văn hữu vườn tao ngộ

Nơi lưu trữ tác phẩm của PBTD và thân hữu. Liên lạc: phanbathuyduong@gmail.com

Thursday, November 24, 2011

NGUYỄN HƯNG QUỐC * Con cóc” là một bài thơ hay?

Con cóc trong hang
Con cóc nhảy ra

Con cóc nhảy ra
Con cóc ngồi đó

Con cóc ngồi đó
Con cóc nhảy đi

Wednesday, November 23, 2011

NGUYỄN ĐỨC NHƠN * Điền Gia Lạc


“bạch đầu nhân túy, bạch đầu phò, điền gia lạc”

cái thú điền viên hai thằng đầu bạc
bê rượu ra sân chén tạc, chén thù
ngửa mặt lên trời cười đến ngất ngư
xem thế sự như trò chơi con trẻ

cạn chén đi anh bọn mình say một bữa
để thấy đời còn đẹp biết bao!
mái tóc hai thằng bạc trắng như nhau
như những đám mây chiều trôi lãng đãng

đàn vịt rỉa lông trên bờ ao cạn
đàn gà con bươi rác sau hè
chạy quanh sân đàn trẻ nô đùa
giàn bầu, mướp cũng đơm hoa, nở nhụy

cạn đi anh bọn mình say túy lúy
để nghe đất trời thở nhịp thiên nhiên
hãy quên đi những chuyện não phiền
mà uống cạn chén đời trong mộng tưởng

tôi đâu phải là kẻ hằng tâm, hằng sản
mà chỉ là thằng khố rách, áo ôm
mượn chiếc cần ngồi câu áo, câu cơm
đâu có ôm mộng lớn chờ thời như Lã Vọng

đâu có chí lớn vẫy vùng giữa trùng dương dậy sóng
tôi chỉ là thằng con nít sống lâu năm
còn anh? thì cũng là thằng lạc chợ, trôi sông
giả hiền sĩ gạt đời kiếm bữa

dựng lều chõng hai thằng nương tựa
bê rượu ra sân hai đứa khề khà…
“bạch đầu nhân túy bạch đầu phò, điền gia lạc”
cạn chén đi anh bọn mình chén thù chén tạc

đời vui như mở hội đầu xuân
chếnh choáng men say rượu ngọt lạ lùng
chiều xuống thấp đẹp vô cùng anh nhỉ?
gặp bạn hiền rượu ngàn ly chưa phỉ

ngất ngưởng bên nhau nói chuyện bao đồng…
khi trở về có lội suối, qua sông
nhớ chống gậy mà dò sâu, cạn!
“bạch đầu nhân túy bạch đầu phò, điền gia lạc!”

Nguyễn Đức Nhơn

TẠ TỴ * Nguyễn Đình Toàn và nỗi buồn trước mặt


Thấm thoát đã 17 năm rồi đó. 17 năm đi qua trong lòng con người ”thiên lý tương tư” như một khoảng thời gian đầy dẫy buồn phiền. Từng năm, từng tháng nào có nghĩa gì so với nhịp luân hành vũ trụ, mà sao trong đáy sâu tiềm thức, trong hố thẳm nhớ thương, vẫn hiện lên bao nỗi giày vò gần như thê thảm. 17 mùa Xuân đất Bắc đã qua đi. 17 mùa Hạ cũng tàn phai theo từng trận gió Lào hầm hập. 17 mùa Thu chết rụi theo xác lá rơi ngổn ngang trên khắp nẻo đường Hà Nội và 17 mùa Đông với mưa phùn gió bấc thổi buốt ruột gan cũng phai nhoà trong tâm tưởng qua 17 mùa mưa nắng. Lòng người miền Bắc chợt úa héo mỗi lần nghĩ tới.

Tuesday, November 22, 2011

VĂN QUANG * Viết Cho Bạn Và Cho Mình

Trong bài này, xin phép bạn đọc cho tôi được nói một chuyện rất riêng tư. Một thứ chuyện riêng của một người, nhưng có lẽ cũng là chuyện của nhiều người. Đó là chuyện tình cảm, không thể không nói, không thể không viết, bởi nó luôn ám ảnh trong đáy sâu tâm tư, trong cả tiềm thức, khó mà có thể làm được điều gì khi còn vướng víu trong lòng. Bạn đọc đã từng gặp trường hợp một người thân vừa ra đi chắc chắn sẽ thông cảm với tôi. Nhất là đã ở ngoài cái tuổi “thất thập cổ lai hy” sắp bước sang “bát tuần”, điều ấy còn sâu sắc hơn nhiều.

TIỂU TỬ * con rạch nhỏ quê mình


Mầy còn nhớ không ? Hồi tụi mình còn nhỏ, thời tiểu học, có ngày nào mà tụi mình không đùng xuống con rạch trước nhà để tắm. Mầy còn nhớ con rạch đó không? Nó có cái tên cục mịch và quê mùa : rạch " Cồn Cỏ ". Người ta gọi như vậy bởi vì ở phía sông cái có một cái cồn khá lớn - gần như là một cái cù lao - làm tách con rạch ra làm hai nhánh. Có lẽ hồi xưa, trên cồn chỉ có cỏ nên họ gọi là " Cồn Cỏ ", chớ hồi thời tụi mình, trên đó thấy đầy cây cối mà một số là cây ổi " chim ăn " và cây xoài hột. Mầy bỏ xứ ra đi lâu quá, không biết còn nhớ " ổi chim ăn " và xoài hột không ? " Ổi chim ăn " là loại ổi nhỏ bằng trứng chim cút, bên trong toàn hột là hột nên không có ai trồng. Chim hay mổ ăn mấy trái chín, còn tha đi chỗ này chỗ nọ. Hột ổi rớt mọc lên cây, nhà vườn chặt bỏ để lấy đất trồng thứ khác. Còn " xoài hột " thì như tên của nó nói : trái nhỏ bằng nắm tay con nít, bên trong chỉ có cái hột lớn với chút xỉu cơm ! Người ta cũng gọi là " xoài mút " bởi vì muốn ăn loại xoài đó phải lựa trái chín muồi, lột võ rồi mút cái hột với lớp cơm mỏng dánh dính chung quanh. Người lớn không ai thèm ăn bởi vì ăn không đã miệng mà mút xong một trái là hai bàn tay dơ hầy ! Chỉ có con nít là khoái ! Cho nên vào mùa xoài - cũng là mùa mưa - khi thấy trời nổi gió, trẻ con thường lội qua cồn để lượm xoài, được trái nào là đứng ngay dưới cây xoài mút lia mút lịa. Tao nhớ có lần mầy với tao cởi quần đội lên đầu rồi lội qua cồn cỏ lượm xoài. Mầy nhớ không ? Mình phải đội quần để quần xà lỏn đừng bị ướt bởi vì tụi mình " lội chó " đầu lòi ra khỏi nước. Mới nút được có mấy trái thì trời mưa ụp xuống làm hai đứa ướt ngoi. Lần đó về nhà tao bị bắt quì gối gần nửa tiếng. Tao tưởng mày là cháu đích tôn của ông Cả, được cưng nhứt nhà không ai dám rớ. Té ra hôm sau đi học, mầy kể lại mầy cũng bị ông nội mầy bắt quì cũng như tao ! Mầy coi ! Cái xã hội của mình hồi đó nó tốt như vậy. Quan quyền hay dân dã gì cũng dạy con dạy cháu na ná như nhau hết.

PHAN TẤN HẢI * Kiếm Mã Hành

Nâng ly mời đã mềm môi
Còn tê tê lưỡi đã cười ra đi
Ðường mai gió loạn sá gì
Tóc xanh dẫu bạc an nguy cũng liều

Ta đi rừng núi xanh vầng trán
Thành phố phương nào mây vẫn bay
Dưới trăng cười hỏi ừ rồi máu
Có thơm mùi rượu của đêm nay

Nghiêng ly đổ rượu tràn tay
Say ngàn sóng dữ trả ngày trẻ thơ
Cười vang hỏi bạn say chưa
Ta say nghìn kiếp giữa bờ tử sinh

 Rong chơi vào cuộc lầm gió bụi
Rượu thề pha máu đỏ vầng trăng
Nửa đêm ta gọi sơn hà dậy
Thần mã bay về hí vó trăng.


Phan Tấn Hải

Monday, November 21, 2011

thơ LÝ THỤY Ý


ĐỌC “ GỞI SÀI GÒN “ CỦA THỤC VŨ

Rưng rưng khi đọc thơ Người
Cỏ thiên thu đã kìn nơi anh nằm
Ngậm ngùi chi chuyện trăm năm
Người xưa cũng quá thăng trầm Vũ ơi !

2010


NGƯỜI LÍNH ẤY
- kính tặng anh Hai-T/TPB Trương Huyền Sách

Người lính ấy không còn trẻ nữa
Dấu thời gian hằn những nét vô tình
Nhưng ánh mắt vẫn còn nguyên chất lửa
Của một thời lừng lẫy đao binh

 
Người lính ấy không nói về cuộc chiến
Chỉ nhắc nhiều đồng đội năm xưa
Nhớ khẩu pháo chưa một lần im tiếng
Dưới đạn thù xối xả như mưa

Người lính ấy lặng thầm và khắc khổ
Ôm nỗi đau dù chưa bại bao giờ
Năm tháng đã xa dần cơn bão tố
Mà trong hồn chứng tích vẫn trơ trơ

Người lính ấy không còn trẻ nữa
Nhưng chiều nay hoài niệm chuyện ngày xưa
Trong ánh mắt vẫn còn nguyên chất lửa
Hạ Sài Gòn mà thoang thoáng thu mưa

Lý Thụy Ý

Võ Thị Điềm Đạm * NẾU, NẾU NGÀY ẤY…


Minh dặn chị:


- Chút trưa có người hứa đến nhà đề coi miếng đất Vũng Tàu. Em phải đi quận Bảy lo cho xong thủ tục sang tên căn nhà ở Phú Thạnh Mỹ,...lần này không để mất một cách vô duyên nữa. Tụi nó chỉ thừa chút sơ hở của mình là nắm ngay cơ hội trở giọng. Chị tiếp khách dùm em được không?
- Được. Nhưng Thuận phải biết một số chi tiết cần thiết để nói chuyện với khách.
- Địa thế miếng đất, chị đã thấy hôm chị ra Vũng Tàu. Giấy tờ trong tập hồ sơ, giá cả thì em ghi đây. Chị tùy cơ ứng biến, khơi đầu là giá vòng viết xanh, không dưới giá đã được vòng viết đỏ này. Vấn đề chi phí sang tên thì chia hai, mình lo được chuyện này vì em có vài quen biết khu vực đó. Còn nếu họ tự lo được thì giảm năm triệu, tùy trường hợp, có thể họ thấy lời, có quen biết thì rẻ và nhanh.
- Có phải nói trắng thành đen, đỏ thành xanh... cái này là Thuận không làm được à nghen.

KIM TUẤN * Bức Thư Gởi Không Niêm

Anh gửi mùa hè ra ngoài ấy
Để em sưởi ấm nắng Sài Gòn
Để tà áo lụa bay trên phố
Lặng lẽ cười môi đỏ nét son
Anh gửi mùa hè ra ngoài ấy
Gửi trời chợt nắng rồi chợt mưa
Chợt em bỗng nhớ người xa vắng
Thuở đi về trên những lối xưa
Anh gửi mùa hè ra ngoài ấy
Gửi em hoa phượng đỏ trên cành
Gửi thêm tiếng hát con ve nhỏ
Rất nồng nàn như của chính anh.
Con một mình lặn lội với thơ
Mười tám tuổi không về quê như chị
Mẹ ướt mắt khuyên "đừng tập làm thi sĩ
Bạc muôn chừng thân gái con ơi".
Tháng ba đi, hoa gạo nở hết rồi
Mẹ đếm tuổi em bằng cánh hoa mùa cuối.
Thư gửi em chừng là viết vội
Mẹ giục về đi lấy chồng thôi.
Tháng ba buồn dại ý hẳn ngậm ngùi
Nhắc em ngày sinh và hố vôi đầy hoa gạo rớt
Quê em đó, cơn mưa dài không ngớt
Khóc từ lúc sinh em cho đến tận bây giờ
Đành rằng tháng ba vẫn thắp màu hoa cũ
Nhưng có những điều phải sống khác ngày xưa.
Kim Tuấn

PHAN * Vì Em Đã Mang Lời Khấn Nhỏ

Ông Tuấn sống trơ trọi như cây cột đèn đã mấy năm, từ sau bà Tuấn ra đi bất ngờ, con cái đi xa càng xa hơn sau tang lễ mẹ chúng, ngày càng thưa về. Thằng con trai tệ nhất trong mấy đứa con là ăn chơi nhiều hơn ăn học, ông tưởng vợ nằm xuống là khổ với nó vì bà thường bao che cho nó hơn răn dạy. Nhưng mấy năm nay nó cũng chỉ về nhà hôm giỗ mẹ, rồi lại đi. Thật ra bất hoà cha con không phải từ vụ nó mượn cái xe của mẹ đi đỡ, (sau khi bà Tuấn qua đời) và ông đã không cho. Sự bất cần của nó đã làm ông bực từ những ngày nó mới lớn; những ngày gia đình mới sang Mỹ, nó không chăm học như các chị nó trong nhà, hay lêu lỏng bạn bè, đi chơi chán rồi về ngủ vùi, bỏ học, bỏ làm… Cha con gần như không nói chuyện từ hôm ông bảo nó: đi đâu thì đi… cho khuất mắt ông. Và nó đi không qua ngưỡng cửa vì bà Tuấn bao che, nhưng vợ chồng ông Tuấn coi như đã một người qua đời, dù vài năm sau trận cãi cọ kinh hồn đó bà mới đi theo chúa.