văn hữu vườn tao ngộ

Nơi lưu trữ tác phẩm của PBTD và thân hữu. Liên lạc: phanbathuyduong@gmail.com

Saturday, November 10, 2012

Văn Quang * Nhà thơ Tô Kiều Ngân từ đời lính đến Tao Đàn


tokieungan



Lâu lắm rồi, tôi không gặp anh Tô Kiều Ngân, mặc dù chúng tôi cùng ở chung một thành phố Sài Gòn. Được tin anh từ trần vào ngày 20-10 vừa qua khiến tôi ngỡ ngàng. Sau khi xác nhận, tôi gọi điện thoại cho Huy Sơn ở Mỹ trước tiên vì Huy Sơn và Tô Kiều Ngân cùng tôi từng có thời gian dài cùng làm việc trong tòa soạn 3 tờ báo của Quân Đội là Bán nguyệt san Chiến Sĩ Cộng Hòa, Nguyệt san Phụng Sự và tuần báo Thông Tin Chiến Sĩ.
Sau này Huy Sơn được chuyển sang Bộ Tư Lệnh Không Quân làm tờ báo Lý Tưởng với Hoàng Song Liêm. Huy Sơn, sau khi ở tù cải tạo ra, đi Mỹ theo diện HO.

Tô Kiều Ngân và tôi không đi theo diện HO, mỗi người có một lý do riêng. Tô Kiều Ngân ở lại, có gia đình vợ con, có nhà cửa đàng hoàng. Còn tôi lông bông ở trọ, ở chui hết trong chợ Bàn Cờ đến Trương Minh Giảng rồi đến chợ An Đông, cuối cùng về cái chung cư Nguyễn Thiện Thuật và là “dân ABC đi ở thuê” với bốn năm cái “không”. Vợ con đi tuốt hết nên trở thành độc thân thứ thiệt, không đồng xu dính túi, không bạn bè, không nghề ngỗng gì mặc dù qua 12 năm, 2 tháng 26 ngày ở “trại cải tạo”, tôi trồng rau muống rất giỏi. Khối đội phải nhờ tôi đến gieo hạt rau muống cho khu ruộng mới. Tôi gieo hạt đều lắm và… có tay nên ruộng nào cũng tốt. Thế mà về Sài Gòn thất nghiệp nặng. Tôi cứ nhìn mấy cài hè phố mới được đào xới lên để lát gạch mới, và ước ao rằng chỗ đó cho tôi trồng rau muống thì thành phố không thiếu rau. Cái ước mơ thật ngu xuẩn, vậy mà khi còn ở trong cái gọi là “trại cải tạo”, đôi khi tôi lại cho điều đó có thể thành sự thật! Bởi 12 năm, người ta dạy chúng tôi được có thế thôi và thành phố vào những năm đó toàn dép lốp, nón cối làm chuẩn thì việc trồng rau ở hè phố gọi là “tăng gia sản xuất” cũng có thể được lắm chứ. Hè phố là một sự “lãng phí của bọn tư sản”. Ý nghĩ chưa hẳn là hoàn toàn ngu xuẩn.


Tôi không rõ anh Tô Kiều Ngân được tha về năm nào và cũng không biết anh ở đâu. Cái ngõ Phan Văn Trị, nơi anh ở trước kia, tôi có đến một hai lần, nhưng không chắc anh còn ở đó không. Sau này tôi mới biết tin anh ở mạn Bình Thạnh và rất ít khi lên trung tâm thành phố gặp bạn  bè. Anh có những nơi vui chơi riêng ở miền “ngoại ô”. Cho đến khi vợ chồng anh Trần Thiện Hiệp tổ chức kỷ niệm lễ thành hôn vàng bạc 40 hay 50 năm gì đó, khoảng năm 2007-2008 tôi mới gặp lại Tô Kiều Ngân. Anh có vẻ khỏe mạnh hơn lần cuối chúng tôi gặp nhau trong “trại cải tạo” ở Sơn La, vào khoảng năm 1977-78.

Mừng cho người chết trong nhà tù “cải tạo”

Anh Tô Kiều Ngân không ở cùng trại tù với tôi, anh đi “lao động” bị ngã gãy tay, phải đưa về trạm xá gần trại giam tôi ở từ năm 1976 khi được đưa ra Sơn La “học tập”. Dịp đó, nhạc sĩ Thục Vũ, tên thật là Vũ Văn Sâm, ở cùng đội trồng rau với tôi, anh bị đau gan đến vàng mắt. Ban đầu còn được ở lại trại, không phải đi lao động. Tôi có nhiệm vụ “thó” một ít rau sống, cung cấp cho anh hàng ngày. Nhưng khi bệnh tình quá nặng, Thục Vũ được đưa sang bệnh xá. Nói là bệnh xá, chứ ở đây cũng chẳng có thuốc men gì chữa chạy cho bệnh nhân. Thậm chí mỗi lần lên khám bệnh xong, anh y tá bôi cho tí dầu cù là vào tay rồi bảo về uống đi hoặc nằm ngửa cổ ra để “cán bộ y tế” nhỏ cho vài giọt nước củ tỏi vào mũi. Thế là xong. Bệnh nhân nặng chỉ còn việc nằm chờ chết. Thục Vũ cũng ở trong trường hợp ấy.

Một buổi sáng sớm, tôi đang lúi húi trồng luống xu hào, bỗng thấy bên mình có cái gì kêu phần phật. Từ từ ngước lên, tôi thấy một mảnh quần trây-di rách bị gió thổi bay lắc lư làm nên tiếng động nghe cũng… vui tai. Tôi nhận ra ông Phan Lạc Phúc, khoác chiếc áo trây di cũng tả tơi “đồng bộ” với cái quần rách. Nước mắt ông Phúc chảy rất chậm trên mặt, ông nghẹn ngào cất tiếng:
- Thằng Sâm chết ở bệnh xá đêm qua rồi.
Tôi lặng người, bởi mới hôm qua, tôi lẻn sang bệnh xá thăm, Thục Vũ đưa cho tôi hai gói thuốc lào nhỏ, anh nói: “Tôi mệt không hút thuốc được nữa”. Ngồi nói chuyện vài phút, anh Tô Kiều Ngân ở trạm xá này cũng đến ngồi chơi. Tôi thấy Thục Vũ vẫn còn khỏe, vậy mà đêm qua đã ra đi.
Sau đó, anh Tô Kiều Ngân nói với tôi lời an ủi đúng nhất, ngắn nhất và cũng bi thảm nhất: “Mừng cho nó, từ nay nó không còn biết đói rét và không ai hành hạ được nó nữa”.

Đám tang Thục Vũ, hình ảnh bi thảm nhất trong cuộc đời chúng tôi

Nhưng vào buổi chiều năm 1977, khi đồi núi Sơn La bắt đầu chạng vạng, chúng tôi đang làm những công việc cuối cùng ở vườn rau thì bất chợt nhìn sang lối ra từ bệnh xá một khung cảnh hết sức đau lòng. Trên con đường đá cũ nhỏ, vòng theo sườn núi cao vút chập chùng, cách vườn rau là cái ao, đám tang bắt đầu di chuyển chậm chạp. Hai anh cai tù vác súng AK đi đầu, theo sau là một anh tù cầm vài nén nhang, đến 4 anh tù khiêng cỗ quan tài mộc, sau cùng lại là 2 anh cai tù vác súng AK. Suốt con đường dài âm u đó, chỉ có đám người ấy lặng lẽ chuyển động như những bóng ma.

Ở vùng đồi núi bóng tối đổ xuống rất nhanh, mang theo sương mù mỏng dăng ngang triền dốc dựng đứng như những bức tường đá của nhà giam thiên nhiên, chẳng cách nào thoát ra được. Chúng tôi biết chắc đó là đám ma Vũ Văn Sâm tức nhạc sĩ Thục Vũ. Tất cả hơn ba chục tù nhân trong đội rau đứng ngẩn ra, dán mắt nhìn theo cái đám ma thê thảm ấy. Ông Phan Lạc Phúc, đến bên tôi, không nói lời nào, quay mặt đi giấu nước mắt. Nhìn sang phía bên trạm xá, Tô Kiều Ngân và mấy anh bác sĩ trẻ cũng là tù, đứng sau hàng rào kẽm gai cũng ngơ ngẩn. Ngân vẫy tay cho tôi và anh Phan Lạc Phúc chẳng biết để làm gì. Là một sự cảm thông tận cùng hay nói lời từ biệt.

Mấy tay coi tù cũng đứng lặng, nhìn chúng tôi và họ hiểu rằng lúc đó dù bắt chúng tôi thu dụng cụ về trại cũng chẳng ai chịu về, dù có bị bắn tại chỗ. Tất cả đứng như tượng gỗ dõi theo đám tang đi trong buổi hoàng hôn lạnh ngắt, dần khuất vào cuối con đường cong phía chân núi. Sương mù bắt đầu tỏa xuống. Ai đó bỗng cất lên tiếng hát “Sơn La âm u núi khuất trong sương mù. Đoàn thù tha hương cất bước lê trên đường…”. Một bài hát xưa cũ của những nhà cách mạng thương tiếc những chiến sĩ bị giặc bắt cầm tù ở Sơn La. Sao lúc này nó hợp với chúng tôi thế.

Hình ảnh cái đám ma Thục Vũ còn in đậm trong tâm khảm chúng tôi cho đến bây giờ. Tôi chắc anh Tô Kiều Ngân, đến cuối đời cũng chưa quên được hình ảnh này. Nó trở thành những kỷ niệm rất riêng nhưng cũng lại rất chung của những ai đã từng sống dở chết dở qua những cái được gọi là “trại cải tạo”.

Tô Kiều Ngân và cuộc đời binh nghiệp

Có lẽ nhiều thính giả và độc giả biết đến anh Tô Kiều Ngân qua “Tiếng sáo Tao đàn” hơn là biết đến “đời lính” của anh. Tôi thì khác, tôi biết anh từ khi cùng làm chung trong mấy tờ báo của quân đội.

Trở lại chuyện xưa, khi tôi mới được lệnh về Nha Chiến Tranh Tâm Lý lúc đó còn trực thuộc Bộ Quốc Phòng, (sau này mới đổi tên thành Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị trực thuộc Bộ Tổng Tham Mưu), từ năm 1957, khi tôi bắt đầu về làm Trưởng Ban Báo Chí (hồi đó chưa được gọi là Phòng), tôi phụ trách điều hành chung. Hồi đó anh Tô Kiều Ngân phụ trách tờ báo có tên là “Quân Đội”, sau này cụ Ngô Đình Nhu yêu cầu đổi tên, nên chúng tôi đề nghị và được chấp thuận đổi tên thành báo “Chiến Sĩ Cộng Hòa”, ra nửa tháng một kỳ. Báo dành chung cho mọi quân nhân. Tờ nguyệt san Phụng Sự, dành cho sĩ quan do anh Huy Sơn phụ trách. Tòa soạn vỏn vẹn chỉ có chừng 10 người, bởi việc in ấn đã do nhà thầu đảm nhiệm hàng năm. Chúng tôi chịu trách nhiệm biên tập phần nội dung. Ngoài 3 người chúng tôi còn các anh Viêm Hồng, Lý Quảng, Phy Phy… Sau này, khi Cục Tâm Lý Chiến về đường Hồng Thập Tự mới có thêm Huy Vân, Tường Linh, Vũ Công Uẩn. Rồi còn có cả anh Đỗ Tốn, tác giả “Hoa Vông Vang” trong nhóm Tự Lực Văn Đoàn, cũng về làm việc tại Ban Báo Chí. Nhưng ông “công tử con quan” đó chỉ đến cho có mặt rồi lại phóng xe đi. Anh lớn tuổi và cũng là nhà văn thuộc hệ đàn anh, vả lại anh về đó chẳng còn bao lâu đến ngày giải ngũ. Sau nữa có thêm Thanh Nam tái ngũ về làm báo CSCH cùng chúng tôi.

Khi mới bước chân vào “nghề làm báo” tôi chỉ là anh viết lách, chưa hề quen với nghề nghiệp này. Công việc mới tuy có thích hợp với khả năng và mong đợi của tôi, nhưng thật ra nghề làm báo chẳng giống nghề viết lách tí nào. Nghề đọc văn người khác, chọn bài và sửa bài không dễ dàng.

Bạn có biết bài học đầu tiên trong nghề làm báo của tôi là gì không? Đó là nghề sửa morrasse, tức là làm “thầy cò”. Những năm ấy, tất cả báo chí VN còn in typo, sắp chữ bằng tay rồi làm bản kẽm, hình ảnh làm clicher cho vào khuôn. Báo Quân Đội không phải kiểm duyệt nên không bị “đục bỏ”. Tuy nhiên làm thầy cò cũng không dễ. Phải biết các ký hiệu thay thế chữ nghĩa. Ngoài ra còn phải biết “dàn trang”, biết trình bày từng bài dài ngắn sao cho đúng khuôn khổ tờ báo... Đó là chút xíu về “kỹ thuật” mà tôi phải học qua các anh Tô Kiều Ngân và Huy Sơn. Tôi và hai anh ấy cùng sửa morrasse, nhưng đến dernière morrasse cho nhà in chạy máy thì tôi phải ký.

Tô Kiều Ngân rời khỏi báo Quân Đội

Cuộc đời binh nghiệp của Tô Kiều Ngân khởi thủy từ khi làm tờ báo Tiếng Kèn của Địa Phương Quân ngoài Huế. Năm 1953, anh được đồng hóa vào quân đội và đưa gia đình từ Huế vào Saigon.
Chúng tôi cùng làm chung trong Ban Báo Chí từ năm 1957, lúc đó anh mang cấp chuẩn úy. Cho đến khi dọn về Hồng Thập Tự, gần cầu Thị Nghè. Một năm sau, tôi được lệnh đi Quân Khu 3 thành lập Đại Đội Văn Nghệ cho quân khu này dưới quyền tướng Đỗ Cao Trí. Đại đội này có cả sự đóng góp rất quan trọng của nhạc sĩ Anh Bằng.

Khi Đại đội thành lập xong, đi trình diễn được ở các tỉnh thuộc quân khu, tôi trở lại Nha CTTL. Lúc đó Phòng Tài Liệu do anh Vũ Quang Ninh làm trưởng phòng đang thu thập tài liệu để làm cuốn “Trăm hoa đua nở” về vụ án “Nhân văn giai phẩm tại miền Bắc”. Tôi lại được lệnh về đây phụ giúp anh Ninh thu thập và phân tích những tài liệu này.

Bỗng một buổi sáng, vào khoảng năm 1960, tôi được lệnh trở lại Ban Báo Chí ngay. Khi trở lại tòa soạn tôi mới biết anh Tô Kiều Ngân vừa được thuyên chuyển đi đơn vị khác, cũng trong ngành Chiến tranh chính trị (CTCT). Quả thật tôi không hề biết vì lý do nào. Có thể vì nhu cầu công vụ và cũng có thể vì những lý do khác. Tôi cũng không thể tìm hiểu rõ hơn.
Anh đến tuổi được giải ngũ năm 1974 khi mang cấp Thiếu Tá phục vụ tại Phòng CTCT Trường Võ Bị Đà Lạt.

Lúc đó, để đáp ứng quân số tăng, quân đội có hơn một triệu quân nhân, tờ báo Chiến Sĩ Cộng Hòa phát hành 200.000 số một kỳ, tính ra mỗi tiểu đội được 1 tờ.
Sau đó vì nhu cầu tin tức chiến trường ngày một cao, chúng tôi phải làm thêm tờ Thông Tin Chiến Sĩ, ra khổ lớn hơn, tuần 1 kỳ gồm 8 trang.

Đến “cuộc chơi” ở Ban Tao Đàn

Khoảng thời gian tôi và anh Tô Kiều Ngân làm việc với nhau chừng hơn 3 năm và cũng có khá nhiều kỷ niệm của thời trai trẻ.

Tô Kiều Ngân rất tài hoa và cũng đào hoa, nhưng anh rất it khi đi ăn chơi cùng chúng tôi. Anh hơn tôi đến 6 tuổi và đã có gia đình nên chơi khác với cánh còn “xê li bạt” … Tôi nhớ hồi đó Huy Sơn, Nguyễn Ái Lữ và tôi, còn rách như cái mền, nhưng thứ bảy chủ nhật lại ngứa chân muốn đi nhảy. Ông Nguyễn Ái Lữ hiền như bụt, vài lần rủ Tô Kiều Ngân, anh cũng không chịu đi. Anh dành thì giờ cho ban Tao Đàn.

Đó là khoảng thời gian từ 1957- 1960, anh Tô Kiều Ngân là một trong những nhân vật chủ chốt của Ban Tao Đàn ở Đài Phát Thanh Sài Gòn. Với hơn 20 năm trong cuộc đời quân ngũ (1953-1974) thì Tao Đàn đối với anh chỉ là một cuộc chơi. Nhưng cuộc chơi ấy lại để lại dấu ấn đậm nét nhất, đáng giá nhất trong cuộc đời anh và thi ca VN.

Theo anh Phan Lạc Phúc thì sự khai sinh và công việc của Ban Tao Đàn rất đa dạng. Xin trích lược bài nhận định của anh Phan Lạc Phúc tức ký giả Lô Răng:

Những nhân vật then chốt của Ban Tao Đàn

“Người khai sinh và điều khiển chương trình Tao Đàn, như cả nước đều biết, là thi sĩ Đinh Hùng. Chương trình Tao Đàn có thể chia ra làm 3 bộ phận. Bộ phận quan trọng nhất là ban biên tập và diễn đọc gồm Đinh Hùng, Thanh Nam, Thái Thủy; vài năm sau có Huy Quang Vũ Đức Vinh từ Nha Trang vào cộng tác. Bộ phận thứ 2 là ban ca ngâm gồm những tài tử nam, nữ trình diễn thường xuyên hay tùy hứng. Người “đa năng” nhất trong ban Tao Đàn là Tô Kiều Ngân. Anh vừa là tài tử diễn ngâm, vừa biên tập, vừa trong ban nhạc. Tiếng sáo Tô Kiều Ngân réo rắt thường được coi là “indicatif” của Tao Đàn, hợp cùng tiếng đàn thập lục trầm bổng của Bửu Lộc, tiếng piano trầm ấm trước của Ngọc Bích, sau của Phạm Đình Chương. Về giọng ngâm nam ngoài họ Tô, còn có Hoàng Thư; một thời giọng ngâm Thanh Hùng cũng có góp tiếng trên đài. Tô Kiều Ngân tuy giọng không khỏe nhưng anh là người ngâm “khéo” nhất, ngâm giọng Bắc, giọng Trung đều nhuyễn. Hoàng Thư có chất giọng say sưa, mạnh mẽ được đời nhớ mãi trong Bài ca Ngư phủ của Vũ Hoàng Chương. Thanh Hùng với giọng thổ pha kim, xuất sắc trong những tác phẩm bi hùng. Có những giọng ngâm không có mặt lâu năm trên đài nhưng vẫn được đời ghi nhớ như Quách Đàm trong những bài lục bát hay Thiếu Lang trong Hồ Trường của Nguyễn Bá Trác. 
Về giọng ngâm nữ lúc khởi đầu phải nhắc tới cái ngọt ngào của Giáng Hương nhưng các tay sành điệu đều không thể nào quên giọng ngâm đổ hột đặc sắc của bà Đàm Mộng Hoàn, một danh tiếng vang lừng tại Khâm Thiên tiền chiến trong Tỳ bà Hành. Giọng ngâm nữ nhiều năm làm thổn thức trái tim thính giả là Hồ Điệp trong những bài thơ nức nở TTKH. Về sau có một giọng nữ như sương như khói làm khởi sắc những vần ca dao dân tộc và những bài ca huyền sử. Đó là giọng ngâm Hoàng Oanh”. (ngưng trích).

Tiếng sáo của những cảm xúc

Thật ra Tô Kiều Ngân hoạt động trong nhiều lãnh vực, làm báo, viết văn (tác phẩm đầu tay của anh là tập truyện ngắn “Người đi qua lô cốt”), làm thơ, ngâm thơ, bài sáo anh thổi ở Tao Đàn do chính anh sáng tác và đã xuất bản. Nhưng nổi tiếng nhất vẫn là tiếng sáo Tao Đàn. Bây giờ người ta nhớ đến tài năng tuyệt vời của anh vì tiếng sáo đó và giọng ngâm thơ mang âm điệu Huế hơn tất cả những thứ khác. Nếu so sánh với tiếng sáo của Nguyễn Đình Nghĩa, theo nhận xét của tôi, mỗi người có một cái hay riêng. Tiếng sáo của Tô Kiều Ngân cất lên theo cảm xúc từ bài thơ của tác giả và phong cách của người ngâm thơ nên bay bổng và dễ làm rung động lòng người hơn. Tiếng sáo của Nguyễn Đình Nghĩa hay về bài bản. Nếu anh thổi một bài như Thiên Thai, rất điêu luyện. Nhưng nhiều thính giả vẫn nhớ họ Tô hơn.

Từ biệt Tô Kiều Ngân, người cuối cùng của Tao Đàn ra đi

Nhận được tin Tô Kiều Ngân mất, sau khi điện thoại cho Huy Sơn và Hoàng Song Liêm, tôi gọi cho Hàm Anh (còn có bút danh là Sài Gòn Cô Nương), bởi Hàm Anh là con gái nhà phê bình Thượng sĩ, trước đây ở cùng xóm Phan Văn Trị với gia đình anh Tô Kiều Ngân. Chúng tôi mang vòng hoa tới căn nhà khá đẹp của gia đình anh ở trong một xóm nhỏ thuộc quân Bình Thạnh.

Người đón tiếp chúng tôi rất vồn vã chính là bà quả phụ Tô Kiều Ngân. Nhưng tôi đã đọc cái cáo phó của gia đình trên một tờ báo nước ngoài. Nếu chú ý, bạn sẽ thấy một sự… hơi lạ. Đó là có tới hai bà cùng ký tên chung là vợ. Một bà là Phạm Thị Thìn, một bà là Lê Thị Kim Hoa. Một sự “chính danh” ít thấy trên bản cáo phó nào. Tôi phải ghi lại sự kiện này cho đúng, xin chia buồn đến cả 2 gia đình.

Tôi phải lựa lời khơi gợi lại chuyện cũ xem có đúng bà này là “đệ nhất phu nhân” thời xưa tôi đă gặp không. May quá, đệ nhất phu nhân Tô Kiều Ngân nhận ra tôi ngay. Chị ân cần nắm tay tôi thân thiết. Các con trai, con gái anh, cả dòng trước dòng sau, cũng thân mật như vậy. Con gái lớn của anh (là vợ của nhà thơ Nguyễn Tôn Nhan, mất cách đây 2 năm) cũng tới thăm hỏi. Tôi có cảm tưởng như gia đình anh và tôi chưa xa nhau bao giờ.

Tôi và cháu Hàm Anh cùng vào trước linh cữu anh, từ biệt người bạn cũ. Anh ra đi là người cuối cùng cộng tác thường xuyên, là trụ cột của ban Tao Đàn. Nhà văn Tạ Quang Khôi tính nhẩm rằng:
- Thi sĩ Đinh Hùng, trưởng ban Tao Đàn của đài phát thanh Saigon, mất năm 1969 vì ung thư bao tử. Hoàng Thư, một giọng ngâm nam rất truyền cảm, mất cách đây khoảng 20 năm ở Saigon. Hồ Điệp mất tích trên đường vượt biên. Thanh Nam qua đời năm 1985 ở Seattle (tiểu bang Washington) vì ung thư cuống họng. Huy Quang Vũ Đức Vinh mất cuối năm 2005 vì bị tai biến mạch máu não trong khi bác sĩ đang giải phẫu để làm by pass (ở Seattle). Thái Thủy ra đi vì ung thư phổi ở Nam Cali cách đây gần 3 năm.

Từ biệt Tô Kiều Ngân, từ biệt nhóm Tao Đàn nhưng tiếng sáo, giọng ngâm của Tao Đàn còn lại mãi trong đời sống thi ca Việt Nam và trong lòng người Việt yêu thơ khắp nơi.

Văn Quang

Friday, November 9, 2012

Phương Triều * Cõi Mộng



Gọi đủ mặt cho những đêm kỳ ngộ
Ta thông đồng ăn ở với chiêm bao
Bè bạn cũ từ trăm miền quá cố
Góp vui buồn trong giấc mộng xôn xao !

Thằng khóc, thằng cười, thằng ngạo nghễ
Đứa hờn, đứa giận, đứa tào lao...
Ông thầy xưa vội về theo lớp
Ngồi điểm danh coi thiếu đứa nào !

Dễ mua được phút còn sum họp
Cười cợt theo hồn mộng với nhau !
Ô hay ! Hao hụt sao nhiều quá !
Kẻ sống còn thương kẻ chết nào ?

Xưa học hành thênh thang sách vở
Chân trời đâu thấy nỗi thương đau
Bè bạn đãi nhau thừa nghĩa khí
Công hầu mặc kệ đời bán rao !

Cứ tưởng đời qua như cõi mộng
Dè dâu mộng tưởng cứ hư hao !
Đời không chỉ rặt mùa hoa trái
Mà bão giông làm tổn thất đau !

Ta sống còn, bên con mắt đỏ
Thức niềm thương tiếc, ngủ chiêm bao !
Ích gì mong được thân già khú
Mời mọc hư danh, đãi tự hào !...

Phương Triều

LAN ĐÀM * VỌNG CỐ NHÂN



Từ ta lên núi tìm quên lãng,
Chiều vẫn hoàng hôn vọng cố nhân.
Vách đá cổ tùng sương chĩu nặng,
Thơ buồn, lều cỏ nến phân vân.

Rừng thu phong nhuốm mầu quan tái,
Suối vắng mây trôi lạc nửa đời.
Lối mục cỏ lan bờ hoa dại,
Ngại ngùng bước sợ nát vàng rơi.

Chiếu chăn tưởng ngát hương ngọc nữ,
Đắng giọt rượu khuya, đêm ngẩn ngơ.
Chênh chếch song thưa vầng trăng cũ,
Gọi đàn, lạnh tiếng vạc bơ vơ.

LAN ĐÀM

Thursday, November 8, 2012

Phan Lạc Tiếp * Cái áo của thầy tôi




Mẹ tôi mất năm tôi mới trên 10 tuổi. Từ đó lúc nào tôi cũng quanh quẩn bên cạnh thầy tôi. Buổi sáng tôi xách nước cho thầy tôi tưới những luống rau ở mảnh vườn trước nhà. Buổi tối khi thầy tôi tụng kinh, tôi nằm bên cạnh. Giọng đọc kinh của thầy tôi đều hòa êm ả như những lời ru, khiến tôi ngủ vùi hồi nào tôi không biết, cho đến khi được gọi dậy để lên giường đi ngủ, toàn thân tôi đã được đáp kín bằng chính cái áo dạ của thầy tôi. Cái áo dạ dài ấm lắm. Mấy năm sau đó tôi lớn hơn, cái áo dạ đã không phủ kín toàn thân tôi nữa, và tôi biết rằng anh em tôi mồ côi mẹ thật là bơ vơ. Có người khuyên thầy tôi nên tục huyền, thầy tôi chỉ lặng lẽ cười không nói, và vẫn sống trong cảnh gà trống nuôi con.

Những ngày sắp tết, thầy tôi thường sai tôi dọn dẹp bàn thờ gia tiên, thay cát trong bát hương, rồi theo thầy tôi đi tảo mộ. Thầy tôi vác cái cuốc, còn tôi, tôi đem theo một bó hương to. Hai cha con tôi đi từ rất sớm, khắp cánh đồng làng. Bao giò thầy tôi cũng đến thăm mộ của cụ tổ họ trước tiên, rồi mới đến các ngôi mộ khác. Tại mỗi ngôi mộ, thầy tôi rẫy cỏ, đắp đất, lau các mộ bia, thắp hương và đứng khấn rất nhỏ. Thầy tôi nói cho tôi biết đây là mộ của ai, mất ngày nào. Người quá cố đã sinh ra những ai, con cháu hiện là những người nào, liên hệ với gia đình tôi ra sao. Thầy tôi không bao giờ quên nhắc lại những việc tốt lành mà người quá cố đã làm cho gia-đình, con cháu, làng nước.

Thầy tôi thường nói: "Nhờ phúc ấm của các cụ nên giòng họ nhà ta mới được như ngày hôm nay. Các con phải cố noi theo gương của các cụ mà làm nhưng điều lành …"

Tại ngôi mộ của mẹ tôi, vì chưa được xây cất như các ngôi mộ của các cụ, nên thầy tôi thường cuốc đất xung quanh, đắp cho cao ráo, vuông vắn, rẫy một khoảng cỏ trên chóp mộ và cắm vào đó ba nén hương. Thầy tôi đứng khấn rất lâu, rồi lặng lẽ bước quanh ngôi mộ. Thầy tôi nói: "Con vào lễ mẹ đi, xin mẹ phù hộ cho các con được sức khỏe dồi dào, học hành tấn tới. Con cũng đừng quên mời mẹ về ăn tết với cả nhà".

Trên đường đi, thầy tôi cũng hay dừng lại đắp đất vào những hố chân trâu trên các ngôi mộ hoang, thắp hương lên đó nữa. Thầy tôi bảo các ngôi mộ này thày tôi biết là của ai, nhưng nay con cháu đi làm ăn xa, phiêu tán nơi nào, lâu quá không thấy về. Cả những ngôi mộ nằm bên vệ đường, nơi an nghỉ của những kẻ bần cùng, bơ vơ lạc bước, thầy tôi cũng dừng lại. Ông sai tôi đốt hết các nén hương còn lại, đem cắm lên các mộ đất. Lúc ấy thường trời chiều đã muộn, gió đã lạnh.

Nhìn những đốm hương từng đợt lóe lên, tôi có cảm tưởng như những oan hồn, uổng tử đang lởn vởn quanh đây và tôi sợ. Tôi sợ và tôi thương cho số kiếp mong manh của con người.

Khi cái áo dạ của thầy tôi, tôi đã mặc gần vừa, tôi đã lớn, cũng là lúc cuộc chiến tranh tàn khốc từ đâu đó đổ về, lan cả đến thôn xóm của làng tôi. Thầy tôi bị Tây bắt. Khi được thả về ông gầy còm, ốm yếu lắm. Chưa được mấy hôm, một đêm có những người từ trên núi xuống, bắt thầy tôi đi, nói rằng sẽ đưa thầy tôi qua vùng giải phóng.

Lúc chia tay, tôi vội đưa cái áo dạ cho thầy tôi, nước mắt tôi chan hòa. Thầy tôi ngoảnh lại nói: "Lớn rồi, can đảm lên con". Khi họ thả thầy tôi về, vẫn mặc tấm áo dạ cũ, nay đã có nhiều chỗ mòn, rách thầy tôi run rẩy không còn đứng vững được nữa. Tôi biết thầy tôi sẽ chẳng còn sống được bao lâu nữa. Tôi bỏ học để ở nhà bên cạnh thầy tôi. Lúc sắp mất thầy tôi nói với anh em tôi rằng: "Thầy không ân hận gì. Các con hãy để cho thầy nằm bên mộ của mẹ con, đắp chung thành một ngôi mộ cho to, cho dễ nhận. Vì các con sẽ đi xa lắm, còn lâu mới về". Tấm áo dạ sờn, rách cuốn tròn thi hài héo úa của thầy tôi. Lúc bấy giờ là một giờ đêm ngày hai mươi mốt tháng chạp ta, chỉ còn mấy ngày nữa là tết.

Từ đó đến nay thấm thoát đã bốn mươi năm. Theo vận nước nổi trôi, tôi đã bỏ miền Bắc vào Nam, mỗi khi sắp tết, tôi lại nhớ lại hết. Tôi nhớ như in lời thầy tôi trăn trối, tôi nhớ cả hơi ấm trong tấm áo dạ của thầy tôi. Trên trần thế, thầy mẹ tôi sống với nhau không quá hai mươi lăm năm. Nhưng kể từ khi thầy tôi mất tới nay, thầy mẹ tôi đã nằm cạnh nhau trong lòng đất, đã bốn mươi năn. Bốn mươi năm với lời trăn trối, chờ đợi các con về. Bốn mươi năm đó gió mưa nào đã đổ trên cánh đồng kia, những tang thương nào đã tràn tới quê hương ấy.

Suốt cả thời gian dài rộng đó, mặc dù vô cùng mong muốn, tôi chưa trở lại thăm mộ thầy mẹ tôi được một lần. Nay sống xa quê nhà cả nửa vòng trái đất, cách cả một đại dương, nỗi mong mỏi của tôi càng trở nên mạnh mẽ. Tôi rất muốn trở về. Thể nào tôi cũng về. Tôi tin rằng đất nước sẽ có những đổi thay, lúc ấy tôi sẽ về. Tôi sẽ về để anh em đoàn tụ, để họ hàng, làng xóm lại đùm bọc, thương mến nhau như xưa. Lúc ấy tôi sẽ về. Tôi sẽ đi lại trên những con đường cũ, thăm các cánh đồng xưa. Tôi sẽ thăm mộ thầy mẹ tôi. Tôi sẽ thắp những nén hương, cắm trên đầu mộ và tôi sẽ nói: "Thưa thầy mẹ, con đã về. Chúng con đã về". Và chắc rằng tôi không thể nào không khóc. Tôi sẽ khóc như những ngày xưa thơ dại.

Phan Lạc Tiếp

trần thiện hiệp* buồn hơn trăng


tranthienhiep

từ đỉnh núi
nhìn xuống chân rừng tuyết vỡ
dòng sông êm tỏa nhánh
bình yên
như có cõi địa đàng xanh bích ngọc
nắng lung linh trên hoa lá hồi sinh
ta thèm muốn
hồi sinh như thảo mộc
sau những mùa đông băng giá ngập hồn
những năm dài héo úa hoàng hôn
đem sám hối
nghiệp-đời-cung-kiếm-gãy
máu về tim theo từng nhịp thở
đưa ta về nguồn tìm lại chân thân
cung trần ca nghẹn lời lạc nhịp
rượu cạn rồi đáy cốc trắng hư không
xuống lũng thấp
ngẩng nhìn lên núi tím
mây trôi êm vô nhiễm vô phiền
theo tia nắng cõi lòng chuyển hóa
giữa trùng trùng ngờ vực với chân nguyên
ta đã trót tìm trầm ngậm ngải
sao em theo cho mỏi gót phiêu bồng
để tuổi mộng cùng bụi hồng biển gió
buồn hơn trăng
soi bóng nước qua cầu







TTH

Tuệ Chương/Hoàng Long Hải * Thiệt thà là cha dại




Thiệt thà là cha dại
(tục ngữ)




Đứng bên quan tài của Vương Tấn sắp hạ huyệt, anh bạn tù Trần Phú Trắc nói nhỏ với tôi, vẻ tội nghiệp:
- “Cái số thằng nầy khổ thiệt! Nó thiệt thà quá!”

Tôi cũng đang thương tình cho anh bạn tù nằm trong quan tài, nhưng nghe Trắc nói, tôi không khỏi cười thầm vì sự ngộ nghỉnh trong nhân sinh quan của người Việt. Nói số phần chỉ là cách an ủi. Ông trời bắt vậy thì phải vậy. “Bắt phong trần phải phong trần…” Số phận là do trời, đó là quan điểm của đạo Nho, nhưng tại sao Trắc lại nói “Nó thiệt thà quá!” Vì nó thiệt thà nên nó khổ. Vậy nó khổ là vì nó thiệt thà. Vậy thì còn số phận gì nữa, trách trời gì nữa. Nó tự tạo cho nó cái số khổ, đâu phải tại trời. Cũng theo cách nghĩ đó, theo nhà Phật, nó tự tạo cho nó cái nghiệp. Quả của cái nghiệp đó là sự khổ. Nhân cái nghiệp là thiệt thà. Vì thiệt thà nên khổ.

Nếu quan niệm như vậy thì triết lý đạo Phật cũng… trật lất. Làm ác thì mới chịu cái khổ. Thiệt thà mà cũng khổ, vậy nhân quả đâu có tương ứng nhau. Tôi nói ông Phật nói trật là tôi đúng chớ gì nữa! Tôi giải thích cho Trắc như vậy, anh ta cười, trách nhẹ tôi: “Anh thì cứ hay rắc rối!”
Tôi chỉ lý luận quàng xiên mà chơi như vậy, nhưng trên đường về, vừa lái xe, vừa nghe nhạc “vàng” và tôi không ngớt suy nghĩ về tính thiệt thà của Vương Tấn.
Tốt nghiệp khóa 6 Thủ Đức, khoảng năm 1958, theo như bạn đồng khóa thì ít cũng lên lon thiếu tá, trung tá, có ông lên đại tá, Vương Tấn chỉ mới có đại úy cũng là vì cái tính…thiệt thà.
Hồi ấy, việc lên lon không dễ như sau nầy. Đủ thời gian qui định thì lon chuẩn úy tự động lên lon thiếu úy, thiếu úy lên lon trung úy. Từ trung úy trở lên mới phải “chạy”. Chạy là nói nôm na, văn vẽ là đề nghị lên bộ Tổng Tham Mưu; còn như đặc cách mặt trận là do mấy ông tướng tư lệnh quyết định ngay tại chiến trường. Vương Tấn chưa bao giờ được lên lon tại mặt trận vì anh không thuộc loại đánh giặc chì. Thời của Tấn là thời lên lon nào cũng phải “chạy” mà Tấn thì không biết “chạy” nên lon lá bao giờ cũng ở sau người ta.
Khi có chương trình đào tạo quan sát viên không quân, cũng khoái đi máy bay, nên Vương Tấn xin đi học. Mãn khóa, anh về phục vụ ở miền Trung. Vương Tấn chọn miền Trung vì Huế ở ngoài ấy. Anh hy vọng làm nghề bay, có dịp về Huế chơi. Anh ta đến Huế thật, và với bộ đồ bay trên người, anh đi dạo phố Huế, – “Trông oai lắm!” – như anh ta nói.
- “Hồi đó tui tính cưới một cô Huế. Sao mà khó thế. Nói chuyện, nó không nhìn mình, cứ nhìn xuống đất, không tán được.”

Bởi câu chuyện đó, có lần tôi nói Trắc: “May cha thằng Tấn. Rước về một cô rồi ngữa mặt lên trời mà than!”
Trắc không đồng ý với tôi, nói: “Duyên số cả anh à! Nó không cưới vợ Huế, về Phước Tuy rước một cô, đời lại bầm dập hơn!”

Trong bọn tôi, Dương Tiến Đông, đội phó, là tay ăn nói bạo mồm bạo miệng nhứt. Có điều, chuyện nó nói, làm người ta bất mãn nhưng vẫn phải cười.
Hôm đó, chúng tôi đang cuốc đất, cách trại cũng không xa, bỗng Vương Tấn bị bệnh. Tấn yếu lắm. Anh ta bị thương, mất một phần xương đùi. Hồi đó, để cứu Tấn khỏi bị cưa chân, Tổng Y Viện Cộng Hòa nhờ Hải Quân Mỹ chuyển Tấn ra hạm đội. Ngoài đó phương tiện đầy đủ và tối tân hơn. Thay vì cưa, bác sĩ Mỹ ghép vào đùi Tấn một thanh Inox, bắt ốc, nên Tấn đi lại được, tuy không bình thường. Vì là thương binh, không muốn giải ngủ, Tấn xin qua 101. 101 là đơn vị tình báo, “tội” của Tấn với “cách mạng” nặng hơn, coi như “tù cải tạo” lâu về. Vì đi đứng khó khăn, Trương Đình Gòn, đội trưởng, xin cán bộ Chinh, công an, cho Tấn khỏi đi đốn cây, phá rừng, công việc nặng nhọc lắm. Anh ta được giao nhiệm vụ xuống suối mài dao. Lâu lâu, sợ Tấn mất việc, Gòn lấy dao của anh em, đưa cho Tấn đi mài. Dao không lụt cũng mài. Gòn nói với người có dao: “Không có dao thì ông ngồi chơi. Thằng Tấn không có dao mài, thằng Chinh bắt nó đi kéo cây. Tội nghiệp nó.”
Hôm Tấn bị bệnh, Đông nói với cán bộ Chinh: “Cán bộ để tui đem nó về; lỡ nó chết ngoài rừng, cán bộ làm báo cáo mệt lắm!” Rồi Đông cỏng Tấn về, có anh cán bộ bảo vệ (tức là bọn canh tù), cầm súng đi theo. Đông nói nhỏ với Tấn: “Đ. má. Tao phải hù thằng Chinh nó mới cho tao cỏng mày về. Vậy mà mày vô ơn.”
Tấn nói: “Tao đi không nỗi, mày cỏng. Tao biết ơn mày. Mày nói tao vô ơn cái chi?”
Đông nói: “Mày nói cám ơn khi nào? Tao nói thiệt, nếu mầy không chịu, tao bỏ mày xuống đây. Mầy chịu, tao cỏng tiếp về trại. Chịu không?”
- “Chịu cái gì? Mày nói đi.” Tấn hỏi.
- “Tụi nó nói vợ mầy đẹp lắm. Mai mốt vợ mầy lên thăm, mày hôn vợ mày giùm tao một cái, còn không thì… đi bộ mà về nè!”

Nói xong, Đông giả bộ buông Tấn xuống. Tấn nói: “Thôi đươc rồi! Đ. mẹ, anh em chơi ép nhau. Mày cỏng tao về đi. Tao sẽ nói với vợ tao!”
Đông phải đứng lại giữa rừng mà cười ha hả vì cái tính thiệt thà của Tấn. Nghe Đông thuật lại chuyện đó, anh em trong đội ai cũng cười. Cũng có người vừa cười vừa nói: “Đ. mẹ! Thằng Đông mất dạy, vợ người ta mà đòi hôn.”

Vậy mà Tấn vẫn không hết tai nạn với Đông. Đang ở ngoài rừng, gần nhà thăm nuôi. Có người ra tận bãi gọi Tấn, báo cho biết có vợ lên thăm. Tấn hoảng, không biết làm sao! Về trại thay áo quần thì mất thì giờ. Vào thăm vợ ngay bây giờ thì kỳ cục! Anh ta đang mặc quần xà lỏn đi lao động, đưa hai cái giò như hai cây sậy đen đủi thì kỳ quá! Áo quần thiếu, phải tiết kiệm, ở với Việt Cộng thì lấy thân che của thay vì lấy của che thân.
Gòn lại tới nói với cán bộ Chinh, cho Tấn đi thăm liền ngay đi, cho vợ Tấn thăm sớm, về sớm, xe cộ khó khăn. Chinh đồng ý, nhưng Tấn không đi thăm được vì không có quần. Đông nói: “Mày mặc quần tao chắc được. Tao cho mày mượn. Nhưng mày đừng quên lời tao dặn như vợ mày lên thăm lần trước. Lần nầy phải nhớ nghe không.” Tấn chần chừ. Đông nói:
- “Mày phải ừ tao mới cởi quần ra cho mày. Ừ đi!”
Tấn lại phải ừ!
Đông lại làm khó: “Mày ừ gì yếu xìu. Ừ to lên, như ở quân
trường vậy.”
Tấn ừ thật to! Cả bọn đứng chung quanh, ai cũng cười.
Lần thăm đó, Tấn gặp tai nạn.

Cha mẹ chết, để lại cho Tấn căn nhà gạch. Lần nầy lên thăm, vợ Tấn biểu làm giấy ủy quyền cho thị. Té ra, thị có bồ là cán bộ. Thị lấy nhà, sang tên cho cán bộ vì tên nầy hứa kết hôn với thị. Có nhà rồi, tên cán bộ bèn “Quất ngựa truy phong”.
Từ đó, vợ Tấn không lên thăm chồng nữa. Tấn vừa mất vợ, vừa mất nhà, con Tấn về ở với chị Tấn. Chị Tấn cũng nghèo, không ai thăm nuôi Tấn, hoàn cảnh thật ái ngại. Tấn cam chịu số phận mình, không than van, oán trách.
Một lần, vợ Đông từ Đà-Nẵng vào thăm, Đông mời mấy anh em cùng ăn chung một bữa, chia xẻ niềm vui. Đang bữa ăn, có người than phiền bây giờ nhiều người bỏ chồng, không đi thăm nuôi vì đời sống khó khăn quá, không đi thăm được, cũng có người “ôm cầm thuyền ai.” Hoàng, người cùng đội, nói: “Lấy chồng là một sự chọn lựa, lấy là lấy ông bác sĩ, kỹ sư, ông sĩ quan. Bây giờ lon lá mất hết, chỉ còn là thằng tù.

Ai lấy thằng tù làm gì.” Vài anh em tỏ ý không đồng ý với lời giải thích của Hoàng, nhưng ông già Minh lại góp ý: “Cứ trường hợp mình thì anh em biết. Người đàn bà khi lấy chồng là họ tìm một chỗ che thân. Khi sự che thân đó không còn nữa thì họ tìm cái khác. Các cậu không thấy sự sinh hoạt trong một đàn bò sao. Con bò mạnh nhứt là con bò “cai quản” hết tất cả các con bò cái.” Ngưng một chút, già Minh nói tiếp: “Con gà trống muốn dụ con gà mái, giả kêu túc túc, làm như tìm được hột lúa để con gà mái chạy tới.”
Gòn nói, giọng bực tức:
- “Anh nói vậy bộ không có chung thủy hay răng?”
- “Có chứ sao không,” già Minh nói, “nhưng chỉ ở một số người, cái đó tùy thuộc vào cá tính, văn hóa, nền nếp của gia đình, làng xã. Ở nước ta, người ta cố giữ lệ làng là để giữ văn hóa của làng là vì vậy. Thành thử lệ làng, có khi còn hơn cả luật vua.”

Nghe già Minh nói, anh em thông cảm ông. Ông bị mất vợ từ trước khi “sập tiệm” những mấy năm. Vợ ông bỏ ông đi lấy một ông tướng Quân Đội Cộng Hòa. Chế độ trước thì ông bị mất vợ, chế độ nầy thì ông ở tù. Ông có cay đắng với đời cũng không có gì lạ.
Hơn 5 năm sau, khi Tấn được tha về, không có nhà để ở. Hai đứa con ở với chị của Tấn. Bà chị nghèo, hai đứa con thất học. Còn vợ Tấn thì coi như… “Thuyền ra cửa biển”. Tấn đi tìm vợ, vợ Tấn tránh mặt. Lâu lâu, tình cờ gặp vợ, Tấn tới hỏi thăm thì vợ Tấn kiếm cớ bỏ đi.
Cải tạo về, Tấn làm nhiều nghề để sống. Nhiều người bạn tù được tha, làm nghề đạp xích lô. Tấn, vì cái chân què, không đạp nỗi. Nghề phổ thông thứ hai cho “cải tạo viên được tha” là mở “tiệm” vá xe đạp bên đường. Nói “mở tiệm” cho oai. Tiệm là khoảnh đất bên cột đèn, gần ngã ba, ngã tư gì đó, với một cái ống bơm to, mấy miếng ruột xe cũ, một miếng lon sữa bò đập thẳng, đục nhiều lổ để làm bàn mài, một hộp keo, mấy miếng cao-su non, một cái piston cũ, có cái bàn ép, và chai dầu để đốt nóng piston khi muốn vá ép. Thường ruột xe Honda phải vá ép mới bền. Sáng đi, khuya về, ăn uống tại “tiệm”.
Tấn bỏ Phước Tuy ra Vũng Tàu, năng đường, đông khách hơn. Có tiền, Tấn giúp chị nuôi con chị và con của Tấn. Rồi Tấn bỏ nghề đi buôn thuốc Tây.
Mười năm nay, “chính quyền cách mạng” thi hành chính sách “bế quan tỏa cảng” đời Tự Đức, nội bất xuất, ngoại bất nhập với Tây phương nên cái gì cũng phải “xếp hàng cả ngày” (xhcn) để mua mà không có. Nhờ vậy nên tàu “các nước Xã Hội Chủ Nghĩa anh em” vào ra cảng Vũng Tàu, tàu nào cũng buôn lậu, đặc biệt các loại thuốc Tây, “mặt hàng gọn nhẹ” dễ che dấu. Nhờ người chị quen biết với nguồn hàng nầy nên Tấn được gọi tới giao nhiệm vụ đem hàng từ Vũng Tàu lên Saigon. Tấn dấu hàng trong người, thuốc Tây, nhiều nhứt là “hàng Bun” (Hàng do Bulgaria sản xuất), đạp xe đạp ra khỏi trạm, quá một quảng xa, hơn một cây số, Tấn đón chiếc xe đò quen, đã hẹn giờ trước. Gần tới Saigon, cũng cách trạm Văn Thánh cỡ hơn một cây số, Tấn lại xuống xe, lại tàn tàn đạp xe vô Saigon, giao hàng cho người quen, là đầu mối ở đường Phạm Hồng Thái, bên ga Saigon cũ. Lại có mối từ miền Tây lên nhận hàng về. Tấn chỉ có nhiệm vụ giao hàng, nhận tiền công, còn giá hàng bao nhiêu, lên xuống thế nào, hai dầu mối trao đổi với nhau. Nhờ làm việc chăm chỉ và chắc chắn, không mánh mung, không ăn cắp, ăn bớt hàng nên các đầu mối tin tưởng. Suốt mấy năm trường, nhờ chịu khó vậy, tuy vất vả, tuy đau ốm, lâu lâu cái chân bị thương lại trở chứng đau nhức, Tấn vẫn cố gắng làm tròn công việc được giao, sống qua ngày, còn dư tiền đưa cho chị nuôi con của Tấn.
Rồi lại có tin đồn xôn xao về việc lập hồ sơ đi Mỹ, được Mỹ bảo lãnh, cho định cư. Ai tù cải tạo 3 năm trở lên, đều được Mỹ cho đi hết. Ban đầu, Tấn không tin. Cỡ như mình Mỹ nhận làm quái gì. Tấn tự nghĩ như vậy. Ai lon to, trung tá, đại tá, tướng lãnh, Mỹ bỏ không được mới phải “gánh” đi. Còn như Tấn, đại úy quèn, lại què quặt, Mỹ rước qua làm chi, nuôi báo cô! Cứ suy nghĩ như vậy nên Tấn chăm lo “chuyện vận chuyển thuốc Tây để cứu người”. Tấn hay đùa với bạn bè về công việc của mình, đầy “tính nhân đạo” như vậy.
Thường đi Saigon, Tấn hay gặp các bạn “đồng tù” như Trắc, Kim, Hoàng, v.v… Ông già Minh thì đã qua đời trong trại cải tạo, trước khi Tấn được tha. Còn Đông thì về Đà-Nẵng, “buôn đường dài”, có nghĩa là mua hàng Saigon đem ra Đà-Nẵng và ngược lại. Gòn thì về Long Khánh, làm rẫy, không gặp ở Saigon bao giờ. Mỗi khi lên Saigon mà gặp Đông thì thế nào cũng có một buổi “nhậu chết bỏ”. Tuy không muốn “chết bỏ” như Đông nhưng Tấn không thể từ chối. Bọn nó có nhiều tiền, Tấn khỏi đóng góp hoặc “Cho mày đóng tượng trưng”, như Đông nói. Cũng qua bạn bè, do họ thúc đẩy, Tấn cũng làm hồ sơ, gởi lén qua Bangkok.
Vợ Tấn nhạy bén chuyện đi Mỹ nầy hơn Tấn nhiều, nên trước khi Tấn làm hồ sơ, vợ Tấn đến thăm, lại năn nỉ khóc lóc, “Anh đi đừng bỏ em lại tội nghiệp. Em dại dột chớ bao giờ em cũng thương anh.” Tấn cảm động khi nghe vợ nói. Vã lại, cũng có lời khuyên của chị Tấn nữa. “Người ta trở lại với mình, em không bỏ được đâu! Tội nghiệp người ta lắm!” Vừa thương chị, lại mang ơn chị nuôi con mình, Tấn nghe lời, làm hồ sơ cho cả gia đình: Vợ, mấy đứa con, mấy đứa cháu con của chị, Tấn nhận là con của mình.
Tháng 10 năm 1992, gia đình Tấn đến Cali, có hội từ thiện bảo trợ. Các con, cháu của Tấn, những đứa lớn vừa đi làm vừa đi học, những đứa nhỏ chỉ đi học mà thôi. Vì là thương binh chế độ cũ, các cơ quan từ thiện khuyên Tấn nên nghỉ ở nhà. Tấn được gọi lập hồ sơ y khoa, được ăn trợ cấp “tiền bệnh”, được “trợ cấp tiền nhà”, v.v… Cuộc sống tạm ổn định.
Đến Mỹ chưa được nửa năm, vợ Tấn lại “giong buồm ra khơi” lần nữa. Giong buồm ra khơi là tiếng lóng của Trắc báo cho bạn bè hay khi ai hỏi thăm Tấn. Riêng với Tấn, anh ta lại buồn, ôm lấy mối buồn trong lòng, cũng không than vãn, khóc lóc, như hơn mười năm trước, vợ Tấn ra đi. Số phận. Bao giờ Tấn cũng tự an ủi mình bằng hai tiếng số phận.

Thường thì Tấn thấy thương con nhiều hơn thương thân mình. Con cái bao giờ cũng cần mẹ. Chúng nó cần mẹ mà vợ Tấn bỏ Tấn, điều đó không quan trọng bằng mẹ bỏ con. Nghĩ lại mình, so với số phận con, Tấn thấy mình may mắn hơn. Mẹ Tấn vẫn thương Tấn, gần gủi với Tấn, chăm nom, thăm viếng Tấn cho đến khi mẹ Tấn qua đời. “Con mình thì không được như mình vậy.” Tấn chép miệng than, chua xót.
Năm ngoái đây, tôi đi Cali, không phải để thăm Tấn hay đi đám ma anh ta. Tôi đâu có biết gì rõ về bệnh tình của Tấn. Mấy năm trước, điện thoại cho Trắc, hỏi thăm anh em, người nầy, người kia. Tất cả bạn tù cũ, đều tìm lại được hết, trừ một vài người, không biết ở đâu, dù nhắn gởi nhiều lần. Tôi cũng tìm được số điện thoại của Gòn, hiện ở Houston, liền báo cho Trắc biết. Gòn biến mất từ ngày ra tù tới giờ, không ai biết tin tức gì hết, trong khi vài anh em cố tìm Gòn. Gòn, tính khí hào hiệp, làm đội trưởng, không ít lần cải tay đôi với quản giáo để bênh vực anh em, nhứt là với Chinh, tên nầy khá “ác ôn côn đồ Việt Cộng.” – Câu Gòn thường nói đùa với anh em sau khi “đấu tranh” với Chinh xong.
Tôi đi Cali thăm ông anh vợ và bạn bè. Về tới đó, gọi điện thoại cho Trắc, hẹn đi ăn phở, nhưng trước khi nhận lời, Trắc nói: “Trước khi đi ăn phở với vợ chồng anh, tui tới chở anh đi viếng đám ma thằng Tấn đã. Nó chết rồi, chiều nay chôn.”
Hỏi tới nữa thì Trắc giải thích: “Cả năm nay nó không đi lại được. Bác sĩ lại mổ cái chân bị thương nhưng không hết. Rồi lại bị biến chứng, phong thấp, đau tim… Đủ thứ bệnh. Hai ngày trước bị đột quị. Coi như xong!”

Hỏi tới vợ con, Trắc nói: “Không có tin tức gì vợ nó cả, qua khỏi truông, đi mất biệt. Nghe nói đi theo một thằng nhân tình nào đó, cặp khi thằng Tấn còn ở tù. May mắn các con cháu nó đều học hành và tốt nghiệp đại học cả. Tấn rất vui về việc thành đạt của tụi nó. Đám ma, tụi nó về đủ. Riêng thằng Tấn thì vẫn cu ki một mình cho đến khi qua đời! Số nó vậy!”
Số phận! Lại số phận! Cũng được thôi, dù đó chỉ là tiếng để an ủi, nhất là với một người thật thà như Tấn.

Tuệ Chương/ Hoàng Long Hải

NGÔ NGUYÊN NGHIỄM * Tản Mạn Thấp Thoáng Vài Nụ Hoa


Tiểu sử văn học: TRẦN VĂN SƠN
  
Sinh năm 1945 dưới chân Lầu Ông Hoàng, Phú Hài,
tỉnh Bình Thuận.
Cộng tác trước năm 1975: Phổ thông - Văn -
Nghệ thuật -   Thời nay - Khởi hành

Tác phẩm đã xuất bản:

·  Vườn Dĩ Vãng - Thơ – Khai Phá xuất bản 1972.
·  Hồi Sinh- Thơ.
·  Thấp Thoáng Vài Nụ Hoa - Thơ – Little Sàigòn xuất bản cuối năm 2008

  
Tản Mạn Thấp Thoáng Vài Nụ Hoa
Và Trần Văn Sơn.

                                                            NGÔ NGUYÊN NGHIỄM

Như vậy, từ ngày Trần Văn Sơn ra mắt tập thơ Vườn Dĩ Vãng do nhà xuất bản Khai Phá ấn hành giữa năm 1972, bẵng đi hơn 36 năm đẳng đẵng mới nhận được thi phẩm thứ hai của anh, do nhà xuất bản Little Saigon giới thiệu như một ấn chứng nhà thơ vẫn có mặt giữa cuộc đời đầy hệ lụy nầy. Thấp ThoángVài Nụ Hoa nêu lên được tâm thức lãng bạt và đầy nét thi vị trong cuộc sống đạm bạc giữa thế sự thường hằng, phủ đầy phong cách khiêm cung của một hiền giả.
Trước 1975,trong mọi trật tự xã hội đều bị xáo trộn bởi cuộc chiến tương tàn, bằng hữu văn nghệ cùng lứa tuổi đều ít nhiều ý thức được cuộc sống với quê hương đất nước. Chính vậy, tác phẩm anh em là chứng nhân thực tiển, được lần lượt giới thiệu rộng rãi trong môi trường văn chương, ghi đậm lại dấu ấn một thời cho văn sử.
Ngày tháng trôi qua, những mái đầu xanh ngày nào đã nhuốm bạc, nhìn lại những công trình khơi dựng những năm xưa, bất giác bút chỉ vẫn gom cho đời những tâm huyết như thuở xuân xanh. Quả thật, bên nầy đại dương tôi ngồi lẵng lặng thả hồn lang thang trong cơn buồn diệu vợi, khi Trần Văn Sơn nhắn về in tập thơ và nhờ tôi viết vài hàng, theo anh kỷ niệm cũng được…
Cơn hứng khởi của thi nhân là một nghiệp chướng khó vùng vẫy, như đã có tên trong sổ đoạn trường. Nhớ ngày nào, thuở tráng niên ngồi quây quần tửu phùng tri kỷ, đến giai đoạn hào khí bốc trời, Trần Văn Sơn ngâm bài Ôm Một Mặt Trời Say, để khóc người bạn quá cố. Tiệc tùng túy tửu nào cũng pha trộn cái vui lẫn cái buồn, bởi tâm hồn thi nhân dễ dàng cảm xúc mọi lúc mọi nơi. Bây giờ, phần đông anh em đều có chút danh phận trên trường văn trận bút, kẻ lưu lạc bốn phương người ẩn mặt chốn thảo lư điền dã. Nhưng họ vẫn như con thiêu thân, vẫn đâm sầm vào ngọn đèn văn nghệ để nên danh tử vì đạo …
Bạn hiền Trần Văn Sơn vẫn dáng vóc người nho nhã, thơ ba câu đã điểm xuyến một nụ cười hòa. Nhưng khí lực trong thơ Sơn  bao giờ cũng Sống và chết như gươm kề ngang cổ, nên sự trung trinh với cuộc đời là nghĩa khí và thủy chung vì tâm thức nhận biết rằng Sống ở đời như gió thoảng mây bay/ Khi nằm xuống vùi sâu ba tấc đất.
Không một kẻ làm thơ đích thực nào, lại không biết rung động trước bao cảnh thế đổi dời,bóng dáng mẹ già, nghĩa trang bằng hữu, người tình cố xứ, sầu viễn phố…Trần Văn Sơn cũng không lọt ra ngoài kẻ đích thực đó, khi buổi sáng trên đồi Bảo Đại, phì phèo dăm điếu thuốc, ngẫm đời như một thoáng phù du, quanh quẩn thơ và rượu, không bạn sầu ngút mùa thu lá rơi… Vỗ tay ca khúc hành tống biệt, mà bái tạ về chân trời biền biệt
bóng mẹ hiền:
Buổi sáng mưa bay trên đỉnh núi
Sương rơi điểm trắng tóc mẹ già
Ta đi biền biệt ba năm chẳn
Khoát áo phong sương chợt nhớ nhà
Tôi dõi mắt suốt quảng đường bước qua trong đời, làm bạn không biết bao nhiêu lữ khách giang hồ,nên ngầm nhận thấy trong trái tim bằng hữu không ai là người không có dòng máu đỏ thiện tâm. Bất cứ nơi nào, hoa ưu đàm chợt nở làm trắng xóa sự tinh khiết trong đời, sự trong lành bất chợt ấm áp bình minh và lòng người, nụ cười thanh thản của Trần Văn Sơn phải chăng từ đó nẩy sinh:
Sáng nay trời thật đep
Hoa ngào ngạt quanh nhà
Vườn ai vừa mở cửa
Thấp thoáng vài nụ hoa.
Thời buổi nhiểu nhương khắp tận cùng thế giới, lòng người hiễm độc và mưu mô xảo trá, chỉ vì lợi ích cá nhân mà phát sinh bao nhiêu chiến lược đen tối, khiến tôi bỗng chợt trôi nổi về tận phương trời hoang dã của thời xuân thu chiến quốc mà chạnh lòng nhớ Lý Hoa, đời Đường với bài Điếu Cổ Chiến Trường (Viếng Bãi Chiến Trường Xưa):
Thử cổ chiến trường giã.Thường phúc tam quân,
Vãng vãng quỷ khốc,thiên âm tắc văn.
 Ông Lãng Nhân dịch:
Xưa đây chiến địa/ Ba quân vùi thây,
Đêm tối rền rĩ / Quỷ khóc rợn người.
Thời nay cũng đồng khí tương lân, người nghệ sĩ phương Nam dù nhiều khi vẫn lạc quan với đời mà chiêm ngưỡng thấp thoáng vài nụ hoa, cũng không khỏi:
Quanh quẩn bên tôi hồn uổng tử
Mộ bia hiu hắt thế nhân sầu
Nghĩa trang vắng bóng người sương phụ
Hương khói thôi đành lỡ vó câu
(Đêm Nằm Phòng Cấp Cứu Bệnh Viện Garden Grove)  
Thơ Trần Văn Sơn không có sắc thái bộc phá một cách cuồng nhiệt, dù anh đang đứng trước hoàn cảnh cùng cực nào. Điều đó cũng dễ hiểu, bởi dưới lớp áo thư sinh nho nhả lại mang sẵn một nội tâm đầy đạo vị, nên dù đời sống nhiều lần trôi nổi lãng bạt, sống có lúc khuynh khoái chất ngất với hiền hữu, nhưng khi tàn canh rượu lạt thì tâm hồn anh trở lại bình ổn chân phương:
Thơ văn vất vào sọt rác
Chán đời ngâm bài cổ thi
Nhịp chân nghe chừng khúc nhạc
Tìm đâu tiếng sáo Trương Chi

Chín năm còng lưng đạp máy
Mắt mờ gối mỏi tay run
Mày mò đường kim mối chỉ
Giật mình lá rụng đầy sân
( Thơ Viết Trên Bàn Máy May)
Hoặc tâm sự của anh với nhà thơ Phan Bá Thụy Dương ;
Cuối đời tôi thử nhìn tôi
Nhìn trong gạn đục nhìn lời vào ra
.......................................................
Ước gì tôi nhớ cái không
Quên đi cái có cho lòng tịnh yên
Tâm hồn bạn hiền lành chân thật, chính vì vậy Trần Văn Sơn hóa hiện trên thơ bằng bản ngã tâm không của mình. Có nhiều khi bước vào những vầng thơ hào sảng, tụ tán như sương khói phiêu bồng, nhưng sự thuần khiết trong thơ Trần Văn Sơn lại làm cho thơ anh cân bằng giữa nội tâm và sự cô độc chung quanh: Tôi về ôm bóng trăng xưa / Lòng như phố chợ đã thưa chân người.....

NGÔ NGUYÊN NGHIỄM
Viết tại Thư trang Quang Hạnh
Tháng Giêng, Nhâm Thìn

Wednesday, November 7, 2012

Trần Văn Sơn * Mưa Trên Những Chùm Chuỗi Ngọc















Trời đang nắng chợt mưa rơi nặng hạt
Mưa mịt mù mưa dai dẵng ngày đêm
Vườn chuỗi ngọc em mưa bay xơ xác
Bầy lá phong trải thãm úa vàng sân


Em ngữa mặt hứng giọt mưa vần vũ
Giọt lệ sầu hiu hắt giấc mơ tan
Quê ngàn dặm nghẹn ngào sương tuyết phũ
Hồn cỏ cây lạ lẫm dấu chân quen


Em đội mưa nâng niu từng lá cỏ
Lạnh đôi tay ấm áp trái tim đời
Mưa ôm ấp quỳng hoa vừa nở rộ
Chuỗi ngọc xanh lấp lánh cuộc tình người

Mưa tí tách tiếng dương cầm réo rắt
Hòa ngũ âm khúc dạ cổ hoài lang
Người xưa đến mang hồn mưa u uất
Nhịp tử sinh cùng vũ trụ xoay vần

Em xuống phố quẫn quanh con phố nhỏ
Bụi mưa bay mơn trớn tóc em mềm
Mưa tầm tã che vầng trăng cố xứ
Trăng phương tây toả sáng xóa màn đêm


Mưa lang thang trong công viên cuồng loạn
Gió thét gào cây trốc gốc chênh vênh
Hồn tượng đá mang mang thiên cổ hận
Vọng cố nhân hề phương đông buồn tênh


Em đóng cửa xa đường mưa ngõ trúc
Bên án thư nghĩ chuyện một dòng sông
Lũ bàn ghế có em thêm hạnh phúc
Ngôi nhà có em sưỡi ấm tình nồng

Văn Quang * Vàng và máu

 
 
Vậy nên, vàng được coi là một phần máu thịt của người dân, có thể nói đó cũng là nét đặc thù của văn hóa phương Đông.
Xin long trọng minh xác ngay rằng bài này không có “nhã ý” chôm nguyên văn tiểu thuyết trinh thám rất nổi tiếng của nhà văn Thế Lữ từ thời Tự Lực Văn Đoàn xa xưa (*). Đây chỉ là sự trùng hợp với cái tiêu đề mà thôi. Bởi vàng vốn là máu của người dân Việt Nam ta từ ngàn xưa cho tới nay. Làm cả đời ky cóp được tí tiền, giành giụm để làm đủ thứ quan trọng trên đời. Hãy tạm kể có 3 thứ việc, cả đời ông bà ta thường lo nghĩ đến là tậu trâu, cưới vợ và làm nhà. Ngoài ra, các cụ còn muốn thực hiện “nghĩa vụ cao cả” của các bậc sinh thành đối với con cái như cho con gái có chút của hồi môn khi lập gia đình, chia của cho các con trước khi nằm xuống về với tổ tiên…
Cũng như nhiều quốc gia Á Châu, vàng ở Ấn Độ cho đến nay vẫn là thứ trang sức nhiều giá trị (của hồi môn, tích trữ, chứng tỏ đẳng cấp giàu nghèo...). Ở Trung Quốc xưa và nay, vàng là bản vị của sự tiết kiệm, lặng lẽ vươn lên để trở thành “tiểu gia”, “đại gia” của người dân. Vậy nên, vàng được coi là một phần máu thịt của người dân, có thể nói đó cũng là nét đặc thù của văn hóa phương Đông.

Những “tử huyệt” của nền kinh tế Việt

Vàng ngày nay vẫn giữ nguyên những giá trị then chốt đó trong hầu hết những gia đình người Việt, bất kể là quan hay dân, miễn là có tí tiền tích cóp được. Tôi không kể đến những nhà tài phiệt, những quan tham, những “đại gia vĩ đại” do thời thế tạo nên, họ có đủ cách để giữ tiền qua các ngân hàng nước ngoài, tích trữ từng bó đô la như bó rau muống. Tuy nhiên, vàng vẫn có một vị trí vững vàng trong két sắt của họ. Khi đồng tiền mất giá, tất cả những kiểu tiết kiệm, kiểu làm ăn không sinh lời, nhiều rủi ro thì cất vàng trong tủ, chôn vàng dưới nền nhà là cách an toàn nhất.
Tất cả là do mất niềm tin vào những đổi thay của nền kinh tế suy thoái chung trên toàn thế giới và nhất là tại Việt Nam. Từ biện pháp hành chánh này đến biện pháp hành chánh khác tung ra để cứu vãn lạm phát, cứu vãn cái kho nợ xấu khổng lồ của hầu hết các ngân hàng, cứu vãn những doanh nghiệp nằm chết trên đống vàng gồm hàng loạt nhà cửa đồ sộ làm ra rồi không bán được hoặc cứu vãn những cái kho chứa đầy hàng sản xuất ra nằm ế mốc ế meo. Rồi cứu vãn 400 tấn vàng (hay cả ngàn tấn, không có cách gì kiểm tra hết) nằm chết trong dân làm cho tài khóa không lưu thông, tiền thiếu, vàng thừa nhưng không huy động được…
Bằng ấy cái mà nhiều nhà kinh tế học, thích nói chuyện “kinh tế vĩ mô”, gọi là “tử huyệt của nền kinh tế Việt Nam”. Những “tử huyệt” đó đang làm đau đầu, bấn xúc xích những chuyên gia, những bộ trưởng chịu trách nhiệm về nền kinh tế tài chánh của Việt Nam. Quốc Hội có quá nhiều vấn đề vô cùng quan trọng để thảo luận, để xem xét và để tìm ra quyết sách. Một số lớn người dân ít phải lo đến cơm gạo áo tiền hàng ngày, theo dõi kết quả cụ thể của những vị đại diện cho dân đã làm được những gì, sẽ làm những gì và họ “tiên đoán” tương lai sẽ ra sao. Từ đó họ có niềm tin hay không.
Người dân có cảm tưởng Quốc Hội hiện nay đang bị tràn ngập về những “tệ nạn” như bệnh kinh niên tham nhũng trở nên “quá xá” rồi, tưởng như ung thư đến thời kỳ thứ tư, vô phương chạy chữa. Đến chuyện những con đập vỡ làm người dân hoảng hốt chỉ lo ôm đồ chạy. Rồi đến chuyện bỏ phiếu tín nhiệm mở đường cho “văn hóa từ chức” và bãi chức, chuyện lấy tiền đâu tăng lương… Quả là “một rừng” công việc, nặng như trái núi đang làm ngăn trở sự tiến hóa của dân tộc mà những ông đai biểu cho dân phải giải quyết.
Nhưng ở đây, tôi chỉ điểm lại những vấn đề về “vàng và máu” như tiêu đề đã nêu.
Nhà nước độc quyền vàng, dân chịu thiệt nặng
Người dân đi mua vàng, ai cũng biết vàng SJC có thương hiệu uy tín và có thị phần lớn từ rất nhiều năm nay. Nhưng không phải ai cũng mua vàng có nhãn hiệu SJC. Người dân còn mua nhiều nhãn hiệu khác như AAA, PNJ, SBJ, Rồng Thăng Long của Cty Bảo Tín Minh Châu, giá cả chỉ hơn kém nhau chút ít không thành vấn đề. Vàng nào cũng là vàng, mỗi khi cần tiêu, chỉ việc mang ra các cửa tiệm vàng bán lại là xong. Nếu cẩn thận hơn, họ mang hóa đơn, có khi không cần hóa đơn, đến cửa tiệm mua vàng cũ, bán lại. Khi có lời, khi thiệt vài ba trăm ngàn tùy theo thời giá.
Nếu Ngân Hàng Nhà Nước (NHNN) để thị trường tự quyết định thì sẽ không có gì xáo trộn. Việc nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng là hợp lý nhưng sau khi chọn SJC là đơn vị gia công duy nhất vô tình tạo tâm lý rằng chỉ có vàng miếng SJC là được tin cậy, còn các thương hiệu khác là “đồ bỏ”. Điều này khiến thị trường xáo trộn với hàng loạt hành động sùng bái vàng SJC.
Người dân tá hỏa tam tinh, nôn nóng chuyển đổi vàng “phi” SJC (tức là vàng không mang nhãn hiệu SJC) sang SJC, chen nhau đi kiểm định vàng. Rất dễ hiểu, đang có vàng trong tay bỗng chốc trở thành… vàng không có giá trị bởi không phải là vàng SJC. Ai mà không đau, ai mà không hoảng hốt.
TS Nguyễn Đại Lai, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Chiến lược phát triển ngân hàng, đã ví von: “Nếu giá trị của vàng trên thế giới được đo bằng tuổi vàng thì với thị trường vàng trong nước, do cơ chế cấm “nửa vời” nên tuổi của vàng miếng không quan trọng bằng miếng vàng đó mang nhãn hiệu gì. Vàng SJC như được khoác trước “chiếc áo vinh quang” sẽ trở thành vàng chính hiệu “SBV” - là thương hiệu của NHNN…”.

Vừa mất thì giờ vừa bất an
Ngay cả chuyện chuyển đổi vàng miếng cũng khiến dân mệt mỏi. NHNN nhiều lần khẳng định vàng các thương hiệu khác được chuyển đổi dễ dàng. Thực tế không như vậy. Người dân đổ xô đến dập vàng thì cũng phải chờ đợi phiền phức, bởi phải chờ SJC kiểm định. Thị trường đâm ra khan hiếm vàng SJC trong khi vàng các thương hiệu khác thì số phận hẩm hiu.
Rồi khi thị trường suốt hai tuần liền xuất hiện hàng trăm miếng vàng làm giả thương hiệu SJC thì đến ngày 25-10, Phó Thống Đốc NHNN Lê Minh Hưng mới khẳng định: “Các thương hiệu vàng miếng khác đã được cấp phép vẫn được lưu thông bình thường. Do đó, việc có chuyển đổi sang vàng SJC hay không là quyền của người sở hữu, người dân cần bình tĩnh trước các thông tin, cân nhắc cẩn thận để tránh thiệt hại cho mình”.
Nói vậy nhưng liệu có người dân nào đi chọn mua một thứ tài sản vàng “phi” SJC để vừa mất lợi nhuận lại vừa gánh chịu những việc “tào lao” khác. Người dân vừa mất thời gian chuyển đổi, tinh thần lại bất an.

Nảy sinh ba lần thiệt hại

- Dân thiệt lần đầu tiên khi thông tin sẽ chỉ còn tồn tại duy nhất thương hiệu vàng miếng SJC trên thị trường. Thời điểm đó, dù chưa tuyên bố chính thức nhưng các thương hiệu vàng miếng không phải SJC ngay lập tức mất giá hàng triệu đồng một lượng so với vàng miếng SJC. Người có các loại vàng miếng này ngậm ngùi chấp nhận thiệt thòi, đành phải đi đổi sang vàng SJC cho “chắc ăn”. Đến khi việc độc quyền được chính thức, dù NHNN khẳng định, vàng phi SJC được bảo đảm giá trị nhưng trên thị trường, mức chênh lệch cao giữa 2 loại vàng vẫn duy trì. Những người “có gan” giữ vàng miếng không phải SJC cuối cùng, buộc phải chấp nhận thiệt hại để đổi vàng.
- Thiệt hại lần thứ 2 đến từ việc giá vàng trong nước luôn cao hơn thế giới từ 2-3 triệu đồng do cung không đủ cầu. Điều này là đương nhiên khi hàng chục cơ sở sản xuất vàng miếng buộc phải đóng cửa để SJC “một mình một chợ” sản xuất và cung cấp vàng miếng. Với mức chênh lệch này, những người có thói quen tích trữ vàng, các nhà đầu tư vàng trong nước phải đối diện với rủi ro cực lớn khi giá vàng đột ngột đổi chiều hay biến động mạnh. Thậm chí, nếu nhà độc quyền muốn làm giá, cố tình tạo khan hiếm giả, cung cấp nhỏ giọt thì người dân cũng bó tay.
- Thiệt hại thứ 3 là mua nhầm vàng nhái, làm giả SJC. Chỉ trong ít ngày, đã phát hiện gần 470 lượng vàng nhái, giả SJC, hầu hết do người dân mang đến. Đây là kết quả của việc độc quyền nhưng thiếu chuẩn bị về năng lực cung cấp cũng như giám sát của cơ quan quản lý. Lợi dụng cơ hội này, một bọn bất lương đã tận dụng tối đa chênh lệch giá giữa vàng SJC với vàng phi SJC; giữa vàng SJC với vàng thế giới để tung ra thị trường các loại vàng giả SJC kiếm lợi. Chỉ tội người dân, ngay cả nhà sản xuất, các chuyên gia vàng còn khó phân biệt giữa vàng SJC thật và sao chép nhãn hiệu, vàng giả thì họ làm sao biết được thật và giả. Đành một lần nữa chấp nhận thiệt thòi.
Đó mới chỉ là thiệt hại cụ thể về tài chính, còn rất nhiều những thiệt hại về thời gian, công sức, tâm lý hoang mang của người dân, lãng phí của xã hội cũng như những rối ren xảy ra trên thị trường chưa thể đong đếm được.

Một số công ty kinh doanh vàng bạc kiếm lời bạc tỉ
Người thiệt tất nhiên sẽ có người hưởng lợi. Đó là những đơn vị hốt siêu lợi nhuận từ việc được NHNN cho phép dập lại vàng miếng phi SJC thành vàng miếng SJC. Như đã nói trên, chênh lệch giữa vàng miếng phi SJC và SJC trên thị trường cao tới 3 triệu đồng một lượng, thấp cũng cả triệu đồng một lượng. Chỉ cần dập lại, bán sang tay, họ kiếm lợi trung bình 2 - 3 triệu đồng/lượng vàng. Với 350.000 lượng vàng đầu tiên cho phép dập lại, số lợi từ chênh lệch này là khổng lồ.
Cơn hoang mang trong cộng đồng mà người dân vốn nổi tiếng thích cất giữ vàng hàng đầu thế giới. Hàng loạt người dân đổ xô đến thẩm định và ép lại vỏ bao tại công ty SJC. Nếu không may vàng đó là không phải là SJC, số phận của nó sẽ là bị cắt ra, sau đó được bán với giá vàng nguyên liệu, tất nhiên là thiệt mất đến 2-3 triệu một lượng. Trường hợp xấu hơn nữa, chủ nhân sẽ phải giao nộp vàng cho cơ quan công an giải quyết.
Khi hiện tượng vàng giả thương hiệu manh nha xuất hiện, người dân đã được khuyên nên giao dịch tại các cơ sở uy tín, trong đó có ngân hàng. Nhưng vấn đề trái khoáy là, theo thông tin từ một nhà lãnh đạo Cty SJC miền Bắc thì đến nay, đa phần lượng vàng SJC giả mà đơn vị này phát hiện đến từ... các ngân hàng.
Đến các ngân hàng cũng còn chưa có nghiệp vụ kiểm định vàng, thì người dân “mắt thịt” lấy đâu ra cái khả năng siêu phàm để nhận diện vàng giả. Mọi hậu quả sẽ rơi vào người mua phải vàng giả SJC.

Độc quyền “toàn tập”
“Chiếc áo” SJC sẽ làm nên rất nhiều thứ. Không có cái áo đó (hoặc áo giả), những miếng vàng dù phẩm chất, tuổi vàng không hề “thua chị kém em” cũng sẽ bỗng dưng trở thành một loại “con ghẻ” bị hờ hững, xua đuổi.
Chỗ dựa cho quyền lực của chiếc áo là các chính sách cho phép sự độc quyền “toàn tập” - độc quyền nhập cảng, độc quyền sản xuất, độc quyền thương hiệu và giờ là độc quyền kiểm định vàng. Nhiều chuyên gia đã chỉ ra cơ chế độc quyền này không giúp loại bỏ sự chênh lệch vô lý giữa giá vàng Việt Nam so với thế giới, mà còn tạo khan hiếm giả, đẩy người dân vào thế cầu cạnh, chịu thiệt.
Không chỉ có thế, vị đứng đầu doanh nghiệp SJC, cách đây vài hôm còn cho biết sự phức tạp trong quy trình xin NHNN dập lại vàng SJC móp méo. Vị này cho biết: “Nếu cứ tiếp tục “xin – cho” thế này, chúng tôi sẽ ngưng mua vàng móp méo!”.
Nếu cả cái cửa “xin - cho” này cũng đóng lại với người dân, thì tình hình sẽ còn rối loạn đến mức nào?

Thống đốc Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam nhận lỗi về bất ổn thị trường vàng
Giải trình trước Quốc hội trong kỳ họp sáng 31-10-2012, về những bất bình trong quản lý kinh doanh vàng miếng suốt thời gian qua, Thống Đốc Ngân Hàng Nhà Nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình nói: “Tôi xin thay mặt cho NHNN nhận trách nhiệm về việc không làm tốt thông tin truyền thông để phổ biến kịp thời những nội dung về chủ trương chính sách của Nhà Nước trong vấn đề quản lý thị trường vàng. Do đó, còn nhiều thông tin chưa đầy đủ và chính xác gây nên những cách hiểu không đúng và bất ổn trên thị trường”.
Sau phần xin lỗi, ông Bình khẳng định: “Không có chuyện bắt buộc chuyển đổi từ mác vàng miếng này sang vàng miếng khác. Các loại vàng miếng đã được cấp phép vẫn được lưu hành bình thường”.
Phân trần về “sai sót” của mình, ông Bình cho biết từ ngày 25-5, tất cả các đơn vị dập vàng miếng, kể cả Công ty SJC, đều chấm dứt dập vàng miếng. Kể từ lúc đó, chỉ có NHNN thực hiện vai trò độc quyền Nhà Nước được dập vàng miếng và NHNN chọn mác vàng SJC là mác vàng của NHNN. Thực tế, vàng SJC đến thời điểm hiện nay đã chiếm tới khoảng 93% - 95% thị phần vàng miếng toàn quốc.
Để tránh xáo trộn trên thị trường vàng miếng cũng như chi phí phải dập lại, NHNN sử dụng luôn mác đó và độc quyền Nhà Nước về mác đó chứ không có Công ty SJC nào được dập vàng miếng SJC nữa. Tuy nhiên, theo quy định của Nghị Định 24, kể từ sau ngày 25-4, tất cả các loại vàng miếng mà trước đây đã được cấp phép dập vàng miếng đều được phép lưu hành bình thường.
Cũng theo ông Bình, nền kinh tế Việt Nam có khoảng từ 300 - 400 tấn vàng, tương đương 15-20 tỉ Mỹ kim bị chôn chặt vào vàng. Mỗi khi giá vàng biến động làm ảnh hưởng đến tỉ giá thông qua hoạt động nhập cảng lậu vàng gây ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập cảng và gián tiếp làm cho lạm phát tăng cao trong những năm qua, tạo ra sự bất ổn của kinh tế vĩ mô. Từ tháng 5 đến nay, hệ thống ngân hàng đã mua lại được 60 tấn vàng (khoảng 3 tỉ Mỹ kim) từ nền kinh tế.

Phản ứng của người dân

Lời xin lỗi của ông Thống Đốc NHNN xem ra rất nhẹ nhàng. Lỗi là do “không làm tốt thông tin truyền thông để phổ biến kịp thời những nội dung về chủ trương chính sách của Nhà Nước trong vấn đề quản lý thị trường vàng”.
Không biết ông thống đốc có biết đến nỗi lo cháy lòng vì những thiệt hại tiền tỷ của người dân khi chạy nháo nhào chuyển đổi từ vàng mang các nhãn mác sang SJC không và cả những người mua phải vàng sao chép nhãn SJC, vàng giả nữa? Hơn thế, ông có đọc được những phản ứng gay gắt của người dân chung quanh sự kiện này không? Xin nhắc lại một số trong hàng ngàn ý kiến đó trên hầu hết các trang báo Việt Nam:
- Độc giả Phung Khanh giãi bày: “Những người dân bình thường như chúng tôi, bao năm lao động tích cóp được ít tiền để chuẩn bị làm nhà, chuẩn bị cho con cái, rồi lo cho tuổi già... Vậy mà gửi tiết kiệm vào ngân hàng rồi chỉ trong thời gian giá trị đã bị bốc hơi. Thực sự xót xa mà chẳng thể làm gì, chẳng biết kêu ai.
Không tin tưởng vào việc gửi tiết kiệm đành mua ít vàng cho an toàn, rồi cũng do chính sách điều hành quản lý vàng, cuối cùng người dân cũng thua thiệt. Muốn điều hành gì trước hết hãy nghĩ đến hàng triệu người dân lao động bình thường. Chúng tôi thật khó mong được lợi gì ở việc điều chỉnh các chính sách như vừa rồi, chỉ mong được bảo toàn giá trị sức lao động của mình đã bỏ ra. Vàng chính là máu thịt của người dân chúng tôi”.
- Độc giả Hoàng Huy đề nghị: “Không được dùng mệnh lệnh hành chính để làm méo mó hoạt động mua bán vàng. Hãy để cho cơ chế thị trường quyết định. Người dân sẽ tự quyết định dự trữ tài sản của mình theo cách nào, miễn là nó mang lại lợi ích. Ngân hàng là đơn vị kinh doanh tiền tệ, phải có chiến lược phù hợp nếu muốn huy động vàng để làm lợi cho hoạt động kinh doanh của mình”.
- Độc giả Hai Hậu nhận xét: “Ngân hàng nhà nước là cơ quan phải chịu trách nhiệm trong cảnh bát nháo của vàng hiện tại. Cứ xem chương trình VTV1 và trả lời phỏng vấn của ông Lê Hùng Dũng thì ta nhận ra rằng tất cả các yếu kém của NHNN là mầm mống phát sinh ra hiện trạng này. Trong khi nền kinh tế đang chao đảo vì khủng hoảng thì NHNN lại tung ra những cú đột phá khiến thị trường càng thêm rối bời”.

Của để dành cũng bị các ông làm cho khốn đốn

Để kết luận cho bài viết này, mong Thống Đốc NHNN VN vui lòng đọc những lời tâm sự này của bạn đọc Cong Quang trên báo Dân Trí:
“Cho phép tôi được nói thẳng: SJC là đơn vị vô trách nhiệm nhất trong nền kinh tế nước ta. Vì sao mà người dân mua 1 món hàng dù nhỏ nhưng đơn vị sản xuất cũng cấp cho người mua phiếu bảo hành với đầy đủ thông tin như số seri, số lô, ngày sản xuất. Vậy mà SJC bán vàng mà không có giấy chứng nhận gì kèm theo dù trên miếng vàng có mã số nhận dạng. Lẽ ra nếu SJC có trách nhiệm họ sẽ kèm theo giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa tương tự như phiếu bảo hành trên các sản phẩm điện máy đi kèm với miếng vàng mà họ cung cấp ra thị trường thì làm gì có chuyện vàng nhái như hiện giờ. Vì vậy theo tôi SJC phải hoàn toàn chịu trách nhiệm với số vàng nhái hiện có trên thị trường chứ không thể né tránh như hiện nay. Đơn giản là vì vàng là tài sản lớn của người dân không thể nói 1 câu không phải SJC rồi cắt đôi và giao lại cho người dân đi bán ngoài thị trường. Các ông quá xem thường tài sản của nhân dân và luôn đẩy dân vào cảnh khó vì sự vô trách nhiệm của chính các ông. Người dân đã quá mệt mỏi với bao vấn đề về cơm áo gạo tiền giờ đến lượt của để dành cũng bị các ông làm cho khốn đốn. Làm dân Việt Nam sao mà khổ thế còn làm quan ở ta thì sướng không gì bằng: cái gì không quản được thì cấm, cái gì ngon ăn thì độc quyền bỏ mặc bao nỗi khổ cho dân”.
Khỏi cần bình luận gì thêm sau khi đọc những lời tâm sự cháy lòng của người dân.

VQ
(*) “Vàng và máu” là tập truyện đầu tiên của Thế Lữ(1934), là tác phẩm tiêu biểu và thành công nhất của ông ở thể loại trinh thám, đã trở thành một hiện tượng mới lạ ngay từ khi ra đời và để lại dư âm đến nhiều năm sau.