văn hữu vườn tao ngộ

Nơi lưu trữ tác phẩm của PBTD và thân hữu. Liên lạc: phanbathuyduong@gmail.com

Sunday, December 16, 2012

Hồ Chí Bửu * NHỮNG BÀI THƠ LÀM TRƯỚC 1975.



CHIỀU NẰM TRÊN LÔ CỐT

Vỗ bụng cười vang nhìn hàng dây thép
Rượu uống hết rồi sao chẳng thấy say
Nằm gát cẳng lên ngâm thư tứ tuyệt
Thuốc cũng hết rồi buồn rớt không hay

Mấy thằng bạn thân giờ lên đại học
Có thằng ra trường làm tới quan hai
Ta nằm phương nầy chợt thương tay súng
Hai bốn mùa xuân- sáu tuổi lưu đày

Chiều chuyến trực thăng mang theo thực phẫm
Đáp xuống chưa đầy năm phút lại bay
Nhiều hôm ta muốn xin theo về phố
Ngại sợ về thành mình chẳng giống ai

Đã trót tập quen ăn đồ hộp mỹ
Đánh đấm nhiều năm gân cốt cũng mòn
Thôi rũ áo ngồi chờ xin bố thí
Mai mốt hòa bình trả lại núi non

Lỡ mai hòa bình ta về xe đẩy
Chiều qua nhà em có tiếng ai cười
Ngỡ ngàng về nhanh bàn tay run rẩy
Cúi xuống vụng về để nước mắt rơi

Lỡ mai hòa bình ta về nạng gỗ
Khập khễnh bước đi buồn khóc một mình
Em ở lầu cao gieo cầu chọn lựa
Họ chen lấn giành- ta đứng làm thinh…

MÙA XUÂN VÀ TÊN LÍNH RỪNG

Cuộc sống của ta giờ quá đã
Sáng ra chim hót ở trên cao
Tối nghe vượn hú vui chi lạ
Sáng tắm suối nguồn tối tắm ao

Ta sống ở đây mười bốn tháng
Dưới kia thung lũng ắp đầy hoa
Lính ta một lũ đầy ngạo mạn
Gối súng quen rồi quên gối da

Có bữa cơm chiều mưa tầm tã
Khói quyện lên trời bay lãng du
Ngồi nhớ chuyện đời cười ha hả
Bỏ phố lên rừng đâu phải ngu ?

Sau buổi mưa chiều hoa kết trái
Ta mất một đàn bướm thật xinh
Nhớ em ta ngắt cành hoa dại
Nhờ gió đưa hương gọi chút tình

Người ở phố phường khua tiếng hát
Rượu uống suốt ngày say lại say
Ta ở phương nầy mang đánh bạc
Cuộc đời sự nghiệp lẫn tương lai

Người ở phố phường nhiều gái đẹp
Nhà lầu giường nệm thật là sang
Ta ở phương nầy tay súng thép
Đắc chí chỉ trời ca hát vang

Sáng ra ta hít đầy khí mát
Tội em cát bụi dưới phố hồng
Ở đây ta có ngàn cung nhạc
Tội em dưới thế có bằng không

Ta đứng đây cười bằng kiêu hãnh
Lâu quá thành quen cũng cố lỳ
Râu tóc mọc dài không thợ hớt
Ta sống như là tên pippy

Có bữa hứng vào lên bản Thượng
Dẫn theo vài chú lính chưa già
Nhiều tên còn muốn xin làm rể
Rượu cần dăm hũ uống như pha

Cuộc sống của ta giờ quá đã
Hồn nhiên nên mãi vẫn không già
Thành phố nghe quen mà xa lạ
Tết đến ở rừng chơi..hết ga !

VỀ PHÉP

Ngủ ở đây-đêm nay ta yêu em bằng kỷ niệm
Ngủ ở đây không có tiếng súng giật mình
Không có hầm cá nhân từng đêm ngồi kích
Không có bastos để lén hút vội vàng

Ta ngang nhiên ngủ giữa lòng phố chợ
Giữa cuộc vui vụn vỡ của san hô
Đã đánh đổi bằng nghìn đêm lo sợ
Đêm nay rồi cũng trả lại kinh đô

Bạn bè ta hằng trăm thằng ngoài đó
Mắt trong đêm vẫn mở lớn trợn trừng
Sương đỉnh núi còn giăng mù đầu gió
Ta nằm đây thoáng nhớ cũng ngượng ngùng

Ngủ đi em - chắc đêm nay không nghe pháo kích
Thiên đường xa nên súng đạn cũng buồn
Tay ta đây vùng thịt da thương tích
Gối đầu lên rồi kể chuyện yêu đương

Ngủ đi em mùa thu cũng còn buồn lắm
Thôi ngủ đi- ta đi hái trái sầu
Trên non cao hay tận cùng hố thẳm
Đem về trần chằm gắn vết thương đau

Ngủ đi em- ta về vùng lâm chiến
Cũng mơ hồ như một nửa cơn điên
Nghêu ngao hát như một lần xuống núi
Rồi về rừng nghe thương nhớ từng đêm
NẾU NGÀY MAI GIẢI NGŨ.

nếu ngày mai khi tụi mình giải ngũ
mầy làm gì và định sống ra sao ?
tính cưới vợ rồi sinh con nối giỏi
để mừng cho ngày cỡi trả chiến bào
hay tiếp tục với mưa dầm nắng cháy
đời thênh thang ngày dứt chuyện binh đao

nếu ngày mai sau khi mầy giải ngũ
có về quê thăm lại mái nhà tranh
với mẹ già đợi chờ con mòn mõi
bằng tình thương ươm giấc ngủ yên lành
có người yêu vẫn một lòng chung thuỷ
đợi chờ ai xây lại mộng ngày xanh

còn phần tao nếu ngày mai giải ngũ
cánh chim bằng vẫn tiếp tục tha hương
có gì đâu để mỉm cười vui thú
bạn bè tao đã gục ở chiến trường
cha mẹ tao đã qua đời từ lúc
chiến tranh về gây tang tóc đau thương

tao thế đó – có còn ai thân thuộc
người yêu ư ? chắc nàng đã lấy chồng
tao thế đó – có ai mà đưa rước
người quen ư ? chắc nàng đã sang sông
mai tao về đành một mình một bóng
còn ai đâu để cất giữ trong lòng ?

mai giải ngũ tao sống đời du mục
ngày lang thang đêm về ngủ miếu đình
say ngất ngưởng bên túi thơ bầu rượu
ơi một đời yên lặng chẳng đao binh
xin đừng đến những hoàng hôn giẫy chết
cho loài người thôi ôm mộng cuồng chinh..

BÀI VIẾT CHO THẰNG EM QUÁ CỐ

tròn năm năm từ khi mầy nằm xuống
vĩnh viễn không còn mặc áo kaky
là năm năm tao đi làm lính thú
tiếp tục như mầy mặc áo trây di

tròn năm năm tao không về lần giỗ
thằng em mình nằm xuống thật thảm thương
tao vẫn nghèo nên không tiền xây mộ
mầy hiểu cho tao trong nỗi đoạn trường

cha mẹ qua đời tao vừa lên chín
mầy mới lên hai chập chững khóc cười
hai thằng lớn lên rồi mầy đi lính
tao dạy học trò ngày tháng buồn rơi

rồi một mùa xuân tin từ mặt trận
mầy đã ra đi từ giả cõi đời
quá xót thương mầy thằng em lận đận
tao khóc trong lòng mà nước mắt rơi

con nhỏ bồ mầy bây giờ nghỉ học
nó đã theo chồng về nước từ lâu
nó không thể sống một đời đơn độc
tao cũng gượng cười tiễn đứa em dâu

nay ngày giỗ mầy tao còn biền biệc
một vò rượu đầy dăm chiếc nem khô
với một tình thương cho mầy tha thiết
ngồi nhớ đến em buồn rớt không ngờ..
(trích trong tập thơ Nếu Ngày Mai Giải ngũ
của Hồ Chí Bửu-Động Đất xuất bản lần thứ 1 năm 1972)


Trần Văn Nam * Văn chương phản ánh và ký thác

 

Văn chương phản ánh ở những truyện dài

Văn chương ký thác ở những tập thơ


Một đất nước đang vận động cũng như một cơ thể đang hoạt động, biết bao nhiêu phức tạp chứa đựng ở trong đó. Muốn phản ánh cơ chế sinh hoạt này thì không thể chỉ dăm ba điều phác họa, dăm ba nét tượng trưng, dăm ba dáng biểu hiện, mà phải là những công trình đồ sộ.

Thursday, December 13, 2012

NGUYỄN HỮU THỐNG * HIẾN CHƯƠNG NHÂN QUYỀN CHO VIỆT NAM



Năm 1986, khi nhận Giải Hòa Bình Nobel, nhà văn Elie Wiesel đã minh thị cam kết:
“Tôi thề sẽ không bao giờ im tiếng nếu ở đâu và khi nào con người còn bị đau khổ và đầy đọa. Chúng ta phải nhập cuộc. Trung lập chỉ có lợi cho kẻ đàn áp. Im lặng là khuyến khích kẻ áp bức. Do đó chúng ta phải can thiệp. Khi đời sống con người bị đe dọa, phẩm giá con người bị chà đạp, các biên thùy quốc gia không còn quan trọng nữa. Nơi nào con người bị hành hạ vì lý do tôn giáo, chính trị hay chủng tộc, nơi đó lập tức trở thành trung tâm của vũ trụ.”
Từ 3 thập niên Việt Nam là địa bàn hoạt động mà cũng là môi trường sinh động của những cuộc tranh luân và lên tiếng về nhân quyền. Ở đây nhân phẩm bị chà đạp, đời sống của người dân bị đe dọa, con người bị đàn áp vì lý do tôn giáo, chính trị, chủng tộc hay thành phần xã hội.
Đặc biệt là, sau cuộc Cách Mạng Dân Chủ tại Đông Âu và Liên Xô năm 1991 có hàng trăm tù nhân chính trị và tù nhân tôn giáo đã bị bắt giữ, truy tố và kết án về những tội danh giả tạo hay cưỡng ép như phản nghịch, gián điệp, phá hoại chính sách đoàn kết quốc gia, tuyên truyền chống nhà nước, lợi dụng quyền tự do dân chủ v...v... Không tháng nào không thấy những vụ đàn áp khủng bố, hăm dọa sách nhiễu, điều tra giam giữ hay kết án oan ức các công dân lương thiện có lòng với đất nước và có dũng cảm đứng lên đòi Tự Do, Công Lý, Dân Chủ và Nhân Quyền. 
Để phản ứng lại, các Chính Phủ và Quốc Hội các nước dân chủ tiên tiến, các Hội Bảo Vệ Nhân Quyền trên thế giới, các Nghiệp Đoàn Ký Giả Không Biên Cương và các Tổ Chức Văn Bút Quốc Tế đồng thanh cảnh giác nhà cầm quyền Hà Nội về những vi phạm nhân quyền, đồng thời phản kháng và đòi nhà cầm quyền phải tôn trọng nhân quyền bằng cách trả tự do cho các tù nhân lương tâm.
Nếu nhân quyền có tính toàn cầu, bất khả phân, liên lập và liên quan với nhau thì sự can thiệp và nhập cuộc của nhân loại văn minh cũng có tính toàn cầu, thường xuyên, tức thời và đồng bộ.
Ngày nay, theo quan niệm nhà văn Elie Wiesel, Việt Nam đã làm thức tỉnh lương tâm nhân loại và trở thành trung tâm của vũ trụ.
Trình bầy về những vấn đề nhân quyền tại Việt Nam nhằm đề xướng, phát huy, tôn trọng và thực thi quyền con người tại Việt Nam. Đồng thời để góp phần vào việc tìm kiếm các phương thức nhằm loại trừ hữu hiệu những vi phạm nhân quyền trên thế giới. Đây là một công trình nặng về tình tự dân tộc và tình thương nhân loại.
Trong chiều hướng đó, soạn thảo và công bố Hiến Chương Nhân Quyền Cho Việt Nam không phải chỉ để dành riêng cho người Việt, mà còn để thúc đẩy các dân tộc và các quốc gia đang trên đường phát triển tại Á Phi và Châu Mỹ La Tinh hội nhập vào trào lưu dân chủ hóa và toàn cầu hóa.
Có như vậy nhân quyền mới được thực sự tôn trọng và thực thi đem lại tự do hạnh phúc cho con người, hòa giải thân thiện cho các quốc gia, thông cảm bao dung cho các dân tộc, tiến tới một Thế Giới Đại Hòa trong tinh thần bình đẳng, hợp tác và hữu nghị.
Đây là giấc mơ ngàn đời của nhân loại theo đó người trong bốn biển đều là anh chị em.
Muốn xây dựng tự do dân chủ cho Việt Nam đường lối hữu hiệu nhất là đấu tranh cho nhân quyền. Vì nhân quyền là mục tiêu chung của những người Việt Nam yêu nước, là mẫu số chung để kết hợp lòng người.
Mặt Trận Nhân Quyền chủ trương truyền bá nhân quyền, đấu tranh đòi thực thi nhân quyền và phản kháng những vi phạm nhân quyền.
Muốn phát động phong trào phải nâng cao dân trí và chấn hưng dân khí.
Để nâng cao dân trí trước kia chúng ta có Phong Trào Truyền Bá Quốc Ngữ. Ngày nay, trong kỷ nguyên thông tin, để khai thông dân trí chúng ta có những phương tiện truyền thông tân kỳ.
Muốn chấn hưng dân khí chúng ta phát động Phong Trào Truyền Bá Nhân Quyền để phổ biến những kiến thức nhân quyền cho quảng đại quần chúng nhất là giới học sinh sinh viên là những người thiết tha với tiền đồ dân tộc. Có kiến thức nhân quyền người dân sẽ có ý thức nhân quyền. Có ý thức nhân quyền người dân sẽ biết rõ họ có quyền đòi nhà nước thực thi những quyền gì, và những quyền này đã bị tước đoạt ra sao? Từ đó họ sẽ công phẫn và cảm thấy tủi hổ phải sống dưới một chế độ phi nhân, độc tài, tham nhũng, bất công và bất lực. Từ chỗ phẫn tâm đó mới nẩy ra ý chí đấu tranh.
Nhân quyền từ đâu mà có?
Từ khi con người biết sống hợp quần trong xã hội để thành lập quốc gia, giữa người dân và quốc gia có những nghĩa vụ hỗ tương phát sinh từ một khế ước mặc nhiên mệnh danh là khế ước xã hội. Chiếu khế ước này người dân có nghĩa vụ phải đóng thuế để nuôi dưỡng quốc gia, phải đi lính để bảo vệ bờ cõi của quốc gia. Chiếu nguyên tắc quân bình giữa quyền lợi và nghĩa vụ, để đáp lại những hy sinh về sinh mạng và tài sản của người dân, quốc gia cũng có nghĩa vụ phải bảo đảm cho người dân những quyền căn bản như quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc. Đó là những dân quyền xuất phát từ tư cách công dân.
Nhân quyền bao quát hơn và có trước dân quyền. Nhân quyền áp dụng cho tất cả mọi người, từ đứa trẻ hài nhi đến các trú dân. Nhân quyền xuất phát từ nhân phẩm, từ giá trị bẩm sinh của con người. Đây là những quyền của con người (human rights) như những quyền dân sự chính trị, mà cũng là những nhu cầu của con người (human needs) như những quyền kinh tế xã hội và văn hóa giáo dục. Những quyền này xuất phát từ tư cách con người và tư cách công dân.
Các nước tự do dân chủ đặt vấn đề nhân quyền toàn diện, gồm cả những quyền kinh tế xã hội (cơm ăn áo mặc, y tế giáo dục) và những quyền dân sự chính trị (tự do nhân thân, tự do tinh thần, tự do chính trị).
Theo quan điểm của các nhà lập quốc Hoa Kỳ những vấn đề kinh tế xã hội chỉ có thể được giải quyết thỏa đáng trong chế độ tự do kinh doanh, tự do cạnh tranh với sự trọng tài của một chính quyền dân chủ do người dân tự do bầu lên. Vì nếu không có một chính phủ dân chủ thì những lợi ích kinh tế đạt được rồi cũng sẽ bị phe cầm quyền tước đoạt bằng tham nhũng và lạm quyền. Lịch sử đã chứng minh rằng những nước tự do dân chủ đã giải quyết thỏa đáng hơn những nhu cầu kinh tế xã hội và văn hóa giáo dục của người dân.
Từ thế kỷ 13 Anh Quốc ban hành Đại Hiến Chương (Magna Carta), đề xướng và bảo vệ quyền tự do nhân thân của người dân, không bị bắt bớ, giam giữ, lưu đầy hay hành quyết nếu không có bản án hợp pháp của hội thẩm đoàn nhân dân xác nhận tội trạng chiếu theo luật pháp quốc gia. Đại Hiến Chương không cho phép nhà nước bắt giam phòng ngừa, quản thúc tại gia hay “quản chế hành chánh” những người đối kháng có dũng cảm đứng lên đòi cải thiện đường lối và chính sách quốc gia.
Tuyên Ngôn Độc Lập Hoa Kỳ (1776) nhìn nhận quyền bình đẳng của con người là một chân lý hiển nhiên, và đề xướng những nhân quyền căn bản như quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc. Đây là những quyền bẩm sinh, bất khả xâm phạm do Tạo Hóa ban cho con người.
Tuyên Ngôn Nhân Quyền và Dân Quyền Pháp (1789) nêu lên 3 mục tiêu tự do, bình đẳng, bác ái, quan niệm nhân quyền là những quyền tự nhiên, thiêng liêng, bất khả chuyển nhượng của con người. Tuyên Ngôn cảnh giác nhân loại rằng: “Sự phủ nhận, khinh miệt hay lãng quên nhân quyền là những nguyên nhân đem lại đại bất hạnh cho người dân và sa đọa cho chính quyền. Mục đích của mọi tập hợp chính trị là để bảo toàn những quyền tự nhiên và bất khả chuyển nhượng của con người như quyền tự do, quyền tư hữu, quyền an ninh và quyền đối kháng bạo quyền”.
Tuyên Ngôn Độc Lập Hoa Kỳ và Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền (1948) cũng dành cho người dân quyền đối kháng.
Từ thế kỷ thứ tư trước Công Nguyên một số Nho Gia tiến bộ cũng chủ trương người dân có quyền đứng lên lật đổ bạo quyền: “Giết vua tàn bạo cũng như giết kẻ độc phu” (Tuân Tử); “Ta chỉ nghe nói giết tên Trụ chứ không nghe nói giết vua” (Mạnh Tử). Đó là quan niệm quý dân khinh vua (dân vi quý, quân vi khinh) mở đường cho chế độ dân chủ với một “chính quyền bởi dân, của dân và vì dân” (Lincoln).
Năm 1941, tại diễn đàn Quốc Hội Hoa Kỳ, Tổng Thống Franklin Roosevelt đề xướng 4 quyền tự do căn bản (The 4 Freedoms):
1. Tự do ngôn luận (freedom of speech).
2. Tự do tín ngưỡng (freedom of belief).
3. Quyền được giải thoát khỏi sự túng thiếu (freedom from want).
4. Quyền được giải thoát khỏi sự sợ hãi (freedom from fear), sợ hãi do nạn xâm lược bên ngoài và chuyên chế bên trong.
Lời Mở Đầu Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền cũng nhắc lại 4 quyền căn bản này: “Việc đạt tới một thế giới trong đó mọi cá nhân đều có quyền tự do ngôn luận, tự do tín ngưỡng, được giải thoát khỏi sự sợ hãi và sự khốn cùng, được tuyên xưng là nguyện vọng cao cả nhất của con người.”
Tuyên Ngôn Nhân Quyền và Dân Quyền Pháp đề xướng những nguyên tắc về dân chủ pháp trị:
1. Tự do là quyền được làm mọi điều mà không gây thiệt hại cho người khác.
2. Điều gì luật pháp không cấm là cho phép.
3. Công dân được quyền bình đẳng tham gia công vụ.
4. Mọi người được suy đoán là vô tội.
5. Không ai có thể bị quấy phá vì những quan điểm về tư tưởng hay niềm tin về tôn giáo. Quyền tự do phát biểu quan điểm là một quyền cao quý nhất của con người.
Công Ước Dân Sự Chính Trị Liên Hiệp Quốc (1966) nêu lên 7 nhân quyền căn bản không thể bị đình chỉ dầu trong tình trạng khẩn trương hay chiến tranh:
1. Quyền sống.
2. Quyền không bị tra tấn hành hạ.
3. Quyền không bị nô lệ hay nô dịch.
4. Quyền không bị câu thúc thân thể vì thiếu nợ.
5. Quyền không bị kết án về một tội hình sự do những hành động không cấu thành tội hình sự chiếu luật pháp quốc gia hay luật pháp quốc tế, luật pháp quốc tế là những nguyên tắc hình luật tổng quát được thừa nhận bởi cộng đồng các quốc gia (như Luật Quốc Tế Nhân Quyền).
6. Quyền được công nhận là con người có tư cách pháp nhân để được quyền bình đẳng trước pháp luật.
7. Quyền tự do tư tưởng, tự do lương tâm và tự do tôn giáo.
Chiếu Hiến Chương Liên Hiệp Quốc (1945) các quốc gia hội viên cam kết cộng tác với Liên Hiệp Quốc trong việc tôn trọng và thực thi nhân quyền trên toàn cầu.
Vì nhân quyền có tính toàn cầu, bất khả phân, liên lập và liên quan với nhau, quốc gia có trách nhiệm tiên khởi và có nghĩa vụ phải thực sự thi hành đầy đủ và đồng đều nhân quyền và những quyền tự do căn bản cho tất cả mọi người, không phân biệt chủng tộc, mầu da, nam nữ, ngôn ngữ, tôn giáo, chính kiến, nguồn gốc quốc gia, thành phần xã hội, tài sản, dòng dõi, hay bất cứ thân trạng nào khác.
Với Hiến Chương Liên Hiệp Quốc, vấn đề nhân quyền đã được quốc tế hóa. Từ nay các quốc gia hội viên Liên Hiệp Quốc không thể chủ trương rằng việc họ thủ tiêu, tàn sát hay đàn áp các công dân của họ chỉ là vấn đề nội bộ!
Để kỷ niệm ngày ban hành Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền, ngày 10 tháng 12 mỗi năm được gọi là Ngày Quốc Tế Nhân Quyền.
Năm 1994, Lưỡng Viện Quốc Hội Hoa Kỳ thông qua Nghị Quyết Chung lấy ngày 11 tháng 5 mỗi năm là Ngày Nhân Quyền cho Việt Nam. Nghị Quyết này đã được Tổng Thống Hoa Kỳ phê chuẩn và ban hành để trở thành Luật Công Pháp ngày 25-5-1994 (số 103. 258), với nội dung chủ yếu như sau:
“Quốc Hội Hoa Kỳ yêu cầu Chính Phủ Hà Nội:
1. Phóng thích tất cả các tù nhân chính trị.
2. Bảo đảm cho nhân dân Việt Nam quyền bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt tín ngưỡng, chính kiến, hay đoàn thể trong quá khứ.
3. Phục hồi các nhân quyền căn bản như tự do ngôn luận, tự do tín ngưỡng, tự do di chuyển và tự do lập hội.
4. Bãi bỏ chế độ độc đảng.
5. Công bố một phương án và lịch trình tổ chức tổng tuyển cử tự do và công bằng dưới sự giám sát của Liên Hiệp Quốc để nhân dân Việt Nam được hành sử quyền dân tộc tự quyết”.
Lập trường chung thủy của nhân dân và Quốc Hội Hoa Kỳ gây cảm hứng cho nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh đòi Tự Do, Công Lý, Dân Chủ và Nhân Quyền.
LUẬT QUỐC TẾ NHÂN QUYỀN.
Nhân quyền và những quyền tự do căn bản được quy định thành văn trong Luật Quốc Tế Nhân Quyền do Liên Hiệp Quốc ban hành sau Thế Chiến 2. Mục đích để đề cao nhân phẩm, đem lại tự do hạnh phúc cho con người, hoà giải thân thiện cho các quốc gia, thông cảm bao dung cho các dân tộc, tiến tới một Thế Giới Đại Hòa trong tinh thần bình đẳng, hợp tác và hữu nghị.
Luật Quốc Tế Nhân Quyền bao gồm những điều khoản nhân quyền trong Hiến Chương Liên Hiệp Quốc (1945), Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền (1948) và Phụ Đính Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền (1998), Công Ước Quốc Tế về những Quyền Dân Sự và Chính Trị (1966) và Công Ước Quốc Tế về những Quyền Kinh Tế Xã Hội và Văn Hóa (1966). Ngoài ra còn có khoảng 50 công ước bổ túc và khai triển như Công Ước Chống Diệt Chủng (1949), Công Ước về Quy Chế Tỵ Nạn (1951), Công Ước Chống Kỳ Thị Chủng Tộc, (1965) Công Ước Chống Kỳ Thị Phụ Nữ, (1979), Công Ước Chống Tra Tấn Hành Hạ (1984), Công Ước về Quyền của Thiếu Nhi (1989) v...v...
Thoạt kỳ thủy, cũng như các bản tuyên ngôn ý định, Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền (1948) chỉ có giá trị tinh thần, nhằm đưa ra những quan niệm chung và những tiêu chuẩn để giải thích nhân quyền trong khi chờ đợi các Công Ước Quốc Tế về những Quyền Dân Sự Chính Trị và về những Quyền Kinh Tế Xã Hội Văn Hóa. Hai Công Ước quốc Tế này đã được Liên Hiệp Quốc biểu quyết thông qua năm 1966. Và mãi đến năm 1976 hai Công Ước này mới được phê chuẩn để có hiệu lực chấp hành. Trong thời gian gần 3 thập kỷ chờ đợi, nhân loại văn minh không có Luật Quốc Tế Nhân Quyền. Trong khi đó nhân quyền là một vấn đề nóng bỏng. Từ 1948, mỗi năm Ủy Ban Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc nhận đuợc khoảng 20 ngàn đơn khiếu tố các chính phủ vi phạm nhân quyền. Để bổ xung vào sự khống khuyết này, các quốc gia hội viên Liên Hiệp Quốc đã minh thị xác nhận giá trị pháp lý của Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền trong các Công Ước Nhân Quyền Liên Châu, các Hiệp Ước Quốc Tế và các Đại Hội Quốc Tế Nhân Quyền như:

  1. Công Ước Nhân Quyền Âu Châu (1950) với 22 quốc gia kết ước.
  2. Hiệp Ước Hòa Bình Nhật Bản (1951) với 49 quốc gia kết ước.
  3. Đại Hội Quốc Tế Nhân Quyền Teheran (1968).
  4. Công Ước Nhân Quyền Mỹ Châu (1969) với 21 quốc gia kết ước.
  5. Công Ước Helsinki (1975) với 35 quốc gia kết ước.
  6. Hiến Chương Phi Châu về Nhân Quyền và Dân Quyền (1981) với 52 quốc gia kết ước.
  7. Hiến Chương Paris (1990) ký kết bởi 34 vị nguyên thủ quốc gia sau khi Đông Âu giải thể Cộng sản.
  8. Đại Hội Nhân Quyền Vienna (1993) với sự tham dự của hơn 170 quốc gia và trên một ngàn hiệp hội nhân quyền ngoài chính phủ.
Năm 1976, với sự phê chuẩn 2 Công Ước Quốc Tế về những Quyền Dân Sự Chính Trị và về Những Quyền Kinh Tế Xã Hội Văn Hóa, Liên Hiệp Quốc chính thức ban hành Luật Quốc Tế Nhân Quyền (International Bill of Human Rights).
Luật Quốc Tế Nhân Quyền là văn kiện pháp lý quan trọng nhất trong thời đại chúng ta. Hai Công Ước Quốc Tế Nhân Quyền là hai hiệp ước quốc tế quan trọng nhất trong lịch sử loài người.
Bước sang thiên niên kỷ mới, chúng ta kỳ vọng rằng, rồi đây bạo lực sẽ nhường chỗ cho thuyết phục, chiến trường sẽ nhường chỗ cho hội trường và chiến tranh thế giới sẽ bị thay thế bởi luật pháp quốc tế. Trong niềm tin tưởng đó chúng ta công bố HIẾN CHƯƠNG NHÂN QUYỀN CHO VIỆT NAM.

Luật Quốc Tế Nhân Quyền đề xướng Quyền Dân Tộc Tự Quyết và 26 Nhân Quyền căn bản.

QUYỀN DÂN TỘC TỰ QUYẾT.

Quyền thiết yếu trong chế độ dân chủ là quyền dân tộc tự quyết.
Về mặt quốc nội, dân tộc tự quyết là quyền của người dân được tự do lựa chọn chế độ chính trị kinh tế của quốc gia, và tự do lựa chọn các đại biểu của mình trong chính quyền để thực thi chế độ đó. Trong chiều hướng này người dân có quyền tự do lựa chọn các chế độ chính trị như Quân Chủ Lập Hiến (Anh, Nhật, Thái Lan ...), Cộng Hòa Dân Chủ (Hoa Kỳ, Pháp, Ấn Độ ...) hay Dân Chủ Xã Hội (Thụy Điển, Na Uy, Đan Mạch, Canada, Úc, Tân Tây Lan ...). (Chế độ Cộng Sản mệnh danh là Xã Hội Chủ Nghĩa không do nhân dân lựa chọn mà do Đảng Cộng Sản áp đặt sau khi cướp được chính quyền bằng bạo lực).
Dân tộc tự quyết gồm có quyền tự do tuyển cử và quyền tham gia chính quyền để thiết lập chế độ dân chủ pháp trị. Lời Mở Đầu Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền cũng nhận định rằng: “Điều cốt yếu là nhân quyền phải được một chế độ pháp trị bảo vệ để con người khỏi bị dồn vào thế cùng phải nổi dậy chống áp bức và bạo quyền.”
Theo Tuyên Ngôn Độc Lập Hoa Kỳ “khi chính quyền vi phạm nhân quyền, người dân có quyền lật đổ chính quyền để thiết lập một chính quyền mới đặt căn bản trên những nguyên tắc và thể chế thuận lợi nhất cho việc bảo đảm an ninh và hạnh phúc của con người. Lịch sử đã chúng minh rằng nhân loại thường muốn chịu nhẫn nhục khổ cực hơn là muốn đứng lên đấu tranh để giải trừ các chế độ đã thiết lập từ lâu. Tuy nhiên với thời gian, nếu chính quyền vẫn ngoan cố tiếm đoạt và lạm quyền để siết chặt guồng máy thống trị bạo tàn bằng chế độ chuyên chính tuyệt đối, người dân có quyền và có nghĩa vụ đứng lên lật đổ chính quyền để giành lại những bảo đảm cho cuộc sống tương lai. Trải qua bao nhiêu giai đoạn đàn áp chúng ta đã thỉnh cầu chính quyền cải tổ bằng những lời lẽ nhu hòa nhất. Vậy mà bao nhiêu thỉnh cầu kế tiếp của chúng ta chỉ được trả lời bằng những thóa mạ thường xuyên. Chính quyền này đã biểu lộ cá tính của một bạo quyền. Nó không còn xứng đáng lãnh đạo một dân tộc tự do”…
Tâm trạng và ý nguyện của người dân Hoa Kỳ cách đây hơn 200 năm cũng là tâm trạng và ý nguyện của người dân Việt Nam hôm nay.
Về mặt quốc tế dân tộc tự quyết là quyền của các quốc gia được có chủ quyền độc lập và quy chế bình đẳng trong cộng đồng thế giới. Muốn xây dựng Thế Giới Đại Hòa trên căn bản bình đẳng, hợp tác và hữu nghị các cường quốc phải thực thi quyền dân tộc tự quyết.
Điều Thứ Nhất của hai Công Ước Quốc Tế về những Quyền Dân Sự Chính Trị và về những Quyền Kinh Tế Xã Hội Văn Hóa khuyến cáo các đế quốc có trách nhiệm cai trị, bảo hộ hay giám hộ các quốc gia khác phải thực thi quyền dân tộc tự quyết chiếu Điều 55 Hiến Chương Liên Hiệp Quốc. Phụ Đính Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền cũng kêu gọi các quốc gia hội viên hợp tác trên căn bản bình đẳng và hữu nghị, loại trừ những vi phạm quyền tự quyết của các dân tộc do chế độ đế quốc, cũng như vi phạm sự toàn vẹn lãnh thổ và quyền của các dân tộc và các cá nhân được sử dụng các tài nguyên và nguồn lợi thiên nhiên của đất nước do sự cưỡng chiếm lãnh thổ hay lãnh hải (Lời Mở Đầu).
Sau Thế Chiến 1, năm 1919 tại Hội Quốc Liên (League of Nations), tổ chức tiền thân của Liên Hiệp Quốc, Tổng Thống Hoa Kỳ Woodrow Wilson đề xướng quyền dân tộc tự quyết, khuyến cáo các đế quốc Tây Phương từng bước trả tự trị và độc lập cho các thuộc địa Á Phi. Hưởng ứng đề nghị này Anh Quốc trả độc lập cho Canada tại Mỹ Châu và A Phú Hãn tại Á Châu.
Cũng trong năm này tại Paris Luật Sư Phan Văn Trường, Chủ Tịch Hội Những Người Việt Nam Yêu Nước hướng dẫn Kỹ Sư Nguyễn Thế Truyền và Nguyễn Tất Thành (Hồ Chí Minh) đến yết kiến Tổng Thống Wilson để đệ trình Thỉnh Nguyện Thư của Dân Tộc Việt Nam, trong đó có đoạn như sau:
“Từ sau chiến thắng của Đồng Minh [chúng tôi kỳ vọng rằng] kỷ nguyên của Luật Pháp và Công Lý sẽ khai mở do sự thừa nhận quyền dân tộc tự quyết, đem lại hy vọng cho các dân tộc bị trị. Trong khi chờ đợi sự thực thi quyền dân tộc tự quyết, dân tộc Việt Nam xin đệ trình các Chính Phủ Đồng Minh và Chính Phủ Pháp những thỉnh nguyện khiêm tốn như sau:

  1. Ban hành đại xá cho các chính trị phạm Việt Nam.
  2. Ban hành quyền bình đẳng trước pháp luật, bãi bỏ hệ thống tòa án đặc biệt.
  3. Ban hành tự do báo chí và tự do ngôn luận.
  4. Ban hành tự do lập hội và tự do hội họp.
  5. Ban hành tự do di trú và tự do xuất ngoại.
  6. Ban hành tự do giáo dục.
  7. Thiết lập chế độ pháp trị.
  8. Thành lập Phái Bộ Thường Trực Dân Cử Việt Nam cạnh Quốc Hội Pháp để đạo đạt những thỉnh nguyện của quốc dân Việt Nam tới Quốc Hội Pháp”...
Khi Thế Chiến 2 còn đang tiếp diễn, Hoa Kỳ và Đồng Minh công bố Hiến Chương Đại Tây Dương (1941) và Tuyên Ngôn Liên Hiệp Quốc (1942), cam kết sẽ thực thi quyền dân tộc tự quyết và trả độc lập cho các thuộc địa khi chiến tranh kết thúc.
Mùa Xuân 1945, 50 quốc gia Đồng Minh họp Hội Nghị San Francisco để chính thức thành lập Liên Hiệp Quốc. Điều Thứ Nhất Hiến Chương Liên Hiệp Quốc đề xướng quyền dân tộc tự quyết, chủ trương tôn trọng chủ quyền độc lập của các quốc gia, chấm dứt chế độ thuộc địa.
Chấp hành những cam kết ghi trong Hiến Chương Đại Tây Dương
(1941), Tuyên Ngôn Liên Hiệp Quốc (1942) và Hiến Chương Liên Hiệp Quốc (1945)trong 4 năm, từ 1946 đến 1949tất cả các đế quốc Tây Phương như Anh, Pháp, Mỹ, Hòa Lan đã lần lượt tự giải thể để trả độc lập cho 12 thuộc địa Á Châu chiếu nguyên tắc dân tộc tự quyết:
- 5 nước thuộc Anh là Ấn Độ, Đại Hồi, Miến Điện, Tích Lan và Palestine.
- 5 nước thuộc Pháp là Syrie, Liban, Việt Nam, Cao Miên và Ai Lao.
- Cùng với Phi Luật Tân thuộc Hoa Kỳ, và Nam Dương thuộc Hòa Lan.
Năm 1947 Anh Quốc trả độc lập cho Ấn Độ, Đại Hồi và đăng ký hai quốc gia này là những nước độc lập tại Liên Hiệp Quốc. Cũng trong năm này, Cao Ủy Pháp tại Đông Dương và Quốc Trưởng Bảo Đại ký Hiệp Ước Sơ Bộ Vịnh Hạ Long theo đó Pháp cam kết thừa nhận chủ quyền độc lập của Việt Nam sau những cuộc thương thuyết chính thức. Năm 1947 Pháp đã đăng ký Việt Nam là quốc gia độc lập tại Liên Hiệp Quốc (Everyone’s United Nations trang 332, ấn bản 1986).
Chủ quyền độc lập của Việt Nam được chính thức thừa nhận trong Thông Cáo Chung Vịnh Hạ Long năm 1948. Và ngày 8-3-1949 tại Điện Elysée Paris, Tổng Thống Pháp Vincent Auriol ký với Quốc Trưởng Bảo Đại Hiệp Định Elysée để trả độc lập cho Việt Nam. Qua tháng sau, ngày 23-4-1949, chiếu nguyên tắc dân tộc tự quyết, Quốc Hội Địa Phương Nam Kỳ biểu quyết sát nhập lãnh thổ Nam Kỳ vào Quốc Gia Việt Nam độc lập và thống nhất từ Ải Nam Quan đến Mũi Cà Mâu. Một tháng rưỡi sau, ngày 6-6-1949, Quốc Hội Pháp phê chuẩn Hiệp Định Élysée về việc tái thống nhất Việt Nam, chấm dứt chế độ thuộc địa tại Nam Phần.
Và ngày 2-2-1950, Quốc Hội Pháp phê chuẩn toàn bộ Hiệp Định Élysée ngày 8-3-1949 với 12 Phụ Ước và 30 Đính Ước. Đồng thời Quốc Hội Pháp cũng phê chuẩn các Hiệp Định trao trả độc lập cho Ai Lao ký ngày 20-7-1949, và cho Cao Miên ký ngày 8-11-1949. Như vậy về mặt quốc tế công pháp, từ 1949, cùng với 9 quốc gia khác tại Á Châu, 3 nước Đông Dương Việt Miên Lào đã giành được độc lập thống nhất bằng đường lối đấu tranh chính trị và ngoại giao, không võ trang và không đổ máu.
Mặc dầu vậy Hồ Chí Minh đã phủ nhận 3 Hiệp Định Đông Dương ký kết tại Điện Elysée năm 1949, vì các Hiệp Định này không cho Đảng Cộng Sản Đông Dương độc quyền lãnh đạo quốc gia. Và họ đã tiếp tục phát động chiến tranh võ trang trong suốt 40 năm, từ 1949 đến 1989, để cướp chính quyền và bành trướng chủ nghĩa bá quyền. Như vậy Đảng Cộng Sản đã vi phạm quyền tự quyết của dân tộc Việt Nam muốn sống trong một chế độ tự do dân chủ và không bị áp đặt chế độ độc tài vô sản, hay đúng hơn, chế độ độc tài của Đảng Cộng Sản để thống trị vô sản và nhân dân.

Kỷ niệm Ngày Quốc Tế Nhân Quyền
10-12-2012
Luật Sư Nguyễn Hữu Thống
Sáng Lập Viên và Cố Vấn Mạng Lưới
Nhân Quyền Việt Nam