Văn chương phản ánh ở những truyện dài
Văn chương ký thác ở những tập thơ
Một
đất nước đang vận động cũng như một cơ thể đang hoạt động, biết bao
nhiêu phức tạp chứa đựng ở trong đó. Muốn phản ánh cơ chế sinh hoạt này
thì không thể chỉ dăm ba điều phác họa, dăm ba nét tượng trưng, dăm ba
dáng biểu hiện, mà phải là những công trình đồ sộ.
Về văn chương thì
tiểu thuyết hay truyện thật dài là hình thức có thể chuyển tải nội dung
với muôn hình vạn trạng của cơ chế nhà nước quốc gia. Không thể là
truyện ngắn, truyện vừa; thơ lại càng nên đứng ở vị trí một vài điểm
xuyết mơ hồ xa xôi của mình. Nếu có thơ hiện thực thì chỉ hiện thực ở
một điểm tĩnh mà thôi, làm thế nào gói trọn điểm động của xã hội trong
một bài thơ hay một thi phẩm. Tiểu thuyết đồ sộ hay truyện thật dài đảm
trách công việc này mới kham nổi, thậm chí một cuốn còn chưa đủ, phải là
một bộ trường thiên tiểu thuyết. Lý tưởng là nhiều tác gia với nhiều bộ
trường thiên trong cùng một thời, bởi vì một tác gia thì chỉ đào sâu
khía cạnh nào đó của xã hội đương thời mà thôi. Ví dụ cụ thể như ai cũng
biết xã hội Việt Nam từ năm 1975 trở đi dưới chế độ xã hội chủ nghĩa,
trong đó có những thời kỳ bao cấp rồi thời kỳ kinh tế thị trường, thời
kỳ làm ăn tập thể rồi thời kỳ cá thể kinh doanh. Là những người sống
trong thời cuộc dù ở hải ngoại, chỉ biết những điều thông thường qua mắt
thấy tai nghe, qua thông tin của báo chí; nghĩa là không phải những
chuyên gia xã hội hay chuyên gia kinh tế, nhưng ta cũng có thể đoán biết
bao mâu thuẫn ở trong nước giữa những người kiên trì khuynh hướng cũ và
những người theo hướng đổi mới, biết bao lệch lạc đúng hay không đúng
khi thi hành, biết bao lần mò kinh nghiệm và sửa sai. Không gì rõ hơn
những điều dằn co này, khi ta chỉ là người sống nơi hải ngoại, là hãy đi
vào những cuốn truyện dài do người trong nước viết ra. Biết qua những
mẩu tin ngắn về thời cuộc trong nước thì chỉ biết những lốm đốm, không
biết như một câu chuyện. Chẳng hạn như khi đọc tin tức loại thủy cầm như
vịt nuôi là mầm mống chứa vi khuẩn cúm gia cầm: vịt không phát bệnh
nhưng đi gieo rắc bệnh cho gà và các giống chim trời, thêm điều khó khắc
phục là thói quen thả vịt đi ăn khắp các cánh đồng ở Việt Nam.
Tin tức như vậy chỉ là tin có một chút về y tế sinh vật học, một chút
về xã hội tập quán. Không bằng đọc truyện “Cánh đồng bất tận” của Nguyễn
Ngọc Tư, qua đó ta biết tập quán rày đâu mai đó của những người chăn
vịt giang hồ thường lùa chúng đi qua cánh đồng này đến cánh đồng khác,
thậm chí đem cả vợ con sống trong chiếc ghe xuồng lần theo những sông
rạch xuyên suốt các cánh đồng. Con cái không thể đi học, vợ chỉ là vợ hờ
chấp vá sau bi kịch gia đình với người vợ đầu tiên. Bối cảnh quạnh hiu,
những đời người buồn bã. Không hiếm những văn gia xưa đã làm nên những
áng văn bất hủ lấy bối cảnh ở những cõi miền quạnh hiu, nhưng quạnh hiu
mà có tính chất siêu hình nên thơ như sa mạc với trăng sao của nhà văn
Pháp Saint-Exupéry, hoặc đại dương thần bí của nhà văn Mỹ Herman
Melville; ít có ai lấy bối cảnh trơ trọi của những cánh đồng chơ vơ
cuống rạ như Nguyễn Ngọc Tư. Vậy mà nhà văn này đã viết nên một tác phẩm
hay trên vùng đất tưởng chừng không có gì thành truyện. Tin tức khác
với câu chuyện là như vậy, nhưng đây mới chỉ là truyện ngắn, chưa phải
tiểu thuyết đồ sộ. Truyện dài khá lớn lao như “Mảnh Đất Lắm Người Nhiều
Ma” của nhà văn Nguyễn Khắc Trường, và “Chuyện Tình Trên Dòng Kinh Xáng”
của nhà văn Nguyễn Hồ mới ghi nhận được bộ mặt xã hội đang trăn trở,
đang chuyển động, của một đất nước đi từ xã hội chủ nghĩa đến xã hội
kinh tế thị trường nhưng có định hướng chỉ đạo của Đảng đương quyền. Kể
như thuộc phía bảo thủ kiên trì với thể chế, truyện dài của nhà văn
Nguyễn Khắc Trường sự thật không phải trăn trở về chế độ xã hội chủ
nghĩa, mà trăn trở về những con người bản chất xưa đã lọt vào Đảng và
chính quyền như Chủ tịch xã làng Giếng Chùa, ông Vũ Đình Phúc; như Bí
Thư Đảng Bộ xã, ông Trịnh Bá Thủ. Truyện dài này rõ ràng có khuynh hướng
trở về quy chế Hợp Tác Xã làm ăn tập thể, trở về Cải Cách Ruộng Đất
trước thời kỳ Khoán Đất cho nông dân làm ăn cá thể. Đất lắm người có ý
nói xã hội nhiều chuyện do sự tranh chấp của hai dòng họ Vũ và Trịnh,
tranh chấp dòng họ mà theo tác giả thì đó là biểu hiện dấu vết của thời
kỳ phong kiến còn tồn đọng. Đất lắm ma có ý nói con người còn nặng đầu
óc duy tâm tin chuyện dị đoan cúng bái của làng Giếng Chùa sau bao nhiêu
năm sống dươí chế độ Xã Hội Chủ Nghĩa kể từ năm 1954 cho đến nay. Tóm
tắt truyện như sau: Mở đầu truyện là hôn lễ được tổ chức linh đình cho
chú rể nhà họ Vũ và cô dâu nhà họ Trịnh. Việc tác hợp cho cô dâu Đào và
chú rể Tùng là một kỳ công lập nên tại làng Giếng Chùa, vì hai họ Vũ và
Trịnh có mối hiềm khích tranh chấp từ lâu năm tại làng này, mặc dù đây
là đất Bắc đã sống dưới chế độ Xã Hội Chủ Nghĩa ít nhất là từ năm 1954.
Bối cảnh ở Miền Bắc đã lâu năm theo Xã Hội Chủ Nghĩa, làng Giếng Chùa;
và thời gian ở vào thời kỳ Đổi Mới trong thập niên 1980, lúc bắt đầu có
chính sách chia ruộng khoán cho nông dân làm ăn cá thể, bãi bỏ chính
sách Cải Cách Ruộng Đất làm ăn tập thể có từ đầu thập niên 1950. Người
người xôn xao trở lại bản tính tư hữu, muốn có đất ruộng làm của riêng.
Có anh chỉ tối ngày lân la với rượu thịt như chú Quyềnh cũng đòi được
chia ruộng. Người chuyên nghề hớt tóc như chú Nghênh cũng đòi được chia
ruộng. Bưởi là học sinh đang đi học cũng được cha trù tính cưới vợ cho
đôi trẻ thành một hộ riêng để được chia ruộng. Tý và Hợi là đôi vợ chồng
định đưa nhau ly dị bây giờ lại muốn hòa giải, một phần do họ muốn làm
lành với nhau, một phần vì có thành gia đình thì mới đựơc nhiều ruộng
hơn là phải bị chia đôi. Tộc trưởng dòng họ Trịnh, ông Trịnh Bá Hàm, cha
của Bưởi, là người đầy mưu tính, muốn thâu tóm thật nhiều ruộng vào tay
mình, gạ gẫm mua ruộng của những người chẳng thiết tha gì với canh tác
như Quyềnh và Nghênh. Họ Trịnh làng Giếng Chùa có mối hiềm khích lâu năm
với họ Vũ, có thể đã bắt nguồn từ đời trước. Cụ Cố nhà họ Vũ kể rằng
khi mà họ Vũ đã lập nghiệp qua nhiều đời tại Giếng Chùa thì họ Trịnh mới
đến, và họ Trịnh khi đến thì làm thuê làm mướn ở trong làng. Họ Trịnh
thì tự hào đến nay đã có nhiều đảng viên họ Trịnh, có thể chi phối các
vụ bầu cử vào Ủy ban Nhân Dân Xã và Huyện. Cụ Cố họ Vũ có bệnh sắp gần
đất xa trời, vậy mà lo lắng bận tâm quá lắm vào việc đòi chia ruộng đất
cho dòng họ Vũ, sợ họ Trịnh thâu tóm nhiều quyền lợi. Đang có chức quyền
tại làng Giếng Chùa hiện tại thuộc họ Vũ có Vũ Đình Phúc nắm chức Chủ
Tịch Xã, còn họ Trịnh có Bí Thư Đảng Trịnh Bá Thủ. Hai ông này chung
mang những điểm giống nhau như đều là đảng viên, đều bề ngoài tử tế với
nhau mà bên trong lắm mưu ma chước quỷ hại nhau, và đều tin dị đoan do
thầy cúng Thống Biệu bày đặt lắm trò. Để củng cố cho tính Đảng nên tác
giả chỉ phê phán những đảng viên giả hiệu như Phúc và Thủ mà thôi, trong
khi làm nổi bật những đảng viên thật như Đào, con gái của Trịnh Bá Hàm;
và Tùng, cháu của Vũ Đình Phúc. Tùng đã đi bộ đội bốn năm, bây giờ phục
viên. Mẹ Tùng muốn con lấy vợ, lý do chính cũng để được chia ruộng,
nhưng Tùng thì muốn lên học Đại Học để thành kỹ sư nông nghiệp. Phúc
cũng khuyên Tùng nên lấy vợ, tương lai có thể là Chủ Tịch Xã; còn kỹ sư
chỉ là người làm công chẳng chức vị chính quyền gì, như vậy bỏ lỡ dịp
củng cố dòng họ Vũ làng Giếng Chùa. Tùng và Đào yêu nhau trong nghịch
cảnh hai dòng họ tranh chấp đó. Ông Hàm làm sao có thể nhận một con rể
thuộc dòng họ Vũ. Bí Thư Đảng và Chủ Tịch Xã của hai họ này cứ tìm cách
phá nhau. Công an Xã tên Cao thuộc dòng họ Trịnh chỉ bị Tùng xô nhẹ
xuống ruộng, vậy là Cao lấy giấy chứng thương thưa kiện lên huyện. Chủ
Tịch Xã Vũ Đình Phúc biết chuyện Quyềnh bán ruộng cho ông Hàm, vậy là
dịp tốt để ông bày cho Quyềnh làm đơn tố cáo ông Hàm phá hoại chính sách
chia ruộng khoán. Thợ hớt tóc Nghênh sợ, đến nhà ông Hàm xin chuộc lại
ruộng, vậy mà ông Hàm vẫn không chịu, hẳn là đã dựa vào một thế lực nào
đó mới dám làm chuyện phi pháp trái với chính sách nhà nước. Đây là vài
ví dụ điển hình về những mưu chước lớn nhỏ để phá uy tín nhau giữa hai
họ Trịnh và Vũ. Toàn tập truyện chỉ xoay quanh các vụ tranh chấp này,
gần như là những tranh chấp nhỏ nhặt chỉ để phá uy tín lẫn nhau, không
đưa tới những hãm hại trầm trọng, lớn nhất là vụ ông Hàm phải đi tù vài
ngày. Phía ưa tranh chấp thuộc họ Trịnh gồm có tộc trưởng Trịnh Bá Hàm,
Bí Thư Xã Trịnh Bá Thủ, Công an xã Cao. Phía ưa tranh chấp thuộc họ Vũ
có Cụ Cố, Chủ Tịch Xã Vũ Đình Phúc, chuyên viên bảo trì máy nông nghiệp
Tính. Nhân vật với cá tính nổi bật là Chu Văn Quyềnh, gần giống như nhân
vật Chí Phèo của nhà văn Nam Cao; tuy là người tối ngày la cà lui tới
những nơi rượu thịt, say xưa, ăn nói bừa bãi, dễ bị phục rượu để xui
khiến làm việc bậy khi thì do họ Trịnh, khi thì do họ Vũ; nhưng bản chất
thật thà tốt bụng; cuối cùng chỉ muốn làm người tử tế, và đã được như ý
với một mái ấm gia đình. Cốt truyện chỉ xoay quanh những vụ tranh chấp
nên không nhiều khúc mắc, gây cấn. Tuy nhiên có vài biến cố khá hấp dẫn
như vụ lường gạt góp tiền mở cửa hàng may mặc và đào tạo thợ may mặc,
làm ăn lớn theo hướng kinh tế thị trường của Tuyết Trinh, vợ hờ của
Bưởi. Tuyết Trinh giả đò trả tiền lời thật hậu cho vài người, mọi người
tin theo vì thấy cơ sở đã được bày biện quy mô trong xã, đua nhau cho
Tuyết Trinh vay tiền khuếch đại cửa hàng, trong số có cả ông Hàm đưa cả
sổ tiết kiệm ở Ngân Hàng, cuối cùng khi gồm thâu được hai trăm triệu
đồng thì Tuyết Trinh cuốn gói xa bay, nhưng rồi cũng bị bắt và số tiền
được hoàn trả cho các chủ nợ. Biến cố này là dịp tốt tác giả thu lấy để
cảnh giác hướng đổi mới, phê phán đó là một trong nhiều tệ nạn thời kinh
tế thị trường. Một dịp để phê phán thời ấy nữa là việc mở quán bán bia
hơi gây ồn ào và thâu tiền đến quán xem Video của Tám Râu, một người nhờ
đi vùng kinh tế mới và trúng mối sau khi làm thợ khai thác quặng mỏ mà
có nhiều tiền; và trở về Giếng Chùa làm xáo trộn thôn dã với tệ nạn tụ
tập trai làng chè chén. Biến cố đáng kể thứ hai là vụ đào mồ để ếm bùa
do thầy cúng Thống Biệu vấn kế cho Ông Hàm để hóa giải xui xẻo do mộ Cụ
Cố nhà họ Vũ trực chiếu mộ Cụ Tứ Đại nhà họ Trịnh. Kẻ bị phục rượu cho
no nê rượu thịt để làm việc đó không ai khác chú Quyềnh. May nhờ vợ của
chú, chị Thoa, đi báo tin cho ông Phúc hay; thế là một cuộc vay bắt quả
tang có công an làm biên bản xảy ra, và ông Hàm phải bị tạm giữ chờ ngày
ra tòa lãnh án. Đó là một thắng lớn để hạ uy tín nhà họ Trịnh. Không
chịu thua, ông Thủ bày mưu cho bà Hàm đi cầu xin Chủ Tịch Xã Phúc bãi
nại vụ thưa kiện này. Mưu như sau: ông Thủ biết rằng thuở xưa bà Son, vợ
ông Hàm hiện nay, vốn là người tình của ông Phúc. Bà Son bị cha gả ép
cho ông Hàm để trừ nợ, và ông Phúc được người chị của bà Son giúp (bằng
cách trao chìa khóa cho ông Phúc đến giải thoát cho bà Son bị cấm cố tại
một nơi để chờ ngày tổ chức đám cưới gả bán); giúp hai người trốn đi
khỏi làng; nhưng ông Phúc ngần ngừ không dám vì sợ tai tiếng cho dòng họ
Vũ. Trở lại hiện tại, việc ông Hàm bày mưu cho bà Son và Ông Phúc gặp
nhau ở bến sông vắng vào ban đêm, ngay chính nơi hai người thường hẹn hò
thuở xưa. Bà Son không dè âm mưu của ông Thủ, ngay tình chỉ mong cầu
xin bãi nại vụ thưa kiện chồng bà. Vậy là ông Phúc bị trúng bẫy, bị bắt
quả tang có công an Cao đi theo làm chứng ông đang hẹn hò với người tình
xưa mà nay là đàn bà đã có chồng. Ông Hàm được ra khỏi tù, chuyện hẹn
hò được giữ kín, nhưng Ông Phúc bị ông Thủ khống chế vì không muốn vụ
này tung ra khắp làng xóm. Ngoài hai biến cố khá hấp dẫn đã lược qua như
trên, còn có các biến cố nhỏ như phe ông Phúc ủng hộ việc lấp một phần
ao chùa để làm mặt bằng xây dựng Tổ Dịch Vụ Cơ Khí, trong khi phe ông
Hàm chống đối bằng cách cho Thống Biệu đi phao tin những câu chuyện rùng
rợn về ao thiêng làng Giếng Chùa. Tác giả làm đậm nét vùng đất lắm ma,
lắm mê tín dị đoan này, trong các trang phê phán việc bày đặt lễ Cúng Ao
Bà để quyên tiền do Thống Biệu lợi dụng lòng tin của dân làng. Tác giả
có khuynh hướng muốn trở lại đời sống tập thể của Hợp Tác Xã, làm nổi
bật vai trò của chủ nhiệm hợp tác xã Vũ Đình Tùng (được bầu sau khi cùng
với Đào đi lên Huyện dự môt khóa huấn luyện cán bộ, và Đào thì được bầu
làm Phó Chủ Tịch Xã). Và tác giả làm đáng chê đáng trách những người
muốn làm ăn cá thể, không chịu vào Hợp Tác Xã nông cụ, chỉ vì bất mãn
như Tính (chuyên về máy bom nước và máy xay sát lúa) và Ngũ (chuyên về
lò rèn). Nhìn toàn thể thì tập truyện này với ý hướng quay về chủ nghĩa
xã hội không xét lại; gồm có sự phê phán chính sách khoán ruộng dễ bị
lợi dụng do phát sinh tư hữu; phê phán kinh tế thị trường phát sinh
những người lường gạt (như vụ Tuyết Trinh), và đem lại tệ nạn xã hội
(như việc mở quán bia hơi); phê phán đảng viên giả hiệu lọt vào chính
quyền (như ông Phúc ông Thủ); phê phán lối sống duy tâm đưa tới mê tín
dị đoan (như Thống Biệu). Vậy đây là tác phẩm có tính cách trăn trở,
không thiện cảm thời kỳ đổi mới theo hướng kinh tế thị trường. Tác giả
vạch ra viễn tượng những đảng viên thực sự như Đào và Tùng sẽ xóa bỏ tàn
tích tranh chấp dòng họ: thể hiện viễn tượng này với một lễ cưới thực
ra chưa được mọi người trong hai họ đồng lòng (ông Hàm từng tuyên bố
không thể nào chấp nhận một con rể dòng họ Vũ). Đám cưới có được là do
sự quyết liệt của mẹ Đào bỏ đi mất tích (*) và tuyên bố chỉ trở về khi
đám cưới của Tùng và Đào được tác hợp... Những vấn đề được nhào nặn để
thành hình truyện dài “Mảnh Đất Lắm Người Nhiều Ma” của tác giả Nguyễn
Khắc Trường toàn là những vấn đề trọng đại của Việt Nam hiện đaị: Xã hội
chủ nghĩa, Biểu hiện phong kiến, Cải cách ruộng đất, Hợp Tác xã, Thời
kỳ đổi mới, Chính sách khoán ruộng, Kinh tế thị trường, Kinh doanh cá
thể, Bảo quản môi trường, Trùng tu di tích cổ, Mê tín dị đoan... Tất cả
là những trăn trở, xét lại nên hay không nên, và tác giả Nguyễn Khắc
Trường nghiêng về khuynh hướng trở lại chính sách làm ăn tập thể.
Không
phải trở lại nguyên si thời bao cấp mà hóa giải ưu khuyết điểm, nhà văn
Nguyễn Hồ trong tác phẩm “Chuyện Tình Trên Dòng Kinh Xáng” cũng trăn
trở những áp dụng xã hội chủ nghĩa sau năm 1975 ở trong Nam, trăn trở
những vấn đề như đi vùng kinh tế mới; tài năng cá nhân bên trên phân
biệt tư sản hay nông dân vô sản; đầu cơ trục lợi trong mở mang phát
triển ngành du lịch; cải đổi tâm trí thích bay nhảy an nhàn hơn là vào
khuôn khổ; tệ nạn xã hội và tàn hại môi trường do tự do kinh doanh. Đây
là chuyện của bốn nhân vật cùng ở một chiến tuyến vùng khu chiến trước
1975, ba người thuộc xã đội du kích trước đây là Năm Cải, Ba Thợ, Mười
Phải; còn Tư Hơn là người thuộc thành phần tư
sản nhưng song thân có nhiều công sức đóng góp tạo cơ sở ẩn núp và kinh
tế cho Mặt Trận Giải Phóng. Ngay sau năm 1975, Năm Cải là Trưởng ban
cải tạo xã Kinh Xáng. Mặc dù cha mẹ chị Tư Hơn có nhiều công đóng góp
trong cuộc chiến, nhưng bây giờ bị xếp vào thành phần tư sản và được yêu
cầu chuyển đổi cơ sở nhà máy xay lúa và tiệm hớt tóc khá lớn của họ
thành các tổ hợp Hợp Tác Xã, ngoài ra còn là thành phần phải đi vùng
kinh tế mới. Riêng Tư Hơn thì được ân huệ ở lại xã Kinh Xáng để làm việc
trong cơ quan, nhưng chị từ chối, nêu lý do cần phải đi theo săn sóc
cha mẹ già nơi vùng kinh tế mới An Đồng. Chị Tư Hơn và Ông Ba Thợ vốn là
hai người tình từ hồi còn chiến tranh. Ba Thợ sau năm 1975 thành thợ
hớt mà chủ nhân là chị Tư Hơn, điều này gây mặc cảm dày vò Ba Thợ vốn là
xã đội chiến đấu đầy tự hào, từ lý do đó sinh tật ưa uống rượu tiêu
sầu. Vào lúc này, chị Ba Bay vốn là người làm công trong nhà máy xay lúa
của cha mẹ Tư Hơn, bây giờ thành chủ nhiệm Hợp Tác Xã nhà máy xay lúa,
và thường ra tay săn sóc khi Ba Thợ say rượu, lần hồi hai người gần nhau
sau khi Tư Hơn đã đi vùng kinh tế mới. Năm Cải rất thiện cảm với những
người thuộc thành phần nông dân vô sản, cất nhắc cho họ tiến thân. Đám
cưới tác hợp cho Ba Thợ và Ba Bay thật linh đình, thành tựu nhờ sự giúp
đỡ của Năm Cải. Do đó, Tư Hơn nhận lấy chồng là một lực điền đi theo gia
đình chị về vùng kinh tế mới An Đồng. Anh chồng này chỉ là nhân vật mờ
nhạt, không thấy tác giả đề cập đến nhiều... Sau một thời gian cải tạo
xã Kinh Xáng đi vào lối sống tập thể, Năm Cải được chuyển công tác lên
thành phố, học đại học và đậu tiến sĩ kinh tế; tính ra đã xa cách Kinh
Xáng tới mười năm. Trong vòng mười năm này, có khoảng thời gian đổi mới
theo hướng kinh tế thị trường, trở lại cách làm ăn cạnh tranh cá thể, Xã
Kinh Xáng cũng trong vòng xoay chiều biến đổi. Nên khi cùng con gái vốn
là nhà báo trở về thăm Kinh Xáng, Năm Cải thấy nhiều sự thay đổi, đảo
lộn những điều Năm Cải đã cải tạo trước đây. Mười Phải vẫn là Chủ Tịch
Xã, nhưng Tổ Hợp Hớt Tóc không còn, Hợp Tác Xã Nhà Máy Xay Lúa thành của
tư nhân. Ba Thợ không còn là thợ hớt tóc của tổ hợp mà là thợ hớt tóc
dạo với cây đàn và giọng ca tài tử ngao du khắp thôn xóm. Chị Ba Bay
cũng không còn là chủ nhiệm Hợp Tác Xã, lui về sống nơi mấy công vườn,
và đã có rất nhiều con với Ba Thợ. Chủ nhân tiệm hớt tóc phát đạt và nhà
máy xay lúa tấp nập không ai khác, chính chị Tư Hơn thuở xưa. Nguyên là
sau khi lên vùng kinh tế mới, cha của Tư Hơn vốn là nhà kinh doanh nhìn
rộng thấy xa, biết rằng miền đất phèn An Đồng nên mở rộng thành vùng
trồng khóm xen kẽ với trồng xoài hơn là trồng lúa như các người khác
đang đồng cảnh. Và gia đình này đã thu hoạch lớn, chỉ trong vòng tám năm
mở mang thành cơ sở lớn, thu hút bao nhiêu người thất bại nơi đây có
việc làm lương hậu, thành công nhân đồn điền và xưởng đóng hộp xuất cảng
khóm. Và khi có chính sách đổi mới, Tư Hơn trở về xã Kinh Xáng mua lại
và phát triển lớn hơn tiệm hớt tóc và nhà máy xay lúa xưa, mà lúc bấy
giờ cả hai nơi đều sa sút dưới sự quản lý của Ba Bay va Ba Thợ: một
người thì không biết làm (bê trễ, không bảo trì máy móc, không dự trù
điện cúp nên có bữa làm bữa nghỉ); một người thì không thích làm (chỉ
thích uống rượu và đàn ca tài tử, lại còn có khi không chịu hớt tóc cho
lính chế độ cũ dù nay họ đều là thường dân, làm mất một số khách đáng
kể). Tiệm hớt tóc và nhà máy xay lúa thâu nhận vài người con của Ba Thợ,
do nghĩ đến tình cũ nghĩa xưa mà Tư Hơn giúp đỡ. Nhưng Kinh Xáng cũng
phơi bày ra một bộ mặt tiêu cực do hậu quả của tự do kinh doanh như việc
mở quán bán thịt chim cho khách ăn nhậu món lạ, thu hút những người đi
đánh bẫy chim kiếm sống làm tan tác môi trường sinh thái, thu hút càng
ngày càng nhiều đám thanh niên say xưa. Trẻ sớm đi bán báo và bán giấy
xổ số, ít thì giờ đến trường. Đường phố xã Kinh Xáng lác đác những bóng
hồng về đây kiếm sống, kêu gọi níu kéo đàn ông làm xáo trộn nhiều gia
đình ở chốn trước đây là thôn dã... Với kiến thức tiến sĩ kinh tế, Năm
Cải trở về xã Kinh Xáng với kế hoạch xây dựng nơi đây thành Khu Du Lịch
Sinh Thái. Đồ án đầu mới thảo ra nhưng đã bị tiết lộ làm cho nhiều người
khốn đốn vì vội đi vay nợ ngân hàng, vội vàng phá nhà cũ để chuẩn bị
xây nhà hàng, hoặc xây bến tàu đón khách du lịch, hoặc xây mặt bằng bên
kia sông để di dời cơ sở hiện có nơi đây với ý định dành nơi đây dựng
lên nhà lầu; vì tin tức phao đồn sẽ xây dựng phố tối tân cho du lịch
sinh thái chính nơi đang là phố cũ Kinh Xáng. Trong số có Tư Hơn. Nhưng
đồ án đầu thay đổi thành đồ án thứ hai: thay vì xây dựng phố mới ngay
chính nơi phố cũ thì bây giờ xây dựng phố mới nơi đang là vườn tược. Lại
phao đồn vì bị tiết lộ. Nhiều người trên thành phố đánh hơi đi mua đất
đầu cơ, vì đoán biết các khu vườn sẽ xây thành phố xá. Mấy công đất của
Ba Thợ nằm lọt vào khu xây dựng. Đó cũng do kế hoạch của Năm Cải muốn
gúp đỡ thành phần nông dân trở nên giàu nhờ bán đất. Ba Thợ trúng mối
bán đất, xây nhà mới thành một biệt thự khá lớn với nhiều tiện nghi văn
minh; các con tự ý nghĩ việc tại nhà máy xay lúa; Ba Thợ cũng thôi nghề
hớt tóc dạo. Có lần họ mướn tàu neo đậu tận Kinh Xáng cho cả gia đình
lên đi du ngoạn Suối Tiên Sài Gòn; hưởng các thú vui chốn thành đô; Ba
Bay và con gái sắm sanh quần áo và nữ trang, chơi cá độ và số đề đến mắc
nợ vì tiền đem theo tiêu gần hết. Một sự tiêu pha lãng phí vì tiền kiếm
được dễ dàng do trúng mối bán đất vườn. Đến đây dường như tác giả
nghiêng về mô tả tính tham lam của người do bản chất tự nhiên hơn là bị
đưa đẩy do thời kinh tế thị trường. Tính tham lam đưa tới đam mê đánh số
đề, rồi gỡ nợ bằng chuyện đi buôn lậu thuốc lá đưa về từ Thái Lan.
Chuyến đầu trót lọt, chuyến sau bị công an vay bắt mất hết vốn mà còn bị
phạt nặng, may nhờ còn tiền chơi hụi để nộp phạt. Ba Thợ buồn đi lang
thang trên phố Kinh Xáng nay đầy quán ăn chơi và nhiều tệ nạn xã hội và
sắp đến hồi tàn phá môi trường thôn dã của Kinh Xáng. Tình cờ Ba Thợ gặp
lại hai cha con người hát rong, và Ba Thợ thú nhận sự giàu sang đến quá
sớm và dễ dàng là một tai họa cho gia đình mình. Qua các câu vọng cổ,
Ba Thợ ước mong trở lại nghề hớt tóc dạo và đàn ca tài tử như xưa. Với
các giao động cuộc đời như trên của nhân vật Ba Thợ, ta không thấy gì
màu sắc chính trị xét lại nên hay không nên theo kinh tế thị trường hay
kinh tế hợp tác xã tập thể, chỉ là chuyện của một cá nhân có bản chất
thích ngao du, ưa ca hát và nhiều tự ái. Như vậy thì có thể nói tác giả
Nguyễn Hồ vừa khuynh hướng viết tiểu thuyết hư cấu vừa khuynh hướng viết
truyện dài phản ánh thời đại. Chỉ với nhân vật ông Năm Cải và Chủ Tịch
Xã Mười Phải, ta mới thấy rõ khuynh hướng phản ánh thời đại và thấy rõ
sự trăn trở biểu hiện thời kỳ từ xã hội chủ nghĩa sang kinh tế thị
trường theo định hướng chỉ đạo của đảng Cộng sản. Năm Cải thuộc khuynh
hướng thực thi xã hội chủ nghĩa, nào đẩy giới tư hữu về vùng kinh tế
mới, nào biến các cơ sở tư nhân thành tổ hợp và hợp tác xã; mọi ưu thế
dành cho nông dân vì biết rằng đầu óc quen mưu lơi tư sản như Tư Hơn dù
trong hoàn cảnh nào cũng có thể xoay sở, và quả đúng như vậy: bị đưa về
vùng kinh tế mới thì chẳng bao lâu lại làm giàu; bị lật ngược tình thế
do thay đổi đồ án quy hoạch khu du lịch sinh thái thì lại huy động nhiều
người góp vốn mua hết đất vườn chưa bán để lập ra khu vườn cây ăn trái
chất lượng cao (vừa thu nhập kinh tế lớn, vừa giữ được tính chất sinh
thái hơn là biến tất cả thành phố xá). Mười Phải thì hiện thân khuynh
hướng trăn trở, xét lại nên hay không nên triệt để thi hành; vì vậy có
khi nghiêng về ý kiến hữu lý của Tư Hơn muốn duy trì tính chất sinh thái
đừng biến đổi tất cả thành phố xá, có khi nghiêng về ý kiến của Năm
Cải, có khi dành ưu thế cho nông dân, có khi bênh vực giới tư sản bị
khốn đốn vì vay nợ ngân hàng; nên Mười Phải bị gọi là ông Ba Phải. Nhan
đề của truyện dài này là chuyện tình trên Kinh Xáng, nhưng ta không thấy
tình tiết lâm ly của một chuyện tình lãng mạn, không có những trang
tình tự thơ mộng, chẳng có những gút mắt ngang trái làm rơi lệ. Chỉ là
chuyện tình của hai nhân vật người nào cũng giữ thể diện ở giai cấp của
mình: Ba Thợ cứ ấm ức mình là người làm thuê làm mướn cho Tư Hơn; còn Tư
Hơn được miễn đi vùng kinh tế mới mà vẫn hy sinh tình cảm với Ba Thợ để
nhất quyết theo cha mẹ; trong khi có thể giải quyết bằng cách cứ đi đi
về về, vì vùng kinh tế An Đồng không xa chi mấy với Kinh Xáng. Lồng vào
đó là chuyện tình của thế hệ thứ hai giữa Thông (con trai của Tư Hơn,
quản lý tiệm hớt tóc cho mẹ) và Hạ (con gái của Năm Cải, cô là nhà báo
đi theo cha để viết bài về Kinh Xáng). Mối tình này có vẻ lãng mạn hơn,
có những chỗ đẹp như đoạn nói về cuộc đi dạo bằng xuồng vào vườn chim,
nơi hứa hẹn thu hút du khách viếng khu du lịch sinh thái Kinh Xáng sắp
xây dựng, cũng là nơi bị những người mở quán tự do kinh doanh tàn phá
môi trường thiên nhiên do thuê mướn bẫy chim, do vậy cũng là nơi Thông
bị đám người bẫy chim đánh cho một trận vì ngăn trở họ. Có lần Thông
nhảy sông định tiếp cứu Hạ tắm sông đang bơi vào chỗ nước sâu dưới gầm
cầu, nhưng chính là Thông bị nguy khốn, nhờ Hạ đưa vào bờ. Sau những hồi
ngang trái vì Năm Cải ngăn cản mối tình của họ, bắt Hạ quay trở về sài
Gòn, bao gồm một pha gây cấn khi Thông lén lên xe đò đi theo với Hạ đến
Sài Gòn. Nhưng sau khi đưa Hạ đến nơi, Thông quay về ngay. Rồi ngã bệnh
trầm cảm nặng, Hạ phải trở lại Kinh Xáng do sự cầu khẩn của Tư Hơn. Đoạn
cuối có ý nghĩa: Một hôm, Hạ và Thông đi trên sông, chứng kiến một vụ
xuồng lật, họ cùng nhảy sông giúp người, tin tức lan ra làm cho Tư Hơn
hốt hoảng cầu cứu cùng khắp. Cuối cùng Thông và Hạ đều lội được vào bờ;
cứu người; và tự cứu mình với nghĩa bóng nay không còn trở ngại nào cho
mối tình của họ.
Tính
giai cấp trong truyện dài này không đậm nét như trong truyện dài “Sóng Ở
Đáy Sông” của nhà văn Lê Lựu. Tác giả lấy sóng ngầm ở đáy sông để làm
ẩn dụ sự phân chia giai cấp, giữa người đàn bà làm công trong nhà với
ông chủ dan díu ăn ở với bà đến ba mặt con mà vẫn còn đối xử khinh miệt.
Sóng giai cấp vẫn âm ỉ dù họ đã sống dưới chế độ xã hội chủ nghĩa từ
1954. Tính giai cấp là đề tài đã cũ của văn nghệ xã hội chủ nghĩa được
khơi lại thời xã hội đổi mới theo hướng kinh tế thị trường. Cốt truyện
quay về xã hội Miền Bắc sau năm 1954, trong khi truyện dài “Xóm Vắng”
của nhà văn Dương Thu Hương thì cốt truyện xảy ra sau 1975 với vấn đề
cũng phức tạp là chuyện gì đã xảy ra với các thương binh tật nguyền trở
lại với gia đình, vài người bị bất lực về chăn gối, hoặc vợ đã qua tay
người khác vì tưởng rằng chồng đã mất tích không còn hy vọng trở về. Lấy
thời điểm 1954 và 1975 để lặp lại một lần nữa là các truyện dài hay
tiểu thuyết đồ sộ mới chuyên chở nổi bao nhiêu điều phức tạp thuộc bình
diện quốc gia, đất nước; sau hai niên biểu dễ nhớ trên. Trong khi văn
chương hải ngoại không bao trùm xã hội lên cấp quốc gia, mà là xã hội
của những người lưu vong mang tâm thức chính trị, hoặc di dân mang tâm
thức đi tìm nơi sinh sống mới. Một xã hội thu mhỏ lại, cũng như Sài Gòn
Nhỏ không phải như Sài Gòn, Litle Tokyo không phải như Tokyo, Korean
Town không phải như Korea... Phạm vi nhỏ thì cần những phản ánh nhỏ, và
phản ánh nhỏ không gì dễ hơn qua hình thức thi ca. Dễ mà thành khó, bởi
vì thơ không mất công nhiều, nhưng thơ cho thật đạt thì thuộc về nghệ
thuật do rung cảm của tâm hồn. Thơ như một phối âm thật hay; khác với
tạp âm ồn ào của thành phố hay đa âm đều đều của tháng ngày buồn hiu,
hoặc đơn âm làm buồn ngủ của tiếng đọc bài thiếu cảm hứng. Ngoài những
hồi ký chính trị của các nhân vật thuộc chính quyền chế độ trước ở Miền
Nam, những cuốn sách đồ sộ nhưng có thể không do tự nhân vật lịch sử
viết ra, vì vậy không lưu lại dấu vết tính cách hành văn biểu lộ tâm
hồn; với cách thức trình bày chi tiết cho người khác viết; việc giao câu
chuyện cho người viết mướn thường có ở Hoa Kỳ. Đồ sộ đó không phản ánh
từ những phức tạp xã hội thuộc cấp quốc gia, mà đồ sộ từ những chồng
chất sự kiện thời cuộc của hai chục năm chiến tranh ở Miền Nam. Truyện
dài hay tiểu thuyết đồ sộ hiếm có ở hải ngoại vì lý do không cần thiết
phản ánh xã hội phức tạp trên bình diện quốc gia trăn trở chuyển mình,
trên bình diện đất nước sinh động bởi những dằn co từ thể chế cách sinh
hoạt này bước qua thể chế cách sinh hoạt khác. Phức tạp ở hải ngoại đong
đưa giữa hội nhập hay chưa hội nhập; lưu vong chính trị hay di dân kinh
tế; thế hệ thứ nhất và thế hệ một rưởi và thế hệ thứ hai; việc làm do
quan hệ mua bán giữa cộng đồng và việc làm thâm nhập vào thị trường
người bản xứ; tình yêu còn giữ được nề nếp truyền thống và tình yêu theo
kịp văn minh khai phóng; nhà còn phải thuê mướn hay đã có nhà riêng, dù
to hay nhỏ; hoặc xe cộ mới sắm sanh; sức khỏe là vàng nơi xứ mà bảo
hiểm y tế quá đắt đỏ... Tất cả là những vấn đề tuy cũng phức tạp nhưng
có thể biểu hiện trong truyện ngắn, truyện vừa, hoặc thi ca; không cần
thiết nhờ hình thức đồ sộ của truyện dài hoặc trường thiên tiểu thuyết,
ngoại trừ “Mùa Biển Động” của nhà văn Nguyễn Mộng Giác là một ngoại lệ
vì tác giả đã huy động cả một thời lịch sử dài gần ba mươi năm của Miền
Nam từ 1954 kéo dài đến thời kỳ ở hải ngoại cuối thập niên 1980, do đó
nó là tiểu thuyết lịch sử, không phải tiểu thuyết phản ánh xã hội mà ta
muốn nhấn mạnh trong bài này; và do đó nó cũng đồ sộ như các hồi ký của
các tướng lãnh và chính khách chế độ Miền Nam, chỉ khác ở tính cách hư
cấu và hành văn. Tác phẩm “Tháng Ba Gãy Súng” của nhà văn Cao Xuân Huy
hay các tác phẩm liên hệ đến chiến tranh của Trần Hoài Thư, Thảo Trừơng,
Khánh Trường... đều là truyện vừa vì chỉ đóng khung trong một thời gian
ngắn của chiến tranh tại Miền Nam.
Thi phẩm là hiện tượng dồi dào mà buồn hiu tại hải ngoại. Nó phản ánh
hội chứng của lớp người lớn tuổi nơi hải ngoại; vậy cũng là phản ánh,
nhưng không do phức tạp tính xã hội mà do tâm cảm siêu hình của đời
người. Nhưng thi ca hải ngoại cũng có thể chia ra hai ngành hội chứng:
hội chứng hướng về bình minh và hội chứng hướng về chiều tà, nội hai
biểu tượng đó đủ nói lên lớp tuổi nào thuộc về hội chứng nào, nhưng
không phải tuyệt đối phân biệt, vì có người còn trẻ mà đã có khuynh
hướng ký thác, người tuổi cao mà vẫn nhiệt tình ủng hộ chủ nghĩa hiện
đại hướng về điều tân kỳ. Sáng tạo cái gì mới, đóng góp cái gì chưa ai
khai thác, đó là hướng về tân kỳ: tân kỳ về từ ngữ, tân kỳ về văn thể,
tân kỳ về đề tài, tân kỳ cảnh giới hải ngoại. Gửi gắm cho mai sau, dăm
ba điều nhắc nhở thế hệ trẻ, đó là hướng về ký thác: ký thác bằng mượn
lời của tôn giáo, ký thác bằng những kinh nghiệm gửi lại cho đời, ký
thác hướng về cảnh giới đời sau, ký thác cho đi tìm lại dĩ vãng và quê
hương. Kiểm điểm một số thi phẩm mà người viết bài này đang có trong
tay, hoặc là do mua, tình cờ nhặt được, hoặc do tác giả gửi tặng, thấy
rằng đa số thi phẩm thuộc hội chứng ký thác, một số ít thuộc hội chứng
đóng góp tân kỳ. Có người sẽ hỏi vậy thì thơ tranh đấu, thơ chính trị,
thơ hiện thực phê phán... thuộc hội chứng nào. Theo thiển nghĩ, hội
chứng thuộc về tâm bệnh, bệnh yêu văn chương (văn chương thuần túy),
bệnh sầu cảm chiều tà của đời người; còn lo toan cho chính trị cho tranh
đấu thì không phải tâm bệnh, nên văn chương hướng về những điều đó
không thuộc hội chứng nào. Yêu văn chương thuần túy mà lại là tâm bệnh
thuộc về hội chứng hay sao? Vậy thì yêu nghệ thuật thuần túy cũng thuộc
hội chứng? Là hội chứng đối với người quá thực tế lo mưu cầu sự sống
hàng ngày cho gia đình, cạnh tranh thương mại để được giàu sang phú quý;
nhưng không là hội chứng đối với người vừa lo toan cho thế sự vật chất
vừa đeo đuổi sự nghiệp tinh thần, đúng như lời một nhà thơ xưa (Tú
Xương) đã phát biểu trong bài thơ Khôn Dại: “Khôn nghề cờ bạc là khôn dại/ Dại chốn văn chương ấy dại khôn”.
Còn hướng về dĩ vãng ấu thời, hướng về niềm tin tôn giáo cho đời sau,
và hướng về kỷ niệm quê hương, có phải là hội chứng tâm bệnh hay không?
Ta có thể nói là tâm bệnh hay chỉ là tâm cảm, tùy theo người sáng tác
đưa hồn nghiêng đậm vào sầu não, hay chỉ phơn phớt biểu hiện một vài ý
tưởng siêu hình hoặc thương nhớ dĩ vãng. Chỉ là hội chứng khi tác giả
nói nhiều hay nghiêng nặng về điểm nào đó qua một vài từ ngữ thường vãng
lai, hay một ám ảnh thường lặp lại trong thơ. Hội chứng không có nghĩa
xấu, mà là từ ngữ chỉ lằn ranh cho ta có thể viết mà không sai lầm khi
bàn về thơ, luận về khuynh hướng của thi nhân, dễ từ đó trích dẫn để
minh họa. Nghiêng về chiều hướng ký thác do tuổi tác hoàng hôn, do ở
trong hoàn cảnh thu nhỏ khác với ở trong môi trường lớn thuộc bình diện
xã hội một quốc gia. Thêm vào đó, do kỹ thuật và giá cả in ấn không mấy
khó khăn, tự mình có thể trình bày lay-out sách tùy ý thích, cho nên thi
phẩm xuất hiện thật nhiều. Ai cũng có thể để lại cho đời một ít dấu vết
qua thi phẩm, sợ bị lãng quên hơn là có tham vọng làm nhà thơ lớn. Sắp
xếp lại các thi phẩm, ta có thể bày biện ra thành hai bên, một bên mang
các tựa đề thử nghiệm hay khai phá hoặc sáng tạo, một bên mang các tựa
đề hoài niệm hay gửi gắm. Một vài tác phẩm rõ nét ở về một phía, nhưng
nhiều tác phẩm trộn lẫn vừa ký thác vừa lệch qua hướng sáng tạo đóng góp
dăm ba điều mới cho thi ca. Về hướng đi tìm tân kỳ, ta chưa thể đi sâu
vào hình thức và nội dung thơ: có thể hình thức mới nhưng nội dung cũ,
có thể hình thức cũ mà nội dung hay đề tài mới, và nếu hình thức là hệ
quả của nội dung thì đó là điều quý hiếm. Vài thi phẩm tiêu biểu do nhan
đề xác định, tuy nhiên cần có các nhà phê bình nghiên cứu xem có đạt
như nhan đề biểu hiện hay không, như “Hóa Ra Nét Chữ Lên Đàng Quẩn
Quanh” của Ngu Yên (xuất bản năm 1986), “Chế Tạo Thơ” của Phan Nhiên Hạo
(xuất bản năm 2004), “Gene Đại Dương” của Hà Nguyên Du (xuất bản năm
2003), “Yên Đi” của Lưu Hy Lạc (xuất bản năm 1999). Hoặc có người sử
dụng các nhan đề mang ý hướng muốn trình bày lý thuyết như “Thơ Thử
Nghiệm” hay “Thơ Với Đề Tài Khác Lạ”. Cũng cần nói rõ thì đôi khi chính
người có thể gọi là thủ lãnh một trường phái thi ca lại không có thi
phẩm với nhan đề xác quyết hoặc bộc lộ tân kỳ hoặc có vẻ giải thích như
vậy. Nêu ra vài ví dụ rõ nét chỉ để làm sáng tỏ lằn ranh “hội chứng tân
kỳ” hay “hội chứng ký thác”. Phía ký thác phần lớn mang những nhan đề
gợi cảm hay mơ hồ thoáng thấy biết ngay đó là thi phẩm, không lẫn với
truyện hay bút ký. Chỉ có vài nhan đề rõ ràng muốn gưỉ gắm cảm nghĩ vô
thường cho đời mà thôi, như “Cõi Tạm” (xuất bản năm 1992) và “Vẫn Còn
Cõi Tạm” (xuất bản năm 1999) của Ngọc Hoài Phương, “Trăm Năm Để Lại” của
Trần Vấn Lệ (xuất bản năm 2005). Hoặc ký thác bằng mượn đôi lời của tôn
giáo (rất nhiều thi phẩm loại này, nhưng lắm lúc cũng đáng bàn khi tác
giả trộn lẫn làm giao thoa nhiều đức tin tôn giáo như trong tập thơ “Đóa
Vô Thường” của Hoàng Dũng xuất bản năm 2003). Những câu thơ trích dẫn
dưới đây để minh họa ở trong các tác phẩm ký thác ấy. Thơ ký thác gửi
lại cho đời đôi khi gần với tình ca, nhưng nghiêng nặng phía bi ca cõi
mất hơn phía hoan ca cõi còn. Cõi còn, tức còn nhiều hệ lụy, là thơ
tình. Việc sưu tầm trích dẫn “Những Câu Thơ Tình Xuất Sắc” (mà những thi
phẩm kể trên cũng không hẳn không có dăm ba câu) cần phải dành một
chương thật dài mới chứa đựng nổi bao nhiêu câu thơ hay được sưu tầm
trong rất nhiều thi phẩm xuất bản ở hải ngoại, những thi phẩm nằm ngoài
hai hội chứng Tân Kỳ và Ký Thác... Đặc tính chung, thơ ký thác chú trọng
về tâm cảm hơn cấu trúc hình thức thơ như ngôn từ hoặc thể thơ; do đó
ta thường vội nghĩ thơ của họ như lặp lại những ý tưởng trong kinh Phật,
hoặc những tình ý bao nhiêu người đã từng đề cập. Không vì thế mà thiếu
sự riêng biệt, và riêng biệt ở chỗ truyền cảm hay không, cũng tựa như
lời diễn tả trùng ý mà khác biên độ ở giọng nói làm ngừng lại nơi hồn
ta, hay trôi đi không một âm vang. Ví dụ trong bài thơ “Mang theo”, nhà
thơ Huy Trâm làm ta bâng khuâng theo lòng bâng khuâng của tác giả sau
khi ông đi khám bệnh biết mình mắc bệnh nan y: “Lo nghĩ, cũng vậy
thôi/ đời đến đâu hay đó/ trần gian, chuỗi đổi đời/ có sinh là có tử...
Về ngả lưng tư lự/ lâng lâng buồn nắng trưa/ khép hàng mi đợi ngủ/ chợt
vang tiếng còi xa... Bấy lâu nghe tàu qua/ trưa nay nghe thấy khác/ có
chút gì thiết tha/ trong buồn trưa man mác... có một điều rất chắc/ là
mốt mai lìa đời/ Về cõi xa, xa tắp/ còn thương trưa nắng phai”. (Trích trong phụ bản Quán Văn của Nhật Báo Người Việt, số ra ngày 15/ 6/ 2005). Hoặc
như nhà thơ Ngọc Hoài Phương, nói một điều bình thản về sinh tử cũng
giống nhiều người đã nói bằng bấy nhiêu thứ chữ diễn tả sắc không, nhưng
nghe sao mà rất tàn nhẫn cho đời người: “Có chi đâu / Phải vội vàng/ Trước sau rồi cũng/ xếp hàng theo nhau”
(Trích trong bài Phá Chấp); và nhà thơ thẩm thấu nỗi buồn cô đơn của
nhà văn Mai Thảo liệu có còn một mình trơ trọi ở kiếp sau: “Một mai/ xa dấu chân người/ Cõi riêng/ ta vẫn rượu mời riêng ta”
(Trích trong bài Cõi Riêng). Nhà thơ Hoàng Dũng cũng mượn các ý tưởng
Phật giáo như bao người khác mượn lời kinh kệ đã truyền bá lâu đời,
nhưng vài chỗ tác giả như trộn lẫn niềm tin đạo Phật với niềm tin Tụ Tán
Hư Không của triết lý Trang Tử, rồi với niềm tin Thiên Chúa ở cõi Trời:
“Tình tôi kết tụ từ muôn kiếp/ Biến thái luân hồi một đóa hoa (Trích trong bài Đóa Vô Thường)...
Mây bay xa đi tìm vùng gió bến/Gió khuất rồi tìm bến gió ở đâu/ Bởi vô
biên nên bến gió không bờ/ Làm sao thấy khi từng cơn gió hú (Trích trong bài Bến Vô Biên)...
Gió hú mây nguồn tuôn chín hướng/ Không gian mở hội- Cửu trùng mây/ Con
“Lốc” vô tình mang cát bụi/ Bụi cát trần gian trở về trời” (Trích
trong bài Đỉnh Gió). Nhà thơ Trần Vấn Lệ có những lời từ biệt người quá
cố rất độc đáo theo lối nhà binh, do đã từng chứng kiến những mất mát
của bạn bè trong cuộc chiến tranh, một chút gì trăm năm để lại viết cho
bạn mà cũng là viết cho mình. Nói trăm năm mà thâm tâm ngậm ngùi sự
thoáng chốc của kiếp người: “Long Ân! Thôi nhé! Chào anh nhé? Một
cách trang nghiêm rất tận tình/ Mình lính, tới đây còn chút lính/ Chào
anh, tôi lặng lẽ chào anh” (Trích trong bài Vĩnh Biệt Long Ân).
TRẦN VĂN NAM
*
Ghi chú: Trong sách, không phải qua phim truyện sửa đổi vài tình tiết,
thực sự Bà Son không mất tích mà chết đuối trong cơn khủng hoảng chạy
trong đêm tối nơi bờ sông, và tác giả làm ta mơ hồ không rõ do bà tự tử
hay trượt té đưa tới cái chết: “Có tiếng nước chảy ồ ồ phía trước. Bà
Son hào hển lao tới, như đấy là nơi giải thoát duy nhất đang chờ đón”.
(“Mảnh Đất Lắm Người Nhiều Ma” do nhà xuất bản Hồng Lĩnh ở California ấn hành năm 1991).
|