văn hữu vườn tao ngộ

Nơi lưu trữ tác phẩm của PBTD và thân hữu. Liên lạc: phanbathuyduong@gmail.com

Monday, February 20, 2012

HOÀNG TRÚC LY * Xóm Xóm Nhà Ta - Nắng Hạ



Xóm Xóm Nhà Ta


Nhớ buổi hoa bay bừng nắng hạ
Môi em thơm mãi gió giang hồ
Áo thêu màu lá xanh như lá
Nhịp lướt nhịp nhàng vai nhấp nhô


Giờ đã mấy mùa thu lã chã
Đã mấy mùa thu vèo lá bay
Thương kẻ một đi là tất cả
Năm năm sông nghẹn sóng lưu dày


Ôi một mùa thu đẹp mắt huyền
Em về vui hội lá hoa duyên
Quê xưa tang tóc tàn đi hết
Trong ánh trăng này mộng ngủ yên


Tình Đầy

Gió lạnh mười năm lạnh lắm rồi
Vườn dâu cô gái hái dâu ơi!
Quê hương xa lắm dòng sông lạnh
Lẩy bẩy chiều mưa bến lạnh người


HOÀNG TRÚC LY

mhhoàilinhphương * lời tiễn đưa buồn.


 


  • Và tôi còn một khung trời
  • Và tôi còn một bến đời quạnh hiu

Làm thế nào để mãi mãi không mất nhau?
Hồn tôi bỗng mênh mông bên ngoài khung cửa lớp
Mắt người buồn như chiều nghe Serenate
Thôi người về, ta không thể giữ lại đời nhau
Tôi nghẹn im lời, trời tháng bảy mưa mau
Giờ học cuối cho người về phương đó
Trời Colorado hay Oregon một màu xanh cây cỏ
Ôm ấp chân người cho nước mắt nhỏ phương tôi
Tiếng Việt-Nam người tập nói trên môi
Để bày tỏ những lời thương yêu dấu
Tôi - đất Mẹ xa xôi, nên mềm vai mưa ướt áo
Bước tôi về cây lá cũ chia tay
Tôi không yêu người sao mắt lệ vẫn cay ?
Người không nhớ sao ngoái đầu nhìn lại ?
Tôi không khóc đâu xin người đừng ái ngại
Tôi sững im tự nhủ với riêng mình:
You are always on my mind and for ever in my heart……..”
Đâu phải dễ đâu để nói lời từ biệt, nên tôi đành cúi mặt lăng thinh
Tôi không khóc sao môi mình mặn đắng?

M.H.HOÀI-LINH-PHƯƠNG

Friday, February 17, 2012

HỒ TRƯỜNG AN * Màu Tím Mồng Tơi

tranh Đằng Giao



Trên đất Pháp, tôi đã từng ăn canh rau mồng-tơi xanh nấu với tôm he . Đôi khi lười biếng, tôi đi ăn self-service, món légume ăn kèm với thịt vẫn là rau mồng tơi xanh nghiền trộn bơ lạt và kem tươi . Khó mà tìm được mồng tươi tím. Mồng tơi xanh to lá hơn, cọng bụ bẫm hơn, nấu canh tôm he cũng ngọt không kém mồng tơi tím. Vậy mà trong tâm hồn tôi, lá mồng tơi tím đã mọc rễ từ lâu lắm rồi, trải qua bao khúc quanh éo le của lịch sử và đã tỏa một màu tím thật lãng mạn và thật thi vị trong suốt thời thơ ấu của tôi.


Bạn ơi, chắc bạn chưa quên lá mồng tơi tím ngoài bờ giậu khi bạn còn ở bên quê nhà? Dường như chỉ ở xứ miền nhiệt đới như xứ sở mình mới có mồng tơi tím mà thôi . Tôi còn nhớ vào thuở ba tôi về Ngã Ba Trung Lương (tỉnh Mỹ Tho) lập nghiệp, bà ngoại tôi bảo tôi và chị tôi nên gầy dây một giậu mồng tơi tím chung quanh khu trồng rau thơm. Chị em tôi chẻ nứa thành những thanh hơi mỏng để đan giậu . Chỉ chừng hai ngày thôi, bờ giậu thành hình với những thanh nứa đan nhặt với những ô hình mắt cáo . Chị tôi lôi từ gian bếp đen óng vì mồ hóng và khói bếp, lấy một cái gói nhỏ đựng trong mo cau . Mở gói giấy ra, tôi chỉ thấy những hột đen đen ngoài bọc một lớp vỏ nhăn nheo . Chúng tôi đào những lỗ nhỏ cỡ đồng xu và sâu ba phân, mỗi lỗ cách nhau nửa thước, rồi bỏ một hột mồng tơi trong đó. Ngoại tôi nói:

- Bây giờ là vào giữa mùa mưa, các cháu không cần tưới làm gì. Mồng tơi tím dễ trồng lắm.

Chúng tôi chỉ chăm bón những loại rau khác, hầu như quên lãng những hột mồng tơi gây giống đi.

Mùa mưa tháng bảy kéo về. Những trận mưa kéo dài có khi suốt ngày, suốt đêm. Mưa ngập ở dãy cây đu đủ và làm cho mấy gốc đu đủ úng thủy chết đi . Rồi vào một ngày nắng đẹp, tôi bắt gặp trên lớp đất ướt mịn, những mầm cây lá non mơn mởn nhú lên. Những cơn nắng lũ đã làm cho hột mồng tơi nứt vỏ, những trận mưa rào ấp ủ cho mầm sống nhú lên. Rồi thì cùng với mưa nắng, sương buổi sáng làm cho mầm cây trưởng thành mau chóng; chỉ độ hai tuần thôi, nó đã thành một sợi dây leo bò dọc theo một thanh nứa, lá vẫn xanh mơn mởn để rồi cùng với cọng dây ửng lên màu tím và rồi tím sẫm dần. Lá mồng tơi có hai mặt: mặt dương quay về ánh sáng mặt trời nên có màu xanh của diệp lục tố, còn mặt dưới ẩn trong bóng râm thì có màu tím.


Từ dây chính, len qua những nách lá, những vòi dây mồng tơi mọc dài ra thành những dây phụ bám ngang, bám dọc theo những thanh nứa đan hình mắt cáo, chỉ trong vòng một tháng thôi, bốn mặt giậu chung quanh khu trồng rau đã được lá mồng tơi mặt xanh mặt tím che kín rợp.

Dù mùa mưa trôi qua, dù dầu giãi dưới những cơn nắng trong tiết trời khô ráo, dây mồng tơi vẫn mượt mà, tươi mát, thấm nhuần nhựa sống dồi dào.

Thế là khu trồng rau của chúng tôi, nhờ giậu mồng tơi đã có một chỗ riêng biệt giữa những cây cỏ hoang dại mọc hỗn tạp. Ngoại tôi giậm thêm những cây bồ ngót để nấu canh tôm, giậm thêm những khóm cao kỷ để nấu canh thịt. Rồi thì cải ngọt, rau tần ô, rau diếp, rau thơm, ngò gai, rau cần tàu được trồng theo từng luống. Những loại rau này cần phải tưới nước và chăm bón cẩn thận. Riêng những dây mồng tơi thì không cần săn sóc, vẫn đâm tược nẩy vòi.


Tôi đã từng say ngắm sự tăng trưởng của những dây mồng tơi ngoài giậu . Những ngày nắng ráo, lá mồng tơi trông thật mướt, mặt lá bóng láng rung rinh dưới những cơn gió nhẹ hiu hiu, lóe lên những chấm sao nhấp nháy . Tôi hái một vài lá vò sát trong lòng bàn tay, khoan khoái cảm nhận chất nhựa trĩn ướt của lá. Và có những đêm rằm, trời trong mây tạnh, tôi cũng đến thăm giậu, mê mải nhìn ánh trăng giát bạc và trắng thủy tinh trên những phiến lá lung linh, hư ảo.


Ngoại tôi không nấu canh mồng tơi suông đâu . Bà cũng hái rất nhiều lá mồng tơi, rồi cùng với rau tập tàng, rau bồ ngót, rau cải trời, rau dịu để nấu canh tôm. Những con tôm he được ngắt đầu, bóc vỏ, bỏ đuôi, rút gân máu, đem quyết nhuyễn và tra thêm tiêu, hành lá, nước mắm... rồi vo từng cục tròn tròn, dẹp dẹp thả vào nồi nước sôi, trước khi bỏ rau mồng tơi và rau khác vào . Canh rau do đó, thật ngọt, được múc vào những chiếc tô sành sản xuất từ Lái Thiêu, với một nét họa phóng bút bằng tay.



Mâm cơm thuở tôi còn thơ ấu chẳng mấy thịnh soạn. Cùng với canh rau, ngoại tôi kho cá bống trứng, hoặc cá rô mề, kho bằng tộ để cho cá được thấm tháp, mặn mòi hơn. Đôi khi trên mâm cơm có thêm món xào, nhưng độn rất nhiều giá hoặc rau càng cua hay rau cần ta . Mâm đựng thức ăn thì bằng thứ gỗ tầm thường, đũa vót bằng tre; chén dĩa và muỗng cũng bằng sành, cùng do các lò gốm Lái Thiêu sản xuất. Những thuở đó, ba má tôi rất yêu thương nhau, cùng chấp nhận cảnh nghèo để tách ra khỏi đại gia đình dưới sự quản trị nghiêm khắc của ông nội tôi . Má tôi tự hào là chồng mình đã bắt đầu sống cuộc đời tự lập. Rồi đó, công cuộc làm ăn của ba má tôi dễ dàng hơn, cảnh nhà được sung túc hơn. Bàn ăn phủ khăn trắng, chén dĩa sành được thay thế bằng đồ sứ mỏng tanh và bóng hơn, đũa tre được đổi thành đũa mun có đầu bịt bạc hoặc đũa sơn son. Vậy mà, canh rau mồng tơi vẫn được dọn thường xuyên. Bà ngoại tôi nói:

- Sắp nhỏ hay nổi rôm sảy và đổ ghèn con mắt, phải cho tụi nó ăn canh mồng tơi hay ăn canh bồ ngót để cho tụi nó giải nhiệt.



Bồ ngót nẩy lá không kịp theo nhu cầu những nồi canh rau trong gia đình tôi thuở đó. Chỉ có giậu mồng tơi mới cung cấp đủ món canh rau thường xuyên mà thôi . Mặc kệ nắng cháy hay tiết trời khô hạn, những giây mồng tơi vẫn thản nhiên hiến dâng lá và mầm sống phong phú. Chúng tươi mát, mềm mại như cô gái đẹp dậy thì. Chỉ cần trải qua một đêm sương là lá và đọt đã thấm nhuần chất nước trong mát rồi.

Và thú vị hơn nữa, những trái mồng tơi tím thẳm, to cỡ đầu mút đũa, bóp dẹp trái mồng tơi giữa hai ngón tay, chất nước màu tím tươi tiết ra . Chị tôi hái rất nhiều trái mồng tơi để làm mực tím, viết một lá thư kể tội tràng giang đại hải cô bạn trong xóm mà nhờ tôi chuyển giao.

Tôi còn nhớ rõ thuở đó, chị tôi cỡ bảy tám tuổi, để tóc và ăn mặc nam trang, theo lũ con trai chơi những trò chơi con trai . Lối xóm hầu như quên chị tôi là gái . Lúc nào cũng liếng thoắng nghịch ngợm, lấy mực mồng tơi vẽ lên mặt rồi đi dọa con nít. Những đêm rằm, chị thủ sẵn những bông nấm sáng (nấm lân tinh) đợi những bà hàng xóm đem bánh và trái cây ra sân cúng rằm, chị rên hừ hừ, rồi núp vào lùm bụi đối diện với sân, tay cầm nấm sáng quơ lên. Các bà tưởng là ma, la bài hải, rồi lết vào nhà, bỏ bánh trái lại . Chị chui ra lấy hết bánh trái và không quên bỏ lại vỏ trái cây và giấy phong bao bánh cho khổ chủ.


Ba má tôi vì mãi lo làm ăn nên ít khi săn sóc và giáo dục chúng tôi . Như rau mồng tơi, chúng tôi tăng trưởng tươi mát khỏe mạnh. Những người ở xa mới tới xóm thường nhìn chúng tôi khen:

- Hai đứa nhỏ coi " ngộ" quá chớ. Nhứt là cái thằng anh, vừa cao ráo, trắng trẻo, mắt sáng như sao.

Bà lối xóm ở gần nhà chúng tôi nhất, nhún trề:

- Đứa lớn là con gái đó đa . Con gái gì mà như quỉ sống, ma vương. Khạp nước trong của tui để dành nấu nước pha trà mà nó dám thọc chân dơ vô để rửa chớ.

Tuy ghét chị tôi như vậy mà mỗi khi chị tôi mang qua tô canh mồng tơi do ngoại tôi nấu, bà không quên thưởng cho chị khi thì trái ổi, khi thì khúc mía, phong bánh in.



Năm 1946, ba má tôi đem chị em chúng tôi đi chạy giặc. Với chiếc xuồng ba lá, ba má tôi vượt từ Cai Lậy (Mỹ Tho) qua Cái Tàu Thượng, Cái Tàu Hạ (Sa Đéc), vượt qua sông Bassac (Cần Thơ) rồi theo kinh Bảy Ngàn xuống tới Hỏa Lựu, Hóc Hỏa . Ở Hóc Hỏa ba tháng, gia đình tôi trôi xuống Chắc Băng, và ở tại xóm Cây Đa cách chợ Chắc Băng sáu cây số. Ở đây đất phèn, chẳng có rau cỏ chi cả. Chung quanh là đồng hoang, nắng cháy . Nhưng con kinh đào, chạy qua xóm có rất nhiều cá sặc rằn lẫn cá rô mề. Chị em tôi thường vào rừng tràm hái đọt choại về nấu canh hoặc luộc. Thèm canh rau mồng tơi và quê nhà ở Ngã Ba Trung Lương (Mỹ Tho) biết chừng nào!


Vào năm 1946, vừa thấy tình hình yên ổn, má tôi đem chị em tôi hồi cư . Về quê cũ, gia đình tôi trở lại nếp sống đạm bạc như xưa . Má tôi bán bớt tư trang và những món đồ sứ. Canh rau mồng tơi được nấu thường xuyên, nhưng không còn nấu với tôm thịt, mà chỉ nấu suông và nêm thêm một chút mắm ruốc cho ngọt. Chiến tranh càng lúc càng khốc liệt. Con lộ băng qua trước ngõ nhà tôi thường xảy ra những cuộc chạm súng kinh hồn.



Chúng tôi nghỉ học. Tìm được tập giấy trắng và ngòi viết lá tre cũ, tôi hái trái mồng tơi pha chế thành mực tím chép những bài hát nổi tiếng đương thời . Trên nền giấy ố vàng, những hàng chữ gò gẫm, sắc nét và lối trình bày sạch sẽ cũng làm cho tập giấy có vẻ ngoạn mục riêng.



Trong cuộc chạm súng ở trước nhà, tôi bị một vết đạn trên đầu . Sau hai tuần hôn mê ở bệnh viện Mỹ Tho, tôi được giải phẫu . Vừa khi tôi lành mạnh ăn giả bữa, chị tôi đem một " gà-men" đựng canh rau vào để tôi ăn cho ngon miệng hơn. Lúc đó, tôi ngạc nhiên quá đỗi, chị để bôm-bê và mặc quần sa-teng đen, áo bà ba lụa tím, đi guốc sơn đen. Áo lụa tím vẫn là màu mực mồng tơi mà tôi ưa chuộng.

Rồi chúng tôi bỏ Ngã Ba Trung Lương, về Vĩnh Long sống nhờ ông nội chúng tôi . Chung quanh nhà, chúng tôi rào giậu mồng tơi, trồng bồ ngót, cao kỷ, bạc hà, cây lá giấm. Mâm cơm quê nội có bát dĩa sang trọng, nhưng thức ăn rất đạm bạc. Việt Minh đã sung công hết ruộng đất của ông nội tôi . Sản nghiệp của ông dần dần khánh kiệt. Với tài chế biến khéo léo, má tôi làm những món đạm bạc nhưng ngon lành và tinh khiết: canh rau nấu bột ngọt, cá cơm kho tương ăn với dưa leo và rau thơm, cá linh, cá rô kho sả ớt, con ruốc chấy tóp mỡ... Giậu mồng tơi quê nội đã giúp cho mẹ con tôi chịu đựng cái nghèo trong cuộc chiến tranh giữa Pháp và Việt Minh suốt chín năm.


Gia đình tôi lại bắt đầu sung túc khi ba tôi đi kháng Pháp trở về. Mâm cơm đã có những món xúp nấu với bột mì hoặc xúp nấu với cải bắp, khoai tây, hành tây và thịt bò, nhưng chúng tôi vẫn thích ăn canh mồng tơi, nhứt là để tưởng niệm bà ngoại tôi chết vào năm 1948.



Từ năm 1967, chị tôi thực sự bước vào làng văn do sự giúp đỡ của ông bà Võ Phiến. Vừa viết văn, làm báo, vừa đi dạy Anh văn, chị tôi có nhiều tiền. Vậy mà chị vẫn ở trong căn nhà hẹp té ở gần tòa đại sứ Cam- bốt. Chị cho rằng chỉ ở trong cái nhà đó, chị mới làm ăn khấm khá. Tôi cứ ăn chực, sống nhờ chị để đi học, mà rồi cứ lận đận ở bực đại học hoài . Mâm cơm ở nhà thật thịnh soạn. Vậy mà vào những buổi xế nóng nực, uống nước cốt trái cây, uống bia và coca mà không đã khát, chị tôi dặn cô giúp việc:

- Em nấu canh mồng tơi và kho cá bống trứng cho chị đi.


Rồi tôi vào trường Bộ Binh Thủ Đức, khóa 26, bắt đầu từ khoảng đầu thu 1967. Vào Tết Mậu Thân, Việt cộng mở một cuộc tổng tấn công, trường hoãn việc huấn luyện. Các sinh viên sĩ quan phải ở trong tình trạng ứng chiến. Nhà bàn dọn cơm ăn toàn là thịt trâu nấu với khoai lang hoặc các thực phẩm đóng hộp. Không có chất rau cỏ trong người, chúng tôi (các bạn đồng khóa và tôi) cảm thấy táo bón, bực bội . Nhiều đêm, tôi nằm ngủ trong căn liều cắm bên giao thông hào, mơ thấy mình lạc vào những khu rừng xanh mát, có những bồn nước mưa trong vắt, có những rẫy trồng rau mơn mởn và tươi hơn hớn, nhứt là giậu mồng tơi với những phiến lá mặt tím, mặt xanh, lung linh hư ảo dưới ánh trăng huyền hoặc. Trong thời gian đó, chị tôi kẹt ở Lộc Ninh. Khi về được Sài gòn, có đến Thủ Đức thăm tôi, đem theo rất nhiều trái cây và rau . Tôi và các bạn bắc ba cục gạch, chất củi khô nhúm lửa rồi dùng nón sắt đun nước sôi, thả rau vào luộc hoặc nấu canh với bột ngọt. Bữa cơm rau mồng tơi đầu tiên trong cuộc Tổng tấn công Tết Mậu Thân mới ngon lành làm sao! Anh bạn Q. đem cơm và nước tương ở nhà bàn về, cả bọn bốn đứa ngồi xúm xít bên nón sắt, chan canh vào cơm, rồi chấm rau vào nước tương, nhai rau ngau ngáu, húp nước canh xì xụp, cảm thấy gan ruột mình mát mẻ, mình được chút sinh tố tươi mát, mình được nhuận trường.



Mãn khóa 26, tôi thực sự bước vào đời lính suốt bảy năm ròng, lê gót giầy saut khắp Quân Khu 3. Này Bến Cát, Lai Khê với bản doanh bộ Tư lệnh Sư Đoàn 5. Này Trị Tâm nằm trong đồn điền cao su Michelin. Này Tây Ninh có chợ trời Hiếu Thiện băng qua biên giới . Này Phú Giáo với thị trấn mới có những căn cứ Mỹ đóng. Này Củ Chi, nơi ổ giặc núp kín đang làm bàn đạp để tấn công Quân Khu 3, đêm đêm tôi có thể nghe tiếng chày giã lá bàng trong các xóm xa . Này Tống Lê Chân, căn cứ được mệnh danh là " con mắt hồng ngoại tuyến" đã từng dọ dẫm và ngăn chận sự xâm nhập của địch quân vào lãnh thổ Quân Khu 3. Này Phước Long, ải địa đầu cực bắc đã chịu nhiều cuộc pháo kinh hồn cuối năm 1974 và lẫn trong rừng chồi có những sào huyệt của địch với những tên Chiến Khu D, mật khu Dương Minh Châu, vùng Tam Giác Sắt với chiến dịch mùa mưa, cao điểm Đông Xuân... Sau hết tôi về bộ Tư lệnh Quân Đoàn III và Quân Khu 3 ở Biên Hòa, làm việc trong ban Báo Chí.



Tôi đã đi nhiều địa danh, đã theo những toán Dân Sự Vụ đưa đồng bào ở các vùng xôi đậu về khu định cư lánh nạn Cộng sản. Bước chân tôi đi trải qua những vùng rừng chồi rậm rạp, những cánh đồng nhiều hố bom, những ruộng dưa hấu bỏ hoang, những khu vườn đất còn khét pháo và cây cối loang lổ vết đạn. Vậy mà rau hoang dại vẫn sinh sôi nẩy nở. Nhiều nền nhà còn sót lại giàn mồng tơi tím. Dù không ai săn sóc, dù không khí nồng thuốc khai quang, dây mồng tơi vẫn mượt mà bám vào những nhánh cây khô, trườn mình lên nền đất để phơi bày những phiến lá mọng nước, rung lấp loáng dưới cơn nắng đổ lửa.



Cuối xuân năm Ất Mão, sau khi Việt cộng xâm lăng toàn thể miền Nam, tôi bỏ xóm ở Phú Nhuận, về nhà chị tôi ở gần hồ tắm Thiên Nga tá túc. Anh rể tôi, nhà thơ Tô Thùy Yên đã đi học tập cải tạo . Chị tôi bị cấm hành nghề viết lách, bán dần từng món trong nhà. Giàn mồng tơi ngoài bờ rào và bên cửa sổ mọc xum xuê . Nồi canh mồng tơi thời kháng Pháp ở tại Ngã Ba Trung Lương có dịp nấu lại, và chẳng có tôm thịt mà chỉ mêm bằng vài thìa mắm ruốc, thêm một chút ớt bột và tiêu . Tôi cùng với chị tôi và các cháu cứ ăn canh mồng tơi, rau muống luộc, trứng luộc dầm với nước mắm từ bữa ăn này sang bữa ăn khác. Vậy mà chị tôi vẫn vui vẻ, hồn nhiên, nói khôi hài, kể chuyện tiếu lâm không ngớt. Trong khi đó, tôi lo sợ bị bắt vì không đăng ký học tập. Tóc tôi bạc đi nhiều mà quái lạ thay, tuy chị tôi lộ vẻ vui tưoi, nhưng tóc của chị bạc mau chóng. Nhưng khuôn mặt hai chị em tôi không già héo, dáng dấp vẫn dẻo dai . Nội lực, tiềm lực của chị em tôi làm sao cạn với trong tình thương đùm bọc của một số bạn bè? Dù qua biết bao nhiêu vận nước bi thảm, dù trải qua những tai ương, chúng tôi còn niềm tin yêu cuộc đời . Chúng tôi là những dây mồng tơi tím, mượt mà bò trên mặt đất mấp mô, lăn xả vào gai góc để trổ lá, đâm tược, tha thiết quấn vòi vào.


Chúng tôi giờ đây dù kẻ ở bên quê nhà, người sống nơi tha hương vẫn bền lòng đợi anh Yên trở về trong một ngày nước nhà được thoát khỏi ách thống trị của Việt cộng. Anh Yên còn ở nhà, rất dở chịu đựng. Thế mà anh đã chịu đựng trong ngục tù lao động của Cộng sản suốt bảy năm ròng. Tin mới nhứt từ quê nhà đưa sang là anh vẫn khỏe mạnh. Có chạm trán và thử thách gian nan, tôi mới rõ phần tiềm lực sâu sắc nhứt của từng cá nhân. Tôi đã đương đầu với sinh kế gian nan trên cái xứ nổi tiếng về nạn thất nghiệp là xứ Pháp. Nếu anh Yên trong vòng kềm kẹp khắt khe của Cộng sản, vẫn là dây mồng tơi tím, trườn mình vào chông gai, thì trên đất Pháp, tôi cũng bò lên những nhiêu khê phiền toái của sinh kế, kiếm chút ít tiền để mua quà và thuốc men gởi về cho mẹ tôi, chị tôi và các cháu tôi.


Có một thời gian, nằm trong căn phòng tại thành phố Meudon, cách Paris hàng mười cây số, trên ngọn đồi cao, đêm đêm vọng tiếng cú rúc ở bìa rừng, tôi hình dung lại giậu mồng tơi và tô canh mồng tơi tím nấu với vài thứ rau khác cùng tôm he . Tôi đã thấy rồi, qua hồi ức, trên những phiến lá óng mượt dưới ánh trăng, trong đáy bát canh cả một cuộc đời thăng trầm của gia đình tôi, những vận mệnh bi đát của quê hương tôi . Tuy vậy, cùng với mái tóc sớm điểm bạc, tôi đã giữ một chút tươi mát tận trong cõi tiềm lực thâm thúy, để còn hy vọng ngày về, để kể cho con cháu nghe lại một loại rau mát lành của quê hương từng nuôi sống gia đình tôi và gieo cho tôi ý niệm về cái ung dung, tươi mát của một tâm hồn thơ mộng không bao giờ hủy diệt trước nghịch cảnh.



HỒ TRƯỜNG AN

Thursday, February 16, 2012

KINH DƯƠNG VƯƠNG * Bài Ca Của Tuyết Băng



1.
Ngài đã sinh ra tôi giá buốt, hơn hết những tấm lòng bội bạc chốn trần thế. Ngài đã phán bảo tôi: "Hãy sinh sản và giữ quả tim băng giá để đón chờ…".
Tiền thân tôi không là tuyết băng. Tôi là nước trong mát dịu dàng. Nhưng sau lời phán của Ngài toàn thân tôi bắt đầu lạnh giá. Máu đang luân chuyển trong các mạch bỗng dừng lại. Búng máu từ buồng tim sắp sửa được đưa đi vội đứng sửng. Ở ngưỡng cửa trái tim, thân thể tôi trở nên trắng muốt, lạnh lẽo vô ngần. Hơi lạnh từ thân thể tôi toát ra khiến các thiên thần đứng gần bên ái ngại… Còn đâu là những ngày vui tôi chạy nhảy nô đùa tung tăng ca hát trên thác ghềnh, tung bọt trắng xóa ven chân đảo xanh bờ cát xa uốn mình dịu dàng qua khe đá suối rừng hay bốc hơi thành những đám sương mù che mờ vạn vật. Tôi khóc nhưng nước mắt không còn chảy. Nước mắt tôi cũng đã đông cứng lại.
Buổi lễ tiễn biệt tôi diễn ra trong yên lặng. Từ các thiên thần đến các tinh tú, chẳng ai nói một lời chúc tụng. Họ chỉ lộ vẻ cảm động bằng những chớp mắt.
Khi mọi người ra về tôi còn nằm trong vòng tay ấm áp của Ngài. Trước hành lang, mắt buồn vời vợi, Ngài nghiêng bàn tay, tôi rơi vùn vụt vào đêm tối. "Đêm trần gian giá lạnh hơn lòng tôi". Tôi thầm nghĩ. Nhưng vì lời phán quyết của Ngài, tôi khứng nhận số phận này.
Tôi đem hơi băng giá bao phủ địa cầu, tiêu diệt những mầm non mới nở. Tôi không có một người bạn nào: các chim chóc, hoa lá xanh tươi. Chỉ có những con gấu. Tôi không thích chúng. Chẳng bao giờ chúng biết nghĩ đến sự có mặt của bất cứ ai. Chỉ ăn rồi ngủ vùi như một lũ ngu xuẩn.
Những con nai gạc hồn nhiên hơn, chạy nhảy trên thân thể tôi nhưng chúng cũng không hề biết tôi đã âu yếm dường nào, nâng đỡ bước chân non của chúng. Tôi không thích có những người bạn ngu xuẩn và vô tâm như vậy.
Hạt giống các loài hoa, chẳng bao giờ nữa chúng nẩy mầm trong hơi giá lạnh kinh hồn và đau khổ hơn là chúng cũng không bao giờ bị hủy diệt.
Trước kia, chúng có một đời sống rực rỡ, khoe sắc màu lộng lẫy, dưới ánh nắng ấm áp ban mai. Nhưng chúng đã héo tàn khi tôi đến. Bây giờ chúng chỉ còn giữ lại những quả tim bé bỏng nằm im khốn khổ trong cõi lòng băng giá của tôi.
Vào những đêm thanh vắng, chúng cất tiếng than van thống thiết. Chúng van tôi hãy trả lại cho chúng ánh sáng và đất màu thuở ban đầu. Hàng triệu năm trôi qua rồi, tôi sống trong tiếng than van khóc lóc, căm hờn và tuyệt vọng của các loài hoa.
Lòng tôi chua xót khôn lường. Nhưng tôi không thể làm sao khác hơn. Định mệnh tôi nằm trong lời phán xa xăm của Ngài. Tôi muốn bày tỏ cho những mầm hoa đáng thương kia rõ thấu lòng tôi nhưng tôi hoàn toàn bất lực. Tôi không còn tiếng nói, không thể làm một cử chỉ hối lỗi nào.
Tôi sống lẳng lặng trong cô độc. Tôi cô độc hoàn toàn như lời Ngài phán bảo: "Ta sinh ra ngươi cô độc". Tôi chính là Cô độc và tôi bỗng oán hận, thù ghét Ngài. Ngài đã dừng lại mọi hoạt động của thân thể tôi nhưng không hủy diệt trí óc tôi cho trở thành vô tri. Ngài còn cho tôi suy tưởng và xúc động. Như thế đối với tôi Ngài đã phạm một trọng tội. Phải chăng đó là sự lầm lẫn không sao tha thứ được?
Thời gian trôi qua… thân thể tôi lớn lên lan ra bát ngát đến những cõi xa xăm. Và dù ánh sáng mặt trời cố dọi đến ánh sáng chói chang nhưng thật là điều vô vọng. Dưới ánh sáng thân thể tôi lóng lánh như gương và vẫn toát ra hơi giá buốt kinh hồn.
Nhưng có bao giờ tôi tan chảy? Đời đời chẳng bao giờ có ngày ấy. Ngày tình yêu hoàn toàn chiến thắng ác tâm.
2.
Cho đến một đêm mùa Đông kia…
Tim tôi tiếp nhận những vang dội êm ái lạ lùng từ chốn xa xăm đưa lại khiến lòng tôi bồi hồi xúc động. Tim tôi rung lên như một dây tơ thẳng có tay ngà chạm đến. Xúc động tăng dần lên cho đến lúc tôi hầu như sắp bất tỉnh. Âm vang kỳ bí mỗi lúc đến gần hơn và tôi nhận ra tiếng động bước chân người. Tim tôi thôi dồn dập, niềm cảm xúc bỗng lắng xuống đổi ra êm dịu tựa vuốt ve. "Ôi! Tiếng chân người sao êm ái quá!" Tôi thầm nghĩ. Nó không giống chút nào với những bước đi nặng nề của gấu, dồn dập như của bầy nai gạc và cẩn trọng của các tay thám hiểm. Tất cả lũ đó dày xéo lên thân thể tôi không chút xót thương - Không!… Bước chân người khoan thai êm ái nhân từ như tâm hồn một dòng sông sóng lặng. Bước chân càng đến gần tôi cảm thấy thân thể tôi thu nhỏ lại.
Nhưng ai thế? Ai mà giữa đêm giá buốt này lại lạc bước đến chốn hoang vu? Người đến với tôi chăng hay chỉ là một khách lãng du quên dừng gót trong Đêm giá? Ai mà trong Đêm - đoàn - tụ nầy lại tìm đến với Cô đơn?
3.
Hỡi ôi! Chính là chàng! Thoạt trông thấy chàng tâm hồn tôi bỗng rụng rời. Chính là chàng nhưng sao trông thân thể chàng tiều tụy và thiểu não dường kia?
Chính là chàng, tôi không sao lầm lẫn được. Trước kia tôi đã từng trông thấy chàng khi chàng hãy còn là một tượng đất trong căn phòng sáng tạo của Ngài. Chàng chỉ là một hình nhân. Trên đài trán cao mịn phẳng của chàng, Ngài đã khắc ghi dòng chữ: "Cùng với muôn loài đã tạo dựng, ta tạo dựng ngươi. Bổn phận ngươi là phải gieo rắc tình thương yêu của ta trong những tấm lòng bội bạc. Hãy đem hơi ấm của tim ta đến sưởi những trái tim người băng giá. Hãy ca ngợi Đau khổ, Bác ái, ca ngợi Hy sinh và sự thật Mặc Khải ta cho muôn loài. Và cuối cùng hãy ca ngợi Mặt trời. Phải, Mặt trời là mắt nhân ái của ta sẽ theo dấu bước chân ngươi. Ngươi có tên là Nghệ sĩ".
Ôi! Chàng chính là chàng Nghệ sĩ mà trước khi tôi trở thành Tuyết băng chàng hãy còn là một tượng đất vô tri.
Ngài đã cho tôi ra đời trước chàng để gieo băng giá vào lòng người. Phải chăng đó là dụng tâm của Ngài? Bây giờ chàng đang đứng kia, nhẹ nhàng trên thân thể tôi tưởng chừng như không có sức nặng nào nơi chàng cả. Phải, chàng không có sức nặng, vì thân xác chàng được cấu tạo bằng Tình thương. Tôi đỡ chàng nhẹ hẫng bởi chàng thanh thoát hơn một làn hơi tinh khiết.
Từ bao năm thân thể tôi giá lạnh, tôi là Tuyết băng đông cứng. Nhưng từ khi chàng hiện đến, tôi là Tuyết hóa thân trong ân sủng hiến dâng. Ân sủng đó chính là hơi ấm của tình thương từ thân thể chàng tỏa ra bao phủ lấy tôi, hơi ấm trong lòng bàn tay Ngài ngày xa xăm nọ…
Chàng đã gầy ốm hẳn đi so với bức tượng tôi trông thấy. Tóc chàng rối bời. Áo quần xốc xếch như chẳng bao giờ chàng có thì giờ để ý đến. Hai cánh tay dài buông xuôi, những ngón tay gầy guộc: hiện thân chàng của một người tuyệt vọng. Ngoài thứ hơi ấm bất tuyệt tỏa ra chung quanh chàng. Ngoài cặp mắt sâu, âm u như hai miếng hố thẳm còn le lói trong đáy đóm lửa sắp tàn, nơi chàng tôi chẳng còn nhận ra chút nghị lực nào.
Tôi đau đớn nghĩ đến Ngài cùng những lời ủy thác dường như chàng đã quên. Chàng tàn tạ như một đóa hoa sắp rụng. Đôi mắt âm u của chàng hướng về cõi trời cao, nơi quê hương xa cách, dõi đến hình bóng Ngài tuyệt vọng. "Xin Ngài đem con trở lại chốn quê hương". Lời cầu nguyện ảo não của chàng làm cho tâm hồn tôi đau xót. Thế là hết. Chàng chẳng còn thiết tha đến lời ủy thác của Ngài. Chàng đã làm cho Ngài thất vọng.
Chàng thẫn thờ lê những bước chân mệt nhọc trên tuyết giá. Chàng ngã qụy.
Sung sướng thay tôi được ấp ủ thân thể chàng. Nhưng niềm vui sướng không lướt thắng được nỗi buồn rầu đau khổ vò xé tâm hồn tôi. "Ta phải nói cùng chàng", tôi nghĩ. Tôi có bổn phận phải nhắc lại lời Ngài đã khắc ghi trên trán chàng và long trọng thốt ra từ miệng Ngài nơi Ngưỡng - Cửa - Chia - Ly.
Trong niềm kính trọng, run sợ uy lực chàng - dù là thứ uy lực sắp tắt hơi - tôi khẽ gọi tên chàng: "Hỡi Nghệ sĩ! Hỡi Nghệ sĩ!" Chàng không nghe, đôi tai chàng còn cố sức lắng nghe thông điệp Ngài nhắn gởi. Tôi lại gọi chàng: "Hỡi Nghệ sĩ, em là Tuyết băng đây. Chàng có nhận ra em chăng!". Ngẩng đầu lên, mắt ngỡ ngàng, lời thì thầm như hơi gió thoảng. Nhưng tôi đã nghe từ lúc chúng hiện ra trong tâm trí chàng. "Ai? Ai gọi ta? Ai gọi tên ta trong chốn hoang vu lạnh giá?" "Chính em, Tuyết băng đây, đứa em đã được Ngài cho ra đời trước chàng". Chàng ngã đầu xuống, những ngón tay gầy bốc lên từng ngụm tuyết trắng ve vuốt trong tay. "Chàng có nhận ra em không, Nghệ sĩ? Sao vẻ mặt chàng lại lạnh lẽo dường kia?" - "Hỡi Tuyết băng! Chàng cất tiếng, ta đã từng nghe Ngài nói đến ngươi. Ngài cho ta biết quyền lực lặng lẽ của ngươi. Nhưng ta không ngờ, ta không thể tưởng tượng ra cái uy lực khủng khiếp của giá buốt mà ngươi đã toát ra bao trùm cả địa cầu, len lỏi vào nằm trong từng trái tim các con cái của Ngài" "Chính em sao? Hỡi chàng!"
Tôi thảng thốt kêu lên. "Đó chỉ là bổn phận, đó chỉ là uy lực của lời Ngài phán bảo "Phải, chàng trả lời, đó là một lầm lẫn của Ngài đã cho ngươi ra đời trước ta. Đã cho Băng giá ra đời trước Tình yêu và Anh sáng. Ngươi không có lỗi nhưng chính Ngài đã lầm lẫn. Từ hàng bao triệu năm qua, ta cố đem hơi ấm của tình thương Ngài đi sưởi những trái tim vô cảm, nhưng ta đã hoàn toàn thất bại. Băng giá đã ngự trị cùng khắp trong tim, trong óc, trong máu huyết con người. Ta không làm sao có thể đẩy lui sự lạnh nhạt hờ hững ra khỏi tâm hồn tăm tối đáng thương của họ nữa!".
Tôi khóc: "Sao chàng lại sớm nản lòng?". "Ta đã kiệt lực, ta chỉ còn giữ lại cho mình một chút hơi tàn để có thể trở lại với Ngài. Xin Ngài cho ta trở lại chốn cố hương, trở thành một tượng đất như xưa".
- Nhưng cớ gì khiến chàng tuyệt vọng dường ấy? Tôi âu sầu hỏi.
- Ta có vô số những kẻ thù quấy phá: Ngu muội, Hờ hững, Ác tâm. Đó là những con cái sinh ra từ cõi lòng giá lạnh không có chút tình thương của ngươi. Chàng giả danh ta, tự nhận lấy trọng trách của Ngài giao phó cho ta làm nhơ nhuốc thanh danh ta. Bọn giả danh mang mặt nạ tình thương, bác ái, nhân nghĩa giấu sau những khuôn mặt quỷ sứ đầy dẫy cả địa cầu. Ta bị thất thế, lầm lẫn trong bọn đó dù ta đã cố chiến đấu đến mòn hơi. Tiếng nói tình thương phát ra từ miệng ta không che lấp nổi những lời giả dối được phóng đại bằng những bộ máy trên khắp cùng mặt đất.
- Hỡi Nghệ sĩ! Xin chàng chớ nản lòng. Loài người còn cần đến chàng - như họ sẽ nhận ra Chân lý - Chân lý thì duy nhất. Rồi mọi điều giả trá sẽ hiện nguyên hình và sẽ phải bị tiêu diệt. Chân lý sẽ tỏ lộ như trăng rằm. Đó là giờ phút vinh quang của chàng. Giờ phút chàng hoàn thành sứ mạng.
- Nhưng ta đã chiến đấu và ta đã kiệt lực. Thôi hãy để ta yên nghỉ, hỡi Tuyết băng.
- Xin chàng hãy nghe em, lời nói bằng máu lệ cuối cùng nầy. Tôi nói trong nhiệt thành khẩn thiết.
Chàng phải lên đường, em van, chàng phải tiếp tục sứ mạng cho đến ngày hoàn tất.
- Thôi hãy để cho ta chết lặng lẽ, hỡi Tuyết băng.
- Nghệ sĩ! Xin chàng hãy nghe em, lời nói máu lệ cuối cùng nầy. Chàng phải lên đường tiếp tục cuộc chiến đấu. Chàng chưa thấu triệt ẩn ý của Ngài trong dụng ngữ Hy sinh; chàng còn giữ tàn lực để trở lại cùng Ngài. Hỡi Nghệ sĩ! Hãy tiêu diệt tàn lực, tiêu diệt tàn lực cuối cùng. Hy sinh chính là một ẩn ngữ của Ngài.
Mắt chàng sáng rực lên - Trong hai hố mắt đen đóm lửa sắp tàn cháy bùng lửa ngọn. Nhưng từ đó tuôn xuống hai hàng lệ đỏ.
- Ta còn sức lực đâu với thân xác tiều tụy nầy để trở lại cõi đời?
- Xin chàng hãy gửi xác thân chàng em ấp ủ. Chính trái tim chàng sẽ ra đi.
Ngọn lửa trong mắt chàng bốc cao lên rực rỡ.
- Ta cảm tạ Tuyết băng.
Chàng cào vào lồng ngực moi lấy quả tim đỏ thắm máu thoi thóp liên hồi. Máu ấm của chàng tuôn xuống nhuộm hồng thân thể trắng muốt của tôi.
- Hỡi Tuyết băng! Giọng chàng quả quyết. Chào vĩnh biệt, ta đi đây.
Xác chàng ngã xuống trên thân thể tôi và trái tim chàng rực sáng chói chang ánh lửa không ngọn. Tôi sung sướng ấp ủ xác chàng và cảm động cất lời ca: "Xin giã biệt trái tim Nghệ sĩ. Hãy lên đường bình yên với lửa ấm can cường. Hoàn thành lời ủy thác của Ngài".
Lời Gió Bấc.
"Ngọn lửa đã thiêu rụi quả tim chàng tạo thành cơn bão lớn. Con bão gieo rắc tình thương như hạt mầm trên khắp các ngõ ngách địa cầu. Mầm cây tình thương đã ăn sâu vào lòng đất. Chàng đang hoàn thành sứ mạng. Chàng biết hòa mình trong nhân loại để vượt thắng. Lặng lẽ, khiêm tốn nhưng đầy cương nghị. Chàng xem thường hơi giá buốt của Tuyết băng. Bên ngươi ngọn lửa ấm của tình thương, chân lý càng bốc cao hơn. Chàng đã làm chảy tan Hờ hững, xua Ngu muội và Ác tâm ra khỏi lòng người, Chân lý đã lần hồi tỏ rạng. Chàng gởi lời cảm tạ ngươi: Tuyết băng và chào vĩnh biệt. Vì chính nhờ ngươi mà sự chiến thắng của chàng quang vinh hơn.
Chàng cũng gởi lời chào vĩnh quyết đến Ngài, vĩnh biệt cố hương. Chàng đã chọn quê hương mới. Ở đó Đau khổ do Ác tâm gây nên đang tàn phá cần đến sự hàn gắn của chàng. Chàng đã sinh ra nhiều con cái có những trái tim cháy bỏng trên khắp mặt địa cầu, truyền lại cho chúng lời ủy thác của Ngài. Chàng đã len lỏi nằm trong mọi trái tim vô cảm của loài người. Đem hơi ấm của tình thương sưới ấm lên dòng máu lạnh.
Gió Bấc thổi qua…
Nước mắt tôi rơi xuống. Giọt nước mắt cuối cùng đã ngưng đọng từ hàng triệu năm đã tan chảy do niềm sung sướng gió Bấc vừa mang lại. Chẳng bao giờ tôi còn nhỏ được một giọt nước mắt nào khác nữa. Tôi không còn cảm thấy cô đơn: tôi ấp ủ xác chàng như kỷ vật đời đời. Tôi khấn thầm lời nguyền vĩnh quyết: "Em ấp ủ thân xác chàng trong lòng em cho đến muôn đời".
Đêm giá! Đêm trần gian giá lạnh, nhưng từ nay sự giá lạnh sẽ bị đánh tan đi bởi ngọn lửa rực rỡ chói chang của trái tim chàng Nghệ sĩ./.
Kinh Dương Vương

Wednesday, February 15, 2012

KIÊM THÊM * Chè Huế, Trà Tàu


Lịch sử


Tục truyền đức Bồ Đề Lạt Ma, người Ấn Độ đã du nhập Phật giáo dyana vào Trung Hoa khoảng 520 qua trường phái chan (đầu tiên được gọi chan na), sau nầy trở nên seon bên Hàn Quốc, zen bên Nhật Bản, thiền ở Việt Nam, một hôm ngủ gật nhân lúc ngồi định tâm. Thức giấc, hổ thẹn, ngài cắt hai mí mắt vứt xuống đất. Hai mí nầy mọc rễ, đâm chồi lớn lên thành một cây lá hình mí mắt mà người đời hái về dùng để giữ trí óc luôn được tỉnh táo. Mặt khác người ta tin tục uống trà được truyền lại từ thuở Thần Nông ! Sau một loại tên : tu, she, chuan, jia, ming,… ngày nay nó được gọi cha bên Tàu, cha hay sa bên Nhật, tchai bên Nga, tea bên Anh, tee bên Đức, thé bên Pháp,…toàn những chữ đồng âm. Lúc ban đầu, cách dùng trà có phần rắc rối : lá được ẩm hơi nước, cán nghiền nát, vo thành viên rồi đem nấu với hành, gừng, cam, sữa và nhiều gia vị khác gọi là bánh trà hay đoàn trà. Thêm vào bơ, kem sữa, lối ăn nầy hiện còn được thông dụng bên Tây Tạng. Trên thế giới ngày nay ít thấy có nơi khác còn ăn trà như vậy.

Ở Á Châu, trà liên quan mật thiết với Phật giáo. Tăng lữ khi ngồi thiền “cần tịnh tọa, điều tâm, quán chiếu tự tánh, tiêu từ tạp niệm, để đạt trạnh thái khinh an, minh tịnh,… Trà lúc thức uống để thần tỉnh não, xua đuổi ma ngủ….” Từ đấy trong tu viện sinh ra trà đường, nơi thảo luận, trà cổ, nơi đánh trống chiêu tập tăng ni, trà đầu, vị tăng coi việc nấu trà (Tảo chữ phàm phu, Triệu Châu : “uống trà đi”, Giác Ngộ số 31, 1999). Dần dần, thú uống trà rời chùa chiền lan qua cung đình, quan lại, sĩ phu, thương gia. Song song với Phật giáo, Lão giáo lấy trà làm thuốc trường sinh, góp phần phổ biến tục dùng trà vào quần chúng.

Bên Trung Quốc, ở thời Khổng Tử đã thấy biết uống nước cây tu, một loại trà đắng. Bắt đầu từ các thời đại Tam Quốc, Lục Đại, thuật dùng trà dần dần trở nên thịnh hành. Qua đời Đường, nghệ thuật trà chiếm một chân quan trọng trong giới uyên bác, bên cạnh văn thơ, hội họa, thư pháp, âm nhạc, võ thuật,… Trà kinh, cuốn sách đầu tiên thảo luận về trà, đưa tác giả Lục Vũ lên bậc trà sư đầu tiên, sau nầy còn được tôn là trà thần (Đỗ Trọng Huề, Trà, lược sử và ý nghĩa, Bách Khoa số 169, 1964). Cũng vào thời ấy, Lư Đồng viết bài Trà ca cùng Lục Vũ để tên lại hậu thế trong thế giới trà. Sau nầy còn ra đời nhiều cuốn khác mà có tiếng nhất là cuốn chuyên khảo xuất bản đời Tống, Trà luận của vua Huy Tông, lúc nghệ thuật dùng trà đạt đỉnh tối cao. Đồ gốm uống trà thời ấy còn giữ tiếng vang (John Blofekd, Thé et Tao).

Nghệ thuật trà theo Phật giáo nhập vào Nhật Bản, từ một thức uống trở thành một dụng cụ truyền bá trường phái zen. Cũng như ở những nơi khác, trà đạo thoát khỏi nhà chùa, lấn vào địa hạt văn hóa, tổng hợp những lý tưởng cao siêu thuộc về đạo giáo, luân lý, mỹ học, cùng triết lý, kỷ luật, quan hệ xã hội. Tiếp tay các tu sĩ Ikkyu (1394 – 1481), Murata Shukô (村田珠光 (1423-1502), Takeno Joo (1502-1555), phát minh một phong cách mới, nghệ thuật wabi, dùng trà trong một ngôi nhà nhỏ, vẻ khiêm nhường, không phô trương, kết hợp thiền định và nguyên tắc bình quân của nền dân chủ. Đồ đệ ông ta, Sen Rikyu, là người khai triển trọn vẹn nghệ thuật nầy, nhận diện trà đạo với bốn nguyên tằc căn bản hòa hợp, tốn kính, thuần khiết và bình tâm. Hậu duệ của ông 15 thế hệ sau còn là trà sư có tiếng. Ngày nay, trong nghi lễ dùng trà Nhật Bản chanoyu, sự kiện cho là đơn giản pha trà và uống trà chỉ nhắm một mục đích : đạt đến thanh thản tâm hồn, thông cảm với đồng loại trên thế giới (Soshitu, Vie du thé, vie de l’esprit).

Rửa lòng tục, tỉnh mộng trần

Âu châu chỉ tiếp xúc với trà từ thế kỷ 17 qua Công ty Ấn Độ thuộc Hòa Lan. Hãng buôn nầy chiếm độc quyền nhập cảng trà vào nưóc Anh và Mỹ châu. Bữa dùng trà vào năm giờ chiều, thêm đường, thêm sữa là một tục lệ mà ít người Anh có thể bỏ qua. Ấm trà samovar giữ nóng suốt ngày bên Nga nhắc ta nhớ đến om chè luôn đặt trên bếp quê ta. Tuy nhiên ở phương Tây, cạnh tranh cà phê khá mạnh nên, trừ ở những nước Đông Âu, tập quán dùng trà ít được phát triển cho đến gần đây, bắt đầu thấy được kêu trong các tiệm cơm Tàu Việt Thái sau hoặc ngay trong bữa ăn.

Ở Việt Nam, chúng ta thường phân biệt chè xanh và trà tàu. Tuy nhiên, một hôm ở quận 13, Paris, khi tôi gọi ấm nước trà sau bữa ăn, anh dọn bàn lễ phép hỏi lại : chè đậu hay hay chè khoai ? Không có những đồn điền mênh mông như ở các nước Ấn Độ, Sri Lanka, Indonesia, thường ở nước ta vườn nào cũng có vài ba góc chè đủ dùng trong nhà. Lá chè tươi nấu nước sôi là thức uống bình dân rẻ tiền. Tuy vậy, ngày nay nó đang bị những nước ngọt Pepsi, Cola nhập cảng hay các các rượu bia đủ loại lấn át.

Trà tàu bên ta nếu không dùng theo kiểu Trung Quốc xưa : trảm mã (trà ủ trong bụng ngựa, trùng diệp (trà ủ trong ruột sâu chế với búp trà), bạch mai hầu (trà do khỉ lông trắng hái),… thì các cụ lại ướp hoa (lài, sen, hồng, sói,…) không chỉ để có trà thơm. “Nhưng đặc biệt nhất thì lại là lấy gạo sen dùng để ướp trà. Những gia đình nền nếp, dù túng bấn cũng không thế nào dừng được việc này. Việc này không còn là một sự a dua theo thời, mà đã là một cần dùng về lễ nghi tôn giáo và cần dùng trong việc xã giao, ngoài cái thú thưởng thức hương vị đặc biệt của trà sen” (Lê Văn Siêu, Trà ướp sen… trong Văn minh Việt Nam). Dọn trà lại là một nghệ thuật. “Pha cho mình cũng như pha trà mời khách, cụ Ấm đã để vào đấy bao nhiêu công phu. Những công phu đó đã trở nên lễ nghi, nếu trong ấm trà pha ngon, người ta chịu nhận thấy một chút mùi thơ và một tị triết lý và tâm lý” (Nguyễn Tuân, Chén trà trong sương sớm trong Vang bóng một thời). Thanh hương, hậu vị, ấm chén chưa đủ để gây cái thú uống chè. “Chè tàu thú vị ở chỗ tính nó sạch sẽ, hương nó thơm tho. Buổi sớm gió mát, buổi chiều trăng thanh, với bạn rượu làng thơ cùng làm chủ khách mà ung dung pha ấm chè tàu ra thưởng thức thì có thể tỉnh được mộng trần, rửa được lòng tục” (Phạm Đình Hổ,Cách uống chè trong Vũ trung tùy bút). Ôi, cả một quá khứ biết bao thanh cao, thuần khiết !

Ngày nay, khi lại thăm nhà ai, vẫn còn có bình trà tiếp khách, nhưng lễ nghi không quá điếu thuốc, miếng trầu. Thời đại kinh tế, khoa học, ít thì giờ mà lại cần hiệu lực. Trên thế giới, bốn nước đặc biệt sản xuất số lớn. Đứng xa hàng đầu là Ấn Độ (mỗi năm 870.000 tấn), theo gót là Trung Quốc (665.000 tấn), sau đó mới đến Kenya (294.000 tấn), Sri Lanka (281.000 tấn) rồi Indonesia, Pakistan, Đài Loan,… Số sản xuất thế giới hàng năm xấp xỉ 2 triệu tấn. Ở Ấn Độ, đồn điền trồng trà rải rác khắp nơi và chất lượng trà mỗi vùng khác nhau, phụ thuộc vào loại đất và khí hậu. Ở Trung Quốc, phần lớn những tỉnh trồng trà nằm ở miền nam. Bên Kenya, xứ mới trồng trà so với các nước Á châu, trà có hương vị nồng đậm đặc biệt của miền núi. Sri Lanka, nơi được mệnh danh là “đảo trà”, gồm có sáu vùng trà đều ở miền nam. Về mặt tiêu thụ, ngoài các nước Á Đông dùng nhiều nhưng không có thống kê, nước Anh nhập cảng nhiều nhất (trung bình mỗi người mỗi năm uống 5kg), theo sau là New Zealand, Canada,… Được thưởng thức nhiều nhất là trà Ấn Độ, đặc biệt sản xuất ở các vùng Darjeeling, Jalpaiguri, sau đến trà Sri Lanka, Java, Trung Quốc…

Quốc tế lúc đầu đặt tên cây trà là cây Thea, theo Linn., thuộc họ Trà Theaceae. Dần dần danh từ Camellia lại thế vì lá trà giống lá cây hoa trà camelia. Có nhiều loại Camellia : C. assamica, C. macrophyllia, C. rosea, C. viridis, thông dụng nhất là C. japonica và C. sinensis. Sách thuốc xưa đã biết dùng trà để giảm đau, đỡ mệt, tăng sức, gia cố nghị lực, phục hồi thị giác. Ngày nay, vì trà được dùng nhiều nơi trên thế giới lại là một nguyên liệu dễ kiếm, rẻ tiền nên rất nhiều phòng thí nghiệm ở các viện Đại học cũng như ở các xí nghiệp dược phẩm đổ xô vào khảo cứu và hàng ngàn bản báo cáo hàng năm chiếm đầy các sách báo khoa học, trước để tìm hiểu tính chất, sau hầu mong phát hiện được ứng dụng những hoạt chất tiềm tàng đoán biết trong một thức uống rất thông thường.

Trên thị trường thế giới, trà xuất hiện dưới ba thể : chè tươi hay trà xanh là trà không lên men, mạt trà (matcha) Nhật Bản, một loại trà bột dùng trong nghi thức chanoyu, thuộc về thể chè nầy ; trà đen là trả ủ hay ngâm, nước trà màu đậm, hương nồng, nặng mùi tannin ; trà ô long là trà ủ lanh, đặc tính nằm giữa hai thể trà kia. Thường được hái là ngọn đọt thêm một, hai hay ba lá tùy theo chất lượng trà muốn sản xuất. Cũng có khi hái thêm bốn hay năm lá nhưng là để chế tạo trà hạng tồi. Lá đưa về được đem phơi hay sấy khô rồi cho kẹp lăn để chiết xuất tinh dầu. Thao tác nấy bẻ gãy một số lá, đem sàn chia làm ba loại : lá toàn vẹn dùng làm các trà Orange Pekoe, Flowery Orange Pekoe, Golden Flowery Orange Pekoe,… ; lá gãy một phần dùng trong các trà Broken Orange Pekoe, Golden Broken Orange Pekoe,… ; và lá nghiền nát thành mụn dành cho các trà Dust, Fannings,… Để ủ, trà được thêm nước đưa độ ẩm lên 90% và đặt trong môi trường không khí giữ giữa 22 và 28°C. Phản ứng hóa học làm tăng nhiệt độ khối lá. Khi nhiệt độ hạ xuống là lúc cuộc lên men chấm dứt : chuyên viên có kinh nghiệm biết rõ lúc nào cần cho ngừng thao tác. Ủ trà cần thiết để gây hương vị trong trà nhưng kéo dài phản ứng thì có hại cho chất lượng trà. Sau đó, lá được đem sấy ở 80°C để hạ độ ẩm xuống 12%. Trà bây giờ có thể cho vào hộp kim loại chống ẩm, chống ánh sáng, nhưng trước đó còn phải qua tay một viên giám định kiểm tra màu sắc, hương vị và ngay cả tính đàn hồi của lá trà khô.

Tính chất, hương vị, chất lượng loại trà là do hơn 200 hóa chất trong lá chỉ định, qua máy sắc ký, một phần lớn đã được chiết xuất và xác định cấu trúc. Chúng thuộc đủ loại chức : từ alcan qua alcanal, alcenal, từ acid qua ester, ceton, oxid, rượu,… đến những phân tử phức tạp hơn như ở trong nhóm tannin. Hương trà thường được cho là các chất hexenal, octadienon, norleucin… mà ra, mùi hoa hồng từ b-alanin, phenylalanin, glutamic acid, mùi trái từ arginin, lysin, mùi rượu từ threonin, còn tyrosin, tryptophan thì cho phảng phất một mùi hôi, trong khi dimethyl octatrienol cống hiến một hương hoa dịu ngọt. Trà Darjeeling được thưởng thức nhờ các linalool, linalool oxid, geranol, haxanoic acid, benzyl alcool, phenylethyl ethanol, geranic acid, hexanoic acid, dimethyl octadiendiol,… Trà Trung Quốc, từ Vân Nam, Phú Kiến qua Quảng Đông, Quảng Tây, khác với trà Ấn Độ nhờ có nhiều benzyl alcool, phenylethyl ethanol. Trà Sri Lanka cũng được hưởng ứng nhiều nhờ hai chất chính : methyl jasmonat có mùi hoa lài, jasmin lacton có mùi trái mơ, trái đào, bên cạnh dimethyl nonenolid, octanolid, nonanolid, decanolid, hai chất sau nầy có mùi cần tây, thơm như trái hồ đào kèm theo mùi sữa dịu, phảng phất đằng sau hương trái cây.

Diệt khuẩn, trị nấm, khử độc

Ở Việt Nam ta, trong số hơn một trăm chất đã được xác định trong trà, nhiều nhất là pentanal, linalool, phenylcetat và ít nhất là benzaldehyd, geraniol. Một công tác khảo cứu trên hai loại trà đen và trà sen thì lại tìm ra được nhiều nhất linalool, linalool oxid, dimethyl octatrienol, dimethyl pyrazin, ethylformyl pyrrol bên cạnh anethol và dimethoxy benzen. Chất sau nầy có nhiều nhất trong trà sen. Các hóa chất trong trà thay đổi với tuổi cây trà, vị trí lá trên cây, thời gian hái lá trong năm,… cũng như cách xử lý, chế biến, tích trữ trà. Ví dụ khi giữ trà lâu ngày thì số lượng propanal tăng gia trong khi hexanal giảm hạ. Đặc biệt, trong thời gian lên men, trừ những aspartic, glutamic acid, glutamin, arginin, threonin, serin, theanin còn nguyên vẹn, tất cả các amin acid dần dần biến hóa thành những aldehyd tương ứng, góp phần nâng cao hương vị trà. Đáng để ý là nếu ascorbic acid ngăn chận cuộc biến hoá nầy, dehydro ascorbic acid có phản ứng ngược lại. Đằng khác, khi đem trà đốt nóng thì thường thấy hiện ra những chất pyrazin : methyl pyrazin, ba chất đồng phân dimethyl pyrazin, trimethyl pyrazin.

Màu sắc trà là do những chất thuộc nhóm tannin mà ra. Những chất sắc thường thấy là những xanthin, theaflavin, theaflagallin,… nhuộm trà đủ màu hồng, đỏ, nâu,… Đặc biệt, những amin acid như arginin làm tăng màu nâu, cystein cống hiến màu hồng. Tannin là một hỗn hợp có tính chất bảo vệ gỗ, da, chống thối rữa, mục nát. Nó cũng có thể gây ung thư ở thực quản. Tỷ lệ trong lá thường quanh 12-13%, khi lá hái cuối mùa có thể lên đến 18%. Tám chất polyphenol nổi trội chiếm 40-60mg/g trà (có nhiều trong lá trà non hơn lá trà già) : catecin (C), epicatechin (EC), gallocatechin (GC), epigallocatechin (EGC) và bốn dẫn xuất gallat của chúng : catechin gallat (CG), epicatechin gallat (ECG), gallocatechin gallat (GCG) và epigallocatechin gallat (EGCG). Khi trà lên men, các chất catechin giảm hạ. Khi trà bị đốt nóng, những polyphenol cũng thay đổi : epicatechin biến thành catechin, epigallocatechin biến thành gallocatechin,… còn epicatechin gallat, epigallocatechin gallat,… thì phân hủy ra gallic acid cùng các mảnh hoá chất nhỏ khác. Một thành phần quan trọng của tannin là tannic acid có tác dụng bóc vảy tế bào biểu mô ở ruột, thoái hóa tế bào gan, thêm nhiễm ngoài tiểu cầu và ngoài mạch tế bào bạch cầu đơn nhân thận,… Tannic acid trong trà pha là (mg/mL) 55-59 từ lá, 80-95 từ mụn ; trong trà nấu, số lượng lên đến 85-95 từ lá, 102-118 từ bụi trà. Vì tannin có tính chất hóa học và dược lý có ích nên cuộc chiết xuất nó đã được khảo cứu, đặc biệt để phân tách các catechin.

Thường người không quen uống trà bị mất ngủ. Thật vậy, trong trà có cafein, nhiều hơn cả trong cà phê. Nói chung, trà chứa đựng một số alcaloid dẫn xuất của purin. Ba chất chính của nhóm nầy là ba dẫn xuất của xanthin : cafein (trimethyl xanthin), theobromin, theophyllin (hai chất đồng phân dimethyxanthin). Cafein có nhiều nhất (2-4%). Theobromin ít hơn (dưới 0,2%), thường được chiết xuất từ hột cây Theobroma cacao. Theophyllin còn ít hơn (khoảng 0,01%) chỉ có ở lá trà. Ngoài nhóm xanthin, còn có adenin, (aminopurin), guanin (aminohydro purin), xanthin (dihydro purin),… đều dưới 0,01%. Cafein được chiết xuất từ năm 1820 từ hột cà phê (chứ đựng 1-2%) và qua năm 1885 được nhà hóa học Hermann Emil Fischer (1852- 1919, Nobel 1902) nhân tạo tổng hợp. Cả ba xanthin đều dược xem như là những chất kích thích hệ thần kinh. Tác dụng của cafein mạnh nhất : nâng cao hoạt động não, tăng gia ứng lực trí tuệ, nhưng thời gian hưng phấn thường có kèm theo một trạng thái suy thoái.

Dùng ít, cafein có tính chất hạ huyết áp, dùng nhiều thì tác dụng ngược lại. Trong hệ thống tim mạch, theophyllin hiệu nghiệm nhất : tăng gia biên độ tần số tim đập và tác dnụg lên sợi tim. Dùng nhiều, nó có thể thúc tim đập lanh. Đằng khác, có tính chất thã duỗi sợi cơ trơn nên nó được dùng để chữa bệnh suyễn cũng như các chứng thông khí kinh niên, để tháo giải co thắt phế quản, đồng thời cải tiến sự tuần hoàn động mạch vành. Cả hai theobromin và theophyllin đều có tác dụng lợi tiểu lớn. Ba chất xanthin đều không độc dù dùng liều lượng lớn. Tuy vậy, chúng có khả năng gây nôn mửa vì kích thích niêm mạc dạ dày và nhất là gây mất ngủ. Chúng không gây ra thói quen, nhất là cafein, thiếu thì sinh ra bực dọc, bồn chồn, nếu không là bị kích thích, nổi cáu. Vì vậy ngày nay có bán nhiều loại trà bột, khuấy nước uống liền, được khử cafein hoặc bằng phương pháp tinh lọc, hoặc bằng chiết xuất với dung dịch hữu cơ hay, theo số lớn những văn bằng sáng chế, với thán khí tới hạn (super critic carbonic gaz).

Người Âu Mỹ thường uống trà với đường. Thật ra trong trà đã có fructose, glucose, arabinose, sucrose, maltose, raffinose, stachyose (từ 0,1 đến 0,7 %) dưới thể tự do hay kết thành glycosid với rhamnose, galactose, xylose, galacturonic, mannuronic acid. Ít được biết là sinh tố trong trà. Bên cạnh các vitamin C, E, cả một loạt vitamin B đã được xác định : B1, B2, B3, B5, B8, (tức H), B9 (vài mg% mỗi thứ) nên trà đã được dùng làm thuốc bổ sức, trương lực. Một tính chất rất quan trọng của trà là nó có khả năng chống oxi hóa nhờ những chất như ascorbic acid, tocopherol và nhất là những polyphenol, đặc biệt những catechin. Một văn bằng dùng nước chiết xuất rồi phân tích qua máy sắc ký lỏng cao áp đã xác định được phân suất các catechin ấy : trong 12g trà chiết có EC (rất ít), GC (0,85), EGC(1,44), ECG (1,24), EGCG (4,87g) *. Tác dụng chống oxi hóa tăng theo thứ tự EC<ECG<EGC<EGCG.

Tính chất dược liệu của trà được thấy rõ ràng nhất là diệt khuẩn đủ loại, một số gây bệnh trong rau, trái, thức ăn : những Agrobacterium, Bacillus, Clitidium, Clostridium, Escherichia, Plassiomonas, Porphyromonas, Pseudomonas, Salmonella, Staphylococcus, Vibrio,…Nhờ vậy, trà chiết được dùng làm thuốc khử nấm, chữa dị ứng, chống đau, trị viêm, làm bánh chống tinh thần bại hoại, chữa các chứng dương liễu, tẩm khăn khử trùng, khử độc những trùng Vibrio paraha emolyticus, V. cholerae hay Clostridium botulinum . Trà chiết chứa đựng polyphenol được dùng để chống những loại trùng như Staphylococcus aureus, Clostridium botulinum kháng cự lại methycillin , có khi đồng vận với b-lactam. Bên phần thảo mộc, polyphenol xúc tiến cây cỏ chóng mọc, xua đẩy tạp trùng , chống bệnh trùng cầu, với liều lượng rất nhỏ <100ppm. Saponin  cũng như polyphenol còn có tác dụng lên các virus gây cúm, tiêu chảy, viêm vị tràng .

Những lợi ích của trà


- Diệt khuẩn

Trong số các vi khuẩn bị polyphenol diệt có những loại Streptoccocus mutans là sâu răng, Bacteroides gingigalis gây bệnh tạo keo, Porphyromonas gingivalis gây viêm khớp răng. Polyphenol còn tác dụng lên enzym chuyển đường glucotransferase, tăng sức chống đở acid của men răng đồng thời chống sự cấu tạo mảng răng. Vì vậy trà chiết đã được cho vào thuốc đánh răng, chống mảng răng hay vào các hỗn hợp làm nước súc miệng ngừa sâu răng, chữa răng hư, chống viêm khớp răng, khử hơi mồm, thơm hơi thở, có khi cho ngay vào thức ăn để phòng ngừa răng hư. Polyphenol cũng như saponin có tính chất chống dị ứng, ức chế hyaluronidase, phản vệ trên da, phóng thích histamin trên tế bào màng ngoài bụng chuột

- Chống đông tụ máu, điều hòa lượng đường trong máu

Đi vào trong máu, polyphenol, nhất là EGCG cũng như theaflavin galat, flavol, flavonol, saponin có tính chất chống đông tụ, ức chế sự kết tụ tiểu cầu do collagen, adrenalin hay arachidonic acid gây ra. Tiềm lực EGC có thể so sánh với tác dụng của aspirin, còn saponin thì có hiệu lực từ 50mg/kg, kết quả giữa 2 và 24 giờ. Bên phần huyết áp, polyphenol cùng saponin, apigenin, camellianin có khả năng giảm hạ, đồng thời ảnh hưởng lên cuộc chuyển hóa lipid khi thử trên chuột. Những catechin, polysaccharid, diphenylamin thì lại giảm hạ cholesterol ở dịch tương. Polysaccharid, trọng lượng phân tử giữa 20.000 và 200.000, gồm có ribose, arabinose, glucose được phân tách qua phương pháp sắc ký. Những catechin như C, ECG, EGCG được cho vào thức ăn, nước uống hay thuốc men, có thể trộn thêm với a-linolenic và eicosapentaenoic acid. Polyphenol, polysaccharid còn có tính chất ức chế những enzym loại a-amylase, lipase, ức chế tinh bột thoái hóa ra đường, từ đấy có khả năng điều hòa đường trong máu, chống béo, phòng ngừa bệnh tiểu đường. Một hỗn hợp tannin-kim loại cũng đã được chế tạo và đem thử chữa bệnh đái đường trên chuột.

- Chống ung thư da, phổi, thực quản, dạ dày

Một tính chất dược liệu vô cùng quan trọng nữa của trà chiết là khả năng chống lại ung thư, nhờ những flavanoid như quercetin, kaempferol, myricetin, các chất thơm như nerolidol, b-ionon, d-cadinon, b-carophyllin, các polyphenol. Nhiều cơ quan trong cơ thể súc vật và người đã được đem thử nghiệm : u khối đã được hoặc tia tử ngoại mặt trời, tia phóng xạ xuất phát từ các cuộc chữa bệnh hoặc các hoá chất gây ra. Trong số nầy, đứng hàng đầu là benzopyren đã có sẵn trong trà tuy rất ít trong trà khô (51,5-70,7 µg/kg), còn ít hơn trong nước trà (<0,01 µg/L). Ngoài ra còn có chất độc đủ loại, đáng kể là aflatoxin B1, các chất amin (nitroso methyl, nitroso methyl benzyl, nitroso diethyl), dimethyl hydrazin, methyl dinitro guanidin,… Kết quả là trà chiết đã ức chế được cuộc phát triển ung thư ở da, phổi, thực quản, dạ dày, ruột tá, ruột kết,… Song song với một cuộc khảo cứu về dịch tể học dễ thực hiện ở vùng có nhiều người uống nước trà, dùng trà chữa bệnh còn cống hiến nhiều tiện lợi : an toàn, không độc, rẻ tiền, dễ chế biến… Trong lãnh vực nầy, tuy còn ít, đã thấy vài văn bằng sáng chế dùng nước và dung dịch hữu cơ chiết xuất, tinh lọc các hoạt chất qua lignocellulose gỗ gồm có theaflavin, theaflavin monogalat, theaflavin digalat và các catechin galat vì thấy ra hoạt động mạnh lớn của polyphenol là do nhóm galat mà lại.

Bên ta có thường lệ đi đôi mời uống trà, hút thuốc lá, có thể hiểu như không phải là một chuyện tình cờ. Trong thuốc lá đặc biệt có methyl nitroso amino pyridyl butanon là một chất có khả năng gây ung thư ở phổi mà trà lại có tính chất khử được chất độc nầy. Vì vật có văn bằng cho trộn trà hay cafein vào thuốc lá. Khói thuốc cũng độc vì có tác dụng oxi hóa trong microsom gan, tế bào phổi, tăng gia tính lưu tế bào phổi. Polyphenol trong trà cũng chống được phản ứng nầy nhờ có khả năng ức chế cấu tạo gốc lipid. Bên cạnh ung thư cũng thấy có vài bản báo cáo dùng polyphenol hay những chất camelliatannin ngăn cản cuộc sinh sản HIV trong bạch huyết bào.

- Khử mùi

Bên lề dược phẩm, trà còn được dùng để làm thuốc khử mùi phun trong phòng , giữ được lâu trong bếp , phòng vệ sinh, khử mùi tỏi, mùi thuốc lá, mùi thối các chất có lưu huỳnh, ammoniac, amin, formaldehyd, làm thơm nước, dung dịch hữu cơ dầu đốt, thuốc chùi nhà, thuốc tẩy da dùng cho con trẻ, thuốc nhuộm đồ ăn. Cùng trong lãnh vực, trà được dùng trong các thuốc gội đầu, chống ngứa, kích thích tóc mọc, phòng ngừa tóc bạc, thuốc nhuộm tóc râm, thay sắc bạc, thuốc tắm, thêm enzym loại pectinase, hemicellulase, b-amylase chữa viêm da, xà phòng rữa sạch mùi cá, chất tẩy vật liệu bằng gỗ, da, đồ gốm, chất dẻo. Hơn nữa, nhờ khả năng trừ khử những gốc tự do tác hại lên tế bào làm cho cơ thể mau hư, chóng già, trà được dùng trong các mỹ phẩm bảo vệ da, chống các tia tử ngoại mặt trời, các gốc tự do, thêm vitamin E ức chế tia tử ngoại oxi hóa dầu mỡ, ức chế tyrosnase của collagen, bảo vệ mỹ phẩm, thêm vitamin C làm ổn định dược phẩm giữ lâu không hư màu sắc, tính chất…
Mấy ai trong chúng ta ngày nay uống trà mà ý thức được những ứng dụng phong phú và lợi ích của một loại cây thường thấy trong vườn, một thức uống biết bao bình dân ở nước ta cũng như ỏ một phần lớn các nước châu Á. Các cụ ngày xưa chắc còn kém ta hơn ta trong kiến thức khoa học về cây trà, lá trà, nhưng các cụ lại biết hơn ta nhiều trong cách thưởng thức trà. Có ai chịu khó sai người nhà đi xa để xin cho được chút nước giếng chùa về pha nước ? “Biết đâu trong bốn đại dương nước mắt chúng sinh của thế giới ba nghìn, sau đây lại chẳng có một phần to nước mắt của một ông già năng lên chùa xin nước ngọt về để uống trà tàu. Mô Phật ! ” (Nguyễn Tuân, Những chiếc ấm đất trong Vang bóng một thời). Mà không phải chỉ vào lúc trà dư tửu hậu !



Kiêm Thêm

Tuesday, February 14, 2012

TRẦN VĂN NAM * thời chiến vùng tam-biên qua thơ LÂM HẢO DŨNG



Dương Sen
 

Trên tuần báo “Sàigon Times” vùng thung lũng San Gabriel thuộc địa phận Los Angeles ở Hoa Kỳ, ta có dịp đọc nhiều lần “Bài Gợi Nhớ Về Châu Ðốc” của Lâm Hảo Dũng. Bài thơ làm ta nhớ lại nếp sống dân gian Việt Nam với truyền thống “Cửa chùa rộng mở cho bá tánh”: đi lỡ đường thì có thể vào chùa ngủ nhờ một đêm. Và bài ấy cũng có một đoạn thơ tả rất kỳ diệu con sông Cửu Long bằng cái nhìn vừa thấm nhuần huyền ảo của đạo Phật vừa chan chứa lòng yêu mến quê hương. Quang cảnh ngoạn mục của chùa Tây An ở núi Sam Châu Ðốc đẹp rực rỡ trên nóc với những tượng rồng quẫy đuôi trong những đêm rằm. Tác giả tả những con rồng trên nóc chùa, hay tác giả viết về con sông Cửu Long đi ngang qua chùa rồi tiếp tục dòng chảy về hướng đại dương. Nếu từ trên cao, trên núi Sam xa, nhìn về sẽ mường tượng dòng trường giang hiện ra sau lưng chùa có cái đuôi vĩ đại nhưng nhỏ dần về phía biên giới Kampuchia:

 … Em ở bên kia trời cách biệt

Mắt buồn vây kín núi Sam xa

Ta như lữ khách không nhà cửa

Ngủ đậu trên chùa mỗi tháng ba.

Em khóc dòng sông đó phải không

Ðêm mơ về thấy chín con rồng

Vẫy đuôi trên nóc Tây An Tự

Ðón Hội Long Hoa một tối rằm.

(Trích “Bài Gợi Nhớ Về Châu Ðốc”)


Khi đã sống định cư ở hải ngoại, Canada, Lâm Hảo Dũng cũng có nhiều bài thơ nhớ quê hương đồng bằng sông Cửu Long, đôi khi sử dụng phương ngữ Nam Bộ. Lâm Hảo Dũng đóng góp thơ cho “một vùng trọng điểm hoài hương” của các giai đoạn “di tản-vượt biên-định cư”. Các “vùng trọng điểm hoài hương” khác, người viết bài này đã có đề cập đến trong Giai phẩm Xuân nhật báo Người Việt năm 2006. Xin lướt qua vài câu thơ nhớ Nam Bộ khi ở Canada của Lâm hảo Dũng:

 … Phó thường dân thích giăng câu đặt trúm

Thích lai rai nghe gió mới se buồn

Ngủ dật dờ bên xáng múc chiều hôm

Ðời trôi chậm hay nhanh chàng bỏ mặc…

(Trích bài “Tôi Chỉ Muốn Làm Phó Thường Dân Nam Bộ”)

 
Chỉ với bốn câu ấy thôi mà ta đã nhận ra tác giả đưa vào phương ngữ “lai rai”, và nhắc đến đặc thù ở Nam Bộ như “xáng múc, đặt trúm”, và có cả cách nói mới của ngôn ngữ hàng ngày gần đây, như “phó thường dân”. Vậy có thể nói tình hoài hương hướng về trọng điểm đồng bằng sông Cửu Long là một khía cạnh hiện hữu trong thơ Lâm Hảo Dũng; cũng khá dồi dào như khía cạnh vui buồn đời sống định cư ở Canada. Ðoạn thơ dưới đây nhắc nhở ta cũng nên kể khiá cạnh “hải ngoại” ấy trong thơ của ông:

 Tám năm rồi không thể

Quên đi chuyện tình buồn

Nên một ngày tháng chạp

Em đi về Việt Nam

Tôi ngồi đây đếm tuổi

Giữa đêm dài cô đơn

Tám năm nào biết được

Em vẫn còn xa tôi

Như ngàn năm mây trắng

Quên mất một khung trời…

(Trích bài “Chuyện Tình Buồn Cuối Ðông”)


 Nhưng khía cạnh trọng điểm hoài hương ấy và khía cạnh đời sống hải ngoại ấy có lẽ trùng lập với nhiều nhà thơ khác, không tạo nên một lãnh vực riêng biệt, không độc đáo như thời chiến vùng Tam Biên trong thơ Lâm Hảo Dũng. Thời chiến trước 1975, nhà thơ đồn trú ở Tây Nguyên, rõ hơn nữa là thuộc đơn vị pháo binh tại vùng ba biên giới Việt-Miên-Lào. Ðịa danh những cứ điểm quân sự một thời nghe danh trong tin tức thời cuộc, rải rác trong thơ của ông. Nhưng khói lửa trong thơ Lâm Hảo Dũng không được nhà thơ mô tả chi tiết trận đánh nào rõ nét; chỉ là kể lại những mất mát bạn bè; kể lại kết quả khi tàn trận; nên không phải là những biểu hiện cụ thể và trực tiếp. Trái với hừng hực khói lửa, ta chỉ cảm thức mênh mông của rừng núi; “hiu hắt gà khuya gọi sáng rừng” (thơ LHD); mưa dai dẳng buồn nơi đồn trú; sương và mây mù luôn luôn có mặt tại những cao điểm xa cách nhìn xuống miền xuôi; gơị tò mò với các địa danh nghe thật lạ tai do phiên âm từ các ngôn ngữ dân tộc. Những địa danh này dần dần cũng hết lạ tai khi mà chiến sự cứ mãi đề cập đến chúng trong bối cảnh thời chiến có con đường mòn Hồ Chí Minh:

 Những ngày ở Dakto

Anh không biết gì hơn

Ngoài cơn mưa mù tháng sáu

Ðang đốt đời trong cao điểm đó

Bao giờ thấy lại ngọn Chư Pao?

Những trưa quán cốc nhìn mưa xám

Còn thấy mây mù đỉnh Ngok Long

Một mai về lại Tam Biên đó

Hãy ngắm Poko núi Phượng Hoàng…


 Xin nói nhiều hơn về con sông Poko mà Lâm Hảo Dũng đã nhắc tới. Sông Poko chảy theo hướng Bắc Nam thuộc tỉnh Kontum xưa kia, chạy song song với con đường 14 có nhiều cứ điểm quân sự của Hoa Kỳ trước đây để ngăn chặn quân xâm nhập từ Bắc vào có cả xe tăng và cao xạ phòng không. Khi qua khỏi thị xã Kontum thì sông này chảy lệch về phía Tây làm thành thác Yali (nay đã xây thành đập nước) và hợp lưu với sông Xê Xan của Kampuchia đưa nước vào Mekong gần thành phố Stung Treng. Ta hãy nghĩ đến một hồ chứa nước khổng lồ tại Yali để đưa nước vào Mekong với sự hợp tác Việt Nam và Kampuchia và được tài trợ do các Cơ Quan Phát Triển Á Châu của Liên Hiệp Quốc. Phải chăng đây là giải pháp tạo nền hòa bình vĩnh viễn giữa hai nước; vừa tránh được viễn ảnh chiến tranh mà một cường quốc nào đó muốn khai thác sự thù địch lâu đời do lịch sử để lại cho hai quốc gia láng giềng; vừa giúp cho hai nước có con sông Cửu Long quanh năm nước ngọt tràn trề. Như vậy sẽ tránh được tình trạng thiếu nước cho nông nghiệp và kiệt quệ nghề đánh bắt thủy sản do mười mấy con đập trên thượng nguồn sông Mekong.

Thơ thời chiến vùng Tam Biên có lẽ là đề tài riêng cho Lâm Hảo Dũng, dường như không có nhà thơ nào khác. Tuy không hiếm nhà thơ trước 1975 đề cập thời chiến xứ sương mù vùng cao, nhưng chỉ chung chung miền Tây Nguyên, hoặc có riêng thì thường là thành phố Ðà Lạt thơ mộng, hoặc hậu cứ an ninh Pleiku Buôn-Mê-Thuột. Nhưng Lâm Hảo Dũng lại có cái chung với họ: nỗi sầu nơi biên trấn, nhớ gia đình, nhớ người yêu, nhớ người thân, nhớ thành phố hay quê hương xa cách vì thời cuộc đời lính xa nhà. Tuy là lính tác chiến, nhưng có mấy khi họ ca ngợi trận đánh nào trong văn chương; phấn khởi chiến thắng ít thấy trong thi ca. Quân đội Việt Nam Cộng Hòa không có sĩ quan Chính Ủy để chỉ đạo chính trị cho tinh thần binh sĩ. Ðôi khi họ có những nét như ngao ngán chiến tranh, nhưng không phải là chủ trương phản chiến nhằm tác động người khác. Họ chỉ quy vào chính họ mà thôi, tự cảm thấy không thích hoàn cảnh đang làm lính biên trấn, hoặc muốn biểu lộ niềm thương tiếc bạn bè chết trận. Riêng cho cá nhân, không phải nhân danh chủ trương phản chiến chống chính quyền đang điều khiển chiến tranh. Họ coi như bổn phận thi hành quân dịch; mong sao cho mau hết chiến tranh để về đoàn tụ với những mến thương họ đành phải ly biệt. Họ từng đợi chờ bao nhiêu năm mà không thấy ló dạng hòa bình; có một thời ngưng chiến rồi cũng trôi qua mau:

 … Một mai về lại Tam Biên đó

Sương mỏng như là chiếc lá bay

Vợ con trong đáy hồn xưa cũ

Nhẹ ngủ êm đềm… nhưng rất say.

(Trích bài “Một Mai Về Lại Tam Biên Ðó”)



Ta pháo miền cao theo biệt động

Ngậm ngùi thấy lại Dakto xưa

Ðâu “căn cứ sáu” mưa trên xác

Căn cứ năm” tràn bóng ma đưa

Ta kể nhau nghe đời chiến trận

Thằng Nam mất tích ở Nam Lào

Y Uyên bỏ cuộc vài năm trước

Thằng Sự khinh đời cũng chết mau

Thôi nhé Viêm ơi tàu đã đến

Ta lên Tân Cảnh ghé Kontum.

(Trích bài “Ðêm Gặp Nguyễn Lăn Viêm Ở Phi Trường Cù Hanh”)


Chiến chinh đời tiếp diễn

Ta còn kiếp dọc ngang

Hẹn ngày mai nắng ấm

Ta xuống phố An khê

Bên tách cà phê nóng

Quên dọc đường hiểm nguy.

(Trích bài “Tháng Chín Về Mang Yang”)


Vùng chiến sự Tam Biên không chỉ giới hạn ở các miền đất quanh Pleiku - Kontum- Buôn Mê Thuột, mà việc quân còn trách nhiệm liên đới xuống duyên hải tỉnh Phú Yên và tỉnh Bình Ðịnh. Cho nên thơ Lâm Hảo Dũng cũng đậm nhạt dấu vết vùng miền có những tháp Chàm xưa cổ. Những tháp này không đồ sộ như ở Quảng Nam, Nha Trang hay Phan Rang, nhưng cũng đủ gợi hứng cho Lâm hảo Dũng có những bài thơ về phế tích cổ tháp và thiếu nữ Chàm. Lâm Hảo Dũng nhắc nhở cuộc chinh chiến Việt Chiêm xưa, và qua đó mong ước hòa bình cho mọi cuộc chiến tranh. Nhà thơ Lâm Hảo Dũng cảm hứng liên hệ đến những cổ tháp hơi xa xôi đối với vùng Tam Biên, như quần thể tháp Chàm ở Mỹ Sơn gần Ðà Nẳng; hoặc thành Ðồ Bàn gần Quy Nhơn; trong khi ngay ở Tam Biên cũng có tháp Chàm gần Cheo Reo bên sông Ba thuộc địa phận tỉnh Pleiku (tên mới ngày nay là tỉnh Gia Lai). Vùng Tam Biên ngày xưa cũng là đất đai của nước Chiêm Thành, nên cổ tháp rải rác nơi đây không phải hiếm hoi. Nghĩ về nước Chàm, liền nghĩ đến ước mong dứt chiến tranh, một liên tưởng có vẻ không tương hợp với tính chất của hai cuộc chiến. Sống yên vui và có được tình yêu trai gái, đó là ước nguyện muôn thuở. Những ước mơ gần gũi tuổi trẻ thời chinh chiến có như vậy mà thôi; chưa đặt tới ước nguyện nhân bản cho con người nói chung (nhưng đôi khi cũng thấy tác giả liên hệ đến tính nhân bản bao hàm tới toàn thể nhân loại). Bên cạnh lý tưởng hòa bình qua nhắc nhở Chiêm Thành, còn có những lãng mạn như được cùng em Chiêm-nữ tắm nước sông đầy; muốn nhìn vào đôi mắt sâu của thiéu nữ Chàm mà trực cảm nỗi sầu siêu hình có tính chất tôn giáo nào đó (chắc không phải là nỗi sầu mất nước như ta từng nghe niềm ai oán này qua bài hát “Hận Ðồ Bàn” của nhạc sĩ Xuân Tiên; hoặc qua tập thơ “Ðiêu Tàn” của nhà thơ Chế Lan Viên):

 … Và nếu được cho ta về Lâm ấp

Thuở huy hoàng thành quách rợp cờ bay

Ðể những đêm khi sao trời tắt rụng

Ta cùng em đùa tắm nước sông đầy.

(Trích bài “Dưới Tháp Chiêm Gầy”)

Khi bỏ đèo Nhông về với núi

Ta làm mây ở cuối trời xa

Ngắm đôi hàng tháp Chiêm gầy guộc

Thương mắt em buồn chuốc rượu ta

Ta muốn bỏ thành lên ở núi

Sống hoang vu như cỏ cây sầu

Bởi bao tham vọng trên trần thế

Sẽ úa tàn khi bạc mái đầu

Chiến sĩ không nên buồn rã rượi

Cười ngông nghênh nhé, súng cầm tay

Muốn như muông thú xin đành hẹn

Một tối mơ màng cốc rượu cay.

(Trích bài “Cảm Khái Khi Về Núi”)


... Ai biết sầu chôn những gái Hời

Bên kia Trà Kiệu nắng phai rồi

Xa trong bóng núi mờ sương bạc

Ánh lửa mơ hồ ma diễu chơi…

(Trích bài “Một Tối Tôi Về Ngang Mỹ Sơn”)


Căn cứ về số lượng những bài thơ sáng tác của Lâm Hảo Dũng, ta thấy gần như có sự đồng đều giữa ba đề tài; và cả ba đều đậm nhạt xen vào thơ tình: đề tài hoài hương miền đồng bằng sông Cửu Long; đề tài đời sống khi định cư ở xứ người; đề tài một thời chiến vùng Tam Biên. Riêng đề tài thứ ba: Thơ thời chiến ở Tam Biên không là thơ hiện thực chiến tranh vùng ác liệt thuở trước; và thơ tình điểm xuyết cũng là thứ tình mơ hồ với Chiêm nữ. Qua kỷ niệm một thời biên trấn và qua nhắc nhở Chiêm Thành, tác giả có những ý tưởng lai vãng về hoà bình, mong chấm dứt chiến tranh; điểm xuyết vài nét lãng mạn tình yêu và cũng có đôi chút khinh bạc của người từng thấy những rủi may ngoài chiến trận.
 

TRẦN VĂN NAM