- Chút trưa có người hứa đến nhà đề coi
miếng đất Vũng Tàu. Em phải đi quận Bảy
lo cho xong thủ tục sang tên căn nhà ở Phú Thạnh Mỹ,...lần này không để mất một cách vô duyên nữa. Tụi nó chỉ thừa chút sơ hở của mình là nắm
ngay cơ hội trở giọng. Chị tiếp khách
dùm em được không?
- Được. Nhưng Thuận phải biết một số chi
tiết cần thiết để nói chuyện với khách.
- Địa thế miếng đất, chị đã thấy hôm chị
ra Vũng Tàu. Giấy tờ trong tập hồ sơ,
giá cả thì em ghi đây. Chị tùy cơ ứng
biến, khơi đầu là giá vòng viết xanh, không dưới giá đã được vòng viết đỏ
này. Vấn đề chi phí sang tên thì chia
hai, mình lo được chuyện này vì em có vài quen biết khu vực đó. Còn nếu họ tự lo được thì giảm năm triệu, tùy
trường hợp, có thể họ thấy lời, có quen biết thì rẻ và nhanh.
Minh nhìn người chị, năm mươi tuổi, ở cái
tuổi có người đã làm sui gia mà còn hỏi một câu ngớ ngẫn như thế. Chị này ngày
xưa cũng đã từng buôn bán chợ trời, chạy hàng thuốc Tây mấy năm ngoài Trương
Công Định. Qua Đức hơn hai mươi năm hình
như chị khờ ra. Rồi Minh lại cười
thầm. Nhưng biết đâu cái thật thà được
điểm trang bằng lối nói chuyện duyên dáng chân thật sẽ là căn bản cho những giao
tế kiểu này. Chỉ mong chị đừng thật lòng
quá đi thôi, không hỏi mà tự khai. Thôi
kệ, để chị xoay trở, biết đâu! Thật lòng
là ăn bản làm ăn ít ai đạt được trong thời buổi tiền trao cháo múc này. Chữ tín nghĩa ai cũng ao ước được trọng dụng
nhưng không mấy ai dùng tới.
Minh trả lời nửa thật nửa
đùa:
- Đen thành xám, vàng thành cam... đủ
rồi... nói chứ, có sao nói vậy là tốt nhất, được giá em đã ấn định là mình cũng
lời nhiều lắm, trên càng tốt.
- Thuận cũng sẽ không nói xám thành
trắng, hồng thành đỏ đâu nhá, hỏi gì nói đó, không tự khai tự tố là được rồi chớ
gì. Ông này mua đất để cất nhà
ở?
- Theo như nói chuyện qua điện thoại thì
ông định cất nhà nghỉ mát. Chắc thuộc
loại khá giả, gia đình đâu ra đó mới nghĩ đến chuyện xây nhà nghỉ mát. Nhưng không biết khá giả kiểu nào
đây.
- Sao vậy? Người Nam hay Bắc?
- Lúc này, bị dân Sài Gòn cạnh mặt, dân
Bắc giả giọng Nam để giao thiệp làm ăn cũng nhiều lắm. Biết đâu mà lường. Hy vọng ông thuộc dân chí thú làm ăn, gầy
dựng cơ nghiệp bằng trí óc bằng đôi bàn tay.
- Sao vậy?
- Gặp dân này, họ chắc chiu từng triệu
nhưng kinh nghiệm cho thấy họ đáng tin cạy, dễ giao tế hơn. Dân ngồi không hưởng lộc, dân gốc bự ăn chận
ăn bớt của nhân dân, đơn vị tiền bạc của họ là dollar Franklin và cây, em ngán
lắm. Khi họ muốn, giá nào họ cũng mua,
sơ hở là họ trở giọng, có cơ hội là họ lật lọng, có kiện thì vác đơn ra Hà Nội
mà kiện. Gặp toàn thứ dữ, toàn con cháu
bí thư, họa mang vào thân. Dân này khôn
lắm. Lúc đầu giao tế, không bao giờ nhắc
đến gốc đảng chân bí thư của chú của
bác. Đến chừng gặp chuyện, họ đưa lý
lịch ra, mình chỉ có nước năn nỉ cho được thua sớm. Phải gặp mặt, nói chuyện thì
mới dễ phán đoán, mới tùy cơ ứng biến.
He... he... đây là lúc chị thử tập vào con đường làm ăn ở kỷ nguyên mới
của Việt Nam mới. Hy vọng ông này thực
lòng muốn mua.
- Không sao, để Thuận câu khách cho, bảo
đảm ông sẽ trở lại lần nữa, chừng đó là do Minh quyết định giá cuối
cùng.
- Chị đừng lo. Chuyện buôn bán nhà đất phải qua lại cả chục
lần mới xong. Quan trọng là ấn tượng
giao tế lúc ban đầu. Tin được nhau thì buôn bán dễ lắm. Tiếc là con người ở đây đã bị tiêm nhiễm tính
nghi ngờ từ hồi nào không ai hay biết.
Anh chị ở nước ngoài về, lòng tin người còn tràn
đầy.
- Minh coi, Thuận về lần này là lần thứ
năm, Thuận đâu có bị ai lừa lần nào đâu.
Thuận già đầu rồi mà cứ bị má dặn dò thế này, Minh nhắc nhở thế
kia.
Minh cười cười, chọc
chị:
- Chị bị lừa mà không biết hay không quan
tâm tới, thế mới hay, thế mới đáng sống.
Chị không bị phân tâm, không bị bực bội vì ai đó qua mặt, ai đó không
thật lòng cho nên chị sống nhởn nhơ yêu đời.
Cái hay của anh chị sống lâu năm ở nước ngoài là thế đó, đáng để tụi em
học hỏi. Em không hiểu xã hội ở Âu Mỹ
như thế nào, sinh hoạt bên đó ra sao, chứ em thấy anh chị, xin lỗi nghen, hiểu
người nông cạn lắm. Không, không... em
dùng chữ nông cạn không đúng lắm. Phải
nói là tin người mà không ngó trước ngó sau.
Thêm vào tấm lòng thông cảm dễ dãi đôi khi người ta tưởng mình khờ. Phải nói là... gì nhỉ… là anh chị nhìn được
những mặt tốt của mỗi người, nhìn người bao dung hơn. Hay là tại đời sống đầy đủ
quá.
- Minh nói vậy không đúng. Như vậy có nghĩa là chỉ người giàu có đầy đủ
mới biết trọng chữ tín, biết tin người, biết yêu người sao. Xã hội tạo nên con người đó Minh. Sinh hoạt xã hội Âu Mỹ được đặt trên nền tảng
ý thức và tín cẩn. Guồng máy chạy đều,
chạy nhanh là do đa số biết có tinh thần trách nhiệm và tương
đồng.
- Chà, ý thức và tín cẩn, trách nhiệm và
tương đồng, mấy chữ này khó tìm thấy ở Việt Nam mình bây giờ lắm cho nên guồng
máy xã hội từ công đến tư chạy cà dựt cà tang, nghi ngờ nhau, tìm khẻ hở để lợi
dụng, chụp dựt... làm đời sống hàng ngày không tìm được giây phút thoải
mái.
- Ngày xưa, qua phim ảnh, sách báo, mình
thường chê con người của xã hội Âu Mỹ chỉ biết chạy theo vật chất, hời hợt bề
ngoài. Sống trong lòng xã hội đó, tiêm
nhiễm văn hóa đó, qua văn chương sách báo, dần dần Thuận mới thấy cái của cải
vật chất không là đích sống của rất nhiều người, đời sống nghiêng nhiều về những
giá trị tinh thần. Về đây, thấy đời sống
quay nhòng nhòng, không ai tin ai, Thuận ngán ơi là ngán. Coi bộ ý tưởng về Việt Nam dưỡng già hơi bị
lung lay, Thuận sợ hoặc là mình bị lôi cuốn theo hoặc là mình bị loại bỏ. Thôi, Minh đi công chuyện
đi.
- Bỏ bùa ông này nghen chị
Thuận.
- Già rồi Minh
ơi!
- Em không nói sắc đẹp, em muốn nói sự
thật lòng, tạo niềm tin từ khởi đầu là đầu mối thành công trong những vụ mua bán
của mình đó mà.
Cửa tiệm bán vật liệu xây dựng, trang
bị nội thất nằm trên một trong những con đường chính của vùng Phú Lâm, ngoại ô
Sài Gòn. Xe cộ ngơp ngớp, tiếng còi inh
ả không bao giờ dứt, mái che bằng vải cứng sọc xanh trắng không cản nổi cái nắng
hanh hanh hắt từ mặt lộ nhựa đen. Phòng
tiếp khách nằm khuất sau mặt tiền buôn bán, hơi tối, im lìm dưới cánh quạt trần
quay đều đều. Thuận thức dậy sau một giờ ngủ trưa ngắn ngủi, nhìn đồng hồ, hai
giờ thiếu mười lăm. Người muốn mua miếng
đất ở Vũng Tàu hẹn đến lúc hai giờ. Ly
sữa đậu nành lạnh mát làm Thuận thức hẳn.
Ngồi đong đưa trên chiến võng treo ngang ngăn phòng tiếp khách và cửa
tiệm, Thuận lật coi những chi tiết về miếng đất sẽ bán để chuẩn bị nói chuyện
với khách.
Hơn mười phút rồi, vẫn không thấy ai
tới. Thuận rủa thầm: ”Lại kiểu lề mề
không bao giờ đúng hẹn. Hừm… biết bao
giờ mới bỏ được thói quen kỳ cục này đây.”
Tiếng xe đậu trước cửa tiệm. Thuận nhìn ra đường. Một người đàn ông bước ra khỏi xe, quay lại
dặn dò tài xế vài câu, vội vã đi vào cửa tiệm.
Thuận đứng dậy, vắt cái võng qua môt bên, nghe tiếng người đàn ông hỏi,
giọng Nam trăm phần trăm:
- Cô Minh có nhà
không cháu?
Đã được dặn trước,
Chung đứng quầy thâu tiền quay vô trong, kêu:
- Dì Thuận, có
khách.
Rồi lễ phép nói với ông
khách:
- Chú vô nhà trong.
Bốn mắt nhìn nhau. Thuận nơi bước lùi. Hình như người đàn ông cũng bất ngờ đứng lại,
từ ngoài nắng chói bước vào khung cửa hơi tối, căn phòng như mờ hơn.
Định tâm, hơi im lặng trong bỡ ngỡ. Nén lời thốt, ráng giữ lại bình tĩnh, Thuận
đưa tay ra. Người đàn ông hơi chút ngần
ngại vì lối chào này, nhưng cũng bắt tay, giữ tay Thuận lâu hơn,
hỏi:
- Chị... cô… hơi quen quen.
Bản tính nghịch ngợm cố hữu trở lại không
báo trước, không phân biệt tuổi tác, bụng nhủ lòng: “Đúng hắn!” Thuận trả lời:
- Sáu điểm.
Ánh mắt người đàn ông sáng lên, chung
cuộc vui, người đàn ông nói tiếp:
- Cao Đẳng Mỹ
Thuật?
- Bảy điểm.
- Em của Bình học bên
Luật?
- Tám điểm.
- Nhà ở gần Cầu Bông, Đa
Kao?
- Chín điểm. Chấm dứt.
Chào anh Dũng.
- Cô còn nhớ tên tôi! Để coi, đúng ba mươi mốt ba mươi hai năm rồi
còn gì.
Khá lắm, khá lắm, hân hạnh lắm
thay. Mười điểm. Không cho tôi cơ hội đạt điểm mười sao? Không ngờ, không ngờ… tôi có hẹn với cô Minh
để bàn mua miếng đất ở Vũng Tàu mà.
- Minh là em út của tụi này. Nhà dọn ra đây từ sau bảy mươi lăm. Bây giờ anh Dũng còn dám mua miếng đất này
nữa không?
- Sợ ai mà không dám. Nhưng chuyện mua đất phải dẹp qua một
bên. Bây giờ tôi muốn hỏi thăm Bình,
thăm Thuận.
- Hồi đó Thuận có quen anh Dũng đâu mà
đòi hỏi thăm Thuận.
- Tôi có gặp Liên, bạn thân của
Bình. Thuận nhớ chị Liên ở Hốc Môn
không? Liên kể là chị em nhà Bình đi
vượt biên hết rồi, Hai chị em Bình và Thuận đều có chồng Đức, chỉ còn người em
út ở lại với hai bác thôi. Bình có về
thăm Việt Nam với Thuận không? Sao, ông
xã đâu, Thuận về Việt Nam một mình à.
Hai bác còn khoẻ không? Cho tôi
chào hai bác, mặc dù ngày xưa…
- Ha… ha… ngày xưa. Ờ há, xưa quá rồi. Để coi, anh Dũng hỏi gì mà hỏi một hơi dài,
để từ từ Thuận trả lời. À, Thuận về với
cả gia đình đó chớ. Nhưng ông xã và các
cháu về lại Hamburg trước, để Thuận được có hai tuần gần gũi với má, tự do với
má đó mà. Hừm… về Việt Nam, rồi về
Hamburg… không biết nơi nào để gọi là về cho đúng đây… Ba
Thuận…
Thấy hai cậu đứng bán hàng và Chung ngồi
quầy thâu ngân tò mò ngóng tai nghe, thỉnh thoảng quay lại nhìn vì lối nói
chuyện khó hiểu của hai người, Thuận mời
- Mời anh Dũng lên phòng khách trên
lầu.
Không đợi người đàn ông, Thuận ôm trước
ngực tập hồ sơ giấy tờ, hình chụp cuộc đất, bước những bước nhanh nhẹn lên lầu,
lòng lâng lâng.
***
Trên tầng lầu nhà hàng Thanh Thế, người đàn ông ngồi cạnh cửa sổ,
nhìn xuống đường Nguyễn Trung Trực phía dưới.
Tự nhiên trong tìm thức hối thúc, ông ngóng nhìn qua bên kia đường, tìm
kiếm. Con hẻm rộng thông từ đường Công
Lý qua thương xá Eden cạnh tiệm bán thực phẩm dành cho người ngoại quốc, người
ra người vô khá tấp nập khi cơn mưa cuối tháng bảy vừa ráo nước.
...Lâu lắm rồi, hơn ba mươi năm không
chừng, cũng nhà hàng này nhưng tầng trệt.
Cửa tiệm cà phê nổi tiếng bánh paté chaud, nơi tập trung các gương mặt
trẻ Sài Gòn. Bàn ghế bày tràn ra lề
đường, khách ngồi đây hàng giờ để nhìn ngắm những tà áo xanh mát mắt, chấm điểm
đôi giò thon, khen mái tóc chảy dài, chê dáng đi hấp tấp... Chàng sinh viên năm
thứ ba trường Luật đang ngồi nhâm nhi ly cà phê với vài người bạn sau bữa ăn
sáng nhẹ. Nhâm nhi kéo dài đến gần trưa,
trưa chủ nhật lắm nàng dạo phố. Ánh mắt
chàng sinh viên sáng lên khi nhận ra hai cô gái vừa bước khỏi con hẻm thương xá
Eden. Hai nàng xấp xỉ tuổi nhau, cũng
cao gầy, cũng mái tóc dài thướt tha, gương mặt xương xương, trông như hai chị em
sinh đôi. Một cô quần pat nhung xanh
lợt, áo thun trắng sọc xanh đậm. Một cô
quần pat hồng phấn, áo thun trắng có hình hoa hippie lớn màu hồng trước
ngực. Hai chị em Bình và Thuận, anh
chàng reo lên trong lòng, vội chạy nhanh qua đường. Hai cô ngừng lại. Anh chàng rối
rít:
- Hai chị em đi
phố?
Cô mặc áo thun trắng sọc xanh đậm hình
như đang bực chuyện gì đó, hơi nhíu mày vì câu hỏi vô duyên thừa thãi của anh
chàng học chung ban, trả lời cụt ngủn:
- Ờ.
Xoay người, chỉ hướng quán Thanh Thế bên
kia đường, anh chàng mời:
- Hai chị em vào quán dùng nước cam, Dũng
đang ngồi với mấy người bạn bên đó.
Tránh ánh mắt anh chàng đương chiếu vô
mặt mình, Thuận ngó chị, chờ. Không cần
hỏi ý em, Bình trả lời ngay:
- Tụi này phải
về.
Bình kéo tay
Thuận:
- Đi.
Anh chàng tiu nghỉu...
Và bây giờ, Thuận nhận lời đi ăn tối
với Dũng. Dũng không ngờ, ba mươi mốt
năm sau, người con gái đã một lần hiện diện trong những ước mơ trai trẻ còn quá
rụt rè. Cũng tại nhà hàng Thanh Thế, một
lựa chọn có hậu ý.
Người đàn ông tóc đã
có những cọng bạc lấm tấm nơi mang tai, tần ngần nhìn
Thuận:
- Nếu ngày xưa…
Thuận tiếp
theo:
- … Nếu ngày xưa anh Dũng dạn hơn chút
nữa thì sẽ ra sau nhỉ.
- Anh có lại trường Cao Đẳng Mỹ Thuật ở
Phan Đăng Lưu Gia Định hai lần. Lần nào
cũng thấy Thuận ra cổng, không ngó ngàng gì đến kẻ đang đứng dậy từ quán cà phê
bên cổng trường, Thuận đi thẳng tới ngồi sau xe người bạn trai đang chờ sẵn… Anh
thụt lui.
- Ô… Lúc đó Thuận không cặp với ai
hết. Thuận… oan Thị Kính… lúc đó đám bạn
Thuận trai gái thân nhau lắm, hay đưa đón nhau vậy thôi. Chắc bữa đó chị Bình lấy xe nên Thuận quá
giang xe của Phương hay Quang đó mà.
Toàn là bạn khơi khơi không hà, hổng bồ hổng bịch gì hết
há.
- Làm sao anh biết được đó là bạn khơi
khơi, tưởng Thuận đã có chủ. Thuận biết
anh thường dành đi đón Bình những lúc nhóm bạn tổ chức đi chơi là vì anh muốn
gặp Thuận không?
- Chị Bình có thắc mắc:"Không biết sao
mà anh chàng Dũng cứ đòi đến đón tao, đưa tao về hoài. Tao biết chắc chắn là hắn ta không theo đuổi
tao." Thuận có linh cảm… Thuận
chờ…
- Thuận chờ! Trời ơi!
Đúng là non dạ. Ngu ơi là ngu,
nhát ơi là nhát. Nhưng mỗi lần đến đón
Bình, anh ngừng xe trưóc nhà, nhìn vào tìm Thuận. Thuận thường ngồi làm cái gì đó ở cạnh cửa
sổ, thấy anh, Thuận đi khuất chỗ khác, anh thất vọng quá, người đẹp bên song cửa
khó tánh quá.
- Người ta mắc cở đó anh, tại anh cứ nhìn
chăm chăm hướng cửa sổ, bàn học của Thuận, ai mà dám ngồi đó lâu. À, sao lúc đó anh Dũng biết
Thuận?
- Thuận nhớ bữa trưa anh và Hoàng đến tìm
Bình?
- Anh Hoàng theo chị Bình phải
không?
- Thì đó, Hoàng rủ anh lại thăm
Bình. Không có Bình ở nhà, còn Thuận thì
trả lời nhát gừng như muốn đuổi bọn anh.
Vậy mà anh mê cô nàng từ bữa trưa đó.
- Trời đất! Thuận nhớ rồi. Hôm đó mới ngủ trưa dậy, lò mò ra phòng khách
tìm trong tủ lạnh có cái gì nhâm nhi cho đỡ buồn. Ai ngờ hai ông tướng đứng chần dần trước mặt.
Con nhỏ mặt mũi chưa tỉnh giấc ngủ con gái pha nhiều hồng tím, áo cánh phong
phanh, chưa kịp mặc áo ngực. Con nhỏ xấu
hổ quá, đuổi hai ông đi cho lẹ.
- Bởi vậy, chính gương mặt sáng tươi sau
giấc ngủ trưa, chính dáng vẻ ngơ ngơ ngáo ngáo đã làm anh ngớ ngẩn luôn từ
đó. Anh theo hỏi Bình. Lần nào Bình cũng gạt ngang: "Con nhỏ đó
biết gì mà hỏi đến nó, bạn bè tứ chiếng, ăn nói du
côn..."
- Trời, bà chị coi thường con em quá sức
mà. Thuận thua chị Bình có hai tuổi chớ
mấy. Vậy mà lúc nào cũng mắng Thuận lóc
nhóc, du côn. Sao anh Hoàng và anh Dũng
không tìm đến nhà nhiều lần nữa? Theo ai
thì theo cho tới cùng chớ. Lơ lửng kiểu
đó ai mà biết.
- Bình chê Hoàng thẳng tay làm anh hết
dịp đến nhà tìm Bình. Có lần anh bảo
Bình rủ Thuận đi chơi chung với bọn anh, Bình biểu: "Thuận nó có đám bạn của
nó, đi chơi cả ngày, không thèm đi với mình đâu, rủ chi cho mắc
công."
- Bà chị toàn là phá đám không hà, không
tâm lý chút nào hết trơn. Sau này chị
Bình có kể cho Thuận nghe. Thuận tiếc,
Thuận hỏi lý do tại sao chị không cho em theo với nhóm bạn của chị. Té ra chị Bình sợ bạn bè biết là hai chị em
mặc quần áo chung. Ba chị em Thuận cùng
dáng vóc, cùng chịu một mốt nên quần áo giày dép, chi chi cũng chung hết. Bởi vậy tụi bạn lúc đó cứ trầm trồ Thuận có
nhiều quần áo. Bà chị…
- Thuận tiếc? Ba mươi mốt năm, anh thường nghĩ đến Thuận,
thường thắc mắc… nếu… nếu. Anh tiếc
Thuận ạ. Anh cứ mong gặp Liên để nghe
Liên kể về chị em Bình và Thuận, nhưng… không lẽ… ba mươi mốt năm Thuận ạ, nghĩ
hoài đến Thuận, tiếc hoài.
- … Sao anh không hỏi… sao anh không hỏi
những ngày em còn không.
- Có phải chim đang trong lồng, cá đã mắc
câu… Thuận, gia đình Thuận hạnh phúc?
Thuận ngã lưng dựa
vào thành ghế mây, chống tay lên thành ghế, mấy ngón tay luồn vào mái tóc vẫn
còn bóng mượt, tránh mắt Dũng, trả lời, như trả lời cho chính
mình:
- Chim tự tìm lồng, cá tự tìm câu… Hạnh
phúc… hạnh phúc mỗi gia đình đều tương tợ như nhau, cùng một mẫu số chung… Gia
đình Thuận có chung mẫu số đó. Chim ở
trong lồng nhưng chim không muốn tìm đường thoát vì chim vui với cái lồng
son. Cá đã cắn câu nhưng cá không vùng
vẫy tìm cách gỡ bởi cá yên ổn trong hồ nước ấm.
Chỉ tay xuống hướng thương xá bên kia
đường, Dũng hỏi:
- Thuận nhớ sáng chủ nhật anh chạy từ bên
đây sang đường để mời Thuận và Bình vào quán khi anh thấy hai nàng vừa bước ra
khỏi thương xá Eden. Nhưng chẳng cô nào
chịu vào quán cả làm anh tiu nghỉu.
-
Nhớ chứ. Tại chị Bình đó. Không hiểu sao lúc đó chị Bình cau có. Đúng rồi, nhớ rồi, tiệm đóng chưa xong đôi
giày chị Bình đã đặt, chị đang cáu, chị kéo Thuận đi, không thèm hỏi ý Thuận gì
hết. Thuận muốn vào quán lắm chớ. Thuận cũng tiu nghỉu
nữa
- Thuận cũng tiu nghỉu nữa! Nhiều khi anh nghĩ, nếu hôm đó hai nàng chịu
theo anh vào quán thì anh có dịp quen Thuận, thì… không biết ra sao Thuận
nhỉ. À, mà Thuận
này.
- Chi anh?
- Thuận có nhớ hồi năm… hình như khoảng
năm bảy tám, bảy chín thì phải, anh gặp Thuận cặp tay với một anh chàng nào đó
dung dăng dung dẻ quanh thương xá Tam Đa.
Anh chạy theo ra tới Nguyễn Huệ.
Thuận biết anh nhìn theo? Thuận
quay người lại nhìn anh mà, phải không, Thuận nhận ra anh phải không? Anh chàng đó biến đâu mất tiêu
rồi?
- Anh Dũng ăn gian há. Anh Dũng chỉ nhớ Thuận cặp tay anh chàng nào
đó mà anh Dũng không nhắc là anh Dũng đang ngồi với cô nào đó trong cửa tiệm
trên tầng lầu gần cầu thang cong. Thuận
nhận ra anh khi đi ngang cửa tiệm. Chị
đó có biến mất tiêu rồi không?
- Không, lúc đó mới bồ, bây giờ là vợ
anh, mẹ của hai quí tử và một công nương.
- Anh có con trai đầu
lòng?
- Ờ, hai mươi lăm, vừa ra trường được
viện Đại Học Cần Thơ nhận. Thôi gả con
gái Thuận cho con trai anh đi nha.
- Ý anh muốn nói tụi mình không thành thì
trao duyên cho con hả. Bằng cấp con anh
Dũng có thiệt không đó.
- Trăm phần trăm. Anh làm ăn chân chính. Con anh học hành đàng hoàng. Nhờ gia đình giúp vốn ban đầu, biết nắm lấy
thời cơ, hai vợ chồng gầy dựng cho tới ngày hôm nay. Đồng tiền, của cải, bằng cấp các con nhà anh
là do trí óc do bàn tay do mồ hôi tạo nên.
Thuận nghĩ là duyên mình không thành?
- Thì anh Dũng coi đó. Ai cũng yên vui chuyện nhà. Duyên có hồi nào đâu mà gọi là duyên không
thành. Mình không duyên không nợ, khỏe
re, không phải rên rỉ… nếu… nếu ngày ấy mình đừng quen nhau thì ngày nay có đâu
buồn đau…
- Thế sao Thuận không hát… nếu… nếu ngày
ấy mình gần bên nhau thì ngày nay…
- Đâu có ai buồn đau… ơ… cái này chỉ là
thuận miệng thôi nha.
- Thuận này.
- Chi anh?
- Thuận có tiếc
không?
- Không nên gọi là tiếc anh Dũng ạ. Người ta tiếc khi người ta không bằng lòng
với hiện tại. Đôi lúc đi dạo một mình,
để tư tưởng lang thang tìm vui với Sài Gòn thủa mộng mơ, Thuận phải tự thú là
Thuận có nghĩ đến anh Dũng, thỉnh thoảng thôi nha. Thuận chỉ thắc mắc …nếu… lại nếu nữa… nếu
trưa chủ nhật hôm ấy, chị Bình nhận lời anh mời vào quán cà phê dưới đây thì …
hừm …có thể …có thể …con đường Duy Tân cây dài bóng mát… rồi tới đâu nữa anh
Dũng nhỉ.
- Nhưng anh tiếc. Anh tiếc không vì không bằng lòng với hiện
tại. Anh tiếc thời sinh viên mình không
có được một mối tình để được uống môi em ngọt …uống ly chanh đường. Sau bảy mươi lăm, anh may mắn chỉ là chuẩn úy
nên bị tù không hơn hai năm là ra. Gặp
Thảo, vợ anh bây giờ. Lúc đó đời sống
chạy gạo từng ngày, hai đứa chạy hàng chợ trời ở Huỳnh Thúc Kháng, Chợ Cũ, không
chút lãng mạng, không chút thơ văn, không đưa đón, không theo đuổi. Làm ăn, gặp nhau, giúp đỡ nhau rồi tình cảm
nẩy nở. Anh tiếc thời sinh viên Thuận ạ,
tiếc là mình nhút nhát, mình chịu thua quá sớm.
Bây giờ biết Thuận lúc đó cũng để ý đến anh, anh càng tiếc.
- Ờ, tại chị Bình hay nhắc đến anh Dũng
và lúc đó anh cũng ngon lành lắm nên Thuận mới để ý. Để coi, anh chàng sinh viên trường Luật, con nhà coi bộ khá giả, không
khá giả làm sao dám ngồi Thanh Thế ăn sáng, có xe, cao ráo, có mấy ai được gần
thước tám như anh, khá đẹp trai. Anh
ngon lành thế mà sao lúc đó anh không có bồ? Thuận tưởng anh có bồ nên chẳng
thèm ngó ngàng gì đến con nhỏ Thuận du côn nữa chứ. Anh đăng lính vô Thủ Đức chi vậy, bộ thất
tình ai hả.
- Đã biểu là anh không có một mối tình
thời sinh viên nào. Được thất tình thì
hay biết mấy.
- Thuận này!
- Chi anh?
- Bộ mình không có duyên với nhau thật
sao?
- Không duyên cho nên không
nợ.
- Thuận còn nợ anh. Anh có còn nợ em
không?
Nét xúc động hiện rõ trên gương mặt người
đàn ông vừa qua tuổi năm mươi hơi phinh phính vì dư thừa bia thịt. Đôi mắt không còn to tròn, không còn trong,
nhìn đắm đuối người thiếu phụ bên kia bàn.
Ông đã thốt ra lời, tuổi đời đã cho ông
sự dạn dĩ, đường đời thành công đã cho ông niềm tự tin. Ông với nắm bàn tay đeo chiếc nhẫn vàng mười
tám nơi ngón tay áp út để hờ hững trên bàn như mời gọi. Những ngón tay mảnh dẻ được điểm trang kín
đáo bằng lớp sơn màu hồng da bóng lợt thật lợt, bàn tay có những đường gân xanh
và lớp da có nhiều đường ngang dọc, để yên, bởi chỉ cần một nhích động nhỏ sẽ là
dấu hiệu mời gọi tiến tới.
Đôi mắt nâu người thiếu phụ vừa tròn năm
mươi, ươn ướt, mi mắt không còn hàng mi cong, xụp nặng theo tuổi đời, chớp
nhanh. Quay nhìn ra cửa sổ, nhìn xuống
đường. Cơn mưa cuối tháng bảy đổ xuống
lúc nào cả hai đều không để ý. Đèn đường
đã lên từ lâu, chỉ còn vài chiếc Honda
ráng đội mưa, chạy nhanh, nước văng tung tóe.
Cũng khúc đường này, cách đây ba tuần,
buổi tối mưa hoài không chịu ngưng.
Thuận ngồi phía sau, vòng tay ôm bụng Harald, dụi đầu vào lưng chồng
trong chiếc poncho được trùm phủ cho cả hai.
Thuận thích chí cười dòn vì Harald nghe lời xúi của vợ, phá luật đi
đường, lên ga chiếc Dream, phóng nhanh, băng qua ngã tư Lê Lợi-Nguyễn Trung
Trực, lạng một đường tài tử, quẹo trái, hướng về đường Tự Do cho kịp buổi hòa
tấu ở nhạc viện quốc gia.
Thuận rút tay, nói
nhỏ:
- Anh Dũng cho Thuận
về.
- Còn sớm Thuận, anh đã đặt vé coi hòa
nhạc.
- Như vậy khuya lắm... hi...hi...nghe như
hồi còn trẻ... sợ ba la! Nói chứ, Thuận
muốn về.
- Chừng nào em về lại
Đức?
- Sáu ngày nữa.
- Sáu ngày nữa! Phải chi anh hẹn đến nhà gặp cô Minh sớm hơn
thì được gặp....
- Thì chừng đó chưa chắc Thuận có nhà...
Trời an bày hết rồi anh Dũng ơi.
***
Nhìn bình hoa hồng trắng trên bàn sa long, cành phong lan trắng ửng
nhụy vàng nhẹ trên bàn phấn, lòng Thuận vui vui. Cảm giác được lưu tâm, được chiều chuộng từ
một người khác phái sống lại. Taxi đón,
taxi đưa về, hoa mỗi ngày, bàn ăn khăn tím thẫm trong phòng kín đáo, thính phòng
ấm cúng chứa không quá hai mươi người chỉ chơi nhạc trước bảy mươi lăm, xiết
vai, đôi môi mơn man trên tóc mượt, hơi thở thoáng mùi rượu
thơm...
Người đàn ông vừa quá năm mươi, đường đời
thành công, sẽ tiếp tục thành công, gia đình êm ấm, mang nhiều dự tính cho các
con, cho vợ chồng những ngày không còn làm việc. Người đàn ông sống đời gương mẫu đúng như ao
ước của đa số đàn bà. Bên cạnh đó, ngọn
nến thời trai trẻ thỉnh thoảng lóe lên, tạo nên những ước mơ nho nhỏ không thành
hình. Gương mặt những người bạn thời áo
trắng, thời vừa biết nằm rừng; hình dáng những tà áo thướt tha, miệng cười dòn
dã, ánh mắt liếc nhanh, đưa đến những nuối tiếc mộng mơ. Và bây giờ, gương mặt tươi sáng ngày nào đã
từng hiện trong giấc mơ thời xưa trẻ, bất chợt hiện diện, rực rỡ mà nhói đau,
nắm được đó mà tưởng chừng như không thực.
Bản năng chinh phục sống dậy, hối thúc, mạnh dần, hối hả, sợ, sợ không
còn cơ hội, sợ đáng mất lần nữa.
Người thiếu phụ sống yên vui với gia đình,
yên vui với hạnh phúc mù mờ không thể đếm trên đầu bàn tay, hạnh phúc mờ mờ len
lõi phủ bao đời sống hàng ngày nên người nhận không quan tâm tới. Người thiếu phụ không hề bận tâm đến một hình
bóng nào ngoài chồng mình từ hai mươi năm.
Người thiếu phụ không còn trông ngóng một đối tượng trong những dịp họp
hành, tu nghiệp... Những xúc động lặng
người, những nôn nao làm ngày giờ dài ra, niềm hãnh diện vì ánh mắt mơn man dõi
theo sau lưng... mất dần theo thời gian vì những lo toan bận rộn với gia đình
nhỏ bé ấm êm, với con cái; nay đột ngột trở lại, ngập dần, ngập dần từ mấy ngày
nay. Bản năng người nữ muốn được bị
chinh phục đến quá nhanh không lường trước được.
Người đàn ông tìm kiếm những thiếu vắng
thời trai trẻ. Người thiếu phụ tìm kiếm
những thiếu vắng cho tâm hồn tha hương bên cạnh người chồng không cùng chia sẻ
bài hát xưa, con đường cũ. Hai người tìm
về con đường Duy Tân cây dài bóng mát đã một lần không bước chung nhịp. Mỗi ngày là một hối hả. Mỗi ngày là một dằn co. Ánh mắt người thiếu phụ chợt tối. Ánh mắt người đàn ông đão nhanh. Người thiếu phụ rút tay tránh né. Người đàn ông thở dài lặng yên. Với tay là tới dầu biết không bao giờ nắm
được. Hẹn hò là gật đầu dầu không biết
có giữ được lời. Rất hiểu nhau nên rất
đớn đau. Như đứa trè thơ thèm thuồng
bước tới, cố vói chụp viện kẹo hồng thơm ngon dầu biết lớp gai nhọn đang nằm
trên nền nhà.
***
Ngắm dáng mình trong tấm gương lớn nơi
bàn phấn, Thuận vỗ vỗ phần bụng lay động vì lớp mỡ dày. Xoay người ngắm bên hông, ngắm đường mông nét
ngực, Thuận than thầm: Hừm...
Thót bụng lại, thẳng lưng, ngực vươn thẳng... Hừm... không khá nổi...
chán mớ đời. Nghiêng qua nghiêng
lại, ngắm tới ngắm lui, lắc đầu lẩm bẩm
...áo đầm thì không thấy eo đâu cả, jupe thì coi đõng đãnh quá, áo dài thì
chường cái phần bụng dưới vì lười luyện tập sau ba lần sanh nên tròn như mang
bầu ba tháng... hừm mặc đại cái áo đầm vàng nhạt này cho xong, cho Dũng lại đọc
câu thơ ... áo nàng vàng anh về yêu...
Tiếng điện thoại reo. Thuận lắng tai nghe, cái hồi hộp, cái nôn nao
thời con gái trở về.
- Dì Thuận ơi, có điện thoại của Thiếu
Lan gọi từ Đức.
- Thiếu Lan? Dì nghe điện thoại trên đây, Hai gác máy
đi.
- Thiếu Lan đó hả, có gì không con. Bốn cha con không lên nội chơi sao?
- Má... tụi con ở nhà nội cả tuần nay,
mới về để mốt ra phi trường đón má. Má
nhớ mua chôm chôm nghen. Ba dành nói
chuyện với má đây. Con nhớ
má.
- Má nhớ các con nữa, cho má nói chuyện
với ba nha.
- Vai em còn đau
không?
Thuận lặng yên. Bả vai bị té vì hụt chân cách đây một tháng,
hơi đau đau mỗi khi cử động mạnh. Thuận
không nhớ chút gì đến cái bả vai đau, Thuận hân hoan, lòng Thuận mở rộng, Thuận
quên hết... Bây giờ Harald nhắc lại... lòng Thuận chùng xuống, mắt cay cay, cố
nén xúc động.
- Hello, em còn đó không? Sao không trả lời
anh?
- Ồ, hết đau lâu rồi
anh.
- Em uống hết thuốc anh đã
dặn?
- Ơ... em quên... ơ... không cần uống
cũng hết đau.
- Không được, đã căn dặn trước khi anh về
lại Hamburg, rồi cũng không nghe lời.
Thôi về đây đi bác sĩ khám lại cho chắc ăn. Đừng mua gì hết. Vai chưa hết đau hẳn, không có anh, ai mang
ai xách cho em.
- Em mua ít chôm chôm cho tụi
nhỏ.
- Đừng chiều tụi nó. Muốn ăn thì mua bên đây cũng được, mắc chút
xíu ăn nhằm gì. Đừng đeo xách nặng, nghe
chưa. Em coi kỹ lại vé máy bay, máy bay
hạ cánh đúng bảy giờ sáng giờ Hamburg phải không?
- Dạ, em mới coi. Em mua thêm cà phê Trung Nguyên cho anh
nghe.
- Đã dặn không được mua gì hết, không
chịu uống thuốc là vai chưa lành hẳn.
Nếu em bày đặt tay xách vai mang là anh không pha bồn nước ấm cho em tắm khi về đến nhà đâu nhé. Hai tuần nay không có em, anh với tụi nhỏ lóng ca lóng cóng, may mà về nội được một tuần, cũng đỡ. Anh nhớ em, giường rộng quá Thuận ơi. Ngày mốt em về đến nhà là anh pha cho em bồn nước tắm liền nghen. Thèm tắm bồn phải không? Nằm tắm bồn để em rửa sạch bụi bậm Sài Gòn, để mọi phiền toái Sài Gòn trôi theo ống cống trôi ra dòng sông Elbe. Cho anh tắm chung với nhé...
Nếu em bày đặt tay xách vai mang là anh không pha bồn nước ấm cho em tắm khi về đến nhà đâu nhé. Hai tuần nay không có em, anh với tụi nhỏ lóng ca lóng cóng, may mà về nội được một tuần, cũng đỡ. Anh nhớ em, giường rộng quá Thuận ơi. Ngày mốt em về đến nhà là anh pha cho em bồn nước tắm liền nghen. Thèm tắm bồn phải không? Nằm tắm bồn để em rửa sạch bụi bậm Sài Gòn, để mọi phiền toái Sài Gòn trôi theo ống cống trôi ra dòng sông Elbe. Cho anh tắm chung với nhé...
Nước mắt chảy dài xuống đôi gò má hơi
hóp, chảy xuống đôi môi cố bậm chặt, Thuận lết lại góc giường, ngồi dựa vào
tường.
- Thuận, em cúp máy rồi
hả?
- Kh...ô...ng… anh,
e...m....
- Em bị bịnh
hả?
- Cảm chút xíu
thôi.
- Lại cảm! May là đến ngày về. Coi bộ em không ở Việt Nam được lâu. Em bị cảm lâu chưa? Chắc cũng không chịu uống thuốc. Không có anh là không xong chuyện gì hết,
biết lắm. Thôi ráng đi, mai về rồi. Còn một ngày nữa, ráng ăn hàng cho nhiều
nha. Anh cúp nghen. Cho anh gởi lời thăm má và dì
Minh.
Buông điện thoại, hối hả viết mấy câu
trên tờ giấy, bỏ vào bì thư, dán kín, Thuận đi nhanh xuống, nói với con bé giúp
việc:
- Chút nữa có taxi đến đón thì Hai nói
với tài xế là dì Thuận không đi. Đưa lá
thư này, biểu tài xế cứ chạy đến nơi như đã được đặt giờ, chuyển lá thư này đến
người đặt taxi. Đừng để tài xế hỏi tới
hỏi lui gì hết. Cứ bảo là dì Thuận dặn
như vậy. Dì Thuận đi ngủ. Nếu có điện thoại gọi cho dì thì bảo dì Thuận
đang ngủ. Đừng đánh thức dì Thuận.
Võ Thị Điềm Đạm