Gian hàng bán và vị trí bắn
pháo bông đã dựng ở các công trường, đường phố ở Little Saigon, cũng như khắp
nước Mỹ. Pháo bông sẽ rực trời, dân chúng Mỹ ăn mừng Lễ Độc Lập July 4. Mừng
ngày lễ Độc Lập Mỹ, hưởng tự do, dân chủ Mỹ, người Mỹ gốc Việt không thể
không nghĩ đến triết lý của cuộc tranh đấu, chiến đấu cho tự do, dân chủ,
nhân quyền của nhân dân và chánh quyền Mỹ. Đó là những giá trị đã làm cho đất
nước và nhân dân Mỹ thành siêu cường trên thế giới. Và từ đó không khỏi rút
kinh nghiệm để vững tin vào tương lai sán lạn của cuộc tranh đấu cho tư do,
dân chủ, nhân quyền VN.
Thực vậy.
Chính vì tự do, dân chủ, nhân
quyền, đặc biệt là tự do tín ngưỡng, nhiều người Anh đã rời nước nhà tìm đất
hứa ở Mỹ Châu lúc bây giờ gọi là Tân Thế Giới. Vượt Đại Tây
Dương đầy sóng gió, chịu khí hậu khắc nghiệt, và những tháng ngày rét buốt,
đói khổ ban đầu, gắn bó nhau thành những lãnh thổ, tạo thành 13 tiểu bang gọi
chung là Tân Anh Cát Lợi ở Tây Bán Cầu. Tự do, dân chủ, nhân quyền của đất
nước nhân dân Mỹ không phải xin mà có, chờ mà được. Đó là thành quả có
máu, nước mắt, mồ hôi của các cuộc tranh đấu, chiến đấu, giành lấy, bảo vệ và
phát huy, một cách dũng cảm, kiên trì cho niềm tin tư do, dân chủ, nhân
quyền. Biết bao máu xương, nước mắt, mồ hôi mới được. Có lúc tưởng như thất
bại nhưng thà núi xương sông máu chớ nhứt định không đầu hàng và cố găng tiến
lên trong cuộc chiến tranh giành độc lập từ Thực dân Anh.
Hội Nghị Lục đia (Continental
Congress) gồm đại diện của 13 tiểu bang sau khi thảo luận, biểu quyết ký ban
hành và công bố Bản Tuyên ngôn Độc Lập của Mỹ vào ngày July 4th, 1776.
Từ ban đầu, July 4 được xem là ngày sinh nhựt của nước Mỹ tự do, dân
chủ. Tuyên ngôn Độc Lập của Mỹ đi liền với quyền tự do, dân chủ, nhân
quyền suốt chiều dài lịch sử của quốc gia dân tộc Mỹ – đối nội cũng như
đối ngoại. Cho đến bây giờ July 4 được xem như lễ Tạ Ơn Tổ quốc Mỹ.
Vì tự do, dân chủ, nhân quyền,
về quân sự, đại diện 13 tiểu bang kết họp lại đánh đuổi Thực Dân Anh trong
cuộc Chiến Tranh Độc Lập kéo dài 7 năm vô cùng gian khổ. Theo sử gia
từ 1754- 1763 nhưng thực tế kéo dài 9 năm vì chiến sự đã xảy ra 2 năm
trước. Vì năm 1753 từ Virginia George Washington đã gởi dân quân chiếm
giao điểm chiến lược Ohio River, Monogahela, Allegony do Anh và Pháp xây hai
đồn kiểm soát, Pháp Duquesne Fort, Anh Pitt Fort, nhưng bị thất bại.
Năm 1754, Geoge Braddock dẫn quân trở lại và tử thương nên sử gia lấy đó làm
năm đầu của chiến tranh.
Nhưng tiếng súng của dân quân
Mỹ bắn vào đoàn quân thực dân Anh của Tướng Thomas Gage, Toàn Quyền Boston,
đi Concord tại Cầu Lexington, vào ngày 18, 19 tháng 4 năm 1775, mới thực sự
vang động quanh thế giới. Ngày 10 tháng 5 năm 1775, Quốc Hội Lục Địa thứ hai
họp ở Philadelphia quyết định thành lập Quân Đội, phát triển Hải Quân, cử
George Washington là tổng tư lịnh.
Tình thế của 13 thuộc địa hết
sức thất lợi so với Thực dân Anh. Trước khi Chiến Tranh Độc Lập bùng nổ, dân
thuộc đia chỉ 1 phần 3 đồng ý chiến tranh, 1 phần 3 không ý kiến,
và 1 phần 3 chống chiến tranh. Quân binh thuộc địa không được trang bị, huấn
luyện, có người phải dẫn ngựa nhà đi tòng chinh. Chánh quyền còn rời rạc, lại
phải luôn di chuyển nên khó điều họp nỗ lực chiến tranh, không thâu
được thuế, thời gian quân dịch ngắn chỉ có 3 năm, không có ngoại tệ mạnh để
mua vũ khí đạn dược, không được các quốc gia lúc bấy giờ có mặt ở Mỹ
Châu viện trợ hay cho vay – trừ Pháp sau tham chiến với tư cách đồng
minh với Mỹ. Có lúc quân binh bụng đói, không mền, quần áo rách, chân giày
lủng, vớ rách, chân rướm máu khi di hành, máu đỏ đồng tuyết. Tướng
Washington phải dùng trường kỳ kháng chiến, đánh du kích theo kiểu Da
Đỏ, buộc địch quân là Thực dân Anh vào thế căng thẳng không biết bị tấn
công ở đâu và lúc nào. Đoàn quân binh của Tướng Washington sẵn sàng rút lui để
bảo toàn lực lượng. Tướng Washington là người không bao giờ để phạm sai
lầm lần thứ hai. Để sau cùng thắng trận chót, thắng cuộc Chiến tranh Độc Lập,
Yortown, Virginia năm 1781, nhận sự đầu hàng của Huân tước Anh
Cornwallis. Và Mỹ chấm dứt Chiến tranh Độc Lập với Hòa Ước Paris năm 1783.
Anh công nhân nền độc lập của Mỹ. Nước Mỹ định hình, biên giới được phân
định. Bắc giáp Đại Hồ; Nam giáp Florida còn thuộc Tây Ban Nha nhưng sau
đó Mỹ mua đứt; Đông, Đại tây Dương; và Tây Đông vực sông Missisippi.
Vì tự do, dân chủ, nhân quyền,
TT Lincoln giải phóng người Mỹ Da Đen nô lệ, cứu sự tan vỡ của liên bang
(union) bằng Nội Chiến, đổi mạng mình cho tư do, dân chủ, nhân quyền,
bị ám sát ngay sau khi Nội Chiến chấm dứt. TT Roosevelt đưa quân Mỹ
giải phóng Âu Châu trong Thế Chiến 2, Mỹ trở thành đệ nhứt siêu cường thế
giới.
Tư do, dân chủ, nhân quyền
biến nước Mỹ thành Đất Hứa, Giấc Mơ Mỹ của nhiều dân tộc. 4 đời tổng thống Mỹ
đưa quân qua VN ngăn chận làn sóng đỏ CS độc tài đảng trị ở VN, trong Chiến
tranh Lạnh. Đó là 3 cuộc chiến tranh làm người Mỹ chết nhiều nhứt để
bảo vệ và phát huy niềm tin tự do, dân chủ nhân quyền trong nước và
ngoài nước.
Nhờ tự do, dân chủ, nhân quyền
mà trên phương diện chánh trị những khó khăn của sư thành hình Hiệp
chũng quốc được thông cảm, vượt qua. Hiến Pháp Mỹ của chánh quyền của
dân, vì dân, do dân Mỹ thành hình trong thời gian 1789 và 1880. Hai khuynh
hướng chánh trị trội yếu, một bên chủ trương liên bang mạnh; một bên, tiểu
bang mạnh tranh đấu với nhau phát sinh lưỡng đảng là tiên thân của Đảng
Cộng Hòa và Dân Chủ ở Mỹ. Hai bên tương nhương, thỏa hiệp thành chánh quyền
tam lập. Lập pháp là Quốc Hội lưỡng viện, Hành pháp là Tổng Thống. Tư pháp là
Tối Cao Pháp viện với hệ thống Tòa Án và một Tổng Chưởng Lý giống như Bộ
Trưởng Tư Pháp. Chánh quyền đó được giải thích, phát huy dần dần theo sự lớn
mạnh của Mỹ trên tinh thân vì dân, do dân, của dân và nguyên tác cân bằng
quyền lực và kiểm soát lẫn nhau. Sau cùng cuộc tranh đấu, chiến đấu gian khổ,
xây dựng công phu và đầu thông cảm cho tư do, dân chủ, nhân quyền mà Mỹ trở
thành giấc mơ, đất hứa cho nhiều dân tộc trên thế giới.
Tư do, dân chủ là điểu kiện
cần và đủ của độc lập. CS Hà nội thiếu điều kiện căn bản đó nên lệ thuộc hết
Nga rồi Tàu biến thành một thứ tự thực dân, bên trong khai thác đồng bào
mình, bên ngoài thần phục những Anh Cả Đỏ ngoại bang. Đó là một bài học quí
giá cho người Việt trong ngoài nước đang đấu tranh cho tư do, dân chủ, nhân
quyền VN.
So tương quan lực lượng, phong
trào đấu tranh của người dân Việt trong ngoài nước có thế mà thiếu lực. Thế
từ xu thế thời đại của thế giới, tư do kinh tế, dân chủ chánh trị. Thế từ
nhân dân, con người sanh ra ai cũng muốn được tư do. Thế quốc tế có thể nói
mạnh hơn người Mỹ trong Chiến tranh Độc Lập. Mỹ chỉ có một đại sứ Benjamin
Fraklin vận động Pháp yễm trợ. Còn nhân dân VN, chưa bao giờ VN có một
số nhà ngoại giao bình dân đông như người Việt Hải ngoại, quốc tế vận hơn Mỹ
trong thời giành độc lập tư do. Trước Chiến Tranh Độc Lập dân 13 thuộc
đia chỉ có 1 phần 3 đống ý chiến tranh, mà 1 phần 3 không ý kiến, 1 phần 3
chống chiến tranh. Còn dân VN trừ CS có chức có quyền, 10 người như 1, đều
muốn tự do, dân chủ, nhân quyền.
Nhưng thế chưa biến được thành
lực tổng hợp. 37 năm CS Hà nội thống trị cả nước nói nghe thì lâu dài, dễ mất
kiên nhẫn. Nhưng thời gian mười mấy năm thực sự đấu tranh cho tư do,
dân chủ, nhân quyền VN chống lại chế độ CS cai trị trang bị thừa sức diệt
chũng, nhiều kinh nghiệm khủng bố, lũng đoạn, và kềm kẹp; thời gian ấy quá
ngắn so với những thắng lợi. Vấn đề tư do, dân chủ nhân quyền VN đã đi vào
chánh quyền các siêu cường. Biểu tượng tư do, dân chủ, nhân quyền VN đã được
chánh quyền của hơn phân nửa dân số Mỹ đệ nhứt siêu cường thế giới công
nhận. Vấn dề nhân quyền VN trở thành trở ngại trung tâm trong việc CS
Hà nội muốn phát triển đối tác chiến lược với Mỹ, khiến Mỹ là nước bán vũ khí
nhứt thế giới mà Thủ Tướng CSVN muốn mua Mỹ vẫn không bán vì CS Hà nội vi
phạm nhân quyền.
Trên thế giới này, suốt trong
lịch sử Nhân Loại cho đến bây giờ, tư do, dân chủ chưa bao giờ xin mà
có, chờ mà được. Chưa có dân tộc nào có tự do, dân chủ, nhân quyền nhờ ngoại
bang đem đến. Nội lực dân tộc là chánh. Người dân có tranh đấu, chiến đấu mới
có được. Có gạo thiên hạ mới cho mượn chén đủa. Bất cứ ở đâu, bất cứ thời nào,
phong trào nhân dân đấu tranh cho tự do, dân chủ, nhân quyền nếu nhà cầm
quyền thống trị không diệt được trong buổi ban đầu thì sẽ trưởng thành trên
tro tàn của chế độ thống trị, dù là thực dân ngoại quốc như Anh hay tư thực
dân như CS Hà nội.
Vi Anh
|
Saturday, July 7, 2012
VI ANH * Mừng Lễ Độc Lập Mỹ!
Friday, July 6, 2012
Thursday, July 5, 2012
Lê Nhiên Hạo * Giàn Bông Giấy Mùa Thu
Sáng nay,
bảy, tám giờ chưa nắng, chưa động tĩnh rào tiếng máy xe…là biết người ta chưa
thức dậy. Mùa Thu, ờ nhỉ mùa Thu về…
Mùa Thu, mỗi một mình tôi lỡ không nhớ thời gian chỉ nhớ ai. Buổi sáng ra nhìn bông giấy nở…rồi buồn khi thấy gió hoa bay… Buổi sáng sông đầy con nước xuôi. Hôm qua mưa chắc giận chi trời…mà mưa xối xả bên hàng xóm, hoa rụng, bờ sông đỏ nước trôi…
Giàn bông
giấy đỏ bên hàng xóm thưa thớt rất nhiều hoa tháng Giêng, tôi cứ muôn năm đầy
ắp nhớ, một người không-thế-được, là em!
Lê Nhiên Hạo |
Wednesday, July 4, 2012
Đặng Tiến * Mùa biển động tập 5 của Nguyễn Mộng Giác
Mùa biển động tập 5, Tha hương là tập cuối, dày nhất, hơn 600 trang, quan trọng nhất và được độc giả mong đợi, để biết số phận nhân vật sẽ ra sao, qua cuộc «đổi đời» tháng 4-1975. Sự kiện dồn dập, xen kẽ vào nhau, gồm năm chuyển động chính: Quân lực VNCH «rút lui chiến thuật» ra khỏi Cao nguyên và vùng Trị Thiên (chương 124-142) Những ngày cuối cùng của chế độ VNCH trong âu lo, sợ hãi, chuyện di tản, những người chiến đấu tuyệt vọng đến khi chính quyền Sài Gòn hoàn toàn sụp đổ (chương 143-155) Sau ngày 30-4-1975: các nhân vật chính, Ngữ, Lãng, Tường… lần lượt trở về, kẻ thoát chết từ phía này, kẻ chiến thắng từ phía kia, họ gặp lại gia đình, vợ con, bạn bè (chương 156-161). Đời sống Sài Gòn dưới chế độ mới. Tác giả dành một phần quan trọng cho sinh hoạt văn nghệ (chương 161-166) và phần khác cho những dị biệt, va chạm về tư tưởng, thái độ chính trị giữa các nhân vật, nhất là khi Ngô từ Hà Nội bỏ nhiệm vụ về Sài Gòn (chương 167-173). Đời sống dân chúng Sài Gòn chiếm trọn phần cuối: những khó khăn tinh thần, vật chất của người dân, chủ yếu là những gia đình có thân nhân đi học tập cải tạo; sự biến chất, chao đảo của một số cán bộ cộng sản, như Tám Lúa, Ngô, Mười Chí… Vào trang cuối, Ngữ vượt biên, bị chủ bãi bỏ lại, bị bắn chết (chương 174-186). Tác giả có thêm mười hai trang giải bày tâm sự trong «lời cuối cho một bộ trường thiên» Năm phần nói trên xòe ra và gắn bó như năm ngón tay trên một bàn tay; Tha hương là một cuốn tiểu thuyết hay, hấp dẫn, linh động. Nếu xem Tha hương là một ngón tay, ngón út của Mùa biển động, lại càng lý thú hơn, vì tác giả đã tháo gỡ nhẹ nhàng những mối tơ rối rắm, từ Những đợt sóng ngầm. Phần đầu, mô tả chuyện lính VNCH tháo chạy khỏi vùng II và vùng I chiến thật, là phần dài nhất và dở nhất. Về hai cuộc rút quân này, Nguyễn Mộng Giác dựa theo cuốn Ngày N của Hoàng Khởi Phong, một cựu sĩ quan quân cảnh ở Pleiku, và cuốn Tháng ba gãy súng của Cao Xuân Huy, cựu sĩ quan thủy quân lục chiến đóng tại Trị Thiên, dĩ nhiên là với sự đồng tình của hai tác giả. «Có thể nói rằng Cao Xuân Huy và Hoàng Khởi Phong là đồng tác giả với tôi trong hai đoạn viết về cuộc rút lui trên liên tỉnh lộ 7 và cuộc tan hàng ở Thừa Thiên năm 1975 » (tr.1859). Dù sao, viết theo tác phẩm người khác, vừa được ấn hành, vẫn là một việc không nên, gây ra một tiền lệ phiền phức. Nguyễn Mộng Giác giải thích: «Tôi thiếu những kiến thức và kinh nghiệm cụ thể về quân sự […]. Mỗi lần viết về chiến tranh là ngòi bút tôi trở nên gập ngừng, lúng túng.» (tr.1858). Lý do chính có lẽ còn vượt xa lời tâm sự và trường hợp cá nhân Nguyễn Mộng Giác. Văn chương Việt Nam, ở đâu cũng vậy, vẫn có những khu rừng cấm. Nguyễn Mộng Giác không viết về chiến tranh vì không có «con tem», chỉ vậy thôi. Mười sáu chương đầu mang nhiều tư liệu chiến sự, và có giá trị lịch sử nhất định, nhưng trong cơ cấu tiểu thuyết Mùa biển động thì lạc lõng. Tác giả cố gắng cho nhân vật của mình lăn lộn với biến cố, nhưng họ vẫn là những hình bóng mờ nhạt: trong cuộc tháo chạy bi đát trên liên tỉnh lộ 7B, trung úy Ngữ không làm được gì, chỉ nhìn và triết lý vụn vặt, lẩn thẩn. Trong cuộc rã ngũ tại Huế, Lãng vẫn còn khôn vặt, chuồi cho sếp mình nắm tiền và khẩu súng lục, nhưng chẳng có hành động gì – ngoài việc luộc một con chó mà luộc không chín. Suốt non hai trăm trang, nhân vật chính là đại úy Vinh, trung úy Huy – ngoại cuộc trong thế giới Mùa biển động. Khi mô tả không khí Sài Gòn trước giờ chính quyền tan rã, ngòi bút Nguyễn Mộng Giác, lúc đầu còn lúng túng, nhạt loãng, nhưng dần dần tìm lại được mạch văn: ông phớt lờ những biến cố lịch sử, ví dụ ông chỉ viết một dòng, một dòng thôi, nhắc lại «lúc 11 giờ 55 bộ đội đã chiếm dinh Độc Lập» (tr.1512). Ngược lại, ông đã dành nhiều tâm tình để làm sống lại không khí thành phố, tâm trạng người dân thuộc nhiều hoàn cảnh khác nhau. Bút pháp Nguyễn Mộng Giác luôn luôn chừng mực. Ông thuyết phục người đọc bằng những chuyện vừa phải, đáng tin, mà vẫn bi đát: ví dụ chuyện bà trung tá Thanh ăn cắp mắm sả của Quỳnh Trang là một đoạn văn cảm động (tr.1733). Văn Nguyễn Mộng Giác đặc biệt ở chỗ dí dỏm (humour), u mặc nhẹ nhàng, không cay chua, không độc ác, nhưng thâm trầm.Như đoạn Quỳnh Trang chuẩn bị cho chồng đi học tập cải tạo. «Đây là cái túi vải em may để anh dùng pha cà phê. Cái gói này là hộp tăm em đã luộc chín để khử vi trùng. Tăm tre tụi Chợ Lớn làm ở đường Tản Đà, em có tới, họ làm cẩu thả, dơ dáy lắm, mình dùng tăm dơ xỉa răng mà không biết.» (tr.1633). Lối hóm hỉnh kiểu ăng-lê này, trước kia thỉnh thoảng có gặp trong văn Nhất Linh, càng về sau càng hiếm. Văn chương ngày này thường chuộng dao chuộng búa, chắc ăn hơn. Về số phận nhân vật, Nguyễn Mộng Giác giải quyết ổn thỏa, công bình. Nhân vật Mùa biển động, tuy đông đảo, phức tạp, truân chuyên, nhưng không có ai xấu, họ đều ở hiền, gặp lành: đây là một nét đặc biệt trong phong cách Nguyễn Mộng Giác. Người Việt Nam suốt trong hai mươi năm Mùa biển động đã sống bao nhiêu đọa đày, khổ nhục, giá dụ ai cũng được số phận của nhân vật Nguyễn Mộng Giác thì đỡ quá. Muốn bàn cãi, người đọc vẫn có thể bàn cãi về một số kết cuộc: tại sao đại úy Thường, một người công giáo có lý tưởng, lại tự vẫn; động cơ nào đưa Mười Chí vượt biên; tại sao Ngô lại bất mãn, đào nhiệm. Và cái chết của Ngữ có cần thiết không, nhất là Ngữ chết… lẹ quá, chỉ trong mấy dòng, và chết lãng xẹt; người đọc cho rằng tác giả cho Ngữ chết lẹ cho xong chuyện vì … lười. Chưa chắc đã sai. Những sự kiện tiểu thuyết, do tác giả tưởng tượng, ta có thể thích hay không thích, vẫn thuộc quyền sinh sát của tác giả. Điều chính và hay, là Nguyễn Mộng Giác đã mô tả được đời sống thành phố Sài Gòn những năm 1975-80. Có gian khổ, đọa đày, lam lũ, nhưng đến một mức nào đó. Nguyễn Mộng Giác gây được cảm tình lâu dài của người đọc nhờ sự chừng mực và công bình của ngòi bút. Nhưng từ đó, người đọc có thể đặt ra một đôi vấn đề với tác giả. Nhân vật Mùa biển động, dù là nhân vật phụ, phiá bên này hay bên kia, đều là những người thất bại. Nguyễn Mộng Giác giải quyết định mệnh của họ theo xu hướng tự nhiên, nhưng cuối cùng cũng nhận ra điều đó, và đúc kết là đã cố gắng «ghi lại tâm tình của thế hệ tôi, thế hệ lớn lên đã bị cuốn vào chiến tranh, rồi cũng bị chiến tranh vùi dập» (tr.1851), «cái thế hệ thất bại của lớp tuổi tôi » (trang cuối). Về mặt tiểu thuyết, Nguyễn Mộng Giác đã thành công trong dụng ý, trên những …thất bại của một lứa tuổi nào đó – nói rõ hơn là của một lớp thanh niên trí thức trung lưu ở thành thị miền Nam. Nhưng bản thân tác giả có nên tự mình nêu vấn đề để hướng dẫn người đọc hay không? Và nêu lên có đúng không? Tôi trả lời hai lần không. Trước hết, thành công hay thất bại, trong một đời người, chỉ là những cảm giác chủ quan, tương đối. Nói chi đến một thế hệ? Có kẻ được xem thành công vì toại nguyện trong cuộc sống, hoặc có địa vị nào đó trong xã hội, có kẻ thành tài, thành danh hoặc … thành nhân. Những nhân vật chính của Mùa biển động cho ta cảm giác là họ đồng tình thất bại. Lý do không phải chỉ có việc «thế hệ», mà họ là những con người thiếu nghị lực, không biết mình muốn gì nên không đi đến cùng định mệnh. Lấy Ngữ và Tường làm ví dụ. Ngữ, nhân vật chính được tác giả o bế nhất, là một sĩ quan suốt đời hầu cận, hết vin vào ông tá này thì dựa vào ông tá kia, hết tá rồi lại bám vào một ông đại úy, và trong những giai đoạn căng thẳng nhất trên chiến trường, Ngữ không có hành động nào xuất sắc. Mang danh là nhà văn, Ngữ không viết lách gì, cũng không tỏ được tiết tháo của người cầm bút. Mọi việc trong đời sống đều nhờ vào tay vợ; sau khi học tập vài ba năm, thì được vợ mua sẵn cho một khu vườn đất đỏ ở Bảo Chánh, gần ga xe lửa đường Xuân Lộc, nhưng không thấy Ngữ cày cuốc bao nhiêu, chỉ thấy chàng cà phê, thuốc lá, ngâm thơ Đường, thơ Tống, thỉnh thoảng làm tình với cô Diễm, khi người yêu cũ ghé qua, rồi để lại «mùi da thịt trên nếp chăn […]sợi tóc mảnh trên gối, […] thỏi son Elizabeth Arden còn bỏ quên» (tr.1791). Chán làm rẫy thì về lại thành phố, có đạp xích lô, có vá bánh xe đạp… nhưng vẫn nhờ vợ buôn bán sau lưng và cô em gái ở Mỹ gửi quà về. Lúc vượt biên là do vợ và người tình thu xếp, còn Ngữ chỉ « chuẩn bị ra đi một cách khác, lãng đãng tài tử » (tr.1834). Nguyễn Mộng Giác có ý thức chỗ yếu của Ngữ nên đã rào đón: «Ngữ không thuộc vào thiểu số những người có cá tính liều lĩnh, mạnh bạo, dám bước ra ngoài luật lệ, dám chấp nhận thử thách […] để trở thành những kẻ làm lịch sử. Trong thiểu số đó, chắc chắn rất nhiều người thất bại, nhưng cuối cùng một số ít sẽ thành công […] Ngữ thuộc vào đa số những người bình thường và tầm thường, bị hoàn cảnh đưa đẩy nên phải gắng chịu đựng để sống còn, lặn trong đám đông vô danh, vui buồn theo những vui buồn vụn vặt từng ngày từng giờ. Cái đám đông ấy cũng cố gắng tìm ra một thứ triết lý để biện minh cho cái tầm thường thụ động của mình.» (tr.1734). Nguyễn Mộng Giác thấy đúng quá. Nhưng đã thấy vậy rồi, sao lại còn đặt ra chuyện thất bại và thành công, và khái quát thành một «thế hệ thất bại», trong một xã hội mà những giá trị tinh thần thường xuyên bị đảo lộn? Nói rằng Ngữ – và thế hệ – thất bại vì không có chỗ đứng trong xã hội Việt Nam sau ngày 30-4-1975 và họ cảm giác «bẽ bàng lơ láo như sống tha hương» (tr.1829), thì cũng được. Nhưng thực ra là lúc đó họ bị đàn áp, miệt thị, khai trừ, đày đọa. Chế độ mới có cho họ cái cơ hội nào để sống bình thường đâu mà nói chuyện thất bại với thành công? Cuối cùng, nói rằng Ngữ đã thất bại vì thua trận là gán cho cuộc đời quân ngũ của Ngữ một nội dung chính trị – điều mà Nguyễn Mộng Giác không làm suốt 2 000 trang giấy. Mà dù có chấp nhận lập luận này, vẫn không thể nói đến «một thế hệ thất bại». Giá dụ « thế hệ» ấy thành công, thì sẽ thành công ra sao? «Nếu miền Nam đứng được năm năm nữa, qua vài nhân vật đã giới thiệu trong cuốn bốn. Lớp người đó mà nắm được quyền thì miền Nam chưa đến nỗi.» (*). Chưa đến nỗi, là chưa đến nỗi … nào? Nhân vật chính «phiá bên kia» là Tường. Bị cuốn hút vào cơn bão lửa chính trị đã đốt cháy miền Trung vào những năm 1963-66, Tường «nhảy núi» – cùng với nhiều thanh niên khác –, để lại một bào thai trong bụng người yêu, cô Nam, em Ngữ. Tường về lại Huế trong cuộc tổng công kích Mậu Thân, 1968, chỉ còn là một hình bóng co ro, mờ nhạt, sợ sệt; và còn nhếch nhác hơn nữa khi trở về Sài Gòn, năm 1975, làm cán bộ thành đoàn, rồi xin sang tuyên huấn. Tường chỉ hùng hồn với bạn bè, hùng hổ với cha mẹ, còn với cán bộ quyền uy thì nín khe, sẵn sàng viết bài chửi bới anh em cũ. Con người quỵ lụy, trái với hình ảnh hào hùng thuở nắm micrô trước các giảng đường đại học, biểu tình, hội thảo, xem thường xe tăng, lựu đạn. Với vợ con, Tường cũng hững hờ, chắp vá, vì lý nhiều hơn vì tình. Bất mãn, thất vọng với chính quyền, Tường cho bé Thúy, đứa con gái mười tuổi – giọt máu của cách mạng hiểu theo cái nghĩa lãng mạn nhất – vượt biển để sang sống nhờ em gái là Quỳnh Như, lấy chồng Mỹ, được liệt vào hạng CIA. Sự chọn lựa này, và những hậu quả hiển nhiên, chứng tỏ Tường không còn tin tưởng vào chế độ mà mình đã xây dựng và phục vụ. Cho rằng Tường «thất bại» là đúng, nhưng Tường không tiêu biểu được cho «thế hệ thất bại». Có lần hỏi Ngữ, «Tường tức giận, nói như quát: «Vậy mày muốn cái gì?» Một lần nữa, họ đi vào lối cụt.» (tr.244). Đoạn cuối, đáng lẽ Tường cũng nên tự vấn mình muốn gì. Muốn đất nước được giải phóng, thống nhất, hòa bình, trong chế độ xã hội chủ nghĩa ư? Tường đã xả thân và hy sinh cho vợ con, cho lý tưởng đó, bây giờ, đã đến bờ, đến bến, còn thở dài than vắn gì nữa? Chế độ của Tường nay không đáp ứng hoài bão của Tường, hoặc cho anh một địa vị anh nghĩ rằng không xứng đáng, thì là tâm sự của Tường, không phải là thất bại hay thành công của thế hệ. Những «đồng chí» của Tường đều mang chung một niềm u uất: Ngô đang làm đài phát thanh Hà Nội, đào nhiệm, vào Sài Gòn sống bụi đời; Mười Chí, đảng viên cốt cán, vượt biển. Còn lại Năm Được, có chức mà không có quyền… Nguyễn Mộng Giác đã gợi ra được một xã hội đang tan rã, «tha hương trên quê hương», từ những cán bộ nòng cốt, chiến thắng và nắm quyền đến người dân vô danh, muôn đời làm nạn nhân cho thời cuộc; chúng ta hiểu tâm sự Nguyễn Mộng Giác khi ông nói đến «tâm tình của một thế hệ […], cái thế hệ thất bại». Chúng ta, thế hệ nào cũng vậy thôi, đều thất bại khi cảm thấy mình không đóng góp gì được cho một đất nước rách nát, đau thương mà mình yêu mến. Mặc cảm thất bại còn thấm thía hơn nữa với những người phải sống xa đất nước. Tôi hiểu tác giả, nhưng vẫn muốn được bàn lại, để nói rằng Mùa biển động chỉ là một mảnh nhỏ của thời cuộc. Một vấn đề, nhỏ thôi, làm tôi suy nghĩ, về mặt tâm cảm: nhân vật Mùa biển động, thôi thì cứ nhận phức là bạn của Nguyễn Mộng Giác, và của cả tôi nữa, đã thất bại về mặt xã hội. Họ còn thất bại về mặt mưu cầu hạnh phúc. Những chàng tuổi trẻ ấy, dường như không ai thực sự có hạnh phúc, vì họ không có khả năng yêu đương đến nơi đến chốn. Vàng của họ chưa bao giờ thử lửa đến nồng độ của tình yêu. Đừng nói gì đến Tường, trong cơn cuồng say chính trị, đã đẩy người yêu đến chỗ tự thiêu; hãy lấy Ngữ làm ví dụ. Anh chàng này đào hoa, được cả vợ, Quỳnh Trang, và Diễm, người tình, yêu tha thiết. Ngữ ái ân với Diễm, trước khi nàng lấy chồng, có con với Diễm, mà…mười năm sau vẫn không biết (tr.1548), khi vẫn tiếp tục ái ân. Chưa hết. Đây là cách chàng yêu vợ: «Giữa lúc ta lắng nghe xúc cảm càng lúc càng cao trên từng thớ thịt làn da, thì nghe Trang khóc. Ban đầu ta tưởng nàng rên rỉ vì cảm khoái.» (tr.1786). Có thể đây là lối hóm hỉnh của tác giả, nhưng nó đã đưa nhân vật đi quá xa. Cô Nam lấy chồng cán bộ, cô Diễm lấy chồng giàu, đều không hạnh phúc. Cô Quỳnh Trang, nếu được bình an, thì là sức chịu đựng và cố làm ngơ. Thậm chí cô Quỳnh Như, lấy chồng Mỹ cũng hẩm hiu. Sao vậy? Nguyễn Mộng Giác thuộc một thế hệ thanh niên đã đánh mất đóa hoa hồng cài trên mũ. Đã xa rồi thời của chàng Siêu chầm chậm lau bàn chân cô Mùi trong Xóm Cầu Mới của Nhất Linh, thời của chàng Triệu một buổi trưa thong thả của Nhất Linh, thong thả đu đưa trên võng, thỉnh thoảng nắm tay cô Dung trong Nguyên vẹn của Võ Phiến. Nhân vật Mùa biển động là lớp người khi thì chạy giặc, khi thì chữa cháy. Họ ít chú tâm vào hạnh phúc. Về mặt xã hội, người đọc cũng có thắc mắc. Trong ba gia đình người Huế, ông bà Văn, ông bà Thanh Tuyến và ông bà Bỗng làm tam giác để Nguyễn Mộng Giác đặt trọng tâm cho Mùa biển động, thì gia đình ông bà Bỗng, với ba người con Ngô, Ngọc và cô Diễm là ít được tình cảm nhất và đồng thời là gia đình nghèo nhất. Trong các cô gái Huế thướt tha dọc Mùa biển động, Diễm là người đàn bà tội lỗi nhất. Diễm lấy chồng giàu chỉ vì tiền, và trước đám cưới đã cẩn thận trao thân cho người tình, và có thai. Lấy chồng rồi, cô đi lại với ông nọ, ông kia để buôn bán, đồng thời xướng ngôn cho đài Mẹ Việt Nam của Mỹ tuyên truyền chống cộng, và vì những nguồn lợi khác. Sau ngày 30-4-1975, Diễm vẫn tiếp tục móc nối với cán bộ, buôn bán vật tư, bị bỏ tù. Giữa hai chuyến áp phe, nàng ghé lại làm tình với Ngữ. Cuối cùng, nàng tổ chức vượt biên để lấy tiền, và vượt biên. Động cơ đầu tiên là nghèo: «Em không muốn con cái em phải khổ, phải nhục như em vì nghèo đói.» (tr.1433). Diễm có quyền chọn cuộc đời mình. Còn Ngọc, anh cô? Học xong y khoa, Ngọc lấy vợ giàu, mua mấy tiệm thuốc Tây ở Sài Gòn, sang Mỹ có đứa cháu ruột (con Diễm) cũng bỏ rơi… Còn ông Bỗng, bà Bỗng, thậm chí đến Ngô đều là những nhân vật xoàng. Cái khó nó bó cái đẹp chăng? Hỏi như vậy là có phần oan cho Nguyễn Mộng Giác, vì trong thâm tâm, ông không đặt vấn đề như thế: Diễm là nhân vật được tác giả âu yếm, nuông chiều nhất, và có lẽ là nhân vật đạt nhất trong Mùa biển động, linh động, đa dạng và sắc sảo nhất. Các cụ bảo «con chiều là con hư», cũng phải. Mùa biển động, tiểu thuyết thời đại, vắng bóng đa số quần chúng, số dân nghèo gồm những kẻ buôn thúng bán bưng, những công nhân và khối nông dân. Hình ảnh Việt Nam trong Mùa biển động không có «lũy tre còm tả tơi» như trong nhạc Phạm Duy, không có «bóng cau với con thuyền một dòng sông» như trong Văn Cao. Nguyễn Mộng Giác kể chuyện đô thị, nhưng chúng ta không thấy bóng hằng chục triệu người tránh chiến tranh trôi dạt về thành phố. Tác giả biết chỗ yếu của mình nên có lần chống chế: «Mình chỉ thỏa mái khi nói, nghĩ, viết đối với một giới nào đó thôi […]. Quả tình tôi chỉ thấy thỏa mái trong giới tôi biết rõ cho nên không dám viết về nông dân, về quần chúng lao động. Bởi vì nếu viết về họ cũng chỉ là viết gượng mà thôi.» (*). Chúng ta quý trọng sự lương thiện ấy, nhưng muốn hỏi lại ông: khi vẽ lại tâm tình một thời đại, mà ông không viết về đa số người nghèo, vì không thỏa mái; không viết về chiến tranh, vì không sành quân sự, không viết về người cộng sản chính hiệu, mà chưa giải thích tại sao, thì bức tranh thời đại của ông có sơ lược chăng? Mùa biển động là một bữa tiệc lớn, mà chủ nhân chỉ lưu ý nến nước ngọt và các món tráng mệng, Nguyễn Mộng Giác lại giải thích là muốn «viết về những người tầm thường, như chính tôi… Họ là đám đông góp phần lớn vào các biến chuyển của lịch sử, nhưng họ chưa đáng được nhắc tới, dù là một dòng […]. Thế thì tôi phải chú tâm đến đám đa số thiếu tiếng nói.» (tr.1855). Những Ngữ, Tường mà thiếu tiếng nói ư? Hay là ở thính đường nào, lớp học nào, micrô nào, tờ báo nào, quần chúng cũng phải nghe họ ra rả ít nhất là trong mười năm? Họ lên đường, xuống đường, xây dựng nông thôn, chỉnh trang quận 8, tâm ca để nối vòng tay lớn, du ca để tiếng hát át tiếng bom, nghe họ đến đinh tai nhức óc, sao bảo không có tiếng nói? Còn lịch sử, thì họ viết chứ ai viết nữa? Quần chúng thật sự trầm lặng không được lời nói, tiếng thở dài nào trong cơn xôn xao vô tận của Mùa biển động. Về người nông dân những năm 1970, Nguyễn Mộng Giác còn những câu như «anh nhà quê lúng ta lúng túng đứng xớ rớ cho các quan trên sai vặt» (tr.1069). Nhất Linh viết một câu về Hai Lẫm mà bị mang tiếng cả đời, ông Giác không nhớ sao? Trong suốt nửa thế kỷ, người nông dân đã có những đóng góp lớn lao cho lịch sử, điều này đã rõ. Nhưng Nguyễn Mộng Giác lại bảo: «Họ nắm chính quyền, và cái mộng được làm lý tưởng, trương tuần họ giấu kín bao nhiêu đời, bây giờ họ nắm «giấc mộng» ấy trong tay. Cộng sản thuyết phục được dân quê nghèo khổ vì cái tham vọng quyền lực bị ẩn ức đời đời kiếp kiếp ấy.» (tr.1079). Những câu đại ngôn như thế, may thay, ít có trong sách, và chúng ta không nên dựa vào đó mà phê phán Nguyễn Mộng Giác. Tôi xin chỉ góp ý với tác giả về hai chi tiết nhỏ: Vụ bầu cử, khoảng 1970, tại «xã Nhơn Mỹ, thuộc loại xôi đậu», «tổ chức hội đồng xã thật dân chủ» (tr.1137), nhưng kết quả là mấy ông dưới thành phố đắc cử: «ông chủ tiệm chạp phô gốc Hoa trốn lính, ông y sỹ quân y mở phòng mạch tư hốt bạc» (tr.1138). Chuyện đó có thể có thật, nhưng chỉ là một ví dụ đơn lẻ. Từ thời cải lương hương chính rất xa xôi, 1920, 1930… tại một số thôn xã Trung kỳ và Bắc kỳ đã có bầu cử, tranh cử, tranh chấp, có nơi đã bầu dân chủ; và sau này, người dân quê đã biết vào dân vệ cầm súng chống cộng hay đào hầm nuôi cán bộ, thì nhất định là họ biết sử dụng lá phiếu. Vì tác giả đánh giá thấp nông thôn nên mới để «ông Thường tuyệt vọng vì cái thực tế không chối cãi được này » (tr.1158). Nói chung, Nguyễn Mộng Giác, nếu có sai lầm, là do hời hợt về chính trị, chứ không phải vì quan điểm. Ở đoạn cuối, ông nhấn mạnh vào các nhân vật đảng viên như Mười Chí, Năm Được, nhắc lại vai trò của họ trong phong trào sinh viên tranh đấu tại Huế khoảng 1963-68. Điều này, trong hai tập đầu, rất hay và sôi nổi, ông không đề cập đến. Ông muốn điều chỉnh đạn đạo? Có nên không? Vai trò của Đảng cộng sản trong giai đoạn này, cho đến nay, vẫn chưa được sáng tỏ. Trong hồi ký Đất nước vào xuân, tướng Lê Chưởng, chính ủy thời đó, cho rằng thanh niên sinh viên thất bại vì không được nông thôn yểm trợ; trong hồi ký Huế Xuân 1968, tướng Lê Minh, tư lệnh mặt trận lúc đó, cho rằng sinh viên học sinh không có lực lượng đặc công. Hai ý kiến này gặp nhau một điểm: Đảng cộng sản lúc đó (có lẽ?) không quyết tâm ủng hộ cuộc tranh đấu của dân thành phố. Vì nông thôn là … ông Lê Chưởng nắm, còn đặc công thì … trong tay ông Lê Minh ! Về mặt tiểu thuyết, thà để lửng câu chuyện, còn hơn là gán cho phong trào tranh đấu miền Trung 1963-68 một cốt lõi chính trị không lấy gì làm bằng. Tiểu thuyết, trước tiên, là nghệ thuật, giống như một bức tranh. Chỗ mạnh, chỗ yếu, nét đậm, nét nhạt bổ sung cho nhau, nuôi dưỡng nhau; không có chỗ yếu, thì không có chỗ mạnh; từ những nét đậm, gạt đi những nét nhạt, là phá bức tranh. Nguyễn Mộng Giác là một nhà văn sáng suốt, nên thấy trước hơn ai hết chỗ yếu của mình, «tôi chỉ mô tả được biến động xã hội trên bề mặt» (*). Mùa biển động mạnh ở hai điểm: lối kể chuyện linh hoạt, hấp dẫn, làm nổi bật tâm tình một thế hệ thanh niên trung bình, trưởng thành trong các đô thị niềm Nam vào những năm 1960. Đó là hai trục chính: truyện kể và tâm tình. Những thành tố khác – lịch sử, tư tưởng, hành văn… – chỉ xê dịch trên hai trục đó. Trích dẫn câu văn này, chi tiết nọ để khen hay chê, đều không khó, mà không đúng vì đưa những lưu điểm ra khỏi tọa độ thẩm mỹ của nó. Mùa biển động là một sự cố quan trọng trong đời sống văn học Việt Nam, trong và ngoài nước. Trước hết là do bề thế lớn lao: bộ sách non hai ngàn trang, viết trong bảy năm (1982-89) trong hoàn cảnh khó khăn, trong tâm trạng chưa chìm lắng của một thuyền nhân vượt biển. Non hai trăm chương sách mà không có chương nào non yếu hoặc xu thời, nịnh thị hiếu. Thứ đến là nghệ thuật: Nguyễn Mộng Giác có lối viết nhanh nhẹn, dễ dàng; cũng có câu dễ dãi, vội vàng, nhưng không độc hại gì mấy cho lối kể chuyện. Ngòi bút linh động phục vụ cho óc quan sát nhạy bén và nhận định tinh tế – có khi còn tinh quái. Từ chương này sang chương khác, ngòi bút có lúc thiếu sức, nhất là ở tập ba và tập bốn, nhưng nói chung không nhàm, không nhảm, thậm chí khi đọc lại vẫn thấy vui. Đóng góp lớn của Nguyễn Mộng Giác là đã đưa lối kể chuyện miền Nam – quay chung quanh số phận một nhân vật trung tâm – vào địa bàn của tiểu thuyết hiện đại, với nhiều tuyến nhân vật đông đảo trong một xã hội đảo điên. Khác với truyện Vân Tiên: đời Vân Tiên truân chuyên, nhưng xã hội Vân Tiên im lìm trong những giá trị tinh thần không biến chuyển. Điều thứ ba, điều cuối cùng nâng cao giá trị tinh thần Mùa biển động là thái độ ung dung, thanh thoát của Nguyễn Mộng Giác. Ông là người vượt biển, với những động cơ nhất định, ông viết một pho sách về những năm 1963-80 khi miền Nam gập tràn máu lửa, mà ngòi bút ông không thù hận, không biểu dương, thậm chí không cay đắng. Dĩ nhiên là ông phải có cảm tình với nhân vật này, mỉa mai sự kiện kia, nhưng tình cảm nằm ngoài vòng ân oán, thành kiến và chính kiến. Thái độ ung dung ấy, có lẽ là do bản tánh tác giả, như ông đã có lần nói «tôi không hận thù đến độ viết tàn nhẫn» (*), nhưng có phần do tác giả biết tự chủ, ý thức được giá trị đạo đức của văn chương, nó nằm bên ngoài những tranh chấp và bên trên những mê chấp. Mùa biển động không có anh hùng, không có gian hùng và không có thị phi, chỉ có những con người tầm thường – trong đời sống tầm thường bị lich sử bẻ gãy, giày xéo. Nguyễn Mộng Giác là một tác gia chừng mực, từ tốn. Quàng cho ông nhiều vòng hoa đạo đức, nghệ thuật thì có cái gì không chỉnh. Nhưng Mùa biển động là một trường hợp Việt Nam đáng được chúng ta suy nghĩ. Những đợt sóng ngầm đã đưa bao nhiêu bèo giạt tha hương. Quê nhà đã quá xa xôi và pha phôi. Mùa biển động để lại trong tôi âm hao bài hát Jean Ferrat phổ nhạc Aragon: «une saison d’homme… entre deux marées… Quelque chose comme… un chant égaré… Au bout de mon âge… Qu’aurais-je trouvé…Vivre est un village… Où j’ai mal rêvé…» Một mùa người… giữa hai đợt sóng… Có chút gì lạc lõng… như bài hát bơ vơ… Tôi thấy được gì… khi tuổi chiều xế bóng… Sống là một thôn làng… Tôi lỗi mộng lầm mơ… Đặng Tiến
Theo cáo phó của gia đình NMG thì nhà văn đã thất lộc ngày 2 tháng 7 năm 2012 tại Westminster - CA.
|
VƯỜN TAO NGỘ * Hiệu đính bài của anh Tường Linh
Trong bài viết nói rõ về nơi thi sĩ Bùi Giáng chăn dê, người đánh máy đã có nhiều điểm sai vì vậy VTN đã sửa chửa theo sự chỉ dẩn của tác giả: thi sĩ Tường Linh. Xin mời quý thân hữu đọc lại bản hoàn chỉnh:
http://vuontaongovhnt.blogspot.com/2012/06/tuong-linh-noi-ro-ve-noi-thi-si-bui.html
VTN
Tuesday, July 3, 2012
ĐỖ HỒNG NGỌC * cựu học sinh lão thành Phan Bội Châu – Phan Thiết
Buổi gặp gỡ của cựu học sinh “lão thành” PBC
Không hẹn mà hôm 30/6/2012, tình cờ một nhóm bạn cựu học sinh “lão thành” PBC lại gặp nhau ở buổi khai mạc phòng Triển lãm tranh của một người bạn chung: Họa sĩ Cù Nguyễn, huy chương vàng 1966. Sau đó, kéo nhau ra một quán café bờ hồ, ngồi nhâm nhi biết bao chuyện cũ!
Có những người gần 60 năm mới gặp lại nhau, nhìn không nhớ. Nhưng chỉ ngớ một thoáng thôi rồi òa vỡ những trận cười, mày mày tao tao tíu tít. Họ nói cười không ngớt. Nhắc bạn bè xưa, nam lẫn nữ, kẻ chân trời người góc bể, như cùng có mặt nơi đây. Nhắc cả những con đường “mang tên em”, cả số nhà, cả tên cha mẹ con người ta! Rồi cười ha hả. Như trẻ thơ. Một lúc thôi, phải một lúc thôi thì người nào người nấy cũng trẻ lại không ngờ. Như không hề có thời gian, không hề có 60 năm xa cách. Họ nói xấu nói tốt về nhau, hào hứng kể những chuyện xấu của chính mình, của bạn mình không… thương tiếc! Và lạ thay, càng nghe lại càng thương mến nhau hơn, không chỉ của những người có mặt mà cả những người vắng mặt. Thằng kia bây giờ nát rượu, thằng nọ … bị vợ bỏ, thằng này hồi xưa mê em gái tao không dám nói ra, thằng đó hào hoa số một, chuyên quất ngựa truy phong, thằng nọ chọc thầy giáo, làm thầy trượt vỏ chuối té nhào… Ôi bao nhiêu thứ chuyện của lũ học trò nhất quỷ nhì ma!
Thường thì coi hình từ bên trái qua, nhưng với hình này, nên bắt đầu từ bên phải: Trần Thanh Hiệp, Huỳnh Tấn Thời, Đỗ Hồng Ngọc, Phan Bá Thụy Dương, Hồ Hữu Thủ, Trần Yên Thảo.
Thường thì coi hình từ bên trái qua, nhưng với hình này, nên bắt đầu từ bên phải: Trần Thanh Hiệp, Huỳnh Tấn Thời, Đỗ Hồng Ngọc, Phan Bá Thụy Dương, Hồ Hữu Thủ, Trần Yên Thảo.
Nhà thơ Trần Thiện Hiệp (anh của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh), không thể ngờ đã 78 tuổi (Ta), trẻ lạ lùng, trông cứ như một cao-bồi Texas. Nhưng, thật ra, anh phải luôn đội chiếc nón để giấu cái đầu bóng loáng của mình. Anh là thế hệ vào Phan Bội Châu đầu tiên, ngay khi mới thành lập, 1952, cùng thời với nhà thơ Từ Thế Mộng (Tư Đình), lúc đó PBC còn ăn nhờ ở đậu bên trường Tiểu học Đức Thắng B. (Đến năm 1954, bọn tôi đã được học ở Trường PBC trên đường Trần Hưng Đạo. Sau này, trường mới dời về cơ sở hiện tại ở 70 Lê Hồng Phong PT).
Trần Thiện Hiệp là lứa đàn anh của chúng tôi, lúc vào trường (Đệ thất, lớp 6) đã ở tuổi 17. Thời đó, thời chiến tranh, đa số đi học trễ. Trần Vấn Lệ kể anh Trần Thiện Hiệp là một trong hai học sinh lớn tuổi được trường cử ra để “quản giáo” đám đàn em tụi mình!
Huỳnh Tấn Thời, luật sư, trẻ nhất, mới 71 tuổi, cùng lớp với Phan Bá Đương (PBTD), Đỗ Hồng Ngọc vào PBC năm 1954. HTThời chính là người nghịch ngợm, từng chọc phá thầy giáo, cũng là người mê cô em gái xinh đẹp của PBTD mà không dám nói ra, bây giờ còn tiếc! Kế đó là tôi, Đỗ Hồng Ngọc, chỉ học PBC có mấy tháng rồi chuyển về Hàm Tân (Bình Tuy), vì không xin phép nên bị “xóa sổ” trong quyển Trước Sách của nhà trường, bên cạnh có lời phê của thầy Hiệu trưởng: “học khá, nhưng cần phải cố gắng hơn”!
Phan Bá Thụy Dương, nhà thơ, nhà báo, người “khoái hoạt” nhất trong nhóm, cùng tuổi 73, đẹp trai, phong độ, hào hoa, chuyện trên trời dưới đất, đông tây kim cổ gì cũng biết… Kế bên là họa sĩ Hồ Hữu Thủ, không phải cựu học sinh PBC, là bạn của TYThảo và ĐHNgọc. Bìa trái là Trần Yên Thảo, nhà văn, cùng tuổi 73, nhưng để râu tóc như một tiên ông, cũng là cựu học sinh PBC, nhưng vào trễ hơn!
Cả bọn nhắc Phan Đổng Lý ở Úc, Trần Vấn Lệ ở Mỹ, Thiếu Khanh… và bao nhiêu bạn bè khác ở chân trời góc biển, ai nấy đều ở tuổi trẻ lạ lùng, trẻ vĩnh viễn, rồi cả những người mà TVL đã thổn thức làm thơ, mà Đổng Lý đã bùi ngùi nhắc đến trong một bức thư riêng rất dễ thương dưới đây.
DoHongNgoc
Thơ Trần Vấn Lệ
PBC 1954 – 1958
Hồi năm học Đệ Thất, tôi với nàng ngồi kề mà không hề ngó mặt, có gì đâu mà mê!
Cuối năm học Đệ Tứ, hai đứa rớt Diplôme, bỏ trường đi biệt xứ, người đồng bằng, cao nguyên…
…Nhưng hình như có duyên, mười năm sau gặp lại, lúc đó tôi lính rừng, nàng công chức tỉnh lẻ.
Chia tay có giọt lệ. Súng nổ đuổi hai người. Tôi tàn đời bóng xế. Nàng mờ ảo mây trôi…
Năm hai ngàn mười một, bỗng, hốt nhiên, mây ngừng. Em! Phải là em không? Anh! Anh là anh Lệ?
Vui mừng bao xiết kể…rồi cũng buồn chất thêm. Chừ, chữ Nàng thành Em, ngó mặt nhau…rồi hết!
Ngó mặt em, em đẹp. Bốn mươi bốn năm trời, không ai nói một lời, nói gì đây cũng lỡ…
Còn nhau nhờ địa chỉ, còn nhau còn số phone và e mail không ồn mà buồn ơi với tiếc!
Hai đồng tiền em siết một đời tôi nhớ thương. Chưa một lần tôi hôn trên hai đồng tiền đó!
“Sáng nay trời nổi gió, mùa Thu đầy trong hồn, xa rồi xa bến cũ, dòng sông trôi thê lương…”
Mấy câu thơ Thế Viên vô duyên bay lãng đãng. Mùa Thu đang loáng thoáng, em à gió heo may…
Cuối năm học Đệ Tứ, hai đứa rớt Diplôme, bỏ trường đi biệt xứ, người đồng bằng, cao nguyên…
…Nhưng hình như có duyên, mười năm sau gặp lại, lúc đó tôi lính rừng, nàng công chức tỉnh lẻ.
Chia tay có giọt lệ. Súng nổ đuổi hai người. Tôi tàn đời bóng xế. Nàng mờ ảo mây trôi…
Năm hai ngàn mười một, bỗng, hốt nhiên, mây ngừng. Em! Phải là em không? Anh! Anh là anh Lệ?
Vui mừng bao xiết kể…rồi cũng buồn chất thêm. Chừ, chữ Nàng thành Em, ngó mặt nhau…rồi hết!
Ngó mặt em, em đẹp. Bốn mươi bốn năm trời, không ai nói một lời, nói gì đây cũng lỡ…
Còn nhau nhờ địa chỉ, còn nhau còn số phone và e mail không ồn mà buồn ơi với tiếc!
Hai đồng tiền em siết một đời tôi nhớ thương. Chưa một lần tôi hôn trên hai đồng tiền đó!
“Sáng nay trời nổi gió, mùa Thu đầy trong hồn, xa rồi xa bến cũ, dòng sông trôi thê lương…”
Mấy câu thơ Thế Viên vô duyên bay lãng đãng. Mùa Thu đang loáng thoáng, em à gió heo may…
Thư của Phan Đổng Lý - 1.7.2012
Các bạn thân,
Trời Melbourne năm nay thật lạnh nên mình đã để cho bà xã ra đi tìm nơi nắng ấm trú thân dăm ba tuần lễ. Một mình đơn chiếc, sáng nay thức dậy nhìn quanh một mình, chán quá nên mở mail tìm giặc. Thật trời chẳng phụ lòng người, trong ‘vườn cà của tên giặc’ Trần vấn Lệ còn bỏ sót lại một đóa hoa trinh nữ có hai má lúm đồng tiền..!!
Lệ ơi,
Trước tiên mình muốn nói với TVL là đọc xong bài thơ đầu tiên trong ngày này của bạn đã mang lại cho mình một cảm giác thật man mác, thật nhẹ nhàng nhưng nó lại có hiệu suất của một quả đấm, đánh thật mạnh, thật sâu vào hồi ức của tuổi thơ.
Tuy vậy, mặc dầu đã cố gắng hết sức nhưng rồi mình cũng đành chịu thua, không thể hình dung ra được dù chỉ một vài nét thôi. Có lẽ vào lứa tuổi đó bọn mình mấy đứa hoang hủy như PBDương, TTQuý, TTTrung, NQTrinh vẫn còn mãi mê nghịch ngợm và còn mãi lo đối đầu với những tai họa không phải do trời giáng xuống mà do thầy Hiệu trưởng Lê Tá và các vị lão sư ban cho nên cũng không còn có tâm trạng nào để thưởng thức đến nơi đến chốn những đóa hoa tươi mát cận kề. Vã lại, với lứa tuổi của bọn mình vào thời đại đó mà có thích đóa hoa nào vì ‘tâm bất chính’ đi nữa thì cũng chỉ dám để trong bụng và liếc mắt nhìn ra vẻ ngây thơ, vô tội mà thôi. Như trường hợp mình chẳng hạn, thù cha mà không giận lây đến con. Thấy thầy Lê Tá là mình ngoảnh mặt làm ngơ nhưng chợt thấy bóng dáng con gái của Thầy là LTX, học dưới bọn mình một lớp, là mình ngoảnh mặt nhìn theo. Cho đến bây giờ mình vẫn còn nhớ thật rõ vóc dáng, màu da và từng đường nét trên khuôn mặt của cô bé này. Đây là mình chỉ nói đến ‘hoang nghịch’ thôi, còn những phần tử ‘hoang ngầm’ như TVL thì lại khác! Đừng nói là vào thời điểm đó, ngay như sau này lên đệ nhị cấp, không biết các bạn khác thì sao chứ Đổng-Lý vẫn giữ nguyên cái lề thói đó. “NTHB” có thể là một chứng nhân hùng hồn cho những gì ĐL nói. Ngồi nghĩ lại, chỉ có một tay độc nhất vô nhị là cố hữu TrTT. Mới hết năm đệ ngũ là đã mang theo người tình cao bay xa chạy. Nếu mình nhớ không lầm thì dường như đó là ái nữ của tiệm may N.G trên đường phố Gia Long thì phải.
Sau này gặp lại bạn xưa mình thật bất ngờ khi biết được PBTD đã trở thành một nhà thơ được nhiều người biết đến. Người ta nói những người theo nghiệp thi văn, cầm ca ... hầu hết đều là những người có tâm hồn lãng mạn. Mà nói đến lãng mạn là nói đến lang bang, thủy chung bất nhất. TVL thì khỏi phải nói. Riêng PBTD thì mình không biết đã đổi từ hoang nghịch sang hoang ngầm từ lúc nào. Chỉ biết là những tháng ngày bên Cali với hắn thì đa số những người hắn liên lạc thường xuyên qua phone, email, hẹn hò gặp mặt đa số là phái nữ. Chỉ nghe hắn giới thiệu nếu không là ‘đại muội’ thì cũng là ‘tiểu muội’, còn thực chất thế nào cho đến bây giờ mình vẫn còn chưa nắm vững. Chỉ thỉnh thoảng nghe hắn ngâm nga ” Cõi trần thế lỡ đam mê sa đọa… Đường thâm cung ta lạc lối quay về..”. Cũng có đôi khi hắn nhìn khói thuốc rồi ra vẻ mơ màng, chắt lưỡi tiếc nuối…
Thấy bạn hoang đàng như vậy minh đã không giận mà còn thương. Có lẽ đúng như Huỳnh Tấn Thời đã nhận định “PBTD chỉ theo ngó thôi..!”
Viết tào lao đến đây là đủ rồi, mong mỗi ngày đọc được một bài thơ dễ thương. Chúc tất cả các bạn vui khoẻ. Riêng HTThời, ĐHNgọc, PBDương có nhiều thời gian để tìm vui bên nhau. Còn TVL thì chịu khó ra đường chứ đừng có ngồi nhà một mình trầm ngâm tìm hứng để làm thơ mà tổn hại đến sức khoẻ.
Tình xa.
Đổng-Lý.
Đổng-Lý.
Monday, July 2, 2012
Hoàng Khởi Phong * Mạn đàm với họa sĩ Hồ Thành Đức
Hồ Thành Ðức. Photo Viet Weekly |
Họa sĩ Hồ Thành Đức sinh năm 1940 tại Quảng Nam, mồ côi cha từ năm ba tuổi. Ông theo học hai năm đầu tại trường Mỹ Thuật Huế, sau đó vì sinh kế mà phải vào Sài Gòn học tiếp tại trường Mỹ Thuật Gia Định.
Ông được huy chương đồng trong cuộc triển lãm mùa xuân vào năm 1963. Năm 1965 ông lập gia đình với nữ họa sĩ Bé Ký, và sau đó có thời gian được mời làm giáo sư mỹ thuật tại Viện Đại Học Vạn Hạnh. Ông sang Mỹ vào năm 1990 qua chương trình nhân đạo và được chính phủ Mỹ bảo trợ.
Hoàng Khởi Phong: Là một họa sĩ đã thành danh ở Việt Nam từ bốn thập niên qua, theo ý ông có gì khác biệt và mới lạ giữa một họa sĩ thành danh ở Việt Nam và một họa sĩ trưởng thành và được đào tạo tại Hoa Kỳ?
Họa sĩ Hồ Thành Đức: Có hai lãnh vực để nói về sự đánh giá về nền nghệ thuật và mới mẻ của Hoa Kỳ và nền nghệ thuật của Việt Nam. Chúng tôi qua trong tâm trạng cũng như của những văn nghệ sĩ khác về bộ môn văn học hay âm nhạc chẳng hạn. Chúng tôi ở trong lãnh vực nghệ thuật tạo hình, mọi sự đều thay đổi.
Với một nước bị chiến tranh liên miên và chậm tiến đủ mọi mặt. Nền hội họa của đất nước mình bên nhà có phần nào đó yếu kém hơn ngay với những nước ở Ðông Nam Á, chứ đừng nói chi đến Hoa Kỳ. Khi tôi qua Hoa Kỳ, ngỡ ngàng đó làm tôi phải chùng bước. Cũng như anh Mai Chững trước đây, khi ảnh qua bên Hoa Kỳ, thì ảnh không bỏ nghề điêu khắc một thời gian dài, vì ảnh thấy những việc ảnh làm phải bắt đầu đứng lại trước một núi lớn lao.
Hoàng Khởi Phong
Xin theo dõi toàn bộ cuộc phỏng vấn trong phần âm thanh:
Subscribe to:
Posts (Atom)