văn hữu vườn tao ngộ

Nơi lưu trữ tác phẩm của PBTD và thân hữu. Liên lạc: phanbathuyduong@gmail.com

Tuesday, January 22, 2013

Nguyễn Mạnh Trinh * Nguyễn Đức Sơn, chân dung & huyền thoại





Nguyễn Đức Sơn là một khuôn mặt thi sĩ lớn của văn chương Việt Nam. Một phong cách văn chương riêng, một mình một chiếu, thơ và văn bộc lộ một tâm thái suy tư khác thường đi ngược lại dòng sống thay vì xuôi chảy.
Ông là người làm thơ mà cuộc sống văn chương và đời thuờng đã tạo thành nhiều huyền thoại. Những chuyện kể về, những giai thoại nói đến, một chân dung tác giả khác thường được tạo dựng và người đọc, không phải chỉ ở những lớp sau mà ngay ở lớp cùng thời, đã có những nhận định sai lạc về chân dung thực con người thực. Đó là không kể, như ở trong nước, vì lý do lợi nhuận đã có những cuốn sách khai thác quá độ đời tư để đến thành những khoảng cách thật xa với thực tế.
Bao nhiêu quyển sách, bao nhiêu bài báo đã nói về Bùi Giáng, về Trịnh Công Sơn, về Nguyễn Đức Sơn…. Và đã có bao nhiêu ngộ nhận xảy ra vì những chi tiết trái ngược nhau từ bài viết này với cuốn sách khác của một chân dung tác giả. Độc giả, có lẽ phải có sự cẩn thận khi tiếp cận với những vấn đề đó.
Thí dụ, như trường hợp nhà thơ Nguyễn Đức Sơn. Có rất nhiều bài viết về ông, của những người quen thân có, quen sơ có và nhiều khi không quen cũng tự nhận là quen có. Trong đời thường, Nguyễn Đức Sơn có nhiều bi kịch. Và nhiều bài viết khai thác những bi kịch ấy. Thí dụ như “Người đàn bà trên đồi cỏ” của Đào Hiếu đăng trên báo Xuân Doanh Nhân Sài Gòn cuối năm 2008.
Đào Hiếu viết về mối tình của Nguyễn Đức Sơn và Phượng đầy thiên kiến và hình như bày tỏ một nhận xét nào không thiện cảm. Và lạ lùng cũng đều nhắc đến Trịnh Công Sơn:
Nhưng tôi biết nàng rất đẹp.
Trịnh Công Sơn cũng biết nàng rất đẹp.
Nguyễn Đức Sơn thì chửi bới nguyền rủa mọi thứ. Tôi nói: ”Tôi đến đây để tìm một Nguyễn Đức Sơn vĩ đại nhưng tôi chỉ gặp một Phượng vĩ đại. Nếu không có người đàn bà này, ông đã chết rồi Sơn ạ!…
Năm 1972, Nguyễn Đức Sơn trốn lính về tá túc ở Bình Dương dạy Anh văn tại một tư thục. Nếu không gặp Phượng hắn sẽ chẳng có tác phẩm nào ra hồn. Phượng rọi hào quang của nàng vào cái đầu mê gái tơi bời của hắn và hắn được cô ”độ” cho thành… thi sĩ. Tác phẩm “Đêm nguyệt Động” ra đời từ dòng nước cam lồ róc rách tuôn ra từ nhục thể của “thánh cô Annie Phượng
Nhưng những vần thơ mê gái thượng thừa ấy cũng không lay động được Annie Phượng. Chàng khóc lóc rên xiết quỳ lạy… cũng chẳng ăn thua bèn dùng khổ nhục kế. Nếu như ngày nay thì chàng thi sĩ sẽ quấn chất nổ quanh mình rồi lao vào ”đánh bom tự sát” nhưng Nguyễn Đức Sơn thời đó đã trèo lên thành giếng và kêu lên ”Bớ Chúc Anh Đài! Ta chết đây” làm Phượng hoảng hốt. Cuộc hôn nhân bắt đầu như vậy…” Cuộc sống của gia đình Nguyễn Đức Sơn ở Phương Bối Am cũ là một thảm kịch. Sống như những sơn nhân, thiếu thốn tiện nghi đời sống và luôn luôn bị cái đói đe dọa. Một bữa cả gia đình gồm hai vợ chồng và 3 đứa con bị trúng độc vì ăn rau rừng và một đứa con bị chết. Bà mẹ phải lấy áo rách của mình ra vá để khâm liệm cho con.
Một lần khác khi chữa cháy rừng Phượng bị phỏng nặng. Nguyễn Đức Sơn và người con trai lớn Nguyễn Đức Vân phải băng rừng cáng ra nhà thương tỉnh cứu cấp với bệnh tình rất trầm trọng.
Đào Hiếu kể :
Ba hôm sau Trịnh Công Sơn từ Sài Gòn lên ghé bệnh viện Bảo Lộc.
Sơn Núi” hỏi” mày lên đây làm gì?”
Sơn Nhạc Sĩ đáp: ”Thăm Phượng. Sao nỡ hành hạ người ta đến vậy?”.
Sơn Núi” bỏ đi. Trịnh Công Sơn ở lại với các con của Phượng. Có lẽ hôm đó là một ngày của năm 1982. Tôi không biết và các con của Phượng cũng không biết chính xác là ngày nào và tháng nào. Trịnh Công Sơn đã tặng cho gia đình Nguyễn Đức Sơn 60 triệu đồng. Thời điểm đó số tiền ấy rất lớn. Nó đã cứu Phượng và giành giật Phượng khỏi tay tử thần.”
Một nhà văn cũng quen thân với Nguyễn Đức Sơn là Nguyễn Đạt nhận xét về bài viết của Đào Hiếu:
Và bài báo của Hà Danh (tức Đào Hiếu) lúc tôi đọc ở Sài Gòn thấy có nhiều sự kiện về Sơn Núi, về Phượng quá lạ lùng quá không đúng sự thật như tôi biết. Nói chung đọc xong cả bài ”Người đàn bà trên đồi cỏ” tôi muốn đề nghị tác giả nên chuyển thể thành một vở tuồng cải lương và Hà Danh rất có khả năng trở thành một soạn giả cải lương ăn khách nhưng khác hẳn với những saon giả tuồng cải lương như Viễn Châu. Tôi chưa thấy Viễn Châu dựng khống một sự kiện liên quan trực tiếp tới nhân vật vụ việc nào có thật ở ngoài đời. Nên khi tôi vừa lấy tờ báo ra Sơn Núi liền nói: ”đ. m. cái lão đào hang càng đào sâu càng tối đặc!”. Tôi không hiểu gì hết. Hóa ra, Sơn Núi gọi nhà văn Đào Hiếu là đào hang và Sơn Núi nói Hà Danh là bút hiệu khác của Đào Hiếu. Tôi rất ngạc nhiên khi biết vậy và khá buồn bởi tôi quen biết nhà văn Đào Hiếu và mến ông. Tôi thấy Đào Hiếu là một người rất văn nhã lần gặp gần nhất tại một quán cà phê trên đường Trần Quốc Thảo tôi nhận lời viết về Nguyễn Đức Sơn cho trang web của ông, hình như tên là “Lề bên trái”. Sau đó tôi được nhiều người bạn cho biết những gì Đào Hiếu viết không bảo đảm trung thực nên tôi không thể viết bài về Nguyễn Đức Sơn cho báo mạng của nhà văn Đào Hiếu được dù đã nhân lời.
Sơn Núi nói: ”không thể hiểu lão đào hang ở chỗ nào ra cái vụ việc ”nhạc sĩ hàng đầu về đầu hàng” họ Trịnh cho tôi sáu chục triệu đồng nhờ đó Phượng thoát chết. ”Phượng, Nguyễn Đức Lão con trai út anh của hai cô em sinh ra sau chót năm nay 27 tuổi, và Tiểu Khê con gái út của Sơn núi cũng không hiểu người viết bài về họ lấy ở đâu ra vụ việc Trịnh Công Sơn tặng Nguyễn Đức Sơn sáu chục triệu đồng vào cái năm một chín tám mấy đó số tiền ấy rất lớn. Phượng nói: ”Trịnh Công Sơn ghé lên đây hai lần trong một chuyến đi chơi ở Đà Lạt. Lúc lên tặng một thùng mì chay ăn liền lúc về tặng một thùng “légume” Đà Lạt, vậy thôi, chớ làm gì có vụ việc sáu chục triệu đồng” Sơn Núi xác định thêm: ”Ông không tin cứ hỏi Bửu Ý, người rất sùng mộ Trịnh Công Sơn và rất không ưa tôi, coi Bửu Ý nói sao về vụ việc Trịnh Công Sơn cứu tử hoàn sanh bà xã tôi với số tiền sáu chục triệu đồng”. Ngay sau khi đọc bài báo tôi hỏi họa sĩ Trịnh Cung bạn thân của Trịnh Công Sơn có biết vụ việc nhạc sĩ họ Trịnh tặng Sơn Núi 60 triệu? Trịnh Cung bảo không biết vụ đó. Thế thì tôi cực kỳ ngạc nhiên không thể hiểu nhà văn Đào Hiếu lấy ở đâu ra cái tin động trời đất đó. Trong bài ký tên Hà Danh ông viết đại ý rằng ông không nhớ rõ, những người con của Phượng cũng không nhớ rõ ngày tháng nào nhưng là những năm của thập niên 1980 và 60 triệu đồng cũa Trịnh Công Sơn tặng thời gian đó là lớn lắm. Tôi hỏi Sơn Núi Đào Hiếu "phịa” chuyện ấy thì quá sức bậy, người trong vụ việc có thể thưa kiện ở tòa án không hiểu sao Đào Hiếu lại phịa như vậy nhỉ? Sơn Núi nói ngay ”Thì lão muốn gia nhập “fan club” của Trịnh Công Sơn mà ông không thấy một loạt bài đánh bóng Trịnh Công Sơn trong tờ báo này hả? Này lão đào hang viết ”Tôi thấy Phượng đẹp/Trịnh Công Sơn cũng thấy Phượng đẹp. Phải lôi lão ”nhạc sĩ hàng đầu về đầu hàng” cùng khen Phượng đẹp thì Phượng mới đúng là đẹp”.
Tôi không biết nhà văn Đào Hiếu gặp Phượng từ năm nào, chứ từ vài chục năm nay, Phượng quá hom hem gầy guộc. Tôi xót xa khi thấy Phượng “lai”, là lai người dân tộc Tây nguyên ở vùng sâu vùng xa chứ không được như người dân tộc ở thị xã B’lao này. Bài báo “Người đàn bà trên cỏ”, câu chuyện tào lao trá ngụy, Sơn Núi và tôi thà nói chuyện bậy bạ thô tục còn hay hơn sáu chục triệu lần...”
Một thực tế văn học là nhiều khi những huyền thoại văn chương lại phát nguồn từ những bài viết khơi khơi như thế. Ở trong nước với người đọc của dân số hơn 80 triệu một thị trường béo bở thì việc để câu khách lôi kéo độc giả cho mục đích bán sách bán báo, đã có bao nhiêu bài viết về Trịnh Công Sơn, về Bùi Giáng, về Phạm Công Thiện, về Nguyễn Đức Sơn... tràn lan như một mốt thời thượng. Thành ra, con người nghệ sĩ của văn chương nhiều khi bị nhòa nhạt đi vì những bài viết kiểu của ông “lạc đường“ Đào Hiếu này.
Nguyễn Đức Sơn, một nghệ sĩ quái dị. Một trong những nhà thơ tiêu biểu của hai mươi năm văn học miền nam. Một trong những nhà văn luôn đi tìm trong cuộc sống những câu trả lời không thể trả lời. Một trong những người không thể thỏa hiệp với cuộc đời và đi ngược dòng sống với thái độ hung hăng gây gổ. Một trong những người sống trong những bi kịch của loài người. Một trong những người sống phân hai giữa đời thơ và đời thường, giữa tu tập và buông thả, giữa dục tính và lãng mạn. Thế giới của Nguyễn Đức Sơn là một thế giới kỳ quặc mà con người phân chia thành nửa này nửa kia luôn luôn chống đối nhau và không bao giờ thỏa hiệp với nhau. Nguyễn Miên Thảo đã viết về mẫu người thi sĩ đặc biệt này:
Nguyễn Đức Sơn là một người đầy cá tính mà nếu không hiểu thì tưởng là khó tính. Tính cách của ông khác người luôn luôn mâu thuẫn với chính mình. Tôi nghĩ sự “va chạm” nội tại đã đưa ông tới đỉnh điểm của sáng tạo trong tác phẩm của ông. Tâm địa của ông thì rộng bao la nhưng hay… thù vặt, rất mê chủ nghĩa Cộng sản nhưng không ưa ”cách mạng” sẵn sàng chửi cả những người khen ngợi ông dù người khen rất thật tình và có nhân cách nhưng trong bụng nguyễn Đức Sơn thì sướng rơn. Tôi ví dụ một câu chuyện nhỏ. Sau khi tập thơ Những Bài Tình Đầu ra đời, nhà văn Tam Ích, một nhà văn đứng đắn và nổi tiếng thời đó viết một bài phê bình khen thơ Nguyễn Đức Sơn hết lời. Nguyễn Đức Sơn viết một bức thư ngắn nhờ tôi đem về Sài Gòn trao tận tay nhà văn Tam Ích. Nội dung lá thư không phải là lời cám ơn mà vỏn vẹn một dòng chữ như sau: ”Bởi vì ông là nhà văn đứng đắn nên tôi không biết chửi ông như thế nào. Nhà văn Tam Ích nhận thư không giận lại viết thêm một bài ca ngợi Nguyễn Đức Sơn là thiên tài mặc dầu không nói ra nhưng tôi biết Nguyễn Đức Sơn sướng trong bụng lắm. Sướng không phải được khen mà vì có cơ hội để chửi người khác...”
Và chuyện kể về mối tình của chàng thi sĩ dị thường kỳ quặc :
Cuộc tình của Nguyễn Đức Sơn và cô học trò Nguyễn Thị Phượng chín mùi khi nào thì quả tình tôi không hay biết. Một hôm vào khoảng giữa năm 1967-1968 gì đó tôi không nhớ đích xác NĐ Sơn nhờ tôi lên báo với thầy Thanh Tuệ in gấp tập thơ Đêm Nguyệt Động để kip ngày đám cưới. Và khoảng mười ngày sau đám cưới Nguyễn Đức Sơn - Nguyễn Thị Phượng được tổ chức tại chùa Tây Tạng Thủ Dầu Một - Bình Dương.
Từ sáng sớm một chiếc xe con 4 chỗ ngồi đỗ trước nhà Nguyễn Đức Sơn, Sơn trong bộ com-lê màu sẫm sang trọng đầu húi cua đã chờ sẵn đón những người trên xe bước xuống đó là Đại đức Thích Thanh Tuệ, chủ nhà xuất bản An Tiêm, giáo sư nhà văn Bửu Ý và Đại đức Thích Nguyên Tánh tức nhà thơ Phạm Công Thiện, Khoa trưởng Văn Khoa Đại Học Vạn Hạnh. Khi biết tập thơ Đêm Nguyệt Động không in kịp N Đ Sơn chào đón đoàn nhà trai một câu chửi ”Đ. m. thầy, thầy có biết ngày hôm nay là ngày trọng đại của tôi không?” Thầy Thanh Tuệ cười trừ còn mọi người thì đã biết N Đ Sơn là ai rồi.
Đám cưới cử hành tại đại điện chùa Tây Tạng Thượng tọa Thích Trí Bổn trụ trì chùa cậu ruột của cô dâu Nguyễn Thị Phượng đại diện nhà gái vừa là chủ hôn (Phượng mồ côi cha mẹ về ở với cậu từ nhỏ) Đại đức Thích Thanh Tuệ đại diện nhà trai, Đại đức Thích Nguyên Tánh (tức nhà thơ Phạm Công Thiện) và nhà văn Bửu Ý phụ rể. Trong khi niệm hương lễ Phật, Thượng tọa Thích Trí Bổn và Đại đức Thích Thanh Tuệ quì phía trước, Sơn và Phượng quì phía sau. Sơn dùng miệng mum hết chân nhang khi cắm nhang vào lư ba cây nhang của Sơn lùn tịt không giống ai. Khi qua làm lễ cáo tổ tiên Sơn láy mắt với tôi, tôi nghĩ Sơn bày trò gì đây nhưng không nghĩ ra. Bàn dọn cỗ là loại bàn tròn bằng gỗ mặt bàn rời đặt trên cái giá bốn chân hình chữ X, Sơn và Phượng quì trước bàn cáo tổ tiên lậy bốn lạy Sơn lạy thêm một lạy trồi người tới trước khi đứng dậy đầu dội vào cạnh bàn cỗ bàn bị lật đổ không còn một món. Những người dự lễ cưới không ai không cười trừ Bửu Ý.
Một tuần lễ sau đám cưới tôi từ Sài Gòn về Bình Dương thăm vợ chồng Nguyễn Đức Sơn vừa bước vào nhà tôi thấy Sơn cầm một con dao dí Phượng vào sát vách. Tôi kêu lên. Sơn làm gì vậy? Sơn vứt dao choàng vai tôi bước ra ngoài ”Moa muốn đo sự sợ hãi của Phượng như thế nào!”…”
Trong bài viết của Thái Ngọc San, một nhà văn Việt Công nằm vùng trước năm 1975 khi viết về đời sống gia đình của Nguyễn Đức Sơn trong truyện ngắn “Bầy Thú Hoang Dã“ đã phác họa những người trong gia đình không khác lắm so với những thú rừng hoang dã. Gia đình đông con, vợ thì yếu dại làm sao mà không nghèo khổ cơ cực. Thái Ngọc San nhìn vào bề mặt đời sống ấy mô tả và có chút phê phán rằng Nguyễn Đức sơn có dã tâm của loài thú và tự mình tạo ra những bi kịch đời sống cho gia đình mình. Nhận xét ấy là của người không đi sâu được vào phần trong của cuộc sống ấy.
Nhưng có người viết nhìn bằng con mắt quan sát khác. Chân dung thi sĩ Nguyễn Đức Sơn là một chân dung đặc dị, mà những chi tiết thường khi trái ngược nhau từ những quan sát nhận xét khác nhau. Nhà văn Nguyễn Đạt một người có rất nhiều gần gũi với đời thường Nguyễn Đức Sơn viết:
Hiển nhiên qua cách nhìn nhận như Thái Ngọc San ở truyện ngắn này thì chỉ ghi lại cái bề mặt của cuộc sống Nguyễn Đức Sơn và mặc nhiên với những trách cứ phê phán của người quan sát thiếu tâm tình.
Trong gần gũi Nguyễn Đức Sơn nhiều ngày tháng chúng tôi hiểu rõ nhà thơ Nguyễn Đức Sơn không hề có dã tâm của loài thú để tạo nên đời sống như Thái Ngọc San đã ghi nhận. Đó là cuộc sống cực chẳng đã phải như vậy mà thôi muốn khác đi cũng không được. Nguyễn Đức Sơn không biết làm gì khác để thay đổi cuộc sống như bầy thú hoang dã, ông lại càng không thể tính toán bon chen giành dựt với nhân thế. Trên trái đồi rộng bốn năm héc-ta ông không biết và cũng không ưa trồng loại cây nào cho có lợi nhuận ngoài cây thông mà ông yêu thích. Cũng vì Nguyễn Đức Sôn chăm chút nuôi trồng thông từ mấy chục năm nay trái đồi mang tên Phương Bối ở thôn Đại Lão xã Lộc Châu bây giớ gần như là nơi duy nhất để ngàn thông còn tồn tại trên cao nguyên hoang sơ Bảo Lộc…
Sự thật mà chúng tôi biết Nguyễn Đức Sơn đầy tình cảm yêu thương con người như mọi người thiện tâm khác. Lần Phượng bị bệnh thập tử nhất sinh phải giải phẫu tại bệnh viện Chợ Rẫy, chúng tôi ngồi bên ông ngoài hành lang trước phòng giải phẫu. Ông rất căng thảng chờ đợi kết quả phẫu thuật. Chợt có tiếng cô y tá kêu lớn tên ông nuớc mắt ông tuột ra chảy dài trên khuôn mặt. Ông ngỡ cuộc phẫu thuật thất bại. Phượng đã chết! Hóa ra không phải cô y tá gọi ông để báo tin lành. Và Nguyễn Đức Sơn cẳng nhảy lên như đứa trẻ vui mừng tột độ.
Lần một đứa con của Nguyễn Đức Sơn bị vệnh nằm liệt giường chúng tôi cũng có mặt trên đồi Phương Bối. Ông cuống cuồng chạy xuống đồi hỏi người này người kia để chữa chạy kịp thời cho con. Có người bày cách cho người bệnh ăn thịt cóc sống. Ông hét vang như hóa điên vì gặp ngay người bán thịt cóc đi ngang qua. Mang thịt cóc về cho đứa con ăn ngay chợt ông nhớ cả gia đình vốn ăn chay trường ông vội thắp nén hương niệm Phật xin xá tội. Đứa con vừa nuốt miếng thịt cóc lập tức nôn mửa thốc tháo. Ông lại cuống cuồng lại chạy xuống đồi kêu xe ôm, ôm con ngồi lên xe đưa vào bệnh viện. Ở bệnh viện lúc đứa con đã an toàn đã đi đứng trở lại bấy giờ mới để ý ông chỉ mặc quần cụt mà lại thủng rách cả đũng. Nhưng Nguyễn Đức Sơn lúc đó vui rộ lên nói lắp bắp những câu hí lộng về cái quần thủng rách…”
Đời sống của một thi sĩ như Nguyễn Đức Sơn đầy những biến cố của bi kịch. Là người ngông cuồng kiêu ngạo không coi ai ra gì và ăn nói lỗ mãng dung tục hay chửi thề? Là một người nổi loạn vô chính phủ dùng văn chương để quăng quật vào đời sống những hằn học chất chứa? Là một người không thừa nhận bất cứ một trật tự nào trên thế giới nhưng lại coi thi ca như một tôn giáo linh thiêng?
Tuệ Sĩ đã hỏi về khuôn dáng Nguyễn Đức Sơn:
Anh là ai? Là một nhà thơ hiện sinh, nổi loạn, quậy phá? Dưới ngòi bút phê bình anh không thể khác đi được: hiện sinh, nổi loạn, quậy phá, du côn. Tôi cũng không nghĩ khác hơn những ảnh tượng và những ấn tượng mà ngòi bút có thể vẽ, có thể miệu tả. Một gã du côn, một tên phạm thánh. Và còn nhiều từ khác nữa. Nhưng làm sao có thể biết được, một người không đến với ta từ con đường trước mặt, hay bằng tiếng gọi từ sau lưng, mà là một cái gì đó, ở đâu đó... “
Với tôi, trong cảm quan của riêng mình, tôi thấy khi đọc thơ hoặc truyện ngắn của Nguyễn Đức Sơn, tôi mường tượng thấy hình như thế giới của ông không phải là của mặt đất hiện hữu này. Ông sống như để muốn biểu lộ những suy nghĩ bị khép kín bị đóng băng. Thành ra ông như một con tê giác (tượng hình mà nhà văn Bửu Ý gán cho ông) cứ húc vào hư vô như một phản ứng tự nhiên của một người hình như không còn lý đến căn cước của mình mà vẫn phải sống, vẫn phải trôi theo dòng đời trong khi muốn ngược lại để bơi vào cái khu vực thâm u của chính mình nhưng cũng chưa hề hiểu rõ điều gì là huyễn ảo và điều gì là thực tế.

Nguyễn Mạnh Trinh


Trần Vấn Lệ * Cảm Ơn Em Mùa Xuân



tranh Lâm Triết


Ôi Thiên Nga! Thiên Nga bay trên hồ xanh lặng. Buổi mai chan hòa nắng, đôi cánh trắng hay sương? Thiên Nga hay làn hương em vừa bay ngang đó? Thiên Nga hay là gió? Em! Thiên Nga của anh!

Buổi mai nắng long lanh và trời long lanh nắng. Em vẫn tà áo trắng cô nữ sinh ngày xưa. Thiên Nga không làm mưa mà thơ anh mướt mịn. Nhớ hồi em đứng tránh một ngày nắng chứa chan, tất cả thông bạt ngàn vì em reo rất khẽ. Gió bay về rất nhẹ theo Thiên Nga ngày xưa…

Ôi Thiên Nga giấc mơ trời mờ mờ yên ắng. Anh yêu em nhiều lắm nói không hết một lời và nếu nói trọn đời thì cũng là câu đó!

Thiên Nga ôi làn gió em mang về làn hương. Chưa bao giờ dễ thương như sáng nay anh thấy. Rừng cây không động đậy em bình yên bay qua. Anh đứng đợi từ xa một mùa Xuân đang tới. Cảm ơn em ngày mới. Cảm ơn em, mùa Xuân!

Ôi mùa Xuân anh ôm vào lòng không hết nắng. Em ngày xưa áo trắng hôm nay vẫn học trò. Anh chưa nói bao giờ anh-không-yêu-em-nữa. Anh cũng không hề hứa anh-là-kẻ-chung-tình. Em cái bóng cái hình ngàn năm em-nguyên-vẹn. Trái tim anh không xén một mảnh nào lang thang…

Trần Vấn Lệ




Monday, January 21, 2013

Phạm Tín An Ninh * Sắt Son



    Không ngờ tôi lại là người bưng tấm ảnh chị Ngà theo sau quan tài của chị. Và cũng chính tôi là người đào huyệt chôn chị. Đám ma của chị có lẽ là một đám ma buồn nhất mà tôi chứng kiến. Có cái chết nào lại không buồn. Những ngày ở trong trại “cải tạo”, tôi đã từng khiêng xác vài người bạn tù đi chôn ở ven triền núi hoang vắng đến lạnh lẽo, trong cảnh nhá nhem của buổi chiều đông trên khu núi rừng Việt Bắc. Nhưng đó là chuyện trong tù, còn hôm nay ngay trên làng quê mình, chị Ngà đến nơi an nghỉ cuối cùng mà không có một người ruột thịt tiễn đưa, ngay cả cái áo quan cũng do bà con láng giềng góp tiền mua cho chị.
Chị nằm bên cạnh cha mẹ cùng người em trai, trên một ngọn đồi đầy những cỏ may và cây hoa bộng giếng, nhìn xuống cái làng quê mà gần cả một đời chị sống quanh quẩn ở đây, cô đơn, lặng lẽ. 
Chôn cất xong, mọi người ra về, tôi nán lại, dựng tấm bia bằng gỗ trước mộ chị. Khi ngồi một mình nắn nót viết cái tên của chị lên tấm gỗ, nước mắt tôi ràn rụa, mơ hồ như thấy mình đang trở về cái thời nào đó thật xa xăm.
Ngày xưa cha tôi làm thầy giáo, dạy trường Pháp Việt. Tôi mồ côi mẹ từ lúc mới lên ba, cho nên những ngày đi dạy học ông thường dắt tôi theo. Đến lớp, ông giao tôi cho mấy anh, chị học trò lớn của ông để tôi vừa chơi vừa  học. Nhờ vậy mà lúc còn bé tí xíu tôi đã biết “con ngựa cheval nhảy qua hòn núi montagne ăn cỏ herbe uống nước de l’eau “.
Trong số các anh chị dạy tôi học, tôi thích nhất là chị Ngà. Chị là con gái lớn của ông bà Tần, chuyên nuôi tằm, bán tơ, một gia đình thuộc hàng khá giả trong làng, có ngôi nhà ngói lớn, ở cách nhà ông bà nội tôi chỉ mấy cái vườn cây. Chị Ngà có làn da trắng, mái tóc thật dài. Lúc nào gặp tôi chị cũng cười và nói năng nhỏ nhẹ. Nghe cha tôi nói lại, chị hiền lành ngoan ngoãn và học rất giỏi, nên là một trong số học trò cưng của cha tôi. Thấy tôi mồ côi mẹ, lại là con của thầy mình, nên chị rất thương tôi. Ngay cả những ngày nghỉ, chị cũng thường ghé lại nhà ông bà nội, dắt tôi đi chơi, mua cho tôi mấy con bò, con gà bằng đất. Có điều tôi ít khi đến nhà chị, vì  rất sợ những con tằm. Tôi bảo đó là những con sâu, mặc dù chị tốn bao nhiêu công sức để nói về lợi ích của con tằm đã làm nên tơ lụa, và những con bướm đẹp đẽ đang bay ngoài vườn kia là hoá thân từ chính những con tằm. Nhưng lúc ấy tôi nghĩ là chị đã kể từ một chuyện thần thoại nào đó nên không tin những điều chị nói.
Cả một thời ấu thơ, lớn lên ở nhà ông bà nội, ngoài cô Út ra, chị Ngà là người mà tôi gần gũi nhiều nhất. Chị có một người em trai tên Ngọc, lúc nhỏ tôi rất phục tài đá banh của anh. Gần như không trận bóng nào có anh mà thiếu tôi trong hàng khán giả nhi đồng. Nhờ anh mà đội bóng cùa làng tôi giữ chức vô địch mấy năm liền trong huyện. Tôi mê anh đá banh, nhưng nhiều cô gái trong làng thì mê anh đẹp trai, cao lớn. Sau này anh đăng vào lính thủy quận lục chiến. Nghe nói anh đánh giặc hăng lắm, nên mới ba năm đã lên tới chức trung sĩ. Lâu lâu về phép dắt theo cô bồ có mái tóc quăn, trông anh oai phong lắm.
Khi tôi từ giã quê lên tỉnh học, cũng là lúc chị Ngà ra nghề làm cô giáo, dạy một lớp nhỏ  trường làng, rồi lấy chồng. Tôi cũng vinh dự được mời, và quà cưới tôi cho chị hôm ấy là bức tranh chân dung của chị do chính tay tôi vẽ. Tưởng chồng chị là ai, hoá ra là anh Phúc,cũng là học trò của cha tôi, học trên chị một lớp, người cùng làng. Nghe nói anh học giỏi, nhưng thầm lặng, ít nói và không thích giao du với bạn bè. Anh là con trai một của bà ba Tịnh. Bà góa chồng từ lúc nào tôi không biết. Chỉ nghe người ta bảo ông Tịnh theo vợ bé, là một cô đào trong gánh hát rong, rồi biệt tăm luôn.
Anh Phúc thi đậu lấy bằng primaire, nhưng viện cớ mẹ goá con côi, nên không đi làm công chức như những người khác, mà lại tự mình khai thác một khu vườn bên kia sông Gốc, trồng nhiều loại cây và có ao nuôi cá. Trong làng ai cũng khen anh biết tính toán và có lòng hiếu thảo
Trong đám học trò của cha tôi cũng có vài anh khác ngắm nghé chị Ngà, nhưng vâng lời cha mẹ, chị lấy anh Phúc, bởi anh là con một của bà mẹ góa, được nhà nước cho miễn dịch, khỏi phải đi lính xa nhà, để chị còn được gần gũi săn sóc ông bà khi đến tuổi già. Đám cưới nhà quê, nhưng khách khá đông, mà hầu hết là bạn học của hai người và cũng là học trò của cha tôi.Trong lễ cưới, sau khi cô dâu chú rể lạy tạ cha mẹ hai bên, rồi xin được lạy cha tôi một lạy để đền ơn sư. Cha tôi cầm tay anh chị dặn dò nhiều thứ, tôi không nhớ hết, chỉ còn mang máng hai tiếng thủy chung.
Từ ngày chị Ngà lấy chồng tôi ít có dịp gặp lại chị. Mặc dù nhà chồng chị cũng không xa mấy, nơi ven làng, bên con sông Gốc, mà phía bên kia sông là khu vườn của anh Phúc và cánh rừng tiếp giáp với dãy trường sơn.
Tôi gặp lại chị đúng vào một ngày buồn. Chỉ đứng nhìn chị ấy khóc. Anh Ngọc, em trai duy nhất của chị, bị tử trận đâu trong Rừng Sát. Cha mẹ chị ngất xỉu khi nhận chiếc quan tài mà không hề được báo trước. Đám ma hôm ấy nghiêm trang lắm, có cả ông quận và mấy anh lính bồng súng chào đi theo. Tôi dìu chị đi sau linh cửu, tiễn đưa anh Ngọc đến nơi an nghỉ cuối cùng.
Điều làm tôi - và nhiều người - ngạc nhiên là trong đám ma của anh Ngọc, không ai nhìn thấy mặt anh Phúc, chồng chị. Mọi  người thì thầm “cha nào con nấy, chắc là lại mê con đào hát nào, bỏ con Ngà rồi! ’’
Tội nghiệp cho chị và oan cho anh Phúc. Vì trước đó mẹ anh Phúc đã thay mặt con trai xin lỗi gia đình sui gia, bởi anh Phúc ốm nặng bất ngờ phải nằm bệnh viện.
Hai tháng sau, một trận lụt lớn tràn qua làng tôi, kéo theo một số nhà cửa và trâu bò, nhưng không có ai chết, ngoại trừ cái tin anh Phúc bị nước cuốn đi, khi anh còn ở khu vườn bên kia sông Gốc, chưa kịp về nhà. Mẹ anh Phúc rước thầy ngồi đồng đi tìm xác anh Phúc suốt mấy ngày liền, nhưng người ta nghĩ là xác anh đã trôi ra biển.
Trong nhà cũng lập bàn thờ, nhưng chị Ngà nhất định không chịu để tang. Chị bảo linh tính báo cho chị biết là anh Phúc, chồng chị vẫn còn sống. Có thể trôi giạt đến một nơi nào đó rồi được người ta cứu như câu chuyện nàng Thúy Kiều mà chị thường đọc cho cha mẹ chị nghe...
Tôi rời quê vào Sài gòn học, rồi sau đó đi lính. Lâu lâu nghỉ phép về quê, tôi tìm đến thăm chị. Sau ngày cha mẹ mất, chị nghỉ dạy học, bán ngôi nhà ngói lớn của ông bà, đem tiền bạc về xây lại ngôi nhà mẹ chồng thành ngôi nhà lớn ba gian, mua luôn cả khu vườn bên cạnh có trồng đủ loại cây ăn trái. Chị dành lại một số tiền mở một nhà máy xay xát nhỏ, nuôi bà mẹ chồng bị đau bệnh mấy năm nay, chỉ nằm một chỗ.
Trong làng, có người thì bảo chị ấy “khôn nhà dại chợ, bán nhà cha mẹ để gây dựng nhà chồng, và mang cả bàn thờ cha mẹ, em út sang bên ấy, không sợ tủi hổ vong linh”. Nhưng cũng có người, trong đó có ba tôi, thì khen chị, bảo là “xuất giá thì phải tùng phu, con Ngà nó làm vậy là đúng theo sách thánh hiền !”
Không hiểu có phải vì chị nghe lời dặn dò của ông Thầy, từng khai tâm và dìu dắt chị nên người, thuộc lòng hai chữ thủy chung, nên dù chồng đã biệt tích từ lâu, chị vẫn ở vậy, thờ phụng nhà chồng, trong lúc chị vẫn còn trẻ và có nhan sắc trong vùng. Có mấy ông thầy giáo ở xa đổi tới từng mon men đến chị nhưng chị khước từ.
Ngày mẹ chồng chết, cũng chỉ có mỗi một mình chị mặc áo tang. Nghe nói cái đám ma đúng vào một ngày gió mưa, ảm đạm. Người ta không chỉ thương cho người chết, chẳng có chồng con trong phút lâm chung, mà còn tội nghiệp cho cả cô dâu, một mình cô đơn đi sau quan tài, tiễn đưa bà mẹ chồng về nơi chín suối, mà cũng đưa cuộc đời mình vào chốn quạnh hiu.
Chiến tranh càng lúc càng leo thang. Sau ngày mấy ông tướng nghe theo Mỹ hạ bệ và giết hai anh em ông Ngô đình Diệm, không biết đất nước có thực sự khá hơn không, nhưng ở quê tôi thì không còn bình yên như trước nữa. Một vài người làm việc trong chính quyền bị ám sát. Cứ vài ba tuần lại có một cuộc đụng độ giữa các toán dân vệ với quân du kích. Ba tôi phải bỏ quê, về sống ở thành phố, giao ngôi nhà từ đường của ông bà nội cho cô Út tôi chăm nom thờ phượng.
Tôi về phép thăm ba tôi đúng vào ngày giỗ ông nội, nên hai cha con cùng về thăm quê. Tôi gặp chị Ngà  khi vừa bước chân vào nhà ông nội. Chị đến đây từ sáng sớm, phụ cô tôi dọn dẹp nhà cửa, bàn thờ, chùi bóng mấy bộ lư đồng và mấy tấm liễn. Thấy ba tôi, chị vòng tay cúi đầu thưa Thầy như cái hồi còn bé. Chị nắm tay tôi, miệng nở nụ cười. Nhưng nhìn trong đôi mắt chị, tôi thấy phảng phất buồn.
Không biết ba tôi thay đổi quan niệm từ lúc nào, sau đám giỗ, ông bảo tôi tìm chị Ngà, dặn chị ở lại cho ông nói chuyện. Ông khuyên chị Ngà nên bước thêm bước nữa, hy vọng còn sinh đẻ được để có mụn con, hầu tránh cảnh tuổi già đơn chiếc, chẳng có ai lo lắng cho mình. Hôm ấy tôi cũng phụ họa nhiều điều và hứa sẽ làm mai cho chị. Lần này Chị không một mực khước từ, nhưng xin để tang mẹ chồng cho đủ ba năm. Tôi giận chị nhưng cũng cảm phục tấm lòng thủy chung của chị.
Tháng tư bảy mươi lăm, khi chị Ngà chưa mãn tang mẹ chồng, thì cả miền nam để tang cho đất nước. Cái “đại thắng mùa Xuân” của những người Cộng sản đã gây biết bao nhiêu thê lương tang tóc. Ba tôi bị bắt trong lúc tôi còn theo đơn vị từ Cao nguyên“di tản chiến thuật” vào các địa danh xa lạ ở tận Long An tham dự những trận đánh cuối cùng cô đơn và buồn tẻ.
Miền Nam mất. Trong lúc những người Cộng Sản ngơ ngác hò reo chiến thắng, tôi lặng lẽ quá giang đủ các loại xe trở về quê. Tìm tới trại tù Đá Bàn, một mật khu lúc trước nằm sâu trong núi, nơi ba tôi bị giam giữ, nhưng cuối cùng tôi vẫn không được phép gặp ba tôi. Tôi về nhà ông nội thăm bà cô út và thắp hương từ biệt trước bàn thờ gia tộc.
Cô tôi đau lòng cho biết, người ký lệnh bắt ba tôi là một anh học trò của chính ông ngày trước. Anh bỏ nhà lên núi rồi tập kết ra Bắc. Bây giờ đang giữ một chức vụ  khá lớn trong Uỷ Ban Quân Quản.
Cô tôi chưa kể hết câu chuyện thì chị Ngà đến. Chị nắm chặt hai bàn tay tôi, không nói điều gì. Tôi thấy chị đang khóc. Tôi nghĩ là chị thương và lo lắng cho cha con tôi trong cái cảnh sa cơ này. Tôi lấy lại bình tĩnh, chưa kịp nói lời trấn an, thì chị nhìn tôi nghẹn ngào:
     - Em, em.. xin Thầy và em tha thứ cho chị. Chị không ngờ.., chị thật sự không ngờ.
Và chính tôi cũng không ngờ. Anh học trò ký lệnh bắt cha tôi chính là anh Phúc, chồng của chị. Tôi rút nhanh tay ra khỏi bàn tay của chị.
Dường như đây là lần đầu tiên trong đời, nhìn những giọt nước mắt - mà lại nước mắt của một người rất gần gũi thân quen – lòng tôi dửng dưng không hề xúc động. Tôi có cảm giác đắng cay của một người bị lừa gạt và phản bội. Tôi giận cho tình đời và thầm ân hận là cha tôi đã từng “nuôi ong tay áo”.
Tôi từ biệt làng quê và bà cô cả một đời nuôi nấng chăm lo cho tôi từ thời tấm bé, bước vào trại “cải tạo” với ngổn ngang trăm mối trong lòng. Tự dưng tôi mất mát gần như tất cả mọi thứ trên đời, kể cả những tình cảm mà tôi cứ ngỡ là nó sẽ không bao giờ mai một,
Hơn tám năm trong nhiều trại tù từ nam ra bắc, bị hành hạ đói khổ khốn cùng. Tôi sống còn có lẽ là nhờ những giấc mơ về quá khứ. Trong đó tôi bắt gặp lại hầu hết bóng dáng những người thân yêu của cái thời hạnh phúc. Và khuôn mặt xinh đẹp hiền hậu dễ thương của chị Ngà vẫn thường hiện lên rõ nét, mặc dù khi đầu óc tỉnh táo, tôi đã cố gắng xua đuổi hình ảnh ấy ra khỏi ký ức mệt mỏi của mình. Tôi thương chị mà hận chị. Tôi nghĩ là chị đã đồng lõa với nhà chồng để lừa gạt chúng tôi hơn mười mấy năm qua.
Ra khỏi tù, tôi không được phép về sống chung với vợ con ở thành phố Ninh Hòa, quê vợ. Lý do hết sức đơn giản là : chính quyền ở đó không nhận tôi tạm trú. Công an tỉnh bắt buộc tôi phải về “trình diện chính quyền”nơi sinh quán. Tôi lại một mình khăn gói về quê cũ, mà ở đó chỉ còn một bà cô già goá bụa sống âm thầm trong ngôi nhà từ đường có mái ngói âm dương của ông bà nội tôi để lại.
Nghe tin tôi về, bà con hàng xóm đến thăm. Mới hơn tám năm mà trông ai cũng già nua, khắc khổ. Trong số đó tôi để ý một người đàn bà, đứng ngoài cửa nhìn tôi, đôi mắt thất thần, đầu tóc rối bù, áo quần rách rưới bẩn thỉu. Tôi ngờ ngợ nhớ tới một người. Nhưng khi vừa đứng lên định bước tới hỏi thăm, thì bà ta vụt chạy về phía sau vườn. Tôi ngẩn người khi cô tôi bảo nguời đàn bà ấy chính là chị Ngà, vợ anh Phúc ngày xưa.
Buổi tối, sau khi dắt tôi lên căn nhà thờ thắp hương lạy ông bà, cô tôi đóng kín cửa, khêu ngọn đèn dầu, ngồi kể cho tôi bao nhiêu nỗi niềm tâm sự.
Cha anh Phúc - theo lời tiết lộ sau này từ những đồng chí thân tín của anh Phúc - thực ra không hề theo một ả hát rong nào cả, mà bỏ làng vào bưng từ khi anh Phúc mới lên mười. Ông đã chết từ lâu, nhưng hàng năm vợ con vẫn nhận được thư ông do một vài người lạ mặt mang tới. Trong mấy lá thơ, hầu hết là “động viên” tinh thần anh Phúc nối gót cha đi làm “kách mệnh”. Trước khi lên núi, anh Phúc làm quen, rồi tỏ ra yêu chị Ngà, nhưng thực ra đó là kế hoạch đã được các“đồng chí  thủ trưởng “ giao cho anh Phúc phải thi hành, để giải quyết việc nuôi nấng mẹ của Phúc, mà bọn họ biết là bà đã trở thành goá bụa từ lâu rồi.
Những ngày làm vườn bên kia bờ sông, anh Phúc đã hoạt động cho phía bên kia. Dưới căn hầm trong khu vườn là sào huyệt từng che dấu cho nhiều cán bộ. Sau một trận tấn công chiếm trụ sở xã bất thành, sợ hành tung bại lộ, anh Phúc đã lên núi rồi tập kết luôn ra Bắc, sau khi dựng lên vở kịch chết trôi trong trận lụt năm nào.
Tất cả mọi việc không phải chỉ để qua mắt mọi người, mà còn đánh lừa cả chị Ngà. Chị nhẹ dạ cả tin, nên ban đầu cứ tưởng chồng mình còn sống bị trôi giạt ở đâu đó, nên vẫn chờ đợi trong hy vọng. Sau một thời gian dài bặt vô âm tín, chị mới nghĩ là anh đã chết. Tội nghiệp, chị không hề biết là mình đã bị lừa dối để uổng phí cả một đời xuân sắc.
- Thế bây giờ ông Phúc ở đâu và vì sao chị Ngà lại ra nông nỗi ?  Tôi hỏi.
- Sau ngày “giải phóng” chưa đầy một tháng, thằng Phúc đưa vợ con từ ngoài Bắc vô đây, giành lấy ngôi nhà do công sức của con Ngà gầy dựng, trong đó phần lớn là tài sản của chính cha mẹ nó. Con Ngà phải ra phía góc vườn che một cái chòi tranh để trú nắng trú mưa.
- Còn cái máy xay xát ở đâu mà trông chị nghèo khổ đến như vậy ? Tôi thắc mắc
- Họ mang vào hợp tác xã. Thời gian đầu họ cho con Ngà làm công nhân xay lúa, nhưng lại trả lương bằng bo bo. Chỉ sau vài tháng tất cả các máy xay xát tâp trung về huyện, nó bị mất việc.
- Bây giờ gia đình ông Phúc vẫn còn bên ấy? Con không muốn có ngày gặp mặt ông ta.
- Thực ra nó giành nhà, nhưng chỉ ở một vài tháng rồi cho gia đình một“đồng chí”nào của nó cũng từ ngoài Bắc vào tá túc, trong khi chờ chia chác những ngôi nhà lớn mới tịch thu. Sau đó thằng Phúc bán cả nhà lẫn vườn tược lại cho người khác, vào thành phố nhận một chức hàm lớn hơn. Con Ngà nó phát điên từ dạo ấy. Ngày nghe tin ba con chết trong trại tù cải tạo, nó như một kẻ không hồn. Ban đêm, người ta nghe tiếng nó gọi Thầy ơi, Thầy ơi rồi khóc nức nở.
Tôi theo cô Út, đi dọc theo phía sau mấy khu vườn, tìm đến chị Ngà. Trong căn chòi lụp xụp tối tăm, chị Ngà đang ngồi thẫn thờ trên cái giường tre như một pho tượng cũ. Trên đầu giường có ba tấm ảnh của cha mẹ chị và anh Ngọc, em chị, nhem nhuốc, úa màu. Không ngờ cái ngày đổi đời, người chồng biệt tăm bao nhiêu năm bây giờ bỗng dưng về, trở thành ông lớn thì cuộc đời của chị lại tàn tạ bi thảm như hôm nay. Tôi ngồi xuống bên cạnh chị, ôm đôi vai gầy còm của chị mà trong lòng tựa hồ như bao nhiêu vết chém.
    - Chị Ngà ơi, chị vẫn mãi mãi là chị của em mà. Em thương chị và sẽ lo lắng cho chị.
    Chị Ngà ngồi bất động. Rồi bất ngờ òa lên khóc. Cô cháu tôi càng dỗ dành an ủi, chị lại càng khóc to hơn, tôi nghe tiếng ấm ức nghẹn trong cổ họng chị.
    Tôi năn nỉ, khóc lóc với chị bao nhiều lần mới đón được chị về ở chung trong nhà ông nội. Tôi mang mấy tấm ảnh của cha mẹ chị và anh Ngọc về để một góc trên bàn thờ gia tộc. Từ ngày ấy chị khá hơn xưa. Những lúc ngồi tâm tình với cô cháu tôi, chị vui vẻ bình thường như thuở còn con gái, nhưng cũng có nhiều đêm khuya chị ngồi trước bàn thờ lẩm bẩm một mình và khóc sụt sùi. Từ ngày có chị, tôi cũng thấy mình đỡ bớt cô đơn, và có lúc còn thấy mình hạnh phúc trở lại với cái thời thơ dại.
Vậy rồi chị lìa bỏ thế gian này cũng thật bất ngờ. Buổi sáng thức dậy sớm, tắm rửa xong chị thay quần áo mới, kẹp lại mái tóc, trông chị trẻ ra. Cả ngày hôm ấy chị cười đùa hồn nhiên vui vẻ, ngồi ôn lại bao nhiêu kỷ niệm của những ngày tôi còn bé, và chị còn là cô học trò cưng của ba tôi. Khi vui, trí óc chị trở nên minh mẫn lạ thường. Chị còn nhớ bao nhiêu điều mà chính tôi đã quên từ lâu lắm. Trước khi đi ngủ, chị còn ôm đầu tôi vào lòng, nhại một câu hát đã lâu “ may mà có em đời còn dễ thương..”. Và sau đêm hôm ấy, chị không bao giờ thức dậy nữa.
Trước ngày vượt biển, phải cắt ruột bỏ quê mà đi, tôi đến nghĩa trang gia tộc thắp hương cho ông bà và mẹ tôi, rồi đến thăm mộ chị cuối cùng. Trong lúc cầm ba nén hương đứng trước mộ chị, tôi nghĩ đến thuyết luân hồi của nhà Phật, và hình dung bây giờ chị Ngà đang sống ở một thế giới khác, xinh đẹp và rất hạnh phúc với một người chồng xứng đáng, bởi chị là một nguời đàn bà thánh thiện, sắt son.
Một con bướm trắng không biết từ đâu bay lại đậu trên tấm bia bằng gỗ, mà chính tay tôi đã dựng lên cho chị, nhịp nhịp đôi cánh rồi vụt bay theo cơn gió lốc, biến mất trong bầu trời xanh.
 
Phạm Tín An Ninh

Sunday, January 20, 2013

LONG ÂN * RÓT RƯỢU CHO GIÒNG SÔNG

   








 Gửi Phạm Gia Cổn

 Xưa ta uống rượu bên sông này
 Lòng tạnh, nhưng trời mưa bụi bay
 Gió không đuổi nhạn chân mòn mỏi
 Chẳng tiễn ai mà ta cũng say

*
 Giữa trưa tìm chính mình không thấy
 Bạn bè lác đác từng đám mây
 Khua chân nước đục ngầu tâm sự
 Ai giữ cho người, cho ta đây?

*
 Rượu còn chưa vơi, chiều đã cạn
 Chiều còn chưa đi, người đã xa
 Nghiêng chai rót xuống sông câm lặng
 Gửi chút ta về bạn hữu ta

*
 Để sông lại một đời vô định
 Để mây lại một đời vô danh
 Để ta lại một đời vô ngã
 Để đời lại đời đời vô minh

*
 Bạn bảo ta sông cuồn cuộn chẩy
 Bạn bảo ta sông lặng như tờ
 Rượu còn nửa chai đời cũng vậy
 Xá gì ý nghĩa một cơn mơ?

*
 Nay ta trở lại giòng sông cũ
 Rượu đã nhạt trong chai nhẹ không
 Ta thấy sông im nằm say ngủ
 Còn chính ta là sông mênh mông





 Long Ân  

Tiểu Tử * làm thinh



Cái làng nhỏ đó nằm gần biển Manche, cách thành phố Etretat (miền bắc nước Pháp) độ 10 km. Trong làng có chừng năm chục nóc gia nằm chùm nhum lại thành một khu, trừ một cái nhà nằm rời xa một mình về phía biển. Người trong làng gọi cái nhà đó là " nhà ông Lê ".
Cách đây mấy năm, ông Lê -người Việt Nam độ 40 tuổi- từ Paris ra đây mua lại cái nhà đó để làm nhà nghỉ mát. Mùa hè và các ngày lễ lớn, ông đưa vợ con -vợ người Pháp và hai con trai chín mười tuổi- ra đây đổi gió và lâu lâu ông cho bạn bè mượn năm bảy hôm. Ông có mướn một người trong làng -tên Jean Marie- trông nom nhà cửa và cắt tỉa vườn tược cây trái.
Mới đầu, người trong làng cứ tưởng ông Lê là người Tàu. Cho nên, họ hơi dè dặt. Chừng biết ổng là người Việt Nam, họ cởi mở hơn, thân thiện hơn. Làm như, đối với họ, người Tàu là người ngoại quốc xa lạ, còn người Việt Nam thì ít nhiều gì cũng đã từng được xem là người trong nhà ! Họ càng có cảm tình với ông Lê khi biết rằng ổng qua Pháp học từ hồi mười lăm tuổi, rằng ổng tốt nghiệp trường Arts et Métiers, rằng ổng làm chức lớn trong cơ quan Nhà Nước v.v... Họ hay nói với nhau: "Vợ chồng ông Lê thật dễ thương".
Vùng này cao hơn mặt biển hai ba chục thước mà cuộc đất lại không lài lài xuống lần khi ra gần biển như ở những nơi khác, nên không có bãi. Ở đây, biển đâm thẳng vô bờ, loại bờ đá dựng thiên nhiên sừng sững như một bức tường cao thật cao. Những ngày biển động, sóng đập vào chân tường đá nghe ầm ầm. Vì nhà ông Lê nằm cách bờ đá dựng không xa, nên vào những ngày đó, từ trong nhà nghe âm vang tiếng sóng giống như những tiếng thở dài.
Hè năm đó, ông Lê và gia đình ra đây nghỉ mát chỉ có ba tuần thay vì một tháng như thường lệ. Ông nói với ông Jean Marie -người quản gia- rằng phải trở về Paris để đón cha mẹ từ Việt Nam qua. Ông Jean Marie hỏi ông có định đưa ông bà cụ ra đây chơi không thì ông Lê trả lời rằng không, bởi vì ông bà cụ mới xuất ngoại lần đầu tiên nên phải đợi một thời gian cho quen với khí hậu phong thổ.
Vậy mà chỉ mươi ngày sau, thấy ông Lê chở ra đây một ông già tóc trắng với hai va-ly hành trang. Người quản gia nghĩ: "Chắc định ở lâu nên mới mang hành trang nhiều như vậy ". Ông Lê giới thiệu: " Đây là cha tôi. Còn đây là Jean Marie, quản gia". Sau đó, ông nói: "Trong thời gian cha tôi ở đây, tôi xin nhờ bà Jean Marie lo dùm việc nấu nướng giặt giũ giống như những lúc gia đình tôi ra đây nghỉ mát. Có điều là cha tôi không thể đi chợ ở Etretat như chúng tôi vẫn làm lâu nay, nên tôi nhờ ông bà lo giùm luôn vụ này. Đổi lại, tôi sẽ tăng tiền thù lao của hai ông bà lên mười phần trăm. Tôi xin ông bà chấp nhận cho".
Sau khi gọi điện thoại về nhà bàn tính với vợ, ông Jean Marie bằng lòng. Tiếp theo đó, ông Lê trao cho ông Jean Marie một số tiền và nói: "Đây, tôi gởi ông bà một tháng tiền chợ. Tôi dự trù dư dả phòng khi cha tôi cần mua những gì khác, nhưng nếu thấy thiếu thì điện thoại cho tôi hay để tôi gởi ra thêm. Mỗi cuối tháng, tôi sẽ gởi tiền để gối đầu cho tháng kế tiếp, ông bà yên tâm". Ông Jean Marie hỏi: "Còn bà cụ đâu ? Sao không cùng ra đây với ông cụ ?". Ông Lê trả lời như không trả lời: "Mẹ tôi ở Paris". Rồi sau khi nói mấy lời cám ơn ông Jean Marie, ông bắt tay từ giả người quản gia và ông già tóc trắng để trở về Paris, vội vã như không muốn vấn vương gì nữa ! Thấy ông Lê đối xử với ông già tóc bạc như là một người quen thường, ông Jean Marie vừa ngạc nhiên vừa bất nhẫn, bởi vì ông nhận thấy rõ ràng ông già tóc bạc đó và ông Lê thật sự giống nhau như hai cha con.
Ông già ở trong nhà ông Lê như một cái bóng. Ông không xem tê-lê, không nghe ra-đi-ô. Ông cứ ngồi ở xa long hút thuốc liên miên, mắt nhìn thẳng ra cửa kiếng hướng về phía biển, giống như đang coi một cái gì ở ngoài đó. Ở ngoài đó không có  gì hết ! Không có một cái cây, không có một lùm bụi. Cỏ dại cũng không mọc cao. Mặt đất trống trơn chạy thẳng ra bờ đá dựng. Từ chỗ ông ngồi, nhìn ra chỉ thấy đất và trời. Lâu lâu, vài con hải âu bay phớt ngang, và lâu lâu trên nền trời trong xanh của mùa hè, một sợi mây đi lạc. Chỉ có bao nhiêu đó, vậy mà ông cứ ngồi nhìn, nhìn đăm đăm.
Mới đầu, ông bà Jean Marie cứ tưởng rằng ông già không biết nói tiếng Pháp. Nhưng sau mấy lần hỏi han thấy ông trả lời trôi chảy mạch lạc, ông bà mới yên tâm. Có điều là hỏi thì ông mới trả lời chớ không thấy bao giờ tự ông gợi chuyện. Suốt ngày, ông làm thinh. Cần dùng gì thì ông viết ít chữ rồi gắn trên mặt tủ lạnh. Ông bà Jean Marie thấy vậy cũng ráng giữ ý không làm tiếng động khi quét dọn hay đi ra đi vào. Nhiều khi, họ có cảm tưởng như trong nhà không có ai hết ! Chỉ có mùi khói thuốc là nhắc đến sự hiện diện của ông già.
Ông già đó tên Lê Tư. Hồi thời trước -cái thời mà miền nam Việt Nam chưa biết mùi cộng sản- ông Tư là một nhà thầu xây cất rất có bề thế ở Sàigòn. Ông giao du rộng, lại "biết cách giao du", thêm giỏi tính toán sắp xếp nên ông trúng thầu nhiều công trình lớn của Nhà Nuớc và của các công ty ngoại quốc. Do đó, càng ngày ông càng nổi tiếng và sự nghiệp thì cứ nhân lên gấp năm gấp mười. Dù vậy, ông không bao giờ chối bỏ cái gốc hàn vi của ông và rất tự hào đã bắt đầu bằng hai bàn tay trắng.
Ông thường nói: "Hồi tôi từ Đà Nẳng vô Sàigòn, tôi chỉ có một chiếc xe đạp cũ và cái nghề thợ hồ. Ban ngày đạp xe đi làm, ban đêm đạp xe đi học thêm ở Trung Tâm Văn Hoá Pháp và hội Việt Mỹ. Hồi thời đó, quanh năm suốt tháng, tôi chỉ biết có thắt lưng buộc bụng, ăn uống kham khổ, để dành tiền gởi về cho cha mẹ ở Đà Nẳng và để đóng các học phí. Vậy mà tôi vẫn không ngã lòng. Lúc nào trong đầu tôi cũng nghĩ rằng phải cố gắng vương lên, bởi vì không ai giúp mình bằng mình hết. Nhờ vậy mà bảy tám năm sau, tôi đã có một cơ sở vững chắc để cạnh tranh với các nhà thầu khác. Rồi thì xây cất hết công trình này đến công trình khác, có khi hai ba công trình cùng một lúc, cơ sở cứ lớn lần lớn lần để trở thành bề thế như ngày hôm nay. Nghe tôi nói tôi bắt đầu sự nghiệp bằng con số không chẳng có mấy ai tin hết ".
Khi đã khá giả, ông mới cưới vợ. Ông hay nói đùa : "Tình phải có tiền đi theo nó mới vững. Giống như bê-tông phải có cốt sắt nó mới bền !".
Ông bà Lê Tư chỉ sanh có một người con trai đặt tên Lê Tuấn. Năm Tuấn được mười lăm tuổi, ông gởi con qua Pháp học. Ông muốn nó học ngành kiều lộ để sau này trở về nối nghiệp ông. Ông nói : "Việt Nam mình cạnh tranh không nổi với hãng thầu ngoại quốc bởi vì mình có binh mà thiếu tướng". Và ông hy vọng trong tương lai, con ông sẽ thực hiện những công trình vĩ đại, vượt trội hẳn những gì ông đã làm. Để cho ông được nở mặt.
Cái tương lai đó bỗng tắt ngúm chỉ trong một thời gian ngắn sau ngày 30 tháng tư, 1975.
Trước cái ngày đen tối đó, một người như ông Lê Tư dư sức để di tản dễ dàng. Vậy mà không thấy ông nhúc nhích. Ông cứ điềm nhiên hút thuốc, uống trà, xem truyền hình, nghe ra-đi-ô. Giống như một kẻ bàng quan. Bà Lê Tư thì cứ đi ra đi vô, hết gọi điện thoại cho bà bạn này đến gọi cho bà bạn khác. Rồi thúc giục ông đi di tản. Bà nói :
- Trời ơi ! Mấy bả đi hết rồi kìa !
Ông cười :
- Thì ai sợ cứ đi. Bà yên tâm. Tôi bảo đảm không có sao hết. Nói thiệt với bà, "họ" đã liên lạc với tôi cách đây hơn tháng, nói rõ rằng họ cần dùng những người như tôi để xây dựng lại đất nước. Cho nên, bà thấy tôi không ? Tôi bình chân như vại !
Điều mà ông không nói cho bà biết là từ bao lâu nay, ông vẫn đều đặn gởi tiền giúp cách mạng qua ngả thằng cháu -cũng gốc liên khu năm như ông- đang hoạt động ở mấy tỉnh miền Đông. Chính người cháu đó đã cho người về gặp ông để giải thích rõ ràng chủ trương đường lối của cách mạng. Nhờ vậy, ông mới vững tâm tin tưởng.
Đâu dè, sau khi cách mạng "đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào", cách mạng quay về đánh tư sản. Ông Lê Tư cũng "bị" mời đi "làm việc" như mọi người. Ông có xuất trình giấy chứng minh của Liên khu bảy, là vùng ông đã giúp đỡ, nhưng "lá bùa" đó không linh ! Ông cũng nghĩ đến thằng cháu cách mạng, nhưng bây giờ ông không biết nó ở đâu để gọi nó đến làm chứng. Vì vậy, ông vẫn bị mời tới mời lui để  "làm việc". Mỗi lần làm việc, họ quay ông như con dế ! Đến nỗi về sau, mệt mỏi quá, chán chường quá, thấy nói gì cũng vô ích, nên ông bèn làm thinh, mặc cho họ muốn nói gì thì nói, hỏi gì thì hỏi. Rồi đến lần "làm việc" cuối cùng, ông cũng làm thinh ký tên trên xấp giấy tờ họ đưa ra, ông ký mà không thèm đọc qua một chữ ! Lần đó, ông bước ra khỏi cơ quan, có cảm tưởng như đang sống trong một thế giới khác, một thế giới lộn ngược ! Ông không còn khái niệm không gian thời gian. Ông chỉ biết rằng sau cái phút ký tên đó, ông trắng tay. Và ông còn nghe trong đầu câu nói ơn nghĩa "nhờ ông đã sớm giác ngộ cách mạng nên không phải đi cải tạo". Ông lái xe về nhà như một người máy. Ông đâu biết rằng trong cuộc "đổi đời vĩ đại" này, con người đâu còn sống bằng lý trí : con người chỉ sống bằng bản năng thôi !
Về đến trước cổng nhà, bỗng nhiên ông Lê Tư nhận thức rằng tất cả những gì trực thuộc về ông  bây giờ chỉ còn lại người vợ đang đợi ông ở nhà.
Xưa nay, mọi việc trong gia đình đều do ông quyết định. Bà Lê Tư luôn luôn làm theo ý của ông, không bao giờ thắc mắc. Bởi vì bà hoàn toàn tin tưởng vào người chồng mà lúc nào bà cũng cảm phục như một thần tượng. Bà nói : "Từ bàn tay trắng dựng nên sự nghiệp đồ sộ như vầy, không phải ai làm cũng được !". Và bà thường ví chồng bà như một cây cau vững chắc để bà bám vào đó như một giây trầu. Vậy mà bây giờ bây giờ Ông Lê Tư không biết ví mình như cái gì nữa. Cách mạng mà ông đã giúp từ ngày ông dựng nghiệp, hôm nay nhân danh gì gì đó, đã biến ông thành con số không. Dễ dàng như người ta cầm nùi giẻ bôi hết những hàng chữ phấn trên một bảng đen, bôi mà không cần biết những hàng chữ đó viết những gì ! Chỉ trong có một khoảnh khắc, ông chẳng còn gì hết và bản thân ông cũng không là gì hết ! Ông đã trở thành một "thứ gì" đó không có tên, một sản phẩm của cách mạng mà sách vở xưa nay chưa thấy có định nghĩa !
Ông bước vào nhà mà cảm thấy mình lêu bêu như bọt nước, không làm chủ được gì hết, kể cả làm chủ chính bản thân mình ! Cái biệt thự có hồ tắm vườn hoa, có năm ngăn bảy nắp, mà ngày xưa ông đã xây cất cho tương xứng với địa vị xã hội của ông bây giờ bỗng trở nên ngạo nghễ, vô duyên.
Nhà vắng teo. Một số gia nhân đã xin nghỉ việc từ những ngày sôi động, số còn lại đã được cho nghỉ ngay sau ngày 30 tháng tư. Bà Lê Tư chắc đang làm gì ở dải nhà sau nên ông không nghe tiếng động. Ông đốt điếu thuốc rồi ngồi xuống phô-tơi nhìn thẳng ra vườn. Ông nhìn mà không thấy gì hết ! Yên lặng.
Tiếng bà Lê Tư làm ông giựt mình :
- Sao ông ? Họ đòi gì nữa vậy ?
- Họ đâu có đòi. Họ lấy.
- Lấy gì ?
- Lấy hết tài sản của mình.
Giọng bà bỗng cao lên một nấc :
- Lấy hết tài sản ?
Ông nhìn bà rồi trả lời bằng cái gật đầu. Giọng của bà lại cao thêm một nấc :
- Gì lạ vậy ? Tự nhiên rồi đòi lấy tài sản của người ta. Đó là ăn cướp chớ đâu phải lấy ! Rồi ông trả lời làm sao ?
Ông thở mấy hơi thuốc, rồi mới nói :
- Thì tôi giao hết lại cho họ chớ còn làm sao ?
Bà chỉ kêu được một tiếng "Trời !" rồi ngồi phịch xuống ghế, mắt nhìn thẳng ra vườn. Bà nhìn mà cũng không thấy gì hết ! Yên lặng. Một lúc sau, ông nói, giọng thật trầm tĩnh :
- Bà nghĩ coi. Bây giờ họ là kẻ chiến thắng. Quyền sanh sát nằm hết trong tay, họ muốn nói gì làm gì mà không được.
- Còn luật pháp để đâu ?
- Luật pháp của ai ?
Bà làm thinh. Một lúc sau, bà nói :
- Hôm trước ông nói họ đã móc nối với ông để ông ở lại giúp họ xây dựng gì gì đó. Sao bây giờ họ lột hết của ông vậy ?
Ông làm thinh. Khói thuốc trong miệng bỗng trở nên thật đắng. Ông nghe thèm một hớp trà hay một hớp nước lạnh, hay bất cứ một chất lỏng nào cũng được để ông nuốt xuống "cái gì đó" đang nghẹn ngang ở cổ. Ông dụi điếu thuốc rồi đi lại bar ở góc xa-long rót một ly nhỏ Porto uống ực một cái, giống như người ta bị mắc xương. Xong ông trở lại phô-tơi ngồi xuống, đốt điếu thuốc. Chất rượu đang nồng trên mũi, nhưng sao khói thuốc vẫn còn nghe thật đắng !
Giọng bà Lê Tư có vẻ trách móc :
- Chớ phải ông nghe lời tôi đi di tản như thiên hạ thì đâu có sao.
- Đi di tản cũng mất hết chớ hơn gì.
- Sao mất hết được ? Ông quen lớn nhiều mà không hốt được một mớ đem đi theo à ? Có nhiều người còn gởi được bàn ghế và vô số đồ cổ nữa. Như anh X., như anh T., như ông tướng Z toàn là bạn thân của ông không.
Ông làm thinh. Bà vẫn nói, càng nói giọng càng gay gắt :
- Thà rằng mình đi, cái gì không đem theo được là mình bỏ. Tụi nó có lấy, cũng là lấy những gì mình bỏ. Chớ còn bây giờ, tụi nó bóp họng ông để lấy, bộ ông không thấy tức sao ?
Ông làm thinh. Ngừng một lúc như để suy nghĩ, rồi bà nói một câu giống như bà đóng sập cánh cửa sắt để nhốt ông trong một nhà tù :
- Chẳng bằng ông muốn ở lại để giúp cách mạng chớ gì ? Phải không ?
Ông nuốt nước miếng mấy lần, rồi tiếp tục làm thinh. Bây giờ, ông thật sự thấy mình như bọt nước trôi lêu bêu, không bám được vào đâu hết?
Chiều bữa đó, cách mạng đưa đến mười mấy thanh niên trai gái và một toán bảo vệ cầm súng để làm công tác kiểm kê. Họ bắt mở hết các hộc, các kệ, các tủ để họ đem ra đếm từng món, không bỏ sót một nơi nào hết, một món nào hết. Đêm, họ ngủ lại trong nhà ông Lê Tư để sáng sớm hôm sau họ tiếp tục. Xong công tác kiểm kê, người cán bộ chỉ huy chỉ định một nhóm bốn người ở lại để canh giữ những gì đã kiểm kê, sợ ông bà Lê Tư ăn cắp mang đi ! Gã còn nói như ra lịnh :
- Từ hôm nay trở đi, anh chị phải dọn ra nhà sau để ở, không được bước lên đây nữa. Anh chị cũng không được quyền sử dụng chiếc ô-tô bây giờ thuộc diện quản lý của Nhà Nước. Khi ra vào nhà, anh chị phải dùng cái cổng hậu, không được đi bằng cổng chánh. Rõ chớ ?
Ông Lê Tư làm thinh. Bà Lê Tư cũng làm thinh. Nhưng hai sự làm thinh đó không cùng một ý nghĩa : ông làm thinh vì biết rằng có nói gì cũng vô ích còn bà làm thinh là vì bà hận ông vô cùng !
Từ ngày dọn xuống ở trong một nhà phụ -có ba dải nhà phụ trước đây dùng cho gia nhân- và từ ngày biết rằng văn phòng, các kho vật liệu, kho dụng cụ cơ giới, biệt thự ở Núi Lớn Vũng Tàu, các chương mục ở ngân hàng?v.v. đã hoàn toàn nằm trong tay Nhà Nước, bà Lê Tư ít nói chuyện với ông. Nhưng hầu như ngày nào bà cũng ngồi nói một mình, nói trổng, cố tình nói lớn tiếng để cho ông "phải" nghe. Bà cứ lải nhải với giọng trách móc chanh chua, hết chuyện tin lời cách mạng, đến chuyện mất hết của cải, rồi bắt qua chuyện di tản, chuyện ở "chui rút" trong nhà của bếp của bồi. Còn ông thì cứ làm thinh ngồi nghe, nghe riết mà tóc của ông càng ngày càng bạc trắng !
Thời gian đi qua. Một hôm bà bỗng nói với ông :
- Tôi đã nhờ người quen trong toà đại sứ liên lạc được với thằng Tuấn ở Paris. Nó sẽ lo giấy tờ cho mình qua bển.
Bây giờ, mọi sự đều do bà quyết định, ông chỉ làm thinh đi theo. Bây giờ, người chồng "thần tượng" của thời trước chỉ còn là một cái bóng ! Bây giờ, bà mới là thân cây cau, còn ông, ông chỉ là một thứ giây trầu... Đúng là một sự "đổi đời vĩ đại" !
Ít lâu sau, chính bà đã chạy chọt đút lót để có xuất cảnh cho hai vợ chồng bay qua Paris, vào giữa mùa hè năm đó.
Ông Lê, người con trai của ông bà Lê Tư, đến đoón ông bà ở phi trường Charles De Gaulle. Gặp lại nhau, mừng mừng tủi tủi. Ông Lê Tư có cảm tưởng như mình vừa sống lại. Ông ôm con siết mạnh, rồi buông ra để nhìn. Lòng tràn sung sướng, ông vừa cung tay đấm nhẹ lên vai con, vừa chửi đổng : "Cha mày !". Rồi tiếp : "Ba tưởng không còn gặp lại con nữa chớ !" Trong một khoảnh khắc, ông tìm lại được lời nói và cử chỉ của một con người bình thường, con người của thời trước tháng tư 1975.
Trên đường về nhà, ông Lê vừa lái xe vừa hỏi về những chuyện đã xảy ra ở Việt Nam trong những ngày sôi động của tháng tư, nhứt là ở đoạn "mấy thằng Mỹ kéo nhau chạy sút quần". Nghe lời nói và giọng điệu của con, ông Lê Tư cảm thấy có "cái gì không ổn", nhưng ông nghĩ : "Có lẽ tại nó ở bên nây lâu quá nên nó nói tiếng Việt không biết chọn lời". Rồi ông kể lại những gì mắt thấy tai nghe. Người con lâu lâu khoái chí, vỗ tay lên tay lái, gục gặc đầu "cho tụi nó chết".
Bổng người con hỏi :
- Còn mấy thằng tướng nguỵ ?
Câu hỏi đó như ánh sáng bật lên trong bóng tối để ông nhìn thấy rõ sự thật: không phải con ông không nói rành tiếng Việt mà là con ông nghiêng về phía bên kia, cái phía đã lật lọng, ăn cháo đá bát, cái phía đã lấy hết tài sản của ông một cách ngang nhiên trắng trợn ! Trời đất chung quanh bỗng như sụp xuống ! Tuy nhiên ông vẫn trả lời:
- Mấy người đó thì ba không biết.
- Tụi nó chạy ra đảo Guam hết. Thằng chủ chạy thì thằng tớ phải chạy theo chớ dám ở lại đâu. Tưởng ba biết gì kể lại nghe chơi chớ ở bên nây báo chí tê-lê nói đầy đủ. Trên tê-lê thấy nhiều thằng tướng ngơ ngác như bầy gà nuốt giây thun !
Người con nói xong cười lên khoái trá. Ông Lê Tư nghe giận phừng lên mặt ! Ông đưa tay định xáng cho thằng con một cái, nhưng ông kềm lại kịp. Ông bỏ tay xuống mà nghe ngực mình tức ran. Tự nhiên, ông ứa nước mắt. Từ phút đó, ông làm thinh. Thấy như vậy, tưởng cha bị mệt vì cuộc hành trình quá dài nên ông Lê cũng không hỏi tiếp.
Bà Lê Tư ngồi ở băng sau, không chen vô một lời. Bà cảm thấy rồi đây sẽ không thể nào ở chung với một thằng con như vậy được. Bà đã tưởng đi ra khỏi xứ để khỏi phải thấy hằng ngày những chuyện trái tai gai mắt, nào ngờ qua đây gặp thằng con không biết học ở đâu mà ăn nói giống "tụi nó" y chang ! Nhưng không sao. Rồi bà sẽ mua nhà ở riêng. Bà dư sức. Với số hột xoàn mà bà đã cất giấu sau 1975 và bây giờ đang nằm an toàn trong cái giỏ mây hai đáy bà ôm trong lòng, bà dư sức. Cho dù bà phải cưu mang suốt phần đời còn lại ông chồng mà bà đã không còn  coi là thần tượng nữa, từ lâu.
Về đến nhà -ở Neuilly Sur Seine, khu nhà giàu- ông Lê giới thiệu vợ con rồi đưa cha mẹ lên phòng trên lầu, nói :
- Ba má nghỉ một chút rồi xuống ăn trưa.
Bữa ăn được dọn lên từng món theo phong cách tây phương. Vợ ông Lê hỏi han lễ độ và kín đáo chăm sóc ông bà Lê Tư. Hai thằng con ông Lê -giống mẹ hơn giống cha nên ít thấy lai Việt- không biết một tiếng Việt. Chúng ăn nhanh nhanh. Xong món thứ nhì, chúng không đợi món kế tiếp, vội vã rút lên phòng. Suốt bữa ăn, câu chuyện chỉ vây quanh mấy món ăn nấu theo tây, bởi vì ông Lê khoe có bà bếp giỏi. Bà bếp, người Pháp, có bước ra chào ông bà Lê Tư.
Nhờ vậy, không khí trong bữa ăn không đến nỗi nào tẻ lạnh.
Sau bữa ăn, vợ ông Lê vì tế nhị, muốn để cho chồng và cha mẹ nói chuyện riêng với nhau, nên xin phép lên lầu. Bà dặn chồng :
- Anh không nên nói chuyện nhiều. Ba má chắc cần phải ngủ vì sai giờ giấc. Mình còn nhiều thì giờ mà.
Khi bước qua xa long để uống cà phê, ông Lê hỏi :
- Ba má định qua đây ở chơi bao lâu ?
Ông Lê Tư châu mày, nhìn bà. Bà trả lời :
- Ba má định qua ở luôn chớ đâu phải ở chơi.
Người con ngạc nhiên :
- Ủa ? Sao lại ở luôn ? Bây giờ nước nhà độc lập rồi, không còn thằng nào ngồi trên đầu trên cổ mình hết. Tất cả đều thuộc về mình, không còn sợ thằng ác ôn nào cướp giựt nữa. Như vậy mà ba má định bỏ xứ qua đây ở luôn. Thiệt là vô lý !
Hồi nãy, trên xe về đây, ông Lê Tư còn nghĩ rằng thằng con ông chỉ nghiêng về phía bên kia. Bây giờ thì quá rõ ràng : nó đã đứng hẳn về phía bên đó. Ông nghe lòng quặn thắt : chẳng những cách mạng đã cướp hết tài sản của ông, mà tụi nó còn cướp luôn thằng con duy nhứt của ông, cướp từ hồi nào rồi.
Ông Lê Tư làm thinh. Bà Lê Tư hơi mất bình tĩnh :
- Tại con không biết. Tụi nó lấy hết tài sản của ba má rồi còn đuổi xuống ở căn nhà của bồi, rồi lại bắt không được đi cổng chánh phải đi cổng hậu. Bây giờ tụi nó sợ mình không chấp hành chỉ thị nên kéo kẽm gai cô lập căn nhà ba má ở. Con nghĩ coi sống làm sao ?
- Buổi đầu lúc nào chẳng có chuyện sai sót. Rồi cách mạng sẽ trả lại hết cho ba má, yên tâm đi ! Điều mà con muốn nói là chưa chi mà ba má đã muốn bỏ xứ ra đi giống như bè lũ đĩ điếm trộm cắp tháo chạy mấy ngày trước giải phóng làm con thấy không hãnh diện chút nào hết !
Câu nói chưa dứt, ông Lê Tư đã đứng phắt dậy, làm thinh đi thẳng lên lầu. Bà Lê Tư cũng nối gót, nhưng bước chân bà nặng chình chịch. Đứa con máu mủ mà bà mới ôm hun thắm thiết hồi nãy trên phi trường, bây giờ bỗng giống như người xa lạ. Bà cảm thấy hụt hẫng đến độ bà không biết phải làm gì, nói gì. Đến giữa cầu thang, kềm không được, bà ôm mặt khóc tức tưởi.
Suốt buổi chiều, ông Lê Tư ngồi trong phòng làm thinh hút thuốc. Ông không nghe buồn ngủ, ông chỉ nghe mệt - thật mệt - và chán chường - thật chán chường. Ông bắt gặp lại tâm trạng của ông vào những ngày cuối cùng của thời ông bị cách mạng quay hằng bữa để ông kê khai tài sản một cách "đầy đủ và trung thực" !
Bà Lê Tư cũng không ngủ. Bà điện thoại để liên lạc mấy bà bạn đã định cư ở Pháp, nhứt là ở vùng phụ cận Paris. Rồi bà hẹn hò. Sung sướng như thấy chân trời đang mở rộng.
Sau bữa ăn tối, đợi bà Lê và hai con lên lầu, bà Lê Tư nói :
- Chị bác sĩ A sáng mai lại rước má về nhà chỉ chơi vài bữa. Sau đó, có lẽ sẽ qua nhà bà dược sĩ L. Ở đây, má có nhiều bạn bè lắm, con đừng lo cho má. Con chỉ cần lo cho ba thôi.
Ông Lê Tư nhìn thẳng mặt con, giọng nghiêm trang :
- Ba nói thật : ba với con không hạp nhau. Ba không thể ở chung với con được. Ba xin con cho ba ở một nơi nào khác, ở một mình cũng không sao.
Ông nói "xin con cho ba", đó là sự thật. Bởi vì bây giờ ông hoàn toàn trắng tay. Xưa nay, tiền dư ra, ông cho bà một phần để mua hột xoàn, còn bao nhiêu ông chuyển hết qua chương mục của người con.
Ông Lê ngồi làm thinh, không biết ông đang nghĩ gì. Cũng là làm thinh, nhưng sự làm thinh của ông khó hiểu hơn sự làm thinh của ông bà Lê Tư !
Vậy rồi sáng hôm sau, bà bác sĩ A lái xe lại rước bà Lê Tư. Tiếp theo là ông Lê chở người cha ra ở cái nhà nghỉ mát ở gần bờ đá dựng. Suốt cuộc hành trình dài mấy tiếng đồng hồ, hai cha con không nói với nhau một lời !
Từ ngày ra đây ở, ông Lê Tư cảm thấy cuộc đời mình như đang đi vào một ngõ bí. Không sống được với cách mạng, đã đành. Còn lại bà vợ thì bây giờ bả coi mình như cục bứu trên lưng. Rồi đến thằng con, đối với mình, nó còn lạ hơn người xa lạ ! Cứ nghĩ quẩn nghĩ quanh như vậy hết ngày này qua ngày khác mà con người ông sa sút thấy rõ. Bây giờ, ông ốm nhom. Đi đứng đã phải chống ba-toon và đêm đêm cứ phải nằm trằng trọc tới khuya lơ mới dỗ được giấc ngủ. Thấy tội nghiệp, ông bà Jean Marie hay thừa dịp đưa nước trà hay cà phê để ngồi lại gợi chuyện vẩn vơ. Họ cũng ngạc nhiên tự hỏi sao không thấy ai gọi điện thoại hỏi thăm ông già này hết. Làm như ông không có mặt trong cuộc đời này. Cho nên họ tận tình chăm sóc ông từng chút. Đến nỗi, về đêm, bà Jean Marie thường đợi ông lên giường nằm đàng hoàng mới tắt đèn đóng cửa đi về nhà ! Ông Lê Tư rất cảm kích nên lâu lâu ông phá lệ làm thinh để nói hai tiếng "cám ơn", nhẹ như hơi thở.
Một hôm, ông Lê Tư bỗng thèm nhìn mặt biển, cái biển mà từ hôm ra đây -đã gần hai tháng- ông chỉ nghe tiếng của nó rì rào ngoài kia thôi. Ông bèn chống ba-toon bước từng bước run run đi lần ra hướng đó. Cứ đi vài bước là ông phải dừng lại một lúc để thở, nhưng ông vẫn cố bước đi.
Bây giờ thì ông đã đứng trên mép bờ đá dựng. Dưới chân ông, rất sâu phía dưới, là biển. Biển xanh dờn, kéo dài ra chân trời. Trời nước mênh mông. Gió muối và mùi thơm thơm của rong rêu nhắc ông nhớ cái biệt thự ở mỏm núi lớn Vũng Tàu. Ông đã xây cất biệt thự đó để làm nơi tiếp tân nên có một sân gạch thật rộng hướng về phía biển. Ông hay đứng ở đó nhìn chân trời như ông đang đứng nhìn chân trời bây giờ. Cũng trời, cũng nước, cũng một đường gạch ngang. Hồi đó, lúc nào ông cũng thấy chân trời đang mở rộng cho ông, cái hồi mà ông làm chuyện gì cũng thành đạt. Bây giờ, cũng trời, cũng nước, cũng một đường gạch ngang nhưng sao ông không thấy nó mở rộng cho ông một chút nào hết ! Ông chỉ thấy toàn là bế tắt. Chân trời là đường chấm dứt một cái gì : trời cao nghiêng xuống đến đó là hết, biển rộng vươn dài đến đó cũng là hết ! Giống như cuộc đời của ông bây giờ. Của cải: hết ! Vợ con: hết ! Sức khoẻ của ông rồi cũng sẽ hết ! Hết ! Hết !
Bỗng, ông Lê Tư liệng mạnh cây ba-toon xuống biển, giống như ông dứt khoát không cần dùng đến nó nữa. Rồi ông hít một hơi dài, nhắm mắt bước thẳng vào khoảng không trước mặt, giống như bước qua một lằn ranh tưởng tượng.
Từ bây giờ, ông Lê Tư làm thinh vĩnh viễn.
Chiều hôm đó, ông Jean Marie gọi điện thoại về Paris. Không có người bắt máy, nhưng có máy nhắn tin nên ông nhắn : "A lô ! Tôi là Jean Marie. Tôi xin báo tin buồn : ông cụ đã từ trần. Ông đi dạo gần tường đá dựng chẳng may rơi xuống biển. Nhà chức trách đã vớt được xác đem về nhà xác bịnh viện Etretat. Yêu cầu ông bà ra gấp. Vợ chồng tôi xin chia buồn. Thành thật chia buồn".


Tiểu Tử