văn hữu vườn tao ngộ

Nơi lưu trữ tác phẩm của PBTD và thân hữu. Liên lạc: phanbathuyduong@gmail.com

Monday, July 15, 2013

PHAN NI TẤN * hóa thân

Hồ Hữu Thủ
làm đôi guốc mộc quai hường - xin cùng tha thướt xuống đường với em - ngày mưa guốc lấm bùn lem - cũng vui vì chỗ gót sen em về

làm vi vút ngọn gió quê - hay vi vu thổi cây tre đầu đình - bay vờn trong chớm bình minh - hay trong chiều cũng tài tình như hương

làm thảm cỏ dại bên đường - xe qua bụi bám mà thương nẻo nhà - xa như người đã đi xa - thôi không về nữa để tà áo phai

làm le lói ngọn sớm mai - chiếu trên kẽo kẹt đôi vai gánh gồng - chiếu xanh bờ lúa đòng đòn - có con cò trắng con còng con cua

làm hạnh của đất khai mùa - làm hương ngọn gió xin đùa áo bay - ai xưa hò hẹn phương này - ôi phương từ bấy đến rầy chưa quên

xin làm ẩn mật hương thiền - làm lời trong miệng người hiền nói ra - đem tâm hư gột cái tà - dội lên thế giới ta bà ánh dương

làm mong manh lưới tơ sương - nhưng bền như dạ người thương nhớ người - từ em biết nói yêu rồi - trong niềm hạnh nguyện anh ngồi hóa sinh

xin làm miếng cắn thâm tình - ngậm vành môi ấy có hình trái tim - có đôi con mắt lim dim - có hình như giọng nói im không lời

làm xôn xao vẻ yêu đời - đồng thanh ương ứng với người tóc xanh - mai hoa vài nụ trên cành - diệp thanh mấy chiếc cũng thành mùa xuân

làm trăng một đóa sáng ngần - soi đường nối lại những phần chia phôi - nhớ giùm nỗi nhớ khôn nguôi - che giùm nhau ngọn gió đời bụi bay

trèo lên trên ngọn trời mây - thu trăm năm lại một ngày vào thơ.

PHAN NI TẤN

Saturday, July 13, 2013

TUỆ SỸ * ngồi giữa bãi tha ma


Bài 1

Lửa đã tắt từ buổi đầu sáng thế
Một kiếp người ray rứt bụi tro bay
Tôi ngồi mãi giữa tha ma mộ địa
Lạnh trăng ngà lụa trắng trải ngàn cây
Khuya lành lạnh gió vào run bóng quỷ
Quỷ run run hôn mãi đống xương gầy
Khóc năn nỉ sao hình hài chưa rã
Để hồn tan theo đầu lửa ma trơi
Khi tâm tư chưa là gỗ mục
Lòng đất đen còn giọt máu xanh ngời.

Friday, July 12, 2013

ĐẶNG TIẾN * ngựa phi đường xa


Tô Thùy Yên đến với văn học trên “Cánh đồng Con ngựa Chuyến tàu”, bài thơ làm năm 1956, đăng trên báo Sáng Tạo thời đó và được độc giả hoan nghênh ngay, nhất là trong giới thanh niên, học sinh. Thời ấy sinh viên chưa nhiều, quần chúng văn chương còn thưa thớt, một thế hệ độc giả mới đang chớm thành hình. Với thời gian nhìn lại, bài thơ có thể xem là một sự kiện văn học vì lời thơ tân kỳ, ý thơ mới lạ, không giống một bài thơ nào khác trước kia mà đã được người đọc không chuyên môn văn học yêu thích ngay. Chuyện hiếm, vì công chúng Việt Nam nói chung là thủ cựu.
Chuyện đẹp, vì bài thơ của tác giả 18 tuổi đi thẳng đến độc giả 18 tuổi.

LÊ XUYÊN * Chú Tư Cầu [tiếp theo]



Hai đứa nó vừa ngồi yên trên băng xe, thì có thêm một người hành khách nữa bước lên ngồi khít bên Phấn.

Đó là một anh khách trú trạc hai mươi lăm tuổi, mặc áo sơ-mi, quần tây dài, tay xách cặp da căng phồng.

Thấy có người chen bên cạnh, Phấn nhíu mày nhích vô sát bên cạnh Tư Cầu. Cô ta càng bực mình hơn nữa khi thấy anh khách này lại còn ló ra ngoài cửa xí xô xí xào một hồi với một người đứng dưới đất, có lẽ là bà con ra tiễn chân.

TRẦN THIỆN HIỆP * chùm thuật ngữ











Phiến tâm làn mây bạc
phương nào hạc vàng bay
trăng tàn thơ thức giấc
chữ nghĩa chấp cánh mây
vin theo vòng hệ lụy
nhật nguyệt càng khôn vây

Mênh mông trong trời đất
ngôn ngữ Nam Hoa kinh
triết gia cùng đồ tể
ở chung một hành tinh
đường thi người Đỗ Phủ
chảy máu mạch tim mình

Từng bước chân dẫm đất
tiếng xưa xa vọng về
trùng trùng chùm thuật ngữ
lẫn nhịp mõ bờ mê
gió bay bào cư sĩ
mãi tìm dấu chân quê…

TRẦN THIỆN HIỆP









TRẦN TUẤN KIỆT * hình bóng mẹ quê























Lưng gầy lạnh gió đầu thu
Tóc bay theo khói sương mù bãi xanh

Cồn tiên sóng lớp vây quanh
Năm mươi năm đã dấu hình mẹ xưa

Đông buồn ngày ấy bơ vơ
Lệ không chảy động hồn thơ giữa hồn

Chiến tranh khói lửa chập chùng
Biết đâu nội chiến quê hương oan cừu

Thanh bình khúc hát vu vơ
Đêm nay nhớ mẹ bên bớ lau không

Cồn tiên bóng hạc lượn vòng
Sầu riêng cúi mặt đôi giòng lệ sa 

TRẦN TUẤN KIỆT

Thursday, July 11, 2013

PHẠM TÍN AN NINH * trời mưa Cali
























Cali mưa, tầm tã mưa
Trời buồn như thuở anh vừa gặp em
Giá như đừng có ban đêm
Anh ngồi ngắm mãi bên thềm giọt mưa


Anh ngồi nhớ chuyện ngày xưa
Nhớ rồi xa xót những mùa mưa qua
Còn gì trong cuộc tình ta
Giọt mưa rơi xuống có là hư không ?


Những cơn mưa cuối mùa đông
Thường làm cho sợi tơ hồng trôi đi

Mấy tuần em đến Cali
Trời mưa tầm tã tại vì có em.

PHẠM TÍN AN NINH 




NGÔ NGUYÊN NGHIỄM ◘ Nguyễn Thụy Long – Bóng chim trên ngọn khô

Nguyễn Thụy Long (1938-2009)

 
Du nhập vào những đường hướng mới trong văn học nghệ thuật thập niên 60, quả nhiên có nhiều ngã rẽ, lập dựng cho mỗi văn nghệ sĩ thời đó một nét nhìn sáng hóa đặc biệt, giúp tác phẩm được bùng vỡ mãnh liệt. Mỗi người văn nghệ đột phát cho mình một phương hướng sáng tạo riêng biệt, không lẫn lộn vào ai, tạo cho văn chương miền Nam nhiều hướng đi mới rạng rỡ, đối chiếu không thua sút văn chương nước ngoài.

NGHIÊU MINH * trăng huyền không

Full HD

MP3


TRĂNG HUYỀN KHÔNG

Dựa lưng vào cửa huyền không
Mưa đổ phập phồng ta biết em qua
Nhà em cách mấy hàng trà
Cầu cau ngập nước la đà mương trăng
Đêm nay, đêm vẫn âm thầm
Em về mưa tạnh huyền không (í a) khép hờ

Dựa thân vào cõi huyền mơ
Mưa đổ nhạt nhờ theo bóng ai qua
Phòng khuê ngồi đợi í a
Chim quyên rủ cánh chan hòa trăng ngâu
Đêm nay, đêm đã tương cầu
Bàn ngày mắc cở, tối đâu (í a) thèm về

Dựa thân vào bóng đèn khuya
Trăng gọi ta về cởi áo cho nhau
Ta về cha mẹ trầu cau
Trăm năm tơ tóc qua cầu tóc bay
Đêm nay đêm gió trăng đầy
Lia thia quen chậu gừng cay (í a) mặn nồng

NGHIÊU MINH


VIÊN LINH * Bến Hải, Thủy Mộ của Vũ Anh Khanh

Trong số các nhà văn, nhà thơ miền Nam (sau vĩ tuyến 17), có một thi sĩ nổi tiếng mà sử sách cả hai bên Quốc-Cộng ít nói đến, là Vũ Anh Khanh, tác giả bài thơ khét tiếng ‘Tha La Xóm Ðạo’; kẹt vì ông đang ở miền Nam thì tập kết ra Bắc năm 1954; cái kẹt thứ hai là năm 1957 ông bơi qua sông Bến Hải trở về quê hương miền Nam, và nghe nói bị miền Bắc bắn theo, ông đã nằm sâu trong lòng sông biển. Sử sách miền Bắc chắc chắn không dám nói đến ông, còn sử sách miền Nam quá ngắn ngủi, lại còn bị thiêu hủy sau này, nên nếu người hải ngoại quên ông, là tất cả sẽ lãng quên thêm nhiều năm nữa, trước khi có một Việt Nam hưng phục trong nền Văn hiến cũ và mở mang xây dựng lại từ đầu.