văn hữu vườn tao ngộ

Nơi lưu trữ tác phẩm của PBTD và thân hữu. Liên lạc: phanbathuyduong@gmail.com

Monday, May 7, 2012

THIẾU KHANH * Ai Đã Ru Ngủ Chúng Ta

  
Đây là phiến đá có khắc tự phù biểu ý của người Lạc Việt cổ được chụp tại huyện Bình Quả – Quảng Tây vào ngày 23 tháng 12 (2011) ( Hình và lời chú thích trích từ bài viết 'Phát hiện chữ Việt cổ ở Quảng Tây' của tác giả Hà Văn Thùy tại vietthuc.org )

Nhân một bài viết của nhà nghiên cứu Hà Văn Thùy phổ biến trên một số trang mạng về sự kiện chữ viết cổ xưa của người Lạc Việt được phát hiện ở Tỉnh Quảng Tây Trung quốc, có người (trên Diễn đàn CNDD) đã phản ứng như sau: 
“Xã hội có nhà văn, nhà thơ, nhà báo, nhà giáo, nhà toán học, nhà vật lý, nhà khảo cổ . . .
Bây giờ, xã hội chúng ta lại có thêm nhà ru (viết ngắn của nhà ru ngủ dân tộc), có mặt khá nhiều trên Net, hay trên sách.
Chẳng có gì đáng “vui mừng,” hay “tự hào,” như Hà Văn Thùy nói. Xin nhắc lại, đó chỉ là những ký hiệu, không phải chữ.
Nhà ru tiếp tục ru ngủ dân tộc Việt Nam
Đọc tiếp bài viết NGƯỜI LẠC VIỆT LÀ CHỦ NHÂN CỦA GIÁP CỐT, KIM VĂN, của Hà Văn Thùy, trên Việt Thức, 02/15/2012.
“Từ khảo cứu của mình, từ năm 2006, chúng tôi khẳng đĩnh rằng, tiếng Việt là chủ thể tạo nên ngôn ngữ Trung Hoa,” Hà Văn Thùy viết.
(1)   Cái mà Hà Văn Thùy gọi là chữ, hay tiếng (language), thật ra, đó chỉ là những ký hiệu (symbol, signifier) rời rạc, khắc trên đá.
(2)   Tiếng Việt có cấu trúc ngược với Tiếng Tàu. Làm sao có thể nói, Tiếng Việt đã “tạo nên” Tiếng Tàu.
(3)   Nói rằng Tiếng Việt “tạo nên” Tiếng Tàu, làm sao có thể cắc nghĩa 2 hiện tượng sau đây: (a) Suốt dòng lịch sử, Người Việt chỉ có tiếng nói, không có chữ viết, phải mượn Tiếng Hán để học hành, và dùng trong quản trị hành chánh (viết sắc, chiếu của triều đình), và (b) Tiếng Tàu đã phát triển đầy đủ, còn Tiếng Việt thì nghèo nàn, không đủ dùng.
Hôm nay, là Thế Kỷ 21, dân tộc Việt Nam không phải là trẻ con. Để cho những nhà ru, như Hà Văn Thùy, có thể dùng lời ru ngọt ngào của họ, để dìu dân tộc chúng ta vào giấc ngủ.
KHÔNG.
Một dân tộc thích tự thỏa mãn về mình, là một dân tộc đang thoái hóa. Một dân tộc có can đảm nhận những yếu kém của mình, dân tộc ấy mới có động lực để vươn lên, để đuổi kịp các dân tộc tiến bộ trên Trái Đất.
Việt Nam hiện nay, có khá nhiều nhà ru. Đó là một bất hạnh của dân tộc chúng ta.”

Bài viết của TK dưới đây là một email phản hồi đáp lại ý kiến trên:

Tôi không cho chuyện này có ý nghĩa "ru ngủ" . Và lòng tự hào dân tộc không bao giờ có ý nghĩa tiêu cực là ru ngủ hay tự ru ngủ. Dường như trong truyện ngắn Thằng Mõ (tôi không chắc), nhà văn Nam Cao đã nói, mà tôi cho là rất đúng, rằng (không phải nguyên văn) khi một người thường xuyên bị chà đạp, bị lăng nhục, thì anh ta không còn tin tưởng vào giá trị con người của anh ta nữa. Hơn thế, anh ta sẽ sống phù hợp với cái thân phận mang tính chất đễu cáng hạ cấp mà người khác gán cho anh ta.
Không phải là chuyện ru ngủ chút nào cả khi Napoleon đặt ra các danh hiệu rất kêu kiểu như Maréchal / Maréchaux de France (Pháp quốc thống chế) hay Armiral de France (Pháp quốc Đô đốc) v.v... cho các tướng lãnh cao cấp của ông ta. Và lời ông ta động viên quân sĩ dưới chân Kim Tự Tháp tại Ai Cập rằng "Hỡi các người! Các người nên biết rằng hơn bốn mươi thế kỷ đang nhìn xuống chúng ta!" không hề là một lời huyênh hoang vô lối hay ru ngủ ai cả. Rồi những thứ huy hiệu, cầu vai, dây tua lòe loẹt này nọ mà các quân đội trên thế giới bày vẽ ra để ban tặng cho quân lính của mình. Những thứ đó cũng không làm cho họ ngủ; trái lại chúng làm cho họ mạnh mẽ lên, hào hùng thêm, hành động dũng cảm hơn nữa, phù hợp với những mong đợi lớn lao mà đất nước đặt vào họ.
Cũng chính trong ý nghĩa này mà chúng ta không bao giờ bỏ qua cơ hội nào để củng cố sự tự tin và lòng tự trọng nơi con cái mình, củng cố lòng tự hào của chúng vào nền tảng tinh thần của gia đình mình (gia phong); chúng ta không bao giờ bỏ qua dịp để khen thưởng và khích lệ con cái mình hay thay cho sự khen thưởng bằng thái độ hờ hững của chúng ta, hoặc coi thường mọi nỗ lực phát triên sự tự tin của chúng như là chuyện lố bịch.
Truyền thuyết Rồng Tiên vì vậy không hề là một huyền thoại bịa đặt vô nghĩa, như có người cười cợt biếm nhẽ.
Giả dụ tất cả người Việt Nam tin theo một ai đó, cho rằng nòi giống mình chỉ là một chi nhánh hạ đẳng của người Tàu (quả thực đã có chuyện này, khi một "sử gia" nào đó mà tôi đã đọc từ khi còn nhỏ nên không nhớ tên, cho rằng đa số người VN có họ Nguyễn, mà họ Nguyễn là một họ thuộc hạng dân hạ tiện chiếm phần rất ít ỏi trong xã hội Tàu!). Giả dụ mọi người VN luôn chứa sẵn  trong đầu mình cái mặc cảm mình là loại người hạ tiện hạng bét đối với Tàu, thì liệu chúng ta có còn dám ngẩng cao đầu một cách oai hùng bất khuất trước những cuộc xâm lăng của chúng, như ông cha ta đã luôn luôn chúng tỏ trong lịch sử hay không? Với tham vọng thôn tính nước ta của chúng đã phô bày lộ liểu, và với thái độ đê hèn của nhà nước Cộng sản VN  hiện nay khiếp nhược trước giặc mà hèn hạ với dân, cái mặc cảm nhục nhã tai hại đó sẽ giúp cho việc "nội thuộc" diễn ta thuận lợi biết bao!
Về mặt con người, các nghiên cứu tâm lý học đã khẳng định nguyên lý tinh thần hướng dẫn thể xác. Cuộc chiến đấu của nhân dân Việt nam chống lại áp lực xâm lăng và đồng hóa của Tàu phải được hướng dẫn bằng "tinh thần". Đó là văn hóa. Chúng ta không chỉ chống lại mọi sự xâm lăng của Tàu bằng sức mạnh thể chất mà còn bằng sức mạnh văn hóa. Để củng cố sức mạnh văn hóa, thử nghĩ xem, có cách gì tốt hơn, hữu hiệu hơn là khôi phục, phát triển và củng cố niềm tin vào lịch sử và bản chất của dân tộc mình không thua kém bất cứ ai?
Trong lịch sử thế giới, đã có quốc gia nào từng ngủ quên trên sự tự hào về lịch sử hào hùng của dân tộc họ không? Không hề. Trái lại, những giai đoạn suy vọng của mỗi quốc gia đều xảy ra trong thời kỳ mà lòng người phân tán, khi niềm tự hào dân tộc ấy đã bị lung lạc, suy yếu hay không còn nữa. Trong hoàn cảnh như thế, Lê Lợi phải mất đến mười năm mới "đẩy" được đám quân Minh xâm lăng về nước, (sau cuộc kháng chiến dai dẳng làm cho chúng mỏi mòn mà ta không có một trận đại thắng nào lừng lẫy tầm cỡ "Bạch Đằng"), trong khi trước đó, nhà Trần với hào khí Đông A chỉ cần một thời gian rất ngắn để ba lần đánh bại ba cuộc xâm lăng của lực lượng xâm lược mạnh nhất, dữ dằn nhất, đáng sợ nhất của cả nhân loại trong mọi thời đại, với các chiến thắng lừng lẫy.
 Với sự phát hiện chữ Việt cổ (Hà Văn Thùy - Phát Hiện Chữ Việt Cổ ở Quảng Tây ), tôi cho đó là một chiến thắng tinh thần rất lớn lao của người Việt trước người Tàu và văn hóa Tàu. Thông tin này cần phải được chào đón một cách trân trọng, chớ không phải là với sự biếm nhẽ. Từ lâu, cả thế giới đều công nhận nước Tàu "văn minh trước thiên hạ." Một số nhà trí thức của ta cũng nhắm mắt lập lại như thế. Mở "Việt Nam Văn Hóa Sử Cương" của Đào Duy Anh ra mà xem. Ông ấy nói rằng khi ta tiếp xúc với văn hóa Tàu thì văn hóa của người Hoa Hạ đã phát triển rực rỡ, còn văn hóa của ta thì rất chất phác thấp hèn. (Nguyên văn gần như thế). Nhận định này của vị học giả "bách khoa" của ta từng khiến tôi thất vọng, vừa buồn vừa giận, là một trong những lý do mà hơn ba mươi năm trước đã khiến tôi không tự lượng sức mình, làm một công việc đội đá vá trời rất đáng mắc cỡ là... nghiên cứu lịch sử văn hóa VN!
Nếu có một người Việt Nam nào nói khác các luận cứ "kinh điển" có cầu chứng của các học giả nước ngoài về lịch sử văn hóa VN thì lập tức bị những người khác, cũng là người VN, dè bỉu cho là tự hào dân tộc vô lối. Linh mục Kim Định là một nạn nhân như thế. "Triết lý an vi của ông", dù chỉ là một triết lý chứ không phải sử học, với những "giả thuyết làm việc" (lời của chính vị linh mục ấy) căn cứ trên nhiều kết quả nghiên cứu của những tác giả có thẩm quyền quốc tế, vẫn không thuyết phục được những nhà khoa bản được định vị "dưới chân Kim Tự Tháp Trung hoa".
Với phát hiện chữ viết của người Việt cổ này, tôi nhìn thấy một cuộc địa chấn. - dĩ nhiên với điều kiện sự phát hiện đó phải được khoa học xác nhận một cách vô tư. Một cuộc địa chấn không để ai ngủ được cả, chớ đừng nói chuyện làm cho người ta ngủ. Người ta bị lay xốc cực mạnh để thức dậy. Ai không thức dậy tức là đã chết rồi.
Cuộc địa chấn như thế nào? Và chúng ta đã ngủ từ bao giờ và ngủ như thế nào để bị cơn địa chấn này đánh thức?
Cả ba câu hỏi này có một câu trả lời chung. Không phải chúng ta chỉ mới ngủ từ khi những tên thực dân Pháp dạy ta rằng tổ tiên ta là người Gô-loa, mà đã ngủ từ khi chúng ta được chính mình nhồi sọ cho nhau để tin một cách nức nở rằng chúng ta được tên thái thú Tàu là Sĩ Nhiếp dạy cho biết văn minh lễ nghĩa, những tên thái thú Nhâm Diên và Tích Quang dạy cho ta biết cày cấy vân vân. Rồi chúng ta mang ơn chúng, và thờ phụng chúng như thánh thần. (Đã có một triều vua của ta phong tước vương cho Sĩ Nhiếp và các nho sĩ ta thời trước gọi y là Sĩ vương!)
Trong thời thượng cổ, dân tàu là giống dân du mục săn bắn, trong khi dân Lạc Việt là một trong những chủ nhân của nền văn minh nông nghiệp của nhân loại. Chính người Tàu đã xác nhận điều đó khi trên bầu trời họ đã định vị vì sao Thần Nông ở về hướng Nam. Thần Nông (ông thần phát minh nghề nông) là người phương Nam, tức người Việt. Thần Nông chẳng phải ông thần nào cả. Đó là tượng trưng cho nền văn minh nông nghiệp phương Nam. Và cũng chính người Tàu đã “vẽ” ra một chữ Việt bộ Mể ( ) gồm hai phần để mô tả người Việt là chủng người biết làm ruộng lúa nước (phần trên) và biết sử dụng liềm hái cắt lúa (phần dưới).
Vậy mà, ai đời một trong những chủ nhân của nền văn minh nông nghiệp của nhân loại lại đi học nghề nông với bọn người du mục đến từ phương Bắc!
Đó mới chỉ là chuyện liên quan đến hai tên thái thú Nhâm Diên và Tích Quang. Còn chuyện liên quan đến “Sĩ vương” tức Sĩ Nhiếp?
Hơn ba mươi năm trước, sống đời nông dân trên rừng núi, nhưng bực mình vì thấy có người cho những từ tiếng Việt Vua, Bố, cha mẹ, chú bác, cô dì, anh chị em vân vân... đều là tiếng Tàu cổ hay có gốc Hán cổ từ những đời đường đời mật nào đó, tức một cách nói rằng người Việt chính là hậu duệ của người Tàu, tôi đã không tự lượng sức mình và không biết trời cao đất dày, đã "nghiên cứu" lịch sử văn hóa VN xem thử Ta Là Ai. Dĩ nhiên công trình "nghiên cứu" đầy cảm tính và chủ quan nông nổi của tôi đã không tới đâu. Có nhiều lý do khiến tôi phải bỏ cuộc. Một trong những lý do đó là tôi va phải một thực tế "ác nghiệt". Tôi nhận thấy rằng, nếu tộc người Việt đã có một nền văn minh riêng "như thế, như thế" từ nhiều ngàn năm trước, ắt họ đã thoát khỏi giai đoạn thắt gút và có một hệ thống chữ viết để truyền thông với nhau. Nhưng những thông tin tôi cần về chuyện này là chưa có vào lúc đó, hoặc rất mơ hồ.
Trong bài viết, vốn là một cái email như email này đây mà sau đó khi được phổ biến trên mạng, tôi đã đặt tựa là "Văn hóa Việt Nam là của Dân tộc Việt Nam" (http://art2all.net/tho/tho_tk/vanhoavietnam.html), vì chưa biết thông tin về chữ viết của người Việt cổ tôi đã không thể đưa giả thuyết rất... hoang đường của mình ra để giải thích một hiện tượng là: Tất cả các vua chúa lớn nhỏ của Tàu trong lịch sử, trừ giai đoạn đời nhà Chu, đều xưng đế chớ không ai chịu xưng vương, và tước Vương vốn có ý nghĩa rất cao quý (nối thông tam tài) lại chỉ để phong cho các con trai thứ của nhà vua! Tôi đã thấy rằng từ Vương một từ của ngôn ngữ Việt, nói cách khác, từ Vương là một từ thuần Việt mang vỏ chữ Hán. Tuy mang hình thức chữ Hán, nhưng nội dung hàm ngụ của nó là tinh thần văn hóa Việt Nam.
Giả thuyết lố bịch của tôi để giải thích hiện tượng đó là như vầy: Trong quá trình phát triển dân tộc và bành trướng đất đai, tộc người (về sau tự xưng là) Hoa Hạ đã tiếp thu luôn cả nền văn minh của người Lạc Việt là cư dân sinh sống từ phía dưới sông Hoàng Hà, hoặc ít nhất là từ bờ Nam sông Dương tử trở xuống. Người Lạc Việt với văn minh nông nghiệp vốn hiền hòa, sau một thời gian sống chung với bọn người du mục mới đến, đã không thể chống chọi lại bản tính tàn bạo và hiếu chiến của chúng nên sau mỗi cuộc xung đột, người Lạc Việt  cứ rút lui dần về phía bên này vùng Ngũ Lĩnh. Có lẽ đó là lý do mà một trong bốn chữ Việt để chỉ người Việt, người Tàu đã vẽ hình một người [thất trận] bỏ chạy (tẩu ) có cầm vũ khí (qua ), thường được gọi là chữ Việt bộ tẩu [ 越 ] . ([1])
Giai đoạn chủng người Hoa Hạ tiếp xúc và hấp thu nền văn minh của chủng người Việt có lẽ xảy ra rất sớm, từ thời Hiên Viên, Hoàng đế trong lịch sử Tàu. Văn hóa đời Chu cho thấy họ đã hoàn toàn thấm nhuần tinh thần văn minh văn hóa Việt. Người thủ lãnh của họ cũng bắt chước xưng Vương như người Việt – thay vì truyền thống của họ trước đó là xưng Đế.
Trong văn hóa Việt, Vương là một hiền giả, một người minh triết, một đấng thánh nhân, có thể cũng nắm giữ vị trí lãnh đạo xã hội, chủ yếu bằng đức độ và sự minh triết, chớ không phải bằng quyền lực và vũ lực. Trái lại, trong nền văn minh du mục, người lãnh đạo nắm toàn quyền cai trị và thống nhất xã hội bằng vũ lực. Chính sự bắt chước theo văn hóa Việt đã làm phân hóa xã hội của chủng dân du mục. Tước vị Vương của nhà Chu chỉ cho họ một điều thích hợp duy nhất là tôn người lãnh đạo lên bậc chí tôn, thiên tử, con trời. Nhưng vì không có quyền lực và vũ lực trong tay nên ông con trời đành bất lực nhìn đất nước phân tán nát bấy. Nhà Chu có tới tám trăm nước chư hầu. Tức là tám trăm bề tôi của cùng một ông vua đều mỗi người làm vua một cõi mà thiên tử nhà Chu yếu thế không có vũ lực trong tay, không làm gì được, kể cả khi đám bề tôi đó liên tục nhân danh thiên tử để triệt hạ và thâu tóm lẫn nhau.
Vì thấy rõ cái Vương đạo của người Lạc Việt chỉ phù hợp cho chủng dân với nền văn minh nông nghiệp hiền hòa và minh triết, không thể áp dụng được cho chủng dân vốn xuất phát từ nền văn minh du mục, nên mặc cho Khổng Tử mang Vương đạo đi rao giảng khắp nơi mòn giầy lỏng gối mà chẳng ai thèm nghe theo.
Khi Tần vương Doanh Chính thống nhất thiên hạ, ông ta quyết định xưng Đế theo truyền thống của người dân du mục trước đó. Thủy Hoàng Đế: Hoàng Đế đầu tiên.
Thật ra, ông ta không phải là vị hoàng đế đầu tiên. Thời thượng cổ trước đó họ đã có những vua Hoàng đế, Đế Nghiêu, Đế Thuấn, vân vân. Nhưng các danh xưng Đế Nghiêu, Đế Thuấn này đã bị linh mục Kim Định phát hiện là được gọi theo cấu trúc tiếng Việt. Tức là họ tự tố cáo mình chịu ảnh hưởng của văn hóa Việt vào thời kỳ người Hoa Hạ mới từ trên vùng Hoàng Hà đổ xuống, sống chung với người bản địa Lạc Việt.
Nhưng khi tự xưng Thủy Hoàng Đế, rõ ràng ông ta đã tuyên bố đoạn tuyệt hẳn với văn hóa văn minh Lạc Việt, trở về với thời rất xa mà tổ tiên của chủng dân Hoa Hạ này còn sống trong nền văn hóa du mục “rặt ri”, trước cả thời Hiên Viên, Hoàng đế.
Đốt sách chôn Nho đâu phải chỉ là để thống nhất chữ viết, như lâu nay người ta cứ nhai đi nhai lại mãi. Chữ viết là chuyện nhỏ, chỉ cần một sắc lệnh là xong, nhất là dưới thời toàn trị phong kiến ai dám cưỡng, viết khác kiểu chữ vua ra? Đốt sách chôn nho chính là nhằm tiêu diệt ảnh hưởng của văn minh Lạc Việt trong xã hội người Hoa Hạ, để nhà vua nắm toàn quyền cai trị bằng vũ lực, nhưng vẫn không bỏ vị trí tinh thần cao cả của bậc minh triết trong văn hóa Lạc Việt, mà lợi dụng nó và bóp méo nó để tự tôn mình là đấng con trời. Những chuyện vương đạo, bá đạo, pháp gia, danh gia, bách gia chư tử này nọ trong thời chiến quốc chỉ là sự vật vã dằn xé trong ý thức của dân tộc họ giữa hai con đường phải chọn một: hoặc nền văn hóa vương đạo của Lạc Việt, hoặc nền văn minh bá đạo theo bản tính du mục của dân tộc họ. Và họ chọn bá đạo và tiêu diệt vương đạo[2].
Tiêu diệt là chuyện Tần Thủy Hoàng muốn. Nhưng có lẽ ông ta đã sớm nhận ra rằng nền văn hóa nông nghiệp của người Việt có sức cảm hóa rất lớn. Một phần nền văn hóa Hoa Hạ là được tiếp thu từ văn hóa nông nghiệp Lạc Việt, đã trở thành giá trị chuẩn mực trong xã hội người Hoa, không gì có thể thay thế được. Tiêu diệt nó là điều hoàn toàn không thể. Thế là họ làm một cuộc đánh tráo văn hóa. Việc đốt sách chôn nho chính là âm mưu cho sự đánh tráo văn hóa, nhằm đổi trắng thay đen đó. Theo đó, người Tàu đóng vai đi khai hóa, dạy văn hóa lễ nghĩa cho “tứ di” những dân tộc “man rợ” trong đó có “Nam man”. Thành ra, chủ nhân của nền văn minh nông nghiệp đi học lại văn hóa nông nghiệp từ giống dân du mục là Tàu.
Không phải là các sử gia Tàu đời Hán về sau không biết những chuyện đánh tráo kệch cỡm đó, nhưng họ thấy như thế làm vinh dự cho lòng tự cao của họ nên họ đồng lõa theo. Và chúng ta ngủ vùi dưới âm thanh của dàn đồng ca tráo trở đó. Có cả giọng ca của một vài sử gia Việt hùa theo.
Phong vương cho Sĩ Nhiếp, gọi y là Sĩ vương… chính là cùng ca bài ca của chúng để tự ru ngủ mình.
Trở lên là giả thuyết động trời của tôi. Giả thuyết đó phải có căn cứ là nền văn minh Lạc Việt có trước Tàu để làm cơ sở. Nhưng, như tôi có viết cho một người bạn mới đây, một nền văn minh như thế mà không có chữ viết thì chỉ là chuyện giả tưởng, hoặc một chuyện hài hước cười không nỗi. Vì không thấy có bằng chứng nào chứng tỏ người Việt cổ đã có chữ viết riêng nên tôi đã hậm hực bỏ dở “công trình nghiên cứu” rất cà chớn của mình.
Bây giờ đã có thông tin về chữ viết cổ của người Lạc Việt. Khi đón nhận tin này, một thông tin rất ngắn tôi đọc thấy trên mạng hồi trước Tết, trước bài viết khá chi tiết của ông Hà Văn Thùy, tôi rất xúc động. Người tôi run rẩy. Nhưng tôi không ngạc nhiên. Tuy tôi quên “công trình nghiên cứu” của mình rồi, nhưng một nơi nào đó sâu thẳm trong tôi vẫn hằng mong đợi một thông tin như thế. Vì thông tin này đối với tôi có giá trị quá lớn, nên tôi không dám mừng rỡ hết lòng. Một sự xác định trái ngược hay phủ định giá trị của phát hiện đó sẽ khiến tôi rất tổn thương. Tôi nén cảm xúc cho đến khi phát hiện đó được khoa học xác minh là chính xác.
Nhưng, dù vậy, tôi cảm thấy phát hiện này có ý nghĩa một cuộc địa chấn: Nếu phát hiện đó được xác nhận là đúng thật, không những cổ sử của ta và cả cổ sử Tàu phải được viết lại, mà lịch sử văn hóa của một số quốc gia châu Á, gồm Việt Nam, Trung Quốc và các nước chịu ảnh hưởng văn hóa Trung Quốc cũng phải viết lại. Thậm chí lịch sử văn hóa thế giới sẽ phải có những điều chỉnh quan trọng. Vì chứng tích chữ viết cổ này xác nhận nền văn minh Lạc Việt tồn tại từ lâu trước khi người Hoa Hạ đến xâm lấn địa bàn cư trú của họ là điều có thật. Chữ viết cổ của người Lạc Việt là nguồn gốc của chữ Trung Quốc là điều có thật. Nền văn hóa và văn minh tinh thần của Trung Quốc là có nguồn gốc từ văn minh Lạc Việt là có thật. Trung Quốc sẽ không còn được nhìn nhận là cội nguồn của nền văn hóa văn minh mà họ mạo nhận là của họ từ nhiều nghìn năm nay. Những sự đảo lộn lớn lao như thế không sánh với một cuộc địa chấn được sao?
Giành được thắng lợi trong một trận bóng đá thôi mà người ta la hét cuống cuồng nhảy nhót như điên loạn; lẽ nào giành lại được quyền làm chủ của một trong những nền văn minh văn hóa sớm nhất của nhân loại mà lại… buồn ngủ sao?
Có nhiều quốc gia đã cố phấn đấu mọi cách để giành được quyền đăng cai một trận bóng. Một nền văn minh văn hóa lâu đời của cha ông trở lại vào tay mình mà lại không giá trị bằng một trận bóng sao?
Trong cái email dẫn ở đầu bài viết, tác giả từ chối phát hiện này với lý lẽ rằng:

(1)   Cái mà Hà Văn Thùy gọi là chữ, hay tiếng (language), thật ra, đó chỉ là những ký hiệu (symbol, signifier) rời rạc, khắc trên đá.
 (2)   Tiếng Việt có cấu trúc ngược với Tiếng Tàu. Làm sao có thể nói, Tiếng Việt đã “tạo nên” Tiếng Tàu.
 (3)   Nói rằng Tiếng Việt “tạo nên” Tiếng Tàu, làm sao có thể cắc nghĩa 2 hiện tượng sau đây: (a) Suốt dòng lịch sử, Người Việt chỉ có tiếng nói, không có chữ viết, phải mượn Tiếng Hán để học hành, và dùng trong quản trị hành chánh (viết sắc, chiếu của triều đình), và (b) Tiếng Tàu đã phát triển đầy đủ, còn Tiếng Việt thì nghèo nàn, không đủ dùng.
Tôi cho đây là một sự hiểu lầm.
1.      Chữ viết và tiếng nói là hai thành tố của một ngôn ngữ. Ở chữ viết tượng thanh, một ký hiệu thường đại diện cho một âm, và có thể không có ý nghĩa nào cả. Các âm /a/, /b/, /k/ không có nghĩa gì hết. Ghép chúng lại theo một thứ tự nhất định thì chúng mới thành một chữ, mang một ý nghĩa qui định nào đó. Trong trường hợp này là chữ Bac, (có thể là tiếng Việt hoặc tiếng Pháp), hoặc Cab (tiếng Anh), hoặc cũng có thể là QAB, chữ tắt của queue anchor block trong lãnh vực toán tin học, hay Baq., viết tắt tên phi trường Barranquilla ở Colombia…
      Với chữ tượng hình, mỗi ký hiệu có thể là một chữ, vừa có âm, vừa mang nghĩa. Những chữ viết cổ phát hiện được là chữ tượng hình. Do đó, người ta đã đối chiếu với chữ khoa đẩu có niên đại mới hơn chúng và đã đọc được nội dung ý nghĩa của chúng. Các ký hiệu của chữ tượng thanh phải viết liền vào nhau mới thành chữ. Chữ tượng hình thì mỗi chữ là một đơn vị rời rạc.
2.      Dường như tác giả email này có sự nhầm lẫn giữa tiếng và chữ. Thứ mới được phát hiện ở đây là chữ viết (writing). Tiếng Việt không thể tạo nên tiếng Tàu. Nhưng người Tàu có thể dùng chữ viết cổ sơ này của người Lạc Việt để xây dựng và phát triển thành hệ thống chữ viết của họ. Đó là chuyện bình thường. Ta vẫn dùng chữ cái Latinh để viết tiếng Việt, có sao đâu!
Tiếng Việt có cấu trúc ngược với tiếng Tàu. Tiếng Việt không nói theo cấu trúc tiếng Tàu. Nhưng người Tàu thời thượng cổ có nói theo cấu trúc tiếng Việt. Những cách gọi Đế Nghiêu, Đế Thuấn, thay vì Nghiêu đế, Thuấn đế… là một bằng chứng lịch sử. (Còn thêm một số thí dụ nữa về chuyện người Tàu (thời cổ) nói theo cấu trúc tiếng Việt mà nhất thời tôi không nhớ).
3.   a. Chuyện “suốt dòng lịch sử người Việt chỉ có tiếng nói, không có chữ viết, phải mượn tiếng Hán để học hành…” thì lịch sử đã có câu trả lời đầy đủ, và cụ thể. Đó là hậu quả của một chính sách đồng hóa tàn bạo của người Tàu đối với các dân tộc bị chúng đô hộ. Sử Tàu ghi rõ, những ngày tháng nào, những tên vua nào của Tàu đã ra lệnh cho những bọn tay chân nào của chúng phải tìm và tịch thu hoặc hủy diệt tất cả những gì có chữ viết của các dân tộc bị trị để họ không còn nhớ đến lịch sử và văn minh của nòi giống họ nữa. Một mẫu giấy nhỏ có chữ viết cũng không để sót. Đọc sử Tàu sẽ thấy đủ và rõ hết. Trong sử của ta thỉnh thoảng cũng có trích dẫn những lệnh hủy diệt này của chúng.
Sau 1050 năm nằm dưới ách đô hộ của chúng mà tiếng nói của ta vẫn không mất là một điều thần kỳ vĩ đại. Chỉ sau hơn ba trăm năm bị đế quốc Tây Ban Nha cai trị (1565 - 1898), và chưa tới sáu mươi năm (1898 - 1945) nằm trong tay các đế quốc Mỹ và Nhật mà người Phi-lip-pin đã mất cả tiếng nói lẫn chữ viết của dân tộc họ rồi kìa! 
b. “Tiếng Tàu đã phát triển đầy đủ trong khi tiếng Việt vẫn còn nghèo nàn” chẳng phải là do sự yếu kém hay khiếm khuyết gì của tiếng Việt. Đó là do lịch sử. Tiếng Tàu liên tục phát triển từ khi dân tộc họ có tiếng nói đến nay, không đầy đủ mới là chuyện lạ. Tiếng Việt chúng ta chỉ mới thực sự phát triển vào khoảng 3 phần tư thế kỷ đây thôi. Chẳng phải mãi đến thập niên 40 thế kỷ trước ta vẫn còn các hội truyền bá quốc ngữ đó sao? Cuốn từ điển Danh Từ Khoa Học của Giáo sư Hoàng Xuân Hãn được soạn vào khoảng thập niên 40 của thế kỷ 20 đó chớ gì? Cuốn Từ Điển Tiếng Việt đầu tiên cho người Việt dùng chỉ mới được biết đến rộng rãi vào khoảng thập niên 50 thế kỷ trước chớ mấy([3]). Chỉ mới phát triển trong ngần ấy năm thì làm sao tiếng Việt giàu có ngay được bằng các ngôn ngữ khác đã trải qua hàng ngàn năm lịch sử? Được như thế này chỉ trong ngần ấy năm, tiếng Việt đã bước đi bằng đôi hia ngàn dậm, chớ không chỉ đôi hia bẩy dặm. Ta phải tự hào với điều đó mới phải chứ? Sao lại than phiền biếm nhẽ? Chê tiếng Việt nghèo nàn là cố chấp một cách không đúng. Ngày xưa, thạc sĩ văn phạm Pháp Phạm Duy Khiêm([4]) đã mắc phải sự thiển cận đó. Nhiều người đã giận dữ cho là ông xúc phạm niềm tự hào dân tộc. Tôi cho là ông thiển cận.
Thế trong suốt lịch sử dân tộc cho đến trước các thập niên 40, 50 của thế kỷ trước tiếng Việt đã “ngủ đông” à? Gần như vậy. Trong suốt lịch sử, giai cấp trí thức thượng tầng của xã hội liên tục và nhất quán từ chối tiếng nói của tổ tiên mình. Bị Tàu đô hộ thì họ nói tiếng Tàu, viết chữ Tàu. Thoát khỏi sự đô hộ của Tàu rồi họ vẫn tiếp tục dùng chữ Tàu trong mọi văn kiện chính thức của triều đình, và cả trong văn học, coi chữ Tàu là “chữ ta”, “chữ thánh hiền”, và coi ngôn ngữ nước nhà là nôm na mách qué. Tiếng Việt chỉ được bảo tồn trong giai cấp bình dân, dân quê ít học, ở nơi “thôn cùng xóm vắng”. Trong điều kiện đó, tiếng Việt phải trong tình trạng “tiềm sinh” chờ thời sống lại, chớ làm sao phát triển bằng người được? Ngay mới vừa rồi đây, tham dự Ngày Thơ Việt Nam trong chương trình Liên hoan Thơ Châu Á – Thái Bình Dương, (1/2 – 7/2/2012) tôi đã thấy ngay trong khuôn viên Văn Miếu Quốc Tử Giám ở Hà Nội người ta còn phô trương những dãy chữ Hán thật to kết bằng hoa cỏ cho người dân thưởng thức. (xem hình)
Ngày nay còn bao nhiêu người Việt đọc được thứ chữ này? Trí thức của ta như thế đó.
Dưới thời Pháp thuộc, giới trí thức toàn nói tiếng Tây; tiếng Việt là dành cho cu li. (Nhưng ngay cả cu li cũng phải nói tiếng Tây mới có được công ăn việc làm.)
Bây giờ là tiếng Mỹ. Nhìn vào đâu cũng thấy tiếng Mỹ. Trong một bịch kẹo “nội hóa” bán cho trẻ con ở thôn quê cũng in mọi điều quảng cáo bằng tiếng Mỹ. Một cửa hàng bán dụng cụ làm bếp dù không nằm trong trung tâm thành phố cũng xài toàn tiếng Mỹ từ trong ra ngoài. Lẽ nào du khách ngoại quốc tìm đến VN và “đi xe ôm” ra rìa thành phố, tới cửa hàng đó để mua xoong nồi mang về nước?  Ngay cả các UBND xã huyện tỉnh là để phục vụ người Việt Nam đều được ghi kèm tiếng Mỹ. Lối thoát hiểm của một số cơ quan, bệnh viện, siêu thị đều có gắn biển đề chữ EXIT. Khi có hỏa hoạn, người Mỹ thì biết đường chạy, còn người Việt không biết tiếng Mỹ thì sao? Nhưng có người Mỹ nào đến những nơi ấy không? Họ đến đó để làm gì?
Đó, giới có ăn có học của ta đối xử với tiếng mẹ đẻ như vậy đó, Quên điều này, quên tình trạng “thứ yếu”, “thổ dân thổ ngữ” của tiếng Việt, mà đặt ra câu hỏi “vô ý” như trong email trên đây e là làm cho ngôn ngữ của tổ tiên phải mũi lòng.
Hôm nay, là Thế Kỷ 21, dân tộc Việt Nam không phải là trẻ con”. (email). Phải, càng không là trẻ con, khi dân tộc đó hàng chục ngàn năm trước đã sáng tạo chữ viết trước cả người Tàu, và nhờ thứ chữ viết đó mà người Tàu phát triển thành hệ thống văn tự của họ. Nếu phát hiện này được khoa học xác nhận, thì không ai có thể ngủ được cả. Nhất là người Tàu. Họ sẽ mất ăn mất ngủ trước hết.
Khi thông tin này được chính người Tàu đưa ra, thì tính chất quan trọng của nó là rất lớn. Chắc chắn là họ đã cân nhắc và ý thức rõ sức công phá dữ dội của sự kiện này đối với lâu đài văn hóa nhiều ngàn năm của họ. Họ phải biết hậu quả của sự kiện này là thế nào. Cả một lâu đài văn hóa của họ rực rỡ mấy ngàn năm mà họ rất tự hào, bỗng chốc hóa ra đồ vay mượn. Tại sao họ lại có thể “bịa” một chuyện như thế này để ru ngủ chúng ta?

Thiếu Khanh.
 
[1] Trong một bài viết mới đây ông Hà Văn Thùy bác bỏ thuyết chữ Việt bộ Tẩu vẽ hình người Việt thất trận bỏ chạy, và giải thích hàm nghĩa của chữ Việt này  là người Việt cầm vũ khí tiến lên để chiến đấu.  Có lẽ tôi thích cách giải thích của ông Thùy. Rất tiếc tôi không nhớ đường dẫn bài viết ấy.
[2] Định nghĩa “vương đạo” trong bài Văn Hóa Việt Nam là của Dân tộc Việt Nam, đã dẫn trên.
[3] Cuốn Từ Điển Tiếng Việt đầu tiên là Tự Điển Khai Trí Tiến Đức được xuất bản từ năm 1931, nhưng phải đến lần in vào năm 1954 thì mới được nhiều người biết đến.
[4] Bằng Thạc sĩ này của Pháp là trên (sau) Tiến sĩ, chớ không phải dưới Tiến sĩ như cách dùng ngày nay.