văn hữu vườn tao ngộ

Nơi lưu trữ tác phẩm của PBTD và thân hữu. Liên lạc: phanbathuyduong@gmail.com

Sunday, November 4, 2012

Võ Thị Điềm Đạm - ĐÊM TRUNG THU PHAN THIẾT


vothidiemdam

Trong những năm học ở trường Nữ Tiểu Học Phan Thiết (1960-1966), có ba điều tôi ao ước mà không bao giờ được toại nguyện.  Thứ nhất, được cầm cái chùi gỗ để đánh ba tiếng trống thùng thùng thùng những khi vào lớp, khi ra chơi, khi tan trường, với những điệu trống dài ngắn khác nhau.  Tiếng trống sao rền vang, sao oai nghiêm, chị đánh trống sao mà oai quá, mình cũng muốn được oai như chị ấy nhưng không bao giờ được cô chỉ định.

      Thứ hai,
đứng kéo cờ mỗi sáng và mỗi chiều.  Tôi ước ao được cô chọn với một học sinh khác, cho đứng dưới cột cờ.  Khi ấy, tất cả sẽ chăm chăm nhìn đôi tay tôi khéo léo tháo sợi dây thừng, gương mặt nghiêm trang ngước cao hãnh diện nhìn theo lá cờ vàng ba sọc đỏ lên nhẹ nhàng hay xuống từ từ cho đến khi bài quốc ca Này Công Dân Ơi! chấm dứt.  Tất cả sẽ chăm chú nhìn đôi tay tôi và nhỏ bạn nhanh nhẹn xếp gọn lá cờ làm hai, làm tư, làm tám.
      Thứ ba, được ở trong đoàn lân dẫn đầu đoàn diễn hành mỗi đêm Tết Trung Thu.  Ở nhà, tôi đã đội cái gối, trùm cái mền, thằng em đánh trống miệng cho tôi tập dơ cao chân, sải bước dài, hai tay đưa gối qua lại theo nhịp trống miệng.  Vậy mà cô không chọn tôi.  Cô không chọn tôi múa lân, cũng không cho tôi làm ông Địa, càng không cho tôi ôm cái trống trước bụng đánh thùng thùng và cũng không chọn tôi đi phía sau cầm cái đuôi con lân.  Sao mà tụi nó có phước quá vậy!  Nhất là chị Xí, bạn Xê, năm nào cũng dẫn đầu đoàn múa lân của trường Nữ Tiểu Học.  Còn tôi, ngoan ngoãn xếp hàng phía sau đoàn lân, vừa đi vừa chạy vừa ráng giữ cho thẳng hàng.  Hân hoan với đêm hội trăng rằm!
      Rước đèn đêm trung thu gắn liền với tuổi-thơ-Phan-Thiết như mái nhà tranh đơn sơ không thể thiếu trong bất cứ một bức tranh đồng quê Việt Nam.  Và cũng có thể nói; đêm trung thu đối với người dân Phan Thiết là món quà tô điểm đời sống tỉnh lị, món quà đến mỗi năm, nhận được mà không cần cám ơn.  Không cần thông cáo về ngày giờ hay địa điểm, khi trời vừa chập tối thì tự động người dân rủ nhau tụ tập hoặc ở Vườn-Bông-Lớn bên kia cầu hay Vườn-Bông-Nhỏ bên phố để chờ đoàn diễn hành tụ về.

      Từ khắp nẻo
đường, đoàn diễn hành của các trường tiểu học công Nam Phan Thiết, Nữ Phan Thiết, Đức Thắng, Bình Hưng, Đức Nghĩa, Phú Trinh, Đức Long nằm rải rác quanh tỉnh lị lần lượt tụ về.  Mỗi trường một kiểu đèn lồng, hàng lớp thẳng tắp, đi theo sau đoàn lân của mình.  Ánh đèn cầy lấp lánh sau lớp giấy màu mỏng đủ mầu sắc, gương mặt vừa hân hoan vừa hãnh diện, bước chân vừa nhanh cho theo kịp đội lân phía trước vừa ráng giữ hàng lớp ngay ngắn vừa cẩn thận để cây đèn nhỏ như ngón tay không chao làm cháy đèn; đoàn diễn hành rời cổng trường với quyết tâm chiếm giải năm nay.  Đám con nít hàng xóm cũng là học sinh lớp nhỏ chạy theo hai bên đoàn diễn hành, người người hân hoan đổ ra đường đón chào làm cho những học sinh lớp nhì và lớp nhất cảm thấy như mình là tâm điểm và cũng là niềm hy vọng của ấp mình.      Điểm nổi bật nhất của mỗi đàn diễn hành là đội lân của trường.  Đội lân là do học sinh tự tập tự diễn, gồm bốn-năm người thay nhau múa lân và cầm đuôi, ông địa bụng bự đội mặt nạ lúc nào cũng nhe răng cười phe phẩy cái quạt dẫn đường, người đeo cái trống trước bụng, người cầm hai cái xeng giống như nắp nồi bằng đồng.  Tiếng trống khi nhặt khi dồn dập, tiếng xeng khi mạnh khi cạ nhẹ, bước lân khi giơ cao khi sãi dài, đuôi lân lượn qua lượn lại, ông địa lúc chạy lúc thư thả, nhưng lúc nào cũng phía sau tấm bảng lớp để tên trường, đội lân dẫn đoàn diễn hành của trường mình qua đường phố.
      Quanh nhà lục giác trong vườn bông lớn, các trường xếp hàng chờ loa gọi tên.  Khi một trường được gọi tên, lồng đèn lớn của trường được nâng cao lên, đoàn lân múa vài điệu mẫu, học sinh giơ cao đèn cá nhân, đồng hát và hô khẩu hiệu.  Điểm lồng đèn lớn đại diện cho trường, điểm đoàn lân, điểm diễn hành trật tự, điểm lồng đèn học sinh, tất cả được cộng lại để chấm giải.  Năm nào tôi cũng mang nỗi hân hoan trường mình được giải nhất (?), mau chân về nhà đđược bánh kẹo mặc dù buổi chiều trước khi diễn hành, học sinh tập trung ở sân trường và đã được cô phát cho mỗi đứa một cái bánh trung thu nhỏ.  Nhưng sau vài giờ rước đèn, viễn tượng bịch kẹo bánh đang chờ ở nhà càng lúc càng hối thúc bước chân.
      Mỗi năm, ba tôi hợp với vài gia đình trong xóm Phố Ba Mươi Căn có con cùng lứa với chị em tôi, tổ chức phát bánh kẹo.  Chú Sáu Sang có hai người con là Thanh Hiền và Hoàng Minh cùng tuổi với tôi và em trai tôi nên thường tham gia.  Chúng tôi hát, cười giỡn, ngốn ngoán kẹo bánh, trầm trồ lồng đèn của nhau.  Vài chiếc lồng đèn giấy kiếng trong sắc màu lộng lẫy trở nên lạc lõng giữa những lồng đèn bánh ú không được thẳng góc mấy nhưng dán đầy bông giấy, lồng đèn mặt trăng không được tròn trịa nhưng có đường viền tua tủa đủ màu sắc, lồng đèn ngôi sao góc cạnh vụng nhưng được che lấp bởi những chùm giấy màu nhuyễn cọng
      Những lồng đèn con thỏ, con cá, ngôi sao, trống quân… làm bằng giấy kiếng trong đủ màu sắc được tô điểm bởi những nét vẽ của bàn tay nghệ nhân, được uốn cong khéo léo của những ngón tay nhà nghề treo lủng lẳng trước các cửa tiệm bên phố không bao giờ hiện diện trong nhà tôi.  Mắc và phí của!  Như đa số các gia đình có con trẻ, một ngày đẹp trời, má tôi đi chợ về, bày ra bàn bó sống lá và một xếp giấy đủ màu.  Tuy giấy màu mỏng loại rẻ tiền nên đục đục chứ không trong khiết như giấy kiếng, nhưng đđánh sáng lấp lánh từ cây đèn cầy làm hân hoan niềm vui con trẻ.  Quậy hồ, ngâm sống lá, vuốt cây, cắt dán, chúng tôi miệt mài làm hết cái lồng đèn này tới cái lồng đèn khác.  Giấy màu được ưu tiên làm lồng đèn theo kích thước và kiểu mẫu do nhà trường hướng dẫn.  Còn lại là chị em tôi tha hồ làm đủ kiểu lồng đèn cho mỗi đứa. Và những chiếc lồng đèn sắc màu tươi mắt, ren tua tủa, hoa giấy uốn cong cánh điểm tô, theo vào giấc ngủ trẻ con, tô thắm niềm vui mùa trung thu. Cả tuần!
      Đêm trung thu, đêm uống trà ngắm trăng, đêm thả đèn trên giòng sông Cà Ty êm đềm.  Đó là chuyện người lớn!  Với tôi, tôi chẳng bao giờ bận tâm đến ánh trăng có vàng rực hơn, cũng chẳng tò mò xem coi mặt trăng có tròn to hơn, và càng không có đủ kiên nhẫn đứng ngắm ánh đèn trôi nhẹ nhàng trên mặt nước trong đen.  Làm lồng đèn, được ăn bánh trung thu chung với bạn bè, được đi diễn hành, được bánh kẹo và nhất là… nhất là khi về đến nhà thì lại được má chia cho một góc tư cái bánh trung thu beo béo tròng đỏ trứng gà nằm ngạo nghễnh giữa hỗn hợp mứt bí và hạt dưa ngọt ngây ngọt lịm.

V
à chắc cũng chẳng kịp rửa chân chứ nói chi đến chuyện đánh răng, dành được cái gối ôm, tôi lăn ra góc mùng, đi nhanh vào cõi mơ rộn ràng mà yên bình, miệng nhẻo nụ cười thỏa mãn.

Võ Thị
Điềm Đạm

BÙI NGỌC TUẤN * Nguyễn Đức Sơn, Riêng Một Cõi


buingoctuan


Ngôi nhà gỗ mầu xanh với hàng hiên cao khỏi mặt đường chừng ba bốn bậc thang, cửa sổ đóng, ngôi nhà trông tối lạnh. Nguyễn Văn Xô dắt tôi tới đó, anh đứng chờ, không nói. Tôi dựa lưng vào vách tường ngôi nhà đối diện nhìn sang. Lòng bàng hoàng không tả. Nguyễn Đức Sơn, đã từng ở đó, sống những ngày tháng với trí tưởng mênh mang, với tâm tình sôi nổi. Nơi anh đã viết những bài thơ, những truyện ngắn rất Nguyễn Đức Sơn, cực hay. Ngôi nhà gỗ mầu xanh thuộc về một người chú họ của Sơn, anh đến đây, ở với gia đình ông, rồi yêu cô em họ.  Mối tình đã làm ông chú nổi giận, la mắng nặng lời. Sơn bỏ đi.
Rừng núi Đơn Dương trùng trùng điệp điệp, đẹp như một thế  giới bị văn minh bỏ quên. Con đường Đalat đi Phan Rang, khi vượt cao độ 1,700 mét ở Cầu Đất xuống, nhập với con đường từ Tùng Nghĩa băng qua, chạy thêm chừng hai cây số,  qua sông Đa Răng đến đập Đa Nhim,  xuôi đèo Ngoạn Mục đổ xuống Sông Pha, rồi đâm về hướng Đông ra biển, đến Phan Rang.  Chỗ hai quốc lộ gặp nhau ấy là quận lỵ. Phố chính là khúc ngã ba quốc lộ đi Phan Rang đến gần bờ phía đông hồ Đa Nhim, phố chính thứ hai là con đường ngắn từ khoảng ngã ba quốc lộ chạy qua chợ Đơn Dương đến bờ Tây hồ Đa Nhim.

Con phố ngắn ấy tên là đường Nguyễn Công Trứ. Ngôi nhà của ông chú Sơn ở gần cuối đường này. Từ nhà chú Sơn, đi thêm khoảng nửa cây số nữa, khi vừa qua khỏi cây cầu  bắc ngang con suối nhỏ là nhà tôi. Từ đó, con đường chạy dọc theo chân núi, qua những đồng dâu, trái thơm ngào ngạt, những vườn rau xanh mướt, những vườn hồng nặng trái, trước khi chấm dứt ở bờ Tây đập Đa Nhim. Đơn Dương, Đơn Dương, 'giòng nước Đa Nhim như giòng thơ, rừng núi Đơn Dương như thành lũy'. Đơn Dương-Cầu Đầt là vùng đất rất lạ lùng, nhiều người tới đó rồi suốt đời mang theo trong hồn mầu trắng của sương mù, mầu xanh của rừng thông, mùi thơm của dâu chín, mầu hồng của hoa đào rực đồi rực núi, những vườn rau nõn nà, những đám lửa cháy rừng bập bùng trên sườn núi đêm mùa hè, những con đường khúc khuỷu, quanh co bất ngờ. Nguyễn Văn Xô sinh ở đó, nguyền không bao giờ rời đi, Phùng Quyên bỏ đi rồi lại phải trở về, Nguyễn Đạt không ngừng viết những bài thơ tuyệt vời của rừng thông bên sân ga vắng (Mùa hạ vừa qua tôi có về Đa Thọ - Cây cối đứng dậy quanh nhà ga - Ngủ một đêm sáng hôm sau tôi đi nữa - Rừng thông sửng sốt đứng ngây mình), Vũ Đức Nghiêm ghé qua rồi suốt đời cũng không ngừng gọi người yêu dấu ở Đơn Dương.

Tôi rời Đơn Dương để có những ngày còn nhìn thấy trong trí tưởng thời trẻ tuổi đứng trên đầu núi giữa những vùng sương mù và những đêm mùa đông nghe gió vật vã, quằn quại tìm nhau trên mái nhà, rú gào thảm thiết... Còn Sơn ra đi với một mối tình đớn đau, không đường về.
 
Sơn ở đó, viết những bài thơ tuyệt trần nhưng tôi xúc động hơn hết khi nhìn thấy ngôi nhà ấy lần đầu tiên, sống lại một phần cảm giác đớn đau, của mối tình đắm say, nồng cháy và vô vọng của Sơn với người em gái họ mà Sơn viết lại trong một truyện ngắn tôi cho là hay nhất của anh. Tôi hỏi Nguyễn Văn Xô về cô em họ ấy, anh nói cô gái rất đẹp, dáng cao, da trắng, tóc dài, lúc đó đã xuống Saigon học rồi, thỉnh thoảng lắm mới về thăm nhà. Tôi không bao giờ gặp người em họ làm điên đảo tâm hồn, đời sống của Sơn. Một đêm Giáng Sinh ở Đalạt, trời lạnh buốt, Nguyễn Đạt và tôi đi lang thang ngoài đường, vừa run lạnh vừa đọc thơ Nguyễn Đức Sơn. Tôi biết Đạt có về Đơn Dương coi ngôi nhà gỗ mầu xanh nơi cô em họ Sơn cư ngụ.

Tôi đọc Sơn và  yêu thơ văn của anh từ lúc Sơn còn ký tên là 'Sao Trên Rừng'. Thật ra lúc đầu tôi rất ghét cái bút hiệu này. (Tên gì vớ vẩn, nghe cải lương. 'Sao Trên Rừng' có thể hiểu là 'ngôi sao đơn độc ở trên rừng núi hoang sơ', mà cũng có thể hiểu là 'vì sao lại bị đầy ở trên rừng núi cô đơn?'). Tuy nhiên thơ văn anh hay quá sức, riết rồi tôi thấy thân thiết với cái bút hiệu đó của Sơn. Rồi từ khi Sơn dùng tên thật làm bút hiệu thì thơ văn Sơn cũng biến đổi thêm, sâu thẳm, huyền hoặc, bát ngát mà cao ngạo ngỗ nghịch. Thơ Sơn thoát một cách tự nhiên, bởi vì tâm hồn, con người Sơn đã thoát thật sự, không phải kiểu cách, ép buộc chữ nghĩa, làm dáng của nhiều người làm thơ khác.


Hai bài 'Đêm Khơi' thời trước, ký tên Sao Trên Rừng, và bài 'Nhắn' thời sau, ký tên Nguyễn Đức Sơn  hé cho ta thấy cái diễn tiến trong cách bày tỏ tâm tưởng của Sơn:




Đêm khơi
Lênh đênh thuyền dạt xa miền
Nửa đêm bừng tỉnh man thiên một trời
Trăng lên thượng đế đi rồi
Hỏi mây thái cổ con người vân vi
Lối mòn cỏ mộ xanh rì
Ngoài ra còn chẳng có gì nữa sao
Đảo buồn thổi gió lao xao
Ngàn xưa còn tiếng thì thào biển khuya

Sao Trên Rừng


Nhắn Mai sau người nhớ đến ta
Từ lâu xuống lỗ làm ma mất rồi
Đường xa xin chớ bồi hồi
Mồ hoang nhảy đại lên ngồi đi cha

Nguyễn Đức Sơn


Hãy đọc những vần thơ của Sơn, khi đọc xong, xin đừng nói gì thêm, cũng xin đừng hỏi gì nữa, vì thơ Sơn đã đến gần chỗ 'vô ngôn', nói gì nữa cũng chỉ làm tan biến 'những ý không lời':

Mang mang


Tôi về lắng cả buổi chiều
Nghe chim ăn trái rụng đều trong kinh
Còn một mình, hỏi một mình
Có chăng hồn với dáng hình là hai
Từng trưa nằm nghỉ đất dài
Phiêu phiêu nhẹ cái hình hài bay lên

Tiếng ru em
Buồn sao như là héo hon
Đồi nghe ú ớ hãy còn sơ khai
Nghe đời đau quặn trong thai
Tiếng ru chan chứa đêm dài còn mang

Anh chưa nắm tay em
Anh chưa nắm tay em mà muốn chết
Trong khu rừng huyền hoặc của chiêm bao
Ôi! hạnh phúc mong manh như sắp hết
Giữa đêm nào trăng thở quá xôn xao
Anh quỳ xuống dưới vòm trời khao khát
Dù thật lòng em chưa muốn cho xem
Đời anh đó đâu lớn bằng hạt cát
Đã vô tình vương ở gót chân em

Tôi quen Sơn ở  nhà Hồ Thành Đức và Bé Ký, một mùa hè từ Đơn Dương về thăm nhà. Rồi  trở nên bạn anh. Mùa hè ấy, chiều nào  Sơn cũng đến chơi, hai đứa tôi ngồi cả buổi chiều trước hiên đọc thơ, nói chuyện văn chương, nhắc đến núi rừng Đơn Dương-Cầu Đất, nơi cả hai đứa tôi đều cho là chốn đẹp nhất trên thế giới. Nơi Sơn dừng chân để rồi nhận mối thương lòng không bao giờ nguôi. Nhắc nhở đến vùng rừng trăng sương khói mịt mù ấy, là đi về một cõi tuyệt vời của vọng tưởng. Hết mùa hè, tôi sẽ lại về Đơn Dương đứng trên sườn non vắng nhìn xuống quận lỵ dưới thung lũng sâu, nhìn xuống hồ Đa Nhim mịt mù sương khói, nơi tôi đang ở, nơi Sơn không thể quay về.

Những người hàng xóm đưa mắt ngạc nhiên nhìn Sơn với chiếc nón mê, với áo chùng lam cửa Phật, đạp một chiếc xe đạp rất cũ đến nhà tôi ngồi chơi mỗi ngày, đến tận chiều tối, đều đặn. Họ không biết rằng Sơn đã phải đạp xe hơn mười cây số, xuốt từ một ngôi chùa ở bên kia Gò Vấp đến tận Xóm Vẹc để chơi với tôi. (Xóm Vẹc với nhà văn Triều Đẩu cặm cụi ngồi viết ‘Trên vỉa hè Saigon’, với nhà văn Trúc Sĩ, vượt tuyến qua Lào vào Saigon năm 1956 mỗi tối đọc thơ vang xóm, nơi tiếng đàn của anh em Vũ Đức Nghiêm thánh thót  mỗi chiều, nơi Võ Phiến cư ngụ đôi năm mà hàng xóm vẫn không mấy ai biết ông là nhà văn, nơi Thái Lăng Nghiêm trầm ngâm triển khai chủ thuyết Duy Dân của Lý Đông A. Mé bên kia đường Trần Quang Diệu thì có vợ chồng Hồ Thành Đức - Bé Ký, có Trần Dạ Từ - Nhã Ca, cách một quãng ngắn là nhà Phan Nhật Nam).

Nơi đó có phở  gà Nam Xuyên, và rất nhiều món ăn ngon khác mà tôi lại chỉ có thể mời Sơn uống cà phê đá buổi chiều ở phở Lý  Quảng, vì Sơn (và cả gia đình anh)  ăn chay trường. Đến một hôm, nói mãi Sơn mới nhận mấy trái bí tôi lấy của mẹ tặng anh, để mang về luộc cho con ăn. Một ông sư phiêu phiêu hốt hốt mà vợ con đùm đề, mà mọi người vẫn thấy tự nhiên như ngày như đêm. Một ông sư không thật sự tu hành mà còn sư hơn cả nhiều ông sư chính cống. Tôi thủa ấy, nhìn Sơn mà vẫn nghĩ anh là một hóa thân của Lý Bạch, khi Lý Bạch đã quên hết cả rượu để chỉ còn thơ, độc nhất thơ, thuần tinh thơ, không gì khác.
 
Vì thế càng chơi với Sơn tôi càng nhận rõ rằng, ở Việt Nam tuy có rất nhiều người làm thơ hay, nhưng chỉ có ba người thật sự sống cuộc đời thi sĩ, họ và thơ là một, ngoài thơ ra họ không có gì khác, không còn gì khác, không muốn gì khác, không là gì khác. Sơn là một, hai người kia là Bùi Giáng và Trần Tuấn Kiệt. Đó là chỉ ở miền Nam mà thôi, còn miền Bắc thì từ năm 1954 không còn ai biết làm thơ nữa, chỉ có những người viết khẩu hiệu và làm vè mà thôi, đến người đọc thơ còn không có nổi, nói chi tới thi sĩ!

Một buổi tối gần  đây, trong lúc ngất ngư chuếnh choáng, tôi buột miệng nói điều này với một tài tử ngạo mạn khác:  Phan Nhật Nam. Nam đang rót rượu, tay bỗng run lên, chai đụng vào ly lanh canh,  nói: ' Mẹ! Ông nói sướng quá, những ông khác làm thơ rất hay, nhưng họ vẫn còn đời sống, ba ông này không còn đời sống nữa, chỉ còn thơ'.
Mỗi buổi tối mùa hè ấy, khi Sơn đạp xe đi rồi, tôi bàng hoàng hồi lâu. Nguyễn Đức Sơn, kẻ hý lộng quỷ thần ngôn ngữ đó ư. Kẻ có đôi mắt nhìn thấu suốt lẽ nhân sinh, giỡn chơi với chữ nghĩa, hiển lộng cái thần của thơ dưới cái vẻ giả trá của hình ảnh táo tợn, của lời lẽ ngang tàng đó ư.
         
Mùa hè năm sau, khi tôi về Saigon, Sơn đã đưa gia đình anh về lại Bảo Lộc. Rồi sau này không còn gặp Sơn nữa tôi vẫn bàng hoàng mỗi lần đọc lại những bài thơ anh viết, mỗi lần nghe có người nhắc tên Sơn. Tôi biết, sau hơn ba chục năm, chúng tôi sẽ còn có dịp gặp nhau lần nữa. Lần này, biết đâu chừng cả hai chúng tôi sễ có dịp trở về Đơn Dương nhìn lại ngôi nhà cũ, đắm mình lần nữa giữa rừng trăng sương khói của núi đồi Đơn Dương-Cầu Đất. Nguyễn Văn Xô bây giờ ra sao? Mấy năm trước, tôi được tin Xô ngồi trước chợ Đơn Dương vá giầy dép khi không còn được phép dậy học nữa. Người kể chuyện nói Xô ngồi trước chợ vá giầy, cười rộng miệng, ngâm thơ, ngạo nghễ như hảo hán thời xuân thu. Khách vá giầy luôn gọi anh là 'thầy', rất kính nể.  Chao ơi! Kẻ sĩ đời nay vẫn còn bị đọa đầy đến thế sao? Năm nay không biết Nguyễn văn Xô còn được ở đó không nữa Phùng Quyên có còn trầm ngâm giữa rừng thông Cầu Đất? Không biết bây giờ ai ở ngôi nhà gỗ mầu xanh đường Nguyễn Công Trứ? Ngôi nhà đó còn không? Cô em họ ngày xưa bây giờ lưu lạc phương nào Cô có còn nhớ tới Sơn và những bài thơ anh viết không? Còn Sơn, Sơn vẫn phiêu phiêu hốt hốt ở Phương Bối Am. Dù đời sống vô cùng gian nan vất vả, Sơn vẫn còn thơ, Sơn vẫn là thơ.

Nhìn lại lịch sử, nhân loại còn gì đâu. Duy chỉ còn thơ mà thôi.  Trong đó có thơ Nguyễn Đức Sơn, riêng một cõi.

thơ gửi nguyễn đức sơn


rượu rót ra ba chén
một đặt mời vầng trăng
trăng lên đêm bàng bạc
một uống lòng mang mang
bằng hữu phương nào nhỉ
không cùng soi ánh trăng
rừng xưa mù sương núi
vời vợi ngoài trùng dương
rượu uống như nước mắt
lòng có nghìn dao đâm
trăng sâu trong đáy chén
rượu sầu men trăm năm
chiều xưa về góc núi
đứng trông mù sương bay
gió đêm gào qua mái
còn lộng cuồng đêm nay
trong núi có thơ cổ
gió huyền hoặc ngân lời
đêm soi mình trên vách
thấy những giòng mây trôi
rượu uống thêm hai chén
lòng già thêm muôn năm
bên trời cùng một lứa
nhớ nhau lệ đầm đầm
thời loạn làm thi sĩ
thơ thành lời tiên tri
tịnh khẩu đi vào núi
giỡn vầng trăng dưới khe
rượu rót thêm ba chén
uống cạn lòng mang mang
đọc lời thơ thủa nọ
sương đêm nhoè bóng trăng


BÙI NGỌC TUẤN

Saturday, November 3, 2012

Trần Vấn Lệ * Thứ Bảy Ngày Cuối Tuần


brian valentine
   
Thứ Bảy.  Ngày cuối tuần / thân ái chào Buổi Sáng!  Với chút lòng lãng mạn / tôi nói cùng thời gian…
Tôi nói với hoa vàng / đóa hướng dương vừa nở / tôi nói với bướm đỏ / vừa mới chao mình bay…
Và…Tôi nói với ai / anh hôn mình trên tóc / anh dìu mình từng bước / anh tặng mình này hoa… Mình…Là người rất xa.  Tôi…Là mình cái bóng.  Có lời nào cảm động / làm cái bóng lung lay?
Con chim chuyền trên cây / rồi bay, bay đi mất.  Ngọn cỏ gió phơ phất / tia mặt trời rung rinh…
Buổi sáng…Buổi bình minh / bắt đầu thơ tôi đó!  Ai?  Lòng ai có nỡ / không cho tôi hồi âm? Computer âm thầm / chuyển lời chào hằng bữa / cửa thời gian rộng mở / bóng thời gian ở đâu?
Tôi đọc tin đầu ngày / post trên tờ báo mạng.  Bản tin buồn buổi sáng / về cơn bão Sơn Tinh…   .
Tôi nhìn những bức hình / chụp cảnh nhà bay nóc / tôi nghe những tiếng khóc / vang lên từ Việt Nam.
Một ngày tôi sang trang / giống như ngày hôm trước.  Nói với ai mà được:  “Anh buồn xuôi tóc em!”

Trần Vấn Lệ

Phạm Tín An Ninh * NGƯỜI BẠN LÀNG TAM ÍCH




Bạn về gõ cửa đêm thâu
Ta nghe âm vọng nỗi sầu ngày xưa


Sau ba năm ngồi bên nhau ở trường Võ Tánh, chia tay, mỗi thằng đi mỗi ngã. Anh bạn của tôi thì vào trường luật, còn tôi thì vào trường...lính. Khi còn đi học, bạn chăm chỉ và giỏi hơn tôi nhiều. Hai đứa học trò nghèo, cùng ở quê lên tỉnh học, nên dễ dàng là bạn tâm giao. Con nhà nghèo nhưng tôi lại mê truyện François Sagan và thơ Xuân Diệu nên biết yêu hơi sớm, nên thay vì theo bạn học thêm vài ba chữ, thì tôi lại đắm say ngụp lặn trong một cuộc tình kiểu Aimez-vous Brahm. Mà dường như tình yêu nó làm cho người ta đổi thay ghê gớm lắm.

Không biết tình yêu ngày ấy có làm tôi "...chết ở trong lòng một ít, và... lạc lối giữa u sầu mù mịt" như ông Xuân Diệu hay không, nhưng nó đã biến tôi thành một thằng lính. Để cho có vẻ lãng mạn một chút, tôi tự cho mình là một thằng lính đa tình.

Trước ngày chia tay, anh bạn dẫn tôi về thăm quê. Từ Nha trang chúng tôi di xe đò Khánh Hòa. một trong những chiếc xe Renault sơn màu nửa xanh nửa trắng, quen thuộc một thời với đám học trò từ Vạn Giã, Ninh Hòa vào Nha Trang đi học. Qua khỏi đèo Rọ Tượng một lúc, xuống xe, anh bạn đèo tôi trên xe đạp về làng. Đi dọc theo con đường đất, hai bên bát ngát những ruộng đồng, hun hút phía xa xa, nằm ẩn hiện sau ngôi đình với bao tàn cây cổ thụ, là làng Tam Ích. Cái làng quê đẹp như bức tranh vẽ và thần tiên như trong cổ tích.

Ngay cả cái tên của bạn tôi cũng mộc mạc dễ thương như cánh đồng tôi vừa mới đi qua. Làng Tam Ích hiền hòa, êm đềm với tiếng gió đồng nội hòa cùng tíếng sóng rì rào tạo thành khúc nhạc huyền dịu của đất trời, và hun đúc cái hiền lành thánh thiện trong tâm hồn người bạn thời niên thiếu của tôi... Vậy mà chiến tranh cũng đã một thời cướp đi cái yên bình đầm ấm của ngôi làng. Ăn cơm chiều sớm, hai đứa chúng tôi chào những người thân, rồi đèo nhau ra phố Ninh Hòa ngủ qua đêm. Nếu chiến tranh ngày đó đã cướp mất của tôi bao nhiêu điều tốt đẹp, thì trong đó có cả cái lần tôi không được ở lại làng Tam Ích một đêm để cùng anh bạn tôi kéo giành bắt cá, đi câu, và ngồi ngắm ánh trăng lung linh trên đầm Nha Phu trong một vùng biển trời tĩnh mịch.

Ra khỏi quân trường tôi về Nha Trang tìm thăm bạn tôi một lần. Hai thằng rủ nhau ra tiệm sách Vĩnh An Thành, bên cạnh chợ Đầm, vờ mua sách để ngắm dung nhan cô chủ mà anh bạn của tôi đã từng say đắm một thời. Rồi kể từ đó biền biệt xa nhau. Chiến trường ngày càng ác liệt, những thằng lính đánh giặc như tôi chỉ biết có súng đạn và mục tiêu trước mặt. Phố phường, bạn cũ trường xưa, là một quá khứ thật dễ thương, nhưng cũng đành phải mờ nhạt phía sau lưng.

Mười năm sau, khi cùng đơn vị sống chết từng phút từng giờ với chiến trường Kontum trong "mùa hè đỏ lửa", bất ngờ tôi gặp lại người bạn làng Tam Ích ngày xưa. Anh sinh viên trường luật ngày nào bây giờ chỉ huy một đơn vị CTCT, vừa từ Ban Mê Thuột lên hỗ trợ tinh thần cho đơn vị tôi. Bộ "chinh y" chưa làm cho chàng ta thay đổi. Vẫn nét mặt thư sinh cùng nụ cười hiền hậu ngày xưa. Hai thằng ôm nhau trong lúc đạn pháo trên các chiến xa T-54 thi nhau bắn vào căn cứ. Nửa khuya hôm ấy đơn vị tôi nhận lệnh di chuyển bất ngờ. Vậy là tâm tình chưa cạn thì hai thằng đã phải lặng lẽ chia tay, chưa kịp bắt chước nhà thơ Nguyễn Bắc Sơn nắm tay hò hẹn:
"Ngày mai đánh giặc ta còn sống
Về ghé Pleiku* phá phách chơi..
Uống rượu tiêu sầu cùng gái điếm
Đốt tiền mua vội một ngày vui "

Chiến tranh đã làm bạn bè tan tác, nhưng đến khi kết thúc lại còn tan tác bi thảm hơn. Sau tháng 4 /75, cái cổng trại cải tạo của nhà nước đã làm chia ly biết bao tình cảm con người. Bạn bè kẻ chết ở đầu non, người mỏi mòn góc bể. Người bạn làng Tam Ích bây giờ chỉ còn mờ mịt đâu đó trong ký ức hiu hắt của tôi.

Vậy mà Trời thương, hai thằng còn sống. Mang tấm thân tàn tạ về với gia đình. Tội nghiệp, nghe tin tôi về, anh bạn trọn tình, tìm đến nhà ông bà già vợ tôi ở Ninh Hòa thăm thằng bạn cũ. Lúc ấy chính quyền Cách Mạng không cho phép "tạm trú" với vợ con ở Ninh Hòa, tôi phải về sống với một bà cô ngoài quê nội, nên bạn tôi không gặp. (Ô hay, chẳng lẽ trên quê hương tôi đã từng có cái cảnh "gần trong gang tấc mà xa nghìn trùng " như thế hay sao ?)

Đúng ba mươi năm sau, từ những phương trời xa lạ, bất ngờ đọc trang web Ninh Hòa, bạn nhắn tìm tôi. Kẻ bên bắc Mỹ, người tận bắc Âu xa tít mịt mù, vậy mà tôi có cảm giác hai thằng đang ngồi bên nhau như lúc còn ở trường Võ Tánh. Trên đầu giây điện thoại, hai đứa nhắc nhau bao kỷ niệm vui buồn về bạn cũ trường xưa, cùng chia sẻ mọi nỗi niềm oan khổ từ những ngày "vì sao mà ra nông nỗi..".

Tội nghiệp người bạn một thời học hành chăm chỉ và khi làm lính thì vẫn hiền lành như một thư sinh, vậy mà hơn sáu năm tù đày trở về phải bỏ cái làng quê Tam Ích với biết bao dấu chân suốt một thời thơ ấu, dắt vợ con lang thang vào vùng kinh tế mới Đồng Bò. Chỉ hai năm sau, rừng thiêng nước độc đã cướp mất của bạn tôi người vợ hiền chung thủy cùng đứa con trai mà ngày cha vào tù nó chưa gọi được tiếng Ba.

Bạn chôn cất vợ con và chôn theo nỗi đau đớn tột cùng của đời mình, rồi trốn khỏi vùng kinh tế mới, đem hai đứa con còn lại gởi cho ông bà ngoại, đi làm bất cứ công việc gì để nuôi hai đứa con thơ. Con gà trống nuôi con trong túng quẫn, mà mỗi ngày vẫn nhìn con mình như nhìn về phía chân trời để có thêm nghị lực đứng lên và đi tới.

Cám ơn Trời Đất đã mở ra một con đường cho những người cuối đường bất hạnh. Mang hai đứa con đến Mỹ khi chúng vừa mới lớn, bạn tôi, con gà trống bây giờ lại nuôi con trên xứ lạ quê người. Bằng tấm lòng độ lượng của người cha, cuối cùng hai đứa con thơ cũng đến được chân trời. Ngày hai đứa con thực sự trưởng thành, như những con chim bắt đầu tự bay lên bằng chính đôi cánh vững chải của mình, người bạn của tôi tiễn cô con gái lớn theo chồng rồi trở về sống một mình với nỗi hiu quạnh của tuổi sáu mươi.

Hai năm trước đó, nhờ một nhịp cầu tao ngộ, bạn tôi gặp một cô "con gái" Long Khánh. "Hai người sống giữa cô đơn, nàng như cũng có nỗi buồn giống...tôi " nên trở thành đôi bạn tâm giao. Nhưng chờ lo cho con cái lớn khôn và có cuộc sống riêng, mới đây hai người mới về chung một mái nhà, cùng san sẻ nỗi niềm và cho nhau một chút hơi ấm ở chặng tuổi cuối đời.

Gặp nhau trên điện thoại viễn liên, tôi nghe được một giọng nói phúc hậu hiền lành. Chị cho tôi biết anh bạn tôi có thú làm thơ, đọc sách, còn chị thì thích trồng và chăm sóc mấy cành hoa. Tôi đùa: " thì chị cũng đang mỗi ngày chăm sóc một cành hoa Tam Ích đẹp đẽ đó thôi. Tôi hy vọng qua những ngày thiếu nắng thiếu nước, bây giờ cây hoa ấy được trồng trên vùng đất màu mỡ hiền hòa Long Khánh, chắc nó sẽ còn cho chị và cho đời nhiều bông hoa lắm đó ". Chị cười như cùng đồng cảm với những điều tôi vừa mới nói.

Tôi không biết nhiều về Long Khánh, ngoại trừ một lần duy nhất tôi ghé lại đây. Đó là cái ngày tôi ra khỏi trại tù Z 30 C. Sáu thằng tù vừa được thả, tiều tụy xanh xao, trong túi không có một đồng, đứng giữa rừng buổi trưa nắng cháy, đón xe quá giang xe về Sài Gòn, nơi có gia đình của ba trong sáu đứa. Anh tài xế xe lam còn nặng tình với những thằng lính cũ, không đón khách mà dành cả chiếc xe chở bọn tôi về bến xe Long Khánh và hứa sẽ tìm xe quen gởi chúng tôi về tận Sài gòn. Thời buổi ấy, muốn mua được cái vé xe đò có khi phải nằm ở bến chờ đợi mấy hôm, huống hồ gì chuyện quá giang.

 Đến bến xe Long Khánh, không còn chiếc xe nào, anh tài xế xe lam tốt bụng mời chúng tôi vào quán ăn, đãi một chầu phở. Trong quán cũng có mấy người đàn bà, hình như buôn bán gần đâu đó. Biết chúng tôi là tù cải tạo mới thả, họ bàn với chủ quán, thay vì mang phở ra, dọn cho sáu thằng chúng tôi một bữa cơm thịnh soạn. Chúng tôi từ chối, nhưng các bà nhất định không cho, bảo chúng tôi đừng phụ lòng của người Long Khánh. Khi xe đến, các bà gặp tài xế, trả tiền xe trước cho chúng tôi. Đã vậy, khi về đến Sài Gòn, anh tài xế còn chuyển lại cho chúng tôi một gói tiền của các bà gởi biếu. Chúng tôi cầm tiền mà muốn rơi nước mắt. Trong cái cảnh bi thương giữa một thời nhá nhem tình nghĩa, vẫn còn có biết bao tấm lòng như người Long Khánh.

Bây giờ bất ngờ gặp chị, nghe lại giọng nói hiền từ của một người Long Khánh, tôi bất giác nhớ lại chuyện xưa, và càng trân trọng chị. Chị đã mở rộng tấm lòng, đón nhận một người bạn đời trên tuổi sáu mươi, mà những vết thương trong tâm hồn vẫn chưa lành được. Xin cám ơn Long Khánh, đã sản sinh cho đời những người con gái giàu tình nặng nghĩa. Tôi mừng cho người bạn thật dễ thương, hiền hậu của tôi, tìm được vòng tay, an ủi, vỗ về, sau những đớn đau mất mát tưởng chừng chẳng còn gì lớn lao hơn

Ngồi nghe bạn kể về cuộc đời gió mưa của bạn, lòng tôi lắng xuống bâng khuâng. Tôi chợt nhớ một vài kỷ niệm thuở hai thằng còn đi học và cảm nhận có đôi điều dường như đã vận vào số phận của bạn, của tôi.

Ngay từ lúc còn là học sinh trung học, hai thằng đã nghèo mà lại còn mang cái bệnh "đa sầu đa cảm". Tôi thì mồ côi mẹ từ lúc mới lên hai, cả một thời ấu thơ và lớn lên trong vòng tay tình nghĩa của cô, dì, ông bà nội ngoại, nên lòng sớm biết u sầu. Vậy mà tôi không mau nước mắt và biết làm thơ buồn như người bạn làng Tam Ích của tôi. Mới học đệ ngũ đệ tứ gì đó mà dám đứng ra thành lập một "thi văn đoàn" giữa đất Ninh Hòa. Cái xứ mà dường như bây giờ mỗi người là một nhà thơ.
(Tôi còn nhớ lúc tôi còn nhỏ, ba tôi thường bảo, những đứa trẻ sớm có tính đa sầu đa cảm thì sau này cuộc đời sẽ buồn ghê lắm. Ông kể cho tôi nghe chuyện nữ thi sĩ Kiết Đào bên Trung Quốc. Lúc còn rất nhỏ, nàng đã thích thơ phú. Bà có người anh là một nhà thơ nổi tiếng, nên thường theo anh để học làm thơ. Năm Kiết Đào mới lên mười, trong một hôm mưa bão, người anh nhìn ra ngoài trời thấy một cây ngô đồng bị gió mưa tơi tả, bảo Kiết Đào làm mấy câu thơ vịnh thử, nàng liền ứng khẩu:

                          Chi nghênh nam bắc điểu
                          Diệp tống vãng lai phong

Ông anh nghe xong thất sắc, vừa phục tài nhưng vừa lo lắng điều không may cho hậu vận của em mình. Sau này, khi một triều đại Trung Hoa thay đổi, gia đình bị tù đày khổ ải, nên Kiết Đào đã có thời phải đi làm kỹ nữ. Từ ấy trong văn chương mới có câu " Gió lá cành chim", "đón đưa ai gió lá chim cành". Chuyện ba tôi kể đã trên năm mươi năm, không biết tôi nhớ sai hay đúng, nhưng nó vẫn cứ nằm mãi trong lòng, để liên tưởng tới hôm nay.)
.............

Năm đệ tam, trong giờ Việt văn của thầy Nguyễn Văn Châu, lúc cả lớp tranh luận về bài Tổng Vịnh Truyện Kiều, bạn và tôi đứng về phía Chu Mạnh Trinh hết lời bênh vực nàng Kiều: " Giả sử ngay khi trước Liêu Dương cách trở, duyên chàng Kim đừng dở việc ma chay, quan lại công bằng, án viên ngoại tỏ ngay tình oan uổng, thì đâu đến nỗi son phấn mấy năm lưu lạc, đem thân cho thiên hạ mua cười, mà chắc rằng biên thùy một cõi nghênh ngang ai xui được anh hùng cởi giáp..."

..."Ta cũng nòi tình thương người đồng điệu, cái kiếp không hoa lẩm cẩm, con hồn xuân mộng bâng khuâng, ...lại toan đúc sẵn nhà vàng chờ người quốc sắc, lại muôn mượn chùm phương thảo hú vía thuyền quyên.. "
Năm đệ nhất, hai thằng lại cùng say mê những giờ văn học sử Pháp của Thầy Cung Giủ Nguyên, nên đã nắn nót viết vào tập và đọc đi đọc lại đến độ thuộc lòng mấy bài thơ lãng mạn của Lamartine, Chateaubriand, Jacques Prévert, Victor Hugo.
Cuối cùng thì cuộc đời hai thằng, dù là nam nhi, nhưng nào có khác gì thân phận trôi nổi của nàng Kiều:
Một phen thay đổi sơn hà
Mảnh thân chiếc lá biết là về đâu
(Nguyễn Du)
hay của những chàng thủy thủ mịt mờ trong Oceano Nox:
Où sont-ils les marins sombrés dans les nuits noires ?....
Oh flots ! Que vous savez de lugubres histories !
(Victor Hugo)

Gặp lại tôi sau gần bốn mươi năm, trong những lời tâm tình, bạn cho tôi biết thêm một điều nuối tiếc:
"Tớ buồn quá, vì không tìm thấy cái làng Tam Ích nhỏ nhoi, nghèo mà quá đổi thân thương của mình trên tấm bản đồ Ninh-Hòa trong trang web Ninh-Hòa DOTcom. Cái làng mà ngày xưa bạn có lần về thăm với mình rồi vội vã ra đi ấy ! "

Tôi nghe lòng lắng xuống và thấy thương người bạn hiền thời thơ ấu rồi thương cả chính mình. Thế hệ chúng tôi sao bỗng dưng phải mất đi bao nhiêu điều quí giá, để cuối cùng lại trở thành "khúc ruột ngàn dặm" của quê hương?

Hình ảnh cái Làng Tam Ích ngày xưa của bạn tôi như đang nhạt nhòa trước mắt. Im lặng giây lát, tôi lấy lại bình tĩnh, rồi cười với bạn :
" Thì bạn hãy viết và gởi cho trang web Ninh Hòa, về cái làng của bạn đi, để bạn có cái cảm giác của một Từ Thức trở về nơi xưa chốn cũ, tìm lại dấu vết một thời cùng những "hang động tuổi thơ". Còn với mình, cái "làng Tam Ích dù không trọn một ngày" ấy vẫn mãi mãi còn lại trong lòng mình như một tấm bản đồ, có cả “tọa độ” ngôi đình làng, ngôi nhà của bạn và "điểm đứng" của hai đứa mình trong một ngày nào đó thật xa xưa"


phạm tín an ninh
* Trong nguyên tác của Nguyễn Bắc Sơn: "Về ghé Sông Mao phá phách chơi.".

Friday, November 2, 2012

Minh Nguyễn * Thấp Thoáng Trong Mây Bắt Gặp Bà Bà


Đang trên đường trở ra Hà Nội đón tết Nhâm Thìn cùng với gia đình chị Minh ở Nghi Tàm, nhưng khi vừa chạm đến Đà Nẵng tôi chợt nảy ra ý định muốn đi thăm Bà Nà trước, sau đó “bút” vé open-tour đi tiếp ra Hà Nội cũng còn kịp. Bởi, từ đây cho đến Tết âm lịch, thời gian hãy còn khá xa khiến một gả “thân cư di” như tôi cứ phải ngồi bó gối một chỗ chịu đời sao cho thấu. Hơn nữa, chợt nhớ câu slo-gan “Hãy đi để cảm nhận, thương yêu đất nước mình hơn” không hiểu sao cứ lai vảng trong đầu óc tôi lúc này.   

Vậy là tôi quyết định dừng chân lại Đà nẵng, ở nhờ nhà người bạn tên Thân trên đường Bạch Đằng. Ngôi nhà tuy nhỏ, nhưng nằm ở mặt tiền đường, tính theo thời giá có đến cả trăm cây vàng. Thú vị nhất, đêm về đứng trên hành lang tầng lầu, nhìn sang chiếc cầu xoay dây văng nối đôi bờ sông Hàn, lấp loáng trong ánh đèn màu sắc trông lãng mạn vô cùng. Những năm gần đây, xuôi ngược Nam-Băc nhiều lần, song tôi chỉ có đủ thời gian nhìn lướt qua thành phố sau ô cửa kính xe. Một thành phố được thiên nhiên hào phóng ban tặng cho nhiều núi non, sông ngòi, bãi biển mịn màng cát trắng trải dài tít tắp. Vì vậy, Đà Nẵng không chỉ là thành phố trẻ trung mà còn đẹp như một đoá hoa hàm tiếu, nhờ một bán đảo Sơn Trà - Điện Ngọc, Ngũ Hành Sơn, bãi biển Non Nước, phố cổ Hội An, cửa Đại, sông Thu Bồn; nhất là khí hậu trên “cao nguyên thu nhỏ Bà Nà” được xem như lá phổi xanh, hòn ngọc quí sánh ngang hàng với Đà Lạt ở Lâm Viên, Bạch Mã ở Thừa Thiên - Huế, Sapa ở Lào Cai, Tam Đảo ở Vĩnh Yên, Mẫu Sơn ở Lạng Sơn . . .

Chưa biết ý định của tôi ghé lại Đà Nẵng lần này nhằm khám phá Bà Nà, Thân buột miệng kêu: “lâu nay thấy ông đi loanh quanh, viết lách lăng nhăng về các vùng Tây Bắc, tưởng ông vớ được em Mây em Nhã nào rồi, hoá ra vẫn cứ độc thân như thuở nào. Vậy, lần này ông có định đi tìm cố nhân hay chỉ ghé qua đây vì công việc. Đừng bảo, ông không phải là thổ địa ở Đà Nẵng này đấy nhé?”. Tôi cười, không nhắc lại dăm ba chuyện tình đã đến với tôi, sợ gặp cảnh cố nhân tay ẳm tay bồng sẽ làm xấu đi hình ảnh người tình một thời mình ngưỡng mộ. Thôi thì, với nghề nghiệp bắt phải nay đây mai đó tôi đành chấp nhận cuộc sống độc thân để còn được lang thang trên mọi nẽo đường đời, tung tăng ca hát “em ơi có bao nhiêu/ Sáu mươi năm cuộc đời”(*) cho đỡ buồn thế mà hay.

Theo lời Thân. Từ trung tâm thành phố ra tới Bà Nà Hill, quãng đường đi dài gần ba mươi cây số trải nhựa phẳng lì. Ngoài taxi, xe ca, xe ôm ra chưa có tuyến xe buýt công cộng nào đưa vào khai thác. Cực chẳng đã, bạn nhường xe máy cho tôi để có thể chủ động trong việc di chuyển, vì mọi phương tiện khác đều không thoải mái cơ động bằng việc tự lái xe để cảm nhận hết sự thú vị qua mọi sinh hoạt của dân chúng cùng với hai phần ba rừng núi chập chùng, đua nhau xuất hiện trên suốt chiều dài tuyến đường.

Sáng sớm, tôi chạy xe loanh quanh qua những con phố mà ngày xưa tôi mất nhiều thời gian  lang thang đi dưới các vòm lá, làm cái đuôi bám theo những tà áo dài trắng nữ sinh trung học lượn bay trong nắng sớm. Chao ôi! Sao hôm nay mọi thứ bỗng trở nên xa lạ, suýt chút nữa tôi bị lạc đường mấy lần khi trờ tới vòng xoay có cái ngã năm mà trước đây thấy đầy rẩy hàng quán mang tên các bà, bán món bún thịt xào ăn với tỏi cay xé trong miệng hay món bánh xèo dòn rụm bé xinh trong lòng bàn tay; thay vào đó là những tòa nhà bề thế, cực kỳ sang trọng hiện ra trước mắt. Đang lúc bối rối chưa biết chọn ngõ nào để tìm đến con đường “năm sao”. May thay, có người mách tôi nên đi về phía có ngôi chợ truyền thống ở cuối đường. Thì ra, con đường “năm sao” trước đây vốn dĩ là con đường Bạch Đằng nằm dọc bên này con sông Hàn, sau 75 mở rộng kéo dài tới tận bãi biển Thanh Bình, tạo ra cảnh quan thoáng đãng thơ mộng nhờ có sự hiện diện của cây cầu treo dây võng Thuận Phước. Cây cầu không chỉ đẹp về mặt kiến trúc mà là biểu tượng đáng tự hào của người dân Đà Nẵng. Chẳng vì vậy, vào mỗi mùa lễ-tết, từng đôi nam thanh nữ tú thường kéo nhau lên đây chụp ảnh kỷ niệm, chụp ảnh cưới thật đông. Để thỏa mãn sự tò mò, tôi giữ chặt tay lái ôm một vòng cua, chạy xe lên đến giữa cầu trong cảm giác sợ hãi, bởi bên tai nghe tiếng gió thổi vù vù như muốn hất tung cả người lẫn xe ra khỏi thành cầu. Trước mặt, con sông Hàn kẻ một đường kẻ thẳng tắp, nối liền thành phố bên này với thành phố mới bên kia bằng những chiếc cầu hiện đại; ngoảnh lại sau lưng, thấy vịnh Đà Nẵng sầm uất với những con tàu no hàng đi và đến.        

Rời cầu Thuận Phước, tôi quay ngược đầu xe ra con đường lấn biển hít thở mùi gió biển ngai ngái từ khơi xa đưa về; bất ngờ, phát hiện đám đông dân chúng hiếu kỳ vây quanh những người thợ công ty trục vớt. Chưa biết chuyện gì xảy ra, tôi dừng xe hỏi thăm anh bạn trẻ đứng gần, mới hay “do ảnh hưởng trận bão thổi ngang qua đây tuần trước, đã đẩy mấy con tàu đánh cá từ ngoài khơi leo lên tận bờ ”. Bão. Vào năm 1972, trong lúc chờ chuyến bay từ Đà Nẵng về lại Sàigòn thì cơn bão Hester ập đến. Bão đã gây ra sự gảy đổ cho một số cây cổ thụ trên đường, đồng thời hất tung hàng chục mái tôn lên không trung; biến chúng thành những miếng giấy mỏng manh bay lơ lững trên bầu trời hết sức nguy hiểm. Chưa hả cơn giận dữ, bão đẩy cả con tàu bệnh viện khổng lồ Hope đến VN mỗ hàm ếch miễn phí cho trẻ em miền Trung, vào tận bờ của bảo tàng Viện Cổ Chàm. Có chứng kiến hậu quả tàn khốc do cơn bão để lại, người ta mới nhận ra sự nhỏ nhoi của con người đến dường nào. Đứng xem một lúc, tôi tiếp tục chạy xe ra quốc lộ 1A trước khi rẽ sang ngã ba 620 chạy một mạch đến thôn An Sơn, xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang, chợt thấy một Bà Nà thấp thoáng hiện ra trong sương trong mây từ rất xa.

Vậy là, sau hơn hai giờ chạy xe từ trung tâm thành phố Đà Nẵng ra đến chân núi Bà Nà, tôi đã có mặt đứng trước tiểu cảnh trưng bày trên đó vài ba chiếc lồng gỗ nâu, biểu tượng cáp treo cùng với tấm bảng ghi Bà Nà Hills - Mountain resort. Không chần chờ gì nữa, tôi tìm bãi gửi xe quăng xe vào đó rồi quay ra mua vé cáp treo; thay vì đi xe 16 chỗ ngồi như trước đây, bởi hiện nay xe hơi chỉ dành để dự phòng khi cáp treo nghỉ bảo dưỡng hay sửa chữa gì đó. Cũng hay, vì mỗi phương tiện di chuyển đều có sự thú vị riêng của nó, không thử làm sao có được cảm giác mới lạ cho chuyến đi. Hơn nữa, chẳng phải trước đây tôi đã có lần trải nghiệm trên cung đường bộ, vượt qua khá nhiều đoạn cua tay áo, nguy hiểm chẳng khác gì leo đèo Mã Pí Lèng ở Hà Giang cách đây vài năm hay sao? Lần đó, tôi đã có dịp sống trong phút giây hồi hộp khi gồng mình trước cảnh lái xe trổ tài chạy như bay qua các đoạn đường quanh co với những dốc cao dựng đứng như làm xiếc; khiến nhiều người yếu tim đã phải một phen hồn phiêu phách tán vì đã lỡ tham dự vào trò chơi cảm giác mạnh.

Cầm chiếc vé trên tay đi qua cửa kiểm soát, tôi nhập vào đám đông du khách nhanh chân ngồi vào cabin cho đủ số lượng tám người, rời ga Suối Mơ treo mình lên đỉnh Bà Nà. Ngồi trong khoang cáp treo, tôi nhìn những chiếc ca-bin đủ màu sắc xuôi-ngược bên ngoài như đèn cù tháng tám, liên tưởng tới những chiếc giỏ mua hàng trong siêu thị, trôi lơ lửng giữa vô vàn mây trắng. Càng lên cao, cáp treo càng giúp tôi khám phá ra nét hoang sơ, hùng vĩ trước tấm thảm xanh bạt ngàn nơi cánh rừng nguyên sinh bên dưới. Hẳn, đây là một bức tranh thiên nhiên vô cùng hoành tráng, vẽ ra cảnh bốn mùa mây trắng lượn bay trên dòng thác bạc, đổ hàng vạn khối nước từ trên chín tầng cao xuống triền núi đá, hóa thành mái Tóc Tiên đầy lãng mạn trước khi hòa mình vào dòng suối Mơ thơ mộng. Nghe kể, trước đây Bà Nà-Suối Mơ là hai điểm du lịch tách biệt, nhưng kể từ khi cáp treo được đưa vào sử dụng thì, cả hai trở thành một điểm du lịch khá hấp dẩn dành cho những ai thích trò chơi mạo hiểm. Có lẽ, do không thể kềm chế được sự háo hức, số đông người có mặt trong cabin đều đứng cả lên, người quay phim chụp ảnh, kẻ trầm trồ tắm tắc ca ngợi vẻ đẹp trữ tình qua khung cảnh miền Trung diễm lệ. Tôi đọc lướt qua tấm “brờ-sua” lấy từ điểm bán vé, ghi từ chân núi lên đỉnh Bà Nà- Núi Chúa dài mười lăm cây số đường bộ; ngược lại, đi cáp treo mất mười bảy phút, tha hồ chiêm ngưỡng thảm thưc vật tự nhiên đa dạng sinh học bên dưới . Có lẽ, dựa vào những yếu tố ấy mà tổ chức Giuness Records đã trao cho cáp treo Bà Nà hai kỷ lục thế giới về độ dài 5.042,62 mét và độ lệch giữa hai ga 1.291,81 mét; giành kỷ lục mà cáp treo Genting Skyway – Malaysia từng nắm giữ.

Nhắc đến Genting, bất kỳ ai một lần đặt chân đến đó vui chơi, khi trở về đều thừa nhận công nghệ giải trí không chỉ thật sự sôi động mà còn lôi cuốn hấp dẩn mọi người; trong khi ở khu du lịch Bà Nà-Núi Chúa mọi thứ đều ngược lại? Điều này đúng hay sai đối với tôi còn là ẩn số, vì quá lâu tôi không có dịp ghé lên Bà Nà thì làm sao dám làm cuộc so sánh? Tuy nhiên, chuyến đi thực tế dọc hành lang kinh tế Đông Tây (EWEC), thuộc tiểu vùng Mêkông bằng phương tiện ô tô, ghé lại ba nước Lào-Thái-Malaya chỉ  trong 20 ngày thì, hai ngày lưu lại trên cao nguyên giải trí vui chơi Genting hẳn không không thấm vào đâu so với các trò chơi vốn có tại đây. Bởi từ sáng cho tới khuya, lượng khách du lịch đi mua sắm tại hơn 80 cửa hàng bán lẻ, vui chơi tại 60 địa điểm giải trí, tham dự chương trình hoà nhạc, xem các show trình diễn quốc tế, chơi trò chơi đen đỏ  ở Casino hiện đại đông nghẹt người. . . song, điều làm cho tôi cảm động đến rơi nước mắt khi bất ngờ bắt gặp tại sảnh trưng bày, không chỉ có kỳ quan thế giới thu nhỏ với hình nộm gã chèo đò trên sông Venice, đồng hồ Big - Ben, tượng Nữ Thần Tự - Do, nhà hát Con Sò, tháp Eiffel, còn có ngôi nhà Việt Nam xây dựng theo lối kiến trúc Nam Bộ xưa, rộng hơn 100 mét vuông, do một người Việt quê ở Củ Chi xây dựng năm 2009, trang trí với toàn nón lá, lồng đèn Hội An, gốm Bát Tràng, gốm Chu Đậu. Riêng, trong thực đơn ẩm thực thấy có nhiều món ăn dân dã như: sườn xào chua ngọt, cá kho tộ, canh chua, gà kho xả ớt, gỏi gà. . . do các cô gái mặc trang phục áo dài màu đỏ-tím, di chuyển tới-lui phục vụ khách đến từng bàn. Tưởng chỉ có bấy nhiêu, lúc bước ra ngoài hành lang tôi bắt gặp xe bày bán món gỏi cuốn to cở đòn bánh tét, ăn một cuốn no tới khuya, do một cô gái mặc áo dài đứng giới thiệu sản phẩm. Trong lúc tán chuyện, tôi phát hiện ra chất giọng ngọt ngào như bánh đậu xanh đặc sản Hải Dương của cô gái. Cô vui vẻ cho biết “quanh đây còn rất nhiều bạn lao động người Việt”. Quả đúng như lời cô nói, lúc ăn cơm trưa ở nhà hàng Trung Quốc dưới chân núi, tôi gặp vài bạn trẻ mừng rỡ cho biết họ sang đây theo diện xuất khẩu lao động, họ than thở: “các anh có tiền đi du lịch sướng quá, bọn em mang tiếng ra nước ngoài làm việc, nhưng mỗi tháng thu nhập chỉ có năm triệu, điệu này chắc phải về quê lấy chồng thôi?” .
  
Tuyến cáp 1 dừng ở nhà ga Bà Nà cho mọi người xuống, trước khi chuyển sang ga Debay đi tiếp tuyến 2 lên đỉnh Núi Chúa. Tôi chẳng có việc gì phải vội vã, mặc kệ đám du khách xí-xa xí-xô chen nhau đi tiếp lên ga Morin. Còn lại một mình, tôi đảo mắt nhìn quanh thấy cửa hàng giải khát nằm ngay cạnh, liền chui vào tìm một tách cà phê nóng vừa uống cho tỉnh người, vừa thả hồn theo từng đám mây trắng bay la đà, lúc ở sườn núi bên này khi mất hút dưới con đường đèo quanh co ẩn hiện trong khu rừng bảo tồn thiên nhiên. Thì ra, đi lên Bà Nà -Núi chúa bằng cáp treo, không chỉ được thưởng ngoạn vẻ đẹp của chùa chiền, khu nghỉ mát, thác nước, suối chảy róc rách, pho tượng đức Phật Thích Ca uy nghi hịên ra sưng sửng trên bầu trời. . . mà còn khám phá những cột đá, mái ngói rêu phong của hơn mấy trăm ngôi biệt thự, nhà nghỉ, công trình lớn nhỏ bị hủy hoại gần như hoàn toàn; ngoại trừ hai ngôi biệt thự cổ Hoàng Lan, Lệ Nim còn sót lại bên lưng chừng núi, gợi lên mớ cảm hoài quá khứ “Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo/ Nền cũ lâu đài bóng tịch dương”.       

Nhấm nháp từng ngụm cà phê nhỏ, nghe loáng thoáng bên tai giọng nữ trôi bềnh bồng “Hương  đời khao khát vọng/ Mê ly ca phiêu bồng/ Nếu không cùng cuộc lữ/ Rong chơi với Bà Nà/ Làm sao em biết được/ Đỉnh trời gần hay xa “ (**) Vâng, nếu không một lần ghé lên Bà Nà làm sao tôi biết trời gần hay xa, biết cuộc hội ngộ tình cờ do tạo hóa sắp đặt cho tôi gặp lại Như. Người con gái có khuôn mặt mỹ nhân dấu sau mái tóc thề buông thả ngang vai, mỗi chiều đứng chờ tôi đi làm về bên chiếc cổng chung ở dãy phòng cho thuê trong con hẽm cống Mê Linh-Đà Nẵng. Cuộc hôi ngộ khá bất ngờ, khiến Như không sao dấu được sự ngạc nhiên vui mừng hét thật to lên: “Anh Nguyên hả. Còn nhớ con bé Như ngày xưa không?“. Ôi! Làm sao tôi quên được khuôn mặt kiều diễm, đôi môi mọng đỏ mà tôi từng gởi lên đó những nụ hôn: “Em biến đâu mất trong ngần ấy năm vậy Như?”. Giọng Như ấp úng kể: “Lần về nuôi mẹ, em phải bỏ học giữa chừng vì mẹ em bị bạo bệnh chết, em không còn nơi nương tựa đành phải lấy chồng, sau đó theo gia đình đi định cư ở nước ngoài”. Tôi nói như cố khỏa lấp nỗi buồn: “Thảo nào, anh nhắn tin tìm em khắp nơi nhưng bạn bè không biết em ở đâu”.

Uống cà phê xong, Như theo tôi đáp tuyến cáp thứ hai từ đồi Vọng Nguyệt lên ga Morin mất 3 phút treo lơ lửng trên cao. Đến nơi, bọn tôi hòa mình vào đám đông đang cố nhoài người qua khỏi các thanh tay vịn bằng xi măng giả gỗ, nhìn xuống thung lũng bên dưới như muốn thu tất cả hình ảnh Bà Nà mờ ảo trong mây vào mắt; ngược lại, Như thích thú ngắm nghía hết mấy khóm hoa tú cầu lại, đuổi theo những con bướm có đôi cánh giang rộng ra như một chiến đấu cơ hiện đại. Mấy anh bảo vệ trẻ đứng gần bên báo cho tôi biết ”quanh đây ngoài tú cầu ra còn có rất nhiều loài bướm lạ”. Bất chợt, Như quay đầu lại bắt gặp ánh mắt đắm đuối nơi tôi đang ngắm nhìn cô, khiến cô tỏ ra lúng túng. Mãi một lúc sau cô mới lấy lại được sự bình tỉnh, bước đến cạnh tôi dịu dàng nói “mình đi tiếp anh nhé”. Tôi quàng vai cô đi trên những lối mòn xanh rờn cỏ cây hoa lá, cho đến khi lạc bước vào “ hoa quả sơn “ lúc nào không hay. Chừng nghe tiếng con cháu Tề Thiên khỉ khọt, nhảy nhót làm trò trước đám đông du khách để được nhận những phần thưởng với vài ba chiếc bánh hoặc vài trái chuối chín vàng. Vừa ăn, chúng vừa nhe răng cảnh giác xem có ai chọc phá hoặc chìa tay ra xin thêm thức ăn một cách tham lam. Đứng xem lũ khỉ một lúc, nghe cô hướng dẩn nhắc mọi người đi đến suối Nai ngắm thác cầu Vòng, bọn tôi lẵng lặng bám đuôi đi theo phía sau. Đi khoảng 800 mét đường rừng đã nghe tiếng thác nước tuôn chảy rào rạt bên tai. Nhìn lên thấy một chiếc cầu vòng 7 màu nổi trên mặt thác. Lợi dụng lúc mọi người say sưa chụp ảnh- ngắm cảnh thác nước hùng vĩ, bọn tôi đi vòng về khách sạn Lệ Nim hay còn gọi Le Indochine, xuôi theo con đường nhỏ phía sau đến thăm cây cầu treo Debay xây dựng từ thời Pháp thuộc. Theo truyền khẩu, cây cầu rất linh thiêng đối với những mối tình trai gái, bởi những người yêu nhau nếu một lần nắm tay dắt đi qua cầu, sớm muộn gì đôi lứa cũng sẽ hoàn thành ước nguyện“. Không biết điều linh hiển đến mức độ nào, song  tôi quyết định không đi qua cầu, dù trước đây chúng tôi từng có thời gian yêu nhau? Nhìn vẻ mặt bối rối của tôi, Như ngạc nhiên hỏi: “Ồ! Cây cầu đẹp đến thế kia, sao đang đi bỗng dưng anh dừng lại làm gì?”. Tôi dối lòng: “Bụng anh chắc có vấn đề. Hay em chịu khó đi một mình rồi vòng trở lại đây, anh chờ”. Không biết dụng ý nơi tôi, Như ngoan ngoản đặt chân lên cầu, vừa đi vừa nhún nhảy thử xem chiếc cầu có lắc lư đến chóng mặt như lần đi trên chiếc cầu treo bện bằng mây trên dòng Sêrêpok ở buôn Đôn không? Tôi ngồi lại bên này, dõi theo hình bóng cô bé giờ đã thành vợ người ta, nghe từng bước chân cô dẫm nát trái tim mình. Được một lúc, đã thấy bóng Như quay về trong lớp sương mù giăng kín một phần bên kia cầu, sau đó lại cùng tôi tiếp tục đi tiếp lên đỉnh Bà Nà, chứng kiến cái cột mốc bằng xi măng xấu xí, do ai đó viết nguệch-ngoạc hàng chữ “Núi Chúa 1478 mét” xấu tệ. Tôi cảm thấy có chút thất vọng, nhưng bù lại sung sướng tận hưởng cảm giác thú vị như đang đi lạc trong mây, trong vô vàn sương khói bay lòa xòa trên đỉnh cao nhất Bà Nà-Núi Chúa. Chợt, hai cánh mũi tôi hít hà trong gió mùi hương nghe quen thuộc. Tôi vội quay đầu lại, nhận ra bóng dáng trẻ trung của Như đứng sát ngay bên cạnh, vô tình thả những sợi tóc gió bám đầy lên mắt mũi tôi, gợi nhớ chút hương trinh thời vụng dại con gái, đêm hai đứa ngồi cạnh nhau gửi gấm tâm sự. Có lẽ, phát hiện được ý nghĩ thầm kín trong tôi, Như làm động tác khéo như kịch, vờ chỉ tay về hướng có những khối bê tông mọc lên ở phía tây Núi Chúa, hỏi: “kia có phải là điểm vui chơi giải trí không?”. Tra bản đồ cầm tay, thấy ghi ở đó đã tái hiện ngôi làng Pháp thời trung cổ; ngoài ra, còn có cả dịch vụ vui chơi giải trí Fantasy park ẩn mình trong quần thể kiến trúc tuyệt đẹp, gồm 3 tầng hầm đào sâu trong núi cộng thêm 5 tầng nổi dành cho việc vui chơi. Tôi xác nhận điều Như nói là chính xác, khiến cô vui mừng cười nói với tôi “tối nay thế nào anh cũng phải đưa em ghé qua đấy vui chơi xả láng, không vui không về“. Tôi dấu, không muốn làm mất đi sự hào hứng đang có nơi cô, bởi Fantasy park chưa được phép mở Casino như ở Genting. Bất ngờ, mây đen từ dưới thung lũng ùn ùn kéo lên, báo hiệu cơn mưa sắp xảy ra. Như rùng mình, nép sát người vào tôi tìm chút hơi ấm. Tôi nhớ có mang theo trong ba-lô chiếc áo len dự phòng cho mùa lạnh phương Bắc, nên vội cởi áo khoác ngoài mặc lên người cho cô, còn tôi chui đầu qua chiếc áo len cao cổ. Chưa kịp nói lời cảm ơn tôi, cơn mưa đột ngột trút xuống quanh các sườn núi, trong khi chỗ chúng tôi đứng vẫn khô ráo, vẫn cảnh trời quang mây tạnh. Chẳng vì vậy, thời tiết trên Bà Nà được ví như một cô gái đỏng đảnh; bởi chỉ trong khoảnh khắc khí hậu trên này một ngày diễn ra có đến bốn mùa: Sáng se lạnh hơi xuân, trưa ấm nồng như hạ, chiều man mác chút thu, đêm lạnh lẽo sang đông.

Mãi rong chơi, ngắm nhìn phong cảnh thiên nhiên kỳ vĩ trên Bà Nà quên cả đói. Chừng nhìn lại thấy trưa trời trưa trật, tôi vội đưa Như vào nhà hàng nằm trong khu nhà ga Morin ăn uống, nghỉ ngơi. Sau đó theo tuyến cáp hai trở xuống đồi Vọng Nguyệt, thăm thú các danh lam thắng cảnh nổi tiếng không thể bỏ qua. Do tuyến cáp ngắn, việc lên-xuống không phải bỏ thêm tiền mua vé. Một anh bạn trẻ đi cùng ca-bin vui vẻ chia sẻ kinh nghiệm: “anh chị đã tham khảo lịch vận hành cáp chưa, nếu không muốn bị ngồi đồng hàng giờ như em từng nếm trải “. Hú hồn, nhờ có thông tin quan trọng này, bọn tôi không phải vất vả mò mẫm trong màn đêm cùng với vô số loài bướm, con nào con nấy to cở bàn tay, lỡ chạm vào người hãi đến xanh mặt.  

Xuống đến ga dưới, tôi đi bên Như theo hướng có mũi tên chỉ khu nghỉ mát Le Jardin. Trên đường đi, tôi bắt gặp nhiều bụi hoa cẩm tú đỏ, hồng, tím, trắng, đua nhau khoe mẻ màu sắc trước các dãy phòng đìu hiu nằm chờ khách với tấm biển nhỏ ghi “khu du lịch Bà Nà By Night”. Nhìn khắp nơi thấy bốn bề mây trắng giăng giăng cùng với không khí se lạnh, gợi nhớ trong tôi cái cảm giác như đang đi giữa Sapa hay trên Tam Đảo. Không ngờ, khu hầm rượu của đại úy pháo binh Debay hiện ra với bảng chữ điện néon  “Hầm rượu Bà Nà By Night” nằm gần đấy. Được biết, hầm rượu nay được giao cho người đàn ông có công mở ra con đường lên đỉnh Núi Chúa, sau hơn nữa thế kỷ bỏ hoang hóa (***). Do vậy, khi con đường thông xe, người ta ưu tiên cho người đàn ông khai thác khu hầm rượu củ. Để kinh doanh, ông bỏ nhiều tiền của, mở rộng khu hoang phế thành điểm du lịch thơ mộng gồm: khu nhà nghỉ liên hoàn, quày ba, hầm rượu Cave de Vin hay Cella Bà Nà. Như đứng trước hai pho tượng sư tử đá, chống hai chân trước lên quả cầu cùng với hầm rượu âm sâu vào vách núi, hào hứng muốn được thưởng thức ngay ly rượu vang hay ly cocktails, moctails gì đó từ một bartander điển trai. Tôi theo sát bên Như, đặt chân vào gian hầm khoét sâu trong lòng núi, thấy trên những chiếc cột chống lấy vòm đá, treo đủ mọi loại rượu nổi tiếng trên thế giới. Trước tiên, khách  được mời uống thử một ly rượu vang miễn phí, sau đó tùy vào tửu lượng có thể thưởng thức các loại rượu với giá hữu nghị.  

Nhấm nháp vài ly vang cùng với dĩa hạt điều rang muối, Như theo tôi đi về phía ngôi tượng Đức Bổn Sư nhô cao giữa biển mây màu trắng sữa. Theo thông tin ghi trong “brờ-sua”: tượng cao 27 mét, quét vôi màu trắng. Từ thành phố Đà Nẵng vào những ngày nắng ráo, có thể nhìn thấy bức tượng trắng nổi bật trên nền xanh của khu du lịch Bà Nà-Núi Chúa. Đang bước đi, Như bỗng khựng người đứng lại vì tình cờ phát hiện ra những chùm hoa giống như những chiếc chuông đỏ treo lửng lơ trên cành cao. Loài hoa không chỉ đẹp mà đặc biệt chỉ có trên Bà Nà, nhiều người nghe nói chứ chưa có dịp tận mắt nhìn thấy. Như luôn miệng xuýt xoa khen đẹp, định với tay hái lấy một chùm mang về nhà khoe nhưng kịp nhìn thấy bảng cấm, bèn co rúm người đứng tạo dáng trước ống kính, hối thúc tôi chụp cho vài tấm ảnh kỷ niệm, trước khi leo mấy chục bậc thang đá vòng vèo, dựng đứng đi lên chùa Linh Ứng. Như còn trẻ, nhưng cứ phải bám chặt lấy cánh tay tôi, leo mãi mới tới Quan Âm Các, ngồi bệt xuống bờ đá thở phì phò với những vệt mồ hôi thấm trên trán làm nhòe nhoẹt lớp son phấn trang điểm. Trông cô thật đáng thương dù tôi có muốn trêu chọc cô đến mấy cũng không đành lòng. Tôi kiên nhẫn đứng chờ cô dưới chân tượng đức Phật bà uy nghi, hướng đôi mắt nhân từ nhìn ra biển đông. Để làm dịu sự mệt mỏi, Như uống hết chai nước tinh khiết mang theo, nghỉ mệt một lúc, đi tiếp một mạch lên tới cổng tam quan bắt gặp ngôi chùa Linh Ứng hiện ra sau khoảng sân rộng lót bằng đá núi; trầm mặc uy nghi trong quần thể đình chùa thanh tịnh, chìm khuất trong màn sương như thể vây bọc sau một lớp voan mỏng. Được biết, đây là một trong ba ngôi chùa có lối kiến trúc giống với chùa Tam Thai, tọa lạc tại ba địa điểm khác nhau trong thành phố Đà Nẵng. Hàng năm, phật tử các nơi hội tụ về đây chiêm bái rất đông, nhất là vào các ngày rằm hay mùng một. 

Để kết thúc chuyến đi khám phá Bà Nà-Núi Chúa, tôi cùng Như đi trên chiếc cầu nhỏ nối chùa Linh Ứng tới chỗ tái hiện nơi Đức Phật thuyết pháp lần đầu tiên hay còn gọi là vườn Ngự Uyển, chứng kiến vô số tượng Phật lớn nhỏ sắp đặt quanh vách đá. Sau đó, leo tiếp mấy chục bậc thang lên chỗ tượng Đức Bổn Sư đặt trên chiếc đế cao 8 mặt, mỗi mặt thể hiện một giai đoạn cuộc đời Đức Phật. Theo lời vị sư trẻ, tượng xây dựng rổng ruột bằng xi-măng cốt thép cùng với đá xanh khai thác từ trên núi. Vào những hôm trời trong, đứng từ khu vực này người ta nhìn thấy bán đảo Sơn Trà, bãi biển Non Nước, Ngũ Hành Sơn và cả con sông Thu Bồn chảy qua Hội An.       

Sáng hôm sau, tôi thức dậy từ rất sớm, ra ngồi nhìn ánh bình minh chiếu rọi qua những lăng kính mây, hắt lên bầu trời vô số ánh hào quang trông thật kỳ ảo, nhìn đến say lòng. Tạm biệt Bà Nà-Núi Chúa, tạm biệt thiên đường nghỉ dưỡng ít nhiều để lại ấn tượng trong tôi về những sắc hoa tú cầu, về những đàn bướm lạ, về màu đỏ hoa đào chuông lần đầu tiên trong đời tôi mới nhìn thấy.

Có điều, khi ngồi ăn uống vui vẻ với bạn bè ở Đà Nẵng, ai đó cắc cớ hỏi Như có đọc bài báo nói về hàng trăm kí vàng đang còn chôn dấu trên Bà Nà không?. Tôi ngạc nhiên, hèn gì thấy xuất hiện nhiều gương mặt bặm trợn trông thật cô hồn; chỉ  tiếc những thông tin qúi giá đến vậy giờ mới nghe, nếu không tôi đâu có bỏ lỡ cơ hội theo những người kia bén gót, biết đâu chẳng vớ được một ít vàng mang về ăn tết tưng bừng?”.

Chưa rõ chuyện chôn dấu vàng trên Bà Nà-Núi Chúa thực hư thế nào, nhưng nếu ai có máu phiêu lưu mạo hiểm; tưởng cũng nên thử thời vận một lần, biết đâu lại chẳng may mắn nhặt được một ít vàng mà còn được đi du lịch?

(*)     Nhạc Y Vân
(**)   Chiều Bà Nà – nhạc Duy Trực, phổ thơ Tô Như Châu
(***)  Ông Nguyễn Vọng  



 

 

thơ hồ chí bữu


hochibuu

KÍNH THƯA EM

           Tặng Minh Dung

Mẹ của mấy thằng con trai quậy
Nuôi lớn lên để thiên hạ nhờ
Con gái thì gả về miền tây xa lắc
Không có đứa nào giống bố làm thơ

Kính thưa em – người đàn bà đẹp
Ghen cở hàng mệnh phụ Hoạn Thư
Người đàn bà nỡ nào bắt ta xách dép
Chẳng chịu căn cơ nên mới mệt nhừ

Kính thưa em – người đàn bà Bắc
Ở Hà Nam sao chạy tuốt vô Saigon
Hận thù nhau nên tối ngày làm giặc
Đánh đấm tưng bừng ra bốn chú lon ton

Kính thưa em- kính thưa quỷ sứ
Cảm ơn em bốn chúc năm ròng
Bốn nươi năm mà như chưa đủ
Của cuộc đời vốn có như không

Cảm ơn em – cảm ơn bà xã
Đẹp não nùng như mới hai mươi
Cứ e thẹn như còn xa lạ
Làm ta nhìn muốn nổ con ngươi.




THÁP NGÀ

Sáng ra ta hét : Ta còn sống !
Còn thở cho không khí của trời
Mới biết đêm qua ta nằm mộng
Sống, chết là điều dễ hiểu thôi

Kinh Kha cà chớn qua sông Dịch
Còn ta cà khịa mới yêu em
Khuất Nguyên ôm đá gieo dòng Mịch
Còn ta ôm rượu ngủ say mèm

Người ta mộng lớn làm danh tướng
Ta chẳng công hầu với đỉnh chung
Cuộc sống hẳn là điều vay mượn
Nên ta chẳng dám luận anh hùng

Thì thôi – ta cứ tên hàn sĩ
Quanh quẩn sân nhà nghe gió ru
Bên ta còn có người tri kỷ
Ngồi đếm lá vàng nghe chớm thu.

Thơ Trần Tuấn Kiệt



trantuankiet

 * Tượng


Em đi chân bước lạc đà
Suốt miền ải hạn giữa sa mạc người
Phượng hoàng xuống đậu hai vai
Ngậm hoa quỳ nhớ thiên thai không về
Ngàn năm mây trắng trôi đi
Với hồn xưa động bốn bề không gian

* Lời Thi Sĩ Gởi Cho Nàng Thơ


tranh luongtruongtho

Người đi mất hay vẫn còn đứng ngóng
Màu chiều bay cánh mỏng dặm băng đồi
Người đứng lại giữa cây tàn bóng xế
Trần gian nào thả mặc địa cầu trôi

Trên bóng trăng cao hay lòng đất mát
Giữa đại dương ôm ấp mãi tình người
Bàn tay bỏ hay bàn tay buông bắt
Dặm tình xưa thần thoại đã lên ngôi

Hỡi thi sĩ của trần gian khô héo
Cỏ hoa kia sao chẳng thấy nô cười
Ngày biền biệt lơ thơ làn tóc nhỏ
Tự thuở nào em đã đứng bên tôi

Tôi hát khúc trân gian đầy ân ái
Em dạo cung hồ cầm đó ngày xưa
Cơn gió xuân xa, lưng trời thổi lại
Mông bình yên thôi đã mất bao giờ

Bước mải miết trên cỏ đồi có mỏi
Làn hơi xanh môi má đã mơn hồng
Em ngồi đó bàn tay đầy hoa lá
Chắn buổi chiều dùm em nhé bão giông

Người thi sĩ đã một ngày gặp gỡ
Thì ngàn năm bóng sáng vẫn chưa tan
Hỡi đôi mắt của nàng tôn nữ đó
Chớp nhanh chi hay ngại ánh xuân tàn

Em cứ bỏ về non xanh dặm biển
Ta cứ xa vời xa thẳm hoài mong
Rồi phút chốc bút sầu ta hiển hiện
Cánh tay em thành một áng cầu vồng

Em hãy khóc để lá vàng rơi rụng
Chuỗi sầu mơ kết lại trái hoa đời
Mai trần thế phai mờ như chiếc bóng
Ta và em dựng lại chút tình người