Tháng sáu, hãng cử Thuận sang Canada. Chuyến đi công tác lại đúng lúc
vào lúc, Thuận cũng muốn lấy phép thường niên nghỉ, để qua gặp người vợ
tương lai của chàng. Đường bay với thời gian năm tiếng, khi nhìn xuống
phía dưới, mắt Thuận đã thấy nhà cửa và đường phố xe chạy. Bay ở độ
thấp, máy bay càng lúc càng tiến gần về hướng phi trường, thì chẳng bao
lâu sau đó, bánh dưới thân tầu đã đụng trên mặt phi đạo, nhẩy nhổm rồi
trở lại bình thường. Chiếc phản lực từ từ bò vào phi cảng. Cửa bên nách
máy bay được mở để hành khách đi ra rồi theo một đường hành lang dài dẫn
đến khu vực kiểm tra giấy tờ và khám xét hành lý của trạm hải quan.
Xe Taxi đưa Thuận về đến khách sạn, trời lúc đó đã tối. Cái thang máy
đưa Thuận từ tầng dưới đất lên đến lầu ba, lầu có căn phòng mà đêm nay
Thuận sẽ ngủ ở đó. Tắm rửa sạch sẽ, Thuận lên giường nằm. Nằm, với điện
thoại cầm tay, Thuận bấm số gọi cho Phụng Thiên. Chuông ở đầu dây bên
kia đổ rồi ngưng, biết có người nhấc ống máy, Thuận vội lên tiếng:
‘Alo. Phụng Thiên đấy có phải không?”.
‘Dạ không. Ông cần gặp chị Phụng Thiên xin vui lòng đợi một chút”.
Thuận nghe có tiếng của một người nào đó kêu réo tên Phụng Thiên. Rồi sau đó, người nói lần này lên tiếng đúng là Phụng Thiên.
‘Alo. Phụng Thiên đây. Ai gọi đó”.
‘Thuận đây …”.
‘Ủa. Anh Thuận”.
“Biết anh đang ở đâu không”.
“Nếu anh không ở Cali thì chắc anh đang ở Canada hoặc một nước nào
khác. Anh làm gì ở cái hãng đó mà để chủ hãng nó hành anh quá vậy. Tối
ngày hết cử anh đi nước này lại đi qua nước khác mất hết cả thì giờ”.
“Lần này cử anh sang Canada, anh nghe tin mừng hết lớn”.
“Anh đang ở đâu vậy. Qua sao không điện thoại báo trước cho em biết tin”.
“Biết tin để …”.
“Để em đi đón”.
“Anh không muốn em đi đón mà muốn tạo sự bất ngờ và ngạc nhiên cho em.
“Anh đang ở khách sạn hay ở nhà bạn bè anh vậy”.
“Ở khách sạn. Nằm một mình trong căn phòng vắng vẻ, thật vắng vẻ, thấy nhớ em lại càng cảm thấy cô đơn lẻ loi tận cùng”.
“Có gì bất tiện đâu. Sao không đến nhà em ngủ qua đêm cũng được”.
Thuận lặng im không trả lời câu hỏi đó. Quay qua chuyện khác, Thuận nói:
“Em đang làm gì vậy”.
“Em đang nằm nghe nhạc. Nằm, tai nghe nhạc, mắt ngó qua cửa sổ nhìn
xuống phố. Căn gác là phòng riêng của em ngủ, phía dưới có một vườn cây,
chim thường bay đến vườn cây đó đáp xuống. Bây giờ, vườn cây chỉ là
bóng tối nên không còn nom thấy gì cả. Đang ở Cali miền đất ấm, sang xứ
tuyết anh có thấy lạnh không”.
“Cũng hơi lạnh”.
“Tháng sáu với những người sống ở đây, thời tiết như thế này chưa thể
nói là lạnh. Nếu anh sang những tháng cuối năm, anh sẽ thấy tuyết rơi
trắng xóa khắp mọi nơi. Tuyết đóng thành băng, lạnh thấu da buốt xương”.
Lan man hết chuyện nọ sang chuyện kia, nhìn đồng hồ, Thuận đã thấy mười một giờ. Trước khi chấm dứt, Thuận hỏi:
“Mai sáng, mình đi đâu đó ăn được chứ”.
“Dĩ nhiên là được. Anh ở khách sạn nào cho biết để em lái xe đến đón”.
Thuận nói tên khách sạn, đường phố và số phòng. Trong máy nghe tiếng
giấy sột soạt, hình như trong khoảng khắc ngắn ngủi im lặng đó, Phụng
Thiên đang hí hoáy viết.
“Được rồi. Ngày mai, đúng mười giờ em sẽ có mặt để đưa anh đi ăn sáng”.
“Chúc em có giấc ngủ ngon”.
“Em cũng chúc anh như vậy”.
Trở lại âm thanh o o như ve kêu trên đường dây, biết ở bên kia, Phụng
Thiên đã cúp máy, Thuận cũng gác ống nghe. Đêm trong căn phòng không một
tiếng động. Khi Thuận đưa tay tắt ngọn đèn ngủ, không gian chỉ còn là
bóng tối. Cửa kính, mắt nhìn lên bầu trời, bầu trời cũng một màu thẫm
đen. Chỉ có cái lạnh là dễ nhận ra, dù vùi thân thể dưới lớp mền dầy,
Thuận vẫn cảm thấy trong người thiếu hẳn độ nóng cần thiết để phù hợp
với không khí băng giá về đêm. Mệt mỏi với năm tiếng đồng hồ trên chuyến
bay đường dài, dù muốn hay không muốn, giấc ngủ đã đến với Thuận, như
trẻ thơ nằm trong nôi, thiếp đi trong tiếng ru của mẹ.
Ngày lại đến với ánh sáng ở bên ngoài và với tiếng người cười nói ở dẫy
hành lang khách sạn. Thức, Thuận nhìn đồng hồ đã thấy chín giờ. Một
tiếng nữa, Phụng Thiên sẽ có mặt ở đây để đưa Thuận đi ăn. Biết phải làm
những công việc gì trong thời gian một tiếng nữa, Thuận ra khỏi giường
nằm, đánh răng, rửa mặt, vệ sinh cá nhân, rồi mặc áo quần tươm tất,
xong, ngồi đợi. Đợi chẳng mấy lâu, với tiếng gõ cửa, Phụng Thiên đã
đến.
“Chào anh. Đêm qua anh ngủ được chứ”.
“Anh không những ngủ được mà còn ngủ say như chết. Em hôm nay nom đẹp hết sẩy”.
“Đừng nên quá lời khen em. Và nhớ giữ lời khen đó mãi mãi cho đến những ngày sau khi em đã là vợ của anh”.
Vòng tay cuốn lấy thân thể của Phụng Thiên, Thuận dùng sức ghì Phụng
Thiên vào sát người mình. Một cái hôn bất ngờ lên môi, Phụng Thiên đón
nhận cái hôn đó một cách vui vẻ và đồng thuận.
Khi gỡ vòng ôm của hai cánh tay Thuận ra, Phụng Thiên nói:
“Để em đưa anh đi ăn sáng. Giờ này đã thấy đói bụng rồi”.
“Điểm tâm ở đâu cũng được. Anh cho em toàn quyền lựa chọn”.
“Vậy mình đến phố Tầu, đường Spadina, ở đó có tiệm ăn tương đối ngon”.
Thuận không nói. Không nói có nghĩa đồng ý. Xe chạy trên xa lộ. Thời
tiết có lạnh ở bên ngoài. Mặt kính xe thấy hơi mờ. Qua vùng đất có rừng,
có nhà chọc trời, có cầu treo, có đất hoang, có biển, trước mặt đã thấy
hiện ra khu thành phố với gia cư và các cửa tiệm buôn bán. Ở đây,
những tòa “building” đứng xừng sững với chiều cao ngất ngưởng. Nhưng xe
bắt đầu vào con đường mang bảng tên Spadina, phố thuộc khu phố Tầu, phần
lớn là các tiệm ăn, tiệm buôn bán, thì nhà cửa xem ra lại quá thấp.
Không như những khu phố thường thấy ở Mỹ, phố thương mại của người Tầu
lại nhộn nhịp những người đi lại, vỉa hè choán lối khách bộ hành với
những quầy sạp bầy bán đủ mọi món hàng. Không kể những chiếc xe hơi xuôi
ngược trên đường phố, còn có xe điện chạy trên thiết lộ ngang qua.
Đã đến nơi, tìm chỗ để đậu xe rất khó, Phụng Thiên phải mất khá nhiều
thì giờ chạy đi chạy lại, cuối cùng mới có nơi trống để táp vào. Từ chỗ
đỗ, cả hai phải đi bộ ba “block” phố mới tới tiệm ăn mà Phụng Thiên khen
ngon. Vừa đi, Phụng Thiên vừa tả oán cái chuyện đô thị thiếu kế hoạch
xây cất những khu “parking” cho một vùng thương mại xầm uất đầy những xe
cộ như ở đây. Tả oán chỉ là để tả oán, còn việc thực hiện cũng chỉ là
việc ngoài thẩm quyền của mình. Nói rồi cười, đâu vẫn vào đấy.
Đã tới tiệm ăn và đã bước vào bên trong, Thuận và Phụng Thiên được một
người hầu bàn đưa tay mời đến một cái bàn ở phía góc. Bàn ở sát cửa sổ
nên mắt có thể nhìn ra hướng phố. Trong khi đợi thức ăn mang ra, Thuận
nói như khoe:
“Thiệp cưới anh đã cho in. Chừng nào in xong, anh sẽ gửi sang cho em để
em mời họ hàng và bạn bè. Đây đến cuối năm chỉ còn vài tháng, muốn có
nhà hàng cũng phải đặt trước, nếu không, cận ngày mà đặt cũng không còn
chỗ nào họ nhận. Việc nào cần lo trước bắt buộc phải lo trước. Việc nào
thấy để lo sau cũng được thì lo sau. Phần em, em xem thấy cần gì cứ cho
anh biết để anh tiếp tay”.
“Em chỉ cần quần áo cưới thôi. Việc đó ở bên này em có thể thực hiện
được. Khi nào tới ngày sang bên đó, em mang theo sang để mặc vào lúc
rước dâu và đêm tiệc ở nhà hàng là xong”.
“Mình quen nhau tính đến nay đã hơn ba năm. Chỉ vài tháng nữa đây, anh
và em chính thức là vợ chồng, vậy mà thời gian này anh lại nôn nóng sốt
ruột dữ dội. Biết là chuyện gì đến nó sẽ đến, nhưng chờ đợi và mong ước
vẫn là tâm lý chung của mọi người, khi muốn cái muốn đó đến ngay tức
thì”.
Thấy Phụng Thiên ngồi trầm ngâm không nói, Thuận lại tiếp:
“Sống ở Canada lâu đã quen, cuối năm cưới nhau rồi, em qua bên Mỹ, liệu có buồn khi nhớ bên này không”.
“Dĩ nhiên là phải nhớ và buồn đôi chút. Từ 75 cho đến nay, với khoảng
thời gian dài như thế, đất Canada có bao nhiêu kỷ niệm trong đời, em dễ
gì mau chóng quên được. Nhưng mai đây, sang Mỹ sống với anh, em sẽ có
niềm vui mới. Đấy là hạnh phúc gia đình. Đấy cũng là tình yêu thương bảo
bọc giữa anh và em. Như thế không đủ sung sướng hay sao’.
“Và lúc đó, mình đã có nhau, cái điện thoại chẳng cần dùng đến. Khi một
đứa con ra đời, chỉ mới nghĩ thế thôi, anh đã mừng hơn bất cứ cái mừng
nào khác”.
Trong khi vừa ăn vừa nói, câu chuyện giữa Phụng Thiên và Thuận đi hết xa lại gần.
Đã đến quầy tiền để thanh toán cho hai phần ăn, Thuận và Phụng Thiên
tay nắm tay nhau, trên vỉa hè phố lững thững bước. Người đi xuôi đi
ngược chen chân nhau như một ngày chợ Tết. Đủ mặt hàng được bày bán trên
quầy sạp đặt ở mặt tiền mỗi ngôi nhà. Trong khi đường phố đầy những xe
cộ qua lại. Xe điện hết chiếc này đến thì lại có chiếc khác rời trạm lăn
bánh bỏ đi. Sinh hoạt năng động ở một nơi thị tứ náo nhiệt không một
phút ngưng nghỉ.
Buổi gặp nào rồi cũng tới lúc chấm dứt. Đấy là khi cả hai trên xe chạy
về khách sạn, Phụng Thiên chia tay với Thuận. Ngày qua ngày, thêm một
lần đi chơi ngoạn cảnh thác Niagara, đã đến kỳ hạn Thuận trở về Cali.
Công tác do hãng giao phó cho Thuận, Thuận đã hoàn tất. Bây giờ, tối của
một ngày cuối tuần, Thuận ra phi trường bằng xe của Phụng Thiên đưa.
Đấy là cơ hội để Thuận và Phụng Thiên được ngồi bên nhau, trên đoạn
đường xe chạy, chuyện trò trước khi chia tay. Thời gian quá ngắn đối với
họ, quyến luyến bịn rịn, rồi cũng phải tới lúc, Thuận bước vào cổng dẫn
vào hành lang xuống phi cơ, trong khi Phụng Thiên một mình lủi thủi đi
về khu đậu xe, ngồi ở ghế, lái theo một con đường vòng nhập vào dòng xe
trên xa lộ.
Kể từ đó, Thuận và Phụng Thiên chỉ có những cú điện đàm để trao đổi câu
chuyện với nhau. Không gian ở hai nơi quá xa, nghe tiếng nói qua đường
dây điện thoại, có vui nhưng không thỏa mãn như những lần gặp gỡ, ngồi
bên nhau, tay cầm tay, mắt nhìn mắt, và những cái hôn gắn lên môi thật
đậm đà.
Không biết Thuận nghĩ như thế nào, còn Phụng Thiên, ngày và tuần rồi
tháng, vì mong sớm tới ngày đám cưới, Phụng Thiên đôi khi cảm thấy nôn
nóng và sốt ruột. Tháng sáu đã qua. Tháng bẩy rồi tháng tám, tháng chín,
tháng mười rồi cũng tận. Gần tới tháng mười một, tháng mà Phụng Thiên
mong đợi đã gần đến. Đó là lúc Phụng Thiên biết chẳng còn bao lâu nữa,
một đám cưới sẽ được cử hành ở tư gia và ở nhà hàng trong đêm tổ chức
bữa tiệc ra mắt họ hàng và quan khách quen biết. Nhưng mọi chuyện đã bất
ngờ thay đổi làm đảo lộn mọi dự tính như điều mong muốn. Một buổi tối
ngồi ở phòng khách, Phụng Thiên đang dõi mắt coi TV, chuông điện thoại
bỗng reo.
“Alo”.
“Alo”. Tiếng nói với một giọng nghe hơi lạ ở đầu dây bên kia. Dẫu vậy,
Phụng Thiên cũng đoán ra tiếng nói đó không ai khác là Thuận”.
“Ơ kìa. Bữa nay nghe anh nói sao khò khè yếu ớt thế. Anh bị cảm hả”.
“Không”.
“Không. Không cảm là được rồi. Nhưng nói lơn lớn một chút có được không. Ở bên này, em cố nghe mà nghe tiếng được tiếng không”.
“Anh”. Anh sẽ ...”.
Phụng Thiên bắt đầu cảm nhận thấy có việc gì bất ổn. Có bao giờ Thuận
lại ăn nói ấp a ấp úng như gà nuốt dây thung thế đâu. Nhưng Phụng Thiên
không thể đoán nổi cái bất ổn đó là cái gì.
“Đường dây ở nhà anh có vấn đề rồi. Em nghe tiếng ọt ẹt như làn sóng
ảnh hưởng bởi thời tiết xấu. Anh thử dùng “cell phone” thay cái điện
thoại “home” mắc dịch đó xem sao”.
“Thì cái “cell phone” anh đang xử dụng đây”.
“Có khá hơn. Bây giờ em nghe tương đối tốt rồi”.
“Phụng Thiên à. Nhiều đêm anh nằm vắt tay nghĩ tới nghĩ lui, anh đã
quyết định dứt khoát phải nói thẳng với em. Không còn con đường nào khác
để anh chọn lựa cả, nên anh rất buồn phải báo cho em biết tin này. Tin
..”..
Không thấy Thuận nói tiếp. Khoảng trống là sự im lặng khó hiểu. Phụng Thiên bắt buộc phải lên tiếng:
“Em đoán chắc là chuyện hôn nhân đang có gì trục chặc. Có thể là như thế đúng không”.
“Có thể là đúng như em nói. Nhưng không phải tại anh. Anh vẫn muốn lấy em nhưng lúc này, anh …”.
“Em nghe anh nói từ nẫy đến giờ không còn hiểu ra làm sao cả. Sao lại
cứ ấp úng ngập ngừng thay vì anh nói thẳng tuột ra cho em biết vẫn hơn.
Từ hôn có nghĩa là anh đổi ý không còn yêu em nữa, hủy bỏ đám cưới, nếu
quả thực anh muốn vậy sao không nói ra một lời mà cứ vòng vo như thế để
làm gì”.
Giọng nói của Thuận ở đầu dây bên kia nghe có vẻ bình tĩnh và cương quyết hơn, đấy là lúc Thuận đã đè nén được cơn xúc động:
“Phụng Thiên. Em biết anh yêu em như thế nào rồi. Điều đó chứng tỏ là
anh đã muốn lấy em làm vợ. Một quyết định cuối cùng và để chấm dứt những
năm tháng chúng mình yêu nhau. Xin em đừng buồn khi nghe anh nói ra sự
thực hiện tại. Và cũng xin em đừng thương hại anh để tiếp tục ban phát
cho anh tình yêu của em. Nhiều tuần lễ kể từ ngày anh bị tai nạn xe cộ,
anh đã không muốn cho em biết. Nhưng đêm nay, anh phải cho em biết anh
bây giờ đã là một người tàn tật với một bên chân bị gẫy, đi phải chống
nạng, anh nỡ lòng nào lấy em để em có một người chồng thân thể không
toàn vẹn. Vì thế, anh rất đau buồn phải nói, hãy tha lỗi cho anh, anh
xin đơn phương hủy bỏ đám cưới như dự định. Anh …”.
Thuận lại im lặng. Phụng Thiên nghẹn ngào:
“Anh hủy bỏ đám cưới, đấy là quyền quyết định của anh. Anh không muốn
cưới em, đấy cũng là quyền cá nhân của anh. Còn em, dẫu thế nào đi nữa,
em đã hứa hôn với anh, một lời hứa và một tình yêu, trước và nay vẫn vậy
và không có gì thay đổi cả. Nhưng nay anh đã chọn thái độ và con đường
anh đi, em chưa thuộc về anh nên nếu có muốn, muốn cũng không được. Đêm
với đường dây viễn liên này, em chỉ có một lời nói ngắn và gọn, em vẫn
yêu anh. Em vẫn …”.
Nghẹn cổ họng, nước mắt ứa ra, Phụng Thiên chỉ còn biết khóc. Thuận ở
đầu dây bên kia vẫn nói, nhưng Phụng Thiên không đủ can đảm và bình tĩnh
để tiếp tục nghe nữa. Đêm đó là một đêm Phụng Thiên nằm mà không ngủ
được.
Buổi sáng, vườn cây có tiếng chim hót. Ngồi với đôi mắt nhìn lên bầu
trời, tháng đã bước vào tháng mười hai, tháng ở Canada đã có tuyết.
Tuyết rơi tơi tả như cánh những con bướm, những đóa hoa lê, bị gió thổi
đi rồi rơi xuống đất. Nằm bất động ở đó, cánh những con bướm khép lại,
những đóa hoa lê cuộn mình, hóa thân thành lớp băng mầu trắng, mầu của
vải khăn sô.
Điện thoại cầm tay phát nhạc hiệu báo cho biết có người gọi tới. Phụng
Thiên bấm “on” rồi lên tiếng “alo”. Bên kia có giọng nói của Thuận. Chỉ
một câu “Anh đang ở Việt Nam. Cô đơn, lẻ loi và nhớ em vô cùng”. Nói rồi
tắt máy. Ở đâu đó nhạc phát ra từ cuộn băng đang chạy, lời của bài
Nghìn Trùng Xa Cách lọt vào tai Phụng Thiên. “Nghìn trùng xa cách. Người cuối chân trời”./.
NGUYỄN TRUNG DŨNG
|