văn hữu vườn tao ngộ

Nơi lưu trữ tác phẩm của PBTD và thân hữu. Liên lạc: phanbathuyduong@gmail.com

Thursday, April 5, 2012

Trần Hoài Thư * Tháng Tư Quốc Hận: Ban Mê Thuột Ngày Đầu Ngày Cuối

Hôm nay, 37 năm về trước, Ban Mê Thuột thất thủ. Đây là một câu truyện được xây dựng từ những dữ kiện có thật theo lời kể của cựu Thiếu Uý trinh sát Trung Đoàn 45/SĐ23B và cũng là người bạn cùng một Sư Đoàn, Nguyễn Lương Sơn. Tác giả mong được nói lên phần nào về một biến cố lịch sử mà những người lính vô danh VNCH đã là những chứng nhân, và hơn nữa đã tham dự thật sự vào, bằng máu, nước mắt, kiêu hãnh và tủi nhục trong những ngày oan nghiệt nhất của lịch sử đất nước từ ngày đầu tiên 10/03 đến ngày cuối cùng 17/03/1975 tại Ban Mê Thuột.
Ban Đông, ngày 01/03. Đại Đội về Ban Mê Thuột chưa kịp nghỉ dưỡng quân, bổ sung quân số, lại được lệnh tăng phái cho tiểu khu. Lệnh từ tiểu khu: Đến Ban Đông để tiếp nhận căn cứ do một đơn vị địa phương quân bàn giao lại. Cấp trên cho đi nghỉ mát hay cho vào hiểm địa chăng. Không ai cần biết. Lại lên đường. Trung đội trưởng Minh lại ngồi trong cabin, đám lính ngồi đằng sau, chĩa súng ra ngoài bìa rừng. Buổi sáng từ giã thành phố, từ giã Liên, quán cà phê, tiếng hát của Lệ Thu nức nở Nghìn Trùng Xa Cách từ rạp hát Thăng Long, con phố ngắn hai bên vách tường vôi sậm bùn đỏ sệt như lời hát nào đi năm phút trở về chốn cũ. Đường về hướng Tây cũng như hướng Đông, hướng Nam, hướng Bắc. Vẫn là cõi sống và cõi chết. Vẫn là những khu rừng già che hết cả tầm nhìn. Vẫn là những lần ngồi trong xe, rồi nhảy xuống, rồi nhìn bản đồ, địa bàn, ra lệnh, hét hò, chửi thề. Vẫn là những hơi thuốc hít vội, những đầu lọc như bị cắn nhừ để chống những nỗi lo âu vô cớ...

Đóng đồn. Lâu lắm, đơn vị mới được dịp dừng lại trong bốn bề phòng tuyến, co cụm lại thay vì phải bung ra từng toán tăng phái cho tiểu khu, Trung Đoàn, Sư Đoàn hay Quân Đoàn. Buổi sáng Đại Đội tập họp, Minh lại nhớ Thiếu Uý Thường. Toán hắn đã chạm địch khi nhảy xuống rừng tìm tin tức của toán Minh. Nhưng cuối cùng, toán thất lạc của Minh đã trở về an toàn và toán đi tìm đã không còn dịp để trở về nữa. Thiếu Uý Thường đã ôm trái lựu đạn tự sát vì bị thương quá nặng để rảnh tay đồng đội. Khi nghe tin thằng bạn thân chết Minh đã lấy súng bắn như điên cuồng về phía rừng. Mắt Minh long lên đỏ ngầu. Minh nhớ đôi mắt của bạn. Nụ cười của bạn. Nhớ đến cái dáng bất cần của bạn. Hắn dường như sống để mà lao về phía trước. Ngọn cỏ ngọn lau còn rụt rè, trái lại đối với hắn, cả thân hắn đứng thẳng, như thể thách thức với trận mạc. Và xác hắn banh. Tiếng nổ của trái lựu đạn thật quá lẻ loi không có ý nghĩa gì hết so với những tràng sấm kinh động từ những lần phi pháo trên những cánh rừng già Trường Sơn. Trung đội mất một Thiếu Uý Thường thì vẫn có một sĩ quan khác được bổ sung. Và nếu không có sĩ quan bổ sung, một hạ sĩ quan toán phó sẽ lên thay. Không ai bận tâm thắc mắc về một cuộc chiến mà chiến công được vinh danh qua những xác chết. Chỉ có những người cùng vào sinh ra tử với nhau này. Chỉ có những đứa con mỗi ngày chia xẻ từng hộp thịt quân tiếp vụ, từng hơi thuốc, từng cô gái giang hồ, từng chai bia lăn lóc, từng mẫu âm thoại trên máy PRC 25 này. Thường ơi, tao nhớ mày, mày biết không. Tại sao hôm nay mày không có mặt để đi đóng tiền đồn với tao.
___
Ban Đông ngày 01/03. Quận cách Ban Mê Thuột chừng 45 cây số về hướng Tây. Quận của mặt trời lặn. Đoàn xe bốn chiếc lăn bánh trên con đường nhựa còn sót lại thời kỳ Pháp thuộc. Bụi đỏ cuốn mù. Qua rừng cao su, những đồn điền trà và cà phê bất tận. Chiếc xe hàng chạy qua đầy ngập hành khách, những người Thượng trên rẫy hay bên đường đã cho người lính tự tin hơn về sự an ninh của con trục lộ miền núi. Sương mù vẫn còn trùm phủ những ngọn đồi xa. Người lính truyền tin Đại Đội vẫn tiếp tục báo cáo và nhận lệnh. Tháng Ba, Tết đã qua, mùa xuân vẫn còn vương vít trong đất trời, với những đàn chim én nô đùa trong không gian tươi thắm nắng vàng. Núi rừng trùng trùng điệp điệp vây quanh, không có gì toả ra những đe doạ dưới một màu xanh thẫm bạt ngàn. Nhưng Minh đã biết hơn ai hết về những tai hoạ đang chờ chực dưới những cánh rừng già phía dưới ấy. Các toán đã báo cáo đến mệt lả về phòng hai. Từ Đức Lập, Thuần Mẫn, từ Lệ Trung, Lệ Thanh, từ Phú Bổn, Quảng Đức và dưới những cánh rừng già Đắc Lắc. Mỗi lần nhảy là bọn Minh phải ôm tim ôm ngực trước những bước chân di chuyển, tiếng động cưa cây, chặt gỗ làm cầu, dọn đường cho tăng và những đoàn quân xa nặng, những đồ lương khô còn vất lại trên đường mòn, những bãi cỏ lau bị rạp vì bước chân người. Bọn Minh biết rõ từ lúc đầu tháng Giêng năm 1975, những sửa soạn sôi nổi như không còn che dấu được nữa của những đơn vị Sư Đoàn F10, Sư Đoàn 320, Trung Đoàn Quyết Thắng, cả Trung Đoàn chiến xa đang dàn binh dọc theo hành lang của các tỉnh miền núi như Pleiku, Tuyên Đức, Đắc Lắc, Phú Bổn... Minh có dự cảm về một trận chiến sắp sửa ở đâu đây. Trận phún thạch không biết sẽ phụt lên lúc nào, và ở đâu. Đâu là điểm nóng, điểm lạnh. Ngày trước, mỗi lần lấy tin là cả một sự khó khăn. Toán phải bung sâu vào mật khu, xa bộ chỉ huy hàng mười lăm, hai chục cây số, lặn lội trong rừng già, mới tìm được tin mà báo cáo. Bây giờ, không còn phải vất vả như xưa nữa. Địch có mặt khắp nơi, khắp chốn, công khai, như thể sắp dự vào một trận đại địa chiến một mất một còn.

Ban Đông. Ngày 01/03. Xế trưa. Không có đơn vị địa phương quân nào đợi sẵn để bàn giao căn cứ. Căn cứ trống trơn, trơ vơ những hàng dây kẽm, những giao thông hào, những nhà tôn tiền chế và bãi phi đạo tầm ngắn còn lại từ thời tiểu đoàn biệt động quân biên phòng trấn đóng. Thì ra, đơn vị địa phương quân đã bỏ căn cứ từ lúc nào. Bỏ mà không nói một tiếng cho Đại Đội đến tiếp nhận. Thẩm quyền của Minh chửi bới um sùm qua máy. Đại Đội bắt đầu tiếp nhận căn cứ. Dưới mắt Minh, núi rừng trong nắng chiều vàng thẩm, trùng điệp. Anh có thể thấy bao quát một vùng rộng lớn, mãi tít bên kia hành lang. Vâng, đây là cửa ngõ xâm nhập. Và căn cứ này là con mắt có thể quan sát được sự di chuyển của quân địch. Tầm quan trọng về chiến lược đã được để lại dấu tích bằng một căn cứ vững chắc, có cả phi đạo cho máy bay. Nhưng đó là chuyện của ngày xưa. Thời biệt kích Mỹ. Thời Biệt Động Quân biên phòng. Thời máy bay lên xuống căn cứ không ngớt. Thời mà cả tiểu đoàn vũ khí hùng hậu. Thời hễ bốc máy xin được yểm trợ là có phi pháo hay B52. Cái thời đó đã không còn nữa. Mà trái lại, lúc này là cái thời chỉ có một Đại Đội trấn giữ lẻ loi, cô đơn giữa một trùng trùng điệp điệp Sư Đoàn, binh đoàn địch, chẳng cần giấu giiếm.

Phải. Lúc này, là lúc chín mùi cho một mặt trận. Về phía địch, họ đã đạt được ý nguyện, có nghĩa là không còn pháo đài bay, mắt điện tử dòm ngó khi họ chuyển quân xâm nhập, hay không còn những phản lực cơ từ đệ thất hạm đội, hay từ các căn cứ nội địa sẵn sàng có mặt trên đầu họ. Ký kết hiệp định Ba Lê, có nghĩa là người Mỹ phủi tay để nhìn một miền Nam trước sau gì cũng thoi thóp. Minh đã nhảy biết bao nhiêu lần. Và bao nhiêu lần Minh lấy tin từng đơn vị cấp Sư Đoàn đang ngày đêm ồ ạt tiến về Nam như tiến vào chỗ không người.

Như thường lệ, buổi tối các toán phải bung ra nằm ngoài phòng tuyến. Minh cho toán của Chuẩn Uý Hào lên nằm trên ngọn đồi cao điểm của căn cứ. Riêng anh theo toán của Trung Sĩ I Bao, dẫn người truyền tin cùng tên tà lọt đi cùng. Đêm trên cao, sao càng rõ hơn. Gió từ phía Lào thổi qua, vẫn còn mang theo hơi ẩm uớt từ những cánh rừng già. Phía dưới chợ, le lói vài ánh đèn như dấu hiệu của sự sống. Ngày xưa nơi này được tiếng là một quận trù phú về lâm sản và thú rừng. Bây giờ, người dân đã bỏ đi gần hết. Chỉ còn những người Thượng sống chết với núi rừng.

Đêm đầu tiên ở Ban Đông, Minh nghe vọng về rất rõ tiếng máy xe tiếng chân người di chuyển, cả tiếng cưa cây, bắc cầu, đóng cọc, có cả tiếng máy xe ủi... Kể từ khi không còn bóng những pháo đài bay, F110, hay F111 địch đã không còn là những bóng ma như người ta đã nói. Họ công khai xuất hiện. Như bọn Minh đã từng báo cáo suốt mấy tháng trước đây. Nhưng chẳng ai thèm ngó ngàng. Không còn B52, không còn thuốc khai quang, hết cho cây rừng còn xanh lá, thôi pháo binh, hết máy bay ném bom mỗi khi có lời yêu cầu. Và đêm nay, cũng vậy. Cả Đại Đội đang chờ đợi một điều sẽ đến. Có thể là một cuộc tấn công cũng nên. Minh lo không thể ngủ được. Minh sợ thằng gác ngủ quên. Đôi khi, Minh phải trở dậy đi tuần tra. Từ cả tháng nay, tin đồn Quốc Thánh về cùng những đứa con trinh sát của Sư Đoàn, cho biết Ban Mê Thuột sẽ gặp đại nạn, vô phương cứu chữa. Người ta nói anh linh của Tướng Trương Quang Ân nhập vào Quốc Thánh. Và Ngài chỉ đặc biệt độ trì trinh sát, bởi khi còn sống, vị Tướng này rất thương mến lính trinh sát. Trời ơi, sao Ngài không chịu nhập vào mấy tay lãnh tụ, tướng lãnh, Sài Gòn hay Ngũ Giác Đài. Sao Ngài lại không dùng quyền uy để bắt họ ra nằm ngoài Ban Đông một đêm với lính, mới hiểu là điềm triệu này đúng. Tại sao lại đem một Đại Đội trinh sát đi nằm tiền đồn. Để làm gì. Minh không thể hiểu. Trong bóng đêm đen đặc, Minh đang chờ. Như chờ suốt bao lâu từ khi về đơn vị, từ chức toán trưởng, trung đội phó và giờ là trung đội trưởng. Chờ trong khi hết đồng đội này đến đồng đội khác, cứ tiếp tục tiến lên, bước sâu vào, nhảy ào xuống, cái cõi mà ai ai cũng phải hãi hùng. Từ một đơn vị trực thuộc Trung Đoàn, bây giờ đơn vị lại trở thành con ghẻ của mọi bà dì vô tâm. Hết Sư Đoàn xin, đến Quân Khu rồi tiểu khu xin. Xin để nhảy lấy tin. Nhưng khi tin đã cho rồi, thì chẳng cần ai đếm xỉa. Họ đâu có biết gì về nỗi bơ vơ của đám con ở chiến trường này đâu. Họ làm ngơ trước những lời báo cáo. Đến bây giờ Minh mới hiểu tại sao đơn vị địa phương quân lại bỏ căn cứ. Và tại sao đơn vị Minh lại được lệnh về đây để đóng đồn. Không ai có thể sống mãi trong tình trạng cực kỳ căng thẳng và tuyệt vọng như thế này mãi. Dù quá mệt, mắt muốn chụp xuống, nhưng Minh vẫn không thể nào ngủ được. Tiếng động càng lúc càng rõ, càng dội về. Giả dụ đêm nay địch tấn công căn cứ thì sao. Dĩ nhiên là phải xin bắn trái sáng, phi pháo nổ chụp. Còn khuya. Thằng bạn thuộc tiểu đoàn pháo binh cho biết tiêu chuẩn mỗi ngày từ 8 quả nay xuống 6 quả. Minh nhìn lên bầu trời đầy sao. Minh mong đêm cho mau hết. Có tiếng gọi đổi phiên gác. Bóng người lính gác lờ mờ in trên giao thông hào. Một vì sao rụng, bay xẹt ngang bầu trời. Một ngày trôi qua yên tĩnh. Ngày thứ hai, Minh được tin từ trên cho biết đám lính Thượng sẽ làm phản, nội ứng. Các sĩ quan họp lại. Không ai đều tin chuyện này xảy ra. Riêng Minh biết rõ họ trong những năm anh chỉ huy từ chức toán trưởng đến chức trung đội trưởng. Họ là những người lính rất thuần hậu và đầy tinh thần trách nhiệm. Họ không bao giờ tìm cách trốn tránh hành quân hay kích gác cẩu thả. Họ cũng không hề ba gai anh chị như một ít người lính Kinh. Khi đụng trận xong, họ hay chạy đầu, lật xác tìm chiến lợi phẩm. Tuy vậy, phòng ngừa vẫn là cách tốt nhất. Thẩm quyền bí mật phân tán họ ra khắp các trung đội, cố chia cách họ được chừng nào hay chừng nấy, nhất là trong đêm nằm tiền đồn.

Ngày đóng đồn cũng nhàn nhã. Chỉ cực nhất là ban đêm. Còn ban ngày, mấy thằng lính chùi súng ống hay xuống dòng sông Ban Đông liệng cá hay xuống chợ ngồi trong túp quán bên đường nhìn con gái đàn bà Thượng. Trong nỗi hiu quạnh của tiền đồn heo hút, những người lính thỉnh thoảng tụm năm tụm ba dạo đàn hát hò. Trong đơn vị, có Thành, Tánh, Minh là những tay nghệ sĩ còn chuyên nghiệp hơn cả những tay nghệ sĩ phòng Tâm Lý Chiến. Tiếng hát làm cả bọn phải nín thở, đưa họ về những vùng trời cũ – mà họ đã bỏ lại đằng sau, hay chưa bao giờ bắt gặp – giúp họ quên đi hiện tại đang rình rập đe doạ xung quanh. Ngày sương mù che phủ cả núi rừng, làm đôi lần mắt Minh phải mờ đi, lòng chao lạnh. Ai đưa ta đến chốn này. Cứ núi cứ rừng cứ buông cứ bản. Nơi xa, em thì vàng võ đợi chờ. Cha mẹ thì ngày đêm đốt nhang cầu nguyện. Đã bao lần vào sinh ra tử. Cái chết chạm đến nhàm rốt cùng lòng Minh cũng dửng dưng. Chỉ sợ, là những người còn lại. Phải chi con người sống như cây cỏ cầm thú, thì đỡ khổ cho hắn biết mấy.

Ngày 09/03/1975

Lệnh đơn vị phải rút về Ban Mê Thuột. Đức Lập đang bị áp lực nặng. Con đường 14 đã bị cắt. Quảng Đức đang nguy ngập. Bây giờ, đơn vị lại bỏ trống Ban Đông. Dù sao đi nữa, cả bọn cũng vui mừng. Không ai cần thắc mắc về những tin tức bi quan xảy ra xung quanh họ. Chuyện ấy là chuyện của Dinh Độc Lập, Quân Đoàn. Bởi nhiều người lính trong đơn vị đều có thân nhân ở Ban Mê Thuột. Riêng Minh thì nhớ đến Liên. Đi đâu, thành phố này vẫn là mái nhà cuối cùng. Ở đó, mỗi lần Minh trở về, Liên dọn cho Minh những bữa cơm còn nghi ngút khói, cho Minh những lần làm tình cuồng bạo, và sau đó, là Minh lại ra đi, tiếp tục lao vào cõi sống chết. Đi đâu cũng nhớ đến những con đường đầy bùn đỏ, những vách tường màu đỏ kịt, quán cà phê và tiếng nhạc và đầy ngập khói thuốc.

Đi đâu cũng nhớ lại một đêm lành lạnh bình an trong thành phố mà sao hình như càng thấp hơn, càng long lanh hơn, mà ngày như nắng đầy bụi, và mưa như làm đất trở nên nhảo nhẹt bám cứng đế giày. Ban Mê Thuột. Minh đã đi nhiều, nhưng chỉ có Ban Mê Thuột bắt Minh phải nhớ. Như những cánh rừng cao su và cà phê, đến nỗi vào mùa hoa cà phê nở, cả một thị trấn như ngào ngạt hương hoa. Trong thành phố, những hàng cây muồng hoa vàng rực bên cạnh giáng hương, trâm, bông li ti trắng, cùng những vườn bông sứ hoang dại như làm thành phố chìm vào trong nỗi man dại ngây ngất...

Dù được lệnh rút về Ban Mê Thuột nhưng phương tiện chờ hoài vẫn không thấy. Trong khi các đơn vị địa phương quân đã được các đoàn xe GMC tới bốc từ lâu. Thẩm quyền Minh năn nỉ đến ráo nước bọt mới được Quân Khu cho một chiếc chinook già nua cũ mèm vào lúc bốn giờ chiều.

Đại Đội phải chia làm hai nhóm để được chở đi vì chỉ có mỗi một chiếc duy nhất. Minh theo đoàn sau. Con tàu oằn mình như mang gánh quá sức nặng, đến nỗi một nửa thân tàu phải nghiêng hẳn xuống như mất cả thăng bằng mặc dù hai cánh quạt đang cố quay tít. Cả bọn ngồi trên sàn. Kính từ những khung cửa đã bị bể hoàn toàn, khiến gió thốc vào no nê. Cơn nắng oi nồng vẫn còn chói chan trong thinh không. Phương Tây vẫn yên tĩnh. Giã từ mười ngày tại Ban Đông vô sự. Giã từ những đêm căng thẳng và những ngày nhìn xuống phía rừng già, để dự cảm về một điềm gỡ sắp xảy đến. Giã từ một tuần lể xuống chợ nhìn con gái Thượng ngực trần và ngồi quán cóc trong chợ. Giã từ để tiếp tục bước vào một chuyến đi tăng phái khác. Nghề của trinh sát là phải vậy. Cứ chỗ nào khó, cần là bốc trinh sát, là bắt trinh sát dẫn đầu. Như hôm nay. Về Ban Mê Thuột để hướng dẫn một tiểu đoàn trừ ( - ) của Trung Đoàn 53 lên giải toả Đức Lập. Tần số bắt đầu đổi sang hàng ngang. Trung Đoàn. Sư Đoàn. Quân Khu. Rồi chiếc Chinook đáp xuống phi trường ở cây số 3. Đoàn xe đã đậu sẵn. Tin lại cho biết Đức Lập đã mất. Miễn đi. Đại Đội được lệnh về hậu cứ của Trung Đoàn 53. Quân trú phòng trong hậu cứ quá đông, Trung Đoàn trưởng cho ra nằm ở phi trường Phụng Dực, cách hậu cứ khoảng 3, 4 trăm mét. Lúc ấy gần tối. Không ai biết một mảy may gì về tình hình. Lính tráng bỏ đơn vị đón xe về thăm thân nhân. Đám sĩ quan ngồi chung xe zeep chạy về thành phố lúc màn đêm buông xuống. Thị xã vẫn yên tĩnh. Nhạc từ rạp hát vẫn vọng trong thinh không. Những ngọn điện đường vẫn mờ nhạt. Đây là ngã Năm. Bên kia là rạp chiếu bóng. Phía góc đường dẫn về Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 23BB là câu lạc bộ sĩ quan. Đối diện là ngôi nhà thờ đá. Và con đường mờ tối như dẫn vào một cõi bình an, một bến tàu chờ đợi những con người vừa trải qua những thềm địa ngục. Có người con gái chờ đợi Minh trong căn nhà trọ giữa vườn hoa sứ. Có quán cà phê, ngồi cùng bạn hữu đốt những sợi khói tình si. Có những chai bia, chai rượu nồng nàn, hay những con mèo đêm mắt hồ ly luân lạc từ đâu lại. Không ai biết đến những gì sẽ xảy đến. Bởi tất cả thị xã vẫn yên tĩnh lạ lùng. Minh kêu xe dừng lại ở trước nhà Liên. Đêm nay nếu đơn vị không cấm trại, Minh sẽ xin phép thẩm quyền ở lại cùng nàng. Mà thẩm quyền thông cảm. Anh ta nói: "Thôi mày ở lại đi. Có gì tao cho tài xế tới bốc". Minh nói là anh muốn đi uống cà phê, lâu lắm không nếm mùi cà phê Ban Mê Thuột. Trong nhà Liên ríu ra ríu rít. Mà nàng ngạc nhiên thật. Đôi mắt nàng mở lớn. Minh muốn ôm nàng, ôm siết và hôn lên đôi môi mọng đỏ. Cả thân thể nhỏ bé thon mềm kia là của Minh, nhưng Minh cứ muốn khám phá thêm, tìm tòi thêm. Bên trong da thịt kia là con tim vô cùng rực lửa, tha thiết, dâng hiến trọn vẹn nhất, đầy đủ nhất, dữ dội nhất.

Minh đã không ngờ lại gặp Liên tại thị xã này. Định mệnh hay chăng. Khi mà trên tấm poncho ở bên xa lộ Sài Gòn Biên Hoà, hai người cùng ôm nhau quằn quại dưới cơn mưa như thác, khi mà cả quần áo của nàng ướt dầm dề, lồ lộ da thịt đỏ hồng, khi mà miệng này ngoạm vào miệng kia, tiếng thở hổn hển trong ngày cuối cùng, để Minh coi đó như là dư vị kỷ niệm để nhớ lại một lần. Rõ ràng ngày ấy người con gái Sài Gòn đã không đòi hỏi gì ở Minh. Nàng cho anh dù biết rằng ngày mai, anh sẽ quên nàng. Vâng, Minh biết mình quá tàn nhẫn. Chiến tranh quá cuồng bạo, kinh hoàng, không còn cảnh anh qua đồi sim viết thư về em gái hậu phương. Chiến tranh đẩy anh đến no nê cùng máu, nước mắt, làm quen với xác người, mất đầu, mất hạ bộ, dòi bọ lúc nhúc. Chiến tranh làm một người thầy giáo như anh đi vào trong những động giang hồ, chửi thề hơn ai hết, uống rượu đập ly, mắt đỏ ngầu, răng nghiến kèn kẹt trước những thi thể của bạn bè... Chiến tranh làm anh trở nên lì lợm, lạnh lùng. Chiến tranh đẩy anh đi tìm cái sống trong cái chết và cái giá trị ghê gớm của cái sống. Chiến tranh làm anh chẳng cần hối hận khi bỏ Liên, hay những người con gái khác. Nhưng Liên thì không. Liên không vô tâm như anh. Liên không quên mối tình đầu quá sức nồng nhiệt. Nàng sẽ theo anh. Theo hoài. Chẳng thắc mắc, tính toán, so đo. Nàng sẽ đến góc bể chân trời để gặp một người đã phá nổ cõi xuân thì của nàng, để lại những vết sướt đầu đời.

Vì thế khi tốt nghiệp lớp cán sự xã hội, nàng đã chọn Ban Mê Thuột. Nàng lại gặp người tình cũ. Và căn phòng thuê của nàng như một mái ấm cho mỗi lần Minh về phép hay dưỡng quân. Lần này cũng vậy. Đã hơn một tuần xa cách, quá lâu. Liên nghĩ đến đêm nay, lòng lại dâng lên niềm rạo rực. Má nàng au hồng. Nàng nói với Minh, anh nhớ về sớm nhé. Ở nhà em nấu cơm. Anh kêu các bạn anh nói về cùng ăn cơm chung nhé.

Chín giờ đêm, xe quân cảnh chạy khắp nơi trong thị xã, lục lạo đám lính đang ngồi trong các quán hay trong động giang hồ bắt phải về đơn vị khẩn cấp. Họ gặp đám sĩ quan của Đại Đội trong quán cà phê. Họ chào tay và cho biết lệnh báo động đỏ đã ban khắp thị xã. Địch chỉ cách Ban Mê Thuột không bao xa, có thể tấn công thành phố bất cứ lúc nào. Đám sĩ quan lên xe phóng về sân bay Phụng Dực. Những chiếc xe dân sự, hay nhà binh cũng gấp rút hối hả không kém. Đám lính súng ống đội nón sắt ngồi trên xe. Xuất chiếu bóng đã mãn, thành phố ngạt thở. Minh không còn đủ tâm trí để nghĩ về buổi cơm tối mà người yêu đã chờ đợi anh. Tin tức lại cho hay địch chỉ cách thị xã hai cây số. Điều mà Minh dự cảm đã đến. Đức Lập đã mất hồi trưa hôm qua. Bây giờ, là thành phố này đang báo động đỏ. Trong bóng tối, thẩm quyền bật đèn pin lên bản đồ, chấm toạ độ, và chia trách nhiệm cho từng trung đội. Những ngọn đèn từ hậu cứ Trung Đoàn mờ nhạt phía sau. Có tin ta đã bắt được một sĩ quan pháo của địch khi hắn ta tìm cách xâm nhập vào thị xã để điều nghiên các cứ điểm. Như vậy rõ ràng là phe Bắc quân đang mở trận đánh lớn vào thị xã. Sĩ quan không dám cho lính biết, sợ hàng ngũ hoang mang giao động. Truyền tin được lệnh chuyển tần số hàng ngang, có thể liên lạc với máy bay từ duới Nha Trang bao vùng. Minh đốt từ điếu thuốc này sang điếu thuốc khác. Những người sĩ quan trong Đại Đội cũng vậy. Mấy tháng trời anh đã báo cáo, bạn bè anh đã báo cáo, có người đã chết, có người đã bị tàn phế, cũng vì những bản tin này, nhưng rốt cùng, mọi sự đến phải đến. Đến một cách thật dửng dưng. Không ai có thể ngờ cả một binh đoàn đông như vậy lại cách thị xã hai cây số. Quân không còn nữa để mà giữ. Đồn thì bỏ chạy trước tiên. Trung Đoàn 44, 45 thì tản rộng khắp nơi. Liên đoàn Biệt Động Quân thì không thấy đâu. Khắp nơi nằm yên, bó tay, thụ động. Ngay cả ở thị xã này, chỉ có những khẩu 105 ly so với những khẩu trọng pháo 130 ly của địch. Và địch cứ thế mà vào, càng ngày càng sát thị xã. Chẳng những người mà còn cả hàng đoàn xe tăng. Trách nhiệm này là trách nhiệm của ai. Hay là đã đến một thời mà nơi này ngập biển máu như lời người đạo sĩ dạo nào xuất hiện giữa thành phố đã rao truyền. Minh đã viết một bài đăng trên báo Sài Gòn kể về người đạo sĩ cuồng điên múa kiếm giữa đám dân thị xã hiếu kỳ cách đây đã lâu. Ông ta khóc ròng: "Thương thay, thương thay chúng sinh tội nghiệp. Đây là nơi mà máu là biển, máu ngập tràn. Thương thay!" để cuối cùng ông ta bị thầy cảnh sát xua đi vì lưu thông công cộng. Có phải cái ngày này đã đến rồi chăng.

Trong bóng đêm ngạt thở, những bóng người ẩn hiện trên sân phi đạo. Mọi sự vẫn bình thường. miền Nam này không thể bỏ mất Ban Mê Thuột được. Phải giữ nó. Tiếng nói nào quá vô hình nhưng quá vũ bão thúc giục anh, và có lẽ thúc dục tất cả những người lính trong đơn vị. Sớm hay muộn, quân tiếp viện sẽ đến. Biệt Động Quân sẽ vào. Nhảy Dù từ dưới duyên hải sẽ lên. Bằng mọi giá phải cố mà giữ. Ban Mê Thuột không thể nào mất được.

Minh được lệnh cho con mình phòng thủ phía Tây Nam cuối phi đạo nhìn ra một buôn Thượng. Trong bóng tối, cả bọn móc đất từ những ụ đất kiên cố, một thời dùng để che chở máy bay. Hai bàn tay móc đến chảy máu, đến muốn tróc móng, để đào những hố ẩn thân từ bên trong ụ. Bề cao ụ quá ba thước, trống trải, không mái che, nhưng chắc chắn có thể che chở được tầm đạn trực xạ, ngay cả tầm đạn chiến xa. Phi trường Phụng Dực là ải đầu tiên để che chở bộ chỉ huy Trung Đoàn 53 BB, và hậu cứ, cùng trại gia binh Trung Đoàn. May mắn ở xung quanh phi trường, là bãi đất trống trước khi dẫn đến bìa rừng cao su. Đêm đen tối quá chừng. Rừng cao su ngoài phi trường ngày xưa đối với Minh là cả một khu rừng cổ tích, với những hàng cây song song, lá cành đan nhau như mái vương cung thánh đường, và Liên bỏ dép, chạy chân trần trên rừng lá khô vàng, và tóc nàng bay lướt thướt, rối cả mặt nàng. Và khi Liên quay tròn người như một điệu luân vũ, thì Minh không sao cầm nổi cơn xúc động, anh ôm choàng lấy Liên, đẩy Liên vào thân cây, rồi hôn từ mắt xuống phần thân thể phía dưới... Vâng, Liên, anh đang chuẩn bị đây. Bên anh là dây đạn, lựu đạn, M72, là M60, anh sẽ chiến đấu cho mà xem. Đơn vị anh sẽ cản đầu xe tăng, sẽ đánh cận chiến, sẽ đâm lưỡi lê, sẽ quần thảo tay đôi.. Không thể dễ dàng chơi với bọn trinh sát này được. Quốc Thánh không về phù trợ có nghĩa là Quốc Thánh muốn để những đứa con này ở lại giữ Ban Mê Thuột.

oOo

Vào hai giờ sáng, địch bắt đầu pháo vào thị xã loạn cuồng. Hàng ngàn quả cũng nên. Đạn rớt khắp nơi, không dứt. Nhưng hình như địch quên cứ điểm phi trường. (Minh đoán là tình báo địch chưa phát hiện đơn vị anh, vì giờ chót, đơn vị anh đến nhận phòng tuyến khi trời quá tối). Trong đêm dày, Minh thấy cả một bầu trời đầy những chớp lửa và gào rú tiếng đạn pháo. Hình như bốn bề tám hướng địch đều nhất loạt chĩa bao nhiêu họng pháo về thị xã và Bộ chỉ huy Trung Đoàn. Thỉnh thoảng một vài đám cháy bốc ngọn rực sáng trong đêm. Minh nhớ đến Liên. Nhớ và cầu nguyện cho nàng. Mới cách đây vài tiếng đồng hồ là sự bình an, là giấc mơ, là nũng nịu, là vòng tay ân tình, là cà phê ở quán đường Hai Bà Trưng, là tiếng nhạc, thì bây giờ tất cả chìm đắm trong biển lửa. Minh không tưởng tượng là mọi sự lại xảy ra nhanh đến độ sững sờ như thế. Cường độ pháo dường như tăng chớ không giảm. Chắc là một cuộc tấn công vào thị xã. Trong máy truyền tin, hỗn loạn muôn ngàn âm thanh, của ta, của địch, của lời cầu cứu hay của men say chiến thắng, của tiếng pháo, cả tiếng nổ dòn dã của tiểu, đại liên... Rồi Minh thấy từ phía trong hậu cứ Trung Đoàn muôn ngàn tia đạn bắn ra đan kết với muôn ngàn tia đạn lửa từ ngoài bắn vào, như cả một buổi hoa đăng cuồng loạn của sa tăng quỉ sứ. Minh biết là địch đã bắt đầu tấn công. Có điều địch vẫn chưa biết có một Đại Đội trinh sát đang nằm cách hậu cứ một khu rừng cao su nhỏ này. Địch đã từ hướng Đông Nam, Đông Bắc chọc thẳng vào phòng tuyến Trung Đoàn vào lúc 5 giờ sáng. Bảy giờ sáng đơn vị địch bị những quả đạn pháo rót xuống đầu, cũng như sức phản ứng quá mạnh của quân phòng thủ nên rút dạt về hướng phi trường. Cả một Đại Đội chờ sẵn, và bắn, bắn, bắn. Lần đầu tiên Minh mới thấy trước mắt anh hàng hàng lớp lớp địch quân nằm chết la liệt trên bãi đất trống. Tay anh bóp cò điên cuồng. Anh say máu. Những tên địch ngơ ngác dường như không biết phải ẩn ở chỗ nào, sau đó té nhào, văng khẩu súng. Anh không còn bình tĩnh nữa. Họ chết nhiều quá. Có lẽ tại họ khinh địch. Trong khi lửa vẫn cháy ở trong thị xã. Và đạn vẫn ầm ầm vang dậy bốn bề. Trong máy, tin cho biết, địch đã chiếm một số cứ điểm trong thị xã. Nhưng ở nơi này, là xác địch nằm la liệt, trong bộ quân phục mới cắt chỉ. Đơn vị Minh tịch thu đến 5 khẩu SA7, và cả rừng súng, và bắt sống 3 tù binh. Riêng Minh cũng lấy được một cuốn nhật ký và một cây viết máy hiệu Hồng Hà từ một C trưởng (Đại Đội Trưởng) thuộc K5 SĐ 316. Lật trang đầu, anh muốn khóc. Có ảnh của một người vợ và đứa con dán ở trang đầu.

Chiến thắng đầu tiên đã làm nức lòng những đứa con trinh sát hơn bao giờ hết. Số súng và tù binh được lệnh mang về Bộ Chỉ Huy Trung Đoàn 53BB.
---
Như vậy, ngày N, khởi đầu cho một thành phố bị hiếp đồng loạt và man rợ. Xe tăng ào vào từ khắp nơi. Địch quân, Sư Đoàn này đến Sư Đoàn khác tiến vào thị xã như vào chỗ không người. Thành phố trống trơn bỏ ngõ như người đàn bà trần truồng bị vồ dập từ tứ phía. Từ phi trường, bọn anh đã nghe, thấy, và hiểu từng giờ, từng phút cơn hấp hối của một con bệnh. Đêm cũng như ngày, những đứa con bộ binh, ngầy ngật cùng những đêm trắng mắt, những nỗi căng thẳng tột cùng giữa các ụ máy bay. Đêm cũng như ngày, đơn vị đã chịu đựng hết những quả cối, hay đạn 130 ly, hay 57 ly từ xe tăng, đến từng đợt tấn công từ các đơn vị đặc công hay tùng thiết, để giữ vững phòng tuyến trách nhiệm... Đêm cũng như ngày, Đêm cũng như ngày, không còn gì để mà suy nghĩ nữa. Mắt ráo hoảnh. Không còn sức để chịu đựng nhưng vẫn phải chịu đựng. Đêm chớp lửa. Đêm bạo cuồng. Đêm lóe sáng khắp thị xã. Và ngày, địch lại đưa đơn vị này tấn công, rồi thảm bại, rồi đưa đơn vị khác tiếp tục. Đặc công của 316 lui đến 320 rồi đến tăng. May mà có những hàng cây cao su để bọn anh còn nhào ra cận chiến, lách bên này, núp bên kia, chụp, vật, lấy súng, lấy đạn, lấy lương khô. May mà có hai khẩu M60 đặt từ trên cao điểm, và trung sĩ nhất Sữu bóp cò và ba người lao công chiến trường phục hồi lại cấp bậc ngay tại chỗ để trở thành ba cây súng mới. May mà cả bọn có ụ cản như những pháo đài kiên cố để cản lại trăm ngàn quả đạn. May mà máy vẫn còn liên lạc được với bộ chỉ huy Trung Đoàn, Quân Khu và cả máy bay từ dưới Nha Trang lên để bọn anh còn hy vọng là quân tiếp viện sẽ đến giải cứu kịp thời. Lữ đoàn Dù từ dưới Khánh Dương sắp được bốc. Biệt động quân sẽ được đổ xuống. Và Trung Đoàn 44, 45 sẽ có mặt...

Tăng địch vẫn tiếp tục theo hướng Đông Bắc, từ rừng cao su tấn công thẳng vào bộ chỉ huy Trung Đoàn. Và bọn anh ở ngoài có nhiệm vụ giúp điều chỉnh pháo binh rót những quả 105 ly vào ngay đội ngũ địch. Và đã bảy ngày, từng giây từng phút. Không thể tưởng tượng là Đại Đội đã chiến đấu trong những điều kiện cô đơn đến độ ghê gớm như thế. Phi đạo vẫn còn đó. Bể nước cao vời vợi vẫn còn đó. Bộ chỉ huy của Trung Đoàn vẫn còn đó. Còn đó, như cái xác của trung sĩ nhất Sữu bị banh ra tơi tả cùng với khẩu đại liên M. 60 khi quả đạn 57 ly từ tăng bắn trực xạ vào anh ta. Nửa xác của anh bị bắn lên không, nhìn từ xa thấy rõ những mảnh thịt tung tóe như xác pháo. Còn đó, để hai mẹ con người đàn bà vào trưa ngày 14/03 – bốn ngày sau trận đánh mở màn – bỗng nhiên xuất hiện trên bãi đất trống. Trời ơi, đừng tới nữa chị. Nơi này đâu phải là cái bến để mẹ con chị tìm đến mà nương nhờ. Nơi này là cõi địa ngục mà. Hãy tìm chỗ khác. Bọn anh đã xô đuổi hai mẹ con họ giữa lúc họ rất cần bọn anh. Không. Đôi mắt chị sợ hãi và tuyệt vọng. Và chị lại dẫn đứa con chị rời khỏi phi trường, trở lại phía con đường nhựa. Rồi trái pháo chụp xuống. Không còn thấy bóng họ nữa.

Còn đó, bởi vì vào trinh sát là không thể để địch túm cổ được. Một vài người bạn sa cơ của họ trước đây đã bị móc mắt, xẻo mũi. Vâng, mắt để nhìn, mũi để ngữi, để đánh hơi bọn ông, bây giờ bọn ông sẽ dạy cho con bài học. Mọi giá phải chơi lại. Không còn cách nào hơn. Minh đã chuẩn bị một trái lựu đạn cuối cùng. Và những người lính kia cũng vậy. Có mệnh hệ gì thì mở chốt đồng loạt và chết đồng loạt. Trinh sát là phải vậy. Chính cái điều lựa chọn dứt khoát này đã là sức mạnh ghê gớm để cả Đại Đội còn có mặt trong cơn đại hồng thuỷ. Lửa và chất nổ như cháy cả buồng tim, để những người lính không còn hãi sợ, để Minh, dù là Thiếu Uý, phải phạt người Thiếu Uý trung đội phó cầm lựu đạn mà chạy đầu khi toán của hắn không chịu dàn hàng ngang xung phong vào bìa rừng, mà ở đằng sau bắn tới vào ngày 12/03. Vì anh có thâm niên quân vụ hơn. Lúc này, ông thần chính là kỷ luật. Lúc này, thằng nào yếu mềm là phạt mang lựu đạn ra nằm ngoài bìa rừng. Lúc này, kêu chạy phải chạy, xung phong là xung phong, mang mìn gài chiến xa cách phòng tuyến cả trăm thước, phải tuân lệnh. Lúc này, nằm tận trong bìa rừng làm tiền đồn phải nằm. Không nghe, bắn. Lúc này chỉ biết càng bắn, càng đâm, càng tung lựu đạn, càng hả hê cuồng sát, càng hả hê khi thấy những người lính đối phương thét la vang dội, Bác ơi, Bố Mẹ ơi. Như tiếng thét kinh hoàng của người lính trẻ Bắc quân trước khi hắn chết. Hắn không quen đánh trong rừng cao su. Hắn như con nai, thay vì chạy về phía sau cùng hàng ngũ, hắn chạy về phía trước. Và phụp. Máu vọt thành vòi, bắn lên gương mặt của hạ sĩ nhất Đặng. Lúc này không còn thắc mắc, bận tâm, lương tâm, nhân bản. Lúc này không còn cảnh bắt tù binh mang về bản doanh Trung Đoàn như trong lần thử chiến đầu tiên cùng K5 thuộc 316 nữa. Mà không thể mang được. Trong khi xung quanh thiên binh vạn mã trùng điệp vây quanh tìm cách giết đám con chiu chắt...

Wednesday, April 4, 2012

Thy An Nguyễn Thế Tài * Mùa xuân nhớ dòng thơ




Đào Hải Triều



1.
khi con chim họa mi
bên mảng tường rêu xanh
gửi lời từ biệt đến mùa đông hiu quạnh
bằng nụ hôn những cành hoa bay theo gió,
chữ nghĩa của ta sẽ no tròn
phơi trên tấm lưng trần
bát ngát đại dương
và khu vườn hoang sơ
sẽ trở mình thức dậy
như giấc mơ
băng qua những đám mây ngủ sắc

 2.
viên sỏi nhỏ chiều nắng tắt
trinh nguyên như môi cười trổ nụ hôm qua
muôn đời ngủ yên
hiền hòa
dưới những bước chân nõn nà
hài hoa, gót ngọc
đã vượt ngàn năm ánh sáng
ân cần bọc lấy ngực tim
và đo kỷ niệm bằng những vòng dây ái ngại
3.
bên kia những biển dâu bờ bãi
ta bỗng nghe
loài người mòn mỏi trở về
đứng giữa đêm sương
trái tim oặn đau thời chinh chiến
và tình thương chưa đủ lớn
để bôi đi những đoạn trường
của lịch sử oan khiên ...
ôi hai vầng nhật nguyệt
âm thầm
nhỏ lệ xuống quê hương trăn trở
4.
cửa thiên đường chưa một lần rộng mở
nghe tàn hơi con phố cũ quay về
dẫm lên ký ức từng trang sách đam mê
tiếng ca hào sảng của bầy ngựa rừng si dại
nhắc ta nhớ lại
mảnh trăng vàng ghế lạnh công viên
ngút ngàn những ánh sao
như mắt của tình nhân cô độc
giữa vũ trụ bao la
tìm một nơi trú ẩn
lạ thường
5.
khóm hoa vàng đọng lại những giọt sương
đêm khuấy tan nỗi buồn
pha thơ vào rượu
chữ nghĩa ngục tù
không giữ nổi màu xanh
trên đôi mắt long lanh chờ sáng
và ngôn ngữ cúi đầu
bất lực
gục trên những đam mê tuyệt vọng
bầu ngực căng phồng khao khát yêu thương

6.
giữa những hoang đường
có tiếng hát đầu năm như con chim bay lạc
bám lấy góc tường rêu : điểm tựa cuộc đời
dòng thơ lao đao trên bầu trời xưa cũ
mời mọc tuổi thanh xuân
âm thanh trượt ngã ...
và trên những xôn xao ngày tháng
hãy nhìn hoa nở để quàng vai hạnh phúc
thơ biến thành di chúc mịt mù
7.
mãi mãi
mùa xuân lang thang
lặng lẽ
tiễn người về cuối phố thiên thu ...
 
thyan NTT
 

Tường Linh * Ðêm Vũng Tàu


. sóng nhớ thương chi
đến bạc đầu
niềm khơi
trăn trở đã bao lâu ?
Vũng Tàu
đêm
gió xôn xao quá
lạ vị cà phê
quán Bãi Dâu


giọt đắng rơi..rơi...
biển mịt mùng
tâm tư thềm biển nỗi riêng , chung
giàn khoan típ tắp khơi xa đó
đêm lại nối ngày
tim biển rung


giọt đắng ngừng rơi
sóng mãi reo
đèn khơi không động
mắt vương neo
Vũng Tàu phóng khoáng
đêm
mừng khách
trở gót
bờ trăng
sóng vỗ theo


Tường Linh

MANG VIÊN LONG * Hai trường hợp một cuộc tình



Tại phòng số 2, cô nhân viên phụ trách phát cho Ngạn và Kiều mỗi người hai mẫu giấy, hướng dẫn sơ lược điền vào các khoảng, rồi chỉ cho họ đến phòng cuối dãy hành lang…
Phòng “Viết Đơn & Thư” dành cho những kẻ có việc đến Tòa nhỏ hẹp, kê ba dãy bàn ngắn, trống trải đến nổi không có một tấm lịch treo tường. Nó trơ trụi, khô khốc, và lạnh lẽo như những con người đã bước chân vào đây. Vào chốn cuối cùng của tháng năm dằn vặt, muộn phiền để kết thúc một phần đời sống bất hạnh thương đau.


  Khi Ngạn và Kiều bước vào, thì hai cô cậu khoảng trên 25 tuổi cũng lần lược bước ra khỏi phòng. Cậu thanh niên mặc quần jean xanh, áo sọc rằn đỏ vội vã đi về phía phòng số 3 dể nộp đơn, còn cô gái ngơ ngác lửng thửng bước theo sau. Nhìn dáng vẻ lạnh băng, thiểu não và khô héo của cô gái, Ngạn hiểu họ cũng vừa làm công việc giống mình trước đó mấy phút, để chấm dứt một cuộc tình! Chấm dứt cái ngày xe hoa áo cưới, nụ cười chúc tụng rộn rã mà có lẽ chỉ vừa xảy ra cách ngày hôm nay đối với họ không lâu! Họ đã rời xa căn phòng rực rỡ sắc mầu hương thơm hoa chúc dành cho tân lang và tân giai nhân để bước vào ngồi trong chiếc phòng trống trơn trắng toát này để vĩnh viễn rời xa?

Kiều ngồi vào chiếc bàn trên,hý hoáy viết vào các khoảng trống, còn Ngạn ngồi ở bàn dưới lơ đểnh nhìn vào hai tấm giấy đặt trước mặt, chưa viết vội. Anh có ý chờ Kiều viết xong rồi mượn ghi lại cho nhanh. Trong đầu anh trống rổng, đông cứng như tản đá, chẳng biết phải viết thế nào cho phù hợp với toan tính của Kiều. Đồng thời, anh cũng nhận ra, trong các khoảng cần điền vào cho hợp lệ .Ngạn cảm thấy đối với anh không có gì khó khăn, phức tạp cả. Anh cũng đã từng nghĩ đến điều ấy từ những tháng trước khi đồng ý cùng Kiều đến đây rồi. Tất cả đều “ không” ,bởi vì cái “không” lớn nhất của đời anh đã đến từ vài năm nay khi Kiều có ý định theo học lớp sư phạm do người chú đang công tác ở phòng giáo dục gợi ý, vì nàng có đủ điều kiện về bằng cấp và lý lịch! Chỉ cần ly hôn với Ngạn, là mọi chuyện sẽ êm thắm. Còn nghề may vá sơ sài, riêng lẻ của Kiều đang vắng dần khách cùng với sự ế ẩm của nghề sửa chữa máy may cũ của Ngạn. Trong khu phố đã bắt đầu xuất hiện trở lại vài hiệu may uy tín, ngoài chợ áo quần may sẵn cũng dần được bày bán với giá thấp. Mọi chuyện đã rõ anh đâu “có” gì để yêu cầu, đề nghị giải quyết nữa? Mắc nợ ai và ai mắc nợ: Không! Tài sản riêng,tài sản chung: Không. Đòi hỏi gì về con cái: Không! Tất cả anh sẽ ghi theo ý muốn của Kiều để mọi chuyện sẽ được giải quyết nhanh chóng. Sẽ chẳng có một lời yêu cầu hay tranh chấp gì trong buổi chia tay vĩnh viễn này cả. Ngạn cảm thấy mỏi mệt hụt hẩng như đang bị chao đảo trên khoảng không ngờm ngợp nắng và gió.
“Đã gần 10 năm từng ngày chăm chút cho hai đứa con với bao kỳ vọng dã trở thành số “không” rồi ,thì còn gì để đòi hỏi, yêu cầu thêm cho những tháng năm còn lại cuối đời?”. Ngạn đã dửng dưng đồng ý đến Tòa khi nghĩ vậy theo sự bức bách ngày càng khẩn thiết của Kiều (mà trước đây anh đã nhiều lần khướt từ quyết liệt). Ngạn cũng đã thấy rõ tương lai của anh thợ “chuyên sửa chữa máy may” và “bản án vô hình” của anh sẽ chẳng có gì thay đổi tốt đẹp hơn, nếu không muốn nói là ngày càng tồi tệ.


Đang học năm thứ 3 tại Trung Tâm Kỹ Thuật Phú Thọ (là tiền thân của đại học Bách Khoa sau 75) ngành công chánh. anh bị dồn vào trại nhập ngũ bởi lệnh tổng động viên năm 72. Giữa năm 73 ra trường, cấp bậc chuẩn úy ,binh chủng Thủy Quân Lục Chiến. Tháng 2 năm 75 bị bắt làm tù binh ở chiến trường Tây Nguyên trên đường rút quân về đồng bằng Phú Yên khi chỉ mặc áo lính chưa được hai năm. Vào trại “tù tàn binh” T53 gần hai năm ,bằng thời gian anh ở trong quân ngũ, Ngạn được phóng thích khi đang ở vào tuổi 25.

Trở lại quê nhà là niềm khao khát của Ngạn trong những tháng năm sống ở núi rừng thâm u quạnh vắng. Người chị còn lại ở quê là điểm tựa duy nhất cho Ngạn khi anh quyết định ghi nguyện vọng của mình trong đơn xin phóng thích. Đi đâu? Về đâu? .Ngạn thật sự không thể tìm ra một chỗ nào trên quê hương có thể bao dung anh trong lúc này,ngoài quê nhà! Chung quanh anh ,nơi nào cũng rẩy đầy bất trắc, đồi thay lạ lẫm, mờ mịt! Cũng có đôi lần Ngạn nghĩ đến Cẩm ,cô bạn đồng môn ngày trước ở Phú Thọ, nhưng hình bóng của Cẩm lại xa vời quá đỗi khiến anh không còn có thể níu kéo lại được gì trước cơn bão đổi thay của thời cuộc. Thôi thì có chết đói cũng được chết ở quê nhà , đôi khi quẩn trí cùng đường Ngạn đã nghĩ vậy, để tự an ủi cho quyết định cuối cùng của mình…

Ngạn đến xin học ngay nghề sửa chữa máy may với người bà con phía chồng của chị để nhanh chóng tìm kiếm cơm áo khi trong túi không còn chút tiền nào dự phòng. Biết không thể ăn bám vào gia đình đang lâm vào cảnh khốn cùng của chị ( bốn con, chồng đang đi học tập. ruộng vườn đã quy hoạch sáp nhập vào hợp tác xã) .Ngạn bán đi chiếc đồng hồ Seiko 5 và chiếc nhẫn vàng tây một chỉ của Cẩm (cô bạn gái học cùng trường,ngành địa chính, đã đeo vào tay anh khi Ngạn rời Saigon lên trại nhập ngũ Trung Tâm 3 ngày nào) để chi dùng trong thời gian học nghề. Vì chỗ thông gia và cũng vì thương cho tuổi trẻ của Ngạn sa cơ,ông đã nhận lời sau mấy hôm suy nghĩ. Trong tình trạng khan hiếm máy may, không có máy mới tất cả đều tận dụng các máy đã cũ, mà nhu cầu may mặc bình thường hằng ngày vẫn phải có ( dù bất kì là loại vải nào) miễn không thể để cho cơ thể trống trải, nghề may vì vậy tương đối phát triển nhanh, “kiếm ăn” dễ dàng.

Kiều là một “khách hàng” quen thuộc của Ngạn. Nhiều lần Kiều mang máy đến. Cũng có khi Ngạn theo Kiều về tận nhà để sửa máy cho nàng. Chiếc máy Singer cũ của mẹ mua từ thuở mới sinh ra nàng để tự may vá ở nhà, nay được đem ra lau chùi như một bảo vật. Kiều chỉ còn người mẹ góa bụa dã luống tuổi. Thấy Kiều hiền từ, xinh xắn, dễ thương lại có trình độ.Ngạn đem lòng thương yêu, gắn bó dễ dàng trong nỗi cô độc và buồn bã ngày đêm của đời mình. Một đám cưới đơn giản nhưng đầy đủ nghi lễ đã được thực hiện ngay sau khi mẹ Kiều đã cho gọi Ngạn đến, tâm sự: ” Ông ấy thoát ly sớm, rồi mất ở Khe Sanh khi mẹ chỉ có một mình con Kiều -nay, mẹ có thêm con trai mẹ rất vui …”.

Đứa con trai đầu lòng vừa lên sáu tuổi mới bước chân vào lớp một ,Kiều đã nghe theo lời “gợi ý” của người chú viết đơn xin ly hôn với Ngạn. Anh không chịu ký vào tờ đơn ấy đến lần thứ ba, kéo dài thêm bốn năm. Kiều sinh thêm bé Ngân và một năm sau,đã dứt khoát tự mình đến nộp đơn xin ly hôn không cần chữ ký của Ngạn nữa! Anh trở thành “bị đơn” trong mẫu tự khai ở Tòa sáng nay…

Kiều nhận lại hai mẫu giấy từ tay Ngạn đọc lướt qua, rồi bước ra khỏi phòng như vừa cầm được niêm hy vọng của cái tương lai đang rộng mở phía trước. Kiều đi ,cô gái trạc ba mươi tuổi bước vào phòng, lại ngồi ngay vào chỗ của Kiều. Nhìn thoáng vẻ rụt rè ,áo quần đơn giản, Ngạn đoán cô ta ở vùng ngoại ô các xã lân cận.Trước khi rời phòng ,Ngạn hỏi: “ Cô làm đơn xin Tòa xử điều gì vậy? “
- Tự nhiên em nhận được giấy đòi của Tòa. Đến đây mới hay chồng em đã nộp đơn xin ly hôn với em…
- Anh ấy không hỏi ý em hay sao?
- Không!
- Chồng em đang làm việc gì vậy?
- Tài xế…
- Bây giờ em làm gì ở đây?
- Em điền vào các khoảng trống theo lời dặn của cô phụ trách…Chỉ dơn giản là vậy thôi!

Sau khi đã nộp đơn ở phòng số 3 và sau đó, theo thứ tự được vào gặp ông chánh án ở phòng số 1.Kiều đã lập lại lời yêu cầu trước đó, là đề nghị Tòa cho xử ly hôn, càng nhanh càng tốt. Ông chánh án kết luận: “ Nếu không có tranh chấp gì về tài sản, con cái, các khoản nợ nần thì chuyện xử ly hôn là đơn giản thôi…”. Theo lời hướng dẫn của ông, Kiều ( là nguyên đơn) đến phòng số 2 nhận giấy xác minh, để đi đến “ Phòng Thi Hành Án” nằm ở khu phố Hai Bà Trưng nộp án phí . Ngạn bước ra khỏi phòng ông chánh án, lơ lửng bước theo Kiều ngồi vào chiếc băng chờ ở dãy hành lang, trước phòng số 2. Anh cảm thấy thèm điếu thuốc ,thò tay lấy bao thuốc trong túi áo khoát, khẽ khàng rút một điếu châm lửa…
- Tiền đây ,anh đi nộp giúp án phí đi…
Ngạn đứng phắt dậy rút tấm giấy trên tay Kiều ,đi vội về phía cầu thang. Lúc Ngạn dắt xe vừa ra khỏi cổng, cô gái gặp sau cùng ở phòng viết đơn thư chạy vôi ra gọi: “ Anh ơi! Em không biết đường Hai Bà Trưng, anh cho em đi với…”.
- Cô gọi xích lô hay xe ôm đi! Ngạn quay lại nhìn, giọng lạnh lùng.
- Anh làm ơn…
Cô gái đã đến bên cạnh vẻ lo lắng, khẩn khoản:”Anh làm ơn…”
- Cô lên xe gấp đi!
Xe chạy được một quảng dừng lại ở ngả tư đèn đỏ ,Ngạn quay lại hỏi: ” Quê cô ở đâu?” – “ Dạ, thôn Đá Trắng, xã Hòa Ninh” – “ Có mấy con rồi mà ly hôn?” – “ Thưa, một đứa, con gái” – “ Mấy tuổi?” – “ Ba tuổi!” – “ Cô làm nghề gì vậy?” – “ Thợ may…”

Vào đến sân khu “ Phòng Thi Hành Án” , Ngạn tắt máy, bước vội vào bên trong. Được hướng dẫn, anh lên ngay cầu thang tìm phòng thu lệ phí. Ngạn ngồi ở hàng ghế chờ bên ngoài ,lấy thuốc ra hút.
Đến lượt Ngạn vào nộp tiền, thì cô gái cũng vừa đến ngồi vào chỗ của anh. Nộp xong ,Ngạn lại đoan đả quay về phía cầu thang. Khi đã dắt xe ra đến cổng, Ngạn moi tìm trong các túi áo quần không thấy chiếc chìa khóa xe ở đâu cả! Nhìn quơ quất xuống sàn nhà để xe ,anh không thấy gì? Ngạn dựng xe nằm bên cổng, đi dần vào các phòng, thử tìm lại…
- Anh đang tìm gì vậy?.Cô gái vừa xuống cầu thang, áy náy hỏi.
- Chìa khóa xe…
- Đây nầy ,cô mở chiếc ví nhỏ cầm tay, rút chiếc chìa khóa trao cho Ngạn ,lúc nảy anh vội đi, chỉ tắt máy mà không kịp lấy chìa khóa, em sợ bị mất…
Ngạn vội thò tay lấy lại chìa khóa ,nhưng cô gái đã kịp nắm chặt nó giữa lòng bàn tay mình .Ngạn dã cầm lấy nắm tay cô gái giây lâu: “ Em sao vậy?” – “ Em muốn anh chở giúp em về…”

Friday, March 30, 2012

Trần Văn Sơn * Lui Binh Hành




tặng 2 vị Tiểu đoàn trưởng của tôi: Lê Phi Ô & Lê Hùng



Lui binh lui binh hề lui binh
tướng giỏi nghiến răng ném bất bình
chiến trận bao năm chưa chiến bại
một ngày buông súng quỉ thần kinh


Gìm súng đêm đen đồi Bảo Đại
quân đi ngậm thẻ nuốt hờn căm
Hoài Đức pháo rơi như đậu vãi
về đâu quốc lộ 1 mù tăm


Băng rừng vượt chốt mở đường máu
tiểu đoàn ba trăm còn ba mươi
bi đông cạn nước tay lựu đạn
máu trộn mồ hôi lẫn xác người


Sông núi rùng mình Biển Lạc khóc
ba lô nón sắt vững lòng dân
hình vợ thẻ bài đeo trước ngực
Lăng Quăng cầu gãy lính chồn chân

La Ngà, Gia Huynh địch vây khổn
Tánh Linh tràn ngập bầy kên kên
quan nghinh đầu súng lính đoạn hậu
sống chết trời cho súng nổ rền


Vợ trẻ chờ chồng con chờ cha
giặc ruồng thôn xóm nát tan nhà
Võ Xu, Chính Đức rồi Võ Đắt
về đâu La Gi xa thật xa


Người lính can trường vuốt mắt bạn
cắn nát môi nuốt lệ rưng rưng
hỡi ơi chiến trận anh hùng tận
vùi thây đánh dấu gốc bằng lăng


Đêm sao Bắc Đẩu soi mắt thần
mỗi bước chân mìn bẫy giăng ngầm
Suối Kiết, Láng Gòn, Tân Long bến
hải đội đâu mà biển lặng câm



Tiểu đoàn ba trăm còn ba mươi
mất tích thương vong lính tả tơi
tận nhân lực anh hùng mạt vận
xuôi đời theo vận nước nổi trôi


Lui binh lui binh hề lui binh
tướng giỏi nghiến răng nén bất bình
trăm trận ra quân trăm trận thắng
tháng tư bẽ súng đất trời kinh


Trần Văn Sơn * 3/2012

Tuesday, March 27, 2012

Nguyễn Mạnh Trinh * Nguyễn Đình Toàn: viết nhạc như một thi sĩ

 



Hai mươi năm văn học miền Nam có thi sĩ Nguyễn Đình Toàn với những bài thơ được chép trong những cuốn vở học trò thì có văn sĩ Nguyễn Đình Toàn với tác phẩm Áo Mơ Phai được giải thưởng văn chương toàn quốc.Và cón có một chân dung nghệ sĩ nổi bật không kém. Đó là nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn.
Trong một cuộc nói chuyện với ông, tôi có nói rằng bản Sài Gòn Niềm Nhớ Không Tên là bản nhạc mà tôi thích nhất của ông vì nó gợi ra cho tôi những kỷ niệm. Thì ông trả lời ngay rằng những bản nhạc có tính chất thời sự như thế ông sáng tác vì sự bức xúc nhưng chưa phải là những bản nhạc mà ông tâm đắc nhất mặc dù nó nổi danh vì được nhiều người chia sẻ. Ông cho rằng những bản tình ca sẽ muôn đời ở trong tim óc mọi người như chính những lời viết giới thiệu mà ông đã đọc trong chương trình Nhạc Chủ Đề ngày xưa…

Kỷ niệm nào thì cũng đáng nhớ và những bản nhạc gây ra ấn tượng trong tiềm thức ấy cũng sẽ là những điều chẳng thể nào quên.
Như bản nhạc “ Sài Gòn niềm nhớ không tên” của nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn.
Bản nhạc ấy đã gây thật nhiều cảm xúc cho tôi vì tôi nghe bản nhạc ấy lần đầu tiên ở trại tù Long Khánh do một người bạn đồng tù hát. Nhạc đệm chỉ là một cây đàn guitare tự chế bằng tôn nhôm và gỗ săn nhặt được và giây đàn được làm bằng những sơi dây điện thoại tước ra từng sợi nhỏ tạo thành. Cũng như ca sĩ là người chung cảnh ngộ hát bằng cả tấm lòng và giọng hát thầm thì như của một người đang làm một công việc mạo hiểm , hát để cho vơi tâm sự mặc kệ mọi sự cấm đoán đe dọa của hệ thống quản giáo cai tù đầy dẫy ăng ten báo cáo. Tôi cũng chẳng hiểu làm sao mà những bản nhạc như thế lại được hát và phổ biến ở trong tù như vậy. Chúng tôi xung quanh ngồi nghe như uống từng nốt nhạc , như chắt từng câu ca. Sài Gòn xa rồi, bây giờ ở ngoài vòng rào kẽm gai mịt mùng. Sài Gòn , vẫn còn gần gũi những ngày mà thành phố thảng thốt lọt vào tay giặc thù, những anh hồn liệt sĩ còn phảng phất đâu đây từ những ngày bi thảm mà chúng tôi bị buông súng một cách tức tưởi…
Lời nhạc lôi kéo chúng tôi; ngôn ngữ hiền từ tha thiết không kêu gọi máu lửa nhưng sao lại lôi cuốn chúng tôi dường ấy:
“Sài Gòn ơi, ta mất người như người đã mất tên- như dòng sông nước quẩn quanh buồn-như người đi cách mặt xa lòng- ta hỏi thầm em có nhớ không… Sài Gòn ơi, đến những ngày ôi thành phố xôn xao-trong niềm vui tiếng hỏi câu chào- sáng đời tươi thắm vạn sắc màu- còn gì đâu..”

Lúc ấy, chúng tôi chưa biết bản nhạc ấy là của nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn. Tên nhạc sĩ tác giả là cả một huyền thoại đối với chúng tôi lúc đó. Có người bảo đó là của nhạc sĩ khác hát bản nhạc ấy ở hải ngoại rồi cảm xúc đến nỗi bị ngất xỉu ngay trên sân khấu.Có người bảo đó là một bản nhạc của một nhạc sĩ đang bị giam ở khám Chí Hòa truyền ra ngoài và phổ biến. Đến mãi về sau, khi đã qua Mỹ định cư tôi mới biết tác gỉa là người chủ trương Chương trình Nhạc Chủ Đề trên đài phát thanh Sài Gòn và là thi sĩ, văn sĩ nổi tiếng của hai mươi năm văn học miền Nam…

Chương trình Nhạc Chủ Đề do nhà văn Nguyễn Đình Toàn thực hiện trên đài phát thanh Sài Gòn vào buổi tối ngày thứ năm hàng tuần với mục đích giới thiệu với thính giả những bản nhạc được lựa chọn và được viết với lời giới thiệu và giọng đọc rất đặc biệt của người chủ trương. Cuối thập niên 1960, có ba chương trình nhạc chọn lọc được giới trẻ sinh viên học sinh ưa thích là chương trình Tiếng Nhạc Tâm Tình do ca sĩ Anh Ngọc phụ trách, ban Tiếng Tơ Đồng do nhạc sĩ Hoàng Trọng thực hiện và chương trình Nhạc chủ đề của nhà văn Nguyễn Đình Toàn. Người được kể là đọc lời dẫn nhập vào chương trình hay nhất là nhà văn Mai Thảo đọc cho chương trình nhạc của ca sĩ Anh Ngọc và giọng đọc Của Nguyễn Đình Toàn cho Nhạc Chủ Đề…

Theo như ý kiến của nhiều người, những lời giới thiệu nhạc hay nhất trong lịch sử âm nhạc có lẽ là bài viết và giọng đọc của các nhà văn kể trên. Những bài viết ấy đã mở ra những khung trời lãng mạn mà người nghe có cảm giác như đã quên đi hiện tại để bồng bềnh trong mênh mang của chữ nghĩa và âm nhạc…
Chương trình Nhạc chủ đề ấy có những lời mở đầu như những cánh tay mở khung cửa mơ mộng, để ở đó tình yêu trở nên mơ màng hơn, có chuốt lọc nhưng lại có những cảm giác nhẹ nhàng như tơ làm mềm lòng những tuổi thanh xuân đang hăm hở vào đời với sự tinh khôi trong sáng của những bình minh hứa hẹn những giọt nắng thủy tinh ngời tin yêu nồng biếc .

Ai đã nghe qua những lời mở thế này mà không rung động? Nhất là những chàng tuổi trẻ ngày xưa nay đã thành những ông già lão nhìn lại quá khứ ngày nào đã rất xa , thật xa mà sao lại còn rưng rưng nỗi niềm chia sẻ:
“Tình ca- những tiếng nói thiết tha và tuyệt vời nhất của một đời người- bao giờ cũng bắt đầu từ một nơi chốn nào đó, một quê hương , một thành phố, nơi người ta đã yêu nhau.. Tất cả mùa màng , thời tiết, hoa lá , cỏ cây, của cái vùng đất thần tiên đó , kết hợp lại, làm nên hạnh phúc,làm nên nỗi tiếc thương của chúng ta…”
Hay như một lời ngỏ khác, thầm thì, kêu gọi những bước trở về , đi ngược lại vòng quay vô tình của thời gian:
“Em đâu ngờ anh còn nghe vang tiếng em trong tất cả những tiếng động ngù ngờ nhất của cái ngày sung sướng đó: tiếng gió may thổi trên những cành liễu nhỏ,tiếng những giọt sương rơi trên mặt hồ, tiếng guốc khua trên hè phố…Ngần ấy thứ tiếng động ngân nga trong trí tưởng anh một thuở thanh bình nào, bây giờ đã gần im hơi, nhưng một đôi khi vẫn còn đủ sức làm ran lên trong ký ức một mùa hè háo hức, một đêm mưa bỗng trở về, gió cuốn từng cơn nhớ…Anh bỗng nhận ra anh vẫn còn yêu em, dù chúng ta đã xa nhau như hai thành phố…”

Những câu mở đầu như thế trên làn sóng điện phát thanh đã làm cho bao nhiêu người tuổi trẻ mến mộ. Nó là cánh cửa mở vào cõi âm thanh của những ca sĩ và những ca khúc của một thời âm nhạc Việt Nam. Những khúc nhạc tiền chiến và những bản nhạc mà về sau này đã thành tài sản quý giá của dân tộc Việt Nam mà tác gỉa là những Trinh Công Sơn , Lê Uyên Phương, Vũ Thành An, Ngô Thụy Miên, Từ Công Phụng,…Từ những ca khúc đầu tay được trình diễn, họ đã mau chóng nổi tiếng…

Tôi thời còn là sinh viên đã rất mê chương trình này. Có thể nói , đó là một phần khá đẹp của cuộc sống tôi. Bây giờ , nghe lại CD của Nhạc Chủ Đề cũ, tôi lại bồi hồi và một phần đời đã qua như hồi sinh lại.
Sau này, ở xứ Mỹ, tôi có hỏi ông về trường hợp sáng tác bản nhạc này như thế nào thì ông chỉ nói qua với sự rất hờ hững coi như đó chỉ là một trong những gần trăm bản nhạc ông đã sáng tác. Và ngay cả khi tôi hỏi về cách ông thực hiện hàng trăm chương trình nhạc làm say mê cả một thế hệ trẻ trong thời kỳ ấy hoặc hỏi về mấy trăm bài thơ và mấy chục tác phẩm vừa tiểu thuyết vừa tùy bút nổi danh một thời thì cũng với vẻ hờ hững ấy , ông cũng trả lời với vẻ thản nhiên của một người đã trải qua nhiều thay đổi và hiểu được rằng có những điều không cần biện giải của cái tự nhiên đã có.
Cũng như, khi tôi hỏi về những khó khăn của cuộc sống hiện nay, ông cũng trả lời chẳng có gì cưc nhọc dù rằng tôi hiểu được đó là một sự thản nhiên chấp nhận của một người đã trải qua nhiều mệt mỏi của cuộc đời.

Nói về âm nhạc của mình, ông nói đó là những ca khúc mà ông gọi là viết trong những thời gian tăm tối nhất của lịch sử và của chính cuộc sống ông. Nhưng đó lại là những lời kêu gọi yêu thương mong con người trở về với tình tự dân tộc. Có những bài hát trong tuyển tập nhạc “ Hiên cúc vàng”, “ Tôi muốn nói với em “ và Mưa trên cây hoàng lan” đã chứng tỏ điều ấy. Chất nhân bản đã làm thành những ca từ đẹp và có sức thuyết phục mạnh với thính giả và cũng chuyên chở một cách thâm trầm những thông điệp gửi cho người cho đời những ước vọng và tâm sự.

Những lòi nhạc như “Tôi đã bám lấy đất nước tôi. bằng sức người vô hạn. Bằng sức người đầu đội trăm tấn bom. Tim mang nghìn dấu đạn. Tôi đã đổ mồ hôi, đổ máu tươi. Để mong ở lại đây. Nhưng đất đã đỏ vì bị nung bằng những lời dối trá. Người bám vào lửa đã đốt cháy tay. Lửa hờn căm, lửa hiểm thâm, lửa khốn cùng cay đắng. Người lừa nhau trời đất còn bưng mặt thảm thương. Ba mươi năm cuộc tương tàn chưa đủ? người giết người không kịp mở mắt trông. Ba mươi năm mạng người như rác cỏ, giây hòa bình còn thắt cổ người tin…”trong bản nhạc ” Tôi cố bám lấy đất nước tôi” có phải là những lời chân thành dù trong cơn tuyệt vọng nhưng vẫn còn cố gắng bám víu vào cuộc sống một ý nghĩ nào tích cực nhất.?

Những lời ca viết cho thành phố Sài Gòn trong thời thế ấy bỗng dưng trở thành những lời kêu gọi của một dân tộc đã chịu quá nhiều đau khổ. Hết rồi những cơn mưa chiều cũ, mất rồi những buổi sáng rực rỡ xưa. Lời ca, ý nhạc lôi kéo chúng ta trở về con hẻm nào của những hẹn hò, của nụ hôn môi tuyệt vời , của hương tóc thề e ấp phả trong tà áo lụa xôn xao. Cái cảm giác ngày nào như sống lại, làm gai gai trong da thịt nỗi ngây ngất thuở nào. Nghe đâu đây như bước chân nào trở về đồng vọng….

Tình ca Nguyễn Đình Toàn là một tuyệt phẩm cho những người yêu nhau. Nếu chúng ta có tràn đầy kỷ niệm với “Em đến thăm anh đêm ba mươi” thì chắc chúng ta cũng bồi hồi nhớ lại thuở nào với “Căn nhà xưa”. Câu hát thầm thầm trong trí nhớ “Tay em lạnh để cho tình mình ấm, môi em mềm trong giấc ngủ anh thơm, sao giao thừa xanh trong đôi mắt ngoan, trời sắp tết hay lòng mình đang tết, tháng ngày cũng phôi pha rụng từng mùa..”. Còn tình tứ nào hơn và cũng tiếc nuối nào hơn cái giây phút của cuối năm. Hay những lời nhạc trong “Căn nhà xưa” với những hình ảnh thân quen với những ấn tượng chẳng thể nào phai nhạt trong caí thuở yêu nhau mà chẳng nghĩ đến buổi chia tay: “Em có nhớ đến căn nhà xưa bên khu vườn cải, nơi những sớm mai nằm nghe nắng ròn trên mái.. Có những sớm mai em tìm đến với những đóa hồng khép nép trong vòng tay ôm.. Nghe sau lưng em có chiếc lá mừng, đã đổi màu xanh lấy hương nồng..”

Có một bản nhạc với tên khá lạ lùng. “Chim đắng đót” Tôi cũng chưa hình dung ra được con chim này như thế nào nhưng biết chữ đắng đót từ câu thơ:” Đắng đót ghê thay mùi tục lụy/bực mình theo Cuội tếch cung mây” và theo Việt Nam Tự Diển của Lưu văn Đức và Lê Ngọc Trụ thì đắng đót có nghĩa lađàu đớn khổ sở. Chim đắng đót kêu mãi kêu hoài trong ca khúc:
“ trên núi cao kia
tôi nghe tiếng con chim đắng đót kêu sương
Chim nhớ ai mà lời chim đau thương?
Trên cánh đồng kia
Có con bướm khô cành rơi trên đường
Nước mắt tôi khóc tràn
Không dập tắt được
Lửa tình trong tôi
Oâi có ai kia thức thâu đêm mới biết đêm sâu
Mới biết tim ta là bể đau khi yêu
Như chiếc thuyền con
Giữa cơn sóng xô , cuốn trôi vật vờ
Đến lúc về đến bờ
Sóng xô sóng dồn chỉ còn hồn bơ vơ
Trên núi cao kia tôi nghe tiếng con chim có lúc bay qua
Tôi nói với ai để lòng tôi nguôi ngoai
Hỡi những người tình sống trong thú vui dối gian cợt cười
Sẽ có khi các người
Khóc thương cho tình của mình
…như tôi”

Với những bản tình ca ấy , dù có chút đớn đau , có chút hoài niệm nhưng vẫn bàng bạc ở trong những lời tinh khôi một điều gì nhẹ nhàng tựa như tiếng gọi thầm của những hứa hẹn cho hạnh phúc mai sau. Không gian có thể là biền biệt hai đại lục xa cách một biển trời. Thời gian có thể là những tháng năm chồng chất vui buồn mà vui thì hiếm hoi và buồn thì tràn khắp.Nhưng vẫn trong nhạc mà lời thơ đan kết , tình ca ấy vẫn là tiếng thở của con tim một người nghệ sĩ nhạy cảm tuy nhiều bi quan nhưng lại vẫn tin tưởng vào cuộc đời và những trong sáng tình người. Những ca khúc thiết tha ấy bao giờ cũng ngân lên từ những nơi chốn mà một đời người đã gắn bó lâu dài. Hà Nôi , Sài Gòn, chẳng còn phải là một thành phố mà hơn nữa, nó là thánh địa của yêu thương mà ở đó tâm hồn người tháp cánh để vượt lên trên thời gian không gian xa cách.

Nghĩ và viết về chiến tranh , trong văn, trong thơ, trong nhạc chúng ta có rất nhiều. Chiến tranh là một trời tang tóc, là những bi kịch cho cả dân tộc.Và cuộc chiến càng ác liệt bao nhiêu thìkhát vọng hòa bình lại càng lớnlao như thế. Nhưng, đau đớn thay, khi ngưng tiếng súng thì lại bắt đầu một thời kỳ vô cùng bi đát của lịch sử Việt Nam. Nguyễn Đình Toàn cho đó là hiện tượng những người không làm ra lịch sử mà lại phải gánh chịu những thảm họa của lịch sử. Kẻ làm ra những bi kịch ấy , hình như là những người lạ mặt, là những mắt xanh râu xồm , là những kẻ thúc giục một cuộc chiến để phá vỡ một hệ thống xã hội đang có để thành lập một chế độ khác tệ hại hơn vạn lần. Cái trớ trêu của lịch sử Việt Nam là có những kẻ rao giảng những điều không tưởng của ý thức hệ ngoại lai để tạo thành cảnh núi xương sông máu.Tuổi trẻ Việt Nam đã có những lời kinh cầu từ:
“Vâng tuổi trẻ tôi như lá thu
đã nửa vàng từ cơn gió đưa
hồn còn trong như một bài kinh
vâng tuổi trẻ tôi như phúc âm
đã gian truân từ đêm tối tăm
người còn say sưa bày tiệc vui
từng thịt xương máu người còn khơi
hòa bình đến với lời cầu xin
triệu hồi chuôngtrong tháp tin vui
nhưng âm vang chưa tàn
đã thấy một thủy triều nước mắt đầy hơn…”

Sau 1975, bị đi tù với tội danh là “ văn nghệ sĩ”, ngồi trong khám nghe ngoài kia đời sống bình thường trôi qua, những ca từ như có một chút gì thầm thỉ nhớ về. Chiều ở trong tù thật buồn , như nỗi nhớ thương cứ loang trong huyết quản. Bài nhạc “Chiều trong tù”:
Ai nghe chăng tiếng đàn xa vắng
Ta nghe ta đã dường khác xưa
Tay qua ngang vết hằn năm tháng
Trong đau thương tóc người cứng khô
Ytên hoang vu những tầng mây trắng
Ta nghe ta trong niềm xót xa
Vvai em thơm như mùa thu nắng
Vai bao nhiêu.. máu hồng tình xa
Chiều trong tù anh nhớ em
Anh trông trời, trời như tấm khăn
Trông quanh mình như hàng khóa câm
nhưng mắt người quầng thâm cũng trông
người nhớ người , hơi nhớ hơi
trong âm thầm còn ai nhớ ai
cho mưa lạnh lùng rơi xuống rồi
cho đêm buồn một cơn đau dài”

Có phải thơ là nhạc và nhạc là thơ và nỗi nhớ mong cũng rất.. Nguyễn Đình Toàn, một chút nhẹ nhàng sương khói, một chút bàng bạc xót xa. Và trong cùng tận thâm tâm vẫn là mong manh mơ hồ một niềm tin nào vẫn còn hiện hữu.
Viết về Nguyễn Đình Toàn, hình như tôi bị vướng vất với kỷ niệm của tôi. Mà trong ký ức ấy, có rất nhiều niềm vui của người luôn luôn sống từng giây từng phút với dĩ vãng mình. Nó sống sinh động, là ký vãng chứ không phải là quá vãng. Đọc văn ông, đọc thơ ông và nghe nhạc của ông tôi không dừng được từ những miên man cảm xúc. Và lúc ấy , tôi có cảm giác là sống thêm được một vài giây phút mà tôi cho là “bonus“ của một ngày của riêng tôi…

Trần Vấn Lệ * Gửi Bạn Mình Phan Bá Thụy Dương




Tháng Tư bạn về thăm Cố Quân
Gọi giùm tôi với Cố Nhân ơi!

Long Hương sóng chắc trào ly rượu
Vĩnh Hảo mây còn níu nước nôi…

Tôi đã là bèo không ở lại
Bạn đang làm gió để quay lui

Thì non sông đó dành cho bạn
Một chút lòng tôi một chút thôi!


Trần Vấn Lệ

Tiểu Tử * Con Mẹ Hàng Xóm


Nguyễn Trung


Hắn tên là Cui, Đặng văn Cui. Thứ ba, nên người ta gọi là Ba Cui. Và vì nước da hắn ngâm ngâm, nên sau này khi đi lính quốc gia, bạn đồng đội đặt cho hắn biệt danh "Cui Đen". Không phải để phân biệt với thằng Cui khác, mà là để cho dễ nhớ ! Bởi vì tiếng "Cui" một mình vừa cộc lốc, tối nghĩa, vừa khó nhớ nữa !
Thật ra, hồi đi làm khai sanh, ông già hắn đặt tên hắn là "Qui", nghĩa là "Về", vừa văn vẻ lại vừa nhắc nhở năm đó ông đưa vợ con trở về quê làm ruộng sau một thời gian dài "bôn ba bá nghệ" ở Sài Gòn Chợ Lớn. Nhưng không biết tại vì ông phát âm không rõ hay tại vì ông chánh lục bộ lãng tai mà tiếng "Qui" trở thành "Cui" trong sổ bộ ! Thành ra, trong gia đình và trong xóm người ta gọi hắn là "Qui", còn trong trường và sau này khi ra đời, hắn vẫn mang cái tên "Cui" cứng ngắt đó và thường bị người ta hỏi "Cui là gì ?".
 
Coi vậy chớ tên "Cui" có vẻ như là cái tên... "tiền định", bởi vì rất hạp với con người và tánh tình của hắn. Con người hắn không đến nỗi quá cục mịch nhưng, thật tình, cũng không có nét gì thanh tú hết ! Người gầy gầy,nước da đen đen như người Miên, mắt lộ, gò má cao, môi mỏng dánh, giọng nói thì nhọn hoắt. Vậy mà trong cử động đi đứng, hắn lại rất lanh lẹ, không... ù lì chút nào. Còn tánh tình thì cứng cỏi, thẳng răng, gan góc... như cây dùi cui!
 
Hồi đó – cái thời còn là lính quốc gia – hắn đánh giặc hăng lắm. Khi lâm trận, mặt nào địch bắn rát nhứt là có Cui Đen phóng tới. Làm như hắn không biết sợ là gì. Vậy mà suốt cuộc đời "binh nghiệp" của hắn, chưa bao giờ hắn bị thương ! Bạn đồng đội nói: "Chắc thằng Cui Đen nó có vô bùa !".
Hắn đánh giặc "hết mình" như vậy, không phải tại vì hắn có lý tưởng này lý tưởng nọ hay có ý thức chánh trị gì gì, mà tại vì hắn nghĩ rất đơn giản: "Nhà ai nấy ở. Mắc mớ ông cha gì tụi nó mà tụi nó kéo vô đánh mình ? Rõ ràng là tụi nó muốn đánh chiếm xứ mình để đô hộ như tụi Tàu tụi Tây hồi đó. Mẹ bà nó ! Phải đánh chết cha tụi nó hết !".
Đánh giặc "chết bỏ" như Cui Đen vậy mà Trời không thương. Cho nên mới có ngày 30 tháng tư năm 1975...
 
... Được lịnh đầu hàng, hắn tức muốn ói máu ! Hắn cắn chặt môi, chĩa súng lên trời bắn như điên. Bắn hết đạn, hắn liệng súng vào đống binh cụ. Trước khi quay đi, hắn nhìn lại võ khí, ánh mắt câm hờn dịu xuống. Hắn nhìn với cái nhìn của người đàn ông nhìn cô nhân tình lần cuối, nhưng hắn lại đưa tay lên trán chào như hắn chào người đồng đội vừa vĩnh viễn nằm xuống nơi chiến trường... Trong đời đánh giặc của hắn, hắn đã từng chào như vậy. Nhưng lần này hắn nghe như hắn đang chào vĩnh biệt một cái gì to lớn hơn, một cái gì quan trọng hơn, một cái gì quí giá hơn người lính cộng hòa chết trận. "Cái gì đó" hắn không định nghĩa được nhưng hắn cảm nhận được. "Cái gì đó" cũng bất thần lảnh một viên đạn vào đầu, cũng ngã gục xuống không kịp trối. Nhưng, trong "cái gì đó", hắn thấy rõ có hắn, có vợ con hắn, có bà con hắn, có đồng bào hắn nữa. Xưa nay, Cui Đen không biết khóc. Nhưng bây giờ, bỗng nhiên hắn nghe hai mắt mình xót xót...
 
Một người bạn trong đơn vị chở Cui Đen về nhà bằng Honda.
Nhà Cui Đen ở gần chợ Bà Chiểu, trong một hẻm ngắn nhưng rộng, xe hơi vào được. Đó là loại phố trệt, có sân trước sân sau, và tường rào cao cỡ đầu người. Cui Đen, vợ và hai con nhỏ, ở căn cuối cùng trong hẻm. Vợ chồng hắn ở đó từ thời chưa có con, nên cả hẻm đó đều biết hắn. Ở đây, người ta gọi hắn là "Ba Cui".
 
Ba Cui bước vào sân thấy cửa nhà đóng im ỉm. Mở cửa vội vã, thấy đồ đạc còn y nguyên, kể cả chiếc xe đạp của hắn. Hắn bước nhanh vào trong, vừa bước vừa gọi lớn: "Lựu ! Lựu à ! Mẹ con em đâu ? Anh về đây nè !". Im lặng. Im lặng kéo dài ra tới sân sau. Căn nhà bỗng như rộng minh mong... Trong cái trống vắng đó, Ba Cui nghe như muốn ngộp thở. Hắn trở ra nhà trước, kéo ghế ngồi. Bỗng hắn để ý đến một tờ giấy trắng xếp hai nằm dưới cái gạt tàn thuốc. Lấy lên xem, thì ra là thơ của vợ hắn. Thơ viết vắn tắt: "Em và hai con di tản theo anh Sáu. Anh ở lại, nhớ nhìn kỹ Thẩm Thúy Hằng để mà sống. Em Lựu". Đọc câu đầu, hắn nghe yên tâm vì anh Sáu – anh vợ hắn – là trung tá hải quân. Đọc câu sau, hắn "xì" một tiếng, bỏ lá thơ lên bàn rồi lấy tay vỗ lên đó nghe một cái bốp, miệng lẩm bẩm: "Đến nước này mà còn viết móc lò móc chảo !". Nói như vậy, bởi vì Ba Cui vốn mê đào hát. Hắn cắt hình mấy cô minh tinh trong mấy tờ báo Tết, lộng vô khuôn kiếng treo đầy tường. Người mà hắn thường ngắm say mê nhứt là Thẩm Thúy Hằng !
 
Ba Cui đốt điếu thuốc, vừa hút vừa nhìn quanh. Rồi theo thói quen, mắt hắn dừng lại ở khuôn hình người minh tinh mà hắn ái mộ. Cặp mắt quá đẹp ! Cái mũi quá đẹp ! Nụ cười quá đẹp ! Bỗng hắn nghĩ: "Chẳng lẽ trong cái chộn rộn sanh tử của mấy ngày này mà Lựu còn nghĩ tới chuyện con nít như vậy à ?". Một lúc lại nghĩ: "À ! Mà xưa nay Lựu đâu có ghen về vụ này !". Rồi hắn lại nhìn chầm chầm khuôn hình, miệng lẩm nhẩm: "Nhớ-nhìn-kỹ-Thẩm-Thúy-Hằng... Tại sao phải nhìn kỹ ? Mà tại sao để-mà-sống ? Và tại sao lại gạch đít trọn câu này ? Chắc Lựu muốn nói gì đây !". Hắn đứng lên, bước lại gần để nhìn. Nhìn một lúc, rồi tò mò, hắn nhắc khuôn hình xuống, lật xem phía sau: trên miếng gỗ ép dính bụi có nhiều dấu tay nho nhỏ. Hắn chạy xuống bếp lấy con dao rồi cạy bật mấy cây đinh gài miếng gỗ ép. Miếng gỗ được lật ra, dán dính ở mặt trong bằng băng keo là ba lượng vàng. Ba Cui đứng ngẫn ngơ, quên mất điếu thuốc trên môi đang cháy dở !
 
Sau ngày 30 tháng tư là chuỗi dài... bận rộn ! Đi mết-tinh. Rồi họp rồi hội rồi học tập. Rồi họp rồi hội rồi học tập nữa. Khi tàm tạm yên, kiểm điểm lại thì những người trong hẻm không có ai đi di tản hết. Thành ra Ba Cui phải nói trớ là vợ con hắn về dưới quê "sống dễ thở hơn".
 
Thời gian sau, lần lần người trong hẻm đổi nghề. Có lẽ cho hạp với thời cuộc, với cái gọi là "đổi đời" mà Nhà Nước cách mạng lúc nào "lên lớp" cũng nói. Cho nên thấy thầy Trân nghỉ dạy tiểu học ở phường Sáu, thầy giáo đó bây giờ... "tháo giày" đi làm thợ hồ. Thấy bác Năm thợ bạc bây giờ ngồi bán chuối chiên ở đầu ngõ. Thấy ông thầy chích hạ bảng "Y tá có bằng cấp" rồi sơn viết lại "Hớt tóc bình dân". Thấy bà Ba "thớt thịt" nghỉ bán thịt heo ở chợ Bà Chiểu, tối ngày nằm nghe băng nhạc cải lương, để chồng con chạy áp-phe tuốt trong Chợ Lớn. Thấy ông "Chánh Ký" chuyên cho mướn xe ba bánh bây giờ bán hết dàn xe rồi ra đứng nấu mì cho thằng con có tiệm cà phê ở ngang hông chợ... vv.
Còn Ba Cui thì đi đạp xích-lô !
 
Một hôm, trong lúc đạp rề rề trước nhà thương để đón khách, Ba Cui bị xe bộ đội chạy loạn đụng gãy chân mặt. Hắn phải mang băng bột cả tháng. Lúc nào xê dịch cũng phải chống hai cây nạng gỗ. Hắn tức lắm ! Khi người trong hẻm qua thăm, hắn thường cầm cây nạng gõ vô ống băng bột cốp cốp, để nói: "Mẹ bà nó ! Hồi đó đánh giặc, tụi nó không bắn được tôi bị thương. Bây giờ yên rồi, tụi nó cũng ráng đụng cho tôi gãy chân, tụi nó mới nghe ! Quân chó chết !".
 
Hồi còn ở nhà thương, khi nhận hai cây nạng gỗ, hắn cặp hai bên nách rồi chĩa thẳng về phía trước như hai cây súng. Mắt hắn trừng lên, hắn bắn bằng miệng: "Pằng ! Pằng ! Pằng ! Pằng !...". Cho... đỡ tức ! Sau đó, hắn gỡ bỏ hai gù cao su của đầu nạng, để mỗi lần hắn chống đi có tiếng côm cốp khô khan sắc bén. Hay khi hắn nói chuyện, hắn gõ đầu nạng xuống mặt gạch nghe cành cạch. Cho... đỡ tức !
 
Hôm đi cắt băng bột, Ba Cui nói với đôi nạng gỗ: "Tụi bây chịu trận với tao bữa nay nữa là... lễ tất !". Nào dè, sau khi cắt băng, chân mặt bây giờ ngắn hơn chân trái, mà chỗ xương gãy lại cong cong, thành ra chân bị thương đó bây giờ không còn chống chỏi mạnh như xưa nữa. Hắn tức giận, quăng cặp nạng vào góc tường, chửi lớn: "Mẹ bà nó ! Gia tài có cặp giò để đạp xích-lô mà bị như vầy thì còn làm ăn khỉ gì được ?". Cô y tá nói nhỏ: "Tại số anh xui. Hôm đó anh nhập viện nhằm ca của ông bác sĩ ngoài đó...". Hắn lầm bầm: "Mẹ bà nó !". Rồi lò cò lại góc tường lượm đôi nạng lên chĩa thẳng về phía trước, miệng bắn lớn: "Pằng ! Pằng ! Pằng ! Pằng !...". Mà lần này, hắn bắn đến ba bốn đợt nhưng sao vẫn chưa nghe hả tức ! Bỗng hắn thèm có khẩu M16 để hắn... ria một hơi...
Về sau, Ba Cui sắm thùng đồ nghề rồi ngày ngày đạp xe ra góc đường gần Ủy Ban Nhân Dân ngồi sửa xe đạp. Và lúc nào cũng có đôi nạng gỗ, bây giờ đầu dưới có bịt sắt ! Cho nó... oai !
 
... Thầy Hai Khuê ở khít vách Ba Cui, hồi thời trước làm thơ ký kế toán cho một hãng buôn ở Chợ Cũ, sau thời gian đổi nghề đi đan mây tre chắc chịu không nỗi nên... bán nhà. Người chủ mới là đàn bà, cỡ tuổi Ba Cui, con người thanh tú, "coi được lắm". Cô ta ở một mình. Làm việc ở đâu không biết, nhưng ngày nào cũng thấy đi thấy về bằng chiếc xe Vélo-Solex. Vì vậy, trong hẻm gọi cô ta là "cô Hai Sô-lết".
Cô Hai không giống người trong xóm. Thời buổi này mà cô ta vẫn ăn mặc như hồi đó, vẫn áo dài màu in bông trang nhã quần hàng trắng ống thon thon. Vẫn chút phấn chút son chút dầu thơm loại "xịn". Cho nên người trong xóm cũng ngại, không muốn gần, mặc dầu thấy cô Hai Sô-lết cũng dễ thương, gặp ai cũng chào cũng hỏi. Riêng Ba Cui thì thẳng thừng: "Con mẹ này... Tôi coi không vô ! Cái thứ đàn bà ở một mình mà tối ngày son phấn... tôi nghi lắm". Cho nên, gặp cô ta mấy lần mà hắn chẳng hỏi thăm xã giao một tiếng. Chỉ gật đầu lấy lệ rồi đi luôn !
 
Một buổi tối, tên công an phường đi xe Honda tới nhà cô Hai Sô-lết với một anh bạn. Họ và cô Hai chào hỏi nhau, giọng điệu chứng tỏ họ đã quen thân nhau từ lâu. Ba Cui nằm trên ghế bố đặt ở phòng khách – hắn ngủ ở đây cho nó mát – nghe cái lối chào đón của "con mẹ hàng xóm" mà phát ghét. Hắn lầm bầm: "Mẹ bà nó ! Tao nói có sai đâu ! Cái thứ này... xài không được !"
 
Bên kia, chắc họ bày biện ăn uống ở ngoài sân nên Ba Cui nghe rõ mồn một:
- Biết bà chị neo đơn nên chúng tôi có mang đến thịt quay và phá lấu đây này.
- Các anh bày vẽ. Hồi trưa, ở cơ quan, em đã bảo đừng mang gì hết. Em có bia nè. Em có tôm khô củ kiệu nè. Em có cua rang muối nè.
- Đấy ! Đồng chí thấy không ? Tôi đã bảo là chị Tâm chu đáo lắm mà đồng chí không tin.
- Ấy ! Đây là lần đầu, tớ cũng phải có cái gì để ra mắt bà chị chứ !
- Mình là người nhà với nhau hết, mấy anh đừng khách sáo. Em không thích đâu.
- Vâng ! Thế thì cho tôi xin bà chị. Lần sau sẽ nghiêm túc hơn.
Nằm bên nây, Ba Cui vừa lắng nghe vừa suy nghĩ: "Con mẹ này ghê lắm chớ không phải vừa. Thằng công an mà còn gọi bằng chị thì không phải thứ cóc cắn đâu. Theo cách nói chuyện của con mẻ thì con mẻ vô ra cơ quan Nhà Nước như đi chợ. Vậy là người của tụi nó rồi". Nghĩ đến đó, hắn có ngay một thái độ: "Mẹ bà nó ! Mình phải coi chừng. Trong hẻm này toàn là dân ngụy không mà con mẻ chen vô đây làm gì ? Phải có ý đồ gì đó ! Mình phải cho lối xóm biết mới được".
 
Sau đó, cứ năm bảy hôm là cô Hai Sô-lết có nấu nướng ăn nhậu với bọn công an. Rồi công an kéo theo công an. Họ nói năng cười cợt như chỗ không người. Cả xóm đều biết. Cho nên mọi người đều dè dặt lẩn tránh cô Hai Sô-lết. Chỉ có Ba Cui là làm ngược lại. Trước đây, hắn không thèm chào một tiếng. Bây giờ thì hắn nghĩ: "Mình phải làm cho nó thấy là mình biết nó là ai. Mình phải đương đầu với nó để cho nó thấy rằng mình không sợ nó, mặc dầu nó là bà chằn hay ông kẹ gì gì. Mẹ bà nó ! Phải như hồi đó, tao ria cho một trận là chết cha hết !".
Cho nên, có hôm, nghe Ba Cui nhái giọng nửa Bắc nửa Nam của "tụi giải phóng" để hỏi cô Hai Sô-lết – hỏi trổng:
- Thế nào ? Tốt chứ !
- Dạ... Cám ơn anh. Cũng tàm tạm.
- Chà... Dạo này thấy... béo ra đấy !
- Em thấy em cũng vậy, hà.
- Có chứ ! Cứ ăn nhậu mãi là phì ra thôi !
Bỗng cô Hai nhìn thẳng vào mắt Ba Cui, nghiêm giọng:
- Anh Ba à ! Mình ăn cây nào mình rào cây nấy, chớ anh !
Hắn phun nước miếng xuống đất, khoát tay rồi chống nạng cành cạch đi vô nhà. Thiếu chút nữa là hắn phun thẳng vào mặt con mẹ hàng xóm đó ! Cho bỏ ghét !
 
Càng ngày, cô Hai Sô-lết càng tiếp đãi "tụi nó" thường hơn, đông hơn và nhiều thành phần hơn. Có cả cán bộ đến bằng xe hơi có tài xế nữa ! Ngoài việc ăn uống – hình như chủ nhà có tài nấu nướng nên lúc nào cũng nghe "thực khách" hết lời khen ngợi thán phục – không biết họ có... "làm gì" nữa không ? Ba Cui nhiều lần cố ý rình nghe nhưng chẳng thấy có gì khả nghi hết. Nhưng, đối với Ba Cui, nguyên cái sự ăn uống cười đùa thân mật thoải mái của "tụi nó" cũng đủ làm cho hắn "tức con mắt". Còn con mẹ hàng xóm thì hắn dứt khoát: cái giống gì mà hắn... hửi không vô ! "Cái giống" đó cõng rắn cắn gà nhà, mở ngỏ đưa đường cho tụi ngoài đó vô xâm chiếm thống trị miền Nam rõ ràng mà nói là "đi giải phóng". Mẹ bà nó !
 
Một đêm đó, cũng gần khuya, trong lúc bên kia, hai tên công an và gia chủ còn chuyện trò, bên nây Ba Cui tắt đèn nằm trên ghế bố nghĩ vẩn vơ chờ giấc ngủ, thì nghe tiếng xe hơi chạy vào thắng gấp trước nhà cô Hai. Hắn lẩm bẩm: "Giờ này mà còn kéo tới nữa ! Thiệt... cái lũ này...". Nhưng sao không có tiếng mở cửa đóng cửa xe mà lại nghe có tiếng chân người phóng xuống. Vậy là thuộc loại xe "gíp" chớ không phải xe nhà. Lại nghe tiếng súng khua và tiếng lên cò lách cách. Ba Cui phóng nhanh lại cửa, lắng tai nghe. Giọng quen thuộc của tên công an phường vang lên:
- Này ! Các đồng chí làm gì thế ?
Một giọng lạ, nghiêm nghị:
- Hai đồng chí hãy ngồi yên. Con này, đứng vào góc tường kia !
Tiếng cô Hai la: "Ối !". Có vẻ đau. Tên công an la lên:
- Này ! Nhẹ tay chứ đồng chí. Có vấn đề gì thì ta hãy từ từ giải quyết. Loạn à ?
- Ừ ! Loạn ngay trong phường của đồng chí mà đồng chí còn hỏi nữa à ? Đồng chí hãy ngồi xuống ! Còn con này, quay mặt vào tường, đứng yên ! Không, tao bắn nát óc !
Rồi ra lịnh cho đồng bọn vào lục soát trong nhà xem "có tên nào ẩn nấp trong ấy hay có cất giấu vũ khí không" và "phải cảnh giác".
 
Không khí bên đó có vẻ căng thẳng. Tên công an thấp giọng:
- Chị Tâm đây là người của Thành ủy. Chắc đồng chí lầm người rồi.
Không nghe trả lời. Ba Cui đoán bọn mới tới là bộ đội và "thằng xếp" này có vẻ coi thường hai tên công an.
Một lúc sau, nghe:
- Báo cáo đồng chí: không phát hiện gì cả.
- Tốt ! Hai đồng chí ra ngoài.
Im lặng. Rồi lại nghe giọng "thằng xếp":
- Các đồng chí có biết con này là ai không ?
Ngừng một chút. Chừng như để cho câu nói tiếp theo có hiệu lực hơn, bởi vì "thằng xếp" gằn từng tiếng:
- Người ta biết nó là Trần thị Tâm, nhưng tên thật của nó là Nguyễn Kim Hoa. Nó được bọn ngụy cài vào hàng ngũ của ta từ ngày giải phóng. Chính nó bao lâu nay bí mật đưa tin cho lũ phản động đang ẩn nấp ở vùng biên giới để chống phá cách mạng. Ác ôn như thế đấy !
Lại ngừng một chút, rồi tiếp:
- Bây giờ thì hai đồng chí về đi, để chúng tôi xử lý vụ này. Sáng mai chúng ta sẽ nói chuyện sau.
Một lúc, có tiếng Honda của bọn công an rồ máy rồi chạy ra ngõ. "Thằng xếp" ra lịnh:
- Con này ! Đi ngay !
- Anh cũng phải để tôi dọn dẹp mấy thứ này vô nhà rồi tắt đèn đóng cửa chớ !
- Ừ ! Nhưng khẩn trương lên !
 
Bên này, Ba Cui chống hai tay lên cửa, đầu gục xuống. Hắn cắn môi kềm xúc động. Hắn nghe ân hận vô cùng: "Cô Hai là người của mình mà lâu nay mình khinh miệt cổ như đồ phản quốc ! Còn đòi phun nước miếng vào mặt cổ nữa ! Mẹ bà nó ! Mình tệ quá ! Bây giờ làm sao xin lỗi cổ đây ?". Trong đầu hắn bỗng hiện lên hình ảnh của cô Hai Sô-lết. Bây giờ, sao hắn thấy cô Hai đẹp quá, cao cả quá, rắn rỏi quá. Cô vẫn giữ nguyên nét ngụy, từ cái áo cái quần tới chút phấn chút son. Cô vẫn tự trọng chớ không làm ra vẻ lam lũ theo... thời trang cách mạng. Cô đáng phục quá ! Bây giờ mới hiểu câu nói "ăn cây nào mình rào cây nấy" của cô Hai. Phải rồi. Cô phải "rào" cho kỹ để rút tỉa tin tức cần thiết cho "Kháng Chiến Phục Quốc", vậy mà mình đã nghĩ rằng cô là phường bợ đỡ chánh quyền ! Thiệt là bậy !
Bên kia, giọng cô Hai Sô-lết nghe rất bình tĩnh:
- Rồi. Tôi xong rồi.
- Mang gì thế kia ?
- Bao quần áo, bàn chải đánh răng, khăn, lược. Nè ! Anh xét đi !
- Thôi ! Được ! Lên xe !
Xe rồ máy, sang số de rồi lùi ra hẻm.
 
Bên nây, Ba Cui bỏ tay xuống, lắc đầu thở dài. Bỗng, một tiếng nổ chát chúa, tiếp theo là tiếng xe đụng vào tường rào rầm rầm rầm rồi im. Ba Cui giựt mình, đứng thẳng người lên, lắng tai nghe. Tiếng người xôn xao ngoài hẻm:
- Xe bộ đội nổ ! Xe bộ đội nổ !
- Nó đụng tường rào nhà bác Năm !
- Có ai sao không ?
- Có ai bị gì không ?
- Anh chị Năm với mấy đứa nhỏ có sao không ?
- Không ! Không có sao ! Tụi này đang ngủ trong nhà.
Ba Cui định mở cửa chạy ra coi nhưng nghĩ lại :" Trong hẻm nầy, chỉ có mình mình là lính ngụy. đứng xớ rớ ở đó nguy hiểm ." Bên ngoài vẫn nghe xôn xao :
- Đứa nào chạy kêu công an coi bây ! Trời ơi !
- Lấy đèn pin rọi coi !
- Rọi đây nè ! Mầy rọi ở đâu vậy ?
- Sao không thấy ai nhúc nhích hết vầy nè !
- Thấy ghê quá !
- Mầy rọi vô giữa coi ! Cứ ria ria ngoài nầy thì thấy khỉ gì được. Thằng... nhát gan quá mậy !
- Đưa đèn đây tao rọi coi.
- Trời ơi ! Cô Hai Sô-lết chết banh xác trong nầy nè !
 
Ba Cui bỗng thở hắt ra, gục đầu vào tường, không nghe rõ gì gì nữa. Làm như tiếng nổ vừa rồi làm cho hắn lùng bùng lỗ tai. Kinh nghiệm chiến trường cho hắn biết đó là tiếng nổ của lựu đạn, loại lựu đạn mà hồi thời còn "đánh giặc chết bỏ" hắn vẫn thường dùng để diệt địch. Bây giờ, cô Hai đã dùng nó để nói lên tiếng nói cuối cùng. Một-tiếng-nói-cuối-cùng...
Hình ảnh cô Hai Sô-lết lại hiện về trong đầu Ba Cui, thật rõ, thật đẹp, nhưng thật hiên ngang, thật oai hùng, thật vĩ đại. Trong bóng tối, hắn bỗng đứng nghiêm, trịnh trọng đưa tay lên trán chào. Xưa nay, hắn không biết khóc. Vậy mà bây giờ hắn bật khóc ! Không biết nước mắt ở đâu mà tuôn ra nhiều như vậy ?
 
Mặc dầu một chân ngắn một chân dài, Ba Cui vẫn đứng thẳng, trong tư thế chào vĩnh biệt người đồng đội vừa tử trận, đứng lâu thật lâu...

Thursday, March 22, 2012

HÀ THƯỢNG NHÂN * bài tặng Phan Bá Thụy Dương


Người như dòng thác đỉnh trời
Nước tung trắng cả nửa vời non cao

Ta vừa trong giấc chiêm bao
Gặp người chiến sĩ áo bào điểm sương

Người về có thấy bên đường
Hàng phong lan đã nhớ thương mà gầy

Từ đâu người lạc đến đây
Nhạc reo nghe đã mưa đầy hoàng hôn.

Phấn hương nào phũ mộng hồn
Bước chân phiêu lãng đã chồn mỏi chưa?


HÀ THƯỢNG NHÂN - 2005