văn hữu vườn tao ngộ

Nơi lưu trữ tác phẩm của PBTD và thân hữu. Liên lạc: phanbathuyduong@gmail.com

Friday, May 18, 2012

TRẦN VĂN NAM * BAY CAO TRÊN ÐƯỜNG HÀNG HẢI GỐM SỨ


tranh Lương Trường Thọ

Nếu đã từng đi bằng chuyến bay hãng hàng không Eva hay China Airlines, sau hai giờ rời khỏi không phận Ðài Loan thì chúng ta sẽ bay dọc dài duyên hải quê hương, chỉ hơn một giờ nữa là đến không phận Sài Gòn.
Dù buổi trưa trời trong sáng, nhưng lục địa đất nước ta lúc nào cũng mây đùn che khuất tầm mắt, chỉ những hải đảo hiện ra rõ nét đang nằm im lìm dưới biển xanh; hải đảo màu mạ non viền bằng những vành sóng trắng.
Ðảo Cù Lao Chàm ngoài khơi Ðà Nẳng, hình củ khoai thắt eo ở giữa, nơi đáy sâu có thuyền chìm chưa trục vớt, sẽ là kho tàng nhiều cổ vật cho biết chủng tộc nào hằng bao thế kỷ trước đã mượn đường ven bờ tránh bão.
Hòn Cù Lao Ré ngoài khơi Quảng Ngãi hình dạng con diều giấy đang bay trên bằng phẳng mặt biển thay vì trên trời; cũng có thuyền xưa chìm vì không may khi vừa rời bến, chưa xuất cảng mà đã vùi chôn bao cổ vật thủy tinh của văn hóa Sa Huỳnh thuộc chủng tộc Chàm vốn giỏi nghề hàng hải.
Kế đến, đảo Phú Quý ngoài khơi mũi Kê Gà Phan Thiết; mũi đất nhọn sắc nét khi nhìn xuống từ máy bay; đảo hình tam giác hiện ra rất lâu vì máy bay đang theo một vòng cung lớn hướng vào châu thổ sông Ðồng Nai.
Rất tiếc, máy bay đã vào không phận Sài Gòn, bỏ xa ngoài khơi Côn Ðảo; cũng không bay sâu về mũi Cà Mau là nơi cũng có thuyền chìm thời đầu Công Nguyên mang theo nhiều cổ vật văn hóa La Mã- Ấn Ðộ- Ba Tư, những con thuyền trên đường định mệnh đến Óc Eo hải cảng.
Dấu vết của đường hàng hải gốm sứ còn ghi dấu bằng di vật tiền nhân rải rác từ vương quốc Phù Nam băng ngang qua vịnh biển Rạch Giá, đổ bộ lên eo đất hẹp Kra của Thái Lan để lấy đường tắt đi vào Ấn Ðộ Dương.
Có phải đường hàng hải gốm sứ đã đưa trống đồng Ðông Sơn chu du cùng khắp, cập bến từ mấy ngàn năm trước vào Indonesia, Mã Lai, Thái Lan; hay là vì đồ vật văn hóa đó dễ phổ biến nhờ ngày xưa thềm lục địa Ðông Nam Á còn là vùng đất liền Sundaland trải dài đến quần đảo Sulu Phi Luật Tân; rồi sau đó bỗng cấp kỳ lục địa Sundaland chìm bởi cơn Ðại Hồng Thủy.
Bằng chứng là những đền đài dưới đáy biển ven đảo Yonaguni phía cực Nam nước Nhật; bằng chứng chung lục địa là tiếng nói cùng nguồn cội Austronesian phân bố rộng từ thổ dân Ðài Loan đến chủng tộc Chàm cùng những cư dân các hải đảo Polynesia; bằng chứng là tê giác Java tại sao còn xuất hiện trong rừng Ðồng Nai; bằng chứng là tục ăn trầu cùng chuyện kể Sơn Tinh-Thủy Tinh na ná giống nhau từ Âu Lạc đến các hải đảo Thái Bình Dương.
Phải cần Ðức Tin mới thấy trận Ðại Hồng Thủy là một Khải Huyền Phán Xét; nhưng đường hàng hải gốm sứ thì rõ ràng là hiện thực vì ven bờ nước ta những xác thuyền chìm vẫn đang dật dờ đã mấy trăm năm nơi nhiều vực biển.        
TRẦN VĂN NAM