văn hữu vườn tao ngộ

Nơi lưu trữ tác phẩm của PBTD và thân hữu. Liên lạc: phanbathuyduong@gmail.com

Tuesday, February 19, 2013

Văn Quang * Hội chứng khoe của

Sài Gòn vừa trải qua những ngày Tết vắng vẻ, đường phố rộng thênh, cây cao bóng mát, con người trở nên thanh thản với những bộ đồ tươm tất trong nắng vàng tưởng như được sống lại một ngày nào “thuở xa xưa”. Ngày mùng một tết thanh bình êm ả, ngày mùng hai rộn ràng xuân mới, dường như mọi nhà chỉ có những lời chúc tụng sẵn trên môi, qua những tiếng chuông điện thoại từ trong nước, ngoài nước gọi nhau mừng tuổi í ới. Ngày mùng ba còn nhẩn nha chơi nốt ba ngày Tết. Suốt cả năm toàn đi dưới lòng đường, mấy ngày này mới được đi trên lề đường.
Con đường hoa Nguyễn Huệ vẫn tấp nập khách viếng thăm. Hầu hết là những gia đình không đủ điều kiện đi xa, vợ chồng con cái đưa nhau ra đường hoa, gọi là có “đi chơi Tết”. Một số khác là những “ông Tây bà Đầm” tò mò nhìn cảnh lạ, chụp hình quay phim lia lịa bên những con rắn giả, cứ như nước họ chưa từng có rắn bao giờ.
Những sòng bài mọc lên ngay từ đêm ba mươi trên các hè phố rộng, trong những ngã tư chung cư, đàn ông đàn bà đón Tết trên những chiếu bạc còm. Trẻ con chui vào các tiệm internet. Trong các quán cà phê, từ những quán đầu đường ghế thấp đến những quán cà phê “đẳng cấp” đều đông nghẹt khách “hào hoa”. Hầu hết các tiệm ăn đều đóng cửa im lìm. Tìm mỏi mặt không ra một quán “bình dân”. Chỉ còn những nhà hàng Pháp mở rộng cửa đón khách du lịch. Muốn có một bữa ăn sang phải đến những quán này.
Người dân thành phố kéo nhau về quê ăn Tết, đi du lịch đủ kiểu, tạm rời xa thành phố ít ngày để sống cho riêng mình, cho gia đình mình. Ngay cả các em vũ nữ, các em chuyên mồi chài khách, tóc đỏ môi trầm hạng sang cũng đã tạm ngưng việc kiếm tiền về thăm quê nhà. Con lại, hầu hết là những “hàng quá đát”. Sinh viên học sinh nghèo không có tiền về quê, đành ở lại kiếm thêm bằng đủ mọi nghề, miễn là có tiền.
Có những bà mẹ, đêm ba mươi, ngày mùng một, thẫn thờ đứng trong một góc khuất nhớ đứa con gái lấy chồng Hàn, chồng Đài năm nay không về được. Giọt nước mắt chảy thầm trong lòng. Ngược lại, một vài gia đình có “Việt kiều” về ăn Tết tưng bừng, đi thăm họ hàng làng xóm kể chuyện “bên Tây”. Nhưng thật ra qua những câu chuyện tôi nghe được, bà con cũng bày tỏ ảnh hưởng của kinh tế suy thoái, nhiều người “mất nhà” vì thất nghiệp bị nhà băng “kéo đi”. Nhưng năm nay số bà con ở nước ngoài về Sài Gòn không nhiều. Các bạn tôi, hầu như không có ông nào chịu về vào dịp này, ngoại trừ vài ông có chút “vướng víu” về từ trước Tết, ở luôn cho tới bây giờ.

Hai chữ lương thiện khó tìm được chỗ đứng
Trong khi đó những năm gần đây lại sinh ra một số nhà giàu mà người ta gọi là “tư bản đỏ” ăn chơi lừng lẫy, tiền xài như lá mùa thu. Tiền đó ở đâu ra, chẳng ai biết được. Các ông làm ra đồng tiền lương thiện có toàn quyền ăn tiêu, chẳng ai cấm đoán được và cũng không nên mỉa mai so bì.
Điều đáng nói ở đây là một số người quá giàu, ăn chơi quá mức sang trọng đến nỗi người VN nghe được đều choáng váng. Tôi nghĩ, quý vị ở nước ngoài cũng khó có thể ngờ rằng bây giờ lại có một số người Việt chơi sang đến thế. Những người này có thể là đại gia kinh doanh, cũng có thể là quan chức. Tiền tham nhũng bằng cách nào thì khó mà lần ra. Nhiều thứ có thể hái ra tiền đến nỗi có người nói “trong kinh doanh ở đây không có chỗ cho người lương thiện”. Giả dụ anh muốn đầu tư, muốn kinh doanh đàng hoàng, nhưng trước hết anh phải “chạy” mới có được cái giấy phép. Sau đó trước khi anh làm ăn, anh cần có người đỡ đầu, thấp nữa anh phải có “bảo kê”, mới thông suốt. Khi làm ăn, chưa biết anh lời lỗ ra sao, nhưng phải biết ở địa phương này có những ai, từ ông quản lý thị trường, đến Ủy Ban này Ủy Ban kia. Khi anh làm có lời anh sẽ được nhòm ngó kỹ hơn, anh phải “biết điều hơn”. Như thế thì anh có muốn lương thiện cũng chẳng được!
Ngay từ khi ngõ vào sân bay, anh đã phải chi ít là 10 đô, hành lý nhiều là 20 đô để va li, túi xách của anh không bị lục tung giữa sân, không bị hỏi han phiền phức trước khi ra khỏi sân bay. Cái “lệ làng” này đã có từ nhiều năm nay, được báo chí từ trong nước đến ngoài nước tố cáo hà rầm nhưng mọi chuyện đâu vẫn đóng đó. Có cải tổ, cải tiến tí nào đâu. Bà con từ nước ngoài về nhắm mắt bước qua “cửa ải” này với một tâm trạng bực bội, coi thường. Ai cũng biết đó là mối nhục quốc thể, chỉ “người có trách nhiệm” là không biết. Vậy thì đừng nói đến hai chữ lương thiện.
Trong bài này, nhân dịp đầu năm điểm lại niềm vui nỗi buồn trong những ngày Tết vừa qua, tôi chỉ xin tường thuật lại với bạn đọc một số kiểu chơi sang mới nổi vài năm gần đây, nhất là năm nay của các đại gia đang sống tại VN. Chưa thể nói họ có tham nhũng hay không, vì đó là điều chưa thể biết hay không thể biết. Cho nên không thể vội vàng kết tội họ. Tôi chỉ điểm qua những nét chính của dân chơi sang, đôi khi là chơi ngang. Chẳng qua đó cũng chỉ là “hội chứng khoe của” đang rất thịnh hành ở VN.
Nhiều ngôi nhà sang trọng như lâu đài đã được các đại gia xây dựng từ vài năm nay, tiện nghi không kém gì các tỷ phú trên thế giới. Có thể tạm kể như lâu đài của các đại gia Trầm Bê, Phó chủ tịch HĐQT Sacombank. Biệt thự của ông Nguyễn Đức Lượng, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc công ty cổ phần Đầu tư Phát triển nhà Trường Linh dát tới 60 cây vàng. Biệt thự chục tỷ của đại gia Lâm Ngọc Khuân, chủ tịch HĐQT công ty cổ phần Chế biến thực phẩm Phương Nam (Sóc Trăng). Biệt thự thiết kế kiểu châu Âu của Johnathan Hạnh Nguyễn tại Quận 2 - TP. Sài Gòn... còn nhiều nữa, tôi không thể kể hết ở đây.
Ngoài những căn nhà sang trọng như cung đình của các đại gia, còn các thú chơi khác cũng rất “quái”.

Chán săn người, các công tử Hà Thành săn thú lạ
Tết là dịp mà các đại gia Việt càng có cơ hội thể hiện “đẳng cấp” của mình bằng việc săn lùng các món hàng độc, lạ, có giá trị vô cùng xa xỉ. Tôi bỏ qua những đại gia vung tiền sắm những cành mai, cây đào có giá vài trăm triệu đồng, họ còn “có lý” khi trang hoàng nhà cửa mình theo truyền thống. Hoặc có ông săn lùng cái áo có giá 50 triệu đồng tặng vợ. Lâu lâu đại gia nịnh vợ một tí cũng chẳng sao, nhưng coi chừng “mấy ổng” lại có cái cớ để đi “ăn phở”. Cũng là chuyện thường tình ở đời thôi, phải không các cụ?
Có ông còn chi hơn 25 triệu đồng mua chai rượu Rémy Martin Louis XIII đem về thưởng thức. Có ông từ Hà Nội còn đặt hàng tận trong TP.Sài Gòn một chai rượu thượng hạng với giá 60 triệu đồng. Thôi thì anh em làm ăn, tiền nhiều, Tết nhất nhậu linh đình với nhau một bữa cũng được.
Nhưng bây giờ ở Hà Nội có các cậu công tử lại chứng tỏ “sành điệu thời hiện đại” của mình bằng kiểu chơi... rất lạ. Chán chơi... người, vì có tiền, săn người dễ dàng lắm có khi còn bị đeo bám lằng nhằng, các cậu quay ra săn lùng chơi thú.
Cậu H. con ông Ba T. chi hàng chục triệu đồng “săn” con đại bàng nhỏ về làm cảnh. Cậu khác chơi con bồ câu “độc” và con chim biến đổi gien giá 10.000 USD. Có anh chi tiền tỷ chơi cá rồng. Anh C.N. ở Nguyễn Văn Cừ, Long Biên hiện đang là chủ của một bộ sưu tập cá rồng gồm 12 con huyết long giá khoảng 2000 USD/con, 2 con quá bối đầu vàng và 1 con platinum màu thép trắng khi mới mua về đã có giá 10.000 USD.
Lạ hơn nữa, có anh chơi con tép cảnh giá ngàn đô. Chơi đến con tép thì từ bác nhà quê tới người thành phố cũng hoảng hồn, từ cổ chí kim chưa ai chơi. Tưởng là cậu cả khùng. Nhưng cậu không khùng, cậu chơi cho lạ, cho đáng mặt dân chơi. Các anh nuôi hổ trong nhà thì tôi chơi tép. Thế mới là “hàng độc”. Năm sau không biết các công tử đại gia còn chơi con gì nữa đây?

Đại gia Sài Gòn du lịch như các đại gia quốc tế
Những năm gần đây, các đại gia Việt thường chọn cách đặt tour du lịch nước ngoài đắt tiền đón Tết. Đầu năm nay, gia đình anh NĐT, ở khu đô thị Phú Mỹ Hưng, quận 7, chuyên kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản chọn tour Dubai - Abudhabi 6 ngày, giá trọn gói khoảng 50 triệu đồng/người, ở khách sạn 4 sao. Sau đó, anh T, tách khỏi đoàn 1 ngày để gia đình “nếm mùi đời” tại khách sạn siêu sang 7 sao dát vàng Burj al-Arab với giá 3.500 USD/đêm.Giống gia đình anh T., nhiều đại gia ở TP.Sài Gòn cũng lựa chọn du lịch nước ngoài vào dịp Tết. Nhà chị G., ngụ tại quận 1 TP.Sài Gòn, có công ty chuyên kinh doanh hàng mỹ nghệ cũng đi chơi Tết rất sành điệu. Gia đình chị gồm 5 người mua tour du lịch 5 nước Châu Âu (Pháp - Ý - Đức - Bỉ - Hà Lan) có giá khoảng 100 triệu/người cho 13 ngày. Người tham gia tour du lịch này sẽ được ở khách sạn 4 sao, đi thăm các thành phố nổi tiếng thế giới như Paris-Roma-Amsterdam-Munich-Bruxelles.

Cái thú chơi ngông của nữ đại gia
Đó là một nữ đại gia trong lĩnh vực kinh doanh nhà hàng, khách sạn ở Hà Nội nổi tiếng với kiểu chơi ngông... đốt tiền theo phong bao lì xì. Khách đến nhà, chỉ cần là chưa có gia đình thì chắc chắn sẽ nhận được tiền mừng tuổi của bà, số tiền tương ứng với số tuổi, bao nhiêu tuổi là bấy nhiêu triệu.Ngoài ra, khách còn được nhận thêm rất nhiều đồ hiệu mà bà đã mua sắm để làm quà kèm theo những vé máy bay du lịch ở những điểm nổi tiếng và được sống trong phòng VIP của các khách sạn trong chuỗi khách sạn thuộc quyền quản lý của gia đình bà.
Bà này cũng nổi tiếng với việc thể hiện sự chơi ngông của mình vào dịp Tết.Mỗi Tết là một kiểu chơi ngông. Có năm, bà và gia đình dùng tàu riêng, đón Tết trên biển. Có năm, bà dát vàng toàn bộ biệt thự để đón Tết. Năm con chuột, bà cho đúc hơn một ngàn con chuột bằng vàng để tặng khách đến chúc Tết...
Muôn màu muôn kiểu quà Tết, chơi Tết trong khi nền kinh thế VN đang suy thoái. Hầu như tất cả đang chạy theo hội chứng khoe của. Càng khoe của, xã hội càng thêm loạn bởi khơi gợi sự thèm muốn của người nhẹ dạ, trộm cướp ngày càng nhiều, tuổi trẻ phạm trọng tội càng gia tăng.
Số tài sản hoang phí thật khổng lồ, nếu con số đó được sử dụng vào mục đích giúp người nghèo, bệnh nhân neo đơn có thêm điều kiện ăn cái tết đủ đầy thì ý nghĩa biết bao!

Văn Quang

Tô Thùy Yên * ANH HÙNG TẬN

 
Đào Hải Triều
Dựng súng truờng, cởi nón sắt
Đơn vị dừng quân trọn buổi chiều
Trọn buổi chiều, ta nhậu nhẹt
Mồi chẳng bao nhiêu, ruợu rất nhiều
Đây ngã ba sông, làng sát nuớc
Xuồng ba lá đậu kế chân bàn
Trời mới tạnh mưa còn thấp uớt
Lục bình, mây mỏi chuyến lang thang
Mấy kẻ gặp nhau nào có hẹn
Nên gặp nhau không giấu nỗi mừng
Ta gạn dăm ba lời tặng bạn
Dẫu từ lâu bỏ việc văn chuơng
Thiệt tình tên bạn ta không nhớ
Nhưng mà trông mặt thấy quen quen
Hề chi, ta uống cho say đã
Nào có ra gì một cái tên...
Tới đây toàn những tay hào sĩ
Sống chết không làm thắt ruột gan
Cũng không ai nhắc gì thân thế
Có vợ con mà như độc thân
Bạn hỏi thăm ta cho có lệ
Cuộc đời binh nghiệp. Ta cuời bung:
Còn muơi tháng nữa lên trung úy
Có thể ngày mai chửa biết chừng...
Mặt bạn, mặt ta còn trắng cả
Như mặt trời chiều mới tạnh mưa
Tiếng hò mời dzô, dzô tở mở
Mũi thủy triều chừng cũng giạt ra
Phía phía rừng tràm xanh mịt mịt
Sông không bờ, trời cũng không chân
Người thuở truớc tìm vàng khẩn đất
Tiêu xác thân, để lại oan hồn
Ngày nay, ta bạn đến đây nữa
Đất thì không khẩn, vàng không tìm...
Bạn nhủ ta: đừng hỏi khó
Uống mất ngon vì chuyện lọan tâm
Ta chắt cho nhau giọt rượu sót
Tưởng đời sót chút thiếu niên đây
 

Tô Thùy Yên

Phạm Tín An Ninh * SẮT SON


Không ngờ tôi lại là người bưng tấm ảnh chị Ngà theo sau quan tài của chị. Và cũng chính tôi là người đào huyệt chôn chị. Đám ma của chị có lẽ là một đám ma buồn nhất mà tôi chứng kiến. Có cái chết nào lại không buồn.
Những ngày ở trong trại “cải tạo”, tôi đã từng khiêng xác vài người bạn tù đi chôn ở ven triền núi hoang vắng đến lạnh lẽo, trong cảnh nhá nhem của buổi chiều đông trên khu núi rừng Việt Bắc. Nhưng đó là chuyện trong tù, còn hôm nay ngay trên làng quê mình, chị Ngà đến nơi an nghỉ cuối cùng mà không có một người ruột thịt tiễn đưa, ngay cả cái áo quan cũng do bà con láng giềng góp tiền mua cho chị.
Chị nằm bên cạnh cha mẹ cùng người em trai, trên một ngọn đồi đầy những cỏ may và cây hoa bộng giếng, nhìn xuống cái làng quê mà gần cả một đời chị sống quanh quẩn ở đây, cô đơn, lặng lẽ. 
Chôn cất xong, mọi người ra về, tôi nán lại, dựng tấm bia bằng gỗ trước mộ chị. Khi ngồi một mình nắn nót viết cái tên của chị lên tấm gỗ, nước mắt tôi ràn rụa, mơ hồ như thấy mình đang trở về cái thời nào đó thật xa xăm.
Ngày xưa cha tôi làm thầy giáo, dạy trường Pháp Việt. Tôi mồ côi mẹ từ lúc mới lên ba, cho nên những ngày đi dạy học ông thường dắt tôi theo. Đến lớp, ông giao tôi cho mấy anh, chị học trò lớn của ông để tôi vừa chơi vừa  học. Nhờ vậy mà lúc còn bé tí xíu tôi đã biết “con ngựa cheval nhảy qua hòn núi montagne ăn cỏ herbe uống nước de l’eau “.
Trong số các anh chị dạy tôi học, tôi thích nhất là chị Ngà. Chị là con gái lớn của ông bà Tần, chuyên nuôi tằm, bán tơ, một gia đình thuộc hàng khá giả trong làng, có ngôi nhà ngói lớn, ở cách nhà ông bà nội tôi chỉ mấy cái vườn cây.
Chị Ngà có làn da trắng, mái tóc thật dài. Lúc nào gặp tôi chị cũng cười và nói năng nhỏ nhẹ. Nghe cha tôi nói lại, chị hiền lành ngoan ngoãn và học rất giỏi, nên là một trong số học trò cưng của cha tôi.
Thấy tôi mồ côi mẹ, lại là con của thầy mình, nên chị rất thương tôi. Ngay cả những ngày nghỉ, chị cũng thường ghé lại nhà ông bà nội, dắt tôi đi chơi, mua cho tôi mấy con bò, con gà bằng đất. Có điều tôi ít khi đến nhà chị, vì  rất sợ những con tằm. Tôi bảo đó là những con sâu, mặc dù chị tốn bao nhiêu công sức để nói về lợi ích của con tằm đã làm nên tơ lụa, và những con bướm đẹp đẽ đang bay ngoài vườn kia là hoá thân từ chính những con tằm. Nhưng lúc ấy tôi nghĩ là chị đã kể từ một chuyện thần thoại nào đó nên không tin những điều chị nói.
Cả một thời ấu thơ, lớn lên ở nhà ông bà nội, ngoài cô Út ra, chị Ngà là người mà tôi gần gũi nhiều nhất. Chị có một người em trai tên Ngọc, lúc nhỏ tôi rất phục tài đá banh của anh. Gần như không trận bóng nào có anh mà thiếu tôi trong hàng khán giả nhi đồng. Nhờ anh mà đội bóng của làng tôi giữ chức vô địch mấy năm liền trong huyện. Tôi mê anh đá banh, nhưng nhiều cô gái trong làng thì mê anh đẹp trai, cao lớn. Sau này anh đăng vào lính thủy quận lục chiến. Nghe nói anh đánh giặc hăng lắm, nên mới ba năm đã lên tới chức trung sĩ. Lâu lâu về phép dắt theo cô bồ có mái tóc quăn, trông anh oai phong lắm.
Khi tôi từ giã quê lên tỉnh học, cũng là lúc chị Ngà ra nghề làm cô giáo, dạy một lớp nhỏ  trường làng, rồi lấy chồng. Tôi cũng vinh dự được mời, và quà cưới tôi cho chị hôm ấy là bức tranh chân dung của chị do chính tay tôi vẽ. Tưởng chồng chị là ai, hoá ra là anh Phúc,cũng là học trò của cha tôi, học trên chị một lớp, người cùng làng. Nghe nói anh học giỏi, nhưng thầm lặng, ít nói và không thích giao du với bạn bè. Anh là con trai một của bà ba Tịnh. Bà góa chồng từ lúc nào tôi không biết. Chỉ nghe người ta bảo ông Tịnh theo vợ bé, là một cô đào trong gánh hát rong, rồi biệt tăm luôn.
Anh Phúc thi đậu lấy bằng primaire, nhưng viện cớ mẹ goá con côi, nên không đi làm công chức như những người khác, mà lại tự mình khai thác một khu vườn bên kia sông Gốc, trồng nhiều loại cây và có ao nuôi cá. Trong làng ai cũng khen anh biết tính toán và có lòng hiếu thảo.
Trong đám học trò của cha tôi cũng có vài anh khác ngắm nghé chị Ngà, nhưng vâng lời cha mẹ, chị lấy anh Phúc, bởi anh là con một của bà mẹ góa, được nhà nước cho miễn dịch, khỏi phải đi lính xa nhà, để chị còn được gần gũi săn sóc ông bà khi đến tuổi già.
Đám cưới nhà quê, nhưng khách khá đông, mà hầu hết là bạn học của hai người và cũng là học trò của cha tôi. Trong lễ cưới, sau khi cô dâu chú rể lạy tạ cha mẹ hai bên, rồi xin được lạy cha tôi một lạy để đền ơn sư. Cha tôi cầm tay anh chị dặn dò nhiều thứ, tôi không nhớ hết, chỉ còn mang máng hai tiếng thủy chung.
Từ ngày chị Ngà lấy chồng, tôi ít có dịp gặp lại chị. Mặc dù nhà chồng chị cũng không xa mấy, nơi ven làng, bên con sông Gốc, mà phía bên kia sông là khu vườn của anh Phúc và cánh rừng tiếp giáp với dãy trường sơn.
Tôi gặp lại chị đúng vào một ngày buồn. Chỉ đứng nhìn chị ấy khóc. Anh Ngọc, em trai duy nhất của chị, bị tử trận đâu trong Rừng Sát. Cha mẹ chị ngất xỉu khi nhận chiếc quan tài mà không hề được báo trước. Đám ma hôm ấy nghiêm trang lắm, có cả ông quận và mấy anh lính bồng súng chào đi theo. Tôi dìu chị đi sau linh cửu, tiễn đưa anh Ngọc đến nơi an nghỉ cuối cùng.
Điều làm tôi - và nhiều người - ngạc nhiên là trong đám ma của anh Ngọc, không ai nhìn thấy mặt anh Phúc, chồng chị. Mọi  người thì thầm “cha nào con nấy, chắc là lại mê con đào hát nào, bỏ con Ngà rồi! ’’
Tội nghiệp cho chị và oan cho anh Phúc. Vì trước đó mẹ anh Phúc đã thay mặt con trai xin lỗi gia đình sui gia, bởi anh Phúc ốm nặng bất ngờ phải nằm bệnh viện.
Hai tháng sau, một trận lụt lớn tràn qua làng tôi, kéo theo một số nhà cửa và trâu bò, nhưng không có ai chết, ngoại trừ cái tin anh Phúc bị nước cuốn đi, khi anh còn ở khu vườn bên kia sông Gốc, chưa kịp về nhà.
Mẹ anh Phúc rước thầy ngồi đồng đi tìm xác anh Phúc suốt mấy ngày liền, nhưng người ta nghĩ là xác anh đã trôi ra biển.
Trong nhà cũng lập bàn thờ, nhưng chị Ngà nhất định không chịu để tang. Chị bảo linh tính báo cho chị biết là anh Phúc, chồng chị vẫn còn sống. Có thể trôi giạt đến một nơi nào đó rồi được người ta cứu như câu chuyện nàng Thúy Kiều mà chị thường đọc cho cha mẹ chị nghe...
Tôi rời quê vào Sài gòn học, rồi sau đó đi lính. Lâu lâu nghỉ phép về quê, tôi tìm đến thăm chị. Sau ngày cha mẹ mất, chị nghỉ dạy học, bán ngôi nhà ngói lớn của ông bà, đem tiền bạc về xây lại ngôi nhà mẹ chồng thành ngôi nhà lớn ba gian, mua luôn cả khu vườn bên cạnh có trồng đủ loại cây ăn trái. Chị dành lại một số tiền mở một nhà máy xay xát nhỏ, nuôi bà mẹ chồng bị đau bệnh mấy năm nay, chỉ nằm một chỗ.
Trong làng, có người thì bảo chị ấy “khôn nhà dại chợ, bán nhà cha mẹ để gây dựng nhà chồng, và mang cả bàn thờ cha mẹ, em út sang bên ấy, không sợ tủi hổ vong linh”. Nhưng cũng có người, trong đó có ba tôi, thì khen chị, bảo là “xuất giá thì phải tùng phu, con Ngà nó làm vậy là đúng theo sách thánh hiền !”
Không hiểu có phải vì chị nghe lời dặn dò của ông Thầy, từng khai tâm và dìu dắt chị nên người, thuộc lòng hai chữ thủy chung, nên dù chồng đã biệt tích từ lâu, chị vẫn ở vậy, thờ phụng nhà chồng, trong lúc chị vẫn còn trẻ và có nhan sắc trong vùng. Có mấy ông thầy giáo ở xa đổi tới từng mon men đến chị nhưng chị khước từ.
Ngày mẹ chồng chết, cũng chỉ có mỗi một mình chị mặc áo tang. Nghe nói cái đám ma đúng vào một ngày gió mưa, ảm đạm. Người ta không chỉ thương cho người chết, chẳng có chồng con trong phút lâm chung, mà còn tội nghiệp cho cả cô dâu, một mình cô đơn đi sau quan tài, tiễn đưa bà mẹ chồng về nơi chín suối, mà cũng đưa cuộc đời mình vào chốn quạnh hiu.
Chiến tranh càng lúc càng leo thang. Sau ngày mấy ông tướng nghe theo Mỹ hạ bệ và giết hai anh em ông Ngô đình Diệm, không biết đất nước có thực sự khá hơn không, nhưng ở quê tôi thì không còn bình yên như trước nữa. Một vài người làm việc trong chính quyền bị ám sát. Cứ vài ba tuần lại có một cuộc đụng độ giữa các toán dân vệ với quân du kích. Ba tôi phải bỏ quê, về sống ở thành phố, giao ngôi nhà từ đường của ông bà nội cho cô Út tôi chăm nom thờ phượng.
Tôi về phép thăm ba tôi đúng vào ngày giỗ ông nội, nên hai cha con cùng về thăm quê. Tôi gặp chị Ngà  khi vừa bước chân vào nhà ông nội. Chị đến đây từ sáng sớm, phụ cô tôi dọn dẹp nhà cửa, bàn thờ, chùi bóng mấy bộ lư đồng và mấy tấm liễn.
Thấy ba tôi, chị vòng tay cúi đầu thưa Thầy như cái hồi còn bé. Chị nắm tay tôi, miệng nở nụ cười. Nhưng nhìn trong đôi mắt chị, tôi thấy phảng phất buồn.
Không biết ba tôi thay đổi quan niệm từ lúc nào, sau đám giỗ, ông bảo tôi tìm chị Ngà, dặn chị ở lại cho ông nói chuyện. Ông khuyên chị Ngà nên bước thêm bước nữa, hy vọng còn sinh đẻ được để có mụn con, hầu tránh cảnh tuổi già đơn chiếc, chẳng có ai lo lắng cho mình.
Hôm ấy tôi cũng phụ họa nhiều điều và hứa sẽ làm mai cho chị. Lần này Chị không một mực khước từ, nhưng xin để tang mẹ chồng cho đủ ba năm. Tôi giận chị nhưng cũng cảm phục tấm lòng thủy chung của chị.
Tháng tư bảy mươi lăm, khi chị Ngà chưa mãn tang mẹ chồng, thì cả miền nam để tang cho đất nước. Cái “đại thắng mùa Xuân” của những người Cộng sản đã gây biết bao nhiêu thê lương tang tóc. Ba tôi bị bắt trong lúc tôi còn theo đơn vị từ cao nguyên“di tản chiến thuật” vào các địa danh xa lạ ở tận Long An tham dự những trận đánh cuối cùng cô đơn và buồn tẻ.
Miền Nam mất. Trong lúc những người Cộng Sản ngơ ngác hò reo chiến thắng, tôi lặng lẽ quá giang đủ các loại xe trở về quê. Tìm tới trại tù Đá Bàn, một mật khu lúc trước nằm sâu trong núi, nơi ba tôi bị giam giữ, nhưng cuối cùng tôi vẫn không được phép gặp ba tôi. Tôi về nhà ông nội, thăm bà cô út và thắp hương từ biệt trước bàn thờ gia tộc.
Cô tôi đau lòng cho biết, người ký lệnh bắt ba tôi là một anh học trò của chính ông ngày trước. Anh bỏ nhà lên núi rồi tập kết ra Bắc. Bây giờ đang giữ một chức vụ  khá lớn trong Uỷ Ban Quân Quản.
Cô tôi chưa kể hết câu chuyện thì chị Ngà đến. Chị nắm chặt hai bàn tay tôi, không nói điều gì. Tôi thấy chị đang khóc. Tôi nghĩ là chị thương và lo lắng cho cha con tôi trong cái cảnh sa cơ này. Tôi lấy lại bình tĩnh, chưa kịp nói lời trấn an, thì chị nhìn tôi nghẹn ngào:
-Em, em.. xin Thầy và em tha thứ cho chị. Chị không ngờ.., chị thật sự không ngờ.
Và chính tôi cũng không ngờ. Anh học trò ký lệnh bắt cha tôi chính là anh Phúc, chồng của chị. Tôi rút nhanh tay ra khỏi bàn tay của chị.
Dường như đây là lần đầu tiên trong đời, nhìn những giọt nước mắt - mà lại nước mắt của một người rất gần gũi thân quen – lòng tôi dửng dưng không hề xúc động. Tôi có cảm giác đắng cay của một người bị lừa gạt và phản bội. Tôi giận cho tình đời và thầm ân hận là cha tôi đã từng “nuôi ong tay áo”.
Tôi từ biệt làng quê và bà cô cả một đời nuôi nấng chăm lo cho tôi từ thời tấm bé, bước vào trại “cải tạo” với ngổn ngang trăm mối trong lòng. Tự dưng tôi mất mát gần như tất cả mọi thứ trên đời, kể cả những tình cảm mà tôi cứ ngỡ là nó sẽ không bao giờ mai một.
Hơn tám năm trong nhiều trại tù từ Nam ra Bắc, bị hành hạ đói khổ khốn cùng. Tôi sống còn có lẽ là nhờ những giấc mơ về quá khứ. Trong đó tôi bắt gặp lại hầu hết bóng dáng những người thân yêu của cái thời hạnh phúc. Và khuôn mặt xinh đẹp hiền hậu dễ thương của chị Ngà vẫn thường hiện lên rõ nét, mặc dù khi đầu óc tỉnh táo, tôi đã cố gắng xua đuổi hình ảnh ấy ra khỏi ký ức mệt mỏi của mình. Tôi thương chị mà hận chị. Tôi nghĩ là chị đã đồng lõa với nhà chồng để lừa gạt chúng tôi hơn mười mấy năm qua.
Ra khỏi tù, tôi không được phép về sống chung với vợ con ở thành phố Ninh Hòa, quê vợ. Lý do hết sức đơn giản là : chính quyền ở đó không nhận tôi tạm trú. Công an tỉnh bắt buộc tôi phải về “trình diện chính quyền”nơi sinh quán. Tôi lại một mình khăn gói về quê cũ, mà ở đó chỉ còn một bà cô già goá bụa sống âm thầm trong ngôi nhà từ đường có mái ngói âm dương của ông bà nội tôi để lại.
Nghe tin tôi về, bà con hàng xóm đến thăm. Mới hơn tám năm mà trông ai cũng già nua, khắc khổ. Trong số đó tôi để ý một người đàn bà, đứng ngoài cửa nhìn tôi, đôi mắt thất thần, đầu tóc rối bù, áo quần rách rưới bẩn thỉu. Tôi ngờ ngợ nhớ tới một người. Nhưng khi vừa đứng lên định bước tới hỏi thăm, thì bà ta vụt chạy về phía sau vườn.
Tôi ngẩn người khi cô tôi bảo nguời đàn bà ấy chính là chị Ngà, vợ anh Phúc ngày xưa.
Buổi tối, sau khi dắt tôi lên căn nhà thờ thắp hương lạy ông bà, cô tôi đóng kín cửa, khêu ngọn đèn dầu, ngồi kể cho tôi bao nhiêu nỗi niềm tâm sự.
Cha anh Phúc, theo lời tiết lộ sau này từ những đồng chí thân tín của anh Phúc, thực ra không hề theo một ả hát rong nào cả, mà bỏ làng vào bưng từ khi anh Phúc mới lên mười. Ông đã chết từ lâu, nhưng hàng năm vợ con vẫn nhận được thư ông do một vài người lạ mặt mang tới.
Trong mấy lá thơ, hầu hết là “động viên” tinh thần anh Phúc nối gót cha đi làm “kách mệnh”. Trước khi lên núi, anh Phúc làm quen, rồi tỏ ra yêu chị Ngà, nhưng thực ra đó là kế hoạch đã được các“đồng chí  thủ trưởng “ giao cho anh Phúc phải thi hành, để giải quyết việc nuôi nấng mẹ của Phúc, mà bọn họ biết là bà đã trở thành goá bụa từ lâu rồi.
Những ngày làm vườn bên kia bờ sông, anh Phúc đã hoạt động cho phía bên kia. Dưới căn hầm trong khu vườn là sào huyệt từng che dấu cho nhiều cán bộ. Sau một trận tấn công chiếm trụ sở xã bất thành, sợ hành tung bại lộ, anh Phúc đã lên núi rồi tập kết luôn ra Bắc, sau khi dựng lên vở kịch chết trôi trong trận lụt năm nào.
Tất cả mọi việc không phải chỉ để qua mắt mọi người, mà còn đánh lừa cả chị Ngà. Chị nhẹ dạ cả tin, nên ban đầu cứ tưởng chồng mình còn sống bị trôi giạt ở đâu đó, nên vẫn chờ đợi trong hy vọng. Sau một thời gian dài bặt vô âm tín, chị mới nghĩ là anh đã chết. Tội nghiệp, chị không hề biết là mình đã bị lừa dối để uổng phí cả một đời xuân sắc.
-Thế bây giờ ông Phúc ở đâu và vì sao chị Ngà lại ra nông nỗi ? Tôi hỏi.
- Sau ngày “giải phóng” chưa đầy một tháng, thằng Phúc đưa vợ con từ ngoài Bắc vô đây, giành lấy ngôi nhà do công sức của con Ngà gầy dựng, trong đó phần lớn là tài sản của chính cha mẹ nó. Con Ngà phải ra phía góc vườn che một cái chòi tranh để trú nắng trú mưa.
-Còn cái máy xay xát ở đâu mà trông chị nghèo khổ đến như vậy ? Tôi thắc mắc.
-Họ mang vào hợp tác xã. Thời gian đầu họ cho con Ngà làm công nhân xay lúa, nhưng lại trả lương bằng bo bo. Chỉ sau vài tháng tất cả các máy xay xát tâp trung về huyện, nó bị mất việc.
-Bây giờ gia đình ông Phúc vẫn còn bên ấy? Con không muốn có ngày gặp mặt ông ta.
- Thực ra nó giành nhà, nhưng chỉ ở một vài tháng rồi cho gia đình một“đồng chí”nào của nó cũng từ ngoài Bắc vào tá túc, trong khi chờ chia chác những ngôi nhà lớn mới tịch thu.
Sau đó thằng Phúc bán cả nhà lẫn vườn tược lại cho người khác, vào thành phố nhận một chức hàm lớn hơn. Con Ngà nó phát điên từ dạo ấy. Ngày nghe tin ba con chết trong trại tù cải tạo, nó như một kẻ không hồn. Ban đêm, người ta nghe tiếng nó gọi Thầy ơi, Thầy ơi rồi khóc nức nở.
Tôi theo cô Út, đi dọc theo phía sau mấy khu vườn, tìm đến chị Ngà. Trong căn chòi lụp xụp tối tăm, chị Ngà đang ngồi thẫn thờ trên cái giường tre như một pho tượng cũ. Trên đầu giường có ba tấm ảnh của cha mẹ chị và anh Ngọc, em chị, nhem nhuốc, úa màu. Không ngờ cái ngày đổi đời, người chồng biệt tăm bao nhiêu năm bây giờ bỗng dưng về, trở thành ông lớn thì cuộc đời của chị lại tàn tạ bi thảm như hôm nay.
Tôi ngồi xuống bên cạnh chị, ôm đôi vai gầy còm của chị mà trong lòng tựa hồ như bao nhiêu vết chém.
 -       Chị Ngà ơi, chị vẫn mãi mãi là chị của em mà. Em thương chị và sẽ lo lắng cho chị.

Chị Ngà ngồi bất động. Rồi bất ngờ òa lên khóc. Cô cháu tôi càng dỗ dành an ủi, chị lại càng khóc to hơn, tôi nghe tiếng ấm ức nghẹn trong cổ họng chị.
Tôi năn nỉ, khóc lóc với chị bao nhiều lần mới đón được chị về ở chung trong nhà ông nội. Tôi mang mấy tấm ảnh của cha mẹ chị và anh Ngọc về để một góc trên bàn thờ gia tộc. Từ ngày ấy chị khá hơn xưa. Những lúc ngồi tâm tình với cô cháu tôi, chị vui vẻ bình thường như thuở còn con gái, nhưng cũng có nhiều đêm khuya chị ngồi trước bàn thờ lẩm bẩm một mình và khóc sụt sùi.
Từ ngày có chị, tôi cũng thấy mình đỡ bớt cô đơn, và có lúc còn thấy mình hạnh phúc trở lại với cái thời thơ dại.
Vậy rồi chị lìa bỏ thế gian này cũng thật bất ngờ. Buổi sáng thức dậy sớm, tắm rửa xong chị thay quần áo mới, kẹp lại mái tóc, trông chị trẻ ra.

Cả ngày hôm ấy chị cười đùa hồn nhiên vui vẻ, ngồi ôn lại bao nhiêu kỷ niệm của những ngày tôi còn bé, và chị còn là cô học trò cưng của ba tôi. Khi vui, trí óc chị trở nên minh mẫn lạ thường. Chị còn nhớ bao nhiêu điều mà chính tôi đã quên từ lâu lắm.
Trước khi đi ngủ, chị còn ôm đầu tôi vào lòng, nhại một câu hát đã lâu “ may mà có em đời còn dễ thương..”. Và sau đêm hôm ấy, chị không bao giờ thức dậy nữa.
Trước ngày vượt biển, phải cắt ruột bỏ quê mà đi, tôi đến nghĩa trang gia tộc thắp hương cho ông bà và mẹ tôi, rồi đến thăm mộ chị cuối cùng. Trong lúc cầm ba nén hương đứng trước mộ chị, tôi nghĩ đến thuyết luân hồi của nhà Phật, và hình dung bây giờ chị Ngà đang sống ở một thế giới khác, xinh đẹp và rất hạnh phúc với một người chồng xứng đáng, bởi chị là một nguời đàn bà thánh thiện, sắt son.
Một con bướm trắng không biết từ đâu bay lại đậu trên tấm bia bằng gỗ, mà chính tay tôi đã dựng lên cho chị, nhịp nhịp đôi cánh rồi vụt bay theo cơn gió lốc, biến mất trong bầu trời xanh.

Phạm Tín An Ninh

Saturday, February 16, 2013

Minh Nguyễn * Sapa-thành phố trong mây-thành phố trong sương

Tôi có nhiều dịp ra miền Bắc.Ở Hà Nội.Đi chơi chùa Thầy,chùa Tây Phương.Thăm cố đô Hoa Lư có đền vua Đinh vua Lê.Đi ghe vào Tam Cốc,chui dưới chân ba ngọn núi đá vôi trong mùa hè mát rượi.Đến bến Đục.Đi đò trên suối Yến,ghé lại đền Trình trước khi lên Thiên Trù vượt qua đoạn đường dai có nhiều dốc cao, vào động Hương Tích thăm chùa Hương.Đi thuyền gỗ quanh vịnh Hạ Long,đếm từng hình thù kỳ vỹ nổi lên giữa biển khơi,do được bàn tay tạo hoá nhào nặn . . . tuy nhiên,có lẽ chỉ có Sapa là vùng đất miền cao,luôn có khí hậu vừa mang sắc thái ôn đới vừa nhiệt đới nên có nhiều canh sắc thiên nhiên thơ mộng,hấp dẫn;khiến bất kỳ ai đã một lần ghé lên đều cảm thấy lưu luyến không muốn rời.
Thật vậy.Lần đầu tiên nghe kể.Sapa đẹp trong từng buổi sáng thức dậy,khiến tôi không khỏi ngạc nhiên,muốn khám phá cho bằng được cái thành phố treo trên tận tròi cao bởi mây và sương mù.Khiến thành phố trông chẳng khác chi một chiếc vườn treo thiên nhiên khổng lồ,lúc ẩn lúc hiện,đẹp một cách huyền ảo đến lạ lùng.Hơn nữa,Sapa không chỉ có mây và sương mù; mà còn có nhiều nơi khác cần đặt chân tới như:Đến bản Cát Cát xem kỷ thuật nhuộm tràm,chế tác đồ trang sức,trồng bông dệt vải của người H' Mông.Đến Hàm Rồng ngắm vườn Châu Âu,vườn lan.Cổng Trời,Sân Mây,nóc nhà Đông Dương.Đến Lao Chải ngắm thung lũng Mường Hoa,ngắm ruộng bậc thang vàng rực trong mùa thu.hoặc có thể ngủ đêm ở bản Tả Van của dân tộc người Giáy, để sáng ra đi chơi Cầu Mây.Và muốn chứng tỏ sức bền bĩ của một thời trai trẻ.Leo 3143 mét lên đỉnh Fanxipăng vào những ngày sau Tết ; ngoài việc cắm ngọn cờ chiến thắng ra, bạn còn được dịp tham dự cuộc triển lảm nghệ thuật xắp đặt của băng tuyết, trông chẳng khác chi ngày hội pha lê giưa thiên nhiên. Chắc hẳn sau chuyến đi ấy,bạn sẽ có những trãi nghiệm mới lạ,mà chỉ nghe nói qua thôi e rằng chẳng thấy hết được.
Chính vì lẽ đó.Tôi quyết định làm một chuyến đi Sapa bằng tàu hoả du lich.Khởi hành lúc hai mươi mốt giờ ba mươi phút từ ga đường Trần quí Cáp.Đến Lào Cai sáu giờ sáng hôm sau.Ăn điểm tâm vừa xong đã có xe đón đưa ngay ra đường 4D,trực chỉ Sapa.Con đường dài ba mươi tám kí-lô-mét quyến rũ với mưa phùn, với núi cao,vực sâu,với từng đám trai gái người H' Mông,người Dao đen,Dao đỏ vai mang gùi,đầu trùm những chiếc khăn màu sắc.Gùi từng mớ lá dong,cành đào kiếm được từ núi rừng mùa xuân mang ra chợ bán kiếm tiền tiêu Tết.Họ đi từng đôi hay họp nhau lại thành từng nhóm nhỏ, đi lấn ra cả đường xe chạy,cười đùa vui vẻ.Sở dĩ tôi biết được điều này là nhờ vào người tài xế trẻ ngồi liền bên.Chỉ cho thấy các trang phục,cách ăn mặc,cách trùm khăn,đội mũ màu gì để phân biệt được họ thuộc dân tộc Tày,Dao,H' Mông,Giáy. . . tiện thể,tôi được nghe kể về chợ phiên Sapa rất đặc trưng,chỉ họp mỗi tuần một lần vào ngày chủ nhật.Để đến cho kịp buổi hẹn,những người ở xa phải đi từ ngày thứ bảy, hy vọng đến tối có mặt tham dự " chợ tình " bằng những bài hát dân ca của từng đôi trai gái người dân tộc, qua thanh âm của sáo,của đàn môi,của khèn cùng với những chén rượu tràn đầy,say khướt.Tới lúc đó,ai có tình thì hẹn hò.Ai quá chén cứ thế ngủ ngay tại chỗ hay trên đường tở về bản; mặc kệ chị vợ tội nghiệp đứng chờ chồng cho đến sáng.Bởi trong từng câu hát đêm qua hai người chẳng đã thể hiện qua từng lời hát ?
Đã lên ngựa là không sợ sấm.
Đã lên ngựa là không sơ gió.
Đã đi là suốt đường vui.
Đã hát là hát lời hay.
Đôi ta không hát thì thôi.
Đã hát thì hát như cây nứa,cây vầu thi nhau mọc . . .
Vì mãi vui câu chuyện.Xe chạy lên tới dốc cầu có cột mốc 32 kí-lô-mét từ lúc nào.Người tài xế cho xe chạy chậm lại;đồng thời chỉ tay sang hướng có bãi cát rộng giãi thích :Ngày  người Pháp xâm chiếm nước ta.Tìm ra vùng đất này làm điểm nghỉ mát lý tưởng, nên gọi Sa Pả theo cách không bỏ dấu Chapa.Đến cách mạng thành công.Miền bắc hoàn toàn độc lập,Chapa được gọi Sapa như ngày nay.
Chuyện kể về Sapa tới đây tưởng đâu còn dài.Nào dè vừa kịp quay đầu nhìn lại, đã thấy một thành phố tuyệt đẹp bãng lãng trong mây,mịt mờ trong sương; bất ngờ hiện ra ngay trước mắt .Ồ ! Sapa là đây, Và,kia là con đường Cầu Mây nổi tiếng với quán bar,nhà hàng,khách sạn,quày bán hàng lưu niệm đan xen vào nhau, tạo cho bộ mặt phố núi lộng lẫy bên mùa xuân đang về. Con đường không dài, nhưng lại thể hiện phong cách sống hiện đại, nửa Châu Âu nửa vùng miền sơn cước.Cho nên Sapa đẹp.Sapa thơ mộng.Sapa huyền ảo bên cạnh những cảnh sắc thiên nhiên hãy còn mang đậm chất hoang sơ;mặc dù sức tàn phá của con người trong thời đại kinh tế thị trường quả không nhỏ. Xin được cám ơn những gì tôi còn nhìn thấy ở thành phố núi hiện tại.Cám ơn cái quảng trường rộng như sân giác đấu La Mã hãy còn phủ xanh rừng cây pơ-mu,vút ngọn vươn cao giữa bầu trời.Cám ơn ngôi nhà thờ đá cổ luôn mới trong mọi thời đại.Cám ơn và cám ơn . . .
Cũng may.Chuyến đi tới Sapa của tôi hôm nay, trời quang mây tạnh.Mọi ngõ đường dẫn đến khu trung tâm đã ấm lên với từng vạt nắng vàng ươm.Vào mùa giáp Tết Sapa, thường nhiều mưa hay ít nắng .Nếu là khách du lịch ngắn ngày, ai đó khuyên tôi nhanh tay chụp vài bức hình kỷ niệm hoặc đi ngay tới địa danh nào mình đã chọn trong hành trình.Kẻo đợi tới sáng hôm sau, e rằng sẽ muôn.Bởi thời tiết Sapa một ngày có thể có đến bốn mùa,chưa kể lúc mưa lúc nắng thất thường.
Quả đúng như lời khuyên.Sáng hôm sau khi tôi vủa mở cửa ra.Một luồng không  khi ẩm ướt mang theo hơi lạnh giá buốt ập đến.Vốn quen sống với cái nóng ở phương Nam. Tôi đành phải đứng chôn chân bên hành lang.Nhìn sương mù tan chảy thành nước,rơi xuống từ các mái ngói,đọng thành vũng.Thât vọng.Tôi gọi điên thoại cho Mây,cô hướng dẫn viên người H' Mông xinh đẹp,cầu cứu.Bên kia đầu giây, tiếng Mây trong trẻo như tiếng đàn môi ở phiên chợ tình cuối tuần." - Anh hả ! Tối qua anh ngủ ngon không ?- Ừ! Anh đây.Chúc một buổi sáng tốt lành. - Cám ơn anh. - Thời tiết như thế này mình có thể đi chơi đâu ? - Nguy hiểm lắm vì đường xá rất trơn trợt. - Không lẽ cứ ngồi bó gối trong nhà nhìn mưa ? - Ý anh thế nào ? - Mình đi ăn,đi chat,đi hát karaoke. - Trời ơi ! Nghe lãng mạng chưa.Ok."
Tôi khoác thêm áo ấm, trước khi bước ra khỏi phòng.Mây ngồi chờ tôi dưới sảnh tầng trệt.Trời rét run trong khi Mây chỉ mặc phong phanh bộ đồ đen truyền thống.Thoáng trông thấy tôi vừa xuống tới bên dưới chân thang.Mây vội đứng lên để sẳn sàng cùng tôi bước ra đường.Tôi nhớ,sở dĩ tôi kết thân với Mây một cách mau chóng là nhờ vào chuyến đi chơi bản Giàng tà Chảy vào ngày hôm qua.Mây vui vẻ cười nói hồn nhiên, coi như không biêt mệt là gì.Vốn tiếng Anh của Mây khá phong phú khi tôi chúng kiến cô trao đổi,hướng dẫn đoàn khách gồm toàn người nước ngoài,trừ tôi.Vì thế tôi ngưởng mộ Mây hết sức.Hỏi cô học tiếng Anh ở đâu? Mây vừa đưa tay chỉ mấy người khách Tây, vừa cười hở cả đôi hàm răng trắng đều;ngoại trừ hai chiếc răng bịt vàng làm duyên,do mấy ông khách người Trung Quôc bọc với giá ba chục ngàn đồng.Tôi khen rẻ.Lợi dụng lúc đám đông đang mãi xem thác thuỷ điện do Pháp xây dựng năm 1925,tôi ghé sát tai Mây.Hỏi cô có thể hát cho nghe một bản bản nhạc thuộc dân tộc cô?Mây liếc nhìn tôi với đôi mắt " Đừng nhìn em như thế cháy lòng em còn gì ".(*)Rồi như có ý làm hài lòng tô. Mây hát khe khẻ,chỉ vừa đủ cho tôi nghe, bài hát ca ngợi xứ sở lắm sương nhiều mây quê mình. Anh chỉ nghe em hát vang lên trong biển mây/ Anh chỉ nghe tiếng cười vang lên giữa rừng cây/ Mà người đâu chẳng thây/ Một người thương chẳng thấy/ Ơi, Sapa mù sương/ Ơi, Sapa mù sương/ Ta gặp nhau vườn thơm quả chín . . .(**) Giọng ca hoang dã giữa núi rừng ban sơ của Mây nghe ngọt lịm thứ men rượu táo mèo, khiến cho người nghe có cảm giác chơi vơi bên một Sapa đang khoác lên mình chiếc áo mùa xuân rực rỡ hoa đào,hoa lê,hoa mận . . .
Bên ngoài trời đang mưa.Chút mưa xuân mỏng hạt lay bay đủ làm ướt mặt đường Cầu Mây.Các cô gái Dao, cô gái H' Mông được dịp xoè những chiếc ô màu sắc,tung tăng qua lại,tô điểm bức tranh phố núi thêm phần sinh động.Mây chẳng có gì phải ngại ngùng.Cứ thê, cô nắm tay, lôi tôi đi dưới những mái hiên mưa một cách thích thú.Kịp lúc đi ngang qua chợ Sapa.Mây chỉ vào chiếc quán bên trong chợ,nơi có cái chảo lớn đang sôi sùng sục trên bếp lửa,hỏi tôi có muốn ăn " thắng cố " ? À ! Ra món thắng cố mà tôi từng nghe kể chính là thịt,lòng,phèo,phổi chi đó,nấu chung với nước màu vàng như cà ri kia.Thấy tôi không trả lời,Mây tỏ ra thông minh,đưa tôi sang khu quảng trường dày đặc sương mù, leo các bậc thang lên nhà thờ đá.Trên đó có món khoai nướng,trứng nướng lề đường ngon,bổ,trẻ,khoẻ,rẻ.Được thôi !Trời đang mưa mà.Thay vì ăn " thắng cố ",đi ăn khoai,trứng nướng cũng hạnh phúc như nhau.Mây giữ lấy tay tôi,tưởng như nếu buông tay ra,không chừng chúng tôi có thể lạc mất nhau trong sương mù .Hạnh phúc len nhẹ qua trái tim yếu đuối nơi gã đàn ông trung niên.Tôi nghĩ mình có thể yêu người con gái,nhưng Mây thì cho rằng đàn ông con trai miền xuôi chỉ nói cho vui vậy thôi
Nhờ có được kinh nghiệm nhiều hơn thế. Mây vững tin ăn nói,cười giởn giữa phố xá một cách hồn nhiên.Có lẽ do sợ tôi không chịu nổi giá rét khắc nghiệt miền cao hay sao, nên khi vừa bước tới hàng khoai trứng nướng,nằm đối diện ngôi nhà thờ đá nhìn sang.Mây hỏi ngay bà chủ hàng." Hôm nay có rượu táo mèo ?".Nhìn ra khách quen,người đàn bà đon đả lôi từ quang gánh ra chai rượu có màu nâu sóng sánh.Luôn miệng giới thiệu rượu táo mèo là sản phẩm đặc trưng chỉ có ở núi rừng Sapa.Được ngâm ủ từ những trái táo mèo kết tinh từ hương rừng,gió núi đại ngàn,không những thế trái táo còn hấp thu bao khí trời khí đất để có đủ vị chua,ngọt,chát,đắng.Chỉ nghe qua thôi đủ biết rượu ngon cở nào.Mây cười nhẹ,trước khi cùng tôi ngồi xuống chiếc ghế con con,đặt cạnh vĩ nướng tự chế mà bên dưới là chiếc thau nhôm đỏ lửa than củi.Mây giữ lấy chai rượu từ tay chủ hàng.Rót cho mỗi người một cốc.Rượu có mùi thơm,vị ngọt dề uống.Thật chẳng hổ danh rượu đặc sản.Chỉ tiếc có mỗi một điều.Rượu tai mèo ngon thế này mà ăn với trứng vịt lộn nướng,sao ngon bằng ăn với thịt "lợn cắp nách " (***).
Ngồi ăn uống,trò chuyện với nhau tới quá trưa.Mây dợm đứng lên, nói cần phải về sớm dọn dẹp nhà cửa.Vì ngày kia là Tết.Tôi cố nói để Mây ngồi lại.Dù sao,chỉ còn có vài giờ nữa tôi cũng sẽ rời khỏi đây về lại Hà Nội.Mây lưỡng lự trong giây lát rồi,quyết định cùng đám con gái ở chung bản,đang í ới gọi nhau ra về.Tội nghiệp,trước khi chia tay ra đi,không hiểu có phải do trời mưa hay vì đàn ông con trai miền xuôi chỉ nói cho vui vậy thôi;mà trong hai mắt Mây có màu nước ươn ướt?.
Tạm biệt.Mây vừa nói lời tạm biệt vừa trao vào tay tôi địa chỉ email,hẹn gặp nhau trên mạng.Tôi không buồn để ý đến điều gì khác;ngoại trừ việc chỉ biết đứng chôn chân,nhìn theo bóng Mây khuất dần trong mưa, trong màn mây mù dày đặc.Mây !Mây ! Mây.
Ơi ! Sapa. Thành phố trong mây - thành phố trong sương.Chỉ một lần ghé qua cũng đủ để lại trong tôi ít nhiều kỷ niệm. Buồn.Tôi tự hỏi với chính minh .Điều gì đang xảy ra với tôi,với Sapa ?
(*) Thơ của Lê thị Kim.
(**) Sapa thành phố trong sương - nhạc và lời ( chưa biết tác giả )
(***) Đây là món nướng bằng thịt lợn do người Mường nuôi .Sau khi đủ lớn,họ cắp ngang nách
mang xuống miền xuôi bán.
Minh Nguyễn

Friday, February 15, 2013

LAN ĐÀM * THỦY TIÊN


THỦY TIÊN 5, EM VỀ

Em về, Xuân vội vàng theo,
Vườn tôi từ đó lặng heo may buồn.
Em thơm, hương động hoàng hôn,
Đêm tôi, lục bát gọi hồn hoa tiên.
Em về, tỉnh giấc cô miên,
Liêu trai tôi, thoáng dáng hiền nghìn xưa.

THỦY TIÊN 4, HÀM TIẾU

Ừ em về phân vân,
Ngập ngừng xanh ngọc nụ.
Tay ngà vừa ân cần,
Nâng niu tìm dáng cũ.
Ừ, thôi về cùng xuân,
Đã vàng hoa đầy ngõ.

THỦY TIÊN 3, XUÂN MUỘN

Bụi trần lỡ vướng gót Tiên,
Thôi về, dù muộn, với miền đã yêu.
Lá xanh ngọc, nụ diễm kiều,
Tay người nâng giấc, ấm chiều cuối xuân.



THỦY TIÊN, EM 2

Nguời yêu, em bỏ cõi trời,
Mong manh cánh ngọc giữa đời phù vân.
Trắng trong, vàng nhụy ân cần,
Yêu người, em nhuốm bụi trần, thảnh thơi.


THỦY TIÊN, EM 1

Em xanh lá ngọc kiêu sa,
Mong manh cánh nhỏ nuột nà, vàng rơi.
Mùa sang em bước xuống đời,
Sắc hương đài các cho người ngẩn ngơ.

LAN ĐÀM

Thursday, February 14, 2013

Đặng Tiến * Con Rắn trong huyền thoại và văn học

Serpent - Hokusai


Về mặt biểu tượng, rắn là một hình ảnh phức tạp. Hiện nay, trong dân gian nhiều nước, rắn biểu trưng cho sự độc hại, gian hiểm. Tiếng Việt có những thành ngữ : nọc độc, khẩu phật tâm xà. Nhưng trước các hiệu thuốc tây, bảng hiệu y khoa, ta lại thấy hình ảnh con rắn quấn quanh cây gậy, nó có tác dụng cứu chữa bệnh tật, nhắc đến một câu đồng dao trong trò chơi dân gian Việt Nam : rồng rắn đi đâu / xin thuốc cho con ... 


Và một số tín ngưỡng, như Ấn độ giáo, ngày nay còn thờ rắn, thần linh Naga.
Rắn không những là một biểu tượng phức tạp, mà còn tượng trưng cho các động lực tương phản : tử sinh, âm dương, thiện ác ...
Chúng ta khó bề sưu khảo tường tận về biểu tượng rắn qua các nền văn minh khác nhau, chỉ lưu ý rằng đề tài không đơn giản.

Ca dao ta có câu :
Trứng rồng lại nở ra rồng
Liu điu lại nở ra dòng liu điu


Đây là một câu ca dao lạc hậu, quy thân phận con người vào một định luật thiên nhiên ; kỳ thật, nó chỉ là một câu vớ vẩn, mang tính cách tự hào và miệt thị giai cấp mù quáng, có ý đối lập rồng, biểu tượng cao quý cho tầng lớp giàu sang, với liu điu là loài rắn tầm thường, những phận người nghèo khó, tối tăm. Thật ra rồng và rắn cùng một nguồn gốc, thậm chí rồng là hậu thân của rắn. Ngay trong Thánh kinh Ki tô giáo, con rắn hiện thân cho cám dỗ, tội lỗi cũng là hậu duệ của rồng bị Chúa Trời trừng phạt, phải lê tấm thân bò sát và xấu xí.

Trong công trình biên khảo kinh điển : Cội Rễ lịch sử của Truyện Truyền Kỳ, Vladimir Propp đã dành một chương dài cho vai trò Rồng. Dịch giả từ tiếng Nga sang tiếng Pháp ghi chú : " Rồng (dragon) dịch từ chữ zmei là giống đực của từ zméia có nghĩa là Rắn (serpent). Từ giống đực chỉ dùng để cho nhân vật kỳ ảo trong cổ tích và huyền thoại. Có thể dịch từ này thành Rồng hay Rắn " 1.

Trong tiếng Việt Nam, nhà ngữ học Nguyễn Tài Cẩn, trên mặt báo Diễn Đàn, tết Canh thìn 2000, đã có bài vô cùng uyên bác, chứng minh rằng thời tiền sử, từ Rồng và Rắn có thể có chung nguồn gốc là từ / mahing /  ở vùng Thà Vựng ngày nay. Anh còn nhắc lại rằng : " tác phẩm nghệ thuật ở các đền chùa Lý Trần lại cho phép nghĩ rằng ta cũng vốn có cả một tên gọi Rồng Rắn theo kiểu rồng / mahing / ở vùng Thà Vựng " 2.

Điều này hoạ sĩ Nguyễn Đỗ Cung, chuyên gia về mỹ thuật, trong một tham luận năm 1970 đã nhắc lại : con Rồng thời Lý khác con Rồng Trung quốc, nó có hình dạng Rắn, "có nhiều đường lượn. Hình loại rồng này phải có lịch sử của nó, có thể xuất hiện trước đời Lý nhiều...Nay ta gọi là Rồng, nhưng xưa chưa hẳn đã gọi là Rồng, mà có thể là một loại “ rồng rắn ”, trẻ con ta thường có trò chơi “ rồng rắn” 3



Ngày nay, những khám phá về dân tộc học, huyền thoại học đã đẩy kiến thức và suy luận chúng ta đi xa hơn : hình ảnh Rồng Tiên là một sản phẩm văn học xuất hiện khá muộn màng trong tư duy dân tộc, ít nhiều do ảnh hưởng Trung Quốc và Đạo giáo. Ngay chữ ‘tiên’ cũng mới xuất hiện từ đời Hán, trước đó là những ‘chân nhân’. Vật tổ của các dân tộc Việt: Kinh hay Thượng, là Chim và Rắn. Hình tượng Chim thường gặp ở huyền thoại các dân tộc anh em miền núi, hình tượng Rắn thường gặp ở truyện cổ các vùng đồng bằng gần sông gần nước. Địa danh Ngã Ba Xà, hợp lưu giữa sông Cầu và sông Đuống, nhắc đến tín ngưỡng thờ Rắn (Xà), thờ Thánh Tam Giang là thần Rắn, có nơi được nhân cách hoá thành anh em Trương Hống, Trương Hát, cai quản khúc sông từ Ngã Ba Xà đến Ngã Ba Phượng Nhãn. Học giả Phan Ngọc viết rất rõ về vấn đề này và cho biết dọc sông Cầu có đến 300 xã thờ Thánh Tam Giang. 4

Các học giả Trần Từ (Từ Chi) và Bạch Đình cho biết thêm, trong truyện cổ Mường thường có nhân vật Khú ưa xuất hiện dưới dạng rắn nước, với đặc điểm : bao giờ cũng có mào đỏ trên đầu giống như gà trống. Điều này xác nhận một tư liệu của Lê văn Lan và Trần Minh Hiên trước đây:
" Trong ngôn ngữ và khái niệm người Khmu, có một con vật gọi là prư dồng. Đó là một con vật hình rắn, có mào như mào gà, có vảy và có chân. Trong ngôn ngữ và ý niệm Thái, “ prư dồng ” tương đương với “ tu luông ” là một con vật có vảy và có bờm như ngựa. Những con vật quái đản này không có quan hệ gì về dòng họ với những người đang sống, nhưng lại có vai trò như một thứ thần chịu trách nhiệm về nắng mưa như một thứ “ ma nước ” và những con vật quái đản này cũng thường được hiểu như khái niệm thuồng luồng của người Việt ... Từ Quỳnh Nhai đến Mường la, trên sông Đà có khoảng 20 cái thác thì có 20 nơi thờ thuồng luồng như thế ; thường cúng bằng gà, lợn " 5.

Thuồng luồng là rắn nước, sách Lĩnh Nam Chích Quái ghi là Giao Long, và kể rằng vua Hùng đã dạy dân chúng " lấy mực xăm vào mình hình (Lạc) Long Quân, theo dạng thuỷ quái " để tránh nạn thuồng luồng bách hại. Nhưng đây có thể là lối giải thích thực dụng của Nho giáo. Có thể người Văn Lang thời đó xăm mình theo dạng rắn vì là thuỷ tổ của mình. Dĩ nhiên là điều này không loại trừ điều kia.

Trong văn học, câu chuyện Giao Long kể trên có lẽ là xưa nhất, bên cạnh chuyện Lạc Long Quân diệt Ngư Xà. " Ngư Xà dài hơn năm mươi trượng, chân nhiều như chân rết, biến hoá vạn trạng, linh dị khôn lường... (có khi) hoá thành gà trắng gáy trên đỉnh núi " (Truyện Ngư Tinh). Ngư Xà ăn thịt người, gây bão tố làm hại thuyền nhân, cuối cùng bị Long Quân giết.

Dân gian thường kể chuyện Thần thuồng luồng bắt cóc phụ nữ, hay đòi phải hy sinh nhân mạng. Nguyễn Dữ, thời Mạc, trong Truyền kỳ mạn lục kể chuyện thần Thuồng Luồng ở một đền thờ tại quận Hồng Châu, Hải Dương, bị kiện vì tội bắt cóc Trịnh Thị, bị Long Vương trị tội, phạt lưu xứ : " giữa ban ngày, không mây mà mưa, nước sông đầy, rồi có một con rắn dài mười trượng, vẩy biếc mào đỏ nổi trên mặt nước mà đi lên mạn Bắc, đàng sau có hằng trăm con rắn nhỏ đi theo, đền từ đấy không linh thiêng nữa ". Đền thờ Rắn ấy, sách gọi là ‘’dâm từ’’. Chúng ta lưu ý đến mào đỏ như trong cổ tích.

Người ta thường kể chuyện Rắn báo oán, nhân vụ án Nguyễn Trãi. Thật ra đây là truyện Tàu, chuyện Ngô Trân đời Tống và chuyện Phương Chính Học đời Nguyên, do một số nho sĩ thời Lê mô phỏng để giải thích, mờ xoá tấn thảm kịch chính trị thời đó. Một mặt nó xuyên tạc lịch sử, mặt khác hạ thấp tư cách Nguyễn Thị Lộ, và trầm trọng hơn nữa, phản ánh thành kiến với phụ nữ, đồng hoá phụ nữ với tai hoạ. Dĩ nhiên là sai trái.


Thạch Sanh - Tranh Nguyễn Tư Nghiêm

Một con rắn lừng danh là Chằn Tinh trong truyện Thạch Sanh, truyện nôm bằng thơ. Chằn Tinh là một con rắn tu luyện nhiều năm, dữ tợn và biến hoá vô cùng ; vua bắt dân phải lập miếu thờ, hằng năm phải hy sinh một người con trai cho nó ăn thịt. Năm ấy Lý Thông bị chỉ định hy sinh, bèn gạt người anh em kết nghĩa là Thạch Sanh đi thế mạng. Thạch Sanh đương đầu với Chằn :
Giở ra cơm nắm toan ăn,
Hay đâu gió thổi ầm ầm rung cây.
Lại thêm gầm rú ghê thay,
Trông ra thấy một vật nay dị kỳ.
Thạch Sanh chẳng biết vật chi,
Trắng đen, xanh đỏ, hoe hoe cả mình,
Hung hăng giơ vuốt, nhăn nanh,
Phòng toan làm giữ như hình mọi khi.
Thạch Sanh hoá phép tức thì,
Búa rìu liền phóng một khi yêu xà.
Mắng rằng “ mày giống tà ma,
Hại người ta chẳng dung tha mày nào ! ”
Xà tinh liền nhảy xốc vào,
Thạch Sanh liền lấy thần đao chém liền.
Ai rằng rắn có phép tiên,
Hoá ra lửa cháy bốn bên đỏ ngòm.
Thạch Sanh hoá nước mưa tuôn,
Tự nhiên lửa tắt kinh hồn xà tinh.
Lại e yêu nghiệt tàng hình
Trốn đi nơi khác, ắt mình uổng công.
Bủa vây lưới sắt bịt bùng,
Nguyên hình rắn phải đùng đùng hoá ngay.
Chàng dùng dao báu chém rày
Rõ ràng con rắn vừa tày một gian.

(một gian : một gian nhà).

Truyện cổ dân gian, với những tình tiết na ná như Thạch Sanh, được lưu truyền nhiều nơi khắp thế giới. Riêng ở Việt Nam, các địa phương có những thoại khác nhau. Đặc biệt đồng bào Cao Bằng xem địa phương mình là gốc gác của truyện, căn cứ vào câu mở đầu “ ngày xưa ở quận Cao Bình ”, và ở Hoà An, Cao Bằng có hang, tương truyền là nơi Thạch Sanh chém Chằn Tinh và nhiều đền thờ Thạch Sanh ở các làng xã. Giả thuyết khác cho rằng truyện Thạch Sanh chém Chằn gốc Khờ-me.

Chuyện Thạch Sanh được đưa lên sân khấu : năm 1962, Dũng Hiệp phóng tác thành Tuồng cổ Dũng Sĩ Gốc Đa, đồng thời truyện cũng chuyển thành kịch bản cải lương, có năm được trình diễn ở rạp Maubert tại Paris, vào cuối thập kỷ 1960.

Trên sân khấu dân gian, còn có tuồng hát bội Thanh xà Bạch xà được quần chúng miền Nam ham thích. Một chuyện tình cảm động : hai con rắn tu hành đắc đạo, thành đôi gái đẹp, yêu thương và lấy chung một người chồng. Sau đó, tình duyên trắc trở, người chồng lâm trọng bệnh, Bạch xà phải hiện nguyên hình làm rắn, trèo non lặn biển tìm thuốc trường sinh cứu chồng. Một chuyện tình huyền ảo, lãng mạn, xoá bỏ thành kiến về loài rắn.
Trong ca dao hình ảnh rắn thân thuộc với tuổi thơ là bài đồng dao trong trò chơi Rồng Rắn, được giới khảo cứu xem là xưa, có thể ra đời từ thời Lý Trần. Tùy địa phương, có nhiều thoại khác nhau, như ở quê tôi, miền Trung :
- Rồng rắn đi đâu ?
Xin thuốc cho con
Con lên mấy ?
Con lên một
Chưa ngon (...)
(...)
- Cho xin chút lửa
Lửa tắt
Cho xin nước mắt
Nước mắt chua
Con xin càng cua
Càng cua kẹp
Cho xin chiếc nẹp
Nẹp gãy...

Suốt đời tôi bị ám ảnh bởi mấy câu đồng dao : sao lời hát cho trẻ con lại có những câu thảm thiết đến thế : cho xin chút lửa, lửa tắt. Cho xin nước mắt : nước mắt chua ... Những câu thơ u uất của cả một kiếp người, trước cuộc đời phi lý và vô vọng. Và những câu thơ thật hay.
Cuối cùng, vùng Bình Trị Thiên có câu ca dao, như lời chồng mắng vợ :
Con rắn không chưng (chân) nó lượn năm rừng bảy rú
Con gà không vú nó nuôi đặng chín mười con
Anh tưởng em má phấn môi son
Ai ngờ má mỏng môi mòn thế ni... !

Mắng vợ là chuyện dũng cảm, trần gian hiếm có. Mắng vợ bằng những lời lẽ chì chiết ‘thế ni’ quả là cổ kim hãn hữu !.
Con Rắn không chưng...

Đặng Tiến
Orléans,Tết Quý Tỵ, 07.2.2013
______________
1- V. Propp, Les Racines historiques du Conte Merveilleux, Gallimard, 1983, tr. 283
2- Nguyễn tài Cẩn, Về tên gọi con Rồng của người Việt, báo Diễn Đàn, Paris, số 94, tháng 3/2000, tr. 19
3- Nguyễn đỗ Cung, Bàn về Mỹ Thuật Việt Nam, Viện Mỹ Thuật, Hà Nội, 1993, tr. 117
4- Phan Ngọc, Thử xét Văn Hoá Văn Học bằng Ngôn Ngữ Học, bxb Thanh Niên, Hà Nội, 2000, chương II, tr. 61-128
5- Hùng Vương Dựng Nước, nhiều tác giả, Cuốn III, Hà Nội, 1973, tr. 241-242

NGÔ NGUYÊN NGHIỄM * CHẠNH LÒNG BÊN VẬN NƯỚC NGỬA NGHIÊNG…

 












Trời động, phương Đông nhìn sót dạ
Cát vàng rải rác lạc sân ngoài
Biển đá chùn lòng chưa khách lữ
Người xưa lại lạ bước đâu đây?
Lá đỏ phủ đầy trang sử cũ
Kinh thành ai, mờ mịt thức mây!

Vạn cốt, âm hồn rao tiếng mõ
Gào quanh thần thức tận ngàn sau
Moi trong tim óc lời vong quốc
Nhểu xuống thư trung giọt máu đào
Tổ tiên có rớt bao nhiêu lệ
Đuổi được bầy quạ ích tắc đâu?

Chiến chinh cột chặt bên lưng ngựa
Là vạn hồn quê vạn mộ phần
Tấc đất nào của loài vong bản
Mà mặc sơn hà chịu đảo điên
Xưa nay sử ký ngàn pho ấy
Chạnh lòng bên vận nước ngửa nghiêng…
Oán khí bay đầy trong nhật nguyệt
Hương hỏa, hồn thư, xương trắng đồng…
Khí thiêng sông núi cháy ngun ngút
Gươm mài chưa trọn dưới vầng trăng
Pha lẫn tâm can thề non nước
Máu tim có thắm đỏ ven đường ?

Gian thần lại bán rẻ giang sơn
Vạn dặm đất đai sát biên cương
Huyết thống ngàn đời như cây cỏ
Bỗng hóa hồn thiêng bay theo gió
Bia cổ nam quan tiếng ốc dồn
Ngàn năm u tịch bóng tà dương!

Xóa tan hồn nước, xé lịch sử
Bím tóc, dâng tim óc tổ tiên
Biển đá đau lòng không khách lữ?
Cát vàng bão dậy trời không yên
Người nay khéo rớt bao nhiêu lệ
Có chạnh lòng vận nước ngửa nghiêng ?

NGÔ NGUYÊN NGHIỄM
Thư trang Quang Hạnh
Đầu năm Tết Quý Tỵ

Monday, February 11, 2013

Trần Vấn Lệ * Bây Giờ Mà Em Nhỉ























Bây giờ mà em nhỉ minh về Đà Lạt xưa. Tháng Giếng chắc trời mưa, cơn mưa phùn như bụi, mình nhìn nhau không nói, “Ai Hôn Giùm Cho Mình!”

Tháng Giêng cỏ rất xanh, hoa đào thì vẫn đỏ. Em là đóa hoa nở trong lòng anh, biết không? Em hãy đứng quay lưng, anh so từng sợi tóc, có sợi choàng qua ngực, anh hôn em, ăn gian…

Em! Em cứ mơ màng. Mình đang về Đà Lạt. Mình đi xuống Trại Mát, mình vòng qua Dốc Đu. Những ngon đồi mưa mưa, mưa là thơ anh rải cho một người con gái anh gọi là Giai Nhân!

Em! Em là mùa Xuân…Quê người anh đang nói về Quê Hương vời vợi, về một Đà Lạt xưa…Nếu em đừng qua đò, nếu anh đừng tuổi lính, bao nhiêu điều dự tính, Đà Lạt là…hôm nay!

Trời đang mưa. Mưa bay. Em ơi em, Đà Lạt. Anh nhớ lại bài hát “Ai Lên Xứ Hoa Đào…”. Nhớ lúc em nghẹn ngào mà muốn trào nước mắt. Xưa anh không tin Phật, anh mất em, buồn ơi!

Em đi vào cuộc đời, anh đi vào cuộc chiến, bao nhiêu năm khấn nguyện, bây giờ…anh hôn em!

Trần Vấn Lệ