văn hữu vườn tao ngộ

Nơi lưu trữ tác phẩm của PBTD và thân hữu. Liên lạc: phanbathuyduong@gmail.com

Saturday, November 19, 2011

TUỆ SỸ * Mười Năm Trong Cuộc Lữ


Ngọn gió đưa anh đi mười năm phiêu lãng
Nhìn quê hương qua chứng tích điêu tàn
Triều đông hải vẫn thì thầm cát trắng
Chuyện tình người và nhịp thở của Trường sơn

Mười năm nữa anh vẫn lầm lì phố thị
Yêu rừng sâu nên khóe mắt rưng rưng
Tay anh vói trời cao chim chiều rủ rỉ
Đời lênh đênh thu cánh nhỏ bên đường

Mười năm sau anh băng rừng vượt suối
Tìm quê hương trên vết máu giữa đồng hoang
Chiều khói nhạt như hồn ai còn hận tủi
Từng con sông từng huyết lệ lan tràn

Mười năm đó anh quên mình sậy yếu
Đôi vai gầy từ thủa dựng quê hương
Anh cúi xuống nghe núi rừng hợp tấu
Bản tình ca vô tận của Đông Phương

Rồi ngày ấy anh trở về phố cũ
Giữa con đường còn rợp khói tang thương
Trong mắt biếc mang nỗi hờn thiên cổ
Vẫn chân tình như mưa lũ biên cương.


Tuệ Sỹ

DOÃN QUỐC SỸ * Dạ Lý Phu Nhân

Năm Giáp thân (1344) niên hiệu Thiệu phong thứ IV đời Trần Dụ Tông, tại kinh đô có mở hội xem hoa vào dịp lễ Nguyên Tiêu, nhà nào nhà nấy treo đèn kết hoa, cảnh tượng thực là rực rỡ, dân chúng tự các phường lân cận đổ về kinh kỳ dự hội đông như nước chảy.
Sao lại có một thư sinh, dáng tư lự, thơ thẩn đi ra khỏi kinh thành?

Friday, November 18, 2011

phan bá thụy dương * trên nỗi tình người 2


cho Lá Thắm

Tạ từ em với sương mai
Anh lên tay súng cất lời hô quân
Tàu đi sông nước chập chùng
Nẻo quan san đó gian truân đã chờ

Trước sau cờ rợp bóng cờ
Ngoài kia chiều ráng nắng mờ hắt hiu
Em về mây gió trôi theo
Nhớ nhau ?
thôi cũng chắt chiu kiếp này

Bên anh đạn réo tên bay
Trăm binh đao với tháng ngày bỏ quên
Quê mình còn đó không em
Cho anh ấp ủ trái tim ngọt ngào 


phan bá thụy dương
Ngày về giải tỏa Mỹ Tho, Tết Mậu Thân 68. [ Tựa cũ trong
tuyển tập Đầu Gió do Hội VNSQĐ/TC.CTCT
ấn hành: "Khi Anh Rời Gò Công Về Khu Chiến".]

TRẦN TUẤN KIỆT * Làm Thánh Hiền Đời Nay Khó Hơn Thánh Hiền Đời Xưa

Trước tiên phải nói ở nước ngoài, nhất là lớp trẻ ít ai đọc và sống với ông Bùi Giáng, họ đọc tác giả mới trên thế giới đầy rẫy, các loại văn học thời Nieztch, Sartre, Camus, Saint Exupéry và Heidegger họ cũng coi là đã lỗi thời… chứ đừng nói gì tới ông Phật, ông Lão đã quá cách xa với thế giới hiện tiền hằng mấy ngàn năm. Vì thế nhắc tới Bùi Giáng chắc ít người quan tâm. Ở VN thì khác, giới trẻ ngoài học thuyết Lenin, Karl Marx ra trong một thời gian dài không được đọc thêm gì cả. Cho nên một thời người ta ngấu nghiến nhai lại đồ cũ, nhai và nuốt không tiêu nữa, rồi lại mửa ra và đem thứ nôn mửa đó gán ghép tội tình cho ông Giáng họ Bùi. Bởi vì sau ngày 30/4/75 Bùi Giáng như một con người nổi bật trong giới văn học nghệ thuật qua thái độ đùa cợt phản kháng, khinh thế ngạo vật trong xã hội quá đỗi đen tối.

HOÀI KHANH ** Phương Trời Lưu Viễn

biển mù mịt đó mưa đan
tôi ngàn năm nhớ nào tàn mộng xưa
vi vu mầu gió đi mùa
núi non đồng vọng cũng thừa xót thương

đã nghe đất dậy môi trường
cõi miên viễn bỗng vô thường thanh âm
bơ vơ chiều đựng chuông trầm
sông dài trôi quạnh hồi âm nẻo nào

cuối trời nghe rụng vì sao
đêm đi từng giọt sương vào hư vô
là thôi những ý mong chờ
sẽ còn luân lạc bên bờ suối xanh

còn em mộng suốt hồn anh
sẽ bay vào cõi cây cành héo khô
sẽ đi một bóng xa mờ
phương lưu viễn đó hẹn giờ phùng sinh

Hoài Khanh

Thursday, November 17, 2011

MANG VIÊN LONG ◘ bên tách trà khuya

Nghe tiếng ông Cổn từ đầu ngỏ, nhìn thấy dáng ông lừng lững bước vào sân – ông Thạch rất ngạc nhiên. Cảm thấy lạ. Đã chạng vạng rồi, ông ấy còn tìm đến làm gì nhỉ? Bấy lâu nay gặp nhau, hẹn hoài. Rồi trôi đi như bao việc khác đã lạnh lùng trôi đi, nhưng ông Thạch không hề trách bạn. Ông hiểu ông Cổn – coi nhau như ruột thịt, ngay từ lúc ông ta từ miền Bắc trôi dạt về quê…Ông Thạch vẫn nghĩ, cứ để ông ấy muốn đến lúc nào thì tùy, bởi cuộc sống của ông cũng đang bấp bênh, chật vật – đâu có êm ả gì mà giữ đúng hẹn?

BÙI GIÁNG ◙ Tao Ngộ



    Thiên thu một thuở tình đầu
    Tận cùng gió gác trăng lầu tái sinh

    Trăm năm mấy lúc giật mình
    Mười năm vô tận mang tình tự đi
    Bốn mươi năm rượu ly bỳ
    Hồi sinh bất chợt nhu mì thấy em
     
    Rồi có lúc như bây giờ lần nữa
    Một bài ca sẽ chuyển điệu khôn hàn

    Lời gay cấn đầu thai trong vó ngựa
    Hồn hóa sinh về núi đá mưa ngàn

    Bùi Giáng

TƯỜNG LINH ** Cỗ Tự





Con quỳ trước điện nghe kinh
Nhỏ nhoi một chấm nhân sinh tìm về
Mịt mù Tây Trúc cội quê
Thì xin quét lá bồ đề tịnh viên

Bồng lai nước yếu ngăn thuyền
Đành mang áo vá trích tiên cõi người
Thơ nghiêng phía khóc hơn cười
Buồn Chân, níu Ảo buốt mười ngón tay!

Con về góp khói hương bay
Chờ chuông cổ tự cuối ngày vọng thanh
Và quên, dù bại hay thành
Còn đêm đầy gió trăng lành xưa sau

Bụi trần hạt khổ, hạt đau
Hạt thinh lặng ghép theo màu thời gian
Sông mê bờ ngập, sóng tràn
Lời kinh chở ý đạo vàng gọi ai

Tường Linh

Huỳnh Ngọc Chiến dịch: Alexandra David Neel * Câu chuyện tầm sư học đạo kỳ lạ của KARMA DORDJI (1) -


Karma Dordji xuất thân từ một gia đình nghèo hèn. Từ thuở nhỏ ông được cha mẹ gởi vào chùa, và ở đó ông luôn bị đám bạn bè cùng trang lứa thuộc tầng lớp giàu sang chế nhạo, khinh bỉ. Khi ông lớn lên thì đám bạn lại tìm cách xa lánh, không thèm trò chuyện vì xuất thân hạ tiện của ông. Karma Dordji là người kiêu hãnh và có ý chí kiên cường. Ông kể cho tôi nghe rằng ngay từ khi còn bé, ông đã quyết tâm tìm cách vượt lên trên những kẻ đã hạ nhục mình.

Wednesday, November 16, 2011

HOÀNG TRÚC LY ◘ Gặp Người Em

Những người xưa đi rồi không về nữa 
Một mình anh lại gặp một mình em -
Chiều lửng lơ nghe nắng rụng bên thềm
Em cúi mặt mắt buồn ươn ướt đỏ

Nhà anh nghèo, anh đau tim anh yếu phổi

Đời anh lạnh lùng bốn hướng gió và mưa
Ta lạc nhau từ em còn bé nhỏ
Anh thương em câm nín đến bao giờ.
 
Bởi vì đâu da em xanh giá rét?
Nắng rưng vàng lên mái tóc mồ côi

Ngày giặc giã quê hương mình mỏi mệt
Mười năm qua hình ảnh có ngậm ngùi

Nhà anh nghèo, anh đau tim anh yếu phổi
Em bềnh bồng, anh phiêu lãng về đâu
Không dĩ vãng cho đêm dài đợi sáng
Không mai sau cho nước chảy qua cầu

Em bảo anh người đi không trở lại

Nấm mồ ai như giọt lệ chưa tan
Ngọn gió nào mang anh vào mộng mị
Em giang hồ làm tiếng hát lang thang

Ta đến bên nhau sao chùng bước mỏi

Lời sắp xé môi sao bỗng nghẹn lời
Anh nhớ em: núi cao càng hiu hắt
Anh thương em: máu vọt bốn phương trời.

Hoàng Trúc Ly