văn hữu vườn tao ngộ

Nơi lưu trữ tác phẩm của PBTD và thân hữu. Liên lạc: phanbathuyduong@gmail.com

Tuesday, July 3, 2012

ĐỖ HỒNG NGỌC * cựu học sinh lão thành Phan Bội Châu – Phan Thiết

từ phải : trầnthiệnhiệp, huỳnhtấnthời, phanbáthụydương, đỗhồngngọc


Buổi gặp gỡ của cựu học sinh “lão thành” PBC

Trường Trung học Phan Bội Châu Phan Thiết được thành lập vào năm 1952, đến nay vừa tròn 60 năm. Nghe nói đến tháng 11 này, trường sẽ có một “đại lễ” kỷ niệm 60 năm, cũng là dịp thầy trò nhiều thế hệ gặp nhau ở thành Phan.
Không hẹn mà hôm 30/6/2012, tình cờ một nhóm bạn cựu học sinh “lão thành” PBC lại gặp nhau ở buổi khai mạc phòng Triển lãm tranh của một người bạn chung: Họa sĩ Cù Nguyễn, huy chương vàng 1966. Sau đó, kéo nhau ra một quán café bờ hồ, ngồi nhâm nhi biết bao chuyện cũ!
Có những người gần 60 năm mới gặp lại nhau, nhìn không nhớ. Nhưng chỉ ngớ một thoáng thôi rồi òa vỡ những trận cười, mày mày tao tao tíu tít. Họ nói cười không ngớt. Nhắc bạn bè xưa, nam lẫn nữ, kẻ chân trời người góc bể, như cùng có mặt nơi đây. Nhắc cả những con đường “mang tên em”, cả số nhà, cả tên cha mẹ con người ta! Rồi cười ha hả. Như trẻ thơ. Một lúc thôi, phải một lúc thôi thì người nào người nấy cũng trẻ lại không ngờ. Như không hề có thời gian, không hề có 60 năm xa cách. Họ nói xấu nói tốt về nhau, hào hứng kể những chuyện xấu của chính mình, của bạn mình không… thương tiếc! Và lạ thay, càng nghe lại càng thương mến nhau hơn, không chỉ của những người có mặt mà cả những người vắng mặt. Thằng kia bây giờ nát rượu, thằng nọ … bị vợ bỏ, thằng này hồi xưa mê em gái tao không dám nói ra, thằng đó hào hoa số một, chuyên quất ngựa truy phong, thằng nọ chọc thầy giáo, làm thầy trượt vỏ chuối té nhào… Ôi bao nhiêu thứ chuyện của lũ học trò nhất quỷ nhì ma!


Thường thì coi hình từ bên trái qua, nhưng với hình này, nên bắt đầu từ bên phải: Trần Thanh Hiệp, Huỳnh Tấn Thời, Đỗ Hồng Ngọc, Phan Bá Thụy Dương, Hồ Hữu Thủ, Trần Yên Thảo.

Nhà thơ Trần Thiện Hiệp (anh của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh), không thể ngờ đã 78 tuổi (Ta), trẻ lạ lùng, trông cứ như một cao-bồi Texas. Nhưng, thật ra, anh phải luôn đội chiếc nón để giấu cái đầu bóng loáng của mình. Anh là thế hệ vào Phan Bội Châu đầu tiên, ngay khi mới thành lập, 1952, cùng thời với nhà thơ Từ Thế Mộng (Tư Đình), lúc đó PBC còn ăn nhờ ở đậu bên trường Tiểu học Đức Thắng B. (Đến năm 1954, bọn tôi đã được học ở Trường PBC trên đường Trần Hưng Đạo. Sau này, trường mới dời về cơ sở hiện tại ở 70 Lê Hồng Phong PT).
Trần Thiện Hiệp là lứa đàn anh của chúng tôi, lúc vào trường (Đệ thất, lớp 6) đã ở tuổi 17. Thời đó, thời chiến tranh, đa số đi học trễ. Trần Vấn Lệ kể anh Trần Thiện Hiệp là một trong hai học sinh lớn tuổi được trường cử ra để “quản giáo” đám đàn em tụi mình!
Huỳnh Tấn Thời, luật sư, trẻ nhất, mới 71 tuổi, cùng lớp với Phan Bá Đương (PBTD), Đỗ Hồng Ngọc vào PBC năm 1954. HTThời chính là người nghịch ngợm, từng chọc phá thầy giáo, cũng là người mê cô em gái xinh đẹp của PBTD mà không dám nói ra, bây giờ còn tiếc! Kế đó là tôi, Đỗ Hồng Ngọc, chỉ học PBC có mấy tháng rồi chuyển về Hàm Tân (Bình Tuy), vì không xin phép nên bị “xóa sổ” trong quyển Trước Sách của nhà trường, bên cạnh có lời phê của thầy Hiệu trưởng: “học khá, nhưng cần phải cố gắng hơn”!
Phan Bá Thụy Dương, nhà thơ, nhà báo, người “khoái hoạt” nhất trong nhóm, cùng tuổi 73, đẹp trai, phong độ, hào hoa, chuyện trên trời dưới đất, đông tây kim cổ gì cũng biết… Kế bên là họa sĩ Hồ Hữu Thủ, không phải cựu học sinh PBC, là bạn của TYThảo và ĐHNgọc. Bìa trái là Trần Yên Thảo, nhà văn, cùng tuổi 73, nhưng để râu tóc như một tiên ông, cũng là cựu học sinh PBC, nhưng vào trễ hơn!
Cả bọn nhắc Phan Đổng Lý ở Úc, Trần Vấn Lệ ở Mỹ, Thiếu Khanh… và bao nhiêu bạn bè khác ở chân trời góc biển, ai nấy đều ở tuổi trẻ lạ lùng, trẻ vĩnh viễn, rồi cả những người mà TVL đã thổn thức làm thơ, mà Đổng Lý đã bùi ngùi nhắc đến trong một bức thư riêng rất dễ thương dưới đây.
DoHongNgoc

Thơ Trần Vấn Lệ
PBC 1954 – 1958
Hồi năm học Đệ Thất, tôi với nàng ngồi kề mà không hề ngó mặt, có gì đâu mà mê!
Cuối năm học Đệ Tứ, hai đứa rớt Diplôme, bỏ trường đi biệt xứ, người đồng bằng, cao nguyên…
…Nhưng hình như có duyên, mười năm sau gặp lại, lúc đó tôi lính rừng, nàng công chức tỉnh lẻ.
Chia tay có giọt lệ. Súng nổ đuổi hai người. Tôi tàn đời bóng xế. Nàng mờ ảo mây trôi…
Năm hai ngàn mười một, bỗng, hốt nhiên, mây ngừng. Em! Phải là em không? Anh! Anh là anh Lệ?
Vui mừng bao xiết kể…rồi cũng buồn chất thêm. Chừ, chữ Nàng thành Em, ngó mặt nhau…rồi hết!
Ngó mặt em, em đẹp. Bốn mươi bốn năm trời, không ai nói một lời, nói gì đây cũng lỡ…
Còn nhau nhờ địa chỉ, còn nhau còn số phone và e mail không ồn mà buồn ơi với tiếc!
Hai đồng tiền em siết một đời tôi nhớ thương. Chưa một lần tôi hôn trên hai đồng tiền đó!
“Sáng nay trời nổi gió, mùa Thu đầy trong hồn, xa rồi xa bến cũ, dòng sông trôi thê lương…”
Mấy câu thơ Thế Viên vô duyên bay lãng đãng. Mùa Thu đang loáng thoáng, em à gió heo may…

Thư của Phan Đổng Lý - 1.7.2012

Các bạn thân,
Trời Melbourne năm nay thật lạnh nên mình đã để cho bà xã ra đi tìm nơi nắng ấm trú thân dăm ba tuần lễ. Một mình đơn chiếc, sáng nay thức dậy nhìn quanh một mình, chán quá nên mở mail tìm giặc. Thật trời chẳng phụ lòng người, trong ‘vườn cà của tên giặc’ Trần vấn Lệ còn bỏ sót lại một đóa hoa trinh nữ có hai má lúm đồng tiền..!!
Lệ ơi,
Trước tiên mình muốn nói với TVL là đọc xong bài thơ đầu tiên trong ngày này của bạn đã mang lại cho mình một cảm giác thật man mác, thật nhẹ nhàng nhưng nó lại có hiệu suất của một quả đấm, đánh thật mạnh, thật sâu vào hồi ức của tuổi thơ.
Tuy vậy, mặc dầu đã cố gắng hết sức nhưng rồi mình cũng đành chịu thua, không thể hình dung ra được dù chỉ một vài nét thôi. Có lẽ vào lứa tuổi đó bọn mình mấy đứa hoang hủy như PBDương, TTQuý, TTTrung, NQTrinh vẫn còn mãi mê nghịch ngợm và còn mãi lo đối đầu với những tai họa không phải do trời giáng xuống mà do thầy Hiệu trưởng Lê Tá và các vị lão sư ban cho nên cũng không còn có tâm trạng nào để thưởng thức đến nơi đến chốn những đóa hoa tươi mát cận kề. Vã lại, với lứa tuổi của bọn mình vào thời đại đó mà có thích đóa hoa nào vì ‘tâm bất chính’ đi nữa thì cũng chỉ dám để trong bụng và liếc mắt nhìn ra vẻ ngây thơ, vô tội mà thôi. Như trường hợp mình chẳng hạn, thù cha mà không giận lây đến con. Thấy thầy Lê Tá là mình ngoảnh mặt làm ngơ nhưng chợt thấy bóng dáng con gái của Thầy là LTX, học dưới bọn mình một lớp, là mình ngoảnh mặt nhìn theo. Cho đến bây giờ mình vẫn còn nhớ thật rõ vóc dáng, màu da và từng đường nét trên khuôn mặt của cô bé này. Đây là mình chỉ nói đến ‘hoang nghịch’ thôi, còn những phần tử ‘hoang ngầm’ như TVL thì lại khác! Đừng nói là vào thời điểm đó, ngay như sau này lên đệ nhị cấp, không biết các bạn khác thì sao chứ Đổng-Lý vẫn giữ nguyên cái lề thói đó. “NTHB” có thể là một chứng nhân hùng hồn cho những gì ĐL nói. Ngồi nghĩ lại, chỉ có một tay độc nhất vô nhị là cố hữu TrTT. Mới hết năm đệ ngũ là đã mang theo người tình cao bay xa chạy. Nếu mình nhớ không lầm thì dường như đó là ái nữ của tiệm may N.G trên đường phố Gia Long thì phải.
Sau này gặp lại bạn xưa mình thật bất ngờ khi biết được PBTD đã trở thành một nhà thơ được nhiều người biết đến. Người ta nói những người theo nghiệp thi văn, cầm ca ... hầu hết đều là những người có tâm hồn lãng mạn. Mà nói đến lãng mạn là nói đến lang bang, thủy chung bất nhất. TVL thì khỏi phải nói. Riêng PBTD thì mình không biết đã đổi từ hoang nghịch sang hoang ngầm từ lúc nào. Chỉ biết là những tháng ngày bên Cali với hắn thì đa số những người hắn liên lạc thường xuyên qua phone, email, hẹn hò gặp mặt đa số là phái nữ. Chỉ nghe hắn giới thiệu nếu không là ‘đại muội’ thì cũng là ‘tiểu muội’, còn thực chất thế nào cho đến bây giờ mình vẫn còn chưa nắm vững. Chỉ thỉnh thoảng nghe hắn ngâm nga ” Cõi trần thế lỡ đam mê sa đọa… Đường thâm cung ta lạc lối quay về..”. Cũng có đôi khi hắn nhìn khói thuốc rồi ra vẻ mơ màng, chắt lưỡi tiếc nuối…
Thấy bạn hoang đàng như vậy minh đã không giận mà còn thương. Có lẽ đúng như Huỳnh Tấn Thời đã nhận định “PBTD chỉ theo ngó thôi..!”
Viết tào lao đến đây là đủ rồi, mong mỗi ngày đọc được một bài thơ dễ thương. Chúc tất cả các bạn vui khoẻ. Riêng HTThời, ĐHNgọc, PBDương có nhiều thời gian để tìm vui bên nhau. Còn TVL thì chịu khó ra đường chứ đừng có ngồi nhà một mình trầm ngâm tìm hứng để làm thơ mà tổn hại đến sức khoẻ.
Tình xa.
Đổng-Lý.