văn hữu vườn tao ngộ

Nơi lưu trữ tác phẩm của PBTD và thân hữu. Liên lạc: phanbathuyduong@gmail.com

Thursday, September 20, 2012

Nguyễn Đình Toàn * Ngày Tháng

NGUYỄN ĐÌNH TOÀN
Tôi bước xuống lối đi, và mặc cho mưa hắt vào mặt rát và lạnh.  Ông khách nhìn theo tôi trong mái hiên tối.  Trời mưa tầm tã.  Dưới những tàn cây cao và quãng trống hai bên  đường gió thổi bạt hơi và mây đen dầy đặc.  Sự rét mướt hắt hủi quấn lấy tôi.  Đường vắng ngắt, chỉ còn những ngọn đèn đường tỏa ánh sáng xuống các vũng nước trên mặt nhựa, gió thổi làm lướt đi từng loạt.  Tôi bỏ mũ cho mưa dội trên đầu và khi về đến nhà thì ướt hết cả người.  Bà bạn chưa về.
Tôi thắp đèn, tắm rửa thay quần áo, nhớ đến tiếng nước dội của bà bạn hôm qua tôi không khỏi rùng mình, những dòng nước lấp lánh sáng và trong tuôn chảy trên người.  Đó là hạnh phúc hay sự nhơ nhớp, bất hạnh ?
 
Thêm một lần nữa tôi cảm thấy mình mất mát một cái gì.  Một cái gì đó không phải nó đã lọt khỏi tay gìn giữ của tôi mà như tự nó đã tách rời, đã lìa xa mình, một sự tự băng rã.  Mấy ngày liền tôi sống trong tình trạng vừa ngẩn ngơ vừa nóng nảy.  Bà bạn có vẻ nghi ngờ nhưng bà không hỏi gì tôi cho mãi tới hôm đi chơi chùa.  Lúc chúng tôi lễ xong và ra ngoài sân chùa ngồi chơi trên ghế đá dưới gốc cây điệp lớn, bà mới nói bóng nói gió hỏi.  Trời hôm đó rất đẹp.  Nắng trong, sân chùa lơ thơ những ngọn cỏ non mọc ở những khe gạch, hơi mát tỏa từ những vòm lá xanh lẫn mùi thơm của hoa dại.  Ở phía sau chùa là những ngôi nhà do các Phậ tử cất, và các em nhỏ đang tập hát một bài hát đạo trước thềm sau giọng cao của một huynh trưởng. 
 
Bà bạn nói:
-Chúng ta tiếp tục cuộc rong chơi tay ba này cho đến khi ông không còn ở đây nữa.
Ông khách nhìn bà bạn bảo:
-Tôi sắp phải về Saigòn rồi.
Tôi nghe tiếng hát của bầy trẻ, nói:
-Bản nhạc này tôi thuộc từ hồi còn bé.
Bà bạn ngửa cao mặt lên nhìn trời.  Tôi cũng nhìn theo bà.  Ở sau ngọn cây cao nhất, là những cành khô, trụi lá của những cây chung quanh, mặt trời chiếu những tia vàng chói và linh động.  Ánh sáng bay múa bằng những vồng, hạt và những tia nhọn.
Bà bạn bảo:
-  Cứ nhìn một lúc chắc hoa mắt.  Mọi người sống đều kỳ cục, lúc nào và ở đâu cũng tìm cách che dấu, trong nhà cửa, trong quần áo, bộ dạng.
 
Ông khách nói:
-  Khi già thì người ta không dấu gì được nữa.  Tóc trắng và da nhăn.  Như tôi đang bắt đầu đây.
Tôi nhìn ông khách và bà bạn thấy họ sống thật dễ dàng: muốn ăn, ngủ, đi chơi, nói gì thi nói.  Khuôn mặt ông khách không xấu quả thật ông bắt đầu già.  Tôi nghĩ giá đừng có gì trở ngại tôi có thể ở gần ông và tôi sẽ truyền hết cái tươi trẻ của tôi cho ông.  Chúng ta sẽ san bằng hạnh phúc phải không anh?  Bằng đủ mọi cách.
Bà bạn hỏi tôi:
-  Cô không nói gì sao ?
Tôi cười với họ, bảo:
-  Tôi nghe bà và tôi sung sướng lắm.
 
Bà bạn lắc đầu, nhắm mắt làm một bộ điệu thật là dễ thương.  Nắng chiều qua kẽ lá làm thành những vòng tròn nhỏ và đa dạng xao động trên sân, bám trên người bà bạn.  Bà ngồi vắt chân lên nhau và hơi nghiêng về một bên, đùi bà tròn, dài, trông lớn, trông đẹp và khoẻ mạnh.  Tôi tự hỏi sao trông bà như thế mà bà không có con ?
Bà nói với ông khách:
-  Nếu Tết này ông dựng được kịch thi chúng tôi sẽ về Saì-gòn xem.
Ông khách cười bảo:
-  Ôi cả đời tôi chỉ có mỗi một việc tôi làm được trọn vẹn đó là việc tôi chẳng làm trọn được việc gì cả.
 
Bà bạn bắt chước tiếng kêu của ông nói:
-  Ôi vậy mà đến bây giờ ông vẫn còn chua chát được như thế sao ?
Ông khách cười nhìn mọi người.  Bà bạn đứng dậy đi xuống chỗ lũ trẻ đang tập hát bên dưới, bà nói phải đi một tí ngồi mãi bị tê chân.
Còn lại ông khách trên ghế.  Tôi mở to mắt nhìn ông.
Ông hỏi:
-  Hôm nọ em về có ướt không?
Tôi gật đầu không nói gì.  Tự nhiên tôi thấy sự bỏ đi của bà bạn thật đúng lúc.  Bà biết để lại sự lố bịch cho người khác.  Tôi thấy mọi cử chỉ của tôi đều có vẻ thừa thãi, không cần thiết, không biểu tỏ được gì, ngoài sự ngớ ngẩn.  Vẻ bình tĩnh, đến  lạnh nhạt của ông khách làm tôi choáng váng hết cả ngườìi.  Tôi cảm thấy khốn khổ, nhục nhã, những gì nặng nề nhất trong giây phút chụp lấy mình. Và rất nhanh nước mắt tôi đột ngột chảy ra.
Ông khách nhìn tôi yên lặng giây phút rồi bảo:
-  Em nhìn việc gì cũng nặng nề cả.
 
Tôi thấy lao đao lần thứ hai, không phải vì sự đổi thay trong giọng nói của ông khách mà chính vì tôi vừa chợt nhận ra không có gì lạ đã rơi vào giữa chúng tôi.  Nghĩ thế tôi lại sợ.  Tôi sợ cái khoảng không đó.  Bởi đằng sau nó đã có một cái gì xẩy ra rồi.  Tôi bị bao vây bởi sự khốn khó nào đây?  Em không dám nói lời yêu anh nữa, dù chỉ với một mình em, ngấm ngầm như một lời an ủi.  Em muốn dấu mặt mình cho cả mình không ngó thấy.  Chân tay long ngónng, em phơi bầy ra đây sự đần độn của mình.
Ông khách lấy bàn tay vuốt ve, cử chỉ vừa thân mật vữa pha lẫn chút thất vọng.  Tôi biết ông thất vọng.  Vì cách cư xử quá trẻ con của tôi. 
Ông nói:
-  Tâm hồn em đuối, em lại thích tạo những xúc động mạnh, em không chịu nổi những xúc động đó, rồi em nhìn gì cũng qua làn nước mắt tủi thân và tự bó mình như thế có ich lợi gì ?
Tôi nói:
-  Em sợ anh khinh em.
Ông bảo:
-  Em liều lĩnh lại hay sợ hãi. Phải can đảm sống lấy một mình chứ.  Không cho ai quyễn về mình cả.
 
Tiếng nói của ông cho tôi một niềm tin tưởng vu vơ.  Như bóng nắng bên ngoài có đó, tôi nhìn thấy, nhưng chẳng nắm giữ, nương tựa được gì.  Giữa nó và tôi có một sự chia lìa rõ rệt.  Khi anh không còn ngồi đấy, khi em chỉ còn lại một mình nó sẽ đổ vỡ, sẽ tan biến, sẽ đêm tối.  Khi em bằng lòng nhận anh vào tận thân thể có thể nào em nghĩ anh không có quyền gì về em không?  Chính nghĩ như thế, anh đã đẩy em vào chỗ sa ngã.  Đó không phải là một cái quyền người ta có thể cho hay không cho.  Mà là một tự nguyện.  Em có thể nghĩ đến anh như một niềm an ủi, một nơi nương tựa cái đầu sợ hãi của em khi biết rằng anh không từ chối.  Anh có đấy nhưng anh không nhận điều em nghĩ đến anh, thì em nhận gì nơi anh?
Tôi nín khóc và ngồi lại ngay ngắn.  Tôi cố lấy lại bình tĩnh để cho mắt khỏi đỏ, ngộ nhỡ bà bạn trở lại nhìn thấy.
Ông khách nói:
-  Có lẽ tôi phải cho em biết điều này; bằng tuổi tôi khi người ta nói yêu một người, câu nói ấy không còn có cái nghĩa như khi người ta còn trẻ nói nữa.  Nó không phải câu nói vồ vập, gìn giữ, hòa mình, mà nó chỉ biểu tỏ một chút cảm tình thành thật nào đó trong giây phút.  Thế thôi.  Người ta không để ý đến sự đằm thắm hay phai nhạt nữa.
Tôi nói tôi phải cám ơn sự thành thật của ông.  Thực ra thì vì tôi không được yêu, chúng ta không ở trong tình yêu, nên tiếng nói của chúng ta mới mang vẻ lạnh nhạt của những kẻ đứng bên ngoài.  Và chúng ta chỉ hiểu nhau qua sự lạnh nhạt đó.  Ông khách bảo, đó là sự tham lam nhầm lẫn của tuổi trẻ.  Mỗi người cần có đủ sự lạnh nhạt để có một đời sống riêng:  đó là của cải của chúng ta.
 
Bà bạn trở lại với vẻ mặt của người ban ân huệ.  Bà đã cho chúng tôi tự do.  Điều đó làm tôi lộn ruột.  Lúc nào bà cũng tỏ ra mình ở trên kẻ khách.  Sự tức giận xâm chiếm tôi một cách mau lẹ.
Và tôi muốn tỏ cho bà biết như thế.   Nhưng bà cười nói tự nhiên, bảo:
-  Thôi đi về chứ, trưa rồi, còn ăn cơm không đói.
Tôi tự thấy mình thật là hàm hồ và không thể nào bằng bà được.  Một lần nữa tôi lại thấy ghen với bà.  Họ xứng đáng với nhau hơn tôi.
Tâm trạng tôi cứ luôn thay đổi không lường như thế. Nên tôi thường khổ một mình. Tôi như kẻ tay này làm tay kia phá đổ.
Ông khách bảo:
-  Bà hãy ngồi cho đỡ mệt, mồ hôi ướt cả lưng áo kia kìa.
Bà ngồi xuông bên cạnh tôi, giọng vui đùa:
-  Dạo này cô hay sầu dữ.  Phải vui lên.  Rình mò mình mãi có ích gì đâu.
 
Tôi có cảm tưởng bà đã trải qua hết những gì tôi sống nên bà đoán  và nói đúng.  Tôi đã sống như một kẻ rình mò mình.  Vết tàn tật kia là cái chết ám ảnh  từng giây từng phút.  Tôi tức giận đột ngột, yêu thương đột ngột và nguội quên đột ngột.  Tất cả những thứ ấy thành một nỗi nhớ không hình ảnh nguyên cớ, là quãng đường tôi đi qua, là đứa trẻ không cha mẹ, là một gia đình đầy sự ghen ghét trẻ con, là tuổi thơ đã mất, không ngừng dày vò không tên.
Chúng tôi trở về quán ăn.  Trong lòng tôi vẫn còn ấm ức với bà bạn.  Tôi lại nghĩ giá đừng có bà, đừng có những sự ngăn trở vẩn vơ này, có lẽ tôi đã được sống những giây phút hạnh phúc với ông khách.
Bà bạn bảo:
-  Có những người viết văn, vẽ tranh, soạn nhạc, và chúng ta hưởng cái hay ho của họ.  Đừng tham dự vào đời họ làm gì.
Tôi ngạc nhiên hỏi:
-  Sao tự nhiên bà lại nói thế ?
Bà bạn nhìn ông khách và tôi tủm tỉm cười.  Môi bà ướt bóng, hai mắt long lanh, trời nắng làm cho má bà đỏ hồng, trông bà đẹp và duyên dáng.  Bà nói:
-  Tôi nghĩ vậy.  Em ưa đọc sách và gặp ông ấy tất hai người sẽ nói với nhau truyện sách vở.  Và là dịp ông gieo sự khó khăn cho em.
 
Nói xong bà cười lớn tiếng và nhìn thẳng vào mặt tôi.  Tôi chột dạ, và không hiểu thực ra, bà định nói gì.  Phản ứng tự nhiên khiến tôi nghĩ  nếu quả thật bà định ám chỉ gì tôi, thì tôi sè nói thẳng
với bà, như đã có lần bà nói với tôi:  “tôi đã ngủ với ông khách”.  Nhưng nghĩ lại tôi lại thôi.  Cũng câu nói ấy bà nói với tôi nó chỉ có nghĩa là một sự thật.  Đến lần tôi nói ra nó lại có vẻ tục tĩu.  Tại sao vậy ?  Hình như tại khi nói ra điều ấy lòng bà ngay thẳng còn tôi gian lận.
Tôi nói, và phải vừa nói vừa cười cho lời nói bớt vẻ gay gắt :
-  Tôi nghe bà và sẽ giải quyết mọi sự khó khăn một mình, nếu có, và theo đúng ý mình.
Bà lấy khăn chùi miệng, ngước mắt nhìn thẳng vào mặt tôi, dịu dàng:
-  Tôi cũng chỉ muốn chúng ta vừa lòng như thế!
 
Ông khách nói:
-  Tôi không ăn tráng miệng nhưng sẽ dùng cà phê.  Bà và cô uống gì ?
Chúng tôi đồng ý không ăn tráng miệng và dùng cà phê, bà bạn lấy cớ trưa bà sẽ không ngủ, còn phải thức đánh bài, tôi nói dù uống cà-phê muốn ngủ tôi vẫn ngủ được.
Buổi trưa nắng nhưng gió từ trên núi thổi xuống nên ơn ớn lạnh.  Quán hàng vắng chỉ còn ba chúng tôi.  Tôi nhìn bóng ba người sâu trong tấm kính cửa và bên ngoài phố người đi lại cùng với xe cộ.  Tôi nhìn xuống bao diêm của ông khách để trên góc bàn.  Mày sẽ thua thiệt nêu lúc nào mày cũng nhìn mọi sự qua lần nước mắt.  Em không muốn nhìn thấy anh qua làn nước mắt của em nữa.  Thôi tỉnh dạy đi con nhỏ, đừng nói lẩm cẩm một mình như thế.
Bà bạn hút thuốc cùng vói ông khách.  Bà mời ông đến nhà ăn một bữa cơm từ biệt trước hôm ông về Sài-gòn, và bà muốn tôi có đồng ý không?  Tôi cười bảo tôi sẽ làm một món ăn đặc biệt đó là bún chả và tự khoe là tôi pha nước mắm rất ngon.
Ông khách cười bảo với tôi:
-  Rồi tôi biết trả ơn cô bằng gì ?
Bà bạn xen vào:
-  Ông chịu khó sống lâu viết kịch cho cô ấy đọc.
Ông khách tiếp:
-  Thế còn bả ?
Bà bạn cười đứng dậy bảo:
-  Thôi mình về chứ .  Còn tôi ấy à ?  Được, nếu muốn gì tôi sẽ điều đình với ông .
Lời nói của bà trao nghiêng hẳn người tôi đi.  Tôi không chịu nổi mẩu đối thoại của họ mà đằng sau là cái hình ảnh tôi đã nhìn thấy.  Tôi có nghĩ oan cho họ chăng?  Tôi không biết.  Chỉ biết nghe bà nói như vậy tôi bỗng thấy choáng váng như có người  đẩy hẳn đi một cái.
 
Ra đến cửa bà bạn chia tay tôi và ông khách đi đến nhà bạn bà.  Bà mở ví soi qua lại mặt và xem có quên thưốc lá và diêm không, xong bà băng ngang đường đi về phía vườn hoa.
 
Ông khách hỏi tôi có buồn ngủ thì ông đưa tôi về nhà tôi trước rồi ông về sau.   Tôi nói không buồn ngủ và chúng tôi đi chơi với nhau.  Một lát mỏi chân chúng tôi gọi xe về nhà ông khách.  Ông bắc ghế ra ngoài hiên sau và chúng tôi ngồi nói chuyện.  Vườn sau nhà ông ăn liền với khu rừng.  Nắng soi vàng các lá cây và chiếu những luồng ánh sáng trong xuống các nền cỏ.  Rừng càng sâu trông càng mát, tôi nghe tiếng chim hót nhưng không nhìn thấy một con nào.  Ông khách nhường cho tôi chiếc ghế xích-đu nên tôi có thể ngả mình rất dễ chịu.  Tôi nhớ đến bà bạn và tự nghĩ trong hai người tôi là kẻ gian lận.  Không phải tôi gian lận với bà vì nghĩ cho cùng ra, tôi cũng chẳng có bổn phận gì với bà.
 
Tôi gian lận với linh hồn vô tội của tôi.  Tôi đã bịp bợm nó để sống.  Ông khách ngồi trong một cái ghề bành mây có nệm và tựa bằng bông bọc vải vàng.  Ông kéo ghế sát vào chỗ tôi và ông hôn tôi dưới chiếc ống sắt của tay ghế.  Cuộc đi chơi kéo dài đã cho tôi cảm giác nhàm chán, mệt mỏi nhưng tôi không từ chối cái hôn của ông.  Tôi nằm yên lặng trên chiếc ghế vải nhìn ông.
Mùi khói thuốc lẫn trong hơi thở của ông.  Gió mát từ khu vườn  ùa ra mơn man trên  da mặt và chân tay.  Khi ông khách hôn tôi lần thứ hai thì tôi phản đối.  Tôi xây mặt đi.  Tôi không còn gì để gìữ gìn đối với ông, nhưng tôi tự thấy thật là tội nghiệp cả ông lẫn tôi, nếu chúng tôi cứ để lôi kéo vào trong chuyện đó một sự trượt chân.
 
Tôi giữ ông lại bảo:
-  Không thể như thế được.  Trước đây chúng ta là người lạ.  Nhưng bây giờ  chúng ta đã biết nhau.  Xin cho em được sống với anh, không phải sự sa ngã.
 
Tôi nói và chợt nghe tiếng mình.  Tiếng nói xa lạ như một sự vỗ về của cơn sóng vào bãi bể.  Tôi không nói với ông khách.  Tôi đã nói với một người khuất mặt nào.  Hình như đó là một lời tạ lỗi với ba tôi, một lời cầu xin phù hộ, một sự kêu gọi dẫn dắt nào.  Hình ảnh người chết hiện đến mơ hồ lúc ấy làm tôi tủi cực.  Bóng dáng mẹ tôi còn xa hơn người chết.  Nhưng tất cả các thứ đó có lẽ chỉ là sự liên tưởng.  Tôi thấy tôi bị đứt rời  khỏi mọi liên lạc, tôi nằm đấy với linh hồn vô tội xa lạ vói mọi cảm giác, mọi sự việc, đó là đứa trẻ đi lạc không có ai kêu gọi.  Trong một cơn mê hoặc tôi đã nói lại với ông khách hết cả những điều tôi nghĩ này.  Tôi nói và tôi khóc lúc nào không hay.  Mãi tới lúc tôi thấy ông lắc mạnh vai tôi và gọi rất lớn tôi mới choàng tỉnh, lúc ấy sự thổn thức dâng nghẹn ngực, và tôi khóc nức nở.  Ông vuốt ve tôi và bảo tôi nín đi, nín đi.  Sau đó ông dắt tôi vào chơi trong rừng.  Khi tôi lấy lại được bình tĩnh hoàn toàn tôi bảo với ông đừng nhớ gì những lời tôi nói.  Ông đặt tôi ngồi trên một thân cây khô để trên một bãi cỏ, và ngồi xuống bên cạnh bảo, năm nay ông đã ngoài bốn mươi, ông cũng chẳng có gia đình của cải gì, ông không nghĩ đến chuyện lấy vợ nữa, nhưng nếu tôi muốn thì chúng tôi có thể lấy nhau.  Tôi nói,  tất cả những gì tôi nói với ông vừa rồi để dẫn đến việc muốn ông hỏi lấy tôi.  Tôi cũng nói rằng, ông không thể lấy một người vợ như tôi được, bởi với cái dấu vết tàn tật tôi mang trên mặt có thể là điều trở ngại cho ông sau này.  Tôi cũng hỏi ông là sự quyết định vừa rồi của ông  có phải vì ông thương hại tôi hay vì muốn nhận lãnh một trách nhiệm gì?   Ông bảo mọi sự không rõ ràng như cách tôi đặt  câu hỏi, ông không biết trả lời thế nào, nhưng nếu tôi muốn ông sẽ xin cưới tôi.  Tôi hỏi thế ông có nghĩ vẻ mặt xấu xí của tôi ông có thể chịu đựng được mãi không, rồi còn bạn bè ông nữa, họ sẽ nghĩ thế nào về ông?  Ông bảo ông không định tôn tất cả cái xấu của tôi thành cái đẹp, ông có ít bạn bè, nhưng tất nhiên vẻ mặt của tôi cũng tránh được một vài điều bàn tán gì đó, nhưng điều ấy không có nghĩa gì với ông.  Tôi nói, như thế ông đâu có được lấy vợ, ông phải chịu đựng tôi suốt đời sao?  Ông bảo, mặc cảm tự ti của em là kẻ thù nguy hiểm nhất.  Ông cũng nói, ông không cho việc lấy tôi là một hạnh phúc của đời ông, nhưng ông cũng không cho đó là một tai nạn.  Tôi bảo, như thế tôi sẽ trở thành người vợ dửng dưng của ông sao?  Ông nói tôi có nhiều vẻ đáng yêu, nhưng từ lâu rồi, đời sống ông ít còn ồn ào.  Tôi nói, vậy tôi cũng từ chối làm hòn đá thử chiều sâu của cái giếng yên lặng đó.  Ông cầm lấy tay tôi bóp mạnh và nói như tự nói với mình, ông sợ ông không còn đủ nhanh nhẹn để vượt qua cái hàng rào tôi tự rào quanh mình.  Tiếng nói của ông làm tôi đau đớn, vì tôi biết rằng ông không hề coi tôi như một vật báu của đời ôNg, không thể không chiếm  giữ.  Nhưng nếu tôi muốn tôi tin ông sẽ lấy tôi.  Nhưng lấy như thế để làm gì ?  Không phải chúng tôi lấy nhau mà là giải quyết một vấn đề.  Vấn đề đó là gì?  Là muốn được nhìn thẳng vào lương tâm mình mà không hổ thẹn sao?
Bỗng nhiên tôi nhìn lên mái tóc khô của ông và vẻ già nua thoáng hiện trên mặt ông và thấy hết sức cảm động.  Tôi biết ông thành thật với tôi.  Hay ít ra thứ đó cũng là một cố gắng thành thật một cố gắng tốt.   Tôi vẫn tin rằng thành thật là một điều khó khăn, thiếu cố gắng và thiện chí không thể thành thật được.  Nên tôi nói ông tôi ít giao thiệp, có ít kinh nghiệm trong việc này, nhưng mỗi lần ở gần ông tôi thấy tôi rất dễ cư xử.   Suốt buổi chiều ông không tìm cách hôn tôi nữa.  Ông dẫn tôi đến các khu rừng rất đẹp có nhiều hoa lạ và lan trắng.  Ông bảo khi về Sài-gòn rồi tôi có thể rủ bà bạn hoặc ra đây chơi một mình.   Tôi bảo ông đừng nhắc đến việc trở về Sàì-gòn nữa.  Chiều bắt đầu nhạt và khói núi bốc lên, gió reo trên các ngọn thông, rừng mờ hơi sương và rét.  Chúng tôi trở về nhà, hai bàn tay tôi lạnh giá, trên áo còn thơm mùi hoa.  Căn nhà mờ trong bóng tối. Hai chiếc ghế và mặt bàn bỏ không đã đầy lá.  Tôi chạy vào nằm luông xuống chiếc ghế vải.  Chiếc ghế đu đưa và lần vải mềm ôm sát lấy lưng.  Đêm đen dưới lớp ngói mái hiên. Bóng tối ru tôi vào đời sống thật của mình, tôi nhớ đến chiếc bao lơn ở nhà, nhớ tới ông tôi và bà cô, ông chú.  Ông khách rủ đi ăn và chúng tôi khiêng vàn vào trong nhà.  Nhà tối om.  Ông khách nói, mình đi luôn chứ ?  Nhưng khi tôi bước lại gần ông, ông bỗng nắm lấy vai tôi kéo lại gần ông.  Ông ôm chặt tôi vào lòng và cúi hôn trên môi tôi.  Mùi nhựa thông, phấn hoa, thuốc lá trên tay và trên mặt ông làm tôi ngây ngất.  Tôi run sợ, nhưng muốn biết bao được ông âu yếm như thế.  Bóng tối đã che đậy cho mọi sự giả dối, và chúng tôi đã trở thành những người tình thực sự.  Chúng tôi bỏ bữa cơm chiều.
 
Ba ngày sau, ông khách trở về Sài-gòn.  Bà bạn và tôi mời ông ăn một bữa cơm như đã dự định.
Bà bạn tiếp cái ăn và rót rượu cho ông.  Sự bí mật giữa tôi và ông khách không biết bà có biết không, nhưng bà thản nhiên, đúng hơn bà cười nói và cư xử rất tự nhiên.  Riêng tôì ngồi với họ mà thấy mà thấy tự chính mình mới là kẻ gây ra tội lỗi.  Nếu tôi đừng sa vào cuộc, cuộc tình của họ sẽ như trăm ngàn cuộc tình khác.  Có tôi vào, nó chia ba và trở thành xấu, thành tội.  Lúc ông khách ra về tôi tránh không đưa tiễn ông, tôi đứng trong cửa sổ chỗ giường bà bạn nhìn ông qua lần kính.  Bà bạn trở vào nhìn tôi mỉm cười, nhưng rồi bà như nghi ngờ điều gì, mặt bà chợt tư lự.  Chúng tôi lo dọn dẹp bữa ăn, sau đó ai về giường người ấy.  Bà bạn mời tôi hút thuốc, trở trở dậy đi lại phía giường bà lấy thuốc hút.  Khói thuốc cay và đắng xốc lên mũi và làm tê đầu lưỡi.
Tôi cười bảo:
-  Có ngon lành gì đâu mà bao nhiêu người nghiện thế.
Bà nhìn tôi cười bao dung nói:
-  Vậy đừng tập làm gì.
 
Bà nói và bảo tôi bắc ghế lại gần bà ngồi và nếu thích thì hát cho bà nghe với.  Tôi lấy ghế và đàn lại, dù cay bỏng miệng tôi cũng nhất định không chịu bỏ thuốc đi.  Tôi hát cho bà nghe ít câu trong bản nhạc “Ngày Đó Chúng Mình” của Phạm Duy.  Bà nằm yên lặng mở mắt mơ màng nhìn lên trần.  Khói thuốc thơm vẽ trên mặt bà những đường mỏng mềm mại.  Em hát cho anh, cho em, cho cuộc tình không tên của chúng ta:  “Ngày đó có em ra khỏi đời rồi, và đem theo trăng sao chết cuối trời u tối…Ngày có kêu gọi hồn người, trùng dương ơi có sót sa cũng hoài mà thôi …”
Nghe tôi hát xong bà bảo:
-  Em phải tìm cách chữa cái mặt mới được.
Tôi nói:
-  Để tôi có thể trở thành một người vợ đẹp đẽ sao?
Bà tiếp:
-  Chúng ta đều là những kẻ tàn tật cả.  Nhưng …như thế để đỡ bi thảm đi.
Đây là lần thứ nhất tôi nghe người ngoài đề cập đến vết thương của mình mà không thấy đau sót hay buồn.  Vì đó là một ước muốn tốt, thật, của bà đối với tôi chăng?  Hay niềm đau ấy đã trải qua quá nhiều cơn và ngày tháng, nên đã trở thành trai cứng ?
 
Tôi nói với bà, thực ra có lắm lúc tôi cũng không biết có phải ước muốn thứ nhất trong đời tôi là chữa  khỏi bệnh chăng?  Bà bảo, ôi nghĩ thế thì biết thế nào mà lường, cảm thấy cần làm gì thì hãy cứ làm đã chứ.  Tôi nói, lắm lúc tôi thấy bà thật là lãng mạn lúc lại thấy bà thật thực tế.  Bà bảo bà ít để ý đến sự phân tách về mình.  Vì nếu cứ quanh quẩn với việc dò la mình thì đến phát điên.  Nhưng bà cũng tin lãng mạn chỉ là nhận xét của tôi, chứ bà tự thấy bà không phải thế.  Tôi hỏi thế cuộc tình của bà với ông khách không mang một chút tính lãng mạn nào sao ?  Bà cười đáp, nếu nói như cô thì ai cũng lãng mạn hết.  Tôi nói, tôi tin đó là vật báu của đời người nó làm cho chúng ta trở nên dễ thương và đẹp trước mặt người khác.  Bà ngồi cao lên dựa lưng vào thành giường,duỗi thẳng hai chân dưới lần chăn mỏng nói, có lẽ sự cần thiết đó đối với mỗi người khác nhau chăng ?  Tôi không biết tôi đã có nhìn người khác qua con mắt lãng mạn không ?  Bà tiếp, nhưng nếu sống như em mọi quyết định đều quan trọng cả.  Tôi nói, nếu quyết định đó liên quan đến mình.  Bà bảo, như thế có khi lại có nghĩa ngược lại, không có gì quan trọng đối với em nữa.  Lời nói của bà làm tôi sững sờ.  Nếu việc gì em cũng cho là quan trọng thì có gì quan trọng  nữa đâu, bà tiếp.  Tôi bật cười trước lối giảng giải của bà.  Buổi trưa giống những buổi trưa khác lọt vào phòng những tiếng động nhỏ của các cành cây và lá va chạm, tiếng máy nổ ở xa.  Một cảm tưởng thân yêu chợt nẩy ra trong lòng tôi đối với bà, cùng một lúc tôi cũng nhớ lại hình ảnh bà ở trong khu rừng với ông khách?  Treo cây đãn lên chiếc đinh trên tường, tôi nói với bà bạn những lời xua đuổi những ám ảnh bực bội.  Bà rủ tôi buổi chiều nếu muốn thì đi chơi với bà xem bà đánh bài.  Tôi nhận lời.  Bà nói, cô sẽ học được đủ mọi tật xấu.  Tôi nói đùa với bà, tôi chỉ còn thiếu có những tật xấu thôi, để trở thành hoàn toàn.  Tôi cũng hỏi bà thích đánh bài lắm sao ?  Bà chặc lưỡi làm bộ điệu lắc đầu bảo, không nên hỏi một người nào câu hỏi ấy.  Nhưng theo bà, đánh bài là một đam mê thích thú.  Nói quá ra, nó biểu hiện một tinh thần độc lập và ưa chuộng tự do.  Bởi không lúc nào người ta cảm thấy tự do và toàn quyền bằng khi quyết định cây bài.  Và bà thêm vào sau hết, nhưng dầu sao thì đó cũng là một biểu hiệu tai hại.  Tôi hỏi, bà lục ở đâu ra những lý lẽ kỳ cục đó ?  Bà cười đáp, ở trong sự hư thân và những ngày sống một mình.  Bà nói và nhìn xuống hai bàn tay mình đang úp trên bụng.  Hơi thở của bà phập phồng đưa tấm chăn  và hai bàn tay lên cao, xuống thấp.
 
Tôi hỏi, bà có yêu ông khách không?  Bà cười bảo, sao cô cứ băn khoăn về chuyên đó.  Ông ấy cũng là người đáng yêu đấy chứ ?  Lối trả lời không trả lời của bà làm tôi ngượng.  Bà tiếp, đối với tôi tình yêu có thể đến trước hay sau cuộc gặp gỡ giữa hai người cũng được.  Tôi nói, tôi đã cố gắng nhưng không thể nào có được một quan niệm sống chắc chắn như bà.  Bà vẫn cười, bộ cô tưởng tôi nói như thế có nghĩa là những khuôn số, nếu mọi việc rơi vào trường hợp sẽ có những giải đáp nhất định à?  Tôi cũng cười bảo, tôi đang ngớ ngẩn.  Chiều tôi đi theo bà xem đánh bài và mặc dầu cố để ý tôi cũng vẫn không phân biệt được vài cái  khung với các chữ.  Vì không biết chơi, nên ngồi một lúc tôi chán bỏ về nhà nằm đọc sách.  Nhưng sách cũng không đọc được.  Căn nhà trống trải, tôi thấy buồn, đứng dậy đi  lại trong nhà, tới phía cửa sổ, ngó ra con đường ông khách  đã đi qua.  Ở ngoài đó bây giờ là buổi chiều.  Trời xám và những cây thông den thẫm vẽ vào triền núi những cành lay động.  Tôi mở toang cửa sổ và nghe tiếng chim sáo kêu rất lớn lọt vào phòng./.

NGUYỄN ĐÌNH TOÀN

Nguyễn Trung Dũng * Buổi Sáng, Vườn Cây Chim Hót

Tháng sáu, hãng cử Thuận sang Canada. Chuyến đi công tác lại đúng lúc vào lúc, Thuận cũng muốn lấy phép thường niên nghỉ, để qua gặp người vợ tương lai của chàng. Đường bay với thời gian năm tiếng, khi nhìn xuống phía dưới, mắt Thuận đã thấy nhà cửa và đường phố xe chạy. Bay ở độ thấp, máy bay càng lúc càng tiến gần về hướng phi trường, thì chẳng bao lâu sau đó, bánh dưới thân tầu đã đụng trên mặt phi đạo, nhẩy nhổm rồi trở lại bình thường. Chiếc phản lực từ từ bò vào phi cảng. Cửa bên nách máy bay được mở để hành khách đi ra rồi theo một đường hành lang dài dẫn đến khu vực kiểm tra giấy tờ và khám xét hành lý của trạm hải quan.
 
Xe Taxi đưa Thuận về đến khách sạn, trời lúc đó đã tối. Cái thang máy đưa Thuận từ  tầng dưới đất lên đến lầu ba, lầu có căn phòng mà đêm nay Thuận sẽ ngủ ở đó. Tắm rửa sạch sẽ, Thuận lên giường nằm. Nằm, với điện thoại cầm tay, Thuận bấm số gọi cho Phụng Thiên. Chuông ở đầu dây bên kia đổ rồi ngưng, biết có người nhấc ống máy, Thuận vội lên tiếng:
 
‘Alo. Phụng Thiên đấy có phải không?”.
 
‘Dạ không. Ông cần gặp chị Phụng Thiên xin vui lòng đợi một chút”.
 
Thuận nghe có tiếng của một người nào đó kêu réo tên Phụng Thiên. Rồi sau đó, người nói lần này lên tiếng đúng là Phụng Thiên.
 
‘Alo. Phụng Thiên đây. Ai gọi đó”.
 
‘Thuận đây …”.
 
‘Ủa. Anh Thuận”.
 
“Biết anh đang ở đâu không”.
 
“Nếu anh không ở Cali thì chắc anh đang ở Canada hoặc một nước nào khác. Anh làm gì ở cái hãng đó mà để chủ hãng nó hành anh quá vậy. Tối ngày hết cử anh đi nước này lại đi qua nước khác mất hết cả thì giờ”.
 
“Lần này cử anh sang Canada, anh nghe tin mừng hết lớn”.
 
“Anh đang ở đâu vậy. Qua sao không điện thoại báo trước cho em biết tin”.
 
“Biết tin để …”.
 
“Để em đi đón”.
 
“Anh không muốn em đi đón mà muốn tạo sự bất ngờ và ngạc nhiên cho em.
 
“Anh đang ở khách sạn hay ở nhà bạn bè anh vậy”.
 
“Ở khách sạn. Nằm một mình trong căn phòng vắng vẻ, thật vắng vẻ, thấy nhớ em lại càng cảm thấy cô đơn lẻ loi tận cùng”.
 
“Có gì bất tiện đâu. Sao không đến nhà em ngủ qua đêm cũng được”.
 
Thuận lặng im không trả lời câu hỏi đó. Quay qua chuyện khác, Thuận nói:
 
“Em đang làm gì vậy”.
 
“Em đang nằm nghe nhạc. Nằm, tai nghe nhạc, mắt ngó qua cửa sổ nhìn xuống phố. Căn gác là phòng riêng của em ngủ, phía dưới có một vườn cây, chim thường bay đến vườn cây đó đáp xuống. Bây giờ, vườn cây chỉ là bóng tối nên không còn nom thấy gì cả. Đang ở Cali miền đất ấm, sang xứ tuyết anh có thấy lạnh không”.
 
“Cũng hơi lạnh”.
 
“Tháng sáu với những người sống ở đây, thời tiết như thế này chưa thể nói là lạnh. Nếu anh sang những tháng cuối năm, anh sẽ thấy tuyết rơi trắng xóa khắp mọi nơi. Tuyết đóng thành băng, lạnh thấu da buốt xương”.
 
Lan man hết chuyện nọ sang chuyện kia, nhìn đồng hồ, Thuận đã thấy mười một giờ. Trước khi chấm dứt, Thuận hỏi:
 
“Mai sáng, mình đi đâu đó ăn được chứ”.
 
“Dĩ nhiên là được. Anh ở khách sạn nào cho biết để em lái xe đến đón”.
 
Thuận nói tên khách sạn, đường phố và số phòng. Trong máy nghe tiếng giấy sột soạt, hình như trong khoảng khắc ngắn ngủi im lặng đó, Phụng Thiên đang hí hoáy viết.
 
“Được rồi. Ngày mai, đúng mười giờ em sẽ có mặt để đưa anh đi ăn sáng”.
 
“Chúc em có giấc ngủ ngon”.
 
“Em cũng chúc anh như vậy”.
 
Trở lại âm thanh o o như ve kêu trên đường dây, biết ở bên kia, Phụng Thiên đã cúp máy, Thuận cũng gác ống nghe. Đêm trong căn phòng không một tiếng động. Khi Thuận đưa tay tắt ngọn đèn ngủ, không gian chỉ còn là bóng tối. Cửa kính, mắt nhìn lên bầu trời, bầu trời cũng một màu thẫm đen. Chỉ có cái lạnh là dễ nhận ra, dù vùi thân thể dưới lớp mền dầy, Thuận vẫn cảm thấy trong người thiếu hẳn độ nóng cần thiết để phù hợp với không khí băng giá về đêm. Mệt mỏi với năm tiếng đồng hồ trên chuyến bay đường dài, dù muốn hay không muốn, giấc ngủ đã đến với Thuận, như trẻ thơ nằm trong nôi, thiếp đi trong tiếng ru của mẹ.
 
Ngày lại đến với ánh sáng ở bên ngoài và với tiếng người cười nói ở dẫy hành lang khách sạn. Thức, Thuận nhìn đồng hồ đã thấy chín giờ. Một tiếng nữa, Phụng Thiên sẽ có mặt ở đây để đưa Thuận đi ăn. Biết phải làm những công việc gì trong thời gian một tiếng nữa, Thuận ra khỏi giường nằm, đánh răng, rửa mặt, vệ sinh cá nhân, rồi mặc áo quần tươm tất, xong, ngồi đợi. Đợi chẳng mấy lâu, với tiếng gõ cửa, Phụng Thiên đã đến.    
 
“Chào anh. Đêm qua anh ngủ được chứ”.
 
“Anh không những ngủ được mà còn ngủ say như chết. Em hôm nay nom đẹp hết sẩy”.
 
“Đừng nên quá lời khen em. Và nhớ giữ lời khen đó mãi mãi cho đến những ngày sau khi em đã là vợ của anh”.
 
Vòng tay cuốn lấy thân thể của Phụng Thiên, Thuận dùng sức ghì Phụng Thiên vào sát người mình. Một cái hôn bất ngờ lên môi, Phụng Thiên đón nhận cái hôn đó một cách vui vẻ và đồng thuận.
 
Khi gỡ vòng ôm của hai cánh tay Thuận ra, Phụng Thiên nói:
 
“Để em đưa anh đi ăn sáng. Giờ này đã thấy đói bụng rồi”.
 
“Điểm tâm ở đâu cũng được. Anh cho em toàn quyền lựa chọn”.
 
“Vậy mình đến phố Tầu, đường Spadina, ở đó có tiệm ăn tương đối ngon”.
 
Thuận không nói. Không nói có nghĩa đồng ý. Xe chạy trên xa lộ. Thời tiết có lạnh ở bên ngoài. Mặt kính xe thấy hơi mờ. Qua vùng đất có rừng, có nhà chọc trời, có cầu treo, có đất hoang, có biển, trước mặt đã thấy hiện ra khu thành phố với gia cư  và các cửa tiệm buôn bán. Ở đây, những tòa “building” đứng xừng sững với chiều cao ngất ngưởng. Nhưng xe bắt đầu vào con đường mang bảng tên Spadina, phố thuộc khu phố Tầu, phần lớn là các tiệm ăn, tiệm buôn bán, thì nhà cửa xem ra lại quá thấp. Không như những khu phố thường thấy ở Mỹ, phố thương mại của người Tầu lại nhộn nhịp những người đi lại, vỉa hè choán lối khách bộ hành với những quầy sạp bầy bán đủ mọi món hàng. Không kể những chiếc xe hơi xuôi ngược trên đường phố, còn có xe điện chạy trên thiết lộ ngang qua.

Đã đến nơi, tìm chỗ để đậu xe rất khó, Phụng Thiên phải mất khá nhiều thì giờ chạy đi chạy lại, cuối cùng mới có nơi trống để táp vào. Từ chỗ đỗ, cả hai phải đi bộ ba “block” phố mới tới tiệm ăn mà Phụng Thiên khen ngon. Vừa đi, Phụng Thiên vừa tả oán cái chuyện đô thị thiếu kế hoạch xây cất những khu “parking” cho một vùng thương mại xầm uất đầy những xe cộ như ở đây. Tả oán chỉ là để tả oán, còn việc thực hiện cũng chỉ là việc ngoài thẩm quyền của mình. Nói rồi cười, đâu vẫn vào đấy.
 
Đã tới tiệm ăn và đã bước vào bên trong, Thuận và Phụng Thiên được một người hầu bàn đưa tay mời đến một cái bàn ở phía góc. Bàn ở sát cửa sổ nên mắt có thể nhìn ra hướng phố. Trong khi đợi thức ăn mang ra, Thuận nói như khoe:
 
“Thiệp cưới anh đã cho in. Chừng nào in xong, anh sẽ gửi sang cho em để em mời họ hàng và bạn bè. Đây đến cuối năm chỉ còn vài tháng, muốn có nhà hàng cũng phải đặt trước, nếu không, cận ngày mà đặt cũng không còn chỗ nào họ nhận. Việc nào cần lo trước bắt buộc phải lo trước. Việc nào thấy để lo sau cũng được thì lo sau. Phần em, em xem thấy cần gì cứ cho anh biết để anh tiếp tay”.
 
“Em chỉ cần quần áo cưới thôi. Việc đó ở bên này em có thể thực hiện được. Khi nào tới ngày sang bên đó, em mang theo sang để mặc vào lúc rước dâu và đêm tiệc ở nhà hàng là xong”.
 
“Mình quen nhau tính đến nay đã hơn ba năm. Chỉ vài tháng nữa đây, anh và em chính thức là vợ chồng, vậy mà thời gian này anh lại nôn nóng sốt ruột dữ dội. Biết là chuyện gì đến nó sẽ đến, nhưng chờ đợi và mong ước vẫn là tâm lý chung của mọi người, khi muốn cái muốn đó đến ngay tức thì”.
 
Thấy Phụng Thiên ngồi trầm ngâm không nói, Thuận lại tiếp:
 
“Sống ở Canada lâu đã quen, cuối năm cưới nhau rồi, em qua bên Mỹ, liệu có buồn khi nhớ bên này không”.
 
“Dĩ nhiên là phải nhớ và buồn đôi chút. Từ 75 cho đến nay, với khoảng thời gian dài như thế, đất Canada có bao nhiêu kỷ niệm trong đời, em dễ gì mau chóng quên được. Nhưng mai đây, sang Mỹ sống với anh, em sẽ có niềm vui mới. Đấy là hạnh phúc gia đình. Đấy cũng là tình yêu thương bảo bọc giữa anh và em. Như thế không đủ sung sướng hay sao’.
 
“Và lúc đó, mình đã có nhau, cái điện thoại chẳng cần dùng đến. Khi một đứa con ra đời, chỉ mới nghĩ thế thôi, anh đã mừng hơn bất cứ cái mừng nào khác”.
 
Trong khi vừa ăn vừa nói, câu chuyện giữa Phụng Thiên và Thuận đi hết xa lại gần.
 
Đã đến quầy tiền để thanh toán cho hai phần ăn, Thuận và Phụng Thiên tay nắm tay nhau, trên vỉa hè phố lững thững bước. Người đi xuôi đi ngược chen chân nhau như một ngày chợ Tết. Đủ mặt hàng được bày bán trên quầy sạp đặt ở mặt tiền mỗi ngôi nhà. Trong khi đường phố đầy những xe cộ qua lại. Xe điện hết chiếc này đến thì lại có chiếc khác rời trạm lăn bánh bỏ đi. Sinh hoạt năng động ở một nơi thị tứ náo nhiệt không một phút ngưng nghỉ.
 
Buổi gặp nào rồi cũng tới lúc chấm dứt. Đấy là khi cả hai trên xe chạy về khách sạn, Phụng Thiên chia tay với Thuận. Ngày qua ngày, thêm một lần đi chơi ngoạn cảnh thác Niagara, đã đến kỳ hạn Thuận trở về Cali. Công tác do hãng giao phó cho Thuận, Thuận đã hoàn tất. Bây giờ, tối của một ngày cuối tuần, Thuận ra phi trường bằng xe của Phụng Thiên đưa. Đấy là cơ hội để Thuận và Phụng Thiên được ngồi bên nhau, trên đoạn đường xe chạy, chuyện trò trước khi chia tay. Thời gian quá ngắn đối với họ, quyến luyến bịn rịn, rồi cũng phải tới lúc, Thuận bước vào cổng dẫn vào hành lang xuống phi cơ, trong khi Phụng Thiên một mình lủi thủi đi về khu đậu xe, ngồi ở ghế, lái theo một con đường vòng nhập vào dòng xe trên xa lộ.
 
Kể từ đó, Thuận và Phụng Thiên chỉ có những cú điện đàm để trao đổi câu chuyện với nhau. Không gian ở hai nơi quá xa, nghe tiếng nói qua đường dây điện thoại, có vui nhưng không thỏa mãn như những lần gặp gỡ, ngồi bên nhau, tay cầm tay, mắt nhìn mắt, và những cái hôn gắn lên môi thật đậm đà.
 
Không biết Thuận nghĩ như thế nào, còn Phụng Thiên, ngày và tuần rồi tháng, vì mong sớm tới ngày đám cưới, Phụng Thiên đôi khi cảm thấy nôn nóng và sốt ruột. Tháng sáu đã qua. Tháng bẩy rồi tháng tám, tháng chín, tháng mười rồi cũng tận. Gần tới tháng mười một, tháng mà Phụng Thiên mong đợi đã gần đến. Đó là lúc Phụng Thiên biết chẳng còn bao lâu nữa, một đám cưới sẽ được cử hành ở tư gia và ở nhà hàng trong đêm tổ chức bữa tiệc ra mắt họ hàng và quan khách quen biết. Nhưng mọi chuyện đã bất ngờ thay đổi làm đảo lộn mọi dự tính như điều mong muốn. Một buổi tối ngồi ở phòng khách, Phụng Thiên đang dõi mắt coi TV, chuông điện thoại bỗng reo.
 
“Alo”.
 
“Alo”. Tiếng nói với một giọng nghe hơi lạ ở đầu dây bên kia. Dẫu vậy, Phụng Thiên cũng đoán ra tiếng nói đó không ai khác là Thuận”.
 
“Ơ kìa. Bữa nay nghe anh nói sao khò khè yếu ớt thế. Anh bị cảm hả”.
 
“Không”.
 
“Không. Không cảm là được rồi. Nhưng nói lơn lớn một chút có được không. Ở bên này, em cố nghe mà nghe tiếng được tiếng không”.
 
“Anh”. Anh sẽ ...”.
 
Phụng Thiên bắt đầu cảm nhận thấy có việc gì bất ổn. Có bao giờ Thuận lại ăn nói ấp a ấp úng như gà nuốt dây thung thế đâu. Nhưng Phụng Thiên không thể đoán nổi cái bất ổn đó là cái gì.
 
“Đường dây ở nhà anh có vấn đề rồi. Em nghe tiếng ọt ẹt như làn sóng ảnh hưởng bởi thời tiết xấu. Anh thử dùng “cell phone” thay cái điện thoại “home” mắc dịch đó xem sao”.

“Thì cái “cell phone” anh đang xử dụng đây”.
 
“Có khá hơn. Bây giờ em nghe tương đối tốt rồi”.
 
“Phụng Thiên à. Nhiều đêm anh nằm vắt tay nghĩ tới nghĩ lui, anh đã quyết định dứt khoát phải nói thẳng với em. Không còn con đường nào khác để anh chọn lựa cả, nên anh rất buồn phải báo cho em biết tin này. Tin ..”..
 
Không thấy Thuận nói tiếp. Khoảng trống là sự im lặng khó hiểu. Phụng Thiên bắt buộc phải lên tiếng:
 
“Em đoán chắc là chuyện hôn nhân đang có gì trục chặc. Có thể là như thế đúng không”.
 
“Có thể là đúng như em nói. Nhưng không phải tại anh. Anh vẫn muốn lấy em nhưng lúc này, anh …”.
 
“Em nghe anh nói từ nẫy đến giờ không còn hiểu ra làm sao cả. Sao lại cứ ấp úng ngập ngừng thay vì anh nói thẳng tuột ra cho em biết vẫn hơn. Từ hôn có nghĩa là anh đổi ý không còn yêu em nữa, hủy bỏ đám cưới, nếu quả thực anh muốn vậy sao không nói ra một lời mà cứ vòng vo như thế để làm gì”.
 
Giọng nói của Thuận ở đầu dây bên kia nghe có vẻ bình tĩnh và cương quyết hơn, đấy là lúc Thuận đã đè nén được cơn xúc động:
 
“Phụng Thiên. Em biết anh yêu em như thế nào rồi. Điều đó chứng tỏ là anh đã muốn lấy em làm vợ. Một quyết định cuối cùng và để chấm dứt những năm tháng chúng mình yêu nhau. Xin em đừng buồn khi nghe anh nói ra sự thực hiện tại. Và cũng xin em đừng thương hại anh để tiếp tục ban phát cho anh tình yêu của em. Nhiều tuần lễ kể từ ngày anh bị tai nạn xe cộ, anh đã không muốn cho em biết. Nhưng đêm nay, anh phải cho em biết anh bây giờ đã là một người tàn tật với một bên chân bị gẫy, đi phải chống nạng, anh nỡ lòng nào lấy em để em có một người chồng thân thể không toàn vẹn. Vì thế, anh rất đau buồn phải nói, hãy tha lỗi cho anh, anh xin đơn phương hủy bỏ đám cưới như dự định. Anh …”.
 
Thuận lại im lặng. Phụng Thiên nghẹn ngào:
 
“Anh hủy bỏ đám cưới, đấy là quyền quyết định của anh. Anh không muốn cưới em, đấy cũng là quyền cá nhân của anh. Còn em, dẫu thế nào đi nữa, em đã hứa hôn với anh, một lời hứa và một tình yêu, trước và nay vẫn vậy và không có gì thay đổi cả. Nhưng nay anh đã chọn thái độ và con đường anh đi, em chưa thuộc về anh nên nếu có muốn, muốn cũng không được. Đêm với đường dây viễn liên này, em chỉ có một lời nói ngắn và gọn, em vẫn yêu anh. Em vẫn …”.
 
Nghẹn cổ họng, nước mắt ứa ra, Phụng Thiên chỉ còn biết khóc. Thuận ở đầu dây bên kia vẫn nói, nhưng Phụng Thiên không đủ can đảm và bình tĩnh để tiếp tục nghe nữa. Đêm đó là một đêm Phụng Thiên nằm mà không ngủ được.
 
Buổi sáng, vườn cây có tiếng chim hót. Ngồi với đôi mắt nhìn lên bầu trời, tháng đã bước vào tháng mười hai, tháng ở Canada đã có tuyết. Tuyết rơi tơi tả như cánh những con bướm, những đóa hoa lê, bị gió thổi đi rồi rơi xuống đất. Nằm bất động ở đó, cánh những con bướm khép lại, những đóa hoa lê cuộn mình, hóa thân thành lớp băng mầu trắng, mầu của vải khăn sô.

Điện thoại cầm tay phát nhạc hiệu báo cho biết có người gọi tới. Phụng Thiên bấm “on” rồi lên tiếng “alo”. Bên kia có giọng nói của Thuận. Chỉ một câu “Anh đang ở Việt Nam. Cô đơn, lẻ loi và nhớ em vô cùng”. Nói rồi tắt máy. Ở đâu đó nhạc phát ra từ cuộn băng đang chạy, lời của bài Nghìn Trùng Xa Cách lọt vào tai Phụng Thiên. “Nghìn trùng xa cách. Người cuối chân trời”./.

NGUYỄN TRUNG DŨNG

Monday, September 17, 2012

TƯỜNG LINH * Thế giới đêm *



 


thế giới của tôi bây giờ:      
hai mươi mét vuông nhà ở
đôi mắt không nhìn thấy nữa
đất trời, cảnh vật … toàn đêm
           
nhận phần tuyệt lộ rất êm
dẫu đôi chân chưa mỏi bước
những gì chờ tôi phía trước
cảm ơn, xin vẫy tay chào

chỉ còn trong giấc chiêm bao
hiện rõ phương xưa, người cũ
sông núi quê nhà cẩm tú
mười phương tình nghĩa khó quên

nghiêng tai nghe gió mùa lên
quen tưởng hồn thơ vẫn đợi
gió gôm lá vàng đợt mới
vuông tầng phế tích thu ca.

TL* Sài Gòn 9/2012
 

Friday, September 14, 2012

THƠ LAN ĐÀM




tranh TRƯƠNG THỊ THỊNH
 
BUỔI SÁNG UỐNG TRÀ,
     NGẮM TRANH NƠI PHÒNG KHÁCH                       
                                                            
Hạt reo xuống tự kiếp nào,
Nở xanh lũng thấp đỉnh cao ven đường.
Mái chùa son nhạt màu sương,
Vạt mây ngừng lại gió dường phân vân.
Lội qua con suối phàm trần,
Thiền sư để lại dấu chân bên bờ.

….VÀ THẤY MỘT CƠN MƯA, TIỀN KIẾP

Người về thuyền sóng xô mau,
Bờ xa quạnh quẽ mái lầu ngày xưa.
Hàng dương rũ tóc sân chùa,
Bầy chim ngơ ngác cơn mưa vô tình.
Ta còn nửa kiếp phù sinh,
Bên sông ngoảnh mặt thấy mình ngẩn ngơ.


LAN ĐÀM