văn hữu vườn tao ngộ

Nơi lưu trữ tác phẩm của PBTD và thân hữu. Liên lạc: phanbathuyduong@gmail.com

Thursday, October 10, 2013

PHAN XUÂN SINH * Nguyễn Đình Toàn – một nhân dáng lớn của sinh hoạt văn nghệ Sàigòn


Rất nhiều người nói về ông, viết về ông. Ông là một nghệ sĩ đích thực đã để lại trong lòng người đọc, người nghe một ấn tượng khó quên từ nhiều thập niên trước cho đến bây giờ. Trong chương trình phát thanh tối Thứ Năm của đài Sài Gòn mọi người chờ nghe Nhạc Chủ Đề của Nguyễn Đình Toàn. Ông có một lối dẫn nhập rất lạ và rất hấp dẫn lôi cuốn người thưởng ngoạn. Cho đến bây giờ lớp tuổi trên dưới 60 vẫn không quên lời dẫn vào bài hát như thỏ thẻ với người yêu, nó nhẹ nhàng trầm lắng với giọng đọc rất điêu luyện của chính ông, đã làm say mê biết bao con tim thuở đó. Nội trong lãnh vực nầy ông đã chiếm trọn vẹn người thưởng thức. Tôi còn nhớ lúc đó ngoài chiến trường với chiếc radio transistor nhỏ bằng bao thuốc, một cái ecouteur gắn vào tai. Chúng tôi có những giây phút chìm vào chương trình nhạc Chủ Đề của Nguyễn Đình Toàn. Ông đã mang lại cho chúng tôi những giờ nghỉ ngơi thật tuyệt vời khi đối đầu với chiến trường.

Tôi nhớ lại, khi còn ngồi trên ghế nhà trường vào khoảng giữa thập niên năm 60. Chúng tôi đứa nào cũng thuộc vài câu thơ “Khúc Ca Phạm Thái” của Nguyễn Đình Toàn. Bài thơ lấy nhân vật Phạm Thái và Trương Quỳnh Như trong “Tiêu Sơn Tráng Sĩ” truyện lịch sử của Khái Hưng:

Ta tráng sĩ hề, lòng không mềm bằng kiếm,
Ta anh hùng hề, sự nghiệp có đầy đôi mắt Trương Quỳnh Như.
Chí nhỏ lòng kiêu, đổ thừa vận rủi,
Tài sơ sức mỏi, trách với thời cơ.
Lòng chua cay uống mãi rượu giang hồ…

Khi ở trong quân đội, mỗi lần nhậu say có một thằng đứng lên đọc bài thơ nầy, giọng đọc mạnh. Bình thường thì nó không thuộc, nhưng khi tới chỉ thì nó sang sảng đọc thuộc bài thơ một cách trôi chảy. Sau khi đọc xong thì nó khóc. Cho nên trong đơn vị anh em ai cũng nhớ vài câu là vì vậy. Sau khi nó mất năm 1971 trong mặt trận ở Đức Dục, Quảng Nam, mỗi lần anh em còn lại ngồi nhậu đều nhớ tới nó và nhớ bài thơ “Khúc Ca Phạm Thái” của Nguyễn Đình Toàn.

Ông là một nhà thơ nên lời của ông viết nhạc nó cũng mang âm hưởng của thơ. Ta hãy đọc qua mấy câu đầu của bài hát “Tình khúc thứ nhất” nhạc của Vũ Thành An, lời của Nguyễn Đình Toàn. Lời nhạc như thơ:

Thần tiên gẫy cánh đêm xuân
Bước lạc sa xuống trần
Thành tình nhân đứng giữa trời không
Khóc mộng thiên đường...

Hay lời trong bản nhạc “Mẹ”, lời nhạc bức phá qua những khuôn phép. Cách dùng chữ và âm điệu không theo một quy luật nào cả, như một loại thơ cách tân:

Chân tay con mẹ cho với sữa mẹ. Trong tim con mẹ sang máu xuân thì. Nôi xinh xinh ngày nhỏ bé. Bóng thơm mẹ còn ghi. Như măng non hoa vừa hé. Tóc mẹ thiết tha che. Trong đêm khuya mẹ như ánh trăng rằm. Soi cho... (Mẹ)

Một ca khúc mà khi còn ở trong nước ông làm gửi chui qua được tới Pháp. Ông Võ Văn Ái gửi qua cho chị Khánh Ly ở Mỹ. Bản nhạc mang tên “Sài Gòn Niềm Nhớ Không Tên” ký tên là Hồng Ngọc (Vì còn ở trong nước nên anh lấy tên nầy để khỏi bị làm khó dễ). Sau một thời gian ngắn bản nhạc được người ở hải ngoại lẫn trong nước đón nhận một cách nồng hậu. Sau khi được định cư ở Mỹ bài hát nầy ông  lấy lại cái tên mà chính ông đặt trước đây:  “Nước Mắt Cho Sài Gòn”:

“….Sài Gòn ơi! Tôi mất người như người đã mất tôi
như trường xưa mất tuổi thiên thần
hy vọng xa hay mộng ước gần
Đã lìa tan…”

Ông  là một trong những người làm văn học, mang một làn gió mới từ Bắc vào Nam. Cũng như phần đông các văn nghệ sĩ di cư, ông mang Hà Nội vào Nam bằng những hồi tưởng, nhớ thương, xúc động v.v… nên người nghe, người đọc của ông có cảm tưởng rằng Hà Nội không còn riêng của các ông mà Hà Nội cũng là của họ. Vì đọc thơ văn của ông nó đã ăn sâu trong lòng họ. Ông thuộc thế hệ với Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền, Nguyên Sa, Trần Phong Giao v.v… và ê-kíp nầy đã thay đổi bộ mặt văn học Miền Nam thành mới mẻ, tươi tắn. Những bài thơ và truyện của ông đã xuất hiện trên các tạp chí văn nghệ Sài Gòn và đã có một chỗ đứng vững vàng khi ông còn rất trẻ. Tiếng tăm của ông trên các địa hạt Thơ, Văn, Nhạc và sau nầy trên đài phát thanh đã chiếm lĩnh người đọc, người nghe một cách trang trọng, quý mến.

Những tác phẩm của ông trước 1975 gồm có:

1. Chị Em Hải, nhà xuất bản Tự Do, 1962
2. Những Kẻ Đứng Bên Lề, nhà xuất bản Giao Điểm, 1964
3. Con Đường, nhà xuất bản Giao Điểm, 1967
4. Ngày Tháng, nhà xuất bản An Tiêm, 1968
5. Phía Ngoài, nhà xuất bản Hồng Đức, 1969
6. Giờ Ra Chơi, nhà xuất bản Khai Phóng, 1970
7. Đêm Hè, nhà xuất bản Hiện Đại 1970
8. Đêm Lãng Quên, Văn Uyển, 1970
9. Không Một Ai, nhà xuất bản Hiện Đại, 1971
10. Đám Cháy, Văn Uyển 1971

Đã cộng tác với: Văn, Tự Do, Văn Học, v.v.

Ông cũng được một giải thưởng văn học cao quý của Miền Nam trước 1975. Đó là chưa kể nhạc phẩm của ông sáng tác.

Khi qua Mỹ một thời gian ông giữ mục văn học nghệ thuật trên đài tiếng nói Hoa Kỳ (VOA). Đây là khoảng thời gian ông đọc những tác giả đang viết tại hải ngoại, nhận định của ông sắc bén, thêm một chút lãng mạn và được ông đọc trên đài VOA với một giọng đọc truyền cảm của thuở nào, vừa ấm vừa chậm. Lại một lần nữa thu hút thính giả người Việt từ trong nước ra tới hải ngoại.

Trong một lần cách đây chừng 7 năm, tôi được hân hạnh gặp ông tại Dallas trong ngày Văn Hóa do nhà thơ Nguyễn Xuân Thiệp và Hiệp Hội Báo Chí Dallas tổ chức. Buổi tối  ban tổ chức khoản đãi anh chị em văn nghệ sĩ từ xa đến, máy bay của chúng tôi xuống trễ nên không được nghe phần giới thiệu tên tuổi của anh chị em có mặt. Tôi được ngồi trước mặt anh Nguyễn Đình Toàn mà tôi không biết, cho đến khi ông Thanh Hùng người trước đây ngâm bài thơ “Khúc Ca Phạm Thái” trên đài Phát Thanh Sài Gòn đến chào ông, thì tôi mới biết người ngồi trước mặt tôi là một cây cổ thụ văn nghệ của Sài Gòn năm xưa. Sau đó đến phần uống trà và chuyện trò, tôi lần mò tới gần để chào ông. Sau phần nói chuyện xã giao, ông hỏi tôi: “Chắc anh cũng thuộc trong giới viết lách?”. Tôi tình thật thưa với ông là tôi cũng viết lách chút đỉnh, tôi còn giữ hai bài viết của ông đọc trên đài VOA về tôi. Một bài về văn và một bài về thơ. Đó là bài viết mà tôi rất sung sướng bởi được một người nổi tiếng để mắt tới. Ông để tách trà xuống bàn rồi đứng dậy ôm tôi. Hành động nầy của ông một lần nữa làm tôi xúc động. Tôi một thằng viết lách nhảm nhí, một đứa em út chập chững trên văn đàn mà được một đàn anh, một bậc thầy dành cho một tình cảm như vậy. Từ đó tôi quý mến nhân cách của ông, con người của ông và cũng từ đó chúng tôi thỉnh thoảng liên lạc với nhau. Có dịp đến Nam Cali tôi đều đến thăm vợ chồng ông.

Nói về ông không hết được, ông có một bề dày đồ sộ trong sinh hoạt văn nghệ trước và sau 75. Trong địa hạt nào ông cũng được người thưởng ngoạn xếp vào một chỗ đứng trang trọng, một nhân dáng lớn của Sài Gòn trước đây và hải ngoại bây giờ. Theo tôi, dù ông có thành công trên lĩnh vực nào thì trước hết ông là một nhà thơ cái đã. Ông mang chất thơ vào các lãnh vực khác, biến tất cả trở thành lãng mạn, êm ả. Nên ông dễ dàng chinh phục người đọc, người nghe một cách tài tình.

Cám ơn ông, cám ơn những cống hiến của ông với cuộc đời nầy.