văn hữu vườn tao ngộ

Nơi lưu trữ tác phẩm của PBTD và thân hữu. Liên lạc: phanbathuyduong@gmail.com

Monday, January 14, 2013

Huy Phương * Chân Dung Tô Thùy Yên







"Tác giả như một cái cây,
phần quả thuộc về quần chúng.
phần cây vẫn thuộc về tác giả".

TTY.

 

Vào khoảng những năm cuối của thập niên 30 đâu thế kỷ hai mươi, Gò Vấp là một quận lỵ thuộc tỉnh biên Gia Định, tương đối hiền hòa, dân cư còn thưa thớt. Hầu hết những khu nhà thuộc loài nhà vườn, trước có sân gạch, vườn sau trồng cây ăn trái. Đây là một quận ven biên, tiếp giáp với chiến khu An Phú Đông, trên đường xâm nhập của những người trong thời kháng chiến chống Pháp, nên thanh niên Gò Vấp cũng có lớp tù, lớp chết như phần lớn thanh niên thời loạn của chúng ta.


Tô Thùy Yên tên thật là Đinh Thành Tiên sinh năm 1938, nơi vùng đất ấy, trong một gia đình đông anh em gồm năm trai và năm gái mà ông là con cả. Gia đình Tô Thùy Yên ở Gò Vấp thuộc loại điền chủ có nhà máy xay lúa và biến chế thực phẩm lâu đời, dấu tích để lại là Quận đường Gò Vấp chính là ngôi nhà của bên ngoại của ông. Nhưng đến đời Tô Thùy Yên thì cảnh nhà đã sa sút, như ông vẫn thường nói với bạn bè, thân phụ ông thì con nhà giàu, mà ông lại chịu cảnh con nhà nghèo. Phái phụ nữ thì cũng gồng gánh tiểu thương, thân phụ ông đi làm công chức, là chuyên viên phòng bào chế của Viện Pasteur, rồi sau đó là phòng thí nghiệm của nhà thương Chợ Rẫy, Saigon. Tô Thùy Yên đã vào trung học Petrus Ký với cái thời concours 100 người mới lấy 1 vì trường ốc không phát triển kịp với đà gia tăng dân số, và vì loạn lạc chiến tranh, dân lục tỉnh đã đổ lên Saigon sinh sống...Sau một trận thương hàn súyt chết, ông nhập học trễ mất vài tháng nên phải đổi trường sang Les Lauriers, và ông đã tốt nghiệp trung học với cả hai chương trình Việt Pháp. Thời gian sau đó, Tô Thùy Yên theo đuổi một cách tài tử vài chứng chỉ Văn Khoa Saigon trong thời gian ông mặc áo lính.

Hầu hết thanh niên vào thời ông, ra trường đều đi làm công chức hay dạy học như một sinh kế, Tô Thùy Yên chưa có một ngày “sáng vác ô đi tới vác về”, thảng có đi dạy học thì cũng phất phơ một hai niên khóa ở Saigon, Bình Dương hay Rạch Giá. Từ những năm 1962, Tô Thùy Yên đã tham gia nghề viết lách như một “free lane”, ông đã làm báo Thế Kỷ 20 của GS Nguyễn khắc Hoạch cùng với Trần Lê Nguyễn, Lý Hoàng Phong và Ngọc Dũng, những người đó bây giờ đều đã qua đời. Và sau đó với Sáng Tạo của Mai Thảo, với một trong những bài thơ bắt đầu chuyển hướng đầu tiên mà người ta vẫn còn nhớ là bài ”Cánh Đồng, Con Ngựa, Chuyến Tàu”.

Khoảng thời gian 1972-73, Tô Thùy Yên đã lập nhà xuất bản “Kẻ Sĩ”, tuy đã xuất bản hơn chục tác phẩm văn thơ, nhạc, nhưng chính ông chưa có một tác phẩm ra đời. Đó cũng là một biệt lệ với một người thơ nổi tiếng như ông. Mãi đến năm 1995, khi sang Mỹ, bạn bè và độc giả của Tô Thùy Yên mới giúp ông tìm lại những bài thơ phiêu lạc và ấn hành “Tuyển Tập Thơ Tô Thùy Yên”. Chín năm sau, tập “Thắp Tạ ”này mới lại được diện kiến người yêu thơ.

Thế hệ của chúng tôi là thế hệ của những người sống trong chiến tranh, thuở nhỏ đã nghe bom đạn, thấy chuyện bố ráp, nhìn cảnh bêu đầu giữa chợ “giặc bố ráp chỉ điểm bao bố che mặt đầu, bác bặt tin ngoài hải đảo, chú mất xác nơi vàm sông”. Lớn lên làm chiến tranh “sao chịu bịt mù hồn, chơi sinh tử quái đản, Nam quân Bắc quân trời sai tru diệt nhau?”.Thời gian tù đày, sang tới giai đoạn lưu lạc bên trời cũng là những hậu quả của chiến tranh :”quê người lạ chỗ gối đầu, lạ trăng sao, lạ cả màu chiêm bao!” Tô Thùy Yên cũng không qua khỏi những đoạn đường và những đoạn trường ấy.

Cuối năm 1963, Tô Thùy Yên động viên vào khóa17 Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức. Ông vốn là một người thông minh, cẩn trọng và xuất sắc, điều đó chứng minh khi đang học trung học, mọi học sinh đều phải theo học chương trình “huấn luyện quân sự học đường” (PMS), trong kỳ thi cuối khóa, học sinh Đinh Thành Tiên đã đổ thủ khoa với cấp bậc chuẩn úy. Do vậy khi vào trường Thủ Đức mọi sinh viên trong giai đoạn I đều lãnh phụ cấp trung sĩ thì ông đã ăn lương chuẩn úy. Những ngày đầu ở trong quân đội, Tô Thùy Yên đã ở vùng đồng bằng sông Cửu Long ba năm trước khi thuyên chuyển về Cục Tâm Lý Chiến. Thời gian đó, ông đã đi xuống nông thôn Nam Bộ làm công tác biên tập, phóng sự cho Đài Phát Thanh Ba Xuyên và các công tác dân sự vụ. Ở Cục Tâm Lý Chiến, Tô Thuỳ Yên có cơ hội đến với các vùng đất xa xôi như vùng Ashau, A Lưới trong các chuyến viếng thăm tiền đồn, hay, tuy không phải là nhiệm vụ của ông, thích đi làm phóng viên ngoài mặt trận . Trong quân đội, dù ở đơn vị tham mưu hậu tuyến, ông cũng đã thăng chức khá nhanh, chức vụ cuối cùng của ông là Thiếu Tá Trưởng phòng Văn Nghệ Cục Tâm Lý Chiến.

Tháng 5-1975, cũng như tất cả kẻ sĩ miền Nam, Tô Thùy Yên trói tay đi tù 10 năm qua các trại Hoàng Liên Sơn, Bắc Thái, Thanh Phong.... Ra tù vì tội danh sĩ quan miền Nam, Tô Thùy Yên lãnh thêm một đoạn đời biệt giam tại miền Nam với các tội danh phản động, gián điệp ngoại quốc vì những bài thơ và sự liên lạc của ông với các nhân vật văn hóa ở nước ngoài. Trong trại biệt giam, một đêm, ông đập vỡ tròng kính lão, làm vũ khí phản kháng cắt động mạch tay trái của ông, nhưng số ông chưa được chết để hôm nay chúng ta lại được gặp gỡ ông ở đây.

Ra tù, Tô Thùy Yên mới được biết các cơ quan như Amnesty, Unesco, Human Right và cả những cá nhân như phu nhân Tổng Thống Pháp Mitterand, Tổng Thống Tiệp Khắc Havel đã can thiệp cho ông, và Tô Thùy Yên trở thành Hội Viên Danh dự của các trung tâm Văn Bút Thụy Sĩ, Canada, Pháp, Balan, Tiệp Khắc mặc dầu chưa một ngày nào ông là Hội Viên Văn Bút.

Tô Thùy Yên đến Hoa Kỳ vào cuối năm 1993 do ông bà Cung Tiến và Hội Văn Hóa Việt Nam ở Minnesota bảo trợ và, ông và gia đình về định cư tại Houston, Texas được ba năm nay.

Tô Thùy Yên lập gia đình năm 1961 với cô Huỳnh Diệu Bích, một giáo chức. Hai ông bà sinh hạ được bốn người con, một mất ở Việt Nam, còn ba, hai trai một gái đều thành đạt, sinh sống ở Minnesota và Dallas. Mặc dù, Tô Thùy Yên đã nói quả -là thơ của ông- thuộc phần người đọc, còn phần cây thuộc về tác giả, tôi cũng mạo muội và xin phép tác giả đến gần để xem vóc dáng cái cây đó, cái cây đã sinh ra trái tốt như thế nào, vì tôi là người đang viết về tác giả. Quả thật, cũng như nhiều nhà thơ thời thượng khác, Tô Thùy Yên cũng chịu nỗi truân chuyên vì sự đào hoa -hay tài hoa- của ông. Đã có một thời gian ông có một cuộc tình với nhà văn nữ Thụy Vũ mà đôi người viết văn học sử đã nhầm đó là người vợ chính thức của ông. Ngoài ra từ khi gia đình ông đến Hoa Kỳ, có một nữ độc giả, một thiếu nữ trẻ trung và nhan sắc và là người rất yêu thơ đã đến với gia đình ông, như vừa là một người em, một người trợ tá và cũng là một người tri kỷ, mà ta đã thấy hình bóng thấp thoáng trong thơ Tô Thùy Yên: “giờ lai sinh làm cô gái nhỏ dịu hiền, dắt tay gã mù mê qua gió cát”. Nếu Tô Thùy Yên phu nhân, không phải là bà Huỳnh Diệu Bích, thì có lẽ chúng ta không có cơ hội được đọc những bài “tuyệt thi” như hôm nay và để lại cho mai sau chăng?

Người ta nói rằng thơ thời tiền chiến không có sự hiện diện của lịch sử trong thơ, ngày nay có những nhà thơ mang sứ mệnh của kẻ sĩ, đem vào thơ mình dấu vết của lịch sử, một thứ lịch sử Việt Nam vô cũng khốc liệt, tan nát và đau đớn. Thông điệp đó đã gởi đến cho những người cùng thời và gởi lại hậu thế và Tô Thùy Yên là một kẻ sĩ như thế.

Luận về thơ không phải là mục đích của bài viết này, một bài viết chỉ muốn trình bày sơ lược chân dung của tác giả Tô Thùy Yên, một người đã mang thân mệnh chung của thế hệ chúng ta, gắn liền với các giai đoạn của chiến tranh, cam chịu, thấu hiểu, xông vào chiến tranh và cuối cùng là nhận những hậu quả của nó.

HUY PHƯƠNG