng. Đến lần
thứ ba, cậu bé sửa đổi thế ngồi thật vững vàng trong tư thế chực sẵn,
người hơi rướn tới trước. Trong tư thế sẵn sàng đó, trông cậu giống như
một con thú nhỏ rình chờ đớp mồi. Cậu đã thu ngắn lại khoảng cách giữa
cuốn bánh tráng và miệng cậu. Nhưng rồi dự tính của cậu chỉ thành công
một nửa. Khi người đàn ông đưa cuốn bánh vào miệng cậu lần thứ ba, đầu
cuốn bánh chỉ vừa chạm vào môi cậu. Chất nước chấm ít ỏi thấm qua làn da
môi và chiếc lưỡi của cậu bé lẹ làng như lưỡi rắn, lè ra quét sạch. Tức
thì, sự kích thích mạnh mẽ của vị giác làm cho nét mặt cậu sáng lên và
đôi mắt trở nên lanh lợi. Bất ngờ, như một hành động tự hiến vượt ngoài ý
thức, một cử chỉ hăng hái có phần mù quáng lẫn ân hận, bàn tay người
đàn ông đưa tới. Nhẹ nhàng không hay biết, hai bàn chân cậu bé nhích tới
hai bước. Hình như kết quả hoàn toàn do bất ngờ, cuốn bánh tráng lọt
sâu vào miệng cậu bé. Nhanh nhẹn, miệng cậu ngậm chặt lại. Nhưng rồi hai
hàm răng như hai gọng kềm sắp sửa cắn đứt lìa – ít ra là phân nửa cuốn
bánh tráng dài hơn một lóng tay – vội mở ra khi cậu bắt gặp vẻ hoảng hốt
và bối rối trên con mắt còn lại của người đàn ông. Và lợi dụng ngay
tình thế đó, ông ta lập tức rút cuốn bánh ra khỏi miệng cậu bé thoáng vẻ
mừng rỡ lẫn ân hận. Song cũng nhanh nhẹn không kém, cậu đã hối hả cắn
nhẹ một chút đầu cuốn bánh tráng, cậu nhai nhóp nhép như đang nhai một
miếng gì to.
Hai người nhìn nhau, cười bẽn lẽn.
Tới phiên người đàn ông ăn. Ông ta cũng lập lại lối ăn - như - sợ - làm - cho - cuốn - bánh - tráng - đau - đớn lần đầu.
Nhưng
sự ăn mòn dầu là nhỏ nhoi và chậm chạp cũng đến lúc làm cho vật bị ăn
tiêu tán. Họ ăn hết cuốn bánh tráng thứ nhất. Người đàn ông, rất thong
thả, mở bị xách lấy ra phần thứ hai, cẩn thận cuốn tròn lại... Rồi phần
thứ ba và thứ tư. Vừa đúng khi tiếng kẻng báo giờ tập họp điểm danh tối
trong trại tù vang lên, người đàn ông giật nẩy mình như tỉnh ra từ một
cơn mộng, hối hả đứng dậy.
Trong
vòng vài phút còn đứng lại dưới gốc cây bồ đề non, người đàn ông nhiều
lần vét như lau vào lòng chén rồi đưa ngón tay vào miệng mút. Chiếc chén
hầu như được rửa sạch. Ông ta mở túi xách cất chén vào, bước hối hả về
phía khu giam tù chánh trị. Đứa nhỏ cũng rảo bước về khu giam trẻ vị
thành niên. Trong ánh nắng quái vàng rực của chiều hôm, bóng hai người
ngã dài ra hai phía.
Tại
chỗ bữa ăn diễn ra, một chú ruồi xanh đánh hơi muộn mới bay đến. Nhưng
chú ta, như một chiếc máy bay trinh sát vừa phát hiện “có dấu hiệu
địch”, nhưng khi đến nơi địch đã hoàn toàn biến mất, thậm chí không để
lại một dấu vết cỏn con. Chú đảo một vòng vô vị trên mục tiêu đường kính
không quá hai gang tay, hoàn toàn an ninh, rồi xẹt một lằn, chú ruồi
xanh biến mất trên ngọn cây bồ đề non, những chiếc lá nhuộm vàng ánh
nắng quái.
2. GÓC PHỐ
Chiều
cuối tuần. Ngay trên lề phố, những quán hàng bày bán đủ các món ăn
nhậu. Cháo lòng heo, gà, vịt... Khách hàng ngồi ăn đông đúc. Họ đưa cả
gia đình ra phố, áo quần tươm tất. Họ ăn uống tận tình. Nhai ngồm ngoàm,
húp xì xụp, nuốt ừng ực.
Phương tây đùn lên những cụm mây đen. Khí hậu trở nên oi bức. Ánh sáng mặt trời chiều lọt qua kẻ mây bắn những chùm tia vàng xuống thành phố. Thỉnh thoảng một cơn gió mang theo hơi nước bất ngờ thổi tới làm dậy lớp bụi đỏ trong các đường phố hẹp.
Tôi cũng là một thực khách. Tôi đã ăn một đĩa xôi gà, một tô cháo tim cật và uống một chai bia lớn. Tâm hồn sảng khoái.
Trên
đường về, tôi gặp gia đình đó chỗ góc phố. Bọn họ gồm người cha và ba
đứa trẻ. Tôi đứng lại nghe ông kể chuyện. Vợ ông vừa chết trong chiến
cuộc. Ông ta đang bồng tựa vai đứa trẻ gái yếu quặt khoảng năm, sáu
tháng tuổi. Dưới chân ông, ngay trên vỉa hè, hai đứa con khác của ông,
một trai một gái. Đứa lên hai, đứa lên một, trần truồng nằm tênh hênh
trên một tờ giấy báo cũ. Chúng đang gải những mụn ghẻ lở mọc lấm tấm
trên làn da bọc xương xanh nhợt. Chúng khóc nho nhỏ, như tiếng kêu rên ư
ử. Từng chập, nín lặng mở to mắt nhìn lên những khách đi đường. Trông
chúng như hai con vật nhỏ được bày bán lâu ngày, trở nên cũ kỹ, mệt mỏi.
Người đàn ông mặc một bộ đồ lính mới toanh, nhưng chiếc mũ nhựa ông đội
sùm sụp trên đầu thì màu trắng đang biến dần ra màu xám, bị thủng vài
lỗ nhỏ bằng đầu ngón tay. Đứa trẻ gầy gò mà ông cố giữ lại, đang nẩy
người, khóc thét lên. Chắc nó đang khát sữa. Vỗ vỗ bàn tay thô kệch vào
mông trần đứa bé, người đàn ông hát ru nho nhỏ, ngập ngừng, như ông mắc
cở sợ những người qua lại nghe được. Khách qua đường dừng lại xem. Thỉnh
thoảng có những người bỏ đồng
tiền kẽm vào chiếc thau nhựa màu xanh đóng bợn. Tôi bắt gặp những ánh
mắt động lòng trắc ẩn, chịu để tâm hồn mình chia xẻ. Cũng có những ánh
mắt ái ngại nhưng trong đó tôi đọc thấy ý nghĩ: “Đâu có phải
một mình gia đình ông khổ. Đất nước chiến tranh loạn lạc hàng chục năm
rồi. Gia đình ai cũng kẻ mất người còn. Chúng tôi đây cũng có sung sướng
gì. Làm quần quật từ sáng đến tối mới có cái cho vào miệng”. Họ bỏ vào chiếc thau những đồng tiền lẻ, vẻ ngượng ngập.
Tôi cũng bắt gặp những ánh mắt hoàn toàn dững dưng trên những gương mặt
lạnh lùng. Họ chỉ nhìn thoáng qua rồi đi thẳng như họ không hề trông
thấy cảnh đó.
Tôi
cũng là một khán giả của hoạt cảnh. Trong những tiếng động hỗn tạp của
thành phố, tôi nghe tiếng khóc của đứa bé vượt trội hẳn lên. Và mỗi lần
nó nẩy người khóc thét lên, tiếng khóc của nó như một mũi tên bắn vào
tim tôi. Tôi không rõ bạn có cùng một cảm giác với tôi như vậy không khi
bạn được mục kích cảnh đó (một đứa bé không phải là con bạn, đang khát
sữa). Nhưng nếu bạn có một đứa con, khi nó đói mà bạn không có tiền để
mua sữa cho nó bú, tiếng khóc của nó sẽ xé nát lòng bạn.
Rồi,
không hẳn vì bị tiếng khóc của đứa trẻ lôi cuốn, cũng không phải hoàn
toàn là phản ứng tự nhiên, tôi móc túi lấy ra hết số tiền định bỏ vào
trong chiếc thau nhựa – trong đó đã có một ít tiền. Nhưng bỗng nhiên tôi
lại khựng lại. Cầm chặt tiền trong tay, tâm hồn tôi tràn ngập một sự
xấu hỗ và ăn năn. Với mớ bạc lộn xộn của tôi nắm gọn trong bàn tay thì
có thay đổi gì được cuộc đời họ và tương lai những đứa trẻ? Trong một
tâm trạng bàng hoàng, tôi định bỏ đi. “Nhưng trong một xã hội mà những
con người như thế bị bỏ rơi, nếu không có những tấm lòng từ thiện thì họ
lấy gì để sống?” Ý nghĩ đó níu chân tôi trở lại. Tôi đứng bên cạnh hai
đứa bé, dưới chân tôi là chiếc thau nhựa. Tôi chỉ cần hơi cúi người
xuống bỏ tiền vào đó, thế là một hành vi từ thiện đã được làm xong. Và
với số tiền ít ỏi đó cùng với tiền của những người khác đứa bé sẽ có sữa
bú. Cha con họ có thể sống qua ngày. Nhưng tôi đã không làm nổi. Có một
sức mạnh tăm tối giữ chặt tay tôi lại.
Tôi
quay quắt bỏ đi, tâm hồn tan nát vì cơn phẩn nộ. Cơn đau dạ dày nổi
lên. Bụng tôi cồn cào, miệng chảy nước dãi. Tôi muốn nôn. Nhiều lần tôi
cố nôn ra nhưng không có gì ngoài một ít chất nhờn. Cuối cùng tôi chỉ có
thể đi tiểu được. Tôi tiểu ngay giữa đường và nước tiểu chảy ngoằn
ngoèo xuôi xuống một con dốc, mất hút, như đường trườn của một con rắn
quái gỡ. Còn đĩa xôi gà và tô cháo tim cật bộ phận tiêu hóa đã làm xong
nhiệm vụ, bắt đầu biến thành máu nuôi thân thể tôi.
Tôi
rùng mình gài lại quần. Trời nổi gió. Cơn mưa ập đến như xối nước. Roi
mưa quất vào mặt tôi túi bụi. Tôi dầm mình đi trong mưa. Một tiếng sét
nổ, tôi bị vất vào bụi rậm. Không khí khét lẹt. Tôi lồm cồm bò. Cơn mưa
mù mịt còn tiếp tục úp chụp lên thành phố.
3. NUỐT LỐN
Họ
là hai người đàn ông đi làm thuê. Họ từ miền quê lên và đã nhiều ngày
không tìm ra việc làm ở thành phố. Màu da trên mặt họ và tay chân họ
bóng lên màu đồng hun. Màu nắng nung cháy suốt bao ngày trong đời họ. Họ
mặc áo ngắn tay, không rõ màu gì, phong phanh hở cả da thịt, quần đùi
đen sát đến tận háng. Mồ hôi thấm đẫm dán làn vải mỏng vào da. Người họ
toát ra một mùi cháy khét. Họ là những người sống bằng nghề nông, nhưng
họ phải từ bỏ ruộng vườn vì hạn hán và vì chiến tranh tàn phá mùa màng,
đe dọa mạng sống, họ phải tha phương kiếm sống. Hai người đội hai chiếc
nón lá thô sơ mà hình thể ban đầu đã biến dạng. Chiếc nón rách đã bị cắt
nhiều lần bây giờ chỉ còn vừa đủ che mái đầu của họ với cái chóp nhọn
như món đồ chơi trẻ con.
Khi
ghé vào nhà tôi, họ đã mệt lã. Cái nắng tháng năm và gió Lào miền Trung
vắt kiệt sinh lực họ. Họ ngồi bệt ngay xuống mái hiên xin nước uống.
Nhà tôi có một ít gỗ vụn. Họ khẩn khoản xin mẹ tôi để họ chẻ ra thành
củi và “chỉ xin bà vài bát cơm nguội thôi”. Họ thú nhận hai ngày qua họ
chưa có bát cơm nào vào bụng, chỉ ăn rau nhặt ngoài chợ và uống nước
phông tên. Thoạt tiên, mẹ tôi từ chối, nhưng sau khi biết tình cảnh họ
mẹ tôi bằng lòng. Họ xin mẹ tôi cho họ được ăn trước cho có sức khỏe vì
họ đang rất đói. Lúc ấy vào khoảng xế chiều, nhà chưa nấu cơm. Mẹ tôi
đem ra cho họ khoai lang luộc. Họ ăn hối hả. Mỗi củ khoai, họ chỉ cắn ba
bốn miếng là hết. Họ không nhai, chỉ lấy lưỡi đánh qua lại vài lần cho
trơn là nuốt. Miếng khoai trôi qua cổ họ vồng lên như rắn nuốt nhái.
Thấy tôi trố mắt nhìn, một người giải thích đó là “nuốt lốn”. Ông ta
nói: “Nuốt lốn có cái lợi là thức ăn lâu tiêu và lâu đói lại”. Tôi đem
bài học về tiêu hóa ra nói với họ, khi ăn cần nhai kỹ để giúp cho sự
tiêu hóa được dễ dàng, giúp vệ sinh cho bộ phận tiêu hóa như bao tử,
ruột... Một người trả lời: trong hoàn cảnh của họ càng lâu tiêu càng tốt, tiêu hết không có gì để vào bụng lại.
Loáng
một cái, đĩa khoai hết nhẵn. Họ kể chuyện – làng chúng tôi đã có nhiều
người chết đói. Có người ăn cây xương rồng và chết vì ngộ độc./.
|
|
Kinh Dương Vương |