văn hữu vườn tao ngộ

Nơi lưu trữ tác phẩm của PBTD và thân hữu. Liên lạc: phanbathuyduong@gmail.com

Monday, November 21, 2011

PHAN * Vì Em Đã Mang Lời Khấn Nhỏ

Ông Tuấn sống trơ trọi như cây cột đèn đã mấy năm, từ sau bà Tuấn ra đi bất ngờ, con cái đi xa càng xa hơn sau tang lễ mẹ chúng, ngày càng thưa về. Thằng con trai tệ nhất trong mấy đứa con là ăn chơi nhiều hơn ăn học, ông tưởng vợ nằm xuống là khổ với nó vì bà thường bao che cho nó hơn răn dạy. Nhưng mấy năm nay nó cũng chỉ về nhà hôm giỗ mẹ, rồi lại đi. Thật ra bất hoà cha con không phải từ vụ nó mượn cái xe của mẹ đi đỡ, (sau khi bà Tuấn qua đời) và ông đã không cho. Sự bất cần của nó đã làm ông bực từ những ngày nó mới lớn; những ngày gia đình mới sang Mỹ, nó không chăm học như các chị nó trong nhà, hay lêu lỏng bạn bè, đi chơi chán rồi về ngủ vùi, bỏ học, bỏ làm… Cha con gần như không nói chuyện từ hôm ông bảo nó: đi đâu thì đi… cho khuất mắt ông. Và nó đi không qua ngưỡng cửa vì bà Tuấn bao che, nhưng vợ chồng ông Tuấn coi như đã một người qua đời, dù vài năm sau trận cãi cọ kinh hồn đó bà mới đi theo chúa.


Lòng ông càng giận thằng con là điều ông thực tâm muốn gạt ra khỏi lòng mình vì cha nào đi hận con; con cái bỏ cha mẹ chứ cha mẹ nào bỏ con cái. Nhưng gạt ra khỏi đời ông khó một như bỏ rượu, bỏ thuốc lá… thì gạt ra khỏi lòng mình sự tức giận đứa con lại khó đến mười. Cứ mỗi lần ngồi nghĩ một mình thì mười lần như một, đến đuối lý, đến phải công nhận mình là người… thì ông không nghĩ tiếp nữa, nên lại có lần sau ngồi nghĩ cho ra lẽ nhưng lẽ chẳng bao giờ ra vì ông không đi đến cùng ý nghĩ để kết thúc. Tính ông thế…

Ông Tuấn thường đổ thừa cho nghiệp chướng, mồ mả gia tiên ngoài bắc đã vô chủ từ bao đời nên gia đạo chẳng thể bình an. Nó là con trai độc nhất, cũng như ông với bố ông ngày xưa. Bố ông cũng đánh đập khi ông còn bé, mắng chửi khi ông hết sợ đòn roi của người cha mỗi năm mỗi già yếu đi. Hôm hay tin bố mất thì ông Tuấn đang ở tù, nếu xuống nước một chút và ra một chút tiền hối lộ, quà cáp cho cán bộ trại thì ông Tuấn có lẽ cũng được về dự tang bố. Nhưng kế sách của bà Tuấn đã bị ông từ chối, ông chỉ muốn ra trại là về luôn, ai có ở tù cộng sản mới biết không thể trở lại, nhất là về dự tang bố trong hoàn cảnh bệ rạc của mình, ông không muốn. Có thể đó là sai lầm nghiêm trọng nhất đời ông; cũng là điều gần như duy nhất vợ ông không hiểu ông. Nên sau lần đó mẹ ông, anh em ông đã không còn coi trọng ông. Gia đình ông như chỉ còn có trong họ mỗi người con dâu, người chị dâu là đáng nói tới. Người thân dửng dưng với việc ông ra tù là cái giá thứ hai ông mang nặng đến bây giờ. Cũng có khi ông hiểu cho thời thế của người thân và cả của mình; nhưng ông không quen với lạnh nhạt. Bản chất của người thích được coi trọng hơn cần thiết, đòi hỏi một chiều… ông mặc áo tự thú với lương tâm nhưng chỉ để viết tác phẩm hư cấu; không thực như đời và con người thật. Cái giá thứ ba ông trả cho sự đổi đời năm xưa là sự ngây thơ, cả tin của bà Tuấn đã bị đời sống cướp mất khi ông đi tù hết 8 năm, vợ chồng như đã hết tình, những mặn nồng thương mong lợt lạt. Còn chăng là cái nghĩa và trách nhiệm của bậc cha mẹ luôn được đặt lên hàng đầu trong những cuộc đối thoại riêng tư giữa hai vợ chồng…

Ông Tuấn mang hy vọng cái giấy ra trại đổi thành giấy thông hành cho cả gia đình sẽ làm cho mọi sự thay đổi. Nhưng sự thay đổi chỉ là đời sống hải ngoại khác trong nước; sự đổi thay tuyệt vọng là ông đã mất hết người thân từ khi ông còn sống. Vợ con toàn vẻ bên ngoài để giữ sĩ diện cho ông, cho gia đình; mỗi thằng con trai thẳng thắn xem ông không ra gì từ khi nó đi làm được đồng tiền. Lắm lúc ông Tuấn không khóc mà nước mắt cứ tuôn ra khi thấy mấy ông bạn già lên đường hoan lộ… Ngày tháng chỉ còn là cùng vợ rong ruổi đi thăm bạn bè, thăm con cháu thời nay vì chúng định cư theo việc làm, nơi đâu cũng là quê hương vì quê hương đích thực có còn đâu mà không chạy theo việc, theo tiền… thói đời len lỏi đến trong nhà nhưng trách ai, ai mới là người đáng trách? Nhiều khi ông cũng không hiểu mình nữa, càng già càng sợ chết, mà sợ nhất là những đêm ngồi tới sáng trong căn phòng không mở đèn, khi ánh sáng đầu ngày soi qua khung cửa, hắt bóng những lọ thuốc trải dài lên bàn như bằng chứng ông đã đầu hàng vô điều kiện thêm một lần trong đời. Những lọ thuốc ngày càng nhiều hơn vì càng thêm tuổi thì càng thêm bệnh. Không biết đã bao lần ông định uống hết một lần như tính sổ nợ đời; nhưng đời ông vay góp nên đời không cho cho trả dứt một lần. Cái ý tưởng không thể bỏ phí nên ông sống thêm một thời gian để viết lên sự thật. Khi tác phẩm được đón nhận, in ra sách có lãi trên thị trường sách tiếng Việt ở hải ngoại thì ông Tuấn đã bỏ qua được nỗi buồn số phận để sống cho tha nhân…

Ông viết mạnh, sáng tác nhiều đến hết nhận ra mình khi đọc lại những tâm phẩm. Nhưng ngoài khung cửa lâu ngày không chùi rửa kia là đời sống mờ ảo; nơi đón nhận trí phẩm. Nơi của lừa dối và lòng tham; nơi đón nhận trí tưởng tượng của ông và sẵn sàng chê bai lòng ông… Dù sao, những tâm phẩm này cũng đã một lần được viết ra để kết thúc sự nghiệp. Những tâm phẩm sẽ cùng ông về lòng đất phũ phàng… ông Tuấn nhấn nút delete từng đoạn, từng đoạn như người ta chết dần từ chân lạnh lạnh lên đến khối óc ưu phiền…

Ông Tuấn nằm vùi hết cả tháng vì cảm cúm, những tư tưởng lạ kỳ làm ông toát mồ hôi; là chuyện của đêm khuya chỉ có mình với bóng. Chuyện người khác thấy được là chỉ người em gái gần nhà sang thăm ông mỗi chiều, rồi cách nhật, đến chỉ còn tuần 2 lần để tiếp tế lương thực. Những đứa con gọi về thăm bố miễn cưỡng như làm công việc hôm mẹ chúng ra đi đã dặn dò… Thiên đàng của tuổi già mở ra trước mắt ông Tuấn, quạnh quẽ đến thê lương, những con chim đen quang quác sau vườn nhà như cướp giật linh hồn ông đã có hồi rời khỏi xác nhưng không biết về đâu nên lại quay về cái xác đã mục ruỗng. Ông Tuấn không ra sân sau nhà nữa, nơi miếng vườn hoang từ hôm bà Tuấn bỏ đi... sao cọng húng; ngọn càng cua lại có thể sống chung với cỏ rối, sao không khuất bóng chung với bàn tay chăm sóc chúng cho đời bớt thê lương… ông Tuấn không ra sân sau nhà nữa. Nhưng tuyệt vọng hơn khi trở vô nhà, thấy con chuột bò nghêng ngang trên bàn thờ, ông đến xem mới thấy ông đã cúng cơm vợ trong cơn mê sảng nào đó, chỉ còn cơm canh mốc xanh mốc đỏ… Chưa bao giờ ông cần bà như bây giờ; chưa bao giờ linh hồn ông trống vắng như hôm nay…

Tiếng chuông bính boong đến ba lần, ông Tuấn buộc lòng phải mở cửa vì đã quá ngán những người hàng xóm hết cằn nhằn tới khinh bỉ, hăm dọa kêu cảnh sát vì nhà ông không cắt cỏ. Người Mỹ không biết thông cảm cho cả một người chân đi không vững vì bệnh hoạn như ông. Cuối cùng là thành phố dán giấy yêu cầu cắt cỏ trong 3 ngày. Bằng không họ tự cho người đến cắt, rồi phạt tiền…

Ông Tuấn tỉnh lại trong bệnh viện, tiếng vợ chồng ông bạn thở dài như nguyền rủa: sao không đi luôn cho đỡ nhọc bạn bè phải thăm nom… nhưng dù sao không có họ thì ông sẽ chết vì cô đơn. Cuộc hội ngộ đôi bên đều mệt mỏi nên chỉ nói đến những khoản tiền mà vợ chồng ông bạn đã trả thế cho ông trong thời gian qua; trong đó có khoản tiền cắt cỏ và tiền phạt của thành phố… Ông Tuấn như hối hận đã sang Mỹ, định cư ở xứ sở tất cả tính thành tiền. Nhưng ông vẫn hứa trả đủ và cảm ơn vợ chồng ông bạn đã giúp đỡ…

Họ mời ông ăn súp nóng, mấy muỗng súp như làm ông tỉnh ra. Nghe rõ và nhớ hết chuyện vợ chồng ông bạn kể: Hai đứa con gái ông có về thăm bố, nhưng chúng chỉ ở được đôi ngày. Em gái ông cũng bận rộn đời sống nên không thăm ông thường được. Thằng con trai mới là kẻ chịu trận từ hôm nó đưa ông vô nhập viện đến nay. Chuyện là nó nghe cô nó gọi cho hay ông đau, nó về thăm vừa đúng lúc thấy ông ngất xỉu khi đang cắt cỏ. Thế là nó gọi xe cứu thương, đưa ông đi bệnh viện. Từ đó đến nay đã hai tuần lễ, một mình nó trông nom bố, phải lấy hết ngày nghỉ trong hãng vì không biết đến bao lâu. Rồi thì ngày nghỉ của nó đã hết, chúng tôi bảo nó đi làm lại đi, thời buổi này dễ mất việc. Chúng tôi trực thay cháu ban ngày, đêm về nhà nghỉ. Còn nó đi làm về là tắm rửa rồi vô đây trực đêm - trông chừng anh…

Tiếng bà vợ ông bạn quen thuộc nhưng ông Tuấn nghe càng lúc càng xa xôi như từ đâu vọng lại chuỗi âm thanh mơ hồ… Ông Tuấn khen súp ngon, súp được trả lời là con trai ông nấu, nó nấu mỗi ngày để có sẵn khi anh tỉnh lại thì lót dạ… những âm thanh trôi trôi như mây chiều thấp. Ông Tuấn cảm nhận được cơn mưa làm mặt đất hồi sinh,… nhưng gió thổi mây bay khi thằng con bước vào phòng, nó chỉ hỏi “bố tỉnh rồi à?” ; “hai bác có thể về được rồi, cảm ơn hai bác…”

Khi vợ chồng ông bạn ra về, nó chỉ nói với ông: “Bố đã tỉnh thì để y tá chăm sóc cho bố. Con cần đi vì còn nhiều việc phải làm…” Và nó đã đi tới hôm ông xuất viện về nhà cũng không thấy mặt; cho tới hôm ông cô đơn nhất trong đời là một mình phải ra quyết định có tái giá hay không? Ngày xưa quyết định hôn nhân thật gọn gàng vì ông chỉ có cái lon thiếu úy trên vai; khác với tài sản bây giờ là: nhà, xe đã trả hết, cả trăm ngàn tiền bảo hiển nhân thọ của bà Tuấn còn chưa biết đầu tư vào đâu để thủ thân tuổi già… Chuyện tái giá không được ông đặt lên hàng hú hí; nhưng ông thực sự cần một người đàn bà trong nhà để hủ hỉ, bớt quạnh quẽ. Ông nhận lời giới thiệu của bà vợ ông bạn, về Việt Nam đưa người em gái của bà sang Mỹ. Cô ấy ngoài bốn mươi, đã ly dị chồng, có một con gái hai mươi,… Thoả thuận hợp nhất là không động đậy đến tài sản của ông, khi mẹ con người chưa biết mặt sang Mỹ thì tùy đôi bên, ưng thuận nhau thì bầu bạn tuổi già; bằng không trả đủ tiền dịch vụ cho ông theo giá thị trường.

Ông Tuấn nghĩ đến ơn nghĩa của dòng đời đã mất hết cho không từ khi chúa phật di cư sang hành tinh khác, bỏ mặc loài người săn đuổi tinh vi từng ước muốn tới đạt được… Nhưng ông đã không ngờ tình duyên thiên định, thế là bếp lửa lại bập bùng như xưa. Nhưng tình yêu đã theo người thiên cổ khi ông đắm đuối nhìn đôi giày số 6 khi đi bên người chân mang giày size 7; Những chiều đi thể dục buồn vương trong mắt ông nhạt nhoà, đâu rồi giọng nói thâm quen, khi ông nói: Em coi chừng đám nước tưới cỏ; câu trả lời quen thuộc xưa đâu, anh cũng cẩn thận đấy! Rồi nắm tay nhau đi qua tuổi già. Bây giờ, hạnh phúc với ai không biết, nhưng ông nghe xót xa… để em dẫn anh qua. Em dẫn qua được hôm nay, nhưng em không dẫn anh về được hôm qua. Ngày mai đáng sợ như đám mây trên đầu chực chờ mặt trời biếng nhác phút giây là xối xuống một cơn giông bão…

Cơn giông ấy đã đến hôm thằng con trai trở về nhà bất tử, nó trả tiền để lấy cái xe của mẹ nó; nó không thích người đàn nào khác lái cái xe đó. Tính nết con trai độc nhất trong nhà dần lộ ra giống nhau; ngày xưa mẹ ông cũng từng khổ tâm lắm lắm trong quan hệ của ông với ông nội nó; vợ ông cũng khổ nhiều trong quan hệ của ông với nó… Ông cũng không thương kính bố ông như văn chương trong trí phẩm của ông, nhưng nghĩ cho cùng hai người giống nhau thì làm sao thương thích được. Có đôi lời trong tâm phẩm khi viết về bố, ông đã không thành thật nói hết to lớn của tình yêu của mình - là lỗi của bố. Người đàn ông không bộc bạch tình cảm ra ngoài… Nhưng thằng con không làm dữ bằng hành động, chỉ có lời lẽ vô phép với ông, làm ông giận. Ông kêu cảnh sát đuổi nó ra khỏi nhà là được phép, luật pháp sẽ đứng về phía ông. Nhưng sao không làm được… với tâm phẩm đã delete khỏi computer nhưng vô phương xóa bỏ trong tâm thức. Đừng trách tự ái của ông cầm cái điện thoại trên tay như cây súng ngắn của vị chỉ huy ngày nào. Nhưng tâm phẩm lại hiện về… khi bóp cò vào đầu mình thì chỉ có một người chết - nếu cứu được hàng trăm sinh mạng binh sĩ thì ông sẽ làm. Dù ông chưa từng làm. Việc xử trảm một binh sĩ chống lệnh cũng chưa từng vì trong ông vẫn tồn tại hai con người đối nghịch nhau giữa suy nghĩ và hành động. Sao bây giờ bỏ cái điện thoại xuống cũng khó như xưa giận một tên lính bất tuân kỷ luật; không coi thượng cấp ra gì… nhưng xử hắn thì tình nghĩa sống chết có nhau biết bỏ đi đâu!

Có quá nhiều ngày xưa trong tuổi tác làm người ta cứng họng chứ đâu có người lớn tuổi nào muốn bỏ uy danh. Nhưng ngày ấy xưa khác, nhả một viên đạn khỏi nòng súng là cướp đi một mạng người; bây giờ gọi cú điện thoại chỉ là cảnh cáo; răn đe… Ông Tuấn bấm số - nhưng không kịp vợ ông. Bà ta giằng cái điện thoại, đập tan tành trước mặt ông. Quay qua nói với con trai ông, “Cháu cứ lấy cái xe đi, chìa khóa đây, không phải trả tiền gì hết! Cô xin lỗi vì không biết đó là xe của mẹ cháu. Cô chỉ nghe bố cháu nói là mua sẵn xe cho cô khi qua đây!

Bất cứ hôm nào, cháu ghé lại thì cô đưa giấy tờ xe, vì bây giờ, cô cũng không biết giấy tờ xe ở đâu…”

Hình ảnh cuối cùng của bà Tuấn đã được thằng con đem đi, cái xe màu đỏ lái ra khỏi sân nhà sẽ không bao giờ trở lại như một chuyến đi chợ, một ngày đi làm của vợ ông nữa. Người ta có quyền giữ di vật của vợ, nhưng ông trời cũng cho luôn người ta quyền được giữ di vật của mẹ. Những gì liên quan đến người đàn bà đều là tài sản vô giá của người đàn ông; vì người đàn ông là tài sản vô giá của người đàn bà. Họ chỉ khác nhau ở chỗ người đàn bà biết được tài sản mình có khi còn sống còn người đàn ông thì khi vợ chết, mẹ qua đời, người ta mới biết! Ông Tuấn đứng nhìn theo con đường im ỉm bóng đêm, không biết chữ nghĩa có diễn tả hết được những điều ông nghĩ cho một lần chứng kiến rời xa trong bất lực; cảm giác tranh chấp không thể bỏ qua nhưng lòng lại muốn thua chứ không ham thắng…

Chuyện ấy làm ông tức giận theo ngày tháng, nhưng lời khuyên êm ả bên tai làm chìm vào quên lãng nên ông không truy cứu nữa. Chiếc phong bì lớn, màu vàng, đựng giấy tờ xe nằm trên bệ lò sưởi đã mấy mùa dọn dẹp để trang hoàng Giáng sinh. Nó chẳng có giá trị gì nữa, trừ phi người có thẩm quyền báo cảnh sát là bị mất xe. Nhưng ông Tuấn không làm điều đó. Thề không với vong linh người vợ đã thành thiên cổ, thế trước mộ người đã mất giỗ mấy năm nay vì con cái không về, là lỗi tại ông. Chúng có họp mặt anh em để giỗ mẹ hay không cũng không cho bố biết. Cô chúng nó là tòng phạm bao che; vợ chồng ông bạn là người không tốt… lợi dụng nước đục thả câu, ra nhân nghĩa tính lời… nhớ đến những lời cô em ruột của mình xỉa xói, ông Tuấn giận sôi gan. Nhưng sao tát tai nó cho hả giận thì mặt mình xưng vù. Hai con người trong ông ngồi tự sự với chân dung bà Tuấn vì mai lại đến giỗ bà. Nhà không hương khói đã lâu, nhưng ảnh bà vẫn nguyên trên bệ lò sưởi. Có những người không rảnh nhưng vẫn thu xếp thời gian để đến nhà đọc kinh cho bà theo lời mời của người vợ sau. Có người thật lớn tuổi trong nhóm người một đạo ấy đã nói với ông: Chị nhà thật có phước. Tuy mất sớm nhưng thế này thế nọ… lại thêm người lớn tuổi không bỏ được thói trưởng thượng, điều đáng nói, nên nói thì không nói cho ông biết là ông nên làm gì với người vợ sau. Sau cái chết của người vợ trước, ông thấy cần thiết, nên tử tế với nhau trong thế giới ngắn ngủi này; ở thế giới vô biên không có người xấu nên không ai cần người tử tế cả. Ông muốn xài hết tử tế trước khi chầu trời, nhưng sao ông lại không muốn thấy cảnh giả dối trong mắt, không muốn thấy người vợ sau cúng giỗ người vợ trước thiếu thực tâm…

Ông muốn viết lại một chuyện lòng nhưng không cho ai biết nên ôm laptop ra Nhà sách Barnes & Noble Bookstores gần nhà, nơi ông có thể mua ly cà phê Starbucks bưng vào một góc nào đó. Nơi ông không bạn bè, người quen, và không khí thích hợp cho viết lách hơn một quán cà phê Việt Nam. Ông sẽ viết bằng hết can đảm và sự thật một lần để gác bút.

Ngày phác thảo đầu tiên đã xong cốt truyện, những phân đoạn theo từng thời kỳ lịch sử - ảnh hưởng đến từng gia đình sẽ được viết ra tại Barnes này. Ông Tuấn quen dần với không khí Barnes và cả những mặt người; hôm ông cười một mình, không ngờ người phụ nữ quen mặt, từng chào hỏi ông, hôm nay bà hỏi, “ông đang viết về người tình cũ hay sao mà tôi thấy ông cười một mình hoài?” Ông Tuấn nghiêm nghị trả lời, “Chiến tranh Việt Nam đã kết thúc gần 40 năm. Tôi trông chờ một tác phẩm lớn, nói về cuộc chiến tranh ấy và những hệ lụy của nó. Nhưng không ngờ chính mình phải làm một việc ngoài sức mình, bà ạ! Nhất là khi bạn bè tôi đã nhiều người ra đi…”

Ánh mắt thán phục một người lính; một nhà văn của chiến tranh Việt Nam của người phụ nữ Mỹ làm ông xúc động. Ông hứa với lương tâm phải xứng đáng với sự thán phục đó. Nhưng đêm về đọc lại những trang viết trong ngày chỉ hoàn toàn trí phẩm, không chạy tội thì đánh bóng mình; sự thật không đối chất đã theo những người quá cố từ lâu. Có nên tự trọng một chút, không giá trị khi đã muộn màng nhưng cũng an ủi được vong linh người quá vãng; những trang viết về gia đình cũng không thật thà như lời hứa đã ghi tạc trong lòng… Nhiều ngày cặm cụi viết ngoài nhà sách; nhiều đêm đọc lại một đoạn đời; những đoạn đời kết nối từ sai sót này đến thất bại kia thật và hợp lý đến không ngờ; những tưởng tượng oan trái như một bà già ở trần… ông đã hình thành một trí phầm ngoài tưởng tượng nhưng không viết nổi một tâm phẩm hằng mong. Nên thay cho dấu chấm hết một chuyện lòng thầm kín là cái nhấp chuột vào khung delete. Cũng như bao nhiêu người đã xuôi tay, chỉ làm ô nhiễm mạch nước ngầm của người còn sống. Ông bằng lòng góp thêm tí ô nhiễm còn hơn ô uế nếu để tên tuổi mình lớn thêm chút nữa… Người sắp chết thường có lời nói phải từ những ăn năn do điện sống vơi cạn… ông Tuấn linh tính mình sắp qua đời.

Ông Tuấn thở dài cho hết nỗi thất vọng để thử làm người một lần. Mạnh dạn mở phong thơ đã để trên bàn mấy ngày; trong căn nhà vắng người mà ông cũng chẳng biết họ đi đâu, chỉ biết vở kịch đã hạ màn. Phong thơ mở ra cả cõi lòng người vợ sau nức nở, “Cảm ơn anh đã giúp đỡ mẹ con em được sang định cư ở Mỹ, để con em có tương lai. Về đời em, đã kể bỏ từ sau đổ vỡ cuộc hôn nhân trước. Em đã không hy vọng gì ở cuộc hôn nhân sau từ vụ chiếc xe của vợ trước của anh. Em thương cảm chị ấy nên thành tâm cúng giỗ là lòng thành của em. Mời những người thương em và em tin tưởng họ về nhà đọc kinh cho một người không có đạo là chuyện hoang đường như anh nói nhưng anh đã không cấm cản là ơn em mang. Không cần anh hiểu đúng hay sai vì em tin vong linh chị hiểu được. Nói đến cùng là em xin được cảm ơn anh đã giúp đỡ mẹ con em. Chuyện tình duyên không cưỡng cầu được, và ở tuổi chúng ta không thể nói đến bồng bột gì nữa. Em xin gởi anh khoản tiền theo thoả thuận của chị em đã nói với anh trước đây. Cảm ơn anh với tất cả lòng thành về sự giúp đỡ mà anh đã ban cho mẹ con em mấy năm qua…
Xin ơn trên ban phúc cho anh được bình an, sức khoẻ, để viết gì anh muốn. Chuyện ly dị của chúng ta đến nay đã đủ thời gian để tiến hành. Mong anh tha thứ và chấp thuận. Tạm thời, mẹ con em dọn ra ngoài ở để anh tiện suy nghĩ…”

Ông Tuấn cười khùng khục trong tiếng ho vì mấy hôm nay hút thuốc lá lại nhiều, cười man dại vắt lên trần thế, ngã xuống địa phủ còn chưa hết nực cười những người đàn bà đã mang lời khấn nhỏ, bỏ ông đứng bên đời kia…

Phan