Trước tiên phải nói ở nước ngoài, nhất là lớp trẻ ít
ai đọc và sống với ông Bùi Giáng, họ đọc tác giả mới trên thế giới đầy rẫy, các
loại văn học thời Nieztch, Sartre, Camus, Saint Exupéry và Heidegger họ cũng coi
là đã lỗi thời… chứ đừng nói gì tới ông Phật, ông Lão đã quá cách xa với thế
giới hiện tiền hằng mấy ngàn năm. Vì thế nhắc tới Bùi Giáng chắc ít người quan
tâm. Ở VN thì khác, giới trẻ ngoài học thuyết Lenin, Karl Marx ra trong một thời
gian dài không được đọc thêm gì cả. Cho nên một thời người ta ngấu nghiến nhai
lại đồ cũ, nhai và nuốt không tiêu nữa, rồi lại mửa ra và đem thứ nôn mửa đó gán
ghép tội tình cho ông Giáng họ Bùi. Bởi vì sau ngày 30/4/75 Bùi Giáng như một
con người nổi bật trong giới văn học nghệ thuật qua thái độ đùa cợt phản kháng,
khinh thế ngạo vật trong xã hội quá đỗi đen tối.
Một bàn chân ấy của
Một bàn chân bé con
Khổ cho họ Bùi,
cũng như khổ cho Hàn Mặc Tử và… cả cụ Đồ Nguyễn Đình Chiểu khi bị người ta mang
một mớ ngôn từ tôn giáo hoặc khuynh hướng triết học ghép lồng để gán ghép vào
tinh thần những nhà thơ này.
Có những người
trước đây đọc vài bài Hàn Mặc Tử thấy có câu thơ: Maria linh hồn tôi ớn lạnh
rồi bảo Hàn Mặc Tử là tín đồ Ky tô giáo. Có đám khác lại chống chế khi dẫn
chứng Hàn Mặc Tử đã viết:
Bay từ Đạo lỵ
tới trời Đâu xuất
Và lùa theo
không biết mấy là hương
Để kết luận ông
Mặc Tử họ Hàn này đích thị là người theo Phật giáo rồi!
Đem hai ông thi
sĩ đó bảo họ giống Phật giống Chúa thì chẳng khác nào như CS bảo quyển Lục Vân
Tiên của cụ Đồ Chiểu chịu ảnh hưởng Mác Lênin vậy. Thật khổ cho mấy ông nổi danh
này.
Ủa! Họ nổi danh
ồn ào thật nhưng không phải họ ồn ào mà do các cụ non muốn phô trương cái sở học
rộn ràng của họ, kẹp vào đó chặt cứng ông Hàn, ông Bùi và cả ông Đồ Chiểu! Lại
tội thay! Mô Phật!
Kiệt tôi bắt
chước theo một bà già đạo Hòa Hảo ở Lục tỉnh. Khi các ông lãnh đạo xuống thăm
nom, hỏi han vỗ về thì bà già Nam bộ chỉ chắp tay: “Mô Phật! Mô Phật!” Bà già Mô
Phật mãi cho tới khi các ngài lãnh đạo phải đi tuốt mới thôi.
Trước cụ Tam Ích
cũng hay dùng tiếng Mô Phật mà Tam Ích nào phải theo chân đức Phật. Ông là người
nghiên cứu Phật pháp, Đệ tam, Đệ Tứ, Hiện sinh và thế thôi.
Kiệt cũng vậy,
hay “Mô Phật” lắm mà thấy trong tinh thần ham mê tình yêu, lục dục thất tình
cuồng điên của mình không có dính dáng đến đức Phật cả, mà lại dính với Đại Việt
Thần đạo chính thống VN từ ngàn năm trước. Có ngài đại đức nói: Ai mình cũng độ
được cả, chỉ có Kiệt là không độ được thôi. Lúc Phạm Công Thiện về VN dạy “đạo
hiện sinh” mặc áo lam ở Vạn Hạnh, chiều hết dạy thì ra nhà TTKiệt ở chợ Vườn
Chuối, thay bộ đồ tây của Kiệt rồi cùng nhau đi chơi vui vẻ cả làng… Nói Thiện
mặc đồ tu là đệ tử của Phật thì chắc Phạm Công Thiện cũng bật cười.
Những người nổi
danh nhiều, nhất là giới làm văn học, thi sĩ, họa sĩ không phải họ dùng ngôn ngữ
của văn hóa đời trước vào là họ theo tôn giáo nào, hay ghép cho họ theo tinh
thần đạo giáo nào đó cũng không đúng mà bảo họ đã giác ngộ thì còn trật lất!
Thực ra Bùi Giáng rất khoái tình dục, nếu nói ông theo đạo tình thì đúng nghĩa
nhất!! Còn hàng vạn thứ tư tưởng của nhà này, nhà nọ, ông chỉ áp dụng như một
thứ “phương tiện” để nói lên tinh thần đơn độc và vô cùng độc tôn của ông thời
nay thôi, thêm vào đó vài giọng đùa cợt nữa là khác. Như khi ông nói tới Kim
Cương là ám chỉ Kinh Kim Cương, có đâu nhắc tới cô Kim Cương. Còn cô Kim Cương
suốt nhiều năm tháng có theo ông Giáng, theo lâu như vậy là nhiệm vụ của cô mà
thôi. Có đọc được câu này, chắc cô chửi to. Cái anh Kiệt hay lấy tiền của mình
xài mà lại nói bậy về mình. Mô Phật! Ở đời người ta khổ về tiếng tăm, tiếng tăm
đôi khi không thuận cho thế cuộc. Thành thử đối với người có tiếng tăm, chính
quyền lôi cuốn họ theo được thì tốt, không theo được thì khi họ chết, cứ việc
truy điệu và hô lên họ thuộc phe chính quyền… là xong!
Trước đây tôi có
viết một hai bài về ông Bùi Giáng sẽ tuần tự trích lại cho độc giả đọc chơi, mua
vui cũng được chút ít thời gian, nói theo tinh thần triết lý hiện đại ấy. Kiệt
đã chứng kiến mấy người xưng là cháu Bùi Giáng gây nhau kịch liệt để giành tác
quyền sách Bùi Giáng về tay cá nhân. Sau này lại có phe muốn giành ông thuộc về
phe họ và chứng minh Bùi Giáng ngộ được chân lý cho là cao siêu của họ thì thực
là khốn khổ cho ông Giáng quá trời.
Đám hậu sinh ngu
si đần độn nào có biết gì đâu.
Bùi Giáng chỉ là
riêng ông, một mình ông, xin đừng khều ông về phía nào mà tội cho linh hồn
ông.
Giáng tức là
trên Trời giáng hạ xuống. Bùi Giáng chỉ thiên về ông Trời mà thôi, không dính
dáng tư tưởng của ông với phe đảng, giáo phái nào cả.
Xét về khía cạnh
nào đó, ông Giáng đúng là một thánh nhân, nhưng sống ở thời đại này thánh nhân,
thánh hiền đều rất khó sống, chi bằng như Lưu Linh, Lý Bạch thì thú
hơn:
Thiên cổ
thánh hiền giai tịch mịch
Duy hữu ẩm
giả lưu kỳ danh
Vấn đề Bùi
Giáng, càng theo dõi bước độc hành của ông qua tất cả những cuộc biển dâu trong
đời, càng thấy tinh thần của ông mênh mông vô tận khó ai viết được đầy
đủ.
Ông viết về các
bậc hiền triết, thánh nhân , triết gia, mở cuộc hôi thoại phi thường với các vị
ấy. Ông viết về Martin Heidegger, Camus, Karl Jasper, về Kiều, về Homere… chính
là đối thoại với họ trong những lúc đảo điên nhất của thế giới nhân sinh và định
mệnh lịch sử, để tìm ra “đường đi trong rừng”, đưa linh hồn con người tiếp cận
với Hóa công và dẫn dắt con người, nhiếp dẫn họ qua Hố thẳm tư tưởng, qua khỏi
Mê cung thời đại mang về một cõi trường mộng siêu hình kỳ bí kỳ ảo nhất, tạo ra
cuộc trùng sinh hữu hạn lạ lùng:
Xin chào nhau
giữa con đường
Mùa xuân phía
trước miên trường phía sau.
Hay
Nghe một lần
vĩnh viễn gặp hư không
Và để cuối cùng
nhắc nhở trần gian:
Em bảo rẳng
đừng tuyệt vọng nghe không
Còn trang thơ
thắm lại với trời hồng
Ôi những trang
thơ nguy nga và bao la vô tận. Biết làm sao nói được hết lời về ông.
Tôi đã viết khá
nhiều về Bùi Giáng, có lẽ ba bài rồi nhưng cũng chưa nói được hết về ông. Về con
người và đất nước trong thời chiến, Bùi Giáng đã viết thật nhiều:
Em chết bên
bờ lúa
Em chết trên
đường mònMột bàn chân ấy của
Một bàn chân bé con
Bùi Giáng là một
người không những bí hiểm mà vô cùng tinh tế. Sau này nhiều người nói ông điên,
có điên đâu, chỉ là thái độ đơn độc để phản kháng mà thôi. Nếu không có tù đày
cải tạo, nếu không có chế độ CS ở miền Nam thì Bùi Giáng có điên không, ông chỉ
đùa đó thôi.
Bùi Giáng có cần
gì siêu thoát cho bản thân, cần gì triết gia thi sĩ lớn hay nhỏ, cần gì những
gán ghép, biện hộ đời sau không biết gì về ông. Có lần Đào Mộng Nam về nước có
cho tôi biết người Việt ở Mỹ sắp làm tượng cho Bùi Giáng. Tượng như thế nào để
ông gánh cả đau thương của đất nước dân tộc lên mình, để ông ngồi xổm trên lớp
tư tưởng tội ác
Bùi Giáng cũng
không duy tâm, duy thức, duy lý gì cả. Có gần với ông chăng là những người như
St Exupery, như Albert Camus, Nieztsche, như Albert Einstein (xin đừng nhắc tới
Tagore, ông này thơ ngây lắm). Dù sau này trái đất có biến thành tro bụi,
Einstein vẫn ngồi kéo violon bên sông Sein và từ chối mình là khoa
học.
Bùi Giáng là con
người có đủ hào quang của tư tưởng và hành động, của nước Việt và thế giới hiện
đại. Ý tôi muốn nói đến nguồn đau thương mất mát tận cùng của ông.
Nhớ buổi trưa
hay tin ông mất còn quàn ở chùa Vĩnh Nghiêm, tôi ghé thăm. Người em ông Giáng
sau vài chục năm gặp lại tôi mừng lắm vì biết tôi là bạn thân củ ông, anh đưa
tặng tôi bức ảnh mới nhất của ông. Tôi cầm suýt khóc. Sau gia đình tôi đổ vỡ rồi
tấm ảnh của ông lạc đâu không thấy nữa. Trong lòng tôi luôn có hình ảnh hai
người thầy là ông Chính Hóa, thầy võ Tây Sơn Nhạn và ông Bùi Giáng, kế đó là cậu
Năm, người cậu nuôi và dạy dỗ cho tôi biết yêu quý sách vở.
Tuy tôi không
trực tiếp học ông Bùi Giáng tại trường nhưng ông dạy tôi nhiều qua thơ văn tư
tưởng của ông. Ông cũng giúp tôi nhiều những lúc túng quẫn. Hồi tôi ở khu Mả
Lạng Nguyễn Cư Trinh, ông từng vác một bao sách khoảng mười quyển Tư tưởng hiện
đại và Martin Heidegger, Mưa Nguồn tập đầu tiên. Tôi không mang đi bán xon mà
đưa cho ông Khai Trí nhờ mua hộ. Không phải chỉ Bùi Giáng mà Phạm Công Thiện lấy
cả một va li tự điển Anh Việt giao cho tôi bán lấy tiền uống cà phê. Sau này
Bùi Giáng có việc không đồng ý với họ Phạm, có lúc đụng chạm nhau, nhưng nếu nói
họ là bạn thân, là đức Phật đối với tôi thì cũng được .
Tuy nhiên Bùi
Giáng rất khó về mặt thi ca và tư tưởng, khó có thể chơi thân với ai. Sau này có
lần tôi ghé thăm ông ở căn nhà gần chùa Già Lam kéo nhau ra ngoài uống rượu đế.
Ông nói: Đương thời mình viết họ còn không hiểu gì bây giờ làm sao hiểu được
nữa, coi có vẻ việc làm của mình không ăn thua gì cả… Đó là lần cuối cùng tôi
gặp ông. Thanh Tâm Tuyền là người tôn trọng và hiểu ông nhất. Có lần tôi làm bài
thơ Saigon Cũ, không ký tên và gửi anh Lê Nguyên Đại. Đại gặp Thanh Tâm Tuyền
đưa cho xem bài thơ. Một lát Thanh Tâm Tuyền nói: Thơ này chỉ có Bùi Giáng và
TTK làm thôi, nhưng chắc là của Kiệt vì ở cuối bài có nhắc tới bạn bè cũ. Bùi
Giáng không có bạn. Anh em văn nghệ rất trọng nể Bùi Giáng. Mai Thảo viết về ông
như sau: Lớp lớp rừng văn mênh mông biển chữ.
Con người đó là
một bậc kỳ tài trong thiên hạ được sinh ra ở thế kỷ này. Đó là một danh dự, một
điềm lành như một Thánh nhân giáng sinh vậy. Nhưng thánh nhân như Lão tử còn
phải cỡi trâu đi vào cõi sa mạc phương Bắc để đại ẩn. Còn Bùi Giáng, nói như Tam
Ích đã đi sâu vào lòng Người, vào lòng dân tộc.
Ngày giỗ của
ông, tôi xin viết mấy dòng ngắn này thay nén tâm hương nhắn lời thăm ông trong
cõi bất tử thiên thu vậy.
Trần
Tuấn Kiệt