văn hữu vườn tao ngộ

Nơi lưu trữ tác phẩm của PBTD và thân hữu. Liên lạc: phanbathuyduong@gmail.com

Thursday, November 8, 2012

NGÔ NGUYÊN NGHIỄM * Tản Mạn Thấp Thoáng Vài Nụ Hoa


Tiểu sử văn học: TRẦN VĂN SƠN
  
Sinh năm 1945 dưới chân Lầu Ông Hoàng, Phú Hài,
tỉnh Bình Thuận.
Cộng tác trước năm 1975: Phổ thông - Văn -
Nghệ thuật -   Thời nay - Khởi hành

Tác phẩm đã xuất bản:

·  Vườn Dĩ Vãng - Thơ – Khai Phá xuất bản 1972.
·  Hồi Sinh- Thơ.
·  Thấp Thoáng Vài Nụ Hoa - Thơ – Little Sàigòn xuất bản cuối năm 2008

  
Tản Mạn Thấp Thoáng Vài Nụ Hoa
Và Trần Văn Sơn.

                                                            NGÔ NGUYÊN NGHIỄM

Như vậy, từ ngày Trần Văn Sơn ra mắt tập thơ Vườn Dĩ Vãng do nhà xuất bản Khai Phá ấn hành giữa năm 1972, bẵng đi hơn 36 năm đẳng đẵng mới nhận được thi phẩm thứ hai của anh, do nhà xuất bản Little Saigon giới thiệu như một ấn chứng nhà thơ vẫn có mặt giữa cuộc đời đầy hệ lụy nầy. Thấp ThoángVài Nụ Hoa nêu lên được tâm thức lãng bạt và đầy nét thi vị trong cuộc sống đạm bạc giữa thế sự thường hằng, phủ đầy phong cách khiêm cung của một hiền giả.
Trước 1975,trong mọi trật tự xã hội đều bị xáo trộn bởi cuộc chiến tương tàn, bằng hữu văn nghệ cùng lứa tuổi đều ít nhiều ý thức được cuộc sống với quê hương đất nước. Chính vậy, tác phẩm anh em là chứng nhân thực tiển, được lần lượt giới thiệu rộng rãi trong môi trường văn chương, ghi đậm lại dấu ấn một thời cho văn sử.
Ngày tháng trôi qua, những mái đầu xanh ngày nào đã nhuốm bạc, nhìn lại những công trình khơi dựng những năm xưa, bất giác bút chỉ vẫn gom cho đời những tâm huyết như thuở xuân xanh. Quả thật, bên nầy đại dương tôi ngồi lẵng lặng thả hồn lang thang trong cơn buồn diệu vợi, khi Trần Văn Sơn nhắn về in tập thơ và nhờ tôi viết vài hàng, theo anh kỷ niệm cũng được…
Cơn hứng khởi của thi nhân là một nghiệp chướng khó vùng vẫy, như đã có tên trong sổ đoạn trường. Nhớ ngày nào, thuở tráng niên ngồi quây quần tửu phùng tri kỷ, đến giai đoạn hào khí bốc trời, Trần Văn Sơn ngâm bài Ôm Một Mặt Trời Say, để khóc người bạn quá cố. Tiệc tùng túy tửu nào cũng pha trộn cái vui lẫn cái buồn, bởi tâm hồn thi nhân dễ dàng cảm xúc mọi lúc mọi nơi. Bây giờ, phần đông anh em đều có chút danh phận trên trường văn trận bút, kẻ lưu lạc bốn phương người ẩn mặt chốn thảo lư điền dã. Nhưng họ vẫn như con thiêu thân, vẫn đâm sầm vào ngọn đèn văn nghệ để nên danh tử vì đạo …
Bạn hiền Trần Văn Sơn vẫn dáng vóc người nho nhã, thơ ba câu đã điểm xuyến một nụ cười hòa. Nhưng khí lực trong thơ Sơn  bao giờ cũng Sống và chết như gươm kề ngang cổ, nên sự trung trinh với cuộc đời là nghĩa khí và thủy chung vì tâm thức nhận biết rằng Sống ở đời như gió thoảng mây bay/ Khi nằm xuống vùi sâu ba tấc đất.
Không một kẻ làm thơ đích thực nào, lại không biết rung động trước bao cảnh thế đổi dời,bóng dáng mẹ già, nghĩa trang bằng hữu, người tình cố xứ, sầu viễn phố…Trần Văn Sơn cũng không lọt ra ngoài kẻ đích thực đó, khi buổi sáng trên đồi Bảo Đại, phì phèo dăm điếu thuốc, ngẫm đời như một thoáng phù du, quanh quẩn thơ và rượu, không bạn sầu ngút mùa thu lá rơi… Vỗ tay ca khúc hành tống biệt, mà bái tạ về chân trời biền biệt
bóng mẹ hiền:
Buổi sáng mưa bay trên đỉnh núi
Sương rơi điểm trắng tóc mẹ già
Ta đi biền biệt ba năm chẳn
Khoát áo phong sương chợt nhớ nhà
Tôi dõi mắt suốt quảng đường bước qua trong đời, làm bạn không biết bao nhiêu lữ khách giang hồ,nên ngầm nhận thấy trong trái tim bằng hữu không ai là người không có dòng máu đỏ thiện tâm. Bất cứ nơi nào, hoa ưu đàm chợt nở làm trắng xóa sự tinh khiết trong đời, sự trong lành bất chợt ấm áp bình minh và lòng người, nụ cười thanh thản của Trần Văn Sơn phải chăng từ đó nẩy sinh:
Sáng nay trời thật đep
Hoa ngào ngạt quanh nhà
Vườn ai vừa mở cửa
Thấp thoáng vài nụ hoa.
Thời buổi nhiểu nhương khắp tận cùng thế giới, lòng người hiễm độc và mưu mô xảo trá, chỉ vì lợi ích cá nhân mà phát sinh bao nhiêu chiến lược đen tối, khiến tôi bỗng chợt trôi nổi về tận phương trời hoang dã của thời xuân thu chiến quốc mà chạnh lòng nhớ Lý Hoa, đời Đường với bài Điếu Cổ Chiến Trường (Viếng Bãi Chiến Trường Xưa):
Thử cổ chiến trường giã.Thường phúc tam quân,
Vãng vãng quỷ khốc,thiên âm tắc văn.
 Ông Lãng Nhân dịch:
Xưa đây chiến địa/ Ba quân vùi thây,
Đêm tối rền rĩ / Quỷ khóc rợn người.
Thời nay cũng đồng khí tương lân, người nghệ sĩ phương Nam dù nhiều khi vẫn lạc quan với đời mà chiêm ngưỡng thấp thoáng vài nụ hoa, cũng không khỏi:
Quanh quẩn bên tôi hồn uổng tử
Mộ bia hiu hắt thế nhân sầu
Nghĩa trang vắng bóng người sương phụ
Hương khói thôi đành lỡ vó câu
(Đêm Nằm Phòng Cấp Cứu Bệnh Viện Garden Grove)  
Thơ Trần Văn Sơn không có sắc thái bộc phá một cách cuồng nhiệt, dù anh đang đứng trước hoàn cảnh cùng cực nào. Điều đó cũng dễ hiểu, bởi dưới lớp áo thư sinh nho nhả lại mang sẵn một nội tâm đầy đạo vị, nên dù đời sống nhiều lần trôi nổi lãng bạt, sống có lúc khuynh khoái chất ngất với hiền hữu, nhưng khi tàn canh rượu lạt thì tâm hồn anh trở lại bình ổn chân phương:
Thơ văn vất vào sọt rác
Chán đời ngâm bài cổ thi
Nhịp chân nghe chừng khúc nhạc
Tìm đâu tiếng sáo Trương Chi

Chín năm còng lưng đạp máy
Mắt mờ gối mỏi tay run
Mày mò đường kim mối chỉ
Giật mình lá rụng đầy sân
( Thơ Viết Trên Bàn Máy May)
Hoặc tâm sự của anh với nhà thơ Phan Bá Thụy Dương ;
Cuối đời tôi thử nhìn tôi
Nhìn trong gạn đục nhìn lời vào ra
.......................................................
Ước gì tôi nhớ cái không
Quên đi cái có cho lòng tịnh yên
Tâm hồn bạn hiền lành chân thật, chính vì vậy Trần Văn Sơn hóa hiện trên thơ bằng bản ngã tâm không của mình. Có nhiều khi bước vào những vầng thơ hào sảng, tụ tán như sương khói phiêu bồng, nhưng sự thuần khiết trong thơ Trần Văn Sơn lại làm cho thơ anh cân bằng giữa nội tâm và sự cô độc chung quanh: Tôi về ôm bóng trăng xưa / Lòng như phố chợ đã thưa chân người.....

NGÔ NGUYÊN NGHIỄM
Viết tại Thư trang Quang Hạnh
Tháng Giêng, Nhâm Thìn