văn hữu vườn tao ngộ

Nơi lưu trữ tác phẩm của PBTD và thân hữu. Liên lạc: phanbathuyduong@gmail.com

Sunday, October 20, 2013

HOÀI ZIANG DUY * Tình bằng hữu qua thơ, nhạc Nghiêu Minh

Tôi quen anh Nghiêu Minh từ năm 1991, cũng là năm tôi định cư tại tiểu bang Virginia . Lần đầu cùng đi với anh, tôi nhớ có anh Sơn Tùng và một số anh em văn hữu. Tôi nghĩ có lẽ từ thông tin của Trần việt Tân ở báo Đời Nay đăng bài thơ của tôi (HZD) và lời chào mừng tôi mới đến định cư. Để rồi cũng từ đó gặp gỡ anh em trong giới làm báo như Giang hữu Tuyên (Hoa thịnh Đốn việt báo), Nguyễn hữu Điển (Thủ Đô thời báo) và hoạ sĩ Đinh Cường. Sau một vài năm đầu ổn định đời sống, tôi viết cho một số báo việt ngữ, và tạp chí như Đi Tới, Làng văn (Canada) Văn học, Hợp Lưu ( Mỹ).
Thời gian nầy văn bút VNHN đang lớn mạnh, (đồng lúc nhiều chuyện tranh chấp). Anh Nghiêu Minh là người rủ tôi vào sinh hoạt. Ở quanh vùng có Trần long Hồ, Nguyễn vĩnh Long Hồ, Vũ Hối, Hà bĩnh Trung. Ở xa có Phạm Thăng, Lâm hảo Dũng , Nguyễn văn Ba, xuôi ngược tới lui có Trần hoài Thư, Lâm Chương, Phạm nhã Dự….. Ngoài số bạn bè văn nghệ cũ. Tôi ít ra mặt ở đám đông, chỉ xuất hiện trên các tạp chí, một phần do bản tính, và đời sống bước đầu còn nhiều lo toan. Cho đến vài năm sau khi tôi làm chủ bút tờ  tuần báo Diễn Đàn Hải Ngoại ( ở vùng Hoa thịnh Đốn) mọi người cứ ngỡ Hoài ziang Duy là bút hiệu của nhà thơ Nghiêu Minh khi anh tới lui với tôi.
Trong giao tình văn nghệ, phải nói Nghiêu Minh và gia đình anh rất hiếu khách. Nơi anh ở (tiểu bang Maryland) cũng là nơi tập hợp, đón tiếp khách, ra mắt sách, trình diễn nhạc, là dịp chúng tôi gặp gỡ từ anh chị Minh Đức Hoài Trinh, Duy Lam, Thế Uyên, Tô thuỳ Yên, hoạ sĩ Nguyễn quốc Tuấn (triển lãm tranh), Doãn quốc Sĩ, nhà thơ Phạm ngũ Yên …
Tập thơ đầu tay của Nghiêu Minh là tập Trăng Mật (xb1992) với 2 bài giới thiệu  của Giang hữu Tuyên và Trần phùng Linh Duyên. Kế đến anh in tập thơ Dấu Xưa (1995), rồi Chợ Trăng (tập nhạc1995). Nhưng cho đến khi tập thơ nhạc Mẹ Thường Hằng xuất bản năm 1999, cùng lúc với các CD nhạc, anh mới gần gũi với người đọc thơ, nghe nhạc anh, qua những ca khúc phổ từ  tập thơ  Mẹ Thường Hằng. Những ca khúc được  phổ biến rộng rãi như  các bản  Mẹ Từ Bi, Mẹ như đoá sen nghèo, Mẹ cội nguồn, Rồi Mẹ như cánh hạc bay…..qua đài phát thanh, qua các chùa lễ hội. . Nói chung với 3 tập thơ đã xuất bản, 4 CD đã phát hành, và gần 100 ca khúc tải trên youtube, cho thấy đến giờ anh vẫn còn nhiều đam mê trong lãnh vực nầy.
Đời sống ở xứ người, tụ lại rồi tan. Mỗi người một hoàn cảnh, khó khăn khác nhau. Anh thường hẹn tôi, càphê chuyện vãn văn nghệ (tôi và anh ở 2 tiểu bang khác nhau, nhưng qua lại khoảng 30 phút). Thoắt đó mà đã nhiều năm qua. Tôi cũng không nhớ là đã bao nhiêu năm. Mỗi ngày tôi vẫn còn trưa đi tối về. Còn chút thì giờ là ngồi ở bàn viết, sống với niềm vui mà mấy chục năm qua tôi đã chọn lựa.
Anh Nghiêu Minh là người hiền lành, nhưng thẳng tính. Đôi khi phê bình cái đẹp cái xấu, trong vấn đề làm báo, nghệ thuật. Điều nầy dễ mất lòng anh em. Nhưng chơi với anh, tôi biết anh chủ quan nghĩ người khác như mình, nên dễ gây ngộ nhận. Tình thân thiết giửa tôi và anh NM, không biết sao cũng gây khó chịu với một vài anh em bạn hữu. Điều nầy không khác gì những năm đầu tôi viết cho tạp chí Hợp Lưu (thời Khánh Trường chủ biên). Dạo đó hầu như một áp lực lời ra lời vào để tôi đừng cộng tác với Hợp Lưu. ( khi HL là tờ báo đầu tiên đăng bài cộng tác trong nước). Nhân đây tôi cũng xin tỏ bày đôi điều.
Thật tình mà nói, tình bạn lâu dài giữa tôi và Nghiêu Minh giữ được, chỉ giản dị là sự thật lòng trong đối xử. Gặp nhau chúng tôi chỉ nói chuyện văn nghệ, chuyện tầm phào đời sống chung quanh. Còn chuyện gia đình, có tính cách riêng tư, ở đời sống cá nhân anh, hay những hoạt động từ người bạn đời của anh trong lảnh vực tranh đấu, hoạt động phát thanh, hội đoàn, đoàn thể, tôn giáo chính trị. Bản thân tôi không có ý kiến xen vào. Cũng như đối với NMinh, chưa bao giờ anh rủ tôi cùng tham gia, ủng hộ, gây quĩ, giúp chỗ nầy chỗ kia, ủng hộ Cộng Hoà hay Dân chủ, đứng chung về một phía với anh.
 Người ngoài nhìn vào họ cứ tưởng chúng tôi chơi chung là cùng phe cùng đảng. Từ trước tới nay ở lãnh vực văn nghệ hay ở chốn nầy. Tôi chỉ là người viết, sống thầm lặng, không đứng về phe nào. Cho nên những người tôi quen biết từ buổi đầu đã nói, cho đến bây giờ chúng tôi vẫn giữ giao tình gặp gỡ, quí mến nhau. Gặp nhau, nói chuyện văn nghệ, sách báo, tác phẩm, đôi khi gây nguồn cảm hứng, giống như một sự thôi thúc phải làm, phải sáng tác, góp mặt với anh em qua tạp chí, qua các web. Chuyện gặp gở nầy ngồi vào trước đây, đôi khi có thêm Đinh Cường, có thêm Trần nghi Hoàng, hay bất chợt anh em trong văn giới đến tình cờ.  
Những rộn ràng trong không khí văn nghệ, anh em góp mặt chung vui mười mấy năm qua với thời gian cũng lụn tàn theo hoàn cảnh, tuổi tác, đổi dời. Anh em mỗi ngày mỗi xa. Anh Nghiêu Minh nghỉ hưu sớm, nên anh có nhiều thời gian để đeo đuổi niềm đam mê sáng tác thơ, nhạc.  Tập thơ mới nhất của anh là tập Thiền Trong Cõi Tục ( sau 3 tác phẩm đã xuất bản) chỉ để dành tặng bạn hữu..
Nếu ở Trăng Mật, Dấu Xưa, Mẹ Thường Hằng là những bài thơ tình mượt mà, Đà lạt dấu ái, về Mẹ, bậc hiền mẫu sinh thành. Hay bắt nguồn từ thuở làm thơ yêu em, gần lại với em người tình nhân tôi. Nghiêu Minh với một quãng đời đi qua hệ lụy nhân sinh ở cõi thơ riêng, rất riêng Nghiêu Minh. Thì lần nầy với thi tập Thiền Trong Cõi Tục, nội dung Thiền với 45 bài thơ, đã có 35 bài thơ tựa bắt đầu với một chữ Thiền. Đặc biệt với nhiều hình ảnh kèm theo, có khi là tranh phụ bản, có khi những bài thơ phát tâm ý, từ những tấm hình chụp. Có đọc những bài thơ với tranh, ảnh đi kèm, mới nhìn thấy cuộc đời thật gần lại, nhỏ bé từ bức hình giản dị, nhưng rộng lớn với khoảng không vô hình, với tâm thức mỗi người, hay chính từ tâm mình hiển hiện.
Tỷ như hình ảnh một cô gái ngồi xếp bằng, hai tay dang ra bắt ấn, dưới là những lời thơ bài Thiền Khổ Lụy)
 
Nhìn em thiền khổ lụy
Khiến tẩu hỏa đời ta
Em thủ ấn tà mỵ
Làm đảo lộn luân xa

Ta không phải là Phật
Nên chánh niệm ngổn ngang
Định trí, trí..ngầy ngật
Định huệ, huệ..lang tang

Em là mầm bể khổ
Nở những đoá vô minh
            Ta lội trong ái ố
Cứ vớt mầm oan khiên

            Thôi kiếp đời may rủi
Như nghiệp quả con người
Thì coi như cát bụi
Trăm năm mấy nụ cười

Với toàn tập, Nghiêu Minh đã có một khuynh hướng sáng tác khác, như thể đi từ trong tôn giáo ( bởi từ ngữ xử dụng) ra thế giới thi ca. Bạn đã nghe, đã hành Thiền, nhưng Thiền của Nghiêu  Minh là thơ thiền trong Cõi Tục, chứ không phải là phương án tập Thiền. Từ hình ảnh người đàn ông còn để tóc, mặc áo cà sa vàng, tay cầm trái bắp, để có bài thơ Thiền Lai Rai

                 Ngày nào ta đứng cuối đường
     Nhìn đèn xanh đỏ lại thương… bộ hành
     Hỏi rằng mãn tự vô minh
     Tiền thân hậu kiếp có tình tự nhau?
 
Hay với tựa bài thơ Thiền Phè Cánh Nhạn

           Trên đường đời ngựa chứng
           Phè cánh nhạn vô ưu
           Như trẻ thơ chập chửng
           Chỉ: má. Nói: ba.  Cười
 
Qua mấy câu thơ trên, rõ ràng lời thơ không giống như bài thơ thường thấy trong một tập thơ. Tôi trích mấy đoạn bài thơ trích trong tập thơ Thiền trong Cõi Tục, để người đọc có cái nhìn gần gũi hơn. Từ những hình ảnh, tựa bài thơ như một lời châm chế, diễu cợt, nhưng ngôn ngữ là thứ ngôn ngữ  trong kinh sách, và tâm tình người làm thơ thuần thành trước cuộc đời, sự việc thường nhật.
Bài thơ với hình anh lái xe Honda ôm, nằm ngủ trên xe. ( Thiền trên Honda)
                
            Ăn tàu hủ uống rượu vang
            Ngày tám thời kinh. Đốn ngộ.
            Trên mùi nhang, dưới mùi phở
            Ảo giác lâng lâng.Thiên đàng
Hay: 
Cứ tự nhiên vượt đèn đỏ
Như cuộc đời tánh vô căn
Hoại sắc hoại không tự độ
Vô vi hữu vi lăng quăng

Hôm nay chợt tâm giao động
Thiền ta lạng lại lạng qua
Thôi tu theo mùa lạnh nóng
Quàng cổ, eo ếch.. ổ gà.

Đọc qua toàn tập, hay lướt qua những bài thơ, không ít người nghĩ tác gỉả là người Phật tử, khi thấy thơ anh với ngôn từ nhà Phật, nói chuyện Thiền, đủ thứ hình thức Thiền qua thơ. Thật ra anh là người theo đạo Công giáo, đọc cả kinh sách Phật giáo, nên thơ, nhạc anh đều có nét chấm phá cả hai.
Nếu trước đây trên các báo, tạp chí với phụ bản những tranh phiếm họa, các họa sĩ đã vẽ những tranh, người vật mang tính châm biếm, theo thời cuộc chính trị, cuộc sống đang diễn ra với ghi chú hay lặng câm, thì ở đây với toàn tập thơ Thiền Trong Cõi Tục tác giả cũng dựng lại dưới hình thức như thế qua thơ, qua hình ảnh đã sẵn.
Với những bài thơ trước khi hình thành toàn tập, tác gỉả đã chuyển qua bạn bè, đưa lên net, góp mặt như một dòng thơ mới. Sự phản hồi theo tôi biết, đôi lúc cũng làm anh phải suy nghĩ lại với 2 chiều hướng khác nhau .
Sự đồng tình, ở bè bạn thích thú với một bài thơ hay. Đối lại có người cảm thấy phiền lòng, trước những lời thơ châm chọc về một hình ảnh nào đó. ( Gây chi thêm khẩu nghiệp,  đùa cợt thị phi, nhân quả tuần hoàn)
 Cho nên với thi tập nầy, sự thành công có được hay không. Tôi nghĩ phải có thời gian để giới thưởng ngoạn làm quen với khuynh hướng sáng tác mới của Nghiêu Minh. Anh đã đi trước, đi sớm hơn những người làm thơ khác, dĩ nhiên phải chấp nhận buồn vui  ở người  khác nhận định về mình.
 Trong tình bạn tôi đón nhận tập thơ anh gởi tặng. Là người cầm bút tôi đọc với sự cảm thông của người làm thơ, đọc một tác phẩm mới với khuynh hướng sáng tác mới. Nếu nhìn ở một góc độ nghiêm chỉnh về mặt văn học, thì những lời thơ ở đây uyên thâm và tinh tế trong cuộc sống đời thường. Mặt khác, tác giả không đòi hỏi, tham vọng gì để hoàn chỉnh phần còn lại thành tác phẩm tôn giáo. Với những lời thơ giản dị gởi gắm, như  ở bài thơ Càphê Thiền mở đầu. Tôi trích vài đoạn thay cho lời kết.

Nhìn từng giọt, từng giọt vô minh
Rơi xuống vực đen chốn luyện hình
Trong khi ngoài phố đầy tâm uẩn
Từng hạt đường là hạt bụi chúng sinh.
 
Bạn cũng như ta, thân lưu lạc
Cùng soi số mệnh giữa đời hoang
Có giận lắm cũng lối về ngơ ngác
Thì giận chi cho phí buổi tan hàng !
 
Sáng nay chợt ngộ giữa bon chen
Ta bạn kể nhau nghe chuyện tục thiền
Cười vang trong thọ lạc thọ khổ
Mùi càphê làm nghiệp vui thêm!
 
Bạn muốn Thiền, đi đứng nằm ngồi, đủ kiểu, đủ chuyện Thiền? Đọc lấy toàn bài trong tập thơ nầy, biết đâu bạn sẽ tìm ra một lối Thiền cho mình. Hay tự hỏi Thiền là cái chi chi. Để rồi không thấy Thiền gì cả. Bởi ở đó chĩ là cõi tục, cõi nhân sinh chúng ta đang sống. Có phải là thơ Thiền? Có thực không với một chữ Thiền.

HOÀI ZIANG DUY