văn hữu vườn tao ngộ

Nơi lưu trữ tác phẩm của PBTD và thân hữu. Liên lạc: phanbathuyduong@gmail.com

Tuesday, October 22, 2013

TRƯƠNG ĐẠM THỦY * Người nước Tần

 
Chín Kèn vớ được bà góa phụ giàu có chủ cửa hiệu bán quan tài Lạc Cảnh coi như mồ mả ba đời của nhà ông đã phát.
 
Chín Kèn vốn là nhân viên trong phường bát âm của bà Lạc Cảnh. đám ma nào cũng cần phải có cây kèn đưa hơi của ổng thì người khóc, khóc mới ngon. Chính hồi ông Lạc Cảnh qua đời tiếng kèn của Chín Kèn làm bà khóc đến cạn nước mắt. Từ đó, hình ảnh lão Chín đã in vào mắt bà, khó rứt ra được.
 
Đêm ngồi cạnh chiếc quan tài đỏ khói hương nghi ngút, lão Chín mặc cái áo thun màu cháo lòng trên lưng phủ chiếu lệ chiếc áo dài đen cho phải lẽ, ngồi nhăm nhi cốc rượu đế. con mắt đỏ quanh năm vì thức hết đám tang này sang đám ma khác, lão Chín cũng như một bóng ma âm thầm. Chỉ đến khi có khách đến phúng viếng thì đôi vai lão Chín mới linh động, nâng kèn lên nhấp nhấp “ lưỡi gà”, đi một điệu nam ai trời sầu đất thảm mời gọi những giọt lệ bi ai.

 
Nghề của lão là nghề cha truyền con nối. Lão Chín học nghề của cha lúc lão mới 18 tuổi, vậy mà nay lão đã “ ngũ thập tri thiên mạng” rồi. Do cái nghiệp của nghề nên lão biết uống rượu rất sớm. Lão thường chép miệng : “ thiếu rượu, tôi làm sao thổi có hồn? hồn tôi có trong rượu, đời nghệ sĩ mà”.
 
Đời nghệ sĩ” của ông như vậy nên ông chẳng có vợ con, nhà cửa. Hồi đó, ông được bà Lạc Cảnh cho ở bên phần trại chứa quan tài, trên một cái gác xép. chuyện lão Chín Kèn kể chẳng biết có thật hay phịa. lão nói chỉ cần hai ngày mà tiệm chẳng bán được cái “ hòm” nào thì Chính bà Lạc Cảnh chỉ thị cho lão vào lúc nửa đêm – sau màn rượu thịt ê hề – phải độc tấu mấy khúc nam ai, văn thiên tường sao cho mùi mẫn thì thế nào sáng hôm sau cũng có người đến mua quan quách. tiếng kèn của lão thiêng như thế nên dù lão thường bê bối, say sưa nhưng chẳng bao giờ bà Lạc Cảnh xử tệ với lão.
 
Những lúc vui miệng Chín Kèn thường kể chuyện về ông Lạc Cảnh. lúc còn sinh tiền ông ấy không mấy ưa lão Chín. Ông thường chê lão Chín ở dơ nhậu bầy hầy. Những đám tang kéo dài nhiều ngày lão Chín chỉ quanh quẩn cái phản nơi ban nhạc đóng đô để hành lễ. Vào những ngày ấy lão Chín nhậu tà tà, hút thuốc liên miên do gia chủ  “ bồi dưỡng” liên tục. Có mấy khi lão được tắm rửa trong những ngày dật dờ khói hương đó. Về đến căn gác xép như cái ổ chuột là lão lăn vào ngủ có khi cả hai ngày đêm. “ vậy mà chẳng hôi bẩn sao được?”, lão Chín nhăn nhó phân bua.
 
Nhưng sau ngày ông chủ Lạc Cảnh qua đời thì hiệu Lạc Cảnh phục vụ mai táng làm ăn phất lên. bà Lạc Cảnh giỏi giang chuyên bao thầu trọn gói cho các người chết ở một bệnh viện. Bà lo hết mọi thủ tục hành chánh cho người chết từ cung cấp quan quách, âm công, nhạc lễ đến đất đai chôn cất. Do vậy lão Chín thường xuyên có việc làm. Có khi liên tiếp gần cả tháng trời ông di chuyển từ đám này sang đám tang khác mà chưa có một đêm được trở về cái gác xép ổ chuột của ông. “ đời nghệ sĩ” cứ dật dờ nửa thức nửa ngủ, nửa say nửa tỉnh tại các đám tang. đang lơ mơ tựa lưng vào tường thim thiếp vì mệt mỏi đột nhiên có khách đến phúng viếng thế là Chín Kèn phải trở dậy nhấc kèn lên…
 
Lần đó, sau 20 ngày liên tục phục vụ ma chay, Chín Kèn tơi tả trở về và nằm liệt giường. lão Chín lơ mơ nghe tiếng kèn của lão thổi bi ai thống thiết cho Chính đám tang của lão. Đó là một đám tang kỳ quặc. người chết nằm thao láo hai con mắt trong cái quan tài trong suốt giống Chín Kèn y hệt. Còn người thổi kèn bài nam ai, khóc hoàng thiên thì lại cũng Chính là lão. bài kèn đưa hơi ai oán não nùng, vậy mà mụ mặc áo tang, nom rất giống mụ Lạc Cảnh, lại cười sằng sặc trông rất quái đản.
 
Khi tỉnh lại Chín Kèn nhìn xuống phía dưới thấy mươi cỗ áo quan chập chờn dưới bóng đèn tròn đỏ lè. lão lơ mơ chẳng hiểu mình còn sống hay đã chết, mồ hôi lão vã ra như tắm. Đột nhiên lão Chín thấy một cái khăn ướt lạnh nhẹ chạm trên trán lão và giọng nói nằng nặng của mụ Lạc Cảnh thì thầm : “Anh sốt dữ quá, thấy gì mà la dữ vậy?”. Lão Chín bây giờ mới nhìn thấy mụ mặc chiếc áo ngủ màu hồng rộng xùng xình ngồi bên cạnh. tóc mụ quấn cao, hai cánh tay trần trắng muốt, mụ Lạc Cảnh vừa nói vừa lau mặt cho lão. Bất giác lão nhìn mụ ngẩn ngơ : “ Tôi thấy tôi chết mà sao tôi lại còn ngồi đó thổi kèn cho tôi. Mà sao bà lại mặc áo tang và cười sằng sặc rất quái gỡ”. Nghe lão Chín kể ác mộng mụ Lạc Cảnh cười rúc rích : “ Anh làm như tôi là quỷ sứ mừng sắp được ăn thịt anh. Dậy ăn miếng cháo đi, chắc anh làm đám liên tục nên kiệt sức. có muốn từ nay khỏi đi thổi kèn mà vẫn có tiền bỏ túi không?” Chín Kèn nhếch môi: “ Nghề của tôi là thổi kèn, không thổi chắc phải đi ăn trộm mới có cái ăn”. Bà Lạc Cảnh đưa miệng kề sát lỗ tai lão Chín: “ tôi muốn phong chức anh làm ông… Lạc Cảnh được không?”
Chuyện tình của Chín Kèn với góa phụ Lạc Cảnh được lão Chín kể đầu đuôi gọn nhẹ như thế. tức là từ cái đêm lão chiêm bao ngầy ngật thấy lão làm đám ma cho lão cũng là đêm lão làm đời chồng thứ hai của Lạc Cảnh phu nhân.
 
Cũng kể từ đó lão treo kèn, ngày ngày mặc áo lụa đi quanh xem coi đám thợ đánh véc – ni mấy cỗ áo quan, hoặc ra vào tán chuyện với bọn âm công lúc nào cũng “ trực chiến” tại cửa hàng phục vụ mai táng Lạc Cảnh. Đám âm công, tay đòn đứa nào cũng khen ông tốt số được lọt vào mắt xanh của bà chủ giàu có. Nhưng lão Chín Kèn thì phiền muộn ra mặt. Lão nói bây giờ không còn đi làm đám nữa nên đâm ra buồn. mà buồn thì lão lại ưa đi nhậu. Những tháng đầu tiên đêm say về mụ Lạc Cảnh còn vừa cằn nhằn vừa mở cửa. Sau này dù có gọi đến khản cổ mụ cũng nhất định không mở mặc cho lão nằm ngủ ngoài hiên.
 
Nghe vậy thằng tư chuyên vỗ trống cơm rù rì chỉ cho lão một bài ca mà nó học được của một “ sư phụ”. Chính bài ca này mà đêm nào về, sư phụ của tư trống cơm cũng được vợ mau mau mở cửa cho vào.
 
Đêm ấy, Chín Kèn say vùi. về đến cửa hiệu Lạc Cảnh xô cửa ầm ầm vẫn không thấy động tịnh, lão liền ngồi xuống ngoạc mồm ra mà ca: “ Có một ông nước Tần – suốt ngày cứ lê la – rượu say rồi ông hát – ai không nghe cóc cần – có một ông nước Tần…” bài hát cứ lập đi lập lại với điệu bộ vừa hát vừa nhịp vào cửa “ có một ông nước Tần-ai không nghe cóc cần…” làm bà Lạc Cảnh hết chịu xiết đành phải mở cửa cho ông vào.
 
Song có một điều tệ hại đã xảy ra. kể từ hôm Chín Kèn thọ giáo với thằng tư trống cơm bài ca kỳ hoặc ấy thì nó nhập tâm không sao rứt ra được. đi đâu làm gì lão Chín cũng nghe thấy bài ca ấy vang vẳng trong đầu lão. lắm khi đang ngồi uống cà phê tự nhiên nó khiến lão phải hát lên: “Có một ông nước Tần”. hoặc nhiều khi đang ăn hủ tíu câu hát trời ơi cũng tự  ý vọt ra khỏi miệng không sao kềm được.
 
Dần dần Chín Kèn không dám gần ai bởi miệng lão cứ phải liên tục hát đi hát lại mấy câu ca như lên đồng lên bống ấy. chỉ có lúc ngủ, mà hình như lão cũng lải nhãi trong giấc mơ, Chín Kèn mới tạm rời xa câu hát quỷ ám.
 
Bà Lạc Cảnh những lúc sau này có vẻ như chán Chín Kèn và tỏ ra trọng thị  thằng tư trống cơm hơn. có mấy lần lão Chín bắt gặp hai người nói gì đó với nhau dưới bếp và họ cười với nhau rất lả lơi tình tứ. Buồn vì chẳng đủ quyền hạn gì để ngăn cấm bà Lạc Cảnh quan hệ với Tư trống cơm nên lão càng đi nhậu nhiều hơn. nhậu say rồi thì lão nhún nhẩy múa máy và hát “ có một ông nước Tần…”.
 
Một đêm Chín Kèn say vùi, về lão chui vào gian kho chứa quan tài leo lên căn gác xép lôi bộ kèn cũ ra. lấy khăn lau bụi, chấm cái “ lưỡi gà” vào ly rượu. lão nói với cây kèn làm đám: “ Lâu rồi tao không sờ đến mày vì mãi lo mê bà Lạc Cảnh. Nay tao hết yêu bả mà bả cũng hết yêu  tao. Yêu không yêu, tao cũng cóc  cần”, nói rồi ông đưa kèn lên nhấp môi. rồi ông tỉ tê thổi bài văn thiên tường, khóc hoàng thiên chuyển qua nam ai. tiếng kèn nức nở bi ai như  khóc như than, lúc não nùng, khi ai oán. hình như lão Chín thổi với hết cả hồn phách, nguyên khí, tiếng kèn như rút tuột hết ruột gan máu huyết lão.
 
Sáng hôm sau sinh nghi bà Lạc Cảnh leo lên cái gác xép và phát hiện “ Người đàn ông nước Tần” gục chết bên cây kèn thổi đám. Lão Chín đã thật sự đi về miền lục cảnh từ đây.
 
Bà Lạc Cảnh ôm lão, xối cho lão mấy giọt nước mắt rồi gọi đám âm công thu xếp giùm cho lão Chín Kèn một chuyến đi xa…