văn hữu vườn tao ngộ

Nơi lưu trữ tác phẩm của PBTD và thân hữu. Liên lạc: phanbathuyduong@gmail.com

Monday, January 29, 2018

DUNG NGÃ ** Áo Dài



Áo dài là y phục truyền thống của dân tộc Việt Nam.  Từ xưa, cả đàn ông và đàn bà đều mặc áo dài trong các ngày lễ hội, nên được gọi là quốc phục.  Trong các thập niên 1960, 1970, tại miền Nam áo dài là y phục thường ngày cho phụ nử trong các dịp lễ hội, tiệc tùng, dạo phố mua sắm, hay tại các cơ quan phòng sở và chiếc áo dành cho nử sinh trung học là áo dài trắng. Trong những ngày lễ quan trọng, đàn ông vẫn mặc áo dài trong các nghi lễ cổ truyền.  Áo dài dành cho đàn ông thường thường là màu đen, rộng, dài đến giửa ống chân, thường đi đôi với khăn đóng.  Khăn đóng còn gọi là khăn xếp, là một vật để đội nhưng được gọi là khăn, có lẽ do được tạo thành bởi chiếc khăn xếp nhiều lượt.  Đàn bà vẫn dùng khăn xếp trong các ngày lễ cổ truyền tạo thêm phần trang trọng, hoặc như là vật điễm trang để tăng thêm duyên dáng.  Đàn bà thường dùng hàng vải lụa màu hoặc vải lụa in hoa để may áo dài.  Hàng lụa mỏng là chất liệu thích hợp nhất dùng cho áo dài.  Hàng lụa mỏng thích hợp với thời tiết, lại tuyệt vời cho việc thiết kế áo dài theo sát với thân người để phô diễn đường cong tự nhiên của thân thể.  


Riêng nử sinh trung học chỉ mặc áo dài trắng, do qui định của Bộ Quốc Gia Giáo Dục và các trường trung học; mặc dù các trường tư thục không qui định về trang phục, nhưng áo dài trắng vẫn là đồng phục cho các nử sinh trung học.  Màu áo trắng mặc nhiên là màu tượng trưng cho sự trong trắng, là màu của tuổi trẻ, của ngây thơ, của nhí nhảnh, của học trò.
Màu trắng của áo dài đã đi sâu vào ký ức của rất nhiều người, là màu của kỷ niệm, màu của mơ mộng, màu của hạnh phúc ngọt ngào, màu của chua cay tan vở.  Áo dài trắng là nổi nhớ mênh mông, là bâng khuâng đón đợi, là thao thức băn khoăn, là khắc khoải trông chờ ....  Áo dài trắng đã làm nên thơ, đã viết nên nhạc; là gió, là mây, là hơi thở, là ngất ngây, là si dại,  là nụ cười ánh mắt, và là .... tất cả.
               Có phải em mang trên áo bay
               Hai phần gió thổi một phần mây
               Hay là em gói mây trong áo
               Rồi thở cho làn áo trắng bay
                                             Nguyên Sa

Áo dài đẹp nhờ gió, gió tạo nên bởi nhịp bước khiến tà áo phất nhẹ như làm nhu mì thêm cho người mặc, làm dịu dàng thêm cho nhân dáng, làm uyển chuyển cho bước đi.   Áo dài, trang phục vừa kín đáo vừa ẩn chứa sức quyến rũ bởi lằn nét dịu dàng của thân thể.  Phần trên của áo dài theo sát với đường cong thon thả của thân hình, kín đáo nhưng quyến rũ và gợi cảm; phần dưới áo dài được xẻ dọc theo đôi chân, tạo thành hai vạt trước, sau; dài đến gót; buông lơi, lung linh bay lượn.  Hai tà của áo dài tạo nên sự uyển chuyển cho bước đi, cho thấy gió, cho thấy sự thướt tha trong nhân dáng mảnh khảnh, dịu dàng của người nử.  Nhìn áo dài người ta thấy được cả một nghệ thuật tuyệt đỉnh của sự kiến tạo.  Với áo dài người ta thấy được cả một nền văn hóa, một văn hóa tôn vinh sự giản đơn, nhẹ nhàng, kín đáo; nhưng không quên phô diễn những đường nét tự nhiên thiên phú.  Ở đâu, trong bất cứ không gian nào, dù có gió, dù không gió, áo dài vẫn là một hình ảnh gợi cảm.  Với bất cứ hình ảnh nào, bất cứ gam màu nào, người họa sĩ vẫn có thể tạo nên một tác phẫm nghệ thuật với tà áo dài và nón lá, dù áo trắng hay áo màu.

 Áo dài, y phục điễm trang cho những biệt thự sang trọng, nhưng cũng làm tăng thêm vẻ đơn sơ thanh thoát cho lều tranh mộc mạc.  Áo dài thích hợp nơi thị thành náo nhiệt, phố phường nhộn nhịp ngựa xe, nhưng vẫn sáng ngời trên đường chiều vắng vẻ.  Áo dài làm xôn xao trong khuôn viên trường học, nhưng nghiêm trang chăm chỉ từng giờ sau cửa lớp, và áo dài còn có thể phất phơ bay lượn trên bục giảng trước bảng đen phấn trắng.  Áo dài làm nhẹ nhàng không khí nặng nề trong phòng thi, làm thú vị cho giờ học toán, làm cân bằng cho phương trình, giúp tìm nhanh nên ẩn số.  Áo dài làm rộn rả cho buổi sáng tới trường, làm tưng bừng cho buổi chiều tan lớp.  Áo dài làm rạng rở tươi vui cho khu vườn nhiều cây, rợp mát.  Áo dài làm tăng thêm sự sang trọng trong buổi hòa nhạc hay đêm dạ vũ tưng bừng.  Áo dài tạo nên sự trang nghiêm nơi thờ tự tôn nghiêm, trước nghi lễ cổ truyền.  Nhưng cùng lúc, trong không khí trầm mặc của nghi lễ, áo dài sẽ làm dịu dàng cho nghi thức.  Áo dài phất phới trong giờ hợp mặt, trong buổi tiệc tùng tạo nên vẻ trẻ trung, sinh động.  Áo dài làm nhộn nhịp tươi vui cho những chiều dạo phố.  Nhưng trên ruộng đồng mênh mông vắng vẻ, hay trên đường mòn trong thôn xóm hiền hòa, áo dài sẽ làm ngời sáng cho lúa mạ, cho mây trời, cho cây xanh, cho bóng mát.  Với sự xuất hiện của tà áo dài đơn sơ sẽ làm ấm lại bến nước đìu hiu hay bờ sông lạnh lẽo.  Áo dài , nón lá làm dịu mát trưa hè nắng đổ, nhưng làm ấm lại chiều thu lá rụng.  Áo dài nón lá làm linh động cho chiếc cầu nhỏ sang sông, điễm tô cho đò ngang bến nước.  Áo dài có thể làm tươi mát cho cánh đồng khô trơ gốc rạ, cho suối nhỏ cạn dòng, hay  bờ sông hiu hắt.
Áo dài thích hợp cho mọi phương tiện di chuyển, làm tăng thêm giá trị cho chiếc xe hơi đắc tiền, nhưng lại dịu dàng trang nhã cho xe đạp đơn sơ và áo dài cũng có thể điễm trang làm thanh nhã cho những xe nhà binh bám bụi.  Áo dài thích nghi với những buổi tiệc tùng sang trọng; nhưng vẫn đẹp, vẫn ngây thơ tươi trẻ khi dừng xe đạp bên những hàng quà trên lề đường phố nhỏ.

Bóng dáng thướt tha đằm thắm của tà áo dài sẽ làm ấm lại những tâm hồn cô đơn, làm phấn chấn cho tinh thần u uất, làm nhẹ cho nổi nhọc nhằn, làm dịu bớt những cơn phiền muộn, lo âu.
 Áo dài luôn luôn đẹp đôi, khi sóng bước cùng tất cả trang phục của người khác phái.  Bé bỏng, dịu dàng bên áo trận bạc màu, giầy sô, nón sắt.  Áo dài vẫn nhu mì, rạng rở bên thường phục đơn sơ hay làm tăng thêm sang trọng cho những bộ âu phục đắt tiền.

Ở đâu, trong không trung cao vợi, trên mặt nước, bờ sông, nơi thị thành nhộn nhịp hay thôn làng vắng vẻ, áo dài vẫn đời đời thích hợp với muôn màu, muôn vẽ của không gian và thời gian.


Trong cơn gió nhẹ, áo dài phất phơ nhẹ nhàng như e-ấp, như thẹn-thùng bẻn-lẻn, như mơn-man ve-vuốt, nhưng đằm thắm ngây thơ. Khi cơn gió mạnh hơn, áo dài tung bay phơi phới rộn ràng như reo vui, như mở hội.  Mắt nhìn tà áo tung bay trong gió, tai như nghe âm thanh rộn- rả của lời ca, tiếng cười; thấy như gần như xa, như quấn quít như giã từ; như chia xa như lưu-luyến.  Trong buổi sáng mù sương hay chiều tà nhạt nắng, áo dài lung linh như ẩn như hiện, như mờ như tỏ, như thực như hư, như khói như mây....

Nón lá, áo dài là sự phối hợp tuyệt vời cuả nền văn hóa có chiều dài lịch sử và nền tảng văn hóa nhân bản trọng đạo đức, mến chuộng sự đơn sơ và yêu quí vẽ đẹp tự nhiên của đường nét dịu dàng thon thả của thân người.


Mỗi dân tộc có một văn hóa trang phục khác nhau, phải có sự hài hòa giửa thời tiết, phẫm chất của hàng vải và vóc dáng của thân hình.  Kimono dành cho phụ nử Nhật Bản, và Hanbok dành cho phụ nử  Hàn Quốc đã một thời nổi tiếng.  Y phục của phụ nử ở hai quốc gia này quả là kỳ công của nghệ thuật; là sự sắp xếp công phu, là tỷ mỷ, là qui định cân đối.  Nhưng sự tỉ mỷ, công phu của nghệ thuật nhân tạo quá cô đọng và kín đáo nên đã làm mất đi những đường nét tự nhiên của thân người, không phô diễn được đường cong tuyệt vời trên thân thể của người phụ nử.

Ở Âu châu, y phục dành cho phụ nử, có lẽ để thích hợp với khí hậu và vóc dáng; Âu phục cũng được cải biến không ngừng; quả là công trình tìm tòi sáng tạo trong nghệ thuật thiết kế thời trang.  
Nhưng Kimono, Hanbok và Âu phục không có sự hài hòa giửa đường nét tự nhiên và nghệ thuật thiết kế trang phục.  Thứ nhất, nghệ thuật thiết kế trang phục đã làm mai một đường nét tự nhiên dịu dàng của thân thể; với các y phục nầy người ta chỉ chú trọng đến vẻ đẹp do công phu tỉ mỷ, sắp xếp, nhân tạo.  Thứ hai, nghệ thuật trong y phục của người Nhật, người Hàn Quốc và người Âu Châu đã không phô diễn được nét uyễn chuyễn, dịu dàng của bước đi.  Đứng yên, hay bước đi không có sự khác biệt ở trạng thái động và tĩnh, thiếu mất yếu tố thướt tha, dịu dàng.  Thứ ba, vật liệu dùng cho y phục phụ nử không phải là hàng lụa mềm, mỏng nên không thể phất phơ, linh động để hổ trợ cho dáng vấp yểu điệu thục nử của người mặc.  Mặc dù người ta cố tìm tòi, cố tạo nên dáng uyển chuyển bằng độ cao của gót giày, nhưng tất cả chỉ là nhân tạo nên gượng gạo, không tự nhiên, không linh động.  

Nét đặc biệt của y phục phụ nử Việt Nam là kín đáo; kín từ cổ tới chân, từ tay tới gót.  Chính vẽ kín đáo của áo dài tạo nên vẽ đẹp gợi cảm và thu hút.  Nhìn vào trang phục của phụ nử Việt Nam người ta thấy được đức tính của dân tộc, yêu chuộng nghệ thuật giản đơn, quí trọng sự thanh thoát tao nhã.  Trong lúc các nhà thiết kế trang phục tại các quốc gia khác lại khai thác yếu tố gợi cảm theo chiều hướng táo bạo bằng phương pháp hở hang, khêu gợi, da thịt.
Nét đặc biệt thứ hai của áo dài là sự giản đơn.  Nét giản đơn được hình thành bằng sự tỉ mỷ và chính xác.  Để có chiếc áo dài, người mặc phải được đo cẩn thận, lấy số; phải thử, sửa, điều chỉnh một đôi lần trước khi hoàn thành.  Thường thường, người thiết kế chỉ dùng tay để luồng chỉ trên tà áo, không dùng máy.  Người ta dùng kỷ thuật thủ công, dùng sự khéo léo, tỉ mỷ và chính xác để tạo nên một tác phẫm nghệ thuật đơn giản.  Điều khác biệt với y phục phụ nử tại các quốc gia khác lại được sản xuất bằng phương pháp kỷ nghệ, sản xuất hàng loạt rập theo khuôn mẫu đã định, cho mọi người chọn lựa.
Về phương diện nghệ thuật, chính sự giản đơn và kín đáo tạo nên vẽ đẹp cho áo dài.  Sự giản đơn được sắp xếp, chuẩn bị, tính toán, đo đạt chi li, chỉnh, sửa....  Chỉ với vài nét vẽ đơn sơ, họa sĩ có thể tạo nên một họa phẫm bắt mắt, ưa nhìn với tà áo dài cùng với mái tóc hoặc chiếc nón.  Họa phẫm chỉ với hình ảnh tà áo, mái tóc người họa sĩ có thể vẽ nên gió, có thể ký gởi nên hình ảnh chuyễn động của không khí vào tranh.  Cùng với tà áo, mái tóc, nón lá, họa sĩ có thể chuyển gởi cả tâm tình vào bức tranh: đón đợi, trông chờ; hân hoan, mừng rở hay ưu phiền, buồn bã....  Một tà áo phất phới, một mái tóc tung bay; một niềm vui, một nổi hân hoan được diễn tả ....

Áo dài nón lá, và vóc dáng của người phụ nử Việt Nam là sự phối hợp hoàn hảo của đường nét tự nhiên và nghệ thuật sáng tạo.  Nghệ thuật thiết kế trang phục dựa vào phẫm chất của hàng lụa để thích hợp với khí hậu và nhân dáng.  Về phương diện địa lý, Việt Nam gần đường xích đạo, khí hậu nhiệt đới, do vậy hàng lụa mỏng được trọng dụng cho y phục.  Áo dài tuyệt vời với hàng lụa mỏng, phẫm chất nầy góp phần vào việc trao gởi cho thân người sự linh động phơi phới, dịu dàng và uyển chuyển.  Tà áo phất phơ lung linh trong gió theo từng nhịp bước tạo sự nhẹ nhàng thướt tha, tạo nên nét kiêu sa duyên dáng, nhưng thùy mị dịu dàng.
Áo dài, trang phục truyền thống trải qua bao nhiêu thời đại dù có biến đổi ít nhiều, nhưng căn bản vẫn là phần trên theo sát với đường cong của thân người, phần dưới chia làm hai vạt trước sau bởi hai đường xẻ dọc theo chiều cao của đôi chân chí tới vòng eo; dù tà nam hay tà bắc, dù eo thắt hay eo suông.

Thời Đệ Nhất Cộng Hòa, Bà Trần Lệ Xuân, phu nhân Ông Ngô Đình Nhu, có lẽ để thích hợp với khí hậu của miền nhiệt đới, đã thiết kế canh tân chiếc áo dài cổ truyền bằng cách bỏ đi phần cổ cao tạo nên cổ thuyền, cổ hở, cổ khoét; nhưng toàn thân không thay đổi, phần trên vẫn theo sát đường nét của thân người, phần dưới vẫn là hai vạt trước sau.
Khoảng đầu thập niên 1960, một nhà may ở Sài Gòn, đưa ra kiểu may áo dài với cách ráp tay Raglan, kiểu này nhằm tránh được những đường nhăn hai bên, dưới tay; hàng cút bấm bắt từ cổ chéo xuống nách và chạy dọc theo hông, làm làn vải ôm sát theo đường cong của thân người, tăng thêm tính thẩm mỹ, và duyên dáng.

Đặc tính của chiếc áo dài là hổ trợ nên nét dịu dàng, lịch sự, và thùy mị cho người phụ nử Việt Nam.  Đức tính dịu dàng thùy mị là đức tính giành được sự quí trọng cho người phụ nử; đức tính nầy còn biểu lộ nên nền lễ giáo, nề nếp cổ truyền của dân tộc.  Thế nên màu sắc thích hợp cho áo dài là màu nhạt, nhẹ nhàng; càng đơn sơ càng tăng thêm vẽ trang nhã và lịch sự cho người mặc.  Màu sắc sặc sỡ, lòe loẹt, chói mắt chỉ tạo nên phản cảm và làm mất đi thiên chức cao quí của áo dài, là biểu lộ nên đức tính cao quí của người phụ nử Việt Nam.


Đi đôi với áo dài là chiếc quần rộng, dài đến gót chân, cùng là hàng lụa mềm, nhưng chỉ với hai màu đen và trắng.  Đặc điễm hai màu đen trắng và kích cở của chiếc quần làm tăng thêm nét dịu dàng, duyên dáng; đồng thời biểu lộ đức tính kín đáo, nết na, thuỳ mị, đằm thắm của người phụ nử Việt Nam.  Hàng lụa mềm, ống quần dài rộng giủ nhẹ theo bước chân, phất phơ nhẹ nhàng như hổ trợ, như hợp tác cùng tà áo để tăng thêm nét dịu dàng quyến rủ cho bước chân của người phụ nử.

Ngày 20 tháng 3 năm 1947 Hồ Chí Minh với bút hiệu Tân Sinh trong bài viết “Đời Sống Mới”, đã kêu gọi, hô hào, vận động người dân miền Bắc bỏ áo dài thay bằng áo cộc; để tiết kiệm vải, để tiện dụng trong việc lao động sản xuất phục vụ đảng và để giống ... đàn bà Trung Cộng.  Trong suốt thời gian tại miền Bắc, y phục cố cải biến theo “đời sống mới”, để cố theo kịp con cháu Mao Trạch Đông, thì tại miền Nam là thời kỳ phát triển.


Song song với thời gian “thắt lưng, buộc bụng” từ vĩ tuyến 17 trở ra; thập niên 60 và những năm đầu thập niên 70, là thời kỳ cực thịnh của sự phát triển tại miền Nam.  Phát triển mọi mặt: tự do, dân chủ, kinh tế, chính trị, giáo dục, văn học, khoa học, nghệ thuật, văn hóa, tư tưởng, công nghiệp, kỷ nghệ ....  Trong thời gian nầy, tại miền Nam áo dài tung bay phơi phới khắp nơi từ thành thị tới thôn quê, từ trường học tới phố phường, thôn xóm.   
Nhìn áo dài tung bay rộn rã khắp miền Nam người ta thấy được sự thoải mái của tinh thần, sự phồn thịnh của kinh tế, sự phát triển của giáo dục; người ta còn thấy được sự mở mang tư tưởng, trình độ nhận thức của người dân trong xã hội tự do, bình đẳng.  Người ta có thể hình dung ra được tâm hồn phóng khoáng, hồn hậu, tự tin của người dân trong một thể chế chính trị phục vụ quốc gia dân tộc; cùng lúc người ta thấy được nền đạo đức nhân bản cổ truyền được tôn vinh tại miền Nam qua sinh hoạt và trang phục.

Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, miền Nam bị cưỡng chiếm; buổi đầu, trước sức hung hãn của hận thù và cướp đoạt; trước cường quyền, bạo lực, áo dài bị tạm thời xếp tủ.  Thời gian sau, theo lẽ tự nhiên, cái đẹp luôn luôn thắng cái xấu; sự tiến hóa luôn đào thải những điều hủ bại; nghệ thuật đạp đổ sự vụng về, thô thiển.  Áo dài lại xuất hiện.  Thế nhưng, trong một xã hội chụp giựt nhố nhăng, đạo đức tha hóa; áo dài bị cải biến một cách cường điệu, hấp tấp, thiếu chuẩn mực; làm mất đi nền tảng căn bản của y phục cổ truyền, của y phục đã được mệnh danh là quốc phục.   Áo dài là y phục truyền thống, là sản phẫm của văn hóa, là tượng trưng cho tâm hồn của dân tộc đã bị cải biến một cách đột phá, cưỡng bức, thô bạo ....
 Nhìn những người phụ nử trong nước và cả ngoài nước mặc những áo dài cổ sơ mi, tay cộc sát nách, tay trần tay áo, cút cài giữa ngực, xẻ lưng, xẻ bụng, vạt xéo, vạt ngắn vạt dài, vạt trước chẻ hai, vạt sau lượt thượt kéo lê, thắt đai ngang bụng, thắt nút sau lưng, vai phùng, vai hở ... .  Nhìn những người phụ nử mặc áo dài với quần xanh, quần vàng, quần đỏ, quần cộc, váy ngắn, bue jeans ... .  Hình vẽ, sơn phết màu mè lòe loẹt...;   người ta cũng hiểu rằng đó là áo dài.  Nhưng, không phải là áo dài Việt Nam!
Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, chúng ta mất nhiều vậy sao ?  

 DUNG NGÃ