văn hữu vườn tao ngộ

Nơi lưu trữ tác phẩm của PBTD và thân hữu. Liên lạc: phanbathuyduong@gmail.com

Friday, July 12, 2013

LÊ XUYÊN * Chú Tư Cầu [tiếp theo]



Hai đứa nó vừa ngồi yên trên băng xe, thì có thêm một người hành khách nữa bước lên ngồi khít bên Phấn.

Đó là một anh khách trú trạc hai mươi lăm tuổi, mặc áo sơ-mi, quần tây dài, tay xách cặp da căng phồng.

Thấy có người chen bên cạnh, Phấn nhíu mày nhích vô sát bên cạnh Tư Cầu. Cô ta càng bực mình hơn nữa khi thấy anh khách này lại còn ló ra ngoài cửa xí xô xí xào một hồi với một người đứng dưới đất, có lẽ là bà con ra tiễn chân.


Sau khi người nhà đi về rồi, anh khách mới quay nhìn sang Phấn và có vẻ muốn bắt chuyện làm quen.

Anh ta cầm cái nón cối vừa quạt quạt vừa nói bâng quơ:

- Cha, nóng nực quá ! Không biết chừng nào xe mới chịu chạy cho! Phấn ngạc nhiên vì sao anh khách nầy nôi tiếng ta sao sõi quá. Mới hồi nãy đây, ảnh còn tía lia như... chìm tàu kia mà.

Anh khách thấy Phấn có vẻ bớt cau có như lúc đầu nên làm gan ướm thử một câu:

- Dạ, cô Hai đi Cần Thơ?

Phấn làm mặt nghiêm chỉ khẽ gật đầu.

Anh khách như được trớn tươi cười xoay hẳn người về phía Phấn và một tay choàng gác lên đầu băng dựa:

- Nếu như vậy tôi cũng chung đường với cô Hai...

Thấy Phấn vẫn không hé môi, anh ta lại châm thêm một câu nữa:

- Cô Hai đi một mình hay đi với ai?

Phấn bắt buộc phải trả lời, giọng cộc lốc:

- Đi với anh tui đây...

Vừa đáp, Phấn vừa nắm lấy tay Tư Cầu và làm ra vẻ hết sức thân mật hỏi luôn:

- Anh có buồn ngủ hông anh Tư ? Nếu anh muốn ngủ, anh dựa lên vai em đây nè...

Đằng này, anh khách nghe thay cái "cảnh" đó, nhíu mày cỏ vẻ hơi bực, rút cánh tay để trên bàng dựa xuống và ngồi lại ngay ngắn...

Còn Tư Cầu nãy giờ ngồi thừ mặt nhớ... đủ thứ hết ở dưới nhà. bỗng nhiên thấy Phấn níu tay và ăn nói... mùi mẫn quá nên anh ta đâm ra mắc cở. Anh ta liếc mau qua hai bên hành khách như để dò xem có ai để ý không, rồi hạ giọng nói:

- Ban ngày ban mặt, thiên hạ tứ giăng như vậy mà em làm gì kỳ quá...

Anh khách nghe lọt được câu ấy (vì tuy ngồi ngay lại chớ anh ta vẫn lóng tai, liếc mắt canh chừng bên phía cô gái) gục gặc đầu mỉm cười... Và anh ta mới soi mói nhìn kỹ Tư Cầu... Anh ta có vẻ suy nghĩ trong vài giây rồi như khám phá ra điều gì anh ta lại cười suýt bật thành tiếng và xoay người trở lại bên phía Phấn, cánh tay lại được gác vào chỗ cũ...

Phấn thấy Tư Cầu ăn nói tréo ngoe như vậy, tức đỏ mặt, nhưng vẫn giữ một giọng ngọt ngào nói tiếp thêm liền để khỏa lấp câu trả lời của Tư Cầu :

- Bộ anh mệt hả anh Tư ? Hay là anh chóng mặt ? Đây nè, anh cầm lấy chai dầu Nhị-thiên-đường nầy mà xức cho nó đỡ.

Tư Cầu toan gạt đi nhưng quay lại thấy mặt Phấn hầm hầm, nó ngơ ngác chẳng hiểu gì ráo. Anh vừa định lên tiếng thì thấy Phấn mím chặt môi, quắc mắt nhìn như xoáy vào mắt anh ta và khẽ hất hàm chỉ về phía chai dầu. Tư Cầu vội cầm lấy chai dầu mở nút ra lấy ngón tay trỏ bịt miệng chai chấm lấy dầu đoạn xoa xoa lên mũi và hai bên màng tang, rồi trả chai dầu lại cho Phấn.

- Sao, anh thấy có đỡ bớt chút nào hông anh Tư ?

Suýt chút nữa thì Tư Cầu trả lời lại rằng: "Đau ốm gì đâu mà đỡ với bớt" nhưng tốp lại kịp thời và lại nói xui lơ:

- Ờ... coi bộ cũng đỡ bộn...

Bên nầy, sau khi chứng kiến một cách kín đáo cái cảnh đó từ đầu đến cuối anh khách cũng định mở miệng nói châm chích hai đứa nó một vài câu nhưng anh lại thôi và tươi cười đưa tay trái móc túi áo sơ-mi lấy ra cặp kiếng mát, đon đả chìa ra cho Tư Cầu vòng qua trước mình Phấn.

Cô này tò mò liếc xuống nhìn cặp mắt kiếng tròng màu xanh đậm và thấy luôn chiếc đồng hồ đeo tay mạ vàng lấp lánh trên cườm tay của anh khách.

- Đây anh Hai, anh lấy kiềng này mà đeo cho nó khỏi chói mắt. Như vậy cũng đỡ chóng mặt nhức đầu lắm anh à...

Tư Cầu đưa mắt nhìn Phấn để xem ý tứ như thế nào, thì thấy cô nầy lắc đầu nhưng nét mặt đã hết cau có. Anh ta đánh bạo trả lời:

- Cám ơn chú, tui thấy trong mình cũng dễ chịu rồi...

- Vậy hả? Nhưng khi nào anh Hai có cần nói với tôi nghen !

Tư Cầu mỉm cười gật đầu. Anh khách lại cầm lấy nón quạt lia lịa và nói như than một mình:

- Cha! Xe đầy hết mà sao mấy chả không chịu chạy cà! Cái điệu nầy lên Cần Thơ chắc trễ chuyến xe Saigon chiều rồi!

Bên nầy, Phấn nghe như vậy, quay phắt lại hỏi liền :

- Hổng dám nào chú cho tui hỏi thăm một chút...

Anh khách thấy Phấn chịu "mở miệng" mừng rơn và sốt sắng đáp:

- Dạ được mà cô Hai ! Cô Ham muốn hỏi thăm chuyện chi ?

Phấn ngập ngừng:

- Hồi nãy chú nói trên Cần-Thơ còn có chuyến xe chiều lên Saigon nữa phải hông chú ?

Anh khách không trả lời mà hấp tấp hỏi lại :

- Bộ cô Hai cũng tính đi Saigon nữa phải không?

- Dạ phải.

- May quá... nếu vậy thì tôi cũng đi cùng đường rồi. Đi có bạn cũng vui hén cô Hai !

Phấn không biết trả lời sao nên lúng túng "dạ" một tiếng rồi nín thinh. Anh khách nhớ trực lại câu hỏi của Phấn nên vội nói tiếp:

- Chút nữa tôi quên phứt rồi: thường thường trên Cần-Thơ còn có chuyến đi Saigon nữa cô Hai à ! Nhưng chiếc xe mình đi đây nó cứ nằm chưa chịu chạy thì tới chừng lên trển chắc trễ hết.

Thấy Phấn có dáng suy nghĩ anh khách lại hỏi thêm:

- Chắc cô Hai cũng bị lỡ chuyến xe đi Saigon dưới nầy như tôi nên mới tính lên Cần-Thơ chớ gì!... Thiệt nhà ai ác ôn, nhè cái ngày mình đi Saigon mà ra bao xe đi rước dâu mới ngặt chớ!

Phấn mỉm cười:

- Tui cũng bị lỡ xe như... chú vậy.

Anh khách do dự một lát rồi lại lên tiếng:

- Tôi hỏi câu nầy cũng hơi... kỳ một chút, chẳng hay cô Hai và anh Hai đây đi lên trên có việc chi ?

Phấn hơi luống cuống:

- Dạ, tui với anh Tư đây lên trển... thăm bà con.

- Người bà con đó ở đường nào vậy cô ? Tôi hỏi vậy để nếu phải đường tôi biết, tôi chỉ sơ trước cho cô Hai lên trển kiếm dễ hơn.

- Dạ tui nghe nói dì Tám tui bán trái cây trong chợ Cầu-ông-Lãnh...

- Ý trời ơi! Nhà cửa ở trên Saigon mà cô chỉ biết lơ mơ như vậy rủi tìm không ra, bơ vơ không nơi nương tựa... kẹt lắm đó cô Hai ! ở trển, người ta đâu có ăn ở thiệt thà như dưới mình !

Phấn cúi đầu có vẻ suy nghĩ, còn Tư Cầu lo âu khi nghe câu chuyện trao đổi giữa hai người.

Thấy thế, anh khách tìm lời an ủi:

- Tôi nói là nói phòng xa vậy chớ không đến nỗi nào đâu. Nếu cô Hai nói có dì... dì Tám phải không cô... bán trái cây trong chợ Cầu-ông-Lãnh thì tìm chắc phải ra. Mà đến nước cùng đi nữa, cái nước tứ cố vô thân thì còn có tôi đây chi !... Tôi nói như vậy là nói thiệt tình chứ không phải khoe khoang hay có ý gì khác đâu...

Phấn không biết trả lời làm sao nên nín thinh nhưng cũng thấy an tâm rất nhiều về việc lên Saigon.

Vừa lúc đó xe bắt đầu chạy. Anh khách vớ được dịp này để bắt chuyện lại với Phấn:

- Dữ hông! Bây giờ nó mới chịu chạy cho!

Phấn thấy xe chạy cũng hớn hở nên trả lời câu nói của anh khách bằng một nụ cười mỉm.

Anh khách cười đáp lại, rồi lim dim đôi mắt ranh mãnh nhìn lại Phấn và buông thõng hai tiếng nho nhỏ:

- Dữ hông...

Phấn hiểu ý, mắc cỡ đỏ mặt và cúi gầm xuống nhìn vào gói quần áo để trên đùi..

Đường xấu, máy cũ, chiếc xe đò chạy vừa dằn vừa kêu điếc tai. Một hồi lâu, Phấn làm gan quay mặt qua bên anh khách hỏi:

- Hổng biết chừng mình lên tới nơi có còn kịp chuyến xe nào đi Saigon nữa hông hả chú ?

Anh khách nghe không rõ vì tiếng máy xe, thùng xe kêu ầm ầm, nên nhích lại gần Phấn chút nữa và vừa nghiêng đầu xuống kề bên mặt Phấn vừa hỏi lại:

- Cô nói gì đó cô Hai ?

- Mình lên trên Cần-Thơ có kịp chuyến xe Saigon hông chú ? Anh khách đưa tay lên xem đồng hồ rồi đáp :

- Cha, cái điệu nầy cũng một may một rủi cô Hai à ! Nhưng tôi sợ trễ quá !

Phấn lo ngại hỏi thêm:

- Nếu rủi trễ rồi còn có cách nào khác để lên Saigon hông chú ?

- Thiếu gì, hoặc mình đón tàu đi hay là mình kiếm chỗ ngủ lại một đêm rồi đi chuyến xe khuya lên Saigon...

Phấn thật thà hỏi tiếp:

- Nhưng tui hổng có ai quen ở trên hết...

Anh khách cười:

- Ối, cô hơi sức đâu mà lo chuyện đó. ở trên nhà ngủ lền khên mình mướn phòng ngủ đỡ một đêm rồi đến khuya hay sáng gì cũng có chuyến xe lên Saigon hết. Được rồi, để lên tới Cần-Thơ, có gì tôi sẽ sắp đặt cho... Tôi cũng đi cùng đường với cô Hai mà !

- Cám ơn chú lắm ! Thiệt tôi cũng hên lắm nên mới gặp chú...

Anh khách thích thú cười thành tiếng và nhích lại sát gần Phấn thêm một chút nữa và nói:

- Phần tôi, tôi cũng hên lắm nên mới gặp cô Hai... Ai dè đâu lỡ chuyến với cô Hai như vầy...

Phấn nghe anh khách nói nín thinh nhưng không thấy bực mình chút nào. Một hồi lâu như nhớ trực lại, cô quay mặt qua hỏi anh khách:

- À tui hỏi câu nầy chú đừng giận nghẹn!

- Sao cô Hai nghĩ vậy ! Tôi đời nào dám giận cô Hai...

- Hồi xe chưa chạy sao tui thấy chú nói chuyện với người bà con châm rặt là tiếng Tàu, mà tự nãy giờ chú lại sõi tiếng Việt quá vậy ?

Anh khách chờ cho Phấn hỏi hết câu, cười lớn:

- Tưởng cô Hai hỏi cái gì chớ ! Nói thiệt với cô Hai tôi là người Tàu rặt ròng nhưng ông già tôi ổng lại cho tôi đi học ở trường Việt từ lớp Năm cho đến khi thi Tiểu-học, tôi đậu bằng Tiểu-học rồi đó cô Hai ! Vì vậy hiện nay tôi đọc viết chữ Việt cũng xuôi róc chớ đừng nói gì đến việc "nói" không thôi !

Phấn gật đầu:

- Hèn chi chú ăn nói thạo quá !

Anh khách cười càng thêm tươi và cánh tay anh gác lên chỗ dựa sau lưng Phấn lại được hạ lần xuống thêm một chút.

Trong lúc đó, tiếng xe chạy êm tai và gió thổi mát mặt làm cho Tư Cầu thấy bắt đầu buồn ngủ. Anh ta lấy gói quần áo đặt lên băng dựa rồi kê đầu gối lên cho đỡ đau cổ mỗi khi xe xóc dằn. Xong anh ta khoanh tay lên trước ngực và bắt đầu lim dim...

Phấn để ý thấy, định kêu anh ta dậy nhưng không biết nghĩ sao lại thôi và bỗng dưng cô ta lại mỉm cười một mình.

Một hồi lâu sau, anh khách lại lên tiếng:

- Anh ngồi bên cô Hai đó chắc là bà con trong nhà phải không cô Hai ? Phấn không biết trả lời sao cho xuôi nên nói mập mờ:

- Hổng phải bà con thiệt, nhưng... cũng như bà con...

Anh khách có vẻ không vừa ý về câu trả lời lơ lửng đó, nên soi mói nhìn hai gói quần áo của Phấn và Tư Cầu như dò xét:

- Cô Hai lên Saigon rồi lâu mau mới về?

- Dạ... chắc hơi lâu lâu...

- Ủa, bộ cô Hai không tính trước chừng nào về sao?

Phấn do dự một hồi rồi đáp:

- Hổng nói dấu gì chú, hai đứa tôi tính lên kiếm chuyện mần ăn...

- Mà cô Hai với anh... anh Tư đây tính lên trển làm ăn gì đây ? Ở trển của khó người đông, cái gì một chút cũng phải mua, phải sắm hết chớ bộ dễ dãi như dưới mình sao !

Rồi như khám phá điều gì, anh ta hỏi vặn lại Phấn:

- Cô Hai ở Trà-ôn ở nhằm xóm nào vậy cô ?

- Tui hổng có ở tại chợ. Tui ở dưới Rạch Chiếc mà !

- Ủa, lóng nầy lúa sắp chín đông ken rồi mà cô Hai với anh Tư đây lại bỏ đi lên Saigon kiếm việc làm ăn... Sao không đợi qua Tết rảnh rang rồi đi có tiện hơn không cô Hai ?

Phấn bị anh khách hỏi dồn như vậy, nổi dóa:

- Chú nầy kỳ hông ! Tui muốn đi chừng nào thây kệ tui, mắc mớ gì mà chú hỏi tới chớ !

Anh khách xuống nước:

- Ậy, cô Hai nghĩ bậy cho tôi rồi ! Tôi hỏi đây không phải là tôi muốn xía vô chuyện riêng của cô Hai, nhưng tôi có lên xuống Saigon bỗ hàng cho ông già tôi hoài nên tôi biết rành lắm cô Hai à. Ông già tôi là chủ tiệm chạp phô, tiệm chú Ựng nên hông nhà lồng chợ đó cô Hai ! Tôi đi Saigon chuyến nầy là lên ở luôn, tôi lên làm tài phú cho một tiệm bán sắt vụn trong Chợ lớn.

Phấn tò mò hỏi chận:

- Vậy chú đây là con của chú Ựng ? Mà sao chú hổng ở nhà coi sóc cái tiệm lại lên Chợ lớn, Saigon đi mần công cho người ta vậy?

Anh khách thấy Phấn để ý đến việc riêng của mình nên phấn khởi kể luôn :

- Không nói dấu gì cô Hai, ở dưới nầy thì đã có hai vợ chồng anh Hai tôi lo phụ giúp ông già rồi. Như vậy nữa rồi ảnh cũng kế vị làm chủ luôn cái tiệm đó. Phần tôi, chưa vợ chưa con lổng chổng một mình, chẳng lẽ già đời ở đó để làm công trong tiệm của ông già ? Tôi nghĩ xa nghĩ gần hoài, rốt cuộc rồi phải tính đến việc bay nhảy với người ta chớ ! Năm nay tôi hai mươi ba tuổi đầu rồi chớ phải nhỏ nhít gì sao ! Thời may, tôi có ông chú buôn sắt trên Chợ lớn mới gởi thơ xuống kêu tôi lên làm tài-phú cho ổng. Tôi không do dự gì hết, đi liền. Lên trển rồi mới lập nghiệp với người ta được chớ ở dưới nầy chạy hiệu hoài cũng buồn trong bụng lấm cô Hai à !

Phấn tán thành:

- Vậy là phải lắm ! Tui cũng ở trong cảnh như chú vậy...

- Hèn chi !... Nhưng phần tôi thì đã có sẵn chỗ ăn chỗ làm, chớ cô Hai với anh Tư đây... đi lên trên đại như vậy kể ra cũng... gan lắm! Tôi nghĩ tới chỗ đó nên mới... xía vô công việc riêng của cô Hai như hồi nãy cô Hai cự nự tôi đó !

Nói đến đó, anh khách mỉm cười nhìn thẳng vào mất Phấn rồi tiếp:

- Chắc bây giờ cô Hai hiểu rõ bụng tôi, hết giận tôi rồi chớ ? Tôi thấy hoàn cảnh của cô Hai và anh Tư đây tôi ái ngại nên tôi lo bá vơ vậy... Tánh tôi kỳ vậy cô Hai à !

Phấn lấc đầu:

- Không đâu, như vậy là chú tốt lắm !

- Cô Hai nói thiệt hay là nói xâm nói xéo tôi đó ?

Phấn cười đáp:

- Thiệt mà ! Tôi nói xâm chú té vàng té bạc gì chớ !

Anh khách ngập ngừng một hồi rồi nói một hơi:

- Thiệt tình tôi thấy hoàn cảnh của cô Hai và anh Tư tôi không sao yên tâm được. Tôi tuy không lỏi đời gì cho lắm nhưng đi lại đó đây cũng đã nhiều, nhìn sơ qua cảnh của cô Hai, tôi cũng đoán được một vài phần... Bởi vậy từ đây cho tới Cần-Thơ rồi lên Saigon, nếu cô Hai thấy có bỡ ngỡ chuyện gì thì xin cô Hai đừng ngại, cô Hai cứ nói thẳng với tôi, tôi sẽ xin hết lòng lo liệu...

Thấy Phấn lặng thinh anh khách hạ thấp giọng hỏi nhỏ bên tai con Phấn :

- Tôi nói như vậy có điều gì không phải sao cô Hai ? Bộ cô Hai còn giận tôi sao hả cô Hai ?

Phấn mỉm cười lắc đầu, rồi khẽ thở dài cúi đầu ngó xuống gói quần áo và lấy tay vân vê mối dây buộc phía trên gói...

Một hồi lâu, cô ta liếc mắt nhìn qua Tư Cầu. Tư Cầu vẫn ngủ ngon lành, thỉnh thoảng đầu của anh ta từ từ gục xuống trước ngực rồi lại giựt dội trở lại ngả lên trên như cũ.

Phấn thấy gói quần áo của Tư Cầu kê sau cổ đã tuột xuống chèn sau lưng nó nên vói tay kéo ra. Tư Cầu giựt mình ngồi ngay lại, lấy tay dụi mắt rồi hỏi Phấn :

- Bộ gần tới rồi hả?

Phấn tức cành hông định mở miệng cự anh ta nhưng rồi lại ngao ngán thở dài và lắc đầu buông thõng một câu :

- Chưa tới đâu...

Chiếc xe chạy tới khoảng đường xấu nên dằn dữ... và bỗng nhiên Phấn nhận thấy một bên vai của mình được dựa êm vào một bên ngực của anh khách, không biết từ hồi nào!

Chiếc xe càng xóc, cô càng có một cảm giác dễ chịu và sao thấy được an tâm thêm rất nhiều.

Và cũng thật kỳ lạ chưa bao giờ Phấn thấy Tư Cầu xa cách mình như vậy.