Nguyễn Đức Sơn là một khuôn
mặt thi sĩ lớn của văn chương Việt Nam. Một phong cách
văn chương riêng, một mình một chiếu, thơ và văn bộc
lộ một tâm thái suy tư khác thường đi ngược lại dòng
sống thay vì xuôi chảy.
Ông là người làm thơ mà cuộc
sống văn chương và đời thuờng đã tạo thành nhiều
huyền thoại. Những chuyện kể về, những giai thoại nói
đến, một chân dung tác giả khác thường được tạo
dựng và người đọc, không phải chỉ ở những lớp sau
mà ngay ở lớp cùng thời, đã có những nhận định sai
lạc về chân dung thực con người thực. Đó là không kể,
như ở trong nước, vì lý do lợi nhuận đã có những
cuốn sách khai thác quá độ đời tư để đến thành
những khoảng cách thật xa với thực tế.
Bao nhiêu quyển sách, bao nhiêu
bài báo đã nói về Bùi Giáng, về Trịnh Công Sơn, về
Nguyễn Đức Sơn…. Và đã có bao nhiêu ngộ nhận xảy
ra vì những chi tiết trái ngược nhau từ bài viết này
với cuốn sách khác của một chân dung tác giả. Độc
giả, có lẽ phải có sự cẩn thận khi tiếp cận với
những vấn đề đó.
Thí dụ, như trường hợp nhà
thơ Nguyễn Đức Sơn. Có rất nhiều bài viết về ông,
của những người quen thân có, quen sơ có và nhiều khi
không quen cũng tự nhận là quen có. Trong đời thường,
Nguyễn Đức Sơn có nhiều bi kịch. Và nhiều bài viết
khai thác những bi kịch ấy. Thí dụ như “Người đàn
bà trên đồi cỏ” của Đào Hiếu đăng trên báo Xuân
Doanh Nhân Sài Gòn cuối năm 2008.
Đào Hiếu viết về mối tình
của Nguyễn Đức Sơn và Phượng đầy thiên kiến và
hình như bày tỏ một nhận xét nào không thiện cảm. Và
lạ lùng cũng đều nhắc đến Trịnh Công Sơn:
“Nhưng tôi
biết nàng rất đẹp.
Trịnh Công Sơn cũng biết nàng
rất đẹp.
Nguyễn Đức Sơn thì chửi bới
nguyền rủa mọi thứ. Tôi nói: ”Tôi đến đây để tìm
một Nguyễn Đức Sơn vĩ đại nhưng tôi chỉ gặp một
Phượng vĩ đại. Nếu không có người đàn bà này, ông
đã chết rồi Sơn ạ!…
…Năm 1972,
Nguyễn Đức Sơn trốn lính về tá túc ở Bình Dương dạy
Anh văn tại một tư thục. Nếu không gặp Phượng hắn
sẽ chẳng có tác phẩm nào ra hồn. Phượng rọi hào
quang của nàng vào cái đầu mê gái tơi bời của hắn và
hắn được cô ”độ” cho thành… thi sĩ. Tác phẩm
“Đêm nguyệt Động” ra đời từ dòng nước cam lồ
róc rách tuôn ra từ nhục thể của “thánh cô Annie
Phượng…Nhưng những vần thơ mê gái thượng thừa ấy cũng không lay động được Annie Phượng. Chàng khóc lóc rên xiết quỳ lạy… cũng chẳng ăn thua bèn dùng khổ nhục kế. Nếu như ngày nay thì chàng thi sĩ sẽ quấn chất nổ quanh mình rồi lao vào ”đánh bom tự sát” nhưng Nguyễn Đức Sơn thời đó đã trèo lên thành giếng và kêu lên ”Bớ Chúc Anh Đài! Ta chết đây” làm Phượng hoảng hốt. Cuộc hôn nhân bắt đầu như vậy…” Cuộc sống của gia đình Nguyễn Đức Sơn ở Phương Bối Am cũ là một thảm kịch. Sống như những sơn nhân, thiếu thốn tiện nghi đời sống và luôn luôn bị cái đói đe dọa. Một bữa cả gia đình gồm hai vợ chồng và 3 đứa con bị trúng độc vì ăn rau rừng và một đứa con bị chết. Bà mẹ phải lấy áo rách của mình ra vá để khâm liệm cho con.
Một lần khác khi chữa cháy rừng
Phượng bị phỏng nặng. Nguyễn Đức Sơn và người con
trai lớn Nguyễn Đức Vân phải băng rừng cáng ra nhà
thương tỉnh cứu cấp với bệnh tình rất trầm trọng.
Đào Hiếu kể :
”Ba hôm sau
Trịnh Công Sơn từ Sài Gòn lên ghé bệnh viện Bảo Lộc.
“Sơn Núi” hỏi” mày lên đây làm gì?”
Sơn Nhạc Sĩ đáp: ”Thăm Phượng.
Sao nỡ hành hạ người ta đến vậy?”.
“Sơn Núi”
bỏ đi. Trịnh Công Sơn ở lại với các con của Phượng.
Có lẽ hôm đó là một ngày của năm 1982. Tôi không biết
và các con của Phượng cũng không biết chính xác là ngày
nào và tháng nào. Trịnh Công Sơn đã tặng cho gia đình
Nguyễn Đức Sơn 60 triệu đồng. Thời điểm đó số
tiền ấy rất lớn. Nó đã cứu Phượng và giành giật
Phượng khỏi tay tử thần.”
Một nhà văn cũng quen thân với
Nguyễn Đức Sơn là Nguyễn Đạt nhận xét về bài viết
của Đào Hiếu:
”Và bài
báo của Hà Danh (tức Đào Hiếu) lúc tôi đọc ở Sài
Gòn thấy có nhiều sự kiện về Sơn Núi, về Phượng
quá lạ lùng quá không đúng sự thật như tôi biết. Nói
chung đọc xong cả bài ”Người đàn bà trên đồi cỏ”
tôi muốn đề nghị tác giả nên chuyển thể thành một
vở tuồng cải lương và Hà Danh rất có khả năng trở
thành một soạn giả cải lương ăn khách nhưng khác hẳn
với những saon giả tuồng cải lương như Viễn Châu. Tôi
chưa thấy Viễn Châu dựng khống một sự kiện liên quan
trực tiếp tới nhân vật vụ việc nào có thật ở ngoài
đời. Nên khi tôi vừa lấy tờ báo ra Sơn Núi liền nói:
”đ. m. cái lão đào hang càng đào sâu càng tối đặc!”.
Tôi không hiểu gì hết. Hóa ra, Sơn Núi gọi nhà văn Đào
Hiếu là đào hang và Sơn Núi nói Hà Danh là bút hiệu
khác của Đào Hiếu. Tôi rất ngạc nhiên khi biết vậy
và khá buồn bởi tôi quen biết nhà văn Đào Hiếu và mến
ông. Tôi thấy Đào Hiếu là một người rất văn nhã lần
gặp gần nhất tại một quán cà phê trên đường Trần
Quốc Thảo tôi nhận lời viết về Nguyễn Đức Sơn cho
trang web của ông, hình như tên là “Lề bên trái”. Sau
đó tôi được nhiều người bạn cho biết những gì Đào
Hiếu viết không bảo đảm trung thực nên tôi không thể
viết bài về Nguyễn Đức Sơn cho báo mạng của nhà văn
Đào Hiếu được dù đã nhân lời.
Sơn Núi nói: ”không thể hiểu
lão đào hang ở chỗ nào ra cái vụ việc ”nhạc sĩ hàng
đầu về đầu hàng” họ Trịnh cho tôi sáu chục triệu
đồng nhờ đó Phượng thoát chết. ”Phượng, Nguyễn
Đức Lão con trai út anh của hai cô em sinh ra sau chót năm
nay 27 tuổi, và Tiểu Khê con gái út của Sơn núi cũng
không hiểu người viết bài về họ lấy ở đâu ra vụ
việc Trịnh Công Sơn tặng Nguyễn Đức Sơn sáu chục
triệu đồng vào cái năm một chín tám mấy đó số tiền
ấy rất lớn. Phượng nói: ”Trịnh Công Sơn ghé lên đây
hai lần trong một chuyến đi chơi ở Đà Lạt. Lúc lên
tặng một thùng mì chay ăn liền lúc về tặng một thùng
“légume” Đà Lạt, vậy thôi, chớ làm gì có vụ việc
sáu chục triệu đồng” Sơn Núi xác định thêm: ”Ông
không tin cứ hỏi Bửu Ý, người rất sùng mộ Trịnh
Công Sơn và rất không ưa tôi, coi Bửu Ý nói sao về vụ
việc Trịnh Công Sơn cứu tử hoàn sanh bà xã tôi với số
tiền sáu chục triệu đồng”. Ngay sau khi đọc bài báo
tôi hỏi họa sĩ Trịnh Cung bạn thân của Trịnh Công Sơn
có biết vụ việc nhạc sĩ họ Trịnh tặng Sơn Núi 60
triệu? Trịnh Cung bảo không biết vụ đó. Thế thì tôi
cực kỳ ngạc nhiên không thể hiểu nhà văn Đào Hiếu
lấy ở đâu ra cái tin động trời đất đó. Trong bài ký
tên Hà Danh ông viết đại ý rằng ông không nhớ rõ,
những người con của Phượng cũng không nhớ rõ ngày
tháng nào nhưng là những năm của thập niên 1980 và 60
triệu đồng cũa Trịnh Công Sơn tặng thời gian đó là
lớn lắm. Tôi hỏi Sơn Núi Đào Hiếu "phịa” chuyện
ấy thì quá sức bậy, người trong vụ việc có thể thưa
kiện ở tòa án không hiểu sao Đào Hiếu lại phịa như
vậy nhỉ? Sơn Núi nói ngay ”Thì lão muốn gia nhập “fan
club” của Trịnh Công Sơn mà ông không thấy một loạt
bài đánh bóng Trịnh Công Sơn trong tờ báo này hả? Này
lão đào hang viết ”Tôi thấy Phượng đẹp/Trịnh Công
Sơn cũng thấy Phượng đẹp. Phải lôi lão ”nhạc sĩ
hàng đầu về đầu hàng” cùng khen Phượng đẹp thì
Phượng mới đúng là đẹp”.
Tôi không biết nhà văn Đào Hiếu
gặp Phượng từ năm nào, chứ từ vài chục năm nay,
Phượng quá hom hem gầy guộc. Tôi xót xa khi thấy Phượng
“lai”, là lai người dân tộc Tây nguyên ở vùng sâu
vùng xa chứ không được như người dân tộc ở thị xã
B’lao này. Bài báo “Người đàn bà trên cỏ”, câu
chuyện tào lao trá ngụy, Sơn Núi và tôi thà nói chuyện
bậy bạ thô tục còn hay hơn sáu chục triệu lần...”
Một thực tế văn học là nhiều
khi những huyền thoại văn chương lại phát nguồn từ
những bài viết khơi khơi như thế. Ở trong nước với
người đọc của dân số hơn 80 triệu một thị trường
béo bở thì việc để câu khách lôi kéo độc giả cho
mục đích bán sách bán báo, đã có bao nhiêu bài viết về
Trịnh Công Sơn, về Bùi Giáng, về Phạm Công Thiện, về
Nguyễn Đức Sơn... tràn lan như một mốt thời thượng.
Thành ra, con người nghệ sĩ của văn chương nhiều khi bị
nhòa nhạt đi vì những bài viết kiểu của ông “lạc
đường“ Đào Hiếu này.
Nguyễn Đức Sơn, một nghệ sĩ
quái dị. Một trong những nhà thơ tiêu biểu của hai mươi
năm văn học miền nam. Một trong những nhà văn luôn đi
tìm trong cuộc sống những câu trả lời không thể trả
lời. Một trong những người không thể thỏa hiệp với
cuộc đời và đi ngược dòng sống với thái độ hung
hăng gây gổ. Một trong những người sống trong những bi
kịch của loài người. Một trong những người sống phân
hai giữa đời thơ và đời thường, giữa tu tập và
buông thả, giữa dục tính và lãng mạn. Thế giới của
Nguyễn Đức Sơn là một thế giới kỳ quặc mà con người
phân chia thành nửa này nửa kia luôn luôn chống đối
nhau và không bao giờ thỏa hiệp với nhau. Nguyễn Miên
Thảo đã viết về mẫu người thi sĩ đặc biệt này:
”Nguyễn
Đức Sơn là một người đầy cá tính mà nếu không hiểu
thì tưởng là khó tính. Tính cách của ông khác người
luôn luôn mâu thuẫn với chính mình. Tôi nghĩ sự “va
chạm” nội tại đã đưa ông tới đỉnh điểm của
sáng tạo trong tác phẩm của ông. Tâm địa của ông thì
rộng bao la nhưng hay… thù vặt, rất mê chủ nghĩa Cộng
sản nhưng không ưa ”cách mạng” sẵn sàng chửi cả
những người khen ngợi ông dù người khen rất thật tình
và có nhân cách nhưng trong bụng nguyễn Đức Sơn thì
sướng rơn. Tôi ví dụ một câu chuyện nhỏ. Sau khi tập
thơ Những Bài Tình Đầu ra đời, nhà văn Tam Ích, một
nhà văn đứng đắn và nổi tiếng thời đó viết một
bài phê bình khen thơ Nguyễn Đức Sơn hết lời. Nguyễn
Đức Sơn viết một bức thư ngắn nhờ tôi đem về Sài
Gòn trao tận tay nhà văn Tam Ích. Nội dung lá thư không
phải là lời cám ơn mà vỏn vẹn một dòng chữ như sau:
”Bởi vì ông là nhà văn đứng đắn nên tôi không biết
chửi ông như thế nào. Nhà văn Tam Ích nhận thư không
giận lại viết thêm một bài ca ngợi Nguyễn Đức Sơn
là thiên tài mặc dầu không nói ra nhưng tôi biết Nguyễn
Đức Sơn sướng trong bụng lắm. Sướng không phải được
khen mà vì có cơ hội để chửi người khác...”
Và chuyện kể về mối tình của
chàng thi sĩ dị thường kỳ quặc :
“Cuộc tình
của Nguyễn Đức Sơn và cô học trò Nguyễn Thị Phượng
chín mùi khi nào thì quả tình tôi không hay biết. Một
hôm vào khoảng giữa năm 1967-1968 gì đó tôi không nhớ
đích xác NĐ Sơn nhờ tôi lên báo với thầy Thanh Tuệ in
gấp tập thơ Đêm Nguyệt Động để kip ngày đám cưới.
Và khoảng mười ngày sau đám cưới Nguyễn Đức Sơn -
Nguyễn Thị Phượng được tổ chức tại chùa Tây Tạng
Thủ Dầu Một - Bình Dương.
Từ sáng sớm một chiếc xe con 4
chỗ ngồi đỗ trước nhà Nguyễn Đức Sơn, Sơn trong bộ
com-lê màu sẫm sang trọng đầu húi cua đã chờ sẵn đón
những người trên xe bước xuống đó là Đại đức
Thích Thanh Tuệ, chủ nhà xuất bản An Tiêm, giáo sư nhà
văn Bửu Ý và Đại đức Thích Nguyên Tánh tức nhà thơ
Phạm Công Thiện, Khoa trưởng Văn Khoa Đại Học Vạn
Hạnh. Khi biết tập thơ Đêm Nguyệt Động không in kịp
N Đ Sơn chào đón đoàn nhà trai một câu chửi ”Đ. m.
thầy, thầy có biết ngày hôm nay là ngày trọng đại của
tôi không?” Thầy Thanh Tuệ cười trừ còn mọi người
thì đã biết N Đ Sơn là ai rồi.
Đám cưới cử hành tại đại
điện chùa Tây Tạng Thượng tọa Thích Trí Bổn trụ trì
chùa cậu ruột của cô dâu Nguyễn Thị Phượng đại
diện nhà gái vừa là chủ hôn (Phượng mồ côi cha mẹ
về ở với cậu từ nhỏ) Đại đức Thích Thanh Tuệ đại
diện nhà trai, Đại đức Thích Nguyên Tánh (tức nhà thơ
Phạm Công Thiện) và nhà văn Bửu Ý phụ rể. Trong khi
niệm hương lễ Phật, Thượng tọa Thích Trí Bổn và Đại
đức Thích Thanh Tuệ quì phía trước, Sơn và Phượng quì
phía sau. Sơn dùng miệng mum hết chân nhang khi cắm nhang
vào lư ba cây nhang của Sơn lùn tịt không giống ai. Khi
qua làm lễ cáo tổ tiên Sơn láy mắt với tôi, tôi nghĩ
Sơn bày trò gì đây nhưng không nghĩ ra. Bàn dọn cỗ là
loại bàn tròn bằng gỗ mặt bàn rời đặt trên cái giá
bốn chân hình chữ X, Sơn và Phượng quì trước bàn cáo
tổ tiên lậy bốn lạy Sơn lạy thêm một lạy trồi
người tới trước khi đứng dậy đầu dội vào cạnh
bàn cỗ bàn bị lật đổ không còn một món. Những người
dự lễ cưới không ai không cười trừ Bửu Ý.
Một tuần lễ sau đám cưới tôi
từ Sài Gòn về Bình Dương thăm vợ chồng Nguyễn Đức
Sơn vừa bước vào nhà tôi thấy Sơn cầm một con dao dí
Phượng vào sát vách. Tôi kêu lên. Sơn làm gì vậy? Sơn
vứt dao choàng vai tôi bước ra ngoài ”Moa muốn đo sự
sợ hãi của Phượng như thế nào!”…”
Trong bài viết của Thái Ngọc
San, một nhà văn Việt Công nằm vùng trước năm 1975 khi
viết về đời sống gia đình của Nguyễn Đức Sơn trong
truyện ngắn “Bầy Thú Hoang Dã“ đã phác họa những
người trong gia đình không khác lắm so với những thú
rừng hoang dã. Gia đình đông con, vợ thì yếu dại làm
sao mà không nghèo khổ cơ cực. Thái Ngọc San nhìn vào bề
mặt đời sống ấy mô tả và có chút phê phán rằng
Nguyễn Đức sơn có dã tâm của loài thú và tự mình tạo
ra những bi kịch đời sống cho gia đình mình. Nhận xét
ấy là của người không đi sâu được vào phần trong
của cuộc sống ấy.
Nhưng có người viết nhìn bằng
con mắt quan sát khác. Chân dung thi sĩ Nguyễn Đức Sơn là
một chân dung đặc dị, mà những chi tiết thường khi
trái ngược nhau từ những quan sát nhận xét khác nhau.
Nhà văn Nguyễn Đạt một người có rất nhiều gần gũi
với đời thường Nguyễn Đức Sơn viết:
“Hiển
nhiên qua cách nhìn nhận như Thái Ngọc San ở truyện ngắn
này thì chỉ ghi lại cái bề mặt của cuộc sống Nguyễn
Đức Sơn và mặc nhiên với những trách cứ phê phán của
người quan sát thiếu tâm tình.
Trong gần gũi Nguyễn Đức Sơn
nhiều ngày tháng chúng tôi hiểu rõ nhà thơ Nguyễn Đức
Sơn không hề có dã tâm của loài thú để tạo nên đời
sống như Thái Ngọc San đã ghi nhận. Đó là cuộc sống
cực chẳng đã phải như vậy mà thôi muốn khác đi cũng
không được. Nguyễn Đức Sơn không biết làm gì khác để
thay đổi cuộc sống như bầy thú hoang dã, ông lại càng
không thể tính toán bon chen giành dựt với nhân thế.
Trên trái đồi rộng bốn năm héc-ta ông không biết và
cũng không ưa trồng loại cây nào cho có lợi nhuận ngoài
cây thông mà ông yêu thích. Cũng vì Nguyễn Đức Sôn chăm
chút nuôi trồng thông từ mấy chục năm nay trái đồi
mang tên Phương Bối ở thôn Đại Lão xã Lộc Châu bây
giớ gần như là nơi duy nhất để ngàn thông còn tồn
tại trên cao nguyên hoang sơ Bảo Lộc…
Sự thật mà chúng tôi biết
Nguyễn Đức Sơn đầy tình cảm yêu thương con người
như mọi người thiện tâm khác. Lần Phượng bị bệnh
thập tử nhất sinh phải giải phẫu tại bệnh viện Chợ
Rẫy, chúng tôi ngồi bên ông ngoài hành lang trước phòng
giải phẫu. Ông rất căng thảng chờ đợi kết quả phẫu
thuật. Chợt có tiếng cô y tá kêu lớn tên ông nuớc mắt
ông tuột ra chảy dài trên khuôn mặt. Ông ngỡ cuộc phẫu
thuật thất bại. Phượng đã chết! Hóa ra không phải cô
y tá gọi ông để báo tin lành. Và Nguyễn Đức Sơn cẳng
nhảy lên như đứa trẻ vui mừng tột độ.
Lần một đứa con của Nguyễn
Đức Sơn bị vệnh nằm liệt giường chúng tôi cũng có
mặt trên đồi Phương Bối. Ông cuống cuồng chạy xuống
đồi hỏi người này người kia để chữa chạy kịp
thời cho con. Có người bày cách cho người bệnh ăn thịt
cóc sống. Ông hét vang như hóa điên vì gặp ngay người
bán thịt cóc đi ngang qua. Mang thịt cóc về cho đứa con
ăn ngay chợt ông nhớ cả gia đình vốn ăn chay trường
ông vội thắp nén hương niệm Phật xin xá tội. Đứa
con vừa nuốt miếng thịt cóc lập tức nôn mửa thốc
tháo. Ông lại cuống cuồng lại chạy xuống đồi kêu xe
ôm, ôm con ngồi lên xe đưa vào bệnh viện. Ở bệnh viện
lúc đứa con đã an toàn đã đi đứng trở lại bấy giờ
mới để ý ông chỉ mặc quần cụt mà lại thủng rách
cả đũng. Nhưng Nguyễn Đức Sơn lúc đó vui rộ lên nói
lắp bắp những câu hí lộng về cái quần thủng rách…”
Đời sống của một thi sĩ như
Nguyễn Đức Sơn đầy những biến cố của bi kịch. Là
người ngông cuồng kiêu ngạo không coi ai ra gì và ăn nói
lỗ mãng dung tục hay chửi thề? Là một người nổi loạn
vô chính phủ dùng văn chương để quăng quật vào đời
sống những hằn học chất chứa? Là một người không
thừa nhận bất cứ một trật tự nào trên thế giới
nhưng lại coi thi ca như một tôn giáo linh thiêng?
Tuệ Sĩ đã hỏi về khuôn dáng
Nguyễn Đức Sơn:
“Anh là ai?
Là một nhà thơ hiện sinh, nổi loạn, quậy phá? Dưới
ngòi bút phê bình anh không thể khác đi được: hiện
sinh, nổi loạn, quậy phá, du côn. Tôi cũng không nghĩ
khác hơn những ảnh tượng và những ấn tượng mà ngòi
bút có thể vẽ, có thể miệu tả. Một gã du côn, một
tên phạm thánh. Và còn nhiều từ khác nữa. Nhưng làm
sao có thể biết được, một người không đến với ta
từ con đường trước mặt, hay bằng tiếng gọi từ sau
lưng, mà là một cái gì đó, ở đâu đó... “
Với tôi, trong cảm quan của
riêng mình, tôi thấy khi đọc thơ hoặc truyện ngắn của
Nguyễn Đức Sơn, tôi mường tượng thấy hình như thế
giới của ông không phải là của mặt đất hiện hữu
này. Ông sống như để muốn biểu lộ những suy nghĩ bị
khép kín bị đóng băng. Thành ra ông như một con tê giác
(tượng hình mà nhà văn Bửu Ý gán cho ông) cứ húc vào
hư vô như một phản ứng tự nhiên của một người hình
như không còn lý đến căn cước của mình mà vẫn phải
sống, vẫn phải trôi theo dòng đời trong khi muốn ngược
lại để bơi vào cái khu vực thâm u của chính mình nhưng
cũng chưa hề hiểu rõ điều gì là huyễn ảo và điều
gì là thực tế.
Nguyễn Mạnh Trinh