Thắm nhìn ra ngoài hiên, mặt trời đã đứng bóng từ lâu và đang chuyển dần về phía tây, xa xa có thể thấy bóng của những dãy núi vùng Thất Sơn chập chùng xanh thẩm, áng chừng cũng đã 2 giờ chiều rồi cũng nên mà vẫn không thấy bóng dáng Tư đâu, cô có vẻ sốt ruột ra mặt, lẽ nào Tư muốn tránh mặt cô. Không thể nào vì Thắm đâu có nói hôm nay mình lên đâu. Thông thường Thắm bắt xe từ Cần Thơ lên núi Cô Tô thăm cái gia đình nhỏ bé của Tư tuy nghèo khó nhưng đầy ắp tiếng cười của con nít nhằm ngày thứ bảy hay chủ nhật gì đó thường là những ngày bọn trẻ được nghỉ học ở nhà, mục đích là gặp được mấy đứa nhỏ, trò chuyện đùa vui rồi chia quà, sắp xếp quần áo, tắm rửa cho chúng, được nghe tiếng chúng gọi mẹ Thắm ơi mẹ Thắm à là cô thấy vui rồi. Mấy đứa trẻ ở với cha và bà nội nên hình như khát khao có được một người mẹ lắm để được săn sóc, chiều chuộng hoặc nhờ “Mẹ Thắm” phân xử coi đứa nào phải đứa nào trái rồi phân bua nũng nịu được mẹ Thắm thương đôi khi làm cho cô ứa nước mắt và tội nghiệp cho bọn trẻ thiếu bóng dáng người mẹ trong cuộc sống hằng ngày nhưng không biết làm thế nào cho phải. Thấy cô nhìn ra ngoài sân mãi thím Sáu cũng cảm thấy nóng ruột. Thắm nhìn thím Sáu chép miệng:
- Hôm nay sao anh Tư lâu về quá thím Sáu?
Thím Sáu nhìn cô như muốn trấn an:
- Chắc nó về trể một chút thôi mà, sáng nó đưa bọn trẻ xuống núi đi học rồi ghé qua vạt rẩy của ông Hai Chơi tiếp hái bắp bán cho thương lái, sau đó mới qua rẩy nhà thu hoạch. Làm không hết việc chắc cũng sắp về rồi cũng nên.
Thắm có vẻ buồn:
- Không lẻ anh Tư muốn tránh mặt con phải không thím?
- Không phải vậy đâu cô đừng suy nghĩ lung tung, tánh thằng Tư tui biết mà.
Thắm nhìn thím Sáu rồi hỏi:
- Chuyện của con nhờ thím nói giúp với anh Tư chẳng biết thím có nói giùm chưa?
- Hôm kia tôi có nói với nó ý định của cô rồi.
Thắm có vẻ hồi hộp hấp tấp hỏi:
- Rồi anh Tư trả lời sao thím?
Thím Sáu nhìn cô ái ngại:
- Thằng Tư nín thinh hà, có vẻ nó suy nghĩ lung lắm nhưng không nói gì rồi bỏ ra sau nhà nằm.
Thắm nghe thím Sáu nói vậy cũng buồn, cô thầm trách Tư: được thì nói được, không được thì noi không được chứ có gì nín thinh không biết ai biết anh muốn gì mà lần, cô không biết tâm trạng của Tư thế nào nhưng cô thật lòng muốn chung vai góp sức cùng anh nuôi mấy đứa nhỏ mà. Chợt hai người dừng nói chuyên, từ xa nghe có bước chân lạo xạo trên nền đá sỏi càng lúc càng lớn dần, rồi tiếng lách cách va quẹt với cành cây lá cỏ hai bên đường, thím Sáu trông ra ngoài rồi quay sang cô gái, thím nói:
- Thằng Tư sắp về rồi đó nghe. Ngày nào nó cũng lên núi để chăm sóc rẩy, xem có cây trái nào thu hoạch được đem về để sáng mai đưa xuống núi bán, hôm nay lại tiếp rẩy bắp cho người ta nên về trể một chút thôi mà. Cực nhọc là vậy nhưng nó vẫn không màng, cố gắng làm để có đồng ra đồng vô nuôi tụi nhỏ. Mấy đứa ngày một lớn lại còn lo chuyện học hành của chúng nữa chứ, cũng đâu thể để chúng sống trên núi nầy mãi được phải tìm cách dời xuống chân núi để tụi nhỏ dễ học hành phải không cô?
Cô gái tên Thắm nhỏ nhẻ:
- Con cũng biết thế nên con bàn với thím cho con tiếp một tay nuôi tụi nhỏ, con thấy tụi nhỏ đáng thương quá cô à.
Thím Sáu chép miệng:
- Ý cô thì tui hiểu, cô là người dưng còn biết thương mấy đứa trẻ côi cút, không biết cha mẹ ruột mình là ai, thuở đời nay tại sao có những bà mẹ nhẫn tâm bỏ rơi núm ruột của mình không biết, không biết lương tâm họ có một lần nào áy náy ăn năn không.
Thắm cúi mặt làm thinh, chẳng biết trong đầu cô nghĩ gì mà nét mặt rười rượi buồn không vui.
Tư đã vào đến nhà, Thắm vội đứng lên đở nhẹ quang gánh trỉu nặng trên vai Tư, anh cúi nghiêng mình thả đòn gánh xuống đất, ở hai đầu là những đồ rẩy mà anh mới thu hoạch được gánh về, cô thấy cả một buồng chuối xiêm lớn có mấy trái vàng lườm chín bói. Rồi bắp cải, su hào, rau núi mỗi thứ một ít.Tư lấy chiếc khăn rằn đang mắc trên móc, vừa lau mồ hôi nhể nhại vừa nói với Thắm:
- Không biết cô Thắm lên chơi, nếu biết tôi đã tranh thủ về sớm rồi. Ờ! Mà sao lần nầy cô lên thăm bọn trẻ sớm dữ vậy, thường là ngày thứ bảy chủ nhật mà, hôm nay mới thứ năm thôi.
Thắm là một trong những người khách thường xuyên đến thăm cha con anh. Từ lúc báo chí đăng tin có một người đàn ông độc thân trên núi Cô Tô tự nguyện tha về nuôi tám đứa con mồ côi bị bỏ rơi, lo cho chúng ăn học không một chút phàn nàn dù hoàn cảnh thiếu thốn chật vật thì có nhiều người tìm đến. Có người đến thăm vì tò mò xem báo chí viết có phóng đại không, có người xúc động trước nghĩa cử tốt đẹp của anh tìm đến giúp đở. Họ đến rồi đi, chỉ có Thắm đến một lần, rồi lần sau, thêm lần nữa, lần nữa, khi thì đồ chơi, bánh kẹo, khi thì vật dụng cần thiết trong việc học tập như quần áo, sách vở giầy dép, sự hiện diện của cô ở cái gia đình lóc nhóc trẻ con trở nên quen thuộc đến độ mấy đứa trẻ trở nên thân quen và chúng thường gọi cô là mẹ Thắm một cách ngọt ngào như cô là mẹ ruột của chúng vậy.
Có lần vui miệngThắm hỏi Tư về hoàn cảnh gia đình của từng đứa trẻ anh nhận nuôi như thế nào. Đang vui tự nhiên mặt anh trầm tư lại, lời nói chất chứa nỗi buồn: Mấy đứa đang sống với tôi đều có một hoàn cảnh đặc biệt khác nhau: thằng lớn nhất là thằng Thành. Cách đây tám năm khi tôi đưa con bé gái con tôi mới 1 tuổi xuống bệnh viện Cần Thơ để chửa trị vì chứng viêm màng nảo. Tội nghiệp con bé từ ngày mẹ nó bỏ đi nó sống èo uột, tôi thì lo làm rẩy, làm thuê cho thiên hạ để mua sửa cho nó nên không gần gủi với nó nhiều, tới khi nó phát bệnh nặng đem xuống bệnh viện Long Xuyên rồi chuyển xuống bệnh viện Cần Thơ cũng không xong, nó chết tôi và mẹ tôi buồn lắm. Lúc đó trong bệnh viện tôi gặp hoàn cảnh đáng thương của một người phụ nữ: Cô ấy “vượt cạn” khi trong mình không có đồng xu dính túi, đứa bé ra đời là kết quả của một lần cô bị bọn côn đồ cưỡng bức khi đi làm ca khuya trở về nhà trọ. Mẹ con anh đã giúp đở cô trong mấy ngày sinh nở. Xấu hổ với mọi người, cô năn nỉ mẹ con anh nuôi giúp và anh đã trở thành người cha bất đắc dĩ như thế. Trường hợp con bé Đào cũng khá đặc biệt. Hôm đưa thằng Thành bị đau ruột ở BV ra, mẹ tôi đang đứng ngoài cổng bệnh viện chờ tôi làm thủ tục xuất viện xong rồi về, có một phụ nữ nhờ mẹ tôi ẳm giùm đứa con mới ra viện đi vệ sinh một chút rồi đi mất. Chờ mãi không thấy người phụ nữ trở lại nên mẹ con tôi đành đem đứa bé về nuôi.Còn thằng đứng kế con Đào là thằng Hà, mẹ nó là một cô gái nghèo đi mót lúa ở Cờ Đỏ, quen với một thanh niên ở địa phương rồi mang thai lúc nào không biết, sợ cha mẹ phát hiện nên dùng dây thun nịt bụng rồi trốn sang ở nhà bà ngoại ở. Khi đau bụng sanh đưa đến bệnh viện thì nghe nói nó bị đứt tim thai, phải mổ bỏ con để cứu mẹ. Nhưng không ngờ nó được cứu sống, Mẹ nó không dám mang nó về nhà, bệnh viện gọi tôi lại nhận về nuôi. Cứ thế mỗi lần bệnh viện gọi là tôi tha về một đứa, bây giờ là tám đứa hết thảy.
Ngần ngừ một chút, Thắm hỏi:
- Có người mẹ nào trong mấy đứa trẻ anh nhận về nuôi, anh và bác không hề biết mặt không?
- Có, là con nầy, nó tên Hường. Anh kêu con bé tên Hường lại, nó ngồi sà vào lòng anh, cười làm dáng với Thắm, anh nói;
- Lúc bệnh viện điện thoại báo tin có một phụ nữ mới sinh xong lại bỏ đi mất, gia đình muốn nuôi xuống làm thủ tục nhận. Chỉ biết đại khái là có một cô sinh viên đi làm thêm bị người chủ lừa gạt mang thai, xấu hổ nên bỏ đi chỉ viết lại tờ giấy nhờ bệnh viện tìm người tốt nuôi giúp đứa bé giùm. Tám đứa trẻ là tám câu chuyện khác nhau nhưng đều giống nhau ở chỗ: mẹ chúng đều là những phụ nữ đáng thương hơn đáng trách.
- Anh có nghĩ lúc nào đó cha mẹ của tụi nhỏ đến xin nhận lại con không? Hay là sau nầy chúng tìm được cha mẹ ruột thì sao hả anh?
- Có gì mà lo hả cô. Đi hay ở là tùy thuộc vào tình cảm của mấy đứa con thôi mà. Mình nuôi là vì thương bọn trẻ côi cút , bị bỏ rơi không ai nuôi dưỡng, nếu cha mẹ chúng tìm đến xin nhận lại con hay là lớn lên chúng tìm được cha mẹ ruột tôi còn vui nữa là có gì buồn đâu cô ơi.
Những lúc ấy Thắm nhìn Tư mà rân rấn nước mắt thương cho anh quá.
Đó là chuyện của mấy tháng trước.
Thắm trả lời:
- Tết trung thu gần tới nơi rồi nên em đem mấy cái lồng đèn và ít bánh trái để cho bọn trẻ vui vậy mà.
Tư nhìn sang mẹ có ý trách sao mẹ sao nhận đồ của Thắm hoài vậy, Thắm hiểu ý nói đở cho thím Sáu:
- Chỉ có mấy món đồ chơi và bánh trái cho bọn trẻ vui thôi mà anh, đó là tình cảm chân thành của em đối với bọn trẻ mà, anh đừng trách thím Sáu tội nghiệp.
Tư cười gượng:
- Cô Thắm đến chơi với bọn trẻ là vui lắm rồi, bày vẽ quà cáp bánh trái làm gì không biết.
Thím Sáu đứng lên nói:
- Cô Thắm nói chuyện với thằng Tư đi nhé, tui ra ngoài sau lo cơm nước cho bọn trẻ để chiều đi học về chúng có mà ăn.
Ở lại còn có hai người, không khí có vẻ trầm lắng ngột ngạt, Tư mở lời trước:
- Cô Thắm ở lại ăn cơm với cha con tôi rồi mới về nghe.
Làm như không nghe lời nói của Tư, Thắm hỏi anh:
- Em hỏi thật lòng, anh Tư cũng trả lời em thật lòng nghe. Em rất yêu mấy đứa trẻ xem chúng như con của mình, việc anh nuôi dưỡng mấy đứa nhỏ vất vả quá nên em muốn được cùng anh lo cho mấy đứa trẻ học hành đến nơi đến chốn anh nghĩ thế nào.
Tư không trả lời, đưa mắt nhìn ra ngoài sân, ánh nắng còn lấp lóa trước thềm, những giọt nắng lung linh nhẩy múa trước mặt làm cho anh có cảm giác khó chịu tuy không khí không còn oi nồng vì buổi sáng có một trận mưa núi đi qua. Có tiếng gà rừng đâu đó gáy vang, mấy con chim vụt bay, vài con sóc chuyền cành nhảy từ cành cây nầy qua cành cây khác tìm trái chín, cảnh rừng quá quen thuộc đối với Tư nhưng tự nhiên Tư thấy có gì lạ lẫm như mình mới chứnh kiến lần đầu.
Từng là lính đi K ở biên giới Tây Nam, Tư giải ngũ về với bệnh sốt rét mãn tính, thời gian chiến đấu bên K rất ác liệt, nhiều đồng đội của Tư đã hy sinh nằm lại trên đất nước Chùa Tháp, chiến tranh kết thúc anh trở về với thân thể lành lặn đã là cái mừng cho người mẹ già. Tuy căn bệnh sốt rét quái ác đôi khi hành hạ anh những lúc trái gió trở trời nhưng không đến nỗi làm anh đau đớn bằng sự dứt áo ra đi của người vợ đầu ấp tay gối bỏ lại đứa con còn đỏ hỏn cho anh chăm sóc. Ngày giải ngũ về Tư lấy vợ, vợ anh là một cô thôn nữ hiền lành xóm trên, rồi đứa con gái cũng ra đời một năm sau đó. Đời sống tuy chật vật nhưng cũng không đến nỗi cải vả nhau mỗi ngày. Thấy kinh tế gia đình khó khăn Tư bàn với mẹ và vợ bán nhà ở chợ Tri Tôn về mua đất nủi Cô Tô để làm rẩy, thời gian rổi rảnh làm thuê cho các chủ rẩy khác hay mua cây trái xuống vựa bán cũng đủ ăn đắp đổi qua ngày.
Và đứa con gái ra đời trong hoàn cảnh ấy, cuộc sống càng khó khăn hơn, vợ chồng Tư kiếm tiền thêm bằng cách thu gom hàng rẩy trên núi của các chủ rẩy khác quảy gánh xuống chân núi bán cho vựa trái cây dưới chân núi để có thêm đồng ra đồng vào mua sửa cho con. Hai vợ chồng thay phiên gánh hàng bông xuống núi. Vợ Tư có dịp tiếp xúc với cánh tài xế chở hàng bông, thế rồi việc gì tới sẽ tới dù anh không muốn.
Tư còn nhớ hôm đó trời đã xế chiều, ánh mặt trời dần khuất sau những hàng cây cao sau nhà, bầu trời đã bắt đầu chuyển sang màu lam tím vẫn chưa thấy vợ về, hồi nào vợ anh chưa bao giờ vể trể đến vậy, anh giao con cho mẹ giữ rồi quày quả xuống núi. Hỏi thăm chị Bảy nhà gần vựa thu mua trái cây, chị nói thấy vợ anh lên ngồi trước cabin của thằng tài xế lái xe tải chở hàng bông của bà con chạy về hướng Long Xuyên rồi, chị tưởng con nhỏ quá qiang xuống chợ mua đồ gì đó. Tư bần thần, mấy hôm nay thấy vợ có vài cử chỉ thái độ hơi lạ nhưng anh không tiện hỏi, biết vợ đã bỏ đi theo người ta rồi, lâu nay cô ấy hay than phiền đời sống ở cái vùng núi nầy sao buồn tẻ quá, cuộc sống nghèo túng đã làm cho người đàn bà tâm tính thay đổi. Tư biết mình sức khỏe không bằng người khác lại không nhanh nhẹn hay ma mảnh làm ăn không thể vực dậy đời sống bẩn chật đem lại cuộc sống no đủ cho vợ con đôi lúc cũng cảm thấy buồn, vợ hay cằn nhằn cử nhử anh cũng cắn răng chịu đựng, một phần sợ mẹ buồn một phần muốn gia đình trong ấm ngoài êm hơn nữa còn đứa con gái mới một năm tuổi, nó có tội tình gì chớ. Chú Bảy xe ôm ở bến biết chuyện xúiTư đi tìm: Tao biết thằng tài xế đó ở đâu, tao chở mầy đi tìm lôi cổ con vợ mầy về, thứ đồ mất nết hư thân. Còn thằng tài xế tao sẽ đánh cho nó một trận cho nó chừa cái tội giựt vợ người khác. Tư chỉ cười buồn: Thôi chú đừng la cô ấy nữa, vợ con nghe được nó buồn. Cô ấy sống với con cực khổ quá nên cho cô ấy đi tìm hạnh phúc của riêng mình, níu kéo làm gì chú. Người ta chê mình nghèo bỏ đi, khi họ không còn yêu thương chồng con nữa bắt về cũng có ích gì đâu. Ở với mình xóm núi heo hút nầy mà tâm hồn luôn hướng về ánh đèn thành phố thì sống với nhau làm chi chỉ làm khổ nhau thôi. Tư nhất quyết không đi tìm, lo làm rẩy nuôi con, thế mà con bé cũng bỏ anh ra đi. Lòng anh đã nguội lạnh từ lâu về cái hạnh phúc riêng tư của đời mình bây giờ chỉ cố gắng lên rừng xuống rẩy tìm cái ăn cái mặc cho lũ trẻ cũng đã bở hơi tai rồi còn tính chi tới chuyện lâu dài nữa chớ. Cô Bảy bán cà phê nơi bến xe ôm có lần định giới thiệu người cháu gái ở Tri Tôn cho anh nhưng anh khéo léo từ chối: Thôi cô Bảy ơi. Đời mình đã lỡ làng rồi kéo theo con gái người ta làm gì cho thêm nợ. Còn mấy đứa nhỏ nữa cô ấy có kham nổi không, sau nầy mọi chuyện lỡ làng có phải làm khổ con người ta không. Cô Bảy cố thuyết phục anh: Con bé hiền hậu, biết yêu thương con nít, cùng hoàn cảnh nghèo khổ như nhau nên cũng dễ gần gủi thông cảm với nhau thôi, nhưng Tư vẫn nhất quyết từ chối. Mẹ anh cũng thế, thím cũng không vui khi thấy anh thui thủi một mình cực nhọc không màng đến chuyện lấy vợ lần nữa, mỗi lần thím nhắc đến việc đó là anh tảng lờ nói qua việc khác, có lẽ bà không hiểu hết nỗi đau của Tư khi cuộc hôn nhân đầu thất bại, Tư bây giờ không còn tin vào đàn bà nữa, tình yêu anh bây giờ là những đứa trẻ đáng thương bị bỏ rơi không ai thừa nhận. Có nhiều phụ nữ khi biết được hoàn cảnh của anh và lòng yêu thương của anh đối với bọn trẻ côi cút đã viết thư đến thăm hỏi gởi quà, thậm chí có một cô ở Cà Mau lặn lội lên núi Cô Tô với ý định muốn chung vai gánh vác cùng anh trách nhiệm nuôi mấy đứa trẻ nên người, hoàn cảnh của cô ấy cũng rất đáng thương: lấy chồng được hơn năm năm nhưng chị không có khả năng sinh nở, gia đình bên chồng lời ra tiếng vào miết khiến chị phải ly hôn để chồng tìm người đàn bà khác. Hơn ba mươi tuổi chị khao khát được nghe mấy đứa trẻ gọi mẹ, được lo lắng, chăm sóc chúng như những đứa con ruột của mình nhưng anh lại lặng lẽ từ chối vì anh sợ khi khao khát được làm mẹ người ta nói vậy nhưng khi va chạm thực tế sống trong hoàn cảnh khổ cực, đầy những khó khăn liệu người ta có giữ được tấm lòng như lúc ban đầu không hay lại làm tổn thương nhau lần nữa, đối với anh không là gì nhưng đối với bọn trẻ thì không thể chấp nhận được. Nay Thắm lại đề nghị anh điều đó làm anh thật vô cùng khó xử vì anh cũng quí Thắm, hiểu được tình cảm của Thắm đối với anh và bọn trẻ. Bây giờ với tám đứa con nuôi, mỗi đứa một hoàn cảnh đáng thương nên tất cả tình thương yêu anh đều dồn hết cho chúng, ngoài ra anh không còn nghĩ đến chuyện lập gia đình nữa.
Anh ngẫm nghĩ hồi lâu, nhìn Thắm thẳng thắn nói:
- Tôi rất cám ơn tấm lòng của Thắm đối với mấy đứa con tội nghiệp của tôi nhưng chúng tôi sống như thế quen rồi cô ạ. Nơi núi non hiu quạnh nầy hổ ở lâu còn buồn huống chi con người. Tôi chỉ sợ cô chịu đựng không nổi rồi cũng xuống núi bỏ cha con tui tôi về phố thôi.
Thắm nói một cách quả quyết:
- Em đã nghĩ kỷ rồi trước khi nói ra điều đó. Tất cả sự khổ sở em điều chịu đựng được anh đừng lo.
Nhưng Tư cũng quyết đoán không kém:
- Thôi! Chúng ta không bàn đến chuyện đó nữa. Nếu cô Thắm quí mến tụi nhỏ lâu lâu đến chơi với bọn trẻ tôi rất cám ơn, còn chuyện ở lại gắn bó với bọn trẻ, với nơi đìu hiu hút gió nầy là điều không thể.
Ngừng giây lát anh nói tiếp:
- Có lẽ cô nên về thôi trời sắp về chiều rồi. Để tôi đưa cô xuống núi sẳn chờ bọn trẻ tan học đón chúng về luôn thể. Mùa lũ nước ngập đường xa sẽ khó đi, cô về Long Xuyên rồi đón xe về Cần Thơ cũng tối mịt đó.
Anh dợm đứng dậy tiển khách, bất chợt Thắm quỳ sụp xuống chân anh:
- Xin anh cho em ở lại để được gần gủi chăm sóc bọn trẻ.
- Cô buồn tôi chịu, nhưng chuyện đó không được đâu.
Thắm chợt òa khóc:
- Nhưng em không thể bỏ con em một lần nữa anh ơi, con Hường là con ruột của em đó anh Tư ơi.
Tư chưng hửng không hiểu, Thắm nói trong tiếng nức nở:
- Anh Tư ơi, đúng là Hường là con ruột của em đó anh. Năm đó em học năm cuối đại học, đi làm thêm bị chủ gạt lỡ có thai. Nên khi sinh con xong em bỏ trốn, bệnh viện đã gọi cho anh nhận đứa bé về nuôi. Ơn nghĩa nầy em không bao giờ quên. Sau nầy ra trường em cũng tìm được công ăn việc làm ổn định, lòng nhớ thương con làm cho em rất đau khổ, ray rứt không yên. Em tìm đến khoa phụ sản ngày ấy hỏi thăm mới biết thím Sáu và anh đã nhận Hường về nuôi, nên em lặn lội lên đây để tìm xem đứa trẻ anh nhận nuôi sống như thế nào, em thấy anh và thím Sáu chăm lo cho nó chu đáo như con ruột của mình làm em vô cùng cảm động và biết ơn anh biết bao nhiêu. Nhiều lần em muốn nói thật xin lại Hường về nuôi nhưng thấy tình yêu thương của thím Sáu và anh tràn đầy làm em không dán nói thật lòng mình. Em làm mẹ mà không chu toàn được bổn phận người mẹ làm em vô cùng hối hận đau khổ nên em xin anh được ở lại đây cùng anh lo cho tương lai của bọn trẻ, được gần gủi con em và chuộc lại những lỗi lầm mà em đã gây ra cho nó.
Thím Sáu tự nảy giờ đứng bên trong nghe thấy hết, thím muốn rơi nước mắt. Tiếp xúc với Thắm nhiều lần, nhìn cách Thắm lo lắng ân cần chăm sóc bọn trẻ thím thấy Thắm rất thật lòng, nhất là ánh mắt âu yếm dịu dàng khi nhìn con Hường thím đã thấy lạ và nghĩ thầm người phụ nữ nầy chắc có những u uẩn bất hạnh gì đó cũng nên. Giờ thì thím đã hiểu rõ mọi việc, thím liền bước ra nhưng chưa nói gi. Tư cũng bất ngờ với điều mà Thắm vừa nói ra, bản thân anh cũng cảm thấy bối rối cảm thương cho hoàn cảnh của Thắm, chắc mấy năm nay cô cũng khổ tâm lắm về việc bỏ rơi con trong bệnh viện. Anh đưa mắt nhìn mẹ như cầu cứu, thím Sáu khẻ gật đầu. Anh đứng dậy nói:
- Thôi! Tôi xuống núi đón bọn trẻ về đây. Cô tiếp mẹ tôi lo cơm nước cho bọn trẻ nghe.
Rồi hấp tẩp bước ra sân sấp sải xuống núi nhưng cũng kịp nhận ra nét mặt hân hoan vui mừng của Thắm, lòng anh cảm thầy dịu lại. Trong ánh nắng chiều anh thấy cây cối trở nên tươi sáng rực rỡ hơn lúc nào hết. Phía trên Vồ Hội hình như có tiếng chim hót. Xa xa về phía đồi Tức Dụp cây rừng vươn lên một màu xanh thẩm như đuôi của con chim phượng đang xòe ra chuẩn bị bay. Chẳng thế mà người ta còn gọi núi Cô Tô là Phụng Hoàng Sơn, đầu là núi Tô còn đuôi của nó là đồi Tức Dụp đó sao?. Muôn đời cây rừng vẫn xanh, bóng núi vẫn xanh và lòng người vẫn luôn ươm lấy một màu xanh hy vọng.
Tư dừng lại hít một hơi thở dài rồi thanh thản xuống núi.
NGUYỄN AN BÌNH