văn hữu vườn tao ngộ

Nơi lưu trữ tác phẩm của PBTD và thân hữu. Liên lạc: phanbathuyduong@gmail.com

Thursday, June 13, 2019

CUNG TÍCH BIỀN ** mối tình thời gió chướng


Một thời gian ngắn trước khi hiệp định Geneve 20-7-1954 được ký kết để chia cắt lãnh thổ Việt Nam ra làm hai, trong những vùng Kháng chiến do Việt Minh kiểm soát, chính quyền Đỏ đã có một chủ trương, “Cắm gốc rễ lại miền Nam, nhân rộng lực lượng, để tái hoạt động sau này”.

Đó là, trước khi rút đi, họ tìm cách lưu lại càng nhiều càng tốt hạt giống Đỏ, hết mình nhân rộng sự liên hệ mạng lưới chính trị, thông qua tình cảm vợ chồng, gia quyến trong dân chúng Miền Nam. 
Đa phần bọn tuổi trẻ độc thân đều phải cưới vợ trước khi rời Miền Nam để tập kết ra Miền Bắc. Những cô dâu, ngay sau lễ cưới, đều phải ở lại Miền Nam. 
Lễ cưới, thực hiện vội vã. Những ráp nối vợ chồng phần nhiều không thông qua tình yêu, hoặc chỉ một người yêu, một kia là tình cờ, bất đắc dĩ. 
Biết bao thanh nữ, chỉ sống chung với một người đàn ông đôi tuần, rồi trở thành một phụ nữ góa chồng. Một số, với cái bào thai, về sau phải một mình nuôi con. Đứa con tới tuổi trưởng thành vẫn chưa biết mặt người cha.
Cuộc nội chiến Băc-Nam kéo dài hai mươi mốt năm. Cuộc phân ly chồng Bắc vợ Nam giữa những người thân yêu cũng ngần ấy năm. 
Người con chào đời tại Miền Nam, nay có thể là một công chức, một người lính chỗ trận địa, nhưng cha của họ đang là một kẻ thù bên kia chiến tuyến.
Người vợ bao năm sống cô đơn, cơ cực nuôi con, tuân thủ luật pháp của Miền Nam, nhưng người chồng đang là một Kẻ Bí mật. Kẻ đang còn ở Miền Bắc? Đã tiến vào Trường Sơn? Thậm chí đang có mặt trong những trận chiến đẫm máu, trên những đường phố Miền Nam.
Bi kịch nào cũng có thể xảy ra.
Mỗi số phận đang chờ “Giờ phán xét” của buổi “tương phùng”, may ra. 
I
“Mỗi con sông đều có một nơi chốn để chảy về: biển, hồ hoặc con sông lớn hơn chính nó. Vậy mà mỗi lần đứng trước một dòng sông, ta hoài nghi tự hỏi, Sông chảy về đâu? Đời ta là dòng chảy về chỗ kết thúc. Vậy mà ta vẫn luôn tự vấn, Đâu là một kết thúc?”
Trên đây là cái triết lý anh Lương thường nói với tôi. Tôi cười mỗi khi nghe anh nói, bởi cách lý luận giá cũng khá bình dân, hơi hướng cải lương, sáo ngữ.
Anh Lương là thế hệ trưởng thành từ thời thuộc Pháp. Lúc nước nhà thoát khỏi ách thống trị của người Pháp, 1945, anh vừa hai mươi tuổi, tốt nghiệp bằng tiểu học, và chưa qua bậc trung học. Trường xa, học trễ tuổi.
Thực dân Pháp hạn chế nền giáo dục đối với các bản dân thuộc địa. Mỗi quận huyện, thưở ấy, chỉ có một trường tiểu học. Một tỉnh thuộc loại tỉnh lớn mới có một trường trung học. Học trò ở các miền Nam Ngãi, Bình Định, Phú Yên, phải một lộ trình trên nhiều trăm cây số mới ra tới Huế để học trường Quốc Học danh giá. Cho tới khi người Pháp rút khỏi toàn Cõi Đông Dương – Việt, Miên, Lào – toàn bộ miền Trung Việt, từ Thanh Hóa vào tận Phan Thiết vẫn chưa có một trường Đại học nào.
Một thanh niên thời ấy, đỗ được một mảnh bằng tiểu học [primaire] đã được xem là đáng quý trọng trong tộc họ. Khi lễ lạc hội hè chỗ đình làng, vị tân khoa này được đội khăn đóng, bận áo dài, “ngồi bàn đợi ăn”, khỏi phải làm công việc tạp dịch, như các trai làng.
Chương trình dạy, học, nói, đa phần Pháp ngữ, xem đó là tiếng của mẫu quốc. Xong bậc tiểu học các thanh niên thế hệ này đã nói được tiếng Pháp. Có thể ra làm công chức, trở thành ông thông ông phán về sau.
**
Năm 1946, lịch sử đã thay áo, lớp tuổi trẻ này, trong đó có anh Lương, đã lên đường tham gia kháng chiến. Rồi nổi trôi theo cuộc trường kỳ binh biến chín năm; rồi hòa bình 1954 chia cắt đất nước; lại hai mươi mốt năm nội chiến Bắc-Nam. Tận, 1975 Lương mới có dịp “Tiến chiếm Miền Nam”, được gặp lại cảnh cũ người xưa. Bao năm lửa đạn, những đồi sim làng quê đã không còn. Những khoảng rừng còi hãy còn dấu xích xe tăng, lãng đãng những hố bom.
Chỗ bà con, vừa qua, anh có mời tôi dùng bữa cơm tại nhà. Tôi hiểu có thể nhân đó, cũng như bao người “Kách mệnh về già”, Lương sẽ ít nhiều than vãn, biện bạch cho cái quá khứ riêng mình. Những “gia vị” của tuổi già, thường là hối tiếc, những thương tích tâm hồn.
Mời là bữa cơm, tới nơi thấy là một bữa tiệc khá thịnh soạn, đông người. Bàn có hoa tươi, bia lon, một chai rượu ngoại. Thực đơn có món khai vị, các món chính nhờ nhà hàng nấu sẵn mang tới. Tôi ngạc nhiên, bởi lúc này đời sống chung của dân chúng Miền Nam đang rất khó khăn. Rồi lại sực tỉnh, ồ, anh là kẻ thắng cuộc mà.
Tôi đùa:
– Bữa tiệc có vẻ của một ông quan nặng túi.
Anh Lương phân trần:
– Tớ làm bữa tiệc này là để nhớ đến bà Bạc. Chú không nhớ chị Bạc của chú trong đám cưới với tớ năm 1954 sao? 
Một thoáng, tôi nhận ra anh đã chuyển cái từ “tôi”, một cách cách xưng hô của người miền Trung, ra “tớ”. Từ “tôi” sang “tớ”, đã hao phí mất một nửa đời người.
Trong lúc đợi thêm bạn bè của anh, tôi ngồi trong nhà, chỗ phòng khách, uống một cốc rượu được mời trước, suy nghĩ mông lung về câu chuyện đã úa vàng, đã xa hút nhiều chục năm về trước, mà chị Bạc, vợ anh Lương thuở kia, là nhân vật chính.
II
Bác Chinh đặt tên cho cô gái út là Bạc. Cha tôi nhìn con búp bê kháu khỉnh tập bò, nói với bác Chinh, “Con gái mà mang cái tên Bạc là không tốt lắm đâu. Bể dâu là mênh mông kiếp bạc.”
Năm mười tám tuổi chị Bạc trổ mã, đẹp người đẹp nết, là hoa khôi trong vùng. Chị may mắn hưởng một nền giáo dục kỹ lưỡng từ một gia đình nhiều đời có học. Chị ít nói, chịu đựng, giàu lòng thương người. Đặc biệt, là phái nữ mà chị ít nước mắt.
Thời kháng chiến, đời sống thiếu thốn, rất khổ cực. Con đường xuyên Việt bị đào phá để ngăn đường tiến quân của Pháp, đêm ngày không một bóng xe qua. Dân chúng không có cả xe đạp, mọi sinh hoạt đi lại đều cuốc bộ, cả những đoạn đường dài ba bốn chục cây số. Phần lớn đi chân trần. Không có giày da. Đúng là chân cứng đá mềm.
Một mớ vỏ ruột xe hơi được cắt ra làm những đôi dép râu. Nhưng vỏ ruột xe hơi tìm đâu ra. Dân chúng, chỉ loại nào “có máu mặt” mới vớ được một đôi dép. Giày da? Coi chừng chỉ buôn lậu, hoặc “quan hệ” với vùng thuộc Pháp mới có những ngữ ấy.
Thiếu nữ như chị Bạc, ngay trong ngày xuân, buổi lễ hội, cũng chỉ vận áo vải thô nhuộm màu chàm, màu tro. Thuở ấy, không ai bận áo trắng, lấp lánh dưới ánh nắng là rất dễ làm mục tiêu ăn đạn từ máy bay. Áo mới, vải trắng tinh cũng phải nhúng vào tro mà nhuộm. Tro, là tro bếp. Có khi nhuộm qua bùn đen, rất loãng, là ra màu xám.
Chị Bạc con nhà phú nông, trước kia không phải cực nhọc vì việc đồng áng, nhưng từ khi phân chia giai cấp, 1952, chị cùng mọi người trong nhà phải ra đồng ruộng cày cấy, để khỏi bị liệt vào hàng địa chủ. Với chị, sự lam lũ xem ra bình thường của con nhà nông đã trở nên rất khó khăn, trên đồi khoai, dưới ruộng nước mùa. Người thiếu nữ phải biết mộng mơ chứ. Nhưng cái tâm hồn thanh xuân, thời buổi ấy, chẳng lúc nào thơ thới, luôn là bãi chứa những lo toan, bất trắc, bao là những vụn vặt tầm thường.
Năm mười chín, không hiểu chị đã biết yêu ai chưa, nhưng một đêm nọ, bất ngờ gia đình làm đám cưới chị Bạc với anh Lương, lúc này Lương đã là một cán bộ.
**
Đám cưới thời khói lửa, chỉ là một nghi thức cho có lệ với làng xóm họ hàng, công khai một ráp nối gái trai. Lễ lạc rất đơn sơ. Không nhà hàng, chẳng phụ rể phụ dâu, không áo cưới, chẳng xe hoa đưa đón.
Để tránh “đội đầu” trái bom từ máy bay nện xuống, mọi sinh hoạt đông đúc như hội họp, chợ búa, cả lễ cưới của chị Bạc cũng vào ban đêm. Đêm ấy trăng rằm. Buổi chiều máy bay Pháp oanh tạc dữ dội gần đó – có thể đây là trận bom cuối cùng, trước khi hiệp định đình chiến được ký kết năm bảy tuần.
Mãi lúc tối sẫm, chợ Cũ Tam kỳ còn những đám khói bốc cao. Trăng cứ sáng, nhà cứ cháy. Người này chạy ra bờ sông gánh nước về tưới, kẻ kia chữa cháy là những chiếc gàu mo, kéo lên hối hả từ giếng nước mùa hè, gần như khô kiệt.
Một đám người thương tích ngồi rải rác, chờ cho máu từ từ đông cục, chờ thịt da bớt nhức buốt. Rất khan hiếm thuốc tiệt trùng, băng bông, không thuốc trụ sinh. Những vết thương nhẹ thường được chữa trị bằng cách đắp lá rừng, bôi vôi, hoặc trật cu đái trực tiếp lên, để rửa sạch, tan máu.
Đất nước vừa thoát khỏi cuộc u mê là bản dân nô lệ tám mươi năm. Gần với núi rừng cứ tin núi rừng là nơi chốn thần linh. Lá, rễ cây là thuốc tiên. Ông táo bình vôi cũng gần gũi rất mực. Trẻ con bị bịnh quai bị, má, cổ sưng vù. Cứ dùng vôi ăn trầu pha với bồ hóng [một loại khói đen lâu ngày kết tụ trên giàn bếp], bôi lên chỗ sưng tấy, dăm ba ngày là khỏi bệnh. Chính tôi thuở bé, cũng được mẹ tôi chữa bịnh quai bị, duy nhất, là cách này. Lại tránh được di chứng bị teo tinh hoàn, hòn giái ấy mà!
Dân quê chúng tôi sống quanh những miếu đền linh thiêng, chừng thánh thần có truyền đạt, đã nhất mực tin rằng nước đái có “khả năng sát trùng’’; trong “quá trình chữa trị” nước đái làm cho tan máu bầm, bớt đau nhức.
Lại như khói thuốc lá diệt được vi trùng lao phổi. Có thí nghiệm rõ ràng. Cứ treo một giống gì như cá khô lên giàn bếp, nhờ khói, chẳng có con vi trùng vi khuẩn nào, dù không lồ tới đâu, cũng không thể làm thiu thối, phân hủy được cá đã treo. Lá phổi một anh người, nếu thường trực đặt trên giàn khói thuốc lá, vi trùng lao sẽ bị tận diệt.
**
Sau buổi chiều lửa bom, chị Bạc mặc chiếc áo tay phồng – một kiểu áo thịnh hành của các cô gái thời ở liên khu. Để góp vui, đám cưới có một ban nhạc, gồm những anh em quen biết. Đây là thời thiếu thốn trăm bề, nhưng không thiếu tiếng đàn ca. Thanh niên thiếu nữ hát khi hội họp, khi trên đường đi phiên chợ khuya, trong đình làng, đêm trăng sáng mùa hạ, cả đêm tối trời trong cái hiu hắt lạnh mùa. Hát cho dỡ đói.
Đám cưới là tiêu biểu cho sự nghèo nàn. Bánh vuông bánh / tròn / méo toàn làm bằng bột khoai, bột bắp, bột sắn pha đường đen Quảng Ngãi. Bánh đề trần hoặc gói bằng lá chuối, là dứa; hoặc được nướng bằng than bếp lò, lúc ăn còn nghe mùi rơm khói.
Hai giờ sáng đám cưới xong. Mãi lúc cái sao Trường canh rờ rỡ giữa đỉnh trời, có người về lo sắm sửa đi chợ, có người chuẩn bị đánh trâu ra đồng. Cày ruộng tới lúc mặt trời lên thì thôi cày, cho trâu bò vào rừng / rẫy, tránh máy bay oanh tạc.
Tôi đánh đàn trong ban nhạc góp vui cho lễ cưới. Trăng khuya sáng tỏa. Lúc trở về, khi băng qua một khu vườn hoang cỏ cây rậm rạp, chợt nghe có tiếng con Ngôi rên rỉ. Rừng đêm phía sau làng gió nổi. Con Ngôi bị rắn độc cắn.
Mặt nó tái cái cách thần chết đang dụ dỗ. Cây sầu đông phủ bóng trên một khoảng vườn trắng mờ. Để ngăn chất độc ngấm qua chỗ khác và giảm chảy máu, chú Thực lấy cái dây thừng loại nhỏ bó thật chặt, ngay trên đùi vế con Ngôi, quanh vết rắn cắn.
Chị Bạc hoảng hốt bế con Ngôi vào nhà. Máu từ vết thương Ngôi thấm trên cánh tay áo cưới của chị. Không là áo dài, chỉ chiếc áo ngắn, nhuộm màu tro. Lễ cưới, đêm tân hôn của chị Bạc, là như thế.
III
Sau tiệc cưới không bao ngày, anh Lương ra đi. Nói rằng, Lên đường chuẩn bị tập kết ra Bắc theo hiệp định Geneve.
Những đồi rừng xanh ngắt những lá. Đập nước Đồng Dâu hàng dương xanh rì vào mùa nước dâng.
Một buổi sáng, chị Bạc tiễn Lương lên đường. Anh theo đường bộ vào Bình Định, vùng tập trung để chờ xuống tàu thủy ra Bắc. Chị tặng anh một chiếc khăn tay có thêu hai cái tên Lương-Bạc. Đường chỉ thêu nắn nót hình trái tim màu đỏ nơi góc khăn.
Vải khăn loại thô thiển từ máy dệt tay, vùng thôn dã. Những loại vải nhỏ sợi, đẹp đẽ, bóng láng mang các nhãn hiệu Thượng-Hải, Bom-bay, chỉ có ở những vùng Quốc gia – có mặt cả quân đội Pháp.
Quà tặng quê mùa này thịnh hành trong thời kháng chiến. Thời thiếu nữ bôi dầu dừa lên tóc cho tóc mượt, các mẹ gội đầu bằng nước bồ kết. Che mưa bão bằng áo tơi chằm lá, chưa hề ai thấy một cái áo mưa ni lông [nhựa]. Đánh răng, bàn chải là miếng xác cau khô với bột muối mặn. Xà phòng liên khu V dùng vài ngày là nó chảy ra thành một loại hồ sền sệt. Cả làng xóm mỗi vài tháng mới nghe được một bản tin, từ cái radio gọi là “chiến lợi phẩm cao cấp”, do cán bộ Tiêu ghé thăm làng. Mà hình như pin yếu hay cái máy bị cảm cúm sao đó, nó phát âm vừa nhỏ vừa như người trúng gió khản tiếng.
Lúc chia tay, trên bãi đất đầy rêu trong lòng tháp Chàm Hòa Mỹ, anh Lương bảo chị tặng luôn cho anh chiếc áo ấm chị đang mặc, “Để giữ cái hơi, nhớ cái mùi của em trên đất Bắc.” Bầu trời nhiều mây. Gió se lạnh. Bầy cò trắng quen thuộc vẫn vần vũ ở bãi nước bên kia cánh đồng nhỏ. Chị Bạc nắm bàn tay Lương rất chặt. Chị không hề khóc như các cô gái khác. Lương nói:
– Hai năm nữa anh về. Hãy đợi!
**
“Hai năm nữa anh về.” Ấy là cái thời, vào buổi chiều cha tôi từ thị trấn Hà Lam trở lại nhà. Vừa tới cửa, chưa kịp tháo cái xắc mang vai ông la lớn: “Hiệp định Geneve ký kết rồi. Hòa bình rồi, hết chiến chinh rồi.”
Cha tôi, con người chín năm lửa đạn, khuôn mặt luôn thiếu thịt, chỉ đôi mắt sáng quắc, nụ cười luôn là thể hiện nỗi đời bâng khuâng.
Xóm làng cuối mùa chinh chiến, nhận cái tin ngưng chiến với nỗi mừng chưa tắt, mọi người chợt hiểu ra một điều chẳng vui:
Ngưng tiếng súng, chia cắt đất nước ra làm hai, sông Bến Hải là giới tuyến giữa hai bên, là chuyện có thực. Hai thế lực đối kháng tập kết về mỗi miền, để chờ một Ngày Thống Nhất Đất Nước, hai miền Băc-Nam sẽ hợp một. Trên văn bản ký kết là hai năm sau. Nhưng mọi người ai cũng biết, cứ xung khắc này, khó mà hợp nhất trong một giải pháp hòa bình. 
Từ nay, phân ly sẽ còn lâu dài, là không thể chối từ. Một toàn diện đổi trắng thay đen trong xã hội mới, giữa lòng người với nhau sẽ là một hiện tình. Đứa con ra đi, người chồng tình nghĩa ra đi, khi trở lại, nếu họ muốn chiến thắng bằng súng đạn, họ sẽ là kẻ ngoại xâm.
IV
Thời chiến tranh Việt Pháp, lãnh thổ Việt Nam hình da beo. Một tỉnh có khi chia hai, vùng Việt Minh, vùng Tự do. Nay rạch ròi, miền Bắc là Cộng sản; Miền Nam, Cộng hòa. Ai về hẳn phía nấy.
Sự phân chia này đẻ ra một thời kỳ mới. Một toàn diện đổi trắng thay đen trong xã hội, nơi các vùng “Bên này rút đi, phía kia đến tiếp thu”.
Cả một vùng dân cư, hôm kia Cờ-đỏ-sao-vàng, hôm nay hóa ra một cõi trời phấp phới Cờ-vàng-ba-sọc-đỏ.
Hơn tháng trước, quanh đây, những người lính ốm o, trang phục đơn sơ; không có giày mang, chỉ là đôi dép; nón trên đầu luôn cắm chùm lá rừng ngụy trang; ăn khoai luộc chấm muối; áo quần bận trên người hai ba hôm mới giặt nước giếng, không xà phòng; để giữ bí mật trong quân kháng chiến, sĩ quan không ai mang cấp bậc, vai áo trần trụi như người lính bình thường.
Hôm nay quân đội Quốc gia đã có mặt. Sao mà, quân phục họ sang trọng, quân hàm trên vai bóng loáng, hàng ngũ bài bản, sớm mai nghe tiếng kèn “mu-díc” đánh thức nổi vang trong đồn; sáng điểm tâm bánh mì pa-tê, xúc xích, mùi cà phê thơm lừng.
Chín năm dân dã mộc mạc, chỉ với mùi hôi của nhau, mùi rơm rạ, lá khô, mùi trâu mùi bò gà heo vườn mẹ, may lắm cái mùi hoa rừng, cái đạm bạc đồi sim. Cả thảy đám lỗ mũi dân quê chừng câm điếc với loại “mùi khoa học”. Nay, trong nắng trong lành, hơi làn gió quê đã thoảng những mùi quyến rũ. Bọn lỗ tai lỗ mũi này chừng bừng tỉnh. Rất thính, nhạy vô cùng với mùi thơm, tiếng lạ.
Có người xức chút dầu thơm, thoa cục xà phòng thơm khi tắm chỗ bờ giếng, là theo gió, đầu làng cuối xóm đã nghe mùi. Có cô gái đã ngửi mê mẩn chiếc khăn thoảng mùi nước hoa. Có chị chạy từ bờ giếng nước, tới chỗ “các ổng” uống cà phê để…ngửi cái mùi thơm lạ. Cả một thế gian chênh vênh cái thần thái, bâng khuâng cuộc đổi đời.
**
Ông thiếu úy Phì vào chiều hôm, ngồi bên cái radio, một chai la-de [bia], môi phì phà điếu thuốc, mở đài Phát thanh Pháp Á. Một bọn người quê mùa “Sống trong vùng bị bao vây” bấy nay đói tin; từ vườn chiều bên kia, dù âm thanh đã xa tít, nhưng ai nấy dừng mọi hoạt động của tim gan phèo phổi, để tai lắng nghe bản tin. Giọng người đọc tin êm đềm, nhẹ thoảng trong gió chiều.
Qua đài Bá âm BBC tận bên Anh quốc, ai nấy biết một thế giới bên ngoài ăn ngủ ra sao, rất tỉnh táo hiểu rằng từ nay mình đã, đích thực có hai cái lỗ tai của một con người. Rõ ràng còn cái lỗ miệng của một con người. Có thật, và cầm chắc, bọn ấy, bọn tai mắt mũi họng ấy, rất hạnh phúc, vì từ nay, “Được tự do nghe tự do nói”.
Nhưng trần gian còn những đổi đời cũng rất dễ… “Chết mẹ mày”. Đến con cọp trên non cũng biết lạnh xương sống. Mới tuần qua, cả làng xã, cả bọn con nít trần truồng, lão già thở dốc, đều lắm mồm: “Bác Hồ kính yêu, đêm qua cháu mơ thấy Bác”, nay Quốc gia rồi, hả mồm ca ngợi cái lão già mắc dịch, là a-lê, là tức khắc đút cái cần cổ vào sợi dây thừng, “Tao treo cổ mày lên xà nhà”. 
**
Buổi giao thời.
Quốc gia tự do, quốc gia có nhân từ, bác ái, mở lòng, nhưng Quốc gia cũng thừa sự tàn nhẫn tuyệt đối, dành cho những ai không là “Quốc gia” với mình.
Ác nhơn, cái chính kiến nó bèo bọt nổi trôi theo phận người, là vi trùng lớp lớp trong não thùy, nó ăn dần xương máu. Bên mô cũng rứa. Là triền miên bao năm, trong cộng-đồng-người đó đây, cuộc sống gọi rằng mỗi bên ấy, chẳng thấy đâu một giống nòi thuần nhất.
Lịch sử sao oái ăm! Trong cõi Không-đội-trời-chung ấy, năm chầy tháng chẵn, từ phố thị tới làng quê, luôn là một xã hội, ít nhiều, lẫn lộn Xôi với Đậu. Một thằng người, hai mắt toàn đỏ huyết. Một anh hiền hòa tươi sáng, hai con mắt vàng ròng. Cùng một vùng thôn dã, lũy tre làng. Dưới chung một ánh đèn phố thị. Lại một lũ nửa nọ nửa kia, khuôn mặt một con mắt này Nam, con kia Bắc; nhìn gà hóa cuốc. Một bọn lé-tư-tưởng.
**
Thế rồi, lịch sử đời kiếp, hóa là một xã hội, có khi, phải bất đắc dĩ sống chung chạ. “Nào cạn ly, thân ái”. Hóa ra anh Quốc gia mời nhầm anh-giả-dạng-quốc-gia. Miền miền, làng xóm, nhà nhà, đã âm thầm tạo ra một giống-nòi-xôi-đậu.
Dù đi khắp thế gian trầm luân vẫn, hễ có xôi, là có đậu. Chừng Mẹ Âu Cơ đã nấu cho con cháu một nồi xôi hoang mang, hoang mị như thế.
Cho dù là từ biệt quê cha mả tổ mà đi, cầm cái oán hờn làm muôn thuở, đến một nơi gọi rằng Đất Hứa trong lành. Cây ươm mầm trong vườn đã trổ trái. Cỏ xanh vàng đã qua bao đời cỏ. Sự trà trộn, lót ổ là khó loại trừ. Vẫn lén lút cặn lắng đâu đây. Như chí rận trong người. Như cánh đồng xanh lúa, đã nham nhở vài đám sâu rầy. Có khi sâu rầy lột sạch màu xanh một cánh đồng.
Thì ra, trong gió ngàn nắng mai, thỉnh thoảng ta nghe, một câu thơ cà chớn để vịnh cái sự đời, “Xôi đi đậu cũng theo cùng / xôi xôi đậu đậu khó chung một trời”
Nghịch lý đeo đẳng. Oan khiên là phải trả như nợ nần. Tội lỗi có khi vô hình, mà cùm gông là luôn có thật.
V
Có lẽ hôm lên đường ra Bắc, Lương không nghĩ rằng chị Bạc đã có thai, mang giọt tinh huyết của mình. Tất cả, một vội vã, bất ngờ. Một thi hành cho hoàn chỉnh chính sách nhà nước đã quy hoạch.
Hai năm đã trôi qua. Không có hiệp thương như trong hiệp ước nghị hòa. Năm năm. Mười năm. Chị Bạc tròn ba mươi. Chị đặt tên thằng nhỏ con của Lương là Vọng. Một Nỗi Chờ. Chị vẫn sống mỗi mình, dù bao nhiêu người săn đuổi, tỏ tình.
Chỉ vừa năm năm sau cuộc chiến tranh Việt – Pháp, Miền Nam, chế độ Cộng Hòa, đã mau chóng ổn định, dân tình hiền hòa, xã hội phát triển mạnh mẽ. Những tàn phá, hủy hoại từ hậu quả chiến tranh, đã mau chóng được phục dựng. Đường sá cầu cống, nhà thờ đình chùa, đến những dinh thự, công trình mỹ thuật đã được trùng tu, phục dựng như xưa, hoặc tốt đẹp hơn xưa.
Trong khí hậu an bình, thấy chị Bạc còn rất trẻ, bà con muốn chị Bạc “lấy chồng”. Em ạ, đám cưới kia của em, cũng như bao cô gái, chỉ là chúng ta bị giăng cái bẫy. Chỉ là những con chim trong lồng. Người khóa cửa lồng đã /đang ở tận phương Bắc, biết thuở nào về.
Có những quan chức muốn đến với chị Bạc. Có rất nhiều quyến rũ, và đương nhiên chị cũng thực tình muốn được yêu thương. Nhưng chị vẫn một mình. Chị hiểu, “Tôi đã có Vọng.”
**
Vọng khá khôi ngô, cao lớn, học rất giỏi. Chị dạy con có phép tắc, mẫu mực, nên Vọng có một cái nhìn về đời sống khá rành mạch, can đảm và chịu đựng trong hoàn cảnh côi cút. Càng lớn khôn Vọng hiểu rằng anh đang thụ hưởng cái chữ nghĩa, văn hóa, lý tuởng rất thù nghịch, trái ngược với những gì cha của anh đang lấy nó làm lý tưởng sống, để, “Tiền về Nam”. Vọng hiểu rằng anh đang phải hòa đồng trong một xã hội đang lên cò súng để truy sát tìm diệt người cha tên Lương.
Vọng học xong trung học chị Bạc cho con vào đại học, lo sao cho con được hoãn dịch. Chị tìm cách trì hoãn việc vào lính của Vọng. Chị sợ trận mạc, nơi cha con có khi sẽ gặp nhau.
Những người cùng cốt nhục đều phải giết nhau để tìm thấy Con Đường cho riêng mình.
Chị Bạc hiểu rằng không thể có một tái ngộ nào êm đềm trong thế sự này, giữa cha con, bằng cái bắt tay thân ái, bằng ngôn ngữ giao tình cho một hòa hợp.
Sao mà buồn vậy chị. Buồn quá vậy em. Nỗi buồn hiện hình là máu trong trận công đồn đêm qua.
Thỉnh thoảng chị Bạc về thăm quê. Chị một mình lên đồi xưa. Một mình trong nắng quê nhà. Man mác rừng sim Nỗng Ông Tào. Sông Đồng Dâu dưới kia chìm trong những hàng dương chiều. Chị Bạc rất nhớ. Cái nhớ là mây lơ lửng trên kia.
Chị ngồi bãi cỏ. Mông lung là những phiên chợ đêm thời kháng chiến, dĩ vãng xôn xao tiếng người, loang thoáng ngọn đèn bão; ngày tản cư, lúc vượt qua cánh đồng trống chợt thấy xa kia là ánh hoả châu, hướng Thanh Ly, Trà Nhiêu, những con mắt thần đêm. Quân Pháp đã tấn công tới đó rồi.
Chị nhớ lắm những ngày tản cư. Buổi chiều mẹ cõng chị đi bộ qua đường đèo Tư Yên, cơn mưa núi mù tăm. Nhớ căn nhà tranh nhỏ nhoi dưới chân núi Phụng. Buổi sáng thứ giấc cùng sương núi, đường làng còn dấu chân con heo rừng. Từ triền núi cao vùng tản cư, trưa trưa nhìn về vùng trung du, những chiếc máy bay oanh tạc, trong nắng xa, những đám khói nhà đang cháy. Quê hương đâu có mênh mông, nỗi đau đang rất gần nhau.
Chị thả bộ một mình trên đồi. Mộ ông cố của mình đây. Chỉ ngồi chỗ thành mộ đá ong. Đá ong nâu đen màu tháp Chàm. Gió nồm đang thổi. Có mây trên kia. Hoa dại, đồi vắng. Có thực là tôi không cần một người tình mới, vì đã lưu giữ trong tôi một anh Lương? Hay tôi nên sống mỗi mình cho trọn tình, mẹ chiếc con côi với đứa con, là Vọng. Ranh giới này bắt đầu nhòa dần. Càng năm tháng càng mất dấu. Như cái giới tuyến 17, cầu Hiền Lương, sông Bến Hải, chia đôi Nam-Bắc, càng ngày càng mất ý nghĩa chia đôi. Nhân danh một phía này, để một phía kia đang dần chết.
Chiều hôm. Chị muốn quay về. Nỗi nhớ bảo chỉ ở lại. Lâu mới về thăm quê. Hãy ngồi lại trên đồi này. Hãy ngồi xuống đây. Cùng ai đây?
Càng về tối mùi hoa giỏ giẻ càng thơm. Màu đỏ rực của hoa bông trang càng hóa ra cái phận người bé mọn đang rực cháy. Gió rừng chiều hắt hiu. Chỉ Nhớ những ngày cha mẹ từ núi rừng tản cư trở lại làng cũ. Căn nhà bỏ hoang từ nhiều năm tháng, vườn tược đầy cỏ dại lá vàng. Buổi chiều mẹ đốt đống lá khô. Khói bay ngơ ngác. Tuổi thơ trống trải. Đồng quê chỉ những đàn cò trắng, nước mùa đông trắng. Mỗi lòng người, như chị chiều nay, một vết thương không rõ thương tích. Vì sao đau. Vì sao buồn tủi. Anh Lương ở đâu trong ấy. Rồi chị lại kinh ngạc, quả thực anh cũng huyễn hoặc, anh đã mất tích trong đời chị.
**
Chị từng nói với bóng tối, nói với người nghe là chính mình:
“Lương phải mất tích. Vì những vách ngăn giữa quá khứ và hiện tại không mơ hồ. Nó vang động trong tiếng máy bay gầm rú, trong tiếng đạn pháo từ ngoại ô rót vào thành phố, nơi những hình ảnh đáng rùng mình, khi những xác người bỏ lại trên đường phố, ngay trong những ngày Tết thiêng liêng. Những xác gầy khô.
Có thể những chiến binh ấy đã chết dần mòn, trước khi ra trận. Họ đã chết từ trong lò tư tưởng, trước khi bước tới chiến trường. Họ rất mù lòa khi phải dò tìm từng con đường lạ trong thành phố đang lửa đạn. Họ ra mặt trận, vừa vì mũi súng kẻ thù trước mặt, vừa cả những cưỡng ép khét lẹt từ sau lưng. Đó có thể là anh Lương nạn nhân, những tên Lương, đã trở về trong tháng ngày chị mong đợi.
Chị đã từng tâm sự với lược gương, hai mươi năm, bọn chúng, bọn lược gương chăn gối, cũng có tâm sự riêng mình:
“Anh Lương trong đời tôi, phải là người lương thiện, yêu chuộng hòa bình. Anh không thể nhân danh anh hùng, chỉ biết dùng súng đạn thay Tiếng Nói; dùng xác người lót đường, miên man, dằng dặc cho một cuộc trường chinh. Lương không thể là một hình nhân câm điếc”.
VI
Thời gian, là tiếng máu vút bay.
Mùa hè 1975.
Trên miền đất Cộng Hòa.
Con đường đất nhỏ hẹp thời kháng chiến nay đã mở rộng, tráng nhựa láng. Nhà thờ thời chống Pháp bị đập tan nát, sân vườn dùng làm nơi phơi rơm cỏ, nay được xây dựng lại đẹp đẽ. Tháp chuông ngân nga trong chiều.
Chiều ấy, có một người đàn ông đứng yên trong chiều. Ông ta nhìn cái gác chuông cao, nghe ra hồi chuông cuối ngày trong cái bóng vàng sót lại từ giáo đường.
Người đàn ông chân dép râu, đầu nón cối, vai ba lô, áo kaki bạc màu, tầm mắt kín đáo, ngẩn ngơ nhìn xóm làng những màu tranh lá cũ năm xưa, nay nhiều màu ngói lấp lánh trong nắng.
Một bọn nhóc mới lớn, không biết ông Lương là ai, chỉ thấy có một người rất lạ lẫm trở về chốn quen biết, trong khi những người bà con bọn nó lại vội vã bỏ nhà cửa tài sản xe cộ mồ mả tổ tiên để nhất mực “Bỏ nước ra đi”.
**
– Mời anh ngồi.
Chị Bạc kéo chiếc ghế và mời.
Người đàn ông tháo chiếc ba lô, lấy cái khăn nhàu cũ màu vàng bùn, lau mặt, lau cần cổ. Rất tự nhiên mở cúc áo lau hai cái nách mồ hôi. Một cái nhảy mũi. Ông vội dùng cái khăn che mũi, lau qua, rồi vội vàng nhét cái khăn bẩn vào túi quần.
Ông đảo mắt nhìn quanh, đôi mắt có khi nhìn nghiêng, hoặc cụp xuống, nghi hoặc. Khuôn mặt ông tái gầy, làm cho cái miệng nhô ra như bị răng hô, hai lỗ tai vểnh kiểu tai chuột.
Chị Bạc quan sát người đàn ông đang ngồi đây mà hai mươi mốt năm trước đã nhận chiếc khăn tay và chiếc áo ấm kỷ niệm chị trao. Chị nhớ rất rõ khuôn mặt trẻ trung thuở ấy. Đấy là thời xã hội còn di sót ảnh hưởng của giai tầng trí thức tiểu tư sản, thời của lãng mạn. Dù chiến tranh gai lửa, đời sống bị vây khổn mọi mặt, nhưng vẫn rất nhiều con người còn “Hình bóng con người”.
Bây giờ sao anh khác xưa đến vậy.
Xa cách bao nhiêu năm, nay gặp lại nhau, lẽ ra phải có một cái ôm nồng nàn, những giọt nước mắt mừng vui ngày tái hợp. “Xin tạ ơn trời có buổi hôm nay”. Nhưng một bức tường đã ngăn. Đã rất đỗi lạ lùng, tương phản.
Chị Bạc, một tiếng thở dài.
**
Trong lúc chị Bạc mơ màng hồi tưởng về một anh Lương thuở nọ, thì một thanh niên đi đâu đó vừa trở về. Cậu ta dáng vẻ thanh tú, mái tóc rất dài, mắt sáng, một hàng ria mép vừa nhú xanh. Cậu cúi chào người đàn ông đang ngồi đối diện với mẹ mình. Bất ngờ Lương nhìn người thanh niên với một vẻ bất bình. Cho là một thằng cao bồi, rất gai con mắt, nên ông thịnh nộ:
– Mới oắt con đã để râu mép. Lại tóc dài!
Chị Bạc nói nhỏ nhẹ:
– Thằng Vọng, con của anh đó.
– Là con của tôi thì tức tốc đi cạo ngay hàm râu mép, cắt phăng ngay mớ tóc thổ phỉ ấy đi!
Gã thanh niên nhìn cái người mà mẹ cậu bảo là cha của mình, cậu tức thì trả lời:
– Tôi không là thổ phỉ.
Cậu quay vội ra ngưỡng cửa, một mạch ra khỏi nhà.
**
Vừa kinh ngạc, vừa bần thần, chị Bạc nói với anh Lương:
– Mới mẻ quá. Giữa anh và thằng Vọng tuy cha con nhưng hãy còn nhiều khoảng cách. Mong anh hiểu, tôi không hề dạy con tôi làm thổ phỉ.
– Thế là cái gì ?
Cuộc đối thoại có lửa đốt để trở nóng. Chị Bạc nhìn thẳng vào con người hai mươi mốt năm mới gặp lại nhau, người cha của con trai mình, chồng mình, chị nói:
– Vòm trời này có là quỷ ám nhưng con tôi không hề là thổ phỉ. Thời thế này bao là bàn tay đẫm máu tội lỗi, nhưng bàn tay con trai tôi chưa hề. Anh đã vội vã xúc phạm.
Lương vẫn xẳng giọng, như một thủ trưởng:
– Đây là một cái lệnh. Không có gì là xúc phạm.
Một giọng chậm rãi khá rõ ràng:
– Nếu anh không hiểu xúc phạm là gì, thì anh nên xem lại cái quyền được hay không được ra lệnh. Tôi xin nhắc lại, nó chính là đứa con của anh. Nó là kết hợp giữa tuổi trẻ trong sạch của tôi với anh. Từ bé tới nay con của tôi chưa bao giờ bất hiếu với mẹ, và chưa hề phạm một tội lỗi gì với xã hội. Hiện nay thằng Vọng đang học năm thứ ba trường Đại học Y khoa Sàigòn.
Lương hiểu phần nào phản ứng của người vợ cách biệt hơn hai mươi năm. Ông ta hơi mềm giọng:
– Tôi bảo nó đi hớt tóc cạo râu. Cho xong tàn tích. Sau đó mới tính chuyện cha con.
Chị Bạc cười mỉa:
– Chẳng có gì gọi là tàn tích trong cái nhà này. Chẳng có gì gọi là xấu xa, tàn tích trong cái xuân xanh, tươi đẹp của con trai tôi. Vọng chính là đứa con duy nhất của tôi.
– Nhưng cái Miền Nam này là một tàn tích xấu xa
Chị Bạc gằn giọng:
– Tôi không đủ trách nhiệm bênh vực cho Miền Nam. Nó đã thừa những hãnh diện để không cần ai phải ra công bênh vực. Từ nay anh sẽ sống nơi này, nếu anh muốn sống, rồi anh sẽ biết Miền Nam là như thế nào.
Cùng nhìn mặt nhau, mỗi bên giờ đây đã rất tiết kiệm sự vồn vã, thân ái. Sự tái ngộ này được vay trả với một cái giá rất đắt. Như là một đoạn tuyệt nhau trong gặp gỡ.
**
Hôm trở về Bắc, Lương có mấy thùng quà tặng từ chị Bạc. Đồng hồ đeo tay, radio, quạt máy, ly tách uống trà, chén đũa, những thực phẩm đóng hộp. Cái đáng giá nhứt là một chiếc xe honda. Chừng như món gì anh cũng thiếu, cũng cần, chị luôn sẵn sàng cho. Anh cũng tỏ ra lịch sự, những là giao tế hão ngay với vợ xưa của mình, rồi sau cùng, anh quơ tất.
Chị Bạc thấy có một điều khó hiểu, là tại sao Lương phải ‘Trở về Bắc”, nhưng chị không muốn hỏi. Phần lớn cán bộ, bộ đội miền Nam tập kết ra Bắc, nay trở về, bọn họ đều ở lại làm việc trong Nam.
Lương như hốt mớ của của chị Bạc, rất hồ hởi, anh nào hiểu là của bố thí.
Tàn cuộc một bi kịch, một Miền Nam hứng chịu bao tan thương, chị Bạc đã hiểu, đã rõ thấy. Những ngày chạy loạn vừa qua, sự đổi trắng thay đen đến cửa nhà tan nát, của tiền có đó mất đó, thân thuộc chia lìa, kẻ ở người đi, nào ai mang theo được gì. Chế độ mới, gia sản này của chị ai cướp đi cũng được, ngay cả Lương. Lương cướp ngày cũng được. Biền biệt cái tình nghĩa vợ chồng. Đã xa lắm với người từng đầu ấp tay gối.
VII
Vào một buổi chiều tháng mười, một câu chuyện ngộ nghĩnh, như chỉ có ở kịch diễn ra trên sân khấu, đã xảy ra nơi nhà chị Bạc.
Từ bến xe dẫn vào nhà chị Bạc, một phụ nữ hãy còn rất trẻ, tay xách nách mang một cái ba lô bự, áo quần màu chàm thô, sờn cũ nhưng gọn gàng. Chạy lon lon theo sau là một thằng nhỏ độ tám chín tuổi. Cô ta vừa đi vừa hỏi tìm nhà chị Bạc. Qua cách giao tiếp, người ta hiểu, cô là gái Bắc, rất xinh đẹp, lanh lợi, bạo gan.
Tìm, tới được nhà, đứng ngay bực thềm, cô ta hỏi chị Bạc:
– Xin lỗi đây có phải nhà bà Bạc, vợ của ông Lương không ạ?
– Vâng, tôi là Bạc đây. Xin lỗi cô…?
– Em tên Yến…cho em vào nhà uống miếng nước cái đã. Em mệt nhoài người đây. Thằng nhỏ con em muốn xỉu rồi.
– Nhưng mà cô là ai?
Cô gái đến từ miền Ngoài trả lời ráo hoảnh:
– Cũng như chị, em là vợ anh Lương. Vợ chính thức, đàng hoàng. Thằng nhỏ đây là con anh Lương. Con đàng hoàng, chính thức.
– Trời đất ơi…!
Không chờ ai mời, Yến đi thẳng vô nhà, đặt ba lô xuống, ngồi tự nhiên, nhìn quanh nhà, đầy vẻ thán phục sự giàu sang của chị Bạc.
Rất ngỡ ngàng, chị Bạc cố giữ bình tĩnh.
– Mời cô ly nước.
Khách lạ ực cái gọn. Nhìn chằm chằm cái ly thủy tinh trong vắt, cô áp cái hơi đá lạnh lên gò má ửng hồng. Lại trầm trồ, Mát nhỉ.
Chị Bạc liếc nhìn Yến, nhủ thầm: “Quả là gái vừa xinh lại vừa đáo để.”
Yến móc trong ba lô ra một cái khăn nhàu cũ, định lau mặt cho thằng nhỏ, lại chợt nhận ra một điều tế nhị, sợ xấu hổ, cố nhét lại ba lô. Yến nhìn chị, cười nhẹ như đã từ lâu thân thiện, cô nói:
– Chị cho em cái khăn ngon lành hơn nào. Bảo người nhà dầm nước đá cho mát nhé.
Yến lau mắt, mặt cho thằng nhỏ. Ngực, lưng. Trật luôn quần thằng nhỏ, lau cu giái.
Vừa lo cho thằng nhóc, Yên vừa nhìn quanh phòng. Lại nói:
– Những thứ máy móc tân tiến, ly tách sang trọng, cả xe máy quạt máy này, bao chục năm không thấy, mà em thấy. Vào Miền Nam, mấy cha khuân về đủ loại. Cái được trong này bà con thương tình cho, cái cướp cạn mang về.
Chị Bạc đi một chiêu đãi bôi:
– Cách mạng chân chính làm sao có cái trò cướp cạn?
– Ôi dà, mấy bố còn chuyền tin nhau, không những cướp vặt mà đớp gọn cả cái nhà, cái biệt thự to tổ bố. Nghe nói người người trong này bỏ đi di tản, nhà vô chủ nhiều lắm. Phần chính quyền ép buộc dân ngụy quyền đi kinh tế mới lấy nhà. Mấy cha truyền tai nhau ào ạt vào Nam. “Tiến vào Sàigòn ta chiếm nhà mặt tiền” mà chị. Vài bữa em với anh Lương cũng vào.
Chị Bạc cắc cớ hỏi:
– Định vậy sao không cùng Lương vào?
– Chả đang bể đầu. Cũng tại vì cái honda chị cho đấy. Xe mang về Hà Nội, chả tính biểu diễn cho bà con xem một đường lả lướt. Bấy lâu toàn ngồi xe đạp rùa bò. Nay xe máy nổ. Lại chưa rành, không làm chủ không được tay lái, xe mang chả phóng vong mạng, leo lề đường, lao vô bờ tường cái rầm. Toé máu đầu. May chưa bể sọ não.
**
Trong lúc chị Bạc còn bàng hoàng thì Yến chừng sợ để lâu sinh chuyện, nên lợi dụng ngay giây phút đầu tiên ấy. Cô nói gọn gàng, nói với chị Bạc mà ngon xơi như nói chỗ không người:
– Chị yên chí, chị lớn. Không có gì bức xúc, cao trào bùng nổ giữa chị em chúng ta đâu. Ra ngoài ấy nhiều năm, anh Lương cô đơn, cần mái ấm gia đình, anh ấy và em thành vợ chồng cũng là chuyện hợp tình thế, thuận cái lô-gích. Mà em không lấy anh Lương thì “đoàn thể” cũng bảo lấy. Mấy cụ lớn chỉ thị lấy thằng chồng nào mụ vợ nào, thì phải đớp vào đấy.
– Chao ôi …!
– Hòa bình rồi, anh ấy gặp lại chị cũng là điều mừng vui, lô-gích thôi. Hoàn cảnh trớ trêu là do thời gian lâu dài nó gây ra, là do không gian chinh chiến nó tạo dựng. Chẳng tại chị chẳng vì em. Chỉ một cái sai tệ hại là anh Lương đã yếu bóng vía, lúng túng trước hoàn cảnh. Anh ấy tồi. Mà thằng chả tồi từ lâu. Đã giấu nhẹm sự việc đối với em.Và, tại sao chả không nói thẳng với chị là đã có thêm một người vợ ngoài Bắc. Vì sao? Vì sao chị biết không?
Chị Bạc mệt mỏi:
– Vì sao! Làm sao tôi biết vì sao.
Yến nói như để ói ra một uất ức dồn nén:
– Vì chúng tôi đã quen dùng cái dối cái giả để che đậy những sai trái riêng mình. Chúng tôi luôn đối xử với nhau thiếu sự thành thật lẫn chân tình.
Chị Bạc ngồi lặng người, sững sờ. Chị giận anh Lương bao nhiêu lại thương cho hoàn cảnh, thương con người không thiếu phần thiệt thòi, đang ngồi trước mặt mình, bấy nhiêu. Chị Bạc lại ngây thơ hỏi:
– Nhưng làm sao cô rõ đường đi nước bước mà tìm tới đây?
– Ối dà. Đường đi nước bước ấy à? Nó ở cửa miệng của mình chớ đâu.
Chị Bạc nói nhỏ nhẹ:
– Tới xứ xa người lạ thế này cô Yến không sợ tôi đánh ghen à?
– Không có chuyện vô lý như vậy chị ạ. Ta phải bắt đầu giải quyết cho hợp lô-gích mà thôi.
Một thoáng cô Yến bất ngờ nói, giọng nhuốm một ít buồn bã:
– Chị ạ, em tin là chị chẳng còn ghen tuông gì cái anh Lương nhà quê lẫn lỗi thời. Cái tình thế đã tạo ra bao nhiêu chênh lệch. Tạo ra chia lìa, khó hòa hợp. Tạo bao nhiêu điều tệ hại để ghét bỏ, coi thường, khinh rẻ nhau, ghen tuông cái nỗi gì.
Chị Bạc chậm rãi:
– Vì đâu cô có cái kết luận chắc nịch như vậy?
– Hai nghìn cây số từ ngoài ấy vào đây em hiểu.
– Hiểu gì?
– Người trong Nam này không chút thiện cảm gì với chúng em. Cũng một thời chiến chinh gian khó, sao trong Nam này người ta sống thoải mái, giàu có, rộng lòng. Còn chúng em khố rách. Dù rất mới mẻ, nhưng em đã gặp, em rất hiểu. Vì sao người Miền Nam rất nhớ thương quá khứ. Và, vì sao quá khứ là cái gì chúng em luôn rất sợ hãi. 
Nói một hồi như nổ súng xung phong, chừng hả dạ, cô Yến ngồi yên.
**
Chị Bạc mời bữa cơm.
Yến nói:
– Em có mang theo thức ăn khô đây rồi. Chị ạ, chị khỏi lo phục vụ. Nhưng chị phải có chút gì, thức ăn tươi ấy, để cho vào mồm cái thằng nhỏ này. Nó đang đói đấy. Ngó vậy mà nó đang suy dinh dưỡng đấy.
Yến phạch ngay chỗ ngực áo thằng nhỏ, cô nói:
– Này, nhìn một bầy xương ngực của nó đùn lại, nhô thành gò trong cái lồng ngực thiếu thịt da đây này, chị xem.
Chị Bạc nhìn thằng nhỏ, thương quá.
VIII
Lời từ đáy lòng của, Những-ai-từng-đi-qua:
1930. Hạt mầm độc đã được ươm trong Đất Mẹ.
1940. Người Trồng Cây, sẽ cho ra trái độc, đã về! Hay đã tới?
1945. Cây đã trổ trái độc. Khởi mùa, gió đưa tiễn sự an lành, quét sạch nhân nghĩa, đã nổi. Bao người ăn phải trái độc, mê muội một đời oan.
1954. Đã thăm thẳm rồi chăng, ngày Nguyễn Bính từ chiến khu trở lại. Tâm sự của người chiến binh buổi ấy:
Chín năm đốt đuốc soi rừng
về đây ánh điện ngập ngừng bước chân
Cửa xưa mành trúc còn ngăn
vách tường vẫn đọng trăng xuân thưở nào… 
1975. Chị Bạc của tôi, nào ra khỏi chỗ thân phận chung. Những hình nhân đen đẫm nôn nao in hình trên nền ánh sáng lồng đèn kéo quân. Bị điều động bởi ánh đèn trung tâm. Ánh sáng trung tâm càng sáng, càng nóng, bọn hình nhân càng chạy quay tít, càng trước sau miệt mài đuôi theo nhau. Không người sau nào kéo được chéo áo người trước. Chẳng ai bắt gặp ai.
Tất cả đều chạy về phía trước. Cuộc tìm kiếm, hóa là mãi mãi thất lạc nhau.
Hôm nay Bầy Sói đã vào làng. Lương đã Trở Lại. Chị Bạc và Vọng, đành phải Bỏ nước Ra Đi.
Trong bao thập kỷ chìm nổi ấy, Hoàng Trúc Ly đã xót xa:
Xác thân rã mục lời thề
Mùa đi lá rụng Đường về xuân thu.
Cung Tích Biền