văn hữu vườn tao ngộ

Nơi lưu trữ tác phẩm của PBTD và thân hữu. Liên lạc: phanbathuyduong@gmail.com

Thursday, November 8, 2012

Tuệ Chương/Hoàng Long Hải * Thiệt thà là cha dại




Thiệt thà là cha dại
(tục ngữ)




Đứng bên quan tài của Vương Tấn sắp hạ huyệt, anh bạn tù Trần Phú Trắc nói nhỏ với tôi, vẻ tội nghiệp:
- “Cái số thằng nầy khổ thiệt! Nó thiệt thà quá!”

Tôi cũng đang thương tình cho anh bạn tù nằm trong quan tài, nhưng nghe Trắc nói, tôi không khỏi cười thầm vì sự ngộ nghỉnh trong nhân sinh quan của người Việt. Nói số phần chỉ là cách an ủi. Ông trời bắt vậy thì phải vậy. “Bắt phong trần phải phong trần…” Số phận là do trời, đó là quan điểm của đạo Nho, nhưng tại sao Trắc lại nói “Nó thiệt thà quá!” Vì nó thiệt thà nên nó khổ. Vậy nó khổ là vì nó thiệt thà. Vậy thì còn số phận gì nữa, trách trời gì nữa. Nó tự tạo cho nó cái số khổ, đâu phải tại trời. Cũng theo cách nghĩ đó, theo nhà Phật, nó tự tạo cho nó cái nghiệp. Quả của cái nghiệp đó là sự khổ. Nhân cái nghiệp là thiệt thà. Vì thiệt thà nên khổ.

Nếu quan niệm như vậy thì triết lý đạo Phật cũng… trật lất. Làm ác thì mới chịu cái khổ. Thiệt thà mà cũng khổ, vậy nhân quả đâu có tương ứng nhau. Tôi nói ông Phật nói trật là tôi đúng chớ gì nữa! Tôi giải thích cho Trắc như vậy, anh ta cười, trách nhẹ tôi: “Anh thì cứ hay rắc rối!”
Tôi chỉ lý luận quàng xiên mà chơi như vậy, nhưng trên đường về, vừa lái xe, vừa nghe nhạc “vàng” và tôi không ngớt suy nghĩ về tính thiệt thà của Vương Tấn.
Tốt nghiệp khóa 6 Thủ Đức, khoảng năm 1958, theo như bạn đồng khóa thì ít cũng lên lon thiếu tá, trung tá, có ông lên đại tá, Vương Tấn chỉ mới có đại úy cũng là vì cái tính…thiệt thà.
Hồi ấy, việc lên lon không dễ như sau nầy. Đủ thời gian qui định thì lon chuẩn úy tự động lên lon thiếu úy, thiếu úy lên lon trung úy. Từ trung úy trở lên mới phải “chạy”. Chạy là nói nôm na, văn vẽ là đề nghị lên bộ Tổng Tham Mưu; còn như đặc cách mặt trận là do mấy ông tướng tư lệnh quyết định ngay tại chiến trường. Vương Tấn chưa bao giờ được lên lon tại mặt trận vì anh không thuộc loại đánh giặc chì. Thời của Tấn là thời lên lon nào cũng phải “chạy” mà Tấn thì không biết “chạy” nên lon lá bao giờ cũng ở sau người ta.
Khi có chương trình đào tạo quan sát viên không quân, cũng khoái đi máy bay, nên Vương Tấn xin đi học. Mãn khóa, anh về phục vụ ở miền Trung. Vương Tấn chọn miền Trung vì Huế ở ngoài ấy. Anh hy vọng làm nghề bay, có dịp về Huế chơi. Anh ta đến Huế thật, và với bộ đồ bay trên người, anh đi dạo phố Huế, – “Trông oai lắm!” – như anh ta nói.
- “Hồi đó tui tính cưới một cô Huế. Sao mà khó thế. Nói chuyện, nó không nhìn mình, cứ nhìn xuống đất, không tán được.”

Bởi câu chuyện đó, có lần tôi nói Trắc: “May cha thằng Tấn. Rước về một cô rồi ngữa mặt lên trời mà than!”
Trắc không đồng ý với tôi, nói: “Duyên số cả anh à! Nó không cưới vợ Huế, về Phước Tuy rước một cô, đời lại bầm dập hơn!”

Trong bọn tôi, Dương Tiến Đông, đội phó, là tay ăn nói bạo mồm bạo miệng nhứt. Có điều, chuyện nó nói, làm người ta bất mãn nhưng vẫn phải cười.
Hôm đó, chúng tôi đang cuốc đất, cách trại cũng không xa, bỗng Vương Tấn bị bệnh. Tấn yếu lắm. Anh ta bị thương, mất một phần xương đùi. Hồi đó, để cứu Tấn khỏi bị cưa chân, Tổng Y Viện Cộng Hòa nhờ Hải Quân Mỹ chuyển Tấn ra hạm đội. Ngoài đó phương tiện đầy đủ và tối tân hơn. Thay vì cưa, bác sĩ Mỹ ghép vào đùi Tấn một thanh Inox, bắt ốc, nên Tấn đi lại được, tuy không bình thường. Vì là thương binh, không muốn giải ngủ, Tấn xin qua 101. 101 là đơn vị tình báo, “tội” của Tấn với “cách mạng” nặng hơn, coi như “tù cải tạo” lâu về. Vì đi đứng khó khăn, Trương Đình Gòn, đội trưởng, xin cán bộ Chinh, công an, cho Tấn khỏi đi đốn cây, phá rừng, công việc nặng nhọc lắm. Anh ta được giao nhiệm vụ xuống suối mài dao. Lâu lâu, sợ Tấn mất việc, Gòn lấy dao của anh em, đưa cho Tấn đi mài. Dao không lụt cũng mài. Gòn nói với người có dao: “Không có dao thì ông ngồi chơi. Thằng Tấn không có dao mài, thằng Chinh bắt nó đi kéo cây. Tội nghiệp nó.”
Hôm Tấn bị bệnh, Đông nói với cán bộ Chinh: “Cán bộ để tui đem nó về; lỡ nó chết ngoài rừng, cán bộ làm báo cáo mệt lắm!” Rồi Đông cỏng Tấn về, có anh cán bộ bảo vệ (tức là bọn canh tù), cầm súng đi theo. Đông nói nhỏ với Tấn: “Đ. má. Tao phải hù thằng Chinh nó mới cho tao cỏng mày về. Vậy mà mày vô ơn.”
Tấn nói: “Tao đi không nỗi, mày cỏng. Tao biết ơn mày. Mày nói tao vô ơn cái chi?”
Đông nói: “Mày nói cám ơn khi nào? Tao nói thiệt, nếu mầy không chịu, tao bỏ mày xuống đây. Mầy chịu, tao cỏng tiếp về trại. Chịu không?”
- “Chịu cái gì? Mày nói đi.” Tấn hỏi.
- “Tụi nó nói vợ mầy đẹp lắm. Mai mốt vợ mầy lên thăm, mày hôn vợ mày giùm tao một cái, còn không thì… đi bộ mà về nè!”

Nói xong, Đông giả bộ buông Tấn xuống. Tấn nói: “Thôi đươc rồi! Đ. mẹ, anh em chơi ép nhau. Mày cỏng tao về đi. Tao sẽ nói với vợ tao!”
Đông phải đứng lại giữa rừng mà cười ha hả vì cái tính thiệt thà của Tấn. Nghe Đông thuật lại chuyện đó, anh em trong đội ai cũng cười. Cũng có người vừa cười vừa nói: “Đ. mẹ! Thằng Đông mất dạy, vợ người ta mà đòi hôn.”

Vậy mà Tấn vẫn không hết tai nạn với Đông. Đang ở ngoài rừng, gần nhà thăm nuôi. Có người ra tận bãi gọi Tấn, báo cho biết có vợ lên thăm. Tấn hoảng, không biết làm sao! Về trại thay áo quần thì mất thì giờ. Vào thăm vợ ngay bây giờ thì kỳ cục! Anh ta đang mặc quần xà lỏn đi lao động, đưa hai cái giò như hai cây sậy đen đủi thì kỳ quá! Áo quần thiếu, phải tiết kiệm, ở với Việt Cộng thì lấy thân che của thay vì lấy của che thân.
Gòn lại tới nói với cán bộ Chinh, cho Tấn đi thăm liền ngay đi, cho vợ Tấn thăm sớm, về sớm, xe cộ khó khăn. Chinh đồng ý, nhưng Tấn không đi thăm được vì không có quần. Đông nói: “Mày mặc quần tao chắc được. Tao cho mày mượn. Nhưng mày đừng quên lời tao dặn như vợ mày lên thăm lần trước. Lần nầy phải nhớ nghe không.” Tấn chần chừ. Đông nói:
- “Mày phải ừ tao mới cởi quần ra cho mày. Ừ đi!”
Tấn lại phải ừ!
Đông lại làm khó: “Mày ừ gì yếu xìu. Ừ to lên, như ở quân
trường vậy.”
Tấn ừ thật to! Cả bọn đứng chung quanh, ai cũng cười.
Lần thăm đó, Tấn gặp tai nạn.

Cha mẹ chết, để lại cho Tấn căn nhà gạch. Lần nầy lên thăm, vợ Tấn biểu làm giấy ủy quyền cho thị. Té ra, thị có bồ là cán bộ. Thị lấy nhà, sang tên cho cán bộ vì tên nầy hứa kết hôn với thị. Có nhà rồi, tên cán bộ bèn “Quất ngựa truy phong”.
Từ đó, vợ Tấn không lên thăm chồng nữa. Tấn vừa mất vợ, vừa mất nhà, con Tấn về ở với chị Tấn. Chị Tấn cũng nghèo, không ai thăm nuôi Tấn, hoàn cảnh thật ái ngại. Tấn cam chịu số phận mình, không than van, oán trách.
Một lần, vợ Đông từ Đà-Nẵng vào thăm, Đông mời mấy anh em cùng ăn chung một bữa, chia xẻ niềm vui. Đang bữa ăn, có người than phiền bây giờ nhiều người bỏ chồng, không đi thăm nuôi vì đời sống khó khăn quá, không đi thăm được, cũng có người “ôm cầm thuyền ai.” Hoàng, người cùng đội, nói: “Lấy chồng là một sự chọn lựa, lấy là lấy ông bác sĩ, kỹ sư, ông sĩ quan. Bây giờ lon lá mất hết, chỉ còn là thằng tù.

Ai lấy thằng tù làm gì.” Vài anh em tỏ ý không đồng ý với lời giải thích của Hoàng, nhưng ông già Minh lại góp ý: “Cứ trường hợp mình thì anh em biết. Người đàn bà khi lấy chồng là họ tìm một chỗ che thân. Khi sự che thân đó không còn nữa thì họ tìm cái khác. Các cậu không thấy sự sinh hoạt trong một đàn bò sao. Con bò mạnh nhứt là con bò “cai quản” hết tất cả các con bò cái.” Ngưng một chút, già Minh nói tiếp: “Con gà trống muốn dụ con gà mái, giả kêu túc túc, làm như tìm được hột lúa để con gà mái chạy tới.”
Gòn nói, giọng bực tức:
- “Anh nói vậy bộ không có chung thủy hay răng?”
- “Có chứ sao không,” già Minh nói, “nhưng chỉ ở một số người, cái đó tùy thuộc vào cá tính, văn hóa, nền nếp của gia đình, làng xã. Ở nước ta, người ta cố giữ lệ làng là để giữ văn hóa của làng là vì vậy. Thành thử lệ làng, có khi còn hơn cả luật vua.”

Nghe già Minh nói, anh em thông cảm ông. Ông bị mất vợ từ trước khi “sập tiệm” những mấy năm. Vợ ông bỏ ông đi lấy một ông tướng Quân Đội Cộng Hòa. Chế độ trước thì ông bị mất vợ, chế độ nầy thì ông ở tù. Ông có cay đắng với đời cũng không có gì lạ.
Hơn 5 năm sau, khi Tấn được tha về, không có nhà để ở. Hai đứa con ở với chị của Tấn. Bà chị nghèo, hai đứa con thất học. Còn vợ Tấn thì coi như… “Thuyền ra cửa biển”. Tấn đi tìm vợ, vợ Tấn tránh mặt. Lâu lâu, tình cờ gặp vợ, Tấn tới hỏi thăm thì vợ Tấn kiếm cớ bỏ đi.
Cải tạo về, Tấn làm nhiều nghề để sống. Nhiều người bạn tù được tha, làm nghề đạp xích lô. Tấn, vì cái chân què, không đạp nỗi. Nghề phổ thông thứ hai cho “cải tạo viên được tha” là mở “tiệm” vá xe đạp bên đường. Nói “mở tiệm” cho oai. Tiệm là khoảnh đất bên cột đèn, gần ngã ba, ngã tư gì đó, với một cái ống bơm to, mấy miếng ruột xe cũ, một miếng lon sữa bò đập thẳng, đục nhiều lổ để làm bàn mài, một hộp keo, mấy miếng cao-su non, một cái piston cũ, có cái bàn ép, và chai dầu để đốt nóng piston khi muốn vá ép. Thường ruột xe Honda phải vá ép mới bền. Sáng đi, khuya về, ăn uống tại “tiệm”.
Tấn bỏ Phước Tuy ra Vũng Tàu, năng đường, đông khách hơn. Có tiền, Tấn giúp chị nuôi con chị và con của Tấn. Rồi Tấn bỏ nghề đi buôn thuốc Tây.
Mười năm nay, “chính quyền cách mạng” thi hành chính sách “bế quan tỏa cảng” đời Tự Đức, nội bất xuất, ngoại bất nhập với Tây phương nên cái gì cũng phải “xếp hàng cả ngày” (xhcn) để mua mà không có. Nhờ vậy nên tàu “các nước Xã Hội Chủ Nghĩa anh em” vào ra cảng Vũng Tàu, tàu nào cũng buôn lậu, đặc biệt các loại thuốc Tây, “mặt hàng gọn nhẹ” dễ che dấu. Nhờ người chị quen biết với nguồn hàng nầy nên Tấn được gọi tới giao nhiệm vụ đem hàng từ Vũng Tàu lên Saigon. Tấn dấu hàng trong người, thuốc Tây, nhiều nhứt là “hàng Bun” (Hàng do Bulgaria sản xuất), đạp xe đạp ra khỏi trạm, quá một quảng xa, hơn một cây số, Tấn đón chiếc xe đò quen, đã hẹn giờ trước. Gần tới Saigon, cũng cách trạm Văn Thánh cỡ hơn một cây số, Tấn lại xuống xe, lại tàn tàn đạp xe vô Saigon, giao hàng cho người quen, là đầu mối ở đường Phạm Hồng Thái, bên ga Saigon cũ. Lại có mối từ miền Tây lên nhận hàng về. Tấn chỉ có nhiệm vụ giao hàng, nhận tiền công, còn giá hàng bao nhiêu, lên xuống thế nào, hai dầu mối trao đổi với nhau. Nhờ làm việc chăm chỉ và chắc chắn, không mánh mung, không ăn cắp, ăn bớt hàng nên các đầu mối tin tưởng. Suốt mấy năm trường, nhờ chịu khó vậy, tuy vất vả, tuy đau ốm, lâu lâu cái chân bị thương lại trở chứng đau nhức, Tấn vẫn cố gắng làm tròn công việc được giao, sống qua ngày, còn dư tiền đưa cho chị nuôi con của Tấn.
Rồi lại có tin đồn xôn xao về việc lập hồ sơ đi Mỹ, được Mỹ bảo lãnh, cho định cư. Ai tù cải tạo 3 năm trở lên, đều được Mỹ cho đi hết. Ban đầu, Tấn không tin. Cỡ như mình Mỹ nhận làm quái gì. Tấn tự nghĩ như vậy. Ai lon to, trung tá, đại tá, tướng lãnh, Mỹ bỏ không được mới phải “gánh” đi. Còn như Tấn, đại úy quèn, lại què quặt, Mỹ rước qua làm chi, nuôi báo cô! Cứ suy nghĩ như vậy nên Tấn chăm lo “chuyện vận chuyển thuốc Tây để cứu người”. Tấn hay đùa với bạn bè về công việc của mình, đầy “tính nhân đạo” như vậy.
Thường đi Saigon, Tấn hay gặp các bạn “đồng tù” như Trắc, Kim, Hoàng, v.v… Ông già Minh thì đã qua đời trong trại cải tạo, trước khi Tấn được tha. Còn Đông thì về Đà-Nẵng, “buôn đường dài”, có nghĩa là mua hàng Saigon đem ra Đà-Nẵng và ngược lại. Gòn thì về Long Khánh, làm rẫy, không gặp ở Saigon bao giờ. Mỗi khi lên Saigon mà gặp Đông thì thế nào cũng có một buổi “nhậu chết bỏ”. Tuy không muốn “chết bỏ” như Đông nhưng Tấn không thể từ chối. Bọn nó có nhiều tiền, Tấn khỏi đóng góp hoặc “Cho mày đóng tượng trưng”, như Đông nói. Cũng qua bạn bè, do họ thúc đẩy, Tấn cũng làm hồ sơ, gởi lén qua Bangkok.
Vợ Tấn nhạy bén chuyện đi Mỹ nầy hơn Tấn nhiều, nên trước khi Tấn làm hồ sơ, vợ Tấn đến thăm, lại năn nỉ khóc lóc, “Anh đi đừng bỏ em lại tội nghiệp. Em dại dột chớ bao giờ em cũng thương anh.” Tấn cảm động khi nghe vợ nói. Vã lại, cũng có lời khuyên của chị Tấn nữa. “Người ta trở lại với mình, em không bỏ được đâu! Tội nghiệp người ta lắm!” Vừa thương chị, lại mang ơn chị nuôi con mình, Tấn nghe lời, làm hồ sơ cho cả gia đình: Vợ, mấy đứa con, mấy đứa cháu con của chị, Tấn nhận là con của mình.
Tháng 10 năm 1992, gia đình Tấn đến Cali, có hội từ thiện bảo trợ. Các con, cháu của Tấn, những đứa lớn vừa đi làm vừa đi học, những đứa nhỏ chỉ đi học mà thôi. Vì là thương binh chế độ cũ, các cơ quan từ thiện khuyên Tấn nên nghỉ ở nhà. Tấn được gọi lập hồ sơ y khoa, được ăn trợ cấp “tiền bệnh”, được “trợ cấp tiền nhà”, v.v… Cuộc sống tạm ổn định.
Đến Mỹ chưa được nửa năm, vợ Tấn lại “giong buồm ra khơi” lần nữa. Giong buồm ra khơi là tiếng lóng của Trắc báo cho bạn bè hay khi ai hỏi thăm Tấn. Riêng với Tấn, anh ta lại buồn, ôm lấy mối buồn trong lòng, cũng không than vãn, khóc lóc, như hơn mười năm trước, vợ Tấn ra đi. Số phận. Bao giờ Tấn cũng tự an ủi mình bằng hai tiếng số phận.

Thường thì Tấn thấy thương con nhiều hơn thương thân mình. Con cái bao giờ cũng cần mẹ. Chúng nó cần mẹ mà vợ Tấn bỏ Tấn, điều đó không quan trọng bằng mẹ bỏ con. Nghĩ lại mình, so với số phận con, Tấn thấy mình may mắn hơn. Mẹ Tấn vẫn thương Tấn, gần gủi với Tấn, chăm nom, thăm viếng Tấn cho đến khi mẹ Tấn qua đời. “Con mình thì không được như mình vậy.” Tấn chép miệng than, chua xót.
Năm ngoái đây, tôi đi Cali, không phải để thăm Tấn hay đi đám ma anh ta. Tôi đâu có biết gì rõ về bệnh tình của Tấn. Mấy năm trước, điện thoại cho Trắc, hỏi thăm anh em, người nầy, người kia. Tất cả bạn tù cũ, đều tìm lại được hết, trừ một vài người, không biết ở đâu, dù nhắn gởi nhiều lần. Tôi cũng tìm được số điện thoại của Gòn, hiện ở Houston, liền báo cho Trắc biết. Gòn biến mất từ ngày ra tù tới giờ, không ai biết tin tức gì hết, trong khi vài anh em cố tìm Gòn. Gòn, tính khí hào hiệp, làm đội trưởng, không ít lần cải tay đôi với quản giáo để bênh vực anh em, nhứt là với Chinh, tên nầy khá “ác ôn côn đồ Việt Cộng.” – Câu Gòn thường nói đùa với anh em sau khi “đấu tranh” với Chinh xong.
Tôi đi Cali thăm ông anh vợ và bạn bè. Về tới đó, gọi điện thoại cho Trắc, hẹn đi ăn phở, nhưng trước khi nhận lời, Trắc nói: “Trước khi đi ăn phở với vợ chồng anh, tui tới chở anh đi viếng đám ma thằng Tấn đã. Nó chết rồi, chiều nay chôn.”
Hỏi tới nữa thì Trắc giải thích: “Cả năm nay nó không đi lại được. Bác sĩ lại mổ cái chân bị thương nhưng không hết. Rồi lại bị biến chứng, phong thấp, đau tim… Đủ thứ bệnh. Hai ngày trước bị đột quị. Coi như xong!”

Hỏi tới vợ con, Trắc nói: “Không có tin tức gì vợ nó cả, qua khỏi truông, đi mất biệt. Nghe nói đi theo một thằng nhân tình nào đó, cặp khi thằng Tấn còn ở tù. May mắn các con cháu nó đều học hành và tốt nghiệp đại học cả. Tấn rất vui về việc thành đạt của tụi nó. Đám ma, tụi nó về đủ. Riêng thằng Tấn thì vẫn cu ki một mình cho đến khi qua đời! Số nó vậy!”
Số phận! Lại số phận! Cũng được thôi, dù đó chỉ là tiếng để an ủi, nhất là với một người thật thà như Tấn.

Tuệ Chương/ Hoàng Long Hải