văn hữu vườn tao ngộ

Nơi lưu trữ tác phẩm của PBTD và thân hữu. Liên lạc: phanbathuyduong@gmail.com

Friday, February 1, 2013

Trương Ðạm Thủy * TIẾNG MA HÚ BÊN ĐÌA SAN HẬU

Hà Cẩm Tâm

DƯ ÂM
Đêm sâu hun hút. Trời cuối đông gió lạnh căm u u thổi từ cánh đồng Bàu Dơi tăm tối về ngang qua làng Sơn Đốc.
Đây là một ngôi làng nhỏ nằm lọt thỏm giữa những cánh đồng không mông quạnh. Giữa làng có một ngôi chợ nhỏ xíu, giữa sân chợ có một cây đa tán lá sum suê. Cạnh gốc cây đa là ngôi nhà nhỏ của một cụ bà : ngoại Bảy. Ngoại Bảy là một bà mụ vườn của làng nầy. Vì ngoại sống lâu như cây đa bến nước của làng nầy nên ngoại biết nhiều chuyện đời xửa đời xưa….
Chuyện ngoại kể hoài không hết, chuyện đời, chuyện người, chuyện ma…
Đêm nay đám trẻ chợ ngồi quanh ngoại, đề nghị ngoại kể nốt chuyện ma đêm rồi mà vì quá khuya ngoại chưa kể hết được. Ngoại Bảy têm miếng trầu nhai bổ bả một lúc rồi cất giọng trầm trầm.


VỤ ÁN BÊN ĐÌA
- Ngày xưa đã lâu ở làng nầy có xảy ra một án mạng, mà người chết là một đứa bé gái mới lên 5 tên là Thị Ngộ. Cha mẹ bé có một ngôi nhà lá nhỏ cạnh một cái đìa lớn rậm ri cây trầm bầu bên kia một con rạch nhỏ. Đìa nầy chẳng những có nhiều loài cá sinh sống mà còn là nơi trăn rắn đung đưa mắc võng trên cây nhiều vô số…
Ngoại Bảy ngưng nhai trầu đốt một điếu thuốc, nhìn vu vơ vào khoảng trời đêm rồi rít mấy hơi. Đám trẻ nhúc nhích co cụm lại vẻ mặt bắt đầu căng thẳng. Ngoại Bảy húng hắng :
- Cha của Thị Ngộ làm tá điền cho ông Hương thân Quý, người có gần trăm mẫu ruộng ở quanh làng.
Mẹ Thị Ngộ thì ngày ngày để Ngộ ngồi chơi trước nhà còn bà thì đi xúc cá xúc tép ở mấy cái ao vũng chung quanh. Tuy nghèo nhưng hai ông bà rất cưng con. Năm đó lúa trúng mùa, có dư chút đỉnh nên cha mẹ Ngộ mua cho bé một sợi dây chuyền vàng một chỉ đeo cho bé. Thị Ngộ thích lắm nên dù ngồi ở nhà một mình bé vẫn ngoan ngoãn chơi với sợi dây chuyền vàng có một miếng mề đai hình trái tim lấp lánh.
- Rồi vì sao Thị Ngộ chết hả ngoại? – Một đứa trẻ ngồi cạnh ngoại Bảy nôn nóng lên tiếng.
Ngoại Bảy im lặng nhìn ra khoảng trời đêm tăm tối. Gió từ cánh đồng Bàu Dơi lại hú thổi qua cây đa làm cành lá xao động. Đám trẻ nghe chuyện mặt xám xanh cùng co cụm lại gần sát vào ngoại Bảy.
Bà thủng thỉnh rít một hơi thuốc, giọng hơi nhỏ lại:
- Hôm đó Ngộ ngồi chơi một mình. Cha thì đi ra đồng, mẹ thì đang xúc tép cá ở cạnh nhà, khoảng một tiếng hú. Xúc được hơn nửa giỏ cá bà vui vẻ mang giỏ cá quay về. Thường khi chỉ cách nửa sào ruộng bà đã nhìn thấy bóng con bé, nay sao im ắng lạ thường. Như có linh tính, bà chạy bay trên bờ ruộng. Về gần đến nhà, bà gọi vang: “Ngộ ơi Ngộ! Ngộ ơi Ngộ!” vẫn không có tiếng trả lời…
Đám trẻ sợ hãi ngồi quấn lấy nhau. Ngoại Bảy rít hơi thuốc cuối cùng rồi quăng mẩu tàn ra sân:
- Tội nghiệp! Không thấy con bé, bà mẹ quýnh quáng chạy quanh nhà tìm. Vẫn không thấy nó. Khi ra một bụi cây tầm gởi sau nhà bà thấy Ngộ nằm chết ở đó, trên cổ có vết bầm tím và sợi dây chuyền vàng biến mất. Cả làng Sơn Đốc hồi đó xôn xao lo lắng trước vụ án nầy. Ai đã giết Thị Ngộ? Người ta rà soát những kẻ đáng khả nghi trong làng nhưng thủ phạm vẫn biệt tăm…
- Rồi sao nữa ngoại, Thị Ngộ có thành ma không ngoại?
Một đứa bé run giọng hỏi. Ngoại Bảy nhếch môi:
- Thành ma thì nói làm gì? Thị Ngộ sau đó vì chết oan chết ức nên hồn nó đã hóa thành tinh, con tinh Thị Ngộ!
Đám trẻ run lập cập. Ngoại Bảy lặng lẽ vặn cao ngọn đèn dầu lửa, húng hắng giọng:
- Đừng sợ, có bà đây yêu tinh nào dám đến gần? Ma quỉ rất sợ những bà mụ như ngoại, đến gần ngoại chúng sẽ hết đầu thai. Thôi, giờ ngoại sẽ xách đèn đưa từng đứa về nhà, tối mai ngoại sẽ kể tiếp, chuyện còn dài mà!


TIẾNG HÚ TRÊN CÂY ĐA
Trời mới vừa sụp tối là đám trẻ quanh chợ Sơn Đốc tụ lại trước sân nhà ngoại Bảy. Gió từ đồng Bàu Dơi theo tiết đông thiên thổi vi vu qua tàn lá cây đa um tùm làm lắc lư những chiếc rễ đa giống như bầy rắn đang trườn xuống mặt đất.
Hiên nhà nhỏ hẹp của ngoại Bảy được treo một ngọn đèn bảo đong đưa trong gió. Ngoại Bảy ngồi trầm ngâm nhai tóp tép một miếng trầu. Đám trẻ giục:
- Kể tiếp chuyện Thị Ngộ đi ngoại.
- Ờ, thì kể. Mà hôm qua ngoại kể đến đâu rồi? À, đến chỗ Thị Ngộ bị kẻ cướp bóp cổ chết và vứt xác vào một bụi cây tầm gởi. Cái chết của con nhỏ làm rúng động làng nầy. Làng xã hội họp tập trung quyết tìm cho bằng được thủ phạm. Những nhân vật bất hảo trong làng đều được điểm danh, rà soát. Bất cứ hành tung nào của đám vô lại trong làng đều được những con mắt bí mật theo dõi…
Đám trẻ nhao nhao lên:
- Rồi có bắt được hung thủ không ngoại?
Ngoại Bảy thở dài:
- Một tháng trôi qua, hai tháng trôi qua, rồi ba tháng trôi qua tung tích kẻ sát nhân vẫn là bóng chim tăm cá. Người ta rình ở mấy tiệm thợ bạc xem có ai đem sợi dây chuyền vàng của bé Ngộ đến bán không? Nhưng tất cả đều chẳng thấy ai. Bức xúc quá điền chủ Hương Quý ra khoảng thưởng: Nếu ai bắt được hoặc chỉ được thủ phạm ngoài tiền thưởng trăm giạ lúa ông còn mướn một gánh hát về hát vở tuồng “San Hậu” cho bà con xem miễn phí một tuần lễ và cũng là để cùng thần đình để tạ ơn.
- Hát tuồng “San Hậu” là tuồng gì hả ngoại?
Ngoại Bảy mơ màng:
- Có nói ra tụi con cũng không hiểu về vở tuồng nầy đâu. Nhưng hồi đó dân làng mình rất ưng những vở tuồng như: Phạm Công Cúc Hoa, Lưu Kim Đính giải giá Thọ Châu, San Hậu…
- Rồi ông Hương thân Quý có cho hát “San Hậu” không ngoại?
Ngoại Bảy đốt một điếu thuốc rít hơi dài:
- Từ từ ngoại kể. Bây giờ trước hết tụi con phải bình tỉnh, đừng sợ thì ngoại mới kể tiếp được.
trẻ lại nhao nhao lên:
- Tụi con bình tĩnh rồi, ngoại kể đi.
Ngoại Bảy mỉm cười:
- Tốt, tốt lắm. Đây là chuyện xưa, đã lâu rồi, có gì mà phải sợ, phải không?
- Dạ phải phải.
Ngoại Bảy ngước mắt nhìn lên ngọn đa ở phía trên đầu:
- Ở đây, ngay ngọn cây đa nầy…
- Cây đa nầy sao ngọai?
Đám trẻ rùng rùng ngồi sát vào ngoại.
Gió chợt rì rào nói lên, cành đa khua lắc rắc làm lũ trẻ càng thêm kinh sợ. Ngoại cười xoa đầu từng đứa:
- Bọn bây sợ rồi phải không? Sợ thì thôi ngoại khỏi kể nữa.
- Không, không ngoại kể tiếp đi.
- Ừ, giỏi. Ngoại kể đây. Hồi đó chung quanh cây đa nầy cây cỏ mọc râm ri, xóm làng heo hút. Có một đêm kia, cũng giống như đêm nầy đột nhiên người trong làng nghe một tiếng hú dài lạnh lẽo, lê thê…. Tiếng hú xuất phát từ trên ngọn đa nầy.
Một đứa nhỏ hốt hoảng nhảy phốc vào lòng ngoại Bảy, mấy đứa kia mặt mày xám ngoét ôm ghì lấy bà.
Ngoại Bảy vỗ vỗ lưng tụi nhỏ cười hiền hòa:
- Tụi bây lạ thiệt đã sợ ma mà ưa nghe kể chuyện ma. Thôi không kể nữa.
Mấy đứa trẻ sau một hồi đứng tim, nhìn dáo dác lên ngọn đa như một vũng bóng tối in trên nền trời đen thẳm lấm tấm sao, lại giục:
- Giờ bớt sợ rồi, kể tiếp đi ngoại.
Ngoại nhìn trời lắc đầu:
- Thôi đã tối lắm rồi, dừng lại ở đây, mai ngoại sẽ kể tiếp. Bây giờ ngoại sẽ đưa tụi bây về.
Rồi bà xách chiếc đèn bảo đưa bọn nhỏ về nhà….
Lại đêm sau nữa. Trời đã xuống lạnh hơn đêm trước. Lá đa cứ sau mỗi cơn gió lại ào ào đổ xuống mái hiên nhà ngoại Bảy như một trận mưa rào.
Đám trẻ ngồi co ro bên cạnh ngoại Bảy. Ngoại gom mớ lá đa khô vàng đốt lên một dúm lửa nhỏ.
Ngoại Bảy dặn:
- Tụi con cứ đẩy lá từ từ vào đống lửa cho ấm. Đã lập đông rồi.
Mấy đứa trẻ lại giục:
- Kể đi ngoại.
- Ngoại kể tiếp tiếng hú trên ngọn đa đi.
Ngoại Bảy trầm trầm giọng:
- Hồi đó tức cách đây cả trăm năm rồi. Lúc đó ngoại cũng bằng tuổi tụi bây. Mẹ ngoại, tức tụi con phải gọi bằng bà cố. Cố kể cho ngoại nghe rằng, vào một đêm đông lạnh lẽo như hôm nay vào lúc giữa khuya khi cả làng Sơn Đốc chìm vào giấc ngủ thì đột nhiên trên ngọn đa nầy có một tiếng hú lảnh lót nổi lên. Mọi người hốt hoảng lén mở hé cửa nhìn lên ngọn đa thì thấy có một đứa con gái tóc xõa, áo trắng như sương ngồi vắt vẻo trên chùm rễ đa. Dưới ánh sáng trăng le lói thỉnh thoảng cái bóng con gái ấy lại cất tiếng hú vang. Thình lình bóng ma hát ầu ơ ví dầu: “Ta là Thị Ngộ/ Chết ức chết oan/ Nay ta thành tinh/ Về đây đòi mạng”.
- Trời ơi, ghê quá!
- Sợ quá ngoại ơi!
Lũ trẻ nhao nhao chồm vào gần đống lửa. Gió đông quét vào cành đa xì xào càng làm đám trẻ xanh xám.
- Thôi, đã gần khuya ngoại đưa tụi con về, mai ngoại lại kể tiếp.
Bà già đứng lên nhấc ngọn đèn bảo dắt bọn trẻ về tận nhà chúng.


YÊU MA TRÊN ĐƯỜNG VẮNG
Con trăng khuyết như một con mắt độc nhãn khép hờ trên bầu trời đen thẳm. Con mắt độc nhãn ấy trôi từ từ vào nằm trên ngọn đa lòa xòa.
Lũ trẻ ngồi nhích lại sát vào nhau nôn nóng chờ ngoại Bảy nhai xong miếng trầu đầu tiên. Ngoại chợt chỉ vầng trăng lấp ló sau đám tàn lá:
- Cũng vào một ngày có con trăng như đêm nay, bà cố tức mẹ của ngoại kể rằng: Bắt đầu từ ngày đó con tinh Thị Ngộ luôn xuất hiện, biến hóa khuấy phá dân làng. Có đêm người ta nghe thấy tiếng ru con lãnh lót của nó trên đỉnh tháp cổ ở đầu làng. Có hôm bà cố, tức mẹ của ngoại, bà cũng làm nghề mụ như ngoại, được người ta rước đi sanh. Nửa khuya gần sáng sinh giúp cho người ta xong bà xách ngọn đèn bão nầy đây ra về trên con lộ Cầu Đình. Hai bên đường đồng không mông quạnh không một bóng người, gió lạnh khua lao xao trên những đám lúa cao. Đột nhiên có một tiếng hú lạnh người nổi lên, bà cụ nhủ thầm: “Lại con tinh Thị Ngộ đây!”. Rồi cách chỗ bà cụ chừng mươi thước có hai bộ xương chân người rớt xuống. Tiếp theo phần xương thân người với hai xương tay khẳng khiu rớt xuống và tự ráp lại trên hai ống xương chân. Vài giây sao một bộ mặt xanh mét ở đâu trên trời rơi xuống ráp tiếp vào phần thân bộ xương lủng lẳng bên dưới. Từ trong cái miệng tối đen của khuôn mặt xanh phát ra tiếng nói:
- Bà già kia đi đâu? Ta là Thị Ngộ đây, ta sẽ vật chết bà.
Bà cố, tức mẹ của ngoại chẳng chút sợ hãi:
- Mầy là con Ngộ đó sao? Bà là bà cố Cây Đa đây. Hồi mẹ mầy đẻ mầy, chính bà đở đẻ cho mầy. Thấy mầy xinh gái, chính bà đặt tên cho mầy là Ngộ. Nay mầy chết oan chết ức đáng lẽ phải lo tu tâm dưỡng tính sao lại hóa thành yêu tinh phá khuấy làng nầy?
Con tinh như nhớ ra điều gì nó hiện nguyên hình là một cô gái trong lớp áo trắng như sương. Nó nói húng hắng:
- Cố ơi, con chỉ đùa chơi với cố thôi. Hồn con vốn chưa siêu thoát khi tên thủ ác khốn kiếp kia chưa chết để thay chỗ cho con.
Mẹ của ngoại đặt chiếc đèn bảo xuống đất và ngồi đốt một điếu thuốc trước đèn hỏi Ngộ:
- Vậy kẻ nào đã giết hại con?
Con tinh khe khẽ lắc đầu:
- Bây giờ con không thể nói được. Ngày nào cố thấy có một thằng nằm chết trên đìa Hương Quý, cố sẽ biết nó là ai. Thôi đêm sắp sáng gà đã gáy rồi, con đến thăm cố một lát rồi phải đi. Cố đừng lo, số cố sống đến trăm tuổi, chẳng có yêu ma nào hại được cố đâu.
Nói rồi con tinh biến mất. Mẹ của ngoại ngồi thẩn thờ trên con đường vắng. Bà thương con bé. Ngày xưa bà cố tụi con từng hộ sinh ra mẹ con Ngộ, rồi lại hộ sinh tiếp đến đời nó. Vậy mà nó bị chết ức chết oan bởi tại một chỉ vàng.
Chuyện ngoại Bảy kể cảm động khiến có mấy đứa trẻ sụt sịt khóc. Ngoại vỗ đầu bọn chúng:
- Thôi giờ tụi con phải về ngủ. Tối mai ngoại sẽ kể tiếp, khuya rồi.


VÓ NGỰA ĐƯỜNG TRĂNG
Đêm nay ngoại Bảy trải chiếu trước mái hiên nhà đặt giữa chiếu đĩa mức chối to đùng cùng những chiếc bánh phồng nướng thơm phức đãi bọn trẻ. Cũng gần đến tết rồi. Đây là những món bánh mức truyền thống của người dân làng Sơn Đốc vào mỗi dịp xuân về.
Đợi cho lũ trẻ vui vẻ ăn uống xong ngoại Bảy lại bắt đầu kể tiếp câu chuyện lỡ dỡ đêm qua:
- Hồi đó ở làng nầy có một người đánh xe thổ mộ chở người, chở hàng hóa lên huyện xuống tỉnh tên là Chín, Chín xe ngựa. Người nầy không vợ con, nhà ở bên kia con rạch nhỏ đối diện với nhà Thị Ngộ. Khuya nào khoảng bốn năm giờ sáng Chín xe ngựa cũng đánh xe ra tỉnh lộ rước khách. Một khuya trong lúc Chín ngồi trên gọng xe, lúc bấy giờ con trăng hạ huyền sắp lặn, ánh trăng phờ phạc trong làn sương sớm trải xuống con đường lạnh lẽo. Vó ngựa khuya lốc cốc một cách vui tai. Đột nhiên từ bên vệ đường có một cô gái mặc toàn trắng xuất hiện đưa tay ra vẫy. Chín gò cương ngựa.
Cô gái lặng lẽ leo lên ngồi ở phía sau mặt che sau chiếc khăn choàng trắng. Có mùi hương lạ khó thở tỏa ra trên xe. Chín xe ngựa chợt thấy lạnh sóng lưng nên hỏi: “Nè cô, cô định đi đâu?”. Không trả lời. Mãi lâu sau từ cái bóng màu trắng đằng sau xe mới có tiếng đáp: “Cứ đi đi bao giờ muốn xuống ta xuống”. Chín xe ngựa thả dây cương quất nhẹ roi da vào mông ngựa, con vật hiểu ý cất vó chạy lốc xốc. Lát sau nữa cô gái chợt lên tiếng:
- Nầy anh, trời lạnh quá anh ngồi xích vào gần em chút được không?
Chín quên sợ rời càng xe bò vào giọng cợt nhã:
- Trời lạnh sao mặc áo mỏng làm chi?
Cô gái cười giọng mũi:
- Bộ anh không thích đàn bà con gái mặc áo mỏng sao?
Thích chí Chín lần vào ngồi sát cô gái giở giọng đẩy đưa:
- Em ở đâu mà anh thấy quen quen?
- Nhà em ở cạnh đìa ông Hương Qúy.
- Ủa, ở đó có nhà ai đâu?
- Tại anh không thấy, chớ nhà em ở đó. Hôm nào anh ghé chơi.
Chín khoe:
- Em biết không, ông Hương thân Quý là chú họ của anh.
Đang lúc Chín định giơ tay ôm chầm cô gái thì bỗng dưng anh ta có cảm giác như đang ôm vào một khoảng không. Cô gái biến mất. Rồi bất chợt ở cạnh bụi dứa dại bên đường có tiếng cười the thé và xa dần.
Chín xe ngựa sợ toát mồ hôi. Đúng rồi, đây là một con yêu tinh mà nhiều người đi soi ếch soi cá ban đêm đã từng gặp nó trên quãng đường chạy qua cánh đồng mông quạnh nầy.
Con trăng đã xế, tiếng vó ngựa vẫn nện lộc xốc trên đường nhưng Chín xe ngựa như người mất hồn sau khi trải qua những giây phút đối diện với người thiếu nữ không nhìn rõ mặt có mùi hương kỳ lạ trên chuyến xe nửa đêm gần sáng.
Ngoại Bảy ngừng kể khoát tay:
- Thôi, ngoại buồn ngủ rồi, tối mai ngoại sẽ kể tiếp. Bây giờ tụi con phải về nhà.
Nói xong ngoại Bảy đứng lên xách chiếc đèn bão, lũ trẻ lót tót đi theo…

XÁC CHẾT BÊN ĐÌA
Con chim cú trên cây đa kêu từng tiếng lạnh lẽo. Đám trẻ ngồi nhích vào cạnh ngoại Bảy. Uống một hớp trà thấm giọng, ngoại Bảy lên tiếng:
- Sau cái hôm Chín xe ngựa gặp yêu ma trên đường tỉnh lộ anh lâm trọng bệnh, như người điên khi cười khi khóc. Ngày ngày anh ta ra chợ Sơn Đốc đi lang thang nói năng lảm nhảm. Có khi anh ta tự đấm vào mặt mình đến sưng vều lên và la lớn: “Mầy là kẻ giết người. Mầy bóp cổ con nhỏ đến chết để lấy một chỉ vàng. Mầy phải chết theo nó Chín ơi…”. Những điều Chín xe ngựa nói chẳng ai người ta để ý, chỉ coi anh ta như kẻ điên khùng nói trăng nói cuội vậy thôi. Cho tới một ngày kia người ta thấy Chín xe ngựa tay cầm sợi dây cột ngựa đi về phía đìa Hương Quý.
- Ông ấy đi làm gì vậy ngoại?
Đám trẻ nhao nhao hỏi. Ngoại Bảy thở dài:
- Hắn ta đi như bị ai đó rủ rê xô đẩy. Ngày hôm sau người đi bắt cá lậu nơi đìa Hương Quý bắt gặp xác Chín xe ngựa treo cổ tòn teng trên một cây trâm bầu chân thòng xuống nước.
Ngoại Bảy kết luận:
- Như vậy là đã rõ, Chín xe ngựa là kẻ đã ra tay giết Thị Ngộ để lấy một chỉ vàng. Một đêm kia bà cố, tức mẹ của ngoại trên đường đi hộ sinh lại gặp con tinh trên quãng đường làng vắng vẻ. Nó báo cho bà cố biết nó đã báo xong mối thù. Từ nay nó sẽ siêu sinh…


ĐÌA SAN HẬU
- Ngoại ơi, lũ trẻ lên tiếng, rồi ông Hương Quý có cho hát tuồng San Hậu cho người làng xem không ngoại?
Ngoại Bảy cười khẩy:
- Mấy người điền chủ nhà giàu mà thường là bọn bủn xẻn, hứa rồi để gió thổi đi. Vả lại Chín xe ngựa là cháu họ của ông ta, chuyện xấu ác tày đình nầy làm sao ông ta còn mặt mũi nào thuê phường hát về hát cho người ta xem được.
- Rồi vì sao đìa ông Hương Quý lại trở thành đìa San Hậu hả ngoại?
Nghe đám trẻ hỏi ngoại Bảy cười khà:
- Ừ, thú vị là ở chỗ đó. Do ông Hương Quý thất hứa với bà con, nên từ đó người ta đổi tên đìa Hương Quý thành đìa San Hậu. Cái tên ấy lưu danh cho đến bây giờ. Bây giờ tụi con phải về. Mai mốt ngoại lại kể chuyện ly kỳ mới. Ngoại kể cho tụi con nghe chuyện xa xưa coi như bài học. Sau nầy lớn lên nhớ đừng làm điều xấu ác. Làm điều ác có quả báo mà tiếng xấu còn để lại hoài….

Trương Đạm Thủy

TRÚC THANH TÂM * TỨ TUYỆT ĐƯỜNG XA 3



  PHƯỢNG BIẾT BUỒN

  Biên Hòa thành cổ, bảy mươi
  Em vào đệ tứ, ta đời gió sương
  Ngô Quyền, phượng đỏ biết buồn
  Tình ơi, mai mốt đừng hờn dỗi nhau !
   
  TÌNH VŨNG TÀU

   Nắng vàng trải thảm Dinh Cô
   Ta qua Núi Lớn, lên Hồ Mây xinh
   Tiếng em khe khẽ gọi mình
   Hương đêm Ô Cấp, men tình thắm môi !

   CÙ LAO DUNG

   Vườn em rụng trắng hoa cau
   Ta treo trăng giữa Cù Lao Dung buồn
   Sóc Trăng ba ngã sông thương
   Người dưng khác họ, ai còn nhớ ai !

   HOA SIM TÍM

   Tây Ninh mưa, tháng mười hai
   Màu hoa sim tím, tóc dài bay nghiêng
   Trảng Bàng rồi lại Tân Uyên
   Ta xin giữ lại chút duyên ban đầu !

   TRÚC THANH TÂM
   ( Châu Đốc )



Trạch Gầm * Tận Thế



Viết tặng Yên Ly

Một ngày mặt trời ôm hôn trái đất
Địa ngục Thiên đàng đươc dịp mở toang
Một ngày anh ôm hôn em ngây ngất
Quên lững cuộc đời còn có trần gian

Em bay vòng quanh thiên đàng bỏ ngỏ
Em bay vòng quanh địa ngục sổ lồng
Anh lững lờ trôi theo từng mơ ước
Biết đến nơi nào có gặp em không

Anh như hạt sương không còn nơi đọng
Em dang đôi tay …anh rớt vào hồn
Em mở thiên đàng, em giam địa ngục
Trong cảnh huống nào…Anh hết cô đơn

Trạch Gầm

Nguyễn Đức Nhơn * Núi rừng quê tôi




Chiều ngồi trên Đỉnh Đèo Bay
Ngó về Phan Thiết lòng ray rứt buồn
NĐN




1. Đỉnh Đèo Bay

Từ đỉnh đèo nhìn về hướng đông, thành phố Phan Thiết hiện lên rõ ràng, phân biệt được cả những khu phố, vùng ngoại ô và bãi biển. Không biết cái tên “Đỉnh Đèo Bay” có từ bao giờ, nhưng tôi biết chắc nó không thể có trước năm 1975, vì lúc đó cây gỗ còn nhiều, ít ai lên đến nơi này. Đây là đỉnh cao nhất trên cụm núi phụ nằm về phía đông dãy Trường Sơn. Dân làm rừng chỉ có những người bạo gan mới dám lên nơi này. Tôi không gan dạ gì, nhưng có chút liều lĩnh nên cũng từng mò lên tới đây. Ngày đầu tiên đặt chân lên Đỉnh Đèo Bay, đứng trên một mô đá nhô cao, đưa mắt nhìn về biển đông, tự nhiên tôi cảm thấy thương quê hương mình quá đỗi.

Trông lên núi ngả đầu chào
Trông ra ngoài biển, biển nào cũng sâu!”
(Khuyết danh)

Hai câu thơ này không biết của ai và cũng không biết đọc nó ở đâu, nhưng khi đứng trên Đỉnh Đèo Bay, tự nhiên tôi chợt nhớ ra và nhớ mãi đến bây giờ. Đứng trên Đỉnh Đèo Bay nhìn về hướng Tây là núi rừng trùng điệp, nhìn về hướng Đông là biển cả bao la. Ngày xưa ông Thái Thượng Lão Quân vẽ ra bản Thạnh Thế Hồng Đồ để phân chia Trời Đất, chắc có lẽ ông ta có một chút cảm hứng nào đó để “phết” lên quê tôi những nét đẹp lạ lùng.

Trải tấm nylon trên phiến đá bằng phẳng. Một xị rượu, vài con cá khô. Quá đủ. Thật tình quá đủ, tôi cảm thấy như vậy. Và, chính nhờ cái đạm bạc này mà tôi mới thấy hết được cái đẹp đơn sơ, giản dị của núi rừng quê tôi; Cái đẹp vừa uy nghi, kỳ bí vừa phảng phất một chút đa tình, nên thơ, lãng mạn.

Ngồi trên Đỉnh Đèo Bay, hớp một ngụm rượu, khà lên một tiếng thật kêu rồi đưa mắt nhìn ra tám hướng, thả hồn đi khắp bốn phương mới thấy hết cái thú vị của đời người. Hình như cái thú vị của đời người không hẳn hoàn toàn do cảm nhận từ những niềm vui mà đôi khi còn cảm nhận được từ những nỗi buồn.

Chiều ở đây thật buồn
Mây đùn quanh tám hướng
Thung lũng dày sương mù
Tôi ngồi nghe gió hú

Lão tiều phu đốn rừng
Nghe đau từng nhát búa
Có con chim lạc đàn
Xoải cánh chiều qua núi

Rừng ngàn năm vẫn buồn
Chôn sâu niềm u uẩn
Người ngàn năm vẫn còn
Đi trong vòng lẩn quẩn

Rừng ngàn năm còn đó
Tôi trăm năm còn đây
Rừng lắc lay theo gió
Tôi nhìn mưa thu bay

Mưa thì thầm trên lá
Tôi thì thầm với ai!?
(Thơ NĐN)

Từ làng tôi, dân làm rừng đi lên núi Ông (1) bằng nhiều ngã khác nhau. Tất cả những ngã đường này đều phải băng qua con đường sắt xuyên Việt, đoạn từ ga Mường Mán đến ga Ma Lâm. Mỗi giao điểm của lối mòn xe bò và con đường sắt đều được giới khai thác lâm sản đặt cho mỗi nơi một cái tên nghe rất là “địa phương”: Đồi mồi bàu lon, đồi mồi bàu đá, đầu mồi giếng cỏ v.v… Đầu mồi (2) là nơi xe bò bắt buộc phải đi qua. Thời chiến tranh Việt – Pháp, lính Tây thường phục kích ở các nơi này và gây chết chóc rất nhiều người. Đoạn đường sắt này, hai đầu nối liền với Mường Mán và Ma Lâm, lập thành một khu vực địa dư mà thời chiến tranh được mệnh danh là “chiến trường tam giác”. Sau khi ra tù, tôi trở về sinh sống ở một ngôi làng nhỏ nằm trong khu vực này. Ngoài việc làm cho hợp tác xã nông nghiệp, tôi thường lên rừng đốt củi, hầm than để kiếm sống. Tôi chọn lộ trình “đồi mồi giếng cỏ” để qua con đường sắt. Khi ấy tôi dành dụm được một ít tiền, sắm đươc một chiếc xe bò bánh sắt (3) và, cứ mỗi tuần tôi cùng thằng con trai tý tẹo của tôi lên núi một lần.

Thong dong một chiếc xe bò
Nhạc khua lóc cóc giữa bờ truông sâu
Ngoảnh nhìn phận số ta đâu
Bóng hình xưa đã nhạt vào xa xăm
Ở đâu còn một chỗ nằm
Cho người thua cuộc về thăm núi này!…

(Thơ Trần Yên Thảo)

2. Đèo Vòng Xoay

Trên lộ trình đến Đèo Vòng Xoay, đường núi cheo leo, xe bò bắt buộc phải qua một vài địa thế vô cùng hiểm trở, thường xẩy ra những tai nạn chết người.

Không đi thì đói thì nghèo
Mà đi thì sợ cái Đèo Vòng Xoay”

Hai câu lục bát dân gian này không biết có từ lúc nào, nhưng cái Đèo Vòng Xoay thì đã có từ lâu đời. Nếu cái tên “Đỉnh Đèo Bay” gợi lên một cảm giác chơi vơi trên một đỉnh núi cao chót vót, thì cái tên “Đèo Vòng Xoay” lại cho ta một cảm giác quay mòng mòng như con vụ. Thực ra thì cũng không đến nỗi như vậy. Đèo Vòng Xoay chỉ là một khúc quanh rất ngặt, nhưng khổ nỗi là khúc quanh này lại nằm giữa hai bờ con sông hẹp nhưng rất sâu. Khi chiếc xe lao xuống dốc, người đánh xe không thể nào điều khiển được hai con bò. Mà trời sanh cũng ngộ, hai con vật tự nó cũng biết phải làm thế nào để bảo đảm an toàn cho chiếc xe (!). Khi gần tới đáy sông thì có một “gôn” đá lớn nằm chắn ngang. Chao ơi! nếu đâm đầu vào đó thì… “tía tôi cũng lìa!”. Nhưng không sao, người đánh xe sau mấy phút đi “six flag” cũng vừa tỉnh hồn, kịp điều khiển hai con bò quay một vòng rất ư là đẹp mắt. Khi qua được bờ bên kia, người đánh xe cảm thấy mình vừa thoát qua một tai nạn! Hú hồn…

3. Đèo Thằng Cuội

Qua khỏi Đèo Vòng Xoay một đỗi thì tới “Đèo Thằng Cuội”. Cái đèo này mới thật “ê ám”. Chiếc xe qua khúc đèo này, gần như chỉ lăn có một bánh, còn cái bánh kia thì nhảy “cà tưng, cà tưng” trên những phiến đá lồi lõm như người ta nhảy đầm. Chiếc xe nghiêng hẳn về một bên. Người ngồi trên xe lại thêm một dịp “thả hồn theo mây gió”. Tại sao lại có cái tên “Đèo Thằng Cuội” nhỉ? Ông Sáu Lầu, người cao tuổi nhất trong làng kể lại.
Chú Tám à! Cạn hết cái chén đó đi rồi tôi sẽ kể cho chú nghe.
Dạ được.
Thực ra, chuyện này tôi cũng nghe tía tôi kể lại, còn sự thật thế nào thì tôi cũng không rõ.
Ông Sáu ngừng lại vài giây, nhấm thêm một ngụm rượu, khà ra một tiếng rồi kể tiếp.
Nghe nói hồi mới khai thông khúc đèo này, chiếc xe đầu tiên qua đèo bị lật đè chết một người. Người ta không rõ danh tánh người xấu số. Chỉ biết người này dùng sức phụ đỡ chiếc xe cho khỏi lật nên bị chiếc xe đè chết. Những người dùng sức chống đỡ những vật nặng phụ giúp cho một việc gì đó, người làng mình gọi là “cuội”. Nên vì vậy mà mới có cái tên “Đèo Thằng Cuội” đó chú Tám.
Thưa bác, còn tại sao mỗi chiếc xe qua đây đều phải ném vào cái mô đất một nhánh cây hay một hòn đá vậy bác?
Ừ, chuyện này kể ra cũng lạ. Nghe nói sau cái tai nạn đó, đêm đêm thằng Cuội hiện về bảo là ai đi ngang qua đèo phải ném vào mộ nó một vật gì đó, coi như vun bồi cho ngôi mộ, nếu không thì lần sau ngang qua đây sẽ bị lật xe. Chuyện đó hư thực thế nào thì không ai rõ, nhưng mọi người đều có một ý nghĩ giống nhau “thà tin có còn hơn không!” và, vì vậy mà cái mô đất mỗi ngày một cao thêm.

4. Râm Tiếng

Qua khỏi đường sắt một đoạn thì phải chui vào một khu rừng dày đặc, dài chừng vài ba cây số. Ban đêm đi vào khu rừng này, người đánh xe không thể nào quan sát được mọi vật chung quanh, nên chỉ nhịp roi “chừng chừng” vào lưng bò, để tự nó theo lối mòn mà đi. Đây cũng là một kinh nghiệm của những người đánh xe. Vì quá rậm rạp, nên nhiều loại thú dữ thường trú ẩn trong khu rừng này, nhất là cọp. Ban đêm chúng thường ra đường chận xe. Chúng dọa trâu bò nhảy tán loạn, người trên xe không may bị té xuống đất là chúng vồ đi ngay. Cũng tại khu rừng này có một con cọp hung tợn vô cùng. Người hay súc vật không may gặp phải nó là vô phương sống sót. Người ta đặt cho nó một cái tên nghe cũng anh hùng hảo hán lắm: “cọp ba dấu”. Nghe nói, một đêm nọ, con cọp này phóng đại vào chiếc xe, chân trước thọc vào bánh xe để kéo lại, không may bị bánh xe nghiền nát, nên từ đó nó chỉ còn ba chân. Người làm rừng thường hay quan sát dấu chân cọp để biết chừng mà tránh, nên mới phát hiện ra con cọp ba dấu này. Nghe nói từ ngày mất một chân, con cọp lại càng hung dữ hơn. Nó “hoành hành bá đạo” ở khu rừng này, nên vì vậy mà khu rừng đâm ra nổi tiếng, rồi dần dà người ta lượt bỏ đi một vài chữ trong cụm từ “khu rừng nổi tiếng” để đặt luôn cho nó cái tên là “Râm Tiếng”.
Một điểm đặc biệt nữa là khu rừng này có một loài chim mà trong tác phẩm “Đất Rừng Phương Nam”, Đoàn Giỏi gọi là “chim lệnh” (4). Loài chim này có một giọng kêu nghe the thé giống như tiếng trẻ con khóc. Ban đêm mà nghe tiếng kêu của nó, ắt có người “són” ra quần. Đặc biệt hơn nữa là loài chim này thường “ở chung với cọp” bởi vì cọp là loài ăn thịt sống, nên thịt thối ở kẻ răng làm cho nó đau nhức. Chim lệnh biết “khai thác” nhược điểm này, nó cà rà theo cọp để mổ thịt thối ăn. Đang khi răng bị ngứa nhức khó chịu vô cùng mà có kẻ chịu khó “xỉa răng” giùm thì làm sao mà không biết ơn cho được! Vì vậy mà vô hình trung cọp và chim lệnh trở thành đôi bạn thân, sát cánh bên nhau, nương tựa nhau mà sống (!). Thiên nhiên quả thật có nhiều điều kỳ diệu. Có lẽ người làm rừng mộc mạc không hiểu gì về khoa học tự nhiên, cho chim lệnh là một loài chim linh, muốn giúp người, nên bám sát theo cọp để lên tiếng báo động kịp thời cho người lẩn tránh. Vì vậy người làm rừng mới truyền kinh nghiệm cho nhau bằng một câu nói mà mới nghe qua giống như một câu châm ngôn nhật tụng: “Nơi nào chim lệnh kêu, nơi đó có cọp!”

5. Giếng Tiên

Đến Giếng Tiên thì phải đi bằng một ngã khác, thực ra tôi rất ít đến nơi này, vì không thuận đường.
Câu chuyện dưới đây, tôi cũng chỉ nghe người ta kể lại, không biết đúng sai và cũng không biết còn có câu chuyện nào nữa nói về cái huyền thoại “Giếng Tiên” hay không? Hai chữ “Giếng Tiên” gợi lên cho người đọc một hình ảnh nên thơ thoát tục. Thực ra nó cũng chỉ là một khu rừng bình thường, chỉ khác một điểm là ở đây có một giếng nước rất trong, nhúng tay vào người ta có cảm giác như đang ngâm bàn tay trong nước đá.
Người ta thường lên núi đốn củi, hầm than vào mùa nắng, nên nước uống là một vấn đề vô cùng phiền toái cho người làm rừng. Thường thì người ta phải mang nước theo để xử dụng, nếu rủi ro bị đổ thì chỉ còn cách quay trở về. Cái nắng nóng hừng hực của núi rừng giữa trưa mà xối lên người một ca nước “Giếng Tiên” lạnh ngắt thì cho dù người phàm cũng biến thành tiên. Tôi có nghe lõm bõm một câu chuyện thần bí về khu rừng này:
Ngày xưa, có một lão tiều phu đầu tóc bạc phơ, mùa nắng thường hay lảng vảng ở khu rừng Giếng Tiên. Người ta không biết ông ở đâu và cũng không biết ông làm gì. Không ai tới gần ông được. Ông thường ẩn hiện, thấp thoáng trong rừng như một bóng ma. Một hôm có một cô gái làm rừng bị ngất xỉu vì cơ thể thiếu nước, ông già xuất hiện mang cô gái vào một hốc núi rồi hú vang một tiếng. Cô gái giật mình tỉnh lại, nhìn chung quanh không thấy ai, nhưng phát hiện ngay bên chỗ mình nằm là một cái giếng nước trong. Cô gái vì quá khát, nên múc nước lên uống mà không e dè chút nào. Không ngờ vừa uống xong, cô gái thấy toàn thân lạnh như băng và rùng mình một cái, biến thành một nàng tiên xinh đẹp bay bỗng lên trời.
Nghe tiếng hú kỳ lạ, có một người tiều phu tò mò lần theo vách núi đến nơi thì phát hiện ra nơi này có một bộ quần áo của phái nữ. Người tiều phu tò mò mở ra xem thì thấy trong túi có một bức tượng hình thù quái dị, lớn bằng nắm tay. Người làng biết được chuyện, bèn rủ nhau lên xây một bức tượng cao chừng ba thước, hình dáng giống như bức tượng trong túi áo. Bức tượng đó lâu ngày biến thành một hòn đá thiên nhiên, trông từa tựa như một cố gái đang đứng dựa vào vách núi. Hòn đá đó ngày nay vẫn còn. Truyền thuyết còn cho rằng ông lão kỳ bí ở rừng Giếng Tiên chính là vị thần năm xưa được Thượng Đế sai gánh hai hòn núi từ Bắc vào Nam. Khi bay ngang qua Phan Thiết, không may bị đứt dây, nên hai hòn núi rớt xuống nằm ngay bên cạnh quốc lộ 1 ở hai đầu Nam – Bắc thị xã Phan Thiết (5). Có người còn nói hai hòn núi này là hai ông “tà”, cho nên người xưa mới đặt tên là “Tà Dôn” và “Tà Cú”. Hai ông tà này rất ác ôn, “đì” dân Phan Thiết ngóc đầu không nổi, nên chẳng có ai được làm Vua hoăc làm Tổng Thống (!). Còn ông thần gánh hai hòn núi thì bị Thương đế giáng xuống làm “Giám đốc sở kiểm lâm” canh gác hai ông “Tà”. Ông thần này thích “chạy nhảy lung tung” hết rừng này tới núi nọ và cứ mỗi năm đến mùa nắng nóng thì mò lên Giếng Tiên để tắm. Nghe sao kể vậy, còn đúng sai thế nào thì thật tình tôi đây cũng “bù”.

6. Đồng Cá Sấu

Qua khỏi Râm Tiếng chừng một đỗi, có một ngã rẽ về bên phải. Đi thêm vài cây số nữa thì đến một cánh đồng hoang nằm gọn lỏn giữa một khu rừng già mênh mông. Giữa cánh đồng có một đầm nước sâu. Người làm rừng gọi cánh đồng này là “Đồng Cá Sấu”. Địa danh thường thường được người ta dựa vào một biểu tượng nào đó để đặt ra. Đồng cá sấu cũng vậy, vì ngay trên mé rừng dọc theo cánh đồng có một hòn đá nổi, hình thù giống hệt một con cá sấu đang nằm. Chiều dài khoảng chừng ba thước, bề ngang khoảng năm tấc. Trên lưng có một vết sẹo dài vắt chéo từ chân trái ở trước đến chân phải phía sau. Ngoài ra bên hông còn có ba dấu chân lõm sâu vào khoảng một lóng tay. Trong một buổi trà dư tửu hậu, tôi nghe người ta kể rằng, khi xưa có một gã nông phu đang cày ruộng, bất chợt có một con cá sấu thật lớn bò đến. Người nông phu này dùng roi cày và đôi chân giết chết con sấu. Con sấu nằm đó lâu năm, biến thành hòn đá với vết tích còn hằn rõ trên lưng. Chuyện thật đấy. Nếu độc giả nào không tin, chịu khó “bao” tôi về Việt Nam một chuyến, tôi bảo đảm sẽ đưa đến tận nơi để xem cho biết (!).

Núi rừng quê tôi còn nhiều chuyện để kể lắm. Nhưng già rồi trí nhớ không còn như xưa, nên nhớ đâu kể đó vài chuyện cho vui, và cũng xin nói rõ đây không phải là một tài liệu biên khảo.

Nguyễn Đức Nhơn
———
(1) Núi Ông nằm phía tây thành phố Phan Thiết,
trong hệ thống dãy Trường Sơn.
(2) Đầu mồi là giao điểm của lối mòn xe bò và con
đường sắt.
(3) Bánh gỗ bọc niền sắt.
(4) Có người nói ngoài Bắc gọi là “chim linh”, còn
ở quê tôi thì gọi là “chim chuông”.
(5) Núi Tà Dôn nằm phía bắc, cách Phan Thiết
chừng vài chục cây số. Núi Tà Cú nằm phía
nam, cách Phan Thiết chừng 30 chục cây số.

Phạm Quốc Bảo * Nhớ Bạn



Trần Tuấn Kiệt











Nhớ Trần Tuấn Kiệt

đèn vàng rẽ lối sương mù
bước chân lững thững trải từ đời riêng
chợt nghe như lạnh vào đêm
nhớ thầm đến bạn đâu miền xa xăm
tết này vừa đúng một năm
nhớ quên mấy lượt cũng ngần ấy thôi
với tay cuộc sống đổi rời
ta đang lang bạt nhớ người trầm luân

Nguyên Sa














Nhớ Nguyên Sa

dấu đen trên tuyết một mình
ngõ xa lưng đạm dáng hình bao la
chim kêu một tiếng sáng lòa
tai còn âm vọng nét nhòa bước đi

Phạm Quốc Bảo



Thursday, January 31, 2013

Linh Phương * tóc em thơm mây khói Sài Gòn



  Mùi anh xin gởi lại cho người
  Tay níu vội khoảng trời xanh thương nhớ
  Mắt em buồn sầu vương mây khói
  Tóc em thơm mây khói Sài Gòn

  Bàn chân hồng in dấu nụ hôn
  Hương em đọng trên môi anh mãi
  Vẫn tiểu thư của thời trẻ dại
  Em hiền ngoan e ấp buổi hẹn đầu

  Mấy mươi năm mình lạc mất nhau
  Hội ngộ rồi em ơi đừng khóc ?
  Ôm thật chặt -siết vòng ôm thêm chặt
  Hơi hướm nào ngai ngái không tan

  Mùi anh xin gởi lại Sài Gòn
  Trao cho em dẫu đời còn xa cách
  Trao cho em một tình yêu duy nhất
  Anh giấu kín lâu rồi trong trái tim thơ

  Giữ nhé em ngày đợi -đêm chờ
  Tay níu vội giấc mơ chồng vợ
  Giữ nhé em mắt sầu vương mây khói
  Để tóc em thơm mây khói Sài Gòn



mh. hoài linh phương * như gió mùa Đông

tranh Trương Thị Thịnh












Ta yêu nhau một ngày
Rồi xa nhau trọn kiếp
Tình cao hơn núi đầy
Nên tình sầu thê thiết
Mất nhau rồi... sao anh?
Mùa đông dài vô tận
Trên giọt lệ tình xanh
Thơ em buồn lận đận

Hạnh phúc như vừa đây
Sao bỗng thành huyền thọai
Tình xa hẳn tầm tay
Có còn chi réo gọi?

Anh còn gì cho em?
Ngoài muộn màng, lở dở
Những mặn nồng chưa quên
Sao tình đau mấy thuở?

Không còn riêng nhau nữa
Tình biết gửi về đâu?
Mùa đông dài trong gió
Tôi lặng lẽ cúi đầu.


PHAN TẤN HẢI * GIỚI THIỆU SÁCH ‘VĂN HÓA GÌ ?’ CỦA TRẦN VĂN GIANG


Đó là một cuốn sách nên tìm đọc, nên lưu giữ. Không chỉ vì Trần Văn Giang là một người viết có tài, nhưng cũng vì không mấy ai trình bày sắc bén được như tác giả về một “nền văn hóa” đa dạng như thế ở quê nhà: đó là văn hóa chạy, văn hóa tham nhũng, văn hóa ru ngủ,  văn hóa cầm nhầm, văn hóa đaí đường, văn hóa ăn nhậu, văn hóa con nhái, văn hóa nói nhảm, văn hóa rọ mõm, văn hóa răn đe, văn hóa thích hàng ngoại... Và tận cùng, là câu hỏi “văn hóa gì” trong khi quê nhà đã bị nhà nước xã hội chủ nghĩa bóp cho méo tới không còn bao nhiêu hình dạng truyền thống.

Tuyển tập 21 bài viết, dày 340 trang tuy chủ đề về những nét “văn hóa kinh dị XHCN,” mang tới những tràng cười vì độc giả sẽ không chịu nổi những “văn hóa đảng bát nháo” với Lại Văn Sâm phiên dịch kiểu trật chìa, và cả những phẩn nộ khi thâý một quê hương đã biến đổi tàn hoại, nhưng cũng đầy những giây phút bùì ngùi khi đọc về những ngôi làng trong đó thiếu nữ Việt rủ nhau lấy chồng ngoại, và cả những thâm tình xúc động  khi đọc lời tác giả viết tặng các con nhân Ngày Phụ Thân.

Hãy xem Trần Văn Giang khắc họa về một xã hội ở quê nhà:

"Văn hóa con nhái: Khuyến khích dân tranh nhau phá các kỷ lục ruồi bu (để được ghi trong sách kỷ lục thế giới – world records / Guiness book): nồi phở to nhất thế giới, bánh chưng, bánh dầy to nhất thế giới, áo dài dài nhất thế giới, bình hoa lớn nhất thế giới, lá cờ lớn nhất thế giới… tốn 4 tỉ đô la để tổ chức 1000 năm Thăng long… toàn những cái to nhất, dài nhất, cao nhất, khủng nhất, hãi nhất… không hề giúp ích mảy may gì cho việc thăng tiến đời sống của dân.  Trong khi các vấn đề quan trọng cấp bách hơn như giao thông bế tắc, thiếu cơ sở phương tiện y tế tối thiểu, thiếu trường học, môi sinh bị hủy diệt, thiếu nước sạch để uống, thực phẩm nhiễm độc đủ loại… là chuyện mà dân được toàn quyền “tự lo"”  Đảng còn đang bận tiếp đối tác thương mại, tổ chức đại hội đảng, đề cử đại biểu để dân tha hồ lựa chọn, tuyển lựa hoa hậu…" (Cuốn "Văn Hóa Gì," trang 9)

Hay là chuyện Chủ Tịch Nước Nguyễn Minh Triết nói nhảm và rồi một sếp lớn khác ra điều kiện vòng ngực khi cấp bằng lái xe gắn máy cho phụ nữ, trích:

“Đứng đầu danh sách nói nhảm phải kể chủ tịch nhà nước kiêm danh hài Nguyễn Minh Triết lùn. 
Câu nói bất hủ của Triết lùn trước quan viên thông tín quốc tế ở Havana, Cuba là:

“Cu ba ngủ thì Cu ta thức!”...(...)


...Tuy nhiên lời của đ/c Trần Quý Tường nổi bật hơn lời của Triết lùn bởi vì nó quàng theo cái “lô gíc” thâm thúy, cái “tư duy” khoa học phân tách theo biện chứng Mác-Lê của con người cộng sản.  Đó là câu:

“Người có vòng đo ngực trung bình dưới 72 cm không được cấp bằng lái hạng A1, tức cũng không được đi xe trên 50 cc.”...”(Trang 32 và 37)

Nhưng vẫn có những chỗ tác giả Trần Văn Giang không sử dụng ngôn ngữ giễu cợt, thí dụ như khi ông nói nghiêm túc về chuyện ông Hồ Chí Minh dựa trên biên khảo của sử gia Sophie Judge-Quinn để nói rằng ông Hồ đã “cầm nhầm” bút hiệu “Nguyễn Ái Quốc” của LS Phan Văn Trường năm 1919, vì ông Hồ không đủ trình độ viết Pháp ngữ như thế (xem trang 93).

Và cũng rất mực nghiêm túc khi tác giả Trần Văn Giang đề nghị chữa bệnh nói ngọng đang trở thành dịch ở nhiều phần đất nước, trích:

"Muốn chữa nói ngọng thì phải nói cho chậm rãi để có thời giờ nghĩ và chỉnh các âm sai. Thầy giáo và bạn bè thân thiết có thể giúp đỡ rất hữu hiệu trong việc nhận diện các âm sai và sửa sai. Quan trọng nhất là sự kiên tâm, chịu khó luyện tập lâu dài. Ở Mỹ có những chuyên viên về sửa chỉnh ngôn ngữ (Speech Therapist / Speech Therapy) được đào tạo đặc biệt để giúp các công dân Mỹ có vấn đề phát âm Anh Ngữ như ngọng, cà lăm. Các tay chơi thể thao nổi tiếng như Bill Walton (basketball), Bo Jackson (football) bị cà lăm rất nặng khi họ mới xuất hiện trong các cuộc phỏng vấn từ của các đài truyền hình thể thao phát hình các trận đấu giữa các trường đại học hoặc thể thao chuyên nghiệp. Thế mà chỉ sau một thời gian ngắn, nhìn thấy rõ là họ đã có thể trở thành người ăn bình thường, trôi chẩy khi họ đảm nhận các vai trò phân tích thể thao (sport analysts) cho truyền hình Mỹ trong các trận đấu..."(trang 114)

Hay khi tác giả Trần Văn Giang ngậm ngùi nhìn lại một thời nội chiến và rồi bây giờ, và chỉ nói là “rất buồn” mà vẫn không nỡ nặng lời với những kẻ “nối giáo cho VC,” trích:

"Có những “cựu” cảm tình viên cs, “hùa” viên cs (loại này rất đông đảo – Họ hầu như mù tịt về cs nhưng lại thích làm dáng cs; lọai “Nếu là chim tôi sẽ là bồ câu trắng / Nếu là hoa tôi sẽ là hoa hướng dương / Nếu là người tôi sẽ là người cộng sản…  Người quốc gia cỡ phó thường dân thôi cũng hiểu là cs không phải là bồ câu trắng; và cs cũng chẳng có ưa gì hoa hướng dương, hoa hướng âm gì ráo trọi!) thích và mơ tưởng thiên đường bánh vẽ cs; ăn cơm quốc gia thờ ma cs.  Đám đông này trước đây rất ồn áo, đã từng nhẩy múa điên cuồng theo nhịp đập trống bịp bợm của cs rồi bây giờ rất buồn; đành phải im lặng vì cái thực tế cs quá bẽ bàng làm họ không thể nói và làm gì hơn để biện minh cho cái sự kiện “bé cái lầm” của mình..." (Trang 119).

Nhưng tuyệt vời là hình ảnh những người mẹ, những người cha được kể lại trong tuyển tập của Trần Văn Giang. Trong đó tác giả kể về mẹ của ông trong bài viết nhân Ngày Lễ Mẹ 2011:

"Mẹ là tình cảm dạt dào, là sự hy sinh vô bờ bến cho các con qua bao ngày tháng.Con có thể quên đi thù hận, ân huệ, hạnh phúc, bất hạnh, đói khát? của cuộc đời; nhưng con không thể quên Mẹ.  Bởi vì Mẹ là biểu tượng của gia đình, của tổ tiên giòng họ, của lịch sử, của dân tộc? là tất cả những gì quý giá nhất của con. Mẹ là sự kiên nhẫn, là bài học của sự chịu đựng, của sự hy sinh. Mẹ là nguồn an ủi khi con thất vọng, là sự nâng đỡ khi con vấp ngã, thất bại..." (Trang 208).

Và trong một bài do Trần Văn Giang sưu tầm kể về lòng hy sinh của người cha muốn con mình tiếp tục đi học, qua bài “Lá Thư Sai Chính Tả,” trích:

“...Thầy ngừng đọc, nhìn cả lớp:

- Các em, thầy sẽ viết lại nguyên văn lá thư của ba bạn Dũng lên bảng cho chúng ta cùng đọc.

Một chuyện lạ! Tất cả chúng tôi hồi hộp tò mò từng chữ hiện ra dưới tay thầy.

"Con iu thươn của ba. Chìu hôm qua ba kiu người báng con heo đễ có tiềng gưởi cho con con nhớ nhà khôn? Cã nhà nhớ con nhìu lấm cố họch nge chừn nào mùa màn song ba má xẻ ra thăm con".

Lá thư vọn vẹn có 45 chữ.

Khi thầy quay lại thì Dũng đã úp mặt xuống bàn, hai vai run run. Mắt thầy cũng hoe đỏ.

Cả lớp im phăng phắc trước lá thư đầy lỗi chính tả trên bảng, lá thư yêu thương và gởi gấm của một người cha vốn chỉ quen với cày cuốc lần đầu cầm bút viết thư cho con.”
(Trang 335).

Thế đấy, những tràng cười, và những giọt nước mắt đã trải đều trên các trang giấy của tuyển tập “Văn Hóa Gì” của Trần Văn Giang.

Sách gồm có 21 bài, dầy 340 trang.  Tác giả Trần Văn Giang lần lượt mô tả cái văn hóa “lạ” mà csvn đang dùng để dần dà tiêu diệt nền văn hóa nhân bản dân tộc Việt Nam mà tiền nhân đã gầy dựng trên 4000 năm.

Nội dung gồm các bài: 1)-Văn hóa gì? 2)-Ngàn năm Thăng Long. 3)-Văn hóa nói nhảm. 4)-Con cháu các cụ. 5)-Văn hóa con nhái. 6)-Văn hóa cầm nhầm. 7)-Văn hóa ngọng. 8)-30 tháng 4. 9)-Tội ác và xã hội chủ nghĩa. 10)-Từ Nọc Nạn đến Cống Rộc. 11)-Khóc thi đua. 12)-Lậm Văn Sai. 13)-Người thợ mỏ Chí Lợi. 14)-Tiên sư bố. 15)-Huy chương chì. 16)-Tình cha. 17)-Mẹ tôi. 18)-Năm Thìn nói chuyện Rồng. 19)-Chân dung người phụ nữ Viêt Nam qua lịch sử. 20)-Nói tiếng Mễ. 21)-Lá thư sai chính tả (st).

Đây là một tác phẩm cần có trong mọi tủ sách của những người quan tâm về văn hóa Việt Nam.


Phan Tấn Hải