văn hữu vườn tao ngộ

Nơi lưu trữ tác phẩm của PBTD và thân hữu. Liên lạc: phanbathuyduong@gmail.com

Sunday, November 3, 2013

PHẠM TÍN AN NINH * Đôi điều về một vị thầy khả kính

http://phamtinanninh.com/wp-content/uploads/2013/07/gs-luu-trung-khao-199x300.jpg
GS Lưu Trung Khảo


Thời còn đi học, tôi không được may mắn học với giáo sư Lưu Trung Khảo. Thầy dạy ở Sài gòn và một vài trường ở các tỉnh miền Nam, tôi chỉ học ở Nha trang. Lúc vào lính tôi cũng chưa hề được gặp thầy, khi thầy có một thời gian trong quân ngũ. Thầy phục vụ ở Tổng Cục CTCT và Tòa Đô Chánh, còn tôi thì ở một đơn vị chiến đấu tại Vùng 2.


Sau 1975, Thầy định cư ở Mỹ, còn tôi ở mãi tận Bắc Âu, nên không biết những hoạt động của thầy. Sau này thỉnh thoảng đọc được một số bài viết của thầy, về chính trị, văn hóa và một số lãnh vực khác, tôi ngưỡng mộ một người hiểu biết rộng, rất nặng tấm lòng với quê hương dân tộc, và đặc biệt với các thế hệ hậu sinh. Thấy trước cái tên thật đẹp của thầy thường có kèm theo hai chữ giáo sư, tôi đi hỏi mấy anh bạn tốt nghiệp sư phạm, hy vọng đã từng là đồng nghiệp của thầy, cũng chỉ được biết có thời thầy dạy ở Nguyễn Trãi sau này là Chu Văn An, và cuối cùng về Bộ Quốc Gia Giáo Dục. Ngoài ra tôi cũng được biết thêm về các hoạt động rất đa diện và tích cực của thầy từ khi thầy đến  định cư ở Hoa Kỳ.
 
Năm 2007, nhân dịp sang Cali thăm con và mấy người bạn cùng đơn vị cũ, tôi bất ngờ được nghe vài chương trình Phật Giáo Hải Triều Âm trên Little Saigon Radio, có giới thiệu một số truyện ngắn của tôi: Người Bán Sách Trên Bãi Biển Nha Trang, Thằng Bé Đánh Giày Người Nghĩa Lộ, Tiểu Thơ, Đà Lạt Trời Mưa, Những Điều Mơ Ước… Người giới thiệu chính là giáo sư Lưu Trung Khảo. Tôi vui và hạnh phúc lắm, vì nghĩ mình chỉ mới tập tành viết lách, vậy mà được một vị giáo sư tiếng tăm giới thiệu và dành nhiều mỹ cảm cho các bài viết. Dù vậy, tôi cũng chỉ mới được nghe qua giọng nói từ tốn, mạch lạc và có sức lôi cuốn của thầy, nhưng chưa biết mặt thầy.
Đầu năm 2008, Tiến sĩ Trần Huy Bích, môt người tôi cũng chưa được hân hạnh quen biết, đọc ở đâu đó một số bài viết của tôi, đồng cảm và dành cho tác giả một cảm tình đặc biệt. Giáo sư Bích đã liên lạc với tôi qua email, hướng dẫn và khuyến khích tôi nên tập trung các bài viết để in thành sách, và ông sẽ giúp tổ chức một buổi ra mắt sách tại miền Nam Cali. Tôi khá bất ngờ, vì đó là điều tôi chưa hề dám nghĩ tới. Hơn nữa lúc ấy tôi còn khá lạ lẫm với Little Saigon, và ngại ngùng trước bao chuyện bon chen. Nhưng qua chữ nghĩa và lời nói, tôi biết đây là một vị thầy mực thước, khiêm cung, có tấm lòng nhân hậu đáng kính. Tôi vâng lời thầy dù trong lòng chưa hết băn khoăn. Lâu nay, tôi nghĩ viết lách chỉ là một hình thức giải tỏa phần nào những ẩn ức còn đè nặng trong lòng, và cũng chỉ để chia sẻ với một số đồng đội cũ, những bạn bè có tên trong các câu chuyện kể hay cùng hoàn cảnh thăng trầm, thế thôi. Tôi chưa hề có ý nghĩ phổ biến rộng rãi những bài viết, huống hồ chuyện in thành sách và ra mắt tác phẩm.
Giáo sư Trần Huy Bích liên tục khuyến khích, giới thiệu tôi đến một số bạn bè khác của thầy, những nhà văn, nhà giáo lão thành có tiếng tăm, trong số đó có giáo sư Nguyễn Thanh Liêm và giáo sư Lưu Trung Khảo. Lần đầu tiên nhận đựợc thư của thầy Lưu Trung Khảo, tôi vui và hãnh diện lắm. Không ngờ có một ngày được thầy gọi đến tên mình. Chưa gặp thầy, nhưng tôi cứ tưởng tượng và ái ngại, nghĩ mình từng là một đứa học trò dở, học hành nhếch nhác, liệu có xứng đáng được một vị thầy có tiếng tăm thương yêu, giúp đỡ.
Nhờ sự khuyến khích của giáo sư Bích rồi đến thầy Khảo, tôi mạnh dạn in tập truyện đầu tay “Ở Cuối Hai Con Đường” và xin chỉ xuất bản với mục đích góp vào quỹ Cứu trợ Thương Phế Binh VNCH. Điều mà tôi hằng ước ao, như để được trả phần nào món nợ máu xương quá lớn mà mình sẽ không bao giờ trả hết được.
Tháng 6/ 2008 tôi đến Mỹ. Giáo sư Trần Huy Bích tận tình giúp đỡ, đưa tôi đến gặp một số các cơ quan truyền thông: Little Saigon Radio, Radio Bolsa, Nhật báo Người Việt, Việt Báo, Viễn Đông, và đặc biệt gặp giáo sư Nguyễn Thanh Liêm và Lưu Trung Khảo. Hai thầy đã đồng ý giới thiệu tác giả và tác phẩm, không những trên một số đài phát thanh mà còn trong buổi ra mắt sách tại hội trường Nhật báo Viễn Đông.
Lần đầu tiên tôi được gặp thầy Lưu Trung Khảo tại văn phòng Hội Quán Tả Quân Lê Văn Duyệt của thầy Nguyễn Thanh Liêm. Hai thầy đã hỏi tôi nhiều điều về gia đình, cuộc sống, đặc biệt chia sẻ những đau đớn mất mát mà tôi đã phải trải qua trong và sau cuộc chiến. Thầy Khảo cho biết đã đọc qua tập truyện “Ở Cuối Hai Con Đường” và dành cho tôi nhiều khích lệ. Hôm ấy, tôi cùng đi với một người bạn. Anh là một sĩ quan cùng đơn vị, rất hiền lành. Sau 75, khi anh vào tù chưa tròn một năm thì cô vợ đã bỏ anh để lấy một cán bộ Cộng sản. Điều đau lòng hơn là ngay sau khi vừa mới ra tù, anh bị cô vợ bất nhân bất nghĩa này nghe lời xúi giục của gã chồng mới, đưa anh ra tòa với lý do là thời gian ở tù 7 năm chưa đủ “đền tội ác” để xin tòa bắt anh vào tù trở lại. Đã vậy còn đầu độc và xúi hai đứa con đến chửi bới hổn láo và định đánh cả cha ruột của mình. Kể xong câu chuyện, tôi nhìn thầy Khảo. Đôi mắt của Thầy đỏ hoe và vài giọi lệ còn đọng trên khóe mắt. Ngoài các đức tính khác, bây giờ tôi còn biết Giáo sư Lưu Trung Khảo là một người dễ động lòng trước nghịch cảnh, trái tim thầy luôn đầy ắp yêu thương, cảm xúc.
Buổi ra mắt tập truyện hôm ấy rất thành công. Phần lớn là nhờ sự giúp đỡ tận tình của Giáo sư Trần Huy Bích, và đặc biệt là sự thương yêu, cổ võ và những lời giới thiệu rất chí tình, cảm động của thầy Lưu Trung Khảo.
Tôi tự biết và cũng không bao giờ dám nhận mình là một nhà văn.  Về khả năng viết lách, tôi thấy mình vẫn mãi chỉ là một đứa học trò. Nhưng điều làm tôi vinh dự và hạnh phúc là được làm học trò của thầy Bích, thầy Liêm và thầy Lưu Trung Khảo.
Một người từng trải, khiêm cung như thầy, chắc chắn không thích người khác ca ngợi, nói tốt về mình. Kính mong thầy thứ lỗi. Viết những dòng này chỉ muốn nhắc lại vài kỷ niệm ít oi mà tôi may mắn đã có với thầy. Có thể, đối với thầy chỉ là nhỏ nhoi, nhưng với tôi là  rất đáng trân quý. Và cũng để mừng thầy trong ngày thượng thọ 80, khi tôi không có mặt chúc thọ thầy, để được nói với thầy một lời cám ơn, dù rất muộn màng.

Phạm Tín An Ninh