văn hữu vườn tao ngộ

Nơi lưu trữ tác phẩm của PBTD và thân hữu. Liên lạc: phanbathuyduong@gmail.com

Saturday, February 9, 2013

hồchíbửu * NHỮNG BÀI THƠ CUỐI ĐÔNG





1. hoàng thị
anh trở lại vườn xưa chiều đông nhạt
ai ngậm ngùi ?ai thương nhớ ai đây ?
gốc cây bưỡi dấu khắc tên hai người mờ nhạt
ba mươi năm chớp mắt đã vơi đầy



2. minh dung
giả sử bây giờ anh trẻ lại
thì vẫn yêu em như thuở ban đầu
giả sử bây giờ anh già thêm chút nữa
vẫn trợt dài theo hết cuộc tình sâu !

3. mộng th..
tội nghiệp em hơn một lần qua bến
đục hay trong chắc em đã biết rồi
trong thì tuyệt - đục bỏ phèn uống tiếp
lỡ qua cầu không lẽ lại nghỉ chơi ?

4. tuyết nhung
tuyết thì lạnh – nhung mềm - mềm mà lạnh !
cũng giống như gió biển lộng Ba Tri
xa xa tít một phương trời hiu quạnh
ta hôn người sao nước mắt hoen mi ?

5. xuân hồng
mùa xuân đẹp - hồng tươi là khoe sắc
nhưng xuân buồn nên hồng cũng héo khô
đất Cẫm Mỹ mặn mà hơi gió biển
vì thương người gió đọng lại thành thơ

hồchíbửu.

Nguyễn Mạnh Trinh * Mưa tháng hai ở California


Tháng hai ở California có những cơn mưa. Mưa. Mang theo hơi lạnh và mang theo cả những nỗi buồn man mác. Buồn, cũng như nước giọt bất chợt từ trời cao, có khi chỉ là những nỗi sầu lan man không duyên cớ.
Đêm mưa, nằm nghe nước giọt bên ngoài, trong nệm êm chăn ấm và da thịt của người thân yêu, dường như có nỗi niềm nào lẩn khuất từ tiếng gió, từ tiếng mưa. Cái giây phút hiện sống sao nó cũng mơ hồ, y như những ngày nào đã qua, hệt như thuở nào đã hết. Tôi mơ màng trong cái cảm giác không biết mình ở nơi đâu, sống chỗ nào. Những ngày tháng cũ trôi qua, từ thuở ấu thơ tắm truồng ở một xóm lao động Sài Gòn đến những cơn mưa trưa bất chợt, đứng trú mưa ở một hàng hiên và nghe lòng xôn xao khi thoảng nghe mùi tóc của một người nữ bên cạnh. Hay những cơn mưa của Pleiku, của xôn xao mật ngọt tình đầu, của những đêm mưa mù mịt đất trời trở về phi trường trong nỗi buồn của một người tưởng như bị biếm vào đất trích…
Những câu thơ trở lại với tôi trong canh khuya. Nguyễn Bính. Một thân lận đận nơi trời xa / nằm nghe mưa rơi trên mái nhà / gió bấc vào thu đầy tiếng lá / đời tan mộng đẹp tiếc xuân qua... Tôi ở phương xa nhưng đâu có lận đận? Sao vẫn tiếc hoài khi sống lại những cơn mơ.
Buổi sáng nay trên xa lộ. Trời mưa. Đáng lẽ giờ này lười lĩnh trong chăn ấm với giấc ngủ nướng mà phải lặn lội đường xa trong cái hiu hắt của đất trời. Những rặng núi xám phía hướng trước mặt vẫn là nền đen thẳm trong màn mưa mù mịt. Chạy vào lane trong, với tốc độ chậm, vặn nhạc hòa tấu nhẹ nhẹ, tôi miên man trong từng ý nghĩ. Dường như có tiếng gọi nào, của mơ mộng thanh xuân, của thuở nào hăm hở với giấc mộng cho đời, cho người. Mỗi một lúc trong thăng trầm của cuộc đời, mỗi nỗi niềm riêng. Khi rời giảng đường vào lính, giấc mộng chẳng to tát vá trời lấp biển, nhưng cũng là những cảm nhận khá ngây thơ về đường binh nghiệp.
Khi vượt biên, tưởng như mang theo thông điệp của những người còn kẹt lại ở quê nhà, cao giọng cất lên tiếng nói của người yêu tự do dân chủ. Và khi sang định cư ở xứ người, hăm hở bước vào con đường lập nghiệp mới cho bản thân, vừa học vừa làm để tròn trách nhiệm với bản thân và còn mong góp vào những công việc chung của một cộng đồng lập nghiệp ở xứ người vì tìm kiếm những ý nghĩa cho cuộc sống đời xa xứ. Những ước vọng ấy, thôi thúc, có khi thành một ám ảnh và là ray rứt trong cái nhịp sống thúc đẩy đến chóng mặt của xã hội hiện tại.
Hình như tôi có một bài thơ nói về cảm giác ấy. Mưa buổi sáng trên xa lộ phía nam. Bài thơ có những đoạn như:
những buổi sáng mưa dài trước mặt
nước ào ạt tung tóe khoảng trời
đèn thắp lên thiên thu đừng tắt
gọi ai người khản tiếng tàn hơi
đường trải ra chuyến xe mỗi nặng
đi về phương bắc hay phương nam
sao tiếng sóng đằng sau còn vẳng
hay là đời nhịp của chia tan
mưa vỗ vỗ nhạt nhòa khung kính
ru ta ru ta mưa thầm thầm
ngọn núi thẳm trước sau vô định
cánh chim bay vào chốn biệt tăm
một tiếng đồng hồ trên xa lộ
nghĩ mãi về đời mãi về mình
với lúc thực hư dường chẳng rõ
thấy mình heo hút giữa lặng thinh
tự giải thích với ngàn câu hỏi
ta hôm nay ta sống làm gì
ngày tiếp ngày không chờ không đợi
chuyến xe sang tiếp nối về đi…
tóc dần phai mộng dần phia nhạt
vui như lá cỏ đọng sương mai
mà buồn như hàng hà hạt cát
ta làm gì làm gì hôm nay...”
Có người đọc thơ cho rằng đây là một khuynh hướng thơ “hội nhập bình thản”. Một kết luận chắc nịch cho bài thơ : vừa lòng với hiện tại, với công việc làm và yên phận. Thực ra cái từ ngữ hội nhập bình thản tự nó đã có những định nghĩa mơ hồ và người đọc thơ đã hiểu một cách nào khác để có những kết luận đầy tính suy diễn. Mà suy diễn thì ít khi có tính chính xác! Bài thơ trên không có chữ nào để nói lên tâm trạng vừa lòng với hiện tại và cũng chẳng có ngôn ngữ nào để chỉ rằng vừa lòng với công việc làm đang có cũng như yên phận với những sự đều đều nhàm chán của cuộc sống.
Trong bài thơ, là cảm giác của một người vừa phải sống đời của một người bình thường đánh vật với cơm áo lại vừa bị ray rứt của những nỗi niềm của một người muốn dấn thân nhưng chưa có dịp thì tuổi già sắp đến. Những ngôn ngữ như “khản tiếng tàn hơi”, như “tiếng sóng đằng sau còn vẳng”, hay hình ảnh như ”ngọn núi thẳm trước sau vô định? Cánh chim bay vào cõi biệt tăm”, đều muốn nói lên cái tâm tư của một người tị nạn xứ người nhưng vẫn thầm canh cánh những nỗi niềm ấp ủ từ lúc thanh xuân…
Giải thích một bài thơ, nhiều khi giống như một công việc giết chết thơ. Đâu có ai mang cảm xúc ra để kể lể, mang tâm sự ra để đối chiếu với thơ. Nhưng, nhiều khi viết với cái tâm cảm của mình mà bị cảm nhận bởi những ý nghĩ sai lạc đến một trăm tám chục độ thì cũng là điều đáng buồn cho người làm thơ…
Thực ra, mỗi người có một lối cảm nhận thơ riêng. Nhất là không thể dùng sự suy diễn từ những yếu tố khác ngoài văn bản để kết luận về một điều này điều nọ. Đọc thơ và hiểu được thơ, thực cũng hiếm có mấy ai...
Những cơn mưa tháng hai. Những cơn mưa của người vừa qua tuổi sáu mươi sống song hàng giữa thực tế và mơ mộng. Nhưng cũng may, vẫn còn mơ mộng, vẫn còn văn chương để nghĩ về và viết đến. Nếu không, ôi thôi, đời sống sẽ đơn điệu biết bao. Cái tâm trạng ở Tần nhớ Tấn ấy, hễ là người tị nạn thì ai mà chẳng có. Mỗi khi nghĩ đến lại có điều gì vướng bận trong lòng. Có mấy ai vừa lòng với công việc ở đây, dù là người khoác lác cỡ nào. Lao động, dù cổ xanh hay cổ trắng cũng là đem mồ hôi hay tâm sức để đổi lấy miếng ăn. Ngay cả những người bản xứ da trắng, và ở những cấp vị cao, khi kinh tế trồi sụt, cũng còn thấy được đi làm và có công việc là hạnh phúc. Huống chi, người tị nạn, đòi “hội nhập bình thản” thì có lẽ chỉ là chuyện phong thần…
Mưa tháng hai hình như có hạt nào rơi từ quá khứ. Mới gần đây thôi, những tháng ngày lạ lẫm, những bước đến chập chùng cảm giác. Mưa trên buổi chiều nào gần gũi nhưng lại xa vắng. Mưa trong trí nhớ của tôi
Mưa đã rơi đã rơi ở thành phố chúng ta
trên góc phố Los Angeles
bảng xe bus lặng thinh
chuyến xe không hành khách trở về
tôi lạnh run đứng ngó.
Mưa ngủ quên giây phút nào
Hạt mưa quá khứ.
Vỡ vụn trên mặt nhựa nâu
Cho anh hơi thở muộn
Mưa đã rơi đã rơi ở thành phố chúng ta
Trên đời sống hôm nay kẻ lạ
Góc phố biển một mình
Con hải âu nhìn trời xanh chết rũ
Từng chiếc lá lạnh buốt
Rơi trong ngày đầu năm vừa qua
Đâu tóc bạc tuổi già
Tuổi thơ ơi tuổi thơ chúng ta
Là âm bản cơn mưa mù mịt
Mưa đã rơi đã rơi ở thành phố chúng ta
Con phố Bolsa mỗi sáng mỗi chiều
Như Sài Gòn nỗi niềm
Gánh trên vai trí nhớ
Giọt nhạc nào rơi rơi
Như bóng chiều tàn phai nắng rụng
Anh nói nhỏ với thinh không
Vừa chết lặng màu hồng
Khi một trời chập chùng gió tím.
Mưa đã rơi đã rơi từ hư không.”
Làm thơ, có phải là chiêu niệm quá khứ và hướng vọng tương lai. Mưa. Giọt ẩm hơi nước đọng lại trong đời sống trong da thịt những sợi cảm xúc nào của riêng một người hay của chung những hệ lụy cuộc đới. Những giọt mưa tháng hai rơi hoài trong tâm thức một người luôn không bằng lòng với tháng ngaỳ hiện tại hôm nay…

Nguyễn Mạnh Trinh

Wednesday, February 6, 2013

LAN ĐÀM * THÁNG GIÊNG, NHỚ LONG ÂN



Thì thôi, rượu cạn, bình không,
Còn chi để giót cho giòng sông xưa.
Tóc tiên vườn cũ ơ thờ,
Trà quên lưu khách, thu vừa tàn phai.

Thì thôi, im ngủ sông dài,
Nửa chai, chắc đủ gửi người chút ta.
Chiều hội hữu, khói hương pha,
Lạnh cà phê đắng, vàng hoa mộ phần.

Thì thôi, đời vẫn phù vân,
Cây ngô đồng đã mấy lần lá rơi.
Cơn say thiên cổ xa rồi,
Hóa thân ngươi, vạt nước trôi lạnh lùng.

LAN ĐÀM


Sơn Nam * Bác vật xà bông


So với các rạch khác ở ven vịnh Xiêm La, vùng Xẽo Bần thuộc vào hàng tương đối sung túc. Dân ở đấy sanh sống bằng hai nghề : phá rừng lấy củi và khi tiết trời thuận tiện, họ ra biển đánh lưới tôm. Tiền bán củi vừa đủ cho họ mua gạo ăn, thuốc hút ; nghề đi lưới thì chỉ đem lợi riêng cho một số người có ghe, có lưới. Người đi bạn thường lãnh tiền buổi, tùy theo lưới trúng hoặc thất - tay làm hàm nhai.
Ðôi mươi mái nhà lá, vài ba gốc dừa không trái : ngọn Xẽo Bần xơ rơ như vậy đó. Chung quanh là cánh đồng cò bay thẳng cánh nhưng đầy năng kim, ô rô, cỏ ống. Cò lông bông, trích, cúm núm bay lượn tối ngày.
Dân làng nào tha thiết đến vùng đất phù sa nê địa ! Vì vậy, khi ông bác vật X. đến xây nền đúc, cất nhà ngói, tự xưng là chủ đất thì không một ai xao xuyến cảm thấy quyền lợi mình bị đụng chạm.
Trái lại, họ rất vui mừng.
Trước tiên, ông bác vật đích thân đến thăm từng nhà trong xóm. Hễ gặp ai chào hỏi quá khúm núm, ông can gián :
- Bà con cứ bình đẳng, đừng nên gọi tôi bằng ông, tôi còn nhỏ tuổi lắm. Cứ gọi tôi bằng dượng Hai. Ðất này của bên vợ ; vợ tôi thứ hai.
Hỏi qua vấn đề nền nhà, ông bác vật trả lời :
- Ai lỡ cất nhà nơi đâu, cứ yên lòng ở đó. Tôi không bao giờ có ý đuổi bà con. Tôi còn muốn kêu gọi bà con đến thêm, ở đông chừng nào vui chừng nấy. thỉnh thoảng mời bà con vô nhà tôi chơi. Lúc nào tôi cũng ở nhà để lo việc khoa học. Tánh tôi bình dân lắm, ai có chuyện gì khó hiểu tôi sẵn sàng giải thích.
Kể từ đó, buổi trưa hoặc buổi tối, nhà ông bác vật luôn luôn tấp nập. Ði rừng bắt được rùa, săn được heo rừng là bà con nghĩ đến ông, đem lại tặng. Ðáp tạ thạnh tình ấy, ông bác vật dắt từng người vào phòng làm việc của mình. Trên vách, hai hàng kệ đầy sách mỗi quyển dày hơn tấc tây, lưng da mạ chữ vàng lấp lánh. Một cái bàn tròn chiếm giữa phòng. Trên đó đủ kiểu ly, hũ, bầu... Toàn bằng pha lê trong vắt : cái thì méo miệng, cái thì tròn như trái dừa, có cổ dài uốn éo như cổ cò. Lại thêm chiếc đũa bằng pha lê dựng đứng trong ống, dài theo ống có lằn đỏ như vạch đo từng phân, từng ly tỉ mỉ.
- Thứ gì ngộ quá vậy, dượng Hai.
Ðáp :
- Ðồ dùng để thí nghiệm hóa học.
- Hóa học là chi vậy, thưa dượng.
Ông bác vật mỉm cười :
- Khó cắt nghĩa lắm. Thủng thỉnh, bà con sẽ rõ. Hóa là biến hóa... Các chất hóa học hiện nay còn thiếu mới mua được chút ít. E nguy hiểm, tôi chưa dám cho bà con xem.
Mãn buổi thăm viếng, bà con xóm ngọn Xẽo Bần vô cùng thắc mắc. Ban nãy, còn biết bao nhiêu câu hỏi mà họ không dám hở môi thố lộ ra. Giờ đây, họ xúm xít lại bàn tán cho hả hơi :
- Bà con biết không ? Nghe tới hóa học tôi điếng hồn. Rủi ro nó nổ bất tử. Nội mấy cái ly, cái bầu của ổng cũng đủ ghim miểng nát bấy thi thể bà con mình.
- Ðừng nói bậy ! Người ta dùng nó được nên mới dám chứa chấp. Tôi nghi dượng Hai mình làm... Quốc sự. Nhè ổng chế tạo bom đạn, dân chúng ở đây, ắt phải liên can.
- Ừ, tôi coi ổng là người có kỳ tài.
- Kỳ tài gì ? Thực lộc chi thê. Chắc ổng có bằng cấp bên Tây. Nhờ vậy...
- Bằng cấp gì ? Có thì ổng nói rồi. Chắc là "nhảy đầm" ở bển rồi về đây. Năm ngoái tôi đi Trà Vinh gặp ông nọ xưng là bác vật canh nông. Ổng trồng mười cây đu đủ ; lớn lên toàn là đu đủ đực...
- Nói xấu thiên hạ đi ! Biết đâu ổng muốn trồng đu đủ đực để thí nghiệm.
- Ối thôi ! Hơi đâu mà cãi. Xứ mình không bao giờ có nhơn tài được. Ði qua học bên Tây, nếu người Việt Nam nào trổ tài thì Tây ám sát hết. Tụi nó "muối nước đá" bắt nhơn tài của mình đem ướp cho chết, không cần đâm chém hoặc chích thuốc cho loạn óc, tê bại... Dầu sao Dượng Hai mình cũng là người dễ thương biết chữ nghĩa nhiều hơn mình.
Rồi thì ai về nhà nầy, sáng thì đi lưới, tối lại phá rừng. Công việc sanh nhai của họ ngày thêm đình trệ. Làm ra được, ngặt bán không ai mua. Vải bô giá càng mắc, kiếm không ra. Có điều lạ là dạo ấy thuốc ký ninh mua rất rẻ, thứ ký ninh bọc đường uống ngọt ngọt. Thiên hạ bảo đó là phát minh của Nhựt Bổn, thuộc giòng giống da vàng như người Việt Nam mình, nhưng họ biết chế thứ máy bay có mặt trời đỏ sau đuôi, thường bay lượn dài theo ven biển này.
***
Dượng Hai bỗng trở nên vui vẻ lạ thường, kể từ ngày đi Bến Tre về.
Trước mặt bà con chòm xóm, dượng tuyên bố :
- Mình ở đây sống trên kho vàng mà không hay. Nay mai, ai nấy đều có công ăn chuyện làm. Tôi sẽ cất một cái xưởng lớn.Thời Trời giúp tôi.
Có người hỏi :
- Mình dùng hóa học để chế tạo ra vàng, phải không ?
Dượng im lặng mỉm cười rồi mở tủ, lấy cho mọi người xem một khối vuông, màu vàng như đất sét :
- Ðây là xà bông của tôi mới chế tạo như ở Bến Tre. Cỡ này, nó lên giá gấp ba vì không nhập cảng nguyên liệu hóa học được. Tôi hy vọng giúp bà con công ăn việc làm, xưởng xà bông của tôi sẽ cất tại đây thật gấp, cần dùng hàng trăm nhân công.
Họ trố mắt nhìn cho biết thứ xà bông mới lạ đó. Hồi nào tới giờ, ở đâu ít ai cần dùng đến xà bông nên không mua về. Họ dùng cám hoặc vỏ trái khóm chà vào bàn tay là bao nhiêu bụi bặm, dầu mỡ đều trôi hết.
Dượng Hai nói tiếp :
- Lúc này Nhựt Bổn đánh giặc với Ðồng Minh. Ðường giao thông tiếp tế bị ngăn cản. Vì vậy, thiếu xà bông. Giá xà bông từ hai cắc một kí lô đến sáu cắc. Nay mình chế tạo xà bông bổn xứ, bán chừng bốn cắc thì thiên hạ xúm lại giành mua như tôm tươi, mặc dầu xấu hơn chút ít !
- Ở Xẽo Bần nầy, làm sao đủ vật dụng ?
- Sao không đủ ! Mình cần dùng có hai món : dầu dừa với nước tro. Dầu dừa đã sẵn sàng : Ra Hòn Tre mua dừa khô về thắng lại. Nước tro thì nào là tro than đước, tro bẹ dừa, tro cây mắm. Nhứt là cây mắm, mọc đầy bãi biển, tro nó mặn hơn hết và rẻ vốn hơn hết.
- Nấu cách nào vậy dượng ? Ðể tụi tôi về nấu thử.
"Ðể tụi tôi về nấu thử". Mấy tiếng đó khiến cho vầng trán của dượng Hai nhăn lên, thoáng qua chút gì lo ngại. Nhưng chỉ thoáng qua thôi ! Dượng cười to, lấy trong tủ đem ra một cái ống thiếc.
Mở ống, bên trong ló ra một vật khác bằng thủy tinh nhỏ hơn chiếc đũa, bề dài cũng ngắn hơn, một đầu thì tròn vo. Dượng nói :
- Ðây là... Cái ống thủy. Phải có nó mới nấu xà bông được. Dùng để cân nước tro.
- Cân là làm sao dượng ?
- Cân là đo lường sức nặng của nước. Thí dụ như chén nước tro này : muốn biết mặn hay lạt, phải thả cái ống thủy vô coi thử nó mặn tới mấy độ.
Nói xong, dượng bỏ ống thủy vào nước tro. Lạ thay ! Ống thủy dựng đứng. Dượng nói :
- Số 32, bà con thấy chưa. Bây giờ tôi đổ nước lạnh từ từ. Nước tro bớt mặn, ống thủy nổi không phải ngay số 32 mà thấp hơn : con số 31, 30, 29. Phải mặn đủ chữ nước tro mới hiệp với dầu dừa để thành xà bông. Bằng không hai thứ ấy cứ lỏng bỏng. Ống thủy này bây giờ mắc lắm, bên Tây không còn gởi qua được. Bí mật của nghề làm xà bông là vậy... Thôi, mai này bà con lại đây, tôi nấu thử cho coi.
Buổi gặp gỡ khi nãy mở đầu cho bao nhiêu hậu quả tai hại mà dượng Hai không đoán trước được. Dân chúng ở ngọn Xẽo Bần suy nghĩ : nếu mình chế tạo được xà bông thì tội gì đi làm mướn cho dượng Hai. Bà con lối xóm có thể tự ý mở ra mỗi người một xưởng nhỏ. Diều quan trọng là nấu một lần coi nó có đặc không, thay vì dùng ống thủy để cân nước tro, họ dùng lưỡi mà nếm thử.
Trong khi Dượng Hai thí nghiệm xà bông tại nhà, đằng này bà con xóm Ngọn cũng bỏ hết công việc làm để... "nấu" với kiến thức tối thiểu của mình. Nước tro cây mắm, dầu dừa và nước lạnh trộn trong chảo, bắc lên bếp. Họ ngóng xem kết quả. Nhắm chừng xà bông có thể đặc, họ cho nhiễu vài giọt trên giấy hút thuốc. Nhưng lạ thay ! khi đổ ra khuôn, xà bông chỉ đặc trên mặt, lớp dưới lỏng bỏng toàn nước tro mặn đắng.
- Tại mình thiếu cái ống thủy để cân nước tro - Một người nói.
- Phải đó ! Tro cây mắm mặn không đồng đều, cây già mặn hơn cây non, khúc gốc mặn hơn khúc ngọn, tôi chắc như vậy.
Có người thỏ thẻ :
- Hay là... để tôi lại đẳng lén ăn cắp cái ống thủy đem về đây cho bà con mình xài.
Người khác can gián :
- Ở tù chết. Hơn nữa, đem về đây mình biết xài nó theo cách nào ? Ai biết số, biết chữ ? Tôi tưởng mình nên ăn cắp một chút nước tro, thứ nước tro mà ổng đã thí nghiệm, được coi là đúng chữ. Ðem chén nước đó về đây, mình cứ chế tạo một cái ống thủy khác, không cần mua ở bên Tây như ổng.
- Làm cách nào ?
- Mình kiếm cái chai dầu gió cũ, bỏ dằn vào đó một hột chì rồi đậy nút lại, để chai nọ không nằm ngang khi nổi trên mặt nước. Ðó là ống thủy của mình tạm chế tạo. Bấy giờ mình thả chai dầu gió nọ vô nước tro, thứ nước tro mà dượng Hai đã cân rồi, đúng chữ. Hễ chai dầu gió chìm xuống đến mức nào, mình ghi lằn mặt nước ấy vào hông chai.
Ý kiến đó được hoan nghinh và thi hành.
Thế là vài ngày sau mỗi người đều có một ống thủy riêng biệt. Dượng Hai nào hay biết chuyện gì, ngày hai buổi, dượng đinh ninh rằng với một kế hoạch châu đáo, theo qui mô to lớn, xóm ngọn Xẽo Bần sẽ trở thành một trung tâm quan trọng.
Nhưng có điều khiến dượng khó hiểu : Từ nửa tháng qua, bà con lối xóm ít lại đây để nói chuyện như mọi lần.
***
Một buổi sáng, chú Xồi bơi chiếc xuồng "tạp hóa" đến bến, mời dượng :
- Dượng Hai mua xà bông không ? Xóm mình chế tạo thứ này nhiều quá rồi. Ðem giặt quần áo bọt cũng nhiều như xà bông bên Tây.
Dượng Hai thất sắc :
- Ai chế tạo vậy ?
Chú Xồi đáp :
- Nhà nào cũng có nấu. Không tin dượng đi dạo coi thử.
Ðến bây giờ, dượng Hai mới hiểu tại sao hổm rày mấy người trong xóm khi gặp dượng là họ chào hỏi sơ qua rồi kiếu từ lập tức, sắc mặt không được tự nhiên.
Dượng thở dài :
- Trách ai bây giờ ! Tại mình "sanh bất phùng thời"
Bao nhiêu xà bông sản xuất ở ngọn Xẽo Bần được tung ra khắp thị trường miền Hậu Giang. Cạnh tranh có hiệu quả với loại xà bông chế tạo bằng tro dừa ở Bến Tre vì tro cây mắm ở đây mặn hơn. Mỗi khi đi bán từ xa trở về, họ không quên mua tặng cho dượng vài gói trà Kỳ Chưởng.
- Trăm sự cũng nhờ khoa học của dượng đó, dượng ạ !
Dượng Hai đáp :
- Tôi mừng giùm bà con. Bà con đi dọc đường có gặp ai nấu xà bông như xóm mình đây không ? Phải thận trọng, giấu nghề...
- Có. Nhưng xấu hơn xà bông mình nhiều. Họ bán chạy nhờ có hiệu. Kỳ này tôi tính khắc con dấu Việt Tân, Việt Hưng gì đó để đóng vô, kèm theo hình mặt trời cho cục xà bông nó "mạnh" một chút.
...Năm 1945, cả xóm ngọn Xẽo Bần không nấu xà bông nữa. Họ phải lo những chuyện khác cao cả hơn. Nhưng ý nghĩa của cuộc chiến đấu mới nào có gì lạ hơn là làm cho dân giàu nước mạnh, phát triển nội hóa. Có lẽ vì lý do đó mà họ hăng hái hơn ai hết. Vì họ đã thấy rõ một lần rồi.


phù hư dật sĩ Võ Thạnh Văn * Chúc Xuân


Tuesday, February 5, 2013

Trần Vấn Lệ * Bây Giờ Mà Em Nhỉ

























Bây giờ mà em nhỉ minh về Đà Lạt xưa. Tháng Giếng chắc trời mưa, cơn mưa phùn như bụi, mình nhìn nhau không nói, “Ai Hôn Giùm Cho Mình!”

Tháng Giêng cỏ rất xanh, hoa đào thì vẫn đỏ. Em là đóa hoa nở trong lòng anh, biết không? Em hãy đứng quay lưng, anh so từng sợi tóc, có sợi choàng qua ngực, anh hôn em, ăn gian…

Em! Em cứ mơ màng. Mình đang về Đà Lạt. Mình đi xuống Trại Mát, mình vòng qua Dốc Đu. Những ngon đồi mưa mưa, mưa là thơ anh rải cho một người con gái anh gọi là Giai Nhân!

Em! Em là mùa Xuân…Quê người anh đang nói về Quê Hương vời vợi, về một Đà Lạt xưa…Nếu em đừng qua đò, nếu anh đừng tuổi lính, bao nhiêu điều dự tính, Đà Lạt là…hôm nay!

Trời đang mưa. Mưa bay. Em ơi em, Đà Lạt. Anh nhớ lại bài hát “Ai Lên Xứ Hoa Đào…”. Nhớ lúc em nghẹn ngào mà muốn trào nước mắt. Xưa anh không tin Phật, anh mất em, buồn ơi!

Em đi vào cuộc đời, anh đi vào cuộc chiến, bao nhiêu năm khấn nguyện, bây giờ…anh hôn em!

Trần Vấn Lệ


Sunday, February 3, 2013

Phương Triều * Giọt sữa đất




Thương giọt phù sa như là sữa đất
Đêm quê nghèo mưa trắng lạnh Tiền giang...
Em thả tóc hương lài thơm gối mộng
Búp tay mềm với gọi giấc mơ tan

Mùa ốc gạo anh còn đi xúc tép
Chiều Tân Hưng ngõ bướm rợp hoa vàng
Mai họp chợ Nha Mân xuồng ghé sớm
Em buổi chiều Rạch Rắn đợi anh sang!

Mấy nhỏ bạn miệt Nàng Hai, Xóm Cửi
Dặn mua dùm xoài tượng với dưa gang
Anh hái mận ra Cái Tàu đổi rẻ
Thêm chục xoài cát ngọt cúng trên trang!

Van vái được cưới em ngày mới lớn
Hạnh phúc đơm đầy hoa lá bình an
Đâu biết được mộng đau vùi giấc bướm
Nha Mân buồn Rạch Rắn đã sang ngang!

Đêm trở lại ngậm ngùi trăng cố thổ
Bóng hình xưa bèo bọt giấc mơ tàn

Phương Triều

Saturday, February 2, 2013

Du Tử Lê phỏng vấn Ngọc Hoài Phương về Một Thời Văn Nghệ Học Sinh..

Ngọc Hoài Phương

LNĐ: Trong sinh hoạt 20 năm văn học, nghệ thuật miền Nam, một sinh hoạt đặc biệt, rất phổ quát từ đô thị tới các thị trấn hẻo lánh, đó là sinh hoạt “thi văn đoàn” mà, danh từ chung thời đó gọi là phong trào “văn nghệ học sinh.”
Đây là một hiện tượng dường chỉ có trong dòng chảy văn học, nghệ thuật miền Nam 1955-1975 mà thôi.
Rất nhiều tác giả thành danh sau này, khởi nghiệp từ phong trào “Thi văn đoàn” hay “Văn nghệ học sinh” đó.
Để bạn đọc có được một cái nhìn sát thực về hiện tượng đặc thù vừa kể, chúng tôi trân trọng kính mời quý vị theo dõi cuộc nói chuyện giữa chúng tôi với một người mà, cách đây trên nửa thế kỷ, đã được nhìn như một trong những “mũi nhọn” hăng say nhất của sinh hoạt văn nghệ học sinh, nhà báo Ngọc Hoài Phương.
Cuộc nói chuyện này của chúng tôi, giới hạn trong giai đoạn “văn nghệ học sinh” của Ngọc Hoài Phương. Những dữ kiện khác liên quan tới 50 Năm làm báo từ quê nhà ra tới hải ngoại của ông, chúng tôi xin để dành cho một lần khác, khi có dịp.
Trân trọng,
DTL.


Du Tử Lê (DTL): Trước nhất, xin ông một tiểu sử vắn tắt.


Ngọc Hoài Phương (NHP): Tôi là dân “Bắc Kỳ Di Cư” 1954 sau khi hiệp định Genève chia đôi đất nước. Quê quán tại làng Quan Đình, huyện Từ Sơn, Bắc Ninh. Nhưng trong thời Pháp thuộc, làng tôi và một số làng kế cận được sát nhập vào Quận Đông Anh, tỉnh Vĩnh Phúc Yên. Trên giấy tờ ghi ngày sinh của tôi là 18 tháng 10 năm 1942, nhưng bố tôi lại bảo thật sự tôi tuổi Tân Tỵ. Là con trai lớn trong một gia đình gồm 10 anh em (7 trai, 3 gái) qua 2 đời Mẹ (Cả hai bà đều là con gái họ Đàm nổi tiếng của làng Me, Từ Sơn, Bắc Ninh). Như vậy, theo người miền Bắc thì tôi được gọi là “Cậu Cả”. Tôi bị ám ảnh bởi cái chức “Cậu Cả” này suốt nhiều năm sau khi khám phá ra một chi tiết khá lạ lùng về gia đình mình. Số là Cụ Cố của tôi vốn không phải là người con trưởng mà, anh của cụ mất sớm nên cụ mới được đôn lên làm con trưởng. Rồi đến đời Ông Nội tôi cũng vậy, Ông Bác tôi mất sớm nên Ông Nội tôi thành Con Cả. Rồi Bác Thành của tôi, nghe nói đã qua đời khi mới hơn mười tuổi nên Bố tôi thành Cậu Cả... Và đến đời tôi... rét, chẳng biết sẽ “ở lại” hay “ra đi” vào tuổi nào? Nhưng rồi, Hiệp định Genève chia đôi đất nước, Bố tôi quyết định rời bỏ Hà Nội, đưa gia đình di cư vào Nam. Đúng là một cuộc đổi đời: nhà cửa, tài sản, ruộng vườn... bỏ hết! Và dĩ nhiên tôi cũng xin gửi trả lại đất Bắc hai tiếng “Cậu Cả” vì ở miền Nam, người con trai trưởng được gọi là “Anh Hai”. Cho đến nay, khi trả lời cuộc phỏng vấn này, tôi đã lướt qua hai cuộc đổi đời để đến mốc “Thất Thập Cổ Lai Hy”, vượt qua bờ “Bảy Bó” rồi thì, cái chuyện - nói theo thơ DTL - “đi với về cùng một nghĩa như nhau”...

DTL: Kế tiếp, chúng tôi được biết hồi còn học trung học, ông đã có những sinh hoạt mà, danh từ thời đó, gọi chung là “văn nghệ học sinh.” Câu hỏi đầu tiên được đặt ra là, ông đã đến với sinh hoạt văn nghệ học sinh trong hoàn cảnh nào? Hay bắt nguồn từ những lý do gần, xa nào?

NHP: Theo tôi, ở bất cứ lứa tuổi nào trong đời người cũng đều cần có “trò chơi”. Khi còn nhỏ thì đánh bi, đánh đáo, nhảy dây... Lớn lên một chút, có người thích đá banh, bơi lội, bóng chuyền hoặc... đánh lộn. Một số người khác như tôi chẳng hạn, lại thích có một chút “văn nghệ, văn gừng” cho vui. Tôi nhớ thời đó, giữa thập niên 50, dưới mái trường Chu Văn An -Thày Vũ Ngô Xán làm Hiệu trưởng- lớp Đệ Lục B.2 chúng tôi có một đội đá banh lừng lẫy mà các đội banh của các lớp khác phải kiêng nể với những tên tuổi mà, cho đến nay, gần sáu mươi năm đã trôi qua, bạn bè cùng thời vẫn chưa thể quên được như Thủ quân Trương Trọng Trác (nhà báo Trọng Kim), thủ môn “Minh Dê” (Nguyễn Quang Minh), trung phong Văn Sơn Trường (sau này là một bác sĩ của binh chủng Hải Quân), các cầu thủ “Ngân Ngố” (Ngô Đình Ngân), “Toàn Bò” (LS Nguyễn Thế Toàn), Lê Ái Quốc (sau này là Trung tá Không Quân), Trương Minh Triết, Nguyễn Ngưu, “Cò Viễn” (Nguyễn Chí Viễn)... Một nhóm khác với Nguyễn Khắc Thành, “Cậu Trời” Nguyễn Ngọc Chân... và tôi tập tành làm quen với thơ văn qua những “tác phẩm” trên tờ Bích Báo của lớp... Thật sự mà nói thì hồi đó, ngay cả trong những năm cuối của bậc Trung học, khi đã tìm được “Đất Dụng Võ” trên nhật báo Ngôn Luận và tuần báo Văn Nghệ Tiền Phong của ông Hồ Anh (Nguyễn Thanh Hoàng), chúng tôi cũng chẳng bao giờ ôm giấc mơ rằng mình sẽ trở thành “Nhà Thơ, “Nhà Văn” hay “Nhà Báo” gì cả, mà giản dị chỉ là một cuộc vui chơi, giải trí trong lớp tuổi học trò mà thôi.

DTL: Khi nói tới sinh hoạt, là nói tới những hoạt động có tính cách văn nghệ và, có sự tham dự của nhiều bạn trẻ cùng sở thích. Ở điểm này, chúng tôi có ba câu hỏi nhỏ:
a- Bước khởi đầu hành trình văn nghệ học sinh của ông là thơ hay văn?
b- Ông và các bạn có chọn “trụ” ở một trang văn nghệ học sinh của một tờ báo (Hay)
c- Ông và các bạn gửi bài cho bất cứ báo nào mình thích?

NHP: a- Không phải chỉ riêng mình tôi, mà còn rất nhiều người khác, trước khi chính thức gia nhập làng báo, đều đã có một khoảng thời gian tập tành làm thơ, rồi sau đó mới chuyển qua văn, viết tùy bút, truyện ngắn, truyện dài...
b- Một số báo cũng có trang “Văn Nghệ Học Sinh” hàng tuần, nhưng nổi bật nhất và ồn ào nhất hồi đó là phụ bản “Bé Ngôn Bé Luận” của nhật báo Ngôn Luận. Trong khi trang “Văn Nghệ Học Sinh - Sinh Viên” của đa số các báo khiêm nhường nằm trong tờ báo hàng ngày thì, phụ bản “Bé Ngôn Bé Luận” được tách rời ra, in riêng thành một tập. Mấy chục ngàn phụ bản Bé Ngôn Bé Luận đã được các bạn trẻ ở khắp nơi tiếp đón nồng nhiệt vào ngày Thứ Bảy hàng tuần. Tưởng cũng nên nói thêm người chịu trách nhiệm chọn bài vở để đăng trong tập phụ bản này là nhà văn Phạm Cao Củng. Ông đã có công quy tụ được khá nhiều các “nhóm”, các thi văn đoàn ở khắp nơi kết hợp thành một đại gia đình gọi là “Gia Đình Trẻ Việt”. Hiện nay -2012- nhà văn Phạm Cao Củng đã 99 tuổi đời, chỉ còn hơn năm nữa là tròn một thế kỷ vui chơi trong Cõi Tạm; ông sống với gia đình một người con gái (Diễm Quỳnh) tại Florida.
c- Có lẽ chính vì phụ bản “Bé Ngôn Bé Luận” nổi đình nổi đám quá nên đa số anh chị em chúng tôi không còn thì giờ để quan tâm đến trang văn nghệ của các báo khác. Nên nhớ, việc chính của chúng tôi trong giai đoạn đó vẫn là chuyện học, còn chuyện vui chơi văn nghệ thường chỉ diễn ra vào cuối tuần, mang tính tiêu khiển giải trí mà thôi.

DTL: Ai là những người bạn đồng hành với ông, ở thời kỳ ấy?

NHP: Ngay tại lớp học, tôi đã có một số bạn cùng chung sở thích thơ, văn, nhạc như Đào Văn Bình, Vũ Khang, Vũ Thành An... Sau đó, khi thơ, văn của chúng tôi đã có cơ duyên xuất hiện đều trên mặt báo rồi, có một số bạn trẻ ở các tỉnh xa viết thư làm quen, xin nhập “bọn” luôn... như trường hợp nhà thơ Vũ Tiêu Giang (Vũ Văn Ước) ở Vũng Tàu, và còn nhiều nữa nhưng vì thời gian quá lâu, tôi không thể nhớ hết tên từng người...

DTL: Ông có thể cho biết, ai còn ai mất (trong chiến tranh, lao tù, vượt biên...) tính đến ngày hôm nay?

NHP: Riêng nhóm của tôi, cho đến nay, hình như chỉ có nhà thơ Vũ Tiêu Giang đã trở về với cát bụi. Ông là một phóng viên, nhiếp ảnh viên chiến trường và đã tử nạn tại mặt trận Gia Định trong “Mùa Hè Đỏ Lửa” 1972. Ông gục chết vì một tràng đạn AK bắn ra từ hầm kháng cự cuối cùng của địch, chỉ cách nơi ẩn nấp của bạn bè và các chiến sĩ Quân lực VNCH có vài chục thước. Ấy vậy mà không thể nào vào lấy được xác ông ra, cho mãi đến khi hầm kháng cự đó (gồm cả B.40 và AK) bị các chiến sĩ Dù xóa sổ. Cái chết của Vũ Tiêu Giang là một trong những hình ảnh bi thương mà tôi đã được chứng kiến trong suốt 20 năm Quân Dân Miền Nam chống lại những kẻ xâm lược đến từ phương Bắc.

DTL: Ngoài thơ, văn, nhóm hay tạm gọi là “thi văn đoàn” của ông, ông có nhận được sự tham gia của những mầm non văn nghệ ở các lãnh vực khác? Thí dụ ca nhạc, hội họa, sân khấu...?

NHP: Không hẳn là một “Thi Văn Đoàn”, mà nhóm của chúng tôi chỉ là sự kết hợp một số bạn cùng sở thích. Nhất là khi đã có phụ bản văn nghệ học sinh của báo Ngôn Luận, dưới sự hướng dẫn của nhà văn Phạm Cao Củng, chúng tôi hầu như không còn phân biệt người này thuộc nhóm này, người kia thuộc nhóm khác, mà mỗi lần họp mặt, chúng tôi đều ríu rít như anh em trong một đại gia đình. Tôi không nhớ hết, nhưng đại khái như bên Trưng Vương thì có “Nhóm Huyền” với hai người nổi bật nhất là Mộng Huyền (Hồng Thủy), Bích Huyền (Phạm Nga)... mà cho tới nay, trải qua bao biến đổi của đất nước, rồi lưu lạc xứ người, chúng tôi vẫn còn giữ được những liên lạc thân tình, thư từ, điện thoại thăm hỏi thường xuyên, hoặc lâu lâu có dịp gặp lại nhau. Chẳng hạn như hồi đầu tháng 6-2012 vừa rồi, chị Hồng Thủy có dịp từ DC qua Cali, đã dành một buổi tối cuối tuần để gặp lại bạn học, bạn văn nghệ ngày xưa. Vỏn vẹn chỉ có hơn một ngày để thông báo, ấy vậy mà chị Bích Huyền cũng quy tụ được đúng 70 người trong bữa cơm thân mật diễn ra (ồn như cái chợ vỡ) tại nhà hàng Royal (thương xá Catinat đường Bolsa)... Thi Văn Đoàn Giòng Sông Xanh do Nguyễn Văn Tâm làm trưởng nhóm có Hoài Băng với giọng ngâm thơ sang sảng mà mọi người đều “nể”... Sau này khi tuổi “Văn nghệ học sinh” đã qua, Hoài Băng thay đổi bút hiệu, và từ đó đến nay, nhiều người yêu thơ thường nhắc đến tên nhà thơ Hà Linh Bảo. Dù sinh sống tại một tiểu bang xa xôi, nhưng lâu lâu Hà Linh Bảo cũng xẹt về Cali thăm các bạn cũ, nhân tiện thưởng thức những món ăn Việt tại Quận Cam để nhớ lại quê xa của một thời không thể quên... Bên “Nhạc Đoàn Bốn Phương” nổi bật với anh trưởng nhóm Hoài Yên Lang qua những đề tài thuyết trình thật “Nổ” thuộc loại “Đao to búa lớn”...

DTL: Như tôi hiểu, khi những người trẻ còn là học sinh tập làm văn nghệ, thường bắt chước y chang những thế hệ đi trước... Họ cũng chọn tên riêng cho thi văn đoàn của họ. Họ cũng “bầu” chủ tịch, phó chủ tịch v.v... Ông và các bạn có nằm trong thông lệ này?

NHP: Theo tôi biết, một số thi văn đoàn cũng đặt ra điều lệ trong việc kết hợp với nhau và, dĩ nhiên họ cũng bầu chủ tịch, phó chủ tịch... Nhất là ở các tỉnh xa xôi, tuổi học trò ít “trò chơi” hơn học trò ở Thủ đô Sàigòn nên các nhóm văn nghệ thường gắn bó với nhau chặt chẽ hơn. Riêng nhóm của chúng tôi chẳng có chủ tịch, tổng thư ký gì hết.

DTL: Ông và các bạn có những họp mặt định kỳ? Thí dụ, mỗi tuần? Mỗi tháng? Nếu có, ông và các bạn nói chuyện hay, bàn thảo với nhau, những vấn đề gì trong các lần họp mặt ấy?

NHP: Chúng tôi cứ “bồng bềnh như mây nổi”, không có những họp mặt định kỳ. Mỗi tháng tìm đến nhau đôi ba lần, thăm hỏi nhau bình thường và, “Mấy ngày qua cậu có sáng tác nào mới không, đọc cho tớ nghe với.”


DTL: Có mách bảo nhau, nên đọc sách này, sách kia? Nên nghe bản nhạc này nhạc nọ?


NHP: Dĩ nhiên là những người đang tập làm quen với thơ, văn trong tuổi học trò thì dù nhiều hay ít cũng đã tự tìm đọc sách này, sách kia rồi. Sau đó, trong những lần gặp nhau, kể lại cho nhau nghe, ai thích thì tìm đọc, nhưng cũng có người “phán”: “Tớ đọc cuốn đó rồi, cũng thường thôi.”

DTL: Ông và các bạn có vạch ra những “đường lối văn nghệ” riêng cho nhóm của mình?

NHP: Chúng tôi chẳng có “đường lối” riêng, mà chỉ mong những sáng tác của mình được xuất hiện đều trên mặt báo là vui rồi. Tôi thấy có những nhà thơ không cần phải kết hợp với ai thành nhóm nọ nhóm kia, mà chỉ “một người một ngựa rong ruổi trên đồi cỏ xanh”, cũng tạo thành hình ảnh đẹp đấy chứ. Chẳng hạn như nhà thơ Vũ Thành (Tuấn) nổi bật qua những bài ca tụng “Áo Tím”. Nhà thơ Y Dịch (Lê Đình Điểu) dù chỉ “già” hơn tôi hai tuổi nhưng cũng chẳng cần phải kết bè, kết nhóm với ai. Và “già hơn” chút nữa có nhà thơ Nhất Tuấn nổi tiếng qua những bài thơ ghi lại “Chuyện Chúng Mình”. (Nhà thơ Nhất Tuấn tức Trung Tá Phạm Hậu sau này có thời là Tổng Giám Đốc Việt Nam Thông Tấn Xã).

DTL: Đương nhiên là ông và các bạn đọc sáng tác của nhau. Nhưng có bao giờ phê bình, góp ý về những sáng tác ấy?

NHP: Đã gọi là “nhóm”, dù không có điều khoản trói buộc chặt chẽ nào trong việc kết hợp, chuyện góp ý về những sáng tác của nhau đương nhiên phải có trong những lần họp mặt; đôi khi góp ý nhẹ nhàng, cũng có khi sôi nổi dù chỉ để thay đổi một vài chữ, một vài câu trong một bài thơ hay một đoản văn.


DTL: Tôi nghe kể, dường như đầu thập niên (19)60, ông và các bạn từng tổ chức một cuộc họp mặt tại Câu Lạc Bộ Báo Chí, Saigon, ở đường Lê Lợi? Tôi nhớ đó là nơi hội họp của những sinh hoạt có tính cách quan trọng, quy mô lớn của các cơ quan chính phủ, đoàn thể, tổ chức lớn... Thời gian đó, ông còn là học sinh, làm sao ông có thể thuê mướn được? Tôi muốn hỏi, có ai "chlống lưng" cho các ông không? 

NHP: Đương nhiên là phải có. Không phải chỉ một lần, mà nhiều lần chúng tôi đã có dịp tụ tập tại Câu Lạc Bộ Báo Chí, số 15 đường Lê Lợi, Saigon do nhà văn Phạm Cao Củng chủ xướng, được gọi bằng cái tên dễ thương là “Gia Đình Trẻ Việt”. Câu Lạc Bộ Báo Chí là cơ sở trực thuộc Bộ Thông Tin của chính phủ nên chuyện lâu lâu “mượn đỡ” một buổi để họp hành bàn chuyện văn nghệ, ca hát, ngâm thơ.... chẳng có gì khó khăn và, cũng không tốn kém tiền bạc gì cả. Còn vấn đề bánh, nước... đã có nhật báo Ngôn Luận đài thọ. Tưởng cũng nên nói thêm, hồi đó tôi được chỉ định là “Trưởng Ban Tổ Chức” những buổi họp mặt văn nghệ học sinh do báo Ngôn Luận bảo trợ, quy tụ nhiều nhóm, nhiều thi văn đoàn. Có lẽ vì vậy nên những năm sau này, nhiều người tôi hoàn toàn không còn nhớ tên, cũng chẳng nhớ mặt nữa trong khi hầu hết mọi người vẫn còn nhớ đến tôi qua hỗn danh “Phương Kều”. Xin đơn cử một vài trường hợp như các nhà thơ Hà Linh Bảo, Phan Bá Thụy Dương... mấy năm gần đây, trên bước đường lưu lạc xứ người, gặp lại nhau trong quán cà phê, tôi vẫn chỉ tưởng rằng quý vị này là những người từng có một thời sinh hoạt thơ, văn, báo chí ở Saigon trước 1975. Nhưng có đôi lần cả Hà Linh Bảo và Phan Bá Thụy Dương thao thao nhắc lại những “kỷ niệm ngày xưa” thì tôi mới vỡ lẽ ra rằng “các cụ” này cũng đã có thời “văn nghệ học sinh” cùng với mình hơn nửa thế kỷ trước. Trong khi đó, ngược lại, có những người không cùng “nhóm” với tôi mà lại rất thân thiết liên tục mấy chục năm qua, như Nguyễn Đức Nam, Đinh Tiến Dũng (Đinh Lang, Đinh Bù-Loong)...
Đến dây, thiết tưởng cũng -xin phép- được nói thêm một chút: Có lẽ vì đã liên hệ với nhật báo Ngôn Luận từ những năm đầu thập niên 19(60) thuộc Đệ Nhất Cộng Hòa nên sau này, cuối năm 1966 (Đệ Nhị Cộng Hòa), ông Hồ Anh quyết định tục bản tờ báo với tên Thần Phong, được mấy số thì đổi thành Thời Thế. Khi đó, hầu hết bộ biên tập của Ngôn Luận ngày xưa đã “yên phận” trên báo Chính Luận của bác sĩ Đặng Văn Sung. Khi tôi đến gặp ông Hồ Anh (theo lời nhắn) tại tòa soạn, vẫn ở địa chỉ cũ đường Lê Lai, ông chỉ nói với tôi vài lời vắn tắt: Báo mình coi như đầy đủ rồi, với nhà văn Lê Xuyên là Tổng Thư Ký, trưởng ban phóng viên là chị Minh Đức Hoài Trinh... “Hiện chỉ còn thiếu một chức thôi, đó là phụ tá của tôi, anh về làm phụ tá cho tôi”. Ông Hồ Anh là một chủ báo có đời sống rất “khép kín”, riêng tư; chẳng bao giờ tôi thấy ông nói chuyện cười đùa với ai cả, mặt lúc nào cũng “nghiêm và buồn”, với điếu xì gà to tổ chảng cầm trên tay hay ngậm trên môi... Mặc dù tôi nhỏ tuổi hơn ông nhiều, nhưng ông gọi tôi là “anh”, xưng tôi, chứ không gọi tôi là “em” như ông Quốc Phong của báo Tiếng Vang và Kịch Ảnh, hay “cậu” như bác Nghiêm Xuân Thiện bên Thời Luận...

DTL: Trong họp mặt cực kỳ “hoành tráng” đó, ông và các bạn bàn luận những gì? Có đúc kết hay đưa ra “nghị quyết” nào chăng?

NHP: Chẳng có gì gọi là “hoành tráng” cả, chỉ là những buổi họp mặt của một số người trẻ yêu thích thơ, văn. Cũng bày ra những vấn đề để cùng nhau thảo luận, rồi ca hát, ngâm thơ cho nhau nghe... Còn cái chuyện đưa ra “nghị quyết” này nọ, xin dành cho các thi văn đoàn ở các tỉnh xa, nhất là các nhóm ở miền Trung xa xôi.

DTL: Tôi thí dụ 1 thành viên có sáng tác mới, muốn được phổ biến trên báo, ông và các bạn có thể giúp họ? Nếu có bằng cách nào?

NHP: Tôi biết có nhiều nhà thơ, nhà văn thành danh sau này nhưng, nhìn lại khoảng thời gian trước đó, khi mới chập chững “vào nghề” đã gặp khó khăn không ít trong việc muốn phổ biến sáng tác của mình trên báo. Điều này không có nghĩa mấy ông, mấy bà phụ trách các trang văn nghệ đó “làm khó” nhau mà, giản dị là “đất dụng võ” của tờ báo thì nhỏ mà bài vở từ bốn phương gửi về lại quá nhiều. Riêng anh em chúng tôi vì có phụ bản “Bé Ngôn Bé Luận” và báo Văn Nghệ Tiền Phong phát hành hàng tuần nên chuyện muốn phổ biến các sáng tác mới tương đối dễ dàng.

DTL: Thời cực thịnh của phong trào văn nghệ học sinh, miền Nam có rất nhiều nhóm văn nghệ học sinh. Nhiều thi văn đoàn. Hiện tượng này không chỉ lan tràn ở Saigon hay những thành phố lớn mà, nó còn phát triển rầm rộ ở các tỉnh nhỏ nữa. (Mặc dù thực tế, nhiều thi văn đoàn chỉ có một hai người! Và, một hai người ấy có khi “làm chủ” tới 3, 4 thi văn đoàn khác nhau...)
Từ đó, không thiếu những “tuyên ngôn văn chương” nẩy lửa được các thi văn đoàn “công bố”. Đa số các “tuyên ngôn” có nội dung kêu gọi các “thành viên” phải làm “cách mạng.” Phải lên án, phải tố cáo hay xóa bỏ tên tuổi của thế hệ cha, chú, đàn anh đi trước để “dành quyền sống dưới ánh mặt trời...”
Tôi thiển nghĩ cái “dịch” dẹp bỏ lớp đi trước này, nó lây lan từ chủ trương dẹp bỏ văn chương tiền chiến, do tạp chí Sáng Tạo phát động và cổ súy vào cuối thập niên (19)50. Ông và các bạn có ra những “tuyên ngôn” tương tự?


NHP: Các nhóm, các thi văn đoàn phổ biến những “tuyên ngôn văn chương” đòi làm cách mạng này kia chẳng qua là cố tạo tiếng vang, gây sự chú ý của mọi người, chứ thật ra dưới ánh mặt trời, “đất dụng võ” còn rộng mênh mông, đâu đến nỗi cần phải xóa bỏ nhau để dành quyền sống. Nhất là trong lĩnh vực Thơ, Văn và, bước kế tiếp chính thức đi vào sinh hoạt truyền thông, báo chí thì người đi trước đã có chỗ đứng của người đi trước; người đi sau nếu muốn, cũng sẽ có chỗ đứng của người đi sau. Riêng tôi nghĩ những nghề có liên hệ xa gần với thơ, văn, báo chí thường gắn liền với mấy chữ “bạc như vôi!” chứ có gì ghê gớm lắm đâu mà cần phải kèn cựa, giành giật nhau!

DTL: Năm nào, trong trường hợp hoặc do hoàn cảnh nào, lần đầu tiên, ông được giao trách nhiệm phụ trách một phụ trương văn nghệ học sinh cho một nhật báo?

NHP: Đó là mùa Hè năm 1964, tôi chính thức gia nhập làng báo Sàigòn trong một trường hợp hết sức tình cờ, không hề có tính toán, sắp xếp gì trước cả. Thời gian đó tôi đang hoạt động trong hội Thanh Niên Thiện Chí và là thành viên trẻ nhất trong Ban Chấp Hành Trung Ương Hội Thanh Niên Thiện Chí Việt Nam từ 1962 với chức vụ Phụ tá Ủy Viên Công Tác (Ủy viên Công Tác là anh Hà Tường Cát). Qua năm 1963, Thư Ký BCH Trung Ương của Hội là Nguyễn Đức Minh được học bổng tu nghiệp tại Tân Tây Lan nên anh em “đun” tôi lên thay thế. Đến cuối năm 1963, đầu năm 1964 (khởi đầu Đệ Nhị Cộng Hòa VN), hội chúng tôi có được ngân khoản viện trợ (trực tiếp chứ không phải qua “trung gian” cơ quan nào của chính phủ) để thành lập “Đoàn Thanh Niên Chí Nguyện Việt Nam”... Đây cũng là giai đoạn khá lý thú trong đời tôi, nhưng nằm ngoài phạm vi bài này nên xin miễn kể lể, hẹn trong một dịp khác.

Bây giờ xin nói tiếp về mùa Hè năm 1964, một người bạn học cũ của tôi là anh Nguyễn Ngọc Chấn (theo ngành sư phạm) sắp phải đổi về Vĩnh Long nên đã tìm gặp tôi để bàn giao trang “Văn Nghệ Sinh Viên Học Sinh” (tuần 2 lần) của nhật báo Thời Luận do ông Nghiêm Xuân Thiện (cựu Tổng Trấn Bắc Kỳ) làm chủ nhiệm. Trang văn nghệ này không ký tên người phụ trách là “Cậu Trời” Nguyễn Ngọc Chấn mà lại được đặt dưới cái tên “Chị Ngọc Anh”. Và, tôi vẫn tiếp tục dùng bút hiệu “Chị Ngọc Anh”, coi như không có chuyện gì thay đổi cả. Mới nhập cuộc được ít ngày, Bác chủ nhiệm Nghiêm Xuân Thiện đã gọi tôi vào phòng riêng nói chuyện. Theo lời bác Thiện thì tờ báo hiện chỉ có hai ký giả thường trực là các anh Sao Biển (cậu của Linh mục Nam Hải) và Tâm Chung (nguyên SVSQ Khóa 9 Võ Bị Đà Đạt), do đó tờ báo cần thêm ít nhất một ký giả thường trực và, tôi là người được chọn. Ngoài ra, tờ báo còn cần một người phụ tá cho nhà báo Ký Ninh trong vai trò của một Phụ Tá Tổng Thư Ký Tòa Soạn, bác Thiện muốn tôi đảm trách luôn cái phần vụ này. Tài cán chẳng bằng ai nhưng, tuổi trẻ nhiều nhiệt huyết, tôi nhận lời tuốt luốt những phần vụ được trao phó. Như vậy, tờ báo mỗi ngày có 8 trang thì ông Tổng thư ký Ký Ninh phụ trách bài vở tin tức thuộc các trang 1,8 và trang 3,6; còn “bài nằm” thuộc các trang 2,7 và 4,5 do tôi “lãnh cái búa”.

DTL: Tính tới năm 1965, cách đây gần 50 năm, là thời gian ông trở thành nhà báo chuyên nghiệp, thì, những chuyện gì ông nhớ nhất, trong những năm tháng đầu tiên trở thành chuyên nghiệp ấy?

NHP: Ngay từ những ngày đầu gia nhập “Làng Báo Saigon” tôi đã gặp nhiều may mắn và học hỏi được nhiều điều bổ ích với một số nhà văn, nhà báo lớn tuổi như các bác Hải Âu Tử, Phan Huy Chiêm, Anh Độ (Đỗ Cẩm Khê), Nguyễn Thạch Kiên... Quý vị này cung cấp bài vở (đa số là các tài liệu dịch từ báo ngoại quốc) cho các trang báo do tôi chịu trách nhiệm. Quý vị này không lãnh lương cố định hàng tháng mà tiền nhuận bút tính theo bài, tháng nào có nhiều bài được chọn đăng thì lãnh tiền nhiều, đăng ít thì lãnh ít... Có lẽ vì vậy nên ngay trong buổi trao trách nhiệm cho tôi, ông chủ nhiệm nhắc nhở: “Cậu nên “nâng đỡ” ông Anh Độ vì ông này nghèo hơn mấy ông kia”. (Nghe nói nhà thơ Anh Độ- Đỗ Cẩm Khê từng là Trung Úy trong quân đội Pháp, sau khi Tây đã về Tây rồi, ông chuyển qua nghề báo). Như vậy, ngoài công việc của một ký giả thường trực cộng thêm trang “Văn Nghệ” (tuần 2 lần qua bút hiệu “chị Ngọc Anh” phụ trách), tôi còn phải dành khá nhiều thì giờ mỗi ngày để sắp xếp “bài nằm” cho các trang trong, đưa thợ xếp chữ trước...  Cũng nhờ phải gánh vác nhiều tiết mục linh tinh như vậy nên tôi có cơ hội để đăng một số bài vở của các thân hữu như truyện ngắn, biên khảo, ký sự... Đặc biệt là những “Ký sự chiến trường” của Vũ Ngự Chiêu (bút hiệu Nguyên Vũ). Trước đó bạn tôi, Vũ Ngự Chiêu muốn sau này trở thành một Bác sĩ y khoa. Nhưng khổ nỗi “ngông nghênh vốn sẵn tính trời đã ban”, mới chập chững làm quen với Y khoa, Vũ Ngự Chiêu đã chê... “Thầy dốt”. Học trò mà dám chê “thầy dốt” thì sống sao nổi, nhất định là “con phải vỡ mộng làm bác sĩ rồi!”. Chút xíu nữa một người bạn khác của chúng tôi: Phạm Gia Cổn cũng bị dính chùm luôn với Chiêu. Nhưng may quá Cổn đã thoát để sau này trở thành một Bác sĩ khá nổi tiếng của binh chủng Nhảy Dù. Ngoài ra Phạm Gia Cổn còn dính tới nhiều chữ “Sĩ” khác như Võ Sĩ, Nhạc Sĩ, Ca Sĩ... (nhưng vẫn còn thiếu “Thi Sĩ”). Không thành bác sĩ thì đi Lính cũng tốt thôi; Vũ Ngự Chiêu theo học khóa 16 Thủ Đức. Lâu lâu về phép một lần, và lợi dụng mấy ngày phép đó, Chiêu hầu như thức trắng nhiều đêm để ghi lại “Bút Ký Chiến Trường”. Những loạt bài nóng hổi đó được đăng liên tục trên báo Thời Luận, mới đầu chỉ nhằm mục đích thực tế “để bạn mình có thêm tiền tiêu vặt chứ chỉ trông vào lương Quan Một Nhà Nước thì coi bộ không khá lắm...” Nhưng rồi sau đó, những loạt ký sự chiến trường của Vũ Ngự Chiêu được nhà xuất bản (tôi không còn nhớ tên) gom lại để in thành sách và bạn tôi, được thêm nhiều đọc giả biết đến với bút hiệu Nguyên Vũ, là một trong các nhà văn gốc quân đội nổi tiếng một thời.

Sau biến cố tháng 4-1975, lưu lạc xứ người, khi bắt liên lạc được với nhau, Chiêu thông báo “Tao lấy xong Cao Học Sử rồi”. Nếu tôi nhớ không lầm thì nhà văn Nguyên Vũ là người tỵ nạn đầu tiên có bằng Tiến Sĩ Sử tại Hoa Kỳ. Mấy năm sau, ông lại “khều” thêm cái bằng Luật Sư. Nói đến Luật Sư, thiết tưởng cũng nên thêm vài câu là có khá đông những luật sư đã hành nghề ở Việt Nam trước 1975, khi qua Hoa Kỳ cũng cố gắng đi học lại nhưng chỉ một số đạt được mục đích, số đông khác chỉ lấy xong bằng Tiến Sĩ Luật là đừ rồi, thi bằng hành nghề hoài vẫn không xong. Nhưng đặc biệt một người chưa hành nghề luật sư ở Việt Nam trước 1975 lại là người tỵ nạn đầu tiên trở thành Luật sư tại Hoa Kỳ. Đó là LS Nguyễn Duy Tiếp, trước 75 ông chỉ là một sĩ quan trong ngành Cảnh Sát, nhưng đã học xong Cao học Luật. Do đó khi qua Hoa Kỳ, đi học lại và chính thức trở thành Luật sư cuối năm 1979 (hơn ba mươi năm rồi).

DTL: Hiện tại, riêng ở hải ngoại, những thành viên nào của thời văn nghệ học sinh cùng hoạt động với ông, vẫn còn sinh hoạt trong lãnh vực văn học, nghệ thuật?

NHP: Khá đông. Chỉ nói riêng một số bạn học cũ cùng lớp thời trung học với tôi hiện cũng có một số tên tuổi khá quen thuộc với những người hằng quan tâm đến sinh hoạt thơ văn, chẳng hạn như nhà văn Đào Văn Bình, nhà thơ Vũ Khang, nhạc sĩ Vũ Thành An với những bài “Không Tên”... Còn các bạn trẻ thường gửi bài về đăng trên trang văn nghệ học sinh của báo Thời Luận ngày xưa, bây giờ cũng có một số gửi bài đóng góp với tạp chí Hồn Việt. Người có thơ đăng thường xuyên nhất là nhà thơ Thy Lan Thảo (Nguyễn Sơn) thuộc nhóm văn nghệ trẻ nổi tiếng của tỉnh Gò Công thuở nào. Qua thời văn nghệ học sinh, Thy Lan Thảo là một sĩ quan trong ngành Chiến Tranh Chính Trị. Sau biến cố tháng 4-1975, ông kẹt lại và đi tù cải tạo, rồi sang Hoa Kỳ qua diện HO, sau khi đã ổn định đời sống, ông cũng dành khá nhiều thì giờ để tiếp tục sáng tác...

DTL: Hôm nay, sau hơn nửa thế kỷ, ở tuổi “thất thập cổ lai hy,” nhìn lại thời văn nghệ học sinh của mình, nếu phải tự đánh giá giai đoạn đó của mình thì, theo ông cái gì ông cho là được? Cái gì không?

NHP: Câu hỏi có vẻ “quan trọng hóa vấn đề”. Với tôi, cái chuyện “được” hay “không” của thời văn nghệ học sinh chẳng có gì ghê gớm để phải đưa lên “bàn mổ” vì, đa số (tôi không dám nói tất cả) những người trẻ còn đang trong tuổi cắp sách đến trường đều phải có thêm “trò chơi” (thể thao hay văn nghệ) để cuộc sống được thăng bằng, không bị liệt vào loại “bất bình thường”.


DTL: Nếu được phép khởi đầu cuộc đời của mình, có nghĩ ông sẽ vẫn đi trở lại trên con đường “văn nghệ học sinh” của mình? Nếu câu trả lời là “có” thì tại sao?

NHP: Dĩ nhiên là tôi vẫn thích trở lại con đường “văn nghệ học sinh” vì đó chính là khoảng thời gian đẹp nhất của tuổi học trò thay vì phải chọn “một trò chơi” khác, biết đâu sẽ “nguy hiểm” hơn trò chơi văn nghệ.

DTL: Ông còn thấy cần phải nói thêm câu gì với quý độc giả theo dõi cuộc nói chuyện ngày hôm nay của chúng ta?

NHP: Nhớ lại 37 năm trước, khi mới đặt chân đến Hoa Kỳ, còn tạm trú tại trại Pendleton, một số anh em từng liên hệ với sinh hoạt báo chí tại Sàigòn thường gặp gỡ nhau để cùng “mơ” về sự hình thành của một tờ báo Việt ngữ trên xứ người. Thứ nhất là để “nuôi dưỡng tiếng Mẹ đẻ”; tiếp đó là tạo nhịp cầu cho bà con ta -rồi sẽ tản mác khắp nơi- có dịp liên lạc lại với nhau... Ngày nay, như mọi người đều đã thấy, các bộ môn sách, báo, CD ca nhạc, DVD, phát thanh, truyền hình tiếng Việt phát triển đến mức độ ngoài sức tưởng tượng. Cá nhân tôi rất vui khi được kể là một trong những “viên gạch lót đường” của lãnh vực này. Nhưng tôi lại nghĩ nếu đã là viên gạch lót đường thì chỉ nên hiện diện trong một khoảng thời gian nào đó thôi, không nên ở lại quá lâu. Những viên gạch lót đường của các lãnh vực khác, tôi không biết chuyện vinh, nhục ra sao, chứ riêng với những “nghề” liên quan đến chữ nghĩa thường gắn liền với “bạc như vôi”, ở lâu quá, biết đâu sẽ có lúc kiệt sức, gục xuống thê thảm. Tôi không thể quên được ông chủ nhiệm báo Việt ngữ đầu tiên của cộng đồng người Việt tỵ nạn, ký giả Nguyễn Hoàng Đoan, chỉ sau hơn 5 năm đánh vật với tờ Hồn Việt, đã quyết định “về hưu” vì mệt quá, chỉ làm khổ vợ con thôi! Nhà văn Lê Tất Điều tức nhà thơ Cao Tần cũng chỉ chính thức vui chơi trong sinh hoạt báo chí một thời gian không dài. Ký giả Lê Thiệp khi mới từ Nhật Bản qua định cư tại Hoa Kỳ cũng rất say mê trong sinh hoạt báo chí, nhưng sau một thời gian chạy xuôi chạy ngược từ Đông qua Tây... rồi cuối cùng cũng đành chuyển qua nghề khác... Hầu hết những người trong ngành truyền thông ngày nay, với phương tiện kỹ thuật tân tiến, máy computer có dấu tiếng Việt... không thể nào tưởng tượng được nỗi gian nan mà những viên gạch lót đường như tôi đã trải qua mấy chục năm về trước, nên xin miễn kể lể dông dài thêm... Chỉ xin vắn tắt: tôi rất khâm phục những người hiện đang gắn bó với lãnh vực truyền thông, báo chí Việt ngữ ở hải ngoại, nhiều chông gai hơn là tìm đường vào dòng chính, thênh thang và nhiều cơ hội để thăng tiến.
DTL: Trân trọng cám ơn nhà báo và, cũng là nhà thơ Ngọc Hoài Phương./.