Mới đây có người đưa lên Facebook bài thơ Xuân Nhật Yết Chiêu Lăng(1) của Vua Trần Nhân Tông và cho rằng nhà vua đạo văn, vì trong bài thơ bốn câu của nhà vua có hai câu cuối giống hai câu thơ trong bài Hành Cungcủa Nguyên Chẩn, một nhà thơ thời vãn Đường của Trung quốc.
Bài thơ XUÂN NHẬT YẾT CHIÊU LĂNG
Tì hổ thiên môn túc
Y quan thất phẩm thông
Bạch đầu quân sĩ tại
Vãng vãng thuyết Nguyên Phong.
NGÀY XUÂN THĂM CHIÊU LĂNG
Nghìn cửa đầy tráng sĩ
Áo mũ thảy tinh ròng
Người lính già đầu bạc
Kể mãi chuyện Nguyên Phong(2)
HÀNH CUNG
Liêu lạc cố hành cung
Cung hoa tịch mịch hồng
Bạch đầu cung nữ tại
Nhàn tọa thuyết Huyền Tông.
(Nguyên Chẩn)
Bài dịch:
HÀNH CUNG
Hoa nở trong quạnh quẽ
Lặng lẽ cố hành cung
Cung nữ già đầu bạc
Ngồi rỗi nhắc Huyền Tông(3)
Người này kết luận rằng: “Nghe nói ngày ấy cũng có nhà nho biết nhưng không dám nói vì sợ vua mất lòng. Không như bi giờ trên sóng người ta nói văng mạng.”(sic)
Thực ra, trong thơ văn cổ của ta chuyện tương tự như thế này là không hiếm và ngày xưa không ai cho như thế là đạo văn.
Ví dụ trong bài ca trù Chí Làm Trai của Nguyễn Công Trứ :
Vòng trời đất dọc ngang ngang dọc
Nợ tang bồng vay trả, trả vay
Chí làm trai nam bắc đông tây,
Cho phỉ sức vẫy vùng trong bốn bể
Nhân sinh tự cổ thùy vô tử,
Lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh
Đã chắc rằng ai nhục ai vinh
Mấy kẻ biết anh hùng khi vị ngộ
Cũng có lúc mây dồn sóng vỗ,
Quyết ra tay lèo lái với cuồng phong
Chí những toan xẻ núi lấp sông
Làm nên đấng anh hùng đâu đấy tỏ
Đường mây rộng thênh thênh cử bộ,
Nợ tang bồng trang trắng vỗ tay reo,
Thảnh thơi thơ túi, rượu bầu.
Nợ tang bồng vay trả, trả vay
Chí làm trai nam bắc đông tây,
Cho phỉ sức vẫy vùng trong bốn bể
Nhân sinh tự cổ thùy vô tử,
Lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh
Đã chắc rằng ai nhục ai vinh
Mấy kẻ biết anh hùng khi vị ngộ
Cũng có lúc mây dồn sóng vỗ,
Quyết ra tay lèo lái với cuồng phong
Chí những toan xẻ núi lấp sông
Làm nên đấng anh hùng đâu đấy tỏ
Đường mây rộng thênh thênh cử bộ,
Nợ tang bồng trang trắng vỗ tay reo,
Thảnh thơi thơ túi, rượu bầu.
(Nguyễn Công Trứ)
Hai câu chữ Hán
Nhân sinh tự cổ thùy vô tử,
Lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh
(Người đời xua nay có ai không chết đâu
Lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh
(Người đời xua nay có ai không chết đâu
Chỉ muốn lưu lại tấm lòng son trong sử xanh thôi)
là hai câu cuối trong bài thơ “Quá Linh Đinh dương” (Qua biển Linh Đinh) của Văn Thiên Tường, một nhà thơ nổi tiếng, vừa là thừa tướng của nhà Nam Tống bên Tàu.
Bải thơ Chí làm Trai của cụ Nguyễn Công Trứ vốn rất được các nhà nho ưa thích, và ai cũng biết hai câu thơ của Văn thiên Tường, nhưng không ai nói Nguyễn Công Trứ đạo thơ cả. Ngày xưa vốn không hề có khái niệm đạo văn; trái lại, những sự kiện như thế rất được tán thưởng vì được coi là hiểu hiện của tài năng mà chỉ những người có học hành giỏi giang mới làm được. Trong nền văn học cổ của ta và của Tàu, và có lẽ kể cả với những dân tộc chịu ảnh hưởng văn hóa và học thuật Trung Quốc, những chuyện tương tự diễn ra rất bình thường và phổ biến.
Với nền nho học ngày xưa, người đi học phải thuộc hết kinh sách của "thánh hiền." Ngoài Tứ Thư(4) và Ngũ Kinh(5) họ phải thông thạo các sách của bách gia chư tử, tức là các vị triết gia khác ngoài Khổng Tử. Nhiều người còn đọc thêm “ngoại thư” tức những sách truyện “ngoài luồng” như Sử Ký, Đường Thi, Chiến Quốc sách, Tam Quốc Chí, Lã Thị Xuân thu, Tả Thị Xuân Thu (hay Tả Truyện), Tình Sử, Liêu Trai, vân vân. Đọc càng nhiều thì sự hiểu biết càng uyên bác. Nhưng không chỉ đọc hiểu không thôi mà người ta còn phải thuộc lòng cả cuốn sách, nhiều cuốn sách. Những người có học hành giỏi giang thuộc lòng nhiều kinh sách thường biểu lộ sự uyên bác của mình bằng cách trích dẫn lời trong sách, cả thơ văn, trong khi viết lách, thi cử, hoặc chuyện trò đối đáp.
Người có học vấn thời đó, có dùng được chữ trong sách để làm bài thi cử, biện luận hay để thù tiếp nhau mới chứng tỏ sự thông thái và lịch lãm. Để được vậy phải thuộc lòng càng nhiều kinh sách càng tốt. Nhưng thuộc không thôi chưa đủ mà cần có sự mẫn tiệp nữa. Trong đối đáp, sự thuộc lòng nhiều sách giúp người ta nhận ra “đối phương” dùng chữ trong sách, và từ những sách nào, để thách thức mình, và có đủ sự mẫn tiệp đễ cũng dùng chữ trong sách đáp lại ngay. Hầu như trong mọi trường hợp người ta trích dẫn văn hoặc thơ của các học giả Tàu. Lý do là vì họ học toàn kinh sách của Tàu. Người ta trích dẫn, viết ra, hoặc ứng khẩu nói ra, một cách tự nhiên mà không cần phải chú thích dẫn lời của ai, từ sách nào. Từ sách nào thì những người có học tất phải biết. Nếu dẫn được thơ văn từ sách nào càng ít người biết thì càng tỏ ra kiến văn của mình rộng lớn hơn người, và rất được ngưỡng mộ là người từng đọc thiên kinh vạn quyển, kiến thức uyên bác,“nói có sách,” người khác không theo kịp.
Với trường hợp vua Trần Nhân Tông, không những các quan trong triều đình nhà Trần mà tất cả những ai có học trong dân gian, có đọc hoặc thuộc lòng kinh sách thời bấy giờ đều biết Vua Trần Nhân Tông đã sửa hai câu thơ của nhà thơ Tàu Nguyên Chẩn cho phù hợp với thi ý của mình. Và không ai cho đó là “đạo thơ” mà “sợ nói ra làm nhà vua buồn lòng” cả. Trái lại, điều đó chỉ chứng tỏ nhà vua là người có học thức, thông kim bác cổ, rất được người đương thời ngưỡng mộ.
Sự uyên bác của họ khiến họ luôn luôn “nói có sách,” tức là nói bằng lời của “thánh hiền” trong sách chớ không phải họ “đạo văn” như quan niệm của chúng ta bây giờ. Ngay cả để mắng một ai đó, người ta cũng dùng chữ trong sách cho được sang trọng và kín đáo. Có giai thoại về một kép hát chuyên diễn các vai hề trên sân khấu. Về già ông ta có rất nhiều con cháu. Khi ông ta làm tiệc mừng thọ, có người tặng một bức liễn mừng có bốn chữ: “Tử tôn thằng thằng.” Người tặng nói cho ông biết đó là chữ trong Kinh Thi có ý mừng con đàn cháu đống. Theo quan niệm ngày trước con cháu nhiều là nhà có phúc. (Cho nên ngày Tết người ta thường chúc nhau “Đầu năm sinh con trai, cuối năm sinh con gái!”) Ông ta rất mừng treo bức liễn lên giữa nhà. Nhưng câu chữ đó trong Kinh Thi có thêm một từ “hề” ở cuối. “Tử tôn thằng thằng hề.” “Hề” chỉ là một hư tự để nhấn mạnh ý câu, chớ tự nó không có nghĩa. Thời đó người ta còn nặng quan niệm “xướng ca vô loài,” người tặng bức liễn ngầm ý biếm nhẽ: lũ con đàn cháu đống của một thằng hề!(6)
Cụ Tam Nguyên Yên Đỗ Nguyễn Khuyến từng có đôi câu đối “dùng chữ sách” rất được tán thưởng:
Người nước Nam, hỏi tiếng Tây chẳng biết tiếng Tây, hỏi tiếng Tàu chẳng biết tiếng Tàu, cho nên phải “minh tiên vương chi đạo dĩ đạo.”
Nhà hướng Bắc, người chưa rét thì mình đã rét, người chưa bức thì mình đã bức, mới gọi là “tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu”
Câu “minh tiên vương chi đạo dĩ đạo” (coi việc làm sáng tỏ cái đạo của tiên vương là phận sự của mình) là câu trong sách Trung Dungcủa Khổng tử. Câu “tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu” (Lo trước nỗi lo của thiên hạ) là trong bài Nhạc Dương Lâu Kýcủa Phạm Trọng Yêm, đời Bắc Tống. Đôi câu đối được đánh giá rất cao, đã biểu lộ sự uyên thâm của tác giả.
Trong nhiều giai thoại về trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi đi sứ bên Tàu đối đáp với người Tàu có chuyện kể một hôm ông cưỡi lừa đi trên đường phố Bắc Kinh đông đúc, tình cờ va phải một viên quan Tàu cưỡi ngựa. Viên quan Tàu nhìn biết Mạc Đĩnh Chi là sứ thần của Đại Việt, y vọt miệng hỏi:
“Xúc ngã kỵ mã, Đông di chi nhân dã? Tây di chi nhân dã?” (Chạm vào người ta đang cưỡi ngựa kia là tên rợ phía đông hay rợ phía Tây vậy?
Mạc Đĩnh Chi ứng khẩu đáp ngay: “Áp dư thừa lư, Nam phương chi cường dư? Bắc phương chi cường dư?” (Kẻ chèn ép ta đang cưỡi lừa hãy xem Nam phương mạnh hay Bắc phương mạnh.”
Thấy đối phương dùng chữ “Đông di chi nhân dã? Tây di chi nhân dã” trong sách Mạnh Tử, Mạc Đĩnh Chi dùng chữ trong sách Trung Dung “Nam phương chi cường dư? Bắc phương chi cường dư?” để đối lại khiến viên quan Tàu phải nễ phục.
Một lần khác, tại triều đình nhà Minh, một viên quan Tàu ra một câu đối chê tiếng Việt như tiếng chim hót:
“Quích thiệt chi đầu đàm Lỗ luận: Tri chi vi tri chi, bất tri vi bất tri, thị tri.” (Miệng lưỡi chim trích trên đầu cành bàn sách nước Lỗ: Biết thì nói biết, không biết thì nói không biết, như thế là biết.)
“Quích thiệt chi đầu đàm Lỗ luận: Tri chi vi tri chi, bất tri vi bất tri, thị tri.” (Miệng lưỡi chim trích trên đầu cành bàn sách nước Lỗ: Biết thì nói biết, không biết thì nói không biết, như thế là biết.)
Đối phương dùng chữ trong sách Luận Ngữ(Khổng tử, tác giả sách Luận Ngữ là người nước Lỗ) với các âm tri chi… tri chi… để ngụ ý chế giễu tiếng Việt líu lo như tiếng chim, ông Mạc Đĩnh Chi ứng khẩu đáp lại ngay bằng chữ trong sách Mạnh Tử:
“Oa âm trì thượng độc Chu thư: lac dữ thiểu nhạc lạc, lạc dữ chúng nhạc lạc, thục lạc?” (Tiếng ếch nhái trên ao đọc sách nhà Chu: Vui nhạc với ít người, vui nhạc với nhiều người, đằng nào vui hơn?”) Chu thưlà sách của người thời nhà Chu, tức sách Mạnh Tử. Vị trạng nguyên họ Mạc đã dùng các âm “nhạc lạc nhạc lạc” để chê tiếng Tàu ồm ộp như tiếng ếch nhái.
Trong các trường hợp đó, nếu ông Mạc Đĩnh Chi không thuộc nhiều sử sách để kịp nhận ra đối phương dùng chữ trong sách nào tấn công mình, và không có đủ sự mẫn tiệp dùng chữ trong sách để phản công lại thì ắt ông đã thua kém đối phương, và tất bị đối phương coi thường rất nhục nhã. Đi sứ đến nước nào mà bị người nước đó coi thường, không chỉ nhục cá nhân mình mà làm nhục cả quốc thể. Chính sự uyên bác và mẫn tiệp của ông đã chinh phục tình cảm ngưỡng mộ của từ vua đến quan trong triều đình nhà Minh lúc bấy giờ, và ông được hoàng đế “thiên triều” tặng danh hiệu “Lưỡng quốc Trạng nguyên.”
Đó không phải là đạo văn. Đó là tài hoa, và tài hoa rất lớn, cùng với sự thông minh mẫn tiệp.
Mạc Đĩnh Chi (1272 - 1346) là người triều Trần, thế kỷ XIII – XIV, nhưng tập quán “nói có sách” trong giới nho học Việt Nam có lẽ đã bắt đầu từ khi người Tàu áp đặt sự đô hộ và nền giáo dục của chúng lên người Việt từ sau khi tướng Lộ Bác Đức của nhà Hán chiếm được nước Nam Việt của họ Triệu từ cuối thế kỷ II trước Công nguyên. Nhưng sự kiện “nói chữ sách” đầu tiên được ghi nhận vào thế kỷ X.
Sách Đại Việt Sử Ký Toàn Thư chép: Sau khi Lê Hoàn (Lê Đại Hành) lên ngôi, nhà Tống bên Tàu sai Lý Giác đi sứ sang Đại Cồ Việt. Lý Giác vốn là người văn học uyên bác, lại thích thơ. Vua Lê cử các đại sư Ngô Chân Lưu và Pháp sư Đỗ Thuận (cũng thường gọi là Sư Pháp Thuận) đi đón sứ giả. Sư Pháp Thuận hóa trang làm người chèo thuyền. Khi thuyền đang đi trên sông, nhân thấy hai con ngỗng bơi dưới nước, sứ giả Lý Giác ứng tiếng ngâm hai câu thơ:
Nga nga lưỡng nga nga
Ngưỡng diện hướng thiên nha
(Ngỗng ngỗng hai con ngỗng
Ngửa mặt nhìn chân trời)
Sư Pháp Thuận lúc bấy giờ trong vai giả danh người chèo thuyền, bèn ứng khẩu đọc nối:
Bạch mao phô lục thủy
Hồng trạo bãi thanh ba
(Nước lục phô lông trắng
Chèo hồng sóng xanh bơi)
Lý Giác kinh ngạc và hết sức kính phục.
Sử chỉ chép có vậy mà không nói tại sao chỉ qua hai câu thơ “ứng khẩu” đó chẳng có gì ghê gớm mà Lý Giác, một học giả uyên bác của Tàu, phải kinh ngạc và kính phục người chèo thuyền xứ Đại Cồ Việt.
Về sau những người chép lại giai thoại này tự ý lý giải rằng Lý Giác kinh ngạc thấy một người dân quê Đại Cồ Việt mà cũng biết làm thơ nên kính phục.
Thật ra, hai câu thơ của sư Pháp Thuận có tính kỹ thuật, phô diễn một bức tranh với những màu sắc tự nhiên: trắng (bạch mao), xanh lục( lục thủy), hồng (hồng trạo – cái bơi chèo màu hồng, tức chân con ngỗng), và màu sóng nước xanh (thanh ba); ngoài ra đó chỉ là hai câu thơ bình thường tả cảnh linh động hai con ngỗng đang bơi, chẳng có ý nghĩa gì cao xa cả.
Sự thật là như vầy: Bốn câu thơ đó vốn không phải do hai người là tác giả ứng khẩu, mà cả hai đều đọc lại một bài thơ của một nhà thơ nổi tiếng đời Đường của Tàu mà họ thuộc lòng. Nhà thơ Tàu tác giả bài thơ đó là Lạc Tân Vương. (Ai có đọc sử Tàu cũng biết Lạc Tân Vương là người giúp Từ Kính Nghiệp thảo hịch chống Võ Hậu – về sau là Võ Tắc Thiên.)
Ngày xưa, nhất là vào thời xảy ra giai thoại trên đây cách đây hơn một ngàn năm (Vua Lê Đại Hành: 942 – 1005), sự học là hết sức khó khăn và hạn chế; hầu như đó là một đặc quyền của giai cấp thượng lưu và quan lại trong nước – cả ở ta và ở Tàu. Và chỉ họ mới có điều kiện tiếp cận được nền văn học và chữ viết (của Tàu). Nhưng ngay cả với họ, việc đọc được tác phẩm văn học không phải là dễ, vì số người đi học vốn đã hết sức ít ỏi mà sách vở rất hiếm. Do kỹ thuật in ấn thô sơ bằng cách khắc chữ trên bản gỗ, số lượng tác phẩm in không nhiều, thường là chỉ từ vài mươi cuốn đến không quá trăm cuốn. Hoàn toàn không có việc kinh doanh sách vở. Việc phổ biến văn học qua biên giới càng không có. Người ta phải chuyền tay nhau chép tay để có mà đọc.
Trong điều kiện như thế, một anh dân quê chèo thuyền xứ Đại Cồ Việt, thường bị người Tàu coi là chưa khai hóa, có thể lâm thời ứng khẩu đọc nối ngay được bài thơ của sứ giả, chứng tỏ sức học của anh ta là hết sức uyên bác: anh ta không chỉ từng đọc mà còn thuộc cả tác phẩm của một thi sĩ Trung Hoa xa xôi cách trở. Như vậy kiến thức của một anh dân quê Đại Cồ Việt ngang ngửa chớ không thua kém Lý Giác, một người nổi tiếng đương thời về văn học của nước lớn Trung Hoa. Sự kiện đó khiến Lý Giác nhận thấy sự học của người dân Việt phổ biến rộng rãi đến chừng nào, dân trí họ cao và bắt kịp cả trình độ của các danh sĩ Trung Quốc. Sự kinh ngạc và kính phục của sứ thần Lý Giác là do vậy.
Sử gia Ngô Sĩ Liên ghi lại sự kiện đó, mà không nói Lý Giác và sư Pháp Thuận đạo văn. Không phải ông không biết bài thơ là của Lạc Tân Vương. Những người tài hoa học cao, đọc rộng thời đó có lẽ ai cũng biết tác giả bài thơ nên không cần nói nhiều. Và người ta cho hai người như thế là thông minh mẫn tiệp, đọc và thuộc hết sách trong thiên hạ, chớ không phải đạo văn.
Đọc Bình Ngô Đại Cáocủa Nguyễn Trải, có câu:
Quyết Đông Hải chi thủy bất túc dĩ trạc kỳ ô,
Khánh Nam Sơn chi trúc bất túc dĩ thư kỳ ác.
Ngô Tất Tố dịch:
Độc ác thay, trúc Nam Sơn không ghi hết tội,
Dơ bẩn thay, nước Đông Hải không rửa sạch mùi.
Đó là Nguyễn Trải phỏng theo hai câu trong bài hịch của Lý Mật đời Đường chống Tùy Dạng đế:
Quyết đông hải chi ba lưu ác bất tận
Khánh nam sơn chi trúc thư tội vô cùng.
(Khơi sóng biển Đông rửa không hết ác
Chẻ trúc Nam sơn ghi không hết tội)
Các nhà nho tất biết rõ chuyện này và chắc chắn là họ phải… rung đùi thích thú lắm.
Trong Truyện Kiều cũng có nhiều câu thơ của các thi sĩ đời Đường bên Trung quốc được thi hào Nguyễn Du dịch ra thơ lục bát rất tài tình.
Chẳng hạn các câu:
Thuyền tình vừa ghé đến nơi
Thì đà trâm gẫy bình rơi bao giờ(Câu 69 - 70)
được dịch từ hai câu thơ trong Đường thi:
Nhất phiến tình chu sơ đáo ngạn
Bình trầm hoa chiết dĩ đa thời.
Hai câu:
Sống làm vợ khắp người ta,
Hại thay thác xuống làm ma không chồng. (Câu 87 – 88)
là được dịch thoát từ hai câu thơ cổ của Tàu:
Sinh vi vạn nhân thể,
Tử vi vô phu quỷ.
Câu “Một nền Đồng tước khóa xuân hai Kiều(Câu 156) là được dịch từ câu “Đồng tước xuân thâm tỏa nhị Kiều” trong bài thơ Xích Bích Hoài Cổcủa Đỗ Mục, một trong những nhà thơ lớn đời Đường.
“Màu hoa lê hãy đầm đìa hạt mưa” (Câu 226) là được dịch từ hai câu này trong Trường Hận Cacủa Bạch Cư Dị tả Dương Quý Phi đang khóc:
Ngọc dung tịch mịch lệ lan can
Lê hoa nhất chi xuân đái vũ.
Câu “Một mình nương ngọn đèn khuya” (602) là từ câu “Cô ảnh bạn tàn đăng”trong Khuê Oán”
“Nay hoàng hôn đã lại mai hôn hoàng”(câu 1274) là từ câu “Phạ hoàng hôn đáo, hựu hoàng hôn”của Tống thi.
“Con tằm đến thác vẫn còn vương tơ” (câu 1651) là dịch từ câu “Xuân tàm đáo tử ty phương tận” trong bài thơ “Vô đề” của Lý Thương Ẩn thời vãn Đường,
“Tiếng gà điếm nguyệt, dấu giầy cầu sương”(câu 2030) là từ hai câu này trong bài Thương Sơn Tảo Hànhcủa Ôn Đình Quân thời vãn Đường:
Kê thanh mao điếm nguyệt
Nhân tích bản kiều sương.
Câu “Gươm đàn nửa gánh, non sông một chèo”(7)(câu 2174) là lấy ý từ hai câu thơ của Hoàng Sào:
Bán kiên cung kiếm bằng thiên túng
Nhất trạo giang sơn tận địa duy
Hay:
Trước sau nào thấy bóng người
Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông(câu 2747 – 2748) là từ hai câu trong bài thơ Đề Tích Sở KiếnXứ của thi sĩ Thôi Hộ đời Đường:
Nhân diện bất tri hà xứ khứ
Đào hoa y cựu tiếu đông phong.
Hoặc các câu tả tiếng đàn trong truyện Kiều:
Khúc đâu đầm ấm dương hòa!
Ấy là hồ điệp hay là Trang sinh?
Khúc đâu êm ái xuân tình!
Ấy hồn Thục đế hay mình đỗ quyên?
Trong sao châu dỏ duềnh quyên!
Ấm sao hạt ngọc Lam Điền mới đông! (câu 3199-3204), là được dịch từ những câu thơ trong bài Cẩm sắt– lại cũng của Lý Thương Ẩn:
Trang sinh hiểu mộng mê hồ điệp,
Thục đế xuân tâm thác đỗ quyên.
Thương hải nguyệt minh châu hữu lệ,
Lam điền ngọc noãn nhật sinh yên.
Trong Truyện Kiều những câu thơ được dịch hoặc lấy ý từ thơ văn cổ của Tàu như thế là nhiều lắm, nhưng không ai nghĩ đó là đạo văn.
Nguyên tác Truyện Kiều được viết bằng chữ Nôm. Những người thời trước đọc được chữ Nôm là đã rất giỏi chữ Hán; đó là các nhà nho thông thạo kinh sử, biết rõ những câu thơ được Nguyễn Du dịch trong Truyện Kiều là phát xuất từ đâu, và người ta chỉ thấy rõ sự uyên bác của Nguyễn Du, và càng ngưỡng mộ tài năng của tác giả Đoạn Trường Tân Thanh thôi.
Đến lượt mình, Truyện Kiều cũng được những người đọc tài hoa trích ra từng câu một ghép lại thành một bài thơ tả một chủ đề mới, gọi là “Lẫy Kiều” hay “Tập Kiều.” Tức là lấy một câu sáuở nơi này ghép với một câu támcùng vần ở nơi khác trong Truyện Kiều thành một bài thơ để mô tả những điều mà vào thời của Nguyễn Du không có. Sách Chơi Chữcủa cụ Lãng Nhân từng ghi lại những bài “Lẫy Kiều” thật đặc sắc. Chẳng hạn để tả
CÁI ĐÈN CẦY:
Rõ ràng trong ngọc trắng ngà
Sầu tuôn đứt nối, châu sa vắn dài
Một mình âm ỉ canh chày
Đoạn trường cho hết kiếp này mới thôi.
Hoặc:
XE ĐÁM MA
Sắm sanh nếp tử xe châu
Song song ngựa trước ngựa sau một đoàn
Phất cờ gióng trống lên đàng
Họa là người dưới suối vàng biết cho.
Thậm chí người ta có thể “lẫy Kiều” để tả một cái… trung tiện:
Trông ra nào thấy đâu nào
Hương thừa dường vẫn ra vào đâu đây!
Không chỉ “lẫy” những bài thơ ngăn ngắn như thế, nhiều người đã “lẫy” những bài thơ dài với nhiều đề tài thú vị. Ngoài ghép câu như trên, người ta còn có một cách lẫy Kiều độc đáo khác: Lấy hai câu támtrong Truyện Kiều, mỗi câu ngắt đi một chữ cuối để làm thành đôi câu đối rất phù hợp với hoàn cảnh hay sự việc: Ví dụ:
Câu đối dán cửa vườn hoa:
Dường gần rừng tía dường xa bụi
Khi xem hoa nở, khi chờ trăng…(8)
Một người có hai vợ cùng ở chung nhà. Vì có mặt vợ lớn, ông ta gần gũi với người vợ bé không được thoải mái lắm. Thấy vậy, một nhà nho lẫy Kiều đôi câu đối cho ông ta dán cửa phòng vợ bé:
Khi vào dùng dắng khi ra vội
Nỗi đêm khép mở nỗi ngày riêng(9)
Sách Chơi Chữ của cụ Lãng Nhân kể chuyện có hai bố con cùng âm thầm dan díu với một phụ nữ. Về sau khi hai bố con tình cờ chạm mặt nhau và sự việc đổ bể, để chữa thẹn, cả hai bố con cùng mắng người tình bằng một câu đối lẫy Kiều:
Bố mắng: Chẳng hổ mình sao? Dám đem trần cấu dự vào bố.
Người con cũng mắng: Tuồng gì hoa thải, mượn màu son phấn đánh lừa con! (10)
Chắc là chuyện đặt điều của một nhà nho nào đó, nhưng câu đối lẫy Kiều khá phù hợp với tình huống. Họ làm như thế mà không cần chú dẫn hay khai báo gì cả nhưng ai cũng biết họ lấy từ Kiều; tuy vậy, người ta chỉ khen họ giỏi mà không ai nói họ đạo văn.
“Lẫy” những câu Kiều để làm thành “tác phẩm” của mình cũng gọi là Tập Kiều. Tương tự, “lẫy” những câu thơ cổ trong các sách cổ ghép lại thành bài thơ riêng của mình, gọi là “Tập cổ.” Nhiều nhà nho Việt Nam ngày trước rất thích “lẫy” thơ cổ và đánh giá cao nghệ thuật “tập cổ” này, nhưng có lẽ người thành công rực rỡ nhất là cụ Phan Mạnh Danh (1866-1942) với tập Bút Hoa, (nhà Trí Đức Thư Xã Hà Nội xuất bản lần thứ nhất, 1942).
Bút Hoalà một thi phẩm vừa “tập cổ” vừa “tập Kiều” cực kỳ công phu. Tác giả đã để ra đến 45 năm “cóp nhặt đến hơn ngàn câu thơ thanh tao diễm lệ trong thơ cổ chữ Hán, đối chiếu với hơn ngàn câu bóng bẩy chải chuốc trong truyện Kiều của ta, ghép vần ghép điệu, lựa ý lựa lời, nôm với chữ, chữ với nôm, phảng phất xa gần, tựa hồ dịch mà không phải dịch, rất có công phu, thật cũng tài tình…” (lời Tựacủa Phạm Quỳnh, Thượng thư bộ Giáo Dục)
Tác giả giải thích cách làm của mình: “Theo lối này thì lẫy trong các sách Tàu ra mỗi chỗ một câu thơ, rồi ghép lại thành một bài thơ tứ tuyệt đủ niêm luật; bài thơ chữ [Hán] ấy đọc vần xuống bốn câu Kiều liền, mà bốn câu Kiều liền này hình như dịch nghĩa những câu chữ [Hán] ấy ra.”
Ví dụ, với bài thơ đầu tiên trong tập Bút Hoa, bốn câu thơ chữ Hán ở trên “lẫy” từ bốn sách Tàu (chữ trong ngoặc đơn sau mỗi câu thơ là tên sách), vần với bốn câu Kiều tiếp liền nhau phía dưới; có vẻ như bốn câu Kiều dịch ý bốn câu thơ chữ Hán bên trên. Hết sức tài tình.
Lưu thủ dư tình bổ Hóa công (Liêu trai)
Hồng nhan lưu lạc hận nan cùng (Bách mỹ)
Sinh tiền cá cá thuyết ân ái (Kim cổ kỳ quan)
Mạnh lý vô thời tổng thị không (Thăng bình truyện)
Phủ phàng chi mấy Hóa công
Ngày xanh mòn mỏi má hồng phôi pha
Sống làm vợ khắp người ta
Hại thay thác xuống làm ma không chồng.
(Kiều)
Bài kế tiếp:
Quế luân tà chiểu phấn lâu không (Tình sử)
Thủy tế, hoa gian ảnh đạm nùng (Trụ xuân viên)
Trù trướng đông lân thiên thụ tuyết (Thi lâm)
Hải đường khai tận nhất đình hồng (Đường thi)
Gương Nga chênh chếch dòm song
Vàng gieo ngấn nước cây lồng bóng sân
Hải đường lả ngọn đông lân
Hạt sương gieo nặng cành xuân la đà
(Kiều)
Tác phẩm “tập cổ” Bút Hoatừng được dâng lên Hoàng đế Bảo Đại “ngự lãm,” và được Hoàng đế khen ngợi, “chuẩn thưởng Huy chương Tam hạng Kim Khánh.”
Lẫythơ của thiên hạ kim cổ mỗi nơi một câu ghép lại thành thơ của mình, hợp vần điệu và niêm luật, nhất quán về ý nghĩa, phải là tài năng văn chương lỗi lạc mới làm được như thế, không những được mọi người khen ngợi mà còn được vua chúa ban thưởng!
Người xưa coi đó là tài hoa – phải cực kỳ tài hoa mới làm được, chớ không phải đạo văn.
TK.
Ghi chú:
1. Chiêu Lăng là lăng vua Trần Thái Tông
2. Nguyên Phong là niên hiệu thứ ba dưới thời vua Trần Thái Tông, từ 1251 đến 1258. Vào năm cuối cùng của niên hiệu này, quân dân Đại Việt đánh bại quân xâm lăng Mông Cổ lần thứ nhất.
3. Huyền Tông, tức vua Đường Minh Hoàng.
4. tức bốn sách: Đại học, Trung Dung, Luận Ngữ, và Mạnh Tử.
5. Kinh Thư, Kinh Thi, Kinh Lễ, Kinh Dịch, và Kinh Xuân Thu.
6. Lãng Nhân – Chơi Chữ.
7. Chữ đàn (彈) trong “gươm đàn” là cây cung (bắn đạn hay bắn đá) (Từ điển Thiều Chửu) chớ không phải cây đàn âm nhạc. “Bán kiên cung kiếm” = gươm đàn nửa gánh (hay nửa vai cung kiếm).
(Nói thêm: động từ đàn là bắn. Đàn chỉ thần công 彈指神工mà Hoàng Dược Sư dạy cho Dương Quá trong truyện Thần Điêu Hiệp Lữ là công phu búng ngón tay, tức thuật bắn đá hay búng ngón tay bắn đá.)
8. Câu Kiều:
Dường gần rừng tía, dường xa buị hồng
…
Khi xem hoa nở, khi chờ trăng lên
9. Hai câu Kiều:
Khi vào dùng dắng, khi ra vội vàng
…
Nỗi đêm khép mở, nỗi ngày riêng chung.
10. Câu trên của người bố từ hai câu Kiều liền nhau:
Nghĩ mình chẳng hổ mình sao
Dám đem trần cấu dự vào bố kinh.
Câu của người con cũng từ hai câu Kiều liền nhau:
Tuồng gì hoa thải hương thừa
Mượn màu son phấn đánh lừa con đen.
2. Nguyên Phong là niên hiệu thứ ba dưới thời vua Trần Thái Tông, từ 1251 đến 1258. Vào năm cuối cùng của niên hiệu này, quân dân Đại Việt đánh bại quân xâm lăng Mông Cổ lần thứ nhất.
3. Huyền Tông, tức vua Đường Minh Hoàng.
4. tức bốn sách: Đại học, Trung Dung, Luận Ngữ, và Mạnh Tử.
5. Kinh Thư, Kinh Thi, Kinh Lễ, Kinh Dịch, và Kinh Xuân Thu.
6. Lãng Nhân – Chơi Chữ.
7. Chữ đàn (彈) trong “gươm đàn” là cây cung (bắn đạn hay bắn đá) (Từ điển Thiều Chửu) chớ không phải cây đàn âm nhạc. “Bán kiên cung kiếm” = gươm đàn nửa gánh (hay nửa vai cung kiếm).
(Nói thêm: động từ đàn là bắn. Đàn chỉ thần công 彈指神工mà Hoàng Dược Sư dạy cho Dương Quá trong truyện Thần Điêu Hiệp Lữ là công phu búng ngón tay, tức thuật bắn đá hay búng ngón tay bắn đá.)
8. Câu Kiều:
Dường gần rừng tía, dường xa buị hồng
…
Khi xem hoa nở, khi chờ trăng lên
9. Hai câu Kiều:
Khi vào dùng dắng, khi ra vội vàng
…
Nỗi đêm khép mở, nỗi ngày riêng chung.
10. Câu trên của người bố từ hai câu Kiều liền nhau:
Nghĩ mình chẳng hổ mình sao
Dám đem trần cấu dự vào bố kinh.
Câu của người con cũng từ hai câu Kiều liền nhau:
Tuồng gì hoa thải hương thừa
Mượn màu son phấn đánh lừa con đen.