văn hữu vườn tao ngộ

Nơi lưu trữ tác phẩm của PBTD và thân hữu. Liên lạc: phanbathuyduong@gmail.com

Wednesday, October 23, 2013

TIỂU TỬ * cơm nguội


Ông già đó lái xe đưa hai thằng cháu nội sáu bảy tuổi đi ăn MacDonal's.
Bữa nay chúa nhựt, vợ chồng thằng con ông không có đi làm, nhưng vì phải đi dự đám cưới của một người bạn vào buổi trưa nên thằng con ông nhờ ông đến nhà vừa giữ nhà vừa trông chừng hai đứa nhỏ.
Nó đã điện thoại cho ông hôm tuần trước để…"xí chỗ" bởi vì nó biết hai đứa em của nó lâu lâu cũng nhờ ông làm như vậy.
Nhà ông chỉ cách nhà của các con ông có ba bốn chục phút xe hơi – nếu xa lộ không bị kẹt – nên việc đi lại không gây nhiều phiền phức.

Ông sống một mình, thành ra khi đứa con nào cần, gọi ông là ông " ừ " !
Trừ phi ông đã hẹn lỡ với mấy ông bạn già đi đánh bài ở nhà ông nào đó, hay đi ăn phở ở khu 13 chợ tàu Paris…

NGUYỄN AN BÌNH * phố mưa

Mưa!
Về trên con phố nhỏ
Rơi trên lá long lanh
Em có ngồi nhớ anh
Khi nhìn qua lớp học
Xa anh em đừng khóc
Lời yêu thương hôm nào
Theo bước nhỏ xôn xao
Mưa đuổi theo cuống quýt
Bàn tay thơm da thịt
Chân nhón tìm đến chân
Trong veo tuổi mười lăm
Nụ hôn đầu, bở ngỡ
Nhìn nhau, cười mắc cở
Yêu nhau được mấy mùa
Em lại chìm trong mưa.

Mưa!
Rạt rào con phố cũ
Khe khẻ nỗi nhớ mong
Trên mái ngói rêu phong
Bao năm rồi em nhỉ
Tiếng mưa thầm thủ thỉ
Em có còn nhớ anh
Như lá nhớ xa cành
Con sông dài nhớ biển
Chiếc thuyền nan nhớ bến
Dù lìa cội xa nguồn
Kiếp tằm còn tơ vương
Đôi tình nhân lưu lạc
Ánh mắt buồn ngơ ngác
Khi gió chuyển sang mùa
Em có về trong mưa?

Tuesday, October 22, 2013

TRƯƠNG ĐẠM THỦY * Người nước Tần

 
Chín Kèn vớ được bà góa phụ giàu có chủ cửa hiệu bán quan tài Lạc Cảnh coi như mồ mả ba đời của nhà ông đã phát.
 
Chín Kèn vốn là nhân viên trong phường bát âm của bà Lạc Cảnh. đám ma nào cũng cần phải có cây kèn đưa hơi của ổng thì người khóc, khóc mới ngon. Chính hồi ông Lạc Cảnh qua đời tiếng kèn của Chín Kèn làm bà khóc đến cạn nước mắt. Từ đó, hình ảnh lão Chín đã in vào mắt bà, khó rứt ra được.
 
Đêm ngồi cạnh chiếc quan tài đỏ khói hương nghi ngút, lão Chín mặc cái áo thun màu cháo lòng trên lưng phủ chiếu lệ chiếc áo dài đen cho phải lẽ, ngồi nhăm nhi cốc rượu đế. con mắt đỏ quanh năm vì thức hết đám tang này sang đám ma khác, lão Chín cũng như một bóng ma âm thầm. Chỉ đến khi có khách đến phúng viếng thì đôi vai lão Chín mới linh động, nâng kèn lên nhấp nhấp “ lưỡi gà”, đi một điệu nam ai trời sầu đất thảm mời gọi những giọt lệ bi ai.

PHẠM TÍN AN NINH * Vệt nắng cuối chiều



Tháng 7/75, khi mọi người vẫn còn đang ngơ ngác, chưa kịp hoàn hồn trước bao thù hận, mất mát chia lìa, thì ở khu làng biển nghèo Bá Hà, một cậu bé 15 tuổi lại ngỡ ngàng trước một tin vui - có mẹ. Khi bà ngoại dắt Hưng vào nhà và chỉ một người đàn bà xa lạ, bảo đó là mẹ mình. Hưng bất ngờ đến sững sờ, cứ ngỡ như bà mẹ này vừa mới từ trên trời rơi xuống.

TRÚC THANH TÂM * Hoa Vú Sữa

















Nắng sáng nay theo anh đi chợ sớm
Ngang nhà em hoa vú sữa đong đưa
Em nhìn ra thấy anh cười chúm chím
Có phải chăng tình đã gieo mùa !

Em hãy để những mùi thơm quen thuộc
Bay ngập ngừng khoảng sân cuối nhà em
Hương người, hương đất bay quấn quýt
Đếm bao giờ cho hết dấu chân quen !

Gió vẫn thổi, biết lấy gì nhốt nổi
Tình cho đi không hẹn dịp lấy về
Bên cửa sổ anh treo hồn đôi mắt
Thật bình thường mơ mộng những giấc mê !

Lá cũng có linh hồn riêng của lá
Tình yêu là sợi chỉ mong manh
Em chớ vội khép đời sau cánh cửa
Mở ân tình góc nhỏ phía tim anh !

TRÚC THANH TÂM
 ( Châu Đốc )

M.H. HOÀI LINH PHƯƠNG * ta không còn nhau… xưa…




































  * với K. ngày ấy…

Người mịt mùng trong gió
Mùa đã tàn theo mưa
Hoa vàng phai mấy độ…
Ta không còn nhau.. xưa…

Bụi mờ trên trang sách
Bụi mù trong mắt cay
Ta bên đời lặng lẽ
Tóc bên đời nghiêng vai

Hỏi thăm vầng trăng cũ
Trăng đã già… còn đâu?
Hỏi thăm người một thuở…
Ngỡ ngàng… trong mắt sâu.

Ta mãi mãi bên ni
Người ngàn xa bên nớ
Không hát bài chia ly
Nhưng nốt trầm đã vỡ

Mới biết .. tình phôi pha
Như hồn ta …áo mỏng
Đau buốt bước chân qua..
Giữa muôn trùng tiếng sóng

Không là ngày xưa nữa
Cho ta về bên nhau
Không có gì vĩnh cửu
Trên con nước bạc đầu…

mhhoàilinhphương
Washington D.C tháng 09/2013.

Monday, October 21, 2013

VĂN QUANG – Những chuyện quái đản ở bệnh viện VN


Nói đến chuyện bệnh viện ở VN nhiều quá rồi, thật tình tôi không muốn nhắc đến nữa. Nhưng còn những chuyện vượt quá sức tưởng tượng của con người giữa thời đại này và có lẽ ngay cả ở thời đại y khoa còn non trẻ lạc hậu cũng không ai dám ngờ tới. Ở đây không phải do khoa học kỹ thuật mà do chính con người. Những con người được dạy dỗ, đào tạo bài bản cả về trình độ chuyên môn đến lương tâm trong sáng và được mang danh là những nhà trí thức, được mọi người vì nể quý trọng. Nhưng tiếc rằng họ đã bỏ quên lương tâm là thứ mà bất cứ một con người nào từ anh vô học đến anh “đại trí thức” đều phải có mới xứng đáng làm người.

Sunday, October 20, 2013

HOÀI ZIANG DUY * Tình bằng hữu qua thơ, nhạc Nghiêu Minh

Tôi quen anh Nghiêu Minh từ năm 1991, cũng là năm tôi định cư tại tiểu bang Virginia . Lần đầu cùng đi với anh, tôi nhớ có anh Sơn Tùng và một số anh em văn hữu. Tôi nghĩ có lẽ từ thông tin của Trần việt Tân ở báo Đời Nay đăng bài thơ của tôi (HZD) và lời chào mừng tôi mới đến định cư. Để rồi cũng từ đó gặp gỡ anh em trong giới làm báo như Giang hữu Tuyên (Hoa thịnh Đốn việt báo), Nguyễn hữu Điển (Thủ Đô thời báo) và hoạ sĩ Đinh Cường. Sau một vài năm đầu ổn định đời sống, tôi viết cho một số báo việt ngữ, và tạp chí như Đi Tới, Làng văn (Canada) Văn học, Hợp Lưu ( Mỹ).

Friday, October 18, 2013

HỒ TRƯỜNG AN * Phương Triều, Người Lữ Hành Đi Vào Bí Nhiệm Cuộc Sống Qua Tập Thơ “Xương Rồng Đen”

PT 1942-2008


Sa Đéc là một tỉnh nhỏ xinh xinh nằm bên bờ Sa Giang êm đềm, một phụ lưu của dòng Tiền Giang. Tôi không nghĩ rằng đây là một chốn địa linh nhân kiệt. Nhưng về nghệ thuật sân khấu, nữ nghệ sĩ Năm Sa Đéc được vang danh khắp Nam Kỳ Lục Tỉnh. Bà nổi danh từ bộ môn hát bội, rồi hát cải lương, sau hết là ở lãnh vực thoại kịch và điện ảnh. Bà là kiện tướng của nghệ thuật trình diễn không nhờ thanh sắc mà ở nghệ thuật diễn xuất. Nhắc tới bà, chúng ta nghĩ tới nữ nghệ sĩ Françoise Rosay của Pháp, hay nữ nghệ sĩ Marguerith Rutherford của Anh, Judith Anderson của Mỹ. Và ngoài ra, vào đầu thế kỷ 20 có 2 tay kiện tướng khoa bản như Luật sư Trần Ngươn Hanh, Kỷ sư Lưu văn Lang (xuất thân từ trường Đại Học Bách Khoa Trung Ương tại Pháp). Về văn chương trước năm 1975 có Sa Giang Trần Tuấn Kiệt nổi tiếng về thơ. Bên văn xuôi có chị Linh Trang (tác giả tập truyện Mưa Chiều) và Phương Triều. Nhưng lúc đó công việc sáng tác của họ chỉ như hoa chớm nụ, trăng vừa tròn gương. Cả hai chỉ tung hoành bên báo chí nhiều hơn.

TƯỜNG-LINH * góc chiều với bạn


Bạn hỡi có chi mà vội vã,
Tránh đâu cho thoát cõi vô thường?
Vào đời xây mộng, tan tành mộng
Hãy cứ xem đi mẩu hý trường.
Đội lửa băng qua bao cuộc chiến
Nay còn được chải tóc hoa sương…

Thì thôi, tiếc với buồn chi nữa
Cắt buộc ràng quanh chuyện lỗ, lời.
Lâu quá thuyền neo vùng bến chật
Quen bờ nên ngại sóng trùng khơi.
Góc chiều được gặp đông bè bạn
Đã ngấm trong men chuyện nghĩa đời!

Cùng thả hồn theo lời nghệ sĩ
Giọng vàng cánh bút chở thơ bay.
Bỗng trầm điệu khúc nương cung bậc
Thanh thoát đàn rơi giọt giọt say
Không phải Tầm Dương chan chứa lệ
Mà bâng khuâng tiếc sớm vơi ngày!

Thơ dâng, rượu bốc. Thời gian chảy
Thành suối yêu mơ thắm thiết nguồn.
Ai cấm ta về vườn mộng cũ?
Dẫu về chỉ gặp bóng trăng suông.
Còn bao nhiêu rượu chia đều cả
Hồi ảnh sông hồ lớp lớp tuôn.