văn hữu vườn tao ngộ

Nơi lưu trữ tác phẩm của PBTD và thân hữu. Liên lạc: phanbathuyduong@gmail.com

Thursday, July 11, 2013

VIÊN LINH * Bến Hải, Thủy Mộ của Vũ Anh Khanh

Trong số các nhà văn, nhà thơ miền Nam (sau vĩ tuyến 17), có một thi sĩ nổi tiếng mà sử sách cả hai bên Quốc-Cộng ít nói đến, là Vũ Anh Khanh, tác giả bài thơ khét tiếng ‘Tha La Xóm Ðạo’; kẹt vì ông đang ở miền Nam thì tập kết ra Bắc năm 1954; cái kẹt thứ hai là năm 1957 ông bơi qua sông Bến Hải trở về quê hương miền Nam, và nghe nói bị miền Bắc bắn theo, ông đã nằm sâu trong lòng sông biển. Sử sách miền Bắc chắc chắn không dám nói đến ông, còn sử sách miền Nam quá ngắn ngủi, lại còn bị thiêu hủy sau này, nên nếu người hải ngoại quên ông, là tất cả sẽ lãng quên thêm nhiều năm nữa, trước khi có một Việt Nam hưng phục trong nền Văn hiến cũ và mở mang xây dựng lại từ đầu.


Nhà thơ Vũ Anh Khanh sinh năm 1926, tên khai sinh là Nguyễn Năm, quê quán thị xã Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, sinh sống tại thành phố Sài Gòn, có thơ văn đăng trên các báo ở thủ phủ miền Nam từ mấy năm chót của thập niên 40, nghĩa là trong khoảng thời gian ông trưởng thành, những năm hai mươi tuổi. Ðây là thời gian đất nước xáo trộn giữa các ảnh hưởng thời thế, chính sự, từ cuộc vận động của các tổ chức, đoàn thể, sự thức tỉnh tự thân tự nguyện của giới thanh niên trí thức trẻ, trong có các văn nghệ sĩ, đưa đến cuộc tranh đấu chống Pháp năm 1945 tới cảnh ra bưng, về thành, bên này bên kia một lằn ranh tù ngục hay máu lửa, nhưng được phủ lên bằng một làn sương lãng mạn, thi vị hóa, như con sông nào cũng có thể là Sông Dịch, và những Vũ Anh Khanh, Khổng Dương, Thẩm Thệ Hà... những nhà văn nhà thơ thao thức với chuyện non sông đất nước, bỗng trở thành những Kinh Kha nhập Tần, những Thái tử Yên hay Cao Tiệm Ly. Bản sắc thơ văn của giai đoạn này vừa bi hùng, vừa tràn đầy mỹ cảm được thấy ở khắp ba miền, song nổi bật ở trong Nam, được gọi quen thuộc là thơ văn Tranh đấu Nam bộ, có lẽ một phần là nhờ sinh hoạt báo chí ở Sài Gòn Gia Ðịnh trong giai đoạn đó phồn thịnh hơn sinh hoạt báo chí ở Huế hay Hà Nội. Nhà thơ Trần Tuấn Kiệt, một người miền Nam, lớn lên và sống tại Sài Gòn, đã có một nhận định chung về thời kỳ này, khá đúng về tổng quát: “Trong thời Nam bộ kháng chiến, cùng với một số nhà văn, lý thuyết gia như Tam Ích, Hồ Hữu Tường, Thiếu Sơn, Dương Tử Giang, với một số nhà thơ như Vũ Anh Khanh, Thẩm Thệ Hà, Hoàng Tố Nguyên, Chim Xanh, v.v., đã tạo nên một thời văn nghệ chiến đấu thật rực rỡ. Văn nghệ miền Nam được sáng chói và góp công lao xây dựng một cuộc quật khởi chung trên tinh thần độc lập của dân tộc, họ là những người xây cất những nền móng vững chắc buổi đầu. Và cũng là những người đã công khai lên tiếng kêu gọi trực tiếp hoặc gián tiếp tinh thần yêu nước thật sự của người dân bị nô lệ.” (Trần Tuấn Kiệt, Thi ca Việt Nam Hiện Ðại, 1880-1965, Khai Trí, Sg, 1967) Như thế tạm thời ta hãy nhận giai đoạn đó là giai đoạn Thơ văn Tranh đấu lãng mạn miền Nam, hay tranh đấu mà vẫn rất lãng mạn, ra đi vì tự nguyện, vì đất nước đang dưới sự cai trị của người, có khác so với thơ văn kháng chiến của miền Bắc, đa số các thi sĩ cũng là tự vệ thành, hay là bộ đội ngoài mặt trận.
Em chẳng biết gì ư?
Bao năm qua khói loạn phủ mịt mù!
Người nước Việt ra đi vì đất Việt.
Tha La vắng vì Tha La đã biết,
Thương giống nòi đau đất nước lầm than”
(VAK, Hận Tha La)*

Trong bối cảnh chung của văn chương miền Nam thời 1945-1954, Vũ Anh Khanh là nhà thơ nhà văn hàng đầu. Nhà phê bình văn học Nguyễn Văn Sâm viết: “Nói đến văn nghệ miền Nam thế hệ 45-50, người ta nghĩ ngay đến cặp Lý Văn Sâm-Vũ Anh Khanh, cũng như nói đến nhà văn thế hệ 32 người ta nghĩ ngay đến Khái Hưng và Nhất Linh [...]Nếu có thể xếp các nhà văn theo thứ bậc, tùy theo kết quả những tác phẩm của họ ta phải xếp Vũ Anh Khanh rồi mới tới Lý Văn Sâm, Hồ Hữu Tường, Phi Vân, Dương Tử Giang, Thẩm Thệ Hà, Sơn Khanh...” (NVS, Văn chương Tranh đấu Miền Nam, Kỷ Nguyên, Sài Gòn, 1969) Trong số các nhà văn nhà thơ từ miền Nam đi tập kết ra Bắc vào năm 1954 có Vũ Anh Khanh và Xuân Vũ. Xuân Vũ sau này, khoảng 1965, đã vượt Trường Sơn thành công về lại quê cũ, làng xưa, - quê hương Nguyễn Ðình Chiểu - và cầm bút trở lại để phơi bày cái giá mà ông và bạn hữu phải trả vì sự lầm lẫn của mình về Việt Minh Cộng Sản, thì nhà thơ Vũ Anh Khanh kém may mắn hơn nhiều. Xuân Vũ tới được bến bờ Tự Do, còn Vũ Anh Khanh, trong khi bơi qua sông Bến Hải, thì một mũi tên tẩm thuốc độc đã bắn theo. Xuân Vũ kể lại lúc Vũ Anh Khanh bơi qua sông Bến Hải để về Nam, là khoảng năm 1956. Nhưng Luật Sư Nhuệ Hồng Nguyễn Hữu Thống nói với người viết bài này, lúc ấy phải là năm 1957, hay có thể chậm hơn nữa, vì Giáng Sinh 1956 ông còn gặp Vũ Anh Khanh ở New Delhi, Ấn Ðộ, trong Hội Nghị Các Nhà Văn Á Châu. Nhà văn Xuân Vũ có kể: Vũ Anh Khanh mà được cử đi dự Ðại hội Tân Ðề Li là vì công an cộng sản không thấy tác giả bài thơ Hận Tha La trong cuộc tụ tập ở khu Trường Tiền Hà Nội để phản đối sự chỉ huy văn nghệ của đảng nhân phong trào “Trăm hoa đua nở, Trăm nhà đua tiếng.” Ðó là cuộc mít-tinh của nhóm miền Nam tập kết ra Bắc phản đối những người Cộng Sản Hà Nội. “Sau khi dự hội nghị về, Vũ Anh Khanh được giấy đi công tác ở Vĩnh Yên. Vĩnh Yên phía trên Hà Nội ấy. Anh ta liền sửa giấy công tác, từ Vĩnh Yên thành Vĩnh Linh, chỗ gần sông Bến Hải. Từ Hà Nội, Vũ Anh Khanh đi bộ vào Vĩnh Linh và rồi bơi qua sông Bến Hải.” Chuyện ra sao, những người yêu bài thơ Hận Tha La có thể đã nghe biết. Là Vũ Anh Khanh bơi qua sông, khi tới giữa sông thì công an bộ đội cộng sản phát giác. Chắc rằng họ ra lệnh cho ông phải bơi trở lại, nhưng chuyện ấy không xảy ra. Họ bắn theo, không bằng súng, mà bằng cung tên, mũi tên có tẩm thuốc độc, nên tác giả Sông Máu không bao giờ còn được hít thở không khí tự do mà ông đã bỏ mất từ 1954, khi tập kết ra Bắc. Trong ghi chép hàng ngày của một học giả [Ðoàn Thêm] làm công việc của một sử gia biên niên, lại có cơ hội thuận tiện là làm việc trong Văn phòng Tổng thống phủ VNCH, có một số việc được ghi lại như sau:

- 4.10.1956: Ba người liều mạng bơi qua sông Bến Hải vào Nam.
- 19.11.1956: Mười chín người từ Nghệ An đi ghe vượt tuyến tới Ðà Nẵng.
- 8.4.1957: Bốn mươi mốt người dùng thuyền vượt tuyến vô Nam.
- 28.10.1957: Hai sinh viên vượt tuyến vào Nam.
- 11.2.1958: Mười bốn người vượt tuyến vô Nam xuyên qua Lào.
- 2.7.1958: Hai mươi sáu người vượt tuyến qua Lào tới Sài Gòn.
...
Ta nhận thấy từ năm 1958, người ta vượt tuyến bằng đường bộ, xuyên qua Lào, không thấy ai bơi qua sông Bến Hải nữa. Nếu có, người ta đi đông, và dùng thuyền. Có thể đoán, người tìm tự do sau cùng bằng cách bơi qua sông là Vũ Anh Khanh. Cái chết của ông trên Sông Máu, bằng mũi tên tẩm thuốc độc bắn theo từ bờ phía Bắc, hẳn đã khiến vang dội cả hai bên bờ. Có thể yên tâm viết:

Vũ Anh Khanh (1926-1957). [Viên Linh bổ sung, 7.2013]
* Bài thơ Tha La được nhắc lại với vài tên khác nhau: Hận Tha La, Tha La Xóm Ðạo, hay Tha La. Vì người viết không có bản in lần đầu, nên cũng thể ghi là chép theo văn bản nào. Còn nhớ, hy vọng không lầm, khi chúng tôi mua được cuốn Thơ Mùa Giải Phóng trên lề đường Lê Văn Duyệt vào năm 1955, thì bài này có nhan đề Hận Tha La.