văn hữu vườn tao ngộ

Nơi lưu trữ tác phẩm của PBTD và thân hữu. Liên lạc: phanbathuyduong@gmail.com

Friday, October 11, 2013

LAN ĐÀM * thôi hãy ngủ đi

* nguyên khai

Gửi Những Người Tình Văn Khoa Sàigòn

Thôi hãy ngủ đi, này con chim nhỏ,
Anh dẫn em vào trăm lối mộng xưa.
Đêm có lạnh, gối tay anh êm ả,
Mặc ngoài kia tuyết gọi gió đong đưa.

Thôi hãy ngủ đi, Sàigòn mưa đổ,
Thềm Văn Khoa em đứng đó trông trời.
Muôn sợi trắng giăng mờ lòng phố cổ,
Giọt nước nào rơi trộm tóc buông lơi.

Thôi hãy ngủ đi, lá me đường cũ,
Hè Nguyễn Du chiều tan lớp rộn ràng.
Lời ai ngỏ động linh hồn thục nữ,
Áo tà bay quấn quýt bước hoang mang.

Thôi hãy ngủ đi, em môi vụng dại,
Đầu mùa thu thư viện vắng trao hôn.
Trang sách mở ngẩn ngơ quên đóng lại,
Ghế giảng đường từ đó xích gần hơn.

Thôi hãy ngủ đi, em xinh gấm đỏ,
Lối trưa đầy xác pháo ấm hài thêu.
Đeo nhẫn mới nôn nao về nhà lạ,
Mười ngón gầy đan chặt nghĩa thương yêu.

Thôi hãy ngủ đi, em thiên thần mẹ,
Để anh làm thơ kể chuyện chúng mình.

LAN ĐÀM

VÕ THỊ ĐIỀM ĐẠM * mãi mãi...


Tiếng Stephan reo to:

-  Ô...ô...điểm bốn trừ, Chúa phù hộ con, con xỉu mất, Chúa... Chúa....
 Chưa dứt lời, anh chàng ngã lăn xuống nền gạch, nằm ngay dưới chân cô Ann Juile.  Vừa nghe tiếng kêu ô... ô… là ai cũng biết nơi phát xuất, bàn gần cuối dãy giữa, đích thị anh chàng tóc quăn từng lọn, mang nét đẹp hoang dại thời cỗ xưa Hy Lạp, vua tếu và cũng là vua dốt của lớp 10B.  Nhìn dáng nằm hai chân co cao, hai tay cầm chặt bài thi đưa lên môi hôn liên tục, mắt nhắm mê mang, trông như đứa con nít đang được một bình sữa thơm ngon, cả lớp cười ầm, cô Ann Julie cũng cười.  Anh chàng suốt đời đành an phận với điểm hai, cao lắm là điểm ba trừ.  Nhất là môn văn, viết được một trang, thêm vài dòng nữa thì tịt ngòi, hên lắm mới có được cái điểm hai cộng, có nghĩa là điểm hai giỏi.  Nay được điểm bốn, dầu cho điểm bốn trừ, lại là bài thi mùa đông, sẽ được đưa vào sổ điểm, anh chàng xỉu là phải.  Cô Ann Julie đá nhè nhẹ vô sườn Stephan, giọng âu yếm:

NGUYỄN AN BÌNH * chiều xưa có ngọn trúc đào

 
1*
Cơn mưa nhỏ chiều xưa. Chờ nhau bên trường luật.
Tà áo xanh lất phất. Dầm mưa đón em về.
Con ngựa sắt nhà quê. Đạp mòn cả gôm thắng.
Mưa trái mùa lạnh cóng. Tay ôm chợt ấm lòng.

Dù xe chạy lòng vòng. Vì có em bên cạnh.
Thấy đường dài cũng ngắn. Tạt vội quán bên đường.
Ly chè đậu cạnh trường. Nước cốt dừa ngọt sắc.
Nhìn nhau trong ánh mắt. Cười- cùng ngắm mưa bay.

2*
Cơn mưa nhỏ chiều nay. Chợt về trong quán vắng.
Nhớ em tà áo trắng. Đã xa rồi trong mơ.
Sao tôi còn ngẩn ngơ. Qua bao mùa phượng đỏ.
Tràn đầy trong nổi nhớ. Tình đầu thật nhỏ nhoi.

Cuốn trôi theo dòng đời. Bên hiên người buồn bã.
Nỗi sầu như cánh lá. Mưa qua tuổi học trò.
Đánh mất mối tình thơ. Trái tim thầm nhắn nhủ.
Rưng rưng bài hát cũ. “Chiều xưa ngọn trúc đào”

* lời bài hát “Ngọn trúc đào” thơ Nguyễn Tất Nhiên, nhạc sĩ Anh Bằng phổ nhạc

Thursday, October 10, 2013

PHAN XUÂN SINH * Nguyễn Đình Toàn – một nhân dáng lớn của sinh hoạt văn nghệ Sàigòn


Rất nhiều người nói về ông, viết về ông. Ông là một nghệ sĩ đích thực đã để lại trong lòng người đọc, người nghe một ấn tượng khó quên từ nhiều thập niên trước cho đến bây giờ. Trong chương trình phát thanh tối Thứ Năm của đài Sài Gòn mọi người chờ nghe Nhạc Chủ Đề của Nguyễn Đình Toàn. Ông có một lối dẫn nhập rất lạ và rất hấp dẫn lôi cuốn người thưởng ngoạn. Cho đến bây giờ lớp tuổi trên dưới 60 vẫn không quên lời dẫn vào bài hát như thỏ thẻ với người yêu, nó nhẹ nhàng trầm lắng với giọng đọc rất điêu luyện của chính ông, đã làm say mê biết bao con tim thuở đó. Nội trong lãnh vực nầy ông đã chiếm trọn vẹn người thưởng thức. Tôi còn nhớ lúc đó ngoài chiến trường với chiếc radio transistor nhỏ bằng bao thuốc, một cái ecouteur gắn vào tai. Chúng tôi có những giây phút chìm vào chương trình nhạc Chủ Đề của Nguyễn Đình Toàn. Ông đã mang lại cho chúng tôi những giờ nghỉ ngơi thật tuyệt vời khi đối đầu với chiến trường.

Hà Thúc Sinh * Dưa Cà Mắm Muối

Ông bà đi một tháng thăm mấy cậu dì học xa. Kinh nghiệm những lần trước nhà thiếu bà như quân thiếu tướng, bừa bãi chồng lên nhau một tí, bẩn quệt lên nhau một tí, không lâu trong nhà ngoài vườn thừa điều kiện đón bà về bằng nỗi bàng hoàng. Lần này bà dặn vợ chàng, "Mẹ đi cuối tuần chị chịu khó ghé xem trong ngoài hộ mẹ." Cậu em cười, Chưa chi mẹ lo cái vườn đấy." Bà gắt, "Liệu mà lo cơm nước cho bà cố." Chàng bảo vợ, "Dưới vòm trời đâu có mẹ có vườn đó có chút quê hương." Mấy đứa cháu nhỏ bà gom về hết. "Các anh các chị bận đi làm," bà bảo, "hè cứ đem hết về đây cho bà trị." Thằng út chàng nằm trong số gom quân. Dì út nghiễm nhiên xử lý thường vụ chức tư lệnh. Bảng phân công gắn trên tủ lạnh. Lính tráng tuân lệnh răm rắp. Cuối tuần ghé, nó cầm vòi tưới, khoe, "Con phải làm thôi. Thằng Khôi to con lo cắt cỏ. Cái Vân tưới dối, chết cây bà." Chàng hỏi, "Thế tưới sao mới thật?" Nó bảo, "Thọc hết ngón tay xuống vẫn ướt mới đủ." Vợ chàng nói, "Bà bảo không sai. Thằng này tóc quăn, sau lại khổ." Chàng nói, "Cỡ bố nó là cùng." Vợ chàng cười, "Tóc anh hết quăn rồi." Chàng thở ra, "Hói còn quăn vào đâu!"

NGUYỄN THANH HUY * thoáng chút qua đời


Thoáng chút tuổi thơ chìm sâu ký ức,
Kỷ niệm nhạt nhòa còn mãi trong ta,
Theo với thời gian chút còn chút mất,
Vẫn thấy ngậm ngùi trong nỗi xót xa.


Thoáng chút tuổi xuân rời xa phố thị,
Sống với bạn bè trong buổi binh đao.
Lửa đạn sa trường đứa còn đứa mất,
Thỉnh thoảng về thành lòng thấy nao nao!


Thoáng chút tình yêu theo đời lận đận,
Như nước xa nguồn chỉ một lần thôi.
Bao khốn khó trên vai người lính trận,
Vẫn cứ xuôi dòng theo kiếp nỗi trôi...

ĐINH LÂM THANH * những món nợ phải trả


Đời người, ai cũng phải một lần mang nợ. Không nợ tình, nợ tiền, nợ vợ chồng, nợ cha mẹ, nợ con cái… thì cũng phải nợ với Bạn Bè, Quê Hương và Tổ Quốc. Riêng đối với những Vị một thời mặc áo lính, chắc chắn còn thêm một món nợ nữa : đó là nợ Đồng Đội.
Có thể nói rằng, trong các cấp chỉ huy quân đội cũ, một số nhỏ không còn bận tâm đến những món nợ nầy, vì họ đã quên thuộc cấp, là những người lính dưới quyền hy sinh mạng sống, trong mỗi lần giao tranh, để cho họ may mắn sống sót đến ngày hôm nay. Đây là một món nợ phải trả đối với những người biết suy nghĩ, nhất là một số sĩ quan đang định cư nước ngoài. Tôi thấy trong số những người nầy, đôi lúc họ nhẫn tâm quên hẳn quá khứ đau thương của mình với đồng đội trước kia, nhưng lại thích xuất hiện trong nhiều cơ hội để đánh bóng cấp bậc cũng như huy chương.

Tuesday, October 8, 2013

TÔ THÙY YÊN * ngọn gió lạ thường sẽ thổi tới


Một ngày, ngọn gió lạ thường sẽ thổi tới
Ngoài biển khơi, trên lục địa...
Sò hến, côn trùng cũng chẳng yên thân

Ngọn gió lạ thường sẽ thổi tới
Quật ngã những bức tượng, xô sập những đền đài
Tiếng hú chạy dài suốt lịch sử

Ngọn gió lạ thường sẽ thổi tới
Xé rách một kỷ nguyên, phân tán các dân tộc
Để mọi người câm lặng ăn năn

Monday, October 7, 2013

NGUYỄN MẠNH TRINH * Nguyễn Xuân Hoàng, vài nét về tác giả và tác phẩm

phác họa Phạm Công Thiện

Thời đại của Nguyễn Xuân Hoàng là một thời thế đặc biệt. Ở đó, đầy những biến cố từ thuở kháng chiến chống Pháp, đến thời đệ nhất, đệ nhị Cộng Hòa, từ những cuộc di cư đến ngày di tản, từ cuộc vượt tuyến di cư vào Nam đến vượt biển tị nạn xứ người. Những biến cố ấy tạo cho cả một thời đại những nét chung mang nhưng lại là những điều riêng biệt trong ký ức mỗi người.
Ðọc sách viết về thời kỳ ấy hay viết để kể lại, cái nét chung ấy nhiều khi chuyển thành riêng biệt. Trong văn chương, lấy cái chung làm cái riêng của mình chẳng phải là dễ dàng. Nguyễn Xuân Hoàng là một tác giả mà trong tác phẩm của mình đã mang độc giả đi qua những cảm giác tiền chế của cái chung để đi vào cái riêng của mình một cách rất nghệ thuật. Chính cái nét sống động, của những mảnh đời thật, của biến cố thực, của cảm giác thực đã làm độc giả đi vào một thế giới với sự tò mò qua nhiều câu hỏi. Nguyễn Xuân Hoàng? Trần Lâm Thăng của Người Ði Trên Mây và Bụi và Rác? Là tôi trong Tự Truyện Một người Vô Tích Sự, trong Ngôi Nhà Ngói Ðỏ?

NGUYỄN AN BÌNH * chiều ghềnh ráng mưa bay



























Chiều Ghềnh Ráng mưa bay mù phố biển
Em chờ ai trên đồi cỏ Thi Nhân
Chiếc lá rơi nhẹ bước tưởng như gần
Tôi cứ ngỡ ai cười trong tiếng gió.

Bãi Hoàng Hậu mênh mang vờn sóng vỗ
Mãi thì thầm ru giấc ngủ nhà thơ
Trăng ngàn năm sao trăng quá hững hờ
Tình say đắm trong tim Hàn Mặc Tử.

Lầu Ông Hoàng một thời thành muôn thuở
Tiếng thơ còn vương bút điện Dzũ Kha
Khẻ chạm tay từng nét phiến thông già
Nghe hơi thở nhà thơ còn quanh quẩn.

Mười mấy năm không về qua Ghềnh Ráng
Biết có còn mưa trên mộ họ Hàn
Biết có còn lá rơi dốc Thi Nhân
Đôi mắt biếc vai mềm người con gái?

Đường thiên lý đâu xuôi về nơi ấy
Chờ đợi chi trăng đã rụng lâu rồi
Chờ đợi chi kẻ góc biển chân trời
Chỉ còn lại vầng trăng Hàn Mặc Tử.
Tháng 10/2013