văn hữu vườn tao ngộ

Nơi lưu trữ tác phẩm của PBTD và thân hữu. Liên lạc: phanbathuyduong@gmail.com

Tuesday, January 15, 2013

Bùi Giáng * sầu ca sĩ




Em về bủa rộng chiêm bao
Buồn sông bóng mạ chìm sâu bên giòng
Đời xuân nức nở sầu trong
Giọt ngần sương bỏ xuống lòng thơ ngây

Tóc xanh kỳ hẹn sai ngày
Khóc ngang ngửa mộng canh dài mấy phen
Du dương từ giã hai miền
Nước truông còn chảy bên triền mây trôi

Đầu khe lá cỏ phai rồi
Đá vang tiếng ngựa bên lời ước mong
Trời đêm tinh tú chạy vòng
Ruổi rong về bích ngạn hồng vàng chiêu.

Bùi Giáng


TRÚC THANH TÂM * CHUYỆN NHƯ ĐÙA

tranh Nguyễn Đồng
 
Ta đã chết mà như không chết
Hồn vẫn còn quanh quẩn trần gian
Bởi địa ngục không còn chỗ trống
Và phía kia, khóa cửa thiên đàng !

Nghĩ mà thương những thằng bạc số
Sống trên đời chẳng có xác thân
Nghĩ mà tủi những lời hoa mỹ
Núp sau lưng mua bán quỷ thần !

Ta trở lại căn nhà từ biệt
Người thân vui, hồn cũng đỡ buồn
Vừa chạy được lá bùa hóa kiếp
Ghé Sài Gòn, ăn mì gõ đêm hôm !

Ở mọi miền, chợ đêm đâu cũng có
Chỗ bán thức ăn, chỗ bán nước, tuyệt vời
Đèn lấp lánh treo đời phù phiếm
Ta thấy mình sét đánh một lằn roi !

Chốn nhộn nhịp và những nơi mạt rệp
Cũng đèn dầu, cũng đấu đá, nhà xiu
Ba, bảy chục năm may mà được sống
Nghe quốc gọi bầy, bìm bịp lại kêu !

Ta đã biết đời là bến tạm
Bốn ngàn năm, gang tấc có gì xa
Những xác chết đã giữ yên bờ cõi
Nếu ghép bè, cũng qua huốt Trường sa !

Trăng hí hởn thả mình trên biển
Nào biết nỗi đau khi sóng vỡ tràn bờ
Ngủ một giấc cho thấy còn sáng suốt
Biết bạn, biết thù, biết rõ những ngu ngơ !

Sáng ra chợ, lựa vĩa hè gió mát
Trải chiếu ra, bày bán thuốc trường sinh
Khui một chai thuốc sâu cực mạnh
Ực một hơi, chẳng chút rùng mình !

Người chung quanh, ồ lên nhăn mặt
Sao ông ngu, uống thứ chết người
Tôi đã uống thuốc trường sinh trước đó
Chứng tỏ mình bán thật thuốc hay !

Người ủng hộ ngày càng đông đúc
Như tôm tươi, mặc sức đếm tiền
Chỉ những kẻ trên đời sợ sống
Mới mua giùm thằng quãng cáo thuốc tiên !

Châu Đốc,10-01-2013
TRÚC THANH TÂM

ember.2012

Minh Nguyễn * Cao nguyên trơ trụi : Gò đồi nhấp nhô ( * )



Trong những ngày lang thang trên vùng cao Tây Bắc, đi ngắm ruộng bậc thang cùng với Mây ở Sapa - Lào Cai.Không riêng gì cô mà nhiều người dân quanh đây cũng thắc mắc hỏi tôi: " sao cùng là phố núi đầy sương, nhưng Buôn- Ma- Thuột lại là binh nguyên trên cao,là xứ Buồn Muôn Thuở - Pleiku là phố núi  mù sương - Sapa là thành phố trong sương,thành phố trong mây. Còn Đà Lạt được ví như thành phố mùa xuân,thành phố tình yêu,thành phố ngàn hoa,,thành phố ngàn thông,thành phố mộng mơ,thành phố hoa hồng,thành phố sương mù và còn nhiều nữa ? ".

May mắn thay. Vừa về tới Sàigòn tôi nhận được lời mời tham dự lễ hội văn hóa thể thao trên cao nguyên.Đây chẳng phải là cơ hội tốt giúp tôi trở lên Lâm Viên lần nữa.Tiện thể đi thăm Đà Lạt xem có gì mới lạ để còn trả lời cho Mây cùng mọi người.

Nằm ở độ cao 1500 mét so với mực nước biển. Ngày 21 tháng 06 năm 1893 Alexandre Yersin trong lúc đi thám hiểm cao nguyên.Đã phát hiện ra Lâm Viên và ghi nhanh trong nhật ký hành trình : " 3 h 30 grand plateau dénudé mancelonné - cao nguyên trơ trụi gò đồi nhấp nhô ".

Ngày nay, sau 116 năm, Đà Lạt không còn là cao nguyên trơ trụi,gò đồi nhấp nhô như " cái thuở ban đâù ghê ghớm ấy “.Bởi phương tiện di chuyển ngày càng hiện đại,đường xá rộng khắp; trong khi Đà Lạt chỉ có một,cho nên đi từ hướng nào cũng có thể tới thành phố sương mù một cách dễ dàng.

Thực vậy. Ở phía Nam.Chỉ cần vượt chặng đường dài hơn 300 ki-lô-mét từ Sàigòn lên Madagui,qua Bảo Lộc, tới Prenn.Xe buột chạy chậm lại. Không phải do nhà xe hiếu khách,dành thời gian cho mọi người chiêm ngưởng cảnh đẹp của từng đồi thông xanh mướt, quàng vai nhau vươn thẳng ngọn từ triền núi cao hay thung lũng sâu hun hút dưới chân. Mà do phương tiện không đủ mạnh leo đèo.Cung đường chỉ dài hơn 10 cây số,uốn lượn ngoằn ngoèo như con rắn đang trườn mình giữa thảm xanh thiên nhiên,nhưng để lại nhiều ấn tượng đẹp cho những ai đã từng một lần vượt qua nó..Nhất là khi chợt nghe hai bên tai  lùng bùng một cách khó chịu. Đó cũng là lúc Đà Lạt đã rất gần.Thay vì khó chịu, bạn bình tỉnh thử hít vào lồng ngực một hơi dài,cùng lúc nín thở trong giây lát;đồng thời đưa hai ngón tay bịt kín mũi, thở ra thật sâu. Sao cho không khí dồn đầy lên hai tai.Thế là chuyện thiếu oxy do phải lên tới độ cao nào đó sẽ được giải quyết. " Lạ ! Không thấy hoa dã quỳ đâu cả ?".Một giọng nữ tỏ ra ngạc nhiên nói bâng quơ khi nhìn ra hai bên đường.Tội nghiệp .Có lẽ cô gái chưa một lần lên chơi Đà Lạt hoặc chỉ nghe ai đó kể một cách thiếu sót về màu hoa vàng mượt mà, nhung tơ đầy ấn tượng của dã quỳ.Cho nên cô đâu biết  được rằng; ngoài loài dã quỳ chỉ nở hoa vào mùa đông hay  sau mùa mưa phương Nam ra, thì còn có cả mimosa, tigôn,xác pháo,tiểu muội,tóc tiên . . . đua nhau rộ nở ngàn hoa mộc mạc hoang dã,.khắp các đồi thông,bờ hồ,lề đường,sau nhà. Khiến Đà Lạt thêm ấm nồng trong cái lạnh mùa đông .Hơn nữa, ở thành phố duy nhất không có xích lô,ít đèn tín hiệu giao thông,ít cảnh sát công lộ,ít cửa hàng bán quạt và máy lạnh, thì hoa dại nhiều vô kể.Chúng mọc lên ở khắp mọi nơi. Bò cả lên tận mái nhà,bờ tường,hàng rào,ngạch cửa v . v . . .

Dù sao, trong tháng ngày thư thả. Được đắm mình trong thời tiết se lạnh .Được nhìn ngắm phong cảnh thiên nhiên thơ mộng hữu tình.Hẳn những lo âu mệt mỏi sẽ tan biến mau bên tiếng chim hót,tiếng lá thông rì rào,tiếng trái khô rơi vỡ nghe kêu lộp độp đến giật mình . . . không lẫn vào đâu được bởi âm thanh phát ra từ núi rừng. Tuyệt ! Thật tuyệt vời biết dường nào.Vậy mà ông nhạc sĩ  NĐT kêu rằng:" anh ở trong này không thấy mùa đông ". Nói chung là ở đâu kìa. Chứ riêng cao nguyên phươngNam,nơi nào cũng đầy sương mù và thời tiết mát lạnh. Đó không phải là mùa đông thì là gì hởi những tuần trăng mật lãng mạn, hởi những đôi tình nhân trẻ tuổi, hởi những đôi bạn sắp cưới nhau ?


Sắp đi hết con đường đèo thơ mộng với ngàn thông reo trong gió kêu vi vu. Lại bắt gặp tiếng thác đổ ầm ào vui tai. Đà Lạt không thiếu những dòng thác đẹp và hoành tráng trong mùa mưa. Nhưng thác Datangla hùng vĩ đến bất ngờ đối với bất kỳ ai yêu thích trò chơi cảm giác mạnh. Tuy cùng ở trong thành phố Đà Lạt nhưng sự hấp dẩn vẫn hơn hẳn một Cam Ly hiu quanh,một thác bảy tầng xa ngái, một suối vàng suối bạc lạ lẫm mênh mông.

Và ! Kia rồi.Trước mặt là một quần thể kiến trúc độc đáo có mặt hơn một thế kỷ nay. Nhưng qua bao thăng trầm lịch sử vẫn tồn tại như một linh hồn bất diệt của thành phố cao nguyên. Nổi bật là hệ thống biệt thự kiểu Pháp nằm lẫn trong những tán lá thông xanh rì,mang vẻ đẹp cổ điển, song không kém phần duyên dáng qua những mái ngói xô nghiêng màu rêu phong,hoặc hai mái cao nhọn hoắc,hoặc hai maí dốc đứng thẳng, nhằm đảm bảo sự an toàn cho con người ở bên trong. Vì vào mùa lá rụng. Lá thông rơi dầy như tuyết. Không thể bám đầy lên nóc nhà, mà trôi tuột xuống dưới làm nên con đường lá mục, bước đi nghe êm êm dưới chân. Rủi thay ! Trong qui hoạch tổng thể kiến trúc hôm nay. Người ta đã làm thay đổi ít nhiều cảnh quang tuyệt đẹp vốn có của thành phố từng được ví như tiểu Paris. Bằng các dạng nhà hình hộp,hình ống,hinh gốc cây hay còn gọi: “ kiến trúc phá cách theo trường phái biểu hiện - Crazy house – Mà People ‘s Daily coi là một trong 10 ngôi nhà đặc biệt. Riêng You tube có video clip - Crazy Monks house hay Antoni Gaudi ‘s building in Barcelona thứ hai “.

Sau cơn mưa ban trưa thời tiết Đà Lạt xem ra không còn lạnh so với thời gian trước đây vài năm.Vì sao ? Có người đổ lỗi do El-Nino, do sự phát triển hấp tấp của nền kinh tế thị trường hay do lòng tham từ con người, đã huỷ diệt phần lớn rừng đầu nguồn.Gì thì gì. Xin hãy cứu lấy Đà Lạt ngàn xanh. Nếu không,tới một ngày nào đó, e rằng chúng ta sẽ phải trả giá cho hành động tắc trách đối với thiên nhiên của chính mình ?

Tôi xuống xe ở bến. Lội bộ lên dốc cao để tới khu Hoà Bình. Khi đi ngang mấy quán cà phê phố núi nhỏ xinh như được treo bên sườn đồi,.Chợt nghe có tiếng ai gọi tên mình. Thì ra Sơn,người bạn đồng nghiệp của hơn hai mươi năm trước, lúc tôi còn làm việc trên này.Trông gã bùi bụi thế nào so với trang phục quần jean áo pool mà gã đang mặc.Có một dạo nghe bạn bè nói gã đổi sang nghề cầm máy ảnh. Suốt ngày trường,bò, rình rập chụp cho được những bộ ảnh tuyệt đẹp về giun,dế cao nguyên. Nay chắc gã đã là nghệ sĩ chuyên nghiệp nổi tiếng với nhiều bài giới thiệu trên báo chí ?

Sau giây phút tay bắt mặt mừng tôi hỏi Sơn :” bộ chán cà phê Tùng rồi hay sao ?- Đâu có ! Mình ra ngồi đây tìm chút cảm hứng vậy mà “.Thứ cảm hứng mà Sơn nói chính là màu tím buồn đang trùm trên cây phượng đứng lẻ loi từ hồi nào đến giờ nơi đầu con đường dẩn vào khu chợ sầm uất Đà Lạt.Tình cờ, từ chỗ ngồi tôi quan sát, phát hiện ra suốt chiều dài quảng đường không thấy có gì đặc biệt; ngoài cây phượng tím đang cố khoe hết sắc tím,trước một mùa hè sắp tàn. Khoảnh khắc bất ngờ lan toả thật nhanh khiến cho tôi có cảm giác kỳ lạ như được nhìn ngắm bức tranh thiên nhiên đặc tả trời thu tím Huế. Không ! tôi biết mình đang lầm lẫn;bởi ngoài cây phượng tím có mặt trước hết ở chỗ nó đứng bây giờ. Thì ngày nay phượng tím còn có mặt trên khắp các ngọn đồi hay trên các con đường Hồ Tùng Mậu, Nguyễn thị Minh Khai, Trần Phú, Lê Hồng Phong. . .làm lam tím cả một bầu trời tháng tư.

Thấy tôi không nói gì Sơn thắc mắc :" anh có việc gì trên này hả ?- Cũng gần thế.- Cần tôi không ?- Chuyện là lâu nay mình ít lên đây nên không đủ tư liệu để trả lời cho cô bạn H'Mông trên vùng cao Tây Bắc về một Đà Lạt hôm nay.- Ôi ! Tưởng chuyện gì khó hơn. Anh cứ yên tâm đi. Đà Lạt vẫn mộng mị đáng yêu, cho dù cái Đòi Cù của thời trốn giảng đường ra nằm gối đầu bên những gốc thông, nghe tiếng lá kể chuyện rì rào trong gió, đã biến thành sân golf thì cũng vậy thôi. Mất mác âu cũng mất mác cả rồi. Tiếc nuối chi cho thêm buồn mỗi khi hoài niệm. Thay vào đó đã có cáp treo đi từ đồi Robin tới Trúc Lâm Tự, tha hồ nhìn ngắm toàn cảnh thành phố Đà Lạt. Hoặc cùng lúc vừa thưởng thức từng rừng thông từ trên cao, vừa nhìn rõ từng thửa vườn rau củ nằm sâu hun hút bên dưới đến mượt mà. Nhưng ngoạn mục hơn hết, có lẽ không gì hay bằng ngồi xe lửa đi từ nhà ga ra tới Trại Mát rồi ngược về .Xin bảo đảm đây là món du lịch không đụng hàng với bất kỳ địa danh nào,kể cả Sapa của cô bạn tên Mây gì đó ".

Sáng hôm sau,nghe theo lời Sơn, tôi đón xe đến khu nhà ga xe lửa.Tuy đã sống ở Đà Lạt nhiều năm song, thời gian đó đường xe lửa chưa được khôi phục, dù là một phần như hiện nay nên tôi làm gì có cơ hội đi trên đoàn tàu đó lần nào. Phải công nhận " nhà ga đẹp lộng lẫy giữa ngàn thông reo vi vu quả thật thơ mộng ". Nơi đây còn được xem là nhà ga cao nhất, cổ kính nhất,đẹp nhất Đông Dương. Và nghe đâu đã xây dựng cùng thời với nhà ga Hải Phòng miền Bắc ? Cái hay của đồ án là mô phỏng và tạo hình theo lối kiến trúc mái vòm phương Tây, nhưng lại gợi nhớ trong ta hình ảnh đặc trưng cao nguyên Lang Biang với những mái nhà dài, nhà rông Tây Nguyên truyền thống.

Tút ! Tút .Hồi còi tàu đầu tiên báo hiệu giờ khởi hành sắp đến .Tôi vội vàng bước lên tàu cùng với nhóm khách nước ngoài.Tuy đoàn tàu không dài hơn hai toa nhưng khách người Việt đâu không thấy. Buồn. Hình ảnh bất chợt gợi nhớ trong tôi chuyến đi Lào Cai đơn độc ngay trên con tàu tổ qốc.Vì tình cờ hay vì lý do gì mà lần nào tôi cũng bị xếp ở cùng phòng; khi là đôi vợ chồng người Pháp,khi người Mỹ. Biết tôi là dân bản xứ nên họ luôn miệng hỏi xem sắp tới Lào Cai chưa ? Lần đầu,để dấu dốt tôi lén nhìn theo từng cột cây số bên đường. Trả lời cho họ biết đã tới đâu hoặc còn bao nhiêu ki-lô-mét sẽ đến nơi họ cần đến.Không ngờ trò " láu cá " của tôi tạo được lòng tin qua những nụ cười và tiếng cám ơn rối rít của họ.Tôi cảm thấy xấu hổ. Tự trách mình đã không trung thực với chính mình. Chuyện xem ra tệ hại hơn việc " ếch ngồi đáy giếng hay ăn cơm nhà nói chuyện thế giới ".

Tút ! Tút .Đoàn tàu chạy bằng hơi nước nhẹ nhàng di chuyển trên " con đường hoả xa phố núi " .Con đường được xây dựng vào năm 1932 do kỹ sư người Pháp thiết kế theo kiểu mẫu Thuỵ Sĩ. Chạy  từ nhà ga Đà Lạt đến ga Tháp Chàm - Phan Rang rồi ngược lại. Vào thời ấy đoàn tàu có thêm bánh răng cưa ở giữa và đầu đẩy phụ từ phía sau; đặc biệt chạy trên tuyến đường sắt có tới 3 đường ray,nhằm leo dốc được an toàn hơn. Rủi thay, ngày ấy tôi chưa có mặt trên đời này nên đâu biết có cung đường đẹp đẽ, ngoạn mục với bao nhiêu đèo cao,dốc sâu giữa cánh rừng nguyên sinh thiếu dấu chân người. Hẳn ! Thời gian ấy chắc là tuyệt vời biết bao khi được hoà mình sống cùng với thiên nhiên hoang sơ của đại ngàn ?

Xình xịch ! Xình xịch. Đoàn tàu phả khói, lướt nhẹ bên những vạt rừng thẩm xanh màu lá .Hành khách tròn xoe hai mắt, ngạc nhiên nhìn thoả thuê cảnh vật thơ mộng xuất hiện sau các vuông cửa. Qua khỏi khu dân cư cheo leo nằm trước một khúc quanh, đoàn tàu để lại cột khói dày đặc trong làn sương sớm mai,kéo dài ra tận hồ Than Thở,rừng ái ân,khu vườn Thái Phiên no đầy cà rốt,khoai tây với bông cải.Tút ! Tút . Tàu chuẩn bị tăng  để vượt qua dốc cao mà hai bên lô nhô gò đồi đã được bàn tay con người khai phá. Biến đất đai đồi trọc, thay vì thành những bước lên trời với ruộng bậc thang như ở Sapa, mà hình thành nên những chân thang cho các nhà vườn Đà Lạt canh tác trên đó các loại cây ăn trái đặc trưng miền ôn đới hồng,đào,mận,dâu tây,atisô . .

" Ai lên xứ hoa đào đừng quên mang về một cành hoa ". Giọng hát phát ra từ chiếc điện thoại di động của ai đó nghe như bài Ai Lên Xứ Hoa Đào của nhạc sĩ Hoàng Nguyên.Bản nhạc được xem là vượt thời gian do nhiều thế hệ người nghe vẫn cảm nhận được cái hay ở mỗi lần nhắc tới Đà Lạt.Vâng ! Việc trở lên cao nguyên lần này không phải vì tôi mà là vì Mây.Cô thích nghe người lạ kể về một Cao Nguyên Trơ Trụi Gò Đồi Nhấp Nhô.Cô nói cái tên nghe đã hay mà sao lại giống quê hương của cô đến thế.. .Cũng trơ trụi,cũng nhấp nhô sương khói.Có khác chăng là sự thiếu vắng lời mời gọi như khi ghé lên Đà Lạt, nhớ đừng quên mang về cho mình và cho mọi người một cành hoa ." Ai lên xứ hoa đào đừng quên mang về một cành hoa ".Mây rất thích loài mai anh đào phương Nam.Loại cây cao đến 4-5 mét,cành nhánh vút thẳng lên trời một cách mạnh mẽ.Khi trổ bông  toàn màu hồng.Nói đào Đà Lạt mạnh mẽ vì cây được trồng theo lối tự nhiên, không uốn tỉa hay can thiệp từ bàn tay con người. Trái lại đào Sapa,đào Nhật Tân,đào Nghi Tàm thường bị lai ghép,tạo dáng cổ thụ rườm rà, không còn chút gì thiên nhiên. Thế cho nên,chuyện cô gái vùng cao yêu hoa đào phương Nam cũng giống như chuyện Mây hay kêu ca " con trai miền xuôi chỉ nói cho vui vậy thôi " ở mỗi lần được tôi tán tỉnh.

Tiếc thay, Mây không chịu nhận lời mời của tôi vào phương Nam chơi một chuyến.Nếu không, cô sẽ có dịp tận mắt chứng kiến mùa xuân với mai anh đào rực rỡ một màu hồng vây kín; không chỉ có ở bờ hồ Hồ Xuân Hương mà còn lan ra khắp các vùng đồi khác. Và không chỉ có thế. Biết đâu Mây sẽ càng ngạc nhiên hơn khi thấy; ngòai đào phai ra, Đà Lạt còn có hàng trăm loài hoa tuyệt đẹp như Lys,Tulip, Immortel, tú cầu,hồng, loa kèn . . .được du nhập từ khắp nơi trên thế giới về.

Cuối cùng . Kết thúc chuyến đi khám phá Đà Lạt bằng cung đường hỏa xa phố núi tuy không dài,không nhiều lắm nhưng cũng đủ để lại trong tôi ấn tượng khó quên về một CAO NGUYÊN TRƠ TRỤI GÒ ĐỒI NHẤP NHÔ ngày nào. Nay đã trở thành một thành phố núi văn minh hiện đại trong mắt mọi người.
  
(*) Theo Wikipedia về Đà Lạt

Monday, January 14, 2013

hoài khanh * Nghe chim lạ hót trong vườn


 

Một hôm chim lạ ghé vườn
Hót lên cung bậc vô thường mong manh
Vườn con hoang vắng đã đành
Tiếng chim dựng lại những thành lũy xiêu
Những cơn biến động tiêu điều
Những tình bạn cũ dập dìu chia xa
Những tình yêu tưởng phôi pha
Chừng như sống lại đậm đà nhờ chim
Bao phen ký ức mong tìm
Giờ đây sống lại trong niềm ngất ngây
Cảm ơn chim , cảm ơn ngày
Giúp ta sống lại phút giây nhiệm mầu . . .

N

Sơn Nam * Ông già xay lúa



Tây cai trị xứ mình... đem lại nhiều cái hay nhưng cũng có lắm điều dở, phải không chú phó hương quản ?
Chú phó hương quản ngạc nhiên, chưa dám trả lời. Ðây là lần đầu tiên mà chú nghe cậu xã Nê tuyên bố lạ lùng như vậy. Cậu xã là người thanh niên độc nhất ở U Minh làng Ðông thái này thi đậu bằng cấp tiểu học, học trường của nhà nước ở chợ. Nhiều lần, cậu xã giải thích riêng cho chú hiểu : tên Nê của cậu do chữ Tây Rờ-Nê, Rê-Nê gì đó mà ra. Chính cậu xã phổ biến cách chào hỏi mới, bắt tay "bủa xua" với ông đại hương cả. Mỗi kỳ đi hầu ông Ðốc Phủ Xứ chủ quận, cậu xã Nê không mặc áo dài, đội khăn đóng như mấy ông hương chức khác. Cậu diện áo bành tô, cổ thắt "cà ra quách". Lại còn một việc lẫy lừng khác, thiên hạ đồn phong phanh chớ chú không chứng kiến tận mắt : năm ngoái, lúc ông Chánh Soái đi tàu tới Cạnh Ðền mang theo sắc thần của Bảo Ðại phong cho Hoàng tử Cảnh, cậu xã Nê bắt tay "bủa xua" với ông Chánh Soái, rồi "bật" tiếng tây rôm rốp khiến quan Ðốc Phủ Sứ, mấy thầy thong thầy ký và tất cả hương chức hội tề các làng trong quận đều khâm phục...
Cậu xã Nê nhắc lại câu hỏi khi nãy :
- Phải không chú phó hương quản, Tây cai trị đem lại lắm điều dở, chú nghĩ coi.
- Ðiều gì vậy cậu. Tôi thiếu hiểu.
- Cờ bạc lộng quá. Dân mình như tự do cờ bạc suốt năm. Ở chợ Ngã Năm, ở chợ Xẽo Rôn nhà "xẹt" đông nghẹt dân nghèo.
Chú phó hương quản suy nghĩ, giải thích :
- Tại cái máu cờ bạc. Dân miệt này toàn là người tứ xứ tới làm ăn. Họ cờ bạc không cần ăn thua, cốt để khuây khỏa nỗi nhớ nhà.
- Không phải đâu ! Tại họ ở không, quanh năm chỉ làm một nghề ruộng hoặc một nghề đốn củi. Thiếu tiểu công nghệ...
- Thưa cậu, tiểu công nghệ là cái gì ?
- Là thuộc da, dệt chiếu, may quần áo... Làng mình không có thứ tiểu công nghệ nào để cầm chưn họ.
Vùng rừng bùn lầy, khai thác chưa xong, làm sao họ nói đến tiểu công nghệ ? Chú phó hương quản mải lục soát trong trí nhớ. Làng gồm bốn ấp, tháng Tết rảnh rang, ai nấy bỏ nhà đi chơi. Ấp Ðông Bình, sát mé biển chuyên về chài lưới ; thường thường mấy tay khá giả ở đó đi ghe ra chợ Rạch Giá đánh me, đánh vố. Hết tiền thì họ ngồi nhà mà đờn ca vọng cổ hoặc nói chuyện tiếu lâm. Hồi mùng ba Tết, chú phó hương quản đến đó một lần, họ kéo chú lại bắt ép uống rượu đến say mèm rồi mới chịu thả ra. Vui quá ! Lại còn "ông Năm xay lúa" từ ngoài hòn Cổ Trơn vào xay lúa mướn ! Thiên hạ bao vây ổng, hỏi han rối rít. Cái ông già này mới cừ khôi, đứng xay từ hừng sáng tới mười giờ đêm mà không nghỉ tay, sắc mặt luôn luôn tươi rói. Bất chấp Tết nhứt, ông ra nghề từ bữa mùng bốn, xay lúa ròng rã tới hôm nay, ai cần thì cứ gọi ông đến cho vui nhà vui cửa.
Chú phó hương quản nói :
- Ở xóm biển có người chuyên môn xay lúa mướn. Ðó là tiểu công nghệ, phải không cậu ba ?
Cậu xã Nê gật gù :
- Không phải... nhưng mà có còn hơn không. Ai xay vậy ?
- Dạ, ông Năm ở hòn Cổ tron mới vô.
Nghe qua, cậu xã như bị điện giựt, nhảy nhổm, sáng mắt lên :
- Chú nói sao ! Hòn Cổ Tron à ! Thiệt không ?
- Dạ, thiệt chớ.
- Trời đất ơi ! Mấy năm rồi tôi muốn biết cho rành cái... tụi người đó. Kỳ cục lắm kia. Tôi thấy tận mắt một lần mà còn nhớ, còn giận hoài. Họ ở truồng.
Chú phó hương quản ngạc nhiên :
- Sao lạ vậy cậu ? Ông già này... có bận quần. Hằng năm mùa Tết ổng vô đây xay lúa mướn. Qua tháng mưa, ổng thất nghiệp trở về hòn ; ổng đui hết một con mắt, nói chuyện sành sõi, nghe ngộ lắm.
- Ðây là lần thứ nhì tôi gặp họ... Nếu không ở truồng thì họ cũng mang vô đây vài phong tục lạ lùng. Chú đốt đuốc mau. Mình đi kiếm ổng nói chuyện... Dịp may hiếm có.
Con trăng đêm hai mươi lăm u ám quá ; hai thầy trò đốt đuốc soi đường. Mùa hạn, đồng trống hoang, cây cỏ héo cằn, con rạch khô cạn. Ði bộ trong làng rạch đã mát chân lại được bảo đảm nạn rắn rít.
Gió biển hiu hiu, hơi lạnh như gió bấc, muỗi bay thưa thớt từng con bên cây đèn tọa đăng, tuy vặn tim lên cao nhưng mãi lu câm vì ống khói không chùi sạch. Ông Năm nắm tay vào giàn xay, đưa tới lui. Thớt cối quay tròn, lúa phun ra kêu rồ rồ, vang đều đều, mãi rồi sanh nhàm tai, buồn ngủ, cơ hồ không có. Kế bên ông Năm, đờn kìm trổi giọng, không na ná tiếng gà mổ vào nia. Ðờn "ghi ta" hòa theo, tuy nhanh nhưng buông rõ rệt từng giọt đồng, kém dồn dập hơn giọng đờn ở bên Tây Ban Nha tuyệt vời. Bãi biển sình lấy của vịnh Xiêm La chứng tỏ đủ năng lực hấp thụ và đồng hóa những gì xa lạ !
Năm ba bạn bè đang nghe bài Tây Thi quốc sự, nhắc gương chiến đấu của nhà chiến sĩ quốc gia Phan Châu Trinh, Mấy chai "ắp xanh", "con cọp đen" rượu rừng... lần lần cạn. Tuy bận rộn xay lúa nhưng ông Năm vẫn lắng nghe, thưởng thức. Bỗng có kẻ chạy vào như tên quân trong tuồng hát bội cấp báo :
- Thầy xã với phó hương quản tới. Nghe không ! Hai chả đốt đuốc... Lặn hụp giữa ruộng nãy giờ. Tôi thấy rõ ràng.
Ai nấy ngưng đờn ca. Ông Năm vẫn xay lúa rồ rồ... Họ vừa nói vừa cười, cãi cọ qua lại một cách thân ái :
- Mấy chả gan mật cùng mình sao kìa ! Hồi nào tới giờ họ chưa đặt chân tới xóm mình. Chắc có chuyện gì, mình ăn thua đậm.
- Nói bậy đi. Hễ không tới thì chê người ta nhát, kiêu căng. Bây giờ người ta tới thì công kích. Thầy xã này là người có âm đức. Ba của thẩy, chú của thẩy hồi đó hiền lắm.
- Hiền đâu không thấy, chớ tôi hồ nghi mấy "chả" toan xét giấy thuế thân đặng mà dằn mặt tụi mình.
- Tết mà, thẩy đâu dám. Tôi nghi thẩy làm "ăn kết" dân lạ mặt, thí dụ như ông Năm xay lúa. Mình cứ trả lời rằng đã trình diện ổng với ông chủ ấp. Chủ ấp của mình bữa nay đi vắng, dễ nói dóc quá, đâu có mặt mà đôi chối. Nè ông Năm ! Ngừng tay lại, nghe tôi dặn : Lát nữa, ai có hỏi, ông làm bộ như câm, như điếc. Nói chuyện nhiều, nguy lắm. Ông có "giấy lão" không ?
Ông Năm nói :
- Không có giấy tờ gì hết. Tôi tàn tật hư một con mắt mà... Muốn dẫn tôi đi đâu cũng được... Theo lẽ, nhà nước phải nuôi tôi nữa kìa.
- Cha này coi vậy mà gan ta !
Ánh đuốc sáng lòe trước cửa. Ai nấy lặng im. Chú phó hương quản đập đuốc xuống đất để dụi tắt. Cậu xã Nê bước vào, trong khi ông Năm mải xay lúa rồ rồ.
Cậu xã tươi cười, khoát tay như bảo ai nấy cứ ngồi xuống, đừng đứng dậy chào.
- Ðược ! Ðược ! Phiền bà con quá. Tết năm nay đầy đủ không ? Ðờn địch vui quá hả ? - Thầy nói.
Một người đáp lại :
- Dạ, nhờ... "bà cậu" nên năm rồi cũng khá, tạm đủ tiền xây xài.
Chú phó hương quản lườm mọi người :
- Bà con ăn nói vô ý tứ quá. Tại sao nhờ... "bà cậu" ? phải nhờ người này người kia chớ. Còn ông già kia sao xay lúa hoài vậy ? Nghỉ một chút để người ta nói chuyện. Bữa nay cậu xã tới...
Cậu xã ngắt lời :
- Ổng xay để ổng xay. Nếu dân mình ai nấy đều siêng năng như vậy thì quý lắm.
- Dạ đó là ông già Cổ Tron mà tôi nói hồi nãy với thầy.
Cậu xã hơi phật ý vì thái độ quá sốt sắng của người cộng sự :
- Chú phó hương quản để mặc tôi. Tôi không muốn làm rầy ổng.
Rồi giọng thầy ôn tồn :
- Ông ở hòn Cổ Tron hả ! Làm gì sanh sống ở ngoải ?
Ông Năm ngưng tay, trả lời :
- Dạ, tôi đốn cây săn đá để làm cối giã gạo, bán cho bà con trong bờ này.
- In là ông hư một con mắt ?
- Dạ bẩm, tôi tàn tật hồi còn nhỏ chớ không phải vì nghề... cầm búa.
Một người nói tiếp như muốn chứng minh sự lương thiện của ông Năm :
- Thưa thầy, ổng giỏi lắm. Nghèo là tại trời... vậy thôi ! Cây săn đá ngoài hòn Cổ Tron bền tới thiên niên. Cối bằng săn đá giã gạo mau trắng. nhịp chày vô nghe bon... bon như thiếng chuông đồng. Ở nhà đằng kia, còn một cây cối thứ đó.
Cậu xã gật đầu :
- Ðó là tiểu công nghệ, nghe không chú phó hương quản.
Rồi cậu ngắm nghía ông Năm. Nỗi thắc mắc của cậu vẫn chưa giải tỏa. Không lẽ dân ở hòn Cổ Tron lại siêng năng, khéo léo, hiền hậu tới mức này. Day qua mấy cây đờn, mấy chai rượu, cậu như hối hận :
- Bậy quá ! Làm lỡ cuộc vui chơi của bà con anh em. Thôi "làm" một bản vọng cổ nghe coi ! Lựa thứ nào văn chương hay một chút.
Vọng cổ mà văn chương hay ! Họ rao sơ sơ rồi bắt đầu :
- Ác ngậm non Ðoài, ngọn gió Ðông Nam nó thổi đưa mặt nhựt hồi về nơi Tây Bắc...
Anh ca sĩ ngạc nhiên, tức tối vì thình lình cậu xã dơ tay lên, ra dấu hiệu chận lại, thiệt không đúng "điệu" ! hay là cậu hồ nghi câu hát này ẩn ý chuyện quốc sự, sấm truyền ? Hồi lâu, cậu xã mới nói :
- Câu hát khó hiểu quá ! Rắc rối mà lại vô duyên.
Anh ca sĩ cãi lại :
- Thưa cậu, đó là tả cảnh chiều, gió thổi nhè nhẹ mặt trời sửa soạn lặn... Bài này trích trong cuốn Vọng cổ Bạc Liêu bán tại chợ Rạch Giá.
- Tôi hiểu... Bài ca lăng nhăng quá, trật sách vở khoa học. Tại sao mọc ở Ðông Nam rồi lặn ở Tây Bắc ?
Anh ca sĩ nhìn qua ông Năm như cầu cứu. Cậu xã nói cố ý :
- Ông già xay lúa này cắt nghĩa thử coi. Tôi nói câu hát trật văn chương mà !
Ông Năm vừa xay lúa vừa nói chậm rãi :
- Dạ, lệ thường mặt trời mọc hướng Ðông lặn hướng Tây. Nhưng gần sa mưa hay gần Tết thì mặt trời đi xéo. Vì vậy ngày và đêm không đều, "tháng năm chưa nằm thì sáng, tháng mười chưa cười thì tối". Từ Ðông Nam hồi về Tây Bắc, tức là bài ca vọng cổ muốn nói lúc tháng mười ; ngọn gió đó là gió Tết. Mặt trời ít khi đi ngay hướng Ðông Tây, thưa cậu.
Cậu xã Nê hoảng hồn vì dường như ông già xay lúa nọ nói đúng, đúng theo cuốn sách địa lý mà cậu đã học. Nhìn nhận rằng ổng nói đúng thì e mất thể diện mình, cậu đánh trống lảng :
- Ông học điều đó ở đâu vậy ? Ai dạy ông ?
- Dạ, không ai dạy hết. Tôi nghiệm ở hòn Cổ Tron. Ở ngoải buồn lắm. Tối ngày, tôi coi mặt trời mọc, mặt trời lặn cho khuây khỏa. Ðiều đó, lần lần tôi hiểu được, không rõ hồi nào.
Cậu xã Nê hơi tức giận. Chú phó hương quản nãy giờ ngồi im lại nói :
- Ông biết cái gì ông ơi ! Hòn Cổ Tron là nơi quê mùa, còn tệ hơn quê mùa nữa kìa ! Dân hòn Cổ Tron chuyên môn ở truồng, đàn ông đàn bà gì cũng vậy, cậu xã của tôi biết rõ.
Anh em đờn ca cảm thấy áy náy vì bầu không khí hơi bất hòa. Họ muốn an ủi cái thể diện của cậu xã mà họ không hề thù oán. Sẵn câu nói này, họ đồng hè trả lời :
- Cậu xã hay quá ! Ở ngoài hòn Cổ Tron có gì lạ vậy cậu, tụi tôi chưa biết. Ông Năm xay lúa mới ra hòn lúc sau này, chắc cũng chưa biết, Xin cậu nói lại cho tui tôi nghe.
Thích chí, cậu xã Nê thuật lại :
- Năm đó, hồi còn nhỏ mỗi ngày tôi đi học, từ nhà muốn tới trường thì phải quẹo ra sân banh sát mé biển chợ Rạch Giá. Bữa đó, hừng sáng, dân chài lưới la hoảng chạy về báo với ông cò Tây. Tôi tới nơi xem : rõ ràng trên bãi biển có hai người đờn ông, hai người đờn bà nằm dài lim dim con mắt, miệng chúm chím cười. Họ ở truồng đông đổng ! Chập sau, thầy đội mã tà ra tới, Thẩy kêu mấy người đó. Họ nhúc nhích rồi nằm yên. có người bàn : "Chắc họ bị chìm ghe ngoài biển khơi trôi tấp vào đây, dọc đường họ cởi quần áo để thân thể nhẹ nhàng, tiện bề bơi lội. Họ ở xa lắm, không chừng ở ngoài hòn Cổ Tron". Nghe qua họ vẫn chúm chím cười. Tiếng đồn ngày một lẹ, mấy người ở chợ kéo nhau đến nghẹt tới mé biển mà coi cho rõ hư thiệt. Ông cò Tây hoảng sợ, thầy đội mã tà cũng hoảng sợ. Làm sao giải tán được ? Làm sao che dấu chuyện ở truồng đó được ! Sau rốt, ông cò Tây bèn sai lính mã tà qua chợ mua bốn chiếc chiếu đem xuống mé biển, phát cho mỗi người một chiếc, biểu họ quấn chung quanh mình rồi lên bờ. Họ không trả lời. Mấy người mã tà bắt buộc họ đứng chính giữa, rối căng chiếu che bốn bên, dẫn họ về bót. Họ bằng lòng đi. Cái cảnh lạ lùng quá, như công chúa ngày xưa đi tắm có tỳ nữ che rèm bốn bên.
- Hay quá vậy câu xã. Nói tiếp nữa đi.
Cậu xã nói tiếp :
- Ông cò không chịu chứa mấy ông bà ở hòn Cổ Tron này trong bót, e xui xẻo. Ổng ra lịnh giam họ bên nhà việc (nơi làm việc của chính quyền ở làng, xã) làng Vĩnh thanh Vân. Mấy ông hội tề đành giam giữ họ.
- Rồi họ chịu bận quần áo không ? Có người hỏi.
- Chịu chớ sao không chịu. Hương chức làng xuất tiền công nho, may cho mỗi người một bộ vải xiêm láng. Họ cười, không nói không rằng, ra về.
Rồi cậu xã kết luận :
- Ðó, mấy người ở hòn Cổ Tron theo tôi thấy rõ ràng thì như vậy đó. Ông Năm xay lúa nghĩ sao ?
Ông Năm mỉm cười, trả lời rằng không biết. Chú phó hương quản nói :
- Hồi đó, chắc ông già này có tham dự quá !
Ai nấy cười rộ. Cười để làm thỏa mãn lòng tự ái của cậu xã, hòng chấm dứt câu chuyện cho đúng lúc.
Cậu xã, chú phó hương quản đốt đuốc ra về.
***
Ông Năm lại tiếp tục xay lúa. Ông nói :
- Tôi không biết cái chuyện ở truồng này ! Chẳng qua là thiên hạ hiểu lầm hòn Cổ Tron. Mấy người ở truồng nào đã tự xưng quê quán, danh tánh. Như cậu xã nói, họ im lìm từ hồi đầu mùa kia mà ! Cậu xã nói thiệt chớ không nói dóc đâu.
- Vậy thì vụ đó là vụ gì ?
- Vụ này tôi nghe nhiều lần phong phanh. Tôi hồ nghi đó là mưu mô của mấy người nào đó ở gần chợ rạch Giá. Vì thiếu quần áo - nên nhớ là năm đó đồ khổ lắm, họ liều thân làm xấu để xin quần áo của nhà nước. Nhà nước sợ họ ; họ đã thành công. Dễ gì đi làm mướn một buổi sáng mà sắm được bộ quần áo, hồi năm quần bao áo bố đó !
Ai nấy khen ngợi :
- Ông Năm cắt nghĩa hay quá !
- Tôi nhắm chừng vậy thôi. Người trong cuộc họ hiểu rõ sự thật hơn tôi. Họ không nói gì thì làm sao mình biết ; sự thiệt nó im lặng, không có lời nói. Bây giờ chắc họ cũng không muốn nói ra, e bị ở tù về tội gạt hương chức làng.
- Vậy mình cũng nên kêu cậu xã trở lại, nói cho cậu nghe. Cắt nghĩa như vậy chắc cậu chịu lắm mà lại còn phục tài người ở hòn Cổ Tron như ông đây.
Ông Năm lẩm bẩm :
- Ðừng kêu trở lại nửa chừng ; ban đêm, cậu hồ nghi. Ðể cậu về ngủ. khuya, gió lạnh lắm. Mà chưa chắc cậu chịu nghe. Nhưng không sao. Năm mười năm nữa, chừng tóc bạc hoa râm cậu hiểu một mình, không cần ai cắt nghĩa. Muộn gì !



Trạch Gầm * Lời cho anh Hà Ly Mạc

Hà Ly Mạc, ảnh Võ Thạnh Văn

Anh gặp em … Anh lại cười ha hả
Như thuở chung màn trời đất điêu linh
Như thuở chia tay tháng ngày nghiệt ngã
Đạp đau thương cùng san sẻ ân tình

Ngồi bên Anh là ngồi bên nỗi nhớ
Địa danh nào gởi lại ít máu xương
Trận địa nào còn lưu từng hơi thở
Hơi thở bạn bè phủ kín gió sương

Ôn chuyện cũ, chuyện rày đây mai đó
Đời lính bọn mình quá đã thì thôi
Cuốn bụi hồng, khều hỏa châu sáng tỏ
Giữa gian nguy vẫn sừng sững đất trời

Thế mà lại, lại có ngày mất nước
Đau không anh, bao ngày tháng đợi chờ
Với Quê Hương chưa một lần từ khước
Thà chết rồi… để quên cả ước mơ

Anh gặp em… Anh lại cười ha hả
Vẫn như xưa vẫn ngạo nghễ nhìn đời
Mình thua cuộc – có trăm ngàn lý lẽ
Nhưng Anh em mình – Tệ quá đi thôi !

Trạch Gầm
November.2012

TÔ THÙY YÊN * Lão trượng

























Lão trượng chiều quay về bản quán,
Thong đồng đường tre trúc hắt hiu,
Nghe, nghe trời đất hát xa lộng,
Những tưởng tâm mình đang hát theo.
Mừng linh thụ tóc râu khang kiện,
Đông đúc chim về ấm cúng đêm.
Mừng cổ đình tường mái phục chế,
Đời trùng tu từ thịt xương rêm.
Lớp bạn cũ ơn trời để lại.
Trà vườn nhà, nước trữ mưa xưa.
Giọng chùng như cất từ u ẩn.
Cố sự, tro tiền thả gió đưa.

Nhớ xưa thiên địa dậy hồng thủy,
Núi sụp, rừng trôi, đời sảng hoàng.
May nhiều, còn đứa con vơ vội…
May ít, còn tiếng nói tuỳ thân…
Mưa như trời sập, mưa không tận,
Bốn biển dâng thành một biển thôi.
Hạt cây, mầm lửa truyền nhau giữ,
Nhân loại còn đâu được mấy người…
Anh phải sống, may này nước rút,
Đất trồi lên, xuất hiện kỳ lân.
Thời thánh vịnh, hiền thi kết tập,
Đồng hoa thánh thót phượng cầu hoàng.

Nhớ xưa thiên địa bày hoang hạn,
Sông cạn, đầm khô, rừng rụi tàn.
Gió đuổi trùng trùng sa mạc chạy.
Thú sẩy đàn, nhân loại lìa tan…
Người chết, không còn người dọn cất,
Bỏ mặc tình quạ mổ diều tha.
Cát vùi cả xương trắng lưu dấu…
Mặt đất vô danh, ký ức loà.
Thôi, ráng giữ gìn chút nước mắt,
Mai sau nhờ đó nhận ra nhau.
Sẽ mưa, trời sẽ mưa châu ngọc.
Ta về sẽ, qua bãi lệ rào.

Nhớ xưa thiên địa dấy binh lửa,
Xứ xứ rần lên, người giết người.
Thú loạn rừng kêu rú nhật nguyệt.
Ruộng hoang, thành trống, ai tìm ai?
Núi đổ lấp sông, sao chổi hiện.
Nhãn tiền sống chết, chuyện như chơi.
Đêm trước, đại quân vừa hạ trại.
Chiều nay, lều cháy, xác thây phơi.
Xa giá càn dân lấy lối chạy.
Trẻ giữa đường đứng khóc một mình.
Sau cùng, có người lính chấp kích
Ra trước ngọ môn mà quyên sinh.
Nhớ xưa thiên địa làm ly tán,
em nhà không ngó mặt nhau.
Người chạy về thành, kẻ nhảy núi,
Dốc đời cho một cuộc chiêm bao.
Xuân Thu, du sĩ rao phương lược
Khiến mấy đời sau còn váng đầu,
Xe kiệu rộn ràng cửa lớn nhỏ,
Về ngang thánh miếu, mặt vênh cao.
Có người nghề nói thơ đầu chợ
Chạy sắc phong thi sĩ với đời.
Có ngươi hàng thịt sẵn dao nhọn
Cũng rắp ranh làm tráng sĩ chơi.

Nhớ xưa thiên địa rộn dâu biển,
Người lạc người bởi ngọn đông phong.
Ngọn đông phong càn rừng, bạt núi,
Người thương người chút phận long đong.
Cỏ đoạn rễ, luồng sông, luống gió…
Chim xa đàn, bãi Bắc, bờ Đông…
Sao lúc rời nhau chẳng đổi áo,
Khuya lạnh lùng, còn cái đắp lòng?
Rày đã ra sao, miền cố cựu?
Bờ giếng xưa, còn ai đứng trông?
Đêm nằm nghe tóc mai già rụng,
Nghĩ lại, ràn tuôn nước mắt hồng.

Nhớ xưa thiên địa bừng hưng trị,
Khoác áo xuân, ra với đất trời,
Dắt trẻ tắm sông, hóng gió núi,
Giấc suông đêm rỗng, cửa không cài.
Quạt ấm pha trà mộc độc ẩm,
Nghe tan ngoài ngõ những phù vân.
Toan xuống núi khoe câu thơ đắc,
Trời đất khôn cùng, ai chí thân?
Xé rải gió tờ tờ sách nát,
Đi kéo theo chuỗi chuỗi cười tan,
Ta mừng trời đất cho ta mộng
Vui đồng hành qua cõi võ vàng.

Cây yên, cỏ lặng, trăng thiu ngủ.
Giường cũ, nằm nghe tiếng dế khuya,
Mơ màng có một hồn xiêu lạc
Ngoài tối tăm, nhờ chỉ nẻo về.
Việc đời, biết thế nào xong trọn…
Nước cuối sông còn lẩn quẩn chi?
Đêm xuân, dầm nguyệt lên sơn tự,
Hỏi vị sư già chỗ trước kia.
Sinh tử hai đầu chỗ trước kia.
Sinh tử hai đầu mắc lại võng.
Tan rền chuông vọng vọng mê mê.
Trôi chìm xa vợi đường thiên cổ.
Mỏi trĩu hàng mi, khởi chuyến đi.

TÔ THÙY YÊN

Huy Phương * Chân Dung Tô Thùy Yên







"Tác giả như một cái cây,
phần quả thuộc về quần chúng.
phần cây vẫn thuộc về tác giả".

TTY.

 

Vào khoảng những năm cuối của thập niên 30 đâu thế kỷ hai mươi, Gò Vấp là một quận lỵ thuộc tỉnh biên Gia Định, tương đối hiền hòa, dân cư còn thưa thớt. Hầu hết những khu nhà thuộc loài nhà vườn, trước có sân gạch, vườn sau trồng cây ăn trái. Đây là một quận ven biên, tiếp giáp với chiến khu An Phú Đông, trên đường xâm nhập của những người trong thời kháng chiến chống Pháp, nên thanh niên Gò Vấp cũng có lớp tù, lớp chết như phần lớn thanh niên thời loạn của chúng ta.