văn hữu vườn tao ngộ

Nơi lưu trữ tác phẩm của PBTD và thân hữu. Liên lạc: phanbathuyduong@gmail.com

Monday, November 4, 2013

CUNG TÍCH BIỀN ♦ Nhạc điệu của bầy ong




Gởi Đ.Th.Th.

I-
Ngoài tên họ ghi trên giấy khai sinh, trẻ con thường có một tên gọi thân thương trong gia đình. Cháu bé gái bốn tháng tuổi, con một gia đình quyền thế, được gọi là Ong Con. Ong Con lúc chào đời hai bàn tay đầy đủ mười ngón xinh đẹp.

**
Tổ [quốc] ong, cũng như tổ [hợp] kiến, là những tập thể có tính tổ chức, tính kỷ luật bầy đàn rất cao. Muốn sống an toàn, cùng chia xẻ một cái lỗ nhỏ hình lục giác trong tổ [quốc], trước tiên mỗi “công dân ong” phải biết sống phải điều, phục vụ trong phân phận con ong thợ, vui vẻ khi được sai khiến, một chiều thuận trong hệ thống chỉ huy. Tính bảo trọng này, qua nhiều thế hệ, biến ra một căn bệnh mãn tính, là luôn phải thích ứng với hoàn cảnh bầy đàn.

CẨM AN SƠN * nàng thơ

Đỗ Duy Tuấn

Có lẽ sau một thời gian khá lâu, Phùng mới tĩnh lại, anh mở mắt nhìn chiếc đồng hồ treo trên tường. Lúc ấy khoảng một giờ sáng. Anh thầm đoán như thế vì chung quanh anh im ắng, chừng mọi người đang mê ngủ. Căn phòng nhỏ, chỉ có ba chiếc giường. Một chiếc anh đang nằm còn hai chiếc kia bỏ trống, anh nghĩ có lẽ đây là phòng hồi sức. 

 
Buổi tối, khi Thông ghé lại nhà thăm, thấy Phùng nằm thiêm thiếp như đuối sức, Thông hỏi và anh chẳng trả lời được câu nào, nên Thông vội vàng gọi cyclo, bồng anh lên xe đưa ngay vào bệnh viện cấp cứu. Bác sĩ trực cho thử máu và quyết định đưa lên bàn mổ. Lúc ấy Phùng tĩnh táo lại một chút, anh cho biết địa chỉ thân nhân ở xa và cầm lấy bút ký vào tờ giấy của bệnh viện. Cạnh anh chỉ có Thông, người bạn học cùng lớp ngày xưa ở Tam kỳ, và hiện nay đang dạy tại Trần quý Cáp, Hội an. Thông an ủi : “Mày yên tâm, tao sẽ báotin ngay cho gia đình”.

HẢI PHƯƠNG ◙ Châu thổ em ngân nga trời phú lục


Tặng Trương Vũ

1.
Bữa sinh nhật lá Trên rừng
Mình ta uống cạn Ly mừng biển ca.
Nhìn em dòng suối Ngân nga
Em không áo mặc Nõn tà lụa bay.
Thiên nhiên Đậu trên cành cây
Nắng hong mùi tóc Mềm mây vai trần.

2.
Ngấn trăng Treo lửng lưng thềm
Em ngồi xe mộng Rớt mềm vai đêm.
Vòng quay Tròn nhánh sông êm
Ta khuya lơ gọi biển em Dậy thì.
Này em Rừng nõn tơ khi
Lá say ngát khúc trầm thi Ngân dài.

3.
Em từ châu thổ bán khai 
Bước ra lúa trỗ Đồng Nai sông Hồng.
Em từ chín cửa Cửu Long
Bước ra phú lục Phiêu bồng thơ ta.
Mùa xuân Em bước chân ra
Một thiên thu với rộng tà áo bay. [*]

hải phương 
[*] Tên tập thơ Queen xuất bản ở Hoa Kỳ, 2007 

Sunday, November 3, 2013

NGUYỄN THỊ KHÁNH MINH * một giấc mơ

Vườn đêm đầy quá, mộng
Ô chiêm bao được mùa
Đừng mong tôi về nữa

Ở lại cùng giấc ngủ
Sống thực một kiếp mơ
Nhớ chi đời huyễn ảo

Ảo thực hai mặt soi
Một phiến đời lá mỏng
Chông chênh mãi hẹn hò

Một giấc mơ. Tôi sống
Một giấc mơ ăn đời
Một giấc mơ ở kiếp

Đừng mong tôi về nữa

NGUYỄN THỊ KHÁNH MINH

LAN ĐÀM * Thu sầu, Em


Nguyên Khai













 
   Thôi ngồi đi tình ơi,
   Chiều heo may vừa nổi.
   Ly rượu đầy chưa vơi,
   Sầu nào lên mấy nỗi?

   Ừ đường phong vàng rơi,
   Thu buồn trên đất khách.
   Em tìm gì cuối trời,
   Mưa lá me lất phất?

   Thì từ nhận quê người,
   Đã tròn thân lưu lạc.
   Em rũ tóc buông lơi,
   Ôm sầu quên sợi bạc?

   Này dương cầm thảnh thơi,
   Ru nửa đời còn lại.
   Sàigòn xưa mù khơi,
   Em gọi thu tê tái?

   Thôi ngồi đi tình ơi,
   Đêm rồi nghìn ân ái.

   LAN ĐÀM

PHẠM TÍN AN NINH * Đôi điều về một vị thầy khả kính

http://phamtinanninh.com/wp-content/uploads/2013/07/gs-luu-trung-khao-199x300.jpg
GS Lưu Trung Khảo


Thời còn đi học, tôi không được may mắn học với giáo sư Lưu Trung Khảo. Thầy dạy ở Sài gòn và một vài trường ở các tỉnh miền Nam, tôi chỉ học ở Nha trang. Lúc vào lính tôi cũng chưa hề được gặp thầy, khi thầy có một thời gian trong quân ngũ. Thầy phục vụ ở Tổng Cục CTCT và Tòa Đô Chánh, còn tôi thì ở một đơn vị chiến đấu tại Vùng 2.


Sau 1975, Thầy định cư ở Mỹ, còn tôi ở mãi tận Bắc Âu, nên không biết những hoạt động của thầy. Sau này thỉnh thoảng đọc được một số bài viết của thầy, về chính trị, văn hóa và một số lãnh vực khác, tôi ngưỡng mộ một người hiểu biết rộng, rất nặng tấm lòng với quê hương dân tộc, và đặc biệt với các thế hệ hậu sinh. Thấy trước cái tên thật đẹp của thầy thường có kèm theo hai chữ giáo sư, tôi đi hỏi mấy anh bạn tốt nghiệp sư phạm, hy vọng đã từng là đồng nghiệp của thầy, cũng chỉ được biết có thời thầy dạy ở Nguyễn Trãi sau này là Chu Văn An, và cuối cùng về Bộ Quốc Gia Giáo Dục. Ngoài ra tôi cũng được biết thêm về các hoạt động rất đa diện và tích cực của thầy từ khi thầy đến  định cư ở Hoa Kỳ.

NGUYỄN AN BÌNH * ngọn nến hồng cho tình nhân


(Bài thơ tặng vợ)

Ngày con đi học xa
Nhà trở nên trống trải
Còn lại vợ chồng già
Tóc pha sương ái ngại.

Anh thấy mình có lỗi
Sao lại giấu trong lòng
Mừng em ngày sinh nhật
Thắp lên ngọn nến hồng.

Lung linh trong ánh mắt
Ấm áp nổi mong chờ
Anh thấy mình hạnh phúc
Được làm em bất ngờ.

Chùm ti-gôn trước ngỏ
Vẫn nở hoa bốn mùa
Nhiều năm rồi không nhớ
Vẫn thơm nồng hương xưa.

Thôi thì mình ước hẹn
Đến ngày valentine
Ta gọi nhau âu yếm
Bằng tình nhân nghe em.

Cuối thu 2013

Thursday, October 31, 2013

HỒ CÔNG TÂM * Bài thơ và bông hồng























Anh gởi tặng em làm quà Sinh Nhật
Một bài thơ với một đóa hoa hồng
Bài thơ tình Bên Bếp Lửa mùa Đông
Mong sưởi ấm những đêm dài đơn lẻ!

Tình đơn độc, âm thầm và lặng lẽ
Như cuộc đời của hai kẻ yêu nhau
Kẻ độc hành nước mắt chẳng ai lau
Đời tị nạn tìm quên trên đất Mỹ!

Mới đó đã non phần tư thế kỷ
Và chúng mình hai đứa đã có nhau
Với miền vui bên cạnh những nỗi đau
Đời tị nạn tháng ngày qua quạnh quẽ!

Chợt hối tiếc mình không còn son trẻ
Để bắt đầu…, để làm lại cuộc đời
Nhưng mùa Thu cũng đẹp lắm em ơi
Đừng hoang phí! Xin em đừng hoang phí!

***

Hãy tận hưởng những gì mình đang có
Những niềm vui ôn kỷ niệm hôm nay
Trộm bông hồng gai xước máu đầy tay
Ôi thuở ấy, vườn em,… anh lạc lõng!
October 31, 2013

Hồ Công Tâm

Wednesday, October 30, 2013

TIỂU TỬ * mùa Thu cuộc tình

Bữa ăn trưa đó của ông Năm thật giản dị: một trái cà tô mát không dầu không dấm và một miếng thịt bò nhỏ bằng bàn tay nướng trên vỉ sắt không muối không bơ.
Quá giản dị! Nhứt là hôm nay thứ bảy, không phải đi làm. Nghĩa là có dư dả thì giờ để làm một món gì đó cho có vẻ một bữa ăn cuối tuần. Cho nó khác với ngày thường ăn vội ăn vàng cái gì cũng được. Thật quá giản dị! Nhứt là ông Năm sống một mình, không bị phiền toái bởi những chuyện vụn vặt lỉnh kỉnh phải làm vào cuối tuần của người có gia đình. Ở Paris này mà sống một mình như ông Năm thì thời gian không biết phải làm gì cho hết chớ đừng nói không có thì giờ để làm một bữa ăn cho tươm tất vào trưa thứ bảy. Nói rằng ông Năm không biết làm bếp cũng không đúng. Hồi xưa, hồi còn ở bên nhà, thật tình ông Năm không biết chiên một cái trứng gà. Ông chỉ biết đi làm ngày hai buổi, còn việc bếp núc có bà Năm lo hết. Bây giờ thì khác. Ông cũng biết nấu vài món thông thường và lâu lâu cũng biết “làm” một nồi phở để đãi đôi ba ông bạn già cùng lứa tuổi và cùng thân phận lưu vong…

NGUYỄN LỆ NHÂN QUYỀN * VĂN BÚT QUỐC TẾ HỌP ĐẠI HỘI THẾ GIỚI Ở REYKJAVIK THỦ ĐÔ ISLANDE ĐỒNG THANH LÊN ÁN CHẾ ĐỘ CỘNG SẢN HÀ NỘI


          Như chúng tôi đã đưa tin trước đây, Đại Hội Thế Giới kỳ thứ 79 của Văn Bút Quốc Tế vừa diễn ra tại Reykjavik, thủ đô nước Islande từ ngày 9 đến 13 tháng 9 năm 2013. Chủ đề của Đại Hội là Biên giới Kỹ thuật số - Quyền Ngôn Ngữ và Quyền Tự Do Ngôn Luận. Có 70 Trung tâm Văn Bút gởi đại biểu tới ‘’Thành Phố Văn Chương của UNESCO’’. Phái đoàn Trung tâm Văn Bút Thụy Sĩ gồm có nhà thơ Nguyên Hoàng Bảo Việt, đệ nhứt phó chủ tịch (Ủy Ban Bênh Vực Nhà Văn bị Cầm tù), nhà văn Zeki Ergas, tổng thư ký (Ủy Ban Nhà Văn vì Hòa Bình), nữ tiểu thuyết gia Fawzia Assaad, cựu chủ tịch, đại diện Văn Bút Quốc Tế tại Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc và nhà văn nữ Clara Franceschetta (Ủy Ban Nhà Văn Nữ).