Mẹ chẳng thể nào nhớ nổi con đâu
con,
một đứa con như trăm ngàn đứa khác
với chiếc áo màu lá rừng rách toạc
quẳng ba lô ngồi phịch nghỉ bên thềm
Lúc bấy giờ đã quá nửa đêm
con mệt đến tưởng chừng kiệt sức
những vết cứa trên thịt trần nóng rực
giữa đêm hè im gió lặng câm
Làng bị cày trơ trụi, không dân,
không cây cối. Một trời sao nhợt nhạt,
rọi thấp thoáng mấy căn hầm cũ nát
mấy bậc thềm lở lói phủ đầy tro
Đang bần thần, chợt nghe động tiếng ho
con ngoảnh lại : bóng mẹ già cúi xuống
con đâu biết có một vườn rau muống
cạnh hố bom đìa, và một túp lều con
Và mẹ già dường vẫn thức chờ con
thoáng nghe động đã bật mình trở dậy
con ngoan ngoãn theo tay Người run rẩy
dẫn về nơi căn hầm nhỏ sau lều
Hầm chật căng những hơi thở nặng đều
còn một khoảng gần kề nơi ngách cửa
mẹ nhưòng nốt cho con ngồi tựa
con thiếp đi trong giấc ngủ mệt mê
Con không nghe pháo cấp tập bốn bề
lúc bừng tỉnh vẫn ùng oàng pháo bắn
nghe mẹ nói: “Hắn bắn hoài, mặc hắn !”
và tay mình âm ấm khúc mì thơm
Mẹ nhìn con cứ cười mãi rất giòn
mới chợt nhớ mặt mình chưa kịp rửa
nước lọ nghẹ vẫn nguyên mầu đen đúa
con lau sơ bằng chiếc mũ vải mềm
Con no rồi mẹ cứ giục ăn thêm
lúc con đi, mẹ dò đường thật kỹ
và dặn mãi : nhớ coi chừng bọn Mỹ
mấy hôm rày còn phục chỗ đồi Dâu
Mẹ chẳng thể nào nhớ nổi con đâu
bởi con biết, hai mươi năm, bao đêm rồi, vậy đó
trăm đứa con
ngàn vạn đứa con
đã qua căn lều nhỏ
để nhận lấy phần mình ngọn lửa
cháy âm thầm từ lòng mẹ mênh mông
Mẹ làm sao nhớ nổi
cái thằng con đến ngồi nghỉ bên thềm
khi đêm về thường lẫn vào đêm
khi trời sáng lẫn vào đồng đội
ghé nhà mẹ chỉ vài giờ rất vội
mẹ chưa kịp nhìn rõ mặt, hỏi tên.
Mẹ đâu ngờ khoảnh khắc ấy đã in
mãi tận đáy lòng con sâu thẳm
một hơi ấm bàn tay, một mùi thơm mẩu sắn
theo con đi suốt bao chặng đường dài
Theo con đi suốt cuộc chiến tranh này
khiến con thấy quân thù trở nên nhỏ bé
và cái chết chẳng còn đáng kể
cuộc đời con sống chết với nhân dân
Ôi nhân dân, vì một nhân dân như thế
con nguyện lại hy sinh dẫu được sống hai lần.
BÙI MINH QUỐC
1970