văn hữu vườn tao ngộ

Nơi lưu trữ tác phẩm của PBTD và thân hữu. Liên lạc: phanbathuyduong@gmail.com

Saturday, February 2, 2013

Du Tử Lê phỏng vấn Ngọc Hoài Phương về Một Thời Văn Nghệ Học Sinh..

Ngọc Hoài Phương

LNĐ: Trong sinh hoạt 20 năm văn học, nghệ thuật miền Nam, một sinh hoạt đặc biệt, rất phổ quát từ đô thị tới các thị trấn hẻo lánh, đó là sinh hoạt “thi văn đoàn” mà, danh từ chung thời đó gọi là phong trào “văn nghệ học sinh.”
Đây là một hiện tượng dường chỉ có trong dòng chảy văn học, nghệ thuật miền Nam 1955-1975 mà thôi.
Rất nhiều tác giả thành danh sau này, khởi nghiệp từ phong trào “Thi văn đoàn” hay “Văn nghệ học sinh” đó.
Để bạn đọc có được một cái nhìn sát thực về hiện tượng đặc thù vừa kể, chúng tôi trân trọng kính mời quý vị theo dõi cuộc nói chuyện giữa chúng tôi với một người mà, cách đây trên nửa thế kỷ, đã được nhìn như một trong những “mũi nhọn” hăng say nhất của sinh hoạt văn nghệ học sinh, nhà báo Ngọc Hoài Phương.
Cuộc nói chuyện này của chúng tôi, giới hạn trong giai đoạn “văn nghệ học sinh” của Ngọc Hoài Phương. Những dữ kiện khác liên quan tới 50 Năm làm báo từ quê nhà ra tới hải ngoại của ông, chúng tôi xin để dành cho một lần khác, khi có dịp.
Trân trọng,
DTL.


Du Tử Lê (DTL): Trước nhất, xin ông một tiểu sử vắn tắt.


Ngọc Hoài Phương (NHP): Tôi là dân “Bắc Kỳ Di Cư” 1954 sau khi hiệp định Genève chia đôi đất nước. Quê quán tại làng Quan Đình, huyện Từ Sơn, Bắc Ninh. Nhưng trong thời Pháp thuộc, làng tôi và một số làng kế cận được sát nhập vào Quận Đông Anh, tỉnh Vĩnh Phúc Yên. Trên giấy tờ ghi ngày sinh của tôi là 18 tháng 10 năm 1942, nhưng bố tôi lại bảo thật sự tôi tuổi Tân Tỵ. Là con trai lớn trong một gia đình gồm 10 anh em (7 trai, 3 gái) qua 2 đời Mẹ (Cả hai bà đều là con gái họ Đàm nổi tiếng của làng Me, Từ Sơn, Bắc Ninh). Như vậy, theo người miền Bắc thì tôi được gọi là “Cậu Cả”. Tôi bị ám ảnh bởi cái chức “Cậu Cả” này suốt nhiều năm sau khi khám phá ra một chi tiết khá lạ lùng về gia đình mình. Số là Cụ Cố của tôi vốn không phải là người con trưởng mà, anh của cụ mất sớm nên cụ mới được đôn lên làm con trưởng. Rồi đến đời Ông Nội tôi cũng vậy, Ông Bác tôi mất sớm nên Ông Nội tôi thành Con Cả. Rồi Bác Thành của tôi, nghe nói đã qua đời khi mới hơn mười tuổi nên Bố tôi thành Cậu Cả... Và đến đời tôi... rét, chẳng biết sẽ “ở lại” hay “ra đi” vào tuổi nào? Nhưng rồi, Hiệp định Genève chia đôi đất nước, Bố tôi quyết định rời bỏ Hà Nội, đưa gia đình di cư vào Nam. Đúng là một cuộc đổi đời: nhà cửa, tài sản, ruộng vườn... bỏ hết! Và dĩ nhiên tôi cũng xin gửi trả lại đất Bắc hai tiếng “Cậu Cả” vì ở miền Nam, người con trai trưởng được gọi là “Anh Hai”. Cho đến nay, khi trả lời cuộc phỏng vấn này, tôi đã lướt qua hai cuộc đổi đời để đến mốc “Thất Thập Cổ Lai Hy”, vượt qua bờ “Bảy Bó” rồi thì, cái chuyện - nói theo thơ DTL - “đi với về cùng một nghĩa như nhau”...

DTL: Kế tiếp, chúng tôi được biết hồi còn học trung học, ông đã có những sinh hoạt mà, danh từ thời đó, gọi chung là “văn nghệ học sinh.” Câu hỏi đầu tiên được đặt ra là, ông đã đến với sinh hoạt văn nghệ học sinh trong hoàn cảnh nào? Hay bắt nguồn từ những lý do gần, xa nào?

NHP: Theo tôi, ở bất cứ lứa tuổi nào trong đời người cũng đều cần có “trò chơi”. Khi còn nhỏ thì đánh bi, đánh đáo, nhảy dây... Lớn lên một chút, có người thích đá banh, bơi lội, bóng chuyền hoặc... đánh lộn. Một số người khác như tôi chẳng hạn, lại thích có một chút “văn nghệ, văn gừng” cho vui. Tôi nhớ thời đó, giữa thập niên 50, dưới mái trường Chu Văn An -Thày Vũ Ngô Xán làm Hiệu trưởng- lớp Đệ Lục B.2 chúng tôi có một đội đá banh lừng lẫy mà các đội banh của các lớp khác phải kiêng nể với những tên tuổi mà, cho đến nay, gần sáu mươi năm đã trôi qua, bạn bè cùng thời vẫn chưa thể quên được như Thủ quân Trương Trọng Trác (nhà báo Trọng Kim), thủ môn “Minh Dê” (Nguyễn Quang Minh), trung phong Văn Sơn Trường (sau này là một bác sĩ của binh chủng Hải Quân), các cầu thủ “Ngân Ngố” (Ngô Đình Ngân), “Toàn Bò” (LS Nguyễn Thế Toàn), Lê Ái Quốc (sau này là Trung tá Không Quân), Trương Minh Triết, Nguyễn Ngưu, “Cò Viễn” (Nguyễn Chí Viễn)... Một nhóm khác với Nguyễn Khắc Thành, “Cậu Trời” Nguyễn Ngọc Chân... và tôi tập tành làm quen với thơ văn qua những “tác phẩm” trên tờ Bích Báo của lớp... Thật sự mà nói thì hồi đó, ngay cả trong những năm cuối của bậc Trung học, khi đã tìm được “Đất Dụng Võ” trên nhật báo Ngôn Luận và tuần báo Văn Nghệ Tiền Phong của ông Hồ Anh (Nguyễn Thanh Hoàng), chúng tôi cũng chẳng bao giờ ôm giấc mơ rằng mình sẽ trở thành “Nhà Thơ, “Nhà Văn” hay “Nhà Báo” gì cả, mà giản dị chỉ là một cuộc vui chơi, giải trí trong lớp tuổi học trò mà thôi.

DTL: Khi nói tới sinh hoạt, là nói tới những hoạt động có tính cách văn nghệ và, có sự tham dự của nhiều bạn trẻ cùng sở thích. Ở điểm này, chúng tôi có ba câu hỏi nhỏ:
a- Bước khởi đầu hành trình văn nghệ học sinh của ông là thơ hay văn?
b- Ông và các bạn có chọn “trụ” ở một trang văn nghệ học sinh của một tờ báo (Hay)
c- Ông và các bạn gửi bài cho bất cứ báo nào mình thích?

NHP: a- Không phải chỉ riêng mình tôi, mà còn rất nhiều người khác, trước khi chính thức gia nhập làng báo, đều đã có một khoảng thời gian tập tành làm thơ, rồi sau đó mới chuyển qua văn, viết tùy bút, truyện ngắn, truyện dài...
b- Một số báo cũng có trang “Văn Nghệ Học Sinh” hàng tuần, nhưng nổi bật nhất và ồn ào nhất hồi đó là phụ bản “Bé Ngôn Bé Luận” của nhật báo Ngôn Luận. Trong khi trang “Văn Nghệ Học Sinh - Sinh Viên” của đa số các báo khiêm nhường nằm trong tờ báo hàng ngày thì, phụ bản “Bé Ngôn Bé Luận” được tách rời ra, in riêng thành một tập. Mấy chục ngàn phụ bản Bé Ngôn Bé Luận đã được các bạn trẻ ở khắp nơi tiếp đón nồng nhiệt vào ngày Thứ Bảy hàng tuần. Tưởng cũng nên nói thêm người chịu trách nhiệm chọn bài vở để đăng trong tập phụ bản này là nhà văn Phạm Cao Củng. Ông đã có công quy tụ được khá nhiều các “nhóm”, các thi văn đoàn ở khắp nơi kết hợp thành một đại gia đình gọi là “Gia Đình Trẻ Việt”. Hiện nay -2012- nhà văn Phạm Cao Củng đã 99 tuổi đời, chỉ còn hơn năm nữa là tròn một thế kỷ vui chơi trong Cõi Tạm; ông sống với gia đình một người con gái (Diễm Quỳnh) tại Florida.
c- Có lẽ chính vì phụ bản “Bé Ngôn Bé Luận” nổi đình nổi đám quá nên đa số anh chị em chúng tôi không còn thì giờ để quan tâm đến trang văn nghệ của các báo khác. Nên nhớ, việc chính của chúng tôi trong giai đoạn đó vẫn là chuyện học, còn chuyện vui chơi văn nghệ thường chỉ diễn ra vào cuối tuần, mang tính tiêu khiển giải trí mà thôi.

DTL: Ai là những người bạn đồng hành với ông, ở thời kỳ ấy?

NHP: Ngay tại lớp học, tôi đã có một số bạn cùng chung sở thích thơ, văn, nhạc như Đào Văn Bình, Vũ Khang, Vũ Thành An... Sau đó, khi thơ, văn của chúng tôi đã có cơ duyên xuất hiện đều trên mặt báo rồi, có một số bạn trẻ ở các tỉnh xa viết thư làm quen, xin nhập “bọn” luôn... như trường hợp nhà thơ Vũ Tiêu Giang (Vũ Văn Ước) ở Vũng Tàu, và còn nhiều nữa nhưng vì thời gian quá lâu, tôi không thể nhớ hết tên từng người...

DTL: Ông có thể cho biết, ai còn ai mất (trong chiến tranh, lao tù, vượt biên...) tính đến ngày hôm nay?

NHP: Riêng nhóm của tôi, cho đến nay, hình như chỉ có nhà thơ Vũ Tiêu Giang đã trở về với cát bụi. Ông là một phóng viên, nhiếp ảnh viên chiến trường và đã tử nạn tại mặt trận Gia Định trong “Mùa Hè Đỏ Lửa” 1972. Ông gục chết vì một tràng đạn AK bắn ra từ hầm kháng cự cuối cùng của địch, chỉ cách nơi ẩn nấp của bạn bè và các chiến sĩ Quân lực VNCH có vài chục thước. Ấy vậy mà không thể nào vào lấy được xác ông ra, cho mãi đến khi hầm kháng cự đó (gồm cả B.40 và AK) bị các chiến sĩ Dù xóa sổ. Cái chết của Vũ Tiêu Giang là một trong những hình ảnh bi thương mà tôi đã được chứng kiến trong suốt 20 năm Quân Dân Miền Nam chống lại những kẻ xâm lược đến từ phương Bắc.

DTL: Ngoài thơ, văn, nhóm hay tạm gọi là “thi văn đoàn” của ông, ông có nhận được sự tham gia của những mầm non văn nghệ ở các lãnh vực khác? Thí dụ ca nhạc, hội họa, sân khấu...?

NHP: Không hẳn là một “Thi Văn Đoàn”, mà nhóm của chúng tôi chỉ là sự kết hợp một số bạn cùng sở thích. Nhất là khi đã có phụ bản văn nghệ học sinh của báo Ngôn Luận, dưới sự hướng dẫn của nhà văn Phạm Cao Củng, chúng tôi hầu như không còn phân biệt người này thuộc nhóm này, người kia thuộc nhóm khác, mà mỗi lần họp mặt, chúng tôi đều ríu rít như anh em trong một đại gia đình. Tôi không nhớ hết, nhưng đại khái như bên Trưng Vương thì có “Nhóm Huyền” với hai người nổi bật nhất là Mộng Huyền (Hồng Thủy), Bích Huyền (Phạm Nga)... mà cho tới nay, trải qua bao biến đổi của đất nước, rồi lưu lạc xứ người, chúng tôi vẫn còn giữ được những liên lạc thân tình, thư từ, điện thoại thăm hỏi thường xuyên, hoặc lâu lâu có dịp gặp lại nhau. Chẳng hạn như hồi đầu tháng 6-2012 vừa rồi, chị Hồng Thủy có dịp từ DC qua Cali, đã dành một buổi tối cuối tuần để gặp lại bạn học, bạn văn nghệ ngày xưa. Vỏn vẹn chỉ có hơn một ngày để thông báo, ấy vậy mà chị Bích Huyền cũng quy tụ được đúng 70 người trong bữa cơm thân mật diễn ra (ồn như cái chợ vỡ) tại nhà hàng Royal (thương xá Catinat đường Bolsa)... Thi Văn Đoàn Giòng Sông Xanh do Nguyễn Văn Tâm làm trưởng nhóm có Hoài Băng với giọng ngâm thơ sang sảng mà mọi người đều “nể”... Sau này khi tuổi “Văn nghệ học sinh” đã qua, Hoài Băng thay đổi bút hiệu, và từ đó đến nay, nhiều người yêu thơ thường nhắc đến tên nhà thơ Hà Linh Bảo. Dù sinh sống tại một tiểu bang xa xôi, nhưng lâu lâu Hà Linh Bảo cũng xẹt về Cali thăm các bạn cũ, nhân tiện thưởng thức những món ăn Việt tại Quận Cam để nhớ lại quê xa của một thời không thể quên... Bên “Nhạc Đoàn Bốn Phương” nổi bật với anh trưởng nhóm Hoài Yên Lang qua những đề tài thuyết trình thật “Nổ” thuộc loại “Đao to búa lớn”...

DTL: Như tôi hiểu, khi những người trẻ còn là học sinh tập làm văn nghệ, thường bắt chước y chang những thế hệ đi trước... Họ cũng chọn tên riêng cho thi văn đoàn của họ. Họ cũng “bầu” chủ tịch, phó chủ tịch v.v... Ông và các bạn có nằm trong thông lệ này?

NHP: Theo tôi biết, một số thi văn đoàn cũng đặt ra điều lệ trong việc kết hợp với nhau và, dĩ nhiên họ cũng bầu chủ tịch, phó chủ tịch... Nhất là ở các tỉnh xa xôi, tuổi học trò ít “trò chơi” hơn học trò ở Thủ đô Sàigòn nên các nhóm văn nghệ thường gắn bó với nhau chặt chẽ hơn. Riêng nhóm của chúng tôi chẳng có chủ tịch, tổng thư ký gì hết.

DTL: Ông và các bạn có những họp mặt định kỳ? Thí dụ, mỗi tuần? Mỗi tháng? Nếu có, ông và các bạn nói chuyện hay, bàn thảo với nhau, những vấn đề gì trong các lần họp mặt ấy?

NHP: Chúng tôi cứ “bồng bềnh như mây nổi”, không có những họp mặt định kỳ. Mỗi tháng tìm đến nhau đôi ba lần, thăm hỏi nhau bình thường và, “Mấy ngày qua cậu có sáng tác nào mới không, đọc cho tớ nghe với.”


DTL: Có mách bảo nhau, nên đọc sách này, sách kia? Nên nghe bản nhạc này nhạc nọ?


NHP: Dĩ nhiên là những người đang tập làm quen với thơ, văn trong tuổi học trò thì dù nhiều hay ít cũng đã tự tìm đọc sách này, sách kia rồi. Sau đó, trong những lần gặp nhau, kể lại cho nhau nghe, ai thích thì tìm đọc, nhưng cũng có người “phán”: “Tớ đọc cuốn đó rồi, cũng thường thôi.”

DTL: Ông và các bạn có vạch ra những “đường lối văn nghệ” riêng cho nhóm của mình?

NHP: Chúng tôi chẳng có “đường lối” riêng, mà chỉ mong những sáng tác của mình được xuất hiện đều trên mặt báo là vui rồi. Tôi thấy có những nhà thơ không cần phải kết hợp với ai thành nhóm nọ nhóm kia, mà chỉ “một người một ngựa rong ruổi trên đồi cỏ xanh”, cũng tạo thành hình ảnh đẹp đấy chứ. Chẳng hạn như nhà thơ Vũ Thành (Tuấn) nổi bật qua những bài ca tụng “Áo Tím”. Nhà thơ Y Dịch (Lê Đình Điểu) dù chỉ “già” hơn tôi hai tuổi nhưng cũng chẳng cần phải kết bè, kết nhóm với ai. Và “già hơn” chút nữa có nhà thơ Nhất Tuấn nổi tiếng qua những bài thơ ghi lại “Chuyện Chúng Mình”. (Nhà thơ Nhất Tuấn tức Trung Tá Phạm Hậu sau này có thời là Tổng Giám Đốc Việt Nam Thông Tấn Xã).

DTL: Đương nhiên là ông và các bạn đọc sáng tác của nhau. Nhưng có bao giờ phê bình, góp ý về những sáng tác ấy?

NHP: Đã gọi là “nhóm”, dù không có điều khoản trói buộc chặt chẽ nào trong việc kết hợp, chuyện góp ý về những sáng tác của nhau đương nhiên phải có trong những lần họp mặt; đôi khi góp ý nhẹ nhàng, cũng có khi sôi nổi dù chỉ để thay đổi một vài chữ, một vài câu trong một bài thơ hay một đoản văn.


DTL: Tôi nghe kể, dường như đầu thập niên (19)60, ông và các bạn từng tổ chức một cuộc họp mặt tại Câu Lạc Bộ Báo Chí, Saigon, ở đường Lê Lợi? Tôi nhớ đó là nơi hội họp của những sinh hoạt có tính cách quan trọng, quy mô lớn của các cơ quan chính phủ, đoàn thể, tổ chức lớn... Thời gian đó, ông còn là học sinh, làm sao ông có thể thuê mướn được? Tôi muốn hỏi, có ai "chlống lưng" cho các ông không? 

NHP: Đương nhiên là phải có. Không phải chỉ một lần, mà nhiều lần chúng tôi đã có dịp tụ tập tại Câu Lạc Bộ Báo Chí, số 15 đường Lê Lợi, Saigon do nhà văn Phạm Cao Củng chủ xướng, được gọi bằng cái tên dễ thương là “Gia Đình Trẻ Việt”. Câu Lạc Bộ Báo Chí là cơ sở trực thuộc Bộ Thông Tin của chính phủ nên chuyện lâu lâu “mượn đỡ” một buổi để họp hành bàn chuyện văn nghệ, ca hát, ngâm thơ.... chẳng có gì khó khăn và, cũng không tốn kém tiền bạc gì cả. Còn vấn đề bánh, nước... đã có nhật báo Ngôn Luận đài thọ. Tưởng cũng nên nói thêm, hồi đó tôi được chỉ định là “Trưởng Ban Tổ Chức” những buổi họp mặt văn nghệ học sinh do báo Ngôn Luận bảo trợ, quy tụ nhiều nhóm, nhiều thi văn đoàn. Có lẽ vì vậy nên những năm sau này, nhiều người tôi hoàn toàn không còn nhớ tên, cũng chẳng nhớ mặt nữa trong khi hầu hết mọi người vẫn còn nhớ đến tôi qua hỗn danh “Phương Kều”. Xin đơn cử một vài trường hợp như các nhà thơ Hà Linh Bảo, Phan Bá Thụy Dương... mấy năm gần đây, trên bước đường lưu lạc xứ người, gặp lại nhau trong quán cà phê, tôi vẫn chỉ tưởng rằng quý vị này là những người từng có một thời sinh hoạt thơ, văn, báo chí ở Saigon trước 1975. Nhưng có đôi lần cả Hà Linh Bảo và Phan Bá Thụy Dương thao thao nhắc lại những “kỷ niệm ngày xưa” thì tôi mới vỡ lẽ ra rằng “các cụ” này cũng đã có thời “văn nghệ học sinh” cùng với mình hơn nửa thế kỷ trước. Trong khi đó, ngược lại, có những người không cùng “nhóm” với tôi mà lại rất thân thiết liên tục mấy chục năm qua, như Nguyễn Đức Nam, Đinh Tiến Dũng (Đinh Lang, Đinh Bù-Loong)...
Đến dây, thiết tưởng cũng -xin phép- được nói thêm một chút: Có lẽ vì đã liên hệ với nhật báo Ngôn Luận từ những năm đầu thập niên 19(60) thuộc Đệ Nhất Cộng Hòa nên sau này, cuối năm 1966 (Đệ Nhị Cộng Hòa), ông Hồ Anh quyết định tục bản tờ báo với tên Thần Phong, được mấy số thì đổi thành Thời Thế. Khi đó, hầu hết bộ biên tập của Ngôn Luận ngày xưa đã “yên phận” trên báo Chính Luận của bác sĩ Đặng Văn Sung. Khi tôi đến gặp ông Hồ Anh (theo lời nhắn) tại tòa soạn, vẫn ở địa chỉ cũ đường Lê Lai, ông chỉ nói với tôi vài lời vắn tắt: Báo mình coi như đầy đủ rồi, với nhà văn Lê Xuyên là Tổng Thư Ký, trưởng ban phóng viên là chị Minh Đức Hoài Trinh... “Hiện chỉ còn thiếu một chức thôi, đó là phụ tá của tôi, anh về làm phụ tá cho tôi”. Ông Hồ Anh là một chủ báo có đời sống rất “khép kín”, riêng tư; chẳng bao giờ tôi thấy ông nói chuyện cười đùa với ai cả, mặt lúc nào cũng “nghiêm và buồn”, với điếu xì gà to tổ chảng cầm trên tay hay ngậm trên môi... Mặc dù tôi nhỏ tuổi hơn ông nhiều, nhưng ông gọi tôi là “anh”, xưng tôi, chứ không gọi tôi là “em” như ông Quốc Phong của báo Tiếng Vang và Kịch Ảnh, hay “cậu” như bác Nghiêm Xuân Thiện bên Thời Luận...

DTL: Trong họp mặt cực kỳ “hoành tráng” đó, ông và các bạn bàn luận những gì? Có đúc kết hay đưa ra “nghị quyết” nào chăng?

NHP: Chẳng có gì gọi là “hoành tráng” cả, chỉ là những buổi họp mặt của một số người trẻ yêu thích thơ, văn. Cũng bày ra những vấn đề để cùng nhau thảo luận, rồi ca hát, ngâm thơ cho nhau nghe... Còn cái chuyện đưa ra “nghị quyết” này nọ, xin dành cho các thi văn đoàn ở các tỉnh xa, nhất là các nhóm ở miền Trung xa xôi.

DTL: Tôi thí dụ 1 thành viên có sáng tác mới, muốn được phổ biến trên báo, ông và các bạn có thể giúp họ? Nếu có bằng cách nào?

NHP: Tôi biết có nhiều nhà thơ, nhà văn thành danh sau này nhưng, nhìn lại khoảng thời gian trước đó, khi mới chập chững “vào nghề” đã gặp khó khăn không ít trong việc muốn phổ biến sáng tác của mình trên báo. Điều này không có nghĩa mấy ông, mấy bà phụ trách các trang văn nghệ đó “làm khó” nhau mà, giản dị là “đất dụng võ” của tờ báo thì nhỏ mà bài vở từ bốn phương gửi về lại quá nhiều. Riêng anh em chúng tôi vì có phụ bản “Bé Ngôn Bé Luận” và báo Văn Nghệ Tiền Phong phát hành hàng tuần nên chuyện muốn phổ biến các sáng tác mới tương đối dễ dàng.

DTL: Thời cực thịnh của phong trào văn nghệ học sinh, miền Nam có rất nhiều nhóm văn nghệ học sinh. Nhiều thi văn đoàn. Hiện tượng này không chỉ lan tràn ở Saigon hay những thành phố lớn mà, nó còn phát triển rầm rộ ở các tỉnh nhỏ nữa. (Mặc dù thực tế, nhiều thi văn đoàn chỉ có một hai người! Và, một hai người ấy có khi “làm chủ” tới 3, 4 thi văn đoàn khác nhau...)
Từ đó, không thiếu những “tuyên ngôn văn chương” nẩy lửa được các thi văn đoàn “công bố”. Đa số các “tuyên ngôn” có nội dung kêu gọi các “thành viên” phải làm “cách mạng.” Phải lên án, phải tố cáo hay xóa bỏ tên tuổi của thế hệ cha, chú, đàn anh đi trước để “dành quyền sống dưới ánh mặt trời...”
Tôi thiển nghĩ cái “dịch” dẹp bỏ lớp đi trước này, nó lây lan từ chủ trương dẹp bỏ văn chương tiền chiến, do tạp chí Sáng Tạo phát động và cổ súy vào cuối thập niên (19)50. Ông và các bạn có ra những “tuyên ngôn” tương tự?


NHP: Các nhóm, các thi văn đoàn phổ biến những “tuyên ngôn văn chương” đòi làm cách mạng này kia chẳng qua là cố tạo tiếng vang, gây sự chú ý của mọi người, chứ thật ra dưới ánh mặt trời, “đất dụng võ” còn rộng mênh mông, đâu đến nỗi cần phải xóa bỏ nhau để dành quyền sống. Nhất là trong lĩnh vực Thơ, Văn và, bước kế tiếp chính thức đi vào sinh hoạt truyền thông, báo chí thì người đi trước đã có chỗ đứng của người đi trước; người đi sau nếu muốn, cũng sẽ có chỗ đứng của người đi sau. Riêng tôi nghĩ những nghề có liên hệ xa gần với thơ, văn, báo chí thường gắn liền với mấy chữ “bạc như vôi!” chứ có gì ghê gớm lắm đâu mà cần phải kèn cựa, giành giật nhau!

DTL: Năm nào, trong trường hợp hoặc do hoàn cảnh nào, lần đầu tiên, ông được giao trách nhiệm phụ trách một phụ trương văn nghệ học sinh cho một nhật báo?

NHP: Đó là mùa Hè năm 1964, tôi chính thức gia nhập làng báo Sàigòn trong một trường hợp hết sức tình cờ, không hề có tính toán, sắp xếp gì trước cả. Thời gian đó tôi đang hoạt động trong hội Thanh Niên Thiện Chí và là thành viên trẻ nhất trong Ban Chấp Hành Trung Ương Hội Thanh Niên Thiện Chí Việt Nam từ 1962 với chức vụ Phụ tá Ủy Viên Công Tác (Ủy viên Công Tác là anh Hà Tường Cát). Qua năm 1963, Thư Ký BCH Trung Ương của Hội là Nguyễn Đức Minh được học bổng tu nghiệp tại Tân Tây Lan nên anh em “đun” tôi lên thay thế. Đến cuối năm 1963, đầu năm 1964 (khởi đầu Đệ Nhị Cộng Hòa VN), hội chúng tôi có được ngân khoản viện trợ (trực tiếp chứ không phải qua “trung gian” cơ quan nào của chính phủ) để thành lập “Đoàn Thanh Niên Chí Nguyện Việt Nam”... Đây cũng là giai đoạn khá lý thú trong đời tôi, nhưng nằm ngoài phạm vi bài này nên xin miễn kể lể, hẹn trong một dịp khác.

Bây giờ xin nói tiếp về mùa Hè năm 1964, một người bạn học cũ của tôi là anh Nguyễn Ngọc Chấn (theo ngành sư phạm) sắp phải đổi về Vĩnh Long nên đã tìm gặp tôi để bàn giao trang “Văn Nghệ Sinh Viên Học Sinh” (tuần 2 lần) của nhật báo Thời Luận do ông Nghiêm Xuân Thiện (cựu Tổng Trấn Bắc Kỳ) làm chủ nhiệm. Trang văn nghệ này không ký tên người phụ trách là “Cậu Trời” Nguyễn Ngọc Chấn mà lại được đặt dưới cái tên “Chị Ngọc Anh”. Và, tôi vẫn tiếp tục dùng bút hiệu “Chị Ngọc Anh”, coi như không có chuyện gì thay đổi cả. Mới nhập cuộc được ít ngày, Bác chủ nhiệm Nghiêm Xuân Thiện đã gọi tôi vào phòng riêng nói chuyện. Theo lời bác Thiện thì tờ báo hiện chỉ có hai ký giả thường trực là các anh Sao Biển (cậu của Linh mục Nam Hải) và Tâm Chung (nguyên SVSQ Khóa 9 Võ Bị Đà Đạt), do đó tờ báo cần thêm ít nhất một ký giả thường trực và, tôi là người được chọn. Ngoài ra, tờ báo còn cần một người phụ tá cho nhà báo Ký Ninh trong vai trò của một Phụ Tá Tổng Thư Ký Tòa Soạn, bác Thiện muốn tôi đảm trách luôn cái phần vụ này. Tài cán chẳng bằng ai nhưng, tuổi trẻ nhiều nhiệt huyết, tôi nhận lời tuốt luốt những phần vụ được trao phó. Như vậy, tờ báo mỗi ngày có 8 trang thì ông Tổng thư ký Ký Ninh phụ trách bài vở tin tức thuộc các trang 1,8 và trang 3,6; còn “bài nằm” thuộc các trang 2,7 và 4,5 do tôi “lãnh cái búa”.

DTL: Tính tới năm 1965, cách đây gần 50 năm, là thời gian ông trở thành nhà báo chuyên nghiệp, thì, những chuyện gì ông nhớ nhất, trong những năm tháng đầu tiên trở thành chuyên nghiệp ấy?

NHP: Ngay từ những ngày đầu gia nhập “Làng Báo Saigon” tôi đã gặp nhiều may mắn và học hỏi được nhiều điều bổ ích với một số nhà văn, nhà báo lớn tuổi như các bác Hải Âu Tử, Phan Huy Chiêm, Anh Độ (Đỗ Cẩm Khê), Nguyễn Thạch Kiên... Quý vị này cung cấp bài vở (đa số là các tài liệu dịch từ báo ngoại quốc) cho các trang báo do tôi chịu trách nhiệm. Quý vị này không lãnh lương cố định hàng tháng mà tiền nhuận bút tính theo bài, tháng nào có nhiều bài được chọn đăng thì lãnh tiền nhiều, đăng ít thì lãnh ít... Có lẽ vì vậy nên ngay trong buổi trao trách nhiệm cho tôi, ông chủ nhiệm nhắc nhở: “Cậu nên “nâng đỡ” ông Anh Độ vì ông này nghèo hơn mấy ông kia”. (Nghe nói nhà thơ Anh Độ- Đỗ Cẩm Khê từng là Trung Úy trong quân đội Pháp, sau khi Tây đã về Tây rồi, ông chuyển qua nghề báo). Như vậy, ngoài công việc của một ký giả thường trực cộng thêm trang “Văn Nghệ” (tuần 2 lần qua bút hiệu “chị Ngọc Anh” phụ trách), tôi còn phải dành khá nhiều thì giờ mỗi ngày để sắp xếp “bài nằm” cho các trang trong, đưa thợ xếp chữ trước...  Cũng nhờ phải gánh vác nhiều tiết mục linh tinh như vậy nên tôi có cơ hội để đăng một số bài vở của các thân hữu như truyện ngắn, biên khảo, ký sự... Đặc biệt là những “Ký sự chiến trường” của Vũ Ngự Chiêu (bút hiệu Nguyên Vũ). Trước đó bạn tôi, Vũ Ngự Chiêu muốn sau này trở thành một Bác sĩ y khoa. Nhưng khổ nỗi “ngông nghênh vốn sẵn tính trời đã ban”, mới chập chững làm quen với Y khoa, Vũ Ngự Chiêu đã chê... “Thầy dốt”. Học trò mà dám chê “thầy dốt” thì sống sao nổi, nhất định là “con phải vỡ mộng làm bác sĩ rồi!”. Chút xíu nữa một người bạn khác của chúng tôi: Phạm Gia Cổn cũng bị dính chùm luôn với Chiêu. Nhưng may quá Cổn đã thoát để sau này trở thành một Bác sĩ khá nổi tiếng của binh chủng Nhảy Dù. Ngoài ra Phạm Gia Cổn còn dính tới nhiều chữ “Sĩ” khác như Võ Sĩ, Nhạc Sĩ, Ca Sĩ... (nhưng vẫn còn thiếu “Thi Sĩ”). Không thành bác sĩ thì đi Lính cũng tốt thôi; Vũ Ngự Chiêu theo học khóa 16 Thủ Đức. Lâu lâu về phép một lần, và lợi dụng mấy ngày phép đó, Chiêu hầu như thức trắng nhiều đêm để ghi lại “Bút Ký Chiến Trường”. Những loạt bài nóng hổi đó được đăng liên tục trên báo Thời Luận, mới đầu chỉ nhằm mục đích thực tế “để bạn mình có thêm tiền tiêu vặt chứ chỉ trông vào lương Quan Một Nhà Nước thì coi bộ không khá lắm...” Nhưng rồi sau đó, những loạt ký sự chiến trường của Vũ Ngự Chiêu được nhà xuất bản (tôi không còn nhớ tên) gom lại để in thành sách và bạn tôi, được thêm nhiều đọc giả biết đến với bút hiệu Nguyên Vũ, là một trong các nhà văn gốc quân đội nổi tiếng một thời.

Sau biến cố tháng 4-1975, lưu lạc xứ người, khi bắt liên lạc được với nhau, Chiêu thông báo “Tao lấy xong Cao Học Sử rồi”. Nếu tôi nhớ không lầm thì nhà văn Nguyên Vũ là người tỵ nạn đầu tiên có bằng Tiến Sĩ Sử tại Hoa Kỳ. Mấy năm sau, ông lại “khều” thêm cái bằng Luật Sư. Nói đến Luật Sư, thiết tưởng cũng nên thêm vài câu là có khá đông những luật sư đã hành nghề ở Việt Nam trước 1975, khi qua Hoa Kỳ cũng cố gắng đi học lại nhưng chỉ một số đạt được mục đích, số đông khác chỉ lấy xong bằng Tiến Sĩ Luật là đừ rồi, thi bằng hành nghề hoài vẫn không xong. Nhưng đặc biệt một người chưa hành nghề luật sư ở Việt Nam trước 1975 lại là người tỵ nạn đầu tiên trở thành Luật sư tại Hoa Kỳ. Đó là LS Nguyễn Duy Tiếp, trước 75 ông chỉ là một sĩ quan trong ngành Cảnh Sát, nhưng đã học xong Cao học Luật. Do đó khi qua Hoa Kỳ, đi học lại và chính thức trở thành Luật sư cuối năm 1979 (hơn ba mươi năm rồi).

DTL: Hiện tại, riêng ở hải ngoại, những thành viên nào của thời văn nghệ học sinh cùng hoạt động với ông, vẫn còn sinh hoạt trong lãnh vực văn học, nghệ thuật?

NHP: Khá đông. Chỉ nói riêng một số bạn học cũ cùng lớp thời trung học với tôi hiện cũng có một số tên tuổi khá quen thuộc với những người hằng quan tâm đến sinh hoạt thơ văn, chẳng hạn như nhà văn Đào Văn Bình, nhà thơ Vũ Khang, nhạc sĩ Vũ Thành An với những bài “Không Tên”... Còn các bạn trẻ thường gửi bài về đăng trên trang văn nghệ học sinh của báo Thời Luận ngày xưa, bây giờ cũng có một số gửi bài đóng góp với tạp chí Hồn Việt. Người có thơ đăng thường xuyên nhất là nhà thơ Thy Lan Thảo (Nguyễn Sơn) thuộc nhóm văn nghệ trẻ nổi tiếng của tỉnh Gò Công thuở nào. Qua thời văn nghệ học sinh, Thy Lan Thảo là một sĩ quan trong ngành Chiến Tranh Chính Trị. Sau biến cố tháng 4-1975, ông kẹt lại và đi tù cải tạo, rồi sang Hoa Kỳ qua diện HO, sau khi đã ổn định đời sống, ông cũng dành khá nhiều thì giờ để tiếp tục sáng tác...

DTL: Hôm nay, sau hơn nửa thế kỷ, ở tuổi “thất thập cổ lai hy,” nhìn lại thời văn nghệ học sinh của mình, nếu phải tự đánh giá giai đoạn đó của mình thì, theo ông cái gì ông cho là được? Cái gì không?

NHP: Câu hỏi có vẻ “quan trọng hóa vấn đề”. Với tôi, cái chuyện “được” hay “không” của thời văn nghệ học sinh chẳng có gì ghê gớm để phải đưa lên “bàn mổ” vì, đa số (tôi không dám nói tất cả) những người trẻ còn đang trong tuổi cắp sách đến trường đều phải có thêm “trò chơi” (thể thao hay văn nghệ) để cuộc sống được thăng bằng, không bị liệt vào loại “bất bình thường”.


DTL: Nếu được phép khởi đầu cuộc đời của mình, có nghĩ ông sẽ vẫn đi trở lại trên con đường “văn nghệ học sinh” của mình? Nếu câu trả lời là “có” thì tại sao?

NHP: Dĩ nhiên là tôi vẫn thích trở lại con đường “văn nghệ học sinh” vì đó chính là khoảng thời gian đẹp nhất của tuổi học trò thay vì phải chọn “một trò chơi” khác, biết đâu sẽ “nguy hiểm” hơn trò chơi văn nghệ.

DTL: Ông còn thấy cần phải nói thêm câu gì với quý độc giả theo dõi cuộc nói chuyện ngày hôm nay của chúng ta?

NHP: Nhớ lại 37 năm trước, khi mới đặt chân đến Hoa Kỳ, còn tạm trú tại trại Pendleton, một số anh em từng liên hệ với sinh hoạt báo chí tại Sàigòn thường gặp gỡ nhau để cùng “mơ” về sự hình thành của một tờ báo Việt ngữ trên xứ người. Thứ nhất là để “nuôi dưỡng tiếng Mẹ đẻ”; tiếp đó là tạo nhịp cầu cho bà con ta -rồi sẽ tản mác khắp nơi- có dịp liên lạc lại với nhau... Ngày nay, như mọi người đều đã thấy, các bộ môn sách, báo, CD ca nhạc, DVD, phát thanh, truyền hình tiếng Việt phát triển đến mức độ ngoài sức tưởng tượng. Cá nhân tôi rất vui khi được kể là một trong những “viên gạch lót đường” của lãnh vực này. Nhưng tôi lại nghĩ nếu đã là viên gạch lót đường thì chỉ nên hiện diện trong một khoảng thời gian nào đó thôi, không nên ở lại quá lâu. Những viên gạch lót đường của các lãnh vực khác, tôi không biết chuyện vinh, nhục ra sao, chứ riêng với những “nghề” liên quan đến chữ nghĩa thường gắn liền với “bạc như vôi”, ở lâu quá, biết đâu sẽ có lúc kiệt sức, gục xuống thê thảm. Tôi không thể quên được ông chủ nhiệm báo Việt ngữ đầu tiên của cộng đồng người Việt tỵ nạn, ký giả Nguyễn Hoàng Đoan, chỉ sau hơn 5 năm đánh vật với tờ Hồn Việt, đã quyết định “về hưu” vì mệt quá, chỉ làm khổ vợ con thôi! Nhà văn Lê Tất Điều tức nhà thơ Cao Tần cũng chỉ chính thức vui chơi trong sinh hoạt báo chí một thời gian không dài. Ký giả Lê Thiệp khi mới từ Nhật Bản qua định cư tại Hoa Kỳ cũng rất say mê trong sinh hoạt báo chí, nhưng sau một thời gian chạy xuôi chạy ngược từ Đông qua Tây... rồi cuối cùng cũng đành chuyển qua nghề khác... Hầu hết những người trong ngành truyền thông ngày nay, với phương tiện kỹ thuật tân tiến, máy computer có dấu tiếng Việt... không thể nào tưởng tượng được nỗi gian nan mà những viên gạch lót đường như tôi đã trải qua mấy chục năm về trước, nên xin miễn kể lể dông dài thêm... Chỉ xin vắn tắt: tôi rất khâm phục những người hiện đang gắn bó với lãnh vực truyền thông, báo chí Việt ngữ ở hải ngoại, nhiều chông gai hơn là tìm đường vào dòng chính, thênh thang và nhiều cơ hội để thăng tiến.
DTL: Trân trọng cám ơn nhà báo và, cũng là nhà thơ Ngọc Hoài Phương./.

Friday, February 1, 2013

Trương Ðạm Thủy * TIẾNG MA HÚ BÊN ĐÌA SAN HẬU

Hà Cẩm Tâm

DƯ ÂM
Đêm sâu hun hút. Trời cuối đông gió lạnh căm u u thổi từ cánh đồng Bàu Dơi tăm tối về ngang qua làng Sơn Đốc.
Đây là một ngôi làng nhỏ nằm lọt thỏm giữa những cánh đồng không mông quạnh. Giữa làng có một ngôi chợ nhỏ xíu, giữa sân chợ có một cây đa tán lá sum suê. Cạnh gốc cây đa là ngôi nhà nhỏ của một cụ bà : ngoại Bảy. Ngoại Bảy là một bà mụ vườn của làng nầy. Vì ngoại sống lâu như cây đa bến nước của làng nầy nên ngoại biết nhiều chuyện đời xửa đời xưa….
Chuyện ngoại kể hoài không hết, chuyện đời, chuyện người, chuyện ma…
Đêm nay đám trẻ chợ ngồi quanh ngoại, đề nghị ngoại kể nốt chuyện ma đêm rồi mà vì quá khuya ngoại chưa kể hết được. Ngoại Bảy têm miếng trầu nhai bổ bả một lúc rồi cất giọng trầm trầm.


VỤ ÁN BÊN ĐÌA
- Ngày xưa đã lâu ở làng nầy có xảy ra một án mạng, mà người chết là một đứa bé gái mới lên 5 tên là Thị Ngộ. Cha mẹ bé có một ngôi nhà lá nhỏ cạnh một cái đìa lớn rậm ri cây trầm bầu bên kia một con rạch nhỏ. Đìa nầy chẳng những có nhiều loài cá sinh sống mà còn là nơi trăn rắn đung đưa mắc võng trên cây nhiều vô số…
Ngoại Bảy ngưng nhai trầu đốt một điếu thuốc, nhìn vu vơ vào khoảng trời đêm rồi rít mấy hơi. Đám trẻ nhúc nhích co cụm lại vẻ mặt bắt đầu căng thẳng. Ngoại Bảy húng hắng :
- Cha của Thị Ngộ làm tá điền cho ông Hương thân Quý, người có gần trăm mẫu ruộng ở quanh làng.
Mẹ Thị Ngộ thì ngày ngày để Ngộ ngồi chơi trước nhà còn bà thì đi xúc cá xúc tép ở mấy cái ao vũng chung quanh. Tuy nghèo nhưng hai ông bà rất cưng con. Năm đó lúa trúng mùa, có dư chút đỉnh nên cha mẹ Ngộ mua cho bé một sợi dây chuyền vàng một chỉ đeo cho bé. Thị Ngộ thích lắm nên dù ngồi ở nhà một mình bé vẫn ngoan ngoãn chơi với sợi dây chuyền vàng có một miếng mề đai hình trái tim lấp lánh.
- Rồi vì sao Thị Ngộ chết hả ngoại? – Một đứa trẻ ngồi cạnh ngoại Bảy nôn nóng lên tiếng.
Ngoại Bảy im lặng nhìn ra khoảng trời đêm tăm tối. Gió từ cánh đồng Bàu Dơi lại hú thổi qua cây đa làm cành lá xao động. Đám trẻ nghe chuyện mặt xám xanh cùng co cụm lại gần sát vào ngoại Bảy.
Bà thủng thỉnh rít một hơi thuốc, giọng hơi nhỏ lại:
- Hôm đó Ngộ ngồi chơi một mình. Cha thì đi ra đồng, mẹ thì đang xúc tép cá ở cạnh nhà, khoảng một tiếng hú. Xúc được hơn nửa giỏ cá bà vui vẻ mang giỏ cá quay về. Thường khi chỉ cách nửa sào ruộng bà đã nhìn thấy bóng con bé, nay sao im ắng lạ thường. Như có linh tính, bà chạy bay trên bờ ruộng. Về gần đến nhà, bà gọi vang: “Ngộ ơi Ngộ! Ngộ ơi Ngộ!” vẫn không có tiếng trả lời…
Đám trẻ sợ hãi ngồi quấn lấy nhau. Ngoại Bảy rít hơi thuốc cuối cùng rồi quăng mẩu tàn ra sân:
- Tội nghiệp! Không thấy con bé, bà mẹ quýnh quáng chạy quanh nhà tìm. Vẫn không thấy nó. Khi ra một bụi cây tầm gởi sau nhà bà thấy Ngộ nằm chết ở đó, trên cổ có vết bầm tím và sợi dây chuyền vàng biến mất. Cả làng Sơn Đốc hồi đó xôn xao lo lắng trước vụ án nầy. Ai đã giết Thị Ngộ? Người ta rà soát những kẻ đáng khả nghi trong làng nhưng thủ phạm vẫn biệt tăm…
- Rồi sao nữa ngoại, Thị Ngộ có thành ma không ngoại?
Một đứa bé run giọng hỏi. Ngoại Bảy nhếch môi:
- Thành ma thì nói làm gì? Thị Ngộ sau đó vì chết oan chết ức nên hồn nó đã hóa thành tinh, con tinh Thị Ngộ!
Đám trẻ run lập cập. Ngoại Bảy lặng lẽ vặn cao ngọn đèn dầu lửa, húng hắng giọng:
- Đừng sợ, có bà đây yêu tinh nào dám đến gần? Ma quỉ rất sợ những bà mụ như ngoại, đến gần ngoại chúng sẽ hết đầu thai. Thôi, giờ ngoại sẽ xách đèn đưa từng đứa về nhà, tối mai ngoại sẽ kể tiếp, chuyện còn dài mà!


TIẾNG HÚ TRÊN CÂY ĐA
Trời mới vừa sụp tối là đám trẻ quanh chợ Sơn Đốc tụ lại trước sân nhà ngoại Bảy. Gió từ đồng Bàu Dơi theo tiết đông thiên thổi vi vu qua tàn lá cây đa um tùm làm lắc lư những chiếc rễ đa giống như bầy rắn đang trườn xuống mặt đất.
Hiên nhà nhỏ hẹp của ngoại Bảy được treo một ngọn đèn bảo đong đưa trong gió. Ngoại Bảy ngồi trầm ngâm nhai tóp tép một miếng trầu. Đám trẻ giục:
- Kể tiếp chuyện Thị Ngộ đi ngoại.
- Ờ, thì kể. Mà hôm qua ngoại kể đến đâu rồi? À, đến chỗ Thị Ngộ bị kẻ cướp bóp cổ chết và vứt xác vào một bụi cây tầm gởi. Cái chết của con nhỏ làm rúng động làng nầy. Làng xã hội họp tập trung quyết tìm cho bằng được thủ phạm. Những nhân vật bất hảo trong làng đều được điểm danh, rà soát. Bất cứ hành tung nào của đám vô lại trong làng đều được những con mắt bí mật theo dõi…
Đám trẻ nhao nhao lên:
- Rồi có bắt được hung thủ không ngoại?
Ngoại Bảy thở dài:
- Một tháng trôi qua, hai tháng trôi qua, rồi ba tháng trôi qua tung tích kẻ sát nhân vẫn là bóng chim tăm cá. Người ta rình ở mấy tiệm thợ bạc xem có ai đem sợi dây chuyền vàng của bé Ngộ đến bán không? Nhưng tất cả đều chẳng thấy ai. Bức xúc quá điền chủ Hương Quý ra khoảng thưởng: Nếu ai bắt được hoặc chỉ được thủ phạm ngoài tiền thưởng trăm giạ lúa ông còn mướn một gánh hát về hát vở tuồng “San Hậu” cho bà con xem miễn phí một tuần lễ và cũng là để cùng thần đình để tạ ơn.
- Hát tuồng “San Hậu” là tuồng gì hả ngoại?
Ngoại Bảy mơ màng:
- Có nói ra tụi con cũng không hiểu về vở tuồng nầy đâu. Nhưng hồi đó dân làng mình rất ưng những vở tuồng như: Phạm Công Cúc Hoa, Lưu Kim Đính giải giá Thọ Châu, San Hậu…
- Rồi ông Hương thân Quý có cho hát “San Hậu” không ngoại?
Ngoại Bảy đốt một điếu thuốc rít hơi dài:
- Từ từ ngoại kể. Bây giờ trước hết tụi con phải bình tỉnh, đừng sợ thì ngoại mới kể tiếp được.
trẻ lại nhao nhao lên:
- Tụi con bình tĩnh rồi, ngoại kể đi.
Ngoại Bảy mỉm cười:
- Tốt, tốt lắm. Đây là chuyện xưa, đã lâu rồi, có gì mà phải sợ, phải không?
- Dạ phải phải.
Ngoại Bảy ngước mắt nhìn lên ngọn đa ở phía trên đầu:
- Ở đây, ngay ngọn cây đa nầy…
- Cây đa nầy sao ngọai?
Đám trẻ rùng rùng ngồi sát vào ngoại.
Gió chợt rì rào nói lên, cành đa khua lắc rắc làm lũ trẻ càng thêm kinh sợ. Ngoại cười xoa đầu từng đứa:
- Bọn bây sợ rồi phải không? Sợ thì thôi ngoại khỏi kể nữa.
- Không, không ngoại kể tiếp đi.
- Ừ, giỏi. Ngoại kể đây. Hồi đó chung quanh cây đa nầy cây cỏ mọc râm ri, xóm làng heo hút. Có một đêm kia, cũng giống như đêm nầy đột nhiên người trong làng nghe một tiếng hú dài lạnh lẽo, lê thê…. Tiếng hú xuất phát từ trên ngọn đa nầy.
Một đứa nhỏ hốt hoảng nhảy phốc vào lòng ngoại Bảy, mấy đứa kia mặt mày xám ngoét ôm ghì lấy bà.
Ngoại Bảy vỗ vỗ lưng tụi nhỏ cười hiền hòa:
- Tụi bây lạ thiệt đã sợ ma mà ưa nghe kể chuyện ma. Thôi không kể nữa.
Mấy đứa trẻ sau một hồi đứng tim, nhìn dáo dác lên ngọn đa như một vũng bóng tối in trên nền trời đen thẳm lấm tấm sao, lại giục:
- Giờ bớt sợ rồi, kể tiếp đi ngoại.
Ngoại nhìn trời lắc đầu:
- Thôi đã tối lắm rồi, dừng lại ở đây, mai ngoại sẽ kể tiếp. Bây giờ ngoại sẽ đưa tụi bây về.
Rồi bà xách chiếc đèn bảo đưa bọn nhỏ về nhà….
Lại đêm sau nữa. Trời đã xuống lạnh hơn đêm trước. Lá đa cứ sau mỗi cơn gió lại ào ào đổ xuống mái hiên nhà ngoại Bảy như một trận mưa rào.
Đám trẻ ngồi co ro bên cạnh ngoại Bảy. Ngoại gom mớ lá đa khô vàng đốt lên một dúm lửa nhỏ.
Ngoại Bảy dặn:
- Tụi con cứ đẩy lá từ từ vào đống lửa cho ấm. Đã lập đông rồi.
Mấy đứa trẻ lại giục:
- Kể đi ngoại.
- Ngoại kể tiếp tiếng hú trên ngọn đa đi.
Ngoại Bảy trầm trầm giọng:
- Hồi đó tức cách đây cả trăm năm rồi. Lúc đó ngoại cũng bằng tuổi tụi bây. Mẹ ngoại, tức tụi con phải gọi bằng bà cố. Cố kể cho ngoại nghe rằng, vào một đêm đông lạnh lẽo như hôm nay vào lúc giữa khuya khi cả làng Sơn Đốc chìm vào giấc ngủ thì đột nhiên trên ngọn đa nầy có một tiếng hú lảnh lót nổi lên. Mọi người hốt hoảng lén mở hé cửa nhìn lên ngọn đa thì thấy có một đứa con gái tóc xõa, áo trắng như sương ngồi vắt vẻo trên chùm rễ đa. Dưới ánh sáng trăng le lói thỉnh thoảng cái bóng con gái ấy lại cất tiếng hú vang. Thình lình bóng ma hát ầu ơ ví dầu: “Ta là Thị Ngộ/ Chết ức chết oan/ Nay ta thành tinh/ Về đây đòi mạng”.
- Trời ơi, ghê quá!
- Sợ quá ngoại ơi!
Lũ trẻ nhao nhao chồm vào gần đống lửa. Gió đông quét vào cành đa xì xào càng làm đám trẻ xanh xám.
- Thôi, đã gần khuya ngoại đưa tụi con về, mai ngoại lại kể tiếp.
Bà già đứng lên nhấc ngọn đèn bảo dắt bọn trẻ về tận nhà chúng.


YÊU MA TRÊN ĐƯỜNG VẮNG
Con trăng khuyết như một con mắt độc nhãn khép hờ trên bầu trời đen thẳm. Con mắt độc nhãn ấy trôi từ từ vào nằm trên ngọn đa lòa xòa.
Lũ trẻ ngồi nhích lại sát vào nhau nôn nóng chờ ngoại Bảy nhai xong miếng trầu đầu tiên. Ngoại chợt chỉ vầng trăng lấp ló sau đám tàn lá:
- Cũng vào một ngày có con trăng như đêm nay, bà cố tức mẹ của ngoại kể rằng: Bắt đầu từ ngày đó con tinh Thị Ngộ luôn xuất hiện, biến hóa khuấy phá dân làng. Có đêm người ta nghe thấy tiếng ru con lãnh lót của nó trên đỉnh tháp cổ ở đầu làng. Có hôm bà cố, tức mẹ của ngoại, bà cũng làm nghề mụ như ngoại, được người ta rước đi sanh. Nửa khuya gần sáng sinh giúp cho người ta xong bà xách ngọn đèn bão nầy đây ra về trên con lộ Cầu Đình. Hai bên đường đồng không mông quạnh không một bóng người, gió lạnh khua lao xao trên những đám lúa cao. Đột nhiên có một tiếng hú lạnh người nổi lên, bà cụ nhủ thầm: “Lại con tinh Thị Ngộ đây!”. Rồi cách chỗ bà cụ chừng mươi thước có hai bộ xương chân người rớt xuống. Tiếp theo phần xương thân người với hai xương tay khẳng khiu rớt xuống và tự ráp lại trên hai ống xương chân. Vài giây sao một bộ mặt xanh mét ở đâu trên trời rơi xuống ráp tiếp vào phần thân bộ xương lủng lẳng bên dưới. Từ trong cái miệng tối đen của khuôn mặt xanh phát ra tiếng nói:
- Bà già kia đi đâu? Ta là Thị Ngộ đây, ta sẽ vật chết bà.
Bà cố, tức mẹ của ngoại chẳng chút sợ hãi:
- Mầy là con Ngộ đó sao? Bà là bà cố Cây Đa đây. Hồi mẹ mầy đẻ mầy, chính bà đở đẻ cho mầy. Thấy mầy xinh gái, chính bà đặt tên cho mầy là Ngộ. Nay mầy chết oan chết ức đáng lẽ phải lo tu tâm dưỡng tính sao lại hóa thành yêu tinh phá khuấy làng nầy?
Con tinh như nhớ ra điều gì nó hiện nguyên hình là một cô gái trong lớp áo trắng như sương. Nó nói húng hắng:
- Cố ơi, con chỉ đùa chơi với cố thôi. Hồn con vốn chưa siêu thoát khi tên thủ ác khốn kiếp kia chưa chết để thay chỗ cho con.
Mẹ của ngoại đặt chiếc đèn bảo xuống đất và ngồi đốt một điếu thuốc trước đèn hỏi Ngộ:
- Vậy kẻ nào đã giết hại con?
Con tinh khe khẽ lắc đầu:
- Bây giờ con không thể nói được. Ngày nào cố thấy có một thằng nằm chết trên đìa Hương Quý, cố sẽ biết nó là ai. Thôi đêm sắp sáng gà đã gáy rồi, con đến thăm cố một lát rồi phải đi. Cố đừng lo, số cố sống đến trăm tuổi, chẳng có yêu ma nào hại được cố đâu.
Nói rồi con tinh biến mất. Mẹ của ngoại ngồi thẩn thờ trên con đường vắng. Bà thương con bé. Ngày xưa bà cố tụi con từng hộ sinh ra mẹ con Ngộ, rồi lại hộ sinh tiếp đến đời nó. Vậy mà nó bị chết ức chết oan bởi tại một chỉ vàng.
Chuyện ngoại Bảy kể cảm động khiến có mấy đứa trẻ sụt sịt khóc. Ngoại vỗ đầu bọn chúng:
- Thôi giờ tụi con phải về ngủ. Tối mai ngoại sẽ kể tiếp, khuya rồi.


VÓ NGỰA ĐƯỜNG TRĂNG
Đêm nay ngoại Bảy trải chiếu trước mái hiên nhà đặt giữa chiếu đĩa mức chối to đùng cùng những chiếc bánh phồng nướng thơm phức đãi bọn trẻ. Cũng gần đến tết rồi. Đây là những món bánh mức truyền thống của người dân làng Sơn Đốc vào mỗi dịp xuân về.
Đợi cho lũ trẻ vui vẻ ăn uống xong ngoại Bảy lại bắt đầu kể tiếp câu chuyện lỡ dỡ đêm qua:
- Hồi đó ở làng nầy có một người đánh xe thổ mộ chở người, chở hàng hóa lên huyện xuống tỉnh tên là Chín, Chín xe ngựa. Người nầy không vợ con, nhà ở bên kia con rạch nhỏ đối diện với nhà Thị Ngộ. Khuya nào khoảng bốn năm giờ sáng Chín xe ngựa cũng đánh xe ra tỉnh lộ rước khách. Một khuya trong lúc Chín ngồi trên gọng xe, lúc bấy giờ con trăng hạ huyền sắp lặn, ánh trăng phờ phạc trong làn sương sớm trải xuống con đường lạnh lẽo. Vó ngựa khuya lốc cốc một cách vui tai. Đột nhiên từ bên vệ đường có một cô gái mặc toàn trắng xuất hiện đưa tay ra vẫy. Chín gò cương ngựa.
Cô gái lặng lẽ leo lên ngồi ở phía sau mặt che sau chiếc khăn choàng trắng. Có mùi hương lạ khó thở tỏa ra trên xe. Chín xe ngựa chợt thấy lạnh sóng lưng nên hỏi: “Nè cô, cô định đi đâu?”. Không trả lời. Mãi lâu sau từ cái bóng màu trắng đằng sau xe mới có tiếng đáp: “Cứ đi đi bao giờ muốn xuống ta xuống”. Chín xe ngựa thả dây cương quất nhẹ roi da vào mông ngựa, con vật hiểu ý cất vó chạy lốc xốc. Lát sau nữa cô gái chợt lên tiếng:
- Nầy anh, trời lạnh quá anh ngồi xích vào gần em chút được không?
Chín quên sợ rời càng xe bò vào giọng cợt nhã:
- Trời lạnh sao mặc áo mỏng làm chi?
Cô gái cười giọng mũi:
- Bộ anh không thích đàn bà con gái mặc áo mỏng sao?
Thích chí Chín lần vào ngồi sát cô gái giở giọng đẩy đưa:
- Em ở đâu mà anh thấy quen quen?
- Nhà em ở cạnh đìa ông Hương Qúy.
- Ủa, ở đó có nhà ai đâu?
- Tại anh không thấy, chớ nhà em ở đó. Hôm nào anh ghé chơi.
Chín khoe:
- Em biết không, ông Hương thân Quý là chú họ của anh.
Đang lúc Chín định giơ tay ôm chầm cô gái thì bỗng dưng anh ta có cảm giác như đang ôm vào một khoảng không. Cô gái biến mất. Rồi bất chợt ở cạnh bụi dứa dại bên đường có tiếng cười the thé và xa dần.
Chín xe ngựa sợ toát mồ hôi. Đúng rồi, đây là một con yêu tinh mà nhiều người đi soi ếch soi cá ban đêm đã từng gặp nó trên quãng đường chạy qua cánh đồng mông quạnh nầy.
Con trăng đã xế, tiếng vó ngựa vẫn nện lộc xốc trên đường nhưng Chín xe ngựa như người mất hồn sau khi trải qua những giây phút đối diện với người thiếu nữ không nhìn rõ mặt có mùi hương kỳ lạ trên chuyến xe nửa đêm gần sáng.
Ngoại Bảy ngừng kể khoát tay:
- Thôi, ngoại buồn ngủ rồi, tối mai ngoại sẽ kể tiếp. Bây giờ tụi con phải về nhà.
Nói xong ngoại Bảy đứng lên xách chiếc đèn bão, lũ trẻ lót tót đi theo…

XÁC CHẾT BÊN ĐÌA
Con chim cú trên cây đa kêu từng tiếng lạnh lẽo. Đám trẻ ngồi nhích vào cạnh ngoại Bảy. Uống một hớp trà thấm giọng, ngoại Bảy lên tiếng:
- Sau cái hôm Chín xe ngựa gặp yêu ma trên đường tỉnh lộ anh lâm trọng bệnh, như người điên khi cười khi khóc. Ngày ngày anh ta ra chợ Sơn Đốc đi lang thang nói năng lảm nhảm. Có khi anh ta tự đấm vào mặt mình đến sưng vều lên và la lớn: “Mầy là kẻ giết người. Mầy bóp cổ con nhỏ đến chết để lấy một chỉ vàng. Mầy phải chết theo nó Chín ơi…”. Những điều Chín xe ngựa nói chẳng ai người ta để ý, chỉ coi anh ta như kẻ điên khùng nói trăng nói cuội vậy thôi. Cho tới một ngày kia người ta thấy Chín xe ngựa tay cầm sợi dây cột ngựa đi về phía đìa Hương Quý.
- Ông ấy đi làm gì vậy ngoại?
Đám trẻ nhao nhao hỏi. Ngoại Bảy thở dài:
- Hắn ta đi như bị ai đó rủ rê xô đẩy. Ngày hôm sau người đi bắt cá lậu nơi đìa Hương Quý bắt gặp xác Chín xe ngựa treo cổ tòn teng trên một cây trâm bầu chân thòng xuống nước.
Ngoại Bảy kết luận:
- Như vậy là đã rõ, Chín xe ngựa là kẻ đã ra tay giết Thị Ngộ để lấy một chỉ vàng. Một đêm kia bà cố, tức mẹ của ngoại trên đường đi hộ sinh lại gặp con tinh trên quãng đường làng vắng vẻ. Nó báo cho bà cố biết nó đã báo xong mối thù. Từ nay nó sẽ siêu sinh…


ĐÌA SAN HẬU
- Ngoại ơi, lũ trẻ lên tiếng, rồi ông Hương Quý có cho hát tuồng San Hậu cho người làng xem không ngoại?
Ngoại Bảy cười khẩy:
- Mấy người điền chủ nhà giàu mà thường là bọn bủn xẻn, hứa rồi để gió thổi đi. Vả lại Chín xe ngựa là cháu họ của ông ta, chuyện xấu ác tày đình nầy làm sao ông ta còn mặt mũi nào thuê phường hát về hát cho người ta xem được.
- Rồi vì sao đìa ông Hương Quý lại trở thành đìa San Hậu hả ngoại?
Nghe đám trẻ hỏi ngoại Bảy cười khà:
- Ừ, thú vị là ở chỗ đó. Do ông Hương Quý thất hứa với bà con, nên từ đó người ta đổi tên đìa Hương Quý thành đìa San Hậu. Cái tên ấy lưu danh cho đến bây giờ. Bây giờ tụi con phải về. Mai mốt ngoại lại kể chuyện ly kỳ mới. Ngoại kể cho tụi con nghe chuyện xa xưa coi như bài học. Sau nầy lớn lên nhớ đừng làm điều xấu ác. Làm điều ác có quả báo mà tiếng xấu còn để lại hoài….

Trương Đạm Thủy

TRÚC THANH TÂM * TỨ TUYỆT ĐƯỜNG XA 3



  PHƯỢNG BIẾT BUỒN

  Biên Hòa thành cổ, bảy mươi
  Em vào đệ tứ, ta đời gió sương
  Ngô Quyền, phượng đỏ biết buồn
  Tình ơi, mai mốt đừng hờn dỗi nhau !
   
  TÌNH VŨNG TÀU

   Nắng vàng trải thảm Dinh Cô
   Ta qua Núi Lớn, lên Hồ Mây xinh
   Tiếng em khe khẽ gọi mình
   Hương đêm Ô Cấp, men tình thắm môi !

   CÙ LAO DUNG

   Vườn em rụng trắng hoa cau
   Ta treo trăng giữa Cù Lao Dung buồn
   Sóc Trăng ba ngã sông thương
   Người dưng khác họ, ai còn nhớ ai !

   HOA SIM TÍM

   Tây Ninh mưa, tháng mười hai
   Màu hoa sim tím, tóc dài bay nghiêng
   Trảng Bàng rồi lại Tân Uyên
   Ta xin giữ lại chút duyên ban đầu !

   TRÚC THANH TÂM
   ( Châu Đốc )



Trạch Gầm * Tận Thế



Viết tặng Yên Ly

Một ngày mặt trời ôm hôn trái đất
Địa ngục Thiên đàng đươc dịp mở toang
Một ngày anh ôm hôn em ngây ngất
Quên lững cuộc đời còn có trần gian

Em bay vòng quanh thiên đàng bỏ ngỏ
Em bay vòng quanh địa ngục sổ lồng
Anh lững lờ trôi theo từng mơ ước
Biết đến nơi nào có gặp em không

Anh như hạt sương không còn nơi đọng
Em dang đôi tay …anh rớt vào hồn
Em mở thiên đàng, em giam địa ngục
Trong cảnh huống nào…Anh hết cô đơn

Trạch Gầm

Nguyễn Đức Nhơn * Núi rừng quê tôi




Chiều ngồi trên Đỉnh Đèo Bay
Ngó về Phan Thiết lòng ray rứt buồn
NĐN




1. Đỉnh Đèo Bay

Từ đỉnh đèo nhìn về hướng đông, thành phố Phan Thiết hiện lên rõ ràng, phân biệt được cả những khu phố, vùng ngoại ô và bãi biển. Không biết cái tên “Đỉnh Đèo Bay” có từ bao giờ, nhưng tôi biết chắc nó không thể có trước năm 1975, vì lúc đó cây gỗ còn nhiều, ít ai lên đến nơi này. Đây là đỉnh cao nhất trên cụm núi phụ nằm về phía đông dãy Trường Sơn. Dân làm rừng chỉ có những người bạo gan mới dám lên nơi này. Tôi không gan dạ gì, nhưng có chút liều lĩnh nên cũng từng mò lên tới đây. Ngày đầu tiên đặt chân lên Đỉnh Đèo Bay, đứng trên một mô đá nhô cao, đưa mắt nhìn về biển đông, tự nhiên tôi cảm thấy thương quê hương mình quá đỗi.

Trông lên núi ngả đầu chào
Trông ra ngoài biển, biển nào cũng sâu!”
(Khuyết danh)

Hai câu thơ này không biết của ai và cũng không biết đọc nó ở đâu, nhưng khi đứng trên Đỉnh Đèo Bay, tự nhiên tôi chợt nhớ ra và nhớ mãi đến bây giờ. Đứng trên Đỉnh Đèo Bay nhìn về hướng Tây là núi rừng trùng điệp, nhìn về hướng Đông là biển cả bao la. Ngày xưa ông Thái Thượng Lão Quân vẽ ra bản Thạnh Thế Hồng Đồ để phân chia Trời Đất, chắc có lẽ ông ta có một chút cảm hứng nào đó để “phết” lên quê tôi những nét đẹp lạ lùng.

Trải tấm nylon trên phiến đá bằng phẳng. Một xị rượu, vài con cá khô. Quá đủ. Thật tình quá đủ, tôi cảm thấy như vậy. Và, chính nhờ cái đạm bạc này mà tôi mới thấy hết được cái đẹp đơn sơ, giản dị của núi rừng quê tôi; Cái đẹp vừa uy nghi, kỳ bí vừa phảng phất một chút đa tình, nên thơ, lãng mạn.

Ngồi trên Đỉnh Đèo Bay, hớp một ngụm rượu, khà lên một tiếng thật kêu rồi đưa mắt nhìn ra tám hướng, thả hồn đi khắp bốn phương mới thấy hết cái thú vị của đời người. Hình như cái thú vị của đời người không hẳn hoàn toàn do cảm nhận từ những niềm vui mà đôi khi còn cảm nhận được từ những nỗi buồn.

Chiều ở đây thật buồn
Mây đùn quanh tám hướng
Thung lũng dày sương mù
Tôi ngồi nghe gió hú

Lão tiều phu đốn rừng
Nghe đau từng nhát búa
Có con chim lạc đàn
Xoải cánh chiều qua núi

Rừng ngàn năm vẫn buồn
Chôn sâu niềm u uẩn
Người ngàn năm vẫn còn
Đi trong vòng lẩn quẩn

Rừng ngàn năm còn đó
Tôi trăm năm còn đây
Rừng lắc lay theo gió
Tôi nhìn mưa thu bay

Mưa thì thầm trên lá
Tôi thì thầm với ai!?
(Thơ NĐN)

Từ làng tôi, dân làm rừng đi lên núi Ông (1) bằng nhiều ngã khác nhau. Tất cả những ngã đường này đều phải băng qua con đường sắt xuyên Việt, đoạn từ ga Mường Mán đến ga Ma Lâm. Mỗi giao điểm của lối mòn xe bò và con đường sắt đều được giới khai thác lâm sản đặt cho mỗi nơi một cái tên nghe rất là “địa phương”: Đồi mồi bàu lon, đồi mồi bàu đá, đầu mồi giếng cỏ v.v… Đầu mồi (2) là nơi xe bò bắt buộc phải đi qua. Thời chiến tranh Việt – Pháp, lính Tây thường phục kích ở các nơi này và gây chết chóc rất nhiều người. Đoạn đường sắt này, hai đầu nối liền với Mường Mán và Ma Lâm, lập thành một khu vực địa dư mà thời chiến tranh được mệnh danh là “chiến trường tam giác”. Sau khi ra tù, tôi trở về sinh sống ở một ngôi làng nhỏ nằm trong khu vực này. Ngoài việc làm cho hợp tác xã nông nghiệp, tôi thường lên rừng đốt củi, hầm than để kiếm sống. Tôi chọn lộ trình “đồi mồi giếng cỏ” để qua con đường sắt. Khi ấy tôi dành dụm được một ít tiền, sắm đươc một chiếc xe bò bánh sắt (3) và, cứ mỗi tuần tôi cùng thằng con trai tý tẹo của tôi lên núi một lần.

Thong dong một chiếc xe bò
Nhạc khua lóc cóc giữa bờ truông sâu
Ngoảnh nhìn phận số ta đâu
Bóng hình xưa đã nhạt vào xa xăm
Ở đâu còn một chỗ nằm
Cho người thua cuộc về thăm núi này!…

(Thơ Trần Yên Thảo)

2. Đèo Vòng Xoay

Trên lộ trình đến Đèo Vòng Xoay, đường núi cheo leo, xe bò bắt buộc phải qua một vài địa thế vô cùng hiểm trở, thường xẩy ra những tai nạn chết người.

Không đi thì đói thì nghèo
Mà đi thì sợ cái Đèo Vòng Xoay”

Hai câu lục bát dân gian này không biết có từ lúc nào, nhưng cái Đèo Vòng Xoay thì đã có từ lâu đời. Nếu cái tên “Đỉnh Đèo Bay” gợi lên một cảm giác chơi vơi trên một đỉnh núi cao chót vót, thì cái tên “Đèo Vòng Xoay” lại cho ta một cảm giác quay mòng mòng như con vụ. Thực ra thì cũng không đến nỗi như vậy. Đèo Vòng Xoay chỉ là một khúc quanh rất ngặt, nhưng khổ nỗi là khúc quanh này lại nằm giữa hai bờ con sông hẹp nhưng rất sâu. Khi chiếc xe lao xuống dốc, người đánh xe không thể nào điều khiển được hai con bò. Mà trời sanh cũng ngộ, hai con vật tự nó cũng biết phải làm thế nào để bảo đảm an toàn cho chiếc xe (!). Khi gần tới đáy sông thì có một “gôn” đá lớn nằm chắn ngang. Chao ơi! nếu đâm đầu vào đó thì… “tía tôi cũng lìa!”. Nhưng không sao, người đánh xe sau mấy phút đi “six flag” cũng vừa tỉnh hồn, kịp điều khiển hai con bò quay một vòng rất ư là đẹp mắt. Khi qua được bờ bên kia, người đánh xe cảm thấy mình vừa thoát qua một tai nạn! Hú hồn…

3. Đèo Thằng Cuội

Qua khỏi Đèo Vòng Xoay một đỗi thì tới “Đèo Thằng Cuội”. Cái đèo này mới thật “ê ám”. Chiếc xe qua khúc đèo này, gần như chỉ lăn có một bánh, còn cái bánh kia thì nhảy “cà tưng, cà tưng” trên những phiến đá lồi lõm như người ta nhảy đầm. Chiếc xe nghiêng hẳn về một bên. Người ngồi trên xe lại thêm một dịp “thả hồn theo mây gió”. Tại sao lại có cái tên “Đèo Thằng Cuội” nhỉ? Ông Sáu Lầu, người cao tuổi nhất trong làng kể lại.
Chú Tám à! Cạn hết cái chén đó đi rồi tôi sẽ kể cho chú nghe.
Dạ được.
Thực ra, chuyện này tôi cũng nghe tía tôi kể lại, còn sự thật thế nào thì tôi cũng không rõ.
Ông Sáu ngừng lại vài giây, nhấm thêm một ngụm rượu, khà ra một tiếng rồi kể tiếp.
Nghe nói hồi mới khai thông khúc đèo này, chiếc xe đầu tiên qua đèo bị lật đè chết một người. Người ta không rõ danh tánh người xấu số. Chỉ biết người này dùng sức phụ đỡ chiếc xe cho khỏi lật nên bị chiếc xe đè chết. Những người dùng sức chống đỡ những vật nặng phụ giúp cho một việc gì đó, người làng mình gọi là “cuội”. Nên vì vậy mà mới có cái tên “Đèo Thằng Cuội” đó chú Tám.
Thưa bác, còn tại sao mỗi chiếc xe qua đây đều phải ném vào cái mô đất một nhánh cây hay một hòn đá vậy bác?
Ừ, chuyện này kể ra cũng lạ. Nghe nói sau cái tai nạn đó, đêm đêm thằng Cuội hiện về bảo là ai đi ngang qua đèo phải ném vào mộ nó một vật gì đó, coi như vun bồi cho ngôi mộ, nếu không thì lần sau ngang qua đây sẽ bị lật xe. Chuyện đó hư thực thế nào thì không ai rõ, nhưng mọi người đều có một ý nghĩ giống nhau “thà tin có còn hơn không!” và, vì vậy mà cái mô đất mỗi ngày một cao thêm.

4. Râm Tiếng

Qua khỏi đường sắt một đoạn thì phải chui vào một khu rừng dày đặc, dài chừng vài ba cây số. Ban đêm đi vào khu rừng này, người đánh xe không thể nào quan sát được mọi vật chung quanh, nên chỉ nhịp roi “chừng chừng” vào lưng bò, để tự nó theo lối mòn mà đi. Đây cũng là một kinh nghiệm của những người đánh xe. Vì quá rậm rạp, nên nhiều loại thú dữ thường trú ẩn trong khu rừng này, nhất là cọp. Ban đêm chúng thường ra đường chận xe. Chúng dọa trâu bò nhảy tán loạn, người trên xe không may bị té xuống đất là chúng vồ đi ngay. Cũng tại khu rừng này có một con cọp hung tợn vô cùng. Người hay súc vật không may gặp phải nó là vô phương sống sót. Người ta đặt cho nó một cái tên nghe cũng anh hùng hảo hán lắm: “cọp ba dấu”. Nghe nói, một đêm nọ, con cọp này phóng đại vào chiếc xe, chân trước thọc vào bánh xe để kéo lại, không may bị bánh xe nghiền nát, nên từ đó nó chỉ còn ba chân. Người làm rừng thường hay quan sát dấu chân cọp để biết chừng mà tránh, nên mới phát hiện ra con cọp ba dấu này. Nghe nói từ ngày mất một chân, con cọp lại càng hung dữ hơn. Nó “hoành hành bá đạo” ở khu rừng này, nên vì vậy mà khu rừng đâm ra nổi tiếng, rồi dần dà người ta lượt bỏ đi một vài chữ trong cụm từ “khu rừng nổi tiếng” để đặt luôn cho nó cái tên là “Râm Tiếng”.
Một điểm đặc biệt nữa là khu rừng này có một loài chim mà trong tác phẩm “Đất Rừng Phương Nam”, Đoàn Giỏi gọi là “chim lệnh” (4). Loài chim này có một giọng kêu nghe the thé giống như tiếng trẻ con khóc. Ban đêm mà nghe tiếng kêu của nó, ắt có người “són” ra quần. Đặc biệt hơn nữa là loài chim này thường “ở chung với cọp” bởi vì cọp là loài ăn thịt sống, nên thịt thối ở kẻ răng làm cho nó đau nhức. Chim lệnh biết “khai thác” nhược điểm này, nó cà rà theo cọp để mổ thịt thối ăn. Đang khi răng bị ngứa nhức khó chịu vô cùng mà có kẻ chịu khó “xỉa răng” giùm thì làm sao mà không biết ơn cho được! Vì vậy mà vô hình trung cọp và chim lệnh trở thành đôi bạn thân, sát cánh bên nhau, nương tựa nhau mà sống (!). Thiên nhiên quả thật có nhiều điều kỳ diệu. Có lẽ người làm rừng mộc mạc không hiểu gì về khoa học tự nhiên, cho chim lệnh là một loài chim linh, muốn giúp người, nên bám sát theo cọp để lên tiếng báo động kịp thời cho người lẩn tránh. Vì vậy người làm rừng mới truyền kinh nghiệm cho nhau bằng một câu nói mà mới nghe qua giống như một câu châm ngôn nhật tụng: “Nơi nào chim lệnh kêu, nơi đó có cọp!”

5. Giếng Tiên

Đến Giếng Tiên thì phải đi bằng một ngã khác, thực ra tôi rất ít đến nơi này, vì không thuận đường.
Câu chuyện dưới đây, tôi cũng chỉ nghe người ta kể lại, không biết đúng sai và cũng không biết còn có câu chuyện nào nữa nói về cái huyền thoại “Giếng Tiên” hay không? Hai chữ “Giếng Tiên” gợi lên cho người đọc một hình ảnh nên thơ thoát tục. Thực ra nó cũng chỉ là một khu rừng bình thường, chỉ khác một điểm là ở đây có một giếng nước rất trong, nhúng tay vào người ta có cảm giác như đang ngâm bàn tay trong nước đá.
Người ta thường lên núi đốn củi, hầm than vào mùa nắng, nên nước uống là một vấn đề vô cùng phiền toái cho người làm rừng. Thường thì người ta phải mang nước theo để xử dụng, nếu rủi ro bị đổ thì chỉ còn cách quay trở về. Cái nắng nóng hừng hực của núi rừng giữa trưa mà xối lên người một ca nước “Giếng Tiên” lạnh ngắt thì cho dù người phàm cũng biến thành tiên. Tôi có nghe lõm bõm một câu chuyện thần bí về khu rừng này:
Ngày xưa, có một lão tiều phu đầu tóc bạc phơ, mùa nắng thường hay lảng vảng ở khu rừng Giếng Tiên. Người ta không biết ông ở đâu và cũng không biết ông làm gì. Không ai tới gần ông được. Ông thường ẩn hiện, thấp thoáng trong rừng như một bóng ma. Một hôm có một cô gái làm rừng bị ngất xỉu vì cơ thể thiếu nước, ông già xuất hiện mang cô gái vào một hốc núi rồi hú vang một tiếng. Cô gái giật mình tỉnh lại, nhìn chung quanh không thấy ai, nhưng phát hiện ngay bên chỗ mình nằm là một cái giếng nước trong. Cô gái vì quá khát, nên múc nước lên uống mà không e dè chút nào. Không ngờ vừa uống xong, cô gái thấy toàn thân lạnh như băng và rùng mình một cái, biến thành một nàng tiên xinh đẹp bay bỗng lên trời.
Nghe tiếng hú kỳ lạ, có một người tiều phu tò mò lần theo vách núi đến nơi thì phát hiện ra nơi này có một bộ quần áo của phái nữ. Người tiều phu tò mò mở ra xem thì thấy trong túi có một bức tượng hình thù quái dị, lớn bằng nắm tay. Người làng biết được chuyện, bèn rủ nhau lên xây một bức tượng cao chừng ba thước, hình dáng giống như bức tượng trong túi áo. Bức tượng đó lâu ngày biến thành một hòn đá thiên nhiên, trông từa tựa như một cố gái đang đứng dựa vào vách núi. Hòn đá đó ngày nay vẫn còn. Truyền thuyết còn cho rằng ông lão kỳ bí ở rừng Giếng Tiên chính là vị thần năm xưa được Thượng Đế sai gánh hai hòn núi từ Bắc vào Nam. Khi bay ngang qua Phan Thiết, không may bị đứt dây, nên hai hòn núi rớt xuống nằm ngay bên cạnh quốc lộ 1 ở hai đầu Nam – Bắc thị xã Phan Thiết (5). Có người còn nói hai hòn núi này là hai ông “tà”, cho nên người xưa mới đặt tên là “Tà Dôn” và “Tà Cú”. Hai ông tà này rất ác ôn, “đì” dân Phan Thiết ngóc đầu không nổi, nên chẳng có ai được làm Vua hoăc làm Tổng Thống (!). Còn ông thần gánh hai hòn núi thì bị Thương đế giáng xuống làm “Giám đốc sở kiểm lâm” canh gác hai ông “Tà”. Ông thần này thích “chạy nhảy lung tung” hết rừng này tới núi nọ và cứ mỗi năm đến mùa nắng nóng thì mò lên Giếng Tiên để tắm. Nghe sao kể vậy, còn đúng sai thế nào thì thật tình tôi đây cũng “bù”.

6. Đồng Cá Sấu

Qua khỏi Râm Tiếng chừng một đỗi, có một ngã rẽ về bên phải. Đi thêm vài cây số nữa thì đến một cánh đồng hoang nằm gọn lỏn giữa một khu rừng già mênh mông. Giữa cánh đồng có một đầm nước sâu. Người làm rừng gọi cánh đồng này là “Đồng Cá Sấu”. Địa danh thường thường được người ta dựa vào một biểu tượng nào đó để đặt ra. Đồng cá sấu cũng vậy, vì ngay trên mé rừng dọc theo cánh đồng có một hòn đá nổi, hình thù giống hệt một con cá sấu đang nằm. Chiều dài khoảng chừng ba thước, bề ngang khoảng năm tấc. Trên lưng có một vết sẹo dài vắt chéo từ chân trái ở trước đến chân phải phía sau. Ngoài ra bên hông còn có ba dấu chân lõm sâu vào khoảng một lóng tay. Trong một buổi trà dư tửu hậu, tôi nghe người ta kể rằng, khi xưa có một gã nông phu đang cày ruộng, bất chợt có một con cá sấu thật lớn bò đến. Người nông phu này dùng roi cày và đôi chân giết chết con sấu. Con sấu nằm đó lâu năm, biến thành hòn đá với vết tích còn hằn rõ trên lưng. Chuyện thật đấy. Nếu độc giả nào không tin, chịu khó “bao” tôi về Việt Nam một chuyến, tôi bảo đảm sẽ đưa đến tận nơi để xem cho biết (!).

Núi rừng quê tôi còn nhiều chuyện để kể lắm. Nhưng già rồi trí nhớ không còn như xưa, nên nhớ đâu kể đó vài chuyện cho vui, và cũng xin nói rõ đây không phải là một tài liệu biên khảo.

Nguyễn Đức Nhơn
———
(1) Núi Ông nằm phía tây thành phố Phan Thiết,
trong hệ thống dãy Trường Sơn.
(2) Đầu mồi là giao điểm của lối mòn xe bò và con
đường sắt.
(3) Bánh gỗ bọc niền sắt.
(4) Có người nói ngoài Bắc gọi là “chim linh”, còn
ở quê tôi thì gọi là “chim chuông”.
(5) Núi Tà Dôn nằm phía bắc, cách Phan Thiết
chừng vài chục cây số. Núi Tà Cú nằm phía
nam, cách Phan Thiết chừng 30 chục cây số.

Phạm Quốc Bảo * Nhớ Bạn



Trần Tuấn Kiệt











Nhớ Trần Tuấn Kiệt

đèn vàng rẽ lối sương mù
bước chân lững thững trải từ đời riêng
chợt nghe như lạnh vào đêm
nhớ thầm đến bạn đâu miền xa xăm
tết này vừa đúng một năm
nhớ quên mấy lượt cũng ngần ấy thôi
với tay cuộc sống đổi rời
ta đang lang bạt nhớ người trầm luân

Nguyên Sa














Nhớ Nguyên Sa

dấu đen trên tuyết một mình
ngõ xa lưng đạm dáng hình bao la
chim kêu một tiếng sáng lòa
tai còn âm vọng nét nhòa bước đi

Phạm Quốc Bảo