văn hữu vườn tao ngộ

Nơi lưu trữ tác phẩm của PBTD và thân hữu. Liên lạc: phanbathuyduong@gmail.com

Tuesday, February 11, 2014

VĂN QUANG * Tâm sự vụn ngày Tết [2]

Các ông chơi ‘ăn người’
Điều cuối cùng thì rất hợp lý, nhưng đó là việc thuộc phạm vi văn hóa, phải vận động tuyên truyền bà con và kiểm soát ở các chùa miễu chứ không thể vì thế mà không in tiền lẻ. Không có tiền lẻ thì dân có tiền cúng tiền chẵn, mười ngàn - hai mươi ngàn đối với họ có thấm tháp gì, như muỗi đốt gỗ. Vấn đề là làm thế nào vận động cho người dân không làm chuyện mê tín và khó coi đó nữa. Khi người ta thật sự nhận thức như vậy mới chấm dứt được mà thôi. Chứ không in tiền lẻ không có tác dụng gì đâu. Bằng cớ là các “ngôi hàng” đổi tiền lẻ, kể cả đổi đô la lẻ, vẫn cứ mọc lên như nấm. Cần bao nhiêu cũng có, chỉ sợ anh không có tiền đổi thôi. Cũng như chuyện cấm mua bán đô la, nhưng cứ ra “chợ đen,” vào hàng vàng, muốn đổi bao nhiêu cũng có, muốn bán bao nhiêu cũng có người mua. Toàn chuyện làm cho vui!

Còn cái khoản in tiền 2.000 ra bị lỗ thì có người dân so sánh là mấy ông chỉ biết “ăn người,” thử hỏi khi in ra giấy bạc 500 ngàn, 200 ngàn, 100 ngàn thì các ông lời bao nhiêu. Số lời ấy gấp trăm ngàn lần số lỗ in tiền lẻ. Lời thì các ông làm, lỗ ông không chơi. Vậy ai thiệt? Đúng là các ông toàn “chơi ăn người.” Thật sự các bà nội trợ rất cần giấy 1 ngàn và 2 ngàn vì đi chợ mua chút rau thơm, củ hành nhỏ thường chỉ có giá 1-2 ngàn, đưa tiền chẵn là mấy bà bán hàng rất khó chịu vì chính các bà ấy cũng thiếu tiền thối lại. Cho nên lý do thứ nhất coi bộ không vững. Nhưng thôi, cái gì ông NHNN làm… là đúng. Đừng có cãi, cứ làm theo những gì các ông có quyền nói, đừng nói cái gì khác với những gì các ông ấy làm. Thế mới sống được.

Thôi thì các cháu chịu khó chơi tiền cũ vậy nhé, không phải tại ông muốn thế đâu. Mai mốt có đứa nào học ra đi làm thì cố xoay cho được làm ở NHNN cho ông bà nhờ.


Chuyện năm cũ còn lại
Hết năm rồi, còn tí chuyện của những vụ “đại án,” tôi xin tường thuật nốt. Đó là vụ án siêu lừa Huyền Như lừa một hơi lấy 4,000 tỉ đồng vừa tuyên án xong. Vụ án có quá nhiều tình tiết, liên quan lằng nhằng giữa các ngân hàng và hàng loạt cá nhân. Tôi xin tóm tắt để bạn đọc dễ hiểu hơn.

Huỳnh Thị Huyền Như, nguyên là trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ của ngân hàng Công thương Việt Nam – Vietinbank chi nhánh TP Sài Gòn. Vào thời cực thịnh của bất động sản, mua một lãi mười là chuyện rất bình thường. Vì thế đẻ ra lắm đại gia, đang tay trắng bỗng trở thành đại tỉ phú. Huyền Như hám ăn nên lao vào làm nghề bất động sản. Nhưng chẳng may gặp lúc bất động sản đóng băng, nhà cửa hàng loạt nằm cho cỏ mọc rêu phong, không ai mua. Huyền Như trót đâm lao phải theo lao nên với danh nghĩa “cán bộ ngân hàng” , Huyền Như đã bạo gan đi mượn hàng ngàn tỷ đồng lãi suất cao để mua bất động sản khắp nơi. Lãi mẹ đẻ lãi con khiến Huyền Như làm liều, trở thành một siêu lừa. Vụ án được coi là lớn nhất từ trước tới nay.

Số tiền trong vụ “đại án” Huyền Như và đồng bọn chiếm đoạt gần 4.000 tỷ đồng ($190 triệu Mỹ kim). Ngoài 23 bị cáo bị đưa ra trước vành móng ngựa, tòa còn triệu tập 15 nguyên đơn dân sự (bị hại), người bị hại, 80 cá nhân, tổ chức có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án. Nguyên đơn dân sự của vụ án có 3 ngân hàng và một số ngân hàng có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan khác. Chủ tọa khẳng định tổng trọng lượng hồ sơ vụ án là 300kg, với hơn 70.000 bút lục, chưa kể bút lục phiên tòa. Chỉ tính việc sao chụp lại hồ sơ, một luật sư đã phải mất một tuần làm việc liên tục. Riêng phần lời nói sau cùng của các bị cáo cũng diễn ra suốt gần 2 giờ liên tục

Ngay cả Bầu Kiên, một “cáo già” trong giới tài chính và cực kì cẩn thận, chắc chắn trong làm ăn kinh tế đặc biệt trong những phi vụ làm ăn lớn, nhưng vẫn phải “ngả mũ” chào thua về độ liều của Huyền Như. Phi vụ làm ăn, Huyền Như lừa nhóm bầu Kiên được tới 718 tỉ đồng.
Lãng nhách
Kết quả phiên tòa đã đưa Huyền Như vào tù chung thân. Ngoài ra còn môt số người có liên quan yểm trợ cho Huyền Như và cho vay nặng lãi cũng vào tù. Tôi chỉ kể vài tên hàng đầu như Võ Anh Tuấn nguyên phó giám đốc Vietinbank chi nhánh Nhà Bè lãnh mức án 20 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cũng bị truy tố về hành vi giúp sức cho Như trong việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản, các bị cáo Huỳnh Mỹ Hạnh, Trần Thị Tố Quyên, Nguyễn Thị Lành, Nguyễn Thị Tuyết Dung biết việc Như làm giả các hồ sơ, sổ tiết kiệm để đem đi thế chấp nhưng vẫn giúp Như đứng tên để thực hiện hành vi chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng mỗi người. Từ đó, Hội đồng xét xử tuyên buộc các bị cáo này phải chịu mức án từ 9 – 14 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Tôi có cảm tưởng như đây là câu chuyện “đầu voi đuôi chuột.” Bởi vụ đại án này nghe thì lớn lắm, nhưng khi xử thì… lãng nhách.

Chuyện Huyền Như đi tù chung thân thì người dân hầu như biết hết từ khuya rồi. Đến lúc xử thì y chang. Chẳng có gì lạ. Còn mấy anh “cắc ké” đi tù bao nhiêu năm cũng chẳng sao, chẳng mang lại cái gì cho đất nước, chẳng gây ảnh hưởng gì nhiều đến người dân VN đang vui và lo Tết… méo mặt.

Ngân hàng không phải đền bù, vì sao?
Nhưng kết quả người dân chăm chú theo dõi hơn cả là chuyện ngân hàng Vietinbank (là ngân hàng vốn nhà nước) có phải đền bù thiệt hại cho người gửi tiền không. Sở dĩ người dân chú ý vì có quá nhiều người gửi tiền vào ngân hàng và tin rằng đó là nơi “cất tiền chắc chắn và kiếm lời tí lời còm.”

Nhưng tiền gửi ngân hàng rồi mất trắng mà tòa xử bắt Huyền Như phải bồi thường thì cô ta lấy răng ra mà đền à? Bây giờ cô ta nằm kỹ trong tù trọn đời, còn đồng xu nào đâu mà bồi thường? Cứ đến cổng nhà tù mà đòi nợ. Ngân hàng vẫn bình chân như vại. Dân đau như hoạn.

Cho nên ở đây vấn đề đáng chú ý chỉ là NIỀM TIN. Hai chữ này phải viết hoa thật lớn.

Sau vụ án, dư luận của dân xem ra rất mất lòng tin vào cả tòa án và ngân hàng. Chỉ trên báo Người Lao Động đã có nhiều lời phàn nàn của người dân. Tôi chỉ cần dẫn chứng 2 đoạn ngắn:

- Bạn Công Lý viết: Viện kiểm sát cố gắng bênh vực Vietinbank có phải chăng vì đây là ngân hàng nhà nước nên bênh vực quyền lợi cho nhà nước mà bất chấp chứng cứ. Viện kiểm sát có còn là nơi luận tôi công bằng hay không ? Liệu tòa có xử công bằng không hay bênh vực cho Vietinbank?

- Bạn Huân viết rõ ràng: Thiết nghĩ, các ngân hàng nên kiện Vietinbank tại Trọng tài hay tòa Quốc tế thì may ra. Ai cũng thấy Tòa bên vực Vietinbank rất lộ liễu.
Câu chuyện niềm tin và sự đổ vỡ
Giảng viên đại học Trần Kiên đã thử phân tích vụ án dưới góc nhìn kinh tế, và chỉ ra cái lợi cái hại của các phán quyết. Theo đó, phán quyết của Tòa án nên đặt lợi ích của cả nền kinh tế làm trọng, giữ vững sự sống còn của ngành ngân hàng bằng cách giữ vững “niềm tin” cho người dân.

Mọi người đều biết rằng nếu ngân hàng bị phá sản không trả được tiền cho người gửi thì ở hầu hết các nước, họ sẽ được nhà nước (thông qua một tổ chức nào đó của nhà nước hoặc do nhà nước đứng sau như FDIC ở Mỹ hay Bảo hiểm tiền gửi) đền cho một khoản tiền nào đó (ở Việt Nam hiện nay là 50 triệu). Cái này gọi là “bảo hiểm tiền gửi.” (Bạn gửi vài chục tỉ hay vài trăm triệu, khi ngân hàng vỡ nợ cũng chỉ được đền bù 50 triệu thôi – NV).

Tại sao nhà nước ưu đãi ngành ngân hàng
Như vậy, rõ ràng nhà nước đã ưu đãi ngành ngân hàng hơn các loại hình doanh nghiệp khác vì nếu một doanh nghiệp bình thường phá sản thì trong hầu hết các trường hợp, nhà nước không bỏ tiền ra đền. Vậy tại sao nhà nước lại có ưu đãi riêng cho ngành ngân hàng?

Đó là vì ngành ngân hàng hoạt động như một hệ thống (system) nên có đặc tính rủi ro hệ thống (system risk). Giả dụ vì một lý do nào đó, người dân mất niềm tin vào một ngân hàng và kéo đến đòi tiền khiến ngân hàng đó bị sụp đổ do không thể đủ tiền chi trả cho quá nhiều người một lúc.

Do sự lây lan tâm lý, khi một ngân hàng sụp đổ kéo theo sự mất niềm tin của nhiều người gửi tiền khác và họ cũng có thể ồ ạt kéo tới các ngân hàng khác đòi lại tiền gửi. Cuối cùng, sự sự sụp đổ của ngân hàng này có thể kéo theo sự sụp đổ dây chuyền của toàn bộ hệ thống ngân hàng (và qua đó gây khủng hoảng cho nền kinh tế) theo hiệu ứng domino.

Nói dài dòng thế là để hiểu đối với ngành ngân hàng thì “niềm tin” đóng vai trò sống còn hệ thống tài chính – ngân hàng phải giữ “niềm tin” của người gửi tiền như con người phải giữ con ngươi của mắt mình vậy.

Qua phân tích này, bạn đã thấy con ngươi của mắt bị đâm thủng, nỗi lo của người dân VN gửi tiền vào ngân hàng lớn như thế nào. Người dân biết làm gì bây giờ? Sau vụ xử này, liệu sẽ có bao nhiêu khách hàng rút tiền gửi ở ngân hàng ra để mua vàng chôn giấu, nhờ người cho vay nặng lãi hoặc cất giữ theo kiểu khác?

Lại trao cơ hội cho mấy anh cướp và bọn tín dụng đen có cơ hội kiếm ăn. Đấy là chuyện cuối năm cũ, nó leo sang năm mới đấy các cụ ạ.